XVI
15 tháng Bảy. Coi chừng máu đổ!
Bọn chúng cần đến nó, muốn nó! Cảnh bần cùng lút ngập chúng, chủ nghĩa xã hội xâm lấn chúng.
Trên bờ sông Xprê cũng như trên bờ sông Xen, nhân dân đau khổ. Nhưng, lần này, đau khổ của họ có những người thầy cãi vận áo bludơ, và đã đến lúc phải trích cho dòng nhựa của của lực lượng mới trào ra, để cho sức bồng bột của quần chúng tiêu tan trong tiếng đại bác, cũng như cái khí lỏng giết người tan đi trong lòng đất khi sét nổ.
Có thể thắng trận hay bại trận, nhưng phong trào nhân dân sẽ bị chọc thủng bởi hàng lưỡi lê dàn trận, đập tan bởi con đường ngoắt nghéo của những chiến thắng và những chiến bại.
Bọn mục sư của giai cấp tư sản Pháp hoặc Đức, nhìn từ trên cao và từ xa, nghĩ như vậy đấy.
Vả chăng, những quần dạ đỏ và quần cộc ở Compienhơ không nghi ngờ về cuộc diễu hành chiến thắng của các trung đoàn Pháp qua nước Đức bị thôn tính.
Tới Beclanh! Tới Beclanh!
Tôi suýt bị một bọn hiếu chiến giết chết ở một góc phố, vì tôi đã thét to niềm kinh tởm chiến tranh ở trước mặt chúng. Chúng gọi tôi là thằng Phổ, và chắc chúng đã đánh tôi nhừ tử nếu tôi không thét tên tôi vào mặt chúng.
Bấy giờ chúng mới buông tôi ra… vừa gầm gừ:
- Đây không phải là một thằng Phổ, nhưng cũng chẳng hơn gì! Cái hạng này không tin ở Tổ quốc, ở anh em bè bạn, và chúng cũng cóc cần nếu các Chính phủ Châu Âu chửi chúng ta!
Tôi nghĩ rằng tôi cóc cần, thật đấy!
Tối nào cũng thế, những cuộc cãi cọ sẽ kết thúc bằng những trận quyết đấu, nếu chính những kẻ xa xả vào tôi không nói là phải giữ gìn tính mệnh để chống quân thù.
Và những kẻ sôvanh nhất trong cuộc cãi lộn thường lại là những người tiến bộ, những bộ râu của năm 48, những cựu chiến binh, họ hay ném vào mặt tôi bản hùng ca của mười bốn đạo binh ở đồn Mayăngxơ, của những tình nguyện quân ở Xămbrơ-ê-Mơdờ và của chiến đoàn thứ 32! Họ ném tôi bằng những chiếc guốc của tiểu đoàn Mơdelờ; họ chọc vào mắt tôi ngón tay của Cacnô và túm lông mũ của Klêbe!
Chúng tôi đã lấy những băng vải và dùng những que gỗ nhúng vào một bát mực, để viết lên trên: “Hòa bình muôn năm!”, xong chúng tôi diễu cái đó qua khắp Pari.
Người qua đường nhảy xô vào chúng tôi.
Có bọn cảnh sát trong đám những người đánh chúng tôi, nhưng chúng chẳng phải ra hiệu gì cả. Chúng chỉ cần hòa theo cơn thịnh nộ của công chúng, rồi chọn, trong đám hỗn loạn, những ai mà chúng nhận ra vì đã thấy họ tại các cuộc âm mưu, những cuộc họp, ngày biểu tình Bôđanh hoặc đưa đám Victo Noa. Hễ chúng chỉ vào ai, lập tức gậy bịt chì và chùy sắt nện lấy được! Bôe
[29] suýt bị đánh chết, một anh khác bị ném xuống sông!
Một đôi khi tôi bỗng có những hối hận hèn nhát, những ăn năn tội lỗi.
Đúng vậy, trong tim tôi xô tới những cơn hối tiếc – tiếc cho tuổi trẻ bị hy sinh, cuộc đời bị đầy đọa vào cảnh đói khát, lòng kiêu hãnh bị ném cho chó, tương lai bỏ phế vì một đám đông mà tôi tưởng như có một tâm hồn, và tôi muốn một ngày kia, đem cống hiến tất cả sức lực của tôi đã thu góp được một cách đau đớn.
Ấy thế mà, cái đám đông ấy, họ đang theo gót bọn lính như thế đấy! Họ bước theo các trung đoàn, họ hoan hô các bọn tướng tá mà lon ngù còn đẫm máu tháng Chạp – và họ thét “Giết đi!” chống lại chúng tôi là những người muốn đem rẻ rách để bịt miệng kèn đồng!
Ôi chao! Đấy là cuộc vỡ mộng lớn nhất của đời tôi!
Qua tủi hổ và thất vọng, tôi vẫn còn giữ hy vọng là một buổi sáng nào đó, quảng trường công chúng sẽ trả thù cho tôi… Trên quảng trường này, người ta vừa nện tôi một trận nhừ tử; lưng tôi đau dần và lòng chán nản!
Nếu ngày mai một con tầu muốn nhận tôi và đưa tôi tới cùng trời cuối đất, tôi sẽ đi – đào ngũ vì ghê tởm, bất phục tùng thật sự!
- Thế anh không nghe thấy tiếng Macxâye à?
Tiếng Macxâye bây giờ của các anh, nó làm tôi kinh khủng! Nó đã trở thành một bài tụng ca Nhà nước. Nó chẳng lôi cuốn những người tình nguyện, nó dẫn dắt những đàn cừu. Đấy không phải là tiếng mõ khua bởi lòng phấn khởi thật sự, đấy là tiếng chuông kêu leng keng ở cổ đàn gia súc.
Con gà trống nào cất tiếng gáy trong trẻo trước lúc các trung đoàn chuyển động? Tư tưởng nào xao xuyến trong những nếp cờ? Năm 93, những lưỡi lê từ lòng đất nhô lên với một tư tưởng ở ngọn – như một ổ bánh mì to!
Ngày vinh quang đã đến!
Phải, rồi các anh sẽ thấy cái đó!
Quảng trường Điện – Buôcbông.
Hôm tuyên chiến, chúng tôi đứng trước Viện lập pháp, cả ba người, Theix, Avrian và tôi.
Trời nắng to, những người phụ nữ xinh đẹp xuất hiện với bộ quần áo mới hoa cài ở ngực.
Viên Thượng thư Bộ Chiến tranh, hoặc một kẻ nào khác vừa tới lăng xăng, trong một chiếc xe hòm mới, ngựa đóng hàm bạc kéo.
Dường như là một ngày hội của giới Thượng lưu, một yến tiệc, một Lễ Tạ ân tại nhà thờ Đức Mẹ trong không khí thoảng mùi gấm vóc và hoa thơm.
Chẳng có gì tỏ ra mối xúc động và niềm lo sợ bóp nghẹt mọi trái tim khi người ta tuyên cáo Tổ quốc sắp rút gươm ra.
Những tiếng hoan hô! Những tiếng la hét!
Số mệnh đã quy định – chúng ta đã đâm lao!
6 giờ. Chúng tôi đã đi qua điện Tuylơri, im lặng và tuyệt vọng.
Máu dồn lên mặt tôi và đe dọa trào lên óc. Nhưng không! Làn máu mà tôi phải trả cho nước Pháp ấy chảy một cách ngu xuẩn ra đàng mũi. Than ôi! Tôi đánh cắp đất nước tôi, tôi để cho nó chịu thiệt về mọi cái gì chảy mất, chảy mãi và chảy nữa!
Mồm miệng và ngón tay tôi đỏ lòm, chiếc mù-soa của tôi như đã dùng vào cuộc cưa tay chân, và những người qua đường, phấn khởi ở Điện Buôcbông trở về, tránh xa tôi với một cử động ghê tởm. Thế mà lại chính là những người đã hoan nghênh cuộc biểu quyết vì nó mà dân tộc sẽ tha hồ đổ máu.
Cái mũi đỏ cà chua của tôi làm họ thấy khó chịu! ….Lũ điên rồ! Đồ bị thịt!
- Đáng ra anh ta phải dấu bàn tay đi! Một ông râu rậm nói với một cái bĩu môi ghê tởm, chính ông ta lúc nãy đã hoan hô inh ỏi.
Tôi tới bể nước rửa mặt, Nhưng các bà mẹ can thiệp:
- Ông ấy có quyền làm cho đàn thiên nga và lũ trẻ sợ hãi hay không? Các bà vừa nói, vừa gọi con nhỏ lại, trong đó có ba bốn đứa ăn mặc kiểu lính.
Cây thập tự Giơnevơ.[30] Tất cả bọn nhà báo đều hão cả. Thôi thì đua nhau vào quân đội.
Người ta đã tổ chức một binh đoàn xe cứu thương. Những ai đã là sinh viên trường thuốc dù chỉ trong một khắc đồng hồ, những ai trong túi hú họa có mảnh giấy đăng ký khóa học cũ kỹ nào, đến gặp một tay bác sĩ loại làm phúc, ông ta đem tẩm phẫu thuật bằng cái nước sốt Giơnevơ. Ông ta đã sáng chế ra một kiểu đồng phục người đi săn màu đen, người du lịch có tang, khiến những người nhập ngũ mặc vào mang vẻ tôn giáo hay tang tóc.
Tôi vừa thấy họ ở Sở công nghiệp đi ra. Viên đội đi đầu và tay thư ký tòa soạn tờ Macxâye – chính là cái anh đã chịu nhả cho bọn tôi ít tiền mà không cho chúng tôi mang súng lục cái ngày Victo Noa bị giết – một chàng trai tốt bụng, hung hăng như một con công, mang trên lưng đủ thứ quân trang quỷ quái xòe đuôi công.
Trong những kíp y tá vừa mới bước chân trái lên đường ra mặt trận ấy, có nhiều người hăng hái tận tụy, nhưng cũng có nhiều kẻ lãng mạn và phường chèo.
Vườn tược và công viên đầy những tốp người ăn vận nửa thường dân, nửa lính, mà người ta bắt chạy, bắt dẫm chân tại chỗ, quây vuông, quây tròn….
- Chống kỵ binh, đan chéo! Đề phòng bộ binh! Cách nhau năm bước!….Khép khuỷu tay lại!…. Số 9, lệch hàng rồi!…. Bên trái, bên phải! Trái, phải!
Và những khuỷu tay khép lại, và số 9 thót cái bụng phệ! Trái, phải! Trái, phải!
Rồi gì nữa?
Các anh ngỡ người ta sẽ giữ khoảng cách như thế, người ta sẽ sử dụng lưỡi lê như cái máy thế kia, lúc người ta ở giữa trận loạn đả, trên bãi cỏ, đồng ruộng hoặc nghĩa trang, mà người ta thình lình chạm trán với địch hay sao?
Ngày nào cũng vậy, những phân đội đi về phía ga, nhưng đó là một đám nhộn nhạo tẩu tán chứ không phải những trung đoàn hành quân: họ tuôn đi thành những làn sóng hỗn độn, với những chai lọ thò ra ngoài túi.
Còn tôi, trong lòng do dự, tôi cảm thấy rằng thất bại đã ngồi trên mông ngựa sau những kỵ binh và tôi chẳng thấy điềm gì tốt ở tất cả những chiếc biđông và những chiếc nồi xoong đeo trên lưng đám bộ binh kia.
Họ ra trận như đi ăn xúp…. Tôi có ý nghĩ rằng những đạn trái phá sẽ rơi như mưa, trên món xúp ấy, trong lúc người ta gọt khoai và bóc tỏi.
Những củ tỏi ấy, chúng sẽ làm người ta phải khóc!
Không ai nghe tôi cả.
Cũng giống như hồi tháng Chạp, lúc tôi tiên đoán sẽ có sự xuống dốc. Hồi đó, người ta trả lời tôi rằng tôi không có quyền làm nản lòng những người có thể còn muốn chiến đấu.
Bây giờ thì người ta thét bảo tôi: “Anh có tội lớn, anh vu khống Tổ quốc!”
Chỉ một chút nữa, người ta sẽ dẫn tôi ra Quảng trường như một tên phản bội.
Quảng trường Văngđôm. Người ta vừa dẫn tôi ra đó.
Người ta tóm cổ tôi đang lúc tôi dẫn đầu một tốp người tuyệt vọng vì những chiến bại thực sự, giận dữ vì những chiến thắng giả tạo, gào thét: “Đả đảo Ôliviê!”
Bị nhận mặt và chỉ điểm, tôi bị kéo tuột lên phía trước. Thật là quá vinh dự, nhưng trận đòn ghê gớm làm sao! Thôi thì không thiếu cái gì: giầy bốt dận vào sống lưng, chuôi gươm thúc vào mạng sườn…. “Cho mày chết, tên phiến loạn!”
Chúng nhâu nhâu đến mười thằng để kéo tôi tới bộ tham mưu vệ binh.
- Gián điệp đấy! – Người ta rống lên lúc tôi đi qua.
Rồi vì tôi mắng lại: “Đồ ngu!”, vài mũi lê tư sản tranh nhau xỉa tôi cho hả, cho đến lúc viên trung úy chỉ huy bốt chạy tới để giật tôi ra khỏi bọn lính hung hăng.
Viên trung úy biết tôi, anh ta đã trông thấy bức biếm họa vẽ tôi thành con chó, với một cái xoong buộc ở đuôi.
- Sao! Ông đấy à!….nhưng ông là một con người quả quyết, tươi vui mà tôi ưa, một con người rất hợp với tôi! Người ta suýt băm nát ông ra à?… Hỏng kiểu! Họ có thể tống ông đi Cayen. Chà! Thật đấy mà!
Anh ta nói đúng! Từ Bộ Tư pháp, vừa tới lệnh phải trao tôi cho cảnh sát.
Chúng quây tôi giữa bốn cái bóng đen của chúng, và chúng tôi lên đường trong bộ dạng như những bóng đèn chiếu.
Người ta nghe thấy tiếng chân chúng tôi đi trong im lặng ban đêm; những kẻ đi đêm tới gần và nhìn.
Dừng ở đồn cảnh sát – Hỏi cung, khám người, hạ ngục!
Một lính trạm phóng ngựa, mang đến một bức điện về vấn đề tôi.
Chuyển sang nhà tạm giam.
Tôi vừa lăn mình xuống một tấm phản, giữa một người ăn mày cụt tay đang dùng lá rịt lại những vết loét, và một chàng trai, vẻ mặt thanh nhã nhưng hoang mang, thấy tôi ăn vận khá tươm thì nép vào tôi, và răng sít lại, hơi thở hổn hển, anh ta khẽ nói với tôi:
- Tôi làm điêu khắc…. Tôi chưa kịp nhào đất…Tôi chưa kịp cho mèo ăn….Tôi chạy đi mua phổi cho nó….người ta bắt tôi cùng với những người Cộng hòa….
Anh ta nói không ra hơi. Anh ta khó nhọc kết thúc:
- Còn ông thế nào?
- Tôi không chạy đi mua phổi… Tôi không có mèo, tôi có những ý kiến.
- Tên ông là gì?
- Vanhtrax
- Chà! Lạy Chúa!
Anh ta nằm tránh ra, cuốn mình trong chiếc áo choàng, rụt đầu vào như một con đà điểu.
Tuy nhiên, một lát sau, anh ta lại thò đầu ra, và giọng run run trong họng, gần như hôn vào tai tôi:
- Khi nào bọn gác ngục tới, ông giả tảng như không biết tôi, nhé!
- Được, được; ngủ cho yên! Này, ông cụt, thu cánh lại chứ!
Sáng dậy, trông anh chàng nghệ sĩ thật thiểu não.
Người ta hỏi cung anh trước nhất.
- Tôi không làm gì cả….Tôi đi mua phổi cho mèo….Tôi làm điêu khắc…Tôi chưa kịp nhào đất…. Các ông thả tôi ra chứ?….tôi tuân theo trật tự.
- Tuân hay không, mặc xác! Giải hắn đi!
Còn tôi, tôi là kẻ tái phạm.
Viên cai ngục đoán ra, và chúng tôi vừa trò chuyện vừa đi về buồng giam.
- Ông đã đến đây rồi phải không?….ồ! Tôi biết ngay mà! Cùng với Blăngki? Với Đơlêcluydơ? Hay với Mê-gy?… Tôi biết tất cả các vị ấy….ông có hút không?
Và hắn chìa cho tôi hộp thuốc.
Người ta cho tôi ra để thờ không khí – vẫn ở giữa bốn bức tường, nhưng trên để lộ thiên.
Cảnh nhốn nháo lúc đó làm bọn cai ngục chạy đi chỗ khác, người ta bỏ mặc tù nhân ở nửa đường đi dạo.
Một người tới gần và đụng vào vai tôi…chẳng phải một người, một cái bóng! Một con ma!
- Anh không nhận ra tôi à?
Hình như tôi đã từng trông thấy chiếc áo rơđanhgốt nhàu nát kia, nó như một cái bao rỗng.
- Tôi làm điêu khắc.
- A phải….nhào đất….con mèo…phổi….
- Ông nghĩ là họ sẽ làm gì chúng ta?
- Chúng sẽ đem bắn chúng ta.
- Bắn chúng ta!….Thế mà tôi cũng có phần vào đó!
- Vào đâu?
- Thế tôi chưa cho anh biết tên tôi à?
- ?
- Tên tôi là Frăngxia.
Frăngxia! À ra thế! Phần đó thì to, thật đấy! Chính anh ta đã được người ta trao nhiệm vụ tạc tượng nền Cộng hòa chiến đấu – tuốt gươm ra!
Tôi vẫn đợi người ta hỏi cung tôi, tôi đợi, rất lo lắng!
Một tay lính gác đã tâm sự với tôi, và tôi được tin là bữa nọ, đã có một cuộc biểu tình sôi sục trước Nghị viện. Theo hắn nói thì chiều nay sẽ lại có một cuộc biểu tình nữa, Rôsơfo dẫn đầu; người ta phải tới kiếm anh ở Pêlagi.
Vào thẩm vấn,
- Thưa ông, ông bị buộc tội là xui giục nội chiến.
Tôi muốn tự thanh minh.
Viên quan tòa đưa mắt và giơ tay ngắt lời tôi.
- Thưa ông, từ khi ông vào đây, những tai họa lớn đã giáng xuống nước Pháp, nước đang cần đến tất cả những người con của nó. Chính viên sĩ quan đã ra lệnh bắt ông đã yêu cầu tôi thả ông ra: ông được tự do.
Ông ta nói thật là giản dị và giọng ông đã run lên khi nói tới những “tai họa lớn”.
Tôi ở Nhà tạm giam ra, buồn bã hơn lúc vào.
Tôi chạy tới những áp-phích. Những tờ cáo thị trắng lớn dán trên tường ấy làm tôi sợ, cũng như bộ mặt nhợt nhạt của Tổ quốc.
Chuyện gì vậy?….
Mày hãy thú thật đi, thật tình mày đau khổ hơn là vui lòng khi người ta báo cho mày biết tin Hoàng đế ghi được một chiến thắng vào thành tích của ông ta. Mày đã đau đớn khi mày ngỡ chiến thắng là thật – cũng gần như Nakê gù, ông ta đã khóc vì uất giận!
Thế mà giờ đây một bóng mây tỏa trên mí mắt mày và nước mắt chảy ra!
Tôi qua hai ngày đắm con mắt và trái tim vào những tin tức ở ngoài kia, lắng nghe tiếng vang của đại bác ở xa và những tiếng động đường phố.
Chẳng có gì nhúc nhích!
***
XVII
Mười giờ sáng. Có tiếng gõ cửa.
- Cứ vào!
Trước mặt tôi là một anh chàng cao lớn, mặt tái xanh vùi trong một chòm râu đen rậm, với đôi kính kiểu sinh viên Đức, chiếc mũ kiểu tướng cướp xứ Calabrờ
[31] - Ông không nhận ra tôi à?
- Thật tình, không!
- Briđô!…. một học trò cũ của ông tại Caen.
À phải, tôi nhớ ra rồi! Hồi đó có một thanh niên mang tên ấy, ở bộ phận mà tôi khuyên đừng học hành gì hết, lúc tôi tạm thời lên ghế giáo sư tu-từ học.
- Thế nào, bây giờ anh ra sao?
- Tôi đã chết đói!…. Sau khi có bằng tú tài, tôi định học luật. Cha tôi chỉ cấp được cho tôi tiền học ba khóa: không hơn! Cha tôi là một viên quản khế nhỏ ở thôn quê, tôi đã tưởng ông khá sung túc, nhưng sau ông vừ khóc vừa thú thực với tôi là ông nghèo, rất nghèo… Tin ở chỗ nổi tiếng giỏi về môn dịch văn, tôi chạy tới các trường học…. Chà! thế thật đấy! những kẻ học ở Pari còn có nhiều chỗ quen biết, được các thầy giáo cũ che chở: chứ cái anh giỏi môn dịch văn ở tỉnh lẻ mà lại mơ ước đi dậy ở giữa Môngrugiơ và Môngmáctrơ, thì tốt hơn là anh đó đâm đầu xuống sông, không trù trừ! Tôi đã can đảm hơn… Tôi đi làm thợ, thợ khắc. Tôi xưa nay chẳng khéo léo gì lắm, nhưng với con dao khắc vụng về, tôi cũng kiếm được tạm đủ sống…. Biết bao lần tôi đã nghĩ đến ông, đến những điều ông nói về lối giáo dục nhà trường! Hồi ấy, tôi ngỡ ông nói đùa! Ôi chao! Giá tôi đã nghe ông!… Nhưng câu chuyện không phải chỉ có thế! Tôi đến đây không phải để than vãn về chuyện riêng. Từ ba năm nay, tôi thuộc về một chi bộ đảng Blăngki. Các chi bộ sắp hoạt động.
Tôi nắm lấy hai tay anh.
- Các chi bộ sắp hoạt động, anh nói vậy phải không?…. Thế này nhé, anh đừng nói chuyện đó với tôi; anh hãy giữ lấy điều bí mật của anh! Tôi không muốn có phần trách nhiệm của mình trong một mưu đồ sẽ thất bại, mà kết quả duy nhất sẽ là đưa những con người tốt vào Mazax và vào khám lớn.
- Đây là một nhiệm vụ tôi phải thi hành. Hôm qua, người ta nói tới ai là những người sẽ vểnh tai lên, nếu một phát súng lục nổ ở một xó nào đó. Tên ông là một trong những người được nhắc đến trước nhất trên môi Blăngki; cụ biết ông qua các đồng chí khác, và đã quyết định phải báo tin cho ông biết…. Bây giờ ông muốn làm gì là tùy ông. Tôi biết là người ta chẳng thể lôi kéo ông tới chỗ nào mà ông không muốn, nhưng buổi chiều này, quãng hai giờ, ông hãy tới trước trại lính La Vilet, và ông sẽ thấy cuộc khởi nghĩa bắt đầu.
1 giờ rưỡi. Tôi đến ở đó.
Họ cũng đã tới đó, quỷ chưa! Bốn tay trọc đầu: Briđô; Ớtđờ, anh này gật đầu làm hiệu với tôi, và tôi nháy mắt đáp lại; một chàng trai tóc nâu đội cát-két, đeo kính trên mũi; một ông già đầu dài và hiền lành, lưng hơi gù – thêm một người trọc đầu.
Blăngki thì ở đàng kia, bên cạnh gã làm trò xiếc.
Tung tung tung, tơrrung!…
- Thưa quý bà, quý ông, tôi bán bàn chải gãi ngứa!…. Ví như quý vị đang ở nhà một thượng thư phu nhân, quý vị gạt tắt bấc đèn. Rồi quý vị vung cái bột của tôi lên…
Và tay hề tuôn ra cả bài rao hàng, thỉnh thoảng lại tới chiếc trống bịt da tung múa dùi trống để khua lên một tiếng tung tung tung.
Có phải người ta sẽ thúc tiến quân bằng tiếng trống chợ phiên kia không, Briđô?
- Chà, công dân Vanhtrax! Đã khá lâu chúng ta có chuyện phải thanh toán với nhau! Giờ tôi vớ được anh… Tôi sẽ không buông tha.
Tình cờ đã ném tôi vào giữa chân một anh thợ máy ở khu phố, tôi với anh ta một đôi lần đã cãi nhau. Anh ta là cộng sản, tôi thì không.
Ồ! Không, anh ta không buông tôi ra nữa! Và anh buộc tôi phải đi với anh một quãng.
Anh chọc tôi, tôi đáp lại. Nhưng đầu óc tôi đang để ở chỗ khác. Ngoài ý muốn, tôi lắng tai nghe xem trong làn gió nóng thổi trên đầu chúng tôi, có vọng lên tiếng súng nổ hay không, và lúc anh kia hỏi thẳng thừng xem tôi có lý lẽ gì để phản đối chế độ công hữu tài sản thì tôi nghĩ tới Briđô, tới Ơtđờ và tới Blăngki.
Nhưng tại sao tiếng súng của tay hề im bặt thế?
- Anh bí rồi, thú nhận đi! Anh thợ máy vừa nói vừa vui vẻ chạm cốc anh vào cốc tôi. Chà! Giá như chúng tôi nắm được chính quyền!
Chính quyền? Thì ở đàng kia họ có sáu người gần chỗ tay làm trò xiếc, đang cướp cái chính quyền ấy đấy!
Nhưng tôi chẳng báo tin cho anh bạn biết; tôi tự thấy mình không có cái quyền ấy.
Tôi chỉ hỏi xem anh có nghĩ rằng, một phong trào do những người bạo động chỉ huy có thể lôi cuốn được nhân dân chống Đế-chế hay không?
Anh lấy một que diêm và thong thả quẹt vào quần.
- Đây này! Chỉ cần làm như thế này này, và tất cả sẽ bốc cháy. Chỉ có thế thôi!
- Anh tin thế à, anh bạn?
Thế mà, nếu có chuyện gì, chúng tôi ở chỗ này đã biết nhưng chẳng có gì cả!
Chắc họ đã bị bắt đi trong đám đông, không kịp kêu lên một tiếng“ối”, giữa lúc tay múa rối đang làm trò, và bây giờ bọn mật thám đang đi nhận mặt những kẻ khả nghi.
4 giờ Không một tiếng động, không một tiếng ồn ào!
Những người thợ, thắng quần áo mới, dắt vợ đi chơi, các bà này cũng trang điểm hẳn hoi, và những cô chị lớn kéo đàn em nhỏ trước những hiệu bán tranh ảnh hoặc bán mứt kẹo. Có hoa trong những bàn tay chai sẹo, và có sự thèm muốn nghỉ ngơi trên trán của tất cả những người lao động ấy.
Thật là ngày xấu nếu chọn ngày chủ nhật làm ngày khởi nghĩa!
Người ta không muốn làm bẩn bộ đồ đẹp của mình, người ta đã dành ra ít tiền để vui chơi ở quán rượu, người ta chỉ có mỗi buổi chiều này để ở nhà với vợ con, để đi thăm bố già và bè bạn.
Không nên kêu gọi chiến đấu vào những ngày mà người nghèo ăn mặc đẹp, khi mà suốt cả tuần và trong tận cùng những căn nhà tối tăm, họ đã mơ ước một chầu vui trong một cái quán ngoại ô viền lá xanh rờn.
Chính Guyxtavơ Mathiơ, nhà thơ và Rơnha, rậm tóc, gặp tôi vừa tới ngồi ở một bàn hiệu Buiông Đuyvan, đã cho tôi biết có khoảng ba chục người đã nhảy vào trại lính cứu hỏa La Vilet, và đã nổ súng vào bọn cảnh binh.
Chắc họ đã giết được một hai tên.
- Bọn sát nhân! Mathiơ nói.
- Bọn ngu ngốc! Rơnha nói, anh là người phái Blăngki và chắc cũng có tham gia vụ đó.
Ngu ngốc! Sát nhân! Những con người lương thiện và dũng cảm ấy!…
Cần phải đưa ra thảo luận vấn đề này một buổi sáng nào đó.
Do một sự sơ suất Ơtđơ và Briđô đã bị bắt.
Tòa án quân sự họp. Án quyết: Tử hình.
Làm thế nào để cứu họ?
Có lẽ một bức thư của người có tiếng tăm và danh vọng sẽ có ảnh hưởng tới dư luận công chúng.
Thế là người ta tìm xem ai là người sẽ thảo và sẽ ký vào lá thư tối hậu ấy.
Lá thư thật khó viết.
Những người bị kết án đã tuyên bố rằng họ cự tuyệt mọi chuyện xin ân xá với Đế-chế, và cả chúng tôi cũng không muốn nhân danh họ mà phạm một điều nhu nhược–dù là để cứu họ.
Những người có niềm tin thì thật là ghê gớm.
Nhưng người ta nghĩ rằng nếu một bậc đại danh, như Mitsơlê lên tiếng, thì tiếng nói của ông sẽ lọt tai… và có lẽ được nghe theo.
Rôgia, Hombe, Rơnha, tôi và một vài anh khác: chúng tôi kéo tới nhà ông.
Ông thế nào, ông ra mắt chúng tôi thế ấy: long trọng và ủy mị, hùng hồn và kỳ quặc.
Ông đã chấp nhận ngay lập tức lời đề nghị, vấn đề chỉ còn xem là gửi cho ai lá thư đó, nó không được giống một lá đơn thỉnh nguyện, nhưng nó lại nhằm mục đích thủ tiêu cái án tử hình.
- Gửi cho các Vị đứng đầu Hội đồng quốc phòng! Tôi đề nghị.
- Phải, phải lắm!
Nhưng, đồng thời ông đứng dậy, đi sang phòng bên và để chúng tôi một mình một lúc.
Rồi ông trở lại, ngồi ở chỗ cái bàn mà chúng tôi đang vây quanh, im lặng và xúc động.
- Thưa ông, ông quay sang phía tôi nói, giọng như một người lắp lại một lời sấm truyền, bà Mitsơlê tán thành ý kiến của ông.
Thế là người ta quay ra thảo bức thư.
Ông không ưa Blăngki, và ngay dòng đầu bản nhập, ông trút trách nhiệm cuộc tấn công và việc kết án cho Blăngki.
- Các bạn chúng tôi sẽ không đồng ý phủ nhận thủ lĩnh của họ dù là để thoát chết, một người trong bọn tôi tuyến bố.
Ông mím chặt môi, thốt ra tiếng “hừm!” và rồi lại biến mất; nhưng lần này, ông không vắng mặt lâu, và lúc ông quay vào thì cũng lại để nói:
- Các vị được phụ nữ đứng về phe các vị, dứt khoát, thưa các vị; bà Mitsơlê thông cảm với điều băn khoăn của các vị và tán thành. Ta hãy gạch câu đó đi.
Cuối cùng, khi mọi việc đã xong xuôi, ông lại hỏi ý kiến nàng Êgiêri
[32] của ông một lần nữa, chúng tôi thấy thế mỉm cười, nhưng với một giọt nước mắt xúc động trên mắt.
Ông đã hỏi trái tim của người vừa là bạn đời của ông, vừa là đồng chí của ông. Trái tim đó cũng như trái tim chúng tôi đã nói vì tính mạng và vì danh dự của các bạn chúng tôi.
Mitsơlê đi đi lại lại.
- Chúng sẽ không dám giết họ đâu, tôi không tin, trời đẹp thế!… Dưới ánh mặt trời này, máu sẽ vấy lên cỏ xanh một vệt xấu quá… gã tư sản không ngồi ăn trên cỏ ở nơi nào có mùi xác chết. Chúng sẽ đồng ý với chúng ta, rồi các vị xem. Dù sao tôi cũng thách chúng bắn người vào một ngày chủ nhật.
Thư kêu gọi kết thúc bằng những lời này, hoặc những lời khác đồng nghĩa:
Chúa đoái nhìn các dân tộc.
Chúa! Cái này không hợp với bọn vô thần chúng tôi: bĩu môi và im lặng.
Mitsơlê nhìn mặt mọi người rồi nhún vai nói:
- Cố nhiên!… Nhưng điều này có lợi.
Bọn tôi đem lá thư tới các báo, thế mà cũng tranh nhau cái vinh dự ấy!
Ái chà: Thánh thật! Thế ra không không đứng vào một đảng phái nào, một Giáo hội nào, một phe cánh nào và một âm mưu nào lại là phải!
Hình như lúc đó có hai khuynh hướng trong phái Blăngki, phe nào phe nấy đều không công nhận cho nhau cái quyền được cứu mạng những người bị kết án.
Họ sẽ rơi đầu, nếu người ta phó mặc cho phe nào đó chỉ muốn can thiệp để tước võ khí, đội hành hình nếu nó là kẻ duy nhất được vinh dự làm thủ tiêu bản án.
Rút cục, bọn độc lập loại tôi may mắn đã được chấp nhận, và chúng tôi đã đi một vòng khắp các nhà báo.
Tại báo Tranh luận, một người được giới thiệu là Macxim Đuycăng đã lắc đầu ra vẻ tức tối khi nghe chúng tôi nói. Cái tay này, hắn thật nhẫn tâm với những người thất bại!
Ở hầu hết mọi nơi, người ta đều coi đó là một bài hay và người ta cho đăng, nhưng không thêm một dòng thiện cảm hay thương xót.
Bọn tôi lại chạy đến các ông nghị Pari, gặp được họ thật là vất vả, và họ chỉ hứa lơ mơ; một số kẻ còn thêm vào những lời hèn nhát mà người ta đã phải chặn ngay ở cửa miệng họ.
Gămbetta thì đả mạnh những người bị kết án và, ở trên diễn đàn nghị viện, hắn còn yêu cầu trị họ như bọn đồng lõa với địch!
Ái chà! Quân kẻ cướp! hắn biết hơn ai hết rằng những người có tâm huyết đã làm việc đó! Nhưng những người có tâm huyết làm hắn lo lắng; đó là một mối hậu họa. Biết đâu lại chẳng mò được một nền độc tài trong làn máu đục của thất bại? Tốt nhất là mượn tay quản lính Đế-chế để trừ bỏ bọn bất trị này.
Thế là đám đồng viện của Gămbetta do dự, chẳng là hắn kiềm chế được họ. Tuy nhiên, họ không đóng cửa cự tuyệt chúng tôi bởi vì chân trời đang tối sầm lại, họ không muốn trong cơn bão tố có thể nổ ngày mai, việc cự tuyệt đó lại như gắn vào chiếc băng đeo trên ngực họ, giống như chiếc đèn lồng cột vào ngực quận công Ăngghiêng, trong đêm tối, để người ta nhìn thấy rõ mà bắn ông ta.
****
XVIII
3 tháng Chín. Tin Xơđăng. Vài người trong bọn tôi họp lại và đã leo lên cầu thang những tòa báo đối lập tư sản, ở đó mấy hôm nay đã có những cuộc họp kín chẳng có những kẻ bất kham như tôi tham dự.
Tôi chỉ hẩu với những người cách mạng tính tình hồ hởi. Tôi bất hòa với các vị đạo mạo mà tôi nhạo những giáo điều của họ, và họ không tha thứ cho tôi về bài báo viết về Năm vị.
Nhưng hôm nay những đoàn đại biểu tự cho mình cái quyền đột nhập vào tất cả những cửa treo biển gọi là tự do.
Vả chăng những điều bất đồng đều xóa nhòa trước tình thế nghiêm trọng, và những nhà lý thuyết tìm kiếm những người hoạt động vào giờ phút này cũng phải vời đến cả những kẻ vẫn bị coi là to mồm.
Những kẻ to mồm, họ được việc trước những trung đoàn câm lặng và do dự. Chính những kẻ vô kỷ luật sẽ làm quỵ kỷ luật.
Vậy thì người ta sẽ dùng họ để rồi, ngày mai, ấn họ vào xó những kẻ phải coi chừng sau khi họ đã tước được súng của bọn lính hoặc đã làm chúng phải giơ ngược súng đầu hàng.
Chà! Tôi rất biết cái gì chờ đợi chúng tôi!
Người ta tiếp tục làm lành với nhau bằng một cái bắt tay, bằng một cái ngả mũ, trong cảnh nhốn nháo chung, khi nghe tin có một cuộc biểu tình đang manh nha, hoặc một cuộc phản kháng đang tiến hành.
Khẩu lệnh đã tung ra.
“Mười một giờ, gặp nhau ở tiệm cà-phê Garanh, phía phụ nữ - suỵt! để đánh lạc hướng bọn cảnh sát!”. Người ta sẽ được thông báo về một bản tuyên cáo cộng hòa. Nửa đêm, sẽ in xong, mỗi người sẽ nhận một số bản… để đem đi dán.
Đó là lời xì xào của giới thông thạo của các tờ báo Jacôbanh, và đấy cũng là điều đã làm tôi phải vắt chân lên cổ mà chạy.
Anh có đợi người ta tống cổ anh đi không!
Tôi thì tôi chuồn vào giữa đám đông; tôi ngụp mình trong quần chúng! Ở đó có lộn xộn, có đám ồn ào không tên, có sự can đảm không thủ lĩnh?
10 giờ tối. Ở mạn trường Thể dục, một người đã tấn công vào một bốt.
Toán ấy, họ không đợi đến nửa đêm; họ không biết sẽ có bản thông cáo để dán lên tường. Chính họ là tờ áp-phích sống nó tự dán lên trước nguy hiểm mà bọn cảnh binh đã toan lấy gươm xỉa rách nó, và nó vừa được đóng dấu bằng các viên đạn.
Có tiếng súng nổ!
Đó là Pilex
[33] bị nhắm bắn; đó là anh đã đáp lại miếng trả miếng. Họ đã giết chết một người của ta. Anh đã giết một người của họ.
Tốt lắm!
Tôi chạy về mạn ấy, nhưng một làn sóng dân chúng cuộn chìm và cuốn tôi ào về phía Điện-Buốcbông.
Có người có tên tuổi nào dẫn đầu không? Không có ai cả!
Vả lại, trong làn sóng dồn đi dồn lại, người ta không phân biệt được gì cho lắm; sự thúc đẩy của tình hình đã làm tan vỡ và nhào lộn mọi hàng ngũ con người, như nước thủy triều tràn đi và trộn sỏi vào cát bờ biển.
Nhiều người đã nhận ra tôi.
- Ông không dự hội nghị các nghị sĩ à, ông Vanhtrax?
- Thì ông thấy rõ là không rồi! Bất cần ý kiến cũng như sự cho phép của họ để kêu lên: “Nền cộng hòa muôn năm! đả đảo Napôlêông!”
- Suỵt, suỵt!!! Ông đừng làm loạn!
- Đừng làm loạn!… tôi vốn rất thích cái đó!
- Chả là các vị đại biểu sẽ tiếp chúng ta trên thềm Viện lập pháp và sẽ ra lệnh cho chúng ta. Từ đây tới đó, im lặng!
Bao giờ cũng những mệnh lệnh phải đợi – như viên kim cương của thằng mọi – ở dưới đít những bộ tham mưu.
Nhưng những người ở quanh tôi, họ lại tin rằng vì họ im lặng, quân đội và cảnh sát sẽ để cho họ yên hay sao? Họ có thể cất lưỡi vào túi, người ta vẫn cứ đấm vỡ mồm họ, nếu chính quyền tự cảm thấy còn đủ mạnh để tự cho phép mình làm cái đó.
Thét lên “Nền Cộng hòa muôn năm!”, các bạn ạ, mà như thế mới là bảo vệ tính mạng của mình! Khi cuộc nổi loạn có được một tiếng kêu hưởng ứng, một lá cờ đã qua đạn lửa, thì nó đã ở nửa đường đến chiến thắng. Mỗi khi những khẩu súng đối diện với một tư tưởng, chúng sẽ rung lên trong tay quân lính, họ thấy rõ là bọn sĩ quan do dự, trước khi vung kiếm chỉ huy cuộc tàn sát.
Ấy là vì bọn đeo ngù vai, chúng cảm thấy Lịch sử để mắt nhìn họ.
1 giờ sáng Tôi dừng lại ở quảng trường Côngcoocđơ, giữa một đám công nhân hô hào khởi nghĩa.
Còn những người khác, họ làm gì? Họ có tiếp tục đi tới Nghị viện không, họ có gặp các ông nghị không? Tôi không biết gì cả.
Dù sao đám đông cũng đang vỡ ra từng mảnh và tan rã.
Con rắn quằn quại trong đêm. Mệt mỏi đã chặt nó thành từng khúc còn giẫy giụa. Đôi ba khúc chảy máu; ở đó có vài người bị thương, những người can đảm đã đơn độc tấn công, vào lúc sẩm tối, lúc đó bọn cảnh sát còn dám ló mặt ra và bắn.
Trời đêm mát lạnh, yên tĩnh buông xuống từ một bầu trời xanh êm ả.
4 tháng chín, 9 giờ tối. Chúng ta đã ở dưới chế độ Cộng hòa từ sáu tiếng đồng hồ; “một nền Cộng hòa của hòa bình và của hòa hợp”. Tôi muốn gọi nó là Cộng hòa Xã hội, tôi ngả mũ, người ta ấn mũ xuống mắt tôi và người ta khóa miệng tôi lại.
- Chưa phải đâu!… Hãy cứ để con cừu non oe oe! Cộng hòa gọn đã, để bắt đầu… Từng ti từng ti một, con chim làm tổ! Kẻ nào đi thong thả, đi vững vàng… Hãy nhớ rằng kẻ địch còn đó; bọn Phổ đang nhìn chúng ta!
Tôi để con cừu non oe oe! Nhưng tôi tưởng như từ lúc tôi ra đời, cái con cừu ấy, nó chỉ khóc sướt mướt trước mặt tôi, còn tôi thì cứ mãi mãi buộc phải chờ cho nó nín khóc.
Cứ đi tới, chàng hộ pháp!… Miễn là người ta để cho tôi đi tới, dù nó phải rơi nước mắt nữa!… Chứ thế này thì chắc gì.
Thế là chúng ta đã ở dưới chế độ Cộng hòa rồi ư? Ra thế đấy, ra thế đấy!
Thế mà khi tôi muốn vào tòa Thị chính, người ta đã lấy báng súng nện vào chân tôi, và khi tôi xưng danh thì tên coi bốt kêu lên:
- Không để cho thằng cha ấy vào, nhất là nó. Các anh có biết lúc nãy hắn nói gì không? Hắn bảo “phải ném cái chính phủ bằng giấy bìa ấy qua cửa sổ và tuyên bố Cách mạng!”
Tôi có nói như thế không?… rất có thể. Nhưng chẳng phải bao giờ cũng bằng những lời lẽ ấy!
Không phải tôi sẽ leo lên ghế để ầy! ầy! đón nền Cộng hòa xã hội. Giả sử nó thò mặt ra, chắc tôi sẽ không từ chối giúp nó một tay để ném tất cả đám nghị ngợm nọ qua cửa sổ – tuy nhiên vẫn không cấm người ta trải nệm ở dưới, để cho chúng đỡ bươu đầu.
Ở nhiều chỗ, người ta đã bắt bọn cảnh sát và nện chúng nên thân. Một vài tay tư bản, vẻ mặt rất lương thiện, cái đầu kiểu Patuyrô, đã khuyên bằng một giọng rất bình tĩnh là nên ném bọn chúng xuống sông Xen. Nhưng những người bận áo bludờ không ráo riết lắm, và chỉ cần nhắc đến vợ con của tên chó săn là họ đã tha bổng chúng.
Tôi đã không khó nhọc giúp vào việc đánh tháo cho hai viên sĩ quan cảnh binh vận đồng phục mới toanh, chúng vừa phủi quần áo và sửa lại đường ngôi, vừa nói chắc với tôi rằng xưa nay chúng vẫn là những người Cộng hòa, và tiến bộ ghê gớm!
- Thưa ông, tiến bộ hơn cả ông nữa cũng nên.
Tiến bộ?… Lúc này, tôi không tiến bộ lắm. Tôi đã mất mũ trong cuộc xô đẩy, cả giọng nữa vì cứ thét rống lên hoài: “Đả đảo Đế chế!”
Tôi đã hao phổi, kiệt sức, tôi không nói được nữa, bước đi loạng choạng, mệt lử trong buổi tối chiến thắng này cũng như trong buổi tối thất bại cách đây mười chín năm.
Lần nào cũng khản cổ và mệt nhoài, lần nào cũng bị bạt nộ và ăn báng súng – ngày nền Cộng hòa tái sinh cũng như ngày người ta thủ tiêu nó!
Nhưng tôi sẽ còn kêu ca gì đây? Các đại biểu Pari chẳng đang ở tòa Thị chính là gì… cố nhiên sau khi họ đã suýt nữa làm hỏng phong trào!
Cái tên nhát gan nhất là Gămbetta. Juyn Favrờ đã phải gọi y, mà y cũng không đến ngay, cái tên Đăngtông hạng bét ấy!
Tuy nhiên, rốt cuộc, chúng cũng đã ngã ngũ hẳn: chúng chen nhau trên xe ngựa, và chia nhau các vai trên ghế xe. Cái gã ngồi lép bên cạnh người đánh xe đã bị xoáy: chúng chỉ để cho hắn những miếng thừa.
Dọc đường, một người định tấn công vào một chiếc xe. Người ta nhảy bổ vào anh ta.
- Đả đảo tên theo Bônapactơ!
- Tôi là bồi tiệm cà-phê, anh ta nói. Trong chiếc xe này, có hai ông còn nợ tôi xì-gà và mấy đồng.
Mọi người cười ồ. Tuy nhiên, trong đoàn người, vài ba gã có bộ mặt giám học đã định chơi hại anh kia một vố, bảo rằng Bắptixt thóa mạ chính phủ.
Bắptixt đã cãi lại.
- Nếu họ không trả nợ tôi, ít nhất họ cũng phải cho tôi một địa vị!
Mày sẽ được, nhưng phải chạy nhanh lên nữa! Tất cả các lỗ hổng sắp được bít hết; cuộc xâu xé, bắt đầu với nước kiệu của ngựa, chuyển lên nước đại của tham lam và khát vọng.
Nhân dân thật thà đã làm cái thang ngắn cho cả cái giới chính khách ấy, chúng đã đợi từ tháng Chạp 51, cơ hội để trở lại cái máng ăn và để hưởng lại bổng lộc và lon ngù.
Chúng khoa trương leo lên giá kê bàn lớn trong phòng Xanh-Jăng, ngả người ra cửa sổ khoa tay và máu mép đập vào nền. Đế chế đã không làm gì được nữa, như Pôlisinen đánh viên cẩm đã chết rồi.
Và con chó trung thành liền sủa để mừng chúng, con vật tội nghiệp không ngờ rằng người ta sửa soạn võ khí để hại nó, những lời hô hào kia chỉ là những chiếc bánh mật trong dấu thuốc độc đê tiện, người ta chỉ nghĩ đến việc chặt chân và bẻ nanh của nó. Hôm nay người ta dùng con chó ấy để tự vệ và canh gác: ngày mai, người ta đổ cho nó là bị rồ để có cớ đập chết nó.
- Với chúng ta thì không có ai bị lưu đày! Gămbetta đã rống lên khi y nghe người ta ném ra tên của Pya.
Còn bản thân y thì đề nghị thả Rôsơfo, anh này không có quá khứ xã hội, tên anh chỉ có nghĩa là chống Bađanhghê
[34], chứ chưa phải chống Pruyđom
[35].
Chúng có kế hoạch của chúng. Chúng sẽ thủ tiêu anh giữa chúng với nhau, sẽ bôi nhọ anh nếu có thể, rồi khi danh tiếng anh bị mai một, sẽ ném anh trả vào cánh tay của quần chúng!
Trong kho chờ đợi, danh tiếng của anh sẽ là cái áo khoác của chúng.
- Rôsơfo! Rôsơfo!
Quái nhỉ! Anh sẽ có thể như một kẻ địch mà nhập bọn địch!
Người ta đã mở cửa ngục Pêlagi cho những người bị giam, thế là những tù nhân ngày hôm qua, bây giờ xuống phố, khuyết áo cài hoa đỏ, nhà văn của báo Đèn lồng dẫn đầu.
Họ diễu qua những tiếng hoan hô, và đi vào dưới vòm.
Thế là hết, Rôsơfo làm con tin của chúng! Những Gămbetta với những Fery sẽ làm chết ngạt anh trong lá cờ tam lài!
5 tháng Chín. Tài sản của tôi vẻn vẹn có hai mươi xu, ngày hôm nay, mồng 5 tháng chín 1870, ngày thứ hai của nền Cộng hòa.
Răngviê, Ưđê, Malê, cả ba người có cả thẩy ba mươi xu.
Chúng tôi đứng trước Tòa Thị chính, ai nấy theo bản năng mà đến, không hề có hẹn trước.
Dưới mưa, vài kẻ ương ngạnh như tôi và vài người thợ thủ công như các bạn, đang đi vơ vẩn, tìm nhau, rồi bàn chuyện về tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chỉ có nó là có thể cứu nguy cho tổ quốc cổ điển.
Bọn tôi bị nước mưa ướt đẫm lưng. Nhất là Răngviê bị lạnh, vì giày của anh thủng và chân anh đã bị cóng trong bùn.
Mà anh lại ho!
Thêm vào đó, tối hôm mùng 3, một chiếc kiếm cảnh binh đã móc vào chiếc quần quá cũ của anh. Người ta đã hoài công và nó: gió vẫn lọt vào lỗ hở ấy. Anh ta cười… nhưng anh vẫn run không kém.
Nền Cộng hòa không làm cho anh có áo mặc cũng như chẳng nuôi sống anh. Chiến thắng của nhân dân, ấy là thất nghiệp; và thất nghiệp là đói – trước sau cũng vẫn thế!
Bọn tôi đã ăn bữa tối như thế nào?… Tôi không nhớ nữa! Có bánh mì, phó mát, một lít vang cho mười sáu người, một mẩu xúc-xích nuốt vội, đứng bên quầy hàng!
Một số bạn làng báo, một số bạn đồng nghiệp đi qua trước tiệm rượu đã có việc làm, họ chạy tới tiệm cà-phê đặt một bữa ăn ê hề tính vào sổ nợ của Tòa Thị chính, hoặc tới các hiệu thợ may nhà binh, đặt một áo chẽn cổ đính lon tươm tất.
Họ đưa mắt thương hại nhìn tôi, chào tôi kiểu anh giàu chào anh nghèo, kiểu chó xù gặp chó trụi. Và trong cặp mắt họ, tôi thấy ánh lên tất cả niềm hể hả của họ lại thấy tôi bị đói, và nhập bọn với những kẻ mặc rách.
Liệu chúng tôi có còn bị thua thiệt, ngược đãi, trói buộc một cách vô hình, ngay sau ngày nền Cộng hòa công bố, chúng tôi là những người bằng ngòi bút và lời nói táo bạo, liều với cảnh túng đói và tù đày, đã dọn đường cho bọn tư sản chiến thắng, chúng ngồi sau những bức tường kia, và chúng đi đi lại lại, chúng vo ve như con nhặng bên cỗ xe mà chúng tôi đã kéo ra khỏi vết bánh và đã cọ sạch bùn?
Người ta đã từng cho tôi là kẻ phá đám, kẻ phiến loạn, bởi vì tôi đã nắm vạt áo của một trong những tên ăn lương chế độ mới, hỏi hắn xem người ta làm trò gì trong tiệm.
Tôi làm tình làm tội hắn… Rốt cuộc chính tôi bị người ta làm tình làm tội.
- Vì chúng ta ở dưới chế độ Cộng hòa, đấy không phải lý do để ai cũng muốn cầm quyền.
Tôi không thèm muốn cái đó.
***
XIX
6 tháng Chín – Blăngki. Mười giờ sáng họp, phố Chợ.
Một ông già nhỏ bé, cao bằng chiếc bốt, lút mình trong một chiếc áo chùng, cổ quá cao, tay áo quá dài, vạt dưới quá rộng, đang dọn giấy má ở trên bàn.
Cái đầu động đậy, bộ mặt xám; cái mũi to nhọn như mỏ chim, gẫy ở giữa một cách kỳ cục; mom móm, giữa hai lợi ngọ nguậy một mẩu lưỡi hồng và run rẩy như lưỡi trẻ con; nước da khoai tía.
Nhưng, trên tất cả những cái đó, một vầng trán rộng và đôi con ngươi lấp lánh như những mảnh than đá. Đấy là Blăngki.
Tôi xưng danh. Cụ giơ tay bắt tay tôi.
- Tôi muốn làm quen với anh từ lâu rồi. Người ta nói với tôi rất nhiều về anh. Tôi muốn gặp riêng anh trong một góc, ta sẽ nói chuyện… như những đồng chí. Lát nữa, xong việc ở đây, anh đến nhà tôi. Đồng ý chứ?
Cụ đưa địa chỉ cho tôi, tiễn tôi bằng một cử chỉ thân thiện, rồi hỏi xem những người vụ La Vilet đã đến hay chưa.
Cuộc họp vừa xong, tôi liền chạy đến nhà cụ.
Cụ ở tại nhà một người bị đày cũ trong vụ Đảo chính, cụ đến đây trốn sau vụ mạo hiểm La Vilet.
Lúc tôi tới, cụ cầm trong tay một cây bút chì, cụ đang thảo một bản tuyên bố mà cụ đọc cho tôi nghe.
Đấy là một bản đình chiến nhân danh Tổ quốc ký kết giữa cụ với Chính phủ Quốc phòng.
Tôi ngẩng mũi lên.
- Anh thấy tôi lầm chăng?
- Nội trong một tháng, cụ sẽ bị coi là cừu địch!
- Nếu thế thì do bọn chúng!
- Ít nhất cụ cũng nên nhấn mạnh bản tuyên bố bình thản của cụ bằng một câu.
- Có lẽ thế… Xem nào, viết gì?
Tôi cầm lấy bút, viết thêm: “Phải khua mõ ngay từ hôm nay!”
- Phải, đó là một cách kết thúc.
Nhưng cụ lại đổi ý, và gãi đầu:
- Cũng chẳng đơn giản đến thế.
Như thế đó, con ma của khởi nghĩa, nhà hùng biện đeo găng đen, con người đã tập hợp hàng trăm ngàn người tại Quảng trường Mác, mà tài liệu Tasơrô định vu cho là một tên phản quốc.
Người ta bảo rằng chiếc găng đen kia che giấu một bệnh hủi; rằng cặp mắt cụ nhòa cả mật lẫn máu… trái lại, cụ có bàn tay sạch sẽ và con mắt trong sáng. Cụ giống như một nhà dạy trẻ, kẻ kích động những biển người ấy!
Và chính đấy là sức mạnh của cụ.
Những tay hùng biện có bộ dạng hoang dã, vẻ mặt sư tử, cổ bò mộng, nhắm vào cái thú tính ngang tàng hoặc man rợ của đám đông.
Còn cụ Blăngki nhà toán học lạnh lùng của nổi loạn và trả thù, dường như cầm trong các ngón tay gầy gò, bảng tổng kê những đau khổ và quyền lợi của nhân dân.
Lời nói của cụ không bay như loại chim lớn, với tiếng đập cánh mênh mông, trên những quảng trường công cộng, ở đó người ta thường không quan tâm đến suy nghĩ, mà muốn được ru ngủ bằng thứ âm nhạc vô bổ cho tư tưởng do mọi cảnh náo nhiệt rộng lớn gây nên.
Những câu nói của cụ như những mũi gươm cắm xuống đất, nó run rẩy và rung động trên thân bằng thép của nó. Chính cụ đã nói: “Kẻ nào có sắt thì có bánh”.
Bằng một giọng nói bình tĩnh, cụ buông rơi những lời như chém xuống, vạch một đường sáng trong đầu óc người dân ngoại ô và một vệt đỏ trong thịt bọn tư bản.
Và chính vì cụ nhỏ nhắn và có vẻ yếu đuối, chính vì cụ như kẻ hấp hối, chính vì vậy mà con người còm cõi đó, bằng hơi thở ngắn ngũi, làm cháy bùng cả đám đông, và họ lấy vai làm kiệu khênh cụ lên.
Sức mạnh cách mạng nằm trong tay những người mảnh dẻ và những người giản dị… nhân dân yêu mến họ như yêu đàn bà.
Có chất đàn bà trong con người Blăngki ấy, cụ bị bọn cổ điển của Cách mạng buộc tội là phản nghịch, cụ đã gợi lên, để tự bảo vệ, những kỷ niệm về gia đình cụ bị bỏ rơi vì chiến đấu và vì tù tội, và bóng ma của người vợ yêu chết vì đau khổ – nhưng vẫn luôn luôn ngồi trước mặt cụ, trong cảnh cô đơn của ngục tối, mà gió biển khóc than đập bên ngoài.
Năm giờ – Bãi La Coocđori. Buổi chiều nay, nhân dân đã hội họp.
Cái chính trị lối cũ phải chết ở chân giường trên đó nước Pháp nằm đẻ đang hấp hối – nó không thể đem lại cho chúng ta sự khuây khỏa, cũng như hạnh phúc.
Vấn đề là không nên đầm mình trong vũng phân người ấy, và muốn cho cái nôi của nền Cộng hòa thứ ba khỏi thối nát trong đó thì phải trở lại cái nôi của cuộc Cách mạng đầu tiên.
Ta hãy quay trở lại phòng Jơ-đờ-Pôm.
Jơ-đờ-Pôm, vào năm 1871, nằm ngay giữa trái tim của Pari thất trận.
Giữa viện Tămplơ và Tháp nước, không xa Tòa Thị chính, các bạn có biết một cái bãi hết sức ẩm thấp, nằm kẹp giữa mấy dãy nhà. Những người buôn bán nhỏ ở tầng dưới của những ngôi nhà này, con cái họ thường chơi ở ngoài vỉa hè. Không có xe qua lại. Các tầng gác xép đầy những người nghèo.
Người ta gọi cái bãi trống hình tam giác đó là Bãi La Coocđơri.
Thật là vắng vẻ và buồn rầu, cũng như phố Vecxay, nơi Đẳng cấp thứ ba lặn lội dưới trời mưa; nhưng từ cái bãi này, cũng như xưa kia từ cái phố mà Mirabô đi lại, có thể phát ra một tín hiệu, tung ra một khẩu lệnh mà quần chúng sẽ nghe theo.
Các bạn hãy nhìn kỹ cái ngôi nhà quay lưng ra phía Trại lính và một mặt nhìn ra Chợ. Ngôi nhà đó yên tĩnh như mọi nhà. Hãy leo lên gác!
Ở tầng thứ ba, có một cửa ra vào mà chỉ hích vai một cái là đổ, qua đó người ta vào một gian phòng to và trần trụi như một lớp học.
Các bạn hãy chào đi! Đây là nghị viện mới.
Chính Cách mạng đang ngồi trên những chiếc ghế dài kia, đứng tựa vào các vách tường kia, tỳ tay trên diễn đàn kia: Cách mạng vận áo công nhân! Chính đây là nơi họp của Hội quốc tế những người lao động và là nơi hẹn hò của Liên hiệp nghiệp đoàn thợ thuyền.
Nơi đó có giá trị ngang tất cả những nghị trường nhân dân thời cổ đại, và qua cửa sổ có thể lọt ra ngoài những lời làm sôi sục đông đảo quần chúng, chẳng khác gì mà những lời Đăngtông, quần áo xộc xệch và thét vang như sấm, ném qua cửa sổ Tòa án tới nhân dân đang bị Rôbexpie làm cho khiếp đảm!
Cử chỉ ở đây không ghê gớm như cử chỉ của những người hồi ấy, và không nghe thấy tiếng trống của Xănte rung lên trong một góc. Cũng không có cái bí mật của những hội kín, ở đó người ta đeo băng bịt mắt để tuyên thệ, và dưới mũi nhọn của một con dao găm.
Đây là Lao động vận áo sơ-mi trần, giản dị và khỏe mạnh, với những cánh tay của thợ rèn, Lao động mang dụng cụ sáng loáng trong bóng tối và kêu lên:
- Người ta đừng hòng giết tôi! Đừng hòng giết tôi, và bây giờ tôi nói!
Và họ đã nói!
Những người của Quốc tế, tất cả những người xã hội có tên tuổi – trong đó có Tôlanh – đã họp. Và từ một cuộc tranh luận kéo dài bốn tiếng đồng hồ, vừa xuất hiện một lực lượng mới: Ủy ban Hai mươi quận.
Đó là phân khu, là chi khu, như trong những ngày 93 vĩ đại, là một cuộc liên minh tư nguyện những người công dân đã được tuyển lựa và tập họp thành từng nhóm.
Mọi quận có bốn đại biểu thay mặt do hội nghị vừa chỉ định, và tôi là một trong những người được chọn có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của một khu ngoại ô phía trên, chống lại Tòa Thị chính.
Chúng tôi vừa căng ra trên khắp đô thành mạng lưới của một liên minh, nó đẻ ra vô số những liên minh khác với liên minh Quảng trường Mac… cho dẫu liên minh này đã gây được tiếng tăm đến thế nào trong lịch sử.
Ấy là tám mươi người nghèo từ tám mươi căn nhà tồi tàn mà ra, họ sắp nói và hành động – nên, nếu cần – nhân danh tất cả những phố của Pari, đoàn kết trong cảnh bần cùng và để chiến đấu.
Bảy giờ - Belơvin. Chúng tôi ngược lên Belơvin, bằng bước xung kích.
Chúng tôi sẽ tổ chức một câu lạc bộ.
Nhưng trước hết, một người trong bọn tôi đã phải nói với một đồng chí chủ một quán ăn mới có được, không mất tiền, một bình rượu và một con bê thui mà chúng tôi vồ lấy ăn ngon lành.
Số là từ hai hôm nay, bọn tôi chẳng tọng vào họng súng được bao nhiêu, và người ta lại hò hét quá nhiều: đâm đói meo!
Ta đang tiến hành cách mạng phải không, bố? Đàn con ông hàng rượu hỏi, chúng ngỡ đó là một ngày hội để người ta vận quần áo đẹp, hoặc một cuộc ẩu đả để người ta sắn tay áo.
Thật tình, chẳng có vẻ gì là cách mạng… người ta không thể bảo rằng cái gì như một nền Đế-chế vừa xụp đổ.
Vấn đề lúc này là tập hợp nhân dân.
- Làm thế nào?
- Tôi nghĩ ra rồi! Uđê nói.
Anh đã trông thấy nhóm tàn binh của một trung đoàn giạt tới dưới ánh nắng của một trại lính. Anh liền đi vào phố, tới chỗ lính tản mát, tìm một anh lính kèn trong đám, kéo anh ta tới một cột mốc bảo:
- Cậu trèo lên đây, và thổi kèn đón Cách mạng.
Và anh lính kèn đã thổi!
Tò te tí te! Tò te!
Cả khu phố kéo tới.
- Cậu cố giữ mọi người trong cuộc diễu hành, trong khi bọn mình chạy đi tìm một rạp xiếc.
- Ở đâu?
- Ở Fôli - Belơvin, một anh đề nghị: rạp ấy có thể chứa được ba ngàn người.
- Tôi muốn gặp ông Giám đốc?
- Tôi đây.
- Bạn công dân, chúng tôi cần đến cái rạp của bạn.
- Ông có trả tiền tôi không?
- Không. Nhân dân yêu cầu bạn cho chịu; rồi người ta sẽ quyên tiền. Nếu điều đó không vừa lòng bạn, kệ! Bạn ưng người ta phá cửa và đập gẫy ghế chăng?
Tay chủ gãi đầu.
Tò te tí te! Tò te!
Tiếng kèn nghe gần lại. Đám đông đang tiến.
Hắn đã nhận lời – phải thế thôi!
Cuộc họp. Người ta đã thành lập ban điều khiển. Uđê, người vùng đó, chủ tọa.
Anh nói vài lời cám ơn cử tọa, rồi nhường lời cho tôi giải thích tại sao bọn tôi đến, và bọn tôi nhân danh ai mà nói.
Cử tọa xúc động!
Tôi đã nói những điều cần nói, hình như thế.
Và hội nghị hoanh nghênh chương trình của Công xã phác thảo trong tờ áp-phích ở La Coocđơri.
Một phát súng nổ.
- Bắt lấy tên giết người!
Vài người chạy xô lên diễn đàn và kêu lên rằng, bên cạnh họ, ở kia, ngay trên vỉa hè có kẻ vừa giết một người của bọn họ.
- Chính một tên cảnh sát ăn mặc vận thường đã bắn!
Toàn đội cảnh sát khu phố lẩn trốn từ ngày mồng 4 đã phản công!… Chúng ta sắp bị tấn công!
Một cơn hoảng sợ trong các góc rạp; nhưng tuyệt đại đa số đứng lên:
- Nền Cộng hòa muôn năm!
Và trên đầu mọi người lấp lánh và vùng vẫy những võ khí bằng đủ thứ kim loại và đủ mọi cỡ.
Dưới một tia sáng hơi đốt, lóe lên một lưỡi rìu không biết lấy ở đâu. Trong một khung cửa, một người lấy ra những quả bom giống những củ khoai Oocxini.
- Chúng cứ việc tới!
Không có ai tới cả. Tên hung thủ đã trốn mất rồi.
Rồi người ta có tìm ra hắn không? Không biết.
Nhưng ngay lập tức, hội nghị biểu quyết tất cả mọi người sẽ đi đưa đám người chết.
Hôm đưa đám, người ta đẩy tôi đi trước đoàn tang, và người ta đòi hỏi công dân Vanhtrax phải có diễn văn.
Người phu đào huyệt vừa nghỉ, tay tì lên cán mai, trên nghĩa trang bỗng im phăng phắc.
Tôi bước lên, và tôi chào một lần cuối cùng người đã bị nạn ở giữa chúng tôi, mà nấm mồ kề sát ngay chiếc nôi của nền cộng hòa.
- Vĩnh biệt anh Bécna!
Những tiếng xì xào… Tôi cảm thấy có ai kéo vạt áo tôi.
- Tên anh ấy không phải là Bécna, mà là Lămbe, bố mẹ anh nói nhỏ vào tai tôi.
Những con người khốn khổ! Tôi đứng thẫn thờ, hơi cảm động, nhưng chính mối xúc động đó đã cứu tôi khỏi lố bịch, và mở rộng lời nói của tôi.
- Niềm kính trọng của chúng ta càng phải sâu sắc biết bao trước quan tài của người người vô danh ngã xuống không có vinh quang, được hưởng một niềm tôn kính chẳng phải dành riêng cho cá nhân họ vẫn khiêm tốn trong dũng cảm và khó nhọc, mà là dành cho đại gia đình nhân dân, trong đó họ đã sống và vì nó họ đã chết!
Chẳng làm sao cả, dù thế tôi cũng đã làm rầu lòng gia đình Lămbe!
Câu lạc bộ muốn có đại biểu của nó ngồi vào bàn của Thị chính. Nó ra lệnh cho bọn tôi lập tức đến đóng tại tòa Thị chính và cho năm người có võ khí – không kém một người – để giúp sức bọn tôi.
Bọn tôi đã bị đuổi đi.
Năm người kia muốn giữ bọn tôi lại ở cầu thang: nếu cần thì sẽ chết ở đấy! Hình như họ cho bọn tôi là nhu nhược, vì bọn tôi không bảo họ tấn công.
Trong lúc chúng tôi cầm cự với chúng, mẹ kiếp! Một người trong bọn anh sẽ đi cứu viện, viên đội vừa nói vừa xoắn ria mép.
Cứu viện?… Liệu chúng tôi có tìm được một đại đội trọn vẹn để theo chúng tôi tới cùng không, dù chúng tôi tối nào cũng được hoan hô?
Ba bốn lần, người ta quyết định sẽ kéo nhau cả đoàn tới Thị sảnh.
Một nửa phòng họp giờ đã giơ tay; người ta hốt hoảng thốt ra những lời hăm dọa; bọn tôi đã sợ bị kéo đi quá xa.
Quá xa!… Cũng chỉ tới đầu phố, tới đây mọi người tản mát cả, để lại bọn tôi ba bốn người tới dọa Chính phủ
Bọn tôi lên xe ngựa – mất toi ba xu – và chúng tôi buồn bã xách bản yêu cầu hoặc bản tối hậu thư đi lang thang trong những hành lang sáng lờ mờ; gặp bộ mặt gỗ khi tới phòng giấy của Aragô, gặp bộ mặt khi nào chúng tôi nổi giận. Bọn lính gác động đậy trong bóng tối, theo hiệu lệnh của một tay vận thường phục nào đó, đeo băng và đi bốt to tướng.
Tôi đã tưởng rằng làm chỉ huy tiểu đoàn thì sẽ tăng sức mạnh hùng biện của tôi, và tốt hơn hết là nói xong thì cho người ta trông thấy mũi nhọn của người lưỡi lê.
Thế là tôi nộp đơn xin gia nhập ngành quân sự, tuy bản thân tôi xưa nay chưa làm lính bao giờ, lon ngủ vẫn làm tôi phì cười, và tôi rất sợ khi bước đi vướng chân vào vỏ gươm.
Đã có hội đàm với một vài cấp to của khu phố, ở nhà tay chủ xưởng Menzetza, tay này trước ngỡ tôi có bộ mặt tướng cướp, bây giờ lại thấy tôi có vẻ xởi lởi… điều này đã làm cho một tay theo phái Mara nghiến răng, vì hắn muốn tất cả những kẻ có nhiệm vụ chặt đầu phải có một cái đầu làm cho người ta sợ, nhưng điều đó lại làm cho các vị thân hào được yên tâm, và đã khiến tôi được bầu ra với gần hết số phiếu!
Danh giá, quả là đắt! Tôi phải có một chiếc mũ kêpi thêu bốn đường chỉ bạc: tám phơrăng, không kém một xu, mà đấy là mua ở hiệu ông Bruynơrô, bạn của Pyat, ông ta để lại cho tôi theo giá vốn.
Tôi muốn dừng lại ở đấy khoản chi phí cho bộ đồng phục, nhưng đôi giày của tôi đã ọp ẹp và qua hai ngày, tôi nhận thấy nó chạm đến sĩ diện của tiểu đoàn.
Tôi đã đặt vấn đề giầy với một ủy ban, nó đã họp không có mặt tôi, rồi long trọng cho gọi tôi đến.
- Bạn công dân, mọi người vừa biểu quyết cho bạn một đôi bốt đế kép. Người báo cáo nói thêm: Như thế để bạn thấy, nhân dân quý trọng bạn đến chừng nào!
Ở đâu cũng có những kẻ ghen tị! Đôi đế kép ấy làm người ta càu nhàu.
Nhưng tôi không thể giựt nó ra được. Thế rồi nó làm tôi ấm, và đôi chân tôi hả hê.
Mặc, người ta vẫn xì xào, không phải trong phe tiến bộ, mà những người tốt biết rằng tôi đã mòn cả giầy lẫn người để phục vụ họ, nhưng viên thị trưởng đã tiến hành một âm mưu thưởng những ngón chân nào chĩa móng ra.
- Rồi chúng chĩa cả răng nữa, anh thư ký đại hội hai nói bằng một ngôn ngữ bóng bẩy, khi anh báo tin cho tôi biết, trong báo cáo buổi sáng.
- À! ra thế! Được rồi!
Một hồi trống.
- Những người không có giầy ngày mai sẽ đi đất tới ban tham mưu, ông thiếu tá sẽ đích thân tới tòa thị chính. Họ phải cắm lưỡi lê vào nòng súng và mang đạn trong bao.
Họ đã tới chỗ hẹn, chân không giầy.
Đám đông cười ồ, ngạc nhiên, bàn tán.
- Đằng trước, tiến.
Cơ quan thị chính xúc động.
Viên thị trưởng, xuất thân là anh bán kính, lấy một chiếc ống nhòm hải quân và chõ về phía chúng tôi.
Hắn trông thấy bầy quân chân sạm nâu bấm xuống để chờ xung phong, kẻ thì nhợt nhạt hy vọng, người thì tím mặt căm giận…
Chuyện đó không kéo dài!
Lúc chúng tôi xếp hàng dưới cửa sổ buồng thị trưởng, đột nhiên, bao nhiêu giày bay tới tấp như những bó hoa hồng làm trời tối xầm lại. Người ta ngỡ như ở Milăng, khi phụ nữ ném hoa lên mũ quân lính chúng ta – duy mùi hương là có khác.
Những kẻ cấp giầy bất đắc dĩ đã thề trả miếng.
Hắn muốn loại bỏ tôi ở chức tiểu đoàn trưởng bằng bất cứ giá nào.
Hắn đã tìm được cách!
Sáng nay, đang cơn mưa rào tưởng có thể nhấn chìm cả một đạo quân, quân của tôi đã bị tống cổ ra ngoài thành theo một lệnh giả mạo của thiếu tá là ông ta sẽ chủ tạo cuộc tập bắn và ông ta sẽ có mặt ở bãi tập.
Tôi không liên quan gì tới cuộc du hành ấy cả, và tôi ung dung ngồi nhà nghe mưa rơi!
Nhưng kìa, dưới cửa sổ nhà tôi, cuộc nổi loạn ồn ào; những tiếng kêu “Đả đảo Vanhtrax!” vang lên. Lại có những anh vỗ súng và đòi leo lên.
- Khỏi phải lên, tôi xuống đây!
Họ đã tràn vào phòng Faviê và ở đó, năm sáu trăm người, họ giơ quả đấm với tôi lúc tôi len vào giữa họ để lên diễn đàn.
Nhưng đấy là những người thật thà và, dù đang chửi rủa và giận dữ, họ cũng không có một cử chỉ bêu diếu và nhục mạ tôi. Thậm chí cuối cùng họ đã nghe tôi, lúc tôi vạch trần sự phản bội! Làn sóng dẹp xuống, cơn giận nguôi đi…
Nhưng tôi đã quá ngán! Tôi trả lại mũ và gươm, tôi xin rút lui.
Xin chào, các bạn!