Hồi Kha
-
Số bài
:
141
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 08.09.2020
|
Re:Tác Phẩm: EM VỀ TỰA CHIẾC LÁ RƠI
-
15.03.2023 20:07:55
Em Về Tựa Chiếc Lá Rơi CHƯƠNG 12 Cuộc đời vốn đầy những chuyển biến khiến cho trạng thái tình cảm của con người giao động sâu sắc, từ vui qua buồn, rồi từ buồn lại qua vui. Kiều Nương thấy trường hợp mình thật giống như vậy. Hôm lễ bế giảng ấy từ trường trở về thay chiếc áo dài trắng học trò ra, Kiều Nương nhìn nó thật lâu với tâm trạng buồn vui chồng chéo. Vui thì có đó vì mình đã may mắn hoàn tất được bậc phổ thông khi chống chọi với nhiều gian khó trong nghịch cảnh, nhưng buồn thì cũng nhiều khi chia xa cái tuổi học trò đầy ắp biết bao kỷ niệm đẹp, mà buồn nhất là… từ nay không còn chung lối với người ấy mỗi hôm đến trường. Dẫu biết những gì đã đi qua đâu bao giờ trở lại, nỗi tiếc nuối kia nó cứ trào dâng không cách gì kềm hãm được, thật tái tê day dứt xiết bao! Đang trong tâm trạng u uẩn héo hắt ấy thì bỗng một tin vui bay đến khiến Kiều Nương mừng muốn reo lên. Nàng được nhận vào đại học khoa ẩm thực mà mình hằng yêu thích. Điều đáng mừng hơn nữa là nàng được trợ cấp học bổng toàn phần tại hai trường, một ngay tại thành phố nhà và một trường nữa ở thành phố khác cách nhà vài trăm cây số. Như vậy khoản học phí ít ra đã được bảo đảm. Cầm lá thư chấp thuận của họ trên tay mà Kiều Nương thấy người nhẹ bổng như sắp bay lên tận trời mây. Bước đầu ước mơ của nàng đã trở thành hiện thực. Được nhận vào hai trường nhưng sự chọn lựa hiển nhiên của Kiều Nương là nơi gần hơn, vì lý do đơn giản là sự quen thuộc với thành phố này và tiện lợi cho việc đi lại. Thật ra cái trường xa kia nàng chỉ nạp đơn cho có như một hình thức dự phòng vậy thôi, để lỡ như không được nhận vào nơi mình mong muốn thì vẫn còn một nơi khác mà hy vọng. Kiều Nương đinh ninh mọi việc sẽ tiếp diễn một cách êm xuôi như thế, nếu không xảy một sự việc mà chắc hẳn đã thay đổi cuộc đời và tương lai nàng đến tận gốc rễ. Hôm ấy Kiều Nương vừa cất bước đi chợ, sẵn tiện dự định ghé thư viện công cộng mượn cuốn sách dạy nghệ thuật nấu ăn luôn. Vừa tới đường thì mới phát hiện ra quên thẻ thư viện, nàng tặc lưỡi tự trách mình hậu đậu rồi quay gót trở về lấy chiếc thẻ. Tình cờ khi ấy Kiều Nương nghe tiếng mẹ con bà Đào đang nhỏ to ở phòng kế bên. Đúng ra nàng chẳng cố ý nghe lén họ nói đâu, nhưng vì tên mình được nhắc tới nên nàng không cách gì nén nổi sự hiếu kỳ. Vì hai bên chỉ được ngăn bởi tấm vách mỏng cách âm không tốt lắm nên Kiều Nương nghe được khá đầy đủ cuộc nói chuyện ấy. Bà Đào không dằn được cơn bực dọc, hơi to tiếng: -Con Nương được nhận vào đại học, còn mày như vậy thì còn học hành cái khỉ khô gì nữa! Thiệt là nhục ơi là nhục! Bích Vy vừa thút thít khóc vừa mè nheo: -Bây giờ… lỡ như vậy rồi, má không nghĩ cách giúp cho con, còn hành xé con chi nữa! Để con chết cho má vừa lòng! Nghe con gái giở trò hờn mát ra, bà Đào liếc xéo một cái làu bàu: -Cũng tại tao cưng chiều mày quá nên hư ra! Mày coi con Nương kìa, tao bắt nó làm bao nhiêu việc nhà, nó còn làm ngoài tiệm phở, không có xe đạp đi học mà nó thi đâu đậu đó. Mày chỉ việc vác cái xác đi học rồi về, học không lo chỉ bồ với bịch. Đó, bây giờ ra nông nỗi này rồi! Mới mười tám tuổi đã ễnh bụng ra… Giờ mày nói đi, của thằng nào tao tới bắt nó cưới? Bích Vy lắc đầu quầy quậy, lúng búng: -Không… không được đâu mà má! -Tại sao không được? Của thằng nào, nói? - Bà Đào nổi nóng nhưng cố hết sức nén xuống, quát khẽ. Cô con gái vẫn ngồi lầm lì không hé môi. Bà Đào nghiến răng: -Mày không nói làm sao tao giúp cho mày hở con kia! Khai ra mau, của thằng nào? Đừng nói với tao mày không biết của thằng nào luôn nghe chưa? Hoảng sợ trước sự giận dữ của mẹ, Bích Vy giật mình phọt ra: -Thì… thì… của người tình của má chứ ai vào đây nữa! Lời tiết lộ của con gái khiến bà Đào sững như trời trồng, tưởng như có thể chết đứng luôn trước hai cái hung tin dồn dập quá khủng khiếp. Nội cái chuyện đứa con gái mới lớn chưa chồng mà chửa đã khiến bà tím mặt rồi, bây giờ lòi ra thủ phạm lại là… tên súc sanh ấy! Có nằm mơ trong ác mộng bà cũng không dám nghĩ tới. Bà rít qua kẻ răng: -Mày… mày bảo sao? Là nó à?… Tại sao như thế được? Cúi gầm mặt xuống đất, Bích Vy lí nhí: -Thì… cái hôm má kêu con sang bên ảnh lấy tiền tháng trước đó… Ảnh nói đang đợi thợ đến sửa gì đó nên không ra ngân hàng lấy tiền được, kêu con ngồi coi phim đợi chút. Rồi… rồi cái… Bích Vy ấp úng không dám nói thêm. Đạm, gã đàn ông ấy quả là tay chơi sành đời lão luyện. Với thân thể cường tráng chắc nịch, lối ăn nói đẩy đưa ngọt lịm như thoa mật và những cử chỉ điệu nghệ biết khơi gợi, Đạm dần dà khiến cô bé cảm thấy bị cuốn hút mãnh liệt. Từ những lần tiếp xúc tưởng như thường tình, gã đã từng bước đưa Bích Vy vào cái bẫy tình ái nguy hiểm hồi nào mà cô chẳng biết. Rồi cái hôm định mệnh ấy trong căn phòng chỉ có hai người, cuốn phim tình cảm phô bày những pha ân ái nóng bỏng cùng những tiếng rên la đầy nhục dục trên màn ảnh, cộng với sự lâng lâng của men rượu gã nài ép cô cụng ly, những cái vuốt ve sành sỏi đầy kích thích của gã đã trở thành chất xúc tác khiến cho cô buông thả theo cơn đam mê của thể chất. Bên này vách ngăn, Kiều Nương phải đưa tay lên nhét vào mồm tự bịt miệng, nếu không chắc đã kêu lên vì bàng hoàng. Hóa ra bà Đào đã cắm lên đầu cha nàng một cái sừng tổ bố. Gã tình nhân ấy qua lại với cả hai mẹ con họ, còn khiến con nhỏ Bích Vy đỏng đảnh mang bầu rồi! Trời ơi, kinh khủng quá! Bà Đào ngồi phịch xuống giường, ngơ ngẩn như người mất hồn. Chẳng lẽ đây là quả báo đang giáng xuống đầu bà sao? Bà không thể tin được mọi chuyện lại tệ hại đến mức này. Cuộc hôn nhân của bà và ông Bá lâu nay chỉ còn là hình thức chứ trên thực tế thì đã tan rã rồi. Ông ta vắng nhà luôn chẳng ngó ngàng gì đến bà, tình cảm ân ái nhạt nhẽo đến thảm hại. Bà đang tuổi hồi xuân nên nhu cầu chăn gối mạnh mẽ lại chịu cảnh phòng đơn gối chiếc triền miên nên không cam lòng. Mỗi lần chồng về cũng chẳng mặn mòi gì, chỉ ôm cái điện thoại theo dõi những trò cá độ gì đó của ông ta, thấy mà chán! Lấy ông Bá một thời gian, bà Đào phát hiện ông ta không hề thích trẻ em hay muốn sinh con, và đó là lý do giữa hai người họ không có con chung. Về phần mình, bà Đào đã có đứa con gái riêng nên cũng chẳng khó chịu gì về điều ấy, nhưng khi ông Bá không đáp ứng cái khoản giường chiếu cho bà thì mới là chuyện lớn. Một phần khác bà hồ nghi trong những chuyến đi làm công trường xa nhà, rất có thể lão chồng đã mon men chung chạ với những cô gái ở những nơi xa xôi ấy, chán chê phè phỡn rồi nên mỗi lần về là xìu xìu ển ển, chẳng có chút khí thế gì để thực hiện cái bổn phận làm chồng. Nghĩ vậy, bà Đào tự cho mình cái quyền ông ăn chả thì bà ăn nem. Bà làm quen và lén cặp với Đạm, một gã trai kém mình gần chục tuổi để qua lại giải sầu và giải quyết nhu cầu cho nhau. Ngờ đâu gã kia giở trò hoa thơm đánh cả cụm khiến bây giờ bà phải khốn đốn thế này! Thật sự nhìn sức học và lối sống của con, bà Đào cũng không hy vọng gì Bích Vy sẽ tiến xa được trên đường học vấn. Chủ đích của bà là tìm một chàng trai nào giàu có rồi dụ gả con gái cho anh ta. Như vậy nó sẽ được chăm sóc và có nơi nương tựa, cùng lắm thì kiếm một việc làng nhàng nào cho có, chứ nơi ăn chốn ở cơm nước được chồng lo rồi vậy cũng khỏe. Chỉ có điều lòng dạ bà hẹp hòi, thấy con mình học lẹt đẹt quá ra đường ai hỏi chẳng dám nổ cho phồng mặt nở mày. Trong khi đứa con riêng của chồng tiếp tục vào đại học, mai mốt có bằng này bằng nọ hơn con mình, bà thấy gai con mắt vô cùng nên trong bụng lúc nào cũng mưu toan tìm cách dìm Kiều Nương cho bỏ tức. Bà Đào ngồi suy nghĩ một lúc lâu, rồi dẫn con gái đi sang tìm gã tình nhân đốn mạt kia để làm cho ra lẽ. Nhưng đến nơi mới phát hiện ra hắn đã trả lại căn hộ chung cư đang mướn ấy dọn đi nơi nào chẳng ai hay biết. Tất cả số tiền bà nghe hắn dụ dỗ để đầu tư lấy lãi thật xộp gì gì đó cũng mất luôn, trong số ấy một phần lớn là của ông Bá đưa cho bà quản lý giữ giùm. Bà Đào đôi mắt đỏ lừ, nghiến răng trèo trẹo vì căm phẫn, đâu ngờ có ngày vì mê trai bà lại nhẹ dạ dại dột để cho tên ma cô lừa gạt mất cả chì lẫn chài thê thảm đến thế này. Trong lúc loay hoay tìm cách giải quyết đống thảm họa rối nùi, bà Đào chợt nhớ đến một người quen trong đám bạn sồn sồn chuyên môi giới hôn nhân cho người nước ngoài. Bà tức tốc tìm gặp hỏi thăm ngay, và quả như bà hy vọng, có một mối ngon tỏ ra vô cùng ưng ý khi thấy ảnh Kiều Nương. Tấm hình này chụp hôm tốt nghiệp cấp ba trong lớp, bà lén lấy được trên bàn học của nàng. Gã ngoại quốc thấy hình cô gái Việt Nam tươi tắn dịu dàng, tóc dài đen duyên dáng cùng tà áo dài trắng tinh khôi xinh quá là xinh, cộng với những lời quảng cáo đánh bóng chói lọi từ bà Đào thì trong bụng hết sức bằng lòng. Gã không ngần ngại hứa chi thật xộp để được làm chủ đóa hoa này. Gã đặc biệt hứng thú khi được cho biết đối tượng là con gái truyền thống ngoan ngoãn còn trinh trắng. Trong cuộc đời ăn chơi và tình ái của mình, gã đã chung đụng với rất nhiều đàn bà, già trẻ Á Âu đều có đủ. Nhưng gã thật thất vọng khi khám phá ra hết thảy những người ấy đều đã “mất” cả rồi. Giờ đến tuổi dừng chân tìm bến đỗ, lại có tiền bạc dư thừa, tội gì gã không xử dụng để tìm môi giới cho được một cô vợ còn nguyên vẹn kia chứ? Thật ra khi xử dụng ba cái dịch vụ môi giới chợ đen này, gã cũng tính trước sau cả rồi. Gã là tay lõi đời đâu còn ngây thơ gì. Gã nghĩ nếu gặp được đối tượng tuyệt vời như ý, gã sẽ chọn làm vợ. Khả năng này tất nhiên là có nhưng khá nhỏ. Còn nếu không, xem như là sự đổi chác để mua cái đầu tiên của cô ta. Cái đó thời buổi này ngày càng khó kiếm, do lối sống “hiện đại” yêu cuồng sống vội. Bỏ chút tiền còm ra mà mua được cái “ngàn vàng” đó thì gã rất sẵn sàng. Vì tiền thì nhiều người sẽ mê đến mờ cả mắt, mà gã thì lại không hề thiếu tiền. Còn trong trường hợp xui xẻo nhất là cô ta “hỏng” rồi thì gã sẽ nắm đầu mụ môi giới bắt bồi thường, hoặc không thì coi như có nơi sạch sẽ để giải quyết nhu cầu. Tiếp theo là tìm một lý do nào đó để li dị rồi trả cô ta về lại với gia đình. Tài sản đứng tên riêng gã trước khi hôn nhân nên sẽ tuyệt đối không có chuyện chia đôi. Đàng nào gã cũng chẳng lỗ lã gì. Bà Đào khấp khởi hy vọng ván này sẽ bán tống đứa con gái riêng của chồng hòng bỏ túi một món tiền béo bở. Nếu mọi việc trót lọt, chỗ tiền mất vì tên Đạm chẳng thấm thua gì so với những gì bà moi được từ gã ngoại kiều. Tất nhiên điều bà quan ngại là sự đồng ý của Kiều Nương và đặc biệt là ông Bá cha nàng. Nếu như bà dụ được ông Bá thì công việc phần lớn coi như xong. Về khoản này thì bà rất tự tin. Trước giờ ông ta vẫn luôn nhất nhất nghe lời bà. Hơn nữa bà biết ông ta đâu thương yêu con gái mình chút nào nên sẽ chẳng để ý gì lắm đâu. Dưới sức ép của ông ta và sự dụ dỗ ngon ngọt của mình, bà Đào tin Kiều Nương trẻ người non dạ lại thân cô thế cô sẽ chẳng còn con đường nào mà phải chấp nhận thôi. Sắp xếp kế hoạch chu đáo xong xuôi, bà Đào kín đáo thu xếp với gã ngoại kiều đến nhà xem mặt Kiều Nương. Trước đó ít hôm, bà khéo léo đánh tiếng dặn nàng: -Ngày kia dì có người bạn đến thăm. Bạn của dì chứ thật ra cậu ấy còn trẻ lắm. Cậu ta rất vui vẻ thân thiện nên muốn gặp cả nhà mình. Con lên ngồi chào nói chuyện với cậu ấy vài câu cho phải phép nghe con! Kiều Nương từ khi biết bà Đào phản bội cha mình, trong lòng đã vô cùng khinh bỉ chán ghét. Nàng định bụng đợi cha về sẽ kể lại hết mọi chuyện với ông, mặc dù không mấy hy vọng ông sẽ tin mình. Tuy nhiên nàng chưa hề biết chuyện số tiền ông Bá đưa cho bà ta cất giữ đã bị tên tình nhân lừa mất. Giờ nghe bà Đào nói vậy Kiều Nương thấy ngài ngại, nhưng trước lời lẽ có vẻ hợp lý của bà ta, lại thấy chỉ vài lời chào hỏi cũng chẳng có gì quá đáng nên nàng gật đầu đáp ngắn gọn: -Dạ được! Thấy Kiều Nương không có ý gì phản đối, bà Đào tiếp, giọng hết sức ngọt: -Cậu ấy là người thành đạt sang trọng. Mình gặp người ta cũng phải dễ coi một chút. Con nên chọn một bộ đẹp đẹp tốt tốt mà mặc nghe con! Kiều Nương vốn không có nhiều áo quần, lui tới chỉ mấy bộ đồ bộ mặc ở nhà, vài cái áo thun, sơ mi, ba cái quần tây khi ra ngoài, rất đơn sơ ít ỏi, tất cả đều đã tương đối cũ. Nàng nhíu mày phân vân: -Đồ đẹp tốt là sao hả dì? Con có gì thì mặc nấy thôi. Áo sơ mi quần tây có được không dì? Bà Đào rào đón vậy thôi chứ đã có kế hoạch cả rồi, chỉ mềm mỏng bảo: -Mấy cái đó nhìn đơn giản quá! Dì có mua cho con một bộ. Để dì lấy cho con thử nghen! Nói đoạn bà te te đi vào phòng riêng. Kiều Nương ngồi lại mà hoang mang vô cùng. Trước giờ đời nào bà ta tử tế như thế này, sao hôm nay bỗng dưng lại khác? Liệu có gì xảy ra chăng? Không biết cái người khách này ra sao mà bà ta có vẻ quan trọng thế? Lúc đó thì bà Đào cũng trở ra, trên tay là chiếc đầm màu trắng khá đẹp và kiểu cách. Miệng cười tươi, bà giục: -Đây, của con đây. Con vào mặc thử để dì xem! Kiều Nương ái ngại cầm chiếc áo, lưỡng lự một chút rồi bước vào phòng. Mặc chiếc đầm xong, nàng không khỏi kinh ngạc khi ngắm nhìn mình trong gương, một sự biển đổi đến chẳng ngờ. Chiếc áo khá vừa vặn và trang nhã, nửa kín đáo nửa gợi cảm càng tôn lên những nét đẹp huyền ảo trên thân hình người con gái. Quả là người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân. Bà Đào trầm trồ: -Tuyệt vời quá! Con thật rất xinh đẹp trong chiếc đầm này. Nó rất vừa với con. Con thấy vậy không Nương? -Dạ, vừa lắm dì! Kiều Nương trước giờ chưa bao giờ được mặc một chiếc đầm sang và đẹp thế này, nên trong lòng thích lắm dù không nói ra. Suy cho cùng nàng vẫn là một cô gái đang tuổi xuân thì, yêu thích cái đẹp là chuyện hiển nhiên. Tuy thích thì có thích thật, trong bụng nàng đang phân vân ghê gớm không biết lý do gì bà Đào lại trở nên tốt bụng nồng nhiệt với mình đến vậy, nhất là khi bà đang rối ren với chuyện của gã nhân tình và Bích Vy. Thật ra để mua chiếc đầm này cho Kiều Nương, bà Đào phải bấm bụng ghê lắm. Bà vừa mất một số tiền lớn, nếu chồng về hỏi bà chưa biết ăn nói sao đây, cho nên trong lúc này tốn kém thêm là điều bà hoàn toàn muốn tránh. Nhưng bà nghĩ làm gì cũng phải có vốn, bà đang dốc tâm vào phi vụ này. Nếu đầu tư một chút mà thu lại khoản tiền lớn như thế thì đáng vô cùng, chỉ là bỏ con tép để bắt con tôm hùm mà thôi. Hôm người khách ấy đến, bà Đào luôn miệng nhắc nhở rồi lăng xăng chuẩn bị cho Kiều Nương. Theo lời bà nói thì ông ta muốn được gặp và chào cả nhà, nhưng không biết vì vô tình hay cố ý mà Bích Vy bận việc gì đó phải ra ngoài đột xuất, nên chung quy chỉ có Kiều Nương và bà Đào thôi chứ đâu còn ai khác mà gọi là “cả nhà”. Bà kéo nàng vào phòng riêng nhiệt tình chăm sóc, miệng liếng thoắng: -Để dì trang điểm cho con một chút nghe! Da mặt con đã mịn sẵn rồi, có tí phấn hồng vào sẽ làm cho mình càng đẹp hơn đó con. À, thêm chút son này nữa. Con gái đôi khi cũng phải trang điểm chút xíu nó mới đẹp. Miệng nói tay thoăn thoắt làm, bà Đào dỡ hết các chiêu trò của mình ra hòng biến cô con gái riêng của chồng thành một món hàng để chào bán lấy tiền. Kiều Nương chẳng hiểu biết gì về mấy cái khoản trang điểm này nên chỉ lơ ngơ ngồi yên. Xong việc, bà mỉm cười thỏa mãn, giọng ngọt như mía lùi: -Đó, con xem đi! Bây giờ con đẹp phải nói cứ như là hoa hậu. May là con bé Vy của dì không có nhà, chứ không chắc nó phải té xỉu vì ganh tị với con đó. Kiều Nương lên tiếng thắc mắc: -Mà dì ơi, con chỉ ra chào chú ấy một câu, đâu có gì mà sao phải mất công đủ thứ vậy dì? Bà Đào ngon ngọt: -Thì dì nói hôm trước rồi, cậu ấy là người giàu có sang trọng. Mình ra gặp cũng nên ăn mặc chỉn chu một chút kẻo người ta cười. Với lại cậu ấy tính nết vui vẻ thích trò chuyện. Nếu cậu ấy hỏi han thì con cũng nói với người ta ít câu chứ chẳng lẽ bỏ đi. Làm thế họ sẽ đánh giá mình kém lịch sự, không được dạy dỗ chu đáo. Ba con sẽ hổ thẹn mà dì cũng xấu mặt. Con nghĩ dì nói có đúng không? Bà nói vậy thì quả thật Kiều Nương cũng chẳng thể nói gì hơn, đành lặng im mà lòng hoang mang nặng nề. Cuộc tiếp xúc với gã ngoại kiều khiến cho Kiều Nương vô cùng ngượng ngập khó chịu. Đi kèm với ông ta là một phụ nữ khác trạc tuổi bà Đào, son phấn lòe loẹt và ăn nói cũng rất ngọt. Bà ta thực chất là người mai mối nhưng Kiều Nương nào biết, chỉ nghe giới thiệu là bạn của bà Đào nên biết vậy thôi. Nàng nhận xét người đàn ông kia cỡ chừng bốn mười, mặt béo tròn, dưới cằm nọng phúng phính, còn cái bụng phệ như thùng nước lèo. Ông ta nói tiếng Việt lơ lớ hơi khó nghe, miệng không ngớt hỏi han nàng những chuyện học, việc làm và thú vui giải trí chung chung, nhưng cặp mắt ti hí thì chiếu vào thân thể nàng bằng tia nhìn khát khao mê đắm. Kiều Nương ban đầu chỉ định bụng bước ra chào một tiếng như bà Đào yêu cầu, nhưng thực tế nó đâu có đơn giản như vậy. Gọi là “bạn” của bà Đào chứ thực sự ông ta dường như chỉ hứng thú nói chuyện với Kiều Nương chứ ít đếm xỉa gì đến bà ấy. Cảm giác bất an khiến nàng mấy lần tìm cách thoái lui, nhưng bà khách kia và bà Đào cứ tìm đủ cách để lôi kéo dắt chuyện. Nàng lại là một cô gái mới lớn non nớt ngây thơ nên không cách gì đấu lại với ba người trưởng thành dày dạn kinh nghiệm sống sừng sỏ kia, nên rốt cuộc bị kẹt lại lâu hơn thế nhiều. Từ hôm đó bà Đào không nhắc gì đến vị khách ấy nữa song trở nên tử tế với Kiều Nương hơn, dù nàng chẳng rõ căn nguyên vì đâu. Mọi chuyện xảy ra có vẻ là lạ sao ấy! Linh cảm cho biết thế nhưng nàng không xác định được đó là cái gì, chỉ biết lặng thinh theo dõi. Chừng một tuần sau thì ông Bá về sau một chuyến đi làm xa hơn ba tháng. Lần này ông có vẻ bực dọc cáu kỉnh khác thường. Kiều Nương dự định sẽ gặp riêng cha để tiết lộ với ông những gì nàng nghe lóm được về mối quan hệ của bà Đào với gã tình nhân, nhưng thấy sắc diện tối sầm đáng sợ của ông nên chưa dám. Tối hôm đó, nàng nghe tiếng cha mình gay gắt trong phòng riêng: -Bà nói gì? Tiền tôi đưa cho bà giữ tại sao lại mất? Bên này phòng bà Đào áy náy cúi mặt, cố tìm một lý do: -Tôi… tôi chơi hụi, bị người ta giật mất bỏ trốn rồi ông ạ! Tôi…tôi xin lỗi ông. Ông Bá mặt đỏ rần như gà chọi, gầm lên: -Đồ ngu! Tiền của tôi sao bà dám giao cho người ta mà không hỏi ý tôi, hả? Biết trước sau gì cũng tới ngày này nhưng bà Đào cũng không ngờ ông Bá lại nổi điên đến vậy. Xưa nay dù gì ông cũng chưa nạt nộ chửi mắng bà kia mà. Thật ra bà đâu hay ông đang lậm sâu vào thú cá độ đá banh và đua ngựa. Mới đầu nghe theo đám công nhân làm chung ham vui chơi thử, thắng được vài ván nên bén mùi, ông chơi mạnh hơn. Ngờ đâu càng chơi càng thua, ông trở thành con nghiện cờ bạc lúc nào không hay, vừa lãnh được lương là lao vào chơi tiếp mong gỡ lại. Ông nướng sạch tiền vào thú đỏ đen, chẳng mấy chốc đã nợ nần ngập đầu. Quả câu cờ bạc là bác thằng bần nào có sai. Lần trở về này ông Bá hoàn toàn cháy túi, chẳng những hết tiền để đưa vợ lo cho gia đình mà còn điên đầu với số nợ lãi mẹ lãi con ông cần phải thanh toán cho người ta. Trong tâm trạng như vậy còn nghe số tiền dành dụm giao cho vợ cất giữ cũng bay mất, ông không nổi khùng mới là chuyện lạ. Bà Đào phân trần, ra vẻ thành tâm: -Tôi… lỡ dại nghe người ta. Chung quy tôi cũng muốn tốt cho gia đình, đâu ngờ bị họ gạt. Tôi biết lỗi rồi, ông tha cho tôi được không ông! Có gì mình từ từ tính lại, ông chửi mắng tôi cũng có được gì đâu! Lườm vợ một cái đầy hằn học, ông Bá ngồi phịch xuống giường như thân cây bị đốn, hai tay ôm đầu, mặt phờ ra. Cơn tức và tuyệt vọng đang ngập ứ cả tim khiến ông như nghẹn họng chẳng nói được gì nữa. Bà Đào mon men lại ngồi gần sát bên chồng, giọng vuốt ve: -Có chuyện gì mà lần này ông về tôi thấy ông nóng nảy quá vậy? Ông không khỏe trong người hả, hay công việc có gì bất trắc? Ông nói tôi nghe đi, biết đâu tôi giúp gì được cho ông? Ông Bá cứ tiếp tục ngồi thừ ra như người mất trí, một lúc sau mới thở dài ra hằn học bảo: -Tôi mắc nợ người ta, lần này về không có đồng nào. Tôi muốn dùng số tiền để dành đem đi trả nợ, không ngờ bà cũng làm mất luôn. Bà bảo tôi làm sao đây? Bây giờ đến lượt bà Đào kinh hãi, bà nhìn ông lắp bắp nói: -Ông… ông bảo sao? Không có… đồng nào? Tại sao… tại sao ông lại mắc nợ? Tại sao hả? Ông Bá xìu giọng thổ lộ: -Tôi… tôi thua cá độ! Bà Đào trợn tròn mắt, chưa kịp nói gì thì ông Bá đã vội vàng nói tiếp như tự biện hộ: -Tại xui thôi, chứ lúc đầu tôi thắng khá lắm! Miệng đắng nghét, bà Đào chua chát trách thầm. Thì ra lý do ông ta nổi sùng chửi mắng bà là vậy đó. Đúng thật bà với ông là một đôi trời sinh, để cùng nhau mà… đốt nhà. Tự nhiên bà chẳng còn thấy chút tội lỗi gì trước ông nữa. Bà bị trai giựt tiền vì mê muội khoái lạc thể xác thì ông cũng tự đốt tiền qua những trò vui thú đỏ đen. Bên tám lạng bên nửa cân. Coi như huề! Nghĩ tới đó bỗng một ý tưởng vụt qua đầu khiến cặp mắt bà Đào sáng bừng. Lúc nãy bà đang sợ chưa dám đem chuyện bán gả Kiều Nương ra bàn với ông Bá vì thấy mặt ông ngầu đời dễ sợ quá, nhưng bây giờ ông ta cũng đã rơi vào cảnh nợ nần rồi, biết đâu chính cách này là một giải pháp thật hấp dẫn mà ông sẽ dễ dàng chấp nhận ngay. Nghĩ vậy, bà làm bộ an ủi: -Thôi ông lỡ thua rồi thì thôi, tôi cũng không giận ông đâu… Ngừng một vài giây, bà tiếp: -Có việc này tôi muốn hỏi ý kiến ông… Đây là một chuyện tốt… Cách nói lưng chừng lấp lửng này khiến ông Bá tò mò vô cùng, hấp tấp hỏi: -Là chuyện gì? Lấy giọng nhỏ nhẹ ngọt ngào, bà kể lại chi tiết chuyện gã ngoại kiều có ý muốn lấy Kiều Nương. Quả nhiên sau lần xem mắt kín đáo mà Kiều Nương không hề được tiết lộ bản chất ấy, ông ta mê tít nét đẹp trong sáng ngây thơ và cung cách e ấp dịu dàng của cô gái, lòng hừng hực nôn nóng được thưởng thức đóa hoa tinh khiết ấy ngay. Bà Đào phải tìm đủ lý do ngon ngọt thuyết phục trì hoãn mãi để đợi ông Bá về. Ông vừa nghe vừa gật đầu lia lịa tỏ vẻ hài lòng lắm. Sau cùng bà kết gọn lại: -Ông thấy không, đây là một đám rất tốt. Con Nương lấy được chồng giàu có như vậy cũng sướng cái thân, một bước lên làm bà được bao nhiêu người nể trọng cung phụng. Cậu ấy lại hào phóng tốt bụng, sẵn sàng biếu ông một món tiền lớn gọi là tấm lòng của chàng rể với nhà vợ. Bà Đào khôn khéo dùng nhóm từ “biếu ông” thay vì “biếu chúng ta” để nâng cao lòng tự tôn của chồng và để nhấn mạnh cái quyền “sở hữu” đứa con gái của ông Bá, đồng thời tỏ ra mình vô tư không có ý đồ riêng, không dính phần vào chỗ tiền ấy. Thực chất bà biết rõ mình sẽ hưởng một phần chẳng hề nhỏ. Như người đang chết đuối vớ được phao, ông Bá mừng rơn trong bụng. Đúng là một việc tốt cả đôi đường. Con gái được gả vào chỗ giàu sang phú quý, ông lại vừa có tiền trang trải nợ nần. Mặt ông sáng rỡ y như bầu trời quang sau cơn mưa giông mù mịt. Ông liếm môi hỏi dồn dập: -Thật vậy à? Họ bằng lòng rồi sao? Họ trả bao nhiêu lận? Bà Đào hếch mặt, đưa mười ngón tay lên, cười đắc ý: -Xong cả rồi, chỉ chờ ý ông nữa thôi. Ông Bá tròn vo hai con mắt vì quá sốc trong vui sướng, lắp bắp: -Mười… mười… lận à? Bà… đã nói với con Nương chưa? Bà Đào thủng thỉnh, khéo léo nói khích chồng: -Chưa, tôi đợi có ông rồi cùng nói luôn! Dù sao ông cũng là cha nó, ông có tiếng nói hơn tôi. Nhưng… tôi sợ nó không chịu thì cả ông lẫn tôi đều không làm gì được nó đâu. Quả nhiên ông Bá đanh mặt lại ngay, gằn giọng: -Nó dám sao? Tôi là cha nó, chính tôi đã cho nó sự sống, vất vả vì nó. Bây giờ nó lớn khôn, giúp cha trả nợ lại lấy được chồng giàu, nó trả ơn tôi nhiêu đó vẫn chưa đáng gì. Đợi khi nó lấy thằng kia xong, từ từ tôi sẽ bảo nó gởi tiền thêm cho mình. Nghe chồng nói trúng ý mình, bà Đào vừa bụng lắm nhưng vẫn giả bộ thọt thêm: -Thì… biết là vậy, nhưng lâu nay tôi thấy ông cũng ít khi để ý quan tâm đến nó, nhiều khi trong bụng nó không còn kính trọng yêu thương ông nữa, chắc gì ông nói mà nó nghe. Như chạm đúng vào nỗi uất ức đã chôn giấu lâu nay, ông Bá hùng hổ phọt ra một tràng: -Hừ, chỉ việc nó có trên đời này là nó phải biết ơn tôi suốt kiếp rồi. Bà cũng biết tính tôi đâu bao giờ thích có con. Ngày xưa bà ấy lừa tôi để có thai nó, đến khi biết được thì cái thai đã hơn ba tháng, tôi tức muốn ói máu muốn bà ta phá bỏ, chỉ vì bà ta khóc lóc năn nỉ quá, với lại sức khỏe bà ta yếu sợ phá sẽ nguy hiểm nên tôi mới bằng lòng cho bà ấy giữ cái thai lại… Cuối cùng bà thấy không, vì sinh nó ra mà bà ấy mất cả mạng, còn tôi mất vợ. Bà ấy tự ý muốn có nó, mà tôi, chính tôi mới là người phải ở lại để chịu đựng cái gánh nặng do bà ấy gây ra, nỗi đau tự dưng mất vợ, nỗi khổ một mình nuôi đứa con sơ sinh bao nhiêu khó nhọc… Ông Bá dừng lại một chút để lấy hơi, mặt đỏ gay vì tức giận và ấm ức, đoạn nói tiếp, giọng có phần dịu lại: -Tôi cũng đã cố gắng thương mà nuôi nó, nhưng rồi cứ nghĩ lại việc bị lừa dối và những đau khổ ấy là tôi chịu không nổi… Thấy chồng đang có vẻ bị kích động, sợ ông mất bình tĩnh nóng nảy quá làm hỏng chuyện, bà Đào xoa dịu: -Thôi, chuyện qua lâu rồi. Cha mẹ nào chẳng thương con. Lâu nay ông nuôi nó lớn với bao nhiêu công lao của ông, tôi hy vọng con Nương nó sẽ hiểu chuyện. Ông đừng la hét nạt nộ quá con nó sợ. Nói nhỏ nhẹ khuyên lơn nó nghe ông! Ông Bá gật gù thấy phải, nghĩ ngợi một chút rồi nói: -Được rồi! Vậy bà gọi nó qua rồi nói chuyện với nó luôn đi. Bên này phòng Kiều Nương lắng nghe được hết không sót một câu. Nàng bàng hoàng chết lặng, không ngờ cái gọi là “gia đình” của mình lại tàn tạ tới mức này. Một bà mẹ kế ngoại tình dại trai bị lừa hết tiền, một đứa con gái chung nhà mang thai vô thừa nhận, rồi bây giờ tới một ông cha đam mê cờ bạc đến đổ nợ. Người cha ấy không hề muốn có nàng trên đời. Ông muốn giết bỏ nàng ngay từ khi còn trong bào thai. Sự tồn tại của nàng là một điều miễn cưỡng bất đắc dĩ với ông mà thôi. Rồi bây giờ họ đang bàn mưu tính kế bán nàng cho gã ngoại kiều kia qua cái mỹ từ hôn nhân. Trời ơi, sao số phận nàng nó đen điu thảm hại tới mức này! Kiều Nương nghe cay đắng muốn bật khóc. Giờ thì nàng đã hiểu sự hững hờ ghẻ lạnh của cha đối với mình lâu nay. Thật chẳng có gì đau xót bằng người thân yêu duy nhất trên đời lại xem mình như là một mối oan nghiệt, một sản phẩm của sự lừa dối chứ nào phải kết tinh từ tình yêu vợ chồng, một thứ của nợ không nên có. Nàng không dám oán trách cha mà chỉ tự than thân sinh ra nhằm ngôi sao xấu nào mà hẩm hiu quá đỗi! Đang nghĩ đến đó thì có tiếng gõ cửa phòng. Kiều Nương đưa tay quệt vội giọt nước mắt đang lóng lánh điểm trên khóe mi, cầm cây chổi quét bụi rồi làm bộ hắt xì mấy tiếng. Nàng không muốn bị nhận ra vừa khóc nên làm như đang quét dọn trong phòng rồi bị bụi vào mắt dị ứng thôi. Bà Đào xuất hiện, nụ cười sáng chói trên môi: -Con đang làm gì đó Nương? Con rảnh chút không sang phòng, ba con có chuyện muốn nói với con đó. Kiều Nương cũng mỉm miệng cười, chiếc chổi nhỏ trong tay đáp: -Con đang quét dọn chút xíu thôi dì, bụi trong mấy chồng sách nhiều quá! Dạ để con sang phòng gặp ba liền. Vào phòng nói là gặp cho ba nói chuyện nhưng ông Bá chỉ hất đầu về hướng bà Đào bảo: -Bà nói cho nó nghe rõ ràng đi! Thế là bà Đào bắt đầu màn thuyết trình. Sau một hồi vòng vo giới thiệu chi tiết, tâng bốc, đánh bóng, chà láng gã ngoại kiều kia, ý định của ông ta muốn cưới Kiều Nương, và vẽ ra cho nàng thấy những hào quang lấp lánh trong cuộc sống hôn nhân như thế, bà Đào ra vẻ chân thật tóm tắt: -Dì biết tin này hơi bất ngờ đối với con, nhưng con đã gặp qua cậu ấy, biết người ta như thế nào rồi. Cậu ấy cũng hòa nhã nói chuyện với con đàng hoàng đúng không? Thời buổi bây giờ con gái nhà nghèo như mình mà được một người thành đạt giàu sang như thế để ý cưới về, đó là điều may mắn không phải ai cũng được đâu con à. Ý con thấy thế nào? Kiều Nương nhũn nhặn từ chối: -Dạ, con thấy chú ấy… lớn tuổi hơn con nhiều quá, e không hạp. Với lại con cũng đâu có tình cảm gì với chú ấy, hôn nhân không tình yêu sẽ khó sống với nhau lắm. Bà Đào kiên nhẫn thuyết phục: -Ôi dào, chuyện đó có khó gì! Hồi xưa ông bà mình có yêu đương gì đâu, cưới về cũng sống tới già con cháu đầy đàn êm ấm đó thôi. Còn chuyện tuổi tác càng chẳng thành vấn đề. Bây giờ con gái trẻ trẻ lấy chồng lớn hơn hai ba chục tuổi hà rầm. Con Út Vịt trong hẻm mình mới lấy chồng lớn hơn nó cả ba chục tuổi đó, con không nhớ sao? Với lại người ta cũng có câu “chồng già vợ trẻ là tiên” đó nghen con. Dì nghĩ con cứ yên tâm đi! Lấy người chín chắn, họ hiểu tâm lý, chiều chuộng mình, lại có kinh tế vững chắc. Đó là cơ bản của hạnh phúc rồi đó con. Chuyện con Út Vịt thì Kiều Nương có nghe qua. Nó cũng bằng tuổi nàng, thi rớt tốt nghiệp, quen đâu một ông nhà giàu tuổi trung niên rồi chịu cưới luôn. Bà Đào dùng trường hợp đó để dẫn chứng, nhưng có ai biết liệu con Út Vịt về sống với ông chồng ấy có hạnh phúc không hay đang chan hòa nước mắt. Kiều Nương rầu rầu nói: -Dạ, con cũng không biết nữa dì ạ… - ngừng một giây nàng cắc cớ - … Ồ, chú ấy tốt như vậy, không ấy… dì giới thiệu cho con Vy đi! Bà Đào ngầm liếc xéo Kiều Nương một cái, rủa thầm: “Con ranh láo lếu, dám nói móc tao à? Nếu con Vy không kẹt cái bầu với thằng chó chết kia thì tao đã chấm cho nó rồi!” Nghĩ vậy nhưng bà chỉ cười giả lả: -Ờ, dì giới thiệu cả hai đứa đó chứ, nhưng mà cậu ấy thích và chỉ chọn con thôi. Đến lúc này Kiều Nương mới thẳng thừng từ chối: -Dạ nhờ dì chuyển lời cám ơn của con tới chú ấy. Con thấy mình còn nhỏ tuổi, con còn muốn đi học nên chưa muốn nghĩ tới chuyện lấy chồng. Nãy giờ ông Bá ngồi yên thụ động trong lúc hai bên đối thoại. Ngồi vậy thôi chứ chỉ nghe tiếng được tiếng mất, vì đầu óc ông đang phác họa cho kế hoạch của mình với số tiền to lớn sắp nhận được kia. Rút kinh nghiệm xương máu lần này, ông sẽ không giao tiền cho mụ vợ giữ nữa. Ông sẽ giữ hết. Sau khi trả nợ đâu đó xong xuôi ông cũng còn hơn phân nửa. Mùa giải bóng đá quốc tế sắp đến với những trận thư hùng nảy lửa. Chà chà, ông Bá liếm môi, cá độ sẽ hào hứng khỏi phải nói! Kỳ trước nghe lời thằng Tư Hô quân sư quạt mo thua té khói, giờ nhất định không nghe nó xúi dại nữa! Mình sẽ bắt đội nào đây? Lần này nên chơi độ lớn hay nhỏ cà? Đang mơ màng tới đó thì ông Bá khẽ giật mình khi nghe tiếng vợ gọi: -Kìa ông, con nó nói vậy rồi. Ông có ý kiến gì đi chứ? Ông Bá hấp tấp đáp như một cái máy: -Không được! Cả hai người phụ nữ ngơ ngác nhìn ông Bá, chẳng hiểu dụng ý ông thế nào với hai chữ cụt ngủn ấy. Họ đâu biết ông có để tâm nghe Kiều Nương vừa nói gì đâu, có hiểu mô tê gì đâu mà ý kiến ý cò. Thành thử ông nói bừa ra gì đó để đỡ thẹn mà thôi. Bà Đào chép miệng lườm chồng: -Ông nói cái gì vậy? “Không được” cái gì? Ông làm ơn nói rõ ràng một chút coi! Con Nương nó không muốn lấy người này, tôi hỏi ông có ý kiến gì? Không ngờ câu nói bừa của mình lại đúng, ông Bá cả mừng trong bụng vì khỏi bị mất mặt, ra vẻ nghiêm nghị phán: -Thì tôi nói là nó không được từ chối. Con Nương nghe cho rõ đây! Ba thấy đám đó tốt lắm. Ba quyết định gả mày cho cậu ấy. Kiều Nương nhăn nhó: -Nhưng ba à, con thật sự không có cảm tình với chú ấy. Con muốn tiếp tục đi học. Ông Bá xua tay: -Không học hành học hiếc gì nữa. Con gái học như vậy được rồi. Mày học tiếp có học nổi không? Tiền bạc đâu cho mày đi học? Mày lớn rồi tao không còn sức nuôi đâu mà tính chuyện xa vời. Mà dù có học xong đi làm ba đồng ba cọc, chi bằng lấy chồng giàu có phải sướng hơn không? Tóm lại, tao nói rồi. Mày phải lấy cậu đó, không lôi thôi nữa! Dù đã biết rõ ý định hai người muốn gả bán mình để lấy tiền, Kiều Nương vẫn không ngăn được nước mắt tủi hờn khi bị cha đối xử như vậy. Nàng cố gắng nài nỉ: -Ba, con là con của ba mà, xin ba thương đừng bắt con lấy người đó. Con được cho học bổng nên sẽ không phiền ba và dì. Ngoài ra… con sẽ cố đi làm kiếm tiền thêm để đi học. Được không ba? Không nhẫn nại thêm được nữa, ông Bá quát: -Tao nói không là không. Sẵn đây tao cũng nói luôn cho mày biết, tao làm ăn thất bại mắc nợ người ta. Mày phải lấy chồng để cậu ấy giúp tao tiền trả nợ. Nghe chính miệng cha ruột phát ra lời phũ phàng tàn nhẫn, Kiều Nương hết chịu nổi nữa bật khóc thành tiếng. Nàng nghẹn giọng: -Ba… ba nỡ… bán con sao ba? Ông Bá thoáng chùn lại đôi ba giây. Một cuộc giao tranh ngắn gọn giữa thiên thần lương tri và ác quỷ dục vọng xảy ra trong tâm tưởng. Đoạn ông phẩy tay, tự biện giải để xóa đi chút lấn cấn còn sót lại: -Mày đừng nói thế để gieo tiếng ác cho tao! Tao gả mày vào nhà giàu, mày được sung sướng còn giúp tao trả nợ, vừa tốt cho mày vừa trả hiếu cho tao. Có gì không phải mà ngồi đó khóc lóc? Thôi đi đi! Không bàn thêm chuyện này nữa! Rồi ông quay sang bà Đào nói như ra lệnh: -Còn bà lo tiếp xúc với đàng trai, nói cho họ biết tôi đồng ý gả con Nương. Ngày cưới tùy họ định, còn chuyện kia… Bà Đào làm sao không hiểu ý chồng muốn ám chỉ chuyện tiền bạc. Đó là mục tiêu chính của bà kia mà. Bà bèn nhanh nhẩu: -Tôi biết rồi. Ông khỏi lo! Kiều Nương đứng dậy lủi thủi về phòng mà tâm hồn tan nát, tiếng khóc nghẹn đặc trong cổ họng. Như vậy là thật rồi, chẳng còn hy vọng lay chuyển được quyết định của ba nữa rồi! Ba ơi, sao ba nỡ đối xử với con tàn tệ như vậy? Con là máu thịt của ba kia mà. Sao ba đành tống bán con như một thứ hàng hóa vậy hả ba? Hùm dữ vẫn không ăn thịt con, vậy mà…! Phải chi mà cha nàng làm ăn thua lỗ hay nợ nần vì thuốc men bệnh tật thì Kiều Nương sẽ chẳng tiếc gì bán đi tấm thân để cứu cha. Đàng này ông đam mê thú cờ bạc đỏ đen, cam tâm a dua với mụ dì ghẻ bán gả con cho người ta để kiếm tiền thì quả là đoạn tình rồi! Đây không còn là nơi Kiều Nương có thể tiếp tục dung thân được nữa. Nơi đây đâu thể gọi là mái ấm gia đình. Nơi đây chỉ toàn là bóng đen của lạc thú cá nhân bất chấp tình người, của âm mưu tính toán và dối trá. Chắc chắn nay mai gã ngoại kiều sẽ trở lại bắt nàng đi như một món đồ vừa mua được. Nhớ lại ánh mắt chòng chọc của gã lướt trên thân thể mình hôm ấy mà Kiều Nương muốn rùng mình. Nàng không muốn bị cột vào mối hôn nhân đó. Nàng còn ước mơ vào đại học của mình, ước mơ sự nghiệp của mình, và… còn mong một ngày gặp lại người ấy nữa! Phải đi thôi, đi càng xa càng tốt! Phải lánh xa chốn này, ít nhất là trong hiện tại! Xin lỗi ba, con không thể giúp ba trong chuyện này được, vì đây là cả cuộc đời con, là tương lai của con. Mong ba sẽ bỏ được căn bệnh ghiền cờ bạc độc hại đó, vì nếu không, dù ba có bán con đi rồi những đồng tiền đó cũng sẽ bay mất trong một thoáng phù du mà thôi! ☘︎
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2023 20:19:43 bởi Hồi Kha >
|