Sau cơn mộng tưởng

Tác giả Bài
Trủy Thủ
  • Số bài : 16
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 13.04.2021
Sau cơn mộng tưởng - 05.04.2023 22:12:55
Xin cho đăng tải bài mới . Cám ơn các bạn 
Sau cơn mộng tưởng 
Trủy Thủ
 
  Năm 1980, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với hình thức chủ yếu là hợp tác sử dụng lao động thông qua các hiệp định mà chính phủ VN trực tiếp ký kết.
  Khoảng 200 ngàn người gồm lao động có tay nghề, lao động phổ thông, thực tập sinh và học sinh học nghề được đưa đi trong thời gian 1980 - 1989 . Những hiệp định nói trên đã mang lại 1 nguồn lợi kinh tế nào đó cho chính quyền và giải quyết được một  phần nạn thất nghiệp trong nước.
   Các nước tiếp nhận người lúc đó là Liên Sô, Đông Đức, Tiệp Khắc và Bảo Gia Lợi. Bước sang thế kỷ 21, có sự gia tăng đột biến về số lượng lao động VN xuất khẩu. Tính đến 2011, đã có  hơn 600 ngàn người làm việc tại nước ngoài, nhiều nhất tại Đài Loan, Mã Lai và Hàn quốc.
   Những người xuất khẩu theo diện lao động phổ thông đa số là những người nghèo ở các tỉnh lỵ, thường là những nông dân không có tay nghề chuyên môn. Họ ra đi với mộng ước là sau khi mãn hạn lao động nước ngoài, sẽ trở về cố hương với số tiền lương dành dụm được để từ đó có vốn làm ăn hoặc gởi về cho gia đình có thêm nguồn thu nhập.
 
   Song song với những lao động xuất khẩu chính thức có ký hợp đồng, còn có những lao động xuất khẩu không chính thức còn gọi là lao động chui. Số người lao động xuất khẩu chui này không phải là nhỏ. Họ phải trả chi phí rất cao trước khi xuất hành, phần lớn rơi vào điều kiện làm việc kham khổ … nhiều khi là nạn nhân của các vụ lừa đảo, bóc lột và buôn người. ( theo tài liệu 123 docz.netvi.wikipedia.org )
   Câu truyện dưới đây nói về những người xuất khẩu lao động chui trong thập niên 2010 - 2020 .
 
                                 @@@@@@@
 
   Xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. 1 sáng nắng ấm của tháng 3 năm 2016.
   Hai bố con Thường ngồi uống cà phê trong tiệm nước gần chợ để chờ Nhâm, 1 tay chuyên làm áp phe các vụ xuất khẩu lao động. Thường năm nay 25 tuổi, không có nghề nghiệp chuyên môn, anh sống với cha mẹ già và 2 cô em gái. Loan là chị thì sau tai nạn giao thông cách đây 4 năm, cô mất đi  bàn chân trái nên chỉ ở nhà phụ việc bếp núc với mẹ. Nhung là em, đang theo học ngành giáo dục tiểu học ở trường đại học Hà Tĩnh.
   Vì không có công ăn việc làm cố định, nên Thường muốn thử thời vận ra đi nước ngoài làm việc với hy vọng giúp gia đình mình thoát khỏi cơn chật vật khó khăn. Lại được bố anh, là ông Hạo, đồng thuận nên anh đi đến lựa chọn này. Hẹn lúc 10 giờ, nhưng vì nôn nóng nên 2 người đã đến sớm .
   - Con thấy vụ này thế nào ? Ông Hạo hỏi Thường.
   - Dạ, con nghe ông Nhâm nói chắc nịch nên đặt nhiều tin tưởng lắm. Lát nữa gặp lại, con sẽ hỏi thật kỹ đường đi nước bước xem coi có còn điều gì khúc mắc không.
   - Bố nghe người ta kháo nhau là tay này đã làm nhiều chuyến đưa người ra đi mà hết thẩy đều êm xuôi cả.
    - Nào đã có ai trở về xã mình để phàn nàn đâu !
   Hai cha con đang bàn bạc thì chiếc xe Honda Wave cáu cạnh chở Nhâm và 1 người đàn ông khác xịch đỗ trước tiệm nước. Sau khi dựng xe lên, họ tiến đến bàn của 2 cha con ông Hạo. Thường đứng lên xun xoe kéo ghế mời ngồi : 
   - Các ông dùng cà phê với chúng tôi nhé ? 
  - Cà phê cà pháo giờ này là đúng rồi. Nhâm lên giọng kẻ cả rồi rút trong túi áo sơ mi bao thuốc lá ngoại 3 số, mời người đàn ông đi cùng. Rít 1 hơi dài, Nhâm tiếp tục : Xin giới thiệu đây là ông Triển, người sẽ đứng ra cho cậu Thường vay tiền để xuất hành đấy.
   Triển nhả hết khói thuốc trong miệng, giọng nhừa nhựa nói :
   - Tiền bạc cho cậu vay thì bao nhiêu cũng có, nhưng cậu định hoàn trả cho tôi thế nào ?
   Thường gãi đầu :
   - Nếu ông cho được 210 triệu thì quý hoá quá, trả phí cho ông Nhâm 200 triệu … để lại nhà 1 ít, còn 1 ít đổi sang tiền ngoại cầm đi đường. Theo như dàn xếp của ông Nhâm thì lương hàng tháng của tôi sẽ chuyển trả cho ông Triển.
   Anh nhìn Nhâm … có ý muốn sự xác nhận của ông ta, Nhâm xoay xoay ly cà phê trên bàn :
   - Thế này nhé : cậu Thường sẽ có hợp đồng làm việc với công ty  của anh tôi bên Pháp, 2 năm đầu lương tháng 500€ của cậu đổi sang đồng VN và sẽ do chính tay tôi giao cho ông Triển, được chưa ?
   - Trường hợp vì lý do nào đó, cậu Thường không trả được nợ cho tôi, thì tôi sẽ có gì làm đảm bảo nào ? Triển hỏi.
   Thường quay sang bố, ông Hạo chầm chậm lên tiếng : 
   - Lúc đấy tôi sẽ bán miếng vườn cạnh nhà, lấy tiền đem giả nợ.
   Triển, với đầu óc của 1 con buôn, tính nhanh trong đầu : nếu mấy người này trả đủ 2 năm thì tiền lời cũng đã bộn, còn nếu không thì mình sẽ tìm cách thương lượng mua lại miếng vườn kia …  lẽ đương nhiên là với giá hời … cho xây lên căn nhà lầu rồi bán đi thì còn lời to là đằng khác. Làm ra vẻ suy nghĩ đắn đo, uống ngụm cà phê chùa xong … lão chậm rãi nói : 
   - Thôi thế cũng được, tôi làm phúc giúp cậu Thường 1 chuyến, nhưng phải làm giấy tờ cam kết đấy nhá.
   Ông Hạo chép miệng : 
   - Vâng, chúng tôi sẽ làm chứ. Mà ông Nhâm này, lúc trước chỉ có ông bàn thảo chi tiết với con trai tôi thôi, hôm nay xin ông chịu khó cho biết thêm để tôi được yên lòng.
   - Ối dào … ông này lo xa thế … thì đây : hôm nào làm giấy và giao tiền - có tôi làm chứng - thì cậu Thường phải trả phí ngay cho tôi phân nửa để lo chạy giấy tờ, làm hộ chiếu, xin thị thực nhập cảnh của Ba Lan và mua vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Warsaw theo đúng mọi thủ tục hải quan. Khi nào đầy đủ hồ sơ, tôi sẽ liên lạc sau để giao toàn bộ giấy tờ các thứ … đồng thời lấy nốt nửa số phí còn lại.
   Thường chua chát nghĩ thầm : bọn này chỉ toàn là lợi dụng cơ hội để bóc lột, đến nước này thôi thì cũng đành phó thác cho may rủi. Anh hỏi Nhâm : 
   - Tôi có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị lên đường ? Và khi đến nước người thì  được ai đưa đón về chỗ làm việc ?
   - Cậu có 2 tuần để sửa soạn. Đến sân bay Warsaw … cô Quý, em gái tôi, đón cậu ở lối ra. Chậm lắm là 2 hôm sau, cô ấy sẽ đưa  cậu sang Pháp. Cậu thấy đấy …  Nhâm lên giọng nhân nghĩa … cũng vì cậu ở cùng 1 xã nên tôi mới cho cậu cái dịp may hiếm có này chứ không phải ai cũng được đâu nhá.
   - Khi di chuyển từ Ba Lan sang Pháp có rắc rối gì không ông ?
  - Cậu chẳng hiểu gì cả … từ Ba Lan phải sang Đức rồi  mới đến Pháp , tất cả nằm trong vùng không gian Schengen, giao thông tự do qua lại, chẳng ai xét hỏi giấy tờ gì sất cả.
   - Thế sau khi hộ chiếu hết hạn, nhỡ cảnh sát họ tóm được thì sao ?
   - Lo gì xa xôi thế … cậu có phạm tội hình sự nào đâu mà phải sợ. Cùng lắm là họ gởi trả cậu về VN. Lúc đó thì phí hồi hương cậu phải chịu lấy thôi 
   - Còn về lương bổng … công ty của các ông sẽ làm cam kết với tôi là sau 2 năm trả nợ, hàng tháng tôi sẽ được 500€ ?
   - Đúng đấy, cậu được anh tôi trả cho mỗi tháng số tiền là như vậy và tôi khuyên cậu nên gởi đều đặn về quê nhà thông qua dịch vụ chuyển tiền do chính tay tôi thực hiện. Đương nhiên tôi sẽ lấy 1 chút hoa hồng nhưng như thế lại thuận tiện cho cậu và gia đình. Khi nhận được, họ sẽ điện thoại cho cậu hoặc gởi thư xác nhận vào hộp thư mà công ty anh tôi bao thuê ở bưu điện bên ấy, địa chỉ hộp thư anh tôi sẽ cho biết sau.
   - Tôi phải làm những công việc gì ?
  - Việc chính của cậu là phụ bếp, việc mà chúng tôi đang cần. Còn các việc lặt vặt khác thì tới đó hẵng hay.
  - Ví dụ sau 5 năm tôi muốn trở về VN thì các ông có thể thu xếp được không ?
   - Ôi … vào thì khó chứ quay về thì dễ quá … chúng tôi có các đường dây để làm lại giấy tờ, sau đó anh sẽ sang Ba Lan để hồi hương. Có tiền là xong tất tần tật. Nhâm cũng cài thêm cái giọng giả nhân giả nghĩa : Cứ thế nhá, cố gắng lên … ai cũng phải tay làm hàm nhai … mà này, bên ấy mùa đông lạnh gớm lắm, cậu phải chuẩn bị quần áo cho ấm vào.
 
                             @@@@@@@@@
 
   Hai tháng sau Thường lên đường, làm chuyến đi mà anh hy vọng rằng sự liều lĩnh của mình đem lại điều mà mọi người trong gia đình mong muốn : tương lai sẽ sáng sủa hơn.
   Một buổi trưa tháng 5/2016 anh đến phi trường Modlin - Warsaw của  Ba Lan sau 2 chuyến bay dài của hãng hàng không VietNam Airlines khởi hành từ Hà Nội, có quá cảnh ở Dubai - 1 tiểu vương quốc Ả rập.
  Anh mệt nhọc và choáng ngợp trước những khung cảnh rộng lớn, hoàn toàn lạ lẫm với mình.
  Anh để ý quan sát các hành khách khác, bắt chước làm mọi chuyện giống như họ và rồi thì cũng xong : mất hơn tiếng đồng hồ để lấy được hành lý, 1 chiếc va ly không lấy gì làm cồng kềnh cho lắm, ra khỏi cửa và may mắn không bị hải quan xét hỏi. Hình như các nhân viên quan thuế nơi đây đã quen thuộc với du khách Á đông, đa số mang quốc tịch Việt Nam.
   Thường ra sau cùng của chuyến bay. Anh thấy ngay 1 người đàn bà đã có tuổi, tay cầm tấm bìa cạc tông trên đó có viết tên anh bằng mực đen đậm.
   - Xin lỗi, có phải bà tên Quý, em gái ông Nhâm ? Thường lễ phép hỏi.
   Bà này cấm cẳn trả lời :
   - Còn ai vào đây nữa … Anh làm cái gì mà lề mề ở trong đó lâu thế ? Tôi đợi sốt cả ruột, định bỏ đi về cho xong.
   Thường giả lả : 
   - Xin bà tha lỗi cho, chữ nghĩa tôi kém cỏi … sân bay họ lại rộng lớn quá nên tìm mãi mới thấy hành lý và lối ra.
   Quý cau có xé đôi tấm bìa, bỏ vào thùng đựng rác gần đó rồi ngoe nguẩy quay người bước đi :
   - Anh theo tôi … đi làm thuê mà cứ như ông tướng ấy.
   Thường lật đật bám sau Quý ra tới parking, anh được lệnh ngồi vào băng ghế sau của 1 chiếc van loại nhỏ đang chờ sẵn ở cuối sân. Người tài xế, tóc đã bạc nhiều - có lẽ là chồng của Quý - khởi động xe và rời khỏi bãi. Qua nhiều xa lộ rộng lớn có rào phân cách giữa 2 chiều và sau gần tiếng đồng hồ, xe tạt vào 1 thành phố. Lòng vòng thêm mươi phút, chiếc van tấp mũi vào trước cánh cửa sắt, sát cạnh 1 tiệm buôn với bảng hiệu Asia Food Store. Nhà cửa ở phố này đẹp đẽ và tương đối sạch sẽ hơn những con phố khác mà xe vừa mới đi ngang.
   Cửa sắt  được kéo lên do người tài xế bấm nút của 1 hộp điều khiển tự động … xe từ từ chạy vào bên trong : đây là nhà kho để bốc dỡ hàng hoá, đã có sẵn 1 chiếc xe du lịch bóng láng đậu phía trước.
    Quý - chắc là bà chủ nơi đây - ngoắc tay ra hiệu cho Thường đi theo vào trong tiệm, băng ngang qua nhiều dãy kệ chất đầy các món đồ hộp, đồ khô, đủ loại gói bao … màu sắc sặc sỡ và  dãy tủ lạnh có cửa kính trong suốt đựng rau trái, thực phẩm tươi. Bà dừng lại trước cái tủ lạnh cuối cùng, lấy ra 1 gói giấy đưa cho Thường : 
    - Bánh mì chả lụa đấy , phần ăn tối nay của anh.
    Sau đó, Thường được dẫn xuống 1 tầng hầm … có mùi ẩm mốc, được soi sáng bằng mấy bóng đèn vàng vọt cho thấy nơi đây là chỗ chứa hàng với rất nhiều thùng cạc tông chồng chất lên nhau. 
    Trỏ vào 1 góc, Quý nói :
   - Anh ngủ đêm nay trên chiếc ghế bố đó, sáng mai mình đi sớm. Nước thì uống trong vòi robinet. Phòng vệ sinh nơi cuối tầng hầm.  Anh không được động đậy vào bất cứ thứ gì khác ở đây, rõ chứ ?
   -  Vâng, tôi nhớ kỹ rồi.
   Anh đặt va ly của mình cạnh chiếc ghế bố, sau khi Quý đã  trở  lên, rồi đi đến phòng vệ sinh … ngang qua 1 nhà lồng độ 3 thước vuông, chiều cao hơn Thường một ít, được bao trùm kín mít bằng những miếng bạt ny lông mờ đục cho thấy bên trong là những bụi cây xanh rì. Nhà lồng này được trang bị nhiều bóng đèn sưởi, có 2 chiếc quạt máy nhỏ đang quay vòng theo hình cánh cung để điều hoà nhiệt độ và có cả các ống cao su dẫn nước đến mỗi gốc cây trồng trong chậu.
   Biết ngay đây là loại hàng nóng, lại nhớ đến những lời lẽ đanh thép cùng  bản mặt lạnh lùng như cai ngục của Quý nên anh vội vàng đi về chỗ nghỉ sau khi ở phòng vệ sinh ra.
 
                                   @@@@@@@@@
 
 
   Thường bị đánh thức bởi tiếng chân lịch kịch đi xuống cầu thang. Đó là bà chằng chủ nhà, bà lại đưa cho anh 1 khúc bánh mì khác, 1 chai nước trắng và rối rít thúc giục lên đường.
   Ông tài hôm qua đang đứng chờ nơi cửa, Quý sẵng giọng : 
   - Ông nói với chúng nó chửa ?
  - Xong rồi, tôi đã bảo các con là mình sang bên bác Bính mấy hôm … ở nhà phải trông coi cửa hàng cẩn thận.
   Hôm nay 3 người di chuyển bằng chiếc xe du lịch hiệu Toyota mà Thường trông thấy chiều qua trong kho bốc dỡ hàng hoá. Xe chạy cả ngày, chỉ ghé đổ xăng 1 lần và để mọi người vào toilet. Lúc nhá nhem tối, họ ngừng lại trong parking của 1 quán ăn nhanh dọc theo xa lộ Đức quốc. Thường nhận được gói khoai tây chiên, lon coca do Quý mua nơi tiệm và phải ngủ lại trong xe. Còn 2 vợ chồng Quý thì vào trọ qua đêm nơi khách sạn bên kia đường đối diện với quán fast food.
   Trưa hôm sau họ qua phần đất Pháp và đến công ty làm ăn của 3 anh em Bính Nhâm Quý lúc nửa đêm nhưng có ánh sáng trắng ngà của trăng trên cao. Xe đến vào giờ này chắc là do sự sắp xếp của họ, có lẽ với chủ đích tránh né sự tò mò dòm ngó của dân chúng địa phương.
   Đây là 1 nhà hàng Việt Nam có tên Hạ Long trên bảng hiệu, nằm biệt lập trên khu đất trống có bãi đậu xe bao quanh. Xa xa trước mặt tiền  quán ăn nổi lên những bóng đen của rừng cây và đồi núi. Phía sau tiệm phải gần bãi biển lắm vì nghe có tiếng sóng vỗ rì rào.
   Lác đác đó đây là những căn nhà của dân cư trong vùng. Mãi về sau Thường mới được rõ - do tay đầu bếp chính của nhà hàng lúc vui miệng cho biết - là nơi đây nằm về phía bắc nước Pháp, thuộc vùng Normandie, cách thắng cảnh du lịch nổi tiếng quốc tế Mont Saint-Michel 30 cây số.
   Quý khoe với Thường rằng đây là một trong những cơ sở kinh doanh của mấy anh em bà. Ông chủ chốn này tên Bính, anh lớn của Nhâm và Quý. Bính đi xuất khẩu lao động chính thức sang Đông Đức vào giữa thập niên 80. Khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Bính vượt thoát sang được phần đất Tây Đức rồi trôi giạt vào Pháp với sự bảo lãnh của người con trai trưởng ông bác ruột Bính. Ông bác này đi lính thợ cho Pháp vào đầu thế chiến thứ hai, chiến tranh chấm dứt ông chọn đường ở lại xứ người, làm ăn rồi lấy vợ và không trở về cố quốc nữa.
   Thường được dẫn xuống tầng hầm của nhà hàng. Nơi đây là 1 gian có hình chữ nhật khá rộng rãi. Sát cạnh cầu thang là dàn bếp lò hùng hậu, nồi niêu xoong chảo treo đầy trên vách. Liền đó là  hai máng  rửa cùng vòi nước, tiếp theo là mấy cái tủ lạnh và tủ đá bề thế. Một cái bàn dài bằng inox ( 1 loại thép trắng và trơn bóng ) to tướng đối diện với bếp, chắc là nơi mà tay đầu bếp mặc sức tung hoành. Cách đó khoảng 2 thước là 1 cái bàn gỗ  cũng to lớn không kém cái kia, mấy cái ghế nhựa màu xanh da trời đặt chung quanh. Có mấy chiếc giường xếp - loại dành cho người đi cắm lều trại - kê sát tường dọc theo 2 bên hông chiếc bàn gỗ, trên đó đã có 2 người nằm ngủ, trùm chăn kín mít. Cuối hầm, sát trong góc là 1 bệ tắm có vòi sen cùng bồn  cầu với màn che đang xếp ép sát tường.
   Chủ Bính xuống hầm trong bộ pyjama xám nhạt , nhàu nhò. Mặt lão khó đăm đăm - như người bị bón kinh niên - vì giấc ngủ dở dang. Gật đầu chào cô em xong, Bính lừ đừ nói với Thường : 
   - Anh này nghe tôi đây, theo như cam kết … lương tháng  500€ của anh sẽ được em Nhâm tôi bên Việt Nam trả cho ông Triển trong vòng 2 năm đầu. Công việc của anh là phụ giúp cho ông bếp chính tên Toản. Anh thay thế thằng Xuân tôi vừa cho nghỉ vì thằng này đòi hỏi nhiều thứ, yêu sách nọ kia. Nếu anh làm việc tốt, chúng tôi sẽ lưu giữ anh ở lại lâu dài. Công việc bắt đầu từ 10g sáng đến 10g tối, ăn ở ngay tại đây do chúng tôi đài thọ. Những lúc rảnh rỗi, anh phải làm thêm với bà Hoành và cô Ngà - Bính chỉ tay vào 2 đống chình ình ở trên giường - họ sẽ hướng dẫn anh sau. Anh cũng phải lau chùi dọn dẹp nhà hàng bên trên, những khi tiệm đóng cửa. Anh thấy đấy, đây là cơ may của mình … vì được vào làm với chúng tôi … vậy phải cố gắng lên nhá.
   Nói xong anh em Bính Quý trở lên. Thường loay hoay đẩy va ly vào dưới gầm chiếc giường trống còn lại rồi đặt lưng nằm xuống. Anh cảm thấy mệt mỏi rã rời sau 2 ngày tù túng , ngột ngạt trong xe. Thầm nhủ trong đầu : ngày mai mình sẽ bắt đầu 1 cuộc đời mới . Tiếng ngáy nhỏ nhưng đều đều của 1 trong 2 người đàn bà mau chóng ru anh đắm chìm vào giấc ngủ.
 
                              @@@@@@@@@@
 
   Công việc của Thường và 2 người kia , dưới tầng hầm âm u sặc  mùi bếp núc, ngày nào cũng na ná như nhau. Họ lục đục thức dậy vào lối 8 giờ sáng. Làm vệ sinh xong, họ ăn sáng với những thức ăn còn thừa của hôm trước và rảnh rang đến 10 giờ để làm các việc riêng tư như viết thư hay điện thoại cho gia đình, sau đó là cày mệt nghỉ tới 10 giờ đêm.
    Bà Hoành năm nay 51 tuổi, góa chồng và là em họ của chủ Bính, còn cô Ngà thì vừa 24, chưa lập gia đình. Hai người này quê quán cũng ở Nghệ An nhưng ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân kỳ liền kề với huyện Quỳnh Lưu của Thường. Họ chỉ mới làm ở đây được gần 4 tháng mà thôi, công việc thường ngày là làm các món ăn như chả giò, hoành thánh, sủi cảo, sushi … theo lệnh của Bính. Các sản phẩm này được cất giữ trong tủ đông lạnh và được mối lái của Bính chuyển giao đều đặn mỗi cuối tuần đến nơi đặt hàng ở Pháp cùng các nước lân cận.
   Những lúc Ngà chỉ bảo cho Thường làm thức ăn , 2 người hay rỉ rả nói chuyện gia đình cho nhau nghe. Ngà kể rằng cô là bạn học lúc trước với Ngân, con gái bà Hoành, vì Ngân có con mọn nên không thể xuất khẩu lao động … do đó Ngân đã đề nghị cô thay thế chỗ. Bên nhà Ngà làm tiếp viên cho tiệm nước, lương ba cọc ba đồng,  phụ với cha mẹ để nuôi đứa em trai đang đeo đuổi đại học đào tạo ngành kinh tế nông nghiệp ở Hà Tĩnh. Nhờ bà Hoành nói giúp nên cô mới mượn vay được món tiền khá lớn … vừa trả phí xuất khẩu, vừa cho em ăn học, với bảo đảm của ông Bính để chủ nợ Ngà đồng ý đưa tiền. 
    Bà Hoành thì những lúc nhớ nhà, ủ ê tâm sự với Thường : chồng bà bạo bệnh mất sớm lúc Ngân mới lẫm chẫm đi, bà ở vậy buôn gánh bán bưng tần tảo nuôi con. Đến khi Ngân lấy chồng thì bà về ở với chúng nó, đỡ đần việc nhà. Khi Nhâm đến nói chuyện Bính cần người tín cẩn để giúp việc lẫn trông coi nhân sự cho lão,  thì bà  chịu ra đi để con gái bà đỡ phải lo cho mẹ … lại có tiền gởi về cho chúng làm ăn và nuôi con, hơn nữa sau này già yếu thì cũng còn tiền độ thân không để cho con cái phải vất vả.
    Một buổi trưa hè, 3 người đang làm việc dưới hầm thì bà Thoan, vợ Bính, chạy xồng xộc xuống cầu thang giọng hốt hoảng : 
   - Các người phải mau mau rời khỏi chỗ này … tạm thời ra lánh ngoài bãi biển sau nhà … bọn cảnh sát sắp sửa tới đây.
   Bà Hoành ngơ ngác : 
   - Có chuyện gì thế hở mợ ?
   - Mấy thằng khách uống rượu say, gây gổ đánh nhau … đập phá quán. Ông Bính đang gọi police  đến can thiệp, lỡ như họ xuống hỏi giấy tờ thì phiền phức lắm !
   Dứt lời, bà Thoan xua đẩy mọi người đi lên tầng trên. Bà Hoành kịp thời cầm lấy cái túi nhỏ  đựng ít quần áo, Ngà vớ được bao ny lông cơm chiên khách ăn tối qua còn thừa … cho thêm vào đó mấy cái thìa, còn Thường nhanh tay chụp lấy áo gió đang vắt trên lưng ghế.
   Nơi bãi đang có nắng vàng chan hòa, đôi khi không gian đổi sang màu xám  vì mặt trời bị mây bay che ngang … gió biển lồng lộng thổi không ngớt làm môi họ thâm tím. Đây là lần đầu tiên họ được hít thở không khí ở bên ngoài  sau nhiều tháng làm việc trong hầm của nhà hàng. Bây giờ là tháng 7 nên tiết trời không còn lạnh nữa. Thường dẫn bà Hoành và Ngà đến ẩn mình sau 1 cồn cát. Thấy Ngà run rẩy vì mặc không đủ ấm, anh cởi áo gió của mình đưa cho cô mặc vào. Nét mặt Ngà lộ vẻ thẹn thùng nhưng lòng cô có cảm giác êm đềm lắm.
 
                                @@@@@@@@@@@@@@@
 
    Chẳng mấy chốc mà 2 năm nhanh chóng qua đi, Thường đã trả xong món nợ cho lão Triển. Bây giờ lương tháng của anh được Nhâm giao thẳng cho bố mẹ. Lần nào cũng như lần nấy, Nhâm dài dòng kể lể chuyện đưa được Thường đi xuất khẩu lao động, coi đó như là 1 sự  thi ơn. Đôi khi vì bực mình, ngoài món tiền hoa hồng … mẹ Thường lại dúi thêm cho Nhâm ít lì xì để tống khứ hắn đi cho nhanh. Lão Triển bị hụt miếng vườn của ông Hạo thì tiếc hùi hụi, một lần lão ghé vào nhà …  gạ gẫm muốn mua nhưng không được toại nguyện. Bố mẹ Thường từ khi có tiền con gởi về thì vui vẻ lắm. Cô Loan em Thường được làm 1 cái chân giả, đi đứng đỡ khó khăn. Cô Nhung được chu cấp hàng tháng để hoàn tất năm cuối cùng của ban giáo dục tiểu học. Căn bếp của ông bà Hạo được nới rộng và tân trang lại … 1 cánh cửa được làm thêm, trổ ra vườn để thuận tiện cho   việc trồng trọt ít rau củ. 
    Về phần Thường thì tình hình sức khỏe của anh không được tốt mấy. Hơn 2 năm sống chui rúc dưới hầm, thiếu ánh sáng mặt trời, nên nước da anh tái xanh …  lại mắc chứng mất ngủ và hay bị đau cột sống mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc làm công việc nặng. Ngà có cung cấp cho anh mấy lọ dầu nóng nhưng chẳng ăn thua gì.
    Tình cảnh của Ngà thì trái ngược lại : cô không có vấn đề gì về sức khoẻ cả, nhưng lại lúng túng vì chuyện tiền nong. Gia đình cô bên VN cần tiền để giải quyết nhiều việc cấp bách : khi vừa trả dứt 2 món nợ : xuất khẩu và mượn cho cậu em ăn học, thì đúng với câu tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống ! Bố mẹ cô phải dùng tiền Ngà gởi về vào việc chạy chọt, đút lót cho cậu con có chỗ làm trong ngân hàng phát triển nông nghiệp. Rồi lại phải đang vay mượn thêm để trang trải vụ mổ tim của mẹ cô … các phí tổn cứ liên tiếp đeo đuổi. Mỗi lần được tin nhắn trong hộp thư thoại từ bên nhà gởi qua là Ngà lại ủ rũ, thở dài não nuột. 
    Cho vơi bớt cơn buồn, cô tỉ tê kể cho Thường nghe những nỗi khổ tâm chất chứa trong lòng. Anh lấy làm xót xa dùm cho và cảm động vì được sự tin cậy của Ngà. Rồi cũng vì muốn  giúp cô, anh đề nghị :
     - Nếu Ngà không ngại thì tôi sẽ nhờ ông Nhâm chuyển đến mỗi tháng 1 lần nửa số lương mình cho hai bác, để lo cho xong vụ mổ của mẹ Ngà.
    Thấy cô ngần ngừ suy nghĩ, anh thuyết phục : 
    - Gia đình tôi lúc này không phải bận tâm nhiều về chuyện thu nhập. Ngà nên lo cho mẹ đi. Mình còn làm việc ở đây thì rồi từ từ Ngà trả lại cho tôi cũng được mà.
    Chỉ thấy Ngà bối rối, mân mê mấy ngón tay.
 
                                   @@@@@@@
 
    Một ngày nọ, Ngà tiết lộ với Thường là cô đang phân vân với dự định làm chuyến mạo hiểm sang nước Anh. Ở bên đó Ngà có cô bạn làm nails ( móng tay, móng chân ) trong 1 thẩm mỹ viện Việt Nam. Cô bạn đó cho biết là lương tháng của cô ta cao hơn lương hiện giờ của Ngà tới 300€ và bà chủ tiệm có ý muốn mở thêm 1 chi nhánh khác.
   - Nếu Ngà quyết định đi thì cũng phải báo trước 1 thời gian cho ông Bính để người ta tìm người thay thế chứ ? 
   - Dạ hẳn nhiên rồi, em đã thử ngỏ lời và ông ta nói là phải cho biết trước ít nhất là 5 tháng.
     - Thế còn phương tiện di chuyển từ đây qua đấy ?
     - Con Huyền bạn em cho biết chủ nó có quen nhiều đường dây đưa người sang Anh : bằng xe tải container hoặc bằng xuồng máy vượt biển. Xuồng máy thì hơi phiêu, container qua phà có lẽ đỡ hơn.
    - Không biết họ có cần đàn ông không ? Thường buột miệng hỏi.
      - Em cũng không rõ, để em thử hỏi con Huyền xem sao.
     Lần viết thư về nhà sau đó Thường có bắn tiếng cho gia đình anh biết là trong điều kiện thuận lợi, rất có thể anh sẽ sang Anh làm việc để kiếm tiền được nhiều hơn. Sâu kín tận trong lòng là Thường muốn được ở bên Ngà.
 
                               @@@@@@@@@
 
   Tháng 12/ 2019 … Một ngày đầu đông, Bính đưa cho Thường lá thư express ( hoả tốc ) mà gia đình anh gởi vào hộp thư của lão ở nhà bưu điện. Anh nôn nóng trong lòng nhưng cũng nán đợi đến lúc nghỉ ăn trưa mới bóc thư ra xem. Đó là thư do Loan, em gái anh viết :
       Quỳnh Thắng, 21/12/2019
      Anh Thường kính mến,
   Bố mẹ bảo em phải viết ngay thư này cho anh vì sợ nếu chậm trễ sẽ không cứu vãn được tình thế nữa. 
    Anh biết không, tháng 10 vừa qua báo chí trong nước đăng tải 1 tin tức thật kinh khủng : có 39 người Á đông chết trong container ở bến cảng bên Anh. Họ đã chết vì nhiệt độ trong thùng xe tăng lên nhanh chóng và lượng oxy cạn kiệt trên đường vượt biển bằng phà từ Bỉ sang Anh.
    Đầu tháng 11 bộ công an VN phát đi bản báo cáo cho biết chính quyền Anh đã xác định tất cả 39 thi thể chết trong container đều mang quốc tịch Việt Nam. Kết quả này được loan báo sau thời gian kiểm tra, tìm đặc điểm nhân dạng của người đã chết. Họ có hộ khẩu tại Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên.
    Các nạn nhân xuất phát từ nhiều quốc gia Tây Âu khác nhau, họ bị dồn lên 1 container và vận chuyển đến cảng Zeebrugge ở Bỉ sau đó đến cảng Purfleet bên Anh quốc. Các công nhân làm nhiệm vụ bốc dỡ container xuống khỏi phà và người tài xế xe tải đã báo động cho cảnh sát khi họ nhận thấy có mùi khó chịu bốc ra.
   Khi được di chuyển lên phà ở cảng Zeebrugge thì bên trong container đã không còn sóng điện thoại nữa. Tuy nhiên những bản ghi âm - được tìm thấy trong các smartphone mà cảnh sát thu thập được - đã hé lộ nhiều lời từ biệt của những người xấu số với thân nhân. 
    Một người đàn ông thu âm lời nhắn gởi : con xin lỗi, con không chăm sóc được mọi người, con không thở được, con muốn quay về với gia đình, mọi người hãy sống tốt.
     Một bản thu âm giọng nam khác : con không thở được, con xin lỗi, con phải đi bây giờ. 1 giọng khác nghèn nghẹn ở phía sau : anh ấy chết rồi. 
     Gia đình của 1 phụ nữ 26 tuổi đã công khai hoá đoạn nhắn tin cuối cùng thật thương tâm của cô gởi cho cha mẹ trước khi lìa đời. Trong vùng tối đen của container bị đóng kín - nơi đã trở thành chỗ kết thúc bi thảm của những nạn nhân - cô đã viết những lời vĩnh biệt và cũng để lại thông báo trong chiếc điện thoại về gốc tích của mình : thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh VN. Con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành mẹ ơi … con thương bố mẹ nhiều … con chết vì không thở được.
    Anh thấy đó, những chuyến đi mạo hiểm như thế chính họ và thân nhân đã phải trả 1 giá quá đắt. Bố mẹ và các em không muốn  mất anh, không muốn anh liều lĩnh sang Anh quốc làm gì. Cố gắng ở lại Pháp vài năm nữa rồi về. Gia đình không thiếu thốn thứ gì, cám ơn anh đã gởi tiền về. Sức khỏe mọi người đều tốt. Tất cả mong ước gặp lại anh. Chào anh Thường kính mến của em. Loan.
    ( Tất cả những chi tiết nêu ra trong thư được trích  từ các nguồn thông tin của VN Express, báo Tuổi Trẻ Online, Thông Tấn Xã VN và bách khoa toàn thư Wikipedia )
     Xem xong thư nhà, Thường vội vã đưa cho Ngà đọc. Ý định sang Anh làm việc của 2 người từ đó trở đi cũng nguội lạnh dần.
 
                                @@@@@@@@
 
   Mùa xuân 2020 nạn dịch Covid 19 hoành hành khắp nơi ở châu Âu, con số tử vong gia tăng đột ngột tại nhiều quốc gia. Các biện pháp cách ly được chính quyền ban bố : tất cả những nơi có đông người tụ họp bị đóng cửa, khẩu trang phải đeo ở nơi công cộng, quán ăn, tiệm tùng v.v… bị hạn chế giờ mở cửa, khoảng cách 1,5 thước  giữa hai người phải  được tuân thủ. 
   Nhà hàng của Bính cũng bị ảnh hưởng lây. Tình trạng khách ăn ế ẩm kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp nên lão đã cho tay đầu bếp chính và luôn cả cô tiếp viên trong tiệm nghỉ việc. Hai vợ chồng Bính giờ đây giữ việc tiếp khách và chạy bàn. Thường trở thành đầu bếp bất đắc dĩ với sự phụ giúp của bà Hoành và cô Ngà. Ngoài ra, bộ ba dưới căn hầm ngột ngạt vẫn phải lao động sản xuất những món hàng đông lạnh theo chỉ thị của Bính, tuy rằng số lượng đã giảm xuống nhiều so với những năm trước.
    Bính nhiều lần than thở là nếu tình trạng ế ẩm kéo dài nữa thì lão sẽ phải sang tiệm và về nghỉ hưu.
     Đại dịch càng lúc càng lan tràn. Pháp và Anh là những nước chịu nhiều hậu quả nặng nề về nhân mạng. Việc vận chuyển hàng hoá và giao thông, du lịch bị kiểm soát gắt gao để tránh truyền nhiễm lây lan, lẫn nạn nhập cư bất hợp pháp.
    Một ngày cuối tháng 11 năm  2020, chủ Bính - với bộ mặt đưa đám - lặng lẽ xuống hầm, loan báo cho 3 người làm công rằng vì lỗ lã nhiều nên nhà hàng sẽ được sang lại -  khoảng 6 tháng nữa sẽ ký giấy tờ - cho 1 cặp vợ chồng người Pháp sống gần đây.
   Thường, bà Hoành và Ngà sẽ phải trở về Việt Nam. Bính sẽ nhờ cô em Quý lo chạy giấy tờ, làm lại hộ chiếu, mua vé máy bay cho 3 người và lẽ đương nhiên là  họ gánh chịu phí tổn.
   Làm ra vẻ tử tế, Bính nói :
   - Số tiền phí này tôi sẽ lấy ở 6 tháng lương cuối cùng của mấy người cho đến  lúc ký giấy bán tiệm, cũng là lúc các người hồi hương. Lẽ  ra tôi có thể lấy nhiều hơn, nhưng nể tình họ hàng với bà Hoành và cũng vì các người làm được việc nên tôi chỉ đòi hỏi bấy nhiêu.
 
                              @@@@@@@@@@
 
   Thường trở về quê nhà đã được hơn tháng, bấy giờ là tháng 7 của năm 2021. 
    Lúc gặp lại anh … tất cả mọi người trong gia đình vừa mừng rỡ,  lẫn nghẹn ngào. Mẹ Thường nắm lấy tay anh, sụt sịt :
     - Mẹ chỉ có mỗi mày là con giai, mày có mệnh hệ gì thì làm sao mẹ sống nổi hở con …
     Ông Hạo cứng cỏi hơn nhưng giọng cũng run run : 
    - Anh Thường về đây rồi thật tôi vui lắm, thôi thì chẳng tham giàu có làm gì. Có nhau, cơm rau là quý rồi … cậu nhỉ ? Bố còn giữ được một ít tiền cậu gửi về , bố sẽ gởi lại để mà cưới vợ nhá.
     Hai cô em Loan và Nhung tíu ta tíu tít bên anh. Cô Loan thì cứ cám ơn anh mãi, vì nhờ cái chân giả mà cuộc đời cô bớt nhọc nhằn. Cô Nhung thì nhờ tiền anh cho ăn học, nay đã ra trường và sắp tới đây sẽ được biên chế vào giảng dạy ở ngay trong xã.
    Một sáng đẹp trời, anh mượn chiếc xe Dream của Nhung lái sang huyện Tân kỳ để tìm thăm lại Ngà, lòng rộn ràng náo nức.
     Ngà ra mở cửa, sững sờ khi thấy Thường là khách đến thăm.
     - Ôi chao ơi … anh Thường. Mời anh vào chơi xơi nước.
    Bố mẹ Ngà thấy ân nhân đến  thì niềm nở chào đón. Bà mẹ hết lời cám ơn Thường đã cho gia đình vay tiền để trả bệnh viện phí cho chuyến giải phẫu tim. Trò chuyện 1 lúc, hai ông bà ngỏ ý mời anh ở lại ăn trưa rồi khéo léo đứng lên nói rằng họ muốn ra chợ mua ít món về làm bữa cơm.
    Còn lại 2 người, Ngà ấp úng và bối rối :
    - Anh Thường ơi … món nợ của anh … em không dám quên đâu, nhưng xin anh cho em khất 1 thời gian để em xoay sở.
     - Ồ … hôm nay anh đến thăm Ngà không phải vì món nợ ấy …
    Như để có thêm chút thời gian suy nghĩ, Thường cầm bát nước chè lên … uống một hớp rồi đặt bát xuống bàn, anh thong thả : 
        -  Anh rất vui lòng vì làm được việc ích lợi cho gia đình em. Số tiền kia anh không cần đến … em và bố mẹ hãy quên đi. Thật tình anh chỉ muốn giúp em, món nợ kia coi như đã trả xong, Ngà nhé.
       Ngà cảm động lắm, cô thoáng nhớ lại cái ngày bọn họ tránh gió sau cồn cát … cảm giác êm đềm lúc Thường đưa áo cho cô mặc vào. Mấy ngón tay cô run nhẹ trong khi giọng Thường vẫn đều đặn bên tai : 
    - Bố mẹ  có đưa lại ít tiền anh gửi về lúc trước, chẳng nhiều nhặn gì cho cam nhưng có lẽ cũng đủ để anh làm 1 trại gà nho nhỏ … xem như kế sinh nhai … Em có muốn về phụ với anh không hở Ngà ? 
   Ngà không trả lời câu hỏi  của anh, đôi mắt cô long lanh  nhìn Thường xong cúi xuống chăm chú vân vê bát nước. Anh thấy mặt Ngà đỏ dần lên rồi 1 nụ cười e thẹn sau đó trên môi cô.
  Trủy Thủ
                                    Tháng tư, đầu xuân 2023 .
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.04.2023 02:56:44 bởi Ct.Ly >

Ct.Ly