Phạm Tú Uyên
-
Số bài
:
75
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 01.04.2023
|
Re:TRUYỆN: PHẠM TÚ UYÊN
-
07.10.2023 19:31:01
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ Ký ức vụn MỘT Tôi về Quảng Nam vào những ngày cuối năm 1976. Cuộc sống vốn đã khó khăn sau ngày ba mươi tháng tư giờ càng thêm khó. Hai mẹ con chẳng có của nã gì, ngôi nhà ông nội hoang vắng bao nhiêu năm, trống huơ trống hoác. Vườn tược khô cằn, rau rác quặc quẹo, biết làm thế nào để sỏi đá biến thành cơm đây quê hương ơi! Giờ ngồi viết những dòng này, quả thật không hiểu sao lúc ấy hai mẹ con tôi lại có thể sống được, lại có thể vượt qua được một quãng đường dài dằn dặc, dài trong gian khó, đói nghèo. Những chuyện kể nho nhỏ, vụn vặt của riêng tôi trong suốt chiều dài của một thời đáng nhớ. Ăn cơm ghé khoai rồi tiến tới ăn khoai ghé cơm rồi tiến tới ăn độc vị món khoai lang húp với canh rau khoai... Trong khi đó quanh tôi, có nhà hàng xóm đông con còn phải đào củ cây chuối xắt thành hạt nhỏ như hạt gạo nấu ghé thêm khoai lang. Ăn nó chẳng ra làm sao, cứ sường sượng, sừn sựt. Ăn riết đi ngoài toàn giống như phân dê.Thèm đạm, thèm mặn thì có chén mắm cái. Chuyện đó thì vô vàn, tuy thế tinh thần thằng tôi vẫn rất tốt, vẫn lạc quan Cách mạng. Trên bàn tôi để câu thơ: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch Người Quân tử ăn chẳng cầu no Đêm năm canh an giấc ngáy o o Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ...” Nguyễn Công Trứ Hồi về Quảng Nam đến chừ tôi viết nhăn cuội dăm ba bài thơ tình nhét trong túi lâu lâu móc ra đọc để tìm chút bay bổng cuộc đời. Cách mạng ta thì không ưa gì loại thơ ủy mị tiểu tư sản nên nó trở thành hàng cấm. Từ khi xây dựng HTX. thời tiết nắng mưa cứ như một gã tâm thần, điên điên khùng khùng. Cần nắng lại mưa, cầu mưa thì nắng chang chang rát mặt. cứ thế lúa khoai bạc phết còn dân ăn bo bo ỉa toàn bo bo. Nhưng ruộng đồng mà bơ phờ, sắn khoai cháy nám thì còn gì là HTX. tôi mong nó tươi tắn lên, muốn nó rực rỡ lên muốn nó tràn trề sinh lực nên phải tô vẽ thêm cho nó có sự sống. Thế là cặm cụi nặn được bài thơ: Mới gặp em lần đầu Mà như từ lâu lắm Em về đâu, về đâu? Em mỉm cười nghiêng nón. Nắng chiều thắm vồng rau Má em hồng mơ ước Da em tươi màu nâu Xinh cánh đồng Hợp tác. Em vẽ thêm màu xanh Cho quê mình giàu đẹp Ruộng lúa có tay em Nở hoa từ lòng đất. Em, cô gái quê hương Như bao nàng thôn nữ Mới gặp đã thân thương Từ nơi nào chẳng rõ. Rứa mà khi đưa cho mấy thằng bạn đọc, nó trề môi: Bài thơ dở như... dỡ nhà, mi đem ra cho mấy thằng cha ở ngoài HTX đọc. Đúng là cái bọn không biết thơ ca là gì, toàn bọn tào lao xịt bộp. Công việc thường ngày của tôi nói riêng và mọi người nói chung rất đơn giản, sáng nghe đánh kẻng: Vác cuốc ra đồng, trưa đánh kẻng: Vác cuốc về, đơn giản thế thôi chẳng phải nghĩ suy, chẳng phải lo toan trằn trọc. Bộ não được nghỉ ngơi toàn diện. Tối ra Quốc lộ hóng mát, nhìn xe cộ qua lại, nói chuyện trời trăng mây gió và tán gái. Cứ thế ngày qua tháng lại quả thật chán phèo. Tính tôi thích đi chơi đây đó. Từ ngày về quê đến chừ không đi đâu, chẳng biết Hội An, Đà Nẵng nó méo nó tròn thế nào, Tam Kỳ dài ngắn ra sao nhưng chao ôi cái túi lép xẹp đành chịu chết. Buôn bán, chạy chợ thì không được phép, làm thuê thì chẳng ai mướn cái tướng mỏng manh, tay chân suông đuộc như thế này, chả bỏ nuôi cơm. Có thằng bạn thường viết bài cho đài phát thanh gợi ý tôi một lối thoát: Mi muốn có xu rủng rẻng thì làm thơ, viết bài đăng báo kiếm nhuận bút. Tôi cười mếu: Gửi thơ tình nó đọc nó chửi cho sấp mặt, không được. Sau bữa đó vài hôm phía ngoài nhà tôi có một chiếc xe Bộ đội bị lật xuống hồ rau muống đầy nước. Trời mưa đường trơn mà phóng nhanh thì thế thôi. May mà dân trong xóm ra cứu kịp thời nên chỉ có hai người chết, số còn lại bị kẹt trong thùng xe uống nước no nê. Tối về tôi làm rẹc đùng bài thơ về xe lật để đọc cho vui, để bộ não có cơ hội hoạt động chớ êm ả thế này nó trở thành não đậu hũ thì tiêu tán đường. Cũng nhờ từ bài thơ này đã giúp tôi thực hiện được giấc mơ nhỏ bé, cỏn con để có những chuyện cười ra nước mắt sau này. XE LẬT Mỗi lần mưa bụi bay bay Anh tài nổi hứng lao ngay xuống triền Không nằm ngữa cũng lật nghiêng Xảy ra liên tục ưu phiền lắm thay. Đường trơn trợt giảm ngay độ phóng Lái vèo vèo lật gọng như chơi Lỗi tại mình bất cẩn thôi Lại đem đổ tội do trời do ma. Xe tớ đang chạy như là Chợt đâu bóng trắng băng qua giữa đường Tớ đạp thắng vô lăng ôm cứng Nghe cái rầm xe dựng đít lên. Lỗi tại ma, tại oan hồn Tay nghề tớ khá Trường sơn đã nhiều Thôi ông ơi đừng nói điêu Tại ông lái ẩu chớ yêu ma gì. Mấy đứa bạn đọc xong nó cười bò lăn - hay! Hay đấy ! Nếu bọn nó khen cái kiểu hôm nọ về bài thơ HTX. thì chắc bài này tôi nhét vô túi quần rồi. Đọc đi đọc lại vài lần tôi quyết định xách chiếc xe đạp cà tàng đạp một mạch tám cây số ra Hà Lam gửi Bưu điện cho tòa báo. Hồi đó làng tôi chẳng ai mua báo về đọc, mà muốn có báo phải ra Hà Lam xa tít tắp thôi thì đừng để ý nữa. Bẵng đi một thời gian có ông bạn ghé nhà chơi ông nói : Hôm trước đọc báo đầu tuần ở cơ quan tôi, họ đọc bài thơ có tên ông ở mục Đầu Làng Cuối Phố. Rôi một đứa làm ngoài xã cũng nói như vậy. Thế là từ đó tôi có động lực để làm loại thơ... trời ơi đất hỡi, hehe. Mỗi bài trung bình được ba hoặc bốn đồng. Tôi cứ dồn cỡ ba hoặc bốn bài ra Đà Nẵng nhận nhuận bút rồi ở chơi một hai ngày. Có bạn sẽ hỏi chừng nhúm tiền rứa thì đi chơi cái nỗi gì. Đơn giản mà, tiền xe ra vô bốn đồng (vật giá lúc đó) di chuyển trong Thành phố không tốn tiền vì cuốc bộ mà lị. Mục đích chính là : Đi một ngày đàng học một sàn khôn. Chẳng biết mỗi chuyến đi có đem về được sàn khôn nào không chứ về tới nhà là đôi chân dường như không còn là của mình nữa, nhưng bù lại người trở nên sảng khoái, vui tươi và lao động tốt hơn dẫu rằng trong bữa ăn vẫn đìu hiu gió cuốn. HAI Một dạo nọ tôi dồn được bốn bài thơ vị chi là mười sáu đồng. Khoảng tiền không hề nhỏ, tôi dự định ra Đà Nẵng chơi hai ngày tối ngủ nhà trọ bến xe hết đồng rưỡi. Ok lên đường ! Sáng sớm ních bụng đầy sắn với khoai để lấy sức rong chơi. Trời hôm nay thật đẹp, trong veo, báo hiệu không mưa chỉ có nắng thôi. Đón xe dọc đường thì chắc chắn chẳng có ghế để ngồi. Ngồi sát thùng than sau đít xe nóng phừng phừng nhưng chã hề chi, đã đi chơi thì sợ gì mưa rơi bạn hì. Ra tới Đà Nẵng tôi vừa đi vừa ngắm phố xá, tới ngã tư chợ trời Ông Ích Khiêm dạo quanh tìm mấy cuốn sách cũ ở khu giấy báo vụn. Hàng hóa ở đây đủ thứ: tivi, tủ lạnh, áo quần, giày dép, máy móc, chén đũa... Đến cây kim sợi chỉ, ôi thôi đủ thứ hầm bà lằng. Đang lui cui bên đống sách thì có bàn tay ai đó đặt lên vai, tôi quay lại một anh chàng cũng trạc bằng tuổi tôi cười làm quen: Mình có mấy cuốn sách cũ hay lắm! Nó vừa nói vừa choàng tay qua vai tỏ vẻ thân thiện, tôi cũng không tiện đẩy tay ra nên để yên, sau đó từ chối khéo rồi rời khỏi khu chợ trời. Đi một đoạn định ghé mua vài điếu thuốc lá, thọc tay vào túi áo lấy tiền thì ôi thôi rồi - hai tờ một đồng không cánh mà bay.Toàn bộ số tiền mà tôi có thể có vào lúc này đã không còn, đúng là chó cắn áo rách. Cái thằng lưu manh khi nãy cặp kè tôi để lấy tiền, khốn nạn cho nó mà cũng khốn nạn cho tôi quá chừng chừng. Tôi đi luôn một mạch xuống đường Yên Bái. Dù có mệt một tẹo nhưng nhận được tiền là sẽ khỏe ngay thôi mà. Ta sẽ ra ngoài góc phố sà xuống quán cafe cóc nào đó làm một li đen đá, phì phà điếu thuốc lá thơm Sài Gòn Giải Phóng thì còn gì tuyệt vời hơn, hạnh phúc hơn chứ. Tôi cúi chào, miệng cười thật tươi với cô nhân viên ngồi bàn trong: Chào cô, tôi đến nhận nhuận bút mấy bài thơ. Tôi nói tên, cô lật cuốn sổ to đùng rà cây bút một hồi rồi ngẩn lên nhìn tôi: Anh ơi, bốn bài của anh đã nhận rồi ạ. Tôi đơ người nhìn cô, trông cô thật mượt mà, thật đẹp nhưng lúc ấy tôi không cảm nhận được cái sự đẹp đẽ ấy. Tôi chới với, nói như một thằng cà lăm: «Tôi chưa nhận mà». «Anh H ký nhận dùm rồi anh». Tôi thất thiểu như đứa mất hồn. Tiền ơi, H ơi mi nhận dùm mà không nói với tao, Cafe ơi, thuốc lá thơm ơi, hai ngày đi chơi thế là tiêu tan. Điều này cũng chưa quan trọng lắm, cái đáng sợ nhất là tiền đâu về xe đây trời. Trở lại bến xe sao dài xa tít tắp, lúc đi phố xá thênh thang người xe rực rỡ, đường về sao lại gian nan ri hè. Về tới bến xe khoảng hơn chín giờ, trời tháng tám đúng là nắng rám trái bưởi. Mồ hôi mồ kê nhể nhại, bơ phờ như một thằng ma cà bông. Tôi thả người rơi phịch xuống ghế đá ngoài hiên của bến xe, thẩn thờ nhìn dòng người xếp hàng rồng rắn trước các quầy vé. Cứ mỗi quầy vé có hai hàng người, bên phải bán ưu tiên cho Cán bộ bên trái bán cho dân. Ba vé cho Cán bộ thì dân được một vé cứ thế dòng người cứ tiến dần lên. Hàng người mua vé Tam Kỳ dài nhất chạy ra tít ngoài những chiếc xe Renaul ngoài bãi. Khi ở trong tận cùng của sự thê lương, người ta mơ ước những điều tưởng như đơn giản nhất. Đúng vậy, ngồi nhìn những người đứng xếp hàng thấy họ thật sung sướng, dù rằng họ đang đứng rã rời đôi chân nhích từng bước một. Tôi ngồi như thế đến ê ẩm cả mông, đầu óc rỗng tuếch chẳng nghĩ được gì, mà nghĩ gì cơ chứ. Nhìn đồng hồ trong bến đã gần mười giờ ba mươi. Không thể ngồi đây thở ngắn than dài, than thân trách phận nữa, mi phải lao ra ngoài rồi mọi sự chắc chắn đến, dù có phải gặp rủi ro hay điều may mắn. Không thể ngồi mãi đây, ngồi lì môt chỗ sẽ hóa ngu, sẽ rệu rã thân xác mất. Nghĩ là làm, tôi ra khỏi bến xe đi về ngã ba Huế. Tới ngã ba Huế đang đứng lơ ngơ cùng mấy người tay xách nách mang thì một ai đó kéo tôi về phía trước: Quảng Ngãi Qui Nhơn, Quảng Ngãi Qui Nhơn lên xe đê. Tôi ú ớ chưa kịp nói gì thì anh lơ đã kéo tọt vào xe. Thôi kệ đi đâu thì đi, tới đâu thì tới, bị gì thì rán đỡ miễn sao về được tới nhà. Trời đất ơi, Chúa Phật ơi phù hộ con đầu xuôi đuôi lọt... Xe chạy, mọi mệt nhọc đều tiêu tan, gió thổi hây hây nhưng lòng tôi bắt đầu lo ngay ngáy. Cứ đưa mắt vào thằng cha lơ xe mà không dám nhìn trực diện thằng chả. Xe chạy qua Vĩnh Điện mà cha lơ vẫn chưa thấy đến thu tiền. Mô Phật, mô Phật chắc là quên rồi. Nó mà quên thì nhất định đó là đứa lơ xe dễ thương nhất trong đời tôi. Xe chạy qua khỏi cầu Bà Rén rồi Nam Phước, rồi Quế Sơn Hương An, nó vẫn chưa hỏi tiền. Cái bắp vế tôi bắt đầu run, người tôi bắt đầu thấy lạnh, cái lạnh rét của tâm trạngvừa run vì mừng vừa lo vì sợ. Đầu óc đang căng thì một thanh âm phát ra như tiếng sét rỉ trong ống sắt :Tiền xe chú em! Mặc dù trong đầu chỉ quẩn quanh vấn đề đó thôi mà khi nghe tiếng gã lơ xe tôi lại giật bắn lên. Tôi lúng túng, lắp bắp vờ cúi xuống sờ sờ mấy cái bao xách dưới chân, một bà thiếm ngồi gần đó kéo cái bao lại gần chân, đẩy đứa bé đi cùng ngồi lên như sợ tôi lấy đồ. Thấy vậy, trong đầu tôi loét lên một tia chớp: Cái xách của tôi mô rồi? Kêu một lần thấy có vẻ chưa ăn thua, tôi ra vẻ nhìn dáo dác rồi kêu to: Cái xách màu đen của tôi mô rồi? Mọi người đưa mắt nhìn quanh coi có cái nào màu đen không. Bà thiếm khi nãy phán một câu làm tôi mừng rơn: Xem chừng chú em để quên ở ngã ba Huế rồi, chớ ở đây có cái nào màu đen mô. Tôi run quá, vừa xấu hổ vì mình nói dối, vừa sợ bị phát giác mặt tôi tái méc, mồ hôi lấm tấm trên trán. Mọi người nhìn ái ngại cho tôi. Lại bà thiếm lúc nãy nhiều chuyện: Chắc là quên thật rồi, tội nghiệp chú em. Rồi quay sang người bên cạnh: Bọn trẻ chừ rứa đó, đầu óc cứ để mô mô. Tôi giờ chừ như ngồi trên lưng cọp, một liều ba bảy cũng liều. Tôi hét to về phía trên bác tài, ra vẻ hốt hoảng : Xuống, cho xuống bác tài, quên đồ ở ngã ba Huế rồi bác tài ơi! Lại cũng bà thiếm nữa : Quên đồ ở ngã ba Huế, cho xuống, cho xuống! Bà này ở nhà chắc là nhiều chuyện lắm đây, nhưng trong hoàn cảnh này lời nói của bà thiếm là tiền là tiền, con ngàn lần mang ơn thiếm. Gã lơ xe nãy giờ đứng xem kịch chừ thả một câu làm tôi mừng phát run: Đố mi ra lại ngoài nớ mà còn. Tôi tỏ ra bi thương: Nhưng tiền bạc, giấy tờ ở hết trong nớ anh ơi! Gã lơ đế một câu làm tôi càng nhẹ tênh, bay bổng: Mi ra lại mà tìm không được thì có nước đi xin thôi con ơi! Bác tài ở trên nói vọng xuống: Tới Hà Lam khách xuống cho nó xuống luôn. Hehe con xin cám ơn Trời Phật, từ Hà Lam về nhà chỉ tám cây số thôi, không hề không hề chi, không hề chi. Đường xa vạn dặm có gì gian nan. Ghi lại lần bị móc túi nhớ đời, một chuyến đi đầy bão tố: Vỉa hè hội chợ tự do Anh hùng tứ xứ cũng mò về đây Ti vi tủ lạnh chưng bày Áo quần vải vóc dép giày ngổn ngang. Ai dám chắc của đàng hoàng Chẳng quen anh đạo cũng thân anh đào (*) Nơi quy tụ ba du lưu.(*) Ai đi qua xin đi mau Coi chừng túi trước túi sau đồng hồ Người Dọn phố chú ý cho (*) Làm mưa một đợt sạch khô vỉa hè. ----------------------- (*) Đạo chích, Đào tường (*) Ba gai, Du côn, Lưu manh (*) Người phụ trách mục : Đầu Làng Cuối Phố. BA Xã hội luôn vận động để phát triển. con người văn minh hơn, đời sống đủ đầy hơn sau gần năm mươi năm dài đằng đẵng. Quãng thời gian ấy đã lấy đi một phần hai đời người. Giờ đây có người đã mãn nguyện với cuộc sống đủ đầy, vương giả nhà cao cửa rộng. Có người đã không còn sau bao nhiêu năm đói nghèo ốm đau bệnh tật, cũng còn biết bao người phải bươn chải mưu sinh, lắc lay sống, lo toan từng bữa ăn. Điều ấy tất nhiên không có gì lạ trong xã hội. Sự giàu sang hay nghèo khó không phải là thước đo để nhìn về một con người. Chối bỏ hay rẽ khinh quá khứ sẽ chẳng thể trưởng thành trong tương lai. Nhìn lại ngày xưa để cảm thông và sẻ chia, tình người luôn là sự gắn kết bền vững nhất. Ngày ấy người dân ở nông thôn quê tôi nghề chính là làm ruộng, phải nói chính xác là làm ruộng HTX, tất nhiên rồi. Ngoài ra người ta còn chăn nuôi gia súc gia cầm để đôi khi giỗ, chạp hoặc cần một khoảng tiền nào đó như ốm đau, tiền học cho con, người ta mới bán con heo hoặc bầy gà. Đem cân heo cho HTX mua bán thì đổi lưu được vài mét vải, lít dầu hôi... Còn ra nhận thêm ít tiền mặt, tằn tiện rồi cũng qua lúc khó khăn. Mẹ tôi nuôi một con heo với bầy gà. Tiếng là nuôi thế nhưng ngày qua tháng lại heo cứ còn heo gà còn gà, nó không chịu lớn. Gà trống thì gáy giống thổi kèn è o o è chẳng ra hơi, như đứa nhỏ viêm họng, lông thưa thớt cứ rụng dần. Còn anh heo cũng không kém cạnh, mõm dài ra, chân thì đi lỏng khỏng, xương vai gù lên như chàng lạc đà mang bướu. Sắn khoai ít ỏi, gạo thóc cân đong tính bằng nhúm bằng bụm thì lấy đâu mà cho tụi nó ăn. Nuôi năm rưỡi mà đo được chừng hơn sáu chục cân, cần mấy mét vải nên phải đem ra cân cho HTX. Xúc chàng ta vào rọ bỏ lên xe đạp đẩy đi lặc lè. Trên đường đi nó chẳng thèm kêu chỉ rên ư ử, chắc là biết thân phận mình sống đến chừng này đủ rồi, chừ tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ để đáp đền công ơn nuôi dưỡng chăng. Cân bàn HTX hình như bị hư nên phải khiêng chàng heo bằng cân xách. Có một anh đứng trong cửa hàng, tôi nhờ ra khiêng dùm. Tôi một đầu anh ta một đầu, cán cân cứ dập dềnh lên xuống, tội nghiệp cho chàng heo nằm im thở phì phò. Cân chỉ vào số sáu tám, vừa chỉ xong nó lại nhảy cà tưng cà tưng như đứa bị động kinh rồi về số năm tám, bốn tám. Tôi thấy lạ liếc mắt nhìn xuống phía dưới, bàn chân của anh thanh niên khiêng đầu kia kê vô bên dưới của rọ heo. Anh ta kê bàn chân vào để làm giảm trọng lượng con heo, rồi hô to: Bốn tám ký cả rọ. Tôi đề nghị chưa để xuống, hắn xừng cồ: Ông mù sao mà không thấy chỉ vào số bốn tám. Nghe hắn nói thế tôi điên tiết, làm ra vẻ khiêng nặng quá, tôi thả đòn khiêng, đẩy về phía anh ta, anh thanh niên rú lên thảm thiết. Bàn chân kê vô đỡ rọ bị trọng lượng rọ heo đè mạnh làm chân anh ta bị trật khớp, he he. Kiểu ni mi về lấy nẹp tre mà bó lại đáng đời thằng khốn nạn. Mọi người đang khổ sở vì thiếu ăn thiếu mặc thì mi lại ăn cướp trắng trợn trên những bộ xương người thế này sao. Sau nhờ mọi người cân lại được sáu tám cân, mất y hai chục cân. Thằng này có vẻ làm chuyên nghiệp, đưa chân ra một cái kiếm ngay hai chục ký. Tôi không nhớ con heo yêu quí được bao nhiêu tiền nhưng được mua hai mét vải hoa, một mét vải tám đen, mấy lít dầu hôi. Cầm xấp vải còn thơm nồng mùi sợi và thuốc nhuộm trên tay mà lòng cứ phân vân, nên may như thế nào đây. Vải hoa cho mẹ ư? Chắc chẳng có bà mẹ quê nào miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay quẹt lia lịa nước trầu trên miệng lại dám mặc nguyên bộ vải hoa xanh đỏ đi ra đường cả. Còn tôi thì xin bái hai tay lạy ông đi qua bà đi lại, thôi để tính sau vậy. Về tới nhà thấy trên bàn tờ giấy mời của Phòng VHTT. Thăng Bình được thằng bạn đem đến, nó còn nhắn chiều ni lên nhà chơi hehe. Vậy là sắp tới tôi lại được thay đổi không khí, có điều kiện được đi nhiều hơn. Huyện Thăng Bình thành lập đoàn ca nhạc để đi phục vụ bà con trong huyện, xã Bình Tú có hai người tôi và thằng bạn thân (Mạnh Cương) tánh vốn lông bông lang bang nên đi như ri là vui rồi! BỐN Đoàn ca nhạc được thành lập gồm mười lăm người, nhạc sĩ HB làm trưởng đoàn tôi làm quản lý. Tập dợt đâu chừng hơn tháng rưỡi là đi diễn luôn. Tiêu chuẩn một tháng mỗi người mười ba kg lương thực gồm sáu ký gạo bảy ký mì sợi, tiền nhận khoảng hai chục đồng. Mấy cái linh tinh ni không kể, vui là chính. Bảy xã Đông Thăng Bình chọn đi lưu diễn trước, được chia làm hai đợt, mỗi đợt mười ngày. Các xã miền Đông hầu như toàn cát là cát, người dân chủ yếu trồng rau, khoai lang... Đất trồng lúa rất ít. Sự cơ cực hằn sâu trên khuôn mặt và dáng đi của họ, nhìn từng vồng khoai lang to tổ chảng dài xa tít tắp được vun lên từ cát, những cọng rau lang khát nước nằm ỉu xìu rúm ró. Nhìn những bà, những chị gánh nước tưới rau mà xót xa mà nể phục, gánh nước đổ xuống vồng cát to đùng nó biến ngay tắp lự, hầu như chẳng để lại chút dáng dấp gì, có chăng cát sẩm màu lại một tẹo. Làng tôi toàn đất thịt, dẫu không màu mỡ nhưng khi đất được uống nước thấy nó còn có sức sống, đằng này... Thương quá! Đoàn thường hay tổ chức diễn ở các trường học hay sân vận động xã, buổi biễu diễn nào cũng đông chật người, có lẽ những sinh hoạt giải trí nơi đây quá hiếm nên có dịp là đi thôi, chứ nghiệp dư như bọn tôi thì chắc chẳng hay ho gì đâu. Đặc sản ở vùng cát mà bọn chúng tôi ngán nhất là gai xương rồng nhiều vô kể, ban đêm đi lớ ngớ là nó đớp vào chân ngay. Khi về Bình Sa diễn ở trường cấp II, tôi quen cô giáo Q người Hội An, mới ra trường và về dạy ở đây. Q rất xinh, không hiểu sao tôi lại quen được em, Q nhỉ. Đêm ấy diễn xong tôi rủ em đi dạo, trời đêm đầy sao, ánh trăng non vừa đủ để trải vàng lên con đường cát trắng, vàng lên những rặng dương liễu nhấp nhô nhạt nhòa. Không gian vắng lặng hai đứa tôi cứ đi như thế. Con đường nhỏ hai bên đầy những xương rồng, em nhắc tôi đừng đi chệch ra ngoài kẻo gai đâm. Cám ơn những hàng xương rồng trên lối đi đã đưa tôi kề lại với em. Hai đứa đi bên nhau và thời gian như không còn tồn tại trong chúng tôi, thuyền trăng trên sông mênh mông trôi xa dần, phía đằng đông ửng hồng ngày mới: Ta tìm một sợi dây Cột mặt trời xuống núi Để còn mãi đêm này Thời gian ơi, ngừng lại! Tạm biệt Bình Sa, chia tay em - cô giáo đã thoáng qua trong đời tôi, dù bên nhau không dài, vừa đủ cho nhớ thương ray rứt. Viết cho em bài thơ để giữ lại sự dịu êm khi chúng ta còn có nhau. Quỳnh, Quỳnh, Quỳnh ơi! Quỳnh ơi! Gọi tên em vang dội đất trời Cũng rất đỗi Quỳnh ơi yên lặng Như tóc em và như đôi môi. Tóc em buồn đôi môi đắm say Mắt em hiền đời anh mây bay Mây còn trôi tình ta vời vợi Cám ơn đời thoáng đó chút tình say. Sau đó chúng tôi về lại Phòng và nghỉ ngơi một thời gian. Để thay đổi không khí đoàn chuyển lên phục vụ các xã cánh Tây Thăng Bình. Trời đã bắt đầu vào mùa mưa. Ngày ấy đường lên các xã vùng cao rất tệ, đa số là đường đất, khi mưa xuống nhão nhẹt xe đi lại rất khó khăn, từ Hà Lam lên Việt An đường còn tàm tạm. Điểm diễn đầu tiên ở Việt An, mọi việc suôn sẻ mặc dù buổi chiều trời mưa to tưởng là không làm ăn gì được, nhưng sau đó tạnh hẳn, bầu trời chỉ còn rải rác vài cụm mây. Cờ đèn kèn trống nổi lên, dân chúng kéo đến sân vận động đông nghịt. Đêm diễn chạy được một phần ba chương trình trời bỗng đổ mưa, mưa rất to. Lúc này trên sân khấu Cương đang hát, bộ phận âm thanh ánh sáng nháo nhào kéo bạt tủ máy móc, trên sân khấu Cương vẫn hát còn anh em đàn chạy theo đàn trống theo trống. Nhìn xuống sân bãi thấy người dân bình thản trùm áo mưa đứng xem, có lẽ khi thấy trời mưa mà dân vẫn đứng xem nên cậu ta... Không thể chạy. Thằng bạn thân tôi thật tuyệt, còn khán giả càng tuyệt vời hơn. Vì sự nhiệt tình của người dân, chúng tôi quyết định diễn luôn dù trời vẫn đang mưa tầm tả, may mà khán đài SVĐ. được lợp tôn dù rằng nhiều chỗ đã mục vì bị rỉ sét, cũng tạm đủ che chắn cho mấy bóng điện cùng nhạc công. Khuya về đứa nào cũng ướt nhẹp, bà con ở nhà đợi sẵn mời mỗi anh em một tô mì Quảng nóng hổi. Công nhận mì Quảng ở Việt An rất ngon không chê vào đâu được, ngoài trời mưa gió tái tê thế mà ngồi trong nhà với tô mì Quảng to tổ chảng, hơi nóng bốc lên phả vào mặt thơm ngạt ngào. vừa ăn vừa húp sì sụp, hít hà vì ớt xanh cay xé lưỡi. Ăn xong tô thứ nhất còn cố đưa mắt nhìn xuống bếp xem các mẹ, các chị có động tác gì thêm không. NĂM Đoàn chúng tôi rời Việt An lên Thăng Phước, với tinh thần biểu diễn gọn nhẹ nên phông màn, những vật dụng cồng kềnh không cần thiết đều để lại Việt An. Quốc lộ 14E từ Hà Lam đi lên Việt An, con đường thâm nhập nhựa chừng hơn ba mét bề rộng, lổm nhổm đá sỏi, đầy ổ gà ổ trâu, nhiều đoạn trơ đất. Mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa bùn đất nhão nhoẹt, ngoằn ngoèo, cứ như muốn thách thức ý chí người đi đường, ngồi xe mà như cỡi ngựa. Đoạn từ bia Hột Xoài vô xã xe không chạy được đoàn phải lội bộ. Đường đất trơn trợt đi không đã khó giờ còn phải mang theo lỉnh khỉnh đủ thứ hầm bà lằng. Tội nhất là mấy cô em, mặc dù đã được cảnh báo trước nên trang bị gọn nhẹ, thế mà vẫn diện quần là áo lượt tay xách nách mang, giờ đứng trước cảnh này mặt mày nhăn nhó trông thật thảm hại. Mấy chàng thanh niên có vẻ khá hơn nhưng cũng đi lượn lờ như trợt Patin. Các anh các chú trong xã ra giúp sức, vác dùm những bọc đồ nặng và khiêng máy phát điện. Đoạn đường từ bia Hột Xoài vào xã không xa lắm nhưng chúng tôi phải đi đến trưa mới tới trung tâm xã. Mọi người mệt nhoài đói lả, bùn đất lếch phếch đầy người, anh em được nghỉ tối nay. Thăng Phước là xã vùng cao của Thăng Bình. Người ở đồng bằng có dịp lên miền núi quả thật hấp dẫn và luôn bí ẩn đối với họ. Nhìn đâu cũng một màu xanh bạt ngàn. Bà con nơi đây hiền lành và tốt bụng, họ rất hiếu khách. Kinh tế dẫu còn khó khăn nhưng lòng nhiệt thành thì người dân có thừa. Nhìn xa xa những thửa ruộng be bé, cái cao cái thấp gối lên nhau, nước kiên trì chảy rỉ rả từ các chân ruộng trên cao đổ xuống tạo nên những chùm âm thanh đặc trưng của vùng này. Từng con đường ngoằn ngoèo chạy từ đường cái vào các ngôi nhà nho nhỏ, nép sau mấy rặng cây trong xóm, vừa xa xôi vừa gần gũi và cũng trơn trợt không kém. Ở Thăng Phước có hai điểm diễn. Sau hai đêm ở đây chúng tôi kéo nhau vào thôn Tư (gần năm mươi năm nên nhớ về địa danh đôi khi không chính xác). Đường vào thôn Tư phải đi qua một ngọn núi. Đường đất nhỏ quanh co leo núi đi bộ hoặc xe đạp cũng đã vất vả, giờ mưa nắng thế này thì quả thật tôi không thể hình dung mức độ khó của nó. Chỉ có lên đây thế này mới hiểu được sự gian khổ của người dân nơi này ra sao. Kinh tế chắc cũng chẳng hơn gì quê tôi nếu không muốn nói là khó bội phần. Không buôn bán không quán xá, chỉ có một cửa hàng mua bán hàng hóa lèo tèo thiếu trên hụt dưới, cả ngày chẳng thấy một bóng người tới mua, có lẽ tôi là khách hàng thường ghé lại nhất để mua thuốc lá. Cô vừa là cửa hàng trưởng vừa là Mậu dịch viên, thủ kho, kế toán... Người dân được điều tới để mang hộ hành lý, dụng cụ biểu diễn. Chúng tôi chỉ đi không mang vác gì mà di chuyển cũng đã vô cùng khó khăn. Đường trơn như bôi mỡ, bám trèo được vài bước lại trượt dài, rồi lại bám lại trượt... Chẳng phải bọn chúng tôi có ý chí quyết tâm không ngại gian lao, cũng không phải được sự động viên vì chúng ta đang làm nhiệm vụ gì gì đâu, mà chúng tôi thấy được sự thiếu thốn, gian khổ của người dân nơi đây, mà chúng tôi thấy được sự yêu thương, hiếu khách, nhiệt thành của họ. Ngay trước mặt tôi đây hai người dân đang khiêng máy phát điện, còn hai người đi sau cùng đẩy vào lưng người khiêng để trợ lực, cũng có lúc họ trượt ngã lăn quay, miệng vẫn cười dù khắp người bị xây xước, lấm lem bùn đất. Bọn chúng tôi cũng te tua nhưng hầu như không đứa nào than vãn. Có lẽ sự đồng cảm ấy chính là động lực để bọn chúng tôi quyết tâm hơn, càng trân trọng người dân nơi đây hơn. Lên dốc đã khó, khi xuống dốc quả thật khó khăn không tưởng, chẳng đứa nào không bị trượt ngã lăn tròn xuống dốc. bọn con trai hầu như đều cỡi trần dù gió núi lạnh tê tê, lấy áo để cho các bạn nữ quấn che mông vì thương tích. Cuối cùng rồi anh em cũng về đến đích. Đoàn quân ra trận chưa chiến đấu mà nhìn thật thê lương, tuy thế mọi người vẫn vui tươi, cười nói huyên thuyên, có chàng còn ôm đàn ngồi dưới gốc cây hát cho mấy em trong thôn ngồi quanh nghe. Tiếng hát lan tỏa trong nắng chiều nhẹ, xa xa sương mù bảng lảng dưới thung sâu khung cảnh lãng mạn thật đáng yêu, thật đẹp! Hành trình vào thôn Tư quá gian nan, anh em rất mệt nên được nghỉ một ngày. Qua hôm sau trời mưa to không diễn được lại nghỉ. Thôn làm thịt một con bò đãi đoàn. Ngoài trời mưa lâm thâm hơi lạnh bắt đầu ren rét, anh em không thích ngồi một chỗ, đi loanh quanh thăm các nhà trong thôn. Cuộc sống nơi đây cũng cơ cực như quê tôi nói riêng và chung cho mọi làng xã khác. Dân gốc ở đây không bao nhiêu chủ yếu từ nơi khác lên. Trên này Cương có gặp một người bạn hình như từ Tam Kỳ về, một cô gái tên Thắng hay gì gì quên rồi, một cô bé xinh đẹp. Hôm trước thấy cô bé đi lên nương nhìn tựa nàng tiên lạc bước trần gian. Đất rừng nhiều nên chăn nuôi có khá hơn, tuy nhiên những mặt hàng khác luôn thiếu, không đủ để bán cho dân. Tối hôm đó bọn chúng tôi chén bữa tiệc thịt bò chấm muối. Thịt bò là chính, cộng thêm rau rác. Có điều, ăn nửa chừng... Hết muối! Mọi người ngại ngùng nhìn nhau. Bọn tôi do ở đồng bằng nên giao thông thuận tiện, cái gì cũng thiêu thiếu nhưng muối thì không. Còn ở đây khi thoạt nghe nói hết muối tất cả đều chưng hửng, nhưng sau đó hiểu ra nên im lặng ăn cho hết phần trong chén. Quả thật món ăn không có muối rất khó ăn. Bữa tiệc đang giữa chừng bỗng dưng chùn lại, nhưng chúng tôi ý tứ vẫn cười nói huyên thuyên, vẫn thỉnh thoảng gắp thịt nhai trệu trạo cùng mọi người. Sau đó chừng năm sáu người chạy lại đưa cho chúng tôi những gói lá chuối khô, bên trong các gói ấy đâu chừng vài nhúm muối hạt. bọn tôi cầm những gói muối còn dính trên tay màu đen đen muội khói bếp, chắc là bà con treo trên gác bếp để dành. Chúng tôi rất xúc động, cám ơn người dân nhưng anh em không mở ra dùng và tới lúc này, không ai bảo ai, mọi người tiếp tục ngồi ăn mà không còn nghĩ tới chuyện muối, cả đoàn tiếp tục cuộc vui. Thời gian ở Thăng Phước chúng tôi diễn được hai đêm. Tạm biệt người dân nơi đây để lên đường trở về Phòng nhận nhiệm vụ mới. Chia tay bà con với nhiều lưu luyến. Phạm Tú Uyên (Còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.10.2023 19:34:00 bởi Phạm Tú Uyên >
|