Đất nước đang vào xuân,Tết Giáp Thìn đã cận kề.Nhìn hoa đào, hoa mai rộ nở khắp nơi, Mru tôi chợt nhớ một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hộ vào thời Đường xưa của Thôi Hộ,bài “Đề tích sở kiến xứ”.Bài thơ có hai câu cuối rất hay từng được thi hào Nguyễn Du đem vào Truyện Kiều để diễn tả mối tương quan sâu sắc giữa cảnh quan thiên nhiên và tâm tư tình cảm con người .Trong lần trở lại vườn Thúy tìm Kiều, Kim Trọng buồn man mác vì người xưa vắng bóng, chỉ thấy cảnh cũ hoa đào cười trước gió đông ngày xuân :
“ Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông ”
“Đề tích sở kiến xứ”còn có tên khác là “Đề Đô Thành Nam Trang“.
Nguyên tác :
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
– Thôi Hộ –
Dịch nghĩa:
Ngày này năm trước tại cửa này đây,
Hoa đào thắm sắc má ai ửng hồng.
Má hồng nay ở nơi nao chẳng thấy,
Hoa năm trước đang cười gió đông.
***
Bài thơ chỉ bốn câu viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tuy ngắn gọn nhưng súc tích hàm ý nghĩa sâu xa. Nội dung bài thơ kể về một mối tình tơ duyên ngắn ngủi nhưng làm người ta nhớ mãi khôn nguôi. Chuyện kể rằng vào tiết thanh minh năm ấy, có một chàng trai dạo chơi ở phía nam Đô thành. Trông thấy một trang viên hoa đào nở rộ, sắc hoa tươi thắm, chàng ta bèn lấy cớ vào xin nước uống để ngắm kĩ hơn.
Chàng trai gõ cửa,bước vào bắt gặp một thiếu nữ thanh tú. Người con gái mang nước mời chàng trai uống, cử chỉ vừa dịu dàng vừa kín đáo làm người khách nao lòng. Uống nước xong, chàng trai cảm tạ rồi cáo biệt. Khi về nhà, chàng trai vẫn nhớ mãi hình dáng hôm ấy của người con gái, cô có đôi má hây hây hồng tựa như cánh hoa nào.
Tròn một năm trôi qua, chàng trai trở lại chốn xưa, hy vọng gặp lại cố nhân. Nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi mà chẳng thấy ai.Vấn vương tức cảnh sinh tình, chàng trai đề một bài thơ trên cánh cổng trước khi về.
Không lâu sau thấy lòng bồn chồn,chàng trai trở lại nghe tiếng khóc vọng ra từ trang viên. Một ông lão bước ra, vẻ mặt tiều tụy hỏi chàng trai kia có phải là người đã đề thơ lên cổng.Thì ra người con gái con của ông lão đọc xong bài thơ, nhớ thương đến bỏ ăn bỏ ngủ rồi ốm chết. Chàng trai đến ngồi cạnh xác người con gái .Nàng đã tắt thở nhưng vẻ mặt vẫn phớt hồng như hoa đào năm trước .Chàng xúc động ,cảm thương ,trách tạo hóa trớ trêu thay cho mối duyên con người .
Cũng có lời truyền rằng. Người con gái chưa hồn lìa khỏi xác, nghe tiếng khóc than của người thương thì tỉnh dậy. Từ đó hai người trở thành vợ chồng, cùng sống hạnh phúc ở đào hoa viên. Cũng từ điển tích này mà người ta hay ví gương mặt người con gái đẹp giống như hoa đào.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.01.2024 13:19:01 bởi Mru Thăng >