Tản mạn CHUYỆN BÓI KIỀU CỦA NGƯỜI XƯA
Mru Thăng 11.07.2023 11:53:44 (permalink)
 
 


         Tôi là người không tin bói toán vì nghĩ rằng bói toán là chuyện mê tín dị đoan ,chỉ những người nhẹ dạ cả tin mới tìm đến thầy bói để mong tìm giúp đỡ ,hỗ trợ. Lợi dụng lòng tin của họ, các thầy bói vẽ ra nhiều trò lừa bịp, moi tiền thêm như bùa ngải, lễ bái, lên đồng…
         Nhớ lại những năm còn dạy học ,khi giảng về truyện Kiều ,tôi thường dành ít phút cuối tiết dạy để nói về Bói Kiều cho học trò nghe chơi. Không ngờ chúng say mê lắng nghe thích thú đến độ chuông reo vài phút rồi vẫn cố níu kéo xin thầy nói tiếp…đến độ lấn sang giờ của đồng nghiệp dạy tiết kế tiếp.
         Thời buổi bây giờ ,ít ai còn bói Kiều nhưng gạt đi sự mê tín dị đoan thì bói Kiều cũng được xem là một nét văn hoá độc đáo của dân tộc chúng ta .Lý do bởi Truyện Kiều là một áng văn chương bất hủ đã in sâu vào trong tâm trí người dân Việt Nam và những vần thơ trong truyện kiều mang ý nghĩa sâu sắc lên quan đến nhân sinh, nhiều hơn cả là mối tình trắc trở giữa chàng Kim và nàng Kiều . Có lẽ do vậy mà nảy sinh ra phương pháp Bói Kiều.
        Qua 3254 câu thơ lục bát , đại thi hào Nguyễn Du đã kể về cuộc đời đầy vất vả, gian truân của nàng Kiều xinh đẹp. Mà những biến cố cuộc đời của Kiều cũng thể hiện đa dạng cuộc sống của một con người. Mỗi quẻ bói thơ Kiều chỉ sử dụng 4 câu rồi người bói luận giải cho người xem biết vận mệnh họ sẽ ra sao. Chính vì thế bói Kiều giàu nhân văn đã ra đời và truyền tụng trong dân gian để dự đoán về các sự việc diễn ra trong tình yêu .
      Cách bói theo nhiều người lớn tuổi kể lại có một số quy cách buộc phải có thì bói Kiều mới linh ứng. Đó là :
_ Trước lúc bói Kiều, người bói phải chay tịnh , tắm gội xông hương rồi bày bàn thờ với bát hương, trầu cau, hoa, rượu…và tất nhiên không thể thiếu cuốn truyện Kiều.
_ Trong khi đó, người xem bói phải ngồi ngay ngắn trước bàn thờ tâm niệm về những gì mình cần xem rồi khấn vái. Câu khấn vái thường có nội dung gần giống nhau ,đại thể như sau:
          “ Lạy vua Từ Hải
            Lạy vãi Giác Duyên
            Lạy tiên Thuý Kiều
            Sống khôn thác thiêng
            Xin về ứng quẻ..."
           Khi đã khấn xong, người xem bói sẽ nhắm mắt, đặt tay lên sách rồi lật trang, di chuyển ngón tay cái đến một điểm bất kỳ nào đó thì dừng lại. Đoạn thơ bao gồm bốn câu tính từ vị trí đặt ngón tay cái trở xuống chính là quẻ bốc được. Sau đó nhờ người bói ( người có kiến thức) giải đáp những điều được thể hiện trong bốn câu thơ trên.
          Để có thể xem chuẩn xác thì người bói phải tĩnh lặng, thành tâm, không bị phân tán bởi những sự việc xảy ra bên ngoài.Cũng tùy trình độ và kinh nghiệm sống mà mỗi người bói có lời phán giải không giống nhau cho dù dù cùng một quẻ ( 4 câu thơ giống nhau). Người này phán quẻ xấu, vận hạn không hay trong khi người khác phán ngược lại cho rằng quẻ rất tốt .Mấy ai lúc khó khăn xem bói chỉ một thầy ,thế nên đã xẩy ra cảnh huống mâu thuẫn từ lời người giải khiến người đi bói Kiều lúng túng chẳng bết đâu mà mò. Người viết xin thuật lại câu chuyện sau đây như một minh chứng :
      " Một phụ nữ gặp cảnh sinh khó, chuyển dạ từ đêm trước, qua suốt một ngày trời, rồi đến đêm sau vẫn chưa sinh được. Vào thời ấy, y học cổ truyền thường chịu thua, dẫn đến cảnh mất cả mẹ lẫn con. Trong tình thế tuyệt vọng, cả nhà không biết làm sao, họ chỉ còn cách đem Truyện Kiều ra bói và quẻ bốc được là 4 câu than vãn của nàng Kiều:
              " Phận sao phận bạc như vôi?
                Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
               Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang!
               Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây. "
         Đọc 4 câu thơ lên, tất cả người trong nhà đều hoảng hốt rụng rời, e sợ việc không hay sẽ xảy tới. May thay, vừa lúc đó một người hàng xóm chạy sang thăm. Khi thấy mọi người mặt mày tái mét âu lo ông liền hỏi nguyên cớ làm sao. Nghe xong câu chuyện, ông này lại bộc lộ vui mừng, kêu to: "Hỏng quá, hỏng quá, các ông các bà đoán sai bét hết rồi ! Bói được những câu này thì chị nhà sắp sinh không những một cháu mà tới hai cháu trai nữa cơ."
      Thấy mọi người đang ngơ ngác không hiểu, ông ta liền giải thích: "Ôi Kim lang!” Đó là hiệu lệnh gọi đứa thứ nhất ra bởi “lang” là con trai, phải không nào? Còn “Hỡi Kim lang!” là gọi đứa thứ hai ra đấy!"
       Một người hỏi thêm: Thế câu “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” thì ông giảng thế nào? Người hàng xóm nói giọng chắc nịch: Chữ “phụ” ở đây không có nghĩa “phụ bạc” tức là bỏ chồng. Nhưng chữ “phụ” này lại có nghĩa “giúp cho”, như khi ta nói “để tôi phụ cho một tay.” Do vậy, câu này có nghĩa là: “Kỳ này thiếp giúp chàng bằng cách đẻ cho chàng hai đứa con trai để nối dõi tông đường”.
       Người sản phụ tuy quá mệt nhọc vì cơn chịu đựng dai dẳng nhưng vẫn tỉnh táo. Lắng nghe ông hàng xóm nói có lý, cô bỗng dưng phấn chấn hẳn lên. Và một sức mạnh bỗng từ đâu đến giúp cô trở dạ và sinh được… hai đứa con trai. Cả nhà rất đỗi vui mừng, tấm tắc khen người hàng xóm bói giỏi."
       Thay lời kết:
       Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du ta thấy được số phận bấp bênh, lênh đênh của người phụ nữ . Sở dĩ truyện Kiều trở thành một sách bói trong nhân gian không chỉ vì từng câu thơ, chữ nghĩa ẩn chứa số mệnh con người, nếu soi vào cuộc đời của mỗi người, thử hỏi có ai không ít nhiều gặp phải. Mỗi một quẻ bói Kiều gồm 4 câu thơ giúp đoán vận hạn tương lai.Từ đó suy xét lại những gì đã làm và suy tính, cân nhắc trước khi định thực hiện một việc nào đó. Chỉ nên sử dụng phương pháp này khi con người ta còn hoài nghi, hoang mang, không biết phải xử lý hay toan tính làm một việc gì đó .
        Xét cho cùng, bói toán thuộc về lãnh vực tâm linh mà đã là chuyện tâm linh thời tin hoặc không tin là quyền của mỗi người . Với status post hôm nay, người viết không khuyến khích các bạn trẻ làm theo để rồi cả tin vào bói Kiều dẫn đến những hệ lụy có thể không hay, chỉ mong mọi người đọc chơi , mua vui vài phút giây , chỉ thế thôi...
          Mru Thăng
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.07.2023 07:02:09 bởi Mru Thăng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9