Nhật Ký Ghi Lại: Hải Vận Hạm Lam Giang HQ402. Một Nhân Chứng.
phucuongx 24.05.2023 03:45:17 (permalink)
Nhật Ký Ghi Lại: Hải Vận Hạm Lam Giang HQ402. Một Nhân Chứng.
Nguyễn Cường
Nhiều năm qua thỉnh thoảng người thân hay bạn có hỏi tôi rời Viêt Nam năm 1975 như thế nào(?). Tôi chỉ kể sơ qua vắn tắc, không đầu không đuôi, cho xong chuyện, vì thời gian quá ngắn ngủi trong những dịp gặp nhau. Nhưng bây giờ, cuốn sổ nhật ký cho những sự kiện đáng ghi nhớ trong đầu đã mờ dần theo thời gian, nếu không ghi lại trên giấy trắng mực in, thì có thể mất luôn...! Do đó, tôi cố gắng ghi lại tất cả những gì đã có được trong cuốn nhật ký một cách trung thực, không thêm thắt, nhưng có bỏ bớt đi một vài chỗ không cần thiết, vì lý do tế nhị, vi phạm đời tư cá nhân. Mong quý bạn đọc thông cảm và bỏ qua cho những sai sót, nếu có. Thành thật cảm ơn.
Thứ Bảy,  26/4/1975.
11:30 AM. Phóng ra khỏi cổng chính trường “ Đại Học Bách Khoa“ với tấm bằng mới lãnh và một tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui là như vừa trút khỏi gánh nặng ‘ngàn cân‘ của chuyện học hành thi cử, còn buồn là vì thực tế tình hình khi thấy tương lai thật là mù mờ đen tối như “ đêm 30”. Theo đường Nguyễn Văn Thoại (Nay là Lý Thường Kiệt) hướng về khu nhà gần phi trường Tân Sơn Nhất, nơi gia đình tạm trú khi di tản từ Nha Trang vô, bỗng nhiên tôi nhìn thấy một chiếc máy bay Mỹ có phù hiệu hai chữ AA bốc cao lên bầu trời với âm thanh gầm rú chói tai. Hình ảnh đó nhắc nhở tôi, làm bật lên trở lại trong đầu một ý tưởng ‘liều lĩnh’ mà trước đó chỉ có trong giấc mơ: Đi du học!
Phải rồi, tự nhiên ở đâu trong sâu thẳm của tiềm thức, những mảnh vụn của trí nhớ xuất hiện, bao gồm các thông tin được tiếp thu trong mấy tuần qua, cộng thêm chút năng khiếu về trực giác, tất cả đã được đúc kết lại, và cho tôi một kết luận: Đây là cơ hội vàng hiếm có để xuất ngoại du học miễn phí, ít tốn kém nhất! Thoáng lướt qua hai phương tiện sẵn có là máy bay hay tàu thuỷ, thì có thể thấy ngay tàu thuỷ là sự lựa chọn tốt nhất! Mãi mê suy nghĩ, tôi đã tới nhà lúc nào không hay. Lúc này ‘ gia đình tôi ‘ có thêm 3 đứa em họ cùng di tản theo vào SG.
Không nói cũng biết là ba má tôi vui mừng ra mặt khi tôi trình ra cái văn bằng tạm mới lấy được từ hồi sáng. Chiều nay má sẽ làm bữa tiệc nhỏ mừng tôi tốt nghiệp ra trường. Suốt cả buổi chiều tôi cứ miên man suy tính về kế hoạch “xuất ngoại ké” theo dòng người di tản ra nước ngoài. Tôi biết chắc chắn là như vậy vì cách đây 3 ngày, gia đình 9 người của dì dượng tôi đã có hẹn đi ra Tân Sơn Nhất và không thấy trở về lại, nghĩa là họ đã ra đi suôn sẻ! Đó chính là lý do động viên tích cực nhất cho tôi! Tối đó như thường lệ tôi về lại phòng trọ ở cư xá Lữ Gia (?), đối diện với trường Thương Mại. Phòng trọ tôi ở tầng lầu ba của căn nhà, trước đây cho Mỹ thuê. Người Mỹ rút hết về nước nên chủ nhà cho thuê lại với giá rẻ, vì không ai muốn đi bộ lên xuống ba tầng lầu!
Chủ Nhật, 27/04.
Công việc chính hôm nay là tôi phải đi tìm một anh bạn Café rất quen, trước ở chung với tôi tại ĐHX Minh Mạng, tên là Ngô C., sinh viên trường Luật. Anh C. vốn chuyên lảm áp phe các dịch vụ thi Tú Tài và giấy hoãn dịch, nên giao thiệp rộng và quen biết nhiều. Buổi sáng tới phòng không gặp, phải đợi tới chiều tối mới thấy anh ta mò về để mời đi uống nước và bàn chuyện. Anh C. không tính chuyện ra đi, nhưng theo thông tin của một người bạn HQ đang ở cư xá Cửu Long bên Thị Nghè, thì HQ đang chuẩn bị sẵn sàng, chờ khi có lệnh trên sẽ nhổ neo! Mừng quá như bắt được vàng, tôi nài nỉ rủ anh sáng mai cùng đi gặp và giới thiệu tôi với anh bạn HQ đó. Anh đồng ý.
Trong khi nói chuyện thì tôi nhớ lại là cách đây gần 2 năm, anh cũng đã giới thiệu tôi với một nhân vật đặc biệt khá nổi tiếng trong ĐHX về bói Dịch, tên là Hồ X. Ph., đang học năm thứ 3 trường Y. Chính anh Ph. sau đó đã giới thiệu cho tôi cuốn “Mai Hoa Dịch Số “ chỉ rõ cách lấy quẻ theo ngày giờ rất hay. Hoá ra anh Ph cũng bị “mời ra” khỏi ĐHX vì ở quá lâu, và hiện đang ở cùng chỗ, chỉ cách có vài trăm mét mà tôi không biết. Nhớ lại hồi cuối năm ngoái, khi ngồi uống cà phê ở quán ‘Tư Râu ‘ cạnh hẻm vô khu cư xá giáo chức ĐH, anh có gieo một quẻ về tương lai VN và nói là: ”Sẽ sớm có Người đến từ miền Cao xuống để mang hoà bình cho VN!!” Không biết có phải quẻ đã ám chỉ đến mấy sư đoàn chính quy Bắc Việt từ trên Ban Mê Thuộc(?) xuống, nhưng nghiệm thấy cũng có lý, nên tôi có phần nào tin tưởng vào tài bói Dịch của anh. Sẵn dịp, tôi cũng muốn nhờ tài đoán quẻ Dịch của anh để xem kế hoạch có thành công hay không. Tôi hẹn trễ với anh C. ngày mai khoảng 10 AM mới đi, sau khi đã ghé thăm anh Ph. Từ chiều tôi đã không về nhà ăn cơm, và tối nay cũng không ghé qua nhà trình diện vì phải về phòng trọ ngủ để sáng đi thăm anh Ph, nên có làm cho má tôi lo, và ba tôi thì  chắc là không hài lòng!
Thứ Hai, 28/04.
08:00H. Tới nhà thăm anh Ph, may mắn là anh đang ở trong phòng, vì các trường ĐH đã tạm thời đóng cửa. Tôi mời đi ăn sáng thì anh từ chối vì đang tu Thiền và ăn chay trường để cầu nguyện cho hoà bình VN! Sau vài câu chuyện xã giao, tôi vô thẳng vấn đề, kể cho anh nghe về dự định ‘xuất ngoại ké ‘ theo HQ và hỏi (quẻ Dịch) có được không? Với nụ cười mỉm của ‘Thiền Gia ‘, anh rủ tôi cùng lấy quẻ (vì biết tôi cũng có biết chút ít về Dịch), rồi nói một hơi: “Coi nào….là bảy ….là hai bốn…..là Địa, cộng thêm 5 là 29 …là Phong, …Động hào 5...Như vậy là được ba quẻ: Thăng, Qui Muội và Tĩnh, nghĩa là sắp đi (Thăng), rồi trở về (Qui Muội), rồi sẽ ở yên (Tĩnh)…ha!…ha!…ha! Anh kết luận với lối cười quen thuộc cố hữu mỗi khi thích thú một chuyện gì đó!
Tôi có hơi thất vọng, nhưng vì hiểu ba quẻ Dịch trên theo cách khác nên hỏi anh một câu thăm dò: Anh có nghĩ là mình có thể hiểu ba quẻ trên theo một cách khác là: Đi trong sự rối ren và lo sợ thì sẽ tới nơi yên ổn (Tĩnh)? Vì quẻ “Qui Muội “ trong Kinh Dịch còn có ý nghĩa khác là “Con gái về nhà chồng “, không phải về lại nhà mình, mà đi về nhà chồng với bao nỗi lo sợ, nhưng cuối cùng rồi cũng được tốt đẹp(!?) Anh nghe xong, gật gù cái đầu ra vẻ suy nghĩ, nhưng không nói gì thêm. Cuối cùng, anh kết thúc bằng câu nói:” Quẻ lên sao thì mình nói vậy!” Chúng tôi nói thêm vài câu chuyện thời sự rồi tôi xin phép rút lui, vì có hẹn với anh C. để đi qua bên cư xá HQ. Buổi xem quẻ với anh Ph. hôm đó tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho tôi bài học quý giá trong việc suy đoán về quẻ Dịch mà tôi sẽ giải thích sau.
15:00H. Tôi và anh C. qua bên cư xá Cửu Long tìm anh Bạn X, một Trung uý Cơ khí HQ. Nói chuyện vòng vo một hồi, anh ra giá 4 cây cho mỗi người. Nếu chịu phải đưa trước 2, và phải vào ăn nằm trong này, chờ có lệnh mới được lên tàu. Không nói đến chuyện có thể xin được ba má 4 cây không, chỉ riêng việc anh bạn với cấp bậc trung uý thì có thể làm được gì nếu cấp trên của anh không cho phép tôi lên tàu, chưa nói đến phải chờ đợi bao lâu nữa(!?). Với suy luận thường tình thì xác xuất thành công chỉ có dưới 30%.(Khi nghĩ như vậy, tôi cũng như hầu hết mọi người đều không thể nào biết được là chế độ VNCH sẽ kết thúc trong vòng 48 giờ nữa!)
17:00H. Cáo từ anh bạn HQ ra về, chúng tôi chạy tới phố Lê Lợi Sài Gòn thì trời đổ mưa nặng hạt. Cả hai ghé vào quán Thanh Thế (gần rạp Vĩnh Lợi) để trú mưa. Nhưng một hiện tượng thời tiết bất thường chưa từng thấy đã xảy ra làm tôi nhớ mãi. Những đám mây đen dày đặc ở đâu chợt kéo lại phủ kín khắp SG, trời đang sáng nắng chiều bỗng nhiên tối sầm lại(như bị Nhật Thực). Tiếng sấm chớp hoà lẫn với tiếng bom nổ( do A-37 của Nguyễn Thành Trung đột kích) từ phi trường TSN làm rúng động lòng người! Cũng ngay tại thời điểm đó, ĐT DVMinh đang làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống! Sau này, khi có người nhắc đến sự kiện trên, ai cũng cho rằng đó là “Điềm Trời “ báo hiệu rất xấu!
Tôi về nhà ăn tối trễ với gia đình và bị ba ‘ giảng dạy ‘ gần một giờ. Tôi chịu trận ngồi nghe, nhưng tâm trí thì vẫn còn đang vương vấn với kế hoạch và quẻ Dịch hồi sáng. Anh Ph. nói không sai, kế hoạch của tôi qua nhờ anh bạn HQ đã không thành công, và tôi đã trở về lại con số không từ đầu!(Sau này khi chiêm nghiệm lại thì tôi cũng không sai! Giả sử lúc đó nếu tôi có 2 cây để đặt cọc và qua ở trong cư xá HQ ngày hôm sau 29/4, với bao nỗi lo sợ không biết mình có bị lừa gạt, hay có trở ngại gì khác không (?), thì tôi đã có thể dễ dàng lên tàu với anh bạn HQ ngay buổi chiều rồi. Còn sở dĩ có cảnh hàng ngàn người chen lấn xô đẩy lẫn nhau để lên tàu, là những người không có thân nhân HQ, biết thông tin quá muộn, hoặc đến nơi quá trễ khi các chiến hạm đã bắt đầu nhổ neo ra đi đêm 29, rạng sáng 30/4!). Tối đó trước khi về lại chỗ ở, tôi nhận ‘ khẩu lệnh ‘ từ Ba là trả lại phòng trọ và dọn về ở chung cho đỡ tốn kém! Tôi không còn lý do gì để không làm theo lệnh.
Thứ Ba, 29/4/75.
08:00 AM. Thu dọn hết số sách vở và đồ đạc để chất vào thùng. Trong khi làm việc, tai vẫn nghe đài Saigon đọc lại nhiều lần lệnh của chính phủ yêu cầu người Mỹ rời khỏi VN trong vòng 48 giờ kể từ 0 giờ ngày 29/4/1975. Nghe đài SG hoài cũng nhàm, bật qua đài FM 96.0 để nghe nhạc Mỹ vui hơn. Nhưng lạ thật, chỉ nghe chơi có một giai điệu duy nhất là “White Christmas”, được hát bởi nhiều ca sĩ…  ….I’m dreaming of a white Christmas….Sau này mới biết là mật hiệu ra lệnh cho công dân Mỹ rời khỏi VN!
11:00H. Chở trước một số sách về nhà mới. Ở lại nhà chơi cho đến chiều tối vì sợ phải nghe ba giảng bài tiếp. Sau bữa tối, chở thêm hai đứa em họ về phòng trọ ngủ với lý do để giúp dọn hết đồ đạc, vì ngày mai cuối tháng phải trả phòng.
21:00H Cả bầu trời thỉnh thoảng được rọi sáng bởi hỏa châu từ phi trường TSN. Tiếng đạn pháo và Trực Thăng di tản người Mỹ nghe vang khắp nơi, hoà lẫn với tiếng súng đủ loại bắn chỉ thiên lên trời. Sài Gòn bị đe dọa pháo kích, giới nghiêm vẫn còn hiệu lực. Tất cả đã làm cho ai đó có cảm tưởng như Sài Gòn đang bị siết cổ từ từ cho đến chết.
Chán nản trước những gì xảy ra trước mắt, tôi đem hết hồ sơ giấy tờ không quan trọng ra sân thượng để đốt. Thình lình trong đống giấy đó lòi ra một tấm cạc lớn khoảng 1/4 trang giấy, kèm theo là một túi vải nhỏ màu đỏ, miệng túi được cột bằng dây chỉ ngũ sắc. Tôi nhớ ra ngay đó là túi bùa hộ mạng mà ba tôi đã thỉnh từ Chiêm Tinh Gia Huỳnh-Liên với giá 5 ngàn đồng (Thời giá năm 1969, tô phở bình dân ở đầu hẻm ăn được chỉ 20 đồng!). Tôi không tin ở bùa chú mấy, cũng như không thích đeo bất cứ thứ gì trên cổ, nên bỏ vào hộp giấy tờ để đó. Tối nay, tôi quyết định đốt nó luôn. Nhưng với một chút tò mò trước khi đốt, tôi đã mở cái túi vải ra để coi ông H. Liên bỏ cái gì trong đó (?). Tháo sợi chỉ ngũ sắc, mở miệng túi vải trút ra là một đồng Penny(one cent)màu đỏ xẩm của Mỹ! Tôi bật cười khi nghĩ đến việc ông H. Liên đã đổi một xu của Mỹ cho ba để lấy 5 ngàn! Tôi bỏ lại đồng Penny vào trong túi vải, cột lại dây chỉ ngũ sắc như cũ, và…..ném luôn vào đống giấy đang bốc cháy!
Thứ Tư, 30/04/1975.
08:00H. Chất gần hết đồ đạc lên xe với đứa em họ ngồi sau, tôi không quên nhét vào quần trước bụng một “Vật Bất Ly Thân” cao tới hơn nửa ngực. Đó là tập hồ sơ cá nhân với bằng cấp, có bìa cứng và dày khoảng 2 cm. Tôi luôn mang theo nó trong người những khi có biến động. Trước là tránh bị mất trộm hay hỏa hoạn nếu để ở nhà, sau là với ý tưởng khá khôi hài, nó có thể giúp giảm bớt sự công phá nếu bị tấn công bằng vật cứng hay trúng đạn (!?)

09:00H   Trên đường về nhà, đi qua một cơ sở y tế của Mỹ bị bỏ ngỏ, tôi thấy người dân đang khuân vác những tấm nệm, quạt điện và tủ lạnh băng qua đường làm tắc nghẽn lưu thông. Bị kẹt xe dừng lại chờ, tôi nhìn thấy một cậu bé đi ra hai tay đang ôm một lô thuốc chích. Thầm nghĩ chắc là ba hành nghề y tá tư và cần những loại thuốc đó, tôi nhờ đứa em giữ xe để vào xem thử. Trong một phòng bị mất hai cánh cửa, một đống thuốc Tây (Mỹ) nằm lăn lóc ngập đầy nhà! Tôi nhanh chóng cầm lên từng lọ và liếc nhìn nhãn hiệu. Do không rành tên thuốc, nên cứ thấy nhãn in chữ Vitamin hay cuối tên có chữ cillin, như Penicillin, Amoxicillin v.v., là bỏ vào bao nhựa có sẵn trong phòng! Gần đầy bao thì tôi đi ra và chạy luôn về nhà.

10:00(+/-)H:  Đem hết đồ vào trong nhà và đang ngồi uống nước nghĩ mệt, tôi nghe nhạc trên đài SG ngừng lại, rồi có tiếng giới thiệu Tổng Thống VNCH..., và cuối cùng là lời tuyên bố lịch sử chấm dứt cuộc chiến 30 năm! Nhìn lại đồng hồ thấy 10:15! Ba thản nhiên như không có gì xảy ra, ngồi yên không nói gì. Riêng tôi có hơi bất ngờ vì không nghĩ là nó đã đến mau như vậy. Vài phút trôi qua trong im lặng…, rồi thình lình nó dâng lên như cơn sóng thần, có một sự thôi thúc mãnh liệt trong lòng là tôi phải ra đi, phải ra đi, vì đây là cơ hội cuối cùng. Cũng nhờ vậy mà tôi mới đủ mạnh mẽ và đầy tự tin để mở miệng nói với Ba hai lý do chính tôi muốn ra đi: 1) Trước sau gì tôi cũng xa gia đình để đi làm việc, và sẽ không ở với gia đình. 2) Đây là cơ hội vàng để xuất ngoại du học, nếu không, thì sẽ không bao giờ có nữa.

Thật là ngạc nhiên và đầy bất ngờ, ba má tôi đồng ý một cách nhanh chóng! Tôi mừng quá, sợ ba má đổi ý, quơ vội hai bộ quần áo với vài món vệ sinh cá nhân bỏ vô cái cặp da cũ ba cho. Má tôi như có trực giác báo trước, nhắc tôi đem theo bộ vét vì “qua bên đó lạnh”, má còn cho tôi một xấp bạc năm trăm. Tôi chào từ biệt rồi đi ra cửa, nhưng má kêu lại bảo chờ một chút….!?. Từ trong phòng bước ra, má lại dúi thêm vào tay hai lượng vàng! Thêm một bất ngờ. Tôi vừa mừng vừa xúc động, ráng cầm nước mắt nói cảm ơn ba má, rồi nhét vào giày dưới lòng hai bàn chân. Ra tới xe Honda, suy tính lại, tôi liền đưa chìa khoá xe cho đứa em rồi đi bộ, vì không muốn ba má mất thêm cái xe, nếu đi được. Từ lúc TT DV Minh tuyên bố đầu hàng, cho tới lúc tôi rời nhà, tất cả mọi sự việc xảy ra không quá 15 phút!

Tôi lầm lũi bước đi theo mấy con hẻm ra tới góc đường Trương Minh Giảng (nay là Cách Mạng), bỗng nhiên nghe tiếng than van như khóc của một bà cụ, “Ối trời ơi! Nhìn người nằm chết kìa!”. Tôi giật mình nhìn ra ngay giữa ngã tư đường, một thân người đàn ông không có đầu, nằm sấp đè lên chiếc xe gắn máy, với cái mũ thể thao nằm bên cạnh và máu vương vải dính khắp nơi! Quá kinh hãi trước hình ảnh thảm khốc đó, tôi quay đầu đi ngược hướng trở lại ra đường chính Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Khi đi ngang qua cổng một biệt thự, có ông làm vườn chạy xe máy ra xém chút nữa đụng, sẵn dịp, tôi xin quá giang xuống bến Bạch Đằng SG. Tới nơi, tôi xuống bến tàu, thấy cảnh tượng thật điều hiu vắng lặng đến khó hiểu. Chưa thấy bóng dáng của quân BV xuất hiện. Rãi rác trên bờ có vài người dân đang cố bẻ khoá chiếc xe máy, hay nạy lấy đồ phụ tùng xe của những người di tản bỏ lại từ đêm hôm qua. Nhìn khắp bến sông SG chẳng thấy con tầu nào cả, ghe nhỏ cũng không. Chỉ có một hai cái xuồng mộc của người dân dùng để chèo qua lại giữa hai bên bờ. Đi tới nhóm người dân đang cố mở khóa chiếc xe hơi cũ, tôi thử hỏi thăm dò một người trong nhóm là có phải chủ xe đã bỏ đi rồi phải không (?). Một anh khác nghe hỏi liền nhanh nhẩu giải thích: “Ừa, bỏ đi hết rồi đêm hôm qua, cả đoàn tầu Hải quân! Có hai chiếc tầu hàng lớn cũng vừa mới đi sáng nay!”
 
Tôi thầm thất vọng vì mình đã…lỡ chuyến đò! Lững thững bước đi ra gần góc đường Nguyễn Huệ, tôi dừng lại, đứng trầm ngâm để suy tính coi phải làm gì (?). Thầm nghĩ có thể phải đi gấp xuống miền Nam, để tìm phương tiện ra biển, đuổi theo đoàn tầu vừa rồi (!?). Đang suy tư, bỗng thấy từ xa ở ngoài đường lộ, một người dáng thấp, khổ người trung bình, một tay xách cặp, tay dắt chiếc xe đạp Mini, đi thẳng tới chỗ tôi đứng, miệng mỉm cười, hỏi: “Anh đi đâu dậy?”. Ah! Tôi nhận ra ngay là Phạm S.,năm hai Dược, cũng là đồng hương Ninh-Hoà và đã ở chung trong ĐHX Minh-Mạng. Tôi cũng hỏi lại S. đi xuống đây làm gi(?). Cuối cùng thì ra đều là “Đồng Chí ”. Tôi vắn tắt tình hình cho S. rồi cả hai cùng nhìn nhau như dò hỏi phải làm gì, đi đâu (?) Đang phân vân không biết phải làm gì, thì từ phía cuối đường Nguyễn Bĩnh Khiêm trong HQ Công Xưởng, vang lên một hồi còi tầu, như báo hiệu tầu sắp nhổ neo rời bến!(Sau mới biết là anh cơ khí tầu HQ 402, táy máy thử bình điện và chạm vào còi tầu!).

Tôi mừng quá, hét to:”Tầu sắp chạy,…Tầu sắp chạy, mau lên!”. Rồi không chờ đồng ý, tôi giật lấy xe đạp, leo lên bảo S. ngồi sau giữ giùm cái cặp da, ra hết sức đạp xe một mạch tới cổng HQCX. Cổng gác lúc này mở toang, không một bóng người, tôi đạp xe vô luôn tận bên trong, thấy ngay chiếc HQ 402 đang nằm yên trong bãi. Trên bến, vài người còn đang mặc đồ HQ, bắt những tấm ván gác lên thành tầu. Tôi sáp lại gần hỏi một anh: “Tầu có chạy không anh?”. Anh lính nhìn tôi với vẻ thông cảm nói: “ Tầu bị hư nặng, mấy ông SQ cơ khí đang cố sửa máy,không hy vọng nhiều!”.

Lại thất vọng! Nhưng ít ra còn nước còn tát, và còn hy vọng! Tôi nán lại trên bến cảng, đi lòng vòng để quan sát, thẩm định tình hình, coi có nên ở lại để chờ sửa tầu, hay bỏ đi ra ngoài!  Mối lo sợ lúc đó là nếu quân Bắc Việt với xe tăng xông vào cổng bất ngờ, thì chắc là….khó thoát! S. vẫn ngồi yên ở một gốc cây gần đó để tránh nắng, vừa giữ cái xe đạp và coi tôi làm gì! Một lát sau, bỗng nhiên ngoài cổng xuất hiện thêm những gia đình muốn di tản, tay xách nách mang, lần lượt chạy vào với những ánh mắt lo sợ hay hoảng loạn! Họ xông tới những tấm ván bắt lên tầu, bị những người lính chặn lại với cùng lời giải thích. Sau vài phút trao đổi thông tin, chờ đợi và thuyết phục, cuối cùng họ cũng được phép lên tàu.
 
Mới đầu chỉ vài người, rồi đến vài chục, rồi đến cả trăm. Người dân di tản từ cổng cứ tiếp tục kéo vào và lên tầu.Tôi thấy có hơi sốt ruột, thời gian chờ đợi thăm dò cũng đã đủ lâu, phải chấp nhận liều thôi, bởi nếu lên đông quá, có thể họ sẽ rút ván, vì nhiều lý do! Nghĩ vậy, nên tôi nói với S. là tôi quyết định lên tầu một mình, để mặc cho cậu ấy suy tính ra sao và tự quyết định. Tôi lên tầu và theo sự chỉ dẫn xuống dưới tầng hầm tìm chỗ ngồi. HQ 402 là loại tầu vận tải và đổ bộ, nên tầng hầm khá rộng, có thể chứa vài ngàn người. Mấy phút sau, S. cũng lên tầu và lại ngồi chung với tôi. Lúc này tôi mới nhìn vào đồng hồ thì thấy gần 13:00 giờ. Thời gian trôi qua tính từng phút, cứ lâu lâu lại có thêm vài người hay cả đại gia đình với ánh mắt thất thần, ngơ ngác, kéo nhau xuống hầm, làm cho không gian chỗ ngồi bắt đầu hẹp dần, không thể ngồi duỗi
thẳng chân nữa. Một vài gia đình nản lòng và lo sợ, đã rời bỏ tầu đi về nhà.

Thời gian như kéo dài ra thêm, S. nhìn tôi với vẻ lo lắng hỏi: “Anh nghĩ mình có đi được không?”, làm tôi sực nhớ đến câu hỏi quẻ Dịch hôm nào với anh Ph. và hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất của anh Ph. đã đúng và xảy ra rồi. Còn nghĩa thứ hai: ” Ra đi trong nỗi lo sợ như con gái sắp về nhà chồng, thì kết quả sẽ tốt đẹp!”, ứng nghiệm hoàn toàn vào sự việc đang xảy ra. Nhưng để kiểm chứng lại cho chắc, tôi liền thử bói Dịch lần nữa, cho ra quẻ “Đoài Vi Trạch”, động hào 4, khá tốt, ý nghĩa là “vui lòng người trong sự hạn chế “. Giờ tới tiếp theo lại cho ra quẻ “ Trạch Hoả Cách “, động hào 5, nghĩa là “đang thay đổi, hay cách mạng “, rất tốt, vừa ứng nghiệm với chuyện cách mạng đang diễn ra ở SG, mà lại còn ám chỉ đến tình trạng hiện tại của “người hỏi “ sẽ được thay đổi cho tốt đẹp hơn!  Lên tinh thần, tôi khẳng định chắc luôn với S. là sẽ đi được! Ngồi chờ chừng nửa giờ hơn, bỗng nhiên từ hầm máy vang lên tiếng động cơ, bùm …, tạch, tạch, bùm, ...tạch, tạch tạch, khói đen bốc lên khét nghẹt, rồi tắt lịm. Dù vậy, mọi người đều tỏ ra vui mừng nhìn nhau với ánh mắt chứa đầy hy vọng.

Lúc này từ dưới hầm máy bước lên một sĩ quan HQ, theo sau là một vị cao niên mặc đồ dân sự. Đứng ở ngay cầu thang, anh SQ tự giới thiệu là Trung uý H. , SQ cơ khí, chỉ huy tạm thời HQ 402. Quay sang vị dân sự, anh giới thiệu là Cha X., hiệu trưởng Trung học Nguyễn Bá Tòng(?) làm đại diện liên lạc giữa đồng bào và ban chỉ huy. Tiếp theo, Cha X đưa liền ra hai yêu cầu: 1. Hầm máy đang cần nhiều thanh niên khỏe mạnh để phụ giúp việc sửa chữa. 2. Xin đồng bào đọc kinh hay cầu nguyện theo tôn giáo của mình. Cha X. vừa dứt lời thì hơn chục người đã đứng dậy đi lại cầu thang để xuống hẩm máy. Còn lại mọi người đều cuối đầu xuống để cầu xin các đấng tối cao. Riêng tôi thầm mong các anh cơ khí làm cho máy tầu nổ lại!

Có lẽ nhờ những lời cầu xin chân thành của đồng bào trong cơn hoạn nạn đó, một lúc sau thì máy tầu nổ lại điều đặn. Lúc này thì hy vọng dâng tràn, nụ cười bắt đầu thấy xuất hiện trên môi  miệng nhiều người. Đài chỉ huy đưa ra yêu cầu ai có tấm ra giường màu trắng để treo lên kỳ đài, tránh khỏi bị bắn nhầm! Hầm máy yêu cầu thêm chừng 20 người để truyền khẩu lệnh, (như tiến 2, lùi 1, v.v.) từ đài chỉ huy xuống hầm máy, vì tay lái điện bị hư, phải dùng lái tay! Thông tin sau cùng cho biết chỉ sửa được một máy để đi thôi. Cha X. thông báo: Tầu sắp nhổ neo, yêu cầu bà con ngồi im dưới sàn tàu, không được đứng lên để nhìn, và ráng không cho con nít khóc to vì sợ bị lộ. Thông tin còn cho biết thêm có 2 xe tăng đậu trước khách sạn Majestic, nòng súng đại bác chĩa ra bờ sông. Tiếng máy nổ to lên, thân tầu bắt đầu rung rinh, di chuyển từ từ ra khỏi bến cảng. Tôi và S. nhìn nhau cười, đúng là mèo mù vớ cá rán! Nhìn đồng hồ thấy chỉ 14:30.

Mới đầu lái tầu và thuyền trưởng chưa quen với lệnh truyền miệng và bánh lái tay, nên tầu quay vòng và chạy như say rượu, ủi sập mấy cái chòi xây tạm dọc bờ sông, làm ai nấy cũng thốn tim! May là dân đã di tản ra ngoài hết rồi. Tầu chạy ra Vũng tàu, dọc đường đón thêm người từ các tầu dân sự và tiểu đỉnh của HQ. Hầu hết là những người dân và lính đã quyết định ra đi vào giờ thứ 25! Đây là lúc nguy hiểm nhất, vì sợ bị quân du kích bắn B-40, dù treo cờ trắng và các ụ súng trên tầu đã phủ bạt hết. Có tin khi sáng, tầu VN Thương Tín bị bắn lén, làm nhà văn Chu Tử thiệt mạng. Có hai vị Phó Đề Đốc và Đại Tá HQ cũng chạy canô theo lên tầu, rồi tự động ra nắm
quyền chỉ huy.

17:00 H. Ra khỏi cửa biển Vũng Tàu.
18:00 H. Đài chỉ huy loan tin tầu vừa ra tới hải phận quốc tế.

Tôi đi lên tầng trên, đứng dựa vào thành tầu, nhìn về hướng đất liền, bờ biển VN giờ nhìn chỉ còn là một làn đường đen đậm chạy dài, từ từ nhỏ dần rồi biến mất cuối chân trời! Mắt tôi rưng rưng muốn khóc…, nhưng bất chợt nghĩ đến thực tế, tôi không còn là công dân của nước nào, không có gia đình và người thân ở bên cạnh, cũng không lệ thuộc ai cả, tôi hoàn toàn là một con
người “Tự Do”!
Ôi! Hai Chữ Tự Do!

Nguyễn Cường
Sacramento 4/23
 
TB: Hải Vận Hạm Lam Giang-HQ 402 sau này được nhiều người coi là “Phép lạ giờ thứ 25”! Bạn Đọc có thể xem thêm các bài viết hay hồi ký của nhiều tác giả viết về HQ 402 bằng cách đánh vào mục tìm kiếm Google Search: “Hải Vận Hạm Lam Giang-HQ 402”, sẽ hiện lên các bài viết.
 
#1
    Thanh Vân 18.08.2023 04:42:23 (permalink)
    Nhật Ký Ghi Lại: Hải Vận Hạm Lam Giang HQ402. Một Nhân Chứng.
    Cảm ơn bạn Nguyễn Cường đã cho mọi người đọc để biết được Đường Tìm Tự Do phải đổi bằng mạng sống
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9