TRUYỆN: PHẠM TÚ UYÊN
TÓC MAI SỢI VẮN SỢI DÀI (Tiếp theo) Truyện dài 13 Tóc mai sợi vắn sợi dài Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm. (Ca dao) Tôi kể vắn tắt từ lúc Linh vào Đà Nẵng thăm bà dì nằm Nhà thương, rồi kẹt lại không ra được và mất tin tức từ đó. Dũng nói: - Tao gặp Linh với ông bà già nó ở dưới Bạch Đằng cùng đoàn người xuống tàu vào Sài Gòn. Tao nói với ông già nó vào đó chi mệt, vài bữa nữa giải phóng tuốt luốt hết. - Linh có nói chi với mi không? - Nó không nói chi. À có! Nó nói: Muốn chờ ra lại Huế mà ba sợ Cách mạng nên phải vào Sài Gòn. thấy mắt nó sưng húp chắc là khóc dữ. Chừ mà chưa về thì một là theo đoàn người xuống tàu di tản rồi, còn hai là... - Hai là chi? - Mi ngu rứa, hai là... Là ngỏm rồi! Tôi rất giận khi nghe Dũng nói, nhưng điều đó không phải không xảy ra. Vậy là từ nay, nếu còn nhớ nhau chỉ là trong mộng tưởng, không biết đến bao giờ tôi mới thôi nghĩ và nhớ em. Cuộc sống cứ trôi đi từng ngày, chẳng ai có thể níu kéo được gì của hôm qua. Những gì đến rồi sẽ đi, đi dần về quá khứ để chìm sâu trong ký ức. Đôi khi niềm thương nhớ, nỗi xót xa trỗi dậy làm nhói đau đến tê buốt người. Nhưng rồi thời gian đã xoa dịu đi vết thương, năm tháng đã lọc bỏ những muộn phiền trong lòng. Giờ ngồi hồi tưởng lại ngày xưa, những hình ảnh ngày ấy nó không còn đớn đau ray rứt, mà trở nên thật đẹp, lung linh trong nỗi nhớ mênh mông. Tôi nâng niu, trân quý. Một câu thơ của ai đó: «... Không nhau suốt cuộc đời, suốt cuộc đời ta vẫn riêng một nửa. Suốt cuộc đời ta, một nửa cho riêng mình... » Mới ngày nào mà đã qua năm năm, thời gian như thoi đưa. Nhỏ Duyên ra trường, giờ làm cô nhân viên bên phòng VHTT Huế. Tôi thì vẫn anh xe thồ miệt mài sớm tối với chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng đăng vài truyện ngắn, dăm bài thơ lên tạp chí địa phương, lấy tiền nhuận bút mời em bữa ăn trong quán, ly cafe vào những ngày Chúa nhật. Hai anh em giờ đã trưởng thành. Cuộc sống, công việc tuy mỗi người mỗi khác nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn gần gũi, khắng khít như xưa. Đôi khi ngày nghỉ, hai anh em gặp nhau nói chuyện linh tinh về tương lai, về những kỷ niệm, về cuộc sống hôm nay. Có lần em nói: - Thời gian sau này trông anh vui hơn, hoạt bát, gần gũi hơn nên em thấy mừng. Trước kia nhìn anh buồn em đau lòng lắm! - Cám ơn em, lâu rồi mọi chuyện cũng đã qua. Không ai cứ mãi chìm đau với quá khứ. - Anh! - Chi em? - Bên cơ quan em cần tuyển người, em thấy anh rất phù hợp. Nộp đơn anh hi. - Ừ, để anh xem, chắc cũng phải vậy thôi. Nghe nói rứa em mừng như chuyện vui của chính mình, em chụp lấy tay tôi lay mạnh, nói như reo: - Cố gắng anh hi. Hôm ni Chúa nhật tụi mình cafe đi, em mời. Nói xong Duyên định về lấy xe, tôi cản lại: - Tụi mình đi một chiếc thôi, anh chở em. - Dạ! - Sao em không mặc thêm áo, trời gió nhiều lạnh lắm đấy! - Anh ngồi trước che cho em rồi, sợ chi. Tôi chở em qua bên Mai Thúc Loan, trời lạnh hai bàn tay tê cóng, lo em lạnh không chịu nổi tôi quay lui hỏi: - Sắp đông thành đá chưa cô bé? - Anh yên tâm. Hơi ấm từ anh tỏa ra như lò sưởi ý. Dọc theo bờ thành Đại nội phía bên đường Đoàn Thị Điểm, người ta chia ra từng ô nhỏ cấp cho các hộ gần đó. Nhà tôi, nhà bác Mạnh mỗi gia đình được một ô để trồng rau. Khoảng đầu tháng chạp, mới tờ mờ sáng trời lạnh thở ra khói, thấy nhỏ Duyên vác cuốc đi ngang qua ngõ, tôi hỏi: - Em đi mô sớm rứa Duyên? - Em tranh thủ dọn đất để mẹ ra cấy cải. - Chờ anh đi với. Tôi và Duyên vác cuốc như nông dân ra đồng. Cuộc sống ngày mỗi khó khăn, hai bà mẹ bương chải, lặn lội cả ngày ngoài chợ mà cũng thiếu trên hụt dưới. Nghề xe thồ ngồi chờ khách đỏ mắt, công việc em làm tháng ba mươi ngày ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Miếng đất chừng vài chục mét vuông cứ cuốc lên trồng xuống dù gì cũng được món rau xanh, dùng còn thừa đem ra chợ. Trời lạnh như cắt da mà mồ hôi em tươm ướt trán. Tôi bảo em: - Em về chuẩn bị đi làm, chỗ đất nớ để anh cuốc vài lát là xong. - Dạ cám ơn anh, giúp em với hi, trưa về em qua cấy cải nha. Nói xong em tháo khăn cổ bước sang bên quấn vào cổ tôi, em cười: - Anh choàng thêm cho ấm, em về. Tôi chưa kịp cám ơn em đã đi nhanh ra đường. Hơi ấm trong khăn của em quyện thêm mùi hương da thịt cứ thoang thoảng làm hồn tôi thêm xao xuyến. Chạnh lòng thoáng nhớ về Linh. Bóng hình em một thời choáng ngợp trong tôi giờ trở thành kỷ niệm. Tôi không quên được em, cả đời này em luôn ở trong tôi. Chúng ta đã không đến được với nhau, âu đó là duyên số: “Suốt cuộc đời ta một nửa cho riêng mình”. Vâng! Em đã đi xa, nhưng là những gì đẹp nhất trong đời tôi, Linh ạ! Tôi sang xới miếng đất bên Duyên, còn ít nên cuốc cũng nhanh. Nhìn sát tường rào có bụi cây nhỏ lùm bùm, tôi đào quăng bỏ để em trồng rau không bị rập. Nhát cuốc phập sâu vào gốc để nhổ lên, chợt bụi đất bay tứ tán, một tiếng nổ chát chúa và rồi tôi ngất đi. Cái lạnh của những ngày đầu tháng Chạp nó buốt đến tận xương, may mà trời không mưa nhưng gió Bấc từng cơn khiến ai muốn ra đường cũng e ngại. Tiếng nổ chát chúa bên bờ thành Đại nội bị gió kéo loãng nên ít người nghe thấy. Đến khi có người phát hiện thì người bị nạn đã bất tỉnh. Lúc này những nhà gần đó chạy ra, nhà tôi, nhà bác Mạnh biết tin đến thì tôi chỉ còn thoi thóp thở. Mọi người cùng đưa vào bệnh viện. Vết mảnh của trái M79 cắt qua đầu gối, đất cát phủ lên vết thương gây nhiễm trùng và mất quá nhiều máu. Bệnh viện lại không còn nhóm máu phù hợp để truyền, tính mạng đã cực kỳ nguy kịch. Những người thân đều được thử máu và người có nhóm máu tôi cần lại là Duyên. Lúc tỉnh lại, cái cảm giác thật mênh mông, nó chơi vơi không rõ mình là ai, từ đâu mình tới. Cứ rơi dần rơi dần với tâm trạng gần như vô thức. Khi mơ hồ chạm cái gì đó, có nghĩa ngừng rơi tôi chập chờn mở mắt, người nhẹ tênh, một màu trắng bao quanh. Có lẽ lâu lắm tôi mới dần dần nhớ lại, bắt đầu nhớ từ lúc vác cuốc cùng Duyên, rồi em quấn khăn cổ cho tôi trước khi về, rồi tiếng nổ... Tôi tỉnh lại. Một cái đầu ai đó gục trên ngực tôi. Mái tóc xòa ôm ngang người. Tôi hơi bàng hoàng cố trấn tỉnh lại, chiếc khăn em quấn quanh cổ tôi mang hơi ấm và hương tóc đang gục đầu vào tôi đây ư? Lòng dâng trào cảm xúc tôi choàng nhẹ tay qua mái tóc em. Linh xa tôi từ dạo đó, nhớ thương đã đi vào dĩ vãng. Tôi biết một thời yêu em đến mê say, đắm đuối nhưng rồi tôi cũng hiểu chẳng ai yêu và sống với quá khứ. Em là một nửa hồn tôi đi vào ký ức. Phần còn lại tôi trao cho Duyên, tôi xin trao cho Duyên. Lòng muốn thế nhưng nào đủ tự tin nói với em. Thật lòng tôi không thể ngỏ lời cùng em. Còn em thì sao Duyên? Tôi biết em yêu tôi, lâu rồi. Nhưng cả hai đều im lặng! Giờ em đang ngồi bên giường bệnh, gục đầu vào tôi, tôi choàng nhẹ tay qua mái tóc em để thầm nói rằng: Duyên ơi! Tôi yêu em, đừng xa nhau nữa nha Duyên. Đang mơ màng nghĩ ngợi thì em cựa mình tỉnh giấc, có lẽ em ngồi bên tôi lâu lắm nên gục xuống ngủ thiếp mà không hay. Em thức dậy thấy tôi vẫn nằm yên, tưởng tôi chưa tỉnh em nói mà như nói với chính mình: “Anh nằm mê mang mấy ngày ni rồi, đừng làm em sợ nghe Chương! Đừng bỏ em đi, em không thể mất anh.” Dường như Duyên khóc khi một mình tâm sự: “Anh biết em đã đau lòng thế nào khi đi cùng chị (Lê Xinh) đến gặp anh tại Tỳ Bà Trang. Hóa ra là Linh, người yêu của anh. Em biết vị trí của em và Linh trong tim anh nên đã đày đọa mình suốt một năm để xóa bóng hình anh ra khỏi em. Em đã làm việc bên nhà bà o như một người điên, như một người tù khổ sai để quên anh nhưng vô vọng. Từng việc làm dù nhỏ dù to, dù gì thì anh vẫn xuất hiện. Với ngần ấy thời gian đã không thắng được mình nên em đành chấp nhận yêu anh, một mình yêu anh. Người ta gọi đó là mối tình đơn phương, không sao cả. Đời này chọn được người để yêu, xứng đáng để mình yêu đã là hạnh phúc. Bởi lẽ đó nên em bình tâm trở lại, em không còn khó chịu với Linh. Rồi chiến tranh, hai người xa nhau em đã thắt ruột nát lòng khi thấy anh đau khổ, nhớ nhung. Năm năm đằng đẳng, năm năm lầm lũi bên cạnh để động viên, an ủi anh. Nhiều lúc muốn thố lộ lòng mình nhưng sao khó quá!” Tâm trạng của em cứ nhẹ nhàng đi vào lòng tôi như một giấc mơ. Giọt nước mắt ngập ngừng lăn xuống, tôi khẽ cựa mình nhưng vẫn mhắm mắt. Em ngẩng đầu nhìn ngỡ tôi tỉnh lại, giọt nước mắt còn long lanh nơi khóe, em lấy khăn chặm, buồn rầu nói: “Anh buồn đau gì mà khóc trong mơ?” Tôi từ từ mở mắt nhìn em, thay vì vui thì em lại khóc. Hai mắt sưng thế kia chắc là khóc nhiều lắm. Tôi an ủi em: - Anh khỏe lại rồi nè, em phải vui lên chứ. - Dạ! Em mừng quá nên khóc. - Duyên! - Dạ! Tôi cố ngồi dậy nhưng không được, em đưa tay giữ không để tôi cử động mạnh. - Anh định nói chi với em? - Anh nằm mê man vậy bao lâu rồi em? - Dạ hai ngày anh ạ. - Mắt em sưng thế kia, em khóc vì anh ư em? - Dạ... ! Tôi muốn nói điều đã ấp ủ bấy lâu nay nhưng sao khó quá. Lần đưa tay tìm tay em, em nhẹ nhàng đặt vào tay tôi bàn tay mềm mại, ấm áp như muốn truyền cho tôi tất cả những gì em có. Tôi bóp nhẹ: Duyên ơi! - Dạ! - Anh muốn nói... - Anh để em nói, em muốn nói với anh điều này! - Em nói đi. - Em... Yêu anh! Tôi cứ lần lữa mãi để nói với em điều này. Tôi cứ chờ cơ hội để nói với em rằng: “Tôi yêu em”. Giờ cơ hội đến rồi, em đã bộc lộ lòng mình thay tôi. Em đã chịu nhiều đắng cay vì tôi, máu của em đã chảy vào tim tôi, đã hòa vào tôi. Còn sức mạnh nào giờ đây có thể cắt chia được tình yêu chúng ta dành cho nhau? Cuộc đời này dài không dài, ngắn không ngắn, tìm được người yêu mình đã khó, nhưng tìm được người vì mình mà hy sinh là rất khó. Tôi không khi nào để em vuột khỏi tôi nữa. Hạnh phúc dâng trào trong lòng, tôi muốn ôm em thật chặt, hét thật to cho thỏa niềm vui trong tôi. Cố co chân lại định ngồi dậy nhưng không được, em đưa tay giữ không để tôi cử động mạnh. Thấy đau nhói ở chân phải, tôi đưa mắt nhìn xuống dưới chân, tấm mền mỏng phủ trên người phía bên chân phải bị xẹp xuống sát nệm giường. Sao lại thế này? Chân tôi đâu? Tôi bàng hoàng, chết điếng không tin vào mắt mình, cố nhích chân lại lần nữa, cơn đau đến xé thịt. Tôi rơi vào tuyệt vọng tột cùng. Cụt chân rồi! Tàn phế rồi sao Chương ơi! Niềm vui mới đến chưa kịp mừng, tôi chưa bù đắp được gì cho em, tôi đã không mang hạnh phúc đến với em, mà chỉ đem tới sự chới với, hụt hẫng, tan nát trái tim em. Trái tim đã hòa nhịp mang từng giọt máu truyền vào tôi, kéo lại sự sống cho tôi và kéo tôi về cùng em. Gắn kết ấy như một định số, như một an bài có hậu mà giờ tạo chi khắt nghiệt, trái ngang tôi biết phải làm sao đây, phải nói gì đây khi em vừa mở lòng, khi em... Tôi đau đớn nhắm mắt lại, em cúi xuống hôn lên đôi môi khô ráp như muốn chia sẻ cơn đau cùng tôi. Nhưng em có biết đâu, nỗi đau của vết thương có là gì so với nỗi đau trong lòng anh lúc này. Nụ hôn đầu tiên em trao cho anh, mái tóc lòa xòa phủ kín mặt anh, mùi hương tóc ngất ngây, tất cả như mũi dao cứa vào tim, đâm vào da thịt thật sự anh không chịu đựng được. Nhưng thà chấp nhận một lần đau, đau từ hai phía, em và tôi. Em đau? Vết thương theo thời gian rồi sẽ lành, cuộc sống sẽ mang đến cho em niềm vui mới, tương lai của em rồi sẽ tốt đẹp hơn. Còn tôi? Tôi không có quyền làm em khổ. Em khổ chính là nỗi đau cả đời này của tôi. Định tâm lại, tôi gọi: - Duyên ơi! - Dạ! - Anh yêu em, anh yêu hơn cả bản thân anh. Em biết đó là tình gì không? Đó là tình anh em, tình ruột thịt. - Em biết trong lòng anh không phải rứa, anh nói dối, anh dối lòng mình phải không? - Không! Anh không dối em, anh yêu thương em như em gái anh. Hãy tin điều đó! Em thẩn thờ ngồi xuống ghế cạnh giường, tôi nhìn em mà chết lặng mà quặn thắt ruột gan. Tha lỗi cho anh nghe Duyên! Ngày tôi ra viện với đôi nạng trên tay, ba mẹ, hai bác Mạnh và em đến đón. Người nào đôi mắt cũng đượm buồn tuy miệng vẫn hỏi han cười nói. Em choàng tay qua lưng dìu tôi ra cổng, trời cuối năm gió lạnh nhiều, chiếc ống quần trống trơn đưa qua đưa lại theo bước đi, tôi cúi nhìn buồn đến rơi nước mắt. Em đi bên tôi, gần trong vòng tay mà cách ngăn đầy cay nghiệt. Hai tâm hồn hòa quyện, quấn quýt nhau mà thân thể này lại rẽ chia đôi ngã. Tôi biết em không tin những điều tôi nói, nhưng biết làm sao được khi cuộc sống này, một người hoàn chỉnh đã chật vật mưu sinh, thân thể khiếm khuyết làm sao bương chải. Tạo gánh nặng cho em tôi không thể, không được quyền làm. Ngày nào cũng vậy, dù mùa đông rét mướt hay sang hè nắng đốt rát da tôi đều dậy thật sớm tập đi. Lắp được chiếc chân giả tôi bỏ luôn nạng gỗ, chỉ dùng gậy chống hờ. Những ngày nghỉ, Duyên qua nhà trò chuyện để tôi bớt buồn. Không ai bảo ai, cả hai cố giữ một khoảng cách nhất định tuy trong lòng mỗi người đều thương cảm cho nhau. Mấy hôm ni trời chuyển sang thu, cái nóng dịu lại nhường cho những cơn gió giao mùa se lạnh. Em sang cầm theo tờ tạp chí đưa cho tôi xem, em nói: - Số ni mới ra có truyện ngắn anh và một bài thơ của em nì. - Anh cũng vừa nhận cuốn tạp chí biếu mà chưa đọc. Chúc mừng em hi. - Truyện anh viết hay lắm, chúc mừng anh! Tôi đứng lên đến kệ sách lấy cuốn tạp chí đưa em, tôi cười nói: - Em giữ cuốn ni, đưa cho anh cuốn của em. - Dạ! - Em là cô gái lạc quan và mạnh mẽ, anh muốn lấy hên ấy mà. À, anh đang dần bỏ gậy để quen rồi sẽ tập đi xe. Sáng mai anh đi hết đường Phượng bay mà không dùng gậy đấy em gái ạ. - Dạ, em tin mà... anh trai! Sáng dậy sớm, tôi quyết tâm tập đi cho bằng được. Mùa hạ đã qua, những bông hoa phượng thi nhau rụng đỏ rực cả mặt đường, nhường cho thu sang nhuộm vàng sắc lá. Tôi đã quen rồi những buồn thương, mất mát nên lạc quan dần với nỗi đau. Bước chân dẫu còn ngập ngừng, khập khiễng nhưng cũng từng bước vững vàng. Khi trở về ngang qua Mai Thúc Loan, từ nhà ai đó tiếng hát vang ra: “… Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh yêu anh em làm thơ... Ngày nào mẹ dạy câu ca
Đôi ta ru nhau trong gió
Ngày này đọc lại câu thơ
Mưa rơi mưa rơi trên má Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm” Tôi đứng lại, Bài nhạc của Phạm Duy cứ nhói vào trong tim, cứ khơi gợi nỗi đau dồn nén mà tôi đã muốn chôn sâu vào tiềm thức. Sự xúc động khiến bước chân không vững, tôi lảo đảo tựa vào gốc cây phượng bên đường. Hoa cuối mùa rụng đỏ ối dưới chân. Bài hát văng vẳng đọng lại bên tai: “... Ngày này đọc lại câu thơ
Mưa rơi mưa rơi trên má Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm” Phạm Tú Uyên Hết
Truyện Tóc Mai sợi vắn sợi dài
đã mang vào thư viện
Cảm ơn và chúc tác giả luôn an, vui
Cám ơn Thanh Vân, chúc bạn vui, khỏe.
NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN (Ký ức về đường 7 tháng 3/1975) I Tây nguyên có hai mùa mưa nắng. Mưa thì mù trời mù đất, những cơn mưa kéo dài sẽ tắm mát, gội rửa lớp đất bụi để cây lá phát triển, tạo nên không gian xanh mướt của vùng đất Tây nguyên. Các thành phố Tây nguyên đều có dốc có đồi, quê tôi Phú Bổn (Ayunpa bây giờ) là vùng bình nguyên được bao quanh bởi những ngọn núi, tuy ít dốc không như Pleiku hay Đà Lạt, nhưng khi những trận mưa vừa xong là cuối dốc phải lội bì bõm, nước rút nhanh thôi nhưng đối với bọn tôi là được chơi nước lụt. Còn mùa nắng thì khỏi nói, nắng ran dòn da tóc nắng khô khốc áo quần. Tháng ba, khi mùa khô đang rực rỡ nhất, nắng vàng chói chang và gió. Có một thứ sợi bông trắng muốt cứ la đà bay trong không khí, rắc lên tóc lên vai người đi đường, rất đẹp đó là bông của cây gòn. Một tỉnh lỵ bé tẹo khi tôi lớn lên sau này, còn khi ấy là một thế giới đầy diệu kỳ, đầy những kỷ niệm của một thời thơ trẻ. Tháng ba năm ấy, thực ra giữa cuối tháng hai không khí chiến tranh đã lởn vởn vào nơi được mệnh danh là “thung lũng bình yên” rồi. Lúc đầu những âm thanh “ùng, oàng” từ xa đêm đêm vọng về, càng về sau xuất hiện cả ban ngày. Qua đầu tháng ba chiến sự có vẻ nặng nề hơn. Đó chỉ là cảm nhận trên gương mặt của từng người thôi chứ cả thị xã vẫn yên bình. Tôi thường ghé cafe Trang ngồi nhâm nhi ly cafe và nghe ngóng thông tin các trận đánh. Đến khoảng ngày bảy hoặc tám chi đó, phía Tây Nam của thị xã súng nổ loạn xạ, mọi người bảo ở Thuần Mẫn đang đánh lớn. Ban ngày súng nổ như bắp rang, về đêm ánh chớp xé cả màn đêm làm người dân thị xã lo sợ, không khí bình yên dần biến mất nhường cho sự hoang mang lo lắng. Những người có điều kiện mua vé máy bay hoặc xe về Sài Gòn, số đông còn lại sống trong nơm nớp không yên, tuy vậy những sinh hoạt hằng ngày diễn ra bình thường, vẫn chưa thấy người dân lo lắng nhiều cho cuộc sống. Học sinh vẫn cắp sách đến trường nhưng hầu như không học, chỉ tập trung bàn về chiến tranh. Thị xã không nhiều phượng vĩ, chỉ lác đác nhưng đã đỏ rực làm xao động bọn học trò nhỏ. Đã có những em đến trường đem theo quyển lưu bút trao cho nhau. Độ nóng của chiến sự được hạ nhiệt trong trường lớp chuyển sang nỗi buồn chia tay, không biết rồi đây có còn gặp lại. Có đứa nói: “Hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc nhanh thôi”. Thằng thì trầm ngâm: “Nếu căng chắc nhà tao sẽ về Nha Trang” Những trao đổi, những băn khoăn lo lắng cho ngày mai của bọn tôi không có đoạn kết. Thời gian không ủng hộ bạn bè gặp nhau nhiều. Chúng tôi hẹn Chúa nhật tập trung cafe Trang để bàn luận về những ngày sắp tới sẽ ra sao, hoặc phải tạm chia tay nhau vì không khí chiến tranh đã hừng hực trong từng ngõ ngách của thị xã, cộng thêm cái nóng tháng ba của Tây nguyên làm cho cuộc sống của người dân thị xã vô cùng ngột ngạt, nhưng tuyệt nhiên chẳng có sự náo loạn nào, chẳng có người nào tay xách nách mang lũ lượt ngoài phố, dù lo lắng nhưng không ai hốt hoảng rối loạn. Tối, ăn cơm xong tôi ra sân hóng mát. Sáng mai Chúa nhật ra cafe gặp mấy thằng bạn tán gẫu, với lại xem có đứa nào định về quê hoặc đi đâu đó không nếu chiến tranh thật sự đến thị xã. Bầu trời đêm không một gợn mây, ngôi sao chi chít như ai đó vãi hạt mè lên trời. Phía Tây trăng non bé như cái ghe mỏng manh. Tôi nhìn quanh tìm sao Bắc đẩu chợt thấy từ hướng Phú Thiện, mà hình như từ đèo Chư Sê hay sao ấy, có một dòng ánh sáng, hay đúng hơn là một đường ánh sáng ngoằn ngoèo từ trên cao bò xuống. Tôi vội trèo lên cây gòn bên Ty Công chánh, lên cao để khỏi khuất tầm nhìn. Đường sáng ấy không chỉ ở trên núi, nó bò dài trên đồng bằng. Ánh sáng ấy là một đoàn xe chạy từ hướng Pleiku vào, khoảng chưa tới một giờ sau những đoàn xe đầu tiên chạy vào thị xã trên trục đường Trần Hưng Đạo. Cơ man nào là xe, đa số là xe quân sự. Nào là GMC, xe Dodge, xe dân sự, xe máy... Lúc đầu chạy hàng một, cứ như vậy đoàn xe liên tục qua thị xã bụi khói bay mù mịt. Thông tin ba tỉnh Pleiku, Kon Tum, Phú Bổn sẽ di tản về Tuy Hòa mấy hôm nay bà con bàn râm ran. chỉ một số gia đình khá giả dùng xe nhà hoặc thuê xe đưa cả gia đình theo đoàn xuống Tuy Hòa. Ngày ấy đường số bảy cực kỳ khó đi, đoạn từ Phú túc trở lên còn tàm tạm vì chúng tôi (Gia đình Phật Tử đi giao lưu và làm văn nghệ dưới đó). Nhưng đánh nhau thế này cầu cống, đường sá chắc gì còn nguyên. Đoàn xe đi đầu nối đuôi nhau qua thị xã từ lâu mà ánh sáng đèn xe từ đèo Chư Sê vẫn kéo dài không dứt. Bắt đầu từ đêm ấy dân thị xã cũng bắt đầu rục rịch lên đường nối theo nhau di tản, mẹ, anh chị cùng một đàn cháu cũng chẳng kịp chuẩn bị gì nhiều, ít quần áo, giấy tờ, tiền bạc và đặc biệt là rất nhiều cơm sấy, cầu mong mọi người lên đường bình an. Tôi cỡi xe Hon da chạy theo sau. Ai có gì đi nấy, nhiều nhất vẫn là xe nhà binh chở lính và gia đình của họ. Đến trưa hôm sau ngày Chúa nhật mười sáu tháng ba (Tôi vẫn nhớ như in ngày tháng này vì cùng bọn bạn ra cafe nhưng cũng là ngày mà quê hương ngập tràn lửa khói) đoàn xe bắt đầu đi hàng hai, không còn chạy bon bon như ban đầu nữa nhưng cũng còn di chuyển được. Qua ngày mười bảy đoàn xe đã đi thành hàng ba và gần như bất động. Tôi chạy xuống Hảo Đức ghé nhà vợ chồng chú T xem chú đi chưa, nhà vắng hoe chắc là đi rồi. Từ ngã ba Hảo Đức xuống cầu Sông Bờ rất khó đi do đoàn xe ùn ứ, hỗn loạn tôi lái xe luồn lách kể cả chạy vào hiên nhà dân để vượt qua. Đoạn đường ngắn nhưng đi gần hai giờ mới tới đầu cầu sông Bờ. Cả đoàn xe hoàn toàn bất động, bãi cát bên trên dẫn xuống sông chật như nêm những xe là xe cũng nằm bất động không lội qua sông được. Chiều ngày mười bảy bên hướng bon Khan súng bắt đầu nổ, đoàn xe đứng chết cứng dính pháo cháy tràn lan, những gia đình ngồi trên xe ùn ùn nhảy xuống dắt díu nhau chạy, tiếng gọi nhau í ới, tiếng la khóc lạc cha mất mẹ, tiếng người bị thương kêu cứu trông rất bi thương. Tôi lách xe chạy xuống bãi cát tìm đường qua bên kia sông. Dựng xe lấy ổ bánh mỳ khô cứng trong xách ra định ngồi xuống vệ cỏ gần đó nghỉ chân chợt “bùm” tiếng nổ không lớn lắm từ xe Honda phát ra, thùng xăng chở sau xe bốc cháy, tôi hoảng hồn chạy ra xa, vậy là xong con ngựa sắt thân yêu không còn đi được nữa. Thùng đạn trung liên đựng xăng chở theo bị lủng lổ đạn, thật may là tôi vừa ra khỏi xe, hú hồn! Không biết mẹ, anh chị, các cháu và vợ chồng chú T ở đâu trong đoàn người hoang mang hoảng sợ đang đi trên đường kia. Nhìn thấy nhiều người bị thương chết xe cộ cháy đen tôi lo lắng vô cùng. Tôi lội qua bên kia sông Bờ, đoạn này xe không dồn ứ có thể chạy được nhưng cũng bị kẹt do xe bị cháy khá nhiều, lúc này khoảng năm giờ chiều. Qua khỏi bụi tre lề dưới chợt nghe tiếng kêu yếu ớt của một em bé chừng mười tuổi: “Chú ơi, cứu con với!” Tôi bò xuống gầm xe xem em bị gì, chân em bị bánh xe chèn qua dập nát, máu loang cả mặt đường, chưa biết phải làm sao. Tôi ngước mắt nhìn quanh, mọi người với gương mặt thất thần, tay bồng tay dắt vừa đi vừa chạy, có kẻ dáo dác đi ngược chiều: “Con ơi, con tôi đâu rồi?” Tôi cúi xuống nhìn em bé, em đã tắt thở , trên xe không còn một ai, anh lính lái xe gục chết trên vô lăng. Gần đó có chiếc Honda sáu bảy nằm chỏng chơ sát mép đường chắc ai đó bỏ lại, tôi đến dựng lên kiểm tra xe vẫn nổ, không hiểu ai lại bỏ nằm thế này. Tôi định lấy dùng tạm thay xe của mình bị cháy, chợt thấy phía dưới lề đường ngay cạnh chiếc xe có một người nằm chết chắc là do mảnh đạn trông rất ghê, tôi rùng mình bỏ đi. Phạm Tú Uyên (Còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.03.2024 06:59:58 bởi Phạm Tú Uyên >
NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN (Ký ức về đường 7 tháng 3/1975) II Mới chưa được sáu giờ chiều mà trời tối không nhìn rõ mặt người. Dòng người đi bộ vẫn di chuyển không ngừng nghỉ, xe ô tô dồn đống hàng hai hàng ba bị trúng đạn nằm la liệt. Tiếng súng nổ như ran bắp, đạn lửa vẽ vòng loạn xạ trên bầu trời, dường như đâu bên bon Khan, rất gần. Tôi đi bộ khỏi cầu sông Bờ qua khúc cua một đoạn xa không còn thấy dòng người đi nữa, có những tốp còn đi ngược lại, lo lắng: “Không đi tiếp được, hai bên đánh nhau rất dữ, người chết như rạ...” Tôi và một nhóm người không dám đi trên đường sợ trúng đạn nên leo xuống dưới triền mương dọc theo đường bảy tiếp tục đi. Súng nổ ở bon Khan dường như giảm dần, không nhiều, đang đánh ở bon Phu Ama Nher hay sao ấy. Đoàn người chúng tôi băng vô rừng tìm đường đi để tránh đạn. Đi một đoạn gặp sông ba, đang mùa khô nên vượt qua sông cũng dễ, mọi người quyết định qua sông luồn rừng đi tiếp. Tôi không dám đi như thế, rất dễ lạc mà không tìm lối ra. Một gia đình cùng đồng ý với tôi như thế nên men theo sông Ba tiếp tục đi xuống theo trục đường Bảy. Gia đình cùng tôi đi xuống dọc theo sông có ba người, anh chị là giáo viên ở Pleiku cùng đi có hai đứa con gái, bị lạc bé em mười tuổi còn đứa lớn mười lăm tuổi đang bị thương ở chân. Nghe anh chị kể làm tôi sực nhớ tới em bé bị chết do xe đè, mong không phải là con anh, nhưng cái chết nào cũng đau lòng. Chiến tranh là thế biết làm sao được. Có vẻ băng rừng theo mé sông an toàn hơn đi trên đường Bảy, âm thanh của súng đạn lùi về phía sau và nhỏ dần. Bớt sợ chết vì súng đạn nhưng nỗi lo bị lạc đường và đói khát lại làm mấy người chúng tôi lo lắng. bé Hà (Con anh chị giáo viên) chân bị thương giờ nhiểm trùng sưng tấy lên không thể tự đi được, lúc đầu anh Khánh (Ba của Hà) cõng em, đường rừng cây cối um tùm, dây leo mọc chằng chịt đi một mình đã khó giờ cõng em trên lưng quả thật gian nan vô cùng. Chị Duyên mẹ Hà mảnh khảnh, ốm yếu không thể giúp được gì nên tôi phải cùng anh Khánh thay nhau cõng Hà. Đi suốt đêm đến gần trưa hôm sau đã gần đến dèo Tô Na. Bé Hà sốt rất cao, chân nhiểm trùng sưng tấy lên. Tôi cõng em trên lưng, hơi nóng hầm hập tỏa ra như mang trên người lò than hồng. Băng gạc, nước sát khuẩn anh Khánh mang theo đã dùng hết, giờ cứ thế chịu trận. Khúc sông này chảy dọc theo con lộ Bảy, nhìn sang phía đường hầu như không thấy ai tiếp tục đi xuống, hoặc là họ băng rừng để đi tiếp số còn lại lác đác quay lui trở về thị xã. Tôi và anh Khánh căng mắt nhìn, trên đường lố nhố những người mặc đồ xanh mang ba lô đeo súng đi về hướng thị xã. Anh Khánh xanh mặt thốt lên khe khẽ: “Lính Cộng Sản!” Tôi động viên: “ không sao đâu, tình hình này chắc phải quay về thị xã thôi, nếu anh chị còn muốn đi nữa thì khả năng bỏ mạng trong rừng vì lạc đường, đói khát là cái chắc, chưa kể bé Hà đang bị thương rất nguy hiểm”. Anh đưa mắt nhìn con nằm thiêm thiếp trên lưng tôi mà rơi nước mắt. Tôi để bé Hà xuống, bồng em đặt dựa vào gốc cây, chị Duyên đang lấy khăn ướt đắp lên trán em, ngần ngừ nhìn chồng khẽ gật đầu đồng ý với ý kiến của tôi. Vậy là ba người chúng tôi quyết định quay trở lại. Lên tới đường bị Bộ đội chặn lại, chúng tôi đưa giấy tờ, mấy người lính nhìn tôi và anh Khánh dò xét, chị Duyên khóc không ra hơi chẳng hiểu vì sợ Bộ đội hay thương bé Hà, thân hình chị mỏng manh, bơ phờ như không còn sức sống, hay họ nhìn Hà nằm ngất lịm trên lưng ba nó mà họ để chúng tôi đi. Trên đường trở về tôi luôn để mắt tất cả mọi vật trên đường xem có dấu tích gì của gia đình tôi và vợ chồng chú T không, tuyệt nhiên chẳng có gì, tôi bần thần cả người. Chưa biết dưới kia thế nào chứ từ đèo Tô Na trở về thị xã xe cộ nằm la liệt, cháy đen. Người chết cũng vô kể, lúc đầu thấy rất sợ, giờ quen dần chỉ còn thấy xót xa đau lòng. Về gần tới sông Bờ tôi có cảm giác như đi không vững, người choáng váng, lảo đảo. Anh Khánh đỡ bé Hà ngồi xuống chạy lại bên tôi: “Em có sao không?” Tôi gượng cười: “Chắc hơi mệt tí thôi, không chi đâu anh.” Chị Duyên đem bình đông nước đến, lấy chai dầu Khuynh diệp xoa lên trán, lên hai bên thái dương của tôi, chị nghĩ tôi bị gió. Tôi hớp mấy ngụm nước thấy trong người vẫn rất khó chịu. Gượng cố đứng lên đi tiếp vì trời cũng đã quá xế chiều, sợ không về thị xã kịp trời tối. Vừa đứng lên lại ngã khụy xuống, anh Khánh lo lắng: “Sao thế, sao thế em?” Anh quay sang chị Duyên: “Em giúp chú chứ tự chú đi không được rồi”. Chị Duyên đến đỡ tôi đứng lên, choàng tay qua hông dìu đi. Do chị yếu nên dìu được một đoạn hai chị em ngã nhào xuống mặt đường. Phía trước không xa là chiếc xe GMC, chiếc xe mà chiều hôm qua có em bé chết bên dưới. Chợt nhiên tôi buột miệng như có ai khiến: “Dưới xe đằng kia có một em bé cỡ mười tuổi chết, anh chị lại xem thử... ” Tôi ngừng lại không dám nói tiếp sợ anh chị đau lòng, có thể cháu bị lạc đâu đó thì sao. Biết là vậy nhưng chẳng hiểu sao tôi lại không giữ được miệng, hai vợ chồng hỏi dồn dập: “Đâu, đâu em chỉ cho anh chị với.” Tôi đưa anh Khánh đi còn chị ngồi với bé Hà. Người chết nằm bên đường thấy cũng đã nhiều, sự chai sạn cũng đã dày lên trong tôi, nhưng khi đưa anh Khánh đến chỗ em bé chết tôi cũng đã bật khóc. Những giọt nước mắt mặn chát như keo lại trên khóe mắt. Tôi khóc cho em, cho nỗi đau của anh chị, cho những người thân yêu của tôi không biết còn, mất ra sao, khóc cho đồng bào tôi... Em bé nằm chết dưới bánh xe là con của anh Khánh và chị Duyên! Có những điều chẳng thể giải thích được nhưng vẫn tồn tại trong chúng ta. Một sự gắn kết nào đó, một sợi dây vô hình nào đó đã cho tôi gặp em khi em bị nạn, đưa tôi gặp ba mẹ em, kéo tôi và ba mẹ em đi chung rồi cùng quay trở về, đến nơi em mất để ba mẹ được ôm thân xác em vào lòng. Đó không phải là sự ngẫu nhiên, tôi tin thế. Cùng chia sẻ nỗi đau đó là đạo lý ở đời. Ta giúp người, người sẽ giúp lại ta. Tôi nghĩ thế và tôi đang nhớ rất nhiều về mẹ tôi, anh chị, các cháu của tôi, vợ chồng chú T của tôi không biết giờ này ra sao, có rủi ro nào đến với họ không, khi mà sự sống và cái chết nó có lằn ranh quá mong manh. Giờ này tôi cũng có thể đi về nhà, nhưng trở về ngôi nhà vắng vẻ, một mình trơ trọi, bốn bề lặng ngắt như thế tôi làm sao sống được, khi mà những hình ảnh chết chóc luôn hiện lên trong đầu tôi. Còn bên cạnh tôi, anh Khánh và chị Duyên đang ôm xác con lịm ngất từng cơn. Tôi chưa đủ trải sự đời nên không biết phải khuyên anh chị như thế nào, thôi thì cứ để anh chị khóc rồi sẽ vơi đi nỗi đau đứt ruột xé lòng. Qua khỏi cầu sông Bờ phía lề trên có một làng nhỏ người Thượng, tôi bàn với vợ chồng anh Khánh vào đó nghỉ tạm. Tôi cõng bé Hà, anh Khánh bồng bé An (em của Hà) chị Duyên xách đồ, nhưng rồi tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Tôi định nói mấy lần nhưng ngại chưa dám thì anh Khánh đi lại bên tôi: “Anh bồng cháu vô làng có sao không em?” Tôi ngại về vấn đề này nên anh hỏi tôi nói luôn: “Em biết anh chị đau lòng khi phải xa cháu nhưng dù sao thì cháu cũng đã ra đi. Giờ phải lo cho bé Hà, nên đầu tiên anh tìm chỗ nào đó tạm thời chôn cháu rồi khi nào ổn đến đem cháu về, anh không thể đem cháu đi theo cách này được”. Tất nhiên anh chị cũng có thể nghĩ thế nhưng do tâm trạng rối bời, do nỗi đau quá lớn làm cả hai bối rối. Trời vừa chạng vạng, tôi nói anh nên để cháu tạm yên nghỉ gần bờ rào cạnh gốc cây, làm dấu kỹ để dễ tìm khi đưa cháu về quê hương. Sáng hôm sau tôi quay lại chỗ có chiếc xe Honda sáu bảy, xe vẫn còn đó đành lấy dùng tạm. Chạy đi tìm băng gạc, nước sát khuẩn cho bé Hà. Mọi chuyện đã xong tôi đành phải chia tay vợ chồng anh Khánh và bé Hà. Chỉ hai ngày bên nhau mà sự quyến luyến đã đầy lên thành nỗi nhớ. tôi bắt tay tạm biệt anh chị, hôn lên trán bé Hà, chúc mọi người may mắn. Nhiều năm sau này tôi có dịp được gặp lại anh trên đường phố Huế. Gia đình anh chuyển về quê sau những năm tám mươi, bé Hà có gia đình và định cư ở Phần Lan. Anh kể: Qua năm một chín bảy sáu anh chị và bé Hà vào lại Phú Bổn bốc mộ cháu đưa về quê. Hai anh em ngồi cafe và tôi phải đi công việc, hứa với anh rằng khi nào có dịp sẽ ghé thăm anh chị. Phạm Tú Uyên (Còn tiếp)
NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN (Ký ức về đường 7 tháng 3/1975) III Ngày mười chín tháng ba Bộ đội Giải phóng thị xã. Nhà tôi không bị gì, trống huơ trống hoác, còn thị xã, đặc biệt là trục đường Trần Hưng Đạo xe ô tô cháy, người chết nằm ngổn ngang, nhà cửa bị đạn pháo giờ chỉ còn là đống gạch vụn, những bức tường còn lại nham nhở, ám khói như những bàn tay đưa lên trời. Đến giờ này tin tức về gia đình tôi vẫn biền biệt, tôi rủ thằng bạn xin giấy phép Ban Quân quản đi tìm người thân. Ngày hai mươi lăm, tôi và LD xách xe Honda đi dọc theo đường bảy. Tờ mờ sáng hai đứa lên đường, không nghĩ là đi xa như thế, nhiều lắm là đến cầu Lệ Bắc hoặc hơn tí rồi về nên chẳng đem theo thức ăn nước uống gì. Xuất phát từ nhà thờ theo đường Trần Hưng Đạo xuống Hảo Đức, qua cầu sông Bờ đã thấy khủng khiếp. Từ sông Bờ tiếp tục đi nữa thì quả thật không thể tưởng tượng được. Xe cộ nằm hàng hai hàng ba cháy rất nhiều suốt trên đường đi, còn người chết thì không kể xiết. Mặc dù trong phố, khu dân cư Bộ đội, người dân đã di chuyển xác chết khá nhiều nhưng vẫn chưa hết, còn đường vắng thì xác người, xe cộ nằm ngổn ngang. Bọn tôi vừa phải tránh xe vừa phải tránh người chết nên đi khá chậm. Tôi luôn đảo mắt nhìn chung quanh xem có vật gì, đồ gì quen mắt của gia đình, người thân tôi chăng. Không nhận được gì ngoài sự đau thương, xót xa cho kiếp người. Ai cũng có cha mẹ, anh em, con cái, người thân giờ nằm lại nơi đây, trơ trọi với nắng mưa, với bụi đường. Mùi tử khí bốc lên ngút trời, bọn tôi phải cởi áo cột ngang mũi vẫn không ngăn hết mùi xú uế. Dọc đường, những buôn làng người dân lác đác trở về, họ không đi xa, chỉ vào sâu trong rừng tránh bom đạn giờ lùa bò, dắt heo trở lại làng buôn. Bọn tôi chạy tới cầu Lệ Bắc, cầu sập phải tìm chỗ nông dắt xe qua sông. Trời nóng như thiêu, khát khô cả cổ hai đứa dựng xe trên bờ xuống sông uống nước cho đã cơn khát. Hai bên bờ cây cối um tùm, xòa cả tán xuống dòng nước, cả hai cúi xuống uống căng cả bụng, chợt LD nhìn lên phía trên chỗ tán cây lòa xòa trên mặt nước cách nơi hai đứa tôi đang uống nước chừng chưa tới năm mét, nó la toáng lên: “Trời ơi một thây người chết trương phình kìa!” Tôi nhìn theo tay nó, thấy lấp ló trong cành lá một xác người phình to đang dập dềnh theo gợn sóng. Kinh quá, tôi cố móc họng cho ói hết nước ra mà cổ họng không chịu ói một tẹo nào. Qua khỏi cầu Lệ Bắc, đôi chỗ phải băng vào rừng mới đi được vì mặt đường kẹt cứng những xe. Nói là băng rừng nhưng thật ra cũng có đường nhưng là đường mòn, có lẽ do người di tản đi nhiều quá nên tạo ra lối mòn cũng rộng, xe máy chạy tương đối tốt. Ở trong rừng cũng kinh khủng không kém, Người chết khắp nơi mùi xú uế cứ quẩn quanh trong cây lá tưởng chừng như đường đi vào địa ngục. Còn xác người thì người còn cái này người mất cái kia do thú rừng lấy làm thức ăn, quá khủng khiếp. Chạy đoạn xa nữa tới một con dốc, mới nhìn đã chóng mặt, không hiểu với độ dốc này sao xe có thể xuống được nhỉ? LD đang cầm lái, nó về số một để xuống từ từ. Có vẻ đường này mới mở chứ trước đây đoàn GĐPT chúng tôi đi xuống Phú Túc không có dốc này. Xe đang từ từ bò xuống bị rễ cây ngáng làm cả xe và hai đứa té lăn chiêng xuống cuối dốc, may mà chỉ xây xát nhẹ, bọn tôi lại dựng xe đi tiếp. Đoạn dưới này ít thấy xe ùn ứ hoặc bị cháy và người chết cũng không thấy nhiều. Thỉnh thoảng từ trong rừng vài người chống gậy đi ra ngoài đường, thân thể tiều tụy rách rưới, có người bị thương được dìu, có người tự đi, mùi hôi từ vết thương bốc ra thật kinh khủng, tôi hỏi vội vài câu rồi đi tiếp. Người chết ở trong rừng nhiều lắm, đa số chết do đói, khát, kiệt sức không đi được. Tâm trạng trong tôi lúc này đã gần như suy sụp, thật khó hình dung được rằng một gia đình tôi gồm năm đứa nhỏ, đứa lớn tám tuổi đứa nhỏ nhất còn bồng trên tay, mẹ tôi hơn sáu mươi tuổi và anh chị có vượt qua được đạn bom, vượt qua được sợ hãi, đói khát, thất thiểu trong rừng, đang lê từng bước như những người tôi vừa gặp không, hay... Còn vợ chồng chú T trẻ, khỏe có thể bớt lo hơn nhưng với đạn bom như thế, với đường xa trắc trở cùng những rủi ro không ai biết được giờ đang ở đâu? Càng nghĩ càng thấy mịt mù. Hai đứa tới Phú túc, thị trấn xác xơ như vừa qua một cơn bão. Phú túc hình như giải phóng hai hoặc ba ngày thì bọn tôi tới nên bị hỏi giấy thông hành đến mấy lần. Lúc này đã qua chiều, bụng đói miệng khô, không tìm được gì ăn trong cái thị trấn heo hút này. Qua một khu vườn vắng chủ, tôi nhảy xuống nhìn quanh thấy có mấy cây ổi trái còn xanh nhỏ cỡ trái bóng bàn, hái vội bỏ vào túi quần làm thức ăn tạm cũng được. Thật tình lúc này không nghĩ gì khác hơn là cứ thấy đường thì chạy tới, chính điều đó bọn tôi lúc quay trở về phải trả giá, một cái giá mà đến giờ này cứ nghĩ tới không khỏi rùng mình. Đi khỏi Phú Túc một quãng đường khá xa, trên đường thỉnh thoảng gặp từng tốp người dắt díu nhau đi ngược lại, nhìn kỹ chẳng thấy ai quen. Đang đi chợt có mấy người Bộ đội chặn lại hỏi giấy thông hành, bọn tôi đưa ra họ đọc xong bảo bọn tôi quay lui không cho phép đi nữa. Tôi chuyển sang cầm lái chạy ngược trở lại, lúc này mặt trời đã ngã về Tây, cách đầu núi không xa. Trời Tây nguyên tháng ba nắng nóng rực rỡ nhưng khi về chiều lại chuyển se lạnh, sương núi dần bảng lảng trên những tầng cây. Có lẽ lúc này mới ý thức cho chuyến trở về, đường đầy những đồi dốc gập ghềnh, xe cộ hư hỏng bị cháy choáng đường và người chết nằm ngổn ngang trương phình trên lối đi, mới nghĩ tới đó tôi rùng mình liên tiếp. Đoạn dưới này tương đối dễ đi, dẫu đường rất tệ nhưng ít chướng ngại nên tôi chạy khá nhanh để cướp thời gian. Về tới Phú Túc trời còn sáng, dù bụng trống rỗng nhưng qua bữa cũng đã lâu giờ không còn thấy đói, chỉ hơi mệt, chẳng có thời gian nhai mấy trái ổi hái vừa rồi, giờ chỉ biết căng mắt phóng như điên trên đường. Tới con dốc dựng đứng tôi lại sợ bị ngã vì cuối dốc có mấy người nằm rải rác nên LD nhảy xuống phụ đẩy cho chắc cú. Tới đây trời đã tối phải bật đèn xe. Mùi tử khí vẫn nồng nặc nhưng không còn gì để bịt mũi vì phải mặc áo, trời lạnh cộng thêm ghê ghê nên hơi bị rét. Giờ thì cầm chắc tay lái nhìn thẳng phía trước mà chạy, miễn đừng đâm đầu vào cây, vào những chiếc xe nằm dọc đường còn thì cứ phang thẳng, thêm nữa đèn xe không được sáng lắm. Thỉnh thoảng xe lại giật ngược tay lái rung lên: “Bựt” Cứ mỗi lần thế bàn chân lại lành lạnh, nhơn nhớt ướt nhẹp. Cả người căng như dây đàn, cứ như vậy Trời Phật phù hộ chạy được về tới cầu Lệ Bắc. Tôi dắt xe qua sông, tới giữa dòng tự nhiên lại rùng mình mấy cái vì cái bụng chứa nước của đoạn sông ban sáng. Khúc đường này xe cộ nằm lộn xộn khó chạy nhanh được, hơn nữa người chết nằm ngổn ngang nên thỉnh thoảng lại: “Bựt, bựt” tay lái lại loạng choạng, chân lại ướt nhèm nhẹp, nhơn nhớt lành lạnh, còn xe thì nẫy như ngựa lại lạy Trời Phật cho tụi con về tới nhà bình an, trọn vẹn. Bọn tôi về tới buôn Khan cũng đã ổn, chỉ cần qua khỏi cầu sông Bờ là đã xem như sắp về tới nhà vì hai bên đường có nhà dân nên bớt sợ. Muốn hít một hơi thật sâu cho người tỉnh táo lại đỡ căng thẳng nhưng nào có làm được vì không một giây phút nào mà mùi hôi chẳng xộc vào mũi. Do sự căng thẳng giảm dần nên tay lái cũng có phần lơi lỏng, lại: “Bựt” cả hai té nhào, mặt tôi dập vào một đống nhầy nhầy mềm mềm, còn LD rớt đánh bịch trúng cũng một đống như thế. Không thể nào tả nỗi kinh khiếp, ghê rợn của bọn tôi. Tới sông Bờ cả hai cỡi quần áo giặt sạch và tắm một trận, giờ thì chẳng kể dưới sông có gì nữa không, có gì cũng tắm. Tôi thật sự không dám kể tiếp đoạn vừa rồi. Qua khỏi sông Bờ bớt rồi những lo sợ, nhưng cũng rất cẩn thận để tránh chuyện xui xẻo xảy ra như vừa rồi. Tôi chạy thẳng về nhà, cửa nhà vắng ngắt buồn đến rơi nước mắt, lúc này đã gần mười hai giờ khuya, tôi đến chùa Bửu Minh kiếm gì đó ăn và ngủ lại chùa còn LD về nhà nó. Trước khi dân di tản bà con tập trung ở chùa hoặc nhà thờ rất đông, giờ đây cũng vậy, những người trở về như tôi cũng đến chùa tạm trú trước khi về nhà. Đi cả ngày quá mệt nên nằm xuống là ngủ ngay. Trong mơ tôi gặp lại gia đình anh chị Khánh, bé Hà và cả bé An nữa, tôi hỏi nó: « Em chết rồi mà!» Nó bảo: «Em có chết đâu, do lạc gia đình giờ tìm được rồi nè». nói xong nó cười khanh khách, tôi giật mình choàng tỉnh giấc trời cũng đã sáng, vừa bước ra sân trước chợt thấy anh Hai dẫn thằng con nhỏ đi từ xa, mừng quá tôi phóng tới rú lên: «Anh Hai!» Hai anh em ôm nhau mừng rỡ, anh dẫn tôi đến chỗ gia đình đang ở. Mọi người đều bình an tuy người nào người nấy đều bơ phờ, tiều tụy như từ cõi chết trở về. Trưa hôm ấy tất cả trở về nhà. Tôi trải qua cơn ác mộng kinh hoàng trong đời vỏn vẹn chưa tới mười ngày! Phạm Tú Uyên Hết
Ngày này, tháng này và nơi này đã cho những người lính, người dân phải nhớ mãi những giây phút kinh hoàng, mà đến bây giờ khó mà quên được
Truyện đã mang vào thư viện
Cảm ơn và chúc tác giả nhiều an, vui
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: