CỐ NHÂN
Một sớm mùa mưa năm 1991. Khi ấy, tôi mới chuyển vào Sài Gòn được gần ba mùa nắng. Phạm Quang Trung, bạn cùng học với tôi hồi cấp 3 ở quê, lúc ấy đang làm ở Bộ Thương mại, đi chiếc xe máy Honda 67 đỗ xịch trước cửa nhà tôi ở đường Xóm Chiếu, quận 4. Trung nửa đùa nửa thật bảo: "Cậu xin phép vợ đi. Rồi lên xe đi chơi với tớ nhé". "Đi đâu?". "Sang chơi với anh Vũ Thư Hiên. Anh ấy viết hay lắm. Cùng quê Nam Ninh, Nam Định mình mà". Tôi bảo: "Đi chơi thì cứ đi thôi, tớ chưa đọc văn anh ấy viết bao giờ". Trung cười: " Bông hồng vàng của Pautopxki là do anh ấy dịch đấy". "Ồ, vậy thì tớ biết. Tuyệt vời. Ta đi thôi".
Từ nhà tôi sang chung cư Nguyễn Thái Bình, quận 1, nơi gia đình anh Hiên tá túc không xa lắm. Chung cư cũ. Cầu thang bộ. Mỗi căn hộ chỉ khoảng 24 mét vuông. Hành lang các tầng la liệt bàn ghế và các thứ đồ dùng cũ nát bỏ đi chưa có ai dọn. Nói chung là nhếch nhác. Leo lên tới tầng 6, tôi ù hết cả hai tai. Trung thở hổn hển: "Phới phơi phồi" (Tới nơi rồi). Nói xong, Trung tự đẩy cửa bước vào phòng.
Trong phòng, trên một cái ghế băng dài kê bên một cái bàn ọp ẹp có ba người đàn ông khoảng gần sáu mươi tuổi đang ngồi. Trên bàn có một chai rượu trắng nút lá chuối và ba ly rượu đã vơi nửa. Hình như họ vừa uống rượu suông vừa nói với nhau một chuyện gì xúc động lắm. Trên khóe mắt người đàn ông quắc thước, râu bạc trắng còn ngân ngấn nước mắt.
Người trẻ nhất đứng dậy và giới thiệu Trung với hai người bạn già, rằng, Trung là người giúp đỡ anh rất nhiều trong công việc làm ăn kiếm sống. Trung quen Minh Phụng, một đại gia ở Sài Gòn. Mà Hiên này lại đang làm cho Minh Phụng. Anh quay sang phía tôi rồi chỉ tay vào hai người bạn, cười : " Ông này là Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim. Ông này là Hoàng Yến. À, còn anh, hai ông này gọi anh là Vũ Thư Hiên". Tôi dạ, rồi tự giới thiệu mình với các bậc đàn anh. Anh Hiên khen tên đẹp quá. Chắc văn cũng sẽ rất đẹp đây. Trung chen vào: "Thằng này viết tản văn hay lắm đó anh, cả truyện và thơ nữa. Nó lấy được vợ đẹp là nhờ văn chương đấy". "Thế thì giỏi. Chúc mừng em", anh Hiên cười khẽ, rót cho tôi và Trung mỗi đứa một ly rượu. Anh bảo chúng tôi lấy hai cái ghế nhựa cùng ngồi đàm đạo văn chương cho vui.
Hôm ấy, Hữu Loan đọc Màu tím hoa sim cho chúng tôi nghe. Ông kể chuyện đời ông. Được một đoạn, ông dừng lại và sụt sùi khóc. Bùi ngùi khôn xiết. Ông khóc to hơn lúc kể ông tới nhà Vũ Thư Hiên tá túc. Khổ. Nào bạn có khá giả gì hơn. Nhưng mà, mến tài nhau, trọng cái chí khí khảng khái của nhau mà lặn lội tới thôi. Chứ thân ta, bụi bờ, cống rãnh, thồ đá, đánh dậm kiếm miếng ăn ta đâu có sá chi.
Ông Hoàng Yến lặng đi. Ông nắm chặt tay ông Hữu Loan, an ủi, đại ý: sống và viết như ông, nói thật, chết cũng cam lòng. Ông Hữu Loan đưa tay phải cầm ly rượu trước mặt ông Hoàng Yến, nâng ngang mắt, tay trái che miệng, mắt nhắm lại, nhắp một ngụm nhỏ, cười...
Năm tháng đưa thoi. Sau lần ấy, Hữu Loan rồi Hoàng Yến lần lượt về trời. Anh Vũ Thư Hiên sang Nga. Cuối năm ấy anh gửi cho tôi một cái thiệp chúc Tết từ Moscow. Ngoài việc chúc sức khỏe cả gia đình tôi, anh dặn nhớ viết cho hay. Hay mới viết. Không hay không viết. Cũng là một ân tình. Thật khó quên. Cũng từ đó, tôi tìm đọc anh. Và thật lạ lùng, giọng văn, hồn văn trong cuốn Miền thơ ấu của anh có những nét hao hao như giọng văn và hồn văn trong cuốn Thao thức nỗi niềm quê của tôi đến thế. Về sau, tôi ngộ ra, văn của anh và của tôi cùng bắt nguồn từ một dòng chảy. Hồn sông Đào, sông Ninh, sông Đáy. Hồn Vị Xuyên, Trực Ninh, Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Nghĩa là hồn Nam Định. Thẳm sâu. Ngọt ngào. Dữ dội. Dịu dàng...
Trung ơi, giờ cậu ở đâu? Số phận ra sao? Cậu hạnh phúc hay bất hạnh? Biền biệt ba mươi hai năm. Tớ và cậu đều đã già rồi. Biền biệt...
Anh Hiên, sau ba mươi hai năm ba đào, từ Pháp đã trở về. Tớ đã gặp lại anh ấy. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, không còn đủ nước mắt để khóc. Tớ đã châm lửa cho anh Hiên hút thuốc lá. Anh ấy, một người 90 tuổi, run run lấy thuốc lá mời em mình hút. Nào, thở khói quên đi và bỏ qua hết đi em. Trung ơi, giờ cậu ở đâu? Hãy trở về châm lửa cho anh Hiên hút một điếu nhé. Cậu có bài thơ nào hãy đọc thật to cho tớ và anh Hiên nghe. Nhé Trung...
Trung ơi, bây giờ cậu có thể tưởng tượng ra giây phút tớ đọc thơ cho anh Hiên nghe không. Bài Người Nam Định. Rồi bài Vũ Thư Hiên. Chân dung của anh ấy đây.
"Miền thơ ấu dấu nắng quê
Đói nghèo, Chúa cũng nón mê đội đầu
Đêm giữa ban ngày đớn đau
Hỏa Lò, Bất Bạt bạc mầu tóc đen,
Thời gian tạc Vũ Thư Hiên
Ngục tù giam gió phơi tên một thời
Chỉ đốm lửa mới lóe thôi
Văn chương đủ cháy sáng trời tự do"...
Trung ơi, nếu được gặp lại cậu ở Sài Gòn hay ở bất cứ nơi đâu, nhất định tớ sẽ viết về sự mất hút của cuộc đời cậu và đọc thơ cho cậu nghe. Với điều kiện là cậu không được khóc. Và chúng ta sẽ lại nhâm nhi vài ly rượu nhỏ cùng anh Vũ Thư Hiên nhé. Ba mươi hai năm. Đã vắng rất nhiều người...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.09.2023 12:12:50 bởi Nguyễn Quốc Văn >