NGƯỜI KHỞI NGHĨA - Valles
Thanh Vân 11.12.2023 05:11:29 (permalink)

Tác phẩm: JĂC VANHTRAX - TẬP 3: NGƯỜI KHỞI NGHĨA
Nguyên tác: L’Insurgé (Jacques Vingtras #3)
Tác giả: JUYN VALEX
Dịch giả: Trần Dần
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - Hà Nội – 1975
Scan: conguyen
Đánh máy: kzak27, Celesta, Fish, meobeohu, minhtrang, lemontree123, Bac Nguyen và conguyen
Soát lỗi & làm eBook: tamchec
Ngày hoàn thành: 30/08/2014
http://tve-4u.org

*

KÍNH TẶNG CÁC TỬ SĨ NĂM 1871
Tôi tặng cuốn sách này cho TẤT CẢ NHỮNG AI là nạn nhân của bất công xã hội đã cầm vũ khí chống lại một xã hội tổ chức hỏng và đã họp dưới là cờ của Công xã thành khối đại liên minh những đau khổ.
JUYN VALEX[1]
 
 
 
**
 
 
 

I

Có lẽ tôi là một thằng hèn thật, nhưng bọn mũ đỏ và bọn gót đen đã nói dưới mái rạp Ôđêông!
Thế là đã bao nhiêu tuần rồi mà tôi làm giám thị[2] mà tôi cũng chẳng cảm thấy buồn rầu hay đau xót gì; tôi chẳng thấy bực bội và cũng chẳng thấy xấu hổ.
Tôi đã từng chửi món đậu ở trường trung học; hình như đậu ở địa phương này ngon hơn vì tôi ngốn hàng đĩa đậu và liếm đi liếm lại chiếc đĩa.
Hôm nọ, giữa buồng ăn im lặng, tôi đã thét lên như hồi xưa ở quán Ritsơfơ”
- Bồi, cho thêm một xuất!
Mọi người quay lại, và người ta cười.
Tôi cũng cười – tôi đang tiêm nhiễm cái vô tư lự của kẻ khổ sai, cái trơ tráo của tù nhân, tôi đang thích nghi với nhà ngục của mình, đang dìm con tim mình trong bình rượu sung túc – tôi đâm yêu cái máng ăn của tôi.
Tôi đã đói quá lâu rồi!
Tôi đã từng bao phen thắt chặt cạnh sườn để bóp nghẹt cơn đói nó gầm gừ và cắn xé ruột gan tôi. Tôi đã từng bao lần vuốt bụng mà không làm ánh lên tia hy vong được một bữa ăn, đến nỗi bây giờ, như con gấu nằm dưới một dàn nho, tôi cảm thấy khoái trá khi được tẩm nước xốt nóng vào ruột khô của mình.
Cái đó cũng gần như niềm thích thú khi xoa vào một vết thương đã lành.
Dù sao tôi cũng không còn nước da xanh xao, con mắt sâu hoắm như trước nữa; bây giờ thường có trứng dính ở bộ râu của tôi.
Bộ râu này, xưa kia tôi không chải nó; ngón tay tôi giày vò và hành hạ nó khi tôi nghĩ tới nỗi bất lực và cảnh bần cùng của mình.
Bây giờ thì tôi trau chuốt và xén đều nó… Cả mái tóc cũng thế, và hôm chủ nhật nọ, trước gương, sau khi trút bỏ mảnh vải che thân cuối cũng, tôi bất chợt, với đôi chút kiêu hãnh, thấy mình có tí chút bụng phệ.
Thầy tôi còn can đảm hơn, và tôi nhớ lại là đã thấy ánh lên mối căn thù trong con mắt thầy tôi, hồi thầy tôi làm giám học, tuy thầy tôi không đóng vai người cách mạng, không sống trong thời kỳ bạo động, chưa bao giờ hô hào cầm vũ khí, không qua trường học khởi nghĩa và đấu gươm.
Giờ-đây tôi đâm ra thế này – và tôi đã tìm thấy ở trường trung học này sự yên ổn của nơi trú viện, miếng bánh mì của nhà cứu tế, khẩu phần ăn của nhà thương.
Lúc chặp tối, một cựu chiến bính ở Farâyron đã từng chứng kiến trận Oaleclô kể với chúng tôi rằng buổi chiều trận đánh ấy, trước khi nó kết thúc, ông ta đi ngang qua một quán ăn cách hàng quân vài bước, ông ta ngã gục xuống một chiếc bàn gỗ, quăng súng và không chịu đi xa nữa.
Viên đại tá mắng ông ta là hèn nhát.
- Hèn nhát cũng được! Không còn có Chúa, có Hoàng Đế… Tôi đang đói khát đây!
Và ông ta tìm cái sống trong tủ ăn của quán hàng, giữa những xác chết; và, ông ta nói ông ta chưa bao giờ được ăn bữa nào ngon hơn, thịt thì tuyệt ngon và rượu thì mát lịm. Rồi ông ta nằm dài, đầu gối lên túi dết, ông ta ngáy theo nhịp tiếng gầm của đại bác.
Đầu óc tôi bây giờ ngủ yên xa cuộc chiến đấu và xa tiếng ồn ào; kỷ niệm của quá khứ chỉ còn rung lên trong tim tôi, như còn có thể rung bên tai một tên lính đào ngũ, tiếng trống trận xa dần và tắt lịm.
Là con mồi của phòng trọ, trong bao nhiêu năm bắt buộc phải nhận bất cứ cái ổ chuột nào làm nhà ở, và chỉ quay về cái ổ đó vào những giờ tối mịt, vì sợ nỗi mất ngủ, hoặc vì sợ bà chủ trọ; là kẻ trốn khỏi nông thôn cần nhiều khí trời hơn người khác, nhưng chỉ được hít thở những xú khí ở những quán trọ đầy nước rác; là kẻ đói khát chưa bao giờ ăn trả tiền ngay, mà vốn lại háu đói và phàm ăn - ấy chính cái anh chàng đó, một buổi sang kia, bỗng thấy được đảm bảo về ăn và ngủ, đảm bảo chiếc khăn bàn không ngập ngụa, giấc ngủ không rệp đốt, và tỉnh dậy không chủ nợ réo đòi.
Và anh chàng Vanhtrax hung tợn không còn mối căn giận trong lòng, mà là cái mũi chúi vào đĩa thức ăn với chiếc khăn ăn mang khoanh tròn, và một bộ thìa đĩa đẹp bằng may-so.
Mà anh ta cũng đọc kinh trước bữa ăn như kẻ khác, với vẻ nghiêm trang khá đầy đủ, và nó không làm nhà cầm quyền phật lòng.
Bữa ăn xong, anh tạ ơn Chúa (vẫn bằng tiếng la-tinh), luồn tau ra đàng trước lưng áo gilê để nới vòng khóa cởi một chiếc cúc ở đàng trước, rồi khép áo rơđanhgốt lại chiếc áo lấy trong tủ của người quá cố và sửa chữa lại cho vừa người anh ta, theo kiểu của bố. Rồi ruột căng, môi nhờn, cùng đoàn học sinh do anh chỉ huy, anh đi về phía sân của học sinh lớn, chiếc sàn cao át cả một vùng, chẳng khác gì sân thượng của một lâu đài phong kiến.
Ở trên từng cao ấy, đôi lúc, tôi thấy nên trời như một chiếc áo lụa nõn và làn gió hiu hiu mơn trớn cổ tôi như cánh chim va nhẹ.
Chưa bao giờ tôi thấy trước mặt tôi bao nhiêu êm đềm và yên tĩnh như thế.
Buổi tối.
Căn buồng nhỏ ở đầu nhà ngủ, nơi các thầy giám học có thể tới để làm việc hoặc mơ màng vào những giờ rảnh, căn buồng ấy trông ra một vùng thôn quê xum xuê cây cối và ngang dọc có những con sông.
Trong hơi gió, hương vị biển cả, mằn mặn ở môi, làm mát rượi con mắt và xoa dịu tim tôi. Trái tim ấy, nó đập quá ít theo tiếng gọi của tư tưởng, như tấm màn che sát cửa sổ trước một làn gió mạnh hơn.
Tôi quên mất cái nghề mà tôi đang làm, tôi quên mất lũ trẻ tôi phải canh giữ… tôi cũng quên cả đau khổ và nổi loạn.
Tôi không quay đầu về phía Pari đang gầm thét, tôi không tim, ở chân trời, nơi bốc khói, chắc là phải đấu trường – tôi đã phát hiện ở phía cuối,nơi xa tít kia, một vườn miễn-liễu và một vườn cây ăn quả đang ra hoa, mà tôi đăm đăm nhìn với đôi mắt ướt và tôi cảm thấy dịu dàng hơn trước.
Phải, bọn ở Ôđêông đã nói đúng: đồ hèn mạt!
Khi ra khỏi trường, tôi bước vào những phố xá êm ả và yên ngủ, tôi chỉ đi một trăm bước là tới một con suối, tôi men theo, đầu óc không suy nghĩ gì, con mắt mơ màng nhìn theo một cành cây hoặc một búi cỏ bị dòng nước cuốn và nó cũng có chuyện bất kỳ ở dọc đường.
Cuối đường là một quán rượu nhỏ, với một xâu táo làm biển hàng, tôi uống vài xu, rượu táo màu vàng óng, nó làm cho mũi tôi cay cay.
Chà, đúng! Đồ hèn mạt!
Nhưng tôi lại vẫn không gặp may…
Do một sự tình cờ kỳ lạ, trường trung học này lại tràn trề không khí và ánh sáng; đấy là một nhà tu cổ, có vườn lớn và có cửa sổ lớn; trong nhà ngủ, khi cửa sổ mở, vọng vào tiếng ồn ào của lá cây và tiếng run rẩy của thiên nhiên ngà màu hoen rỉ lúc sang thu, với sắc ấm của đồng hun và đồng thau.
Bọn học sinh không có án cảm với tôi, chúng vẫn quen bị cai quản bởi những gã tập sự vừa rời khỏi ghế nhà trường, hoặc bởi những lão giám học già đeo lon, còn ngu xuẩn hơn cả những tên đội đầu buồng.
Bọn học sinh coi tôi là có phần như một sĩ quan không chính quy thất thế, mà cái chết của người cha – một sĩ quan chính quy đeo lon – ngẫu nhiên bị gọi về; hơn nữa tôi có vòng hào quang của dân Pari. Thế là đủ để tôi không bị cái đám tù trẻ tuổi này căm ghét.
Các bạn đồng sự cũng thấy tôi dễ ưa, mặc dù quá đạm bạc, họ thì đóng khoanh những giờ rảnh của họ vào một tiệm cà-phê ẩm ướt và tối tăm, ở đó họ tự làm mụ người bằng uống bia, nhấm nháp cà-phê pha rượu và nhồi tẩu thuốc.
Tôi không uống mà cũng không hút.
Thì giờ riêng của tôi, tôi qua bên cạnh lò sưởi, trong phòng học trống rỗng, một quyển sách trong tay, hoặc ở lớp triết học, một quyển vở đặt trên đầu gối.
Giáo sư triết là con rể của chính ông giám hiệu đại học, ông ta cảm thấy hãnh diện khi thấy anh chàng dân Pari ấy, với vẻ ngổ ngáo, bộ râu đen, ngồi trên ghế như một cậu học trò, và lắng nghe nói về các đặc tính của linh hồn. Những điểm này đã chơi tôi một vố hồi thi tú tài, không thể để chúng lại cho tôi vào tròng ở kỳ thi cử nhân. Tôi vẫn biết xem ở tỉnh Canvađốx người ta cho linh hồn có nhiều đặc tính: sáu, bảy, tám… ít hơn hay nhiều hơn!
Và tôi theo học chăm chỉ, để được tinh thông về môn triết học tỉnh này.
15 tháng 10.
Hôm nay là ngày khai giảng Đại học khoa Văn; diễn văn khai giảng sẽ do giao sư sử học đọc.
Nhưng giáo sư này, tôi đã có lần gặp ông ta rồi!
Chính ông đã tới trường trung học Bônapactơ, với tư cách là học sinh năm thứ ba trường sư phạm để dạy chúng tôi môn tu-từ-học, hồi tôi theo lớp ấy. Hồi đó vào năm 1849 – quả thật ông ta ăn nói bạo dạn và cách mạng. Tôi nhớ ông còn tới cả tiệm cà-phê với Anatôly mà ông quen người anh và ông ngẩng đầu lên khi nghe thấy tôi chửi bộ quần áo thầy tu của Bêrănggiê ở bàn bên cạnh, nơi đang có tranh luận.
Hồi ấy ông đã chú ý đến tôi, mà không nhớ tên tôi; nhưng bây giờ ông vẫn nhớ tới chuyện ấy, và lúc tan lớp, tôi tới gặp ông thì ông nhận ra tôi ngay.
- Thế bây giờ anh làm gì ở đây? Tôi nghe nói anh bị đi đầy hay chết vì đấu gươm rồi.
Tôi thú thật với ông là tôi tự cảm thấy đến mức nào bị đắm đuối, an phận, sung sướng trong khuôn phép, bằng lòng sống, với bàn tay nắm chiếc mở nút chai rượu táo hay chiếc thìa xúc đậu khô, mắt nhìn theo làn sóng trên sông.
- Quỷ thật, quỷ thật! Ông nói như một thầy thuốc khi nghe tin dữ. Vậy anh đến tôi chơi, nói chuyện. Tôi cũng thấy thú được thỉnh thoảng thoát khỏi cái khung cảnh bọn ngốc và khốn kiếp kia!
Ông khoát tay chỉ các nhà chức trách và cả đám đồng sự của ông.
Chính ông ta, giáo sư đại học đắc thế, nói như thế đấy!
Chà! Tôi đã gặp ông ta làm gì!
Tôi đã sống yên ổn, tôi khoan khoái nghỉ ngơi; ông ta nhóm lửa lại trong lòng tôi, và, hôm chủ nhật, khi tôi nới khóa thắt lưng ở bữa tráng miệng và tự kiềm chế khoái cảm, thì ông ta lay tôi:
- Ít nhất anh đừng trở thành tư sản và phát phì ra. Tôi vẫn còn ưng nghe anh chửi tôi vì cái huân chương tháng Sáu ấy.
Quả thật, hôm đầu tiên đến chơi nhà ông, tôi đã chửi ông về tấm huy chương của ông, rồi tôi quay ra cửa.
Ông giữ tôi lại.
- Hồi ấy tôi hai mươi tuổi… tôi đứng trong cả bầy trường Sư phạm… Vì không hiểu khởi nghĩa là thế nào, tôi đứng về phe Cavainhắc mà tôi ngỡ là người Cộng hòa, và tôi là kẻ đầu tiên xong vào điện Păngtêông, nơi thợ thuyền dựng chiến lũy. Người ta cử tôi tới báo tin cho Nghị viện, và họ lấy băng cài vào khuyết áo tôi. Nhưng, tôi thề với anh, tôi không để giết hại một người nào, mà tôi đã liều mạng để cứu sống nhiều chiếu sĩ. Thôi anh hãy ở lại đây! Anh thấy rõ rằng con người ta có thể thay đổi, bởi lẽ chính anh thú nhận là anh không giống như trước nữa…
Ông giơ tay ra, tôi nắm lấy và từ đó chúng tôi trở thành bạn.
Tôi cũng trở thành học trò yêu của người đồng sự tóc bạc của ông nữa, cụ Masar, cụ ấy bây giờ im hơi lặng tiếng ở tỉnh lẻ, sau khi đã có thời vinh quang tại Pari.
- Ai là Vanhtrax trong các anh? Ông cụ hỏi bọn giáo học tụ tập để dự kỳ giảng thứ hai của năm học.
Tôi bước ra khỏi đám.
- Anh ở đâu đến, trước anh học ở đâu?… Ở Pari xa kia phải không? Ít ra anh cũng đã kết thúc ở đấy, tôi tin chắc như thế!
Và cụ bảo tôi đọc to bài luận văn của tôi, bài làm của tôi.
- Anh là một nhà văn đấy, anh ạ!
Cụ ném câu đó vào mặt tôi mà chẳng báo trước, và tan lớp, cụ kéo tôi về tới tận cửa nhà cụ. Tôi đã kể chuyện tôi cho cụ nghe.
- Ờ, ờ! Cụ vừa nói vừa gật đầu, nếu chỉ ông bạn Lăngxanh với tôi thì anh sẽ đỗ cử nhân tháng tám này! Nhưng liệu anh còn ở lại tới ngày ấy không? Ông hiệu trưởng có giữa anh lại không? Trông anh có vẻ một con người, ông ta thì lại cần đến những con chó cụp đuôi…
- Tôi thu mình lại, tôi đã định làm một thằng hèn!
- Có lẽ, nhưng người ta thấy anh không phải thế, và bọn đê tiện đoán thấy anh khinh chúng.
Cụ nói rất đúng, người giáo sư già ấy! Dù tôi có tỏ vẻ yên ngủ, và để bụng phát phì, và đọc kinh trước bữa ăn, cũng chẳng có ích gì hết!
Bọn đạo đức giả trường đại học, viên hiệu trưởng và viên tư-tế trường trung học đã quyết định bẫy tôi. Bộ râu chổi sể của tôi, con mắt trong sáng của tôi, tiếng nện gót của tôi, dù bước chân tôi có êm mấy, tất cả đều chửi vào cái cằm nhẵn thín của chúng, con mắt lén lút của chúng, tiếng gót giày lê trên gạch lát của chúng.
Không thể trách tôi thiếu chín chắn hoặc hay rượu, bọn Jêduyt ấy, chúng nẩy ra một ý kiến kỳ diệu!
Chúng ám muội tổ chức một âm mưu làm hại tôi.
Nửa đêm.
Nhà ngủ, nơi tôi thắp nến học đêm, trở thành địa bàn phục kích của bọn âm mưu ấy.
Kiểu xây nhà tu của nó tiện cho viện nổi loạn. Hồi xưa mỗi thầy tu có một phòng lộ thiên, bây giờ mỗi học sinh có một phòng như vậy, thành thử, người ta không nhìn thấy ai trong từng ngăn một; viên giám học nghe thấy tiếng động mà không phân biệt được cử chỉ của ai.
Một buổi tối kia, đã xảy ra một cuộc khởi nghĩa giữa các bức tường bằng gỗ ấy: tiếng đập vào vách, tiếng huýt sáo, tiếng gầm gừ, tiếng la thét, và nghe thật ngộ đến nỗi tôi cũng muốn xen mình vào đấy.
Và chính tôi, tôi cũng nện, huýt còi, gầm gử, la thét, với những âm the thé giọng kim:
- Đả đảo giám học!
Đây là giờ phút sinh động đầu tiên của tôi, kể từ khi tôi vào làm ở đây.
Tôi đứng đó, áo sơmi trần, ngay giữa căn buồng, tôi lấy cái giá nến đập vào cái bô đi tiểu, bắt chước tiếng gà, tiếng lợn, la thét liên hồi: Đả đảo giám học!
Người ta ấy cửa vào….
Đích thân viên hiệu trưởng. Ông ta kinh ngạc khi thấy tôi phong phanh áo ngủ, chân không trên nền gạch, một tay cầm chiếc chiếu bò, tay kia cầm cái giá nến, và ông ta ngơ ngác lầm bầm:
- Thế ông… ông không nghe thấy à?
- ???
- Cuộc nổi loạn ấy!… tiếng la thét ấy!
- Tiếng la thét?… Một cuộc nổi loạn?
Tôi dụi mắt, giả bộ sửng sốt và bối rối… Ồ! Ông ta đã hiểu rõ sự tình, và ông ta bỏ đi, mặt trắng bệch như men chiếc bô. Sẽ không có nổi loạn ở nhà ngủ nữa? Không có nguy cơ gì!
Tôi lại đi nằm, chán ngán về tiếng ồn ào đã chấm dứt.
Nhưng tôi thấy rõ là phen này tôi đi đứt. Tôi sẽ quấy mặt trước khi người ta đuổi tôi đi.
Cơ hội vừa tới.
Ông giáo sư tu-từ học bị ốm. Có lệ là viên giám học sẽ thay ông giáo chính, khi ông này bất thường bị bận việc hoặc vắng mặt.
Vậy thì chiều nay, chính tôi sẽ lên lớp, sẽ bước lên giảng đàn kia.
Đây, tôi ở trên giảng đàn.
Học sinh đang chờ đợi, với mối xúc động mà mọi sự kiện mới đều sinh ra. Tôi sẽ xoay xở ra sao đây, tôi, tay nói giỏi, con cưng của trường Đại học, dân Pari?
Tôi bắt đầu
“Thưa các bạn,
“Tình cờ mà tôi được thay ông Jăckô, giáo sư đáng kính của các bạn. Nhưng tôi xin mạn phép không tán thành ý kiến của ông về phương pháp giáo dục nên theo.
“Ý kiến riêng của tôi là không nên học gì cả, bất cứ cái gì mà ngành Giáo dục yêu cầu các bạn. (Tiếng ồn ào ở giữa lớp). Tôi nghĩ có ích cho tương lại các bạn hơn nên tôi khuyên các bạn nên chơi đôminô, chơi cờ đam, chơi ècáctê – những bạn ít tuổi nhất thì được phép chơi trò cắm giấy vào đít ruồi. (Chuyển động khắp các phía)
“Kìa, các ban hãy yên lặng! Ta chẳng cần phải suy nghĩ gì để đọc Đêmôxten hay Viêcgin, nhưng muốn ăn 90 hoặc 500 điểm, hay muốn chiếu trướng, hay muốn cắm giấy vào đít ruồi mà không làm nó đau, thì bình tĩnh là cần thiết cho tư duy, và trầm tư là yêu cầu đối với con bọ vô tội mà, thưa bạn, trí tò mò của các bạn sắp thăm dò, nếu tôi dám nói như vậy. (Xôn xao kéo dài)
“Cuối cùng tôi mong rằng thì giờ mà chúng ta sắp trải qua với nhau, sẽ không phải là mất toi.”
Lên bảng!
Ngay tôi hôm ấy, tôi nhận được lệnh nghỉ việc.
 
 
 
***
 
 
 
 

II

Thế là tôi lại bị ném lên vỉa hè Pari, trong túi chỉ còn bốn mươi phơrăng, và xích mích với tất cả các trường đại học nước Pháp và Navarơ.
Bây giờ tôi xoay về ngả nào đây?
Tôi không còn như xưa nữa: tám tháng ở tỉnh nhỏ đã thay đổi con người tôi.
Trong suốt mười năm, tôi đã sống như một kẻ nghiện rượu sợ bị suy sụp sau ngày uống say, và rồi lại bị ma men ám ảnh, vừa ngủ dậy là nhảy sổ vô vào rượu, và lúc nào cũng giữ một chai vừa tầm bàn tay run rẩy. Tôi say sưa bằng nước bọt.
Và thường khi tôi can đảm một cách vô ích.
Chính ngay những kẻ mà tôi cống hiến một niềm vui để che giấu nỗi đau khổ tôi hay để giải khuây nỗi đau khổ của họ, họ đã không hiểu và cảm ơn tôi mà lại còn cho tôi là dân xứ Ôvecnhơ và là kẻ độc ác. Bọn đầu óc thiển cận tâm địa đớn hèn ấy, họ không thấy rằng tôi đã ném lời mỉa mai lên những niềm đau đớn, như người ta đeo mũi giả trên một mụn ung thư, và ruột gan tôi quặn đau khi tôi bông lơn để khuây dịu nỗi khổ cực chung của chúng ta, tựa như người ta nắm tay đấm vỡ một ô cửa kính để khí trời vào một nơi ngột ngạt!
Thật cực lòng mà phải quy phục!
Tôi đã làm gì từ khi tỉnh nhỏ kia về?… Tôi không nhớ nữa. Tôi đã sống kiểu như một con vật, như ở tỉnh ấy, nhưng không còn niềm vui có đồng cỏ để gặm và có ổ để nằm.
Chẳng lẽ cho tới khi nào nằm nghĩa trang, tôi chỉ có việc chống chọi với cuộc sống mà không ra được khỏi bóng tối, không có được ít nhất một trận giao tranh dưới ánh mặt trời hay sao?
Mặc kệ! Họ muốn bảo là phản bội cũng mặc!
Tôi sẽ tìm bán tám tiếng trong thì giờ mỗi ngày của tôi đối với miếng bánh được đảm bảo, đầu óc tôi được thanh thản.
Rút cục thì Acnu, vốn là một con người quân tử, cũng đã vào Thị chính; Lidel mà tôi gặp sáng hôm nọ đã cho tôi biết.
Bây giờ tôi phải xin chữ ký nhận vào lá đơn… Lại thêm một lời tuyên thệ phải giày xéo!
Chẳng sao!
Tôi đã bội ước khi làm giám học – tôi lại bội ước một lần nữa khi đi xin chữ ký những kẻ đã định giết hại chúng ta ngày Mồng Hai tháng Chạp.
Khốn khiếp! đã không tiến lên được, tôi lại còn lùi, và tôi vừa nhận thấy tóc mình đã bạc!
Thế là xong! – Một viên tướng của quân Cận vệ, một ông chủ hiệu sách ở Tuylơri, một viên hiệu trưởng cũ của thầy tôi đã cho tôi mỗi người vài dòng giới thiệu.
Thế là đủ. Tôi vừa được bổ chân trợ tá, lương một trăm phơrăng một tháng, ở một tòa thị chính heo hút và trông như một đồn nhỏ.
Tôi bay tới đó, leo cầu thang và xin gặp viên trưởng phòng.
Một ông đeo kính và lưng hơi gù tiếp tôi:
- Được rồi. Anh sẽ làm ở bộ phận khai sinh.
Ông ta dẫn tôi đến phòng khai báo và trao tôi cho một viên chức, ông này nhìn tôi từ đầu đến chân, ra hiệu cho tôi ngồi xuống và hỏi xem tôi viết có tốt không (!!)
- Cũng không tốt lắm.
- Ông viết thử xem.
Tôi cầm một quản bút chấm vào lọ mực, tôi chấm mạnh quá, nên khi nhấc bút ra, tôi làm bắn tóe một vệt to tướng lên trang giấy một quyển sổ to ở trước mặt ông ta.
Ông làm hiệu tuyệt vọng đến là dữ dội.
- Đúng vào tên người!… Thế là phải ghi chú!
Ông lao ra cửa sổ, cúi người ra ngoài, vùng vẫy tay, la hét.
Ông ta kêu cứu chăng? Ông ta cảm thấy sắp lên cơn trúng phong chăng? Hay ông định gọi người để bắt tôi?
Ai trả lời ông vậy? Thầy thuốc, hay cảnh sát?
Không. Đó là một người bán than, một người bán rượu vang và một chị đỡ đẻ chạy xộc vào buồng và kinh ngạc hỏi “Có chuyện gì vậy?”
- Có chuyện là cái nhà ông kia kìa, ông ấy bắt đầu công việc bằng cách vẩy một vết nhơ bẩn lên sổ sách của tôi, và bây giờ các ông bà phải ký ra lề, để cho đứa bé có hộ tịch.
Ông ta hầm hầm quay về phía tôi:
- Ông nghe rõ không? H-ộ t-ịch! Nhưng liệu ông có hiểu nó là cái gì không đã?
- Có, tôi đã học trường luật.
- Thế mà tôi không biết đấy!
Và ông ta cười nhạo:
- Họ đều như thế cả… Các bố tú tài làm chết sổ sách!
Lại những tiếng oe oe và tiếng giấy thô nện, lại một chị đỡ đẻ, một ông bán than và một ông bán rượu.
Ông bạn đồng sự của tôi ném tôi vào giữa tai họa.
- Ông tự hỏi để bà ta khai.
Tôi xoay xở ra sao đây? Tôi phải nói gì vậy?
- Thưa bà, bà đến cho một cháu bé?
Ông ta nhún vai, ra vẻ tuyệt vọng:
- Thì ông muốn bà ta đến về việc quái gì nữa?…
Thôi, có lẽ ông biết cách thị thực. Vậy ông hãy kiểm tra giới tính đi.
- Kiểm tra giới tính… Nhưng bằng cách nào?
Ông ta sửa lại mục kỉnh và sững sờ nhìn tôi; dường như ông tự hỏi có phải tôi lạc hậu về mặt giáo dục và e lệ quá quắt đến mức không biết cái gì phân biệt con trai với con gái.
Tôi làm hiệu là tôi biết rõ cái đó.
Ông thở phào khoan khoái, và nói với bà đỡ đẻ:
- Bà cởi quần áo cháu ra. Còn ông thì ông hãy nhìn. Nhưng đứng xa thế thì ông chẳng nhìn thấy gì, ông đứng gần lại!
- Con trai.
- Đúng đấy! người bố vừa nói có vẻ đắc ý, vừa nháy mặt với người bán than.
Thế là tôi trở thành vú em, hoặc cũng gần gần như thế.
Vì phép lịch sự, tôi bắt buộc phải giúp đỡ tí chút cho việc cởi tã lót, tháo ghim, cởi áo cho đứa trẻ, và khẽ xoa cằm nó khi nó thét to quá.
May mắn là nhà giữ trẻ Ăngtêta đã luyện cho tôi một lề lối và bàn tay khéo léo của tôi đâm nổi tiếng trong quận, cũng như xưa kìa cái cách tôi nhét áo sơmi cho trẻ. Thạo nhất là tôi!
Các bạn đồng sự của tôi, họ chẳng tài giỏi gì, nhưng họ không phải là người ác. Ở họ không có cái chất men oán hận và buồn phiền nó dấy lên ở bọn đại học luôn luôn ghen tị, sợ sệt, bị dò la.
Họ không làm cho tôi cảm thấy đau đớn sự kém cỏi của tôi; người bạn đồng sự của tôi đã không cáu kỉnh, càu nhàu quá hai ngày.
- Nói tóm lại, người ta đã dậy anh những gì ở trường trung học? Tiếng la-tinh phải không? Nhưng cái đó chỉ tốt để phục vụ lễ Thánh! Vậy bay giờ anh nên học viết nét sổ, nét đậm và nét thanh thì hơn.
Và ông ta bảo tôi cách viết đuôi những chữ dài và vòng khuyên những chữ tròn. Có khi Sở đã đóng cửa, chúng tôi còn ở lại để luyện lối viết chữ ngả, mà học đến ướt cả mồ hôi.
Một hôm, một người bạn cũ trong nhóm cộng hòa, qua cửa kính đã trông thấy tôi.
- Hồi xưa mày làm loạn; bây giờ mày viết chữ hoa!
Phải đúng thế đấy! Nhưng viết chữ hoa xong, tôi được tự do, tự do cho đến ngày hôm sau.
Tôi có cả buổi tối của tôi, – mơ ước cả cuộc đời tôi! – và tôi chỉ cần dậy sớm bằng công nhân là tôi có hai giờ làm việc tươi tỉnh, trước khi tới sở kiểm tra giới tính của hài nhi.
Tôi lột truồng chúng ra, nhưng tôi cũng tự lột truồng và tôi sẽ có thể chứng minh tôi là một thằng đàn ông cho kẻ muốn nhìn để biết giới tính.
Đám ma Muyêcgiê
Tôi đã xin phép để đi đưa đám một bậc danh nhân.
Tôi muốn nhìn mặt những nhân vật nổi tiếng, họ sẽ kéo đến đông đảo; và tôi cũng muốn nghe người ta nói những gì trên mộ ông ta.
Người ta đã khóc lóc, chỉ có thế thôi.
Người ta đã nói tới một cô nhân tình và một con chó mà người quá cố rất yêu, người ta rắc hoa hồng vào ký ức của ông, ném hoa xuống huyệt, rẩy nước thánh lên quan tài – ông đã tin Chúa, hoặc đã bắt buộc phải tỏ vẻ tin chúa.
Lại có lính bồng súng theo sau đám ma: tiểu đội những người có huân chương.
Ông ta có huân chương Bắc đẩu bội tinh: nó như một huân chương cấp cho kẻ mù lòa, như một dấu thêm của lòng từ thiện. Người ta không thể để cho những người có Bắc đẩu bội tinh chết đói; nhưng sống cực khổ, ông đã phải buộc vinh quang của ông bằng cái dải đỏ của huân chương, như buộc đuôi ngựa.
Tôi trở về tư lự, và thình lình tôi cảm thấy ruột gan quặn lại vì căm giận. Phải mất tám ngày sau, tôi mới hiểu cái gì quằn quại trong tôi – tôi vỡ lẽ vào một buổi sáng.
Đó là quyển sách của tôi, con đẻ của niềm đau khổ của tôi, nó đã cựa quậy trước quan tài người nghệ sĩ giang hồ được chôn cất long trọng và được biểu dương tại nghĩa trang, sau một cuộc đời không hạnh phúc và một cơn hấp hối không thanh thản.
Vậy thì bắt tay vào việc! Và rồi các bạn sẽ thấy cái mà tôi có trong bụng, khi đói khát không lẩn quất ở đó, như một bàn tay phá thai gắng bóp vỡ trứng bằng những móng đen!
Tôi là kẻ được thoát nạn, tôi sẽ viết lịch sử những ai không thoát nạn, những kẻ cũng khổ không kiếm ra miếng ăn.
Thật là quái quỷ với quyển sách ấy, tôi không gieo mần loạn một cách không lộ liễu, không ai ngờ dưới những chiếc áo rách mà tôi treo lên, như ở Nhà xác, lại có một võ khí để trao cho những ai còn giữ mối căm giận, hoặc ai không bị cảnh bần cùng làm sa đọa.
Chúng đã tưởng tượng ra một đoàn lang thang những kẻ hèn – tôi sẽ bầy ra cho chúng thấy một đoàn lang hang những người tuyệt vọng và uy hiếp!
 
 
 
***
 
 
 
 
 
 
 

III

Buồng của tôi thật ảm đạm, một căn buồng ba mươi phơrăng trông ra một mảnh sân ở đó, trên một đống rác ngất nghểu một chuồng chim bồ câu với những tiếng gù gù đến nản lòng.
Tôi chỉ nghe thấy thứ nhạc bực mình đó, và những tiếng nức nở của người đàn ở căn buồng tối tăm bên cạnh mà chị ta không trả được tiền thuê, và chị ta khóc – một giáo viên tóc hoa râm, mà không ai thuê mướn nữa, phải tìm những chỗ dạy học mười xu một bài.
Người đàn bà tội nghiệp! Tối hôm nọ, tôi đã bắt gặp chị với cái giá đó hiến những vuốt ve của cô gái già cho bọn con trai hầu buồng ở Van-đờ-Grax, và hé áo để cho người ta sờ vú.
Tôi những muốn bỏ đi chỗ khác: tôi thấy hình như lọt qua vách một mùi gì đầu độc tư tưởng tôi!
Tuy nhiên, tôi vẫn phải ở lại và không trả buồng, bởi lẽ tôi sẽ mất không một nửa tháng tiền thuê. Thế mà tôi đã có kế hoạch sinh hoạt – quyển sổ chi thu ở kia, bên cạnh cuốn hồi ký – ngân sách của tôi thật nghiệt ngã. Tôi chỉ có việc chúi đầu vào trang giấy và lấy bông nút tai lại để làm ngơ bên những tiếng nấc đau đớn của người hàng xóm và tiếng gù gù yêu đương của chim cu.
Có một con chim thường hay tới đậu ở cửa sổ gian buồng nhỏ để kiếm chút bánh mì do đôi bàn tay của người đàn bà tội nghiệp bẻ vụn ra đấy, đôi bàn tay vẫn còn mùi mồ hôi ân ái của bọn y tế.
Ở trường trung học, chim bồ câu được coi là con chim của lạc thú, nó vênh vang trên vai các nữ thần và vai các nhà thơ. Ở đây, nó tới làm đỏm và quyệt mỏ vào cửa kính của một gái đĩ. Con bồ câu tội nghiệp.
Tôi dậy vào sáu giờ sáng, tôi ủ chân trong mảnh áo choàng rách vì sàn gạch lạnh, rồi tôi làm việc tới lúc phải đến tòa thị chính.
Tôi chỉ quay vào viết từ năm đến tám giờ, không muộn hơn. Buổi tối làm tôi sợ, trong ngôi nhà tồi tàn phố Thánh Jắc ấy gần ngay Ngã tư máy chém cũ, sát bên bệnh viện quân y, kế liền Viện Câm Điếc. Quả là xung quanh đây chẳng có gì là vui vẻ!
- Nhưng ra đứng ở cửa sổ, máy có thể nhìn thấy điện Păngtêông, nơi một ngày kia mày sẽ đến yên giấc, nếu mày trở thành một vĩ nhân, Acsnun vừa bảo tôi, vừa cười giễu, khi tới chơi.
Tôi không tin tưởng ở điện Păngtêông, tôi không mơ ước mang danh vĩ nhân, tôi không tính chuyện trở thành bất tử sau khi chết – tôi chỉ cần được sống trong khi còn sống!
Tôi bắt đầu đạt được cái đó, nhưng trên đường đi còn nhiều bẩn thỉu và nhiều buồn rầu.
Người đàn bà hàng xóm trở nên táo tợn; bây giờ chị say sưa rượu chè, và dẫn trai về buồng chị cùng uống.
Một hôm, một thằng cha say rượu trong bọn đó quịt tiền, và định đánh chị: chị kêu cứu.
Chính tôi đã vặn cổ tay tên say rượu – hắn đã vớ lấy một con dao trên đĩa pho-mát và sắp đâm vào bụng người đàn bà. Tôi ẩy hắn ra ngoài hành lang và đóng sập cửa lại, hắn vừa đập cửa tới hơn mười lăm phút, vừa la lên: “Có giỏi ra đây, thằng ma cô!”
Ngay sau đó, người ta đuổi cô giáo đi “Chị ta, thế mà từ hai tuần nay, trả tiền sòng phẳng”, bà chủ nhà nói có ý hơi tiếc. Thế là chỉ còn đám chim bồ câu ân ái với nhau, và chúng tới ỉa trước cửa sổ buồng tôi, vì không thấy bánh mì ở cửa sổ bên cạnh nữa.
Tuy vậy, công việc của tôi cũng chẳng tiến triển được bao nhiêu. Là vì gian buồng này giá lạnh, mà đống than của tôi đốt lâu mới cháy! Tôi rét run người trong khi bật diêm, và dù tôi can đảm ngồi vào bàn mà không đốt lò sưởi, thì dần dần tôi cũng rùng mình và tư tưởng bay mất.
Tôi đã suy nghĩ nhiều. Tôi đã tới Xanhtờ-Giơnơvievơ để tìm trong sách những phương pháp đốt lò khả dĩ khiến tôi khỏi phải ngồi lâu, với chiếc sơ-mi phong phanh trên người trước lò sưởi đầy khói chứ không phải đầy lửa trong cái rét buổi sáng buốt đói chân trần trụi.
Nhưng tôi thất bại. Gió Bấc đã thổi. Từ tám hôm nay, tôi không làm được gì cả - ngoài việc ghi chú bằng bút chì, bằng cánh tay gọi là thò ra khỏi giường.
Tôi đã thử ra viết ở Thư viện. Nhưng nếu ở nhà tôi bị lạnh quá, thì ở đây tôi lại bị nóng quá. Trong không khí nhớp ẩm nặng nề ấy, tư tưởng của tôi nhũn đi và nhợt mầu, như miếng thịt đỏ trong đáy nồi,và tôi ngủ gục trên trang giấy trắng. Một thương binh đến đánh thức tôi một cách hỗn xược.
Vậy tôi sẽ không khởi công được cuốn sách của tôi, trước mùa xuân chăng?
Thế mà được! Tôi vỡ nợ còn hơn! Tôi vừa ở nhà Đaylamông và Côngty ra, tôi được giới thiệu với hiệu ở đó bởi một ông bạn đồng sự cũ của thầy tôi, ông ta hiện đang dạy thuê chữ la-tinh cho trẻ con.
Chúng tôi đã ngã giá may một chiếc áo ngủ có mũ trùm, dây lưng và đuôi dài, bằng loại dạ nhà tu. Sau một tuần, người ta sẽ đưa áo đến cho tôi, lấy nửa tiền trước theo giá đã thỏa thuận, còn nửa tiền sẽ trả nốt vào cuối tháng sau. Cả thảy! sáu mươi Phơrăng.
Tôi đi lang thang cho tới ngày nhận áo.
Áo đây!
- Trả ông ba mơi phơrăng!
Người kia bỏ tiền vào túi rồi chuồn thẳng. Còn tôi, tôi vênh vang trong chiếc áo choàng len.
A ha! Hỡi anh tư sản đã may chiếc áo, hơi anh hàng xén đã bán chiếc áo, các anh chẳng biết các anh vừa làm việc gì! Các anh vừa cung cấp một chòi canh cho tay lính gác của một đạo quân nó sẽ làm cho các anh điêu đứng!
Nếu không may chiếc áo trùm này, có lẽ tôi cũng đến rút lui trước chiếc lò sưởi đen ngòm, tôi sẽ trốn khỏi căn phòng giá lạnh, tôi sẽ ngả lòng – tôi sẽ không viết cuốn sách!
Hạn trả nợ gần đến! Hôm nay là ngày 22, hạn vào ngày 30!
Tôi lợi dụng cái gọi là ngày chủ nhật, cái điều là không phải đến sở, để sửa lại tác phẩm lần cuối cùng và để chép lại cho xong.
Mau lên, ta đọc lại!… Nào kéo, nào ghim! Phải bỏ điều này, phải thêm điều kia!
Tôi làm tung tóe mực khắp cả. Có từng đoạn trọn vẹn giống như băng vải đen bưng lấy mắt, hoặc như những vết tím bầm ở rốn! Tôi lấy kéo tự xén mình, lấy ghim tự đâm mình; những giọt máu tia lên những trang giấy – tưởng như những trang hồi ký của một tay lượm giẻ rách giết người!
Số là gã hàng xén chẳng chịu cho hoãn nợ! Hắn theo tôi đến tận tòa thị chính, giơ văn tự ra, làm toáng lên, rốt cuộc thế là tôi bị cách chức. Bởi vì bây giờ tôi là công chức, tôi phải tôn trọng chữ ký của tôi, nếu không, tôi sẽ làm mất uy tín của chính quyền, người ta cho tôi một nghìn rưỡi phơrăng một năm không phải để tôi sống phóng đãng.
Đã ba giờ. Tôi nghe tiếng chuông chiều. Trong nhà không một tiếng động – ngoài tiếng ho của một người bị lao khác hết hơi.
Ôi! Sống tối tăm, nghèo nàn, cô đơn thật kinh khủng!
Mười lăm phút, nửa tiếng!
Tôi ngồi, tay bưng lấy mắt để khỏi khóc. Nhưng vấn đề không phải mơ màng. Còn món nợ!
Vấn đề là phải đến viên chủ bút báo Figarô, phải vào tận nhà ông ta. Suốt cả tuần lễ, tôi không gặp ông ta ở tòa báo, lúc tan sở; và chăng ở những nơi ấy, người ta chẳng nghe những kẻ vô danh.
Liệu ông ta có tiếp tôi không? Phải chăng hôm nay là ngày nghỉ của ông? Người ta bảo ông rất yêu con, ông muốn ôm ấp chúng yên ổn, không bị ai quấy rầy, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ nghỉ ngơi của ông.
Chà! Mặc kệ!
Chân tôi run làm sao khi leo lên cầu thang! Tôi bấm chuông.
- Tôi hỏi ông Đờ Vilơmétxăng?
- Ông ấy không có nhà. Ông ấy vê quê từ một tuần này, nửa tháng nữa mới về.
Đi vắng!… Thế thì nguy cho tôi!
Người hầu gái chắc đoán thấy niềm tuyệt vọng trên mặt tôi.
Vả chăng chị ta nhìn thấy bản thảo của tôi cuộn tròn, co quắp, nó có vẻ quằn quại đau đớn trong đáy túi tôi.
Chị ta không đóng cửa và cuối cùng bảo tôi rằng ông Vilơmetxăng đi vắng nhưng có con rể ông ở nhà, nếu tôi muốn, cho biết tên, chị sẽ vào nói, và chị lại nhận đưa cả cái gì, tôi đem đến cho ông ta.
Vừa nói vậy, chị vừa đưa mắt nhìn vào bài báo, nó giống như một con dím, với những chiếc đanh ghim cài vào nó. Tôi rút bài báo ra, đưa chị ta cầm vào giữa cho ghim khỏi đâm vào tay. Chị cười, vẻ thương hại, và quay tay vào – tay giơ thẳng để cầm bài báo.
Người ta để tôi đứng một mình, ít ra là mười lăm phút. Cuối cùng, cửa mở ra.
- Chà, bài của ông câu độc giả đấy, ông bạn thân mến ạ! Một ông to béo, đầu hói, vừa nói vừa khua những ngón tay trùng trục.
Tôi lẩm bẩm xin lỗi:
- Không sao cả! Tôi đã nhìn đầu đề, tôi đã đọc mươi dòng, nó sẽ câu cả công chúng! Chúng tôi sẽ cho đăng ông bạn trẻ ạ! Mà phải đợi ít lâu, bài dài khiếp!
Đợi! Thế nữa, tôi trình bày với ông ta rằng, tôi không thể đợi được.
- Tôi bị thua bạc, ngày mai phải thanh toán, vì vậy tôi mới đánh bạo tới thẳng đây.
- Ủa! Ông cũng mần cơ đầm pích à? Ông có rút năm quân không?
Tôi không biết rút năm quân là cái gì, nhưng cũng phải tìm câu gì đó để trả lời, và giọng khàn khàn, tôi đáp:
- Thưa ông, có, tôi rút năm quân.
- Rõ khéo! Ông xài lớn đấy!
Lớn quá ấy chứ! Tôi cảm thấy điều đó luôn luôn; nhất là những ngày tôi nhịn đói.
- Đây, tôi viết vài chữ cho ông thủ quỹ. Mai ông đưa giấy này cho ông ta, để lĩnh một trăm phơrăng. Giá đặc biệt đấy, nhưng bài báo của ông ác lắm! Thôi chào ông!
Chó?… Có lẽ thế thật!
Tôi không chú ý xem tôi viết giống Paxcan hay Macmôngten, giống Juyvênan hay Pôn-Luy Curiê, giống Xanh-Ximông hay Xanhtờ-Bơvơ, như người ta thường dạy ở trường Xoócbon. Tôi chẳng tôn trọng phép chuyển nghĩa, cũng chẳng sợ dùng chữ mới, tôi bất chấp phép của Naxto tích lũy lấy bằng chứng.
Tôi đã lấy những mẩu đời của tôi, và đem khâu mẩu đời của tôi với những mẩu đời của người khác, cười cợt khi muốn cười, nghiến răng khi những kỷ niệm nhục nhã róc thịt thấu xương tôi như người ta róc thịt ở đầu xương sườn súc vật để cho máu ứa ra ở dưới lưỡi dao.
Nhưng tôi vừa cứu vãn danh dự cho cả một đội quân thanh niên họ đã từng đọc Cảnh nghệ sĩ giang hồ và họ tin tưởng ở lối sống vô tư lự màu hồng ấy, những kẻ tội nghiệp bị lừa bịp mà tôi la mách sự thật!
Nếu họ còn đâm đầu vào lối sống đó có nghĩa là họ chỉ còn đáng làm đống phân của quán rượu, hoặc làm con mồi cho nhà lão Mazax! Qua tuổi ba mươi, họ sẽ tự sát hay phát điên, hoặc bị viên gác cổng Viện cứu tế hay viên cai ngục tóm cổ, họ sẽ chết non, hay tới lúc bị nhục.
Tôi sẽ không thương xót họ, khi tôi đã dứt băng ở vết thương của tôi để bày ra cho họ thấy mười năm tuổi trẻ phí phạm tạo nên một lỗ hổng trong trái tin con người như thế nào!





 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.05.2024 04:23:21 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9