TRUYỆN: PHẠM TÚ UYÊN
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 67 bài trong đề mục
Phạm Tú Uyên 04.05.2023 20:31:51 (permalink)
 
                                    HAI MẸ CON
 
                                          Truyện ngắn
 
   Ba Ngân bị tai nạn lao động mất khi em đang học lớp năm. Từ đó, cuộc sống của hai mẹ con Ngân có nhiều thay đổi. Không còn tiếng cười vui trong mỗi bữa ăn, mất dần những vòi vĩnh, nhõng nhẽo ở trong cô bé lên mười. Mẹ phải thay thế ba làm hết thảy mọi công việc ở nhà. Thời gian bên em cũng ít hơn, vì mẹ phải làm tăng ca ở nhà máy để có thêm thu nhập. Ngân cảm nhận được những đổi thay đó, nhưng em hụt hẫng tình cảm và trở nên ít nói.
   Năm tháng cứ thế trôi đi. Cô Bích (mẹ Ngân) ngày ngày đi làm, lo toan cuộc sống gia đình. Lúc đầu thấy Ngân ít cười nói, cô nghĩ rằng do nhớ ba, thiếu vắng, hụt hẫng tình thương nên em buồn. Cô Bích thương con, nhưng quá ít thời gian ở nhà và cũng chỉ biết lo cho con cái ăn cái mặc, đến trường không phải thiếu thốn thứ gì để Ngân khỏi thua kém với bạn bè, nên cô cho rằng Ngân hiểu và thông cảm cho cô. Từ suy nghĩ đó cô càng nỗ lực ra sức làm. Mà thật, Ngân càng lớn nhu cầu càng nhiều. Nào là quần áo, sách vở, học thêm rồi bạn bè, Ngân bận rộn với chúng thì ngược lại cô Bích lại phải thêm giờ làm ở xí nghiệp nên trong bữa ăn, hiếm khi nào hai mẹ con có dịp cùng ngồi ăn với nhau. Cuộc sống của một gia đình nhỏ cứ thế lặng lẽ trôi đi. Thực ra Ngân là một đứa trẻ ngoan, học khá giỏi nhưng là một đứa trẻ trong giai đoạn hình thành nhân cách thì em lại bị đứt gãy,hụt hẫng tình cảm gia đình. Đôi khi Ngân biết mẹ đi làm đến tối mịt mới về, mệt mỏi rã rời trên thân thể gầy hao của mẹ,  Em biết điều đó, em thương mẹ. Nhưng biết và thương mẹ để cùng sẻ chia, đồng cảm với mẹ thì Ngân chưa hoặc không làm. Em xem đó là sự hiển nhiên như mẹ phải đi làm và em đi học. Chính vì những suy nghĩ «tất nhiên» ấy mà sự vô cảm dần xuất hiện để rồi lớn dần trong em, để rồi Ngân vô thức xem đó như là trách nhiệm, là bổn phận của mẹ. Biến em từ một đứa trẻ ngoan hiền trở thành cô bé Ngân lạnh lùng, dững dưng và khô cứng với mẹ.
   Cuối tuần, có mấy nhỏ bạn đến chơi, Ngân chạy ra đầu ngõ mua trái cây về đãi bạn. Cả nhóm ở chơi đến sáu giờ tối, định về Ngân cản lại: - «bà cứ ở lại chơi thêm chút nữa, mai chủ nhật mà».
Cô Bích hôm nay đăng ký làm thêm nên đến hơn bảy giờ tối mới về tới nhà. Cô rất mệt nhưng do quen rồi nên cô chịu được. Duy có điều tâm trạng cô thật bất an, bởi qua tháng sau nơi cô làm việc bị cắt giảm giờ làm, một số công nhân khác phải tạm nghỉ việc không lương, còn cô do làm lâu năm, có kinh nghiệm nên xí nghiệp giữ lại cứ tuần làm tuần nghỉ. Tuy còn đi làm nhưng với tình trạng thế này thì nguy mất. Cô thẩn thờ ra khỏi xí nghiệp với tâm trạng mệt mỏi chán chường. Vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ dạo dịch bệnh bùng phát đến nay làm ăn ngày càng trở nên khó khăn, kinh tế sa sút nhưng cô rất cố gắng để gia đình của mình vẫn đủ đầy và, cũng chính vì thế thời gian dành cho con cũng trở nên ít đi, dẫn đến sự ngộ nhận của cô bé đang tuổi mới lớn rằng mình không được quan tâm, mình không hề quan trọng trong mắt mẹ.
   Đường phố đã lên đèn từ lâu, cô Bích lòng dạ rối bời, chẳng biết tình hình công ăn việc làm ngày mai sẽ ra sao. Những suy nghĩ không chắp nối được, cứ vụn vỡ trong lòng khiến cô càng thêm rã rời. Về đến nhà, thấy bé Ngân đang lui cui dọn dẹp, cô Bích thả túi xách đựng ca-men cơm ăn trưa xuống ghế, quay sang con:
   - Để mẹ dẹp cho, con xuống dọn cơm, mẹ đói quá!
   - Chiều giờ bạn tới chơi nên con chưa nấu cơm...
   - Con biết ngày nay mẹ tăng ca mà.
   - Nhưng chiều nay tụi bạn đến, không lẽ nói tụi nó về.
   - Ý mẹ không phải thế.
   Ngân cầm bao rác bỏ vào thùng, nhìn sang mẹ:
   - Nhà còn mì tôm, con no rồi mẹ ăn mì tôm khỏi nấu cơm cũng được.
   Tự nhiên những âu lo, buồn phiền trong công việc lại ùa về. Cô Bích ngã lưng ra ghế:
   - Khỏi, mẹ nghỉ một chút. Mẹ không thấy đói nữa.
   Ngân vô tâm không để ý đến tâm trạng, đến sự mệt mỏi  của mẹ, em dọn xong lấy điện thoại chat với bạn. Cô Bích nhìn con thở dài mệt mỏi. Ngân vẫn dán mắt vào điện thoại, nói:
   - Mai sinh nhật nhỏ Hà, mẹ cho con năm trăm nha.
   Cô Bích im lặng hồi lâu rồi hắng giọng:
   - Sao nhiều thế? Mấy bận trước con xin một trăm...
   - Nhà nó giàu, đi quà một trăm xấu hổ chết.
   Cô Bích thở dài, giọng không vui:
   - Mẹ chỉ có một trăm thôi.
   Ngân xịu mặt, tắt điện thoại:
   - Khỏi, con không đi nữa.
   Em giận dỗi vùng vằng bỏ vô phòng. Cô Bích nhìn theo con, cô lại thở dài uể oải bước ra sân. Con hẻm hun hút sâu, thỉnh thoảng vài vệt sáng của đèn xe quét qua từng góc sân, ngôi nhà trong hẻm. Cô Bích đứng hồi lâu, sự bực bội cả giận dỗi khi thấy đứa con yêu của mình đã dần tách xa mình, đã trở nên dững dưng, xa cách với tình cảm của hai mẹ con. Cô lại lo lắng cho ngày mai, tương lai rồi sẽ ra sao khi công việc trở nên bấp bênh, sa sút. Khi nghĩ đến điều này cô Bích lại chạnh lòng, rơm rớm nước mắt. Giờ cô không còn giận con nữa, chỉ thấy uể oải rã rời, định vào bếp chế gói mỳ ăn tạm, cô ghé vào phòng xem bé Ngân ngủ chưa. Thấy con ngủ, nước mắt ướt đẫm mặt gối, cô cúi xuống nhẹ hôn trán con rồi kéo chăn đắp cho em. Ra khỏi phòng đến bếp làm tô mỳ, cô Bích không biết rằng Ngân chưa ngủ, em chỉ dỗi với mẹ khi không đáp ứng được những nhu cầu mà em cần, vì em quen được mẹ cưng chiều. Đến khi mẹ vào phòng, hôn và đắp chăn thì em đã muốn vùng dậy ôm mẹ, xin lỗi nhưng em không làm được, những lời ấy, hành động ấy vừa xuất hiện lại ngập ngừng biến mất. Em đã đánh mất điều tốt đẹp ấy từ lâu. Đứng nhìn mẹ ăn, em thương mẹ vô chừng. Thấy mẹ thật cô đơn trong ngôi nhà mà ngày xưa rộn vang tiếng cười.
   Vì giảm một nửa thời gian nên cô Bích phải tìm việc làm thêm. Cô làm thêm công việc dọn dẹp nhà cho chủ theo giờ. Công việc thật sự nặng nhọc đối với cô nhưng bù lại tiền công cũng khá. Mẹ không cho em biết điều đó nhưng Ngân thấy mẹ dạo này mỗi lần về đến nhà mẹ bơ phờ, mệt mỏi và có vẻ gầy hơn. Sáng nay Ngân đi dự sinh nhật nhỏ Liên. Em dùng tiền ăn sáng của mình mua quà cho bạn, em rất hạn chế xin tiền mẹ. Giờ Ngân hiểu rằng đó là cách bớt đi gánh nặng, giảm đi sự nhọc nhằn cho mẹ.
   Sáng cô Bích đi làm. Ngân đến nhà Liên sớm để giúp bạn làm sinh nhật. Nhỏ Liên đang gọt trái cây trong bếp, Ngân định vào, Liên nói: - “Bạn ngồi chơi đi, mình nhờ cô giúp việc cũng được”. Ngân thấy cô giúp việc đang cọ sàn nhà nên em vào với bạn, Ngân nói: - “Không sao, để cô ấy làm, mình vào phụ với bạn”. Em đi vào bếp, nhìn thấy cô giúp việc Ngân sững sờ: - “Mẹ!” Cô Bích bối rối: - “Con... “ Hai mẹ con đứng lặng, mắt Ngân nhòa lệ, em ôm chầm lấy mẹ: - “Mẹ ơi!” Cô Bích choàng tay qua vai Ngân: - “Mẹ xin lỗi con”. “Không, không! Ngàn lần con xin lỗi mẹ”.
   Trên gương mặt người mẹ, hai giọt nước mắt ngập ngừng rồi lăn dài trên đôi gò má. Những giọt nước mắt của đắng cay và hạnh phúc.
 
                           Phạm Tú Uyên
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.05.2023 20:48:07 bởi Phạm Tú Uyên >
#16
    Thanh Vân 08.05.2023 16:56:21 (permalink)
    Hai Mẹ Con
     
    hai Mẹ con đã mang vào thư viện
    Cảm ơn và chúc tác giả luôn vui
    #17
      Phạm Tú Uyên 09.05.2023 09:32:58 (permalink)
      Cám ơn bạn, Thanh Vân.
       
      #18
        Phạm Tú Uyên 12.05.2023 07:09:26 (permalink)
         
                     MIẾNG THỊT GÀ
         
                                   Truyện ngắn
         
        Cu Toàn ra khỏi giường, thấy chị đang lặt rau ngoài hiên em dụi dụi mắt, hỏi:
        - Chị ơi, mấy hôm nay mẹ đi đâu sớm mà khi dậy em đã không thấy mẹ?
        Nhỏ Liên đứng lên đi vào bếp lấy cơm cho em, vừa đi Liên vừa nói:
        - Mẹ đi sớm để lấy rau bán, em ra súc miệng rửa mặt rồi ăn cơm. Mẹ dặn em ở nhà phải ngoan, không chạy chơi ngoài nắng vì em vừa mới khỏi bịnh.
        Cu Toàn chạy lại cầm bàn tay chị đưa lên áp vào trán mình:
        - Chị xem, em bớt đau nhiều rồi nè. Tí nữa chị cho em ra đầu ngõ gần nhà bác Hòa coi mấy anh thả diều nha chị.
        Nhỏ Liên xoa đầu em, nói:
        - Ừ, em ăn cơm rồi chị khuấy cho ly nước chanh.
        Cu Toàn bưng chén cơm ngồi ăn ở ngạch cửa:
        - Chị ơi!
        Liên ngừng tay quay sang nhìn em:
        - Chi em?
        - Em... Em thèm ăn thịt gà!
        Nhỏ Liên nhìn em lúng túng:
        - À... Ừ, vài hôm nữa mẹ mua em ăn nha!
        Nhỏ Liên học lớp ba, cu Toàn vừa lên năm tuổi. Ba Liên theo mấy người trong xóm vào Sài Gòn làm phụ hồ. Thời gian gần đây làm ăn trở nên khó khăn, chú Minh cũng cố ở lại, ai thuê gì làm nấy. Dành dụm được đồng nào chú gửi về để phụ với vợ lo cho con cái vì chú biết về ngoài quê cũng khó kiếm việc. Cô Vân buôn bán linh tinh ngoài chợ xổm. Khi thì mớ rau, dăm trái mướp, khổ qua, bầu bí... Tiền lời chẳng được bao nhiêu nên cuộc sống gia đình cũng chật vật, khó khăn. Được cái nhỏ Liên và cu Toàn ngoan hiền. Những đứa trẻ gia đình nghèo thường biết lo toan, đảm đang công việc nhà nhiều hơn, biết phụ giúp ba mẹ, nhỏ Liên cũng vậy. Tuy Liên còn bé nhưng cũng biết chăm sóc em, làm việc khi mẹ vắng nhà. Ăn cơm xong, cu Toàn xin chị ra đầu ngõ coi thả diều. Nhỏ Liên lấy mũ đội cho em, dặn:
        - Em chỉ đứng ở chỗ nhà bác Hòa thôi nghe, không được đi lung tung, không được ra nắng...
        - Dạ, em biết rồi ạ.
        Nói chưa dứt câu, cu Toàn đã chạy ù ra cổng. Liên đứng nhìn theo em cho đến khi cậu em khuất sau mấy bụi chè tàu bên hàng xóm. Em vào nhà bưng bát chén, xoong nồi ra vòi nước mé sân ngồi rửa. Em ngồi rửa chén mà tâm trí nghĩ ngợi mông lung. Ba đi làm xa, hơn năm tháng rồi mà chưa về nhà, mẹ thì tần tảo sớm hôm mà cứ thiếu lên thiếu xuống. Em chẳng biết làm gì để đỡ đần ba mẹ, ngoài việc phụ mẹ lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc em ngoài những buổi đến trường. Cu Toàn hôm trước tắm mưa bị cảm nước, mẹ hái lá xông rồi bắt em ăn cháo liên tiếp mấy ngày. Giờ khỏe nên em thèm ăn thịt, thịt gà.
        Xem thả diều đến quá nửa buổi cu Toàn mới về. Tới đầu ngõ em đã kêu ầm lên:
        - Chị Liên ơi, em về rồi nè.
        - Em có dang nắng không đó?
        Liên trong bếp chạy ra, đưa tay sờ vào đầu, cu Toàn cười:
        - Em đứng dưới bóng cây nhà bác Hòa mà chị.
        Vừa nói xong cu Toàn nhìn quanh, đưa mũi hít hà:
        - Chị ơi! Mùi gì thơm quá?
        - Bí mật, tí nữa em sẽ biết.
        - Em biết rồi.
        - Thứ gì?
        - Thịt gà!
        Nói xong cu Toàn chạy ngay vào bếp. Trên bếp lửa, chảo thịt đang tỏa mùi thơm khắp nhà. Em quay sang chị:
        - Chị giỏi quá! Khi sáng em ước được ăn thịt gà mà giờ đã có rồi, hi hi.
        Nhỏ Liên nhìn em, nói:
        - Chị múc để phần mẹ rồi hai chị em mình ăn nha.
        - Hay đợi mẹ về cùng ăn.
        - Trưa nay bán xong mẹ còn đi lấy đồ để mai bán, nên mẹ về trễ em ạ.
        Hai chị em ngồi ăn. Cu Toàn cười nói luôn miệng:
        - Con gà nhỏ nên em nhai luôn xương...
        Nhỏ Liên sung sướng ngồi nhìn em vui vẻ ngồi gắp từng miếng thịt nhai rau ráu. Hai chị em ăn xong Liên lên nhà lấy sách vở coi bài chiều đi học. Cu Toàn ngồi chơi với mấy chiếc xe đồ chơi. Chợt em nhăn mặt:
        - Chị ơi, em đau bụng.
        Đang ngồi học, nghe em nói đau bụng nhỏ Liên cũng thấy bụng mình ran ran, người hơi chóng mặt:
        - Em đau nhiều không?
        - Dạ nhiều.
        - Chị cũng thấy đau đau...
        Nhỏ Liên vừa nói xong thấy cu Toàn ôm bụng, mặt tái méc, nằm co quắp trên nền gạch quằn quại, Liên cúi xuống định đỡ em dậy nhưng không được rồi. Nhỏ Liên ngã nhào theo em, cả hai chị em nằm bất tỉnh trong ngôi nhà vắng vẻ, không ai biết, chẳng ai hay. Quá trưa, khi mẹ về cu Toàn đã tím tái, ngừng thở. Nhỏ Liên ngực còn phập phồng yếu ớt, người trong xóm chở hai em đi cấp cứu. May mắn nhỏ Liên được cứu kịp thời, còn cu Toàn - thật đau xót cho em.
        Ngày hôm sau, trong đám tang của em, mọi người tìm thấy da và đầu của hai con cóc nằm nơi góc bếp nhà cô Vân.
         
                          Phạm Tú Uyên
         
         
         
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.05.2023 07:25:16 bởi Phạm Tú Uyên >
        #19
          Ct.Ly 13.05.2023 00:55:33 (permalink)
          #20
            Phạm Tú Uyên 16.05.2023 17:55:23 (permalink)
            Những nốt sần trên mình cóc đều chứa chất độc. Thịt cóc không độc nhưng khi làm không cẩn thận chất độc dính vào thịt rất nguy hiểm. Cám ơn bạn đã đưa tác phẩm vào thư viện. 
            #21
              Phạm Tú Uyên 16.05.2023 17:57:32 (permalink)
                                     BIỂN MẶN
               
                                             Truyện ngắn
               
              Nguyên trở lại Thị xã Sông Cầu vào những ngày chớm thu. Con đường mới từ đầu cầu Tam Giang đến Mỹ Hải bây giờ một bên là khu phố chợ, tấp nập kẻ mua người bán. Còn phía lề đường bên kia là biển - vẫn vậy, mênh mông, chập chùng sóng vỗ. Một người mà hơn hai mươi năm trước ra đi, giờ quay lại thì quả thật không thể nhận ra chốn xưa.
              Mùa thu ở đây cũng chẳng có gì khác. Có chăng là ngoài khơi xa mịt mù khói tỏa, mây giăng, gió heo may se se làm buồn buồn nỗi nhớ. Thả bộ đến gần cảng cá, cảnh buôn bán ồn ào náo nhiệt, Nguyên thấy mình như lạc lõng giữa biển người. Quay lui định trở về khách sạn vì không có gì để lưu luyến, vấn vương. Nơi đã từng cho Nguyên những tháng ngày, những phút giây diễm tuyệt, hạnh phúc và cũng chính là nơi đã chối từ, đã lấy đi, đã đẩy Nguyên rơi về miền cô đơn, tuyệt vọng.
              Ngày đó, khi công trình đường Tam Giang- Mỹ Hải khởi công, Nguyên đến nhận việc. Suốt ngày làm bạn cùng sóng gió biển khơi, cùng cát trắng nắng vàng. Tưởng đâu sự khắc nghiệt ấy làm khô khốc đi con người Nguyên - thời điểm đó, trời cũng bắt đầu chớm thu, cái mát lạnh buổi giao mùa, gió heo may se se làm cho đất trời như chùng xuống và khi ấy Nguyên gặp Hà. Cô bé vừa rời ghế nhà trường, em mỏng manh và xanh gầy, em nhẹ như gió thoảng xoa mát hồn Nguyên.
              Với bạt ngàn gió cát
              Cuộc sống thật bất ngờ
              Loài xương rồng gai góc
              Cũng lãng mạn ra hoa.
              Tình yêu của Nguyên và Hà đến tự nhiên, như mới còn nắng hạ hôm nào, bỗng nhiên một sớm mai thức dậy trời đất đã giao mùa mà không có dấu hiệu gì báo trước. Một cô bé vừa bước qua tuổi học trò, một anh chàng với cuộc đời nhiều sóng gió, nó như nắng hạ đang chờn vờn lại được tưới mát bởi mưa thu. Khác nhau một trời mà lại hòa quyện nhẹ êm từ những đêm trăng bên ghềnh đá, những sớm mai, những chiều tà và như đôi hải âu đùa vui, liệng chao trên biển mù sương và mây xám.
              Rồi một đêm, đêm ba mươi của thời khắc chuyển giao - đêm trừ tịch. Nơi ghềnh đá Mỹ Hải có hai người ngồi bên nhau đón giao thừa. Những con sóng ánh bạc đua nhau trườn đến mơn mang đôi bàn chân, rầm rì kể chuyện biển khơi, chứng kiến những thăng hoa tình yêu của Nguyên và Hà. Nguyên ôm chặt bờ vai người yêu:
              - Biển thật đẹp em ạ!
              - Vâng, đẹp lắm!
              - Em có nghe gì không?
              - Dạ, em nghe biển hát.
              - Em có thấy gì không?
              - Tối quá!
              - Ừ, tối quá!
              - Em chẳng thấy gì cả ngoài anh và biển.
              - Anh cũng vậy, chỉ thấy em và biển.
              - Em muốn ngồi với anh như thế này, mãi mãi.
              - Sang xuân anh lại đi...
              - Em luôn nhớ anh.
              - Hãy về với anh, chúng ta cùng sống bên nhau.
              - ...
              Hà không nói gì, Nguyên cảm giác vòng tay Hà lỏng dần và tiếng thở dài rất khẽ. Nguyên đã vội vã nên không nghe thanh âm như gió thoảng đó, mà chỉ nhận được làn hơi ấm từ người yêu nguội dần và, cũng rất tự nhiên Nguyên buông Hà ra. Cả hai im lặng, Nguyên hắng giọng:
              - Chừng nửa tháng nữa anh đi.
              - Dạ.
              - Về với anh nha.
              - ...
              - Sao thế ?
              - Dạ không!
              - Xa em, anh rất nhớ.
              - Em cũng vậy.
              - Chúng mình cưới nhau.
              - ...
              Cả hai lại im lặng. Đất trời dường như đã bước sang ngày mới. Biển vẫn hát, gió vẫn rì rầm, thỉnh thoảng vài con sóng xô vào ghềnh, phủ nhẹ bọt nước lên phiến đá mà hai người yêu nhau vừa mới rời đi.
              Thời gian Nguyên còn ở lại nơi này không dài, nhưng những lần hẹn gặp nhau cứ lần lữa, cứ đứt đoạn. Nguyên chới với như kẻ mất hồn. Sáng sáng, chiều chiều lang thang trên những nơi hai người thường hò hẹn, sao cô đơn lạnh giá đến tái tê lòng. Gần ngày đi, Nguyên nhận được lá thư, chỉ vỏn vẹn mấy dòng: «Mình chấm dứt tình yêu từ nay đi anh, em đã quyết định vậy. Đừng tìm gặp nữa, em vào Sài Gòn hơn tuần nay rồi...  »
              Có lẽ một thời gian dài, rất dài bị người yêu chia tay, Nguyên mới lấy thăng bằng trở lại. Ôi! thửa ân ái mong manh như nắng lụa, giờ người cũ tình xưa đã chìm sâu vào ký ức. Nguyên định ở lại vài ngày nhưng thôi, ở đây có quá nhiều kỷ niệm, đừng lục tìm làm gì rồi lại phải cố quên. Nguyên ghé thăm người bạn ở Mỹ Hải, thật buồn, bạn bị chìm tàu khi ra khơi đánh cá, Nguyên đi hai năm thì xảy ra sự việc. Ngọc, con gái bạn đưa Nguyên lên sườn núi thắp nén hương muộn màng cho bạn. Thắp luôn những người hàng xóm bên cạnh và thật bất ngờ, Nguyên không thể tin vào mắt mình, cách đó hai ngôi mộ, có một mộ với tấm bia ghi cả họ tên của Hà và, bàng hoàng hơn là ngày Hà mất cách ngày Nguyên đi đúng một năm: «Sao lại thế, Hà ơi!» Nguyên quay sang Ngọc, hỏi:
              - Cháu có biết chị Hà vì đâu mà chết không ?
              - Dạ, chị bị ung thư máu ạ. Chị mất khi đó cháu mới học lớp mười.
              Nguyên thẩn thờ nhìn ngôi mộ cô đơn nằm hướng nhìn ra biển: «Hà ơi! Em từ chối tình anh để một mình cô độc đi về miền mênh mông sao em. Em ra đi nhẹ tênh như mây khói, anh còn lại buốt giá đến lịm người».
              Hai chú cháu xuống núi. Nguyên bần thần quay lui nhìn ngôi mộ Hà lần cuối. Gió heo may se lạnh, vài chiếc lá vội vàng nhuộm thu, lìa cành chao nghiêng như còn vương vấn, như còn ray rứt.
              Một chiếc lá chao nghiêng
              Là lòng còn vương vấn
              Những chiếc lá ưu phiền
              Lìa cành chiều thẳng đứng.
               
              Gió heo may gợi buồn
              Nhớ, nỗi nhớ mênh mông
              Vàng thu rơi chiếc lá
              Bé yêu ơi, không cùng.
               
                     Phạm Tú Uyên
               
               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.05.2023 12:09:55 bởi Phạm Tú Uyên >
              #22
                Phạm Tú Uyên 25.05.2023 20:50:57 (permalink)
                 
                                                NGƯỜI KHUYẾT TẬT
                 
                                                                            Truyện ngắn
                 
                Anh ta năm nay chưa đến tuổi bốn mươi mà tóc đã bạc gần hết. Xưa kia, có người nước Sở bên Tàu vì lo việc báo thù, trằn trọc cả đêm không ngủ nên sáng ra đầu đã bạc trắng. Bắc thì không phải thế. Anh ta chả phải thù hằn ai, nếu có thù thì Bắc thù mình, thù thân phận nghèo khó của mình. Anh ta đã ao ước, đã cố suy nghĩ mọi cách để có, để được sống trong cảnh giàu sang. Nhưng chỉ suy nghĩ suông, loanh quanh hết ngày này qua tháng nọ mà không cố gắng làm việc, không có phương cách cụ thể nào thì chỉ là ảo vọng. Có lẽ Bắc mong rằng ngủ một đêm sáng ra sẽ lên đời. Suy nghĩ quá nhiều nên anh ta bạc đầu chăng?
                Ngày trước anh ta làm ruộng. Cuộc sống nông thôn vốn nhọc nhằn, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó, tằn tiện cùng hạt lúa củ khoai, nhưng Bắc lại không có đức tính đó. Chê công việc bán mặt cho đất đưa lưng cho trời, nó nghèo hèn quá. anh ta muốn sống một cuộc đời của người lắm tiền nhiều của. Với suy nghĩ ấy Bắc đặt mơ ước vào những tấm vé số. Có được đồng nào anh ta đều mua vé số. Dẫu ăn uống kham khổ, thiếu trước hụt sau Bắc gồng mình chịu đựng. Lúc làm đồng hay khi ở nhà, anh ta đều trông ngóng đến giờ xổ số. Hồ hởi chờ đợi bao nhiêu thì nỗi thất vọng lại nhiều hơn thế. Cứ thất vọng rồi lại cay cú, như con bạc khát nước. Anh ta lao đầu vào bất kể chết, cuối cùng bị văng ngược ra, không phải do ai giúp Bắc có suy nghĩ tích cực hơn mà do anh ta kiệt sức, do trong nhà chẳng còn gì để bán. Kết quả là Bắc chỉ còn cái xác biết đi và thành quả đạt được là bốn bức tường nhà anh ta được dán kín bằng những tờ vé số không trúng. Giả sử những tờ vé số đó biến thành tiền thì đó là một khoảng tài sản không hề nhỏ.
                   , Bắc cho rằng: Ở quê nhà với công việc xưa nay chẳng thể nào giàu lên được, thế là anh ta khăn gói tìm đến thành phố. Với một người không nghề nghiệp, ít hiểu biết, ngại khổ mà muốn có những điều mình mơ ước là không thể. Lúc đầu còn có ít tiền, Bắc tiêu pha như một người trung lưu, chiều chiều làm vài chai bia với những người bạn mới quen, nói chuyện trên trời dưới đất như một trưởng giả, nhưng không được bao ngày. Đến lúc túi lép xẹp anh ta lang thang nơi bãi xe, góc chợ. Kiểu này dễ đưa Bắc đi đến con đường trộm cướp, nhưng không! Chẳng phải anh ta vì sự tự trọng hay vì danh dự gì gì, mà vì anh ta chưa đủ mạnh để làm việc ác nên anh ta không hoặc chưa dám có cái gan ấy, mặc dù đôi khi anh ta cũng có nghĩ tới. Đói quá đầu gối cũng phải bò, thế là anh ta mò đến khu cửu vạn và sự may mắn đầu tiên đã đến với Bắc.
                Anh được một người đàn ông đưa về nhà. Công việc thật đơn giản và phù hợp với anh ta - làm vườn trồng cây, cắt cỏ trong ngôi biệt thự của ông Phong. Với một người lao động bình thường, tử tế và lương thiện thì về lâu dài anh ta có thể có một công việc ổn định, Chăm sóc sân vườn cho ngôi biệt thự mà nhiều người ở trong hoàn cảnh như Bắc mơ ước.
                Lúc mới đến bụng đói chân run, mà trong người chỉ còn dăm đồng lẻ, vì cần phải ăn và những sinh hoạt linh tinh nên anh ta đã làm việc như một lao động cần mẫn. Thực ra, Bắc chẳng phải là một người có lắm thủ đoạn hay gian xảo, nếu không muốn nói là anh ta khá hiền và hơi ngô nghê một tí. Thời gian làm công việc trồng cây và chăm sóc vườn, Bắc được ăn ở tại khu nhà kho của biệt thự. Thấy thái độ làm việc cùng sự chất phác của Bắc, ông chủ cũng muốn giũ anh ta lại làm lâu dài.
                 Thời gian đầu, công việc làm tạm ổn, tâm trạng Bắc cũng khá hơn. Hơn nữa, vợ chồng ông Phong là những người tử tế và tốt bụng nên thỉnh thoảng có những công việc nặng nhọc anh ta được chủ bồi dưỡng thêm. So với ngoài quê thì làm ở đây quả là ngoài sự mong đợi của Bắc. Thật sự nếu anh ta chí thú làm ăn thì may mắn cho anh ta vô cùng.
                Một hôm ông Phong gọi Bắc vào, ông nói:
                - Cậu vào làm ở nhà ta cũng đã gần bốn tháng rồi, lúc đầu ta chỉ định mướn cậu chừng nửa tháng thôi, nhưng thấy cậu thật thà, chăm chỉ nên ta quyết định giữ lại làm cho ta lâu dài luôn. Cậu thấy sao?
                - Dạ được, ông chủ.
                - Từ nay cậu không phải ở nhà kho nữa, chuyển sang ngôi nhà nhỏ phía sau vườn. Đó là nơi ở của cậu.
                Vậy là bắt đầu từ nay Bắc đã có cuộc sống ổn định. Công việc nhàn nhã, sáng cắt cành, tỉa cây tưới nước, chiều đẩy máy cắt cỏ, chủ nhật được nghỉ. Ông chủ còn cho anh ta chiếc xe wave cũ để đi lại. Cuộc đời cũng đã ưu ái lắm cho một anh nông dân xa xứ đi tìm việc như Bắc.
                Những tưởng anh ta sẽ yên phận, chấp nhận những gì mình đang có. Nhưng thật sự Bắc không cam tâm, vẫn oán trách cuộc đời không công bằng, vẫn oán trách ông trời thiên vị người này bỏ rơi người khác. Thay vì có được cuộc sống ổn định với khoảng tiền lương kha khá anh ta sẽ mang ơn chủ nhà, sẽ thay đổi dần cách mơ ước viễn vông nhưng không, Bắc vẫn cay cú giữa sự giàu sang của gia đình ông Phong và thân phận anh ta.
                Được chủ tin tưởng và được đi lại tự do, anh ta nảy nòi trộm cắp. Bắt đầu lấy những món đồ lặt vặt trong kho đem bán, Bắc chẳng thấy có gì nghiêm trọng và cũng chẳng ai để ý. Sau lấy những thứ có giá trị nhưng ông Phong không dùng đến. Trộm cắp dần dần quen tay, anh ta cho rằng chẳng có gì nguy hiểm, chẳng có gì tội lỗi vì họ không dùng thì mình lấy thôi và, thế là Bắc cứ đi vào con đường cắp vặt như sa trong vũng lầy. Một hôm, ông Phong gọi Bắc vào chuyển bức tranh lớn vô nhà kho. Bình thường, khi nào chủ nhà gọi thì Bắc mới được vào nhà, còn nếu cần thì buộc phải bấm chuông cửa. Hôm ấy vô lấy bức tranh, Bắc thấy trên kệ cửa sổ có máy ảnh Canon, anh ta thấy không ai để ý bèn chộp nhanh kẹp vào nách bên trong áo gió. Bức tranh khá nặng nên khi ra tới cửa, lớ ngớ thế nào máy ảnh rơi xuống và thật xui cho anh ta, lúc ấy hai vợ chồng ông Phong đều đứng đó và chuyện gì đến đã đến.
                Bắc có sáu giờ để rời khỏi khu biệt thự. Anh ta đứng tần ngần trước cổng, chẳng phải vì luyến tiếc điều gì, mà anh ta cố nhớ xem mình còn quên gì không: «À, còn đôi giày ông chủ cho hôm trước». Lúc này vợ chồng ông Phong lái xe ra, Bắc chạy lại xin vào lấy đôi giày, do bất ngờ khi lùi xe, Bắc va phải nên xảy ra tai nạn. Hai vợ chồng ông Phong đưa anh ta vào bệnh viện. Chân phải bị dập nát, cắt đến trên đầu gối.
                Do không có người thân nên vợ chồng ông Phong đưa Bắc về biệt thự thuê người chăm sóc. Thời gian đầu, anh ta hoảng loạn mất tinh thần, thế là từ nay thành tàn phế, không còn cơ hội gì nữa, không còn ước vọng gì nữa.
                Ngày qua ngày, được chăm sóc chu đáo nên Bắc nhanh chóng phục hồi. Một hôm, anh ta vô tình nghe được cuộc trò chuyện của vợ chồng ông Phong rằng: Sẽ chu cấp anh hằng năm hoặc bồi thường một số tiền. Bắt đầu từ đó anh ta cứ suy nghĩ quẩn quanh là mình sẽ có một số tiền, tất nhiên một số tiền lớn. Lớn như thế nào thì chưa nghĩ ra và,  bắt đầu từ đó, sự hào hứng lộ rõ trên gương mặt Bắc: «Một số tiền lớn, ta sẽ giàu, sẽ thoát kiếp nghèo hèn, có mất một cái chân cũng không hề gì».
                Lần thứ hai Bắc ra khỏi biệt thự trong một tâm thế mới. Anh ta thấy mình khác hẳn trước đây, tự tin hơn, cảm giác như được tôn trọng, nể nang hơn vì túi anh ta, xách anh ta đầy những tiền. Bên cạnh đó, một cái nạng kẹp nách và chân trái biến mất, chỉ phất phơ cái ống quần.
                Cuộc đời Bắc đã bắt đầu bước sang trang mới, với kiểu sống của người lắm tiền, nhiều của. Bạn bè đông hơn, ngợi ca, chúc tụng anh nhiều hơn. Tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Anh ta thật sự mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình. Chỉ có điều, đôi khi anh ta nghĩ: Giá như đừng bị cụt chân thì hay biết mấy. Những suy nghĩ ấy lúc đầu chỉ thoáng qua, sau dần xuất hiện nhiều hơn và cũng tỉ lệ nghịch với túi tiền của Bắc dần cạn đi. Chỉ sau gần hai năm, số tiền bồi thường mà ông Phong đưa cho Bắc đã cạn, bạn bè không còn ai lui tới. Căn nhà Bắc thuê bị chủ đòi lại. Với thân thể tật nguyền, anh ta không thể ở lại thành phố, đành phải trở về quê nhà.
                Căn nhà ở quê bao năm rêu phủ, thân thể tàn tạ từng bước nhọc nhằn đi vào. Bầu trời mây đen quầng vũ như báo hiệu một cơn mưa lớn đang kéo tới.
                 
                                                Phạm Tú Uyên
                 
                 
                 
                 
                #23
                  Phạm Tú Uyên 27.05.2023 19:59:40 (permalink)
                   
                                                                ÔNG NHIỆM
                   
                                                                     Truyện ngắn
                   
                  Mỗi khi có dịp đi qua cung đường này, tôi luôn ghé lại thắp nén nhang cho ba. Mặc dù hài cốt của ba được gia đình đem về quê an táng từ lâu. Thắp nén hương để tưởng nhớ nơi ba nằm xuống. Nơi mà gần năm mươi năm trước biết bao người đã bỏ mạng nơi đây. Con đường 7B máu lửa.
                   
                  Thường thì anh chị tôi thỉnh thoảng hay đi, còn tôi thật lâu mới có dịp đi qua. Cách đây khoảng hai mươi năm tôi ghé thắp hương, thấy từ xa, lấp ló trong rừng một căn nhà nhỏ, tôi cũng không quan tâm lắm. Rồi sau đó một thời gian dài có ghé lại, cũng vẫn căn nhà đó tuy có cũ kỹ. Tôi cho rằng người Dân tộc cất nhà để giữ nương rẫy nên cũng không để ý. Hôm nay có dịp trở lại tỉnh lộ hai lăm, đi loanh quanh để tưởng nhớ một thời đạn bom ly loạn. Ngày đó tôi còn bé nhưng những đau thương, mất mát cũng đã hằn sâu trong ký ức non trẻ. Định ra về thì thấy ngôi nhà lấp ló trong rừng cây ấy có khói lam bốc lên từ mái lá, cũng hơi tò mò. Hơn nữa, ghé lần này rồi chẳng biết còn có dịp trở lại nơi này nữa không. Tôi quyết định đến thăm căn nhà tranh đó.
                   
                  Ngôi nhà tuy cũ kỹ, chẳng có đồ đạc gì nhiều nhưng tươm tất, sạnh sẽ. Chủ nhà là một ông lão chừng hơn bảy mươi tuổi, đang lui cui trong bếp. Có người lạ đến, ông ra tiếp:
                  - Chào ông, ông cần gì?
                  Tôi nói lý do có mặt ở đây và ghé thăm xin ông ly nước. Ông mời tôi ngồi rồi xuống bếp rót nước. Tôi chú ý thấy ông bị hư một mắt, dáng đi của ông hơi lạ, nhìn xuống đôi chân trần, chân ông cũng không có ngón. tôi không dám hỏi. Ông cho tôi biết ông tên Nhiệm, lên đây ở cũng hơn hai mươi lăm năm rồi. Khi nói vì sao ba tôi mất ở đây, ông Nhiệm nói chuyện có vẻ cởi mở hơn. Ông kể:
                  - Tôi ở vùng quê Quảng Ngãi, chiến tranh xảy ra, gia đình tứ tán. Anh tôi lên núi theo Cách mạng, mẹ tôi chết khi hai bên đánh nhau, tôi lưu lạc lên Kon Tum với người bà con. Sau đó đến tuổi đi quân dịch, tôi đăng lính Biệt động quân của chế độ cũ, được mấy năm thì xảy ra cuộc di tản tháng ba, một chín bảy lăm trên đường bảy này, giờ là đường tỉnh lộ hai lăm.
                  Ông Nhiệm ngừng kể, đưa tay bưng bát nước chè hớp một ngụm, rồi nhìn ra hướng đường Quốc lộ 25, đôi mắt mờ nhòa, xa xăm:
                  - Ngày đó, đây là con lộ máu...
                  - Dạ, tôi khi ấy mới mười tuổi.
                  - Ừ, tôi lạc trong rừng nhiều ngày. Một hôm chính tại nơi này, tôi đang thất thiểu lê từng bước thì phía trước một loạt đạn nổ, chân nhói đau, máu thấm ướt cả quần...
                  Ông Nhiệm lại im lặng. Tôi thấy ông dường như xúc động lắm, tay run run bưng bát nước, đôi mắt chớp lia lịa. Tôi cũng im lặng đồng cảm, nhưng chưa hiểu ông xúc động điều gì. Một lúc lâu sau ông nói, giọng đứt quãng:
                  - Tôi biết mình bị thương vì loạt đạn đó, tôi lia một băng... Ừ, tôi lia một băng đạn về phía tiếng nổ đã làm tôi bị thương... Sau loạt đạn, khu rừng lại trở nên yên lặng. Tôi nằm im một phần vì đôi chân tê buốt, một phần xem có còn nguy hiểm gì không.
                  - Thưa, sau đó thì...
                  - Tôi nằm một lúc lâu, nghĩ rằng nó chết rồi mới cố bò lại bụi cây, nơi phát ra tiếng súng. Đúng như thế, nó bị thương nặng, máu ra rất nhiều, đầy cả mặt. Tôi trườn tới sát bên xem bình đông của nó còn nước không. Do máu ra nhiều nên tôi khát nước vô cùng, bình đông còn nước tôi mở nắp định uống, chợt một bàn tay quờ quạng nắm lấy tay tôi, nói thều thào: «Mày là thằng Nhiệm phải không em?»
                  Quá bất ngờ, sao nó lại biết tên mình. Quả thật, tôi không thể nhận ra nó là ai, vì khuôn mặt dính đầy máu. Tôi hỏi: « Sao anh lại biết tên tôi?»
                  Hỏi xong, chợt nhiên cảm thấy có gì đó rất không bình thường, tôi lấy tay áo lau những vệt máu trên mặt nó. Nó gọi một cách yếu ớt: «Nhiệm!» Tôi bàng hoàng: «Anh Nhân!» Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là anh tôi. Người đã lên núi theo Cách mạng khi tôi còn đi học. Hai anh em ôm lấy nhau. Tôi đau đớn đến tột cùng, anh thều thào: «Nhiệm ơi, anh xin lỗi... ». Nói đến đây người anh trở nên mềm nhũn - anh vừa trút hơi thở cuối cùng. Tôi ôm anh khóc không ra hơi. Sau đó tôi lấy cuốc nhà binh cố moi một cái lỗ, dù sức đã cạn kiệt, dù tay chân như tê dại nhưng không thể để anh tôi nằm như thế này: «Em xin anh tha thứ, em không đủ sức để an táng anh tử tế được». Lấp đất, làm dấu để sau này tìm lại xong tôi ngất đi bên nấm mộ của anh tôi còn tươi mùi đất. Tôi ngất đi không biết bao lâu, khi tỉnh lại bởi cơn mưa rừng trút xuống. Thấy bàn chân đau nhói như ai lấy kẹp rứt từng miếng thịt, tôi gượng ngồi dậy. Một con heo rừng tưởng tôi đã chết nên đứng vô tư nhai những ngón chân của tôi.
                  Nói xong, ông Nhiệm đưa bàn chân không còn ngón mà lúc đầu thoạt nhìn tôi hơi thắc mắc. Ông nói:
                  - Sau đó tôi cố lếch ra đường, rồi được bà con Dân tộc đưa về buôn cứu chữa những vết thương trên người.
                  Tôi nhìn ông Nhiệm thán phục:
                  - Với những thương tích như thế, ở trong hoàn cảnh không thuốc nen mà ông sống được quả là kỳ tích.
                  Ông Nhiệm đưa tôi ra cuối vườn, ở đó có một ngôi mộ được chất bằng đá núi thật đẹp. Ông nói:
                  - Đây là ngôi mộ của anh trai tôi. Tôi sẽ ở bên anh đến cuối đời, và khi lìa đời cũng mong ước được nằm bên cạnh anh tôi.
                  Nghe ông Nhiệm nói, tôi thấy nghẹn lòng, cay cay nơi khóe mắt. Chúc ông sức khỏe và đạt được điều ông mong muốn.
                   
                  Trời bắt đầu ngã về chiều, nắng tháng ba ở Tây nguyên cứ phả vào người hừng hực. Tôi tạm biệt ông Nhiệm, đến lại nơi ngày xưa ba ra đi, tôi đứng lặng cúi đầu chào ba, đôi mắt lại cay cay. Tôi khóc thương ba tôi, khóc cho hai anh em ông Nhiệm, khóc cho những người đã ngã xuống nơi đây.
                   
                                                Phạm Tú Uyên
                   
                   
                   
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.05.2023 20:38:49 bởi Phạm Tú Uyên >
                  #24
                    Ct.Ly 01.06.2023 05:51:13 (permalink)
                    #25
                      Phạm Tú Uyên 03.06.2023 08:33:02 (permalink)
                      Cám ơn và chúc bạn nhiều niềm vui.
                      #26
                        Phạm Tú Uyên 03.06.2023 08:38:01 (permalink)
                                                          MỘT VỤ TAI NẠN
                         
                                                                         Truyện ngắn
                         
                        Bé Mai không được khỏe, nên sáng nay ba gọi điện xin phép cho em được nghỉ học. Hai cha con cùng ra cổng tiển mẹ đi công tác. Trước khi đến cơ quan, ba dặn em ở nhà nghỉ ngơi và cẩn thận cửa nẻo. Em chào ba rồi vào nhà dọn dẹp khay trà ba mẹ uống khi sáng, xong em lấy sách đến bàn ngồi học.
                         
                        Mấy hôm nay trời nóng quá nên em bị cảm nắng. Người hơi mệt, em đến tủ thuốc lấy viên sủi C mà trước khi đi mẹ dặn em uống. Em đang uống C thì điện thoại bàn reo. Một giọng nói lạ: “Đây có phải số máy của bà Thu không? Lê Thị Thu, bà bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện”. Bé Mai bủn rủn cả tay chân, thả rơi ống nghe xuống mặt tủ, em bàng hoàng ngã phịch xuống ghế. Sau đó bình tỉnh trở lại, em nhấc máy vừa khóc vừa gọi cho ba, báo tin mẹ bị tai nạn, đã được đưa đến cấp cứu ở bệnh viện. Ba dặn em đừng quá lo lắng, ba về ngay. Sau đó chừng hai mươi phút, ba lao vào nhà như một cơn lốc, lấy tiền trong tủ rồi dặn em cứ ở nhà, để ba vào bệnh viện. Bé Mai không chịu, em khóc và chạy theo ba:
                        - Ba cho con vào với mẹ.
                        - Con đang đau, để ba đi vô bệnh viện với mẹ.
                        - Không, con lo cho mẹ...
                        - Nhưng con đang ốm.
                        Bé Mai càng khóc to:
                        - Ba phải cho con đi với.
                        Cuối cùng hai cha con cùng vào bệnh viện với cô Thu, mẹ Mai.
                         
                        Khi hai cha con Mai đến bệnh viện thì cô Thu đã được chuyển đến phòng mổ, vì mất máu nhiều và gan bị tổn thương nặng. Chú Cường (ba Mai) vào làm thủ tục và đóng tiền bệnh viện. Chú rất lo vì vợ bị thương khá nặng. Mai ngồi ngoài hành lang đợi ba. Em thương mẹ quá! Mới sáng nay ba và em còn ra cổng tiễn mẹ đi công tác, thế mà giờ mẹ lại nằm trong kia. Thương mẹ, em lại khóc. Ba ra, ôm em động viên:
                        - Mẹ không sao đâu, vài hôm nữa xuất viện lại trở về với con thôi mà. Con đừng buồn, khóc mẹ không vui đâu.
                        Chú Cường nói giọng khàn đục. Chú nói vậy cho em yên tâm nhưng trong lòng rối bời, chú lo cho vợ, không biết sau ca mổ can thiệp, vợ chú có vượt qua cơn nguy kịch không, bác sĩ nói do mất nhiều máu và gan tổn thương nghiêm trọng. Càng đau lòng hơn nữa, khi nghe nhân viên phòng cấp cứu bảo rằng người gây ra tai nạn đã bỏ chạy, nạn nhân nằm rất lâu mới có người gọi xe cấp cứu, nên nạn nhân mất nhiều máu. Họ bàn giao lại cho chú Cường một cái bóp đựng giấy tờ và bốn triệu đồng. Chú nghe kể và nhận lại bóp của vợ. Quá xót xa, chú thẩn thờ đi đến phòng mổ, nhìn thấy con ngồi ủ rũ bên hành lang, chú càng đau lòng hơn. Chú nói:
                        - Mình chưa gặp được mẹ đâu. Ba chở con về, chiều vào lại.
                        Mai nhìn ba cầm cái bóp của mẹ trên tay, em lại rấm rứt khóc:
                        - Mới hồi sáng mẹ còn vui vẻ mà giờ nằm trong kia, thương mẹ quá ba ơi!
                        Em lại sát cửa kính, nhón gót nhìn vào phòng nhưng không thấy được gì. Ba đến kéo em đi, nói:
                        - Thôi, mình về.
                        Mai như nhớ ra điều gì, quay sang ba:
                        - Mẹ còn cái túi xách nữa, con không thấy...
                        - À, chắc bị văng đâu đó ở chỗ bị tai nạn con ạ.
                         
                        Chiều, chú Cường và Mai đến bệnh viện. Cô Thu được chuyển sang phòng hồi sức sau mổ. Bác sĩ báo tin ca mổ thành công, cô Thu đã qua nguy kịch. Hai cha con mừng đến rơi nước mắt. Phòng hồi sức sau mổ vẫn chưa cho người ngoài vào, chú Cường và Mai ra căng tin định ăn tối thì chuông điện thoại reo, người gọi là cô Thu. Vô cùng ngạc nhiên, không hiểu ai gọi vào máy của vợ. Chú Cường run giọng hỏi: “Xin lỗi, ai gọi ạ?” Giọng trong điện thoại ngạc nhiên: “Anh sao thế? Mới từ sáng đến giờ mà quên em rồi à. Hai cha con đang ở đâu? Em về nhà rồi”. Quả thật, lúc này trời có sập xuống chú Cường cũng không thể ngạc nhiên hơn là nghe vợ gọi. Nhỏ Mai đứng bên ba, nghe giọng mẹ trong điện thoại em mừng rú lên, nhưng chẳng hiểu gì cả. Chú Cường chở con vội vã trở về nhà. Cô Thu đứng đợi hai cha con ngoài cổng. Bé Mai nhảy tót xuống xe chạy đến ôm lấy mẹ. Chú Cường cũng lao tới ôm vợ. Cả ba người ôm lấy nhau, bé Mai khóc vì sung sướng, những người đi đường quay lại nhìn, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra với gia đình họ.
                         
                        Sự việc bắt đầu từ lúc cô Thu ghé cây ATM rút tiền rồi đánh rơi bóp. Có lẽ người đi đường nhặt được, chưa kịp trả lại cho người bị mất thì gặp tai nạn, thế rồi sự lầm lẫn đã xảy ra. Cả nhà vui vẻ trở lại, nhưng bé Mai lại lo lắng, em nhìn ba mẹ rồi nói:
                        - Con thấy tội cho cô gì đó đang nằm trong bệnh viện mà sáng giờ không thấy ai tới.
                        - Ngày mai được nghỉ nên sáng mai mẹ sẽ đến thăm.
                        - Cho con đi với.
                        Chú Cường xoa đầu bé Mai:
                        - Con đang còn ốm mà.
                        - Hi hi, con khỏe rồi. Gặp lại mẹ là hết đau liền.
                        Chú Cường triều mến nhìn hai mẹ con:
                        - Xong việc cơ quan, trưa ba ghé qua.
                         
                        Sáng hôm sau, hai mẹ con đến bệnh viện. Thấy trước hành lang phòng hồi sức có hai người cứ thắc thỏm đi qua đi lại. Người lớn là một em gái chừng mười lăm tuổi - bé Thủy, em nhỏ cỡ tuổi bằng bé Mai, đôi mắt sưng đỏ chắc do khóc nhiều. Cô Thu đến hỏi thăm, biết người bị tai nạn nằm trong phòng mà hôm qua nhầm lẫn có thể là mẹ của hai em. Thấy mẹ tối không về, cả hai lo lắng, bất an nên chạy hỏi khắp nơi, kể cả bệnh viện. Lúc tìm đến đây, hai em cũng chỉ hy vọng mong manh, vì người bị nạn không phải tên mẹ các em. Khi nghe em kể và cô Thu xác nhận sự việc thì hai em mới tin rằng mẹ đang nằm trong đó. Thật may mắn làm sao, Người bị tai nạn hôm qua đã tỉnh, được chuyển sang phòng hồi sức, bác sĩ cho phép người thân vào thăm và các em đã được gặp mẹ. Bé Mai kéo tay áo mẹ, nói nhỏ:
                        - Con lấy tiền trong heo đất giúp mẹ bạn ấy nha mẹ.
                        Cô Thu xoa đầu Mai triều mến:
                        - Con của mẹ ngoan lắm!
                        Rồi cô dẫn Mai đến bên Thủy, cô nói:
                        - Giờ các con gặp được mẹ rồi, đừng quá lo lắng và buồn nữa, cô sẽ thường xuyên đến với các con. Cần gì cứ gọi cho cô hoặc chú.
                         Cô đưa số điện thoại cho bé Thủy và đặt vào tay em ít tiền, dặn:
                        - Tụi con hoặc mẹ cần gì cứ dùng, đừng nghĩ ngợi. Lúc này lo cho sức khỏe mẹ là chính.
                        - Dạ, con cám ơn cô chú, nhưng...
                        - Con đừng ngại, cứ lo cho mẹ đã. Mọi thủ tục, chi phí ban đầu chú đã thanh toán. Thế con nhé.
                         
                        Bé Thủy và em tiển mẹ con cô Thu ra cổng bệnh viện. Nắng đã lên cao, phố phường người xe nhộn nhịp. Hai chị em vào với mẹ. Em thương mẹ, em xúc động với ấm lòng nhân ái của gia đình cô Thu. Tự nhiên những giọt nước mắt lại tràn mi. Những giọt nước mắt buồn đau và hạnh phúc.
                         
                                                      Phạm Tú Uyên
                         
                          R
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.09.2023 02:23:49 bởi Thanh Vân >
                        #27
                          Phạm Tú Uyên 05.06.2023 16:43:59 (permalink)
                                                                          MIỀN KÝ ỨC
                           
                                                                                   Truyện ngắn
                           
                          Cứ mỗi lần về thăm nhà, nhìn mẹ cặm cụi bên luống rau, giàn mướp, nhặt nhạnh dăm nhánh củi tre bỏ vào chồ. Tuy mẹ còn ra vào được nhưng tuổi đã cao, sức đã yếu nên con cháu cũng chạnh lòng. Mẹ thường nói: “Làm được gì thì làm, ngồi không buồn lắm, với lại dễ sinh đau bịnh”. Hôm nay, nhìn mẹ tỉ mẩn ngồi lột từng củ khoai lang mật để vào mâm, tôi đến bên đùa với mẹ. Tôi nói:
                          - Mẹ ơi! Mẹ làm khoai dai à, mẹ có ăn được đâu.
                          Mẹ cười móm mém, tay vẫn lọ mọ lột từng củ khoai. Mẹ nói:
                          - Quen rồi con ạ. Với lại làm để nhớ ngày nào tụi bây còn bé, quây quần bên mẹ.
                          Tôi xúc động, thấy nghèn nghẹn nơi cổ: “Mẹ” Rồi lặng lẽ bước ra sân, nhìn sang bên kia hàng dậu - nhà nhỏ Vân ngày xưa, đã hoang vắng nhiều năm. Giờ không còn người ở, chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông nhưng ngập tràn kỷ niệm trong tôi.
                           
                          Ngày xưa, khi ngoài vườn lá bắt đầu xao xác rụng và bầu trời như thấp xuống, mây xám không biết từ đâu kéo về giăng giăng, là việc đồng áng ở quê tôi đã bắt đầu ngơi dần và mọi người trở nên rảnh rang. Trong nhà, mẹ tôi kiểm tra lần cuối những ghè lúa ăn cho đến vụ  tháng ba, ghè khoai lang khô, để độn dặm khi giáp hạt và một bịch bự khoai lang dai, đậu phộng...
                           
                          Cây rơm góc sân phía mé ao đã chất xong hôm cuối tháng. Ngạo nghễ nhìn mấy anh chàng ổi, mãng cầu, khế... Lơ phơ trút lá bên dưới. Cây rơm được khoát chiếc áo vàng tươi, ở trên đầu, ba tôi đội cho nó chiếc nồi sứt miệng để nước không chảy theo vào cột cây rơm, trông nó duyên dáng tợn. Ở cuối vườn, bên cây vú sữa là một cái chồ chứa củi. Mẹ tôi đã chuẩn bị cho nó từ hồi đầu vụ gặt. Rảnh rỗi lúc nào là người đi loanh quanh, tha về cây to cây nhỏ, chặt khúc ra đặt gọn vào chồ. Khi cây lá trong vườn chuyển vàng, chao nghiêng, bay bay những chiếc lá, là chồ cũng không còn chỗ trống để bỏ thêm củi vào. Củi thì tôi không quan tâm lắm. Riêng cây rơm là một thế giới đầy ắp những kỷ niệm và hấp dẫn đối với bọn tôi. cứ đến chạng vạng bò về chuồng, là tôi xung phong giành việc của ba, chạy ra rút rơm bỏ vào máng để nó ăn đêm. Siêng như vậy là bởi vì tôi muốn rút cho cây rơm có một lỗ hổng bên trong, to cỡ bằng hai chiếc bàn chắp lại. Khi đông về, những cơn gió bấc lạnh buốt, ngoài trời mưa lâm thâm, nước ngoài ao sủi tăm, mà rủ thêm nhỏ Vân bên cạnh nhà, cùng chui vào đống rơm để cảm nhận sự ấm êm thì không chê vào đâu được. Ở đó, nó như một căn phòng cực kỳ lý thú, được lót nệm rơm, rồi trong túi quần nhét căng đầy những lát khoai dai, lận lưng thêm cuốn truyện nữa. Hai đứa nằm nhai khoai nhóp nhép, nằm nghe đứa kia đọc truyện. Ngoài trời đang rét căm căm, mưa rả rích thì quả là tuyệt cú mèo.
                           
                          Năm nay có vẻ lạnh hơn những năm trước. Nhìn cánh đồng trước nhà, xa xa dường như có những sợi khói bốc lên từ gốc rạ, chúng lởm chởm, rét run đứng tụm đầu vào nhau. Mặt nước thì thỉnh thoảng trồi lên những bong bóng li ti giống như bọn tôi lấy ống đu đủ thổi vào nước. Tôi vô buồng kho bốc một nắm khoai dai nhét đầy túi quần, khoát thêm chiếc áo mẹ để sẵn trên thành giường rồi đi ra ngõ. Mới chỉ tới sân mà người như co rúm lại, tôi ngữa cổ hít một hơi thật dài, máu nóng trong người chạy rần rần, chắc cũng đủ chịu được để chạy đến đầu ngõ. Ra cổng, nhìn quanh chẳng thấy một bóng người. Từ đầu đường đến cuối xóm, những bụi tre gầy xác xơ đứng run run, va vào nhau rần rật. Không thấy đứa bạn nào, tôi quẹo qua hàng rào bông bụt phía bên nhà nhỏ Vân, khum khum bàn tay làm loa: “Vân ơi!” Tiếng kêu vang lên nhưng bị gió cuốn đi mất tiêu. Chẳng biết nhỏ Vân có nghe được không, tôi định gọi tiếp thì một cái đầu nhô ra dưới lỗ trống của hàng rào. Nhỏ Vân bò nhanh qua, phủi tay dính đất, đứng lên run lập cập, hai hàm răng va vào nhau lách cách nghe thật vui tai, khiến tôi cảm thấy trời dường như lạnh hơn. Vân nói:
                          - Tớ vừa mới ăn sáng xong. Lạnh quá!
                          - Sao đằng ấy mặc ít áo thế?
                          - Nghe đằng ấy gọi tớ ra ngay, có kịp mặc thêm áo đâu.
                          - Hi hi, tớ tặng đằng ấy cuốn truyện này.
                          Nói xong, tôi lấy từ sau lưng ra cuốn truyện đặt vào tay Vân. Nhỏ cầm cuốn sách chạy lại lỗ trống của hàng dậu mà khi nãy chui qua, lấy từ đó ra một cuốn sách, đến trước mặt tôi:
                          - Tớ cũng có cái này, tặng đằng ấy. Ba mới mua cho tớ hôm trước, cực kỳ hay.
                          Hai đứa chạy tung tăng ra ngoài đường. Không biết có phải trời bớt lạnh hay có nhỏ Vân đi bên cạnh, mà chúng tôi cảm thấy như ấm lên. Gió vẫn thổi ù ù, những hàng tre ven đường vẫn xạc xào, rung lên bần bật. Bọn tôi như đôi bướm lượn quanh đường làng.
                           
                          Cứ thế, tháng ngày trôi qua. Tuổi thơ hồn nhiên ngày nào rồi cũng lớn lên theo năm tháng. Khoảng cách dần xa thì nỗi nhớ nhung cứ dày lên thành mong đợi. Hai khu vườn kề nhau, hai ngôi nhà cứ thế đứng nhìn nhau. Hàng dậu bông bụt lá vẫn xanh, hoa vẫn đỏ, vẫn đong đưa trong gió. Nhưng không còn hái cho em cài tóc, khoảng trống hàng dậu em không còn chui qua với tôi trong những đêm trăng, trong những ngày dài giá buốt. Em và tôi cứ thẹn thùng nhìn nhau, cứ ngập ngừng chờ đợi. Rồi tôi lên tỉnh học, rồi em chuyển nhà đi xa. Khoảng cách không làm vơi đi nỗi nhớ nhưng khoảng cách đã làm tôi và em xa nhau. 
                           
                          Nhiều năm sau này, khi mỗi lần về thăm quê, tôi cứ bồi hồi với từng góc sân ao cá, với từng bờ tre hàng dậu. Ba mẹ giờ đã già, không còn những tháng ngày cùng nắng sớm mưa chiều với đồng ruộng. Tuy thế, mẹ vẫn lụi cụi với cái chồ củi của mẹ khi đông về, mẹ vẫn ngồi cần mẫn lột vỏ mấy củ khoai lang mật để xắt phơi làm khoai dai. Tất nhiên người làm là nhớ về con cái, nhớ về ngày xưa, con cái nhìn để nhớ về tuổi thơ, nhớ về kỷ niệm. Cây rơm bây giờ nhỏ hơn xưa nhiều, nó không đủ để tôi có thể giành ba rút rơm, tạo cho mình một thế giới tuổi thơ. Hàng dậu bông bụt vẫn còn đó, bông nở đỏ, đong đưa trong gió như những chiếc lồng đèn mộng mơ, nhưng sao tôi vẫn thấy nó tiêu điều, xác xơ. Cái lỗ trống của hàng dậu mà ngày đó em thường bò qua lại với tôi, giờ cây phủ kín, như đem dấu cô nhóc hàng xóm của tôi ngày xưa, rồi mang em rời xa tôi. Xa lắc lơ trong hồn tôi. Giờ chỉ còn thấy khu vườn bên ấy đìu hiu, hoang vắng, xào xạc lá khô dưới bước chân của người tìm về miền ký ức.
                           
                                                        Phạm Tú Uyên
                           
                           
                            R
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.09.2023 02:24:36 bởi Thanh Vân >
                          #28
                            Ct.Ly 09.06.2023 20:31:25 (permalink)
                            #29
                              Phạm Tú Uyên 16.06.2023 19:27:41 (permalink)
                               
                                                             NHẤT TỰ SƠN 

                                                                                       Tùy bút


                              Nhất Tự Sơn là một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Xuân Đài, thuộc xã Xuân Thọ, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

                              Có người cho rằng: Đảo hình chữ “nhất”. Có vẻ cũng đúng. Tựa như thiên nhiên dùng bút lông vạch ngang một đường trên nền biển xanh, nên gọi Nhất Tự Sơn. Còn dân địa phương thì bảo: “Trên núi có một ngôi chùa, có mộ bà Vãi”. Ở lưng chừng núi bên sườn Tây có một ngôi mộ, không biết ngôi mộ ở đó tự bao giờ. Những ngày lễ tết, đôi khi rằm, dân cư trong vùng vẫn ra thắp hương, và đồn rằng: ”còn có vết tích một ngôi chùa” – người dù có trí tưởng tượng phong phú cỡ nào cũng khó hình dung đó là vết tích. Nó là một tảng đá tương đối bằng phẳng, mỗi bề chừng ba mét, nằm trên đỉnh phía Bắc. Vì là ngôi chùa nên phải có Sư hoặc Vãi và, hiển nhiên ngôi mộ được người dân cho là của bà Vãi.

                              Diện tích đảo chừng hơn bảy hét ta, đỉnh núi chạy thẳng từ Bắc sang Nam , hai đầu vách núi hiểm trở, thẳng đứng.
                              Điểm đặc biệt của Nhất Tự Sơn mà không một nơi nào có được - đường thiên nhiên vượt biển ra đảo! Thật ra, Nhất Tự Sơn như một tấm bình phong nằm ngoài biển, cách bờ chừng ba trăm mét, che chắn sóng gió cho làng Mỹ Hải và Mỹ Thành. Tấm bình phong đảo tạo nên hai luồng sóng bên Bắc, bên Nam xô vào. Hai con sóng hai phương ập xéo đến thành “sóng chọi rồng”.
                               Từ tháng chín trở đi “sóng chọi rồng” trở nên kỳ vĩ, khởi đầu từ trong đất liền một cột sóng “ùn” lên, càng lúc càng lớn và cao, có thể tưởng đó như chiếc đầu rồng – con rồng sóng uốn éo trườn ra đảo, va vào gành đá hóa thân thành bụi nước tung mù trắng xóa. Những “con rồng” ấy mang đá, cát đắp thành đường nối liền từ bờ ra đảo. Khi nước triều xuống, ẩn hiện một con đường, người dân có thể qua lại dễ dàng, thậm chí có lúc đường đi hoàn toàn khô ráo.
                              Đảo như một khu vườn nguyên sinh. Sườn phía Tây bờ dốc thoai thoải, Bằng lăng, Trắc… mọc nhiều. Sườn bên Nam vách đá hiểm trở, có vô số mai vàng, có những cội mai cổ thụ, thân sần sùi, khúc khủy, gân guốc, bám trên đá, tháng năm chống chọi với gió bão. Người dân trong vùng từ ngàn xưa luôn xem đảo như vị thần trấn giữ biển Đông, nên giữ gìn, bảo vệ dù một tảng đá, cành cây. Chỉ một cơn “áp thấp” ngoài khơi xa, sóng biển đã xô vào gành đá tung bụi nước trắng mù cao trên ba mét. Mặt đảo hướng đông phong cảnh cực kỳ ngoạn mục. Sự xâm thực của sóng, của bảo tố, của gió biển mài mòn, khoét sâu vào lòng núi những hang động hun hút sâu, nhiều ngóc ngách, có thể chứa hàng trăm người. Thời chiến tranh, hang Dơi là nơi trú ẩn của bộ đội và du kích địa phương. Muốn vào hang Dơi phải trầm mình xuống nước, lặn một hơi dài như ống “cổ cò”. Bên trong hang, ánh sáng nhờ nhờ từ những lỗ thông trên vách núi.

                              Mùng năm, ngày tết hoặc những ngày lễ lớn, khách từ Tuy Hòa, Quy Nhơn về đây rất đông. Chiêm ngưỡng một cảnh quan thiên nhiên còn đang sơ khai. Đứng từ xa nhìn về Nhất Tự Sơn, hai bên ghe, thuyền, lồng tôm hùm ken nhau san sát. Du khách đi qua đảo trên con đường mấp mem sóng nước cứ ngỡ như đoàn người đang đi trên mặt biển! 
                                                               Phạm Tú Uyên
                                R
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.07.2023 04:52:25 bởi Thanh Vân >
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 67 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 6 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9