Nguyễn Quốc Văn/Tản văn NQV phần 2
Nguyễn Quốc Văn 09.02.2023 15:56:54 (permalink)
TẢN VĂN NGUYỄN QUỐC VĂN/ PHẦN 2/ TIẾP "Thao thức nỗi niềm quê" hay Tản văn NguyễnQuốc Văn 10.01.2020 11:05:38 (permalink)
GIỚI THIỆU:
Nguyễn Quốc Văn sinh năm 1954, quê Nam Định, sống tại Sài Gòn, hội viên Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh. Tác phẩm chính: Thao thức nỗi niềm quê (tản văn) , Tản văn Nguyễn Quốc Văn (tản văn), Mùa hoa điệp vàng, Tro bụi, Đất vuông tròn, Chuyện của hồn ma (truyện ngắn), Nhớ cộng nhớ, Vẽ tuổi, Những ngôi mộ chữ (thơ)...


Món quà thơm thảo của mùa xuân

Không ít lần trong đời, tôi đã phải trải qua những ngày đói quay đói quắt. Lẻ gạo, bắp ngô, củ khoai, củ sắn, nắm rau xanh, ngọn cỏ lành lúc ấy quý ngang vàng. Bữa đói, chúng vỗ về, dằn cái cồn cào trong dạ xuống. Khi no, chúng xoa dịu, làm cho nỗi nhớ đồng quê phần nào được nguôi ngoai. Bởi vậy, vào những lúc trời đất chuyển mùa, đổi tiết, tôi thường bâng khuâng vin vào các loài cỏ, hi vọng qua một sắc xanh có thể tìm thấy một chút hơi ấm của quê nhà. Ví như cây cỏ khúc.

Khúc chưa được gọi là rau mà chỉ là một loài cỏ dại. Thân khúc cằn cỗi, thấp bé. Lá tròn, dẹp, hai mặt lá phủ một lớp lông mịn li ti màu nhũ. Hoa cỏ khúc phơn phớt trắng, nhụy vàng mơ, lúc nào cũng như còn chúm chím nụ. Thứ cỏ này mọc hoang, chen lẫn vào trăm ngàn loài cỏ dại trên những vạt đất ẩm nơi chân đê sông Đuống, sông Hồng, sông Ninh, sông Đáy hoặc ven những bờ cừ, bờ mương ngang dọc khắp bề mặt ruộng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng có lẽ, nơi khúc ưa phủ xanh nhất lại chính là các diệc mạ sau vụ cấy lúa chiêm.

Trong cái lạnh hun hút suốt mùa đông, cỏ khúc buộc phải thu nhỏ lại, dồn nhựa sống xuống thân, ủ sâu vào trong rễ. Tới độ xuân về, bén hơi ấm gió nồm, nhờ mưa phùn, khúc trở nên mỡ màng, ánh lên sắc bạc dưới nắng hoe. Vào thời điểm này, nhổ cây cỏ khúc, bấm nhẹ vào thân rễ, người ta bất giác được thưởng một vị hương hơi ngai ngái, nồng nồng. Đấy là thứ hương dại khờ man mác chứ không nồng đậm như mùi thơm của các loài hoa cúc trồng trong vườn nhà, được bàn tay con người tỉa tót, chăm sóc đến nơi đến chốn. Có thể đấy còn là một lời mời gọi kín đáo, khe khẽ...

Tôi biết có rất nhiều người, đặc biệt là những người làm bánh tinh đời, cảm nhận được tiếng gọi vô thanh kia. Vì chẳng phải ngẫu nhiên, chỉ riêng trong trường hợp này thôi, người ta bỗng ưu ái gọi tên cỏ khúc là rau khúc! Việc thay đổi cách thức gọi tên muôn loài, thực ra đã diễn ra từ hàng ngàn hàng vạn năm trước, kể từ khi con người biết hòa đồng vào tự nhiên, chọn cỏ cây hoang dã làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh, làm đẹp cho đời. Nhưng chỉ đến khi người nông dân Bắc bộ gọi cỏ khúc là rau khúc, loài cỏ dại này mới tạm được coi như một thứ rau đặc dụng. Dĩ nhiên, cho tới thời điểm ấy, vẫn chưa hề thấy ai trồng khúc trong vườn. Khúc vẫn mọc tự nhiên ở những nơi nó có thể mọc. Nói khác đi, khúc vẫn chỉ do trời gieo cấy. Mặc dù thế, khúc vẫn là thứ rau của trần thế, dành cho cõi tục. Vì sao lại như vậy ư? Câu trả lời sẽ hết sức đơn giản là, ấy là do ý của con người muốn vậy. Đồ vật, thức ăn đặt ở chỗ này thì sang, chuyển đến nơi chốn khác có thể gọi là hèn; đưa lên bàn thờ thì thành vật dâng cúng, còn bày ra chợ để bán thì lại hóa một món quà!

Chuyện cỏ cây cũng lạ, nhiều khi hao hao, hoặc gợi liên tưởng tới số phận của con người. Từ giàu tới nghèo, từ sang đến hèn, nhiều khi cũng chỉ do hoàn cảnh, chỗ đứng trong cuộc đời? Thảng hoặc, trong một vài chuyện hi hữu, giữa con người và vật vô tri còn có một mối dây liên lạc vô hình nhưng gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Ví như câu chuyện bạn bè của tôi thuở thiếu thời chẳng hạn. Ngày ấy, do hiểu lầm một người bạn mà tôi cho là xấu chơi, tôi đã định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với anh ta. Chẳng biết do ai kể lại, bố tôi phong thanh biết chuyện. Người hỏi tôi khá cặn kẽ về anh bạn và đưa ra một lời khuyên rất lạ lùng: “Con nên tới nhà bà Huyên, hỏi ông bà ấy làm bánh khúc như thế nào đã. Rồi thì có bỏ bạn cũng chưa muộn đâu!”. Tôi đã nghe theo lời khuyên đầy ẩn ý ấy và lẳng lặng đến nhà người chuyên làm bánh khúc. Nhìn đôi vợ chồng già gò lưng, lóc cóc giã những nắm cỏ khúc, vắt lấy nước trong, bỏ bã, tôi bỗng giật mình. Làm bánh mà cũng công phu, vất vả đến thế sao! Nhưng đó là công việc sinh nhai, là một nghề để sống, nên ông bà Huyên đã hầu như không biết đến nỗi vất vả của mình, họ chỉ thấy niềm vui trong công việc tạo ra những cái bánh thơm ngon, bán rất chạy trong những phiên chợ Thượng trong cả tiết đông xuân. Riêng bài học muốn luôn được vui trong cuộc đời dằng dặc song cũng không hiếm những nỗi buồn này, mỗi người nên mở rộng lòng, bỏ qua cho nhau những cái mình chưa được ưng ý, gạn đục khơi trong mà nhận lấy những phần tốt của người khác, thì phải rất lâu sau tôi mới nhận ra! Tôi nghĩ, cũng như cỏ khúc hữu ích cho con người chỉ nhờ vào lá và thứ nước chắt ra từ rễ, thân của nó, mỗi người bạn chỉ thích hợp với ta ở từng mặt nào đó, đòi hỏi sự toàn diện e là điều không tưởng. Không có hương vị riêng trời cho ấy, làm sao bánh khúc hấp dẫn được người đời? Không biết neo vào những mặt tốt của người, làm sao ta có bạn trong đời?

Mang trong lòng bài học vỡ lòng từ bánh khúc, lớn lên, tôi hay tự vấn chính mình và thường chủ quan nghĩ rằng, ai đã từng được thưởng bánh khúc ở dốc Lò Trâu, Nam Định, ở đầu làng Nghi Tàm, Hà Nội, ở cổng chợ Sắt, Hải Phòng, hay ở một góc chợ quê xa xăm nào đó vào một sớm gió rét trở mùa, hẳn khó mà quên được hương vị của món quà dân dã ấy. Nhờ bánh khúc bắc cầu, nối nhịp, hồn tôi vẫn còn tơ vương mãi về những nơi chốn mà mình đã từng dừng chân ghé lại dẫu chỉ một đôi lần. Cho đến hôm nay, sau nhiều mùa cỏ khúc mọc rồi tàn, tôi vẫn nhớ như in nét mặt rạng rỡ của bà Minh, người bán bánh khúc ở dốc Lò Trâu, khi bà sung sướng ngồi nhìn đám khách lạ, khách quen của mình đang túm năm tụm ba vây quanh chõ bánh, vừa xuýt xoa thổi, vừa cắn từng miếng bánh khúc nhỏ ngon lành. Tôi cũng không quên được dáng cây đa xòa xuống đất, rễ đa như những cánh tay với xuống chõ bánh khúc đang nghi ngút khói thơm của cô hàng bánh Thu Hương ở đầu làng Nghi Tàm. Tay cô thoăn thoắt đơm xới bánh; miệng, môi, mắt cô tươi cười khi trao gói bánh khúc còn nóng hôi hổi vào tận tay từng người. Trong số thực khách đều đặn vào các buổi sớm, tôi biết nhiều chàng trai ghé qua hàng bánh khúc cốt chỉ để được ngắm nhan sắc mặn mà của cô Thu Hương. Họ phải lòng người rồi phải lòng bánh khúc, hay nhờ hương bánh khúc mai mối mà đến được với người, điều này tôi chưa được tỏ. Nhưng mỗi sáng ghé qua đây, tôi thấy trong lòng thơ thới lạ. Vào những ngày không có việc phải ngang qua làng Nghi Tàm, tôi cứ cảm thấy hẫng hụt, trống vắng thế nào ấy. Nhưng, không hiểu vì lẽ gì, ngày ấy tôi đã cố ép lòng, tìm ra đủ mọi lí do để lẩn trốn mình, không dám thừa nhận cảm giác này chính là một mối tương tư...

Ngược dòng cùng nỗi nhớ, năm nay, đúng vào một ngày gió bấc trở mùa, tôi đã lần tìm về chốn cũ. Và lòng tôi không khỏi nao nao khi hay tin người già đã khuất, người trẻ đã sang sông. Chỉ có hương quê thì vẫn còn đâu đó, ngan ngát vị nếp cái hoa vàng từ cái bánh khúc mà tôi mua vội của một bà lão bán quà sáng cạnh đình làng Khương Trung gần Ngã tư Sở cũ. Tôi đã cầm cái bánh gói tạm bằng lá chuối mật hong sơ lửa trên tay, để cho mùi thơm của gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, hạt tiêu, hành mỡ, nhất là của hương khúc, lan tỏa theo làn khói mỏng manh. Lúc ấy, tự nhiên tôi lại nhớ tới lời bố tôi nói năm xưa. Rồi nghĩ thầm, những suy ngẫm của người về cái bánh khúc quả thật là rất chí lý!

Theo bố tôi, dựa vào những chiêm nghiệm trong đời, những con chữ trong bộ sách chữ Nôm bìa phết cậy đen mà ông nội tôi truyền lại, thì bánh khúc cũng chỉ là một món ăn mô phỏng, kết hợp hài hòa, sáng tạo ba thứ bánh chưng, bánh dày và xôi của những lớp người đi trước mà thôi. Từ thượng cổ, xôi, bánh chưng, bánh dày đã được liệt vào hạng phẩm vật dùng để dâng cúng các bậc tiên hiền tiên liệt trong các dịp nghi lễ. Riêng bánh khúc, miếng ngon được tạo nên từ những sản vật dung dị của đồng quê, chỉ được người xưa gọi là quà kẻ chợ, dùng để ăn chơi, ăn lấy hương, lấy hoa, lấy thơm, lấy thảo...
Là một thứ thời trân kết hợp nhưng nghiêng về thế tục, cái bánh khúc có đủ cả ba phần. Ngoài cùng là áo bánh. Đó là một lớp gạo nếp mỏng, khi chín gạo sẽ bám vào vỏ bánh. Phía trong là vỏ bánh được nặn bằng hai phần bột gạo nếp pha với một phần bột gạo tẻ. Trong cùng là nhân bánh, gồm đậu xanh giã nhuyễn, hai miếng thịt mỡ quân cờ, điểm thêm một vài nhánh khúc xanh (hoặc đã được giã nhuyễn). Người ta còn có thể gia giảm thêm hạt tiêu, hành củ để tăng hương vị cho nhân. Cách thức làm bánh, đồ bánh khúc cũng rất đặc biệt. Như đã nói qua ở trên, trước khi làm bánh khúc, người ta hái cỏ khúc ngoài đồng về, rửa sạch rồi giã nhỏ, vắt và lọc lấy nước cốt. Đem thứ nước khúc ấy mà nhào với hai phần bột gạo nếp pha một phần bột gạo tẻ, ta được một thứ bột dẻo dùng làm vỏ bao bọc lấy đậu xanh, rau khúc và thịt mỡ. Xong việc, người làm bánh rải một lớp gạo nếp cái hoa vàng dưới đáy chõ, xếp một lớp nhân bánh lên trên và lại rải một lớp gạo nếp, xếp nhân. Chõ bánh được đặt trên một nồi nước, đem đồ chín như đồ xôi vậy. Muốn bánh thơm hơn, có người còn cầu kì dùng nước chắt của cỏ khúc để đồ bánh.

Tôi nhớ, có một lần tôi đem việc này ra hỏi bố tôi. Người chỉ khẽ mỉm cười, rồi buông lửng: “ Con hỏi vì sao người ta lấy nước chắt ra từ một loài cỏ dại để nhào nhân và đồ bánh ư? Trước hết là để cho bánh được thơm ngon”. Tôi gặng: “ Còn sau đó, bố?”. Bố tôi hướng mắt về phía xanh xa, chậm rãi cắt nghĩa: “ Cái bánh khúc cũng có thể là vật tượng trời và đất nhưng không lẫn với bánh chưng, bánh dày; bởi nó gói trọn tấm lòng người thảo dân chốn thôn dã nữa!”. Nghe thì biết vậy thôi, chứ cho tới hôm nay, tôi vẫn chưa đủ khôn để tỏ tường mọi ý nghĩa thâm sâu trong lời nói của người già. Mặc dầu vậy, mỗi khi được tận mắt nhìn những hạt mưa phùn vương trên mặt lá khúc màu nhũ bạc lóng lánh, tôi hay nghĩ thầm, đối với người Việt Nam ta, cho tới hôm nay, bánh khúc vẫn là một trong những món quà xuân thơm thảo của quê nhà! Là cái tình người thôn dã cho nhau…
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.07.2022 11:48:59 bởi Nguyễn Quốc Văn >
#1
Nguyễn Quốc Văn
"Super Member"


Số bài : 412
Điểm thưởng : 0
Từ: 09.09.2019
Trạng thái: offline

Re:TẢN VAN NGUYỄN QUỐC VĂN/ Lời hoa đồng nội 10.01.2020 11:10:54 (permalink)
Lời hoa đồng nội

Ai chưa từng hưởng thú dạo chợ hoa xuân, thật khó mà tưởng tượng được vẻ đẹp lộng lẫy và không khí Tết nhộn nhịp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng tôi, mỗi khi xuống phố ngắm người, thưởng hoa, tôi thường nghe trong gió thoảng những tiếng thầm thì của cây lá quê nhà gợi nhắc...

Thuở tóc trái đào, tôi là một đứa trẻ trâu ở một vùng quê nghèo ven sông Đào, nhà mái tranh vách đất. Vượt qua cái cổng làng có hai cánh cửa bằng gỗ lim già dày cả tấc nằm lọt thỏm giữa điệp trùng tre trúc ken kín mít, tầm mắt những đứa trẻ chăn trâu mới được mở. Khoảng trời xanh lồng lộng mây trắng in hình đàn chim trời dàn hàng dọc giang cánh bay về phương nam. Tôi chỉ lờ mờ nghe nói phía ấy là các làng Trại Vĩnh, Đồng Quỹ, Nam Hưng...

Thả trâu gặm cỏ trên cồn Rùa, lũ trẻ chúng tôi thả sức nô đùa. Chán chơi âm, chơi u, chơi trận giả thì ngồi bệt xuống đấtp mà chọi cỏ gà. Đây là thứ cỏ lá nhỏ, dài, vị ngọt đắng. Hoa cỏ gà chính là những lớp bẹ cỏ xếp chồng lên nhau, hao hao cái đầu gà nhỏ, mào gà là những búp cỏ xanh chụm lại. Người chơi chọi cỏ gà cầm phần cuống hoa quất mạnh vào “đầu gà” đối phương. Hoa bên nào rụng thì bên ấy thua. Đứa ăn gian cầm sát “cổ gà”, bên kia quất cách nào cũng không thắng nổi. Cãi nhau om cả đồng vắng, rồi lại bỏ qua, chuyển sang trò đám cưới, những đám cưới trẻ con phỏng theo những đám cưới thật gần nhất trong làng. Trò chơi này tốn nhiều công, nhưng mà vui. Vì cần rất nhiều hoa cho cô dâu trang điểm. Một cái áo cài đầy hoa sài đất, thứ cúc đồng nội vàng như không thể vàng hơn. Một vòng nguyệt quế tím màu tím của hoa rau muống dại, hoa súng, hoa rau ngổ... Rồi thì lấy đất sét nặn một cái lục bình, cắm vào bao nhiêu là hoa ké vàng, ké xanh. Lại phải có một bó hoa cho chú rể. Và đồng quê lại phải góp hoa dứa hoặc hoa loa kèn dại thơm đến nao lòng... Tôi không nhớ bao nhiêu lần mình được đóng vai chú rể hay phù rể; nhưng gương mặt chúng bạn trẻ con, dù là trai hay gái, dù còn hay đã khuất, giờ tóc đã bạc, mắt nhìn đã kém tỏ, tôi vẫn nhớ nhưl in. Tuổi thơ và hoa đồng nội luôn hiện lên trong tâm tưởng, nhắc nhở tôi đừng bao giờ quên những ngày gian khó nhưng cũng rất đẹp đẽ của một đời người. Tôi hiểu ra rằng, mình yêu đồng không chỉ vì thương lúa mà còn vì gần gũi với các loài hoa cỏ, gắn bó với những đứa trẻ thơ dại, nhờ sắn khoai mộc mạc mà lớn lên...

Rồi cũng như hàng triệu đứa trẻ nhà quê khác, tôi may mắn được dọc ngang trên những nẻo đường tổ quốc, được gặp rất nhiều hoa. Hoa ban Tây Bắc trắng. Hoa đào Nhật Tân thắm. Hoa lay ơn Đà Lạt đỏ. Và mai, vàng như nắng Sài Gòn.

Sống ở thành phố Hồ Chí Minh, vào những ngày giáp tết, chỉ cần nhìn nắng dâng đầy mọi nẻo đường thành phố, rắc vàng lấp lánh cả mặt sông Sài Gòn tháng Chạp, tôi đã biết chợ hoa xuân sắp nhóm họp. Nhiều năm nay, có năm chợ mở trước bữa ông Táo về trời, lại có năm chậm mất một ngày. Trong ba ngày 27, 28, 29 tết, việc nhà, việc cơ quan đã vãn, lòng thơ thới, tôi thường rủ vợ con hoặc bạn bè đi ngắm hoa xuân từ khắp mọi miền đất nước gửi về làm đẹp cho thành phố. Cho bõ một năm tất bật cùng công việc, bù cho những lần trắng đêm thao thức, trăn trở bên những trang văn mỗi khi viết xong lại thấy mình nhạt nhẽo. Và để cùng người, cùng đủ mọi loài hoa lá giã từ một năm cũ, dự liệu một hướng đi cho những ngày sau...

Đi dọc những đường hoa, không ít lần đã ngẩn ngơ trước những giò phong lan ngũ sắc. Vẫn chưa nguôi nỗi nhớ rừng già và thời trai trẻ. Nhìn những dây phong lan, tôi cả nghĩ tay ai vẫn ngoắc tay mình, kéo mình vượt qua những con suối mùa lũ thuở chiến tranh. Lá lan dài như mắt ai sắc lẹm. Lan không biết vẫy, chỉ có hoa lan khẽ nhẹ rung trong gió xuân thị thành. Lan bao giờ cũng vì người. Làm vui mắt những người lính mở thao láo sau cơn sốt rét rừng sâu. Và bây giờ, khi họ cởi áo xanh về phố, lan lặng thầm làm đẹp một khung cửa sổ. Phong lan đưa gió ngàn về làm mát lòng ai, như nhắc một quá khứ không bao giờ phai nhạt. Và hồng, loài hoa dành cho ngày gặp mặt tưởng như chỉ có trong những giấc mơ. Hoa của tình yêu và hạnh phúc. Đỏ như một làn môi ấm! Còn nhớ tay nắm tay người, tôi lạc giữa bạt ngàn hồng gần một khách sạn lớn trong thành phố. Ngất ngây vì người, vì những gương mặt tươi hồng trong gió xuân...

Nhớ rét đến nôn nao, tôi thường đi tìm đào hỏi chuyện xuân. Hình như tôi ít gặp may, chỉ gặp một thứ đào phai, nụ hoa đã xòe hết, cánh hoa đã nhạt. Thứ đào ấy báo không có cái rét của gió bấc sương muối. Cái rét tê da, tái thịt nhưng biết bù cho mắt người những nụ xuân chúm chím. Cái rét khiến cho cải bắp, sà lách cuộn tròn, rau diếp trong vườn, rau cần dưới ao non búng, mượt như thoa mỡ. Cái rét lẩn vào nồi thịt đông, khi dùng bữa tưởng như có thể nhai nuốt được. Và cái rét là bàn tay vô hình kéo người ta lại gần nhau. Ông bà muốn ôm lấy cháu tỏ lòng thương quý, đôi lứa khát khao được sưởi ấm bằng lửa thương yêu. Cái nhìn tình tứ của người vợ sắc như rét nhưng ấm áp hơn cả lửa nồng. Cái nhìn khiến người chồng thôi chất củi vào bếp, lấy cớ đã khuya mà nhẹ nhàng mời mọi người đi nghỉ. May mà cũng có lần gặp cố tri, mua được một cành đào Nhật Tân chính hiệu. Không phải do người khiến được hoa tươi, mà là do trời đất bảo hoa tươi. Nghe các cụ già sống ở Sài Gòn nhiều năm kháo nhau, thì năm ấy rơi vào chu kì 24 năm một lần vùng Bến Nghé có gió heo may. Đào chúm chím cười, người mở lòng khui chai rượu tết. Xuân ấy tôi say cả ba ngày; nhưng không phải say rượu, mà say vì rượu rót xuống gốc đào. Cành đào chuếnh choáng men, đỏ thắm cả gian phòng...

Đi chợ hoa, ngoài việc chiêm ngưỡng những tòa nhà chọc trời mới mọc, ngắm những gương mặt tươi cười, những kiểu quần áo đẹp, tôi chú mục nhiều nhất tới mai. Ngắm đến thuộc lòng cả dáng cây, dáng hoa. Tôi còn biết mai dễ tính như người Nam bộ, cắm xuống đất là bén rễ, bật chồi, nảy lộc. Dù là mai tứ quý hay hoàng mai, thân mai đều nâu sẫm, mốc thếch dấu vết của thứ cây rừng được những người đi mở đất đưa về trồng ở vườn nhà. Mai tứ quý nở bốn mùa, nhiều nhất là hoa màu vàng và màu đỏ sậm. Còn hoàng mai, sau khi được người bứt lá, mai dồn nhựa sống, bung nụ. Và, cũng như tính cách người phương nam khoáng đạt, cành mai cắm trong độc bình, sau mấy ngày tết, kể cả những nụ mai bé xíu như hạt thóc cũng xòe nở hết mình....

Những lần đi chợ hoa, lẫn vào dòng người tầm xuân, tôi đi tìm cho riêng mình những nét chân quê đồng điệu thấp thoáng trong lá hoa. Tôi đồ rằng, trong vô số người lịch lãm kia, hồn hoa đồng nội của nơi chôn nhau cắt rốn vẫn còn ngát thơm tâm tưởng họ. Và năm nào cũng vậy, lúc chợ đã vãn, tôi hớn hở rinh về nhà một cặp mai, đào đang nụ! Cho những ngày xuân sắc, hoa cũng được sóng đôi...
#2
Nguyễn Quốc Văn
"Super Member"


Số bài : 412
Điểm thưởng : 0
Từ: 09.09.2019
Trạng thái: offline

Re:TẢN VAN NGUYỄN QUỐC VĂN/ Bạn của người 10.01.2020 11:24:25 (permalink)
Bạn của người

Chẳng đợi ngày gió may heo heo thổi, lòng tôi đã ngổn ngang nỗi niềm quê. Khắc khoải nhớ từng mái tranh nép sau lũy tre già xao xác, tôi thương những gương mặt người theo tôi đi dọc một đời người, thương cả con mèo mướp nhỏ bé khoanh tròn tìm giấc ngủ bạn bè ấm áp trong lòng tôi...

Vậy là trời bắt năm tới nhà tôi nghèo! Bố tôi tặc lưỡi: "Tôi tuổi Mão. Cũng chả bần cùng hơn được nữa!". Còn u tôi thì vừa chít lại cái khăn mỏ quạ vừa bảo: "Một con một của! Biết đâu cái nhau mèo đẻ chả báo vận may". Riêng chị Cam, chị vẫn thẫn thờ như bị ai hút mất hồn vía, đôi mắt ướt cứ hướng ra cửa, tay quên cả việc đẩy củi vào bếp luộc bánh chưng...

Thuở ấy, ngồi cạnh chị hóng chuyện bố u nói, tôi không hiểu việc con mèo mướp bỏ nhà đi hoang từ mùa thu, bây giờ, đúng vào đêm trừ tịch, nó lù lù dẫn xác về nhà, gào trên mái rạ " ngoao, ngoao", rồi chui vào cái chăn bông trên giường chị tôi đẻ ra một con mèo bé tí tẹo, ướt át có gì là lạ nào? Lạ chăng, là con mèo mẹ không ăn cái nhau của nó, như cố ý tỏ lòng thành bằng cách để cho bố u tôi thấy một cái bọc tím tái bên cạnh một con vật yếu ớt chổng bốn vó lên trời. Nghe phong thanh, khi mèo đẻ, nếu bị người ta trông thấy, mèo mẹ sợ mất con nên thường bí mật tha mèo con đem đi giấu ở một nơi kín đáo nào đó. Nhưng con mèo nhà tôi không làm thế. Nó chỉ mệt mỏi hướng đôi mắt xanh như hai hòn bi ve về phía bố u tôi và khẽ đưa cái lưỡi đỏ nhợt nhạt liếm liếm khắp từ đầu đến chân đứa con bé bỏng. Hình như nó đã phó mặc số phận cho con người quyết định?

Bố tôi thở dài, bỏ ra nhà ngoài hút thuốc lào vặt. U tôi sai chị Cam lấy một ít giẻ rách lót thêm vào cái ổ gà cũ, bỏ con vật sơ sinh vào trong, bưng xuống bếp. U lặng lẽ gói cái nhau mèo vào lá chuối khô, đem treo ngay trước cửa chuồng trâu. " Mèo thuộc họ hàng nhà hổ, kị với trâu", u tôi nghĩ thế: " Vậy thì vía con trâu hẳn át được vía con mèo, chả còn gì phải lo lắng nữa". Nghe u lập lý, bố tôi ngán ngẩm lắc đầu, lấy con dao phay mới được mài sắc lúc chiều ra bờ rào phạt một ngọn dứa đại đem về buộc lủng lẳng ở chái đông nhà. Lúc sang canh, bố xách hai cái lọ sành ra bến đá kín đầy nước đổ vào chum. Khác với mọi năm, bố ra sông một lần nữa để múc thêm một lọ nước trong, đem đặt trước cửa bếp, miệng lầm rầm cầu khấn một điều gì đó...

Sáng mồng một, thức dậy tôi đã thấy nắng xiên qua các lỗ hổng trên hồi nhà, lọt xéo tới đầu giường tôi nằm. Đang định vùng chăn nhỏm dậy, chân tôi bỗng chạm phải một vật mềm mềm, nong nóng. Kéo chăn, tôi suýt kêu lên vì kinh ngạc: Con mèo mẹ đang ôm lấy ôm mèo con cũng vừa bừng tỉnh, khẽ kêu một tiếng " meo" ngỡ ngàng, ngọng ngịu. Sợ bố buồn, tôi gấp chăn, mặc cho mẹ con mèo nép vào một góc, chạy ra ngoài. Khói hương trầm từ bàn thờ tiên tổ cuộn vòng tròn len qua mành trúc, vương vấn toả ngát cả khoảng sân...

Mấy ngày tết hoan hỉ trôi đi. Đã tới ngày chợ Viềng năm có một phiên duy nhất vào mồng tám tháng giêng. Cũng như mọi năm, bố u tôi kì cọ lại cái mâm đồng gia bảo chờ ngày mai đi trưng chợ cho người đời trầm trồ nhìn ngắm và khảo giá chơi. Biết bố chẳng ưa gì con mèo xui xẻo, tôi xin: "Hay là con đem bán cái nghèo đi". Bố tôi không đáp, quay mặt đi nơi khác.
Quả là bán cái nghèo không dễ như tôi tưởng, chợ đông như nêm cối mà ai đi qua cũng chỉ cười cười với tôi! Cuối buổi, tôi ôm mèo lẽo đẽo theo bố u tôi về nhà. Tới đầu làng, bỗng nghe một tiếng "ngoao", tôi giật mình quay lại, đã thấy mèo mẹ đang chạy vọt lên. Thì ra nó đã đeo theo nhà tôi từ sáng sớm. Chả biết lúc tôi giữ mèo con ở chợ, mèo mẹ nằm ở chỗ nào dõi con nó? Tôi hỏi u, u lại trả lời bằng một câu chẳng đâu vào đâu: "Mẹ nào chẳng thương con!".

Sau rằm tháng giêng, nhà tôi có chuyện vui. Chị Cam tôi năm ấy mười tám. Chị là con bác Quýnh. Bác gái tôi mất năm chị Cam mới sáu tuổi. Bác trai tục huyền, chị tôi rơi vào cảnh dì ghẻ con chồng. Lúc ấy, bố u lấy nhau đã mười năm mà chưa có con bế con bồng. Thương cháu, bố tôi bàn với u đưa chị về ở cùng, những mong nhờ vía chị mà u tôi sẽ hết hiếm hoi. Chả ai ngờ khi tôi ra đời, nhà thêm miệng ăn, vẫn chỉ có ba sào ruộng nên từ đó chẳng mấy vụ đủ luá xay... Bố tôi bảo, trên đời ông chỉ ghét ba thứ, ấy là giặc ngoại bang, đói nghèo và dốt nát. Bởi thế, khi anh Củng, con trai ông Điền, một người bạn nghèo của bố, nhờ người đến dạm chị Cam, bố tôi đã rất buồn. Mà buồn ai? Chả lẽ lại buồn ông Điền, người bạn nối khố thuở chăn trâu cắt cỏ ngày xưa của mình? Chả lẽ lại buồn giận mình chưa phú quí đã dám khinh bần? Vậy là bố tôi ngửa mặt lên trời, trách Ông Xanh sao nỡ khéo ghẹo người đến vậy! Dĩ nhiên là bố tôi khất lần không nói rõ có hay không nhận lời mai mối xe duyên kia. Chị Cam tôi thì chỉ khóc thầm. Cả anh Củng nữa, anh cao to là thế, mà hôm ông Táo về trời trong năm, đứng cạnh chị tôi dưới tán duối già, tôi chỉ vô tình đi qua mà cũng nghe được rõ cả tiếng hự hự trong lồng ngực anh...

Sang tháng hai nghe đâu xã có đợt đi khai hoang trên Tây bắc. Bố con anh Củng đã sung sẵn một chân. Rồi đây núi sông cách trở, bao giờ mận đào mới tới được vườn hồng? Chao ôi, buồn như thế gì mà không khóc cho đành! Mà con mèo thì vô tâm quá, cứ một mực "nghèo, nghèo" toáng lên. Chị tôi sụt sùi hết cả nước mắt, nén lòng cười gượng bảo con vật: "Nghèo thì đi khai đất để rũ nghèo. Mày kêu cái nỗi gì?". Hình như câu ấy chạm đến tai bố tôi. Người động lòng, gọi chị Cam lại, nói nhỏ vài câu. Thế là có đám cưới. Và, chị tôi hớn hở sang sang sông, cùng nhà chồng lên Hòa Bình lập xóm mới...

Mưa dầm rồi cũng tạnh. Nắng đầu tháng ba hoe hoe trên những tàu cau. Ngoài mảnh sân trước nhà, mèo mẹ bắt đầu dạy mèo con những bài học đầu tiên. Nằm cuộn tròn, áp tai xuống đất, nghe. Bất ngờ bật dậy, lao vút về phía góc sân, đưa tay vờn một con gián đang cố vỗ vỗ đôi cánh mỏng. Trở vào góc bếp, nằm phủ phục, đôi mắt mèo vẫn mở nhưng tròng mắt to tròn thu nhỏ lại chỉ còn bằng một đường chỉ mảnh. Bỗng, "xoạt", nó co chân sau phóc vào đống rạ, móc ra một con chuột nhắt, đưa ra sân vờn chơi. Trò mèo đuổi chuột tinh nghịch của đám trẻ con chúng tôi cũng chỉ đến như thế là cùng. Con mèo vờ lơ đãng, nhưng kẻ xấu số chỉ hơi nhúc nhích một chút là nó đã đưa chân trước ra kéo lại ngay. Cho đến khi chán chơi trò ú tim, mèo mới vơ con chuột về phía mình, ngoặm chặt, tha vào chỗ khuất...

Cùng với những đợt mưa rào đầu tiên, sấm như nâng lúa dậy chật cả đất, đòng đòng thơm ngát cả đồng. Không biêt từ đâu, lũ chuột đồng ùn ùn kéo về. Ngay giữa thanh thiên bạnh nhật, chúng lội bì bõm trong các thửa ruộng nước, thả sức cắn lúa. Chén đẫy bụng, chúng ngoi lên bờ ruộng nhởn nhơ, ghẹo nhau chí chóe. Gặp người, chúng giương mắt nhìn, thách thức. Làng tôi mở chiến dịch diệt chuột. Đánh bả, đặt bẫy, đào hang, hun khói có làm cho họ hàng nhà chuột vơi đi một ít nhưng chúng vẫn còn dư sức để phá nát cả đồng lúa. Bố tôi vốn là người lắm mẹo. Người sai tôi nhốt hai con mèo lại, bắt nhịn đói một ngày rồi ôm chúng ra ruộng nhà, đặt mỗi con ở một đầu bờ. Mẹ con mèo đang lỏng bụng, ngửi thấy mùi thịt, vội lao ào xuống ruộng. Mỗi lần no nê là một lần mèo bị rét, tôi phải vơ cỏ khô hoặc tuốt rờm lúa đốt một đống lửa hong cho chúng. Những tiếng "meo, meo" gieo lơ lửng trên số phận bầy gặm nhấm, khiến chúng khiếp vía bỏ đi nơi khác. Thế là cả làng, trong đó có nhà tôi vẫn có được những niềm vui gặt một mùa chiêm nặng hạt...

Kể từ đấy, nhà tôi nhìn mèo bằng con mắt khác. Mỗi bữa ăn, u cho cơm vào một cái đĩa cũ, đặt ở góc nhà cho mẹ con mèo. Mèo mẹ rón rén đến gần đĩa cơm. Nó ngửi ngửi rồi né sang bên cạnh, nhường cho mèo con ăn trước. Mèo con thỏ thẻ ăn từng hạt cơm một, vừa ăn vừa khẽ kêu như ngạc nhiên. "Ăn như khách, đẹp mặt nhỉ?", bố tôi đùa với mèo con. Con vật nhìn vào mắt người; như đoán được điều con người đang nghĩ, nó mạnh dạn hơn, chui tọt vào lòng bố, ngước mắt, cọ cọ đầu vào bụng người, nũng nịu. Thoắt cái, nó bỗng biến đi đâu mất...

Có một lần, tôi thấy hai mẹ con mèo thi nhau cào cào đất dưới góc khuất của giàn bí đao. Cả hai như đang giấu một vật gì....Hỏi, bố cười tủm tỉm: "Giấu của". Sạch sẽ, vệ sinh, ý tứ y như người! " Chả thế mà nó là bạn người?", bố tôi vẫn nói vậy. Con người và con chó là chủ và tớ. Chủ sai bảo gì, tớ răm rắp làm theo, trung thành, tận tụy cho đến chết. Bởi vậy người ta dễ dàng dạy được chó coi nhà, đi săn, tìm kẻ gian; tuy có tốn công chút ít nhưng chẳng mấy khi uổng sức. Còn mèo, thử hỏi trên đời đã có mấy ai điều khiển được? Mèo thích thì làm, thậm chí dám làm điều chó không bao giờ mơ tới là chui vào chăn ngủ với người. Không cho ăn ư, nó tự bỏ đi chỗ khác, hoặc tự kiếm lấy mà ăn. Tài mò cá, rình chuột, bắt chim - nghĩa là khả năng kiếm ăn được ở dưới nước, trên mặt đất và cả ở trên cây - đủ nuôi nó sống nhàn hạ. Mèo chuộng đời sống cá nhân, ít khi sống thành bầy lũ như các loài cầm thú khác, đặc biệt khi nó biết mình đã già yếu. Ví như con mèo mẹ nhà tôi kia, vào đầu mùa hạ, khi thấy mèo con lông đã mượt, ria mép đã đủ cho gió rung rinh, mắt thi thoảng lại sáng loé lên, nó đã chủ động và cố ý lánh xa con. Mèo con vờn, mèo mẹ bỏ đi. Mèo con kiếm được mồi, chạy ngang qua mặt mẹ như khoe hoặc chia sẻ, mèo mẹ cũng lơ đễnh không hào hứng đuổi theo như ngày nào nữa... Nó lặng lẽ, tha thẩn, khi thì ngoài bụi tre, gốc chuối, lúc thì lại ở trên gác bếp, mái nhà. Và, ít lâu sau, bố tôi hỏi sao không thấy bóng nó đâu, u tôi bảo: " Mèo già hoá cáo". Tôi biết u đã lầm nhưng không tiện nói ra việc tôi bới ổ mối cạnh gốc chuối cuối vườn và thấy một khung trắng, dấu vết con mèo mẹ nằm ngủ nghiêng...

Những tối cuối mùa hạ, đầu mùa thu trăng thanh gió mát, cũng là khi công việc đồng áng đã vãn, trai gái làng tôi thường chia làm hai bên nam nữ, ngồi ở hai bên bờ sông Ngọc hát huê tình, còn gọi là hát giao duyên. Gió từ sông thổi xéo ngang mát rượi, câu hát bên này quấn quýt vào câu hát bên kia. Không rõ hát đối đã xe duyên cho bao nhiêu đôi lứa, nhưng thi thoảng bố tôi vẫn khoe rằng, nhờ tốt giọng hát mà người đã khiến u tôi động lòng. U tôi bảo chẳng phải thế, u thương bố chẳng qua vì người hiền lành, chăm chỉ, và vì nhiều thứ khác nữa. Ví như sự say mê...

Tôi nhớ có một đêm đám hát phải bỏ dở. Trai thanh gái lịch ai cũng sợ gặp phải chuyện trắc trở. Vì không rõ từ đâu vọng lại những tiếng mèo kêu khản đục và đau đớn quá. Nghe u tôi nói thì đó chính là tiếng con mèo cái nhà tôi. Nó đã tới tuổi trưởng thành, muốn làm mẹ. Khác với con người muốn kết bạn qua lời hát kín đáo, tế nhị dưới trăng thanh, con mèo không biết giấu lòng mình. Nó khát khao được yêu và hồn nhiên gọi bạn tình một cách công khai. Thế rồi, cũng dưới trăng, tôi nhìn thấy ba bốn con mèo đực lần tới. Chỉ có một con của nhà bác Quýnh, ba con kia không rõ tới từ đâu. Hẳn tai của chúng thính nhạy vô cùng, nghe được cả những âm thanh vừa trầm đục, vừa cao vút của mèo cái bay lẫn trong làn gió nhẹ. Sau đấy là một trận hỗn chiến của bốn con mèo đực. Con mèo nhà tôi ngừng kêu, giương đôi mắt xanh biếc trong đêm nhìn cuộc ẩu đả với vẻ thích thú đặc biệt. Những chú mèo si tình vận hết tài nghệ lao, húc, tát, cào, cắn, tung lên, lộn xuống để hạ bằng được tình địch. Thảo nào con mèo đực nhà bác tôi hay tự chuốt răng và vuốt vào thân tre cật. Và nó đã chiến thắng trong cuộc đua tài để lọt vào đôi mắt xanh chỉ thấy trong mơ kia. Chờ cho ba con kia bỏ chạy, con mèo đực vươn vai bước tới trước mặt con mèo cái, hai con vật khẽ kêu "ngoao, ngoao" hoan hỉ và âu yếm chạm má vào nhau, rồi sóng đôi cùng chạy biến ra cánh đồng, lẫn vào màn đêm mênh mông. Chúng đã thành một đôi vợ chồng hạnh phúc...

Những năm tháng chiến tranh, có lần tôi cùng đơn vị trú quân tại một bản Mèo, Nghĩa Lộ. Hình như thấy tôi quyến luyến con mèo mướp của gia đình là có ý gì đây, một hôm cô Vừ Seo Cải đột ngột hỏi: " Bộ đội có muốn ở lại núi không? Ưng thì hết giặc, về đây mình chăm cho". Tôi đỏ mặt, không biết trả lời ra sao. " Thôi", cô gái Mèo nói: " Mình thích bộ đội thì mình cứ chờ. Mai này, lúc nào viết cái chữ về báo tin cũng được. Nhưng chỉ có ba năm thôi đấy. Không gửi cái chữ về, mình đi đường mình thôi". Cô gái chất phác qúa. Nhưng tôi đã đi xa tới năm năm, chiến trường ác liệt, cái sống còn không dám nghĩ tới, nên đã không kịp gửi cái chữ về cho Seo Cải. Mặc dầu vậy, giờ tóc đã bạc sau hơn ba chục năm ròng, tôi vẫn còn nhớ như in nét mặt đỏ rừ vì lửa bếp và lửa lòng của cô gái vùng sơn cước. Tôi nhớ cô như nhớ một kỉ niệm của một thời hào hoa và hùng tráng của thế hệ mình, thời mà những nguời lính chúng tôi được nhân dân ở mọi vùng đất nước cưu mang, coi như con cái trong nhà, như cá trong nước. Tôi nhớ cô vì chính cha cô đã truyền cho tôi những miếng võ Mèo nhanh và hiểm của ông. Nhờ những miếng võ ấy, không ít lần tôi đã vượt qua được nhiều thử thách và hiểm nguy trong chiến tranh. Điều an ủi tôi là Seo Cải chỉ giữ lời nguyện ấy đúng ba năm. Nghe nói, bây giờ con trai cô cũng đã là một sĩ quan biên phòng, cô lại sắp lên chức bà nội...

Đất nước thống nhất, tôi trở lại TP Hồ Chí Minh dạy học ở một quận nghèo ven đô. Nhà tôi gần kinh Tẻ nên rất nhiều chuột. Trong một lần về quê, tôi đã đem theo một cô mèo nhỏ, không rõ là hậu duệ đời thứ bao nhiêu của con mèo thời tôi còn thơ bé. Cô mèo này lại sinh ra nhiều cô cậu mèo con, mèo cháu nữa...

Đối với tôi, tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn của những năm tháng gian khổ lăn lộn trong rừng xanh vẫn còn hiện diện trong từng cơn sốt rét đến rủn người. Vào những lần như thế, trong nhà có bao nhiêu chăn tôi đều bảo vợ đem ra đắp hết lên người. Dĩ nhiên, cái rét từ trong máu huyết ùa ra rồi đọng lại, thấu buốt cả tim gan. Tôi co người, thót bụng lại để giữ hơi ấm. Bỗng lại thấy một con mèo nằm bên cạnh. Hình như, bằng kinh nghiệm của loài vật, nó hiểu rất rõ tôi đang cần được sưởi ấm như thế nào. Và, như một người bạn nhỏ, con mèo đã chọn đúng lúc để đến an ủi tôi chăng?

Mấy con mèo nhà tôi có tiếng là tình nghĩa. Bạn bè tôi ai mê giống mèo hay chuột đều được tôi ẵm đến tận nhà biếu một con. Người nào cũng lấy làm mãn nguyện vì nhà họ không còn bị loài chuột quấy nhiễu. Riêng con mèo mẹ, đến năm ngoái, ngay cả lúc thấy một con chuột cống cỡ bự tự do lục xoong nồi trong bếp, nó vẫn chỉ giương mắt nhìn như một nhà hiền triết. No đủ quá nên sinh biếng nhác chăng? May là không phải thế, chẳng qua là vì nó sắp sinh con mà thôi.

Một hôm, trong bữa ăn, không hiểu sao mèo mẹ cứ cọ cọ mãi vào chân tôi. Tưởng con vật đòi ăn, tôi gắp một miếng cá bỏ vào bát riêng của nó. Con mèo mẹ "ngoeo ngoeo" gọi ba con mèo con lại, cùng nhấm nháp miếng cá. Rồi ngay tối hôm đó, nó chui vào hầm của một cái xà lan cũ nát và không bao giờ trở ra nữa, vĩnh viễn nhường lại việc bắt chuột cho những đứa con đang độ lớn nhanh như thổi ấy...

Tôi biết mèo mẹ đã được thanh thản. Bởi, những bài học truyền đời mà nó đã kịp dạy cho bầy con hiện đang được thực hành rất cần mẫn và hiệu qủa. Còn tôi, thì tôi tin rằng, lũ chuột hại người, hại đời kia sẽ chẳng bao giờ còn dám bén mảng tới căn nhà ấm áp của tôi nữa, căn nhà có tới những ba con mèo sung sức...
#3
Nguyễn Quốc Văn
"Super Member"


Số bài : 412
Điểm thưởng : 0
Từ: 09.09.2019
Trạng thái: offline

Re:TẢN VAN NGUYỄN QUỐC VĂN/ Con trâu thời thơ ấu 10.01.2020 11:30:16 (permalink)
Con trâu thời thơ ấu

Một buổi sáng tháng tư xanh lọc sau cơn mưa đầu hạ. Lúc ấy, tôi lên sáu, nhởn nhơ bắt bướm, chơi chọi cỏ gà một mình...để bà và u rảnh tay tát nước cho đám ruộng lúa cạnh mương nước ngang với con đường đất cát dẫn vào làng. U tôi bỗng buông dây gầu, mừng rỡ kêu lên: "Bố thằng cu đã về! Mua được trâu rồi, u ơi...". Bà tôi mất đà, ngã ngồi xuống cỏ. Cái gầu rơi "tùm", nước bạc bắn lên tung toé. U tôi lội qua sòng đỡ bà dậy. Rồi, vừa xuýt xoa, vừa le te chạy lên đường, u dừng lại chỗ bố. Bố tôi vẫn còn đứng ngẩn ra, nới tay buông lỏng sợi thừng, khiến con trâu có dịp vươn cổ, nghênh đầu, phô ra cái lợi sún...Tôi được bố bế đặt ngồi chỗm chệ trên lưng trâu. Bà tôi đưa bàn tay mồi vuốt vuốt những sợi lông thưa trên mặt da đen bóng của con vật. Bố nhìn u âu yếm, giọng lạc đi: "Trâu nhà ta đấy...".

Tôi tụt từ trên mình trâu xuống. Như đã nhận ra người chủ nhỏ, con trâu gại gại đầu, rồi thè cái lưỡi ráp như lá lúa, liếm liếm vào tay. Trâu tỉnh Thanh sừng cong chuối ngự, cổ cò, bụng hóp, mông nở, chân thon gióng trúc... Kéo cày khoẻ lắm đây! Bà tôi vừa cười, tay run run xoa đầu cháu, thì thầm vào tai tôi: "Vậy là bố cháu tam thập nhi lập, làm nhà, cưới vợ, tậu trâu... Có chí, mấy nả mà giầu tiền kho thóc đụn...". Con trâu mở to đôi mắt lờ đờ, cúi đầu như đang ngẫm nghĩ về ước vọng mà cả nhà tôi đã ngầm đặt lên vai nó.

Tôi nhập bọn và trở thành một trong những trẻ trâu với nhiều trò nghịch ngợm thơ ngây từ thuở ấy. Sáng, dắt trâu từ chuồng ra khỏi ngõ, chúng tôi í ới gọi nhau, thong thả dong những con vật hiền lành qua cái cổng làng rêu phong cổ kính trổ lối ra đồng. Hai bên cổng, tre ken dày thành luỹ, bao bọc lấy làng xóm. Tre như chiều lũ trẻ, che khuất những việc làm dại dột nhưng thú vị của chúng tôi... Ông mặt trời đỏ rực đang cười, khoảng trời xanh đã mở cho cánh chim bay, con đường đồng vắng lặng như mời, như gọi vó câu. Nhớ chuyện Đinh Bộ Lĩnh, chẳng đứa nào bảo đứa nào, chúng tôi cùng cúi rạp trên mình trâu, nhất loạt ra roi dâu. Những con trâu ban đầu còn lộp cộp lộp cộp nước kiệu, về sau, hứng khởi bởi tiếng la hét trẻ thơ, chúng cất bốn vó lồng lên phi nước đại. Gió ù ù bên tai, hất tóc ngược về phiá sau. Đất nâu trắng phớ tung bụi, lúa đồng xanh chấp chới như vờn như giỡn...Thầy giáo khai tâm của tôi phong thanh biết chuyện, cười, khuyên: "Các con muốn nhanh nên người thì phải học. Chữ nghĩa chính là cái cổng làng và con đường dẫn vào cuộc đời. Sự cố gắng, nỗ lực, chẳng qua cũng chỉ là một cách phi trâu lồng mà thôi..."

Nhớ lời thầy, chúng tôi thả trâu gặm cỏ trên cồn, để mặc cho tiếng mõ lóc cóc xa dần, những cái nón mê chụm lại quanh một cuốn sách: "Ai bảo chăn trâu là khổ?...". Tiếng ếch nhái uôm uôm lẫn vào tiếng cá quẫy lóc bóc trong các ruộng lúa. Sau khi đã thuộc nằm lòng bài học, tháng tư tuốt rờm lúa, tháng tám nhổ cỏ khô, chúng tôi nướng những con cá mò được, bày cỗ chơi trò việc làng, việc họ, việc cưới cheo... Lá nhọ nhồi, tro nướng cá và đất sét thế mà được việc! Lấy những thứ đó vẽ lên mặt là có đủ cả lý trưởng, tiên chỉ họ, chú rể, cô dâu... Chơi chán thì thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây hay giả làm trai gái làng hát chầu, hát ví... Vừa cười đã khóc, vừa mới giận hờn đã vội làm quen... Rồi lớn lên, kẻ đi xa đau đáu mong ngày trở lại chốn xưa, người ở lại khắc khoải bấm đốt ngón tay đợi bạn vong niên. Gặp nhau mỗi độ xuân về, tết đến, cười nhăn cả má, nước mắt cứ trào ra, người này thương kẻ kia tóc sớm bạc, người ở quê xót người nơi góc bể chân trời...

Tôi có mấy người bạn ba mươi năm qua vẫn còn trong quân ngũ. Mỗi khi có dịp, các anh ấy vẫn nhắc lại trò chơi trận giả thuở ấu thơ. Vào tháng mười một, ruộng cày lên xếp thành những luống ải, gió bấc hanh hao đã làm đất nỏ tom. Đám con trai chia làm hai phe ta và địch, len lỏi đuổi theo nhau trong từng luống đất. Dĩ nhiên, "đạn" chỉ là đất ải nhào với nước cho nhuyễn vo lại. Đám con gái thì được cử làm cứu thương, lo việc hậu cần... Tôi chơi xấu, cố tình nhô người lãnh đạn, để được đám con gái khiêng lên cồn, nằm khểnh nhai ngô rang giòn tan,thơm nức... Về sau, trò này bị lộ. Chúng bạn phạt bắt tôi làm máy bay địch, đạn súng nhỏ bắn không tới, miệng ù ù trong suốt cuộc chơi. Thấy tôi giang hai tay liệng đi liệng lại, mấy con trâu đang thản nhiên gặm cỏ nhất loạt ngửa mặt, nhăn mũi, cười chế nhạo: "Ngò...ngò...ò..."

Vào một vụ tháng sáu, tôi thả diều trên cồn. Tiếng sáo lơ lửng neo giữa tầng trời cao vời vợi, mênh mang. Bố tôi đang cày một chân ruộng dầm, đất lật loang loáng qua diệp cày sáng bạc. Con trâu hục hặc đi trong chang chang trời nắng, thi thoảng đưa lưỡi liếm nhanh một mầm lúa sót. Bất ngờ, nó dừng lại, ngẩn ra nghe những thanh âm lạ. Cột dây diều vào cọc buộc trâu, tôi lội xuống ruộng, xin bố cho tập cày một sá. Trao tay cày cho tôi, bố dặn cẩn thận, rồi lên cồn, giở điếu cày, vê thuốc, châm đóm hút. Con trâu nghe tiếng nõ điếu reo, không đợi tôi giục "vắt, vắt", gằm mặt xuống đi băng băng...Tay yếu, không đủ sức ấn seo cày, tôi để lưới cày lướt trên mặt ruộng. Cái cày đổ, kéo tôi nhào về phía trước. Nước dềnh lên, cuộn sóng. Bố tôi mới kịp "họ" lên một tiếng, con trâu đã thoắt dừng lại, lưỡi cày như một cái lá đa sắc lẹm lệch sang một bên. Con vật phì phò thở, quay lại nhìn chủ, đôi tai vẫy vẫy. Bố đỡ tôi dậy, tháo ách trâu. Con trâu thơ thẩn gặm cỏ quanh cái cọc tôi đã buộc dây diều. Ngỡ sợi dây phát ra thanh âm réo rắt, con trâu dỏng tai, cọ cọ sừng vào đó. Dây đứt phựt, cái diều chấp chới theo chiều gió, tiếng sáo cuống quýt, ngắt quãng. Tôi chạy theo hướng diều rơi, vớt được diều ở một ao bèo, lên bờ đã thấy con trâu đang cúi đầu uống nước, cái đuôi chổi sể ngoe nguẩy vẫy...

Tháng Chạp rét cắt da cắt thịt. Khoác áo tơi lá móc, chúng tôi nằm phủ phục trên mình trâu. Da trâu mốc trắng, khen khét, hâm hấp nóng. Thương trâu, bố tôi lấy bao tải may cho nó một cái áo. Thế mà, mỗi khi gió bấc ào ào từng đợt xô tới, con trâu thoáng khẽ rùng mình. Đêm, cửa chuồng được che kín bằng các phên rạ, trâu nằm trên ổ rơm chóp chép nhai trầu.

Tôi nhớ năm nào cũng vậy, ba ngày Tết, mỗi buổi sáng bố đều bảo tôi mang cho trâu một cái bánh chưng. Con trâu ngoạm dần từng miếng bánh trên tay người, vừa từ tốn nhai vừa nhìn tôi, ứa nước mắt.

Thấm thoắt ngày nào mà đã mấy mùa hoa đào nở ! Con trâu cần mẫn cùng bố tôi cày bừa hết đám ruộng này đến đám ruộng khác. Ngày mùa, nó nhong nhong kéo đá lăn trục lúa, ngày dưng, nó theo bố tôi kẽo kẹt đẩy che đạp mía thuê cho một lò đường ở làng bên cạnh... Dẫu chưa dư tiền kho thóc đụn như bà mong ước, bố tôi đã lấy làm đắc ý vì nhà được tiếng thơm là hộ khá giả trong thôn...

Cho đến một tháng Ba năm Hợi, trong lễ hội chọi trâu dâng cúng thần làng, con trâu nhà tôi đứng đầu sới. Lời khen chưa dứt, lại đã tháng Ba năm Tí. Lần này, nghe tiếng reo vỡ trời vỡ đất của dân làng mừng con trâu nhà thằng bạn tôi thắng cuộc, bố tôi bưng lấy mặt, tôi không kìm được nức nở, nhìn qua nước mắt cảnh con trâu thân yêu bị nhốt trong gióng. Nó sẽ được hóa kiếp vào đúng lúc ba hồi trống hội kết thúc, báo hiệu giờ tế lễ thiêng liêng bắt đầu...

Da trâu đem thuộc, bưng cho mỗi xóm trong làng một bộ trống. Cái trống to nhất, làng đem tặng cho trường cấp một cuả xã. Năm ấy tôi học xong lớp bốn. Ba hồi trống bế giảng đã vang lên. Lòng nao nao, tôi nghĩ con trâu thân thuộc vẫn còn đang bên cạnh, nhắc cho biết thời thơ ấu đã qua...

Lớn lên, tôi có nhiều dịp đi suốt chiều dài và chiều rộng của đất nước. Không ít lần, tôi đã từng ngẩn ngơ ngắm những đàn trâu Hàm Yên, Phong Châu, Thạch Thành, Anh Sơn, Đức Thọ, Bố Trạch, Bảo Lộc, Lâm Hà...đi trong ngân nga tiếng sáo mục đồng bảng lảng lẫn vào nền chiều tím ngắt hoàng hôn...Cũng có lúc, nhìn dáng núi non, tôi bồi hồi ngỡ đó là dáng đàn trâu làng tôi đang thung dung gặm cỏ trong mênh mông trời đất. Nghe tiếng sấm đầu mùa báo đất trời rẽ lối, tôi tưởng mặt trống da trâu nhà tôi còn rung lên đâu đó, đủ âm vang để làm náo nức tất cả các lễ hội mùa xuân...

#4
Nguyễn Quốc Văn
"Super Member"


Số bài : 412
Điểm thưởng : 0
Từ: 09.09.2019
Trạng thái: offline

Re:TẢN VAN NGUYỄN QUỐC VĂN/ PHẦN 2/Gói rét ngọt nắng hanh trong lá 10.01.2020 11:35:13 (permalink)
Gói rét ngọt nắng hanh trong lá

Những năm tháng xa quê cha đất tổ, đôi lần sực nhớ tới hương tết quê nhà, tôi đã cất công đi tìm vị thứ bánh chưng để dành bằng cách thả bánh xuống giếng khơi mùa đông mà không kiếm được. Thuở chiến tranh thì nay đây mai đó; mặt khác, cũng chẳng còn lòng dạ nào mà đi tìm thú riêng. Đến khi hòa bình, do cuộc sống ngày càng khá giả, lại vốn sẵn lòng tự tôn dân tộc, tôi không mấy khi màng tới cái sang nơi chai rượu ngoại hay những thứ bánh trái đóng gói, nhập khẩu từ một phương trời xa lạ nào đó.

Chị họ tôi, một Việt kiều Pháp, mỗi lần về thăm quê vào dịp tết, trước khi trở lại Pháp, đều nằng nặc đòi tôi mua giúp bằng được vài cặp bánh chưng quê. Để thỏa mãn được yêu cầu khó tính của chị, không ít lần tôi đã phải gọi điện khẩn nhờ bạn bè ngoài Hà Nội gửi gấp bánh chưng vào Nam. Cho đến năm Ất Hợi, trong một lần vô tình đến chơi nhà anh chị Hạnh Văn, tôi đã gặp may...

Anh Hạnh dạy học cùng trường với tôi. Quê anh ở chân núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất trong chín mươi chín ngọn núi vùng Phong Châu người xưa chọn làm nơi lập đền thờ các vua Hùng. Đối với anh chị, tích bánh chưng bánh dày không chỉ được ghi vào tim vào óc, mà còn phát lộ ra ở cả những bàn tay quen gói bánh tỏ lòng thành trước tiền nhân. Lần ấy, nhìn anh chị và các cháu quây quần bên nong gạo nếp, nhìn những đệp lá dong xanh, lòng tôi như ấm lại. Rồi khi nghe anh vừa làm vừa kể, tôi nhận ra anh là người sống nặng về nội tâm, kĩ tính và chu đáo quá! Kĩ từ việc chọn gạo nếp cái rặt vụ mùa từ đất đồng chiêm Hải Hậu vào Thành phố theo đường ô tô nam bắc. Lại nữa, đậu xanh Hải Dương lòng vàng, lạt giang rừng Phú Thọ cũng được anh nhờ bạn bè lựa giúp rồi nhờ tàu hoả xuyên Việt mà gửi vào Nam góp hương trong cái bánh nhớ quê. Riêng thịt lợn Long An, hồ tiêu Phú Quốc, lá dong rừng Cát Tiên, anh Hạnh tự đi Chợ Lớn mua lấy. Hình như, trong khi chọn lựa vật liệu, anh Hạnh đã tỏ rõ ý muốn gói cả cái rét ngọt của gió bấc sông Hồng cùng cái nắng nóng của vùng núi Tây Nguyên và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long chung trong một cái bánh chưng đơn sơ chăng? Tôi đã không lầm khi anh chị xúc động bảo tôi suy luận đúng và hiểu thấu được lòng người.

Tết đến, anh Hạnh gói rất nhiều bánh chưng. Anh bảo vào cái thời kinh tế bây giờ, ngày tết hầu như không mấy ai còn bận tâm vì cái ăn, mà chỉ chú ý đến cách ăn và ý nghĩa của nó. Anh đã tìm ra cách trở về nguồn cho riêng mình bằng những chiếc bánh chưng quê giản dị, dân dã, gói trọn vẹn nghĩa tình của người con xa xứ với quê hương. Trong số bánh chưng do anh chị Hạnh Văn gói, đã có rất nhiều cái làm ấm lòng những người con xa Tổ quốc như anh chị họ và các cháu tôi chẳng hạn...

Mỗi lần cầm cái bánh chưng anh Hạnh gói trên tay, tôi thường rưng rưng nhớ về một thời xưa cũ đã qua. Nhiều chuyện đã bị thời gian phủ lên một lớp bụi mờ; không nhắc lại, ghi lại, e sau này không còn dịp nữa. Ấy là những chuyện thuở tôi còn nhỏ, diễn ra đúng vào mùa chim ngói bay về. Dịp này bố tôi thường cho tôi theo ra đồng để người truyền lại kinh nghiệm bẫy chim và dạy con cách chọn khoảnh lúa nếp nào ưng ý nhất dùng vào việc gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ba ngày tết...

Hồi ấy, nghe người chỉ dẫn, tôi biết trên cánh đồng làng người ta cấy đủ mọi giống lúa tẻ như canh nông, hin, dự gié, dự râu, tám xoan. Riêng lúa nếp, tùy theo từng nhà, người cần nhiều ngọc thực thì cấy lúa nếp thầu dầu, nếp diềng, người chuộng hương hoa thì khăng khăng chỉ cấy nếp bắc hoa vàng, còn gọi là nếp cái. Khác với nếp thầu dầu chỉ hợp với việc nấu cháo, nếp diềng được ưa dùng khi đem ủ men nấu rượu, nếp bắc hoa vàng thơm dẻo được chọn để đồ xôi, gói bánh chưng dâng cúng. Hạt gạo nếp cái càng tròn càng quý. Quý vì hạt gạo tròn thì hương thơm, vị đậm. "Còn quý ở chỗ", bố tôi bảo tôi thế, "hạt tròn là hạt nắng, hạt mưa từ trời tròn gửi xuống cho người". Bố tôi còn nói đến âm dương gì gì nữa nhưng lúc ấy tôi chưa hiểu, đại khái chỉ nhớ rằng trong hạt luá nếp tròn có cả đất và trời, nắng hanh và gió rét. Lúa nếp dùng cho việc dâng cúng được chọn gặt vào một ngày lẻ nào đó khi lúa vừa chín đỏ, thân lúa còn đủ sức đứng thẳng, lá lúa dù đã ngả vàng sậm nhưng chưa nỏ khô thành rờm lúa rũ xuống. Theo lời bố, tôi lờ mờ hiểu rằng khoảng thời gian này lúa cho gạo trắng và trong, phần phôi đục mới chỉ nhú ở một góc nhỏ. Vả lại, lúa cũng như người, ấy là lúc nó sung mãn đến tận cùng, bông lúa tuy đã cong nhưng dáng lúa vẫn thẳng băng, khí khái. Lúa như người thành kính, khoe dáng người lòng ngay dạ thẳng khi cúi mình trình diện trước tiền nhân. Bố tôi hay dặn u tôi phơi lúa trong những chiếc nong đan bằng tre hoặc nứa. Nắng đầu đông và gió bấc đủ hong cho hạt khô nhưng không tới mức giòn tan. Lúa khô, chỉ được đựng trong bồ, mở miệng cho thoáng; tuyệt đối không dồn vào bao tải vì gạo sẽ mất mùi thơm. Từ đấy, những ngày hoe nắng, nhớ đừng quên đem lúa ra phơi, ủ thêm ánh dương cho gạo. U tôi thường xay lúa sau rằm tháng Chạp. Gạo nếp được giã bằng cối đá sau khi đã tháo phần sắt bịt ở đầu mỏ cối. Bố tôi nhắc, khi dún cần, phải cố mà giữ sao cho nhịp chày đều đặn, khoan thai để gạo không bị nát. Rồi năm nào cũng vậy, vào phiên chợ Chùa 27 tháng Chạp, thế nào bố u tôi cũng đi chợ sắm tết với một gánh gạo nếp kĩu kịt trên vai. Lúc về, cũng một gánh. Nhưng toàn là cà chua đỏ, hành tía, bí đao xanh đậm, rau cải, rau cần, hành ngò xanh mát. Nhiều nhất vẫn là đồ để gói bánh chưng. Mấy ống giang xanh xếp ngang trên những đệp lá dong cũng một màu xanh. Đối với tôi, chẳng có sung sướng nào bằng được bố sai đem lá dong ra sông rửa. Đếm từng chiếc lá, tôi nhẩm tính tết này bố sẽ gói bao nhiêu cái bánh. Rồi thầm bấm đốt ngón tay xem nhà có đủ thóc xay tới vụ chiêm năm tới không. Nhiều lần tôi đoán đúng. Năm nào bố gói ít bánh, y như năm ấy nhà bị đói, tháng ba đã phải bữa cơm bữa cháo qua ngày. Bố ngồi ở ngoài chái nhà chẻ lạt. Người vừa rung đùi vừa chuốt từng sợi giang, mắt nheo nheo nhìn ra cánh đồng vừa cấy, miệng thỉnh thoảng lại nói: "Lúa chiêm năm nay ấm chân sớm!". Sáng ba mươi tết thật náo nhiệt. Lúc ngoài ngõ người ta í ới rủ nhau đi mổ lợn đụng, bố bảo u bày cái nong tre ra giữa nhà. Gạo nếp trắng ngần ngâm từ đêm trước đã để ráo hết nước được đổ thành đống giữa nong. Riêng thịt lợn ướp muối, tiêu trộn lẫn với hành củ thái thành lát mỏng, u thường để trong cái thau nhôm đã cũ. Còn đậu xanh đã đãi hết vỏ, đồ chín thì u đổ vào một cái rá tre. Tất cả được xếp xung quanh bố tôi, tiện cho người với tay tới đâu là có thứ cần thiết ngay. U tôi ngồi cắt lá, xếp thành hai loại. Lá lành bên ngoài cho đẹp bánh, lá bé hoặc lá rách bố chồng lên nhau, đặt ở trong cùng. Từng đệp bánh đều chằn chặn, vuông vức hiện dần dưới đôi bàn tay khéo léo của bố. Thường thì sau khi mè nheo và được bố gói trước cho một cái bánh chưng con con, tôi hớn hở ra mặt, răm rắp làm theo lời bố, chạy thẳng tới chỗ đụng lợn. Và lúc tôi trở về nhà, hai tay khệ nệ bưng rổ thịt lợn, cũng là lúc bố đang gói chiếc bánh cuối cùng. Người dừng tay, bảo u thu dọn mọi thứ rồi mới đứng dậy, ra phản ngồi hút một điếu thuốc lào, khoan khoái nhả khói lên trần nhà... Buổi chiều, người sai tôi xếp ba chồng gạch vuông làm bếp. Chất bánh vào chiếc nồi mười xong, người đong đủ nước, lấy vung gỗ đậy lên và nhờ tôi nhóm lửa. Dĩ nhiên tôi phải nhớ lấy lửa từ chiếc đèn dầu trên bàn thờ tổ mà ngọn lửa đã được bố vặn nhỏ như một hạt đỗ. Lửa như mắt người dõi người. Lửa cháy bập bùng trong bếp, tỏa hơi ấm nồng nàn của tro than và cả của mùi bánh đang chín dần. Đêm trừ tịch chậm rãi trôi qua trong tiếng nước sôi lục bục vọng ra từ nồi bánh lẫn trong những câu chuyện về việc làm ăn và sự thành đạt của mỗi người trong nhà. Cho đến lúc bánh được vớt ra, xếp thành chồng trên một cái cánh cửa, bố tôi gỡ thêm một cánh cửa khác ngoài bậu cửa, chất cối đá lên trên cho đủ sức nặng để ép bánh. Lạ lùng thay, lúc bố xong việc cũng là lúc chuông đồng hồ điểm báo phút giao thừa tới. Sáng mồng một, tôi thức giấc đã thấy hai chồng bánh chưng được xếp ngay ngắn trên bàn thờ. Song đếm đi đếm lại, tôi vẫn thấy thiếu mất chín cái; hỏi, bố chỉ cười, không nói. Tôi chỉ thực sự biết được điều bí mật vào cuối tháng ba, lúc những ngày hội xuân đã vãn, bố cười cười, nửa đùa nửa thật bảo tôi lội xuống ao mà vớt những chiếc bánh người kín đáo dâng thần nước sau lúc giao thừa. Để cầu cho vụ chiêm mưa thuận gió hoà. Để xin của cải vào nhà nhiều như nước. Người còn bảo, bánh chưng lúc còn tỏa hơi nóng, đem ném xuống ao mùa đông, gặp nước lạnh đột ngột, lớp hồ gạo nếp bên ngoài mặt bánh đông kín lại, khiến nước ao không sao thấm vào bên trong được. Bây giờ vớt lên, chỉ cần gọt lớp hồ đi, đem rán giòn, bày ra đĩa, bánh vẫn còn thơm nức mùi lá dong. Ăn một miếng khi đói, nhớ một đời chưa quên! Có lẽ vì không quên được mùi lúa nếp, lá dong kia mà chị họ tôi và nhiều người xa xứ khác hay cảm thấy bồn chồn khi mùa xuân tới? Biết vậy, nhưng Tết này, do quá bận việc, chị họ tôi vẫn không sao thu xếp được thời gian để về Việt Nam ăn tết với gia đình tôi.

Tôi đã kể chuyện này với anh Hạnh. Mặc dầu thế, anh vẫn bảo: "Vậy thì chú nên gửi sớm biếu anh chị và các cháu vài cặp bánh chưng theo đường hàng không cũng được. Vì ai đã được thưởng thức bánh chưng, tức là đã hưởng đủ vị Tết quê nhà rồi". Tôi tin rằng lời khuyên của anh là chân tình.

Và, cho đến bây giờ, tôi mới hiểu rõ hơn vì sao vào ngày 27 tết hàng năm, anh Hạnh thường chở chị Văn ra sân bay, nhờ một người bạn thân mang giúp năm cặp bánh chưng gói nắng phương Nam về đất Bắc. Một cặp làm qùa cho bạn. Hai cặp thắp nhang trước bài vị ông tổ họ. Còn hai cặp kia, mang lên núi Nghĩa, dâng trước bàn thờ các vua Hùng...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.01.2020 12:43:23 bởi Nguyễn Quốc Văn >
#5
Nguyễn Quốc Văn
"Super Member"


Số bài : 412
Điểm thưởng : 0
Từ: 09.09.2019
Trạng thái: offline

Re:TẢN VAN NGUYỄN QUỐC VĂN/ PHẦN 2/Đi tìm cây lá dấu 10.01.2020 11:43:39 (permalink)
Đi tìm cây lá dấu

Thuở nhỏ, có đến mấy lần tháng ba mưa buị, u tôi dẫn tôi đi theo phường hội. Tôi biết câu "Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ" từ ngày ấy. Chỉ không hiểu sao người đời lại gọi Bà chúa Liễu là Thánh Mẫu...

Đúng vào hôm trời bất chợt hửng nắng, phường hội cuả u tôi tay nải nối nhau qua bến đò Chè, lần theo những con đường ngoằn ngoèo, tre hai bên đường uốn cong như cố vít bầu trời Vụ Bản thấp xuống, hướng về làng Kim Thái dưới chân hai dãy núi mà u tôi bảo là núi Ông Gôi, núi Bà Lê. Với u tôi, do niềm tin vạn vật hữu linh gần như đã ăn sâu vào máu thịt, người hay thêm các từ ông, bà vào trước tất cả mọi vật mà người cho là tôn kính, quý trọng. Vì thế, tôi biết hai dãy núi kia chỉ là núi Gôi, núi Lê. Khi nghe tôi gọi tên tục cuả núi, u tôi hay nguýt dài để tỏ rõ sự khó chịu, rồi mới hạ thấp giọng, khẽ khàng bảo: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành! Con gọi tên tục người ta ra như thế phải tội chết!". Tôi không dám nghĩ nhời u dạy là sai. Nhưng do tò mò, tôi đánh bạo hỏi: " U ơi, thế sao người ta lại gọi Thánh Mẫu là bà chuá Liễu? Gọi như thế có phải là xếch mé không?". " Bố nhà anh, còn bé tí đã vặn vẹo chữ nghĩa! Mà u thì cũng chẳng biêt sao lại như thế. U đồ rằng người ta gọi Thánh bằng Bà cho gần gũi. Ví như bà vẫn thuốn lình cho u ấy. Lúc ấy thì bà là thánh. Vì chỉ có tay thánh thuốn lình qua má người ta mới không cảm thấy đau đớn. Xong việc, bà lại là bà thôi, hái rau, nấu cám cho lợn, làm hàng xáo, đi chợ bán gạo bán khoai...".

Đêm, năm thì ở phủ Tiên Hương, có năm lại trong phủ Vân Cát, năm nào u tôi cũng được phường hội cử ra làm một đồng cô. Tôi rất lấy làm lạ là vào những giờ phút thiêng liêng ấy, trong ánh đèn nến chập chờn, trong những âm thanh réo rắt như mê như hoặc cuả vài cây đàn nhị, vài nhịp phách nứa tre, xuất hiện trong bộ quần áo lụa vàng tứ thân có thắt lưng bằng một dải lụa đỏ, u tôi như trở thành một người đã thoát tục hẳn. Đôi mắt lúc cháy rực như hai ngọn lửa, lúc mơ màng như lạc từ một cõi xa xăm xuống trần thế... Duy có dáng đi thì không thay đổi được. Tay cứ vung về hai phía trước sau, nhịp nhàng để giữ thăng bằng cho chiếc mâm đồng xếp đầy phẩm vật đội ở trên đầu. Trông giông giống những lần u đội lễ đến từ đường họ, hay vắt vẻo cùng bà tôi đi chợ, thúng trên đầu, suốt cả năm sáu cây số cũng chẳng cần phải đưa tay lên đỡ một lần nào. Chợt u tôi ngồi xuống. Lặng đi trong giây lát, đang từ tư thế bất động, bỗng u lắc nhẹ đầu. Nhị, phách vang lên cùng một bài ca. Rồi theo nhịp phách dồn dập dần, u tôi lắc đầu theo chiều quay từ trái qua phải, mỗi lúc một nhanh hơn. Cái mâm đồng đảo nhanh loang loáng, tạo thành một vầng hào quang trông thật hư ảo. Vào đúng lúc ấy, nhạc bỗng nhiên ngừng bặt. U tôi sững lại trong giây lát, rồi người ngồi lặng phắc, cái mâm đồng còn như cố xoay thêm một vòng nữa rồi mới chịu nằm im...Từ đấy, đồng cô không nói, chỉ gật hoặc lắc khi người ta xin quẻ. Nghe u chỉ gật trước những lời cầu xin tốt lành, khi đồng đã vãn, tôi tò mò gạn hỏi mãi u tôi mới cười, che miệng bảo: "Người tốt tính, chỉ nên làm những điều tốt. Cho nên, khi được nói thay lời thần thánh, u phải cân nhắc kỹ càng lắm. Lời u nói ra qua điệu bộ, u biết, cũng chỉ là một cách an ủi người, an ủi mình thôi con ạ!".

Sáng hôm rước Mẫu, u tôi cũng được chọn vào phường lình. Phường này thường đi sau các vị sư tăng, phường các bô lão và phường kiệu. Sau phường lình là phường lân, một phường vừa múa cho vui mắt, vừa làm công việc dẹp đường cho đám rước. Những người trong phường lình thường thuốn lình trước khi tham dự vào đám rước. Nghe bà tôi kể lại thì xưa kia người ta thuốn ba loại lình. Loại lình đại to như cái liềm cắt lúa, thuốn vào bụng. Lình trung chỉ bằng cái đũa cả, lình tiểu ước chừng chỉ nhỉnh hơn cái kim khâu bao. Hai loại lình này dùng thuốn qua má hoặc thuốn qua lưỡi... Khi tôi biết việc này, người thạo thuốn không còn nhiều. Ngay như bà tôi cũng chỉ thuốn được lình tiểu. Và, bà cũng chỉ còn biết có một cách làm duy nhất là thuốn qua má... U tôi được bà thuốn lình cho. Nhìn bà múa may quanh u đến mấy vòng, rồi bất ngờ ngồi thụp xuống, tay trái bà đỡ lấy má bên này, tay phải giơ cây lình bằng thép sáng loáng, đâm mạnh vào má bên kia cuả u tôi, tôi nhắm mắt lại vì kinh sợ. Thế mà u tôi cứ tỉnh như không. Đã thế, trong đám rước, tôi thấy ánh mắt u vẫn cứ ánh lên những tia mãn nguyện lắm... Lúc đám rước Mẫu tan, nhìn hai cái lá khô mà bà tôi dán lên má u, tôi hỏi có đau không thì u bảo là u chỉ cảm thấy hơi tê tê thôi. Nói xong, u khẽ bóc cái lá ở bên má phải, nhờ tôi nhìn kỹ xem có còn vết sẹo nào không. Tôi tròn mắt nhìn, không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, kêu lên: "Lạ quá u ạ! Chỉ còn một vết xước nhỏ! Sao vết lình bà thuốn qua liền nhanh đến thế u nhỉ?". U cười: " Nhờ Mẫu cả đấy con ạ! À, mà u chưa nói thêm cho con biết, bà có thứ lá dấu thiêng lắm! Ai bị thương, cứ đem lá ấy rịt vào là máu ngừng chảy ngay. Vết thương lại chóng liền miệng nữa. Hôm nào con dò hỏi bà, xem nó là thứ lá quý nào. Biết đâu sau này, con chẳng giúp ích được cho đời?". Tôi theo lời u, hỏi bà về thứ lá lạ. Bà dắt tôi ra vườn, chỉ vào bụi lá dấu. Lá dấu rất giống lá bỏng, hình trái tim, mặt lá dày, cạnh lá có khứa răng cưa. Bà tôi nói, lấy lá dấu phơi khô, tẩm thêm một ít thuốc nam nữa là được một cái dấu. Mỗi cái dấu chỉ dùng một lần. Cũng chỉ làm lành được những vết thương nhỏ. Vì thế, cây lình chỉ nhỉnh hơn cây kim một chút mà thôi... Về sau, tục lên đồng bị cấm (vì có nhiều người cho rằng nó mang tính chất mê tín dị đoan), cây lá dấu trong vườn nhà không ai để ý, cứ lụi dần và mất hẳn từ ngày bà tôi theo ông tôi về cõi cực lạc.

Chiến tranh bùng nổ. Lớp lớp trai làng, trong đó có tôi, lần lượt lên đường ra mặt trận. Mỗi khi nhìn thấy đồng đội, người bị đạn bắn vào bụng, người thì bị mảnh bom hay mảnh pháo bầy găm vào ngực, vào mặt,... máu chảy loang cả những khuôn mặt còn măng tơ, tôi thường nhớ tới cây lá dấu. Ôi, ước gì có một cái dấu xưa! Cái dấu có thể làm lành những vết thương! Không phải bằng niềm tin tôn giáo như người ta thường nghĩ! Mà bằng giá trị đích thực cuả một thứ thuốc đã từng hữu dụng nhưng lại bị người đời vô tình quên đi. Thật tiếc khi nhận ra nó chính là một loài cây quý, một bài thuốc hay và độc đáo cuả cha ông truyền lại cho cháu con... Những lần như thế, tôi thường khóc thầm vì tiếc. Tôi bứt ngực, tự trách mình thiển học, đến một thứ cây lá quý hiếm như vậy mà cũng không biết vun trồng, chăm bón, giữ lại giúp đời. Không rõ bây giờ, ở Vụ Bản, Yý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thuỷ có nơi nào còn cây lá dấu không? Có ai biết vị thuốc này nhưng vẫn còn giấu kín để mưu lợi cá nhân? Hoặc có còn ai đó, đang vùi đầu trong các phòng thí nghiệm, để tìm ra bí quyết cuả người xưa?

Day dứt với cây, năm ngoái, vào đúng dịp Hội Phủ Giầy, tôi đã cố cất công tìm về chốn cũ. Hội rất to, có xu hướng phục cổ. Tôi tỏ ý mừng rỡ khi thấy những nét xưa đẹp đẽ phần nào đã được cháu con làm sống lại. Có những trò chơi ai đã từng biết một lần, một đời không quên nổi. Ví như trò kéo chữ ở phủ Tiên Hương chẳng hạn. Các cô gái quê mặc áo tứ thân đa sắc chạy đi chạy lại theo nhịp trống, xếp thành những chữ ước mong muôn thuở như Thiên hạ mẫu nghi, Thiên bản nhất kỳ... Nhiều lần, khi đang ở Sài Gòn, nhất là những khi đứng trên sân thượng cuả những toà nhà cao chọc trời mới xây dựng trong thời gian gần đây, nhìn xuống phố, thấy những dòng người xe xuôi ngược, tôi hay nghĩ tới trò chơi kéo chữ ở một vùng quê chèo. Khác là cuộc kéo chữ mới hôm nay hoành tráng và có tốc độ cao hơn. Và, những con chữ cũng như được phả thêm hồn cuả đất nước thời bước vào công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước...

Tôi chỉ còn được gặp lên đồng qua một tiết mục sân khấu cuả đoàn chèo Nam Định. Lên đồng cải biên. Ba giá đồng trong Tứ phủ đủ làm say lòng người, đủ gợi lại một nét xưa. Dĩ nhiên, các nghi thức tôn giáo không còn nữa. Ngay cả lời ca cuả cả ba giá đồng này cũng đã mang những nội dung hoàn toàn mới. Vì thế, thuốn lình cũng chỉ còn sống trong hồi ức cuả những lớp người trước hoặc đồng thời với tôi mà thôi. Cũng như vậy, kiếm cây lá dấu là việc làm còn khó hơn cả tìm kim đáy nước? Tiếc thay! Nhưng dấu ấn văn hoá xưa cuả một vùng đất thì vẫn còn đó. Hồn thiêng của Mẹ- hay gọi là Thánh Mẫu - như đã ngấm sâu vào đất đai, hiện hình trong lúa ngô khoai sắn, mãi mãi nuôi dòng máu đỏ ân tình còn đang chảy rần rật trong huyết quản các thế hệ cháu con...

Tôi đã nghĩ như vậy trong khi vô tình đặt tay lên ngực. Và ngay lúc ấy, trái tim mách bảo tôi: Trong ngực mỗi chúng ta chẳng đã có một cái lá dấu đấy ư!
#1
    Ct.Ly 11.02.2023 21:47:06 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9