“VỀ VỚI DÒNG SÔNG QUÊ” - KHÚC ÂN TÌNH DÀO DẠT YÊU THƯƠNG
THƠ NGÃ DU TỬ 16.08.2023 09:15:19 (permalink)

“VỀ VỚI DÒNG SÔNG QUÊ” - KHÚC ÂN TÌNH DÀO DẠT YÊU THƯƠNG 


“Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì? Đó chính là lòng yêu quê hương và đất nước” (Napoleon - Pháp).
Cô giáo Hoàng Lan Quyên sinh ra và lớn lên tại làng Mỹ Huệ, Bình Dương, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vùng đất Quảng Ngãi này được cụ Nguyễn Cư Trinh (1714 - 1767) đặt tên 10 thắng cảnh lúc làm tuần phủ ở đây.
Một vùng đất có ba dòng sông lớn mang chữ đầu là Trà: Trà Bồng, Trà Khúc và Trà Câu (tính từ Bắc vào Nam). Tác giả Hoàng Lan Quyên cũng bắt đầu từ dòng sông thi ca Trà Bồng. Dòng sông ấy đã từng có một người cùng quê của cô giáo - nhà thơ Tế Hanh, ông nổi tiếng với tập thơ đầu tay khi tham gia văn nghệ: Thi phẩm “Nghẹn ngào” (1939) được giải Khuyến khích của nhóm Tự Lực Văn Đoàn lẫy lừng thời bấy giờ.
Tế Hanh (1921 - 2009), tên khai sinh là Trần Tế Hanh, một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến . Sinh ra tại làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, quê hương chính là nguồn cảm hứng lớn nhất của Tế Hanh. Ông xuất hiện ở chặng cuối của Phong trào Thơ Mới với những bài thơ mang theo nỗi buồn và tình yêu quê hương khi ông mới 18 tuổi.
Có lẽ vì quý mến và thần tượng Tế Hanh, nên dù làm nghề dạy học nhưng Hoàng Lan Quyên cũng làm thơ, viết văn, đặc biệt là viết về quê hương của chị và khi có dịp đi đến các vùng của Bình Sơn, rộng hơn là Quảng Ngãi. Chị viết những đề tài gần gũi, thực tế ngay trên chính quê nhà. Có lẽ chỉ có lòng yêu quê hương thực sự mới được vậy! Như một văn hào châu Âu đã viết: “Tình yêu Quê hương, Tổ quốc là bẩm tính của mỗi người” (Van del Vodel).
Vô cùng cảm kích chị, bởi chị muốn giới thiệu hình ảnh quê hương mình cùng độc giả thông qua ngôn ngữ.
Ngày nay, “Xã Bình Dương - một miền quê hiền hòa ven sông Trà Bồng thơ mộng. Đây là nơi có lịch sử văn hóa lâu đời. Vừa qua, người dân tưng bừng phấn khởi đón nhận hai Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh. Trong đó có Lăng Vạn Đông Yên”. (Trích đoạn mở đầu “Lăng Vạn Đông Yên - một di tích văn hóa cấp Tỉnh).
Với 29 bài viết dạng thể ký, lời văn giản dị, mộc mạc nhưng tha thiết chân thành, ai đọc cũng cảm nhận được mục đích của nhà văn. Chỉ là giới thiệu những nơi mình đi qua, ghi lại cảm xúc bằng ngôn ngữ chân phương của người con được sinh ra và lớn lên trên quê hương nghèo khó, thiên nhiên không ưu đãi nhưng nỗ lực xây dựng mãi cho đến hôm nay. Dường như chị muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của kẻ hậu bối để tri ân đến tiền nhân. Quê hương có thể nghèo, nhưng người con quê hương không thể nghèo ý thức yêu quê, đó là cốt lõi của thông điệp qua từng bài ký, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng người đọc sẽ thấy được giá trị hiện thực, ý nghĩa nhân văn mà chị
gửi gắm.
Với bài ký “Nơi miền sóng vỗ”, chị viết:
“Đến với Lý Sơn chúng tôi không chỉ chiêm ngưỡng những danh thắng hoang sơ mà còn được khắc sâu dấu ấn lịch sử về Hải đội Hoàng Sa. Đứng dưới chân tượng đài uy nghiêm, tôi chợt nghe lòng mình thảng thốt. Xúc động vô cùng khi hồi tưởng về những đội Hùng binh dong thuyền vượt biển, không ngần ngại sóng to, gió lớn đi cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa ngày nào”.
Nếu ai chưa biết đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi thì cũng mong một lần đến để biết nỗi nhọc nhằn của các Hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải như thế nào, thời giữ nước của tiền nhân ra sao? Và cũng muốn đến Lý Sơn để hiểu thêm lòng yêu nước của con dân đất Việt nói chung và của người Quảng Ngãi nói riêng. Thật hào hùng và đáng quý biết bao!
Với cô giáo Thảo - người Bình Sơn đồng nghiệp tác giả, một người tận tụy với nghề giáo, thích cống hiến, dù nhọc nhằn nhưng ngọn lửa đam mê vẫn cháy bỏng cùng đàn em nhỏ. Cô Thảo không ngần ngại khó nhọc trong lúc dịch Covid hoành hành và muốn thế hệ sau viết tiếp ước mơ như cô đã từng, chị viết:
“Do mẹ mất sớm nên ngay từ nhỏ Thảo rất yêu thương cha và bao bọc chở che cho em. Ước mơ làm cô giáo của Thảo cũng tác động đến hai cô em gái. Thủy và Trang sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng chọn nghề “gõ đầu trẻ” nối gót chị mình. Họ cùng nhau cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng đất sơn cước nghèo nàn cằn cỗi.” (Trích “Vì đàn em thơ”).
Cuộc đời vợ chồng cô Thảo gắn liền với vùng cao huyện Tây Trà (nay là Trà Bồng) trong sự tự nguyện đã dệt nên cảm hứng cho tác giả. Trân trọng tấm lòng cống hiến vì đàn em thân yêu, tác giả viết:
“Tự nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao là quyết định dứt khoát của hai vợ chồng cô Thảo. Họ cảm thấy vui vì mang lại hạnh phúc cho trẻ thơ và cũng là thực hiện những ước mơ ôm ấp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Còn với Làng Đông Yên của tác giả thì sao?
Một nhà thơ ở Bình Dương - Miền Đông Nam Bộ viết:
“Ánh mắt yêu thương nhìn lặng lẽ
Nghe đời bát ngát một dòng sông”
(Thạch Thảo)
Ai cũng có dòng sông để yêu thương, để nhớ về. Câu thơ này giống với ý niệm của Hoàng Lan Quyên chăng? Và từ đó tác giả cảm thấu được nên đã viết quê hương mình cũng có một dòng sông với ánh nhìn lặng lẽ, và muốnnthực hiện điều gì với quê hương.
Cô giáo trải lòng bằng giọng văn nhẹ nhàng, dễ hiểu, bình dị nhưng êm đềm mà tha thiết, dạt dào như sóng nước vỗ về bờ sông quê mẹ, nên thơ như lời thơ của người tài hoa, của thi sĩ Tế Hanh thuở nào.
Những “Tiếng gà thao thức, Mái trường làng và nhà thơ quê hương, Mạch nguồn giếng cổ, Nghĩa trủng ở quê tôi, Làng cá Đông Yên, Chem chép quê tôi, Nhịp cầu nối những niềm vui”... là những bài ký nói về quê nhà rất gần gũi và thân thiết, sát sườn với đời sống của người dân quê Bình Dương, tác giả ghi lại những dấu ấn cảm xúc để ít nhất lưu giữ trong tâm hồn đứa con thân yêu quê hương từ độ biết yêu quê.
Ngoài ra, chị còn tìm hiểu để lưu lại dấu ấn lịch sử của ngôi trường, sau này chị cũng được dự phần vào mái ấm học đường một thời cha ông, anh chị đã từng tìm kiếm con chữ, kiến thức ở nơi này. Chị viết:
“Trường Sơ đẳng Đông Yên được Chính phủ bổ nhiệm Hiệu trưởng và đưa giáo viên có trình độ kinh nghiệm, lương tâm nghề nghiệp đến dạy.
Trường tiếp tục phát triển và mở thêm lớp Nhì Đệ nhất, lớp Nhì Đệ nhị, lớp Nhất. Đến năm 1937 hình thành một trường Tiểu học hoàn chỉnh. Cổng trường treo cao tấm biển với dòng chữ: “Ecole Primaire cfficiel Đông Yên”
(Trường Tiểu học Công lập Đông Yên). Học trò hứng khởi thi đua học tập và
hăng hái lao động trồng cỏ, trồng hoa và trồng cây bóng mát như: cây bàng,
cây phượng, cây dầu lai… tạo nên cảnh quang thật đẹp đẽ và mát mẻ.
Thuở ấy, học hết bậc Tiểu học được xem là người có trình độ học thức cao vì đã thông thạo tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Thi đậu tốt nghiệp Tiểu học được cấp bằng Primaire (Còn gọi là Bằng Tốt nghiệp Tiểu học Đông Dương). Những năm tháng ấy thi cử rất nghiêm minh nhưng học sinh của trường luôn nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh Quảng Ngãi, có một số kỳ thi còn dành được vị trí thủ khoa, á khoa”… (Mái trường làng và nhà thơ quê hương).
Sau những đổi thay của thời gian, bây giờ là Trường Trung học cơ sở Bình Dương (vẫn nằm trên nền đất cũ của Trường Đông Yên); dấu ấn của ngôi trường làng có bề dày lịch sử luôn là niềm tự hào của người dân địa phương.
Còn với ký ức của làng mạc thì sao? “Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người”, nó mãi bàng bạc với con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hiền hòa. Dù thế nào thì quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn ấy làm sao quên được? Ai mà không yêu, khi tuổi đời chồng chất người ta càng da diết hơn. Cô giáo Hoàng Lan Quyên đã viết thật nhiều cho làng quê mình rất tự nhiên như một sự biết ơn chân thành, không cầu kỳ, chỉ đơn giản như tỏ bày tình cảm của mình với quê, nhất là từ ngày chị xong trách nhiệm phụng sự của một công dân chân chính. Chị viết:
“Lăng Vạn Đông Yên có tên dân gian là Vạn Cồn Mành, nằm bên tả ngạn hạ lưu sông Trà Bồng hiền hòa thơ mộng. Từ xa xưa, người dân nơi đây sống chủ yếu vào nghề chài lưới trên những con thuyền buồm, thuyền câu nhỏ bé với phương tiện đánh bắt thô sơ. Vì thế mà nhiều lần ra biển, họ thường gặp sóng to gió lớn giữa đại dương mênh mông. Trong tâm thức của ngư dân, Cá Ông là Thần Nam Hải - vị phúc thần độ mạng, luôn xuất hiện, cứu giúp ngư dân vượt qua cơn hiểm nguy, bất trắc một cách kịp thời”. (Lăng Vạn Đông Yên...).
Hoặc: “Theo lời kể của các chủ lò hấp thì trước hết phải chọn nguồn cá thật tươi nguyên. Đó là khi ghe đi biển vừa về cập bến, con cá nục, cá trích còn óng ánh sáng bạc là các bà mua về đổ vào thúng nước có hòa muối hạt vừa đủ mặn dầm cho cá thấm. Khoảng một tiếng đồng hồ sau vớt ra, đem sắp lớp đều đặn vào những chiếc rổ tre đan thưa, lòng cạn. Sau đó xếp chồng vài ba rổ vào chiếc gióng có quai bằng mây hoặc lạt cứng rồi đem nhúng vào chảo nước muối pha loãng đang sôi sùng sục trên bếp lò hừng hực lửa. Hơi nước bốc lên ngùn ngụt, canh chừng 15 - 20 phút khi cá vừa chín tới là họ xách chiếc gióng lên, mang cá ra ngoài lấy gáo dội (tạt) nước lạnh có pha
muối nhạt. Rổ cá bốc hơi, dậy mùi thơm lừng. Sau đó họ mang ra chỗ thoáng
sắp hàng ngay ngắn, kê nghiêng nối đuôi để cho cá bốc hơi ráo nước. Chờ cho cá nguội họ xếp chồng lên xe chở đi bán ở các chợ xa”. (Làng cá Đông Yên)
Thưa các bạn văn và độc giả thân mến! Bài viết cũng khá dài, những dẫn chứng trên cho thấy sự yêu quê hương của chị thật chân phương bình yên làm sao. Còn nhiều, nhiều nữa tình cảm chị trải dài trong cả tác phẩm ký. Chúng tôi để cho độc giả khám phá thêm mới thấy hết những nồng mặn từ tác giả Hoàng Lan Quyên viết về làng quê mình như lời thì thầm tự tình với quê nhà vọng về từ thuở biết suy nghĩ hai tiếng quê hương của chị. Nơi “cách biển nửa ngày sông”.
Hân hoan giới thiệu tập truyện ký “VỀ VỚI DÒNG SÔNG QUÊ” của Hoàng
Lan Quyên cùng độc giả khắp mọi miền.



Phạm Ngọc Dũ
Hạ 2023


#1
    THƠ NGÃ DU TỬ 04.09.2023 13:00:51 (permalink)

    NHỮNG SUY NGHĨ RỜI
    ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH-HÀ ĐÔNG (Hà Nội)


    Có lẽ, thời nầy thế kỷ 21 đất nước lẽ ra phải phát triển vượt bậc bởi chiến tranh đi qua đã trên 33 năm kể từ khi bàn thảo chuyện đường sắt Cát Linh – Hà Đông trên cao, nhưng bàn qua bàn lại hơn 3 năm, tháng 10/2011 mới bắt đầu khởi công. Toàn tuyến có chiều dài 13,5 km với 12 ga trên cao.
    Sau nhiều lần điều chỉnh vốn đầu tư, dư án có tổng mức đầu tư là 968,04 triệu USD (18.001,6 tỷ VND), trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (hơn 13.800 tỷ VND)(1) đã 8 lần thay đổi tính đến 2019, vẫn nằm im lìm chưa thể đi vào hoạt động.
    Cuối tháng 4 năm 2019, tuyến đường sắt vẫn không thể nào đi vào hoạt động do còn thiếu sót các hồ sơ kèm theo các hạng mục của dự án. Tính đến tháng 9 năm 2019, thời gian khai thác thương mại chính thức vẫn chưa được công bố (2)
    Một đống tiền quá lớn của dân tộc được đỗ ra để các đổi lấy “Con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo uốn lượn” trên không gian thủ đô tăng thêm sự chật chội vốn đã đầy rẫy những bất hợp lý của văn minh thủ đô, ai chịu trách nhiệm trước bế tắc của công trình nầy.
    Có nhiều người tắc lưỡi dè biểu “Đất nước ta ai bảo nghèo, chúng ta dám bỏ ra khoảng tiền lớn có thể xây dựng cả trăm bệnh viện hay trường học để đổi lấy một "đại cảnh" mà không có đất nước nào trên hành tinh nầy có được, mai mốt sẽ khá đông khách du lịch hiếu kỳ đến Việt Nam để tận mắt xem con rắn khổng lồ uốn lượn quanh Hà Nội” mỉa mai thay sự phung phí, lại có người nói “Như thế mới là Hà Nội văn minh bậc nhất”, trời ơi, những dây cầu ở vùng cao hàng ngày dân lành “đu dây cầu tử thần” như các huấn luyện lực lượng đặc nhiệm. Chua xót quá trước những những cán bộ hàng đầu cùa quản trị làm đẹp đất nước!.
    Nếu như vận hành sắp tới thì có thể trên 650 nhân viên vận hành đoàn tàu đi đến cho quãng đường Cát linh- Hà Nội dài 13,5 km!
    Người dân không hiểu tại sao như thế có thể xãy ra trong thế kỷ 21 nầy. Chỉ có chính phủ mới trả lời câu hỏi nầy.
    Song song với đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Nội, tại TPHCM có Sài Gòn – Suối Tiên, có chiều dài 19,7 km và có 14 ga trên cao.
    “Điểm đầu của tuyến tại chợ Bến Thành, đi ngầm 2,6 km từ ga Bến Thành đến qua ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son tại khu đô thị Vinhomes Golden River sau đó đi trên cao 17,1 km theo rạch Văn Thánh rồi đi ngang qua sông Sài Gòn rồi chạy dọc theo xa lộ Hà Nội và kết thúc tại ga Bến xe Miền Đông mới
    Theo kế hoạch, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỷ đồng, tăng thêm 30.000 tỷ đồng so với dự tính. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố. Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011”(3) và dự kiến năm 2021 sẽ đưa vào sử dụng.
    Hãy chờ xem giữa hai nhà thầu chính Cát Linh - Hà Đông của Trung Cộng và Sài Gòn – Suối Tiên của Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy sự hợp lý và bất hợp lý của đại diện 2 quốc gia. Người dân chắc chắn rằng nhà thầu Nhật sẽ ngon lành hơn nhiều về tính minh bạch, kỹ thuật cao đúng mực và cả danh dự Nhật Bản còn Trung cộng thì dối trá và mưu đồ.

    Ngã Du Tử/
    2019

































    <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.05.2024 08:00:01 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9