Re:Tiểu thuyết - CUỘC CHIẾN TRANH ĐÁNH MỸ ĐẪM MÁU - Phạm Ngọc Thái
-
09.08.2023 10:52:54
32-
Hoàng nhận được tin Thu chết, vào lúc tình hình chiến trường miền Nam diễn ra rất căng thẳng. Chiến dịch Tây Nguyên đang gấp rút tiến vào cuộc tổng tiến công, trong mùa xuân năm 1975.
Sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, cuối cùng anh cũng nhận được thư – nhưng đó là thư của Lan, cô bạn gái học cùng lớp với hai người. Thư của Thu viết cho anh vào đêm nô-en 1972, cũng được gửi kèm trong đó.
Hoàng nghe tin Lan báo tin Thu chết như sét đánh ngang tai. Người tiểu đoàn trưởng đã từng trải qua hàng trăm trận mạc, chứng kiến bao nhiêu cái chết đầy nước mắt của đồng đội, tưởng như không thể khóc được nữa – Thế mà, giờ đây đọc vội lá thư của Lan báo tin trong lúc đang chuẩn bị cho tiểu đoàn bước vào một trận đánh mới quyết liệt, nước mắt anh chỉ muốn trào ra. Toàn bộ con người anh run rẩy. Hoàng cố ghìm lòng mình, bình tĩnh trở lại chỉ đạo tiểu đoàn. Người chiến sĩ liên lạc trẻ tuổi nhìn thủ trưởng đọc thư, thấy thái độ của thủ trưởng hơi bất thường, ngỡ ngàng định hỏi? nhưng rồi lại thôi. Hoàng vội nhét cả hai lá thư vào túi áo ngực của chiếc áo quân nhân màu xanh anh đang mặc. Chiếc áo đã nhàu, bám đầy dấu vết của tháng năm và bom đạn. Anh gượng mỉm cười bảo với cậu liên lạc, báo cho ban chỉ huy các đại đội đến để anh phổ biến nhiệm vụ trận đánh tới.
Đó là vào những ngày đầu tháng 3 năm 1975, Tiểu đoàn hỏa lực D16 nhận được lênh của Bộ tư lệnh B3, cùng các đơn vị trung đoàn pháo mặt đất, tiểu đoàn đặc công, xe tăng… đi phối thuộc với sư chủ lực bộ binh 320 – Đánh địch trên Quốc lộ 14 -19 ở phía nam và đông Pleiku.
Nhiệm vụ của họ là chặn đứng các đoàn xe quân sự địch và tập kích một số chốt QLVNCH xung quanh khu vực Kon Tum, Gia Lai ở phía Bắc Tây Nguyên, nhằm chia cắt hoàn toàn con đường mà quân VNCH đi tới Buôn Ma Thuột, để cô lập Buôn Ma Thuột với Pleiku, Kon Tum. Vừa tạo thế nghi binh lừa địch, cho rằng: QGP sẽ đánh Pleiku, Kon Tum – nhưng thực chất là mở cuộc tấn công quyết liệt vào Buôn Ma Thuột. Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử này, sẽ làm bàn đạp cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy đánh chiếm vào Sài Gòn của toàn miền.
Khoảng 17 giờ ngày 5/3, một đoàn xe địch gồm 15 chiếc từ Pleiku vào Buôn Ma Thuột bị các chiến sĩ Trung đoàn 9 chặn đánh, diệt 8 xe quân sự: trong đó có 2 xe tăng, 2 xe GMC, thu 1 pháo 105mm, bắt sống 30 tên vừa sĩ quan và binh lính.
Trung đoàn 48 Sư 320 được tăng cường 2 pháo 105ly, 3 pháo 85ly và hỏa lực của tiểu đoàn 16 – tiến công một căn cứ quân sự quan trọng của địch nằm án ngữ ngã ba đường 14 và đường 7, cách Pleiku hơn 60km về phía nam.
Sau 1 giờ 20 phút chiến đấu ác liệt, Trung đoàn 48 và các đơn vị pháo trên không – mặt đất đã làm chủ trận địa: Diệt 1 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội cảnh sát dã chiến và cơ quan chi khu. Bắt 121 tên, thu 200 súng: có 2 khẩu pháo 105ly, 18 xe quân sự cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Cũng thời gian đó, Trung đoàn 64 đánh vào 1 chi khu quân VNCH ở quận lỵ Buôn Hồ (Đắc Lắc). Chưa đầy hai tiếng, trung đoàn đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch: gồm 1 tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến cùng toàn bộ hệ thống bọn ác ôn; thu 3 pháo 105ly, 2 cối 106,7mm, 2 xe quân sự và những vũ khí, trang bị khác. Giải phóng hoàn toàn Quận lỵ Buôn Hồ.
Đó là những chi khu mạnh nhất của QLVNCH trên quốc lộ 14, đã bị tiêu diệt. Con đường 14 nối giữa Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) và Nam Tây Nguyên bị cắt đứt. Buôn Ma Thuột cô lập hoàn toàn.
Trung đoàn 25 QGP cũng được lệnh của Bộ tư lệnh B3, tổ chức phục kích đánh địch… cắt đứt con đường số 21 ở phía đông Buôn Ma Thuột - nối liền với Nha Trang.
Sư đoàn 10 QGP tiếp tục tấn công một số cứ điểm khác, vây bọc và bảo vệ Buôn Ma Thuột. Phá vỡ thế trận phòng thủ QLVNCH. Địch tan tác, những kẻ thoát chết tìm đường chạy về Buôn Ma Thuột.
Đến ngày 8/3, Tây Nguyên đã bị cô lập với vùng đồng bằng ven biển ở Trung và Nam Bộ. Trừ đường 7 rất xấu đã lâu không sử dụng – QGP bỏ ngỏ… im lặng, lạnh lùng một cách đáng sợ, dường như là để đón lõng, chờ địch đến?
Nghĩa là, thế trận để tiến công – cũng là kế nghi binh của Mặt trận B3: làm cho Bộ tổng tham mưu QLVNCH tưởng rằng QGP sẽ đánh lớn ở Pleiku - Kon Tum (Bắc Tây Nguyên), thì họ lại chuẩn bị đánh vào Buôn Ma Thuột ở Nam Tây Nguyên.
Thiếu tướng Phạm Văn Phú – Tư lệnh Quân đoàn II QLVNCH chỉ huy vùng cao nguyên, đến lúc này mới biết: tất cả những cuộc rối bời ở Pleiku, Kon Tum vừa qua chỉ là chiến trường phụ và nghi binh của QGP – Buôn Ma Thuột mới là mặt trận chính, nhưng đã quá muộn.
Trung tướng Hoàng Minh Thảo – Tổng tư lệnh Mặt trận B3, lệnh khẩn cấp cho các sư đoàn chủ lực như Sư 10, 320 và Sư 316 là các sư đoàn rất mạnh của quân đội Bắc Việt mới vào, cùng các trung đoàn pháo, tiểu đoàn hỏa lực D16 của Đại úy Nguyễn Hoàng và đơn vị đặc công, xe tăng trực thuộc Mặt trận – gấp rút về quanh Buôn Ma Thuột dàn binh, mở cuộc tổng công kích sắp bắt đầu.
Chính trong những giờ phút quyết chiến điểm đó, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hoàng lại nhận được lá thư từ hậu cứ phía sau gửi đến. Thư báo tin về người bạn gái thân yêu nhất của anh đã chết, trong trận không quân Mỹ rải thảm bom B52 vào Hà Nội. Đại úy Nguyễn Hoàng lòng đau như cắt. Anh dằn mình xuống để lao vào trận đánh.
Lúc này, đoàn xe của Tiểu đoàn 16 đang mở hết tốc lực trên con đường 14 đã được khai thông, hướng về phía Buôn Ma Thuột chạy tới. Tuy con đường bị tàn phá bởi bom đạn rất xấu, nhưng đoàn quân cả người và pháo vẫn rầm rập băng qua.
Tình hình chiến trận nóng bỏng thôi thúc người chiến binh phải vượt lên cái đau của chính mình. Nỗi uất hận trong lòng anh ngùn ngụt như lửa cháy, biến thành mối căm thù vô hạn với quân giặc. Giờ đây, Nguyễn Hoàng như không còn biết đến sự kinh hoàng trong chiến tranh là gì nữa? Mối hận riêng tư hòa quyện vào trong tư tưởng, tăng thêm sự quyết chiến của một người chiến sĩ cách mạng. Phía trước là quân thù, anh phải tiêu diệt chúng để trả thù cho đồng đội và những người thân nơi quê hương anh. Hoàng nghĩ tới hai người con gái tha thiết yêu anh, đều đã chết bởi chiến tranh. Kẻ thù đã cướp đi cả hai người con gái thân thương đó trong cùng một năm 1972 đẫm máu. Như có ngọn lửa bốc lên rừng rực thiêu đốt cả thể xác và tâm hồn người lính trận.
Con đường tới Buôn Ma Thuột không có nhiều chướng ngại về địa hình như Kon Tum. Trên thực tế, quanh Buôn Ma Thuột cũng không có nhiều vành đai phòng thủ liên tục của QLVNCH. Một số vành đai lại bị QGP quét vãn… mở cho họ một con đường tiến quân rất thuận lợi. Hai bên đường đi rất nhiều đồn điền cà phê, đồn điền cao su san sát nhau. Bộ đội có thể lợi dụng ngụy trang. Tuy tiến quân bằng pháo và chiến xa không dễ, nhưng đã được những trung đoàn công binh của mặt trận dọn đường trước. Những cánh rừng già, thì họ cưa đi các gốc cây lớn… nhưng không để cho cây bị đổ nên máy bay trinh sát không phát hiện thấy. Khi xe pháo hoặc chiến xa của quân chủ lực phải rời đường quốc lộ băng theo đường rừng, chỉ cần cho bộ phận đi trước ủi sập cây, rồi tiến thẳng về phía thị xã dễ dàng.
Thị xã Buôn Ma Thuột có khoảng 60.000 dân, nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều gỗ quí – Nhưng giờ đây đâu phải là lúc bảo tồn những thứ quí hiếm ấy? Công binh họ chỉ cần biết phải dọn một con đường tốt nhất, thuận lợi nhất để bộ đội tiến vào đánh.
Buôn Ma Thuột nằm giữa ngã ba hai con đường chiến lược 14 và 21, là một căn cứ án ngữ huyết mạch giao thông ở Nam Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột có thể đi lên các tỉnh phía bắc nối liền Pleiku, Kon Tum, Phú Bổn… Phía nam đi Quảng Đức, Phước Long. Phía đông tới Nha Trang và dễ dàng đi xuống Đông Nam Bộ - Sài Gòn bằng cả đường không, đường bộ.
Buôn Ma Thuột có một vị trí chiến lược quan trọng như thế, cho nên chiếm được sẽ làm bàn đạp tấn công, tạo thế thuận lợi cho cả mặt trận của toàn miền.
Theo đúng kế hoạch của Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên – Các binh đoàn chủ lực của QGP đã đến vị trí tập kết vòng quanh Buôn Ma Thuột, như giờ đã qui định. Vào lúc mờ sáng ngày 8/3, Tiểu đoàn 16 của Nguyến Hoàng cũng đã vào vị trí – Tất cả đều chuẩn bị xong, chỉ còn chờ lệnh của Bộ tư lệnh B3 khai hỏa chiến dịch, là nổ súng.
Đúng 2 giờ 3 phút sáng ngày 10.3.1975, trận đánh vào Buôn Ma Thuột bắt đầu – Mở màn là những trái đạn pháo 130ly, sau đó đến các loại pháo khác thi nhau dội xuống thành phố. Phố xá lúc đó vẫn đang say giấc ngủ giữa đêm trường, choàng tỉnh dậy vì những tiếng nổ long trời, đinh tai, nhức óc. Ban chỉ huy QLVNCH đặt tại dinh tỉnh trưởng Đắc Lắc đóng ở Buôn Ma Thuột, khi đó là Đại tá Nguyễn Trọng Luật cùng với Đại tá Vũ Thế Quang – Lúc này mới vội vàng từ ở trên lầu hai chạy xuống hầm chỉ huy. Đó là một căn hầm lớn được xây bằng bê tông cốt thép rất kiên cố, có thể chống được đạn pháo. Trong hầm có đầy đủ máy móc truyền tin để liên lạc với các đơn vị trực thuộc, cũng như với cấp trên tận trung ương Sài Gòn.
Đại tá Nguyễn Trọng luật vội vã lệnh cho pháo binh tiểu khu và pháo binh Sư 23 QLVNCH đóng ở Buôn Ma Thuột phản pháo lại mãnh liệt. Từ các hướng, các loại đạn pháo của Cộng quân vẫn tới tấp nã vào các trọng điểm thành phố. Tiếng pháo nổ của đôi bên vang rầm trời. Những mảng lửa pháo xiết vào nhau nổ bùng trên các nóc nhà và đường phố… không khác mấy cuộc đại chiến đã diễn ra ở mặt trận Đắc Tô – Tân Cảnh hay Kon Tum vào năm 1972.
Khi màn đạn pháo của cả hai bên có vẻ đã thưa dần, thì từ các hướng – các sư đoàn bộ binh QGP như Sư 320, 316 và Sư 10 cùng với 1 trung đoàn quân giải phóng địa phương, 1 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo và Tiểu đoàn hỏa lực D16… Tổng cộng khoảng 50.000 chiến binh, ồ ạt tiến công vào thị xã.
Người ta diễn tả về khung cảnh đêm mở màn trận huyết chiến Buôn Ma Thuột, như thế này: Khi pháo binh QGP gầm lên nổ súng đè đầu quân địch xuống. Bọn chúng đối phó một cách hoảng hốt, bối rối…thì xe tăng và những binh chủng cơ giới của các sư đoàn chủ lực Bắc Việt bật đèn sáng trong đêm, mở hết tốc lực chạy trên con đường quân sự đã được những trung đoàn công binh chuẩn bị sẵn. Họ dũng mãnh tiến thẳng, tiến mạnh về các mục tiêu đã được xác định trong kế hoạch.
Trận pháo bắn khởi đầu kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, làm tê liệt sức đề kháng của các trung đoàn tinh nhuệ QLVNCH được bố trí trong căn cứ. Chưa bao giờ QGP lại dồi dào pháo bắn đến như vậy.
Khi diễn ra trận đánh vào Buôn Ma Thuột – kể cả cơ quan tình báo lớn nhất của thế giới là “Sie” cũng không hề hay biết. Có thông tin cho hay: Trung đoàn công binh của Cộng sản Bắc Việt đã ủi sẵn đường cho xe tăng chạy từ biên giới vào Buôn Ma Thuột, với tổng số chiều dài con đường là 336km – Thế mới thấy yếu tố bí mật của Cộng quân trong trận đánh này, đã làm tốt đến thế nào.
Theo một tài liệu của giới nghiên cứu lịch sử: Tây Nguyên là một chiến trường cơ động có vị trí hết sức quan trọng. Từ chiến trường này sẽ có nhiều lợi thế phát triển xuống phía nam theo đường số 14, hoặc phát triển sang hướng đông đến những vùng đồng bằng Nam Bộ, theo các trục đường 19, 7 và 21.
Ở Tây Nguyên - QLVNCH có sư đoàn bộ binh chủ lực là Sư 23 (ba trung đoàn 44, 45 và 53), 7 liên đoàn biệt động quân (4, 6, 21, 22, 23, 24, 25). Các liên đoàn này có quân số tương đương 10 trung đoàn.
- 36 tiểu đoàn bảo an.
- 4 thiết đoàn xe tăng và thiết giáp (với 371 xe).
- 8 tiểu đoàn pháo binh: 230 khẩu các cỡ từ 105 đến 175ly.
- Không quân: 1 phi đoàn chiến đấu (32 chiếc), 2 phi đoàn trực thăng (86 chiếc), 1 phi đoàn tổng hợp - vận tải, trinh sát và huấn luyện (32 chiếc).
Cùng các kho dự trữ đạn dược các loại, đủ khả năng cung cấp cho quân đoàn chiến đấu trong hai tháng.
Do đánh giá sai ý đồ của QGP, cho rằng: Năm 1975 họ chưa đủ sức đánh vào thị xã và thành phố, nếu có đánh – bộ đội cũng chỉ đánh ở Bắc Tây Nguyên (tức là Pleiku, Kon Tum…). QLVNCH đã tập trung lực lượng giữ Pleiku, Kon Tum – còn Buôn Ma Thuột ở Đắc Lắc thì rất sơ hở, càng vào sâu trong thị xã lực lượng càng mỏng.
Theo một tài liệu của VNCH: Tướng Phú tư lệnh Quân đoàn II, đồng thời phụ trách vùng Tây Nguyên vẫn đinh ninh cho rằng: mục tiêu chính của QGP là đánh Pleiku, Kon Tum – nên đến khi nổ ra cuộc ác chiến Buôn Ma Thuột, lực lượng phòng thủ của địch ở đây chỉ có 1 tiểu đoàn của trung đoàn 53, 1 tiểu đoàn của trung đoàn 45 thuộc Sư 23 – còn đại bộ phận chủ lực của sư 23 vẫn đóng cả ở Pleiku, Kon Tum cùng với hai tiểu đoàn địa phương quân.
Tự thủ Buôn Ma Thuột như xe tăng, thiết giáp, pháo binh và các cụm hỏa lực trên các chốt cũng rất thấp – phải đương đầu với một lực lượng hùng hậu của QGP tiến công vào Buôn Ma Thuột có tới ba sư đoàn chủ lực cùng nhiều chiến xa, thiết giáp, pháo binh các loại, cao xạ phòng không, đặc công…
Cũng theo một tài liệu từ phía VNCH, so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên: Về quân bộ binh QLVNCH (kể cả biệt động quân, lính bảo an và phòng vệ), chỉ vào khoảng 4.000 quân phải chống chọi với 40.000 cộng quân – Nghĩa là, cứ 1 lính VNCH phải đánh nhau với 10 chiến sĩ QGP (thực ra lực lượng QGP tiến đánh vào Buôn Ma Thuột còn lớn hơn thế nhiều) – cho nên, họ nhanh chóng đè bẹp sức đề kháng của QLVNCH.
Kể cả khi cuộc chiến nổ ra dữ dội, sự ứng cứu của các máy bay chiến đấu so với trước đây đã yếu đi rất nhiều. Từ khi Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ, những phương tiện chiến tranh của Chính phủ VNCH còn rất thấp. Trong khi đó lực lượng pháo cao xạ phòng không của QGP tiến đánh Buôn Ma Thuột: ngoài pháo 37 và 14ly5 của tiểu đoàn hỏa lực D16, còn các trung đoàn pháo cao xạ phòng không khác của mặt trận. Họ giăng lên bầu trời Buôn Ma Thuột cả một màn đạn lửa dầy đặc. Các loại máy bay cường kích QLVNCH đến ứng cứu khiếp đảm, ném bom bừa bãi rồi bỏ chạy.
Tiếp đó, một trung đoàn đặc công đánh vào sân bay Hòa Bình (hay còn gọi là phi trường Phụng Dực), khu kho và khu hậu cứ của Trung đoàn 53 – trung đoàn chủ lực của Sư 23 QLVNCH đóng ở Buôn Ma Thuột. Những tiếng xung phong của QGP vang lên từ các ngả tiến vào thành phố.
Quân lính VNNCH từ các chiến hào, các lô cốt bắn ra quyết liệt. Người ta chứng kiến máu của cả hai bên đã đổ tràn, người ngã xuống đầy thành phố. Súng bắn tăng M72 của sư 23 QLVNCH cũng được kích hoạt để bắn vào các cỗ xe tăng T-54 của QGP, đang dũng mãnh dẫn đầu những sư đoàn bộ binh. Các họng đại liên M60, 12ly7 của địch cũng bắn xối xả vào biển cộng quân đang tràn đến để đè bẹp chúng. Cũng có giây phút, các trung đoàn QGP phải chững lại vì sự chống trả dữ dội của quân VNCH. Nhưng dù lớp người này ngã xuống, thì lớp người sau của QGP vẫn xông lên… với sự yểm trợ của các loại hỏa tiễn cầm tay như DKB, H-12 và B41. Không thể đếm được cuộc thảm sát này với cả hai bên. QGP huy động tối đa các chiến xa, xe tăng vào trận. So với các trận đánh năm 1972, lần này pháo binh và bộ binh QGP phối hợp nhịp nhàng hơn. Những chiếc xe tăng bao bọc bộ binh, lia những khẩu súng lớn như không tiếc đạn về phía quân VNCH, để cho bộ binh ào xông lên chiếm các cứ điểm.
Đến 3 giờ 30 phút sáng, Trung đoàn 198 QGP trực thuộc mặt trận đã chiếm được khu kho thành phố. Các trung đoàn bộ binh khác cũng được sự hộ tống của xe tăng T-54 và các loại hỏa tiễn, tiến đánh thẳng vào Sở chỉ huy Sư 23 QLVNCH. Những sư đoàn bộ binh cộng quân từ các hướng, thì khống chế Sở chỉ huy tiểu khu, trung tâm thông tin, doanh trại thiết giáp cùng một số trận địa pháo QLVNCH.
Toàn thành phố Buôn Ma Thuột chìm trong cơn bão lửa kinh hồn. Những tiếng gào thôi thúc xung phong nghe cũng ghê rợn, như kéo theo nó là cả đoàn âm binh dưới địa ngục. Tiếng la hét cận chiến của cả hai bên, vang vọng hãi hùng giữa đêm khuya.
Một phi trường của máy bay trinh sát L-19 cùng với Đài truyền tin đã hoàn toàn lọt vào tay QGP. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, cộng quân tiến sát vào khu căn cứ QLVNCH. Họ tung lựu đạn vào hầm làm nhiều binh lính và sĩ quan bị thương hoặc tử vong. Quân VNCH vẫn chống trả lại rất quyết liệt. Chúng cũng đẩy lùi không ít các cuộc xung phong của QGP. Tuy vậy, với binh lực hùng hậu của các sư đoàn, trung đoàn chủ lực QGP – Họ đã tràn lên như vũ bão.
Khoảng 5 giờ sáng, pháo binh các sư đoàn QGP và pháo binh chiến dịch từ xa tiếp tục pháo kích vào thành phố. Sau đó các đại xe tăng có bộ binh tràn theo, bật đèn pha mở hết công suất vượt qua các tuyến phòng thủ QLVNCH, đánh thẳng vào trung tâm thị xã.
Hướng tây nam có trung đoàn 174, trung đoàn 149-148 của Sư 316 đánh vào một số chốt, khu kho đạn, Sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc đóng ở Buôn Ma Thuột.
Hướng tây và đông thị xã có trung đoàn 24, trung đoàn 2 – 3 của Sư 10 với 2 đại đội xe tăng đi kèm, đánh thẳng vào chỉ huy sở của Sư 23 QLVNCH, khu quân y, khu truyền tin và một loạt cứ điểm khác bảo vệ thành phố. Mặc dù có mấy chiếc xe tăng bị sa lầy và bị máy bay VNCH bắn hỏng, nhưng họ vẫn tiến công mãnh liệt.
Hướng đông bắc có trung đoàn 95 - Hướng đông nam có trung đoàn 149 tấn công lên cứ điểm Chư Blom, điểm cao 582, đánh thốc qua cứ điểm Ba Lê và điểm cao 491 để tiến vào trung tâm thị xã.
Khoảng 7 giờ sáng, người ta đã thấy các đơn vị Sư 320 có mặt ở sâu trong thành phố, đánh nhau với Trung đoàn 53 và một tiểu đoàn của Trung đoàn 45 thuộc Sư 23 QLVNCH.
Xe tăng QGP và chiến xa VNCH cùng lăn bánh xích rầm rầm trên đường phố. Các đơn vị địa phương quân của VNCH bố trí xung quanh dinh tỉnh trưởng, làm thành một bức tường chắn bảo vệ. Khói lửa mịt mù… Quân VNCH tan tác – Nhưng về phía QGP, 5 chiếc xe tăng T-54 cũng bị ống phóng M-72 của Trung đoàn 53 địch bắn cháy, bộ đội bị hy sinh và thương vong cũng nhiều.
Trên bầu trời Buôn Ma Thuột, những chiếc máy bay trinh sát L19 của Quân đoàn II do Tướng Phú gửi đến, bay chỉ điểm cho các phi cơ VNCH đánh bom. Pháo binh địch bắn rất dữ dội vào khu vực QGP đã chiếm đóng, thậm chí bắn vào cả chỗ hai bên đang hỗn chiến - Ta và địch đều chết.
Ở hướng tây, 8 chiếc A37 thuộc Sư 6 QLVNCH tại sân bay Đà Nẵng đến ném bom, làm thương vong nhiều chiến sĩ giải phóng, trong đó Sư đoàn 10 bị tổn thất nặng nề nhất. Tuy vậy, vẫn không làm chậm lại tốc độ tấn công như bão táp của họ. Tiếng thét xung phong của họ làm choáng ngợp các đường phố.
Ở hướng tây nam, Đại tá Vũ Thế Quang liên tục khẩn cấp gọi cho Tướng Phú – Tổng tư lệnh Quân đoàn II VNCH, kêu gào cho máy bay đến cứu. Nhiều tốp AD6 – VH1 không vận của Sài Gòn từ nhiều nơi kéo đến, bu trên bầu trời Buôn Ma Thuột.
Lưới lửa những cỗ pháo cao xạ phòng không 37ly - 14ly5 của D16 và cả 57ly của trung đoàn pháo thuộc Bộ tư lệnh B3, cùng hiệp đồng đánh một trận ròn rã như trong phim mô tả về các cuộc chiến tranh thời đại chiến.
Theo một nguồn tin báo cáo phía VNCH: ngay trong ngày 10/3 đầu tiên, 6 chiếc AD6 của chúng đã bị bắn hạ cùng với 1 máy bay quan sát O.1, 2 máy bay trinh sát L19, 3 chiếc trực thăng vận tải CH47 và 7 chiếc máy bay VH1 của Sư đoàn 2 không quân VNCH trúng đạn. Có 3 chiếc cố bay được ra ngoài thị xã, nhưng chỉ 2 chiếc thoát còn 1 chiếc bị rơi giữa đường.
Cơn bão lửa của pháo cao xạ trên không đó, làm cho những tên giặc lái nhà nghề QLVNCH phải bạt vía, kinh hồn. Chúng vội vàng đến ném bom lung tung rồi bay đi mất hút. Một A37 trong khi ném bom ngăn chặn 10 chiếc xe tăng của QGP, đã hốt hoảng ném hai quả bom trúng hầm chỉ huy và truyền tin Sư 23 QLVNCH, làm mất liên lạc với Bộ tư lệnh Quân đoàn II.
Tuy nhiên, QGP cũng bị nhiều tốp máy bay VNCH ném bom, oanh tạc vào đội hình, gây nhiều thương vong và tử trận - Song họ vẫn đẩy lùi, đè bẹp các lực lượng phản kích của Sư 23. Họ tiếp tục đánh chiếm các khu cư xá sĩ quan, khu tiếp vận, sở ngân khố, sở chỉ huy, nhà lao, khu tham mưu truyền tin…
Người ta đã diến tả: tiếng rít của những hỏa tiễn và các loại đạn pháo, nhất là đạn pháo 130ly khủng khiếp như xé cả không gian. Những tiếng nổ cứ liên tục kéo dài, có thể làm vỡ tung tất cả các cửa kính, rung chuyển thành phố như một cuộc động đất. Thị xã Buôn Ma Thuột như một con tàu cứ chìm đắm dần và chao nghiêng trong bão tố.
Nói về tiểu đoàn hỏa lực D16 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hoàng chỉ huy – cả pháo cao xạ đánh trên không cùng các đại đội cối 82mm, hỏa tiễn DKB và rốc két B41, đã đánh một trận thật tơi bời khói lửa. Cuộc chiến kéo anh lao vào đến mức, anh gần như không biết sự tồn tại của mình. Tưởng chừng như máu tim anh, tình yêu và sự căm thù giờ phút đó đều trút thành làn đạn dội xuống đầu quân địch – Bầu trời Buôn Ma Thuột sẽ mãi mãi ghi vào lịch sử, của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam trong mùa xuân năm 1975 này.
Cuộc chiến càng kéo dài thì tổn hại của đôi bên càng cao. Xác giặc và ta phơi đầy đường phố. Ít nhất cũng phải tới 10 chiến xa của QGP bị bắn hạ.
Vào khoảng 16 giờ ngày 10.3.1975, QGP đã làm chủ phần lớn thị xã Buôn Ma Thuột – ngoại trừ khu vực Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 QLVNCH và lẻ tẻ ít khu vực khác địch còn cố sống chết cầm cự, cũng chỉ là đang thoi thóp trấn giữ.
Trong thành phố tiếng nổ đã thưa dần, nhưng cảnh hoang tàn thì không sách nào tả hết. Những khu phố bị cháy không ai dập tắt. Những đống lửa lẫn tro tàn và bụi khói bao phủ khung trời thành phố như một màn sương đục. Mặt đường lổ loang những dấu đạn pháo cầy cùng với hố bom. Những vũng máu và thây người. Kẻ bị thương và kẻ chết hỗn độn của một thế giới nửa sống, nửa chết.
Cho đến chập choạng 6 giờ tối ngày 10.3.1975, trận chiến tạm kết thúc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Gợi cho người ta cái cảm giác của một bãi chiến trường tàn cuộc, lạnh lẽo rợn người.
Đêm 10/3, các đơn vị QLVNCH còn lại trong thị xã co cụm vào một số cứ điểm còn cố giữ lại được: như Chỉ huy sở Sư 23, khu nhà ga của phi trường Phụng Dực, Đài phát thanh. Đại tá Vũ Thế Quang liên tục điện về Bộ chỉ huy QLVNCH xin viện binh đến ứng cứu.
Sáng 11/3, Sư đoàn 320 QGP tiếp tục tiến công những cụm chốt còn lại tận sâu trong thị xã, trong làn mưa bom điên cuồng của những tốp máy bay A37. Thiếu tướng Phú – Tổng tư lệnh Mặt trận cao nguyên của VNCH điện đến lệnh cho Đại tá Nguyễn Trọng Luật và Vũ Thế Quang , bằng mọi giá phải chiếm lại được Chỉ huy sở của tiểu khu Đắc Lắc ở Buôn Ma Thuột.
Phía đông và nam, các tiểu đoàn địa phương quân VNCH cố trấn giữ và bảo vệ kho đạn của Sư đoàn 23 – Trong khi đó, tại một khu vườn cà phê phía tây Buôn Ma Thuột, một tiểu đoàn của Trung đoàn 53 – Sư 23 cùng với 1 thiết đoàn kỵ binh QLVNCH và 2 tiểu đoàn biệt động quân, lập chiến tuyến cố bảo vệ Bộ tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột của Đại tá Quang. Các loại pháo QGP vẫn tiếp tục dội xuống đó. Cả hành dinh của Bộ tư lệnh VNCH rung lên, khói đạn và đất đá mù trời. Chiếc xe jeep của Đại tá Nguyễn Trọng Luật bị trúng một trái đạn pháo nổ tan tành. Cũng may Đại tá Luật không có trong xe. Đại tá Quang vốn là một chiến binh thuộc lính nhẩy dù, ông ta cũng đã từng tham chiến hàng trăm trận – lúc này vẫn cố bám riết chỉ huy quân Cộng hòa, chống đỡ với cộng quân đang rầm rập tiến vào.
Sư đoàn 320 đã từng được mệnh danh là “Sư đoàn Điện Biên” cùng với các chiến xa QGP, trước sự chống trả liều chết của quân VNCH, vẫn chưa thể làm chủ hoàn toàn tình thế. Số lượng thương vong và tử trận của cả hai bên đều không đếm nổi. Sư đoàn 316, chủ lực hàng đầu của Bắc Việt vẫn chưa thể tiến qua nổi sự chống trả chí mạng của Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn 53 bộ binh Cộng hòa.
Cuộc ác chiến Buôn Ma Thuột tiếp diễn với cường độ nóng đỏ và khốc liệt. Những người lính trẻ của Cộng quân vẫn ào ạt xông lên, dù hàng trăm cán binh Bắc Việt đã phải ngã xuống… nằm phơi xác trên chiến trường. Theo một nguồn tin, lúc này đã có thêm 13 chiến xa T-54 nữa bị bắn cháy ở đây.
Có người lính VNCH sống sót trong trận chiến Buôn Ma Thuột về kể rằng: Sư đoàn 316 chủ lực của QGP đã dùng đến cả súng phun lửa, một loại súng sát thương rùng rợn… dội ầm ầm lên các tuyến phòng thủ của QLVNCH.
Đại tá Luật ngồi trong chiếc xe thiết giáp M113 với một xạ thủ VNCH điều khiển cây đại bác không giật 106ly, chỉ huy đội quân VNCH xả súng đương đầu với các binh đoàn chủ lực QGP và cả một đoàn chiến xa tiến đến. Những chiến xa này đã sử dụng loại đại bác 100ly. Họ nã súng và bắn sập tư dinh của tên tỉnh trưởng ở Buôn Ma Thuột. Thanh toán xong dinh tỉnh trưởng, các chiến xa T-54 lại yểm trợ cho các trung đoàn bộ binh đánh tới tấp.
Khoảng 10 giờ sáng 11/3, những trung đoàn bộ binh QGP và đoàn chiến xa T-54 đã gầm rú tiến đến Bộ tư lệnh hành quân QLVNCH. Đại tá Luật cùng với người xạ thủ khẩu pháo 106ly (lúc này khẩu pháo đã bị cộng quân bắn hỏng), phải bỏ chiếc xe M113 chạy vào trong một khu cây rậm ẩn trú.
Đoàn xe tăng QGP, những khối sắt phụt khói đen nghịt với tiếng bánh xích kêu nhức óc, trong tiếng hô xông lên của các binh đoàn Bắc Việt làm rung chuyển cả trời đất. Khi họ tiến vào cách cổng Bộ tư lệnh 250 mét, rồi 200 mét… làm ông đại tá Luật căng thẳng, thót tim nhìn đoàn quân cộng sản lướt qua.
Đại tá Quang vẫn đang chỉ huy QLVNCH trong Bộ tư lệnh hành quân, còn hy vọng một chút cuối là các phi cơ phản lực A37, AD6, F5… được Tướng Phú lệnh cho bay đến giải tỏa chiến trường. Ít nhất cũng làm chậm tốc độ tấn công của QGP. Những chiếc máy bay trinh sát L19 bay lượn vòng trên bầu trời Buôn Ma Thuột, chỉ điểm cho phản lực ném bom.
Đại úy Nguyễn Hoàng Tiểu đoàn trưởng D16, lệnh cho đại đội pháo cao xạ bắn quyết liệt vào bọn giặc nhà trời. Những khẩu pháo 37ly giật nòng rung lên, khạc những chùm đạn lửa vây lấy các máy bay cường kích VNCH, làm chúng hoảng hốt ném bom vung vãi.
Trộn lẫn trong tiếng xung phong của QGP là những tiếng kêu la, tiếng chửi rủa của quân địch… bị chính bom, đạn pháo của chúng đánh lạc vào đội hình. Ít nhất phải có gần chục chiếc phi cơ các loại bốc cháy. Một số rơi tại chỗ, một số cố bay đi rồi cũng bị rơi dọc đường.
Một chiếc A37 xà xuống bỏ bom, nhưng hốt hoảng ném ngay lên nắp hầm của Đại tá Quang - Bộ tư lệnh Mặt trận VNCH. Một tiếng nổ ầm thật khủng khiếp. Mặt đất bị chấn động rung rinh, đất đá tung lên cao hàng trăm mét… như ngày tận thế của kẻ địch – Số phận của Bộ tư lệnh QLVNCH đã được định đoạt. Trung tâm hành quân bị phá hủy gần như hoàn toàn. Những máy móc truyền tin, liên lạc đều tiêu tan theo mây khói. Đại tá Quang may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Nguyễn Hoàng trong giây phút nhìn chiến sự và máy bay thù bốc cháy, anh mỉm cười sung sướng. Tự nhiên trong cảm nhận, anh cùng đồng đội đã có sự trả thù đích đáng… cho cả Hà Nội và người bạn gái của anh. Anh thấy một chút mãn nguyện trong lòng. Những ý nghĩ về quê hương, về Thu chợt thoáng qua, rồi cuộc chiến máu lửa lại cuốn anh vào. Các khẩu cao xạ D16 và trung đoàn pháo vẫn tiếp tục nhả những quầng lửa lên bầu trời Buôn Ma Thuột, vây lấy máy bay thù.
Lại nói về số sĩ quan trong Bộ tư lệnh QLVNCH trúng bom, bị thương và tử vong gần hết. Đại tá Quang và mấy kẻ còn đứng dậy được, buộc phải chạy tháo thân ra ngoài. Chúng gặp Đại tá Luật – Hai ông đại tá cố dìu nhau cùng một số binh sĩ sống sót, chạy di tản về hướng suối Bà Hoàng ở phía tây thành phố.
Mất sở chỉ huy lại bị vây đánh từ nhiều phía, số đơn vị còn lại của QLVNCH cố gắng chống cự để chờ viện binh đến? nhưng tới 11 giờ ngày 11/3, Sư đoàn 316 QGP đã làm chủ thị xã – chỉ còn một liên đoàn biệt động quân thiếu với ít tàn binh của trung đoàn 53… vẫn cố giữ chốt phòng ngự cuối cùng tại sân bay Hòa Bình. Chúng hy vọng tướng Phú sẽ điều không quân đến, đổ quân chi viện và cứu vớt.
Lúc này, hai ông đại tá Quang và Luật nhập vào một đoàn quân sĩ thất trận đang tìm đường chạy tháo thân. Vọng theo họ là tiếng loa của QGP kêu gọi đầu hàng. Rồi hai vị đại tá mỗi người chạy một ngả – Đại tá Quang thì lần mò xuôi theo hướng đông nam xuống Nha Trang, nhưng cũng không thể đi thoát, bị QGP bắt trên đường quốc lộ 21. Còn Đại tá Luật chọn đi về hướng tây, cùng với khoảng 20 binh sĩ và ông phó tỉnh trưởng theo cùng. Khi đang ẩn trú trong một vườn cà phê để chạy tiếp, cũng bị QGP bắt tại đó.
Như thế là cả hai ông đại tá chỉ huy cao nhất QLVNCH ở Buôn Ma Thuột, đều đã bị bắt làm tù binh – vào lúc 2 giờ sáng ngày 12.3.1975.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu - đồng thời cũng là Tổng tư lệnh QLVNCH, lệnh cho tướng Phú phải có ngay kế hoạch viện binh giải tỏa Buôn Ma Thuột? Tướng Phú một mặt điều động hai trung đoàn 44 và 45 còn lại của Sư 23 để ném xuống thị xã, một mặt huy động tối đa sư đoàn không quân 6 thuộc Quân đoàn II tại Đà Nẵng và Cần Thơ, vừa yểm trợ cho cuộc hành quân giải cứu vừa chi viện cho lực lượng còn lại trong Buôn Ma Thuột, để phản kích lại.
Lúc 13 giờ 10 phút ngày 12/3, hơn 100 máy bay trực thăng đủ loại, kể cả loại hạng nặng CH-47 Chinook được huy động dùng cho việc đổ quân, cùng với 81 máy bay cường kích A1, A37, F5 ném bom và bắn phá yểm trợ. Đích thân Thiếu tướng Phạm Văn Phú trên chiếc phi cơ hạng nhẹ U-17 bay trên bầu trời Buôn Ma Thuột, chỉ huy cuộc phản kích tái chiếm lại thị xã.
Chiều tối ngày 12/3, sau đợt một đổ quân của QLVNCH trót lọt – Sáng ngày 13/3, 145 chiếc trực thăng tiếp tục chở quân của trung đoàn 44 và một tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 45, ném xuống mấy điểm cao bao quanh thị xã, hợp với số quân bên trong phản công lại QGP.
7 giờ 7 phút sáng ngày 14/3, khi hai trung đoàn 44 – 45 QLVNCH còn chưa kịp triển khai đội hình tác chiến, đã bị các trung đoàn của ba sư 320 , 316 và Sư 10 QGP cùng với hai tiểu đoàn xe tăng từ nhiều phía ồ ạt tiến công.
Đến 12 giờ trưa ngày 14/3, tiểu đoàn 1 và 2 Trung đoàn 45 và 1 tiểu đoàn lính bảo an VNCH bị đánh tan. Tiểu đoàn còn lại vừa đánh vừa lui. Tới 8 giờ 15 phút sáng 16/3, cũng bị diệt nốt. Toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn bị bắt làm tù binh.
Ngày 17.3.1975, Bộ tư lệnh Mặt trận B3 điều động trung đoàn đặc công 198 cùng mấy trung đoàn Sư 316 - 320 mở đợt tổng công kích vào số còn lại của Trung đoàn 53 QLVNCH và liên đoàn biệt động quân đang cố thủ tại sân bay Hòa Bình.
Đến 11 giờ 30 phút ngày 17/3, sân bay Hòa Bình bị QGP chiếm và toàn bộ trung đoàn 53 bị xóa sổ. Khi đó Trung đoàn 44 QLVNCH đến ứng cứu, cũng liên tục bị các trung đoàn chủ lực QGP đánh và tiêu diệt trong cùng ngày đó.
Trận phản kích định tái chiếm lại Buôn Ma Thuột của VNCH đã hoàn toàn thất bại. Tuy trận chiến tại Buôn Ma Thuột phải đến ngày 17.3.1975 mới kết thúc, nhưng ngay từ lúc 13 giờ chiều ngày 15/3, thì cuộc di tản của Quân đoàn II đóng giữ tại Tây Nguyên… đã bắt đầu rút chạy trong sự cập rập, vội vã.
Sau khi VNCH bị thất thủ tại Buôn Ma Thuột – Vào lúc 11 giờ ngày 14.3.1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập cuộc họp với bốn tướng tổng tư lệnh ở bốn vùng chiến thuật trên chiến trường miền Nam Việt Nam, trong đó có tướng Phạm Văn Phú – Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ cao nguyên, vì ông cho rằng: Trong tình trạng thiếu quân viện, QLVNCH không đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ, nên phải bỏ vùng cao nguyên rừng núi, tập trung lực lượng bảo vệ vùng biển duyên hải và đồng bằng – có thế mới giữ được thành phố Sài Gòn? Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho Tướng Phú phải thực hiện lệnh di tản với toàn bộ quân lực còn lại, ra khỏi vùng cao nguyên.
Mặc dù Tướng Phú có thỉnh cầu xin thêm máy bay cho Sư đoàn 6 không quân của Quân đoàn II, và bổ xung quân số bị tổn thất ở Buôn Ma Thuột, tăng thêm viện từ một đến hai lữ đoàn để phòng giữ Kon Tum, Pleiku – sau đó sẽ phản kích để chiếm lại các vùng đã mất?
Tổng thống Thiệu bác bỏ đề nghị của ông ta, với lý do “không còn quân tăng viện và cộng sản có thể còn đánh mạnh hơn năm 1972”. Tổng thống Thiệu chỉ thị cho tướng Phú phải chấp hành lệnh di tản ngay. Khi tướng Phú trở về Pleiku thì các sĩ quan trong ban chỉ huy đã thực hiện cuộc di tản, rút chạy khỏi cao nguyên trước đó một ngày.
Cuộc di tản vì thiếu tổ chức, không có kế hoạch chu đáo của một đội quân đã đại bại, nên nó diễn ra một cách hỗn loạn trên đường số 7 – vì Tổng thống Thiệu và các tướng lĩnh cho rằng: con đường số 7 tuy xấu nhưng sẽ gây được bất ngờ cho đối phương.
Nói về con đường số 7 – còn gọi là “Liên tỉnh lộ 7B”: Từ Pleiku theo quốc lộ 14 về hướng Buôn Ma Thuột khoảng 40km, sẽ gặp đầu mối đường Liên tỉnh lộ 7B. Từ đây con đường lộ 7B dài hơn 200km, xuyên qua rừng núi hiểm trở , đi qua thị xã Phú Bổn (đèo Cheo Reo)… rồi đến thành phố Tuy Hòa thuộc Phú Yên, là một tỉnh ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Con đường đất này uốn lượn theo các đồi cao, có chỗ thì men sông và qua suối cạn. Nhiều đoạn đường đã bị sụt lở vì mưa sói mòn, hay cây cối đổ chắn ngang. Ba chiếc cầu chính trên con lộ này là Phú Thiện (50m), Lê Bạc (600m) và Cà Lúi (40m)… lâu ngày không sửa chữa, tu bổ bị hư hao, gẫy đổ - vậy mà giờ đây nó phải chịu đựng cả quân binh lực của Quân đoàn II với hơn trăm ngàn quân lính và sĩ quan, gần 4.000 chiếc xe đủ loại, hàng ngàn quân xa – chiến xa hạng nặng. Kể cả những chiến xa M-48 nặng gần 50 tấn đi qua. Chạy theo họ, còn hơn 260.000 dân hoảng hốt với tất cả mọi phương tiện có được, tạo nên một cuộc triệt thoái hỗn loạn. Một cuộc di tản khổng lồ, như nước chảy đổ về phương nam.
Một số sĩ quan, binh lính đóng ở vùng cao nguyên đã bỏ đội ngũ, công chức thì bỏ cả nhiệm sở về lo chạy cho gia đình. Ngay cả CIA cũng di tản người Mỹ ra khỏi Pleiku, vì theo họ đánh giá: Thị xã này cũng giống như một thùng thuốc súng.
Nhiều nhà quân sự bình luận rằng: Chính cuộc rút chạy của QLVNCH ra khỏi vùng cao nguyên đó, là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa lớn nhất trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, của Chính phủ VNCH.
Về phía QGP – 20 giờ tối ngày 16.3.1975, Bộ tư lệnh Mặt trận B3 đã ra lệnh cho Sư đoàn 320 lập tức truy kích địch trên Đường 7. E64 của sư đoàn là đơn vị đầu tiên được điều động, đã cắt rừng suốt đêm hành quân trên 110 chiếc xe ô các loại đuổi theo, lập chốt chặn đánh địch bỏ chạy. Phối hợp với Sư 320 là một tiểu đoàn xe tăng của Trung đoàn 273, một trung đoàn pháo binh, tiểu đoàn hỏa lực D16, một trung đoàn pháo cao xạ phòng không khác và hai tiểu đoàn quân địa phương ở Phú Yên.
Ngày đầu cuộc di tản diến ra có vẻ thuận lợi – Sang ngày 16/3, khi một đơn vị thiết giáp đi đầu trong đoàn xe quân sự VNCH dài đến hơn 2.000 chiếc, kèm theo gần 2.000 phương tiện giao thông của dân chúng bị kẹt cứng lại, tại bến phà Sông Ba?... làm mồi cho cả làn mưa pháo của QGP dội xuống.
Sông Ba là một trong những con sông lớn nhất ở miền Trung, con sông duy nhất ở nam Trung Bộ vượt qua được dãy Trường Sơn, thông lên đến tận Tây Nguyên. Với câu ca dao:
Sông Ba chảy xuống Đà Rằng
Ai thương Đắc Lắc cho bằng Phú Yên
Phần thượng lưu của sông Đà Rằng gọi là Sông Ba – như thế là, phần hạ lưu của Sông Ba từ Đồng Cam đổ ra biển ở phía nam thành phố Tuy Hòa, thì có tên gọi sông Đà Rằng. Vậy, sông Đà Rằng thuộc một phần của Sông Ba.
Sông Ba phát nguồn từ dãy núi Ngọc Rô cao 1.500m trên cao nguyên Kon Tum, chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai rồi vào địa phận Phú Yên. Ở phần thượng lưu thì nhiều ghềnh thác, nhưng đến hạ lưu khi vào địa phận Phú Yên: lòng sông lớn, nhiều phù sa tạo ra những làng mạc trù phú.
Lại nói vể cuộc di tản hỗn độn của QLVNCH – Các sĩ quan và binh lính đem theo cả gia đình, họ hàng cùng với nhân viên dân sự chen chúc nhau trên con đường ngập cỏ, bụi cây, đất đá lổm chổm… đã rơi vào tình thế cực kỳ náo loạn. Không phải chỉ có riêng đạn pháo của QGP bắn, mà họ còn bị chính máy bay VNCH bắn nhầm, tạo nên một cảnh tượng hãi hùng trong cuộc hành trình đầy nước mắt. Thậm chí khi các cây cầu bị phá hủy, đoàn xe dồn ứ lại, các xe quân sự vẫn lao đại qua sông rồi chìm nghỉm.
Chỉ có được 1/5 – 1/6 trong số 260.000 dân, 3 tiểu đoàn trong số 8 tiểu đoàn QLVNCH chạy thoát về vùng duyên hải. Số binh lính và dân thường tử nạn nhiều không đếm nổi.
*
Sau khi đã chiếm trọn vùng cao nguyên, gồm có Buôn Ma Thuột, Kon Tum và Pleiku – QGP muốn tiến về vùng biển duyên hải để chiếm Khánh Hòa, Phú Yên và Qui Nhơn… thì bằng mọi giá họ phải chiếm được Khánh Dương. Khánh Dương là một thị trấn nhỏ thuộc Khánh Hòa, một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ: phía bắc giáp Phú Yên – tây bắc giáp Đắc Lắc – tây nam giáp Lâm Đồng – nam giáp Ninh Thuận – và phía đông giáp Biển Đông.
Khánh Dương trong khung cảnh đồi núi ở độ cao khoảng 1.000m, bao quanh bởi những khu rừng già hùng vĩ, cạnh Quốc lộ 21 – nối liền vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột với vùng duyên hải.
Quanh Khánh Dương là những bản Thượng của dân tộc thiểu số sinh sống hiền hòa, cùng một số gia đình binh sĩ VNCH theo bước chân di hành về đây. Cách Khánh Dương đi về hướng đông không bao xa theo Quốc lộ 1, chính là Đèo Cả ở tỉnh Phú Yên.
Ngày 20.3.1975, Sư 320 QGP trên đường truy kích địch ở Quốc lộ 7, cùng với 3 trung đoàn pháo binh và pháo cao xạ phòng không, Tiểu đoàn hỏa lực D16, 1 trung đoàn xe tăng T-54, 1 trung đoàn đặc công… tràn xuống đánh vào căn cứ Khánh Dương của QLVNCH. Chiến địa Khánh Dương khi ấy, đã có Sư 10 được Bộ tư lệnh Mặt trận B3 điều đến bài binh bố trận từ trước.
Lại nói về phía quân VNCH – Để án ngữ QGP tràn xuống các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa… nên đã phòng thủ ở Khánh Dương là: Trung đoàn 40 thuộc Sư 22; Lữ đoàn 3 gồm 5 tiểu đoàn cả quân bộ binh, nhảy dù và pháo binh; 1 đại đội trinh sát; 2 tiểu đoàn địa phương quân thuộc chi khu Khánh Hòa và 1 chi đoàn thiết giáp M113.
Lúc 12 giờ 15 phút ngày 21/3, QGP nã gần 100 viên đạn pháo vào phi trường Khánh Dương. Khoảng 35 chiếc trực thăng và máy bay trinh sát L19 đang đỗ trên phi trường, vội bay lên để tránh đạn. Hai đại đội địa phương QGP từ khu rừng trong chân núi tràn lên để tiến vào phi trường. Lúc này trực thăng của địch nhả đạn bắn xuống khu rừng dọc chân núi như mưa, chỉ vô tình mà họ bị thương vong rất nhiều, nằm chết la liệt trong rừng.
17 giờ 45 phút, 1 trung đoàn Sư 10 QGP tấn công Trung đoàn 40 bộ binh của Sư 22 VNCH ở phía tây Khánh Dương. Quân của Trung đoàn 40 bị thiệt hại khá nặng, thương vong và tử sĩ chưa rõ thật chính xác – nhưng về Cộng quân, theo số liệu từ VNCH: Họ đã diệt khoảng gần 100 chiến sĩ, bắn cháy 2 xe tăng và 2 cộng quân bị bắt làm tù binh.
Sang ngày 22/3, QGP dốc toàn lực tấn công vào phòng tuyến Khánh Dương. Sư 10 và Sư 320 từ trên Đường 7 tràn xuống, đánh vào Lữ đoàn 3 nhảy dù và các trung đoàn pháo binh, xe tăng…
7 giờ 30 phút, QGP nã một trận pháo nữa kinh hồn với hàng nghìn quả đạn pháo các loại vào Trung đoàn 40 của Sư 22 địch và 2 tiểu đoàn địa phương quân phòng thủ ở phía tây Khánh Dương. Sau đó Sư 10 với xe tăng yểm trợ đã mở cuộc tấn công quyết liệt, chia cắt binh lực QLVNCH ra từng mảnh nhỏ mà đánh. Qua một giờ giao tranh, 3 tiểu đoàn địa phương quân VNCH bị thương vong và tử trận quá nửa. Số tàn quân chạy về mạn Khánh Hòa. Trung đoàn 40 của Sư 22 bị tổn thất nặng, phải lùi về tận đỉnh đèo.
Bộ tư lệnh Sư 22 QLVNCH sợ Sư 10 QGP sẽ vòng đường đèo theo Quốc lộ 420 đánh vào Nha Trang, nên đã điều động Trung đoàn 40 với hơn hai ngàn chiến binh còn lại, cấp tốc hành quân theo đường Khánh Hòa để chặn cộng quân. Như thế ở mặt trận Khánh Dương, Lữ đoàn 3 nhảy dù phải cầm cự quyết liệt.
9 giờ sáng, pháo đại bác 122ly QGP nã vào quận Khánh Dương, sau đó với 12 chiếc xe tăng cùng Tiểu đoàn hỏa lực D16 và tiểu đoàn pháo cao xạ yểm trợ cho sư đoàn chủ lực bộ binh, tấn công vào trung tâm căn cứ Khánh Dương.
9 giờ 30 phút, mặt trận Khánh Dương tan tác. Các binh lực VNCH bỏ chạy. Lữ đoàn 3 nhảy dù cùng các tiểu đoàn biệt động, địa phương quân co cụm lại chống trả. Trên địa phận đèo Khánh Dương, cộng quân tràn ngập.
Ngày 23/3, Sư đoàn 320 QGP đánh mạnh vào tuyến phòng ngự của Lữ đoàn 3 nhảy dù. Ban chỉ huy Lữ đoàn 3 khẩn cấp kêu gọi Bộ tư lệnh QLVNCH cho phi pháo oanh kích vào đoàn chiến xa của QGP, lúc này khoảng 20 chiếc đang tràn đến, nã đạn vào đội hình của chúng.
Khi đó đoàn quân di tản của Quân đoàn II ở con đường 7 kéo theo mấy chục ngàn dân chúng trên cao nguyên, đang bị ùn tắc bên bờ phía bắc con Sông Ba gần thành phố Tuy Hòa, thuộc tỉnh Phú Yên – cách Sài Gòn khoảng 560km về phía nam. Bị pháo QGP bắn, số thương vong và bị chết cả quân lính lẫn dân thường không kể xiết.
16 giờ 30 phút, nhiều chiến xa của cộng quân và cả đoàn xe kéo đại pháo đánh vào quận lỵ Khánh Dương về phía tây bắc, rồi phía đông nam, phía bắc. Không quân của không lực VNCH yểm trợ cho Lữ đoàn 3 nhảy dù, ném bom và bắn xối xả vào đội hình của các trung đoàn, sư đoàn QGP. Pháo cao xạ của Tiểu đoàn 16 và trung đoàn pháo phòng không của Mặt trận Tây Nguyên đã bắn cháy gần một chục chiếc trực thăng, 3 chiếc A-37, 1 F5 và 2 máy bay trinh sát L19 của VNCH.
Khánh Dương cũng trở thành một mặt trận đẫm máu, người và vũ khí của QGP tổn hại ở đây cũng nhiều… mặc dù phía QLVNCH đang trên đà đại bại.
Ngày 28/3, một đoàn xe tiếp tế thực phẩm và đạn dược cho Lữ đoàn 3 nhảy dù, đã bị một đơn vị phục kích của cộng quân đánh tan trên Quốc lộ 21, dưới chân đèo Phượng Hoàng sát Khánh Dương.
Ngày 30.3/1975, mặt trận Khánh Dương bùng nổ lần thứ hai. Pháo binh QGP đủ loại dập lên chiến tuyến phòng thủ của địch. Các sư đoàn chủ lực cộng quân, kể cả Sư 316 – sau khi làm chủ sân bay Hòa Bình ở Buôn Ma Thuột, đã tách ra một cánh quân tràn xuống đánh địch rút chạy trên Quốc lộ 7, giờ cũng dồn về tấn công ở mặt trận Khánh Dương này.
Cộng quân tập trung toàn binh lực với số quân gấp 10 lần quân VNCH, đánh ồ ạt vào Lữ đoàn 3 nhảy dù với quyết tâm chiếm cứ điểm Khánh Dương để mở con đường xuống Khánh Hòa. Lực lượng kỵ binh với 15 chiếc thiết vận xa M113 của địch cũng đã bị mất hơn nửa. Khi đó cả thiết đoàn 21 chiến xa M-48 của Quân đoàn II, trên tỉnh lộ 7B cũng đã bị đánh tan tác.
Những xe tăng T-54 to lớn của QGP ào ạt nhả đạn xông tới áp đảo đội quân VNCH. Lữ đoàn 3 nhảy dù từng có một thời lừng lẫy trên mặt trận Quảng Trị năm 1972, đã từng dựng lại ngọn cờ ba sọc của VNCH trên dãy tường thành đổ nát khi đó – bây giờ cũng đang hứng chịu làn pháo 130ly loại lớn của QGP làm tan tác đội hình. Xe tăng và các đoàn quân của những sư đoàn chủ lực QGP ào lên đông như kiến. Xác những chiến binh VNCH ngã gục khắp mặt đèo nham nhở bị cầy phá của đạn pháo.
Ban chỉ huy Lữ đoàn 3 nhảy dù kêu gào Tướng Phú – Tổng tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên của QLVNCH xin thêm viện gấp, nếu không thì Lữ đoàn 3 sẽ bị tiêu diệt? Tướng Phú trả lời hiện không còn viện binh, yêu cầu Lữ đoàn 3 cố cầm cự để xin lên Bộ tư lệnh ở Sài Gòn. Tướng Phú gọi điện về Bộ tham mưu QLVNCH ở Sài Gòn, xin viện binh gấp… nhưng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời không có viện binh, yêu cầu tự thủ đến cùng.
Tướng Phú vội cho hai phi tuần khu trục đến yểm trợ cho mặt trận Khánh Dương, để giải tỏa bớt áp lực lên cánh quân nhảy dù. Đây chính là những trái bom cuối cùng của QLVNCH ném xuống chiến trường cao nguyên.
Trên 20 chiếc A-37, hơn một chục trực thăng vũ trang, 3 phi đội F5 cùng với máy bay trinh sát bay đến mặt trận Khánh Dương, yểm trợ cho Lữ đoàn 3 và số quân còn lại đang cố cầm cự.
Đại đội pháo cao xạ của Tiểu đoàn 16 dàn trận địa phía tây bắc, cùng với các tiểu đoàn cao xạ khác của QGP, từ các phía nhả đạn bắn như mưa lên bầu trời. Máy bay địch bốc cháy ngùn ngụt, kéo theo những làn khói đen phủ khắp các khu rừng.
Chiều tối 30/3, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hoàng được Bộ tư lệnh B3 gửi điện xuống khen ngợi chiến công của các chiến sĩ pháo thủ trong tiểu đoàn đã hợp đồng chặt chẽ với các tiểu đoàn cao xạ khác đánh một trận ròn rã, xuất sắc, bắn tan xác nhiều máy bay của không lực VNCH.
Một chiếc A37 vì hốt hoảng dưới làn mưa đạn pháo QGP , đã dội cả bom laser lầm vào đội hình của Lữ đoàn 3 nhảy dù làm nhiều chiến binh VNCH tử thương.
Trận đánh diến ra ác liệt trên con đèo cao hơn 1.000 mét ấy, không thể cản được cả đoàn xe tăng và bộ binh dầy đặc của QGP tràn lên cao điểm. Quân số của Lữ đoàn 3 nhảy dù của địch giảm xuống chỉ còn khoảng 20%. Các lực lượng biệt động và địa phương quân thì hầu như đã bị tiêu diệt. Lữ đoàn 3 nhảy dù hoàn toàn mất sức chiến đấu. Bộ phận thông tin chỉ còn nghe thấy hiệu lệnh cuối cùng của tướng Phú gọi đến, lệnh cho tàn quân của Lữ đoàn chạy di tản về hướng nam. Tàn quân ấy khi chạy về được đến Nha Trang thì cũng chỉ còn ¼ - 1/5 quân số. Họ cứ rút dần đến đâu thì cộng quân tràn theo tới đó.
Tuy nhiên, QGP cũng bị tổn thất nhiều: gần chục chiếc tăng T-54 bị máy bay và đạn pháo QLVNCH bắn cháy, với hàng trăm chiến sĩ của các sư đoàn chủ lực bị thương và tử trận. Mặc dù vậy họ vẫn xông lên đánh quân thù tan tác, giành trọn vẹn chiến thắng ở mặt trận Khánh Dương này.
Sau chiến thắng, Bộ tư lệnh B3 chỉ để một bộ phận nhỏ của sư đoàn chủ lực bộ binh cùng với Tiểu đoàn hỏa lực D16 ở lại giữ và cai quản đèo Khánh Dương – còn tất cả vẫn tràn theo đuổi giặc, xuống các tỉnh đồng bằng hướng về phía Sài Gòn.
*
Nhìn lên bầu trời Khánh Dương, Tiểu đoàn trưỡng Nguyễn Hoàng trong tâm trạng thật khó tả. Khi chiến cuộc tạm thời yên tĩnh, thì trong anh lại trào lên một nỗi buồn. Lá thư anh đã nhận được của Lan kèm với thư của Thu từ Hà Nội gửi vào đầu chiến dịch, vẫn đang nằm trong túi áo ngực anh. Cứ mỗi lần thay quần áo, lá thư lại được truyền từ chiếc áo này sang chiếc áo khác. Dường như nơi trái tim anh ngày đêm vẫn ấp ủ nó.
Hôm vừa nhận, khi vừa bóc thư Lan thì anh mới thấy thư của Thu – Lúc đó lòng anh như một cậu bé con, nhảy cẫng lên vì vui sướng? Anh đã chờ đợi mãi, giờ thì lá thư của người bạn gái thân yêu đã ở trước mặt anh đây! Lúc đó - anh tự nhủ với mình, nén lòng để đọc thư của Lan trước. Anh muốn kìm lại niềm hạnh phúc… đọc thư của Thu sau. Ai ngờ…
Lan báo tin về cái chết của Thu đang làm nhiệm vụ cứu nạn ở phố Khâm Thiên, trong trận giặc Mỹ rải thảm bom B52 đánh vào Hà Nội – Lòng anh rụng rời. Đôi bàn tay anh cầm lá thư đọc cứ run lên, chỉ chực tuột rơi xuống đất. Nước mắt đã khô đi trong cuộc chiến đầy máu này, bỗng phút giây lại muốn trào ra…
Khi ấy, trước sự ngạc nhiên tò mò nhìn người thủ trưởng của cậu liên lạc? Hoàng đã làm vẻ thản nhiên gập cả hai lá thư lại cho vào túi áo, rồi vội chạy đi chỗ khác. Anh không muốn cho ai biết nỗi đau thương quá lớn đã đến với mình? Trái tim anh chỉ muốn vỡ tan. Sau khi phổ biến nhiệm vụ và ra chỉ thị cho các ban chỉ huy đại đội, để họ trở về đơn vị làm công tác chuẩn bị bước vào chiến dịch – Anh lặng lẽ tim một nơi khuất, trấn tĩnh lại rồi bóc thư của Thu ra đọc. Bức thư dài đến năm trang giấy pơ luya mỏng màu hồng…
Hoàng nhìn lên dòng chữ đầu tiên:
“Đêm nô-en 1972, Hoàng thân yêu của em!...” – Thì ra, đó là lá thư Thu đã viết cho anh vào đêm nô-en, sau khi đi chơi với Lan về… chưa kịp gửi thì cô bị chết sau đêm đó. Anh không thể đọc nổi nữa, tưởng như trên đời này không thể còn nỗi đau nào lớn hơn? Rồi anh lao vào trận đánh - Thế mà, cũng đã ngót một tháng trời. Bao lần đã muốn tranh thủ mở thư ra xem, nhưng rồi anh lại không dám đọc…
Nay mặt trận Khánh Dương đã yên lắng, lòng người tiểu đoàn trưởng cũng trấn tĩnh trở lại. Đêm trên đỉnh đèo trời đầy sao. Bàn tay anh run run, lấy phong thư của Thu từ trong túi áo ra. Chiếc áo quân nhân nhàu nhĩ bám đầy khói súng đạn. Anh đọc thư dưới ánh sáng của chiếc đèn pin chiến lợi phẩm. Những dòng chữ tràn đầy tình yêu thương mà người bạn gái đã thức trắng đêm nô-en, để viết cho anh. Người chiến binh đã dầy dạn bom đạn ác liệt và sự hy sinh, cố nén lòng mình đọc hết trang thư.
Gió đêm vẫn thản nhiên thổi phần phật trên đỉnh đồi chinh chiến. Đọc xong, anh gấp cùng với lá thư Lan, để vào một cái túi ni lông nhỏ cho khỏi ướt, rồi lại cẩn thận cho vào trong túi áo ngực. Phong thư của người con gái yêu thương cứ nằm trong túi áo như thế, theo anh vào chiến trận, ngày đêm ấp ủ trái tim anh.
Bao kỉ niệm ở quê hương, những ngày thơ ấu, những đêm học bài cùng nhau… trở về sống trong kí ức người tiểu đoàn trưởng. Nhìn cảnh đêm của đèo Khánh Dương sau một trận chiến kinh hoàng, anh lại nhớ đến hình ảnh Hòn Vọng Phu trên đỉnh Đèo Cả: người vợ đang bồng con ngóng chồng là một chinh phu - Nó đâu chỉ là hình ảnh của thời đã xa? Người thiếu phụ vẫn ở đó, không phải là cũng đang nhỏ lệ… nhìn những người lính VNCH thất trận và tử nạn... và những giọt lệ đó, cũng còn để nhỏ cho bao người chiến sĩ của các binh đoàn chủ lực Bắc Việt, các đồng đội của anh đã rời bỏ thành phố, làng xóm thân yêu vào chiến trường… để không bao giờ còn có thể quay trở về quê hương được nữa - Ôi, cuộc chiến tranh đầy chết chóc này?
Lòng người tiểu đoàn trưởng cứ thắt lại, nghĩ về mọi thứ. Anh nhớ đến câu thơ của người thi sĩ là một chiến binh, đã viết từ thời kháng chiến đánh Pháp:
… Không chết người trai nơi khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Hoàng nghĩ đến cả hai người con gái đã yêu anh, đều đã chết vì chiến tranh. Một là người con gái bản quá thơ ngây, thì tử trận ngay trên chiến trường Tây Nguyên, chết trên bàn tay anh – Một nữa là người bạn gái thời ấu thơ, bị chết trong cuộc chiến tranh tràn đến cả quê hương. Tại sao người chết không phải anh cơ chứ, mà lại là hai người con gái thơm ngát như hai bông hoa ấy ?!
Ôi, chiến tranh! Chiến tranh và tình yêu. Nó vốn là hai phạm trù hoàn toàn xung khắc nhau. Trong chiến tranh… tình yêu nẩy nở mãnh liệt hơn, cao cả và thiêng liêng, song nó cũng phải chấp nhận một hậu quả đau đớn, xé nát những trái tim yêu thương. Lòng Hoàng trào lên bao cảm xúc…
Trời đã gần sáng. Cậu liên lạc đã ngủ được một giấc, chợt dậy không thấy thủ trưởng đâu? chạy ra giục anh vào ngủ. Khu nhà dã chiến của viên sĩ quan Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 nhảy dù QLVNCH, nay lấy làm chỗ ở tạm cho ban chỉ huy tiểu đoàn hỏa lực D16.
Hoàng lững thững bước theo cậu liên lạc. Anh vẫn không muốn để cho ai biết về sự cố đau xót của mình. Cậu liên lạc chỉ thấy thủ trưởng đọc thư rồi lặng lẽ, nên cũng không dám hỏi.
*
Nói về cuộc rút chạy của đoàn quân VNCH trên con đường 7 – Trong số gần 400.000 người kể cả các sĩ quan, binh linh VNCH và dân chúng trên Tây Nguyên di tản theo xuống đồng bằng, thì chỉ còn non ¼ là đến nơi, số còn lại tan rã hoặc chết chóc. Như đánh giá của Hoa Kỳ, sự tổn thất trong cuộc tháo chạy tán loạn đó, vượt qua mọi sự đo lường.
Sau trận chiến Buôn Ma Thuột và thảm họa trên đường 7, Quân đoàn II do tướng Phú làm tổng tư lệnh gần như bị xóa sổ. Nó thực sự không còn hiện hữu của một binh lực chiến đấu, với qui mô đã có của nó nữa.
Các nhà quân sự phương Tây bình luận: Thất bại trong cuộc rút lui của Quân đoàn II QLVNCH trên đường số 7, kèm theo những tổn thất rất nặng nề về cả quân sự và dân sự. Ít nhất ¾ lực lượng của Quân đoàn II bị tử trận và đào ngũ, hoặc bị bắt sống làm tù binh.
CIA tại Sài Gòn thì nhận xét rằng: Số tài sản quân sự gồm xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép M-113, đại bác M-107, HM-3 (155mm), HM-2 (105mm) bị phá hủy hoặc rơi vào tay QGP lên đến con số hàng nghìn.
QGP miền Nam Việt Nam cho biết: Chỉ sau 8 ngày cuối chiến dịch Buôn Ma Thuột, họ đã loại khỏi vòng chiến 28.514 sĩ quan và binh lính VNCH – Trong số đó có 4.502 chết hoặc bị thương, 16.822 bị bắt làm tù binh (779 sĩ quan từ chuẩn úy đến chuẩn tướng). Họ đã thu giữ và phá hủy 17.183 súng các loại với 79 khẩu pháo từ 105 trở lên, phá hủy và thu giữ hơn 2.000 xe quân sự (207 xe tăng và xe bọc thép), bắn rơi 44 máy bay, thu và phá 110 chiếc phi cơ khác của không lực VNCH.
Về phía QGP (trong những ngày truy kích trên Đường 7) – chỉ bị 56 người chết và hơn 100 người bị thương.
Con đường 7B hiểm trở, đổ nát ấy đã thành một con lộ kinh hoàng. Những cái chết vì bom đạn và những trận mưa pháo, cái chết vì đói khát, kiệt lực gục ngã dọc đường (cả quân lính và dân tình) – Có một kí giả đã viết: Thật thương tâm khi mục kích cả người dân phải di tản bằng đôi chân. Họ không có khả năng di tản bằng xe hơi, xe vận tải hay bất cứ một phương tiện chuyên chở nào. Chiếm đa số bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già. Họ đi tất tả như chạy. Có khi không có được một giọt nước để làm dịu cơn khát như cháy cổ. Không thể đếm được bao nhiêu trẻ em đã ngã xuống trên đường đi, bao nhiêu cụ già bơ vơ phải đứng lại dọc đường, không cất bước đi được nữa…
Liên tỉnh lộ Pleiku – Phú Bổn – Phú yên trở thành con đường máu dài hơn 200 cây số, là nơi chôn vùi hàng ngàn dân tình và trẻ thơ vô tội. Người ta đã mô tả lại những hình ảnh bi thương trong cuộc rút chạy của đoàn quân thất trận ấy, kéo theo hàng chục vạn dân tình ở con đường số 7 định mệnh rằng:
Trên đỉnh Đèo Cả có tảng đá rất lớn. Người bên dưới nhìn lên, rất giống hình dáng một thiếu phụ đang bồng đứa con nhỏ đứng nhìn ra biển, trông ngóng người chinh phu còn đang chinh chiến ở chiến trường xa – Gọi là “Hòn Vọng Phu” hay còn gọi là “Núi mẹ bồng con”.
Đèo Cả thuộc Phú Yên cách Khánh Dương không bao xa về hướng đông, dọc theo Quốc lộ 1. Nói về sự tích Hòn Vọng Phu theo truyền thuyết của dân gian:
… Trong thời tao loạn, có hai anh em ruột vì chạy giặc phải ly tán từ thuở nhỏ. Khi chàng trai và cô gái gặp nhau – vì không nhận ra nhau là anh em ruột, nên đã thương yêu và kết duyên vợ chồng. Sinh hạ được đứa con và ăn ở với nhau rất hạnh phúc. Thế rồi vào một ngày… người chồng gội đầu cho vợ, thấy có vết sẹo, lần mò câu chuyện: người chồng mới vỡ lẽ, vết sẹo đó do chính chàng gây ra cho cô em gái từ thuở nhỏ. Người chồng đau khổ và ân hận, không dám nói cho vợ biết, lặng lẽ ra đi. Biệt tăm chàng, người vợ thương nhớ chồng, ôm con lên núi chờ cho đến khi hóa đá…
Họ nói rằng: Người thiếu phụ sẽ còn mãi mãi đứng đó giữa trời mây lồng lộng gió, kêu gào thảm thiết – Để nhỏ lệ nhìn những đoàn quân lính của VNCH, hàng chục ngàn những chiến binh u sầu, cúi đầu chạy mãi về phương nam. Một chuyến đi không biết bao giờ trở lại? và không bao giờ có thể trở lại.
Hòn Vọng Phu chắc chắn sẽ không còn được trông thấy bóng dáng của những người lính VNCH, ngược trở về con đường Đèo Cả này nữa. Nàng sẽ vĩnh viễn đứng ở đó bế con thổn thức trông theo đến ngàn đời, trong nước mắt và đau thương.
Thiếu tướng Phạm Văn Phú – Tổng tư lệnh mặt trận cao nguyên của VNCH, vì cuộc di tản hỗn loạn và đẫm máu đó, kéo theo sự sụp đổ của toàn Quân đoàn II, đã bị chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quản thúc tại gia ở Sài Gòn – Một tướng lĩnh QLVNCH đã từng xông pha trên nhiều chiến trường lớn: Lào 719, Thừa Thiên – Huế mùa hè 1972, cũng đã từng có phen làm cho các đơn vị QGP phải tan tác… giờ ngồi đếm từng ngày trong phút cuối cuộc đời mình với sự giam giữ.
Về phía QGP – Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 10/3 đến ngày 24.3.1975 đã làm rung chuyển, đảo lộn thế trận của Chính phủ VNCH. Giải phóng cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn dân. Diệt toàn bộ quân đoàn II… khiến cho cả QLVNCH trên chiến trường miền Nam hoảng sợ. Đã biến từ thắng lợi chiến dịch thành thắng lợi chiến lược, cho cả cuộc chiến tranh giải phóng của Đảng Cộng sản ở Hà Nội.
Từ thời chiến tranh Đông Dương 1945 – 1954, người Pháp và Việt Minh đều coi Tây Nguyên là mái nhà, cái chìa khóa của Đông Dương. Mất các căn cứ cơ bản phòng thủ cao nguyên, mà trong tay không còn lực lượng dự bị cơ động nào khả dĩ có thể xoay chuyển tình thế, QLVNCH sẽ rơi vào vòng nguy biến. Các tỉnh vùng duyên hải miền Trung lại tiếp tục bị QGP tấn công chiếm lĩnh.
Quyết định bỏ Tây Nguyên để rút các lực lượng QLVNCH còn lại về cố thủ dải đồng bằng ven biển, của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với các tướng lĩnh ngày 14.3.1975 tai căn cứ quân sự Cam Ranh , là một sai lầm chiến lược, gây ra sự đại bại của cả một quân đội – Nó mở đầu cho sự sụp đổ không tránh khỏi của chính thể VNCH.
Thừa thắng, các sư đoàn chủ lực của cộng quân ào ạt tấn công, đánh chiếm Quảng Trị ngày 19.3.1975.
10 giờ 30 phút ngày 25/3, QGP tiến vào Huế. Ngày 26/3, giải phóng hoàn toàn thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.
Trong cùng thời gian, QGP đánh chiếm hàng loạt các vùng: giải phóng thị xã Tam Kỳ (24-3), Quảng Ngãi (25-3), Chu Lai (26-3)… tạo thành một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.
Đà Nẵng – thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ và QLVNCH rơi vào thế cô lập. Khi đó dân chúng ở cố đô Huế hoảng hốt ùn kéo chạy về Đà Nẵng. Chính lúc ấy, Tổng thống Thiệu lại cho toàn bộ sư đoàn dù và lữ đoàn thủy quân lục chiến về bảo vệ Sài Gòn, vì ông ta sợ bị đảo chính.
Sáng ngày 29/3, QGP từ ba phía bắc – tây – nam tiến vào thành phố. Hơn 10 vạn binh lính VNCH dồn ứ chạy về đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Thành phố Đà Nẵng nguy cấp? Chính phủ VNCH đã phải dùng máy bay di tản cố vấn Mỹ và phần lớn lực lượng QLVNCH.
Ngày 30.3.1975, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn lọt vào vòng kiểm soát của cộng quân. Năm sư đoàn bộ binh cùng các lực lượng không quân , hải quân, địa phương quân và nhiều lực lượng tổng trù bị - Tổng cộng gần 300 ngàn quân VNCH đã tan rã.
Theo thống kê của Chính phủ VNCH: 1 tỷ đô la vũ khí, đạn được cùng với 16 tỉnh, 5 thành phố lớn của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu- tức là 1/3 lãnh thổ, trong vòng 15 ngày đã lọt vào tay QGP. Chính phủ VNCH đứng trên đà sụp đổ.
Chiến thắng bất ngờ không đổ nhiều xương máu, không phải gian khổ nhiều – Cộng sản Bắc Việt quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến đánh vào đầu não VNCH ở Sài Gòn ngay trong mùa xuân 1975. Sớm hơn dự định mà đáng lẽ theo kế hoạch, phải để tới năm 1976 mới thực hiện.