TẢN VĂN NGUYỄN QUỐC VĂN TẬP 3
Nguyễn Quốc Văn 30.08.2023 09:59:28 (permalink)
CỐ NHÂN

Một sớm mùa mưa năm 1991. Khi ấy, tôi mới chuyển vào Sài Gòn được gần ba mùa nắng. Phạm Quang Trung, bạn cùng học với tôi hồi cấp 3 ở quê, lúc ấy đang làm ở Bộ Thương mại, đi chiếc xe máy Honda 67 đỗ xịch trước cửa nhà tôi ở đường Xóm Chiếu, quận 4. Trung nửa đùa nửa thật bảo: "Cậu xin phép vợ đi. Rồi lên xe đi chơi với tớ nhé". "Đi đâu?". "Sang chơi với anh Vũ Thư Hiên. Anh ấy viết hay lắm. Cùng quê Nam Ninh, Nam Định mình mà". Tôi bảo: "Đi chơi thì cứ đi thôi, tớ chưa đọc văn anh ấy viết bao giờ". Trung cười: " Bông hồng vàng của Pautopxki là do anh ấy dịch đấy". "Ồ, vậy thì tớ biết. Tuyệt vời. Ta đi thôi".

Từ nhà tôi sang chung cư Nguyễn Thái Bình, quận 1, nơi gia đình anh Hiên tá túc không xa lắm. Chung cư cũ. Cầu thang bộ. Mỗi căn hộ chỉ khoảng 24 mét vuông. Hành lang các tầng la liệt bàn ghế và các thứ đồ dùng cũ nát bỏ đi chưa có ai dọn. Nói chung là nhếch nhác. Leo lên tới tầng 6, tôi ù hết cả hai tai. Trung thở hổn hển: "Phới phơi phồi" (Tới nơi rồi). Nói xong, Trung tự đẩy cửa bước vào phòng.

Trong phòng, trên một cái ghế băng dài kê bên một cái bàn ọp ẹp có ba người đàn ông khoảng gần sáu mươi tuổi đang ngồi. Trên bàn có một chai rượu trắng nút lá chuối và ba ly rượu đã vơi nửa. Hình như họ vừa uống rượu suông vừa nói với nhau một chuyện gì xúc động lắm. Trên khóe mắt người đàn ông quắc thước, râu bạc trắng còn ngân ngấn nước mắt.

Người trẻ nhất đứng dậy và giới thiệu Trung với hai người bạn già, rằng, Trung là người giúp đỡ anh rất nhiều trong công việc làm ăn kiếm sống. Trung quen Minh Phụng, một đại gia ở Sài Gòn. Mà Hiên này lại đang làm cho Minh Phụng. Anh quay sang phía tôi rồi chỉ tay vào hai người bạn, cười : " Ông này là Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim. Ông này là Hoàng Yến. À, còn anh, hai ông này gọi anh là Vũ Thư Hiên". Tôi dạ, rồi tự giới thiệu mình với các bậc đàn anh. Anh Hiên khen tên đẹp quá. Chắc văn cũng sẽ rất đẹp đây. Trung chen vào: "Thằng này viết tản văn hay lắm đó anh, cả truyện và thơ nữa. Nó lấy được vợ đẹp là nhờ văn chương đấy". "Thế thì giỏi. Chúc mừng em", anh Hiên cười khẽ, rót cho tôi và Trung mỗi đứa một ly rượu. Anh bảo chúng tôi lấy hai cái ghế nhựa cùng ngồi đàm đạo văn chương cho vui.

Hôm ấy, Hữu Loan đọc Màu tím hoa sim cho chúng tôi nghe. Ông kể chuyện đời ông. Được một đoạn, ông dừng lại và sụt sùi khóc. Bùi ngùi khôn xiết. Ông khóc to hơn lúc kể ông tới nhà Vũ Thư Hiên tá túc. Khổ. Nào bạn có khá giả gì hơn. Nhưng mà, mến tài nhau, trọng cái chí khí khảng khái của nhau mà lặn lội tới thôi. Chứ thân ta, bụi bờ, cống rãnh, thồ đá, đánh dậm kiếm miếng ăn ta đâu có sá chi.

Ông Hoàng Yến lặng đi. Ông nắm chặt tay ông Hữu Loan, an ủi, đại ý: sống và viết như ông, nói thật, chết cũng cam lòng. Ông Hữu Loan đưa tay phải cầm ly rượu trước mặt ông Hoàng Yến, nâng ngang mắt, tay trái che miệng, mắt nhắm lại, nhắp một ngụm nhỏ, cười...

Năm tháng đưa thoi. Sau lần ấy, Hữu Loan rồi Hoàng Yến lần lượt về trời. Anh Vũ Thư Hiên sang Nga. Cuối năm ấy anh gửi cho tôi một cái thiệp chúc Tết từ Moscow. Ngoài việc chúc sức khỏe cả gia đình tôi, anh dặn nhớ viết cho hay. Hay mới viết. Không hay không viết. Cũng là một ân tình. Thật khó quên. Cũng từ đó, tôi tìm đọc anh. Và thật lạ lùng, giọng văn, hồn văn trong cuốn Miền thơ ấu của anh có những nét hao hao như giọng văn và hồn văn trong cuốn Thao thức nỗi niềm quê của tôi đến thế. Về sau, tôi ngộ ra, văn của anh và của tôi cùng bắt nguồn từ một dòng chảy. Hồn sông Đào, sông Ninh, sông Đáy. Hồn Vị Xuyên, Trực Ninh, Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Nghĩa là hồn Nam Định. Thẳm sâu. Ngọt ngào. Dữ dội. Dịu dàng...

Trung ơi, giờ cậu ở đâu? Số phận ra sao? Cậu hạnh phúc hay bất hạnh? Biền biệt ba mươi hai năm. Tớ và cậu đều đã già rồi. Biền biệt...

Anh Hiên, sau ba mươi hai năm ba đào, từ Pháp đã trở về. Tớ đã gặp lại anh ấy. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, không còn đủ nước mắt để khóc. Tớ đã châm lửa cho anh Hiên hút thuốc lá. Anh ấy, một người 90 tuổi, run run lấy thuốc lá mời em mình hút. Nào, thở khói quên đi và bỏ qua hết đi em. Trung ơi, giờ cậu ở đâu? Hãy trở về châm lửa cho anh Hiên hút một điếu nhé. Cậu có bài thơ nào hãy đọc thật to cho tớ và anh Hiên nghe. Nhé Trung...

Trung ơi, bây giờ cậu có thể tưởng tượng ra giây phút tớ đọc thơ cho anh Hiên nghe không. Bài Người Nam Định. Rồi bài Vũ Thư Hiên. Chân dung của anh ấy đây.

"Miền thơ ấu dấu nắng quê
Đói nghèo, Chúa cũng nón mê đội đầu
Đêm giữa ban ngày đớn đau
Hỏa Lò, Bất Bạt bạc mầu tóc đen,
Thời gian tạc Vũ Thư Hiên
Ngục tù giam gió phơi tên một thời
Chỉ đốm lửa mới lóe thôi
Văn chương đủ cháy sáng trời tự do"...

Trung ơi, nếu được gặp lại cậu ở Sài Gòn hay ở bất cứ nơi đâu, nhất định tớ sẽ viết về sự mất hút của cuộc đời cậu và đọc thơ cho cậu nghe. Với điều kiện là cậu không được khóc. Và chúng ta sẽ lại nhâm nhi vài ly rượu nhỏ cùng anh Vũ Thư Hiên nhé. Ba mươi hai năm. Đã vắng rất nhiều người...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.09.2023 12:12:50 bởi Nguyễn Quốc Văn >
#1
    Nguyễn Quốc Văn 02.09.2023 12:10:33 (permalink)
    CON CU MÁI

    Trước ngõ nhà tôi trồng một khóm tre đằng ngà. Vừa làm cảnh, vừa lấy bóng mát. Từng đàn chim sẻ kéo nhau về đậu kín trên các ngọn cây. Chúng líu ríu gọi nhau, cãi nhau chí chóe. Nghe như một bản nhạc của sự sống vậy. Tôi có thói quen, vào những lúc thư nhàn, thường ra ngồi dưới gốc tre thưởng trà. Thả khói thuốc lên trời. Hy vọng tìm được ý tưởng mới lạ nào đó.

    Hôm tới thăm vợ chồng tôi, nhìn khóm tre thân vàng óng, lá xanh rờn, anh Vũ, một người bạn thân của chúng tôi, thích quá. Anh bảo giá có vài cái lồng chim treo ở đây thì thật tuyệt vời. Nói là làm, mấy ngày sau, anh mang tới tặng tôi một con chim cu gáy. Chỉ tay vào cái đầu tròn màu nâu nhạt, đôi chân ngắn đỏ hồng của con vật bé nhỏ trong lồng, Vũ bảo đó là một con mái. "Tiếng hót của nó sẽ làm trái tim anh loạn nhịp cho mà coi", anh nheo mắt, cảnh báo. Tôi cười.

    Từ hôm ấy, sáng nào tôi cũng thay nước uống, bỏ thêm thóc cho chim. Con chim cúi đầu lặng lẽ mổ thóc. Nó quay sang chén nước, ngửa cổ chiêu một ngụm, rồi bay lên đậu vào thanh tre cài ngang lồng, rỉa lông. Đôi mắt đờ đẫn của nó lơ đãng nhìn vào một cõi vô hình. Nó không nhìn tôi. Cũng không hót. Anh Vũ bảo, có lẽ nó buồn. Cha mẹ chim cu gáy thường đẻ mỗi lứa hai trứng. Đôi chim non khi nở, bao giờ cũng có một con trống, một con mái. Khi đã đủ lông đủ cánh, đôi chim non sẽ tự rời khỏi tổ ấm của cha mẹ và cùng nhau đi kiếm sống. Anh em chim cu gáy không bao giờ lấy nhau. Chúng chỉ kết trống mái với một đôi chim trẻ thuộc gia đình chim khác để tiếp tục sinh con đẻ cháu duy trì nòi giống. Con chim cu mái anh Vũ tặng tôi vốn mồ côi. Cha mẹ nó bị sa lưới của con người. Chim cu trống anh nó bị chết đói ngay sau đó. Riêng nó, nó được một người tốt bụng tìm thấy dưới gốc cây và giao cho anh Vũ chăm nom. Nó biết nó không còn gia đình. Lại bị nhốt trong lồng. Hỏi sao không buồn. "Nhưng thôi anh ạ", Vũ nói, "Biết đâu lòng từ bi sẽ làm con chim non thay đổi. Anh chị cố chăm sóc nó nhé". Tôi gật đầu.

    Thương chim, mỗi ngày tôi cho nó ăn một món khác nhau. Ngày thóc. Ngày gạo. Ngày đỗ đen. Ngày đỗ xanh. Ngày đỗ đỏ. Ngày lạc. Ngày kê. Tôi hứng nước mưa, chỉ để cho chim uống và tắm. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường bắc ghế ngồi gần lồng chim thưởng trà, hút thuốc. Tôi dạy chim "cúc cu, cúc cu" và cúi đầu chào mỗi khi tôi cho nó ăn uống. Con chim càng ngày càng đẹp và dễ thương hơn. Mỗi khi tôi đi đâu đó trở về nhà, nó lại nhảy lên thanh tre, đầu gật gật, mỏ cất tiếng "cúc cu, cúc cu" mừng rỡ. Tôi đi vắng, con chim biếng ăn hẳn. Các cháu tôi tới chơi bảo nó: "Cúc cu, cúc cu đi chim!", nó vẫn chỉ một mực im lặng.

    Cả nhà tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh con chim đón tôi. Nó vỗ cánh, gật đầu chào và cất tiếng gáy "cúc cù cu cu, cúc cù cu cu" với một thứ âm sắc cao vút. Tôi biết, không chỉ riêng tôi mới có thể cảm nhận được đầy đủ tiếng gáy ấy. Tiếng gáy của kẻ vừa bước qua thời niên thiếu, trái tim bắt đầu rạo rực vì một điều mơ hồ nào đó mà chính mình cũng chưa biết rõ. Điều đó đã trở thành hiện thực. Ba hôm sau, từ đâu đó trên thinh không xa thẳm, tôi bỗng nghe thấy vọng về những tiếng "cúc cu, cúc cu, cúc cù cu cu" trầm đục. Tiếng gáy gọi tìm bạn tình của một con chim cu trống cô đơn. Da diết. Khắc khoải. Mong đợi. Hy vọng. Con chim cu mái trong lồng bay rối rít. Rồi nó cất tiếng gáy "Cúc cù cu, cúc cù cu, cúc cù cu cu..." đáp lại. Hổn hển. Đau đớn. Xé ruột. Xé gan. Con chim chỉ ngừng hót khi tôi mang ghế ra ngồi gần chiếc lồng để uống trà và hút thuốc. Tôi nói với chim: "Mai tao sẽ thả mày về trời với chúng bạn. Được không?". Con chim như hiểu được tiếng người. Ánh mắt nó sáng rực lên. Nó thò cái chân bé nhỏ qua nan lồng như muốn chạm vào tôi. Chính vào giây phút ngắn ngủi ấy, con mèo đen nhà hàng xóm chồm tới, cắn đứt phăng ngón chân giữa của con chim. Con cu mái hết hồn vía, cánh cụp lại, nằm nép vào một góc lồng.

    Mấy hôm sau, lúc tôi mang lồng chim tới công viên Tao Đàn, những đốm nắng đã lấp lóa rải kín mặt cỏ. Ngồi xuống chiếc ghế đá gần bức tượng mẹ bồng con, tôi từ từ mở cửa chiếc lồng. Con chim tỏ vẻ ngạc nhiên. Nó nhảy từng bước ngắn ra phía cửa lồng. Thò chiếc đầu nhỏ ra bên ngoài như thăm dò, con chim quay lại, cất tiếng gáy "cúc cù cu, cúc cù cu". Tôi vỗ nhẹ vào lồng, nói khẽ: "Ra đi chim. Rồi bay cùng chúng bạn đi. Đi đi". Con chim nhảy ra cửa lồng, bất ngờ vụt lên trời. Nó đỗ trên cành một cây sao cổ thụ, quẹt quẹt mỏ vào nhánh cây nâu thẫm. Từ xa, không rõ thật hay ảo, tôi thoáng nghe thấy những tiếng cúc cu trầm trầm vọng lại. Tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng tràn ngập hi vọng. Nhưng kìa, con chim cu mái đã sà xuống, đậu vào vai tôi. Nó gại gại cái mỏ bé xíu lên vai áo người rồi đậu lên bàn tay tôi. Tôi tung con chim lên. "Đi đi. Bay đi. Nào...". Cánh chim chấp chới, chấp chới trong không trung. Con chim bay lên lần nữa theo tiếng cúc cu mơ hồ trong gió vọng lại. Rồi thật dứt khoát, nó sà xuống cái ghế tôi đang ngồi, nhảy vào lồng. Hướng về phía làn khói thuốc đang tỏa trắng tay tôi, đầu nó gật gật, họng nó gù gù tỏ ý mãn nguyện.

    Không tự mình thả được chim về với tự nhiên, tôi mang con cu mái xuống Nhà Bè nhờ đứa cháu phóng sinh. Tôi dặn cháu chăm sóc chim chu đáo và chỉ được trả tự do cho nó khi nó tự nguyện bay đi. Theo lời cháu tôi kể lại, con cu mái không chịu rời đi cho dù cửa lồng luôn được mở sẵn. Vào mỗi buổi sớm, con chim lúc thì gù gù, lúc thì gáy những hồi dài "cúc cu cúc cù cu" cao vút. Những âm thanh da diết bay theo chiều gió, lan tỏa khắp thinh không. Và thật lạ lùng, một đàn chim cu gáy đã xuất hiện. Đàn lẻ, chỉ có ba con. Chúng đậu trên một cây tràm đang nở hoa, gáy những tiếng cúc cu đa tình quyến rũ. Con chim cu mái lưỡng lự ra khỏi lồng. Nó ngước nhìn bầu trời xanh thăm thẳm rồi đột ngột bay về phía cây tràm, đậu xuống bên cạnh con cu trống lẻ đôi. Hai con chim gù gù, mỏ khẽ chạm vào nhau. Như nhận ra bạn tình từ tiền kiếp, chúng cùng gáy lên một hồi dài rồi sải cánh hướng về biển Cần Giờ.

    Tháng bẩy năm nay, cả nhà tôi đi chơi ở Rừng Sác. Ngồi trên ca nô, len lỏi trong các khu rừng đước xanh ngút ngát tới tận chân trời, chúng tôi gặp hàng trăm con khỉ đang leo trèo, trêu ghẹo nhau trên những cành cây. Và cò thì nhiều vô kể, đậu trắng xóa cả cánh rừng ngập mặn. Ra tới đảo Thạnh An, cả nhà tôi ngồi ăn trưa dưới một gốc xoài già trĩu quả. Tôi bỗng nghe thấy những tiếng gù gù, tiếng gáy cúc cù cu quen thuộc. Rồi một đàn chim cu gáy sà xuống. Một con khẽ đậu vào bàn tay tôi đang xòe ra đón nó. Con chim vừa cúc cu vừa gật gật đầu chào. Tôi giật thót người khi nhìn thấy bàn chân con chim thiếu ngón giữa. Trong chốc lát, đàn chim đã lại tỏa lên trời. Không biết vô tình hay hữu ý, một chiếc lông tơ của con cu mái đã vương lại trên tay tôi. Đó là kỉ vật của tự do hay tình yêu, cho tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa cắt nghĩa được...
    #2
      Nguyễn Quốc Văn 18.09.2023 12:06:16 (permalink)
      NƯỚC NGA NHÌN TỪ DU THUYỀN REPIN

      1. Từ Dubai đến Perterburg

      Sau bảy giờ bay bằng máy bay Boing 777 của hãng Emirate giàu có và sang trọng, có hàng trăm đường bay đi khắp thế giới - với dàn tiếp viên chu đáo và lịch sự, suốt cả chuyến bay luôn đi chào mời khách ăn hoặc uống như một nhiệm vụ - chúng tôi hạ cánh trung chuyển ở sân bay Dubai. Lúc này là 4h45 ngày 25/5 2018 (giờ Dubai chậm hơn giờ ở Việt Nam 3 tiếng).

      Tôi nhớ, lần từ Pháp về, chúng tôi đi như chạy mới kịp chuyến bay về Việt Nam, thành thử biết về Dubai hơi ít.

      Lần này, có tới mười giờ ở Dubai. Vì máy bay từ đây qua Peterburg mỗi ngày chỉ có một chuyến. Nga đang bị phương Tây cấm vận mà. Rất ít khách.

      Chúng tôi vào nghỉ ở nhà hàng Marhaba. Nhà hàng có bàn ghế ngồi riêng cho từng gia đình và phục vụ tất cả các món buffet với giá 70 đô la Mỹ. Ăn sáng, trưa, cà phê thoải mái.

      Cách đó một chút có một phòng hút thuốc. Có lẽ không ở đâu trên thế giới có nơi hút thuốc đẹp và sang trọng như ở Dubai. Bàn ghế, gạt tàn đều trắng tinh, hoặc đen bóng. Vì tôn trọng tự do, Tự do là vô tận...là những dòng chữ bên cạnh lời khuyên Hút thuốc lá vô cùng có hại cho cơ thể... Có điều rất đặc biệt là, hình như người ta cố ý để nhiệt độ trong phòng hút thuốc rất thấp. Ở đây, nếu ngồi lâu hơn thời gian hút một điếu thuốc, người ta sẽ bị rét run cầm cập.

      Nhà vệ sinh ở Dubai luôn sạch bóng. Luôn có người lau chùi chăm sóc sau khi khách vào ra. Sạch tới mức có thể ngồi trên bàn cầu để ngủ hoặc đọc sách...

      Vượt qua một đoạn khá dài bằng đường băng chuyền tự động và đi bộ, chúng tôi tới mua sắm ở một siêu thị trong sân bay Dubai. Siêu thị to hơn Metro quận 2, Tp Hồ Chí Minh một chút nhưng lộng lẫy như ở một thế giới khác, bán hàng chục nghìn loại hàng hóa cho du khách, nhiều nhất là rượu, thuốc lá, nước hoa, vàng bạc, đồ lưu niệm...

      Người Việt Nam, Philipin, Malayxia, Indonexia...sang đây làm thuê khá đông. Có lẽ, với họ, đây là một vùng đất hứa đầy tiềm năng và hứa hẹn...

      Với thu nhập hàng chục ngàn US Mỹ/tháng/người, Dubai đúng là thiên đường trên sa mạc. Một thiên đường có thật trên mặt đất...

      Chúng tôi xuống sân bay Pulkovo lúc 20h55 giờ Nga (giờ Nga sau giờ VN 4 tiếng) ngày 25/5/2018. Mặt trời vẫn chói chang như lúc 15h ở Việt Nam. Nó sẽ đi ngủ lúc 23h30 và thức dậy lúc 03h. Đêm ở Nga sắp trắng hoàn toàn. Sân bay Nga cũ kĩ quá, xấu hơn cả sân bay ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Nếu so với Dubai thì chẳng khác gì so sánh một cô gái 18 với một bà lão tuổi 80. Khó chịu nhất là khi nhập cảnh, công an cửa khẩu Nga làm rất chậm, chậm rất nhiều lần so với những lần nhập cảnh vào Pháp và Mỹ. Nhiều người bảo, đây là tác phong của công an Nga từ thời Liên Xô còn rơi rớt lại. Quan cách, trịch thượng, xin cho. Thể mới biết cơ chế của chế độ cộng sản làm người ta lười làm việc và kém năng động như vậy. Nhất là tác phong của các viên chức, công chức và các nhân viên trong lực lượng cảnh sát, an ninh.

      Cảm giác khó chịu tan biến ngay khi về tới bến cảng Perterburg và du thuyền MS Repin. Một nước Nga mới năng động và những người lao động Nga cần cù, chân chất, giản dị, hiếu khách (dưới thời ngài Putin đáng kính) đang hiện diện ở đây.

      Trên bến cảng lúc này có tới sáu con tàu du lịch đang neo tại bến. Tất cả đều sơn màu trắng tinh, nổi bật trên dòng sông Newa êm đềm. Ở đầu và phía cuối mỗi con tàu đều treo cờ Nga với ba màu trắng, xanh, đỏ bay phần phật. Tàu Repin dài 110 m, rộng 14,5 m, cao bốn tầng. Tàu có 87 phòng ngủ dành cho 150 du khách. Trên tàu có phòng hòa nhạc Pararoma ở lầu 2, phòng ăn, phòng thư viện, quầy 3 và câu lạc bộ thư giãn kết hợp phòng họp ở lầu 3, phòng sinh hoạt lớn ở lầu 4.

      Trong mỗi cabin, tức phòng ngủ trên tàu, người ta bố trí 2 giường ngủ, một bàn trang điểm, một tủ lạnh, một nhà tắm kết hợp WC. Sạch sẽ, thoáng mát. Du khách mở máy lạnh hay kéo cửa kính xuống cho thoáng tùy theo sở thích. Có thể đi dạo vòng quanh boong tàu hoặc lên nóc tàu phơi nắng, tập thể dục. Ai hút thuốc lá phải đi về phía cuối tàu ở lầu 2. Ở đây có một dãy ghế và hai cây gạt tàn bằng inox. Trên các mạn boong tàu, người ta bày nhiều bàn ghế cho du khách ngồi ngắm cảnh 2 bên bờ sông.

      Xa xa là cây cầu dây văng và một cây cầu sắt dành cho xe lửa bắc qua sông Newa. Trên cây cầu sắt, đoàn tầu kéo hơn một trăm toa hàng đang chạy. Đường tàu xây từ thời Piter đại đế rộng 1,51m khiến tàu hỏa của nước Nga khác hẳn với các quốc gia châu Âu và thế giới. Hiệu quả kinh tế thật là cao, cao vút.

      Xa hơn nữa là những cây cầu có thể mở ra cho tàu thuyền qua lại trên sông vào những giờ nhất định. Mỗi cây cầu là một tác phẩm kiến trúc đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Vĩ đại bởi chắc chắn và thơ mộng bởi khác biệt, tinh xảo trong từng bộ phận cấu thành hay những nét chạm khắc.

      Xa hơn nữa một chút là chiến hạm Rạng Đông nổi tiếng. Bây giờ trông nó thật nhỏ bé, cũ kĩ. Nó đã trở thành bảo tàng về cách mạng tháng Mười Nga, là một phần lịch sử oai hùng, hoang tưởng của một thời đại.

      Đêm đầu tiên trên du thuyền MS Repin trôi đi thật êm đềm. Trong cái lạnh 18 độ C, giấc ngủ thật êm và sâu. Nhịp thở hòa vào làn không khí trong sạch nơi mênh mông sông nước Perterburg. Giấc mơ Newa trong tôi là một nụ hôn Nga, một nụ hôn của gió, của những cánh rừng bất tận, xanh mướt hai bên bờ sông...

      2. Ấn tượng Perterburg

      Sớm 26/5/2018, tỉnh dậy, mặt trời đã mọc từ lâu. Trời Perterburg xanh biếc, dập dờn mây trắng bay. Gió nhè nhẹ thổi qua cái lạnh 18 độ C. Nghe đâu đây có tiếng đàn piano văng vẳng.

      Tới chiều mới biết đàn piano được chơi bởi một nữ nghệ sĩ. Trên tàu có tới ba cây đàn này, một cây ở bar Paramona, một cây ở thư viện, một cây ở phòng lễ hội. Trên tàu còn có một nhạc công chơi đàn ghita, một chơi acoocđêông và một ca sĩ.

      Đã tới giờ ăn sáng. Chúng tôi lên nhà hàng trên tàu ở tầng 3. Nhà hàng có đủ chỗ cho gần 200 thực khách, mỗi bàn sắp xếp 2, 4 hoặc tối đa là 8 khách.

      Ăn sáng được tổ chức theo lối buffet. Mỗi bữa sáng có khoảng vài chục món. Có thể kể sơ lược vài nhóm sau. Nhóm bánh có: bánh mì đen, bánh mì trắng, bánh sừng bò, bánh trộn hạnh nhân, bánh điểm mứt... Nhóm từ sữa có: pho mát, bơ, kem, sữa tươi, yaout, sữa dâu, sữa đào, sữa lê, sữa táo... Nhóm thịt có: thịt heo xông khói, patê, thịt heo nướng, xúc xích, thịt bò, thịt gà. Có cả món cá muối sống. Nhóm trái cây và mứt khá đa dạng như: chà là, táo, nho, lê, chuối, cam và một số trái cây người viết không nhớ tên. Ăn xong, du khách được mời cà phê hoặc trà theo ý thích... Tôi chưa thấy trong các tour du lịch nào, kể cả ở Pháp và Mỹ, thực đơn các bữa sáng buffet lại đa dạng và phong phú như vậy. Đoàn Việt Nam còn được ưu ái thêm món phở, và có khi có cả cơm nữa. Dĩ nhiên, do không chuyên về món Việt Nam, cơm và phở do đầu bếp Nga nấu thường thua xa các món Nga về độ ngon miệng...

      Nhân tiện, cũng nói luôn về các bữa ăn trưa và chiều tự chọn trên tàu. Nhóm chúng tôi có 4 người, một ngày chúng tôi thường chọn tới 12 món. Trong những ngày trên tàu, chúng tôi thưởng thức khoảng hơn 120 món ăn truyền thống của người Nga. Một trải nghiệm hiếm có. Điều lạ là trong nhóm, có ba người ăn được rất ít các món nước ngoài, lần này ăn hết được các món ăn Nga. Đồ ăn, bánh kẹo mang từ Việt Nam qua phải mang về hết. Riêng tôi, tôi có thể ở lại Nga mà không gặp vấn đề gì, ngoài cản trở về ngôn ngữ. Tôi không biết tiếng Nga, một chữ cũng không biết...

      Người Nga sống thật hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Ở mỗi bữa ăn, chúng tôi ăn luôn cả âm thanh của những bản nhạc dân ca hoặc nhạc Nga cổ điển, hiện đại.

      Trong sáng 26, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Perterburg, một thành phố cổ kính được mệnh danh là Paris của phương Đông. Vượt trên đại lộ Nevsky nhộn nhịp, chúng tôi ghé thăm các nhà thờ Chúa cứu thế, Kazan, Issac. Vẻ đẹp của các nhà thờ chính thống giáo thật rực rỡ và mang màu sắc riêng. Nét riêng ấy thể hiện qua các mái vòm hình củ tỏi mạ vàng lấp lánh. Và đặc biệt, trong nhà thờ không có tượng Chúa mà chỉ có các bức tranh trên tường hay trên vòm mái rực rỡ nhiều màu sắc kể về các tích trong kinh thánh. Người đi nhà thờ phải đứng trong suốt thời gian hành lễ. Các tu sĩ hát các các bài thánh ca theo nhiều giọng trầm bổng khác nhau, không có ban nhạc kèm theo.

      Thi thoảng lại gặp những sân khấu đang được dựng bên đường. Hỏi mới biết Perterburg đang vào ngày kỉ niệm 300 năm ngày thành lập. Thành phố này trẻ hơn Sài Gòn 10 tuổi.

      Ấn tượng nhất là chụp hình với bức tượng Piter đại đế. Tôi thấy người và ngựa như đang bay lên trời. Thánh Gióng về trời. Piter thì xuống đất, đi khắp châu Âu học hỏi rồi về xây dựng nước Nga hùng mạnh. Ông là niềm tự hào dân tộc của Nga, là biểu tượng của người đàn ông Nga trí tuệ, mạnh mẽ, thực tế và mơ mộng, yêu nước Nga hơn cả máu thịt mình.

      Người phụ nữ anh hùng của Nga là Caterine đại đế. Bà là một phụ nữ Ba Lan, là hoàng hậu và về sau thành Nữ hoàng Nga cũng là biểu tượng cho của người phụ nữ Nga kiên cường, mềm dẻo, xinh đẹp mà hào hùng, thực dụng và mơ màng. Bà là người ra lệnh cho xây cung điện Mùa hè bằng vàng và cũng là người đưa nước Nga thành một đế quốc hùng cường lúc bấy giờ...

      Người Nga lấy họ làm hình mẫu để sống và vươn tới. Ngài Putin có trí tuệ và dáng dấp của hai bậc tiền nhân kia nên được người Nga đương thời rất tín nhiệm và kính trọng. Ông làm việc trong điện Kremlin, khu phủ tổng thống ở chỉ cách khu tham quan chỉ 50 m, không có hàng rào, bên ngoài chỉ thấp thoáng vài người lính bảo vệ...

      Chiều 26, chúng tôi đi đổi tiền ở một ngân hàng Nga cách bến du thuyền 7 km sau đó đi mua sắm ở một siêu thị gần đó. Tỉ giá hôm đó là 61400 rubs Nga/100 US Mỹ. Bến tàu cách trung tâm 30 km, tưởng là ngoại ô, ai ngờ đó cũng là một khu trong nội thành tương tự như quận 4 ở Tp Hồ Chí Minh có cảng Khánh Hội vậy. Đường đông nghịt ô tô, phố xá tập nập người đi lại, mua sắm...

      Đi từ siêu thị qua một khu chung cư lẫn trong một rừng cây, chúng tôi băng qua đường rẽ vào cổng bến tàu trồng đầy hoa. Chụp một kiểu ảnh nào. Tuyệt vời. Hay trên cả tuyệt vời đây...

      Buổi tối, chúng tôi lên xe đi ngắm Perterburg ban đêm trên du thuyền trên 60 km đường kênh đào từ thời Piter đại đế. Hai bên bờ kênh được người ta kè lát bằng đá hoa cương. So với sông Seine ở Paris thì hệ thống kênh đào ở Perterburg nhỏ hơn. Tàu du lịch cũng nhỏ, chỉ chở được khoảng 40 khách.

      Bến tàu ngay phía sau nhà thờ Issac, ra một đoạn ngắn là cung điện mùa đông. Tàu chạy qua kênh, vòng ra sông Newa. Bên kia là ngôi pháo đài cổ. Cứ 12 giờ trưa hàng ngày, pháo đài cho bắn một phát đại bác. Tục lệ độc nhất vô nhị này được duy trì từ lúc xây dựng Perterburg cho tới ngày nay. Khi tàu gần một cây cầu có thể đóng mở cho tàu thuyền qua lại trên sông Newa, nó lại từ từ rẽ vào kênh đào, chui qua hàng chục cây cầu bắc qua kênh. Các ngôi nhà năm, sáu tầng hai bên bờ kênh đã lên đèn. Thành phố tràn ngập ánh đèn lung linh huyền ảo. Như ở thiên giới hạ xuống trần gian...

      Ngày 27/5 sẽ là một ngày ăn chơi quần quật, ăn chơi vật vã nhé. Sáng thăm cung điện Mùa Đông, chiều ghé cung điện Mùa hè bên bờ biển Bantich cách bến tàu 50 km, tối lại tham gia tiệc cocktail cùng thuyền trưởng. Nào, đi ngủ thôi. Gần 24 giờ rồi. Hoàng hôn muộn gần đêm trắng ở xứ sở bạch dương vẫn còn đỏ rực trên dòng Newa êm đềm...

      Cung Mùa đông nằm ở ven sông Newa, thuộc trung tâm Perterburg. Nó được xây dựng từ thời Piter đại đế. Đây là bảo tàng trưng bày khoảng ba triệu tác phẩm nghệ thuật đủ các thể loại từ thời Caterine đệ nhị. Cung điện được ví như Louvre của phương Đông. Bên ngoài, cung điện sơn màu xanh lơ, màu bầu trời nước Nga cuối thu đầu đông. Ở đây, du khách được chụp ảnh, quay phim thoải mái.

      Cung điện Mùa hè được xây dựng theo lệnh của Nữ hoàng Caterine, cháu dâu của Sa hoàng Piter. Cung điện này cách Perterburg 50 km, nằm bên bờ biển Bantich. Từ cung điện, nhìn qua biển xa là đất nước Thụy Điển, Phần Lan. Cung điện rất rộng, ngoài phần cung điện, những rừng cây bao quanh nó có diện tích khoảng 16000 ha. Nội thất, mái vòm, các bức tượng và nhiều đồ vật trang trí ở đây đều được mạ bằng vàng thật. Như khoe sự giàu có, sang trọng. Như khoe sức mạnh của đế chế Nga. Nữ hoàng Nga đã từng sống ở đây trong những kỳ hè oi ả.

      Như một thông lệ, từ thời Piter đại đế đi khắp châu Âu học hỏi trở về xây dựng nước Nga, các công trình kiến trúc Nga như cung điện, nhà thờ chính thống giáo, cầu cống, xưởng máy...các Sa hoàng đều thuê các kiến trúc sư Italia thiết kế và trực tiếp xây dựng. Dĩ nhiên, quy mô những công trình của Nga thường to lớn hơn các công trình của Italia, Pháp...

      Tiệc cocktail diễn ra khá nhanh. Chủ tàu, một phụ nữ Nga khoảng 40 tuổi, có dáng dấp nhỏ nhắn, xinh đẹp giới thiệu thuyền trưởng và đội ngũ nhân viên trên tàu. Các thông dịch viên tiếng Pháp, tiếng Italia, tiếng Anh, tiếng Việt thay nhau dịch nội dung cho các đoàn du khách.

      Trong các ngày tiếp theo của hành trình, bên cạnh việc điều hành, giám sát các công việc trên tàu, mỗi ngày chủ tàu cùng đi chơi với một đoàn khách. Cũng cần nói thêm, các nhân viên trên tàu rất đa năng. Họ vừa là nhân viên tàu, vừa là hướng dẫn viên, phiên dịch... Họ coi khách như người nhà, thân thiện như anh chị em... Thật dễ mến...

      Ấn tượng về thành phố của Piter đại đế, tôi viết bài thơ "Perterbur" chỉ trong 15 phút, không sửa một chữ nào.

      Nước Nga
      Nguy nga những cung điện Mùa đông, Mùa hè
      Perterburg cuối xuân trong vắt

      Trời nước Nga
      Xanh trong từng đôi mắt
      Những nàng tiên Bantich Natasa

      Vang lên từ lồng ngực những bài ca
      Những cánh rừng
      Những dòng sông êm ả

      Ơi Peterburg
      Người cưỡi trên lưng ngựa
      Đều thấy mình mang gươm báu Pitơ

      Và, Catơrin
      Ở trong mỗi vần thơ
      Bao khát vọng của một thời con gái

      Nước Nga xưa
      Dân tộc Nga vĩ đại
      Hiện tại tươi cười hớn hở gặp tương lai...

      3. Yên tĩnh Madrogui

      Trong tiếng nhạc dương cầm êm ái, tàu MS Repin từ từ rời bến, ngược dòng Newa đến Madrogui, một làng quê Nga êm ả nằm bên bờ sông Svir dài 215 km đổ vào hồ Lagoda - hồ nước ngọt lớn nhất châu Âu. Địa danh này nổi tiếng bởi bảo tàng rượu vốt ca với khoảng 3080 loại được sưu tầm từ khắp nước Nga và các nước trên thế giới.

      Tôi tranh thủ đọc lại một bài thơ vừa viết đêm qua, bài "Nước Nga êm đềm".

      Rừng bạch dương chân trắng
      Nắng vin cành lá xanh
      Sông Nê va thầm lặng
      Trôi vào trong êm đềm

      Đàn hải âu tung cánh
      Cõng cả đêm trắng xanh
      Nước Nga xanh như mộng
      Mái nhà hồn xưa xa

      Bên sông chàng câu cá
      Ngồi sát con du thuyền
      Nói những lời có cánh
      Hơi thở mùi vốt ca

      Những nàng Natasa
      Váy chùng hoa sát đất
      Mắt long lanh tiếng hát
      Thơm hương dân ca Nga

      Nước Nga thơ mộng quá
      Con gái Nga thật thà
      Tình yêu không có mắt
      Không có gần có xa

      Nước Nga mùa đêm ngắn
      Chỉ tình em mãi dài
      Đêm nay là đêm trắng
      Yêu êm đềm không anh...

      Khi tàu qua âu tàu đầu tiên trong hành trình ở Nizhnesvirsky, tôi được Alfia cho biết: từ Perterburg về Moscow bằng tàu thủy, tàu phải đi qua 16 âu tàu. Dòng sông giống như một cái thang có nhiều bậc. Để đi ngược dần lên cao với độ chênh từ Perterburg đến Moscow khoảng hơn 165 mét, các con tàu phải vượt qua các âu tàu giống như âu tàu trên kênh đào Panama vậy.

      Quy trình tàu qua âu khá đơn giản: Khi tàu vào âu, phía trước cửa âu vẫn đóng. Tàu lọt hẳn vào trong âu thì cửa sau mới đóng lại để người ta bơm nước cho tới khi nước trong lòng âu cao bằng mực nước phía trên âu. Khi đó cửa âu phía trước mở cho tàu rời âu.

      Để đạt hiệu quả kinh tế, người ta thường cho 2 tàu qua âu cùng một thời điểm.

      Ở mỗi âu tàu đều có một nhà máy thủy điện.

      Nếu tính cả các nhánh sông, thủy lộ trên có 20 hệ thống âu tàu kết hợp thủy điện. Nghĩ tới sông Đà, sông Lô, sông Hồng và nhiều con sông khác ở quê nhà. Mơ người Việt học người Nga. Và như vậy, với nguồn thủy điện dồi dào, chúng ta đâu cần phải làm thêm các nhà máy nhiệt điện dễ làm ô nhiễm môi trường...

      Hệ thống này tạo ra những cảnh quan trù phú vừa hoành tráng vừa thơ mộng cho các vùng đất hai bên bờ của các con sông nước Nga.

      Xa xa, các ngôi làng thưa thớt mái nhà ẩn hiện dưới những rừng cây. Làng giữ nguyên những nét đẹp truyền thống của người nông dân Nga nhân hậu và hiếu khách.

      Trên sông không hề có một cọng rác, bèo bọt.

      Điệp điệp trùng trùng rừng bạch dương xanh mướt.

      Môi trường tự nhiên được giữ nguyên vẹn như nó vốn có. Thiên nhiên hình như chưa hề bị con người tàn phá, xâm hại.

      Nước Nga vĩ đại vì vừa hiện đại vừa cổ xưa. Cổ xưa trong hiện đại. Hiện đại bay lên từ cổ xưa.

      Người Nga vĩ đại vì yêu con người mà yêu thiên nhiên, quý trọng tài nguyên của đất nước, giữ những báu vật đó cho muôn đời con cháu và sự trường tồn của nước Nga.

      Trên cả tuyệt vời...

      Madrogui kia. Xanh mướt. Con đường còn nguyên sơ đá sỏi. Những mái nhà gỗ thấp thoáng sau những hàng cây nở đầy hoa.

      Nào, mời các bạn cạn chén, bà giám đốc bảo tàng rượu đon đả. Vốt ca uống một hơi một ly nhé. Nhậu với bánh mì đen và củ cải muối. Những thứ thể hiện tình cảm người Nga dành cho khách quý. Xong một ly, hãy hôn má người bên cạnh. Chà, chụt... Ai? Ôi, vẫn là Alfia...

      Say. Như một bợm rượu ngồi rũ trước cửa, tôi mua liền 4 chai vốt ca thượng hạng. Ngất ngưởng ra nhà hàng ăn thịt nướng theo kiểu Nga...

      Madrogui, Madrogui... Con tàu lại rời bến êm đềm trong tiếng nhạc tan vào trời xanh lơ, nước xanh thẫm...

      4. Êm đềm đảo Kizhi

      Hòn đảo dài 6 km, rộng 1 km nằm ở phía bắc hồ Onega, nổi tiếng bởi các nhà thờ bằng gỗ cổ của Nga. Ở đây có nhà thờ gỗ biến hình với 22 mái vòm được xây dựng từ năm 1714. Từ năm
      1862 -1864, người ta cho làm thêm bức tường gỗ bao quanh nhà thờ, gác chuông và cối xay gió, nhà nguyện. Đảo Kizhi phủ đầy hoa cúc vàng, bồ công anh.

      Tại nơi này, tôi biết thêm, các dòng sông bắc Nga tôi qua, vào mùa đông đều đóng băng hết. Tàu du lịch, phải nằm tại bến trong suốt 3, 4 tháng. Người đi câu, ra giữa sông băng đục một lỗ, thả dây câu. Bếp nướng bên cạnh, được con cá nào nướng liền nhậu với rượu vốt ca thật đã. Mùa đông Kizhi không một bóng người. Chỉ mùa hè, mùa thu người ta mới quay trở lại đây với công việc, chủ yếu liên quan đến du lịch.

      Ấn tượng nhất ở đây là giọng ca ba bè của ba tu sĩ. Nghe như thoát tục.

      Và khi rời đảo, không thể nào quên bản nhạc chuông kì diệu. Người gõ chuông kéo những chiếc cần gõ vào các vị trí khác nhau của chuông, tạo nên một bản nhạc, nghe thánh thót như âm thanh của một chiếc piano khổng lồ vọng từ xa xanh xuống nhân gian gió nắng.

      Về tới tàu, đọc báo, tôi được biết dự án ba đặc khu kinh tế ở Việt Nam đang được Quốc hội thảo luận theo chiều hướng cho thông qua. Quá thương nước Việt trong thời vận nước gieo neo, tôi cầm bút như đã từng cầm súng thời đánh Mỹ, viết nhanh bài thơ "Ta sẽ cầm một khẩu AK" để tỏ chí khí của một ngưởi dân nước Việt.

      Tổ quốc
      Vú mẹ ta cạn sữa
      Tuổi thơ ta cọc cằn
      Chết khát dưới cơn mưa

      Dẫu đói khổ
      Dẫu chạy ăn từng bữa
      Ta đã từng có những giấc mơ

      Ta đã từng đỏ mắt khóc Nguyễn Du
      Ta sang sảng đọc Bình Ngô đại cáo
      Tự bé con đã mang dáng anh hào

      Ôi Tổ quốc
      Đánh Pháp rồi đánh Mỹ
      Ta giải phóng ta mà ta tự cầm tù

      Tưởng độc lập tự do
      Người đói nghèo hạnh phúc
      Giấc mơ con mây khói cũng tan mơ

      Đất nước tan hoang
      Lũ tham tàn bán nước
      Chưa thỏa lòng tham muốn bán đứng toàn dân

      Ơi Tổ quốc
      Mẹ ta không thể chết
      Ta không thể làm trâu ngựa ngoại bang

      Từng tấc đất máu xương ta phải giữ
      Phố con con hay một mảnh hồn làng

      Ơi Tổ quốc
      Trước ngoại bang ngang ngược
      Ta sẽ lại cầm một khẩu AK
      Dân tộc này chưa bao giờ khuất phục

      Ta ngã xuống
      Để nước non đứng thẳng
      Đạp xuống chân lũ bán nước quỷ ma

      Đất Mẹ sẽ nở hoa
      Bình minh rồi ló dạng
      Tiếng hát em ta lại bừng sáng nước Nam nhà...

      5. Giản dị thị trấn Goritsy,

      Thị trấn này chỉ có 7000 dân và vài ngôi làng xung quanh, mỗi làng có trên dưới 300 người. Nơi đây có Tu viện Cyril, với diện tích 12 ha, được xây dựng từ năm 1837. Tu viện được các Sa hoàng Nga đặc biệt quan tâm.
      Các tác phẩm nghệ thuật ở đây thật đặc biệt. Khi được đưa ra nước ngoài triển lãm, tiền bảo hiểm cho mỗi tác phẩm thường là 1 triệu UD Mỹ. Có hàng trăm tác phẩm như vậy ở tu viện và cũng là nhà tù này.

      Rời tu viện, chúng tôi ghé thăm nhà anh Sergey, một nông dân đồng thời cũng là một kiến trúc sư. Trong một khu đất rộng khoảng 2000 m vuông, gia đình anh dựng tới 3 , 4 căn nhà. Căn nhà mới nhất, anh làm 12 năm mới xong là nơi anh tiếp khách. Ngôi nhà bằng gỗ 100%. Tường bằng gỗ tròn có bán kính 15 cm chồng lên nhau. Cột, kèo, laphong, cửa...đều bằng gỗ. Lò sưởi đặt ở giữa nhà, trên nóc là giường ngủ. Mùa đông người Nga ăn ngủ , làm việc ở trong nhà nhiều hơn là ra ngoài. Có lẽ người ta dùng danh từ gấu Nga để chỉ người Nga có xuất xứ từ lối sinh hoạt này.

      Anh Sergey vui vẻ đem nước trà và bánh trái ra tiếp chúng tôi. Chia tay hai, ba lần cũng không dứt được nhau.

      Người nông dân Nga sống rất giản dị. Họ kiếm sống bằng việc trồng rừng, trồng rau củ quả, săn bắt và đánh cá. Riêng việc săn bắt thú và đánh cá bằng lưới phải có giấy phép. Đi câu chỉ là thú vui, câu được cá, người ta hầu như lại thả về sông. Có lẽ vì thế, trên hành trình, tôi chỉ trông thấy có hai con thuyền thả lưới trên sông. Thu nhập của họ khoảng 500 đến 1000 US/ tháng.

      Cũng như phần lớn các nước trên thế giới, giới trẻ Nga đi học rồi ở lại các thành phố lớn để làm việc. Ở các vùng quê chỉ còn ông già, bà lão, phụ nữ. Vào các dịp lễ tết, các ngày nghỉ cuối tuần, những người trẻ tuổi mới về thăm quê. Người ở gần quê thì vừa có nhà ở thành phố vừa có nhà vườn ở quê. Thứ bảy, họ lái xe về quê làm vườn, câu cá, bơi thuyền, chiều chủ nhật lại ào ào chạy về với phố xá, công việc chính.

      Tôi có cảm giác người Nga làm du lịch toàn dân.

      Và nhà nước làm du lịch tổng thể. Nạo vét sông, làm âu tàu, thủy điện, tạo bến tàu cho các điểm du lịch, ...các tỉnh riêng rẽ không thể làm nổi. Chỉ có nhà nước liên bang mới có khả năng thực hiện được sau khi có một tầm nhìn vĩ mô đúng đắn và được tính toán một cách khoa học.

      6. Khó quên thành phố Yaroslavl

      Ngày 31/5 chúng tôi ghé Yaroslavl. Thành phố bé nhỏ này có tuổi bằng thủ đô Hà Nội, thành lập năm 1010. Thành phố nằm giữa nơi hợp lưu của sông Volga và sông Kotorosl. Tuy chỉ có 70000 dân nhưng thành phố lớn gấp ba lần Biên Hòa. Đường xá, nhà cửa không khác gì mấy so với Perterburg. Ở đây, tôi mua được ba cái đồng hồ báo thức cho các cháu. Đồng hồ cổ, vặn dây cót, chuông kêu rất to. Thích chí vô cùng, vì tìm đâu cũng không có.

      Buổi tối hôm ấy, đối với tôi, là một tối không thể nào quên. Theo chủ đề bữa tối, tôi đóng vai cướp biển. Trên đầu đội mũ len đỏ, quấn một vòng khăn. Mặt lấy chì kẻ lông mày của bà xã vẽ râu con kiến, má vạch vài vết sẹo. Lưng quấn một cái khăn, giắt một con dao găm gấp bằng giấy. Có gì dùng nấy mà hợp vai như thật. Trẻ con trông thấy cứ khóc rú lên vì sợ, còn người lớn thì cười vỡ cả bụng. Cùng với các tướng cướp khác chúng tôi đón khách và "lột" đồ của họ. Người bị cướp khăn, túi trang điểm, người bị lột kính, áo khoác... Vui nhộn không tả xiết.

      Đúng lúc đó, ban tổ chức thông báo về một sự kiện đặc biệt cho một người đặc biệt. Đó là người được MS Repin tổ chức sinh nhật đúng vào ngày lên tàu. Một phiên dịch xướng tên tôi. Trong tiếng vỗ tay không dứt, cô chủ tàu khoác tay tôi đi về phía sân khấu. Hai cái bánh sinh nhật khổng lồ được trao cho tôi trong tiếng nhạc của bài "Chúc mừng sinh nhật" bằng tiếng Anh vui nhộn.

      Tôi cắt bánh, lần lượt đi đến từng bàn chia cho mọi người. Những tràng pháo tay, những nụ cười, những lời chúc tốt đẹp bằng nhiều thứ tiếng khiến tôi như trẻ lại. Tôi cám ơn mọi người bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi nổi tiếng trên tàu từ hôm ấy. Mấy ông già, mấy bà người Pháp gặp tôi đều chào hỏi và nói chuyện về gia đình cho nhau biết, chia sẻ...

      Nói thật, đây là lần đầu tiên tôi được người khác tổ chức sinh nhật cho mình. Lại ở nước ngoài. Trên một con tàu sang trọng. Và con người thì dư từng trải và lịch lãm...

      Một bà người Italia hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi nói 66. Bà ấy khen, trẻ quá, đáng yêu quá, We love you very much... Oui, Je vous aim beaucoup...
      Sướng thật !

      7. Thành phố Uglich, vệ tinh của Moscow

      Thành phố này nằm bên bờ sông Volga. Rẽ lên bờ, du khách ghé thăm khu nhà thờ được gọi là Kremlin của Uglich. Du khách cũng có thể ghé chợ mua một số sản vật địa phương. Chợ đẹp, gọn gàng, hàng hóa rất rẻ. Giá thịt bò, thịt heo, thịt gà ngang giá ở chợ Phú Nhuận, trên dưới 100 ngàn/kg. Giá trái cây cũng rẻ. Riêng sữa, rẻ đến bất ngờ, 16 ngàn/lit.

      Bất ngờ nữa là giá rượu vốt ca. So với giá ở bảo tàng rượu, mỗi chai baluga cá mập đen, rẻ 700 rubes, tức là 1800 rubes/chai. Thế là có hứng, ôm thêm một em...

      Tối, tiệc chia tay thuyền trưởng diễn ra. Ngay sau tiệc là chương trình Tìm kiếm tài năng trên tàu Repin. Du khách từng nước đều tham gia. Việt Nam hát đồng ca bài Cachiusa, tôi làm nhạc trưởng. Anh Hưng song ca với Alfia bài Tình ca du mục vừa lời Nga, vừa lời Việt. Lễ hội kết thúc bằng tiết mục múa Hồ thiên nga do nhóm diễn viên quốc tế, trong đó có tôi biểu diễn. Vui ơi là vui. Ai cũng cười như chưa từng được cười vậy.

      8. Lưu luyến Moscow

      Trong hai ngày 2 và 3/6 chúng tôi tham quan Moscow, thủ đô Liên bang Nga. Thành phố rộng 879 km vuông, số dân chính thức ở đây là 12 triệu người. Trên đường rất vắng người đi lại. Ngoài ô tô con, thi thoảng lại xuất hiện những chiếc xe điện, xe bus có rất ít người đi. Dĩ nhiên khi xuống lòng đất, tới các ga xe điện ngầm, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy những dòng người qua lại, lên xuống các ga.

      Đường xe điện ngầm ở Nga chỉ có hai tầng. Nét đặc biệt là ở giữa trung tâm có một đường hầm hình tròn với độ dài hơn 100 km. Từ đây có nhiều nhánh tỏa về nhiều hướng. Người ta xuống tàu điện ngầm bằng thang máy cuốn và đi đâu tùy ý. Khi ra khỏi hầm cũng bằng thang máy, nếu quay lại phải trả tiền mua vé mới. Giá cực rẻ, 22 rubes/lần. Vì vậy, đây là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Moscow.

      Nét đặc trưng của đường hầm xe điện ở đây là mỗi đường hầm, mỗi nhà ga đều là những công trình nghệ thuật nhiều hình khối, màu sắc. Đẹp đến mê hồn.

      Người Nga rất lịch sự. Trên xe điện, người ta vui vẻ nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ. Ba lần chuyển ga, tôi đều được các cô gái nhường chỗ. Có lần, tôi nhường ghế cho một cô gái, cô ấy cười, ý nói, ông già rồi, mời ông ngồi...

      Quảng trường Đỏ đông nườm nượp người, không rộng như tôi tưởng. Ngôi sao đỏ xoay theo chiều gió. Bên kia là nhà thờ Bazil, nơi giáo chủ chính thống Nga cư ngụ. Phía xa là nhà bảo tàng với hai tháp nhọn cao vút. Ở giữa là điện Kremlin, nơi tổng thống Nga Putin ở và làm việc. Màu xanh ngọc bích, màu hồng, màu vàng và màu trắng là những gam màu chủ đạo của khu trung tâm quyền lực này.

      Chúng tôi ngang qua phố nhà giàu Nga. Trên con phố này, một căn phòng chung cư 70 mét vuông có giá 2 triệu đô. Các căn biệt thự nhà vườn có giá từ năm đến mười triệu đô. Phố không một bóng người.

      Trở lại ngoại ô, chúng tôi tới thăm Đại học Tổng hợp Lomonoxop, nơi đào tạo ra nhiều nhân tài cho nước Nga. Cho nhân loại. Trong đó có Việt Nam.

      Từ đây có thể nhìn bao quát Moscow trùng điệp nhà cửa, nhà thờ và nhìn thấy cả sân vận động sắp diễn ra World cup 2018.

      9. Suy tư từ cảm xúc

      Tới đây, tôi được chứng kiến sự hồi sinh khá ngoạn mục và hoàn hảo của nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

      Sự hồi sinh bắt đầu từ sự bao dung, dung hòa chính trị. Người ta ít nhắc tới thời xô viết nhưng các biểu tượng của thời đó như lăng Lenin, các bức tượng Các Mác, Angghen, Lenin, Goocki, Bielinxki, Maiacopxki...vẫn sừng sững bên các bức tượng Piter đại đế, Caterine đại đế, Leptonxtoi, Puskin, Traicopxki... Người ta ca ngợi các Sa hoàng nhưng cũng coi Lenin, Stalin, Khorutxep...là một phần lịch sử huy hoàng của dân tộc Nga vĩ đại.

      Sự phục sinh rõ nhất là phục sinh đời sống tâm linh và tự hào dân tộc. Sau năm 1945, chính thống giáo Nga, một nhánh của đạo thờ chúa phương Đông bị cấm hoạt động. Tôn giáo thể hiện rõ tinh thần độc lập dân tộc này bừng bừng sức sống phục sinh ngay sau năm 1991. Suốt 2000 cây số tôi đi qua, hai bên bờ sông, cứ một đoạn vài km lại có một hoặc hai nhà thờ in bóng hình xuống mặt nước. Trong các thành phố, nhà thờ trở thành biểu tượng Nga hiện diện thật rực rỡ.

      Sự phục sinh nước Nga cũng bắt đầu bằng mở cửa. Ở Nga, chẳng thiếu một thứ hàng hóa nào của các nước Âu Mỹ. Tuy nhiên, hàng hóa Nga cũng đầy ăm ắp trên các kệ hàng. Đúng thế, người Nga tiêu dùng hàng nước mình sản xuất là chính. Phương Tây rất cần nhưng không chi phối được nước Nga.

      Sự phục sinh ấy nhờ nội lực của chính nước Nga, đất nước rất giàu tài nguyên. Đất đai mênh mông. Rừng xa tít tận chân trời. Sông biển nhiều nước ngọt, cá tôm... Người Nga giữ được chúng, có chế tài để con người không tàn phá thiên nhiên, môi trường sống của họ.

      Trên tất cả, người Nga có một người lãnh đạo thiên tài là ngài Putin.

      Cuối cùng, quan trọng nhất là, dân tộc Nga đã giữ được những giá trị truyền thống đạo đức của họ. Dũng cảm, trung thực, thật thà, bao dung, nhân ái là những phẩm chất chính của người Nga, những con người sống rất cá nhân song cũng luôn vì cộng đồng, thực tế song cũng rất mộng mơ...

      Tôi yêu mến nước Nga vì đây là đất nước dám vì mình mà từ bỏ chính mình. Để trở thành chính mình trong độc lập, tự do, dân chủ. Nói khác đi là tìm thấy mình trong hạnh phúc...

      Tôi mơ Việt Nam sẽ lại xuất hiện một lãnh tụ thiên tài. Mơ dân tộc sẽ mở ra một trang mới chói lọi. Ít nhất, cũng gần được như người Nga đã đi. Giấc mơ ấy, tôi tin rồi sẽ đến. Đơn giản, vì dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Và, trong chúng ta, hãy lạc quan tin rằng, còn rất nhiều anh hùng.

      10. Nhìn âu tàu ở nước Nga: Nghĩ về các dòng sông Việt

      Khi tàu M.Repin - một trong những con tàu du lịch nổi tiếng của Nga chạy trên sông Newa, sông Sver, sông Volga, sông Moscow - qua âu tàu đầu tiên trong hành trình ở Nizhnesvirsky, tôi được biết: từ Perterburg về Moscow bằng tàu thủy, tàu phải đi qua 16 âu tàu. Dòng sông giống như một cái thang có nhiều bậc. Để đi ngược dần lên cao với độ chênh từ Perterburg đến Moscow khoảng hơn 165 mét, các con tàu phải vượt qua các âu tàu giống như âu tàu trên kênh đào Xuy-ê vậy. Quy trình tàu qua âu khá đơn giản: Khi tàu vào âu, phía trước cửa âu vẫn đóng. Tàu lọt hẳn vào trong âu thì cửa sau mới đóng lại để người ta bơm nước cho tới khi nước trong lòng âu cao bằng mực nước phía trên âu. Khi đó cửa âu phía trước mở cho tàu rời âu. Để đạt hiệu quả kinh tế, người ta thường cho 2 tàu qua âu cùng một thời điểm. Ở mỗi âu tàu đều có một nhà máy thủy điện. Nếu tính cả các nhánh sông, thủy lộ trên có 20 hệ thống âu tàu kết hợp thủy điện.

      Nhìn những âu tàu nói trên, tôi chợt nghĩ tới sông Đà, sông Lô, sông Hồng và nhiều con sông khác ở quê nhà. Mơ người Việt học người Nga. Và như vậy, với nguồn thủy điện dồi dào, chúng ta đâu cần phải làm thêm các nhà máy nhiệt điện dễ làm ô nhiễm môi trường. Với nguồn điện ấy, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp. Vận tải sông sẽ vô cùng thuận lợi, giá cả hàng hóa sẽ rẻ, phù hợp với túi tiền của đại chúng. Và, nếu có chiến tranh, mỗi âu tàu kia sẽ thành một pháo đài. Thành nơi giấu tàu chiến. Ẩn hiện như thần.

      Ở miền Bắc, trên sông Đà, sông Lô, sông Chảy,...mỗi con sông có thể làm hàng chục âu tàu. Lượng nước lưu giữ được sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô tận. Để tưới tiêu cho những cánh đồng khô hạn Bắc bộ. Chẳng còn sợ Trung Quốc chặn nguồn. Chẳng còn sợ con ngáo ộp bom nước của nước láng giềng nào.

      Ở miền Nam, nếu làm được các âu tàu trên các nhánh sông Mê kông ở các vị trí có độ dốc phù hợp, ta sẽ cứu được đồng bằng sông Cửu Long vì nước mặn biển Đông sẽ không thể xâm nhập sâu vào đất liền nữa. Cá tôm sẽ lại vô tận như xưa. Và như vậy, cho dù Trung Quốc, Lào, Campuchia có xây dựng các đập thủy điện ở thượng lưu sông Mê kông, ta cũng không hề bị lệ thuộc.

      Ôi, mơ ước ! Mơ có những nhà lãnh đạo vì dân, có tầm nhìn xa để làm những việc vĩ đại ấy. Chớ không phải chỉ tới Bạc Liêu nhìn nước biển làm mất đi nhiều diện tích lúa ở đây, lo Trung Quốc chặn dòng, rồi sợ họ. Vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn. Việc gì dựa vào dân cũng làm được hết. Miễn là còn yêu nước...

      Và lúc ấy, khi đã thoát khỏi nỗi sợ thiếu nước ngọt theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, việc xây các thành phố, đường xá, cầu cống, sân bay hiện đại, biến nông thôn cũ thành nông thôn mới, chỉ là chuyện nhỏ...

      Sài Gòn tháng 6/2018
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.09.2023 16:06:18 bởi Nguyễn Quốc Văn >
      #3
        Nguyễn Quốc Văn 01.01.2024 16:05:45 (permalink)
        TẶNG EM MỘT TRĂM 
        TÁM BA BÔNG HỒNG
         
        Một năm có một trăm tám mươi ba ngày của đàn ông (theo số dương một, ba, năm, bảy, chín); có một trăm tám mươi hai ngày của đàn bà (theo số âm hai, bốn, sáu, tám). 
         
        Thêm một ngày phụ nữ hai mươi tháng mười cho âm dương, cho đàn ông, đàn bà trọn vẹn. 
         
        Anh tặng hoa cho em cũng là tặng chính anh: Một trăm tám mươi ba bông hồng như đất trời tự ngàn xưa ước hẹn...


         

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.01.2024 08:40:35 bởi Nguyễn Quốc Văn >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9