CÁC ĐOẢN KHÚC TRIỀU ÂM
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 16 bài trong đề mục
trieuam 06.05.2023 05:44:21 (permalink)



ĐOẢN KHÚC SỐ 1- ALBUM ẢNH GIA ĐÌNH



Gió lạnh se, con đường quen xóm nhỏ
Thơm nắng trời, nhành mai nở chào xuân
Như mọi năm, phố vẫn thế reo mừng
Bước chân nhỏ quay về thăm phố cũ
(Thơ của tác giả)

Bao lâu rồi nhỉ? Có vẻ như khi người ta càng lớn, thời gian càng trôi nhanh hơn. Vèo một thoáng, chưa kịp nhận ra xuân năm trước đã bỏ quên điều gì thì trời đã bắt đầu se se lạnh, báo hiệu cho một mùa xuân nữa sắp đến rồi.

Đã bao lâu rồi xuân vẫn về bên cửa
Người vẫn hững hờ, chẳng tiễn chẳng đưa
(Thơ của tác giả)

Bao lâu rồi nhỉ?

Trong quyển album gia đình, tấm ảnh cặp vợ chồng trẻ, tay trong tay đầy hạnh phúc. Một cô bé con hai mắt to tròn ươn ướt, đôi môi phụng phịu vì đang chơi bị bắt đi chụp ảnh, còn một cậu bé mắt sáng long lanh, đang cười toe toét. Khoảnh khắc đó đã được lưu giữ mãi mãi mặc kệ thời gian, mặc kệ sóng gió cuộc đời. Họ vĩnh viễn nơi này, cùng những xúc cảm đặc sắc đầy nét riêng của từng người. Đó là tấm ảnh gia đình, chào xuân mới.
Album ảnh đã có năm tấm như thế. Điểm khác biệt của tấm ảnh năm nay là đôi mắt người mẹ, không hiểu vì sao lại man mác buồn, ẩn ước một nỗi niềm khó tả cùng ai.

Những mùa xuân không áp đặt hình hài
Không tạo dựng những nỗi niềm sâu lắng
Chỉ đi qua, để lại đời trái đắng
Người xa người, xuân từ đó biệt ly
(Thơ của tác giả)

Hình như đó cũng là tấm ảnh cuối cùng gia đình bốn người đầm ấm, hạnh phúc bên nhau.

Hàng năm, vào mùa xuân, vẫn theo thông lệ, cả gia đình vẫn luôn có một tấm ảnh mới, được trân trọng lưu giữ vào album gia đình. Nhưng từ năm thứ sáu, trong ảnh chỉ còn một chàng trai gầy gò, đôi mắt sâu cương nghị, môi mím chặt. Đứa bé gái vẫn mặt phụng phịu như muốn khóc. Cậu bé trai thì vẫn vô tư, rạng rỡ với nụ cười tỏa nắng. Hai đứa bé có vẻ như không biết gì về sự khác biệt đó cả. Nhưng trong album ảnh gia đình năm trước, có thêm ảnh người cha đầu quấn khăn tang, cô bé con đội khăn trắng, mếu máo cầm di ảnh mẹ, cậu bé trai vẫn ngơ ngác trong tang phục nắm áo chị, theo sát đoàn người.

Thời gian vẫn vô tình như thế, vẫn lặng lẽ trôi. Hai đứa trẻ vẫn lủi thủi theo cha mà lớn thành người. Chúng ốm và nhỏ con hơn lũ trẻ đồng trang lứa rất nhiều. Lật từng trang, từng trang album ảnh, mặc dầu quần áo chúng mặc đã được cố tình giặt sạch, ủi phẳng nhưng vẫn không thể che giấu được đó là đồ cũ của năm trước, và năm trước nữa.Không phải là theo lệ, mỗi năm đều mặc áo mới khi xuân về sao? Ừ thì, áo quần mặc mùa xuân thì cứ cất kỹ, năm sau lấy ra mặc lại vẫn khác gì đồ cũ chứ.

"Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm"
(Ca dao Việt Nam)

Biết trách ai bây giờ, trách người mẹ đã ra đi quá vội vàng, hay trách người cha phận gà trống nuôi con trong thời buổi kinh tế thị trường lại nhất quyết không tái giá bởi anh sợ cảnh
"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng"
(Ca dao Việt Nam)

Chỉ biết từng mùa xuân qua đi, khi hai đứa trẻ ngày càng lớn lên thì trái tim của anh cũng càng suy yếu dần. Có những cô gái đến bên, xin tình nguyện làm mẹ hai đứa nhỏ, cũng có những cô gái lỡ thì, những người đã lỡ một, hai lần đò mang lòng thương anh, thương hai đứa nhỏ cứ lắt lay như cây dại đầu đường nhưng anh đều lắc đầu từ chối:
"Mình đã nghèo, lại còn bệnh, sao nỡ làm khổ người ta."

Nhịp sống của gia đình vẫn bình dị và lặng lẽ như bao gia đình khác bên dòng đời tấp nập. Chỉ khác biệt mỗi sớm, mỗi đêm anh khoác lên mình chiếc áo lam, quỳ trước bàn thờ gia tiên, thành tâm tụng kinh và cả nhà đều ăn chay.

Khi cô bé con lớn lên, có lần cô hỏi:
"Sao sáng sớm trời lạnh thế này mà Ba không ngủ thêm? Tụng kinh trễ chút cũng có sao đâu."

Anh, giờ đã là một người đàn ông trung niên, chỉ nhìn di ảnh người vợ, mãi mãi ở tuổi hai mươi lăm, mà nói rằng:
"Ba đã có giao hẹn. Đã giao hẹn thì phải giữ đúng lời."

Giao hẹn? Giao hẹn gì, với ai chứ? Cô con gái lắc đầu mờ mịt. Thôi kệ, ba thích thì cứ để ba làm thôi, nhưng cô lo lắng vì thời tiết lạnh quá không tốt cho bệnh của ba, nên chỉ nói thêm:
"Ba nhớ mặc thêm áo lạnh vào!"

Ông gật đầu và mỉm cười trìu mến:
"Ba biết rồi. Con ngủ tiếp đi!"

Nhịp sống gia đình cứ thế êm đềm trôi.

Kể từ ngày cả nhà sắm chiếc máy chụp ảnh thì album gia đình bây giờ có thêm nhiều ảnh sinh hoạt, đi dã ngoại của ba cha con nên lung linh nhiều màu sắc hơn. Nào là đi bắt cá, leo đồi, đi chợ, đi phố, ảnh lĩnh phần thưởng cuối năm của hai chị em, ảnh khi cả nhà có chú chó cưng đầu tiên, v.v…

Nụ cười cũng xuất hiện trên gương mặt người cha nhiều hơn. Nhưng có vẻ như ông trời đố kỵ hạnh phúc của họ, nên khiến trái tim của anh trở nên yếu ớt đi sau nhiều năm lao lực, lại buồn đau dai dẳng sau khi vợ qua đời. Do đó, anh không đủ điều kiện để tiếp tục đi làm bên ngoài nữa.

Dẫu vậy, gia đình ba người vẫn cùng nhau vượt qua giai đoạn bấp bênh đó. Họ mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Hai đứa con đi học về thì bắt tay vào phụ ba đi mua hàng, bán hàng. Gia đình vẫn lại tràn ngập tiếng cười.

Mỗi năm, gia đình vẫn có một chậu hoa mai rực rỡ đón xuân về, đĩa bánh mứt, hạt dưa, trà thơm tiếp khách. Trên bàn thờ lúc nào cũng có quả dưa thật to, đẹp nhất được dán chữ Phúc lộng lẫy. Không nhớ từ năm nào đó nhà nước cấm đốt pháo, cho nên hương vị mùa Xuân cũng yên ả hẳn đi. Hay là do lớn lên, những chuyện ồn ào, náo nhiệt cũng không còn hấp dẫn như thời trẻ thơ nữa.

Điểm nhấn của mỗi khi xuân về sẽ không còn tiếng pháo nổ đì đùng và mùi thuốc pháo lan tỏa khắp nơi, cùng lũ trẻ con chạy ào khắp phố lượm pháo. Đúng vậy, chúng đi lượm pháo nên cũng đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi pháo lượm được, bất chợt phát nổ trên tay. Do đó, tuy nhà nước cấm pháo làm mùa xuân đến cũng không ồn ào nữa, nhưng cũng an toàn hơn. Ít ra, trái tim đã yếu của người cha cũng sẽ không bị giật bắn lên khi có tiếng nổ bất chợt nào đó.

Mùa xuân cứ thế, đến dịu dàng và mềm mại trong hương gió cao nguyên. Một chút se lạnh, điểm xuyết màu sắc rực rỡ và hương hoa chớm nở, một chút nắng vàng ve vuốt chân người trên phố. Mùa xuân lướt nhẹ qua dòng người dập dìu trong tấm áo mới, tiếng chúc phúc rộn ràng, tiếng trẻ con reo mừng nhận lì xì đầu năm, tiếng cụng li vui vẻ, khui chiếc bánh chưng, bánh tét bên dưa kiệu thơm nồng.

Dẫu bao gió sương, thăng trầm, thành công hay thất bại, đến hẹn Xuân lại về, bất chấp người ta có muốn chào đón hay không.

Xuân lại đến, vui mừng trên lối nhỏ
Hỏi thăm em, đã sắm sửa xong chưa
Xuân vô tình lướt qua căn phòng đó
Giường trắng tinh, một người thế...nằm im

(Thơ của tác giả)

Năm đó, gia đình không có ảnh chụp mùa xuân cùng nhau, vì người cha đang nằm trong phòng cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Trên chiếc giường phủ drap trắng, ông nằm im lìm, bất động như đang đi vào thế giới nào xa xôi, một nơi có người mẹ lũ nhỏ đang nhoẻn miệng cười, đứng chờ đón lấy một nhành hoa từ tay ông. Tay trong tay, họ cùng nhau đi qua rất nhiều vùng đất lạ, nói với nhau những điều năm ấy chưa kịp nói xong.

Trong bệnh viện. Phòng cấp cứu. Cô con gái xanh xao, tay nắm chặt lấy bàn tay người cha, nước mắt tuôn rơi. Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày thi rồi. Cậu con trai đứng đó, tay nắm chặt thành giường…

"Nếu ba...nếu ba không tỉnh lại, tụi mình phải làm sao?"

"Em không biết…"

Đó là lần đầu tiên cô con gái và cậu con trai cảm thấy mùa xuân không về, trong khi mọi gia đình khác đang nô nức chuẩn bị đón Tết thì chị em họ đang ở đây, trong bệnh viện với bốn bức tường lạnh giá, những người cùng nằm trong phòng cấp cứu này cũng đều im lìm như cha họ vậy. Hàng ngày có người chuyển vào, có người chuyển ra với drap trắng phủ mặt. Bác sĩ, y tá cũng một vẻ mặt có vẻ đã quá quen với những chuyện như vầy.
Một anh bác sĩ trẻ tới vỗ vai cô gái:
"Giữ gìn sức khỏe đi em, cũng nên chuẩn bị tâm lý trước…"

Chuẩn bị tâm lý trước? Tâm lý gì? Cô cảm thấy giận dữ vô cùng:

"Bác sĩ nói gì? Ba tôi không có sao hết, chỉ là đang ngủ thôi. Bác sĩ có biết chữa bệnh không…" rồi cô gục đầu xuống khóc nức nở.

Vị bác sĩ nói rằng:
"Tôi biết em đau buồn, nhưng tình hình bác trai không khả quan, hoàn toàn không có phản ứng. Nếu trong ba ngày không chuyển biến gì thì gia đình nên chuẩn bị sẵn tâm lý"

Cậu con trai hoảng hốt nhìn chị, nhìn sang cha mình đang nằm im đó. Giờ phải làm sao?

"Ba chỉ ngủ vì quá mệt thôi. Chị em mình xoa bóp cho ba. Khi chị đi học thì em vào thay. Em đi học thì chị lại vào, được không" - Cô chị ngước mắt nhìn cậu em.

"Được chị. Ba sẽ tỉnh lại!" Cậu em gật đầu.

Thế là hai đứa thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh. Các y tá cũng thương tình đặc cách cho hai đứa ở bên(thông thường phòng cấp cứu không cho người nhà ở cùng). Hai đứa thay phiên nhau xoa bóp tay chân, thì thầm nói chuyện với ba. Ban đêm thì cô chị ở lại, cậu em về giữ nhà. Ròng rã ba ngày hai đêm thì người cha cũng mở mắt ra, ngơ ngác hỏi:
"Đây là đâu?"- Ông có vẻ hơi thất vọng khi không thấy vợ yêu và khung cảnh như bản thân đã gặp mấy ngày qua.
Nhìn sang, thấy đứa con gái gầy rộc đang ngồi bên, nước mắt chảy dài:

"Ba em tỉnh rồi...Y tá...Chị y tá ơi.."

Mùa xuân năm đó, gia đình không bánh mứt, không hoa hòe mừng xuân, không áo mới, không đi chơi xuân, không ảnh lưu niệm, nhưng cả nhà đều vui chưa từng thấy.

Người cha nằm trên giường, được châm cứu và đang cố gắng tập vật lý trị liệu để hồi phục trở lại. Ông bị liệt nửa người.

Xuân đến, xuân đi, vẫn một chu kỳ cố định hàng năm. Kinh tế chính giờ do hai đứa con tự sắp xếp lấy. Người cha đã có dấu hiệu hồi phục do được cấp cứu kịp thời, và cũng có thể nói là do ý chí của ông mạnh mẽ. Ông bảo con gái mua tập đồ nét chữ của học sinh lớp một về, run run điều khiển bàn tay đang hồi phục kia, tập viết lại từ đầu.

Mùa xuân năm tiếp theo là tiếng reo mừng vui vẻ của cả nhà khi người cha đã có thể viết trở lại, viết hoàn chỉnh được một trang giấy, và cũng đã đi lại được. Trí nhớ ông không còn được như xưa nhưng đã có quyển sổ ghi chú cô con gái tặng, mọi việc cứ ghi vào đó là xong. Ông bắt đầu có thói quen viết nhật ký từ đó.

Nếu như trời yên ả, sao lại có mưa giông
Nếu cuộc đời bằng phẳng, ai hiểu được đau thương
(Thơ của tác giả)

Xuân đến, xuân đi. Hoa nở, hoa tàn. Đó là quy luật của muôn đời. Quả tim suy yếu của người cha đã không còn chịu đựng được nữa. Nó đã quá hạn sử dụng rồi. Xe cộ, máy móc còn thay phụ tùng được, nhưng đây là quả tim đấy, ở đất nước này, một gia đình bình dân, không tiền bạc biết thay ở đâu, các con chỉ có thể đưa ông vào viện, nhờ bác sĩ sửa chữa lại các van hỏng hóc mà thôi.

Nghĩ cũng tội hai đứa nhỏ, tụi nó vừa bước chân vào đời, còn đang tự thân tự lực chèo chống với giông gió, không như chúng bạn được mẹ cha rải thảm đường đi, thì hai đứa nó đã phải chạy ngược chạy xuôi lo chi phí cho cơn phẫu thuật tim của người cha. Đơn giản thôi, chúng không thể nhìn ông chịu cơn đau dày vò đến rộc cả người ra như thế.

Chuyện yêu đương, xin gác lại đi người
Chữ hiếu kia, còn gánh nặng trùng khơi
Không cảm thông, thì gửi trả đôi lời
Bởi còn đang bận, nợ đời quấn thân

(Thơ của tác giả)

Có một mùa xuân năm nào đó không rõ. Cô con gái và cậu con trai reo mừng khi bác sĩ báo ca mổ thành công. Người cha cười yếu ớt nắm tay con mình, ngắm một vì sao xa xa nhấp nháy trên bầu trời. Ông không biết rằng cô con gái len lén lau nước mắt, cậu con trai quay mặt nén tiếng thở dài.

Một mùa xuân vui buồn lẫn lộn, giọt nước mắt của họ có mừng vui, có đau khổ chia ly.

Nhiều năm về sau, khi chỉ còn hai chị em bên nhau. Cậu em trai hỏi:
"Sao chị từ chối người ta?"
"Chẳng sao cả. Chỉ là ảnh nói một câu nghe không hạp" - Cô chị gõ gõ ly nước, cười đáp lời.
Cậu em trai tò mò:
"Ảnh đã nói gì? Em thấy hai người thương nhau lắm mà."

Mắt cô chị xa xăm:
"Ảnh nói: sao lúc nào cũng nhắc tới ba, lo cho ba nhiều thế. Ảnh mới là người cùng chung sống suốt đời về sau với chị."

Nói đến đó, cô ngẩng đầu lên nhìn em trai:
"Còn em? Sao từ chối con bé ấy. Nó xinh đến thế…"
Cậu em cũng cười buồn:
"Nhà mình đâu chứa được tiểu thư chị ơi. Với lại, ba còn bệnh thế này…"

Album ảnh gia đình lại ngập tràn ảnh đi chơi của ba cha con. Dường như số ảnh trong ba năm đó còn nhiều hơn tổng số ảnh của những năm trước kia. Hễ được nghỉ phép là cô con gái, cậu con trai lại tranh thủ về chơi cùng người cha, cả nhà lại đi chơi ở bất cứ nơi nào ngân sách cho phép. Dường như mùa xuân đều đến mỗi ngày trong gia đình họ. Cả ba người đều cười rất tươi. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của gia đình họ.

Và một ngày hoa Sala nở thơm ngát đất trời, một năm cả gia đình vừa cùng đón xuân với nhau xong, có lẽ đã đến hạn kỳ nên người mẹ đã đến, giang rộng vòng tay đón người cha đi. Ông nằm đó, môi phảng phất nụ cười, yên bình, tĩnh tại. Có lẽ cuối cùng ông cũng đã gặp lại được người vợ yêu dấu của mình sau bao nhiêu năm chờ đợi. Ông không kịp đón cô con dâu mới vào nhà, dẫu rằng gia đình đôi bên đã định ngày cưới cho đôi trẻ vào cuối năm.

Hương xuân vẫn còn vương vất, nhưng nơi này, lại một lần nữa hai đứa trẻ chít khăn tang. Trước di ảnh của cha, cả hai khi chưa thành gia lập thất thì vẫn mãi còn là đứa trẻ ngơ ngác mà thôi. Đôi bàn tay nắm chặt, hai chị em như không thể tin sự thật phũ phàng, nước mắt chừng như không thể rơi vì không chấp nhận sự thật. Ba ngày cũng trôi qua theo thủ tục, đến lúc di quan, bi thương kiềm nén mới chợt vỡ òa.

Ba thật đã đi rồi sao? Thật sự ba bỏ lại tụi con sao? Rồi từ đây vui, buồn con biết kể cho ai…

Kể từ đó, những mùa xuân lặng lẽ trôi đi. Album ảnh gia đình không có thêm ảnh mới nữa. Ba lần đám giỗ cũng trôi qua. Căn nhà cũ cũng đã được bán đi vì không ai chịu đựng được khi bước vào căn nhà cũ tràn ngập kỷ niệm và hình ảnh người cha nơi đó.

Cậu con trai cũng đã lập gia đình và trở thành cha của hai thằng nhóc bụ bẫm, nghịch ngợm. Mỗi ngày, cậu vẫn đúng giờ thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên. Có lẽ cậu đang thì thầm:
"Con đã hiểu ba khổ như thế nào"

Cô con gái vẫn hàng đêm mơ thấy cùng cha đi chơi, nói chuyện cười đùa và lại choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn căn nhà mới của mình, nhưng vô cùng xa lạ.

Xuân vẫn về. Vườn nhà cô trồng rất nhiều hoa, chúng đều tranh nhau nở, thắm sắc thắm hương. Trên ban công cô để hai chậu sen rất to, thường thì mùa hạ sen mới nở rộ, nhưng mỗi năm, xuân về hai chậu sen cũng sẽ có một, hai bông nở đúng dịp. Thơm ngát, thanh khiết.

Nhà cô, không để bàn thờ nào cả. Những lúc sen nở là những lúc cô vui vẻ nhất, người ta thấy cô đứng bên chậu sen, nhưng không biết rằng cô đang thì thầm:
"Ba về thăm con, phải không ba?"

Có lẽ là vậy, có lẽ đơn thuần chỉ là xuân về, nên trăm hoa đều đua nở để khoe sắc mà thôi. Chỉ là, nơi nào đó, trong trang nhật ký của người cha, trang cuối cùng ghi là:
"Kiếp sau nguyện làm một đóa sen tươi…"

Năm nay, lại một mùa xuân nữa sắp đến, văng vẳng đâu đây, nơi góc phố này, nhà nào đó đang mở máy hát, giọng người ca sĩ cứ mơ mơ hồ hồ theo gió thoảng

"Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Một chiều xuân em đã hẹn hò
Như ươm tình trong cánh hoa mơ,
Khơi hương theo làn gió
Em bảo rằng em viết thành thơ…..

Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
Em đứng chờ tôi dưới song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa…"
(Trích bài hát "Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa")

Hỏi người con gái dáng gầy gầy bên ban công:
"Xuân đã về chưa?"

Hết đoản khúc số 1

Triều Âm






































#1
    trieuam 06.05.2023 05:52:35 (permalink)



    ĐOẢN KHÚC SỐ 2-SEN TRONG HỒ ĐÃ NỞ


    Mùa thu sắp qua rồi, Ba ạ! Nhưng năm nay là năm nhuần, khí trời vẫn oi bức lắm, lại còn dịch bệnh covid-19 khắp nơi nơi. Nghe nói rằng năm nay tre nở hoa, kết trái nữa, các ông các bà ai cũng lo lắng điềm báo hiệu cho một năm thất bác.

    Cũng là năm thứ chín rồi, kể từ ngày Ba rời xa chúng con, cưỡi hạc bay về Tây phương với một ước nguyện:
    "Mai sau trở thành một đóa sen nơi Phật đài."

    Con không biết thế giới bên kia thế nào, cũng không biết ước nguyện của Ba có thành sự thực được không, nhưng kể từ ngày đó, chúng con đã cặm cụi làm cái hồ be bé, trồng vào đó một nhánh sen. Sen này, tụi con tự lội xuống ao bỏ hoang ngoài đồng, tự bê bùn về và tự lấy nhánh sen ngẫu nhiên rơi vào tay đó Ba ơi. Chúng con không mua ngoài phố đâu nhé. Ba nếu có hóa thân vào sen, chắc chắn rằng sẽ chẳng bao giờ vào phố ồn ào đâu.

    Con trai của Ba nay cũng làm cha của hai nhóc tì kháu khỉnh rồi đấy. Tuy Ba không kịp đón ngày vui của hai đứa nó, nhưng vợ nó chính là cô con dâu xinh xắn mà Ba đã gặp đấy. Em nó rất hạnh phúc, Ba ạ! Dẫu ngoài đời còn nhiều sóng gió, còn nhiều chông gai, nhưng có lẽ nay em nó đã hiểu Ba nhiều hơn, đã hiểu làm một người cha của hai đứa trẻ như thế nào. Có lẽ em nó cũng đã thấu hiểu hơn sự khó khăn vất vả của Ba khi gà trống nuôi con những năm bọn con còn ngằn ngặt khát sữa đến khi khôn lớn thành người. Hiểu thêm rồi thì sao? Thời gian đâu quay trở lại, phải không Ba? Nhưng âu cũng là số mệnh, là duyên, là nghiệp để chúng ta đến với nhau, trở thành một gia đình.

    Ba biết không? Mỗi khi sen trong hồ nở là con ngầm hiểu rằng Ba đang đến thăm con. Điều này em cũng không biết đâu. Nó chẳng thích cây cỏ, động vật gì cả nên sẽ chẳng hiểu vì sao tụi con lại trồng sen đâu. À, người chăm bẳm cho hồ sen này là con rể của Ba đấy, người Ba chưa bao giờ gặp mặt, nhưng anh ấy thì biết Ba qua ảnh treo ở nhà. Mỗi lúc tụi con cãi nhau, ảnh lại ngồi bên ảnh Ba tâm sự đấy, không biết Ba có nghe được không. Nếu có, Ba cũng phải nghiêm khắc với anh chàng này nhé. Con vẫn thường bảo:

    "Anh mà gặp em sớm hơn thì đã gặp được Ba và chắc chắn sẽ bị Ba đánh đòn, Ba nghiêm lắm, mấy thói hư tật xấu này của anh, Ba không bỏ qua đâu. Nếu Ba còn, biết đâu sẽ có bộ dạng khác giờ."

    Những lúc con nói thế, thì anh con rể của Ba lại thiệt thà trở lại, ngoan hiền hơn hẳn Ba à. Ít ra cũng có người làm cho chàng ta biết kính và biết sợ.

    Ba biết không, đóa sen đầu tiên nhú lên trong hồ, người mừng hớn hở chạy đi reo mừng, đến độ cả xóm bảo là khùng, chính là anh ấy đấy. Mỗi một ngày, mỗi một giờ búp sen thêm hồng, lại lớn lên, tới khi hé nhụy, bung ra từng cánh hoa thanh khiết là con rể của Ba cũng hạnh phúc không kém:

    "Em ơi, sen nở rồi. Thơm lắm! Nhanh lại đây"

    "Sen nở bung rồi! Rất thơm em ạ"

    "Em cẩn thận chứ, coi chừng gãy sen"

    ….

    Dĩ nhiên con cẩn thận rồi. Sen nở là Ba hóa thân về thăm cơ mà, sao lại vụng về làm gãy được chứ. Thật là…

    Ba ơi, chín năm rồi...Con không thể tin thời gian trôi qua nhanh đến vậy. Định nghĩa thời gian là thế nào? Người ta chẳng bảo thời gian sẽ làm lành tất cả, sẽ xóa mờ những vết sẹo đau thương sao? Chẳng lẽ đó chỉ là những lời hoa mỹ các ông nhà văn, nhà thơ thốt ra trong cơn say? Sao con cảm thấy mọi thứ vẫn như hôm qua, ngày Ba vẫn còn đây, cười đùa tếu táo cùng con. Chúng ta cùng nhau đi dạo, cùng ăn món yêu thích, lại cùng đổ bánh xèo mỗi khi trời mưa…

    Có lẽ thời gian chỉ hoạt động khi tâm thức chúng ta chuyển động. Cho nên, với con Ba vẫn như luôn ở đây, chưa bao giờ rời xa, cũng như trong phim Vua Sư Tử, ngày Simba đau thương vì mất cha, Mufasa đã nói rằng: "He lives in you!" - Ba đang sống trong con.

    Con vẫn biết thế, dòng máu đang chảy trong người con có nửa phần là của Ba, nửa phần là của Mẹ. Nhưng ký ức về Mẹ của con khá mờ nhạt vì Mẹ đã về trời từ khi con còn rất nhỏ, nên Ba trong mắt con vừa là cha, vừa là mẹ, cũng là người thầy con tôn kính, và là người bạn thân thiết có thể tâm sự mọi thứ trên đời. Trong tâm thức con, Ba vẫn luôn ngự trị. Trong trái tim con, Ba vẫn luôn ở vị trí tôn quý nhất. Ba chưa từng rời đi, phải không Ba?

    Thế gian thành, trụ, hoại, không cũng như cuộc đời một đóa sen hồng kia. Từ trong bùn đen, vươn mình lớn lên thành búp non kiêu hãnh đón gió trời, gột rửa tâm linh và thể xác trong nắng trời chói chang, hấp thụ ánh sương mai, cơn gió đêm để một ngày nở bừng, đẹp lung linh, thánh khiết, nhẹ nhàng khoe sắc với đời, tỏa ra hương thơm dịu nhẹ an thần, tĩnh trí.

    Tuy nhiên ít có ai để ý rằng, mỗi khi sen nở là trời sẽ có gió mạnh và mưa rơi. Dường như sự xuất hiện của sen trên trời đất, khiến nhiều yếu tố khác ghen tức và giận dữ vậy. Chín năm con ngồi ngắm sen, hơn trăm đóa sen đã nở, và con đều để ý thấy rằng, mỗi một đóa sen khi nở bừng lên, ắt hẳn trời sẽ có gió to và mưa rơi. Đóa sen chỉ có thể kịp khoe sắc trong khoảnh thời gian rất ngắn, sau đó thì gió vô tình xé nát cánh hoa, mưa cũng phụ họa đánh rơi từng cánh hoa nhỏ bé, mong manh kia ra khỏi đài hoa. Sau mỗi trận gió to, mưa quật như vậy, đóa sen chỉ còn lại đài sen, và vẫn âm thầm kiên cường lớn lên, nuôi dưỡng những hạt sen, để mùa sau, một thế hệ sen mới lại chẳng ngại ngần giông gió, lại kiêu hãnh khoe sắc, tỏa hương.

    Ba của con cũng thế phải không? Ba là đóa sen thiện lành nhất, là người đàn ông đẹp trai, vui tính nhất, là ước mơ của biết bao cô gái cùng thời và cả về sau này. Ba đâu có biết, trong đám tang của Ba có rất nhiều "cô bạn cũ" đến viếng, có người con biết, có người con chưa từng gặp bao giờ. Trong số đó, còn có cả cô cả đời cũng chưa bao giờ lấy chồng. Họ lặng lẽ thắp hương, lặng lẽ ngồi một bên, thỉnh thoảng lau vội giọt nước mắt. Di chúc của Ba, lời chia tay với bạn hữu, gia đình và cả mong ước đừng ai khóc trong đám tang của Ba.

    "Hôm nay là ngày tôi từ giã cõi đời, đi vào cõi vĩnh hằng theo quy luật của tạo hoá:
    Có thành tất có hoại! Năm mươi sáu năm sống ở trần gian là năm mươi sáu năm trả vay nghiệp tao. Hôm nay nợ đã hết duyên không còn nên tôi phải ra đi.

    Bạn bè thân hữu xa gần
    Bà con lối xóm không lời chia tay
    Con yêu không kịp nhắn lời
    Vì chưng không muốn bàng hoàng,
    m thầm lặng lẽ ra đi một mình.
    Nhưng rồi... chữ tình, chữ nghĩa không xong
    không dưng mà bỏ ra đi không lời,
    nên tôi viết vội dòng này
    như lời vĩnh biệt mọi người...từ đây :

    Tôi ra đi, yên phận kiếp người
    Ngừoi ở lại, chớ đừng vấn vương :
    Nghĩa tình vay trả đã xong
    Thì chưng ở lại cũng không nên gì
    Mong chăng người hiểu thấu lòng
    Lau dòng nước mắt, dằn lòng chôn sậu
    Kiếp người vay trả, trả vay
    Có thành tất cũng có ngày hoại không
    Bởi vậy,
    Thân này xin gởi trần gian
    Giã từ nghiệp chướng sanh về phương Tây
    Trần gian ảo mộng từ đây
    Mãi là viễn cảnh ngàn mây xa rồi.

    Trần ai tục luỵ, xin dứt bỏ
    Huynh đệ cha con, cũng đã xong.

    Chút tình ân nghĩa trần gian
    Đi vào quá khứ, đi vào hư vô

    Tới giờ giã biệt chia tay
    Xin đừng lưu luyến, xin đừng vấn vương
    Từ nay đôi ngã chia xa
    Người còn ở lại chút lòng đau thay !
    Riêng tôi mong ước bấy nay
    Đã thành hiện thực : phương Tây thác về
    Ta đi ta thác vào đất Phật
    Thành hoa sen nhỏ nương Phật đài
    Vãng sanh cực lạc niết bàn
    Thoả lòng ước nguyện mong chờ bấy nay !

    ******
    Ta bà thế giới, xin giã biệt
    Cực lạc Tây phương, cánh hạc về"

    (Di chúc của Ba tôi)

    Giông gió cuộc đời nhiều quá phải không Ba, mưa rơi bão táp cũng lạnh lùng quá mà. Lẽ ra, người hiền lành chân chất, lại đẹp trai, tài hoa, chung thủy như Ba phải nên có một cuộc sống hạnh phúc nhất, đầy đủ nhất chứ. Tại sao ông Trời chỉ cho Mẹ ở bên Ba 5 năm và mang Mẹ đi vĩnh viễn, để Ba một phận gà trống nuôi con cùng một thân bệnh tật, nợ nần gia đình đều đổ lên vai.

    "Người ta sống được, mình sống được!" - Con vẫn nhớ lời Ba nói khi ngày đó chúng ta ôm nhau khóc trong tuyệt vọng khi cơn đau bóp nát trái tim bệnh tật của Cha, khi mái nhà mưa dột hứng từng xô nước lớn, gạo trong lu không còn mấy hột để đủ nấu nồi cháo. Bà con, họ hàng, bạn bè đều chỉ ngỏ lời thương cảm rồi ngó lơ. Có lẽ bản thân họ cũng khó khăn không kém chúng ta, Ba nhỉ…

    Rồi gió cũng ngừng, mưa cũng tạnh. Cánh sen đời Ba cũng đã tả tơi ít nhiều, nhưng Ba vẫn là đài sen mạnh mẽ, che chở, nuôi dưỡng tới ngày chị em tụi con thành người.

    Thế mà, khi tụi con cứng cáp, đủ sức thay Ba gánh vác sự đời thì Ba lẳng lặng ra đi, như một lời tiên liệu từ trước trong di ngôn của mình, để lại tụi con bơ vơ, thất lạc giữa cửa ngõ cuộc đời.

    Ngày Ba cưỡi hạc về trời, con trai, con gái Ba vẫn chưa kịp kết hôn. Ba vẫn chưa kịp nhìn thấy dâu, thấy rể, không có cơ hội ẵm bồng thằng cháu trai hay cười khanh khách trên tay. Ngày Ba ra đi, con gái Ba vẫn có nhiều lời chưa kịp nói, con trai Ba vẫn có nhiều điều chưa kịp làm. Phải chăng đó là vô thường? Nghe thật huyễn hoặc, cao siêu, mông lung và bất định quá. Chẳng qua đơn giản chỉ là một đời sen thôi, phải không Ba?

    Sáng hôm nay, trời đã mưa một trận nhẹ nhàng, gột rửa bụi bặm và nóng bức của những ngày qua. Cơn mưa chỉ có dăm phút thôi Ba à, cũng chỉ kịp tưới tắm đất trời, xua đi làn không khí ngột ngạt mà thôi. Lần đầu tiên con bắt gặp, mưa rơi, nhưng chỉ vừa đủ mơn man ướt cánh sen, gió thổi nhưng chỉ vừa để hoa sen rung rinh, càng thêm đẹp lay động trong mắt người.

    Đóa sen hôm nay như bừng sáng, thơm nhẹ nhàng sau cơn mưa!

    Ba đang nhìn con và cười nụ cười vô ưu như mọi ngày phải không? Con biết chỉ vài ngày nữa, sen tàn là Ba lại trở về với thế giới của Ba, và công việc của mình bên đó rồi. Nhưng khoảnh khắc chúng ta bên nhau là mãi mãi, Ba nhỉ!

    Con yêu Ba nhiều lắm, dẫu Ba đã nhắn nhủ rằng:

    "Trần ai tục luỵ, xin dứt bỏ
    Huynh đệ cha con, cũng đã xong.

    Chút tình ân nghĩa trần gian
    Đi vào quá khứ, đi vào hư vô"

    (Trích di chúc của ba tôi)

    nhưng con mãi mãi là con của Ba. Thế giới bên kia có hay không, đời này kiếp sau có hay không con cũng không rõ. Con người sau khi rời bỏ thân xác này thì sẽ đi về đâu, hóa thành dạng thức gì, con cũng không rõ, nhưng con biết rằng con mãi mãi là con của Ba.

    Ba vẫn đang sống trong con, sống cùng con, sống trong từng suy nghĩ, cảm thụ, trong từng dòng chữ con đang viết, trong từng khoảnh khắc đóa sen trong hồ tựu hình, bùng nở và chống chọi cùng mưa, gió cho đến ngày lụi tàn.

    Mùa thu sắp qua đi. Sen trong hồ đã nở, Ba ơi!

    Triều Âm

    #2
      trieuam 06.05.2023 05:58:20 (permalink)



      ĐOẢN KHÚC SỐ 3-DỐC MÙ SƯƠNG


      Hai mươi năm rồi. Chớp mắt một thoáng mà hai mươi năm đã trôi qua, cứ như sợi tóc rơi vèo, lúc theo gió còn xanh, đến khi chạm đất đã phai màu, lấp lánh đến kinh ngạc lòng người.

      Ngày đó, trong lòng bé thầm nhủ:

      " Mình chỉ tạm rời xa phố núi một vài năm thôi. Khi mọi thứ ổn, mình sẽ quay về"

      Vậy mà dòng đời đẩy đưa, bé như cánh thiên di, theo gió đi mãi về phương trời xa, để hôm nay ngập ngừng nhặt sợi tóc phai, bé ngẩn người: "Hai mươi năm rồi sao?"

      Năm đó, bé thu mình trong chiếc áo len màu mận chín, vui mừng hớn hở nép vào gốc cây sau trường, cẩn thận lần giở bức thư anh gửi. Từng nét chữ thân quen màu xanh lá mạ, tung bay dũng mãnh trên nền giấy đen, cứ như những đôi cánh của tộc tiên đang bay trước mắt bé vậy.

      Năm đó, bé biết con tim mình lần đầu rung động. Mỗi ngày, bé kể cho anh nghe từng góc phố thân quen, trời mưa hay nắng, hàng rào nhà ai vừa nở một nhánh tường vi, hay chỉ vu vơ có chú cò đang lượng trên hồ khi chiều rơi… Những nỗi niềm nhung nhớ phong kín trong những trang thư. Thư bé gửi bằng giấy vàng mơ, thơm tươi như màu nắng mới và chỉ chung thủy với màu mực đen lóng lánh. Anh lại yêu màu mực xanh lá mạ và nền giấy đen huyền hoặc.

      Con đường bé đi mỗi ngày có dấu chân ra chợ lấy hàng cho Cha, có dấu giày chạy nhanh cho kịp giờ lên lớp, lại có khi có dấu chân trần trên bãi cỏ cùng tiếng cười đùa khúc khích cùng chúng bạn sau giờ học.

      Con dốc cổ kính, giáo đường nghiêm trang luôn ẩn trong sương mù, nơi lúc nào bé cũng đặt câu hỏi:

      "Có thật là có chú gà trống trên nóc nhà thờ hay không?"

      Bé bị cận nặng nên đeo kính dày lắm, phố núi lúc nào cũng mờ sương, nên chú gà trống huyền thoại kia vẫn luôn là điều gì đó bí ẩn. Anh từng nói rằng, sẽ có một ngày khi hai đứa tay trong tay, anh sẽ phù phép để bé thấy được chú gà trống kiêu hùng kia...Thế mà...Hai mươi năm rồi đấy…

      Ngồi đây, dưới nhành phượng tím, bé tham lam hít một hơi thật sâu, lấp đầy lá phổi luồng không khí trong lành, thân thương, nhìn sóng lăn tăn đùa nhau trên mặt hồ và bé lại ngẩn người, không hiểu tại sao, không hiểu và vì sao anh mãi mãi thật xa tầm tay với, con phố này vẫn mãi một mình bé mà thôi.

      Bé luôn đợi anh, nhưng thời gian không đợi người sao? Lẽ nào hữu duyên, vô phận nên đời hai đứa chẳng quàng vào nhau? Ừ, năm đó nếu bé không rời xa phố núi, bệnh tình của Cha biết sẽ phải làm sao? Anh giận vì cho rằng bé tham hư vinh, bỏ chốn thần tiên, đi vào phố thị ồn ào chăng?

      Anh nào biết rời xa quê nhà, bé không quen hít thở không khí đầy bụi chốn thị thành, choáng ngợp với những dòng người bon chen, chịu đựng cái nóng hanh người, ngay cả hương vị đồ ăn cũng khác, chẳng dễ nuốt chút nào. Để thích nghi, bé đã sụt mất cả mười lăm kí lô, vật lộn với cuộc sống nơi bản thân không người quen biết, bởi vì nếu không bé sẽ vĩnh viễn mất Cha, gia đình mất đi mái nhà nương tựa. Những ngày đi làm mệt mỏi, nên dòng thư bé viết cho anh cũng thưa thớt dần. Nét chữ hồi âm của anh cũng thêm nhiều nét gãy khúc và ngắn dần đi. Không biết từ khi nào hai đứa không còn viết cho nhau nữa, bé cũng không còn nhớ rõ.

      Chả lẽ bé đã sai khi rời phố núi, cho nên thần linh đã trừng phạt, mang anh ra xa khỏi bé, để lời ước hẹn năm nào vĩnh viễn mông lung như sương mù trên phố?

      Sau cơn phẫu thuật, Cha khỏe dần lên, đã có một người không phải là anh cùng bé đi dạo khắp phố phường mỗi ngày. Bước chân Cha thật chậm, thật êm đềm. Quanh các góc phố quen, bé nhớ anh nhiều khôn xiết nhưng quật cường chôn chặt nỗi niềm trong tim. Bé ương bướng cho rằng: "Nếu ta là của nhau, tự động sẽ tìm thấy nhau, không cần nói cũng sẽ hiểu nhau."

      Nghĩ lại, năm ấy thật là ngây thơ làm sao!

      Ai cũng có một thời ngây dại
      Cứ ngập ngừng rồi lại bỏ qua
      Đến nay bóng xế, trăng tà
      Thở dài cám cảnh cũng là dăm câu.

      Cuộc sống cơm áo gạo tiền đẩy chúng ta vào hai vòng xoáy hoàn toàn khác biệt. Bé không biết anh có còn nhớ đến bé hay không? Người ta bảo đàn ông dễ quên lắm. Ừ, có lẽ anh đã quên một thời xa xưa ấy...Mà quên cũng là liều thuốc tốt, để anh trở thành người chồng, người cha mẫu mực của ai kia, của gia đình nào đó, ở một nơi nào đó ngập nắng và không có sương mù.

      Ngày Cha qua đời, bé thẫn thờ mỗi ngày trên con phố quen, vẫn nhìn người qua lại, vẫn hít thở khí trời, vẫn ngắm nhánh tường vi nhà ai, vẫn nhìn hồ lăn tăn gợn sóng nhưng con tim như chết lặng.

      Con xin lỗi, Cha ơi! Con vẫn không kịp mang về cho Cha một chàng rể...Con đúng là đứa con gái thất bại!

      Sau đám tang Cha, bé phẫu thuật mắt. Bé không còn sợ gì nữa. Giờ mắt bé sáng long lanh, phố núi giờ cũng đã ấm lên rồi do người rủ người về đây sống nhiều quá. Rừng thông cũng thưa thớt dần, nên con dốc không còn phủ sương mù nữa, thay vào đó là những tòa nhà như những khối lego, rubik đủ hình thù, đủ màu sắc mọc lên loạn xà ngầu. Bây giờ bé đã thấy được chú gà trống kiêu hùng trên cây thập giá ở nóc giáo đường rồi. Quả thật có chú gà trống, anh ạ!

      Thật buồn cười, mặc dù chúng ta không nắm tay nhau, nhưng bé vẫn đã thấy được chú gà trống ấy rồi. Phép màu đến từ đâu, anh nhỉ?

      Bé đi xuống dốc, bước vào một quán quen, gọi một tô bánh canh. Tô bánh buổi chiều với nước dùng nóng hổi, chỉ là bánh, chả cá và chén ớt ngâm mắm mà thôi. Đơn giản thế mà sao bé rùng mình, nước mắt chực rơi. Hai mươi năm qua, bé đã bỏ lỡ những gì?

      Cũng chân đứng trên mặt đất, cũng là nhà để ở, cũng là không khí để hít thở, và cũng chỉ là tô bánh canh bình dị, thế sao đặt chân trên quê nhà, cảm giác đều khác, mọi thứ đều trở nên thân thương, con tim như rung động muôn tầng cảm xúc, đôi mắt ráo hoảnh bao năm nay lại có giọt lệ nóng chực chờ lại rơi. Chả lẽ do ớt cay quá?

      Ừ thì, dấu chân trên dốc mù sương
      Gửi ngàn thương nhớ, hương quê nồng nàn
      Gửi vào gió trắng chiều vàng lối mơ
      Để ai lại bước những chiều chờ ai…

      Giọt lệ này, rơi xuống một lần sau hai mươi năm để rồi ngày mai, bé lại rời xa phố núi, rời xa quê nhà dấu yêu với những kỷ niệm trùng trùng. Nơi này không còn anh, không còn cha, không còn là nhà của bé nữa. Nhưng mà, cớ sao lệ nóng lại vẫn cứ rơi...Ớt cay quá hay bởi vì phố hôm nay đã thêm nhiều bụi nên mắt bé chiều nay đỏ hoe…

      Triều Âm
      #3
        trieuam 06.05.2023 06:10:54 (permalink)



        ĐOẢN KHÚC SỐ 4
        NƯỚC CHẢY XUÔI DÒNG


        Nước chảy xuôi dòng, cuộc đời cũng dăm ba lối rẽ, biết khi nào có thể gặp lại nhau?

        Con tim từng thổn thức một thời vụng dại, từng hân hoan vì một ánh mắt, nụ cười, cũng từng rạn vỡ, tiếc nuối vì những lời chưa kịp nói, lại cũng từng lặng lẽ nhịp đều theo dòng chảy thời gian, chỉ vương vất lại một bóng hình như có, như không nhưng không thể nào quên được. Người ta gọi đấy là tình đầu của một thời ngây dại.

        Hôm ấy là một buổi chiều mưa lất phất, cô vội vã bước vào lớp ngay sát tiếng chuông báo hiệu. Theo sau cô là một người dáng cao dong dỏng, đặc biệt tỏa hương thơm nhẹ nhàng. Một mùi hương khiến lòng người an tĩnh lại, cô chỉ kịp nhớ thế rồi vội vã vào chỗ ngồi.

        Người thanh niên đó cũng theo vào, nhưng không bước xuống dãy bàn học, mà tiến thẳng đến bục giáo viên. Ơ, thì ra là thầy giáo mới! Cô ngẩn ngơ nhìn, sao có thầy giáo trẻ đến thế…

        Trong ấn tượng của cô, giáo viên phải là người đứng tuổi, đạo mạo, bụng phệ một chút và hói đầu hoặc là một người phụ nữ nghiêm nghị với gọng kính dày cộp mới đúng. Có điều gì không hợp lý lắm ở đây. Nhưng mà đúng là sự thật, đây là thầy giáo mới của khóa này.

        Anh thầy đang viết từng chữ lên bảng tên mình, nét chữ phóng khoáng, bay bổng và đẹp làm sao. Bất chợt cô xấu hổ nhìn vào chữ trong tập của mình. Ôi, cuộc đời thật bất công! Tại sao mình là con gái lại không thể viết đẹp như thế chứ?

        Cứ thế, ấn tượng về một anh giáo trẻ măng, có mùi hương đặc biệt quyến rũ, dáng dong dỏng cao, đi đứng chuẩn mô phạm, rất phong cách in đậm trong trí nhớ của cô, len vào những giấc mơ của cô. Người đâu mà đẹp như tài tử, lại tài năng, hóm hỉnh nữa. Cô chăm lên lớp hẳn, không những thế, cô còn chăm soạn bài, chăm phát biểu, và yêu môn học "anh thầy" đứng lớp hơn rất nhiều.

        Một buổi chiều, trời mưa tầm tã, lớp vắng hơn một phần ba. Cô không nằm trong số vắng học bao giờ. Dù mưa hay nắng, dù bận hay không, cô vẫn luôn có mặt trong lớp từ rất sớm, khác hẳn thói quen lúc nào cũng đến suýt soát giờ vào lớp ở các môn khác. Vì sao ư? Vì để đứng trên hành lang, chờ đến tiếng chuông báo hiệu vào lớp, nhìn giáo viên đi vào, lúc đó cô có thể ngắm "anh thầy" một cách thỏa thích. Không biết "anh thầy" có hay không, nhưng cứ đến giữa sân là cứ như vô tình hay cố ý lại ngước mắt nhìn lên phía lớp, nhoẻn một nụ cười thật tươi. Thật là muốn rụng tim! Cô cứ coi như nụ cười đó là dành riêng cho mình. Lâng lâng trong niềm hạnh phúc, cô và các bạn khác ngồi vào chỗ, nghiêm túc đứng dậy đón chào thầy vào lớp. Bài học hôm nay cô đã chuẩn bị sẵn rồi, thuộc rất kỹ, kể cả đáp án các loại câu hỏi, cô cũng đã lật biết bao nhiêu sách kiểm tra trước, học qua cả. "Anh thầy" hỏi câu nào, cô đều giơ tay hăm hở. "Anh thầy" có vẻ rất hài lòng, tuy có đôi lúc anh gọi người khác, nhưng chẳng ai đáp trọn vẹn cả, nên cuối cùng vẫn phải gọi cô.
        Cô có cảm giác mũi phồng to vì hãnh diện.

        Đến giờ đọc bài. Anh thầy nghiêm mặt:
        "Các bạn đi học cho bản thân, sao thụ động quá vậy. Nếu thế, các bạn đến lớp để làm gì?"

        Lớp im lặng, có tiếng xì xầm nho nhỏ nhưng cũng lập tức im bặt khi "anh thầy" liếc qua. Cô "xì" một tiếng trong lòng, chứ ngoài mặt vẫn nghiêm túc lắm:
        "Học hành gì, toàn đến lớp hẹn hò không đấy. Thầy không biết sao? Chỉ có em mới đi học này"

        Giọng "anh thầy" cất cao:
        "Bây giờ đọc bài. Tôi chỉ tới ai, người đó đọc. Các bạn phải theo dõi, tôi có thể chỉ bất cứ người nào tiếp theo."
        Tiết mục cô thích nhất đây rồi. Bài này à, cô đọc thuộc lòng luôn rồi.
        Không tới ba mươi giây, cô đã phát hiện quy luật gọi người của "anh thầy" hôm nay. Thầy đang gọi từ người cuối lớp lên trên, đi từ phải sang trái. Cô kiên nhẫn chờ, chờ… Nhỏ bạn bên cạnh đã đọc xong, cô đang hăm hở chuẩn bị đứng lên thì cây thước lướt qua khỏi đầu cô, chỉ sang người ngồi bên trái ở dãy bên.

        "Anh thầy" mặt vẫn lạnh tanh, giống như không thấy cô. Tại sao? Tại sao? Một nỗi tức giận từ từ dâng lên. Cô không còn nghe các bạn đọc bài nữa.
        Tuần tự từng người đọc, vẫn người này kế người kia, tại sao thầy lại bỏ qua cô? Tại sao không gọi cô? Không hiểu tại sao nhưng cô cảm thấy uất ức, và nỗi giận sôi trào. Bàn tay đang cầm cây viết chì khúc yêu thích (loại viết chì nhiều ngòi lắp vào nhau, dùng hết ngòi này thì rút ra cắm vào đuôi bút, sẽ có ngòi mới để viết) tự dưng dộng thật mạnh xuống bàn. Ngòi chì từ trong văng ra tung tóe kèm theo tiếng rầm rõ to.

        Cả lớp im phăng phắc. "Anh thầy" cũng giật mình quay lại nhìn cô.

        Mặt cô hầm hầm, không thèm nói gì, chỉ nhìn chằm chằm vào quyển sách trước mặt. Nhỏ bạn kéo áo, lay lay cô. Cô vẫn không thèm nhúc nhích.

        Trong thoáng chốc, thời gian như đông lại. Một thoáng sau, tiếng "anh thầy" bình tĩnh nhưng cứng ngắc:

        "Bạn nào lượm lên giùm em nó."

        Cô ngẩng mặt lên, mím môi:
        "Không cần. Xin lỗi mọi người"
        Rồi bước ra nhặt lên các ngòi chì vương vãi khắp lối đi.

        Lớp học cũng trầm hẳn lại. Mọi người len lén nhìn cô. "Anh thầy" cũng thỉnh thoảng liếc nhìn nhưng gương mặt cô lúc ấy có lẽ rất khó coi.

        Sau hôm ấy, cô không đến lớp nữa.

        Một tuần sau, nhỏ bạn đi học cùng nói:
        "Thầy hỏi sao mày không học?"
        Cô bặm môi:
        "Tao bận."

        Khóa học rồi cũng kết thúc, cô cũng không đến lớp chia tay. Cô bận!

        Cô bận mãi đến tận hai mươi năm sau, phiêu du ở những phương trời xa lạ, chìm vào những con chữ, những người bạn mới. Cây chì khúc cũ kỹ kia vẫn nằm trong hộc tủ.

        Thật ra nhà cô và nhà "anh thầy" chỉ cách nhau khoảng một cây số. "Bận" nhưng sau hôm đó cô vẫn kiếm cớ đi ngang nhà ảnh mỗi ngày, có những ngày mưa gió, cô vẫn kiếm cớ đi ngang, có khi chỉ cần nhìn thấy dáng cao gầy kia trên khung cửa sổ là được.

        Cô cũng thấy xe "anh thầy" khi đang đi ngang nhà cô thì "vô tình" hỏng, anh lúi húi ngồi xuống sửa này nọ, nhưng tay đó đâu phải là sửa xe, ánh mắt kia cứ nhìn vào nhà cô. Cô nấp mình sau cánh tủ, nhìn anh qua lớp kính, bĩu môi:
        "Xe gì hư hoài, sửa hoài."

        Nhưng không lẽ chạy ra hỏi:
        "Xe thầy hư à?"

        Cảm xúc hỗn loạn, cũng không biết đó là thứ cảm xúc gì, nhưng cô không thể xóa sự thật rằng "anh" là "thầy" của mình.
        "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" - Ba cô đã dạy câu đó từ thuở nhỏ, và cô cũng thuộc nằm lòng. Nhưng sao "anh thầy", lại trẻ đến thế, sao cô lại thích nhìn anh, thích nghe anh nói đến thế. Cô có chia sẻ cảm xúc với bạn thân mình, nhưng nhỏ đó suỵt một tiếng rõ to:
        "Ba mày mà biết là ăn đòn chết đó."
        Đúng rồi, nỗi sợ đòn đó làm cô không dám suy nghĩ gì thêm. Thế nên cô "bận"...

        Thời gian như dòng nước trôi xuôi, nước chảy xuôi dòng cuốn trôi những thuở ngây dại, những muộn phiền, những dại khờ của thuở nông nỗi. Thỉnh thoảng gặp viên đá ngáng đường nên cảm xúc có đôi lúc xao động, cũng như lúc này, cô đang trên đường vào bệnh viện thăm ba ngày chủ nhật thì đụng phải một người hớt hải bế một em bé trên tay chạy vào. Tim cô như ngừng đập, là "anh thầy". Đúng rồi, là anh ấy, nhưng sao tóc anh bạc trắng thế này.

        Cô đi theo sau anh. Cô bé con nằm trên giường chỉ tầm năm, sáu tuổi, hình như đang bị sốt. Có một người phụ nữ rất đẹp, đang đầy vẻ lo lắng ngồi bên cạnh.

        Anh cuống quýt đi ra, đi vô:
        "Sao không thấy bác sĩ đâu?"

        Cô tới gần, hỏi:
        "Em chào thầy. Cháu bị sao thế ạ?"

        Anh giật mình, nhưng cũng kịp gật đầu chào và trả lời như cái máy:
        "Bị sốt cao, nên mới nhập viện, nhưng sao không thấy bác sĩ đâu."

        Anh không nhận ra cô, cũng phải, cô chỉ là một học sinh không chính thức trong một thời gian rất ngắn trong số hàng nghìn học sinh của anh. Hơn nữa, tóc cô bây giờ đã dài, mắt cô cũng lung linh, da trắng hơn "con bé dã nhân" năm nào rất nhiều.

        Nhìn cô bé con, cô ái ngại:
        "Thầy cô mang em đi phòng mạch tư đi. Hôm nay chủ nhật, làm gì có bác sĩ. Họ chỉ trực theo lệ thôi. Sốt vầy, chắc cũng tiêm thuốc rồi cho nằm theo dõi tới thứ hai tính tiếp."

        Hai người nhìn nhau, cô nhún vai.

        "Ba em nằm bên khu B chục ngày rồi nên biết rõ lịch ở đây ngày chủ nhật. Trừ phi cấp cứu, chứ không thứ hai mới tính. Thầy cô cho em đi phòng mạch tư đi. Chủ nhật bác sĩ toàn làm việc ở phòng mạch tư. Thôi, em xin phép. Ba em đang đợi bên kia"

        Cô cúi chào rồi bước ra ngoài. Tiếng giày gõ lên trên hành lang vắng người. Tự dưng cô nhớ tới "anh thầy" duyên dáng trong bộ vest tươm tất, nụ cười thường trực trên đôi môi cương nghị. Một hình ảnh khác xa người đàn ông áo quần nhăn nhúm, đầu tóc bạc trắng, mặt đầy vẻ lo lắng ở phòng bệnh kia. Cô lại nhớ tới người phụ nữ xinh đẹp như búp bê sứ kia. Cô ấy thật đẹp, khuôn mặt trang điểm kỹ, mũi thật cao, mắt thật to. Gương mặt cô ấy thật hoàn hảo. Anh ấy đã lựa chọn, và anh ấy cũng chẳng nhớ mình là ai. Tự dưng cô muốn cười lớn và có chút hả hê, "anh" của cô đẹp long lanh biết bao nhiêu, "anh" của cô ấy thật nhếch nhác và đáng thương.

        Cơn gió se se lạnh thổi qua, cô khép chặt chiếc áo măng tô và đi vội. Ba còn đang đợi…

        Chiều nay có lẽ lại có một trận mưa to.

        Hết đoản khúc số 4.

        Triều Âm
        #4
          trieuam 06.05.2023 06:14:11 (permalink)



          ĐOẢN KHÚC SỐ 5
          THÚY KHÙNG

          Ngày mình mua cái nhà này xong mới biết chủ nhà kêu bán trầy trật mà không bán được, nên ai cũng tò mò ngắm chủ nhà mới, trong đó có A Thúy.

          A Thúy tướng phốp pháp to con lắm, "điện nước dư xài" nhé. Hồi đó mua nhà xong mình cũng ít có mặt ở nhà, toàn vi vu lục tỉnh miền Tây hoặc leo lên miệt Đakmil, Đaknong, Đồng Nai, Lâm Đồng. Năm vài ba bữa lại bay Hà Nội để "làm cho ra nhẽ" với mấy cụ hay nhịp đùi ngồi phòng máy lạnh ra luật vớ vẩn. Do đó, mua nhà mấy năm chứ mình chả biết ai là ai. Cho tới một ngày chủ nhật nọ, mình bắt gặp A Thúy dán mắt vào hàng rào rồi chào hỏi thân thiện, nói đủ thứ trên trời dưới đất. Mình mới đáp lại vài câu thì công túa kéo luôn mình vào nhà:
          "Không nói chuyện với con đó, trả lời là nó bám riết luôn"

          Nghe nói hồi A Thúy mới lớn, hay tò tò theo tụi trai đi chơi. Có một sớm lúc người ta dậy đi tập thể dục thì thấy A Thúy trần truồng ngồi co ro bên tường nhà, mắt vô thần, toàn thân đủ vết thâm tím. Người ta mới đập cửa, má A Thúy mới mắt nhắm mắt mở đi ra vừa mắng vừa chửi lôi nó vào trong nhà. Sau đó nó cứ đi khắp xóm cười hềnh hệch, kể và nói đủ chuyện chả đâu vào đâu. Người ta gọi nó là Thúy Khùng từ đó. Mà Thúy Khùng rất mê trai, thấy trai là Thúy tò tò đi theo ngay.

          Công túa kể cho mình nghe rằng thằng D con bà Tám cũng "hốt" nó rồi, còn khoe nhìn bao bì vậy thôi, chứ bóc ra bốc lửa lắm này nọ. Nghe nói trai xóm này hốt nó cả rồi. Bà tạp hóa có lần còn muốn rinh nó về làm con dâu nữa, may mà con trai bả chỉ toàn mê gái Hàn.
          Giờ nói lại, bả còn thở phào:
          "May ko mang nó về làm dâu, chứ không giờ người bị nó chửi mỗi ngày là tui rồi"

          Chứ gì nữa, mỗi lần nó lên cơn là nó lôi má nó ra chửi từ thượng nguồn tới hạ lưu, không thứ từ ô uế nào nó không dùng. Có lần cũng ngày chủ nhật, mình đang tính ngủ nướng thì má con nhà nó um sùm, tới độ mình phát điên phải nạt nó, rồi kêu má nó đi ra nhà mợ nó đi. Bà đó cũng hay, con gái khùng mà bả cứ nói tiếng tới tiếng lui. Nhức cả óc!!!

          Rồi gia đình nó bàn bạc, quyết định tống của nợ này đi bằng cách gả nó cho anh chăn vịt bên kia sông. Đâu được một năm thì nó lọt tọt ôm đứa con và vác thêm cái bụng về, hỏi:
          "Chồng mày đâu?"
          Nó cười hềnh hệch:
          "Đi lấy con khác rồi"
          Hỏi tiếp:
          "Sao nó không nuôi con?"
          Thúy Khùng xoa xoa bụng rồi trả lời:
          "Nó nói tối nào tui cũng leo lên bụng nó nhảy mới có mấy của nợ này. Chứ nó đâu muốn có con. Nó bảo tại tui nhảy ra mấy đứa nhỏ thì tui phải nuôi"

          Thế là mưu kế tống đứa con khùng đi thất bại, bà Ba mê bài bạc đó rinh về thêm hai đứa cháu ngoại khô đét, suy dinh dưỡng. Được cái trời thương, hai đứa nhỏ vậy mà chẳng bệnh bao giờ nhưng không hề biết nói. Mẹ con Thúy Khùng giao tiếp với nhau toàn hú, hét, gào, đập đồ. Hễ mẹ con nó ngủ thì thôi, chứ thức dậy là cả xóm khỏi cài báo thức.

          Bà Ba rao bán nhà vì đông con quá, vừa ăn vừa đánh bài nữa, của đâu mà đủ. Thúy Khùng còn có 3 ông anh ruột, cứ chiều chiều say xỉn, và một ông anh khác cha, là con của má nó với chồng trước. Cả nhà chỉ có ông này chí thú làm ăn, báo hiếu cho mẹ và làm cắm cổ nuôi em. Nợ nần Thúy Khùng và các cháu đi ăn ghi nợ thì ông anh này lĩnh lương ra đều thanh toán hết. Gia đình cũng ồn ào mỗi ngày, lục đục đánh nhau mỗi đêm, nhưng rồi ngày mai trời lại sáng, mọi thứ lại bình thường thôi. Cả xóm cũng quen rồi.
          Chuyện chỉ xảy ra khi bà Ba kêu bán nhà. Ba ông anh ruột của Thúy Khùng suốt ngày say xỉn, gây sự đòi đuổi ông anh khác cha ra khỏi nhà. Ông kia thì cứ nhịn, không nói gì, im im nuôi mẹ đang bị tiểu đường đã bị cắt mất một bàn giò. Hôm trước có người từ thiện cho bả cái chân giả ở tít miệt Tiền Giang. Ông con này xin nghỉ làm một ngày, chở mẹ đi tận xuống đó lắp bàn giò cho bả có cái mà đi lại. Hôm sau, lúc ông này đang ngủ thì ba ông say xỉn kia lại tiếp tục điệp khúc gây sự. Nghe đâu thằng tư bị mất tiền nên đang tru tréo. Ông này chỉ quay mặt vô tường nói:
          "Tao không có lấy"
          Chuyện lên cao trào, tụi nó lôi nhau kéo ra ngoài sân đánh nhau. Các nhà quanh đó đều đóng sập cửa từ lâu. Ở trong nhà, mình còn nghe tụi nó dộng đầu vào hàng rào nhà mình cái bum, rồi lát sau im re.
          Sớm hôm sau, mọi chuyện vẫn bình thường như cũ. Tới tối thì nghe bà Ba la lên:
          "Có ai giúp không, chở giúp con tui đi bệnh viện với, nó sùi bọt mép rồi."
          Thúy Khùng thì đang nắm chặt tờ giấy bác Hồ xanh xanh, nhét vội vào cạp quần.

          Thằng D, dù gì cũng hốt A Thúy vài lần mới tình nghĩa chạy vào, khiêng đi, chỉ vài tiếng sau thì ông đó chết.
          Bác sĩ hỏi, bà Ba nói quanh co là tai nạn, nhưng sao qua mắt được bác sĩ, nên họ báo công an quận.
          Thế là mình được chứng kiến vụ dựng hiện trường, thằng ba bị bắt đưa đi. Nghe nói lĩnh án năm năm tù giam.

          Lao động chính duy nhất, đứa con có hiếu duy nhất đó bị đánh chết rồi, cả nhà đó bắt đầu cãi cọ nhiều hơn, toàn chuyện cơm áo gạo tiền.
          Được dăm bữa thì nghe má nó la hét, đuổi nó về nhà với chồng. Thế là nó tru tréo lên:
          "Quân giết người. Nhà của tao sao không cho tao ở. Tụi mày âm mưu giết người, còn giấu hung khí đi, tưởng tao không biết à.Tụi mày tính bán nhà, ăn luôn phần của ba cho tao sao..."
          Thế là mẹ và các anh nó kéo nó vào nhà bịt miệng lại.

          Căn nhà gia đình Thúy Khùng do ba nó tự tay xây. Xây rất kỹ và có vẻ ổng cũng không có ý định bán nên có xây khác bản vẽ, do đó không hoàn công được. Má nó với lũ anh nhân đó nhận cọc 2-3 người xui xẻo. Tới khi người ta biết thì nếu hủy kèo lại phải đền cọc gấp đôi, cứ thế lấy tiền đó mà sống. Đi đêm có ngày gặp ma, đợt cuối gặp trúng "cán bộ" mua và tuyên bố "ra giấy" được. Thế là ngày nào cũng thấy cảnh người ta tới đòi cọc, còn đòi quăng đồ đạc gia đình Thúy ra khỏi nhà.
          Nó thì vẫn tỉnh bơ:
          "Kêu công an bắt bỏ tù hết đi. Tui có biết gì đâu, có nhận đồng nào đâu.Ai nhận tiền thì bắt hết đi", rồi chất con lên cái xe con nít người ta cho đẩy đi chơi.
          Nó đẩy con mà gặp ai vô hỏi coi nhà là nó bảo:
          "Mua gì. Nhà tranh chấp đó, đi qua đường bên kia mà mua, bán rẻ hơn nhiều"

          Thế đó, cả xóm cứ vừa thở phào khi nghe mẹ nó nói:
          "Cuối tháng này dọn đi", thì lại thổn thức khi không biết cuối tháng nào, năm nào.
          Lại vừa mới nghe bả nói:
          "Cuối tháng này dọn" nữa rồi đấy. Haizzz

          Thúy Khùng thì mỗi ngày vẫn đều đặn 5 giờ sáng cùng con nó la hét, sau đó xách cái chổi đi quét sạch hết lá cây ngoài sân, ngoài đường, rồi đẩy con đi.
          Có bà hàng xóm hỏi:
          "Mày đi xuống chợ sớm thế"
          Nó trả lời:
          "Xuống đó có bà bán đồ chay. Hai chục nghìn nhiều lắm. Ăn chay cho nhẹ bụng. Trong chùa bán mắc hơn nhiều, mẹ con tui sao ăn nổi"

          Hôm trước lại cũng vừa mới nghe bà Ba tru tréo:
          "Đứa nào lấy tiền tao?"

          Thúy Khùng thì bỏ đi ra xóm trước:
          "Ai lấy của bà"

          Người ta lại thấy Thúy Khùng diện cái quần bó sát, cái áo mỏng tang, lộ cái áo ngực ren vừa ôm bầu ngực căng mọng, tâng lên tâng xuống theo bước chân nhún nhẩy của nó lượn lờ quanh đám thợ xây.

          Xóm ngoài dạo này có 2 cái nhà đang xây, cánh thợ toàn đàn ông nên mắt Thúy Khùng long lanh hẳn. Có bữa nó còn nói với bà Tám:
          "Thằng cha ngoài đó mê tui lắm, mua sữa cho con tui, còn cho đồ nữa, lâu lâu cho được hai, ba trăm"

          Thế đó, mẹ nó bán nhà thì cứ bán. Nó cứ tung tăng thi hét với con, diện đồ đi xàng qua lạng lại với cánh thợ thuyền, chỉ cần có cái nhét bụng là đủ.

          Bây giờ...mẹ con nó vẫn đang gào thét bất chấp trời mưa, vì cánh thợ đã rút đi rồi. Cái ông hay cho nó hai, ba trăm cũng không thấy quay lại nữa.

          Mình cũng không biết khi nào nhà nó dọn đi. Thúy ơi, tao lạy mày, không biết mày có khùng không chứ tao thì sắp khùng bởi tiếng hét ám ảnh của mẹ con mày lắm rồi đó nha.

          29.11.2020
          Triều Âm
          #5
            trieuam 06.05.2023 06:19:22 (permalink)




            ĐOẢN KHÚC SỐ 6

            CHUYỆN CỦA BÁC MÉO
            Mặt sân tràn đầy nắng, bác Méo duỗi mình, ưỡn cái bụng tròn, mở miệng ngáp rõ to.
            Cuộc sống còn mong gì hơn thế: một mái nhà, ngày không lo ba bữa ăn, không ai làm phiền, lũ con cháu nể phục, được cô chủ xinh đẹp ôm trong lòng, lũ trẻ con hàng xóm thỉnh thoảng đi ngang đều hô to: "Chào bác Méo"
            Bác Méo thuộc dòng giống mèo mướp quý tộc lâu đời. Bác có dáng đi bệ vệ, khoan thai, không bao giờ gấp rút, phong cách ăn uống gọn gàng,không giống thằng Cún kia...
            À, thằng Cún cũng là một con mèo màu trắng, đầu to, mắt lộ, lại lắm lông, ham ăn như một con lợn. Nết ăn uống của thằng này thì bê bối như một con chó, nên nó có cái tên rất ấn tượng vậy.
            Xí Muội nằm gối đầu lên tay bác Méo, nó giương cặp mắt hai màu, một bên hổ phách, một bên xanh dương lên, hỏi bác:
            "Bác ơi, sao bác lúc nào cũng vui vẻ?"
            Bác Méo liếm đầu Xí Muội đầy âu yếm:
            "Tại sao lại không thể vui vẻ?"
            Xí Muội ngẫm nghĩ và trả lời:
            "Cháu sợ tiếng xe. Cháu không ăn nhanh như bố Cún. Cháu muốn đánh con chó Phèn, nhưng đợt trước nó cắn cháu phải đi viện cũng rất đau... Nghĩ tới những điều này, cháu không thể vui vẻ được."
            Bác Méo ôm Xí Muội cưng chiều, nói:
            "Nghe mỗi ngày, tiếng xe cũng như bản nhạc ru ngủ thôi. Mà sao cháu không học bố Cún khi ăn? Hoàn toàn không lo nghĩ..."
            Nằm xa xa trên hàng hiên, Cún ngáp dài, nói với sang:
            "Ăn mà suy nghĩ sẽ giảm năng suất đấy...Giờ ăn là giờ tuyệt vời nhất, không nên lãng phí hạnh phúc!"
            Bác Méo gật đầu, tỏ vẻ đồng ý, nói tiếp:
            "Con Phèn kia to gấp ba lần bố cháu, làm sao cháu đánh lại. Chiến đấu với kẻ thù quá mạnh, làm hại bản thân là điều dại dột. Cháu hiểu không?"
            Xí Muội gục gặc đầu:
            "Vâng... nhưng cháu ghét nó lắm ạ!"
            Nắng sáng len qua giàn cây xanh mát. Bác Méo vươn tay lười biếng chạm vào một vệt nắng tròn lung linh trước mặt:
            "Đánh không lại thì cháu phải chạy thật nhanh đến nơi an toàn, gọi mẹ và bác ra" - Méo nhìn nhìn qua Cún, bốn chân đã giương cao, bụng ngửa lên trời, mắt nhắm nghiền, đang ngáy khò khò - "Khỏi cần gọi bố cháu..."
            "Cháu nhớ rồi!" - Xí Muội trả lời với dáng vẻ thông minh và tin tưởng.
            Bác Méo mỉm cười, ôm Xí Muội vào lòng. Mắt nhắm lại, hồi tưởng về một ngày xa xưa...
            Đó là một ngày mưa tầm tã, trời tối đen, nước dâng lên, anh chị em Méo bị cuốn vào dòng nước dữ tợn dưới sông. Cả bọn vùng vẫy, la hét gọi mẹ trong tuyệt vọng.
            "Bên này, bên này còn một đứa. Nhanh lên mọi người, không sẽ bị cuốn trôi hết!"
            Tiếng kêu của anh chị em Méo đã đánh động sự chú ý của người dân quanh đó, nên cả lũ được vớt lên kịp lúc, ướt nhẹp, co rúm, sợ hãi, run cầm cập.
            Sau đó Méo và các anh chị em được đưa đến nhà mới, có ánh sáng, ấm áp, có sữa và đồ ăn ngon. Méo rất thích, ăn đến bụng tròn căng.
            Một ngày nọ, bà trộn cơm cho Méo thật nhiều, thì thầm:
            "Chúc mừng con trai đã có chủ rồi. Ngoan nhé!"
            Thế là Méo chia tay anh chị em, theo một cô bé về nhà. Méo hiểu rồi, Méo sẽ sống cả đời với cô chủ, sẽ yêu thương cô chủ nhất.
            Nhưng em họ cô chủ thì lại không nghĩ vậy. Khi cô chủ đi học, Méo liền trở thành banh đá, hoặc bị vặt lông bằng kéo. Méo ghét em họ cô chủ không khác gì Xí Muội ghét con Phèn bây giờ. Một lần nọ, Méo vùng lên, cào vào mặt và cắn chảy máu tay tên độc ác đó.
            Khoảnh khắc địa ngục bắt đầu. Gia đình cô chủ cãi nhau. Méo giãy ra, bị trật chân khi bị bố cô chủ nắm lấy, đòi quật chết. Cô chủ khóc to lắm. Méo thì sợ hãi, trốn biệt trong kho.
            Khuya đó, cô chủ lặng lẽ kêu Méo ra, đưa một đĩa cá đầy ắp, ngon lành, nói dịu dàng:
            "Méo ăn đi!"
            Oa... vẫn là cô chủ tốt nhất. Lúc ấy Méo mới thấy đói và cắm đầu vào ăn. No nê, Méo liền dụi đầu vào tay cô chủ như mọi ngày, không để ý thấy mắt cô đang ngấn nước.
            Méo được chở đi. Con đường hoàn toàn xa lạ.
            Tiếng xe dừng lại. Khoan, nơi này trông quen quen. Ơ, bà cụ hồi đó cho chị em Méo ăn đây mà. Thì ra sắp được gặp lại chị em rồi... Méo vui vẻ hẳn lên, kêu ngoao thật to, dụi đầu vào tay bà, không kịp thấy cô chủ đã quay xe đi.
            Méo theo bà vào nhà, nhìn quanh, nhưng không thấy chị em mình đâu. Bà xoa đầu Méo, nắn nắn cái chân:
            "Tội nghiệp con!"
            Hôm sau có một ông đến nhìn Méo. Trong lúc Méo đang thoải mái vì được vỗ về thì ông ta dùng cái ống to, chích vào mông Méo. Trần nhà bắt đầu quay tròn. Méo thiếp đi, thấy mình đang nằm trong lòng mẹ, bú dòng sữa thơm ngon và đùa giỡn cũng các anh chị em trong hốc nhỏ bên dòng sông.
            Khi Méo tỉnh giấc thì chỉ bắt gặp một đôi mắt to tròn, đang vui vẻ nói:
            "Con trai tỉnh rồi à? Giờ về ở với mẹ nhé!"
            Hành trình đến ngôi nhà mới đã bắt đầu như thế.
            Méo vẫn chưa chấp nhận nơi ở mới. Tại sao không thấy cô chủ, không thấy bà nữa. Méo buồn bã và không muốn ăn.
            Nhưng một ngày nọ, mùi vị quen thuộc của món cá hấp thần thánh đã xuất hiện khiến Méo cồn cào ruột gan, lao vào ăn một đĩa to. Méo thấy "mẹ" vô cùng hạnh phúc. Méo bắt đầu quen với bàn tay vuốt ve ấm áp của mẹ, nghe mẹ thủ thỉ kể chuyện.
            Vài tháng sau, Méo dần dần chấp nhận sự thật là mình đã bị cô chủ cũ bỏ rơi. "Mẹ" hiện giờ mới là người thương yêu Méo.
            Méo không hiểu tại sao cô chủ cũ lại vứt bỏ mình, nhưng Méo không muốn làm "mẹ" buồn, nên Méo sẽ không đánh các em miu khác nữa. Nhưng Méo ăn nhiều quá, mẹ sẽ có lại mang Méo đi bỏ không? Nhưng không ăn thì sẽ đói lắm. Méo rất sợ bị đói, rất sợ bị lạnh.
            Méo từ từ học được cách tranh thủ khi mẹ không có ở đó, hoặc mẹ ngủ thì sẽ ăn hết đồ ăn. Như vậy thì mẹ sẽ không nghĩ là Méo ăn nhiều. Như vậy thì mẹ sẽ không đuổi Méo đi.
            Vậy mà thằng Cún ngu ngốc kia không hiểu điều đó. Nó cũng bị chủ vứt bỏ vì sún răng nên mẹ mang nó về. Sún răng mà nó cứ ăn như chết đói. Méo sợ nó ăn nhiều mẹ sẽ ghét và vứt nó đi. Như vậy Méo sẽ không có bạn nên thấy Cún ăn nhiều, Méo rất giận, đánh cảnh cáo vào đầu. Nhưng Cún là đầu gỗ, da trâu, lông dày, không hiểu lòng tốt của Méo, còn ngoác miệng ra:
            "Tranh thủ ăn nhanh đi mẹ mới vui!"
            Méo tin rằng Cún ngốc không hiểu gì cả, vẫn phải nên đánh nhắc nhở nó mỗi ngày mới được. Ở đây, Méo mới là đầu đàn.
            Rồi thằng Cún có vợ. Vợ nó xinh lắm, cô nàng cá tính trắng như bạch tuyết. Thế là Méo có cháu.
            Các cháu rất xinh, rất yêu và ngưỡng mộ bác Méo.Trong đám ấy, có Xí Muội suốt ngày đòi nghe bác kể chuyện và hỏi trăm thứ tại sao.
            Gió mát thổi qua, xua rơi vào chiếc lá đáp nhẹ lên cái bụng tròn xoe của Méo.
            Xí Muội đã ngủ say, lăn ra khỏi tay bác, ngửa bốn chân lên trời, cái mũi đỏ hồng đang phập phồng, ngủ rất ngon.
            Cuộc đời còn mong gì hơn thế chứ. Gia đình hạnh phúc của Méo là đây.
            Méo duỗi người, chìm vào giấc ngủ.
            Méo không còn mơ nữa.
            Buổi sáng cuối tuần thật bình an. Trời thật trong, nắng thật vàng.
            Hình như Méo nghe thấy tiếng mẹ mở cổng:
            "Thằng mập ngốc! Mẹ đi chợ đây. Hôm nay ăn cá trứng nhé!"

            Hết đoản khúc số 6.

            Triều Âm
            #6
              trieuam 06.05.2023 06:23:11 (permalink)

              ĐOẢN KHÚC SỐ 7
              BÁNH MÌ XÍU MẠI


              Xíu mại thơm, nồng nàn hương ngò bẻ
              Đẫm vị cay, lại béo ngậy từng viên
              Bánh mì giòn, còn nóng nguyên cả ổ
              Xẻ làm đôi, chan nước sốt đậm đà.

              Cắn một phát, cả đất trời nở hoa
              Không thể tả như thế nào cho đúng
              Hương quê hương, vị tuổi thơ thấm đượm
              Tan ngọt ngào trong vòm họng, ngất ngây...

              Cắn miếng nữa, ta thấy cả trời mây
              Ôm phố núi còn nằm say mơ ngủ
              Thấy dáng người, ly cà phê năm cũ
              Tỏa hương thơm gọi đủ bình minh về

              Cắn miếng thôi, bảo đảm sẽ chết mê
              Bánh mì xíu mại chẳng ai chê được nào
              Ăn miếng thôi sẽ cảm thụ ngọt ngào
              Cay nhè nhẹ, béo thơm trào cảm xúc.

              Ngồi xuống đây, mặc kệ đời tất bật
              Làm một ổ mì nóng, xíu mại cay
              Hãy thưởng thức từng miếng nhỏ trên tay
              Để thấy cả quê hương ngày hôm đó.

              Mau mau lên, cớ sao còn đứng ngó
              Còn nghĩ suy, sáng nay ăn gì sao?
              Bánh mì xíu mại, một ổ nào
              Vừa ngon ngây ngất lại trào nhớ thương.

              (Thơ ham ăn của tui)

              Buổi sớm mai trong lành, sương còn giăng mờ trên phố, khoác chiếc áo jacket lên, chạy bộ một vòng quay về, đang lững thững đi thì mùi thơm của nồi xíu mại và bánh mì mới ra lò thoang thoảng, khiến ruột gan cồn cào, bao tử biểu tình đòi ăn ngay tắp lự.

              Món này xuất hiện ở cao nguyên này từ khi nào cũng không rõ, có lẽ là từ ngày Pháp họ xây dựng ở đây, meat ball (thịt viên) vốn dĩ là món dễ làm, dễ ăn của họ. Thời gian trôi đi, món thịt viên ấy đã biến tấu dần theo khẩu vị dân bản địa và trở nên hài hòa, dân dã, bình dị, ai cũng có thể ăn. Ở phố núi này, bất cứ xe bánh mì nào, bạn cũng có thể mua được món bánh mì xíu mại.

              Nhỏ rất yêu món này, cả một thời thơ ấu, từ thuở đeo khăn đi nhà trẻ, đến chập chững lớn lên, đến ngày mặc áo dài trắng đầu tiên, rồi ngày ra trường mắt đỏ hoe, hình như bánh mì xíu mại chứng kiến được cả.

              Nhỏ còn nhớ thuở còn bé, ngày nào cũng dậy sớm hóng bác bán bánh mì dọn hàng, ngồi trong nhà, mở hé cửa sổ hít hà khi nồi xíu mại sôi sủi tăm trên bếp. Cầm vài đồng trên tay, thế là nhỏ phóng ngay qua đường:

              "Bác ơi, một ổ xíu mại, chan nước nhiều."

              Bác bánh mì tươi cười lấy ổ bánh mì trong cần xé ra, đặt bên rìa vỉ sắt, nơi có nồi xíu mại ở giữa đang thơm nồng, quyến rũ. Bác trở bánh cho thật nóng giòn và nhanh nhẹn dùng con dao quen thuộc xẻ bánh, sau đó múc lấy hai viên xíu mại trong nồi ra, cho vào giữa ổ bánh mì, khéo léo nghiền đều, thêm tí đồ chua, cọng ngò, dùng tờ giấy báo kẹp ngang và đưa nhỏ.

              Cảm xúc lúc nhìn bác ấy lấy xíu mại từ trong nồi ra thần thánh biết bao. Trong lòng nhỏ cứ thầm réo:

              "Ba viên, ba viên nào…"

              Nhưng bác ấy hay lắm, chẳng bao giờ múc lầm. Một ổ, luôn luôn là hai viên.

              Các xe bánh mì đều có bán món xíu mại cả, nhưng không hiểu sao nhỏ thích ăn nhất bánh mì của bác. Có lẽ nhỏ thích nhìn bác từ lúc dọn hàng, lúc nhấc ghế ngồi đợi khách, hương xíu mại thơm thoang thoảng trong hương sớm mai. Tất cả vậy mà lại tựu thành một bức tranh không bao giờ phai trong ký ức.

              Lên cấp ba, tung tăng áo dài trắng đi học cùng chúng bạn. Con gái mà, dĩ nhiên có tuyệt kỹ trong ăn hàng. Theo chúng bạn, nhỏ biết được khu bên kia còn có quán bán xíu mại trong chén, bánh mì để riêng. Xíu mại còn có da heo đã nấu nhừ đi kèm, còn có thể gọi thêm chả nếu thích. Đúng là ngồi tíu tít tám chuyện và ăn xíu mại trong chén có "phong cách" hơn và cũng hao bánh mì hơn hẳn kiểu ăn truyền thống mà bác bánh mì trước nhà nhỏ làm. Tuy nhiên, không hiểu sao nhỏ vẫn thấy hương vị xíu mại của bác làm ngon hơn. Có lẽ xíu mại của bác có hương vị ký ức, còn xíu mại chén của người ta có hương vị bạn bè.

              Sau này, bạn bè cùng xóm và các xóm lân cận đều lớn lên, mỗi người chọn một cuộc sống khác nhau, cũng có đôi cặp nảy sinh tình yêu và trở thành vợ chồng, sống bên nhau vô cùng hạnh phúc giữa xóm làng, quê hương nhưng đa phần là tứ tán khắp nơi, bởi vì phố núi trừ vẻ đẹp thơ mộng và không khí trong lành ra, thật khó khăn để có thể tìm việc làm, mà tìm không ra việc làm thì lấy đâu ra xu để ăn bánh mì xíu mại.

              Thế đấy, cuộc sống cứ mãi quay cuồng trong việc kiếm tiền để duy trì cuộc sống, hoặc đơn giản chỉ là có tiền mua bánh mì xíu mại thôi. Đến một ngày nọ, khi đi ngang một góc phố quê người, một mùi hương quen thuộc khiến nhỏ giật mình…

              Đã bao lâu rồi, nhỏ vẫn chưa quay lại để mua ổ bánh mì xíu mại nóng giòn, thơm béo vào buổi sáng tinh mơ của bác? Chẳng phải ngày rời xa phố núi chỉ là để kiếm tiền mua bánh mì thôi sao? Làm sao mãi đến tận bây giờ, ổ bánh mì ngày đó vẫn mua không được nữa?

              Viết những dòng này, và đang chấm bánh mì vào tô xíu mại thơm nồng tự tay làm lấy, mắt nhỏ cay cay. Lớn rồi, trưởng thành rồi, nhỏ mới biết làm món bánh mì xíu mại, và nhỏ có thể ăn cả một tô xíu mại, không phải "thầm kêu gọi phép màu trong lòng" như thuở xưa.

              Bánh mì xíu mại nhỏ làm cũng chắc chắn đủ đầy nguyên liệu và chuẩn vị, nhưng mà ăn cho đỡ ghiền thế thôi, nhỏ vẫn cảm thấy một ổ bánh mì, hai viên xíu mại của bác bánh mì vẫn là tuyệt nhất trên đời.

              À mà thôi, sáng nay mời các bạn cùng ăn bánh mì xíu mại nhé!

              Hết đoản khúc số 7
              Triều Âm
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.05.2023 10:36:52 bởi trieuam >
              #7
                trieuam 06.05.2023 06:27:03 (permalink)



                ĐOẢN KHÚC SỐ 8

                GỞI TA-MƯỜI NĂM TRƯỚC

                Bỗng dưng một ngày nọ, thức giấc và thấy bản thân trở về mười năm trước, được thấy chính mình của thời tràn đầy sức sống, tràn đầy sáng tạo và cũng đầy bồng bột đó, cảm giác sẽ như thế nào nhỉ?

                Có lẽ là sẽ choáng một chút, nhưng sau đó sẽ phấn khích vô cùng, bởi cơ may này đâu phải ai cũng có. Thế nhưng, liệu ta- của-mười- năm- sau có nên gặp ta-của-mười- năm trước hay không? Theo nguyên tắc là không, nếu không muốn dòng thời gian biến động và lịch sử thay đổi. Nhưng mình nên làm gì để bản thân ta- mười-năm-trước không ra quyết định sai lầm? Quả là một nan đề.

                Có thể sẽ nhẹ nhàng kết bạn facebook cùng ta-của-mười-năm trước, nhẹ nhàng tâm sự như một người bạn thân chăng? Đúng rồi, đây là giải pháp hoàn hảo nhất. Bởi vì mình lại thích trải lòng cùng người lạ, do đó định mệnh mười năm trước mới gặp anh và quỹ tích cuộc đời thay đổi từ đó. Sự nghiệp, suy nghĩ về tình yêu, gia đình mọi thứ đã đảo chiều một cách ngu muội từ đó.

                Nếu có thể nói chuyện với ta-của-mười-năm-trước, mình sẽ giành lấy vai trò chia sẻ buồn, vui của anh. Cả hai ta sẽ vui vẻ là đôi bạn thân online cùng chia sẻ bộ phim mới xem, quyển sách mới đọc, và những chuyện hài hước xảy ra nơi làm việc, cũng như có thể an ủi nhau lúc phiền muộn.

                Mình sẽ khéo léo hướng ta-của-mười-năm-trước bận rộn hơn vào các lớp học kỹ năng nâng cao, tốt cho công việc và cũng sẽ khuyến khích bản thân đừng nặng lòng vì bất cứ điều gì. Công ty là công ty, không phải là gia đình, nơi bản thân luôn mơ ước tất cả sẽ là anh chị em thân thuộc. Trong công việc, sẽ có đồng nghiệp tốt nhưng cũng có đồng nghiệp xấu. Đừng bao giờ vì vậy mà phiền lòng, để tâm trạng ưu tư khi về nhà.

                Mình sẽ hướng ta-của-mười-năm-trước mở lòng ra, tận hưởng kỳ nghỉ bằng các chuyến du lịch đó đây, bớt online bận bịu với những status trên mạng xã hội. Như vậy, quỹ tích cuộc đời mình sẽ đi vào một quỹ đạo mới, thử thách hơn và thú vị hơn hiện tại. Mình sẽ khiến bản thân nhận ra sớm hơn mười năm chuyện tình yêu trai gái chỉ có thể là cổ tích khi đến từ đời thật. Cổ tích từ các mối tình online sẽ không bao giờ là cổ tích thật sự.

                Lúc này đây, từng lời trong bản nhạc đang phát ra từ máy tính càng củng cố thêm ý định trên của mình:

                "Tình cờ gặp lại người xưa
                Cafê quán cũ cùng vui với ai
                Cánh hoa rơi nhẹ vương mắt ai
                Nay lối về sao bàn chân não nề
                Rượu ngọt làm ta uống say
                Càfê đắng làm ta thấm cay
                Giấc chiêm bao chợt mơ thấy nhau
                Vỡ mộng rồi riêng mình ta đớn đau
                (Điệp khúc):
                Từng cho nhau bao nhiêu hi vọng
                Cho nhau từng lời hứa
                Phút cuối giữ lại được không
                Gặp lại nhau chi hôm nay
                Để anh phải nhớ phải buồn
                Nếu cho anh lựa chọn một lần nữa
                Nếu cho ta quay lại phút giây đầu
                Em nguyện thầm mong
                Sẽ chẳng gặp anh…"

                (Trích lời bài hát "Từng cho nhau")

                Nếu là duyên số, nếu là định mệnh thì dẫu rằng mình có cơ hội gặp ta-của-mười-năm-trước, có hạn chế bản thân để tránh gặp anh thì trong thực tại, anh vẫn sẽ xuất hiện trong thực tại. Khi đó, mình vẫn sẽ vui vẻ để ta-của-mười-năm-trước tiếp xúc anh, nhưng sẽ với một thế giới quan khác, một định hướng sống khác. Như vậy, mười năm sau, mình của hiện tại sẽ không phải rơi vào vòng luẩn quẩn như hiện tại.

                Nếu có thể nhắn nhủ bản thân của mười năm trước:
                "Hãy là chính mình, đừng vì ai mà phải thay đổi. Hãy tự tin, tỏa sáng trong ánh sáng của chính mình"
                thì mình cũng đủ toại nguyện để tỉnh giấc mơ này rồi.

                Hết đoản khúc số 8

                Triều Âm

                #8
                  trieuam 06.05.2023 06:30:30 (permalink)



                  ĐOẢN KHÚC SỐ 9
                  XÍ MUỘI

                  Xí Muội là con đầu lòng của mẹ Trắng và bố Cún.
                  Mẹ Trắng năm đó vẫn còn vô tư, ham chơi lắm, nên tuy có bầu vẫn chạy nhảy tung tăng. Một ngày đẹp trời khi mẹ Trắng thấy bụng đau đau, thế là Xí Muội ra đời, nhỏ xíu xiu như cục bông, trắng như hoa mận ngoài vườn.
                  Mẹ Trắng lần đầu làm mẹ nên gần như chẳng biết gì, chỉ cảm thấy đã xóa bỏ cơn đau bụng là vui vẻ, lại tung tăng muốn đi chơi. Nhưng Xí Muội rất lì lợm, bám lấy vú mẹ bú lấy bú để.
                  Những lúc ấy, mẹ Trắng không làm gì được, đành phải nằm chịu trận. Nhưng tới khi răng Xí Muội bắt đầu nhú ra thì mẹ Trắng đuổi không thương tiếc. Xí Muội phải bắt đầu tập ăn cơm.
                  Vậy mà Xí Muội lớn lên thành một cô mèo trắng tinh, tai rất to, đặc biệt đôi mắt có hai màu: một bên màu cam, một bên xanh dương rất xinh đẹp.
                  Xí Muội đẹp như một công chúa, lông không dài quá như mẹ Trắng, cũng không dày quá như bố Cún, dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển, rất quý phái, và sở hữu khả năng săn mồi rất giỏi của cả mẹ và bố. Trong bầy, tất cả những mèo khác đều rất yêu quý Xí Muội.
                  Trên hàng hiên có một chậu kiểng của ông, nhưng từ khi Xí Muội biết leo trèo thì chậu kiểng của ông đã nở ra một loài hoa mới, hoa tên là Xí Muội.
                  Hai cái tai to như cánh bướm trắng kia chỉ nhú lên trong chậu một chút thôi, nhưng khi ông huýt sáo thì “cây hoa” Xí Muội sẽ trồi đầu lên, giương cặp mắt hai màu tròn xoe:
                  “Ông gọi con à?”
                  Và sau đó thì như một tia chớp, phóng cái vèo từ trên hàng hiên xuống, lao vào lòng ông, kêu tiếng “meo” rất nhỏ, rất đáng yêu.
                  Đó là Xí Muội đã lớn. Ngày còn bé, lúc mới chập chững biết đi, Xí Muội rất tò mò, chân bé xíu thôi, nhưng cứ tập tễnh đi nghiêng qua, nghiêng lại tìm mẹ Trắng. Em đâu biết rằng mẹ Trắng còn mãi ở tít trên cây cao, rình lũ chim sẻ.
                  Cũng may có bác Méo lúc nào cũng nhướn mắt canh chừng, hễ em sắp sửa chui đầu qua hàng rào là bác Méo ngoạm cổ lôi vào ngay:
                  “Ngoài đấy có chó!” Giọng bác Méo rất nghiêm nghị.
                  “ Chó à? Chó là gì ? ” Xí Muội cũng thắc mắc, nhưng không hỏi thêm nhiều, vì mặt bác Méo nghiêm lắm.
                  Rồi Xí Muội cũng biết chó là gì, khi một ngày nọ ông đi chợ về, lúc xe vào sân, cổng chưa kịp đóng, Xí Muội tập tễnh lú đầu ra ngoài ngắm nhìn đường phố thì bỗng đâu một cái bóng đen lao vào với hàm răng trắng nhởn.
                  Trời đất tối sầm lại, Xí Muội chỉ thấy thân mình bay lên cao và đau lắm, phản xạ tự nhiên là em kêu lên tiếng meo thật to.
                  Em thấy ông hoảng hốt chạy ra. Cái đầu đen đúa dữ tợn kia có vẻ sợ nên cũng nhả em rơi bịch xuống đất. Xí Muội thấy sao bay tung tóe và em ngất xỉu.
                  Một lúc sau, cảm giác thân mình rất đau làm em tỉnh lại, miệng rên những tiếng yếu ớt. Ông đang xoa bóp, nắn nhẹ chân cho em, kiểm tra bụng. Một chiếc xương sườn đã bị gãy.
                  Thế là suốt chục ngày sau, em được bà ôm mỗi ngày, cẩn thận giữ nguyên tư thế. Bà nói rằng như vậy xương em sẽ liền lại. Mẹ Trắng cũng bị bắt vào đúng giờ cho em bú.
                  Sau khi lành, Xí Muội ghét chó lắm, nhất là con Phèn đã lao vào sân cắn em.
                  Mỗi lần gia đình nhà Phèn đi ngang hàng rào nhà, Xí Muội sẽ leo lên chậu cây, thò đầu ra và nói :
                  “ Lũ đầu to, đi đâu đấy? ”
                  Dĩ nhiên là Phèn sẽ nổi điên, xông vào nhe hàm răng cạp vào hàng rào.
                  Những lúc đó bác Méo sẽ nhảy ra khỏi ổ, đuôi đánh mạnh, đứng sát vào cửa, đôi mắt bác dữ tợn hẳn lên, sáng quắc như ông mặt trời vậy :
                  “Làm gì thế, nhóc con ? ”
                  Mẹ Trắng lúc ấy cũng sẽ ra dáng rất giống bà mẹ gương mẫu, đứng từ trên cây cột nhìn xuống :
                  “Đừng để ta bắt được …”
                  Bố Cún cũng vểnh râu đứng sau lưng bác Méo :
                  “Hừ, cỡ này chỉ cần dùng mông của ta là mi cũng khỏi thở…”
                  Đấy, Xí Muội thách gia đình nhà Phèn làm được gì. Bọn nó còn không vượt qua được hàng rào của ông cơ mà, chỉ giỏi to mồm khoác lác. Chừng nào Xí Muội lớn bằng bác Méo, bằng ba Cún và mẹ Trắng thì Xí Muội cũng sẽ cho con Phèn biết tay.
                  Còn bây giờ ư ? Hình như ông đang nướng mực.
                  Ôi, mùi mực nướng thật quyến rũ và thơm làm sao. Xí Muội rất thích món này, thế nào cũng phải chạy xuống xin ông một cái râu mới được.
                  Thế là em ngồi dậy, liếm láp chân tay cho thật sạch sẽ. Em biết rằng nếu chân dính đất mà đi vào nhà, ông sẽ không vui. Muốn xin mực nướng thì không được làm ông giận.
                  Chuyện gì chứ, mấy vụ xin xỏ này bố Cún dạy cho em rất kỹ : phải giữ bộ dáng xinh đẹp nhất, đầu dụi vào ông, mắt mở thật to, hếch hếch mũi hồng lên thì thế nào ông cũng sẽ cho không chỉ là râu mực mà còn cả con mực đấy.
                  Chuyện đánh nhau với Phèn thì để bác Méo và mẹ Trắng lo, chứ còn chuyện làm sao có đồ ăn ngon thì cứ đi theo bố Cún, bảo đảm không bao giờ thất bại.
                  Gia đình nhà Phèn làm gì biết hưởng thụ cuộc sống này. Lũ đầu to đần độn đó chỉ toàn há mồm chạy khắp nơi hù dọa xóm làng thôi. Tạm thời bỏ qua cho chúng nó.
                  Ông đã nướng mực xong rồi. Một tiếng huýt sao thân thuộc vang lên. Cái bóng trắng như tuyết bay cái vèo từ hàng hiên xuống sân.
                  Xí Muội lao vào lòng ông, đầu dụi dụi, cặp mắt hai màu to tròn nhìn ông đắm đuối. À, thật ra là em đang nhìn cái râu mực nướng ông đang đung đưa đấy.
                  Ông bật cười, buông tay, Xí Muội bay lên như thủ môn điệu nghệ, đớp lấy cái râu mực và lộn một vòng, rơi xuống đất bằng bốn chân nhẹ nhàng.
                  Mực nướng muôn năm !

                  Hết đoản khúc số 9

                  Triều Âm


                  #9
                    trieuam 06.05.2023 06:33:04 (permalink)



                    ĐOẢN KHÚC SỐ 10
                    ANH VÂN- CHỊ KIỀU

                    Trời mưa, kể chuyện xưa nghe nha mọi người.

                    Anh tên Vân, chị tên Kiều, là một gia đình khá điển hình, dễ bắt gặp ở Bến Tre. Gia đình hai bên cũng không khá giả gì, một mâm cơm nhỏ, thế là nên vợ chồng. Được gia đình cho một rẻo đất, dựng nên căn chòi lá, và một công chúa ra đời. Căn nhà nhỏ ấy, vẫn đầy ắp tiếng cười.

                    Anh rất đẹp trai, chị thì không bằng. Không hiểu sao anh thương chị đắm đuối. Con gái ra đời nên cuộc sống cần thêm nhiều thứ, anh vốn là thợ trèo cau, trèo dừa giỏi, cứ leo thoăn thoắt lên những đọt cau, cắt lấy "tai" rồi máng buồng cau vào đùi, lại bám đọt cau, đung đưa và bay vèo qua cây bên cạnh, lại cắt cho đến khi hai đùi trĩu nặng thì thả tay, tuột cái vèo xuống đất, ngồi thở trong khi người khác gỡ cau hai bên đùi anh ra, chất lên ghe. Cuộc sống hai vợ chồng vốn cũng đủ "một túp lều tranh, hai trái tim vàng", nhưng giờ để kiếm thêm, anh xin chủ theo ghe, rong ruổi chở cau đi xa nhà. Anh nghĩ rằng chị sẽ hạnh phúc khi anh mang thêm nhiều tiền cho vợ, đồ mới cho con.

                    Thôn có công trình làm đường. Cánh thợ dựng lán sinh sống tại đó. Đường xong tới đâu, họ lại kéo lán đi theo. Một ngày nắng, có anh thợ làm đường ghé qua túp lều xin chị miếng nước uống.

                    Nhiều lần như vậy. Anh thợ thương cảm chị đơn chiếc, con nhỏ nên thi thoảng ghé vào sửa cho chái bếp, bắt cho cọng dây điện...Vào một đêm mưa gió, họ quấn vào nhau, hổn hển.

                    Trời tạnh mưa. Anh thợ hốt hoảng:
                    "Tôi không cố ý...Tôi...tôi..."

                    Chị vợ lại cúi đầu, ôm ghì lấy anh ta...

                    Trời sáng, anh ta ôm lấy cô và nói:
                    - Tôi nghèo lắm, không có gì cho cô. Để tôi kiếm chút xi măng, cát để cho cô đổ cái nền.

                    Đêm đêm, trong túp lều bên góc đồng vắng ấy lại sáng đèn.

                    Lũ chim theo gió, mang chuyện đến tai anh chồng đang theo ghe cau ở nơi xa. Anh không tin, nhưng nhiều lần như vậy, trong lòng anh như lửa đốt, anh xin phép chủ ghe về nhà một chuyến.

                    Đêm.
                    Mưa gió dữ dội, anh đẩy liếp cửa, bước vào nhà.
                    Trên chiếc giường tre đang kẽo kẹt, trong tấm màn, có hai người đang quấn vào nhau rền rĩ.
                    Sấm chớp giật sáng trắng cả khung trời.

                    Anh đấm tay xuống bàn. Bộ ấm trà văng xuống đất, vỡ tung tóe.

                    Chị vợ luống cuống mặc áo:
                    "Mình...về khi nào?"

                    Hai mắt ngầu đỏ, anh nói, giọng run run:

                    "Tại sao Mình làm vậy? Tôi có để cho Mình thiếu thốn gì đâu? Tôi đi làm cực khổ, mình chỉ ở nhà giữ con...Tại sao vậy?..."

                    Anh không nhìn đến anh thợ đang hốt hoảng trốn trong góc màn. Trái tim như vỡ nát, chỉ hỏi vợ một câu. Anh quay lưng ra khỏi nhà, đi thẳng, mặc kệ mưa gió tầm tã quất lên người, lên mặt.

                    Anh chồng đi rồi thì anh thợ cũng hoàn hồn, tông cửa vọt luôn trong màn đêm.

                    Bóng người đàn bà gục xuống, hai vai rưng rưng trong căn nhà lá dừa.

                    Buổi sáng, tiếng trẻ con khóc rưng rức làm cả thôn thức dậy:

                    "Mẹ con...sao mẹ con ói nhiều lắm"

                    Mọi người chạy vội đến túp lều của hai vợ chồng anh Vân, chị Kiều.

                    Chị Kiều miệng sùi bọt trắng, đang nằm co giựt. Bên cạnh là vỏ chai thuốc diệt cỏ nằm lăn lóc.

                    "Trời ơi, nó tự tử rồi. Mang nó đi nhà thương."

                    Mọi người xúm vào khiêng chị Kiều. Chị không nói được, nhưng với chút thần trí tỉnh táo cuối cùng, hai tay cứ níu chặt lấy vách cửa nhà, gỡ cũng không ra. Mọi người cố hết sức nhưng chỉ lúc sau chị lịm dần đi. Tiếng con bé khóc rưng rức như xé lòng.

                    Trong góc nhà ba bao xi măng và một đống cát còn mới nguyên.

                    Mọi người gọi anh Kiều về. Công an đến lập biên bản hiện trường, họ đến lán trại cánh thợ làm đường hỏi, thì mọi người nói rằng đêm qua mọi người nhậu xong thì mạnh ai nấy ngủ, gần sáng anh thợ kia có về, gom lấy đồ đạc bảo đi công chuyện. Mọi người cũng không tìm thấy anh thợ đó nữa.

                    Đám tang chị. Anh Kiều mắt ráo hoảnh, không một giọt nước mắt. Đứa con gái nhỏ xíu khóc ngằn ngặt.

                    Chị được chôn sau nhà. Ba bao xi măng và mớ cát đó cũng vừa đủ đắp cho chị ngôi mộ khang trang.

                    Anh Kiều không đi ghe cau nữa. Anh trở về nhà, ai mướn gì làm đó, chăm sóc và nuôi dạy con gái. Mộ chị vẫn đầy đủ hương khói và hoa tươi.

                    Vài năm sau, có một người phụ nữ cũng dân hái cau, hái dừa thương phận gà trống nuôi con của anh nên đồng ý về làm vợ anh.

                    Căn nhà lại đầy ắp tiếng cười. Đứa con gái không còn khóc vì nhớ mẹ nữa. Hai vợ chồng chăm chỉ nên chỉ thêm vài năm đã dựng được nhà tường.

                    Ngôi mộ chị Kiều cũng được sơn quét lại sạch sẽ, hương khói đủ đầy, hoa quả trái cây mỗi ngày.

                    Thôn xóm cũng dần dần quên lãng ngày xưa có một chị Kiều.

                    Hết đoản khúc số 10

                    Triều Âm


                    #10
                      trieuam 06.05.2023 06:37:21 (permalink)



                      ĐOẢN KHÚC SỐ 11
                      BÚT CHÌ TỔNG TƯ LỆNH

                      Xin chào các cậu!
                      Tớ là một cây bút chì 2B, mặc áo xanh dương, đội mũ đen có viền vàng. Trên chóp mũ của tớ có đính một cục tẩy trắng tinh quý phái.
                      Tớ là chỉ huy trong hộp đựng bút của cô chủ yêu màu hồng, yêu búp bê barbie đấy.
                      Hôm nay là ngày đầu tiên cô chủ đi học.
                      Tớ rất hãnh diện được giúp đỡ cô chủ học từng nét chữ đầu tiên.
                      Các cậu không biết đâu, cô chủ nhà tớ khi ôm búp bê thì rất chắc, không để rơi bao giờ. Nhưng không hiểu sao cô ấy cứ run rẩy khi chạm vào tớ.
                      Ái chà chà... tớ biết tớ rất lịch lãm, đẹp trai dễ khiến các cô gái xúc động nhưng mỗi lần cô ấy không thể nắm vững tớ trong tay, tớ cũng sợ lắm các cậu ạ. Khi tay cầm không vững, không đúng tư thế, và khi căng thẳng thì cô ấy dễ có xu hướng đè mạnh ngòi chì, làm tớ cứ bị gãy suốt.
                      Những lúc thế thì lão gọt chì lại đắc ý lắm. Lão ấy rất mê bộ cánh của tớ, nên mỗi khi ngòi chì bị gãy là lão vồ vập:
                      "Nào, đến đây, anh tân trang cho chú. Anh sẽ chuốt cho chú bén nhọn như mới!"
                      Quả thật, tay nghề lão ấy rất khá. Sau mỗi lần chuốt thì ngòi chì của tớ lại sẵn sàng cho cô chủ nhỏ luyện những nét chữ xinh đẹp nhất. Nhưng tớ buồn, các cậu ạ, vì mỗi lần gặp lão ấy, tớ lại lùn đi một chút.
                      Tuy nhiên, dù cao hay thấp, tớ vẫn bảo trì bộ dáng cân đối, hoàn mỹ của mình. Tớ là chỉ huy, là cây bút chì duyên dáng nhất!
                      Tớ phát hiện ra cô chủ càng ngày càng yêu thích tớ hơn là lũ búp bê barbie. Cô ấy giữ tớ trong tay ngày càng vững hơn. Ngòi chì của tớ trong tay cô ấy cũng đã tạo ra những nét chữ rất mượt mà, tuy còn có chút run rẩy. Những lúc ấy, cô cười khoe lúm đồng tiền rất xinh, các cậu ạ.
                      Ngoài viết được chữ ra, cô chủ còn thích nắm lấy tớ để vẽ. Ôi, cô chủ của tớ đúng là thiên tài. Cô ấy vẽ còn đẹp hơn là viết chữ.
                      Này nhé, cô ấy vẽ được cả cái bánh vòng tròn xoe. Tớ còn phải kinh ngạc sao cô ấy viết chữ chưa vững nhưng có thể vẽ vòng tròn, tròn đến thế. À, tất nhiên để xong cái bánh vòng ấy, tớ lại lùn đi một chút nữa. Lão gọt chì lại tí tửng ngồi rung râu đàng kia.
                      Khi tớ chỉ còn cao bằng nửa lúc mới vào nhà cô chủ, thì cô ấy đã vẽ được áo đầm các kiểu, theo dáng lũ búp bê đấy các cậu.
                      Cô ấy tạo ra các kiểu dáng rất ngộ nghĩnh: áo đi chơi, đầm đi dạo, đồ đi dã ngoại, đồ đi học...
                      *******
                      Hôm nay, cô ấy đã viết rất vững rồi. Từng chữ, từng chữ cô ấy viết đều rất rõ nét, không đứt quãng. Cô ấy cũng không đè nặng làm gãy ngòi chì của tớ nữa.
                      Ngoài ra, cô ấy còn có cả một bộ sưu tập các loại thời trang cho lũ búp bê barbie đầy trong tủ kính kia.
                      Dĩ nhiên, đó là thành quả của tớ cả đấy.
                      Tớ là cây chì 2B, là chỉ huy tối cao, là người bạn đồng hành trung thành của cô chủ nhỏ xinh đẹp, có má lúm đồng tiền
                      *******
                      Cô chủ nhỏ của tớ lớn thêm một tuổi rồi, các cậu ạ.
                      Còn tớ thì nay chỉ còn cao bằng ngón tay thôi. Nhưng cô chủ vẫn rất yêu thương và quý trọng tớ. Chúng tớ mãi mãi là bạn cơ mà.
                      Trong hộp bút, cô chủ luôn để tớ ở vị trí thứ nhất, dặn dò tớ nhớ chỉ bảo cho anh lính 2B mới chiêu mộ.
                      Cậu tân binh này đẹp trai không khác gì tớ ngày đó cả. Dĩ nhiên bây giờ tớ vẫn đẹp trai và còn có phong độ nữa. Cậu ấy rất hớn hở chờ vào nhiệm vụ mới.
                      Còn tớ ư... Tớ thăng cấp rồi! Bây giờ tớ là tổng tư lệnh. Cậu tân binh rất ngưỡng mộ tớ, cũng học hỏi rất nhanh.
                      Tất nhiên rồi, chúng tớ là bút chì 2B, là bạn đồng hành trung thành của cô chủ.
                      *******
                      Cô chủ lớn nhanh lắm các bạn ạ.
                      Cô trở nên rất xinh đẹp. Các bạn biết không, trang phục cô mặc bây giờ toàn là do cô đã cùng bọn tớ thiết kế ra đấy.
                      Cô có một chiếc tủ trang trọng trong góc phòng. Nơi đó, khi bút chì chúng tớ hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cô nhẹ nhàng cho vào đấy, nghỉ ngơi, hướng dẫn các tân binh phục vụ cô chủ.
                      Mỗi khi các tân binh bút chì gia nhập đều cống hiến vào các bức thiết kế tỉ mỉ, đầy sáng tạo của cô. Đội quân bút chì của chúng tớ đã lớn mạnh và đông đảo lắm. Không chỉ có binh chủng 2B mà còn các dòng khác, các binh chủng khác nữa. Có đội ngũ sở hữu ngòi chì rắn rỏi, sắt nét. Có đội ngũ lại mềm mại, lả lướt. Còn có cả binh chủng chì trắng, chì màu các kiểu.
                      Nơi đây, tớ được cô chủ đặt ở vị trí chỉ huy tối cao. Mỗi lần cô ấy thiết kế thành công một trang phục, tớ luôn là người vinh dự được cô chia sẻ đầu tiên.
                      Tớ tự hào là cây bút chì đầu tiên của cô chủ.

                      Hết đoản khúc số 11
                      Triều Âm


                      #11
                        trieuam 06.05.2023 06:40:58 (permalink)


                        ĐOẢN KHÚC SỐ 12
                        SỐNG TIẾT KIỆM VÀ CÓ ÍCH

                        Có người nói rằng "Mỗi người xuất hiện trong đời bạn đều có nguyên do", điều đó càng sống dài theo năm tháng, càng trải qua nhiều biến cố, chính bản thân chúng ta sẽ nghiệm thấy lời cổ nhân nói không sai chút nào.

                        Tôi gặp chị trong một buổi phỏng vấn đổi việc. Ấn tượng của tôi là chị có một nụ cười thật đẹp, ấm áp và vô cùng thân thiện. Thế là giữa bao nhiêu lời mời, tôi nhận lời vào công ty nơi chị đang làm Trưởng phòng Nhân sự.

                        Cuộc đời tôi vốn ít chơi với bạn gái. Bản thân lại là con trưởng trong nhà, nên cũng không có chị gái bao giờ. Cho nên có lẽ do Ơn Trên ban phúc cho tôi được gặp chị. Trong công việc, cùng nhau chia sẻ nhiều chuyện, dần dà tôi trở nên thân thiết với chị lúc nào không hay. Nơi chúng tôi làm không qua được cuộc suy thoái kinh tế năm 2009, thế là chúng tôi lại lặng lẽ nắm tay nhau giành lấy quyền lợi tối ưu nhất cho lao động người Việt đến phút cuối cùng. Cơ duyên lại tiếp tục, chúng tôi lại cùng nhau vào làm chung một công ty khác.

                        Công ty này cũng vừa mới thành lập, và những nhân sự đi đầu luôn luôn phải gánh trách nhiệm cao, đầy mệt mỏi. Đúng lúc khi mọi việc vừa đi vào guồng quay thì Ba tôi đột ngột qua đời. Lúc nhận tin, tôi đang trong cuộc họp quan trọng với Tổng Giám Đốc và đối tác. Ba tôi vốn dĩ bị bệnh tim bẩm sinh, đã trải qua hai lần phẫu thuật nên gia đình lúc nào cũng chuẩn bị tâm lý sẵn, nhưng tôi không ngờ rằng khi chuyện đến, chính bản thân mình cũng khó có thể tiếp nhận, đến nỗi trong tâm thức chính mình, tôi không chấp nhận đó là sự thật. Tôi vẫn quay trở lại cuộc họp và tiếp tục công việc của mình cho đến khi mọi việc kết thúc. Sau đó tôi mới báo Tổng Giám Đốc và xin phép về.

                        Chính bản thân tôi cũng như cái xác không hồn vậy. Tôi vẫn ý thức và biết mình đang làm gì nhưng cứ như không có cảm xúc. Tôi không thể khóc, cũng không thể ngủ trong suốt thời gian tang lễ. Chính chị cũng bỏ công việc đi suốt 300 cây số lên tham dự tang lễ và thắp cho Ba tôi nén nhang cuối cùng. Tôi vẫn nhớ đêm cuối cùng trước khi di quan, chị chỉ ngồi lặng lẽ bên tôi, không nói gì. Chính lúc đó, nước mắt tôi mới bắt đầu rơi, tôi còn nhớ mình đã hỏi: "Bây giờ em phải làm sao?"

                        Lúc đó, chị chỉ ôm tôi và nói:
                        "Em thấy làm thế nào đúng thì cứ làm thế đấy".

                        Cũng chỉ là một câu nói vô thưởng, vô phạt, nhưng chính cái ôm chia sẻ của chị đã làm tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đôi khi, ở đời chỉ cần một cái ôm đúng lúc là thế.

                        Sau đám tang, tôi nộp đơn nghỉ việc, bởi vì tôi biết tâm trạng của mình không thể hoàn thành tốt công việc, mặc dù Tổng Giám Đốc đặc cách cho phép tôi nghỉ hai tháng thay vì ba ngày theo luật lao động. Tôi cũng giải thích rõ với ông rằng, đã làm thì phải làm toàn tâm toàn ý và tốt, không thể chỉ vì tâm trạng của mình mà ảnh hưởng đến công ty được. Tôi cũng đề nghị ông hãy tuyển người khác thay tôi.

                        Hình như lúc ấy chị rất giận, cả Tổng Giám Đốc cũng rất giận, vì tôi đã phụ lòng mọi người nhưng nếu tiếp tục làm việc với tâm trạng mơ hồ như thế, tôi sẽ cảm thấy có lỗi với họ nhiều hơn.

                        Một năm sau.

                        Mặc dầu tôi vẫn chưa hồi phục sau đám tang của Ba, nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ hoàn toàn không ổn. Do đó, tôi đã nộp đơn vào một công ty mới khác. Tôi đã nghĩ rằng chỉ có làm việc thật cực lực, may ra mới có thể nguôi ngoai nỗi mất mát trong lòng.

                        Chị liên hệ và đề nghị tôi đến ở nhà chị cho có không khí gia đình, thay vì ở bên ngoài lẻ loi cô độc một mình. Sau này chị mới nói rằng do chị sợ tôi ở một mình sẽ nghĩ quẩn. Mà đúng thật, tôi đã từng có ý nghĩ muốn kết liễu cuộc sống vô bổ này. Vì sao ư? Vì Ba tôi là tất cả với tôi, cả cuộc đời tôi phấn đấu, học tập, kiếm tiền cũng chỉ là vì Ba tôi. Nay, Ba tôi đã mất rồi, tôi sống để làm gì chứ? Rất may, vào lúc ấy chị đã kịp xuất hiện bên tôi.

                        Không khí gia đình khi ở cùng gia đình chị đã khiến tôi nhận ra cuộc sống có nhiều điều đáng quý hơn và vẫn còn nhiều người quan tâm đến tôi. Tuy nhiên, tôi bắt đầu chuỗi ngày sống không biết ngày mai. Tôi đi làm như một con điên, có thể ở lì luôn trong văn phòng đến khuya, hoặc đi công tác miệt mài. Tiền kiếm được tôi mặc sức sắm đồ đẹp, dắt các cháu (con chị) đi ăn nhà hàng, đi khu vui chơi, đi du lịch.

                        Cho đến một hôm, chị hỏi:

                        "Em không ý định tiết kiệm sao?"

                        Tôi ngạc nhiên: "Tiết kiệm? Để làm gì? Em cần phải lo cho ai nữa đâu"

                        Chị nhẹ nhàng nói:
                        "Để phòng khi sau này làm không được nữa, hoặc ốm đau, bệnh tật"

                        Tôi lại cười: "Chị lo xa quá!"

                        Nhưng chị vô cùng nghiêm túc, kéo tay tôi lên xe và chở ra ngân hàng, bảo:

                        "Tiền lương tháng này em trích 50% gửi tiết kiệm đi. Từ tháng sau, trích mỗi tháng một phần ba gửi vào. Phần còn lại muốn chi dùng gì thì tùy em."

                        Mặc dù không tình nguyện lắm, nhưng tôi cũng không muốn làm gì không vui. Do đó, theo hướng dẫn của chị và cô giao dịch viên, tôi đã có quyển sổ tiết kiệm đầu tiên mang tên mình. Khi cầm quyển sổ trên tay, tôi còn quay sang chị nói:
                        "Buồn cười quá đi, có ai đi gửi tiết kiệm số tiền bé tẹo như vầy bao giờ."

                        Nhưng chị chỉ nói:
                        "Ít nhưng mỗi tháng gửi vào, từ từ sẽ nhiều lên."

                        Sau đó thì mỗi tháng, chị lại kéo tôi ra ngân hàng. Thuở ấy ngân hàng chưa phát triển internet banking lắm, nên muốn giao dịch gì đều phải ra tận nơi. Chị bảo rằng đi ngân hàng cho vui, và còn chịu khó sưu tầm các khoảng thời gian ngân hàng khuyến mại, khuyến khích tôi gửi thêm tiền vào để được nhận quà tặng nữa.

                        Thế đấy, theo chị tung tăng vui vẻ và mỗi tháng trích một phần ba thu nhập gửi tiết kiệm, dần dần đúng như chị nói, tôi cũng có một quyển sổ to to mang tên mình. Đến lúc ấy thì tôi tự giác hẳn lên, còn tự giác phấn đấu làm sao cho dãy số trong sổ ngày càng dài ra càng tốt.

                        Lạ thay, dù gửi tiết kiệm, khoản còn lại tôi vẫn tung tăng đi chơi cùng các cháu tốt. Chẳng những thế, vẫn dư để thỉnh thoảng đóng góp các quỹ từ thiện cho trẻ em vùng cao, quỹ cứu hộ chó mèo, quỹ phát cơm từ thiện ở thành phố… Cuộc sống tôi dần dần biến chuyển mà tôi cũng không nhận ra. Tất cả là nhờ vào phép màu chị đã mang đến cho tôi.

                        Cuộc đời tôi, có nhiều người không thể quên, nhưng đậm nét nhất trong số đó chính là chị. Dẫu rằng sau này cũng như cổ nhân bảo "bèo nước gặp nhau, hết duyên theo dòng ly tán", cuộc sống đưa đẩy tôi và chị xa nhau, tôi bây giờ cũng đã có gia đình riêng, căn nhà riêng của mình. Nhưng viên gạch đầu đời cho tôi ngày hôm nay chính là nhờ chị và quyển sổ tiết kiệm đầu tiên mà chị kiên quyết ép tôi thực hiện năm nào.

                        Có nhiều người xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, đôi khi để lại ký ức mờ nhạt, đôi khi để lại ấn tượng khó phai. Nhưng những người như chị đã làm thay đổi nhận thức và cuộc đời tôi, định hướng và đưa tôi đi vào nấc thang tốt hơn trong cuộc sống. Dẫu rằng hiện nay chị sống ở phương trời nào đi nữa, tôi vẫn luôn biết ơn và thầm cầu chúc cho chị, các cháu và gia đình vạn sự bình an và những điều tốt đẹp nhất.

                        Hết đoản khúc số 12

                        Triều Âm




                        #12
                          Ct.Ly 13.05.2023 00:57:29 (permalink)
                          #13
                            trieuam 23.05.2023 11:11:22 (permalink)
                            Dạ, chắc còn thở là còn viết đó cô Ct.Ly ơi
                            Cô ghé đọc đừng chê Triều Âm viết nhăng nhít nhé.
                            Mến chúc cô và gia đình buổi chiều an lành.
                            #14
                              trieuam 23.05.2023 11:13:57 (permalink)



                              Đoản khúc số 13

                              CÂY PHƯỢNG VĨ

                              “Bạn là bướm à?”
                              Cô bé nhặt cánh phượng đỏ đậu trên vai áo xuống.
                              “Không. Tớ là hoa phượng vĩ. Tớ báo hiệu mùa hè. Các cậu sắp được nghỉ hè rồi.”
                              “Cậu trông rất giống bướm”
                              Cô bé cười vui vẻ và nhặt lấy những cánh phượng, đặt vào giữa hai trang sách.
                              Bầu trời đã ấm áp, thỉnh thoảng có lất phất mưa. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid, nên mãi đến tận hôm nay cô bé mới được đến trường.
                              Hoa phượng nói thật sao? Mùa hè rồi ư? Sắp nghỉ hè rồi? Mình còn mới bắt đầu đi học…
                              “Này…này…Ở bên này…” Có tiếng gọi quen thuộc từ xa. Một bé trai trong đồng phục mới đang đứng dưới gốc cây giơ tay vẫy vẫy.
                              Cô bé vui vẻ nhảy chân sáo đi qua. Đó là cậu bé hàng xóm. Hai đứa vẫn thường chơi chung.
                              “Ăn sáng chưa? Bánh mì nè” - Vừa nói, cậu bé vừa bẻ đôi bánh đưa cho cô bé.
                              Cô bé cầm lấy và ăn thích thú. Mẹ bạn ấy có tiệm bánh mì rất ngon.
                              “Trên tóc cậu có bươm bướm kìa”- Cậu bé chợt ngừng nhai, ngẩn ngơ nhìn cánh bướm đỏ thắm đang đậu trên mái tóc của cô bạn thân. Trong ánh nắng sớm, bạn ấy thật đẹp.
                              Cô bé đưa tay lên đầu, cầm xuống cánh hoa vô tình rơi trên mái tóc.
                              “Không phải bươm bướm đâu. Là hoa phượng vĩ, hoa báo hiệu mùa hè. Sắp được nghỉ hè rồi.” – Cô bé không hiểu sao lặp lại nguyên lời hoa phượng nói khi nãy.
                              “Hôm nay chúng ta mới đi học mà.” - Cậu bé nghi ngờ, nói.
                              “Tớ không biết. Hoa phượng bảo thế!” – Cô bé đáp.

                              “Tặng cậu nè, để vào trong sách, bướm hoa phượng sẽ ở bên cậu mãi mãi.” – Cô bé chìa tay, đưa cánh hoa phượng cho cậu bé.
                              “Thật à?” Cậu bé nhận lấy, và cẩn thận đặt cánh hoa vào giữa quyển sách.

                              **************

                              Một buổi sáng như mọi buổi sáng. Cậu bé đến trường sớm, đang ngồi dưới gốc phượng như mọi ngày.
                              A, cô bé đến rồi. Cậu ngoắc ngoắc tay, còn đang nhìn cô bạn tung tăng chạy tới thì…
                              Rắc…rắc…ầm…ầm…
                              Cây phượng lắc lư, lắc lư và đổ ập xuống…
                              Cậu bé chỉ kịp thấy cô bé đang tung tăng chạy. Cô bé đứng sững sờ. Nguyên cây phượng xanh um đổ rầm xuống, không còn thấy cậu bé nữa.
                              Những cánh hoa phượng bay lả tả. Một cành phượng còn nguyên chùm hoa đỏ rực rơi xuống trước chân cô bé. Hoa phượng đỏ đến nao lòng.
                              Tiếng la hét, tiếng khóc vang lên. Thầy cô hoảng loạn chạy đến. Tiếng xe cứu thương hụ còi, đủ thứ âm thanh náo loạn. Cô bé sực tính khi có người ôm vào lòng. Đó là mẹ cô. Bà vừa mới thả cô ở cổng trường, đang tính quay đi thì nghe tiếng cây đổ nên chạy ngay vào.
                              “May quá! Con không sao!”
                              Mẹ cô ôm cô vào lòng, run bần bật. Cả hai mẹ con đều bật khóc.
                              Cô bé không còn gặp cậu bé nữa. Cây phượng đã mang cậu bé ra đi mãi mãi. Có lẽ cây phượng muốn cậu bé trở thành một cánh bướm phượng. Mùa hè đến nở kiêu hãnh, khi cô bé đi ngang sẽ hóa thành cánh bướm đậu trên tóc cô.
                              Nhà trường cũng cưa sạch các cây phượng còn lại.
                              Cô bé đến trường. Nơi góc quen thuộc, chỉ còn trơ trọi gốc. Không còn thấy cậu bé đang vẫy tay gọi nữa.
                              Cả sân trường không còn một cánh hoa phượng nào cả.
                              Cô ngồi bên bồn cây, nhìn gốc phượng nham nhở, hỏi:
                              “Tại sao?”
                              Có tiếng nói yếu ớt từ vài cái rễ phượng sót lại lên tiếng:
                              “Người ta chặt hết rễ của tớ. Gió to quá! Tớ không đứng vững. Xin lỗi!”
                              Sân trường im lặng.
                              Không còn hoa phượng. Không còn cậu bé. Mùa hè không về nữa sao?

                              (Hết đoản khúc số 13)

                              Triều Âm

                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.05.2023 11:28:41 bởi trieuam >
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 16 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9