Ông già gân
Khù Khờ 26.02.2023 14:25:24 (permalink)
Ông Già Gân

Khi tôi vừa bước vào phòng tập thì Triều đã đến vỗ vai
-Anh vô phòng bóng bàn đánh thử với cao thủ mới.
Tôi xách túi tới bàn, ngó quanh. Chẳng có cao thủ nào cả. Toàn những người quen, vừa chơi banh, vừa chọc đùa nhau ầm ĩ ở bốn bàn bên ngoài. Tôi dợm bước ra thì có tiếng từ bàn trong cùng
-Nếu cậu không có bạn thì đến dợt banh với tôi
Một ông già đang tung hứng quả banh trên hai mặt vợt. Lưng ông đã còng, tay chân lòng ngòng bám vào tấm thân ra gió thổi chắc bay. Giọng ông đã khàn nhưng cách nói còn dõng dạc lắm. Khi đến bắt tay ông, tôi thấy đôi mắt của ông nhếch nụ cười sau cặp kính rất cũ.
-Frank. Biên Hòa 1965.
Tôi giật mình vì cách phát âm tiếng Việt rất Bắc.
-Khù Khờ. Dallas Y2K.
-Alright, show me what you got.
Tôi muốn té ngửa. Ông già này chịu chơi nghen.
Ông già gân. Tên cúng cơm tôi dành cho ông từ ngày ấy, gần 10 năm trước.

Chơi với ông già gân được vài tuần, tôi và ông thành cặp bài trùng trong những trận đánh đôi. Tuy đã 85, Hank vẫn còn những cú giật banh khá xoáy và những táng banh dứt điểm. Vài cú giao banh hiểm làm đội bạn chới với. Tôi thường đứng sau lưng thủ banh hay gài banh cho ông già gân tấn công. Mắt của tôi nửa đặt trên quả banh cò cưa qua lại, nửa đặt vào đôi chân hơi đảo chao phía trước. Đôi trận banh có những lúc gây cấn, ngang ngửa từng quả banh, không sao thắng được. Ông hơi mất kiên nhẫn,quay lại bảo nhỏ với tôi
-Cậu phải công mới có cơm cháo chứ. Cậu phải tiến lên, giật banh bên phía trái. Tôi chờ banh bên đây để dứt điểm.
-Yes, coach. High level
-High level
Thắng làm vua. Thua xách gói về.

Hank là tay vô địch bóng bàn lão niên từng nhiều năm. Mỗi mùa hè ông đi thi đấu ở các tiểu bang khắp nước Mỹ. Tôi hết sức ngạc nhiên vì hội bóng bàn còn tổ chức giải thi đấu hàng năm cho những người chẳng chịu về vườn. Giải trên 85, tôi nói đùa với ông già gân
-Chắc năm nay ông lại đoạt giải vô địch vì nhóm tuổi này chỉ có một mình ông.
-Mười năm nữa sẽ có thêm Peter. Nhóm này sẽ đủ 10 người nếu không có ai đón tàu suốt.
Ông Peter cười hề
-Cho tôi vài năm để mang cúp về trước đụng lại ông.
-Người ta đã xây tượng đồng cho ông vẫn chưa đủ sao mà còn lo tranh cúp với tôi.
Nghe hai ông già đá lời qua lại cũng vui. Tối đó tôi về tìm trong Google về Peter Snell. Tôi hết sức ngạc nhiên về con người phi thường và nhún nhường như vậy.

Từ đó, suốt hai năm liền, tôi gắn bó với nhóm lão tướng vào những ngày chẵn. Những ngày lẻ, Hank đứng chung với tôi để chơi với những tay vợt trẻ. Vừa chơi banh, họ cười nói, kể đủ chuyện. Thỉnh thoảng ông nhếch mép cười. Họ chỉ nhìn Hank là ông Mỹ già. Họ không biết là ông hiểu những gì họ nói. Hiểu ráo trọi. Họ chưa biết ông đã sống ở Việt Nam gần hết thập kỹ 60. Tuy ông không nói thẳng, tôi nghĩ ông làm tình báo thay vì cố vấn không quân. Vài nơi ông đóng quân là những vùng xôi đậu, như Biên Hoà chẳng hạn. Tôi hết sức ngạc nhiên về cái tỉnh lẻ sát Sài Gòn. Ông kể một số người vào làm hay nhận đồ trong căn cứ của ông là dân nằm vùng. Họ đi ra cổng không bao lâu là vài quả đạn pháo kích đã rớt đúng vào chỗ bộ chỉ huy vừa họp. Thỉnh thoảng ông ra chợ, thấy tài liệu của căn cứ. Một ông lính Việt mang giấy tờ chất đống chưa kịp hủy về cho vợ gói xôi hay gói dế!

Từ lúc quen với ông già gân, tôi thêm cái thói ăn vặt. Đi chơi bóng bàn, tôi thường ghé ngang chợ mua ly nước mía, ly nước chanh dây, ly cà phê, ổ bánh mì, bánh giò, bánh sầu riêng … Tôi không đói. Tôi thích ngồi nghe ông già gân kể chuyện về Việt Nam. Tôi bị lôi cuốn vào những chi tiết tuy rất nhỏ, nhưng rất thú vị. Nhếch mép cười và đôi mắt hóm hỉnh nheo lên khi ông dừng câu chuyện. Ông chờ tôi bắt kịp hay ông chờ tôi ngấm từng kỷ niệm mà ông vẫn ôm ấp trong lòng? Ông đã sống quanh bom đạn để kéo dài tự do cho miền Nam thêm chục năm. Tôi cám ơn ông. Ông bảo đóng quân ở Việt Nam, ông mới hiểu giá trị của tự do và quý nó. Ông hỏi. Tôi kể. Những thay đổi sau 1975 tôi chắc ông biết rõ, nhưng ông vẫn lắng nghe như ông giáo nghe học trò trả bài. Ông ngạc nhiên hỏi
-Thế cậu chưa biết nơi nào ngoài Sài Gòn à?
-Thời chiến tranh có mấy ai dám đi xa. Về sau thì bị ngăn sông cấm chợ, có muốn cũng chẳng đi được.
Qua ông, tôi mới biết Việt Nam đẹp như vậy và cách sinh hoạt của từng vùng khác nhau như vậy.

-Còn con gái?
Tôi không hiểu ông muốn hỏi gì. Câu chuyện giữa hai người, đứng từ xa trông như hai bố con, bỗng nhiên bị đổi hướng. Tôi chưng hửng. Không lẽ ông già này lại nổi gân, nói chuyện với tôi như người bạn cùng lứa. Ông thả tầm nhìn đến lớp sương mù đang phủ dần lên hàng cây trụi lá. Một tiếng ho nhẹ. Cái phẹc mơ tuya kéo lên che ngấn cổ thập thò lên xuống. Ông đang về lại câu lạc bộ không quân ở Anh thời đệ nhị thế chiến. Anh chàng tân binh Mỹ đang tập những cú giao bóng bàn một mình. Những anh chàng phi công khác đang bận rộn đón tiếp các em gái hậu phương người bản xứ. Chỉ có mình ông trong góc khuất. Tiếng nhạc xập xình bên ngoài. Tiếng banh rơi trên bàn thật nhẹ. Sau vài tuần, cô gái nổi nhất trong đám ấy đến … cua anh chàng khờ vụng về. Mối tình duy nhất của ông già gân. Khi vui, ông lại mang ra kể.
-Sao nghe giống Forest Gump vậy?
-Họ làm phim đó mà chưa xin tôi bản quyền.

Mùa đông lạnh lẽo. Số người đến chơi bóng bàn thưa bớt. Tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì cả hai tháng nay không có người ngồi rù rì. Tôi mang mấy món ăn vặt mời mọi người chung quanh. Khi tôi xách túi định đi về thì cái dáng cao lòng ngòng bước vào
-High level
-High level
Câu chào quen thuộc. Tôi mừng rỡ đến ôm ông già gân. Ông nheo đôi mắt cười, giọng thều thào
-Lâu không đến đây cũng thấy nhớ.
Tôi quan sát. Mặt ông xanh xao hẳn đi. Cái miệng dí dỏm như cố bám víu trên khuôn mặt tiều tụy. Một hồi lâu ông mới khó khăn cho tôi biết là ông đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư.
-Bố mới biết à?
-Hai năm trước.
-Từ ngày mình chơi chung với nhau?
-Trước đó vài tuần.
Ông vỗ nhẹ vai tôi để trấn an. Đầu óc tôi lúc đấy rỗng tuếch. Tôi vỗ nhẹ lên tay ông thay lời nói.

Vài ngày tôi lại ghé nhà ông già gân một lần. Ông chỉ ở cách tôi chừng mười phút đi bộ. Ông chỉ ăn được đồ lỏng nên tôi bảo vợ tôi nấu cháo gà, cháo bò Huế. Nghe tôi khen nhà đẹp, vợ ông bảo trang trí là thú vui của bà. À cũng phải. Đã 90 mà bà vẫn ăn mặc rất lịch sự khi tiếp khách. Dân Ăng Lê có khác. Mẹ tôi cùng tuổi, chẳng khi nào thấy phấn son. Nghe tôi hỏi về câu lạc bộ ở Anh, mắt bà trìu mến nhìn đến ông. Ông già gân ráng ngước đầu nhìn vợ. Hạnh phúc quá. Tôi ngập tràn trong niềm vui chung.

Tôi ngồi bên giường chờ ông thức giấc. Họ đưa ông vào đây hôm qua để chuẩn bị cho ngày cuối. Ông mê man vì thuốc cho ông quên đau. Hai tấm hình trên bàn trước mặt. Hình vợ và con gái ông. Hình vài người bạn già quây quần với ông tại phòng bóng bàn và cùng nhau đi khắp các tiểu bang thì đấu. Một chiếc vợt và vài quả banh. Mỗi khi ông mở mắt, ông sẽ không cảm thấy cô quạnh ở đây. Tôi sờ vào từng chiếc mề đay. Tiếng kim loại va nhau lẻng kẻng. Một bàn tay nhăn nheo vỗ nhẹ lên cườm tay tôi. Đôi mắt cố nhướn trao tôi nụ cười quen thuộc. Tôi biết ông không còn nói được nên chỉ xoa nhẹ lên tay ông. Ông nhắm mắt để nghe những lời tôi muốn nói. Vài phút sau ông ra hiệu cho tôi lấy quả banh và cây bút lông. Khó khăn lắm ông mới viết xong vài chữ
-High level… Hank

Đứng trước linh cữu của ông già gân trước khi hạ huyệt, mỗi người kể lại một kỷ niệm với ông. Elizabeth ôn lại câu chuyện ở câu lạc bộ mà khi còn sống ông luôn say mê kể với mọi người. Câu chuyện đó được in trong trang lưu niệm trong nhà quàn. Vài người kể lại những câu chuyện vui với ông suốt mấy chục năm nay. Tôi là người thân ít năm với ông nhất. Tôi nhắc lại câu nói của Hank
-Alright show me what you got.
Mọi người cười ồ
-That’s him.
Tôi vân vê quả banh trong túi áo, đặt trên lòng bàn tay, rồi chuyền cho mọi người xem.
-High level … Hank
-Tôi sẽ giữ món quà này bên tôi khi tôi đi thi đấu để lấy hên.
Vợ ông bảo là bà vào đó độ nửa giờ sau khi tôi đi. Khi đó Hank đã về bên kia thế giới. Tôi là người sau cùng chia tay với ông già gân. Bà ta bảo ông ra đi mãn nguyện.

Chuyến đi Việt Nam hai tuần nữa chẳng biết có thành không. Khi mua vé tôi mới biết là giấy thông hành của tôi sắp hết hạn. Họ không chịu bán vé nếu giấy tờ không còn hiệu lực hơn 6 tháng. Tôi đã làm gấp giấy thông hành gần 2 tháng vẫn chưa thấy về. Ngày nào tôi cũng lên mạng kiểm tra và gọi điện thoại. Họ bảo gọn là hồ sơ đang tiến hành. Chẳng có vấn đề gì cả. Cứ chờ. Chuyến đi về thăm quê hương sau 44 năm xa xứ khó khăn như những chuyến đi vượt biên năm 77-79. Những năm đó hễ có ai nói có đình miễu nào linh thiêng là mẹ tôi xách theo nải chuối đến đó cầu xin cho tôi “về quê” trót lọt. Nơi quê này tôi đã sống 2 phần 3 đời người. Tự dưng tôi thấy ray rứt nhớ Sài Gòn. Tôi nhớ từng địa danh đọc qua sách vở. Tôi nhớ những vùng ông già gân đã từng kể cho tôi. Tôi nhìn quê hương trong YouTube hay các video nhạc. Tôi nghe anh chị em trong gia đình, bạn bè kể về Việt Nam thay đổi từng vài năm. Tôi vẫn chưa cảm được những điều đó. Việt Nam vẫn còn trong ký ức, rất sâu. Lời bài nhạc “Viễn xứ Việt Nam” cứ chập chờn bên giấc ngủ.

Ngày mai tôi sẽ ghé thăm mộ của ông già gân. Tôi sẽ mang theo quả banh, đặt trước di ảnh của ông. Tôi sẽ hỏi ông có cho tôi ghé thăm những nơi ông đã kể. Quê hương tôi. Kỷ niệm không tách rời được trong trái tim ông.

Khù Khờ

#1
    Ct.Ly 28.02.2023 04:10:21 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9