Viet duong nhan
-
Số bài
:
6666
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 25.10.2004
- Nơi: Suối Yêu Thương
|
::: Rồi rồi ! NÓ đã đến rồi ! :::
-
22.10.2012 07:10:52
Rồi rồi ! NÓ đã đến rồi ! Bị ung thư sẽ chết, không ung thư cũng sẽ CHẾT. Có gì đâu quan trọng !! Tuổi tui ung thư là chiện thường. Tới ngày lên cơn đau quá xin BS tiêm vài lần 'morphine' tắt thở thế là "TRẢ NỢ ĐẤT" xong một kiếp. Sau đó trở lại trần gian "CHÌM CHÌM NỔI NỔI" tiếp nữa ha ha ha *** Ung thư vú (Breast cancer) Bắt đầu ngày 1 tháng 1 năm 2013, tất cả các vị có Medi-Medi sẽ buộc phải gia nhập một tổ hợp y tế, chỉ đi một bác sĩ chính (primary care doctor, primary care physician). Trong vòng vài tháng nữa, khi nhận được giấy tờ gửi đến thông báo và yêu cầu chọn bác sĩ chính, nếu các vị không điền chọn bác sĩ chính của mình, cơ quan phụ trách việc này của tiểu bang sẽ chọn hộ một bác sĩ có thể mình chưa biết bao giờ, và vào tháng 1 năm tới, mùa đông nhiều bệnh, muốn đến khám bác sĩ trước giờ mình vẫn đi sẽ không còn được nữa. Mô hình managed care HMO cho các vị có Medi-Medi đã tự nguyện gia nhập từ vài năm nay đang thành công, đưa đến những chăm sóc kỹ lưỡng hơn, đồng thời cũng tiết kiệm rất nhiều tiền cho chính phủ. (Riêng tiểu bang California họ tính, kể từ năm tới, khi đưa xong tất cả các vị Medi-Medi vào những tổ hợp y tế, mỗi năm tiểu bang California sẽ tiết kiệm được trên dưới 1 tỉ đô-la, tiền hiện thất thoát qua nhiều ngõ, kể cả những lạm dụng, gian lận.) Nhận chỉ thị trực tiếp từ Medicare, các tổ hợp y tế HMO thường xuyên nhắc nhở các bác sĩ trong tổ hợp phải thi hành những chỉ thị này, chăm sóc sức khỏe cho các vị bệnh nhân trong tổ hợp một cách có phẩm chất (quality of care). Một trong những chỉ thị này là đưa người phụ nữ trong hạn tuổi 40-69 đi chụp phim vú (mammogram) ít nhất mỗi 2 năm. Tại Mỹ, với phụ nữ, ung thư vú là loại ung thư xảy ra nhiều nhất, gây tử vong đứng hàng thứ nhì chỉ sau ung thư phổi, và là nguyên nhân tử vong nhiều nhất cho người phụ nữ trong hạn tuổi 45 đến 59, tuổi đời sống đã ổn định, chúng ta đang vui sống. Trong năm 2012, ước tính sẽ có thêm 230,000 trường hợp ung thư vú mới được khám phá, và khoảng 40,000 người sẽ mất mạng vì nó. Định bệnh Ung thư vú có thể khiến vú trông thay đổi về khối lượng hoặc hình dạng so với bên kia, da vú ửng đỏ, lún xuống, núm vú chảy nước, máu, hoặc lõm vào trong, thay vì lồi ra ngoài bình thường như trước. Nhưng ung thư vú, thường như con ác thú, nằm chờ trong rừng, im hơi lặng tiếng, không gây triệu chứng gì cả, và ta tình cờ tìm thấy nó dưới dạng một khối lạ sờ thấy bằng tay, hoặc bằng những phương pháp chụp phim vú, siêu âm. Phim vú cho thấy khối lạ (mass) trong vú Phim vú (mammogram) rất tốt để khám phá ung thư, nhưng đến 20% trường hợp ung thư vú, phim vú không thấy được khối ung thư có đó (tức trong 5 người bệnh ung thư vú, phim có thể sót mất 1 người). Cho nên, bác sĩ không nên chỉ cho chụp phim vú thôi mà không thăm khám bằng tay. Trường hợp khối lạ trong vú sờ thấy bằng tay, mà không thấy được trên phim vú, chúng ta làm thêm siêu âm vú để xác định. Nếu chúng ta nghi ngờ khối lạ trong vú có thể là ung thư, bước kế tiếp, chúng ta nhờ bác sĩ giải phẫu đâm kim vào chỗ có khối lạ, lấy ra chút mô đem thử xem nó có đúng thực ung thư hay không. Phương pháp này gọi là biopsy. Ung thư đã tiến triển đến đâu? Sau khi tìm thấy ung thư, ta cần biết nó đã tiến triển đến đâu, còn nằm tại vú, hay đã lan ra những hạch quanh vú, hoặc đã theo máu đi xa, vì trong sự chữa trị, ném chuột sợ vỡ đồ, ta xuống tay nhẹ hay nặng tùy vào mức độ tiến triển của nó. Việc tìm hiểu này gọi là "staging", được thực hiện bằng nhiều phương pháp: thử máu, chụp phim, mổ xem các hạch bạch huyết (lymph nodes) quanh vú (nách, thành ngực) đã có tế bào ung thư đến thăm hay chưa, ... Chúng ta nhờ bác sĩ chuyên khoa ung thư (Oncology) làm việc này. Ung thư vú tiến triển qua 4 giai đoạn: từ giai đoạn 0 (stage 0) khi ung thư chưa sờ thấy, nhưng tình cờ khám phá được bằng phim chụp vú, sang những giai đoạn I, II, III và IV (stages I, II, III and IV). Các giai đoạn I, II, và III, là những giai đoạn ung thư đã sờ thấy được, hoặc đã lan ra các hạch quanh vú. Giai đoạn IV là giai đoạn cuối, khi ung thư đã tiến triển quá xa, theo máu chuyển di đến các cơ quan khác, như gan, phổi, xương, óc, mắt, da. Khám phá ung thư sớm trong giai đoạn 0, và chữa trị đúng, tỉ lệ sống sót 5 năm (5-year survival) lên đến 99%. Khám phá ung thư muộn trong giai đoạn IV, tỉ lệ sống sót 5 năm chỉ được 14%. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc truy tìm ung thư bằng phim chụp vú mỗi 1-2 năm. Chữa trị Ung thư vú chữa bằng nhiều cách: giải phẫu (surgery), phóng xạ trị liệu (radiation therapy, dùng tia phóng xạ đốt các tế bào ung thư), kích thích tố (hormonal therapy) và bằng các chất thuốc hóa học (chemotherapy). Những cách chữa trị trên được dùng riêng rẽ, hoặc phối hợp, tùy vào nhiều yếu tố: ung thư đã tiến triển đến giai đoạn nào, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của người bệnh, đồng thời cũng dựa vào ý muốn của họ. Khi ta khám phá ung thư vú thực sớm, lúc ung thư chưa sờ thấy được bằng tay, tình cờ khám phá nhờ phim chụp vú (stage 0, carcinoma in situ), ung thư chữa bằng giải phẫu, cắt bỏ hoàn toàn (total mastectomy) hoặc một phần (partial mastectomy) bên vú có ung thư. Trong các trường hợp chỉ cắt một phần vú, cho chắc ăn, ta thường chữa thêm với phóng xạ trị liệu, vì phóng xạ trị liệu sau khi giải phẫu sẽ làm giảm hiểm nguy bị ung thư tái phát rất nhiều. Giải pháp mổ cắt bỏ hoàn toàn vú nhiều phụ nữ nay không mấy tán thành, vì sau khi mổ, sẽ... không được đẹp; những người muốn đẹp như trước, lại cần thêm một cuộc giải phẫu nữa để tái tạo vú (breast reconstruction). Khi ung thư vú, lúc ta khám phá, đã sờ thấy được, hoặc đã lan ra các hạch quanh vú (giai đoạn I, II và III), cách chữa gồm nhiều phối hợp: giải phẫu cắt bỏ vú có ung thư (cả vú hoặc một phần vú), cắt bỏ các hạch quanh vú bị ung thư tới thăm, phóng xạ trị liệu sau khi giải phẫu, và chữa bằng các chất thuốc hóa học. Nhiều trường hợp còn cần chữa thêm với các thuốc thuộc loại kích thích tố (như thuốc tamoxifen). Khi ung thư vú đã tiến triển quá xa, tức đã theo máu chuyển di đến các cơ quan khác, như gan, phổi, xương, óc, mắt, da (metastatic cancer, stage IV), cách chữa chính là dùng thuốc thuộc loại kích thích tố, các chất thuốc hóa học, và phóng xạ trị liệu. Phòng ngừa Tuy cũng có những người bị ung thư vú dù không mang yếu tố nguy hại nào cả, song có nhiều yếu tố được xem khiến người phụ nữ sau sẽ dễ bị ung thư vú: - Tuổi tác: càng cao tuổi càng dễ có ung thư vú, nhất là sau tuổi 50. - Phái tính: phụ nữ bị ung thư vú nhiều gấp 100 lần đàn ông. - Từng bị ung thư vú: người đã từng bị ung thư sau dễ bị ung thư ở vú bên kia. - Gia đình: nếu có người thân trong gia đình bị ung thư vú, nguy cơ ung thư vú tăng cao. - Chủng tộc: tỉ lệ ung thư vú cao nhất ở người da trắng, song tất cả các sắc dân đều có thể bị ung thư vú. - Phóng xạ (ionizing radiation): những người phải chữa bằng tia phóng xạ chiếu vào ngực với lượng cao (để chữa ung thư hạch chẳng hạn) sau sẽ dễ bị ung thư vú. - Yếu tố nội tiết: một số yếu tố nội tiết khiến người phụ nữ sau dễ bị ung thư vú, như người có kinh sớm (trước 11 tuổi) và mãn kinh trễ (sau 54 tuổi); người không sanh nở, hoặc mang thai lần đầu muộn sau tuổi 30; người không cho con bú; người dùng thuốc kích thích tố estrogen và progesterone sau khi mãn kinh. Phụ nữ cao, phụ nữ béo mập dễ bị ung thư vú hơn người thấp, người không béo mập. - Rượu: uống rượu nhiều sẽ làm tăng tỉ lệ bị ung thư vú. Trong các yếu tố kể trên, ba yếu tố đầu (tuổi tác, từng bị ung thư vú, gia đình có người bị ung thư vú) được xem là các yếu tố nguy hại (risk factors) quan trọng nhất. Ngược lại, thường xuyên vận động sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ bị ung thư vú. Có người thân trong gia đình (mẹ, chị, em gái) bị ung thư vú, đi khám bệnh, bạn nhớ cho bác sĩ hay, bác sĩ sẽ cảnh giác. Có những điều chúng ta chẳng thể thay đổi, như mỗi ngày chúng ta càng cao tuổi hơn, không ai vặn ngược lại được đồng hồ thời gian, nhưng có nhiều cái chúng ta thay đổi được nếu quyết tâm, như bớt uống rượu đi, tìm cách xuống cân nếu béo mập. Thường xuyên vận động rất tốt, không những giúp chúng ta bớt béo mập, còn tự nó làm giảm nguy cơ ung thư vú. Những vị đang uống thuốc kích thích tố estrogen và progesterone sau khi mãn kinh nhờ bác sĩ thử bỏ các thuốc này xem sao, vì dùng những thuốc này về lâu về dài dễ bị ung thư vú, bệnh tim mạch (heart attack, stroke, …). Hiện có hai thuốc tamoxifen và raloxifene có thể giúp giảm nguy cơ bị ung thư vú ở các phụ nữ sau dễ bị ung thư vú, như phụ nữ đã mãn kinh làm sinh thiết vú (biopsy) thấy có mô vú bất thường có thể đưa đến ung thư, những phụ nữ đã mãn kinh tính ra có nguy cơ cao dễ bị ung thư (như từng bị ung thư vú; có nhiều người thân trong gia đình bị ung thư vú, …). Thuốc tamoxifen gây nhiều phản ứng phụ hơn thuốc raloxifene. Truy tìm ung thư vú ở phụ nữ Truy tìm ung thư vú (breast cancer screning) ở người phụ nữ giúp chúng ta khám phá ung thư vú thực sớm khi chưa có triệu chứng gì cả để còn kịp thời chữa trị. Trong mấy thập niên qua, tử vong do ung thư vú giảm so với trước, vì nay người ta khám phá ra ung thư sớm hơn. Ba phương pháp hiện đang được dùng để truy tìm ung thư vú là tự khám vú (breast self-examination), nhờ bác sĩ khám vú (clinical examination of the breast), và chụp phim vú mammography (xin đừng gọi "phim ngực", kẻo lầm với "chest X-ray", chụp toàn thể các cơ quan trong ngực; còn "chest X-ray", đúng nghĩa là "phim ngực", chúng ta nên tránh gọi "phim phổi"; ở đất Mỹ, chúng ta dùng đúng cách gọi ở đây, giúp bác sĩ dễ làm việc, khỏi hiểu lầm). Hàng tháng, sau khi có kinh khoảng 1 tuần, phụ nữ có thể tự khám vú (khám như thế nào, bạn có thể nhờ các bác sĩ chỉ dẫn). Vị nào đã mãn kinh, xin cứ mỗi đầu tháng lại tự khám, cho dễ nhớ (chúng ta ai cũng đa đoan công việc, hay quên lắm). Khám thấy có gì lạ, bạn đến bác sĩ nhờ xem lại hộ. Các khảo cứu mới cho thấy việc tự khám vú không còn quan trọng như trước, vì thực ra không làm giảm tử vong, song việc tự khám vú có thể khiến người phụ nữ ý thức hơn về vấn đề ung thư vú. Tùy tuổi, bạn nên nhờ các bác sĩ khám vú định kỳ cho bạn. Chẳng hạn, từ 20 tuổi đến 39 tuổi, cứ 2-3 năm, bạn nên nhờ bác sĩ khám vú hộ, rồi từ 40 tuổi trở lên, mỗi năm bạn nên nhờ bác sĩ khám 1 lần. Người có thân nhân trong gia đình bị ung thư vú cần được bác sĩ khám vú thường hơn. Còn phim vú (mammography), bao giờ thì nên bắt đầu chụp, và bao lâu lại chụp một lần? Trừ những vị có người thân trong gia đình bị ung thư vú, có thể cần chụp phim vú trước tuổi 40, thường việc dùng phim vú mammography để truy tìm ung thư bắt đầu vào tuổi 40, nếu bình thường, mỗi năm sẽ chụp lại. Lên đến tuổi 50, chúng ta chụp phim vú mỗi 1-2 năm. Xin nhớ, phim chụp vú không khám phá thấy ung thư trong 15-20% các trường hợp, nên chụp phim vú cần được phối hợp với việc nhờ bác sĩ khám vú định kỳ hàng năm. Ngược lại, nhiều trường hợp ung thư vú, khám không thấy, song chụp phim lại thấy. Tại Mỹ, với phụ nữ, ung thư vú là loại ung thư xảy ra nhiều nhất, gây tử vong đứng hàng thứ nhì chỉ sau ung thư phổi, và là nguyên nhân tử vong nhiều nhất cho người phụ nữ trong hạn tuổi 45 đến 59. Trong năm 2012, ước tính sẽ có thêm 230,000 trường hợp ung thư vú mới được khám phá, và khoảng 40,000 người sẽ mất mạng vì nó. Chúng ta không nên coi thường nó. Bác sĩ Nguyễn Văn Đức http://www.thegioimoionline.com/tm.php?recordID=3433
|