Nhân văn
-
Số bài
:
996
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 08.12.2007
|
Re:Tiểu thuyết - CUỘC CHIẾN TRANH ĐÁNH MỸ ĐẪM MÁU - Phạm Ngọc Thái
-
05.08.2023 18:11:59
CHƯ TAN KRA TRẬN ĐÁNH MỞ MÀN 8- Sau thời gian diễn tập, chiều tối mồng 5 tết Mậu Thân 1968, đúng vào ngày chiến thắng Đống Đa lịch sử của vua Quang Trung – E209 thuộc Sư 312 gồm các Tiểu đoàn 7-8-9, được lệnh hành quân cấp tốc vào Tây Nguyên. Trung sĩ Hoàng, tiểu đội trưởng ở Trung đội súng đại liên thuộc C5 – “xê” hỏa lực trợ chiến của Tiểu đoàn 7. Đại đội 5 gồm ba trung đội: Trung đội đại liên, Trung đội cối 82mm và Trung đội súng B-41. Giờ đây trong đội hình trung đoàn, họ đang tiến vào chiến trường miền Nam nóng bỏng. E209 là trung đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên chuyển quân bằng xe ô tô Giải Phóng, được cấp toàn mũ sắt, nên còn gọi "Trung đoàn mũ sắt". Họ dã dược huấn luyện kỹ suốt một năm để đánh công kiên, đánh tập kích và chống đổ bộ đường không. Được trang bị súng B-41, súng phun lửa Liên Xô, lựu đạn chống tăng, đại liên K63, trung liên RBD, mặt nạ phòng độc, súng AK báng gấp, giầy bộ binh cao cổ... là những trang bị và vũ khí bộ binh tốt nhất thời đó. Tất cả đều nhập ngũ cùng ngày 27.3.1967, tuyển chọn toàn thanh niên sức khỏe loại A1, A2 – riêng Tiểu đoàn 7, phần đông là anh em người Hà Nội. Người chỉ huy nào nhìn thấy một đội quân toàn lính "đẹp" thế, đều phải trầm trồ ước ao… Nói về hỏa lực B-41, kẻ địch gọi là rốc két B-41 dùng để bắn tăng, bắn lô cốt… tầm bắn 500 – 600m trên mặt đất, nóng tới 4.000 - 4.500 độ. Mỗi lần bắn chỉ nghe thấy một tiếng "đoành" nổ ở đầu nòng, chưa kịp nhìn... bùng một phát là: trúng rồi! “các con giời”… trong Sư đoàn Anh Cả Đỏ Mỹ và lính QLVNCH, cứ nghe thấy tiếng B-41 thì biết ngay đã chạm trán với quân chủ lực Bắc Kỳ. Mỗi lần bóp cò xong lại lộ vị trí, pháo Mỹ dập tới như mưa. QGP nhiều khi phải đặt súng lên một cái chạc, buộc dây vào cò giật nổ xong vội chui ngay vào hầm. Vãn tiếng pháo địch bắn tới, mới chui lên làm phát nữa. Trung đoàn 209 được thành lập ngày 2.9.1949, trong kháng chiến chống Pháp tại Phú Thọ. Từng tham gia 55 ngày đêm tiến công cứ điểm Điên Biên Phủ. Một trung đoàn chủ lực tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tây Nguyên có một vị trí chiến lược quan trọng trên chiến trường miền Nam – Do vậy, Mỹ và Chính phủ VNCH đã thiết lập một bộ máy kìm kẹp hết sức khắc nghiệt ở nơi đây: dồn dân vào các ấp chiến lược, tìm mọi cách chia cắt dân với cách mạng. Về phía Chính phủ cộng sản Bắc Việt, để tăng cường hơn nữa cho sức mạnh của QGP trên chiến trường Tây Nguyên – Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 bùng nổ, E209 cùng các đơn vị trực thuộc đã được lệnh cấp tốc lên đường… vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu. Trung đoàn xuất quân từ vùng rừng núi Hòa Bình, với quân số trên 2.100 người và được 150 xe Giải Phóng vận chuyển. Chặng đường hành quân kéo dài 25 ngày. Khởi hành mồng 5 tết Mậu Thân, tức 6.2.1968 dương lịch. Khi lên xe tiến vào miền Nam, trung đoàn chia làm ba nhóm: - Nhóm thứ nhất là Tiểu đoàn 7. - Nhóm thứ hai Tiểu đoàn 8. - Nhóm thứ ba gồm Tiểu đoàn 9 và các đại đội trực thuộc trung đoàn. Mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội, như D7 có C1,2,3,5 – D8 có C6,7,8,10 – D9 có C11,12,13,15. Trong đó các C5,10,15 là những đại đội hỏa lực trợ chiến của tiểu đoàn. Những đại đội trực thuộc trung đoàn gồm: C16 DKZ, C17 cối 82mm, C18 thông tin, C19 công binh, C20 quân y, C21 súng máy phòng không 12,7mm, C22 đặc công – súng phun lửa, C23 vận tải, C24 hậu cần, C25 vệ binh. Tốc độ di chuyển của xe khoảng 10-20 km/h. Xe chạy ban đêm, xuất phát lúc 16h 3o chiều tối đến 5h sáng thì dừng. Khi bộ đội nghỉ, đưa xe vào cất dấu cách xa tuyến đường chừng 300m, mỗi xe cách nhau khoảng 100-200m. Lịch trình của Tiểu đoàn 7: - 7.2.1968 đến Thanh Hóa - 8/2 đến Hà Tĩnh, nghỉ 1 ngày và đổi xe. - 10/2 đến Quảng Bình. - 11/2 nghỉ 1 ngày và đổi xe để đi sang Lào. - 12/2 đến Lào. - 13/2 nghỉ 1 ngày và đổi xe. - 14/2 đến 28/2 đi trên đất Lào. Đến Lào Tiểu đoàn 8 bị địch phát hiện. Máy bay Mỹ đánh, 1 xe bị lật và 10 chiến sĩ bỏ mạng, nhiều xe khác bị hỏng - Từ đây D8 phải hành quân bộ. Nói về đoàn xe chở D7 và D9 khi vào đến đất Tây Nguyên thì đường rất xấu. Xe đi qua nhiều đoạn trầy trật, trồi sụt, có những lúc bị nghiêng tưởng như sắp lật. Tuy nhiên, những chiếc xe Giải Phóng này cũng đã bền bỉ đưa cả đoàn quân mũ sắt đi tới tận điểm cùng của con đường mòn, nơi phương tiện cơ giới còn có thể đi được. Qua sông Sa Thầy thuộc địa phận Kon Tum rồi, cả hai tiểu đoàn 7 và 9 của E209 cũng đành phải xuống xe để hành quân bộ. Đại đội trinh sát đi đầu, dốc ngược... từng người nối nhau, níu dây song nhích từng mét "thượng sơn". Chân mỏi, miệng khô, phía trước núi cao ngất trời, rừng xanh, dây leo, cây đổ. Có chiến sĩ bảo: đọc truyện "Rừng thẳm tuyết dầy" của Tàu, hình dung rừng ghê gớm lắm! Bây giờ mới thấy, thế nào là núi cao dốc đứng? Người sau đội đít người đi trước, sảy chân là nhào xuống vực. Hiểm trở hơn truyện nhiều. Chốn rừng thiêng nước độc, vẫn như những trang sách cũ, đầy gai góc và nắng lửa. Muỗi to như con ruồi, chỉ cần đứng yên ít phút là chúng bu tới cùng với kiến rừng. Có cả kiến bọ nhọt, loài mà một phát cắn của nó có thể đứt thịt một con ruồi. Sau một đêm mắc võng ngủ rừng Trường Sơn, các chiến sĩ trở dậy đi ăn rồi hành quân tiếp. Chúng tôi đi theo những con đường giao liên đã thành đường mòn nhẵn, leo lên những đỉnh núi, có khi luồn qua cả nương rẫy của dân bản và những vạt rừng già. Gặp không ít điều lạ: Bên các hố bom và những chiếc hầm đã bị sập nắp vì lâu ngày, gặp cả đàn bướm vàng, đỏ… bay đến đẹp hoa cả mắt. Luôn có những tiếng chim kêu lốc cốc bên rừng phía trước như dẫn lối, nhưng đến nơi thì chim lại bay mất. Sao mà lắm núi, nhiều rừng thế? nhưng rồi núi cũng thua con người. Cao nguyên Kon Tum cũng chỉ cao đến thế là cùng. Lên cao thoáng gió, nhưng rừng vẫn che tầm mắt. Tiếng máy bay ì ầm... càng đi lại thấy địch càng gần. Sau 25 ngày – 14h ngày 1.3.1968, D7 và D9 đã có mặt tại căn cứ của Bộ tư lệnh B3. Trừ Tiểu đoàn 8, lúc này vẫn đang phải hành quân bộ trên đất Lào, bị chậm hơn một số ngày so với kế hoạch. Đấy cũng chính là lý do, trong trận đánh đầu tiên của E209 trên chiến trường Tây Nguyên, nhưng D8 đã không có mặt. Vừa đặt chân đến Kon Tum, E209 đã được Bộ tư lệnh B3 giao ngay nhiệm vụ đánh Kleng, hay còn gọi là căn cứ Lệ Khánh - Là một trại huấn luyện biệt kích, thám báo của Mỹ và VNCH, có mật danh M1 thuộc huyện Sa Thầy, ở phía tây – tây bắc Kon Tum. Căn cứ và sân bay Kleng ở trên một bình độ khá cao. Trung đội trinh sát trung đoàn cùng trinh sát hai tiểu đoàn D7-D9 được lệnh lập tức lên đường điều nghiên cứ điểm. Họ chuẩn bị ba ngày cơm nắm, cá khô, hai ngày gạo rang trộn đường và muối để đi trinh sát. Lại dốc đứng, rừng già, nắng chang chang. May mà gặp cơn mưa bất chợt chạy ngang khe núi, ướt nhưng mát rượi. Nhìn thấy mục tiêu đã hiện ra trong tầm mắt, vậy mà phải đi bốn tiếng sau mới vào được gần. Anh em nghỉ chờ đêm xuống. Căn cứ Kleng ba bề dốc đứng, phía sân bay phẳng hơn. Đêm thứ hai vào sát hàng rào, lợi dụng pháo sáng của địch thả suốt đêm, vẽ sơ sài các hỏa điểm, nhà lính… Lại một đêm nữa, mất nhiều thời gian chờ lính thay gác. Chờ mãi không thấy chúng thay? Hóa ra, bọn lính đó là hình nộm. Mỹ cũng “ranh” thế! Trinh sát phát hiện các hỏa điểm, kho tàng, dãy nhà chỉ huy… vẽ chi tiết hơn rồi rút ra an toàn. Ít ngày sau, trinh sát lại đưa đoàn cán bộ trở lại Kleng nắm địch. Trung đoàn trưởng E209 Trần Huy Toàn - người cao to như Tây, cùng các cán bộ sư đoàn thuộc Bộ tư lệnh, cán bộ hai Tiểu đoàn 7-9 vào sát căn cứ để nhìn tận mắt. Đêm thứ ba… đoàn trinh sát vào thì bị lộ, có lẽ do đêm trước để lại nhiều dấu lạ. Ai đó sơ ý đã làm rơi vật dụng gì chăng? Lính trong trại biệt kích hò hét: “Đ.mả mấy thằng Bắc Kỳ”… rồi bắn cối 81 ra các hướng như mưa, pháo kích, cho B52 ném bom rải thảm vào những chỗ nghi quân chủ lực ém quân, máy bay chiến thuật Mỹ thay nhau quần lộn, xới tung cả một vùng sơn địa. Tưởng như hỏa lực đó có khả năng làm nát một sư đoàn. Sau này trinh sát kể lại, chính đồng chí Toàn đã đánh rơi gần căn cứ một cây bút Trường Sơn và bao thuốc lá Điện Biên. Chắc địch tuần tra phát hiện ra!... Hệ lụy từ bao thuốc lá và cây bút cũng không nhỏ? Nó chứng tỏ cho địch thấy, rằng: Bộ đội chính qui miền Bắc đã có mặt tại đây. May mà chuyến đó, anh em trinh sát đưa đoàn cấp trên rút nhanh, nếu không thì sẽ tổn thất nặng. Những ngày sau, chúng bung ra xung quanh Kleng 4 cao điểm mới để ngăn chặn. Ngay 10h sáng hôm ấy, chúng thả 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 4 Anh Cả Đỏ Mỹ chuyên đánh rừng và 1 đại đội pháo 105mm xuống lập căn cứ FSB 14 – Chính là cứ điểm Chư Tan Kra hay còn gọi là cao điểm 995. Chúng thả chất độc hóa học trên các đỉnh núi xung quanh, còn cứ điểm chính thì ném bom phát quang trước rồi dào công sự, ném bom cháy để không bị rừng cây rậm rịt hạn chế tầm nhìn. Trực thăng bay rè rè suốt ngày. Các máy bay trinh sát OV10, AL19 lấm chấm như ruồi từ đường chân trời lượn tới, nhào lộn tìm Việt Cộng. Trên các cao điểm, có pháo binh chi viện cho nhau, ứng phó khi Kleng bị vây hãm. Đó là các cao điểm Chư Tan Kra, Chư Pen, Chư Đô… QGP gọi là dãy Chư Tan Kra – mật danh M2. Dãy cao điểm phòng ngự này án ngữ Đường 14 vào Thị xã Kon Tum, cách đó hơn 30km về phía đông. Đêm cao nguyên bí ẩn và hoang dã, càng bí ẩn và hoang dã hơn khi nhìn về phía Kon Tum: ánh đèn vàng vọt chập chờn, cùng hỏa châu chốc chốc lại phọt lên sáng trắng. Những tàn lửa của pháo sáng bay lên như tua rua. Đêm cao nguyên giấu trong im lặng nhiều bí ẩn… Quân Mỹ giàu, hậu cần mạnh – Để lập cứ điểm, chúng lập tức cho ném bom đốt cháy “làm sạch” các núi bên cạnh. Tại M2, trực thăng cần cẩu bay CH47 Chi-núc cẩu máy ủi xuống đỉnh cao, công binh Hoa Kỳ san phẳng lấy mặt bằng, sau đó dùng máy cưa gỗ, cẩu pháo đến lập trận địa, cả lô cốt di động đúc sẵn, chở dây kẽm gai, bao cát, nhà bạt và quân cụ tới. Mọi sinh hoạt của chúng đều do trực thăng mang lại: từ đạn dược, đồ ăn, cả tắm giặt và thay đổi quân số… Chỉ trong hai ngày cứ điểm đã xong. Hàng trăm lượt trực thăng đổ các đại đội Mỹ xuống đỉnh 995, ngay trên đầu đội hình của Tiểu đoàn 7 – E209. Quân Mỹ nhanh chóng củng cố trận địa, rồi thúc quân sang các đỉnh xung quanh thảm sát. Quân chủ lực Bắc Kỳ phải né xuống các vạt rừng. Từ ngày 20 đến 22.3.1968, hai bên đụng nhau vài lần, đã có thương vong nhỏ. Từ bên này núi, C5 – Đại đội hỏa lực D7 nhìn sang cao điểm 995 rất rõ. Anh em còn nghe thấy cả tiếng xì xồ của công binh Mỹ. Chót vót trên đỉnh núi lố nhố quân da trắng lẫn da đen, nhà bạt giăng thành dãy bên các ụ súng. Chúng dùng bao cát chồng lên rất dày. Buổi chiều, trực thăng mang nước tới. Cả một tiểu đoàn Mỹ trần như nhộng, tắm dưới nước thả từ trên không xuống rất ngạo mạn - Đó chính là lính Sư đoàn 4 Anh Cả Đỏ Mỹ. Tình hình chiến sự phải thay đổi. E209 buộc phải chuyển từ kế hoạch đánh Kleng sang đánh Chư Tan Kra trước – Vào một ngày trời mưa, Trung đoàn trưởng Trần Huy Toàn giao nhiệm vụ cho đội trinh sát đi điều nghiên Chư Tan Kra. 5 trinh sát, 7 ngày ăn, mũ sắt chỉnh lại quai da... tiếp tục vượt dốc, cắt rừng tới căn cứ. Càng đến gần, mũ sắt chạm cây rừng kêu leng keng dễ lộ, đành bỏ lại. M2 ở trên cao, cây chắn tầm nhìn, tìm mãi mới được một khoảng trống hiếm hoi. Anh em trinh sát leo lên cây, bò ra cành bên ngoài, ngửa người bắc ống nhòm quan sát. Chiều, nghỉ lấy sức, đêm bò vào gần. Nhưng ác thay, không bò lên được... vì đất đá xe ủi của Mỹ ủi tràn ra, vướng trên các cành cây rất nhiều. Bám cây leo lên, đất xối xuống ào ào, đá lăn văng cả vào người. Chịu! Tìm cách sang hướng khác để vào dễ hơn. Trinh sát trát đất đỏ lên người, lẫn vào màu đất. Nghe rõ tiếng địch ho, thấy địch ném những lon bơ loảng xoảng. Nhiều giờ công phu quan sát, ước lượng: thấy rõ hai bệ súng đại liên, pháo, kho đạn... tất cả thu vào trong bản vẽ. Chư Tan Kra là dãy núi hình vòng cung, có tới 7 đỉnh núi lớn ôm một phần thung lũng Kleng. Cách Kleng khoảng 10km. Nghĩa về chữ Chư Tan Kra? Người dân tộc họ giải thích bằng tiếng Gia Lai, nghĩa là "núi chính nghĩa". Trong 7 đỉnh, đỉnh chính giữa cao nhất. Từ trên sườn phía đông Chư Tan Kra có thể quan sát được sân bay và Chi khu quân sự Kleng ở dưới. Đồng chí trung đội phó trinh sát E209 nổi tiếng gan dạ, anh bò vào tận nơi địch bỏ túi rác, có cả thịt hộp, sữa, bánh... gùi ra cho anh em. Nhưng các anh không dám ở lại, phải rút thật xa mới "liên hoan". Bữa ăn trong những ngày gian nan sao quên được! Hai người được phân công nán ở lại, tiếp tục nắm qui luật hoạt động của địch, sẽ rút về sau. Nhưng không ngờ sau đó địch tăng cường thêm quân, lại có cả sông sự bê tông đúc sẵn cẩu đến… Trung đoàn trưởng E209 phân tích: Hiện Chư Tan Kra công sự còn sơ sài, hàng rào thép gai chưa đủ sâu, địch mới đặt chân tới – nên ta phải tiến công nhanh. Càng đánh sớm càng bớt xương máu. Như thế là trên Cao điểm Chư Tan Kra hay còn gọi căn cứ FSB 14, theo trinh sát trung đoàn xác định bằng đếm số lần chuyến trực thăng đổ quân, là: Một tiểu đoàn tăng cường - Gồm 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo 105mm, lực lượng trinh sát, công binh tương đương 1 đại đội nữa và Chỉ huy sở tiểu đoàn. Trong thực tế, ta không biết: Mỹ còn hai đại đội đánh bộ thường xuyên tuần tra trong rừng, đêm ngủ quanh căn cứ. Chúng luồn rừng lên từ Kleng. Để trợ chiến cho Chư Tan Kra, luôn luôn có 4 đại đội pháo ở sân bay Kleng và các vùng lân cận, với các cỡ nòng 203, 175, 155, 105mm cùng không quân. Phải đánh Chư Tan Kra – M2, còn vì nó chặn đường thông thương từ Kon Tum về vùng ngã ba biên giới. Hơn nữa, địch lại đổ quân vào giữa vùng tập kết của E209 – Căn cứ FSB 14 Mỹ chỉ cách Tiểu đoàn 7 có 900 mét về phía nam. Hàng ngày, đứng ở vị trí đóng quân của Đại đội 5, qua kẽ rừng – Hoàng và anh em trong trung đội đại liên vẫn trèo lên cây cao nhìn thấy rõ trực thăng của địch lên xuống, quân Mỹ đào hầm, căng rào thép gai, cưa cây, hò hét... Tiểu đoàn trưởng Trương Ân và chính trị viên tiểu đoàn Phan Trung Bắc, xung phong để D7 đánh mũi chủ công, từ hướng tây và tây bắc. Cả hai ông đều là người Nam Bộ. Trên cho phép ba đại đội của D7 mật tập, đánh công kiên vào Chư Tan Kra. Gọi là ba đại đội, nhưng Đại đội 3 chỉ còn có Trung đội 9 tham gia. Hai trung đội khác đã bị thương vong hết trong những trận đánh nhỏ trước đó. Tuy nhiên, còn có sự tham gia của một đại đội Tiểu đoàn 9 đi phối thuộc, đánh từ hướng thứ yếu – Hướng nam, với một trung đội đặc công của trung đoàn, luồn sâu từ hướng bắc đánh vào chỉ huy sở của căn cứ địch. Nguyên tắc của đánh công kiên – tức là tấn công một trận địa kiên cố: Lực lượng đánh phải lớn hơn từ ba đến năm lần, thậm chí lấy mười đánh một. Thế mà Tiểu đoàn 7, lính mũ sắt Hà Nội dám xin đi đánh một tiểu đoàn Mỹ trong lô cốt, chiến hào, công sự... Dám chơi như thế! Sau này chính Mỹ cũng không ngờ vừa mới qua đợt Tổng công kích đầu xuân Mậu Thân, còn bị quân chủ lực đánh một trận vỗ mặt như vậy. Tiểu đoàn trưởng Trương Ân nghiên cứu rất kỹ sa bàn do trinh sát đắp, hỏi tỉ mỉ trinh sát từng hướng vào, bệ súng. Lính của ông phần đông là Hà Nội được lựa chọn. Ông tin ở họ từ những ngày huấn luyện mang vác đường dài, anh em giữ kỷ luật nghiêm, hành quân lên xuống xe... và cả những khi phải "thượng sơn" leo ngược dốc đến đây. Chư Tan Kra là một căn cứ hình chữ T trên sườn núi dốc, mỗi chiều 500-600m. Quân Mỹ bố trí ba đại đội bộ binh ở ba góc, để có thể dễ dàng chi viện cho nhau. Ở giữa bố trí trận địa pháo 105mm và chỉ huy sở. Được bảo vệ bằng lớp phòng ngự thứ hai là lính trinh sát, công binh, thông tin. Địch mới kịp ba lớp hàng rào, bù lại chúng giăng nhiều lớp mìn định hướng claymo, trang bị kính nhìn đêm và thiết bị thu tiếng động. Ngoài ra, như trên đã nói: Quân Bắc Việt vẫn không hề hay biết, còn hai đại đội Mỹ lưu động... ngày tuần tra, đêm ẩn kín trong rừng. So sánh lực lượng Mỹ không chỉ hơn QGP một chút về quân số, mà còn thế lợi hơn hẳn vì căn cứ ở trên cao, lô cốt bê tông, công sự vững chắc. Pháo trong căn cứ, pháo bầy từ Kleng và các cứ điểm khác bắn đến yểm trợ. Đấy là chưa kể đến lực lượng không quân như trực thăng tác chiến, máy bay C130 ném bom và các loại phản lực. * Bóng đêm của rừng núi sập xuống. Đi trong đêm giống như đang bơi giữa một biển nước đen lõng bõng, bưng lấy mặt. Đá khấp khểnh, rễ cây nhằng nhịt. Chỉ cần bước quá đà, rễ cây móc vào chân, vấp đá, húc ngay đầu vào thân cây trước mặt. Dẫn đầu hàng quân là tổ trinh sát Tiểu đoàn 7. Tiếp theo Đại đội 1, đại đội chủ công của tiểu đoàn chủ công. C5 – "xê" hỏa lực của tiểu đoàn ở giữa. Đi đầu là Tiểu đội trưởng Nguyễn Hoàng trong đội hình của trung đội đại liên, tiếp đến trung đội B-41 và trung đội cối 82mm. Sau tới các trung đội thông tin, quân y tiểu đoàn rồi Đại đội 2. Đại đội 3 - còn lại duy nhất là Trung đội 9 được tiểu đoàn bố trí làm lực lượng dự bị, đi cuối cùng. Đêm nay 25.3.1968, Tiểu đoàn 7 được lệnh xuất quân vào đánh căn cứ FSB 14 của Mỹ, trên cao điểm 995 dãy Chư Tan Kra. Đội hình tiểu đoàn phải dài ngót cây số. Viên trung sĩ, tiểu đội trưởng trinh sát sử dụng một chiếc đèn pin đầu đã được bọc kín, chỉ để hở một chấm sáng bằng hạt ngô, chiếu cắm xuống đất dò đường… dẫn cả tiểu đoàn vào tiếp cận trận địa. Người thứ hai cho tới người cuối cùng bám nhau mà bước. Cách xa vài mét, anh đi sau không nhìn thấy anh đi trước, sẽ dẫn cả một đoàn quân lạc trong rừng. Ở phia sau mũ sắt mỗi chiến sĩ, buộc một miếng lân tinh bằng hai ngón tay. Đêm đêm nó phát ra một vệt sáng trắng, làm tín hiệu cho người đi sau. Có anh vô ý đánh rơi miếng lân tinh, thì nhặt tạm dưới chân mình một mảnh lá mục, chiếc lá khô mốc có xạ quang thay thế. Nhìn vết sáng của những miếng lân tinh, vạch một đường sáng ngoằn ngoèo theo đội hình đoàn quân dài năm, sáu trăm người… như thể cuộc di chuyển hàng một của đàn đom đóm đêm. Đầu mũi sáng cứ từ từ khuất vào lưng chừng núi bên kia thung lũng. Những bước đi lặng lẽ, không một ánh lửa. Có chiến sĩ nào bỗng nhiên lên cơn ho, vội vàng lấy chiếc khăn mặt bông ấn vào mồm. Những tiếng khục… khục… rên lên trong cổ họng người chiến sĩ nọ. Cái chết trên sách vở có khi bông lơn như câu chuyện phiếm, còn cái chết ở đây? Rất thực tế, nghiêm trang. Nó gần gũi như tiếng ho, đơn giản như âm thanh của tiếng nói. Cái “ho” để thoát ra khỏi cuống họng, cái “chết” đã chờ sẵn cửa miệng. Tiếng nói lỡ quên đi buột ra hơi to từ trong miệng, cái chết lập tức đến sát ngay bên tai. Không có một hình thức kỉ luật nào được thực hiện triệt để, tự giác như ở đây - Trong khoảnh khắc này, nơi cái chết không biết mặc cảm. Căn cứ Chư Tan Kra nằm trên một dẫy núi. Mặt cứ điểm chinh giữa rộng và dốc đứng. Đã bị đốt trụi cháy không còn bóng cây xanh, phơi trần lớp đất đỏ như một thân thể đã bị lột mất da ngoài. Một tiểu đoàn tăng cường của Sư đoàn 4 Anh Cả Đỏ Mỹ cố thủ trên cao điểm. Nó thông sang các ngọn núi xung quanh bằng những “yên ngựa”. Những lớp dây thép gai đã gài mìn bọc lấy các lô cốt. Trước trận đánh, các khu rừng xung quanh tưởng như đang chìm trong một giấc ngủ thường lệ, tĩnh mịch. Thỉnh thoảng lại có loạt súng trung liên cực nhanh AR15 của Mỹ trong cao điểm bắn xối vào không trung, hoặc vương vãi ra các khu rừng xung quanh. Những con cú đang thu mình trong bóng cây đen kịt, rình bắt chuột rừng đi ăn đêm… giật mình, nhớn nhác. Vài chiếc trực thăng chốc chốc lại rè rè bay đến, thả mấy chùm pháo sáng quắc. Khoảnh khắc, để rồi cái bóng đen rừng lại nuốt không gian vào cái họng tối rợn người của nó. Theo linh cảm nhà nghề: Một bầy quạ khoang, cái giống vật rất thích đánh hơi mùi tử thi bay đến từng đàn kêu quàng… quạc… Chúng hạ cánh đỗ xuống những khu rừng rậm vây xung quanh cứ điểm. Mầu tối trên thân thể những con vật nhập vào bóng đen của rừng. Khoảng canh hai, các đơn vị của Tiểu đoàn 7 đã vào vị trí tiếp cận trận địa. Họ im lìm nằm phục trên các triền đồi của đỉnh Chư Tan Kra, hướng lên phía cứ điểm trên cao của Mỹ. Trong tay là súng, trước ngực là cơ số đạn cá nhân, thắt lưng đeo lựu đạn, buộc chéo trên vai là chiếc võng bằng vải dù bất ly thân: chiếc áo quan di động sẽ được bọc quấn quanh người - nếu chẳng may chủ nhân của nó phải nằm xuống vì tử trận. Thời gian như kéo dài cả trăm năm. Những đọt cỏ Chư Tan Kra mọc nhú trên đất đỏ thật sắc, nhưng vẫn ngọt và mềm. Chỉ có tiếng súng bắn cầm canh hú họa từ lô cốt. Thỉnh thoảng vài quả đạn pháo ở hướng sân bay Kleng vu vơ bay tới. Hai khẩu đại liên của tiểu đội Hoàng, nằm phục ngay phía sau đội hình Đại đội 1 chủ công. Tất cả im lặng chờ hiệu lệnh nổ súng! Trong những giây phút hồi hộp đó, bỗng nhiên anh lại nhớ đến những kỉ niệm từ đời học trò: Có một nhà văn mà anh được học, đã viết một bài tùy bút về tâm trạng người lính trước trận đánh? Giờ không còn là sách vở nữa, chính anh cùng đồng đội đang sống trong những giây phút thiêng liêng ấy! Đây là trận đánh đầu tiên của đời lính, nếu còn sống trở về… anh sẽ viết thư kể cho Thu nghe! Ồ, chưa chi đã nghĩ đến cái chết? Hoàng tự chỉ trích mình. Anh sẽ kể cho người bạn gái thân yêu của anh, tâm trạng cái giờ phút này nó bồn chồn và cả căng thẳng nữa. Anh sẽ tả về những hình ảnh của trận mạc, cả những thằng lính Mỹ mũi lõ… Hoàng nhớ lại năm học cuối cùng, khi cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã lan tới thủ đô, trường phải sơ tán về vùng quê Hà Bắc để học. Những tối, hai đứa ngồi ôn thi đại học dưới trăng, cùng nhau dạo bước trên con đường làng. Gió đưa hàng tre xào xạc lá… Anh nhớ cả đến buổi, hai đứa chạy vội ra ga để tiễn các bạn sang châu Âu học - Ừ, đất nước phải có những người được đi học mà trau dồi kiến thức như các bạn, để có trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Khi nước nhà hòa bình, thống nhất rồi, còn xây dựng tổ quốc mình thật giàu và đẹp chứ! Nhưng giờ đang có chiến tranh, cũng phải có những người như chúng mình ra chiến trường diệt giặc. Giờ đây, trước trận đánh này - Mình cảm thấy rất tự hào vì đã có mặt trong lúc tổ quốc lâm nguy, các bạn ạ! Viết Minh, Thanh Hà, Phi "đen" và cả Trần Tứ Đức nữa… các bạn phải học thật tốt đều trở thành những kỹ sư giỏi, sau này còn xây dựng Tổ quốc Việt Nam của chúng ta giàu mạnh, hùng cường như các nước Âu Châu và Mỹ. Khi nào hết chiến tranh trở về, mình cũng sẽ tiếp tục theo học đại học mầ hôm nay tạm thời bỏ dở, để lên đường cầm súng diệt thù. Bao suy cảm cứ dồn dập như thước phim chạy trong óc Hoàng. Anh lại nghĩ đến Thu? Trên chỗ trường đại học sơ tán của em có được yên ổn không nhỉ? Không lẽ, bọn không quân Mỹ mang cả bom lên oanh tạc tận vùng rừng núi Tuyên Quang – Việt Bắc ấy! Mà cũng chẳng biết đâu mà lường? Nghe nói ở trên Tuyên Quang , nhà nước cho xây dựng nhiều cơ sở ở trong núi chứa hồ sơ, kho tàng. Các cơ quan, trường học lớn về đấy cũng nhiều... chắc gì bọn giặc lái Hoa Kỳ đã để cho yên? Cả tình hình ở miền Bắc - Nghe đài báo: Hồi này thủ đô rất căng, Mỹ ném bom ngày càng gần vào Hà Nội hơn. Ở trong chiến trường, cả đại đội chỉ có một cái đài national xách tay của đồng chí chính trị viên. Cứ giờ nghỉ giải lao là anh em lính tập trung quanh thủ trưởng để nghe tin tức. Ngoài ra chỉ có tờ báo Tây Nguyên mỗi tháng một kỳ, chủ yếu là những thông tin chiến trường. Nhớ Hà Nội thế! Hoàng có cảm giác như đã xa thủ đô từ lâu lắm. Thực ra, kể cả thời gian đi đường vào mới được hơn một tháng. Giò cũng đã nửa đêm, chuẩn bị bước sang ngày 26.3.1968 – Hoàng chợt nhớ ra ngày nhập ngũ của anh là 27.3.1967. Không phải chỉ riêng anh, lính của cả Trung đoàn 209 này toàn nhập ngũ ngày đó. Thì ra, đây còn là trận đánh kỷ niệm tròn một tuổi quân của tất cả các chiến sĩ trong đơn vị. Anh em sẽ phải đánh cho thật ròn rã, thật tốt! Cách đây hơn một tháng, bọn anh rời vùng rừng núi Hòa Bình vẫn còn trải đầy hoa đào, hoa mận trắng và những vườn táo tây quả sai trĩu trịt. Bây giờ mới là cuối mùa xuân mà... Anh lại nhớ đến người con gái bản - "Mỵ ơi, em hãy quên anh đi!". Hoàng lẩm bẩm với mình. Anh biết người con gái ấy tha thiết yêu anh. Anh thương cô, nhưng anh không thể? Đối với anh, tình yêu duy nhất chỉ có Thu! Đôi lúc, anh cũng tự trách mình quá sa đà, nhưng anh đâu có lừa gạt Mỵ! – Chưa bao giờ nói anh nói là sẽ lấy cô? Ngay cả một tiếng "yêu", anh cũng giữ mình không nói. Thực ra tuổi thanh xuân, nam nữ yêu người này, người nọ... là chuyện bình thường. Anh cầu mong có một người con trai bản nào đó thương yêu, và cô cũng quí mến anh ta. Họ sẽ lấy nhau. Đám cưới của cô nếu được biết tin, anh sẽ tìm một bông hoa rừng đẹp nhất, ướp vào trang thư để gửi về chúc phúc cho hai người. Dẫu anh biết, thư từ chiến trường gửi về rất chậm. Khi nhận được thư và hoa của anh, thì đám cưới của họ đã qua lâu rồi. Nhưng anh vẫn gửi: Đấy là tình cảm, tấm lòng của anh trước hạnh phúc của cô. Chắc họ cũng sẽ đón nhận một cách hoan hỉ và vui lắm! Cứ nghĩ thế, Hoàng thấy lòng mình thanh thản một cách lạ thường. Anh chỉ cầu mong cô hạnh phúc, thế là lòng anh mãn nguyện. Từ bên trong căn cứ FSB 14 rộ lên một loạt trung liên AR15, bọn Mỹ bắn hú họa. Những tiếng súng nổ cắt ngang ý nghĩ của Hoàng. Đêm cuối tháng, phía rừng xa cũng đã thấy hắt lên chút ánh sáng mờ ảo của bóng trăng lên muộn. Chắc cũng sắp đến giờ nổ súng? Từ phía sau, Văn bò đến bên Hoàng. Văn cũng là khẩu đội trưởng của một tiểu đội đại liên. Tiểu đội Văn tiếp cận trận địa gần ngay đó. Tiếng Văn thì thầm bên tai: - Sắp đến giờ nổ súng rồi đấy, đánh cho thật "đẹp" nhé! Hoàng chỉ gật đầu đáp lại lời của bạn. Họ nắm thật chặt tay nhau, như để cùng động viên nhau vào trận đánh đầu tiên này. Văn lặng lẽ lui về phía khẩu đội của mình. Cũng như Hoàng, Văn rời bỏ trường đại học để lên đường nhập ngũ. Từ nhà Hoàng theo hướng ngã tư Khâm Thiên, qua bệnh viện Bạch Mai khoảng hơn cây số đường phố là tới nhà Văn. Nhập ngũ hai đứa mới biết nhau, nhưng đồng cảm và nhanh chóng trở nên thân thiết. Văn chưa có vợ và cũng chưa có cả người yêu. Trai tân mà... Lính D7 này, hầu hết đều là trai tân như thế! Đúng 2h00 sáng ngày 26.3.1968, các mũi lập tức cho nổ mìn phá rào. Ở hướng tây – tây bắc, mìn định hướng ĐH10 dựng chếch thi nhau nổ, thổi tung hàng rào dây thép gai. Hàng trăm mảnh thép gai bị hất lên cao, rồi hồng hộc rơi sập xuống đất. Nó còn ưỡn lên bần bật mấy lần mới chịu nằm yên – Cửa đã mở! Chư Tan Kra nghiêng ngửa. Không gian đang yên tĩnh bị xé toạc, chẳng khác nào một tên bạo chúa giang đôi cánh tay quyền lực, xé nát xiêm y người cung nữ. Trận đánh theo ba hướng - Ở hướng chính, Đại đội 1 chủ công cùng C2; được tăng cường hỏa lực đại liên – B41 – cối 82mm của C5 đồng loạt xông lên; rồi mũi đặc công với súng phun lửa từ yên ngựa đánh sang. Những tiếng thét xung phong ầm vang bốn phía. Tiếng cối 60 – cối 82mm thi nhau rót vào cao điểm, hòa trong tiếng súng AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn. Những tràng súng đại liên của tiểu đội Hoàng và trung đội bắn ròn rã tới hỏa điểm của địch trên đỉnh Chư Tan Kra. Tiếng lựu đạn, tiếng thủ pháo chuyên dùng để diệt các hầm ngầm thi nhau ném lên phía đỉnh đồi. Tiếng rốc két B-41 của C5 bắn “bùng”… ục ra một tiếng nổ lớn, kèm theo là đám lửa: Một chiếc lô cốt hoặc ổ hỏa lực địch trúng đạn, đã bị phá hủy. Súng phun lửa bắn chạy loằng ngoằng trong công sự lính Mỹ... Sau cơn bất ngờ hoảng loạn, địch trong cứ điểm FSB 14 vừa bắn ra chống đỡ, vừa cuống quít kêu cứu viện. Chỉ ít phút sau: trực thăng, máy bay C130, phản lực Mỹ bu kín bầu trời như bầy nhặng. Chúng ném bom, bắn rốc két và tung từng chùm pháo sáng. Cả khu rừng vụt sáng quắc như chiếc lưỡi đỏ lòm liếm lên những xác chết nằm rải rác trên mặt đồi. Tiếng máy bay gào rú ghê rợn. Các đường đạn lửa đan chéo trên cao điểm nhằng nhịt. Những chiến sĩ đang xông lên trúng đạn, đứng chựng lại lảo đảo ngã xuống. Người dưới tiếp tục vượt lên. Máu chảy loang ra thành đám...có chỗ thành vũng... đất đỏ và than đen quyện vào máu, tạo thành một thứ đất nhớt quánh lại. Tiếng thét xung phong vẫn ran lên! Tiểu đoàn Anh Cả Đỏ Mỹ trên Chư Tan Kra hỗn loạn. Chúng la hét, tiếng trung liên cực nhanh AR15 cùng các ụ đại liên Mỹ cũng điên cuồng bắn trả lại. Pháo dù từ trên máy bay trực thăng bắn tứ tung bồn phía, sáng như ban ngày. Mìn định hướng claymo Mỹ từ trên đỉnh thổi ngược xuống dưới chân núi, để chặn quân chủ lực Việt Cộng. Chỉ ít phút sau, Pháo bầy từ Kleng và các nơi ập tới cùng với trận địa pháo 105mm Mỹ trên cao điểm hạ nòng bắn thẳng ra phía cửa mở của QGP. Máy bay tiêm kích lao tới cắt bom. Một chiếc máy bay vận tải C130 lắp súng máy có tốc độ bắn 6.000 phát/phút, điên cuồng vãi đạn xuống theo hình xoáy chôn ốc xung quanh đỉnh núi. Trung đội đại liên của C5 đã chĩa thẳng súng lên trời bắn máy bay C130 và trực thăng, cả tiêm kích khi chúng nhào xuống thấp cắt bom. Tiểu đội đại liên của Hoàng theo đội hình C1 xông lên đánh thẳng vào trong căn cứ. Ở bên kia, tiểu đội đại liên của Văn cũng cùng C2 tràn lên... rồi trung đội cối 82mm, trung đội B-41 của C5 bắn trợ chiến mãnh liệt cho cả Tiểu đoàn 7 đang thừa thắng xốc tới. Ở một mũi, đội hình của C1 bị một ổ súng máy Mỹ bắn rát quá, phải nằm dán xuống mặt đồi, không thể vọt tiến lên được. Tiếng gào lên của những chiến sĩ bộ binh gọi hỏa lực chi viện: - Đại liên đâu! Đại liên đâu! - B-41 đâu! Hai khẩu đại liên của tiểu đội Hoàng bắn nhiều quá, nòng súng đã đỏ lên. Anh em chiến sĩ phải dành những bi đông nước mang theo người dội vào nòng súng. Đạn tiếp tục nổ, những đường lửa vọt lên vạch như đường thia lia của con nít trên mặt hồ. Những đường thia lia cũng tài tình như đường bay của những con dơi có sóng siêu âm, lách qua hàng rào dây thép gai phăm phăm lướt lên phía đỉnh núi. Thỉnh thoảng một viên đạn bật vào sợi dây thép gai, lửa tóe lên, sợi dây thép đứt tung. Họng súng máy của địch câm bặt. - Hoan hô đại liên! Các bạn bắn đẹp lắm, tuyệt lắm! Tiếng các chiến sĩ bộ binh cổ vũ. Đại đội 1 chủ công của Tiểu đoàn 7 đã tiêu diệt được tuyến phòng ngự của địch, phát triển vào trong trung tâm trận địa pháo. Các chiến sĩ nhét lựu đạn, thủ pháo vào từng nòng pháo. Bọn pháo thủ của quân Anh Cả Đỏ Mỹ chạy tán loạn. Đại đội 2 đánh vượt qua ba tuyến chiến hào và công sự địch, đến tận đỉnh cao điểm 995 mới bị Mỹ chặn lại. Quân chủ lực Bắc Việt gần như đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Mỹ. Căn cứ FSB 14 dài hơn 500m ngổn ngang xác Mỹ và cả xác bộ đội. Cả tiểu đoàn Mỹ bây giờ co cụm lại duy nhất trong chiếc lô cốt mẹ tận trên đỉnh Chư Tan Kra, nơi chúng đặt Ban chỉ huy. C1 và C2 của Tiểu đoàn 7 vẫn như hai mũi khoan lửa, lao lên để tấn công. Không giữ được cao điểm, quân Mỹ cho từng tốp máy bay phản lực liên tiếp dội bom gần như san phẳng ngọn đồi, pháo địch từ Kleng bắn dồn dập quanh đỉnh núi. Sau đó chúng thúc quân từ trong boong ke tiến ra, nhưng lại bị bộ đội đánh bật trở lại. Có những chỗ quân chủ lực Bắc Việt đã tiến sát đến boong ke, lô cốt cố thủ của địch. Trận đánh gần như giáp lá cà. Quân Mỹ bắn xối xả. Lựu đạn Mỹ ném ra, bộ đội nhặt ném trả lại. Giao tranh ác liệt, chết như rạ. Trận đánh đẫm máu, thương vong lớn cho cả hai bên. Đã hơn 4h sáng, Mỹ cho C130 tiếp tục tới thả pháo sáng và vãi đạn vào đội hình Việt Cộng, đồng thời cho hàng đàn trực thăng ùa đến đổ thêm hai đại đội bộ binh nữa, để tái chiếm lại cao điểm. Chúng cho cả B52 đến trải thảm rung chuyển các hẻm núi xung quanh, pháo bầy ở các nơi vẫn không ngừng bắn tới. Chúng tổ chức lại toàn bộ gộp cả lính trinh sát, công binh, thông tin cùng với hai đại đội bộ binh vừa thả xuống giao tranh giành giật quyết liệt quanh từng ụ pháo, chiến hào, công sự. Lại nói về hướng phía nam – Theo kế hoạch của Trung đoàn 209: Do Đại đội 13, Tiểu đoàn 9 đánh lên cao điểm để hợp với D7 ở hướng tây – tây bắc. Nhưng cả Đại đội 13 khi tiến vào tiếp cận trận địa bị lạc, không đến được đúng giờ nổ súng. Vì bối rối cả đoàn quân lại vấp phải bãi mìn của Mỹ gài, thương vong rất nặng. Nên mũi hướng nam Chư Tan Kra, quân chủ lực Bắc Việt đã không có lực lượng hỗ trợ, D7 trở thành đơn thương độc mã... mặc dù bộ đội vẫn dũng mãnh tiến công. Đại đội trưởng C1 Ngô Xuân Lâm, quê gốc ở Quảng Nam, người anh cả hiền hậu của đại đội, một danh ca hát chòi – Ông có dáng người cao lớn. Chiếc áo ngụy trang bằng mảnh dù hoa Mỹ, khoác trên người ông đang dẫn đầu đại đội xung phong bay phấp phới. Ông hoa hoa khẩu súng ngắn mấy vòng trên không, lệnh cho đại đội xông lên! Ông vượt lên trước nhanh như một con sóc. Một tia chớp lòe lên ở miệng lỗ châu mai địch. Một tia khác tiếp theo... đường đạn nhằm ông lao thẳng tới như một mũi tên đỏ. Ông đứng khựng lại, người chúi về phía trước mấy bước. Tiếng ông nhỏ như đang thầm thì kể chuyện: "Tôi chết rồi..." – Bỗng ông ngẩng phắt đầu lên thét to: - Đồng chí đại đội phó thay tôi! Đại đội 1 xông lên! Chân ông quì gập xuống đất, tay trái giang ra chống về phía trước. Bàn tay phải của ông vẫn nắm chặt khẩu súng ngắn K54, cắm mũi nòng lên mặt đồi. Ông đã chết! Người chiến sĩ liên lạc theo sau ông, có khuôn mặt nhỏ, dáng ngênh ngênh như một cậu thiếu niên. Cậu đang nắm chặt trong tay khẩu AK, lao tới ôm lấy vai đại trưởng. Cậu ta hét lên: - Đại phó ơi, đại trưởng chết rồi! Một tiếng nổ gọn trước mặt, vãi ra một đám lửa vàng như hoa cải. Tay còn ghì chặt lấy người đại trưởng của mình, người chiến sĩ liên lạc ngã xuống. Hai cái xác cùng đổ sập lên mặt đồi. Lớp người vẫn ào ạt xông lên! Họ đã đẩy lùi được quân Anh Cả Đỏ của Mỹ trên đỉnh Chư Tan Kra phải chui vào trong lô cốt, tuyến phòng ngự cuối cùng. Nhưng điều nguy hiểm nhất đã xẩy ra: Vào lúc đó thì hai đại đội lưu động của Mỹ ở ngoài rừng (mà trinh sát của trung đoàn 209 không phát hiện ra được), đã đến để ứng phó cho địch. Chúng đánh từ ngoài vào sau lưng D7 ở hướng tây bắc, hợp với quân Mỹ bên trong tổ chức đến bốn lượt phản công. Bộ đội của C1 – C2 đang thế chủ động, bây giờ bị kẹp ở giữa. Trận đánh giằng co đến gần sáng... Hỏa lực đại liên – B41 và Cối, đạn súng đều cạn kiệt. Quân số lại thương vong quá nhiều. Tiểu đoàn trưởng D7 Trương Ân đã phải tung nốt trung đội dự bị của C3 vào trận, nhưng cũng không thể cứu vãn nổi tình hình đảo ngược bất ngờ. Địch hợp lực cả quân chi viện và hai đại đội quân lưu động, cùng lính trong boong ke phản kích lại. Trên trời thì máy bay các loại gầm rú, pháo trong – pháo ngoài bắn về yểm trợ. Chúng đã đẩy lùi được các mũi tấn công của quân chủ lực Bắc Kì. Chư Tan Kra, cái tên nhẹ như một điệu hát của núi rừng, đã trở thành một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất của mùa xuân 1968 này. Nơi chứng kiến sự quả cảm của hàng trăm chiến sĩ, những người con ưu tú của Hà Nội. Các anh đã ngã xuống vì nền tự do, độc lập của nước nhà. Chư Tan Kra, một vùng núi hoang sơ... bốn mùa mây mù che phủ - Trở thành đỉnh cao của những người thanh niên anh hùng, vời vợi hiện lên trong lịch sử chiến tranh của dân tộc Việt Nam. Những chiến sĩ tham gia trận đánh đều trong độ tuổi thanh xuân mới mười tám, đôi mươi – Họ ra đi với tình thần "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh"! Đó chính là niềm tự hào sâu sắc, tinh thần chiến đấu anh dũng của các anh sẽ sống mãi trong lòng người dân thủ đô. Chư Tan Kra, với hình ảnh ngọn núi cao chót vót – Tuổi trẻ và máu xương của những người con thủ đô đã nằm lại nơi đây! Đó là nhân chứng bất tử về hy sinh vẻ vang vì tổ quốc, nhân chứng cho sức sống mãnh liệt của mảnh đất này! Theo một tài liệu Bắc Việt có được từ phía Mỹ đã ghi: “ Ngày 26.3.1968, một tiểu đoàn tăng cường hỗn hợp cả bộ binh, pháo binh của Sư 4 Anh Cả Đỏ Mỹ, đã bị tấn công bằng vũ khí hạng nặng của quân chủ lực Bắc Việt, gồm rốc két B-41 và những trái cối 82mm. Cuộc tấn công bằng loại vũ khí này của họ là để mở đầu cho những cuộc tập trung tấn công tiếp theo… Quân chủ lực Bắc Việt dùng cả súng phóng hỏa, tràn vào cả bên trong các ổ súng đại bác. Họ nỗ lực để đánh bật quân Anh Cả Đỏ của Mỹ ra khỏi căn cứ FSB 14 có lô cốt và công sự kiên cố. Nếu như chúng ta không kịp thời tăng viện và dùng tối đa các loại hỏa lực pháo từ các nơi với máy bay – kể cả “pháo đài bay” B52… mới đẩy lùi được họ.”. Khi tiểu đội đại liên Nguyễn Hoàng yểm trợ cho các chiến sĩ bộ binh C1 chiến đấu quyết liệt trước những đợt phản kích lại dữ dội của quân Mỹ - Pháo thủ số 2 là người trực tiếp bấm cò súng đại liên đã trúng đạn bị thương, phải theo y tá đại đội lùi về tuyến sau. Là khẩu đội trưởng, Hoàng nhảy vào thay thế. Tiểu đội đại liên vẫn bắn xối xả về phía địch. Bỗng anh nghe thấy một tiếng nổ “oàng…”, kéo theo cả đám lửa vàng ngay trước mặt. Một chiếc C130 vừa lao chúi xuống phóng một quả rốc két trúng đội hình tiểu đội của anh. Trời đất mù mịt, tối sầm lại. Lồng ngực Hoàng như bị bửa đôi và ngất đi giây lát. Khi anh tỉnh dậy, mắt cay xè… Trời cũng đã bắt đầu hửng sáng. Hoàng sờ lên đầu, lên cổ mình, toàn thân đau ê ẩm. Phú, người xạ thủ số 1 của tiểu đội cũng đã bị thương, lảo đảo bước tới. Tiếng nói của Phú như bị đứt quãng trong tiếng bom đạn vẫn gầm rú khắp bốn bề: - Anh em tiểu đội bị chết cả rồi, tiểu đội trưởng ơi! Súng cũng bị nó bắn bay mất rồi... Hoàng nhìn ra… các chiến sĩ quanh anh không còn thấy ai cả. Trời đất trên cao điểm nhuộm một thứ ánh sáng vàng vọt như tà khí trên nghĩa địa. Những tiếng máy bay xé trời, những tiếng pháo nổ và cả tiếng loa oang oang trên chiếc trực thăng của địch bay vè vè kêu gọi bộ đội Bắc Việt đầu hàng… Phú nói: - Tiểu đoàn đã có lệnh rút lui! Anh bị thương nặng hơn, bám vào Phú để lùi về phía sau, kẻo quân Mỹ nó sắp ập đến đây rồi. Nói rồi, Phú tháo vội cuốn băng cá nhân băng bó vết thương ở đùi để cầm máu cho Hoàng. Hoàng không thể đi được. Anh giục phú cứ đi trước, mình sẽ cố lết đi sau… nếu gặp tải thương thì bảo họ đến cáng. Phú lảo đảo theo một số anh em chiến sĩ đang rút xuống chân dốc. Hoàng cũng chẳng hiểu anh còn bị thương ở chỗ nào nữa? Quần áo anh thấm bê bết máu. Anh choáng váng cứ như người đang ngồi trên chiếc võng đu, quay tít… rồi lại có cảm giác như thể mình đang bay tựa một con chim, lao hun hút… hun hút… xuống một cái khe đen ngòm giống một chiếc huyệt hình phễu. Nhìn bốn bên trống hoác như ban ngày. Ý thức về lẽ sống vùng dậy. Hoàng nhìn quanh để tìm lấy một sự che đỡ nào đó? Thấy gần đấy, có một búi cây mây xơ xác còn sót lại trên mặt đồi, anh cố bò nhoai người đến đó. Ánh sáng, đôi khi ánh sáng sinh ra chỉ để giúp cho sự tàn phá. Đó chính là cái thứ ánh sáng khốc liệt của cảnh chiến trường này. Nó đang sáng quăng quắc của lửa đạn, của pháo sáng địch thả xuống. Nó đang chiếu soi vào Hoàng… Bản thân ánh sáng tuy không chứa đựng sự hung dữ, nhưng những sinh linh trong nó thì đang bị ức chế bởi cái đe dọa của sự chết chóc. Chính nhờ có thứ ánh sáng kia, nó mới phát huy được khả năng tàn phá. Đương nhiên, thứ ánh sáng ấy nhuốm đầy vẻ rùng rợn. Cái ánh sáng rùng rợn đó đang ập vào mắt Hoàng, vây quanh anh… Giống như một sinh bé nhỏ không còn khả năng tự vệ, đang bị phơi lồ lộ giữa khoảng đất trống trên mặt đồi. Những tên lính Mỹ mũi lõ, khuôn mặt đỏ như máu, những sọc máu quầng lên trong đôi mắt đục ngầu. Chúng từ trên những chiếc trực thăng nhắm thẳng về phía Hoàng mà bắn xối xả. Nã hàng ngàn, hàng ngàn những viên đạn như những mũi dao lạnh toát. Tưởng như chúng đã nhìn rõ anh rồi? Cả những chiếc phản lực Mỹ trút từng loạt bom xuống đất. Hoàng rùng mình... Có một chiến sĩ bị thương đang lao người chạy qua Hoàng, nói to lên: - Phải cố mà xuống dưới chân núi, sẽ có tải thương. Nằm ở đây thì chết? đã có lệnh rút quân rồi! Hoàng không hiểu những gì đã diễn ra trong anh. Như một bản năng tự vệ, anh đưa hai tay giữ chặt chiếc mũ sắt ở trên đầu rồi theo hướng người chiến sĩ vừa chạy, thả cho thân mình cứ thế lăn tròn xuống chân núi dốc. Ở trên đài quan sát thấy Mỹ đánh bom suốt hàng giờ đồng hồ. Chúng thả cả bom xăng, pháo bầy để phá hủy trận địa. Khi đó, Tiểu đoàn trưởng D7 Trương Ân buộc phải báo cáo về Sở chỉ huy trung đoàn cho lệnh rút quân! Chính trị viên tiểu đoàn Phan Trung Bắc, hô hào các chiến sĩ thông tin, vận tải cùng quân y… xông vào trận để cứu thương binh ra, đưa về tuyến sau. Trong trận chiến ác liệt này, những chiến sĩ dũng cảm của Trung đoàn 209 mũ sắt, những người con yêu dấu của Hà Nội đã tiêu diệt 204 tên giặc Mỹ, đánh tan gần hai đại đội và phá hủy 1 trận địa pháo 105mm thuộc Sư đoàn 4 Anh Cả Đỏ của Hoa Kỳ. Song trong trận đánh này, mấy trăm người chiến sĩ thân yêu của Tiểu đoàn 7 cũng đã vĩnh viễn gửi lại tuổi xuân tươi đẹp trên những ngọn núi, cánh rừng, khe suối của đại ngàn Tây Nguyên. Khi những thương binh của D7 hầu hết đã rút được ra ngoài, vẫn còn nghe thấy tiếng súng AK của đồng đội, số ít anh em bị vây trong căn cứ - Họ đã chiến đấu, dù chết đến người cuối cùng. Lúc đó vào khoảng 7 giờ sáng.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2023 18:14:55 bởi Nhân văn >
|