CÁC ĐOẢN KHÚC TRIỀU ÂM
trieuam 06.05.2023 05:44:21 (permalink)



ĐOẢN KHÚC SỐ 1- ALBUM ẢNH GIA ĐÌNH



Gió lạnh se, con đường quen xóm nhỏ
Thơm nắng trời, nhành mai nở chào xuân
Như mọi năm, phố vẫn thế reo mừng
Bước chân nhỏ quay về thăm phố cũ
(Thơ của tác giả)

Bao lâu rồi nhỉ? Có vẻ như khi người ta càng lớn, thời gian càng trôi nhanh hơn. Vèo một thoáng, chưa kịp nhận ra xuân năm trước đã bỏ quên điều gì thì trời đã bắt đầu se se lạnh, báo hiệu cho một mùa xuân nữa sắp đến rồi.

Đã bao lâu rồi xuân vẫn về bên cửa
Người vẫn hững hờ, chẳng tiễn chẳng đưa
(Thơ của tác giả)

Bao lâu rồi nhỉ?

Trong quyển album gia đình, tấm ảnh cặp vợ chồng trẻ, tay trong tay đầy hạnh phúc. Một cô bé con hai mắt to tròn ươn ướt, đôi môi phụng phịu vì đang chơi bị bắt đi chụp ảnh, còn một cậu bé mắt sáng long lanh, đang cười toe toét. Khoảnh khắc đó đã được lưu giữ mãi mãi mặc kệ thời gian, mặc kệ sóng gió cuộc đời. Họ vĩnh viễn nơi này, cùng những xúc cảm đặc sắc đầy nét riêng của từng người. Đó là tấm ảnh gia đình, chào xuân mới.
Album ảnh đã có năm tấm như thế. Điểm khác biệt của tấm ảnh năm nay là đôi mắt người mẹ, không hiểu vì sao lại man mác buồn, ẩn ước một nỗi niềm khó tả cùng ai.

Những mùa xuân không áp đặt hình hài
Không tạo dựng những nỗi niềm sâu lắng
Chỉ đi qua, để lại đời trái đắng
Người xa người, xuân từ đó biệt ly
(Thơ của tác giả)

Hình như đó cũng là tấm ảnh cuối cùng gia đình bốn người đầm ấm, hạnh phúc bên nhau.

Hàng năm, vào mùa xuân, vẫn theo thông lệ, cả gia đình vẫn luôn có một tấm ảnh mới, được trân trọng lưu giữ vào album gia đình. Nhưng từ năm thứ sáu, trong ảnh chỉ còn một chàng trai gầy gò, đôi mắt sâu cương nghị, môi mím chặt. Đứa bé gái vẫn mặt phụng phịu như muốn khóc. Cậu bé trai thì vẫn vô tư, rạng rỡ với nụ cười tỏa nắng. Hai đứa bé có vẻ như không biết gì về sự khác biệt đó cả. Nhưng trong album ảnh gia đình năm trước, có thêm ảnh người cha đầu quấn khăn tang, cô bé con đội khăn trắng, mếu máo cầm di ảnh mẹ, cậu bé trai vẫn ngơ ngác trong tang phục nắm áo chị, theo sát đoàn người.

Thời gian vẫn vô tình như thế, vẫn lặng lẽ trôi. Hai đứa trẻ vẫn lủi thủi theo cha mà lớn thành người. Chúng ốm và nhỏ con hơn lũ trẻ đồng trang lứa rất nhiều. Lật từng trang, từng trang album ảnh, mặc dầu quần áo chúng mặc đã được cố tình giặt sạch, ủi phẳng nhưng vẫn không thể che giấu được đó là đồ cũ của năm trước, và năm trước nữa.Không phải là theo lệ, mỗi năm đều mặc áo mới khi xuân về sao? Ừ thì, áo quần mặc mùa xuân thì cứ cất kỹ, năm sau lấy ra mặc lại vẫn khác gì đồ cũ chứ.

"Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm"
(Ca dao Việt Nam)

Biết trách ai bây giờ, trách người mẹ đã ra đi quá vội vàng, hay trách người cha phận gà trống nuôi con trong thời buổi kinh tế thị trường lại nhất quyết không tái giá bởi anh sợ cảnh
"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng"
(Ca dao Việt Nam)

Chỉ biết từng mùa xuân qua đi, khi hai đứa trẻ ngày càng lớn lên thì trái tim của anh cũng càng suy yếu dần. Có những cô gái đến bên, xin tình nguyện làm mẹ hai đứa nhỏ, cũng có những cô gái lỡ thì, những người đã lỡ một, hai lần đò mang lòng thương anh, thương hai đứa nhỏ cứ lắt lay như cây dại đầu đường nhưng anh đều lắc đầu từ chối:
"Mình đã nghèo, lại còn bệnh, sao nỡ làm khổ người ta."

Nhịp sống của gia đình vẫn bình dị và lặng lẽ như bao gia đình khác bên dòng đời tấp nập. Chỉ khác biệt mỗi sớm, mỗi đêm anh khoác lên mình chiếc áo lam, quỳ trước bàn thờ gia tiên, thành tâm tụng kinh và cả nhà đều ăn chay.

Khi cô bé con lớn lên, có lần cô hỏi:
"Sao sáng sớm trời lạnh thế này mà Ba không ngủ thêm? Tụng kinh trễ chút cũng có sao đâu."

Anh, giờ đã là một người đàn ông trung niên, chỉ nhìn di ảnh người vợ, mãi mãi ở tuổi hai mươi lăm, mà nói rằng:
"Ba đã có giao hẹn. Đã giao hẹn thì phải giữ đúng lời."

Giao hẹn? Giao hẹn gì, với ai chứ? Cô con gái lắc đầu mờ mịt. Thôi kệ, ba thích thì cứ để ba làm thôi, nhưng cô lo lắng vì thời tiết lạnh quá không tốt cho bệnh của ba, nên chỉ nói thêm:
"Ba nhớ mặc thêm áo lạnh vào!"

Ông gật đầu và mỉm cười trìu mến:
"Ba biết rồi. Con ngủ tiếp đi!"

Nhịp sống gia đình cứ thế êm đềm trôi.

Kể từ ngày cả nhà sắm chiếc máy chụp ảnh thì album gia đình bây giờ có thêm nhiều ảnh sinh hoạt, đi dã ngoại của ba cha con nên lung linh nhiều màu sắc hơn. Nào là đi bắt cá, leo đồi, đi chợ, đi phố, ảnh lĩnh phần thưởng cuối năm của hai chị em, ảnh khi cả nhà có chú chó cưng đầu tiên, v.v…

Nụ cười cũng xuất hiện trên gương mặt người cha nhiều hơn. Nhưng có vẻ như ông trời đố kỵ hạnh phúc của họ, nên khiến trái tim của anh trở nên yếu ớt đi sau nhiều năm lao lực, lại buồn đau dai dẳng sau khi vợ qua đời. Do đó, anh không đủ điều kiện để tiếp tục đi làm bên ngoài nữa.

Dẫu vậy, gia đình ba người vẫn cùng nhau vượt qua giai đoạn bấp bênh đó. Họ mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Hai đứa con đi học về thì bắt tay vào phụ ba đi mua hàng, bán hàng. Gia đình vẫn lại tràn ngập tiếng cười.

Mỗi năm, gia đình vẫn có một chậu hoa mai rực rỡ đón xuân về, đĩa bánh mứt, hạt dưa, trà thơm tiếp khách. Trên bàn thờ lúc nào cũng có quả dưa thật to, đẹp nhất được dán chữ Phúc lộng lẫy. Không nhớ từ năm nào đó nhà nước cấm đốt pháo, cho nên hương vị mùa Xuân cũng yên ả hẳn đi. Hay là do lớn lên, những chuyện ồn ào, náo nhiệt cũng không còn hấp dẫn như thời trẻ thơ nữa.

Điểm nhấn của mỗi khi xuân về sẽ không còn tiếng pháo nổ đì đùng và mùi thuốc pháo lan tỏa khắp nơi, cùng lũ trẻ con chạy ào khắp phố lượm pháo. Đúng vậy, chúng đi lượm pháo nên cũng đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi pháo lượm được, bất chợt phát nổ trên tay. Do đó, tuy nhà nước cấm pháo làm mùa xuân đến cũng không ồn ào nữa, nhưng cũng an toàn hơn. Ít ra, trái tim đã yếu của người cha cũng sẽ không bị giật bắn lên khi có tiếng nổ bất chợt nào đó.

Mùa xuân cứ thế, đến dịu dàng và mềm mại trong hương gió cao nguyên. Một chút se lạnh, điểm xuyết màu sắc rực rỡ và hương hoa chớm nở, một chút nắng vàng ve vuốt chân người trên phố. Mùa xuân lướt nhẹ qua dòng người dập dìu trong tấm áo mới, tiếng chúc phúc rộn ràng, tiếng trẻ con reo mừng nhận lì xì đầu năm, tiếng cụng li vui vẻ, khui chiếc bánh chưng, bánh tét bên dưa kiệu thơm nồng.

Dẫu bao gió sương, thăng trầm, thành công hay thất bại, đến hẹn Xuân lại về, bất chấp người ta có muốn chào đón hay không.

Xuân lại đến, vui mừng trên lối nhỏ
Hỏi thăm em, đã sắm sửa xong chưa
Xuân vô tình lướt qua căn phòng đó
Giường trắng tinh, một người thế...nằm im

(Thơ của tác giả)

Năm đó, gia đình không có ảnh chụp mùa xuân cùng nhau, vì người cha đang nằm trong phòng cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Trên chiếc giường phủ drap trắng, ông nằm im lìm, bất động như đang đi vào thế giới nào xa xôi, một nơi có người mẹ lũ nhỏ đang nhoẻn miệng cười, đứng chờ đón lấy một nhành hoa từ tay ông. Tay trong tay, họ cùng nhau đi qua rất nhiều vùng đất lạ, nói với nhau những điều năm ấy chưa kịp nói xong.

Trong bệnh viện. Phòng cấp cứu. Cô con gái xanh xao, tay nắm chặt lấy bàn tay người cha, nước mắt tuôn rơi. Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày thi rồi. Cậu con trai đứng đó, tay nắm chặt thành giường…

"Nếu ba...nếu ba không tỉnh lại, tụi mình phải làm sao?"

"Em không biết…"

Đó là lần đầu tiên cô con gái và cậu con trai cảm thấy mùa xuân không về, trong khi mọi gia đình khác đang nô nức chuẩn bị đón Tết thì chị em họ đang ở đây, trong bệnh viện với bốn bức tường lạnh giá, những người cùng nằm trong phòng cấp cứu này cũng đều im lìm như cha họ vậy. Hàng ngày có người chuyển vào, có người chuyển ra với drap trắng phủ mặt. Bác sĩ, y tá cũng một vẻ mặt có vẻ đã quá quen với những chuyện như vầy.
Một anh bác sĩ trẻ tới vỗ vai cô gái:
"Giữ gìn sức khỏe đi em, cũng nên chuẩn bị tâm lý trước…"

Chuẩn bị tâm lý trước? Tâm lý gì? Cô cảm thấy giận dữ vô cùng:

"Bác sĩ nói gì? Ba tôi không có sao hết, chỉ là đang ngủ thôi. Bác sĩ có biết chữa bệnh không…" rồi cô gục đầu xuống khóc nức nở.

Vị bác sĩ nói rằng:
"Tôi biết em đau buồn, nhưng tình hình bác trai không khả quan, hoàn toàn không có phản ứng. Nếu trong ba ngày không chuyển biến gì thì gia đình nên chuẩn bị sẵn tâm lý"

Cậu con trai hoảng hốt nhìn chị, nhìn sang cha mình đang nằm im đó. Giờ phải làm sao?

"Ba chỉ ngủ vì quá mệt thôi. Chị em mình xoa bóp cho ba. Khi chị đi học thì em vào thay. Em đi học thì chị lại vào, được không" - Cô chị ngước mắt nhìn cậu em.

"Được chị. Ba sẽ tỉnh lại!" Cậu em gật đầu.

Thế là hai đứa thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh. Các y tá cũng thương tình đặc cách cho hai đứa ở bên(thông thường phòng cấp cứu không cho người nhà ở cùng). Hai đứa thay phiên nhau xoa bóp tay chân, thì thầm nói chuyện với ba. Ban đêm thì cô chị ở lại, cậu em về giữ nhà. Ròng rã ba ngày hai đêm thì người cha cũng mở mắt ra, ngơ ngác hỏi:
"Đây là đâu?"- Ông có vẻ hơi thất vọng khi không thấy vợ yêu và khung cảnh như bản thân đã gặp mấy ngày qua.
Nhìn sang, thấy đứa con gái gầy rộc đang ngồi bên, nước mắt chảy dài:

"Ba em tỉnh rồi...Y tá...Chị y tá ơi.."

Mùa xuân năm đó, gia đình không bánh mứt, không hoa hòe mừng xuân, không áo mới, không đi chơi xuân, không ảnh lưu niệm, nhưng cả nhà đều vui chưa từng thấy.

Người cha nằm trên giường, được châm cứu và đang cố gắng tập vật lý trị liệu để hồi phục trở lại. Ông bị liệt nửa người.

Xuân đến, xuân đi, vẫn một chu kỳ cố định hàng năm. Kinh tế chính giờ do hai đứa con tự sắp xếp lấy. Người cha đã có dấu hiệu hồi phục do được cấp cứu kịp thời, và cũng có thể nói là do ý chí của ông mạnh mẽ. Ông bảo con gái mua tập đồ nét chữ của học sinh lớp một về, run run điều khiển bàn tay đang hồi phục kia, tập viết lại từ đầu.

Mùa xuân năm tiếp theo là tiếng reo mừng vui vẻ của cả nhà khi người cha đã có thể viết trở lại, viết hoàn chỉnh được một trang giấy, và cũng đã đi lại được. Trí nhớ ông không còn được như xưa nhưng đã có quyển sổ ghi chú cô con gái tặng, mọi việc cứ ghi vào đó là xong. Ông bắt đầu có thói quen viết nhật ký từ đó.

Nếu như trời yên ả, sao lại có mưa giông
Nếu cuộc đời bằng phẳng, ai hiểu được đau thương
(Thơ của tác giả)

Xuân đến, xuân đi. Hoa nở, hoa tàn. Đó là quy luật của muôn đời. Quả tim suy yếu của người cha đã không còn chịu đựng được nữa. Nó đã quá hạn sử dụng rồi. Xe cộ, máy móc còn thay phụ tùng được, nhưng đây là quả tim đấy, ở đất nước này, một gia đình bình dân, không tiền bạc biết thay ở đâu, các con chỉ có thể đưa ông vào viện, nhờ bác sĩ sửa chữa lại các van hỏng hóc mà thôi.

Nghĩ cũng tội hai đứa nhỏ, tụi nó vừa bước chân vào đời, còn đang tự thân tự lực chèo chống với giông gió, không như chúng bạn được mẹ cha rải thảm đường đi, thì hai đứa nó đã phải chạy ngược chạy xuôi lo chi phí cho cơn phẫu thuật tim của người cha. Đơn giản thôi, chúng không thể nhìn ông chịu cơn đau dày vò đến rộc cả người ra như thế.

Chuyện yêu đương, xin gác lại đi người
Chữ hiếu kia, còn gánh nặng trùng khơi
Không cảm thông, thì gửi trả đôi lời
Bởi còn đang bận, nợ đời quấn thân

(Thơ của tác giả)

Có một mùa xuân năm nào đó không rõ. Cô con gái và cậu con trai reo mừng khi bác sĩ báo ca mổ thành công. Người cha cười yếu ớt nắm tay con mình, ngắm một vì sao xa xa nhấp nháy trên bầu trời. Ông không biết rằng cô con gái len lén lau nước mắt, cậu con trai quay mặt nén tiếng thở dài.

Một mùa xuân vui buồn lẫn lộn, giọt nước mắt của họ có mừng vui, có đau khổ chia ly.

Nhiều năm về sau, khi chỉ còn hai chị em bên nhau. Cậu em trai hỏi:
"Sao chị từ chối người ta?"
"Chẳng sao cả. Chỉ là ảnh nói một câu nghe không hạp" - Cô chị gõ gõ ly nước, cười đáp lời.
Cậu em trai tò mò:
"Ảnh đã nói gì? Em thấy hai người thương nhau lắm mà."

Mắt cô chị xa xăm:
"Ảnh nói: sao lúc nào cũng nhắc tới ba, lo cho ba nhiều thế. Ảnh mới là người cùng chung sống suốt đời về sau với chị."

Nói đến đó, cô ngẩng đầu lên nhìn em trai:
"Còn em? Sao từ chối con bé ấy. Nó xinh đến thế…"
Cậu em cũng cười buồn:
"Nhà mình đâu chứa được tiểu thư chị ơi. Với lại, ba còn bệnh thế này…"

Album ảnh gia đình lại ngập tràn ảnh đi chơi của ba cha con. Dường như số ảnh trong ba năm đó còn nhiều hơn tổng số ảnh của những năm trước kia. Hễ được nghỉ phép là cô con gái, cậu con trai lại tranh thủ về chơi cùng người cha, cả nhà lại đi chơi ở bất cứ nơi nào ngân sách cho phép. Dường như mùa xuân đều đến mỗi ngày trong gia đình họ. Cả ba người đều cười rất tươi. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của gia đình họ.

Và một ngày hoa Sala nở thơm ngát đất trời, một năm cả gia đình vừa cùng đón xuân với nhau xong, có lẽ đã đến hạn kỳ nên người mẹ đã đến, giang rộng vòng tay đón người cha đi. Ông nằm đó, môi phảng phất nụ cười, yên bình, tĩnh tại. Có lẽ cuối cùng ông cũng đã gặp lại được người vợ yêu dấu của mình sau bao nhiêu năm chờ đợi. Ông không kịp đón cô con dâu mới vào nhà, dẫu rằng gia đình đôi bên đã định ngày cưới cho đôi trẻ vào cuối năm.

Hương xuân vẫn còn vương vất, nhưng nơi này, lại một lần nữa hai đứa trẻ chít khăn tang. Trước di ảnh của cha, cả hai khi chưa thành gia lập thất thì vẫn mãi còn là đứa trẻ ngơ ngác mà thôi. Đôi bàn tay nắm chặt, hai chị em như không thể tin sự thật phũ phàng, nước mắt chừng như không thể rơi vì không chấp nhận sự thật. Ba ngày cũng trôi qua theo thủ tục, đến lúc di quan, bi thương kiềm nén mới chợt vỡ òa.

Ba thật đã đi rồi sao? Thật sự ba bỏ lại tụi con sao? Rồi từ đây vui, buồn con biết kể cho ai…

Kể từ đó, những mùa xuân lặng lẽ trôi đi. Album ảnh gia đình không có thêm ảnh mới nữa. Ba lần đám giỗ cũng trôi qua. Căn nhà cũ cũng đã được bán đi vì không ai chịu đựng được khi bước vào căn nhà cũ tràn ngập kỷ niệm và hình ảnh người cha nơi đó.

Cậu con trai cũng đã lập gia đình và trở thành cha của hai thằng nhóc bụ bẫm, nghịch ngợm. Mỗi ngày, cậu vẫn đúng giờ thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên. Có lẽ cậu đang thì thầm:
"Con đã hiểu ba khổ như thế nào"

Cô con gái vẫn hàng đêm mơ thấy cùng cha đi chơi, nói chuyện cười đùa và lại choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn căn nhà mới của mình, nhưng vô cùng xa lạ.

Xuân vẫn về. Vườn nhà cô trồng rất nhiều hoa, chúng đều tranh nhau nở, thắm sắc thắm hương. Trên ban công cô để hai chậu sen rất to, thường thì mùa hạ sen mới nở rộ, nhưng mỗi năm, xuân về hai chậu sen cũng sẽ có một, hai bông nở đúng dịp. Thơm ngát, thanh khiết.

Nhà cô, không để bàn thờ nào cả. Những lúc sen nở là những lúc cô vui vẻ nhất, người ta thấy cô đứng bên chậu sen, nhưng không biết rằng cô đang thì thầm:
"Ba về thăm con, phải không ba?"

Có lẽ là vậy, có lẽ đơn thuần chỉ là xuân về, nên trăm hoa đều đua nở để khoe sắc mà thôi. Chỉ là, nơi nào đó, trong trang nhật ký của người cha, trang cuối cùng ghi là:
"Kiếp sau nguyện làm một đóa sen tươi…"

Năm nay, lại một mùa xuân nữa sắp đến, văng vẳng đâu đây, nơi góc phố này, nhà nào đó đang mở máy hát, giọng người ca sĩ cứ mơ mơ hồ hồ theo gió thoảng

"Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Một chiều xuân em đã hẹn hò
Như ươm tình trong cánh hoa mơ,
Khơi hương theo làn gió
Em bảo rằng em viết thành thơ…..

Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
Em đứng chờ tôi dưới song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa…"
(Trích bài hát "Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa")

Hỏi người con gái dáng gầy gầy bên ban công:
"Xuân đã về chưa?"

Hết đoản khúc số 1

Triều Âm






































#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9