TRUYỆN KÝ: VÀNG MÁU
THƠ NGÃ DU TỬ 21.01.2024 08:18:04 (permalink)
TRUYỆN NGẮN & KÝ:
GIÓ BÊN TRIỀN SÔNG VẪN THỔI
 
                                             LỜI TRƯỚC SÁCH
 
Kính thưa độc giả, cùng các bạn văn chương mọi miền thân mến,
Văn là vẻ đẹp, chương có nghĩa từng hồi, từng chương, sự sáng tỏ được trình bày của ai đó nhằm làm rõ chủ đề trong tác phẩm của người viết. Như thế văn chương là một khúc, một chương, một tác phẩm có lời hay, ý đẹp, minh bạch, rõ ràng.
Tôi làm thơ, viết văn một đời, thơ cũng đã xuất bản dăm ba tập, nhưng văn thì chưa. Lần này, tôi quyết định xuất bản tập văn để góp mặt với đời cho vui, không thể để hoài trong hộc tủ sợ rằng thời gian sẽ phôi phai, có khi thất lạc.
Vốn là dân chuyên toán, mơ ước ngày ấy chỉ là một thầy dạy toán hoặc chàng kỹ sư.
Dòng đời không như là mơ, qua khúc quanh thời cuộc, đầy trầm thăng đời mình, tôi bẻ lái sang văn chương, những tưởng viết như chia sớt nỗi niềm, nào ngờ độc giả cũng đồng tình thương mến, ủng hộ. Phải chăng được di truyền từ cha tôi - Ông là công chức, dạy Văn, sử địa vài trường Trung học tư thục đệ nhất cấp thời trước, ngày ấy cũng làm thơ, viết tùy bút.
Dù bất cứ thế nào tôi cũng viết chân thành trong ý niệm và khi cảm xúc thật đầy.
Thú chơi tao nhã bậc nhất này, tôi sẽ nguyện đi hết hành trình đời mình bởi tình yêu văn chương và lòng đam mê, dẫu vẫn biết rằng: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”
Tập văn này tôi tuyển chọn nhiều truyện ngắn và ký đã đăng trong các tạp chí, những trang web văn chương như niềm vui của chính mình cùng tha nhân: “Văn chương là nghiệp đã đành/ Núi sông là nợ cùng xanh đôi bờ”.
Thiết nghĩ, niềm vui của con chữ làm thăng hoa tâm hồn, để yêu người, yêu đời hơn. Hết lòng cùng trang văn là trách nhiệm và danh dự của nhà văn. Tôi cố gắng làm vui cho mình, cho đời, cho những ai đang cầm trên tay tập truyện này đọc và sẻ chia cùng tôi.
Lời ngắn tình dài, văn bất tận ý, ý bất tận ngôn.
Kính mong bạn đọc và bạn văn chương lượng thứ cho nếu có điều chi chưa như ý.
Kính, Phạm Ngọc Dũ/ SG
 
 
Truyện ký:
VÀNG MÁU
 
Nó nghiền ngẫm một quá khứ không mấy sáng sủa của một con người đứng trước cuộc sống đang tưng bừng từng lúc thôi thúc thay da đổi thịt.
Những nhà cao tầng cứ ung dung mọc lên như thách thức với đời, thách thức với không gian xanh của thành phố đang bắt đầu với nhịp điệu sầm uất, sau những năm dài èo uột đói khổ của một thời ‘bao cấp’ khốn đốn đa diện, xe cộ tấp nập, người người áo lụa đang hối hả từng ngày trước cuộc sống, không thấy thành phố mệt mỏi, lúc nào cũng ồn ào năng động. Bất giác nó rùng mình xót xa cho thân phận nửa người, nửa ngợm của mình.
Nổi đau của người bạn cứ ám ảnh mãi theo đời sống của nó, thỉnh thoảng nó nhìn lên cao thở dài có vẻ như chua xót cho những số phận không may, cũng là con người nhưng cái chết không bằng một con chó. Trong hỗn loạn của đồng tiền, nhân nghĩa chưa bao giờ rẻ rúng như hôm nay, mọi việc đều có thể xảy ra – Ngay cả đánh đổi một con người chỉ… vài chỉ vàng.
Khu K, ấy là nơi tập trung những người thất nghiệp đến để tìm đãi vàng. Chỉ công việc đến đấy đã thấy ghê gớm rồi, chống chọi với biết bao hiểm nguy, khổ sở, chưa kể đến mùa mưa nổi gian nan tăng gấp bội lần. Từ chỗ xe đỗ bến vào khoảng gần ba mươi cây số đường rừng ngoằn ngoèo, quanh co phải băng qua nhiều đốc đèo hiểm trở, chưa kể khi gặp bọn cướp cạn mất tính người, chúng lấy sạch dù là dăm ba chục ngàn của những người nghèo khó tìm cái sống trong tận cùng khổ ải và như vậy là họ chẳng còn gì trước khi vào làm ở khu K (nghĩa là chỉ còn bộ đồ dính da) và vào ấy chỉ duy nhất là làm công cho các “Trùm hố” – Tên gọi của người đào đãi vàng với cai thầu, họ có quyền sinh sát bởi có tiền khai quật khu đãi vàng.
Nó buồn buồn, nước mắt dường như đã khô kiệt từ lâu rồi nhưng vẫn long lanh ướt trên gương mặt xương xương và tái méc vì di chứng của các cơn sốt rét rừng hoành hành từ lúc đi tìm đãi vàng, dấu vết của khu K thuở ấy còn lại với kỷ niệm đắng chát nhất không thể nào quên trong cuộc hành trình của đời mình cho sự sống tiếp diễn… Nó chậm rải kể lễ:
Hôm ấy, trời mưa nặng hạt, mịt mù giăng giăng tứ phía, lạnh thấu xương của vùng cao
nguyên vào mùa đông, cách nhau chừng năm sáu mét là không thấy nhau, ai có thực chứng cái lạnh trên xứ sở ấy thì mới thấu hiểu, bằng không thì cho cường điệu quá trớn. Trời tạnh, chúng tôi bắt buộc phải ra hố đào đãi vàng mặc dù trong chúng tôi ai cũng biết nguy hiểm lắm đất dễ sụt lỡ (Việc làm tùy thuộc vào trùm hố), chúng tôi cả thảy bốn người.
Đúng năm giờ rưỡi sáng trời còn âm u mờ mịt, trùm hố đã chuẩn bị bữa điểm tâm bằng vài gói mì tôm loại bao giấy rẻ tiền, ly café đen vài điếu thuốc thơm, xong đâu đó chúng tôi chuẩn bị ‘nhổ neo’ lên đường. Ngoài những vật dụng cần thiết như cuốc, xuổng, mâm đãi vàng…, ông trùm không quên trang bị cho chúng tôi bịch thuốc rê vài lon ghigoz lương thực, mấy bi đông nước cho cả ngày làm. Đường từ láng đến nơi đào hố
khoảng non nửa tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến nơi có vài nhóm đã bắt đầu làm việc. Sau khi giải lao cho một đoạn đường dài bằng điếu thuốc vấn, quá đã làm sao khi trời lạnh mà có những hơi thuốc đậm đà!
- Đây là ‘hợp đồng’ béo đó các chú, ít ra cũng được vài lá (Tiếng ở K gọi là lượng vàng), nếu
may mắn chuyến nầy các chú sẽ dư dã tiền về quê mà bấy lâu nay các chú hằng mong ước, ông chủ  vui vẻ nói.
- Bốn chúng tôi chẳng tỏ điều gì, chỉ gục đầu, chúng tôi không cùng xứ, nhưng cùng chung một hướng là kiếm tiền nuôi thân và nếu còn để phụ giúp gia đình, nổi chờ mong ‘trúng hố’ để về quê như càng ngày càng dài thêm ra. Niềm hy vọng trước khi đào hố để rồi khi xong một hố lại chua xót ngậm ngùi.
Nơi đây, không chóng thì chầy cũng sẽ chết, không chết đói cũng chết rét, chết bệnh, nhưng về ư? – Làm sao có tiền để về khoảng chi phí cho chuyến về vài trăm ngàn sao mà lớn thế, lớn hơn sinh mạng của con người! Khó quá không có cách nào giải quyết ngoài công việc đào hố, đãi đất tìm vàng.
Thế là anh em chúng tôi bắt đầu làm những công việc quen thuộc: Đào đất đãi vàng.
Cơn mưa oan nghiệt lại trút xuống, lầm lủi và lạnh lùng, mặc thế, chúng tôi người đào, người kéo đất, người đãi cứ tuần tự thay nhau nhịp nhàng lắm, người nào cũng ướt sũng , hình như ấy là thử thách của bề trên đối với số phận khắc nghiệt chăng? Đến quá nửa ngày thì hố đất cũng khá sâu, mệt, lạnh và đói, nhưng họ quyết tìm cho được vàng, nhưng mãi đến giờ vẫn không có gì.
- “Thôi, nghỉ đi, lên ăn cơm, tao đói quá rồi,
mầy đốt cho tao điếu thuốc cho đỡ lạnh”. Thật dưới hố nói lên như thế.
- Ừ, thuốc nè hút cho đỡ lạnh rồi lên ăn cơm.
Thành khum tay đốt thuốc đưa xuống cho Thật, nhưng hởi ơi …Tiếng kêu thất thanh từ dưới
miệng hố vọng lên:
- Chết tao rồi bay ơi!
Đất sụp, ấy là tiếng kêu đồng đội sau cùng của Thật!
 
Sau đó thì cuồng nộ của đất ầm ào giận dữ cũng khủng khiếp lắm, tích tắc đã chôn vùi Thật,
con người mà mới đây thôi đã nhờ điếu thuốc cho đỡ cái lạnh. Sự sống và cái chết mong manh từng giây, từng khắc.
Sự hãi hùng, bàng hoàng, ngơ ngác của ba người còn lại… Nhưng lại tiếp tục bắt tay ngay vào việc đào đất lúc trước đào đất để tìm vàng, bây giờ đào đất để lấy xác. Đào đất đãi vàng đã khó, đào đất lấy xác người lại khó hơn, không dám đạp chân mạnh, rủi trúng tổn thương đồng đội, khẩn trương và tích cực cũng non nửa giờ sau mới lấy được xác Thật lên miệng hố.
- Nó còn thở không?
- Đất và nước đã vùi nó trong nửa giờ đồng hồ thì làm gì mà thở được, tuy vậy, cũng hô hấp nhân tạo may ra còn giành giật được với tử thần, trong mảy may hy vọng, nhưng tuyệt nhiên, Thật nằm yên bất động. Bầu trời vẫn âm u, mờ mịt như số phận của nó.
- Thế là hết một kiếp người Thật ạ, với tư cách là người cùng kiếm sống như chính mầy tao chẳng biết gì chỉ cầu xin một điều là nếu có tái sinh hãy vào chỗ khá giả hơn để đỡ khổ. Làm sao anh có thể hiểu người sống như chúng tôi còn phiền muộn đến ngàn lần, thà tao chết quách như mầy cho đỡ tủi…
Cơn mưa vô tình lại trút xuống, nổi điêu tàn lại điêu tàn hơn, thế mà tôi đứng đó hàng giờ trước thi thể bạn không đồng liêu, đồng môn, đồng xứ như mặc niệm cuộc đời cơ cực, của số phận đi ngang qua đời mình.

 
Ba kẻ còn lại đào huyệt, liệm, chôn xác người không có một manh chiếu, hai chiếc áo của bạn còn tươm tất hơn một mặc vào cho Thật, một đắp mặt nó, còn cái quần cột lại cho thẳng thớm, đám tang không có một cây nhang.
Làm sao anh không đau buồn khi chuyện ấy là sự thật, sự thật của con người đi tìm sinh kế bằng chất lương thiện của con người, nếu kiếm một nghề bất lương chưa hẳn đã chết, nếu chết cũng có một đám tang hay ít nhất cũng có cỗ quan tài, phải không anh?
Tôi nhìn vào không gian xa mắt nhòe bào ảnh.
Nó tiếp tục kể:
Cuối cùng, thì mấm mồ cũng tươm tất, phía trên đầu còn cẩn thận đặt hòn đá có đục chữ: MỘ
NGUYỄN THẬT…
Ba chúng bây giờ mới thấy rã rời vì chưa ăn uống gì. Chúng tôi ăn trưa khi ngày sắp hết, tuy thế chúng tôi cảm thấy bình yên có lẽ phía bên kia đời Thật cũng được vui cười vì còn những đồng đội biết sẻ chia khi gởi thân xác tại nơi nầy vẫn có những anh em cùng khổ đắp được một mấm mồ.
Buổi chiều nơi đây hoang vắng đến lạnh lùng, Khoảng 5 giờ thôi, mặt trời đã mất dạng từ thuở nào, mọi người thợ đào đã về tự bao giờ…
Tôi đứng tần ngần ở đấy như san sẻ với số phận những ân nghĩa mà cuộc đời sau nầy phải mang theo.
 
Bây giờ ngồi giữa thành phố ồn ào sinh động bậc nhất nầy, mỗi lần đám tang đi ngang qua tôi, tôi bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm không thể quên với Thật một thuở ở K khổ cực dường nào và thương xót cho những số phận quá nghiệt ngã bên lề của xã hội.


PHẠM NGỌC DŨ/ SG 
Sài Gòn, 1992
(Viết theo lời kể của một người đào đãi vàng)
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.05.2024 08:00:43 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9