Bài bình: Trường ca NGỠ MẮT MÔI XƯA của Võ Thạnh Văn
Bài bình: Trường ca NGỠ MẮT MÔI XƯA của Võ Thạnh Văn (Phù hư Dật sĩ) “CHÍN RỤNG TRÁI SẦU” – Bài cảm nhận của Ngã Du Tử. (Phần 5 Trong tập trường ca của thi sĩ Võ Thạnh Văn)
Mỗi đời người trên thế gian này, thuở học trò, nhất là thời học trung học đệ nhị cấp – tuổi biết yêu, chắc chắn ai cũng ngấm nghé, để ý và ấp ủ một đối tượng khác phái. Đó là lẽ tự nhiên của loài người. Dường như, “Ai cũng nhớ buổi đầu non nớt ấy / mãi theo chân nhưng chưa dám tỏ tình.” Chính chuyện mãi theo em, mãi ngập ngừng… nên nhớ hoài môi mắt người xưa, một đời mộng mị không phai. Rồi bất chợt, sau nầy, hôm nào đó, có một bóng hồng thấp thoáng giống như ngày ấy, tức thì tâm thức bừng sống dậy và hình bóng xưa mờ ảo hiện về. Lòng thi nhân chợt bừng bừng nở và cảm xúc thơ chảy dài như suối, lan toả ra tận đại dương tình bất tận. Từ ấy, với Võ Thạnh Văn, “NGỠ MẮT MÔI XƯA” ra đời? Với trường thi tình ca như khúc biến tấu vang vọng trong tâm thức hiển thị thành ngôn ngữ. Sao mà thú vị vậy thi sĩ ẩn dật Phù Hư?! * * * * * Ta đi dần vào chi tiết. Với phần 5/12 (NMMX có 12 phần, mỗi phần có 10 khổ thơ), Ngã Du Tử - kẻ viết bài nầy, cảm nhận như thiên tình sử diễm lệ ấy mãi bềnh bồng trôi theo nhịp sóng đời, nhẹ nhàng mà tha thiết, dịu êm và có chút gì luyến tiếc một thuở ngây ngô xưa xa, rồi cứ vỗ vào bờ trái tim trong tâm hồn thi nhân, hình bóng kiều lộng và kiêu sa. Cái kiều lộng ấy cũng đủ khả năng làm cho đá tảng sơn động cũng si mê, cũng ngỡ ngàng chớp dựng hàng mi. Trăng là trăng dậy thì, thuở nàng 15. Nhưng, đó là trăng giai nhân, trăng tri kỷ. 41. thuở trăng dậy thì dáng em kiều lộng ta hé cửa động đá dựng hàng mi Cái thú vị của thi sĩ họ Võ là để ý đến và nhớ từng nét trên khuôn mặt của bóng hồng xưa ấy. Má em ngày đó có 2 lúm đồng tiền chín mọng, nói cười mặn mà, duyên dáng… Niềm vui ấy thi nhân mãi mang theo một đời, cho đến giờ phút nầy, còn đọng lại đầy ắp trong tim, để nhớ hoài một bóng hồng thuở nọ. Nàng, nếu không là giai nhân diễm tuyệt cũng là một thục nữ kiều mị, nếu không là quốc sắc thiên hương thì cũng là thuyền quyên, dáng hạc… để chàng thi nhân còn thương còn tiếc, nhớ mãi bên đời, dù trải qua bao gập ghềnh sóng gió. 42. má đồng tiền đôi lúm sâu chín mọng niềm vui còn đọng đầy ắp mắt môi Buổi hẹn hò ấy có lẽ chưa tỏ bày điều gì chăng?! Hay chỉ nhìn ngắm dáng em vui vầy cùng bè bạn trong sân trường rồi mộng mơ và đúc kết thành tình nồng thắm trong ngăn tim ấp ủ của thi nhân? Khi hồi trống trường vang vang, em vào lớp, ôi chao nặng trĩu “tình ai ấp ủ,” trong sáng như pha lê thuở mới biết yêu. Lãng mạn và đẹp vô cùng. Rõ ràng thế hệ thi nhân và tôi, tình yêu học trò thuở ấy sao mà tuyệt thế, cứ mãi ngập ngừng không dám ngỏ lời yêu, dường như sự thiêng liêng ấy chúng ta không dám đụng đến, sợ sẽ vỡ một điều gì vô cùng hệ trọng. Trái tim non nớt ngày xưa quả là đáng quý, đáng yêu một thuở… nhưng đáng trân trọng suốt khoảng đời người. Cái đẹp tinh thần ấy làm sao thời đại này còn có được?! Có lẽ vì thời buổi ấy, chúng tôi được học về đạo, đức, lễ, nghĩa… khá đầy đủ, được hun đúc đều đặn trong mỗi cấp học?! [Có người nói rằng, mỗi thời một khác. Bây giờ hiện đại, sẽ khác thời các anh. Đúng. Mỗi thời một khác nhưng đạo đức chuẩn mực làm người thiện lành, mực thước thì không thay đổi. Tất cả đều do giáo dục mà ra cả. Gìn giữ và phát triển vô cùng khó. Một nền giáo dục tệ hại sẽ phá hoại chuẩn mực ấy. Sở dĩ bây giờ tình yêu tuồi học trò bị “ô nhiễm” trầm trọng, bởi sự giáo dục công dân, đức dục quá tồi tệ. Nhân cách của mỗi cá nhân hình thành bắt đầu từ vỡ lòng, tiểu học đến trung học…]. Với khổ thơ 43 nối tiếp, “hồi trống tựu trường nặng trĩu và tiếng guốc sầu vương” cho trái tim non ai ấp ủ bấy lâu trong im lặng đợi chờ. Tiếng trống tụu trường, rồi tiếng trống vào lớp sao mà nặng trĩu. Tiếng trống giục giã làm ngẩn ngơ nuối tiếc lòng trai. Tiếng trống nặng nề, ể oải như quyện với sương mai đặc quánh sân trường. Chẳng những lòng trai khắc khoải mà lòng cô gái nữ sinh cũng như sầu vương trĩu nặng qua từng tiếng guốc. Đó là sự đồng cảm của hai con tim rung động vì nhau. 43. hồi trống tựu trường ngậm sương nặng trĩu tình ai ấp ủ tiếng guốc sầu vương Tình tự trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa” tiếp diễn, chúng ta mới thấy“tiếng trống tan trường thơm mùi nắng quái,” làm gì có trên thế gian này, nếu không phải là thi sĩ cảm nhận. Chỉ có giới thi nhân thực sự mới khám phá được điều vi diệu đó. Khổ thơ này là một thi ảnh tuyệt vời, một bức hoạ lung linh, một chân dung lấp lánh nét lãng mạn vi tế. Gót hài nào chẳng gõ xuống mặt đường, nhưng “Gót hài ai ngại / gõ đau mặt đường” mới là việc đáng nói. Nếu tiếng trống tựu trường nặng nề đẩm sương mai, thì tiếng trống tan trường đầy phấn khích, thơm mùi nắng quái hoàng hôn. 44. tiếng trống tan trường còn thơm nắng quái gót hài ai ngại gõ đau mặt đường Quay lại từ khởi đầu, khổ thơ #1 trong “Ngỡ Mắt Môi Xưa” của thi sĩ họ Võ, ta mới hiểu nỗi hoài vọng cũ còn lênh láng phù sa do tâm hồn nuôi dưỡng, đợi chờ bóng hồng xưa vẫn reo ca réo gọi, tưởng như thời gian chẳng thể xóa nhòa dĩ vãng: “ngỡ mắt môi xưa / về trong nắng nhuộm/ sân trường phượng ướm/ màu phấn son đưa.” Tiếng guốc bỏ lớp bỏ trường ra về của người con gái càng ái ngại cho nỗi cách xa một đêm chờ ngày mai đến lớp… Vì thế mà ngày thu tựu trường, khi cánh phượng hồng còn luyến tiếc đợi chờ đàn bướm trắng thân yêu ngày nào quay về, làm rộn rịp mùa thi phượng nở khoe rực sắc màu. Khi tiếng trống giục giã mùa khai trường… chàng học trò lãng mạn si tình bèn giấu vỡ, lặng nhìn dáng em ngày nọ sau 3 tháng đợi chờ như thế nào? Khi lòng chàng đã chín ủng –sau 3 tháng hè tạ từ trong xa cách, dẫu là thơi gian xa cách tạm thời… 45. buổi phượng sân trường rơi từng cánh đỏ ngày ta giấu vở sau chậu quỳnh hương Tuy 3 tháng hè xa cách tạm thời, nhưng lòng nhớ thương mong ngóng tích luỹ từng ngày trong 90 ngày đằng đẵng. Chỉ chừng ấy ngày tháng đau đáu nhớ thương … cũng đủ khiến lòng thi nhân chín ủng, chín héo, chín bói, chín mùi, chín rụng… Nhưng, tâm tình của kẻ đang yêu đẹp quá, thơ mộng quá, đầy ắp những suy tư đắn đo bồi hồi lãng mạn. Ba tháng hè nắng cháy, lòng chàng vẫn cảm thấy nặng nề ướt đẫm sương sớm… mà mấy thuở của nghìn sau còn thơm ngát hương trầm. 46. từng giọt đông sương đọng trời nước sũng lòng ta chín ủng mấy thuở trầm ương Cho đến bây giờ, thời gian và không gian đã qua lâu rồi, chẳng biết đã bao nhiêu mùa luân lạc cách chia?! Tình đã chín ủng từ thuở tóc còn xanh, với trầm tích thời gian bao thuở “trầm ương,” vẫn còn nhớ hoài một thời ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Dù là “ai” đi nữa, trong 2 chủ thể, chàng và nàng, chắc chắn như phấn hương thi ca, sực nức mùi thơm thoảng dịu quá khứ thuở học trò hoa mộng. Đẹp và thơ mộng quá phải không các bạn yêu thơ? Chia cách, trắc trở, đau thương… đã dệt nên những vần thơ, những vần thơ đẹp long lanh đầy sắc, hương, nhuỵ, phấn… 47. ai đã ngẩn ngơ sau giờ tan lớp bướm ong cánh chớp rải phấn đầy thơ “Một thuở qua cầu / lòng ta chia nhịp”? Tại sao không chung nhịp mà chia nhịp? Thì ra định mệnh nghiệt ngã. Thì ra con tạo khéo trêu ngươi? Cầu Ô Thước xưa, Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ mỗi năm một lần gặp nhau khi đàn quạ về bắt nhịp cầu tình yêu mỗi mùa Ngâu đến. Có lẽ tác giả cũng đã thấu hiểu tường tận sự “đành hanh quá ngán / chết đuối người trên cạn… (Ôn Như Hầu) nên chẳng oán hờn, buồn giận khi “tình mỏng đẻ non / nghĩa dày thiếu tháng.” Tác giả chỉ ghi lại và giải bày cảm xúc một thuở môi mắt người xưa, để trải lòng cùng chư bằng hữu, rằng tại sao “em về cầu ván / rẻ lối rêu mòn.” Thì ra, con người dù cố gắng đến đâu cũng không thể cưỡng cầu khi định mệnh sắp bày như thế. Một sợi tóc rụng cũng có số phận của riêng nó trong Tân Ước Kinh). Đó là lẽ “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” trong Kinh Dịch. 48. thuở đó qua cầu lòng ta chia nhịp cho tình vừa kịp chín tới mùa ngâu Rồi kết thúc của cuộc tình, tuy không phải là một đoạn kết có hậu kiểu “Happy Ending,” như giới văn học Âu Tây chủ trương. Cuối cùng rồi mỗi người một ngã, đường đời hai hướng xuôi ngược. Một khi lối rêu mòn đã rẻ nhánh, nàng, về qua cầu ván. Có lẽ từ đó nàng rời sân trường. Phận gái một phương. Chính chuyên là thước đo chuẩn mực cho cuộc sống, cho hạnh phúc, cho bổn phận, cho tam tòng tứ đức. Nàng, lấy công dung ngôn hạnh làm kim chỉ nam. Còn chàng, về đâu?! Làm trai, bước đường vô định. Làm trai, mười phương tám hướng làm nhà. Làm trai, tha phương đất khách. Làm trai, một đời luân lạc, nổi trôi bồng bềnh. 49. tình mỏng đẻ non nghĩa dày thiếu tháng em về cầu ván rẻ lối rêu mòn Từ buổi ấy dường như hồn thi nhân du mục, du cư… Lúc thì lãng đãng trên chon von đèo dốc, treo tình trên vách núi: lúc thì bềnh bồng theo mây chiều ráng nắng, lúc theo sương vờn bãng lãng cùng hoàng hôn ngậm ngùi. Hoặc như khói động non ngàn thả hồn theo cuộc tình hồng một thuở mắt môi áo trắng còn vương vất sân trường… Mà thời gian không thể phôi pha vọng về từ tâm thức phiêu lãng… rồi chảy dài cùng suối thời gian âm ỉ bất tận trong cuộc đời này. Đẹp, tuy trầm luân khắc khoải tơ tưởng, ngóng mong… 50. từng bước chon von mây chiều nắng ráng sương vờn bãng lãng khói động đầu non * * * * * Kết: Quả tình, thi sĩ Võ Thạnh Văn và trường thi Ngỡ Mắt Môi Xưa, trong thi ca Việt Nam, xưa nay hiếm.
Ngã Du Tử viết tại Sài Gòn Tháng giêng/ năm Nhâm dần (2022).
Truyện ngắn: BẮT ĐẦU (Tặng nhà giáo, nhà văn CN) - Anh à, làm sao chứ trẻ nhỏ khóc quá vì đói. Anh cảm thấy chua xót trước thực tại. Vắt tay trên trán nằm ngữa nhìn lên trời cao. Trời vẫn màu xanh, mây trắng yên bình nhưng lòng ông dậy sóng. Sau những ngày ở trại về ông dự liệu cho mình và gia đình gian nan còn rất dài phía trước. - Anh à, làm sao đây? Tiếng nói lớn của vợ làm ông sực tỉnh. - Em chạy sang nhà bác Hai mượn đỡ lon gạo về nấu cho con ăn đỡ đói - Anh à, em mượn từ chiều nhưng nhà bác không có. Bác trai đã đi vay người anh em ở huyện từ hôm qua, sáng nay chưa về. ... Trời tối mặt người không nhìn rõ, anh cùng chị vợ cố liều lấy trộm chiếc máy bơm nước Koler của Hợp tác xã nông nghiệp. Chắc sẽ có tiền mua gạo đủ tháng no cơm. Lặng lẽ, đi nhẹ như mèo đem đến tiệm sửa máy nước bán lấy tiền mua gạo. (Tất nhiên anh đã điều nghiên kỹ lưỡng và nói với vợ cặn kẽ), Nào ngờ thằng bạn chủ tiệm ở làng nó biết hoạch tẹt: - Trời đất, Tao không mua được. Máy này của HTX là máy hầm bà lần, hồi ấy, tao ráp toàn đồ hợp chủng quốc, bán cho HTX chạy tăng cường nước vào mùa hạn năm ấy. Tao mua dễ bị ở tù lắm. Mày trả lại vị trí cũ đi. Thôi thế này: - Tạo cho vợ chồng mi mượn đỡ tiền về giải quyết khó khăn, thiếu đói. Khi nào có trả tao. Vợ chồng anh vừa mừng, vừa sợ, vừa lo. Tuy vậy anh vẫn bình tĩnh. Lần này hai người nhanh chân khiêng máy nước ném xuống ao, phi tan. Khoảng 3 giờ sáng cả hai về nhà với niềm vui và nỗi buồn chen lẫn. Lần đầu tiên trong đời anh táo tợn kinh khủng vì...con đói. Với anh cả hàng trăm lần đói như thế nhưng chưa bao giờ có ý niệm bất lương. Nó dày vò tâm hồn anh đến mức ngoài tưởng tượng từ lúc làm người. Tin HTX bị trộm máy nước nhanh chóng được loa phóng thanh thôn rao ơi ới. Cả làng hoang mang lo lắng. Không biết ai cả gan, bị du kích bắt ở tù như chơi. Đến mấy tháng sau không có động tĩnh gì, chẳng biết thủ phạm lấy cái máy Koler là ai. Gia đình anh vẫn bình an, nhưng lòng anh ngỗn ngang, cả đời lương thiện, mỗi một lần vì con đã liều lĩnh táo tợn một việc tày trời. Chỉ có anh và đất trời mới hiểu được sự hy sinh - hy sinh cả danh dự làm người chỉ vì con. ... Anh rời quê hương vào vùng Kinh tế mới tự túc An Viễn, Đồng Nai. Đến vùng đất mới tâm hồn như cởi bỏ một vật nặng ám ảnh, có lẽ đây là vùng đất dưỡng nuôi gia đình anh. Đất cũ đãi người mới: “Đồng Nai gạo trắng nước trong/ Ai đi đến ấy lòng không muốn về”. Nhiều người cùng quê đi trước yêu mến, hướng dẫn ông buôn bán để may ra đời sống đỡ khổ hơn. Cả đời xé sóng biển, oanh liệt lênh đênh khắp miền, giúp đỡ biết bao nhiêu con người, đến đâu ai cũng quý mến tính thật thà và nghiêm nghị ở anh. Khi trở về đời sống thường nhật từ trại ra, anh lúng túng, khó khăn mọi bề vây bủa. Người phụ nữ tốt bụng cạnh nhà bày vẻ anh: - Anh à, buôn bán như em cũng sống được chứ làm rẫy vất vả nhưng mình không quen, khó lắm. Tướng anh như quan, làm sao anh chịu nổi. Mùa tiêu, Sài Gòn đắc lắm đi lọt được năm, mười ký tiêu mua gạo đủ cả tháng ăn. Tôi cho anh mượn vốn. Chị bạn bên nhà chân thành nói với anh. - Tôi đi cùng chị xem sao. Chị bảo: "Anh mặc quần ống rộng, dễ cởi ra" . Đỏ mặt, ngỡ ngàng anh nói: - Chuyện gì vậy chị? - Anh cứ nghe em. Rồi anh ngoan ngoãn mặc quần rộng thùng thình cùng cô bạn ấy lên đường. Đến nơi hen, chị bảo anh cởi quần. - Trời đất, em làm chi rứa? - Anh cứ nghe em, coi anh có cứng cát không?... ... Chị lấy tiêu hột áp, bó vào sau chân anh, trông đôi chân anh như phi hành gia của nhà thám hiểm mặt trăng phi thuyền Apollo 11 đáp xuống mặt trăng đầu thập kỷ 70 thế kỷ XX. Lên xe than tiến về Sài Gòn - Ngày ấy tất cả nhà xe đều độ xe chạy dầu, xe chạy xăng bằng xe than như đầu thế kỷ XX. Sự thụt lùi gần trăm năm. Trạm Ngã ba Vũng Tàu người người lao nhao, thuế vụ có lịnh chặn lại. Anh xuống xe lớ ngớ, tính ra xa gải cho đã ngứa, bởi mồ hôi đổ ra dưới chân làm ẩm tiêu nóng và ngứa không chịu nổi. Cán bộ trạm thấy anh đi xa, bèn gọi giật lại: - Anh kia, vào đây. - Tôi đi tiểu, xong tôi vào ngay. Trong tích tắc anh nghĩ phải nói sao cho họ cảm động tha cho, không thu mua. - Anh cởi quần ra. - Cán bộ à, sao lại cởi quần giữa bá quan, nhiều người? - Anh cứ cởi quần ra Tiếng nói của cán bộ như xé vào tai những hành khách. Vài người bật cười chế giễu vừa xót thương. - Anh cởi quần ra, kiểm tra. Anh cởi quần và người nhân viên thuế vụ phụ mở. - 6 kg tiêu, anh đi buôn. Bọn buôn nhiều mưu kế, nhưng chúng tôi không thua bọn họ, Mỹ chúng tôi còn đánh thắng huống hồ bọn buôn, anh cán bộ trạm hiu hiu tự đắc. Anh chẳng thiết tha gì cúi xuống gải một trận cho đã sướng. Kệ mẹ, thua keo này, bày keo khác. Tuy vậy, anh năn nỉ: - Tôi là giáo viên, nghỉ hè tính đi vài chuyến kiếm ít đồng mua gạo cho con. Tụi nhỏ nó ăn mì ngán cả bản họng - Giáo viên à? Có chế độ, còn đi buôn vi phạm chính sách. Lập biên bản. Tịch thu! Buổi đầu đi buôn với chị thất bại, lại mang nợ chị, cảm ơn lòng tốt của chị. Tôi nhớ mãi vụ này, anh đến gần chị nói thật khẽ. - Tính sau anh à. Cả chị nữa, chuyến ấy tay không trở về. Lòng anh buồn rười rượi, chị cũng chẳng thua gì, ai không xót khi mất cả chì lẫn chài dù đã cố gắng tận nhân lực, đâu phải cố gắng là được. ... Anh và chị bạn đón xe quay về. Chị hiểu được chuyến mở màn bị quét sạch no ấm của gia đình nhà anh. Chị nói: - Lần sau mình đi hướng Cát Lái. Chắc ăn hơn tuy nhiều vất vả vì đường khó đi. Ngõ vào nhà anh như dài hơn, đôi chân nặng nề hình như còn 6 kg trên đôi chân mỏi. Trưa nắng nóng, không một chút gió, oi bức lạ thường. Anh lẫm nhẫm: Thất bại là mẹ thành công. Không thể nãn lòng đươc, mới chỉ một lần thất bại. Anh sẽ trải nghiệm lần nữa cùng chị. Chỉ là mới bắt đầu cuộc sống tha hương . Đất trời sẽ ban tặng cho ai nhiều tận tụy và nỗ lực trước những gian nan, đắng cay, có cả tủi nhục. (Ba mươi năm sau, anh là một doanh nghiệp khá giả, khi trà dư tửu hậu anh kể lại, vài người yên lặng lắng nghe .Có đôi mắt ướt, lệ rơi xuống bàn vì xúc động một thời sống không bằng chết). Hữu khổ thành thân. May thay, tất cả đã trôi xa, nhưng sẽ chẳng bao giờ quên với con người anh. NGÃ DU TỬ/ SG
SÔNG ƠI, VẪN CHẢY NGỌT NGÀO Ta về thăm lại dòng sông bình yên góc đoài sang đông âm thầm cùng nguồn nước chảy chở thêm mầu mỡ ruộng đồng Tình sông ngọt ngào đất Mẹ lòng sông mây giỡn ban ngày chiếc lá vô tình rơi khẻ làm chao mây trắng, ô hay Cánh đồng xanh đùa sóng lúa hòa cùng gió nhẹ lao xao tiếng chim chiều khua tĩnh mịch sông mang giọt nhớ chảy vào Ra đi bao lâu sông nhỉ? ngày về còn trắng đôi tay nói gì với sông yêu dấu đời lên mai mốt có ngày Trở về quê hương làm khách nao nao viễn xứ tấc lòng quê ơi! còn nhiều trăn trở trang đời viết mãi chưa xong Chiều lên quê mình xinh quá chở trăng lãng mạn giữa dòng hôn lên đất quê tạm biệt sợ trăng vỡ dưới lòng sông NGÃ DU TỬ/ SG
Trân trọng giới thiệu bài nhận định tập truyện ngắn & ký: GIÓ BÊN TRIỀN SÔNG VẪN THỔI của Phạm Ngọc Dũ VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ - CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN Trước khi khai thác về văn truyện của anh, tôi xin giới thiệu đôi dòng về nhà văn Phạm Ngọc Dũ (PND). PND sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi. Hiện sống và viết tại tp HCM. Tôi gặp anh trong những buổi sinh hoạt, ra mắt sách của anh chị em văn nghệ sĩ thân thương trong Thành phố. Ấn tượng của tôi về anh là một con người hoạt bát, năng động, hết lòng với công việc và gia đình, yêu văn chương, nhiệt tình tâm huyết với chữ nghĩa, sốt sắng với đồng nghiệp, bạn bè hay bạn đọc bạn viết. Được biết tới anh trong vai trò chủ biên của tạp chí Sông Quê, từng làm báo, viết văn và làm thơ. Từ năm 25 tuổi (1982) anh đã vào Saigon bắt đầu tìm kiếm cơ hội thử sức mình với tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết ở vùng đất hứa bậc nhất của Việt Nam. Sau khi lập gia đình vào năm1984, gia đình anh nhập cư hẳn tại thành phố HCM với công việc đầu tiên ở nhà văn hóa Quận Bình Thạnh, sáu năm sau, bắt đầu sự nghiệp báo chí, làm thơ, viết văn.. Như vậy anh đã gắn bó Saigon hơn bốn mươi năm, Saigon cho anh cơ hội và cũng nhiều thử thách buộc anh phải vượt qua. Những trải nghiệm, những thăng trầm, vui buồn của cuộc sống đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong thơ, văn của anh. Tính đến nay, đã xuất bản được sáu tập thơ với bút danh Ngã Du Tử (trong đó có bốn thi phẩm in riêng, hai thi phẩm in chung). Nay anh xuất bản tập văn truyện đầu tiên có tựa đề: Gió Bên Triên Sông Vẫn Thổi là tập Truyện ngắn và Ký (Nxb Hội nhà văn, quý IV, năm 2023) Quả thật văn truyện của anh được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố trữ tình và tự sự đan xen. Không cầu kỳ làm dáng văn chương, anh nghĩ sao viết vậy chân chất như chính con người anh. Xuất thân là học sinh chuyên toán nhưng anh lại rẽ lối vào văn chương như một cái duyên. Có lẽ nghề chọn người chăng? Trong những năm làm báo, đi đây đi đó tác nghiệp để làm phóng sự, cũng là những dịp để anh quan sát và trải nghiệm thực tế cuộc sống. “Đi, đọc và viết” là sở thích cũng là điều kiện cần để nhà văn tích lũy vốn sống để làm thơ và viết văn. Trải qua những thăng trầm dâu bể cuộc đời của chính nhà văn, anh đã tái hiện cuộc sống lên trang viết, mang hơi thở của thời đại. Đó là những hồi ức, chiêm nghiệm, cả những trăn trở suy tư và tư tưởng nhân văn là thông điệp anh muốn gửi gắm cho người đọc trong tác phẩm. Tập văn truyện gồm có hai mươi câu chuyện. Sau mấy ngày nghiền ngẫm tác phẩm mới ra lò còn nóng hổi của anh đã đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc. Mở đầu là lời bộc bạch của tác giả với bạn đọc, tiếp đến gồm mười sáu truyện ngắn và bốn bài ký, cuối sách có lời bạt của nhà văn Nguyễn Châu. Mỗi câu chuyện đề cập đến một vấn đề của cuộc sống, có sức gợi.Tất cả được hình thành từ khả năng quan sát tinh tế, chan chứa lòng nhân ái đa mang của người cầm bút. Từ hiện thực cuộc sống- nhà văn có những ẩn ức, những suy nghiệm để kể với cuộc đời cũng cho thấy trách nhiệm của người cầm bút mà nhà văn tự nguyện gánh vác. Như chúng ta đã biết, văn học phản ánh cuộc sống. Đối tượng của văn học là con người, dĩ nhiên có nói đến sự vật, cảnh vật đi nữa thì để đề cập đến con người. Vì vậy trước hết nói về thế giới nhân vật trong truyện ngắn và ký của nhà văn, không ai xa lạ mà là những người gần gũi thân quen với tác giả. Đó là người thân, bạn bè và cả chính người trong cuộc hay những người nhà văn có duyên gặp gỡ trong đời: những người nghèo, trí thức nghèo như nhà giáo trong giai đoạn hậu chiến, hay hiện tại, những mảnh đời lao động chân chất như thợ đào vàng, người bán vé số. Bằng cả trái tim của người cầm bút, anh quan tâm nhiều phận đời, cả những số phận gặp nhiều thua thiệt đã và đang vật vã mưu sinh trong bộn bề cuôc sống. Anh đau đáu với từng số phận con người kém may mắn. Rung cảm trước hiện thực cuộc sống và bằng tấm lòng yêu thương con người là chất liệu để anh hình thành nên tác phẩm văn học. Vì vậy khám phá nội dung từng câu chuyện, chúng ta thấy được bóng dáng của tác giả lúc ẩn, lúc hiện trong trong tác phẩm. Dòng đời ghi dấu ở tuổi ấu thơ, tuổi trưởng thành đầy ước mơ hoài bão hay khi vào đời, sau chiến tranh, thời bình. Những khó khăn phải vượt qua, những hoài niệm ngược về quá vãng chưa xa. Dưới ngòi bút của anh, các nhân vật hiện ra rất quen, gần gũi, chân chất tưởng như chúng ta đã gặp họ ở đâu đó. Nhân vật trong truyện ngắn của PND có thể là nguyên mẫu ngoài đời hay hư cấu hoàn toàn hay hư cấu phần nào. Đôi khi cũng có thể là cái bóng của tác giả. Các số phận con người đó có dẫu vất vả nhưng vẫn suy nghĩ tích cực, ánh lên nét lạc quan có khát vọng sống. Đó chính là điểm sáng mà nhà văn hướng đến những điều tốt đẹp cho nhân vật của mình. Tác phẩm còn khắc họa rõ nét tình đời, tình người cao cả. Truyện Thầy Giáo Làng, Tình thầy Nghĩa Trò là câu chuyện được thức dậy từ ký ức. Ở đó hình ảnh người thầy hiện ra thật cao quý. Thầy dạy trò những bài học tri thức khi thời cuộc biến thiên, trò gặp trắc trở khi đang chán nản và tuyệt vọng may mắn gặp lại thầy gặp thầy như gặp vị cứu tinh. Thầy động viên và khuyên nhủ: “…với tuổi các em được học tập là điều hạnh phúc nhất, thầy biết em là cậu học trò chăm, rất nổ lực trong học tập, thế nên em hãy gắng thêm tý nữa… đừng thấy khó mà mau chân lui, ta cứ tiến trên đường dù còn …quá nhiều lực cản”. Bằng kiến thức và kinh nghiệm thầy đã đưa ra những lời khuyên thật chí lý, từ đó trò như có được cái phao, như liều thuốc bổ, tăng thêm nghị lực cho trò, mở hướng đi cho trò và trò đã thành công. Kính trọng thầy, biết ơn thầy, sau bao năm bôn ba mưu sing nơi đất khách, trò trở về mong gặp thầy nhưng thầy đã đi xa để lại cho trò nỗi ngậm ngùi, thương tiếc không nguôi. Hình bóng các bậc tiền nhân trong gia đình anh với thú vui tao nhã uống trà qua câu chuyện: Ấm trà đêm giao thừa, người đọc thấy được một nếp nhà với vẻ đẹp có truyền thống văn hóa. Ý nghĩa của việc thưởng thức trà vừa là nghệ thuật thưởng ngoạn trong đó không khí ấm cúng của các thế hệ trong gia đnh, có niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình có truyền thống nho nhã, thuận hòa, nề nếp. Bóng dáng tác giả thuở ấu thơ chăm ngoan học hành, ngộ nghĩnh, dễ thương qua các câu chuyện: Làm báo tường, Ba thằng bạn. Tình yêu thiên nhiên thể hiện trong truyện Trăng Xuân (trang 7-130). Ở đó có vẻ đẹp của ánh trăng nơi quê nhà mà đôi khi bôn ba cuộc sống chốn thị thành, ánh trăng tạm ngủ yên trong tiềm thức, khi có dịp hạnh ngộ quê nhà với bạn bè, được ngắm ánh trăng thanh nơi thôn dã là một thú vui tao nhã, không dễ gì có được nơi đô thị phồn hoa. Truyện bức tranh treo trên tường đề cập đến giá trị của nghệ thuật hội họa, lồng vào đó là một chuyện tình, dẫu rằng không đi đến đâu, nhưng người được tặng bức tranh tự nguyện tôn thờ một tình yêu vô vọng, mặc tuổi xuân đi qua. ở đó toát lên được tình yêu nghệ thuật không có gì so sánh nổi. Câu chuyện để lại chút tiếc nuối, nhưng cũng như cuộc đời, hạnh phúc có bao giờ trọn vẹn. Truyện Khai trường em không còn đi học, nụ hôn của Ngỗng, Vàng Máu. Anh đau đáu với những phận nghèo, số phận người lao động trong dịch covid 19, vất vả điêu linh, số phận em học trò con người mẹ nghèo bán vé số không đủ tiền để tiếp tục gieo giấc mơ chữ nghĩa. Truyện Nụ hôn của Ngỗng càng ray rứt khi những số phận quá nghèo đau ốm không đủ tiền thang thuốc, cuối cùng đành bán đi con Ngỗng, người đọc quặn thắt lòng trước cảnh cảnh chia biệt của vợ chồng Ngỗng. Loài vật cũng biết đau xót chia lìa, chạm mỏ nhau hôn nụ hôn từ biệt. Thật cảm động. Truyện Vàng máu đề cập đến nỗi vất vả, cay nghiệt của số phận người thợ đào vàng. Đúng là vàng đặt bên cạnh máu, vàng phải đổi bằng máu, bởi hoàn cảnh lao động khắc nghiệt quá: Môi trường lao động không an toàn, tai nạn sập hầm chết người tang thương, thiếu thốn không manh chiếu bó thây, nhờ chiếc áo còn lại của ba người thợ tiễn anh thợ nghèo về nơi chín suối mà không khỏi day dứt thương tâm cho cả số phận của mình. Truyện Niềm mơ cái ghế bằng nghệ thuật nhân hóa, anh kể về tâm sự của một cái ghế (lồng vào đó lên án nạn phá rừng lấy gỗ, làm hại môi trường tự nhiên). Truyện này yếu tố mang tính thế sự anh lại chuyển góc nhìn đến tầng lớp khác, nhưng người đang có nhiệm vụ chăn dân tại một địa phương, với những tính toán tham nhũng đang làm nghèo đi xã hội. Tuy nhiên anh vẫn gửi gắm một ước mơ, có những bậc thanh liêm, yêu dân như con sẽ xây dựng quê hương ngày càng phát triển phồn thịnh hơn! Những bài ký là những bài anh viết về các chuyến đi thiện nguyện, những tấm lòng thiện lương của những người bạn giàu nhân đức, có tâm hồn đẹp, sống hết mình với tình yêu và lòng bao dung. Rồi những chuyến tham quan các di tích lịch sử. Ở đó có tình người, có vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, niềm tự hào bởi những chứng tích, di tích môt thời hào hùng của tiền nhân để lại trên các chuyến đi điền dã ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc,…những nơi anh có dịp đặt chân đến với đồng nghiệp, với bạn hữu,…đều để lại dấu ấn trong các bài ký. Giọng văn chân chất, bình dị gần gũi với lời nói hàng ngày. Có những từ tưng tửng, hóm hỉnh như câu đùa vui trong cuộc sống thường nhật. Truyện ngắn của PND phản ánh một góc nhìn chân thực về cuộc sống. Nhờ những trải nghiệm của cuộc đời nhà văn và cảm quan tinh tế nhân văn anh đã kể về những số phận con người. Từ tấm lòng yêu thương, nhân ái anh viết về họ một cách rất đời, rất thực như thế! PND miêu tả nhân vật với tư cách người ngoài cuộc hay nhập vai như kể chuyện mình. Dù nhân vật nguyên mẫu hay có phần hư cấu cũng từ hiện thực mà đi vào trang viết. Làm cho người đọc cảm thấy nhân vật rất thật, rất quen như đã gặp ở đâu đó ngoài đời! Tập truyện ngắn cho chúng ta thấy nhà văn đi ra từ phía cuộc đời không ít thăng trầm. Từ đó hiện thực cuộc sống được tái hiện trên những câu chuyện. Đó là những ẩn ức, những suy nghiệm và cảm thức thẫm mỹ của nhà văn. Trong tác phẩm mỗi nhân vật ít nhiều có bóng dáng tác giả, ở một mặt nào đó hay mỗi nhân vật anh gửi gắm vài đặc điểm hình thức hay tính cách. Hình bóng tác giả- chủ thể sáng tạo trong tác phẩm, độc giả thấy một Phạm Ngọc Dũ hiện ra phong trần và lãng tử. Anh đi qua những biến động của lịch sử như một nhân chứng dâu bể, tang điền qua ngòi bút chân thực và lãng mạn và nhân ái, bao dung, có trách nhiệm với cuộc đời. Nhà văn kể những câu chuyện nhẹ nhàng theo cách của anh, là loại truyện mang tính trữ tình có lồng vào tự sự. Kết cấu truyện giản dị, ít gay cấn hay cao trào nhưng để lại không ít trăn trở, suy nghiệm. PND không xây dựng tình tiết xung đột, không có mâu thuẩn đỉnh điểm, không tạo ra nhiều kịch tính thắt nút,…mở nút gì ráo. Anh cứ bình nhiên dẫn dắt người đọc theo dõi trình tự câu chuyện .Và dĩ nhiên tâm lý con người vui có, buồn có, lo lắng, trăn trở, sống cuộc sống đời thường trong nhiều hoàn cảnh. Hoàn cảnh biến thiên, vật đổi sao dời -con người cũng trôi nổi thăng trầm nhưng có sức sống để thích nghi. Đôi khi đang trôi theo dòng cảm xúc, anh đột ngột kết thúc truyện một cách chưng hửng để lại nỗi nỗi tiếc nuối cho người đọc. Có lẽ đó anh để phần còn lại cho độc giả tùy nghi diễn giải theo trí tưởng tượng của mình. Tư tưởng của nhà văn, thông qua ngôn từ nhà văn diễn đạt: Độc thoại, đối thoại, nhân vật,…những gì thể hiện trên trang viết, nhà văn cho nhân vật nói tiếng nói của mình, để người đọc suy ngẫm bằng trực giác và sự đồng cảm của con tim. Lối kể chuyện nhẹ nhàng như câu chuyện đời thường ngày giản dị bên mâm cơm, tách trà hay ly cà phê nhưng cũng đọng lại nỗi ưu thời, mẫn thế, nhiều suy ngẫm trong tâm tư người đọc, để rồi cảm thương và soi chiếu lại lòng mình và muốn làm gì đó để góp phần cho cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn! Cuối cùng, sau khi đọc truyện và ký của nhà văn PND thì tôi nghĩ rằng: Đây là những dòng tâm sự, gửi gắm tâm huyết của anh với bạn đọc, với cuộc đời mang trách nhiệm của người cầm bút. Cuối cùng với tư cách độc giả, chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà văn PND đã quan sát cuộc sống, quan tâm thân phận con người, trăn trở, suy nghiệm và với niềm yêu thích lao động nghệ thuật, anh đã dùng ngòi bút chân thực và nhân văn để cho ra đời tập truyện: Gió Bên Triên Sông Vẫn Thổi đến với bạn đọc. Tuy nhiên góc nhìn và cách diễn tả mỗi người mỗi khác, và dĩ nhiên cách tiếp nhận của công chúng văn học đối với tác phẩm cũng khác nhau, tùy vào sở thích và tư duy thẫm mỹ của mỗi người. Mời bạn đọc khám phá tác phẩm để có cảm nhận của riêng mình Và chúng ta cũng có quyền chờ đợi những tác phẩm mới của anh trong thời gian tới.
Sài Gòn ngày 11/23/2023 Hoàng Thị Bích Hà
LỜI TRƯỚC SÁCH Kính thưa độc giả, cùng các bạn văn chương mọi miền thân mến, Văn là vẻ đẹp, chương có nghĩa từng hồi, từng chương, sự sáng tỏ được trình bày của ai đó nhằm làm rõ chủ đề trong tác phẩm của người viết. Như thế văn chương là một khúc, một chương, một tác phẩm có lời hay, ý đẹp, minh bạch, rõ ràng. Tôi làm thơ, viết văn một đời, thơ cũng đã xuất bản dăm ba tập, nhưng văn thì chưa. Lần này, tôi quyết định xuất bản tập văn để góp mặt với đời cho vui, không thể để hoài trong hộc tủ sợ rằng thời gian sẽ phôi phai, có khi thất lạc. Vốn là dân chuyên toán, mơ ước ngày ấy chỉ là một thầy dạy toán hoặc chàng kỹ sư. Dòng đời không như là mơ, qua khúc quanh thời cuộc, đầy trầm thăng đời mình, tôi bẻ lái sang văn chương, những tưởng viết như chia sớt nỗi niềm, nào ngờ độc giả cũng đồng tình thương mến, ủng hộ. Phải chăng được di truyền từ cha tôi - Ông là công chức, dạy Văn, sử địa vài trường Trung học tư thục đệ nhất cấp thời trước, ngày ấy cũng làm thơ, viết tùy bút. Dù bất cứ thế nào tôi cũng viết chân thành trong ý niệm khi cảm xúc thật đầy. Thú chơi tao nhã bậc nhất này, tôi sẽ nguyện đi hết hành trình đời mình bởi tình yêu văn chương và lòng đam mê, dẫu vẫn biết rằng: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!” Tập văn này tôi tuyển chọn nhiều truyện ngắn và ký đã đăng trong các tạp chí, những trang web văn chương như niềm vui của chính mình cùng tha nhân: “Văn chương là nghiệp đã đành Núi sông là nợ cùng xanh đôi bờ”. Thiết nghĩ, niềm vui của con chữ làm thăng hoa tâm hồn, để yêu người, yêu đời hơn. Hết lòng cùng trang văn là trách nhiệm và danh dự của nhà văn. Tôi cố gắng làm vui cho mình, cho đời, cho những ai đang cầm trên tay tập truyện này đọc và sẻ chia cùng tôi. Lời ngắn tình dài, văn bất tận ý, ý bất tận ngôn. Kính mong bạn đọc và bạn văn chương lượng thứ cho nếu có điều chi chưa như ý. Kính, Phạm Ngọc Dũ/ SG
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: