Bình luận văn học: ĐỌC: DẠ CA, THƠ NGÃ DU TỬ
BÌNH LUẬN VĂN HỌC Xin trân trọng giới thiệu với các bạn văn bài của anh Châu Thạch (Đà Nẵng) vừa bình văn bài Dạ Ca của NDT. Chân thành cảm ơn anh đã bỏ công sức, trí tuệ để viết điều anh thích. Kính, em NDT ĐỌC: DẠ CA, THƠ NGÃ DU TỬ DẠ CA Ngựa mỏi vó nằm bên chuồng gợi nhớ chốn bụi hồng hun hút tận non xa và tráng sĩ còn mài gươm đêm lạnh lời nguyền xưa về thức suốt canh tà Ngã Du Tử Đọc bài thơ “Dạ Ca”của Ngã Du Tử, nếu ai còn nhớ bài thơ “Thuật Hoài” của Đặng Dung thì sẽ có một sự liên tưởng thú vị. “Thuật Hoài” là bài thơ tự sự của Đặng Dung khi ông đem quân giúp vua Trùng Quang Đế của nhà Hậu Trần, nhưng do lòng người ly tán, quân binh ít ỏi, lương thực thiếu thốn nên cuối cùng đã thất bại. Bài thơ thể hiện ý chí sắt đá của một người anh hùng nhưng không may là không gặp thời thế, công việc chưa xong thì tuổi đã già. Thuật hoài “Thế sự du du nại lão hà, Vô cùng thiên địa nhập hàm ca. Thời lai đồ điếu thành công dị, Vận khứ anh hùng ẩm hận đa. Trí chủ hữu hoài phù địa trục, Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà. Quốc thù vị phục đầu tiên bạch, Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma” Bản dịch của Phan Kế Bính Việc đời bối rối tuổi già vay, Trời đất vô cùng một cuộc say. Bần tiện gặp thời lên cũng dễ, Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay. Vai khiêng trái đất mong phò chúa, Giáp gột sông trời khó vạch mây. Thù trả chưa xong đầu đã bạc, Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày. Từ xa xưa có những tráng sĩ, những danh tướng chỉ để lại cho đời một vài bài thơ mà được người đời sau ca tụng. Những bài thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư nằm trong trường hợp này. Lý Thường Kiệt với bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” có câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, Trần Quang Khải có “Đoạt sáo Chương Dương độ”, Trần Khánh Dư có bài Bán Than. Đó là những danh tướng lẩy lừng có hùng thi để lại cho đời. Đặng Dung ngược lại, không phải là một danh tướng có chiến công lẩy lừng. Đặng Dung chỉ là một bại tướng, ông để lại cho đời chỉ có một bài thơ duy nhất, đó là bài Thuật Hoài (hay Cảm Hoài). Với “Thuật Hoài” tên Đặng Dung đã vào văn học sử, và người đời sau khi đọc bài thơ, không ai không thấy cảm hoài.. Đọc “Thuật Hoài” lòng ta sẽ cảm động thấy tác giả là một nhà ái quốc, một dũng tướng, một tráng sĩ, mang nỗi sầu triền miên bất đắc chí. Hai câu thơ cuối đem đến cho ta nỗi xót xa, gợi cho ta thấy hình ảnh đẹp tuyệt vời của người tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt. Sở dĩ người viết bài nầy nhắc nhiều đến ‘Thuật Hoài” của Đặng Dung vì “Dạ Ca” của Ngã Du Tử mang đầy đủ hình ảnh của một tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt như Thuật Hoài của Đặng Dung mà còn hơn thế nữa, Ngã Du Tử phát họa vào bức tranh “Dạ Ca” toàn cảnh quê hương híu hắt, đến cả nỗi sầu cũng thể hiện trong dáng nằm của con tuấn mã. Hãy đọc câu thơ đầu tiên để nhìn con tuấn mã của Dạ Ca: “Ngựa mỏi vó nằm bên chuồng gợi nhớ”. Bây giờ hãy mời nghe ca từ trong bài hát “Dấu Chân Địa Đàng” của Trịnh Công Sơn để ta đồng cảm với nhà thơ Ngã Du Tử khi nhìn hình ảnh con ngựa “buông vó chùng chân” “nằm bên chuồng gợi nhớ”: “Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng Vùng u tồi loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng Một đời bỏ ngõ đêm hồng Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em ... Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền để người về hát đêm hồng địa đàng còn in dấu chân bước quên.” Con ngựa của Ngã Du Tử mỏi vó nằm bên chuồng để nghe tiếng dạ ca là tiếng ca của đêm. Con ngựa của Trịnh Công Sơn buông vó nằm nghe “lời ca dạ lan” và nghe cả lời “loài sâu hát lên” lúc nửa đêm. Con ngựa của Ngã Du Tử nằm bên chuồng “gợi nhớ”. Con ngựa của Trinh Công Sơn nằm nghe hát để “ru mình trong giấc ngủ vùi”, để quên bước chân mình còn in dấu trên địa đàng. Cả hai con ngựa đều có linh hồn, đều biết thương nhớ và đều mang tâm sự của chủ nó. Khác chăng là con ngựa của Ngã Du Tử không nhớ những điều viễn vông, chỉ nhớ “Chốn bụi hồng hun hút tận non xa” là nhớ những tháng ngày oanh liệt theo chủ mình, một kỵ sĩ đi làm việc lớn chăng? Với câu thơ thữ hai “chốn bụi hồng hun hút tận non xa” Ngã Du Tử dời hình ảnh con ngựa đang yếm thế, đang mỏi vó về một qúa khứ hào hùng, lồng bức tranh bụi hồng, non xa trong bức tranh yên nghĩ, đã nâng giá trị con ngựa, đã làm sống động hình ảnh, tạo thêm ý nghĩa cho thơ, và đưa thơ vào một hình ảnh khác mạnh hơn, đẹp hơn, ý nghĩa cao vời hơn nữa. Đó là hình ảnh của “Cảm Hoài”, hình ảnh người tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt: và tráng sĩ còn mài gươm đêm lạnh lời nguyền xưa về thức suốt canh tà Dạ Ca của Ngã Du Tử khác với “Thuật Hoài”của Đặng Dung. Đặng Dung luận về chuyện đời ở những câu thơ trên, rồi hai câu thơ cuối đột nhiên đưa hình ảnh nổi bậc, thấm dậm nỗi đau nhức nhối của người anh hùng thất thế. Ngã Dũ Tử trong Dạ Ca không thổ lộ tâm tư, không bình luận việc phải trái của đời, nhà thơ chỉ vẽ một bức tranh “Ngựa Và Người” trong bốn câu thơ đủ nói lên tất cả. Ngã Du Tử dùng hai câu thơ đầu, nói về ngựa để bộc lộ những hoài niệm, những nhớ thương chất chứa trong lòng tráng sĩ. Ngã Du Tử dùng hai câu thơ sau, nói về người để bộc lộ tư thế hiên ngang, bộc lộ chí khí của người tráng sĩ cùng vận mạng non nước mà người chí sĩ canh cánh bên lòng. Dạ Ca của Ngã Du Tử là một bài thơ Thuật Hoài kiểu mới, đưa tâm sự vào tranh, đưa nỗi lòng vào trong ẩn dụ của thơ, không than van không kể lể dông dài. Ngã Du Tử đặt tựa đề bài thơ là “Dạ Ca” rất hay. Dạ ca là tiếng ca của đêm, đêm ở đây không phải chỉ là đêm để con ngựa “nằm bên chuồng gợi nhớ”, không chỉ là đêm “tráng sĩ mài gươm”, mà còn là đêm rất dài của thời cuộc, của bóng tối trùm lên non nước. Đêm ở đây có thể là “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây/Hai mươi năm nội chiến từng ngày/Gia tài của mẹ, một rừng xương khô/Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ”. Nghĩa là đêm của Dạ Ca không chỉ là đêm vật lý mà còn là đêm tâm lý của mỗi con người có tấm lòng khi đất nước chìm trong nghịch cảnh. Đọc Dạ Ca của Ngã Du Tử, ta nghe tiếng ca đó vọng từ ngàn năm, qua bao thế hệ. Khi tổ quốc bình an, đất nước yên vui, không có ai phải mài gươm dưới nguyệt thì tiếng ca đó vẫn tiềm ẩn trong đêm, bởi vì “Lời nguyện xưa”của cha ông chúng ta, của tổ tiên chúng ta vẫn còn “về thức suốt canh tà” để nhắc nhở mỗi chúng ta không bao giờ quên giữ nước. Châu Thạch
NHẤT NGÔN KÝ XUẤT TỨ MÃ NAN TRUY (一 言 既 出,駟 馬 難 追) Ngày xưa, các bậc Thánh hiền, các cụ dạy chúng ta rằng: "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" , tưởng đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc, bởi lẽ dễ hiểu là nói một câu hàm hồ, hồ đồ làm tổn thương một hay nhiều người sẽ mang lại khẩu nghiệp dữ lắm. Xiển dương, ca ngợi một người quá với kiến thức và nhân cách sống của họ sẽ lố bịch và làm tổn thương danh dự chính người phát biểu, khi ngôn ngữ bay xa hối không kịp nữa, vì thế hãy cẩn trọng trong lời nói, nhất là thời đại hôm nay văn minh đến độ ai cũng có thể ghi âm lại bất cứ một câu nói nào của các chính khách, thức giả vì phương tiện chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền cũng đủ sức làm việc ấy. Rất tiếc, cuộc sống hôm nay người ta so sánh bằng vật chất và địa vị mà bỏ quên đạo lý, danh dự và nhân cách của một con người - Cái cao cả nhất, khó nhất trong cuộc làm người trần gian. Người xưa rất hệ trọng về chuyện này, nên dạy rằng: Nhất ngôn ký xuất Tứ mã mã nan truy (Một lời nói ra ngựa Tứ, loài ngựa chạy hay nhất cũng khó theo kịp) Ngày nay hình như điều này rất dễ dàng cho những kẻ lắm tiền nhiều bạc, chỉ cần đưa cho ai đó có địa vị, danh phận trong xã hội tí tiền bạc là lời có cánh tưởng chừng bay lên tận từng không cao vút chạm đến trời xanh mây trắng. Những vị có chức sắc, học hàm, học vị rất cao như Giáo sư, Tiến sĩ... phát biểu chẳng mang lại lợi lạc cho cộng đồng xã hội, thậm chí đem lại trò cười cho thiên hạ, có khi phá hoại đạo đức xã hội, đây là sự thật trên các trang xã hội rất nhiều. Không thể nào hiểu nổi. Tại sao? Khi đạo đức suy vi, luân lý xem nhẹ, đạo đức coi thường thì hiện tượng này xảy ra nhan nhãn trong thời đại. Trong bài Đừng tưởng của một tác giả nào đó nhưng bây giờ ở đâu cũng ghi là Bùi Giáng, tôi nghĩ có lẽ chưa đúng tác giả!: "Đừng tưởng cứ núi là cao Cứ sông là chảy, cứ ao là tù Đừng tưởng cứ dưới là ngu Cứ trên là sáng cứ tu là hiền". Hòn giả sơn cũng là núi, nhưng núi giả, hình thái như núi thật chẳng qua rốt ráo là giả. Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ viết bài Ông Tiến sĩ giấy cách mấy trăm năm trước đến hôm nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi: "Mảnh giấy làm nên khoa giáp bảng Nét son điểm rõ mặt văn khôi Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ Cái giá khoa danh ấy mới hời" Thời ấy mà các cụ đã biết chơi chữ "cái giá khoa danh ấy mới hời" (rẻ rúng quá). Học hành thật sự đến Tú tài, Cử nhân sôi nước mắt đừng nói chi đến thạc sĩ, tiến sĩ, mà tiến sĩ, giáo sư coi tiền hơn danh dự mình thì đúng là rẻ rúng quá phải ko các bạn? Danh dự và trách nhiệm trong cõi đời, cõi người coi vậy mà gian nan, khó lắm thay. Ô hay: "Tình đời tợ chỉ trương trương bạc Thế sự như kỳ cuộc cuộc tân" Viết tản văn như xả tress khi xem vài phát biểu của các vị chức cao, danh trọng vậy. Ngã Du Tử/ SG
BÀI PHÁT BIỂU TRƯỚC CỰU HS LIÊN KHÓA THPT NGHĨA HÀNH, QUẢNG NGÃI TẠI SÀI GÒN 28/9/2024 Kính thưa thầy HT Lê Văn Triều đại diện trường THPT Nghĩa Hành đương nhiệm, Thưa các bạn khóa 1 cùng các em những khóa nối tiếp của trường Nghĩa Hành thân mến, Lời đầu tiên, tôi xin hân hoan chúc mừng cuộc hội ngộ liên khóa của nhà trường tại miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng mà BLL cựu Hs NGHĨA HÀNH đã nỗ lực để có thành quả này và chân thành cảm ơn sự hiện diện của tất cả các thế hệ cựu học sinh trường PTTH Nghĩa Hành cùng các bạn trong BLL. Chúng ta nhìn lại quá khứ để tự hào, yêu thương: Vùng đất trung du Nghĩa Hành qua từng thời kỳ lịch sử, tuy là nơi thuần nông nhưng tùy lúc tùy thời các thế hệ phụ huynh dù gian nan vất vả vẫn cố gắng cho con cái mình học tập, ít ra học để trở thành con người có đầy đủ tố chất của nhân nghĩa lễ trí tín và hôm nay, tại nơi này các bạn cũng cảm nhận được điều ấy, dù chúng ta chưa phải là những người thành danh nhưng các thế hệ lớp trước của các nhóm đầu đàn K1- K6, 7 các anh chị đã sản sinh ra thế hệ thứ 2 kế tục cũng có những kỹ sư, nhà giáo, bác sĩ, thac sĩ, tiến sĩ hoặc những người xứng đáng biết phụng sự cho gia đình, nhân quần & xã hội.. Và thế hệ sau từ 10 đến 26, 27… cũng đã tương đối thành công để phụng vụ cho TP này nói riêng và cả cộng đồng miền Nam nói chung, điều đó nói lên sự miệt mài chăm chỉ dưới mái trường THPT Nghĩa Hành đã có thành quả nhất định trong dòng người đang bơi lội tại miền Nam này. Nhắc lại để quý thầy cô anh chị cùng các thế hệ cựu Hs biết rằng mảnh đất Nghĩa Hành trong thời kỳ chiến tranh trước 75 vẫn có được 2 ngôi trường TH Nghĩa hành và Tư thục Nguyễn Huệ thành lập từ 1969, 1964 đã gieo trồng chữ nghĩa & nhân cách cho các thế hệ học trò phía trước, các thầy cô ngày ấy vẫn miệt mài cùng đám học trò nhỏ ngày nào để bây giờ chúng ta có được đời sống tương đối. Xin tri ân các thế hệ thầy cô phía trước một thời rất khó khăn bởi chiến tranh. Đời sống như dòng chảy của định mệnh, chúng ta hiển hiện trần gian mỗi người một trách nhiệm với cuộc đời này, làm sao sống xứng đáng là con người trước nhân gian. Thế hệ chúng tôi cũng đã gần 70, nhiều thầy cô và bạn bè cùng đã đi thật xa, không còn cơ hội gặp các bạn, thành tâm mặc niệm. Mục đích của chúng tôi là cố gắng tập hợp các thế hệ cựu học sinh đồng hương Nghĩa Hành để hướng về mai sau các em kế tục, làm được những gì cho quê nhà, ấy là điều chúng tôi mong mỏi và hy vọng. Chỉ mong các bạn coi như chúng tôi là những người phát dọn dẫn đường để gửi lại hoài bảo yêu quê, yêu học đường một thời còn là học sinh, nhớ về cội nguồn cho các thế hệ đàn em kế tục. Tôi nghĩ chắc chắn các em thế hệ sau sẽ làm được. Thưa các bạn và các em hiện diện trong khán phòng này, Hôm nay chúng ta tề tựu về đây mục đích kết nối gặp gỡ, giao tình và vui vẻ trò chuyện thân mật nhắc lại và tri ân mảnh đất & ngôi trường Trung học Nghĩa Hành quê nhà cùng các thế hệ thầy cô đã nuôi dưỡng, dìu dắt ta lớn khôn để làm người xứng đáng, ngoài ra không vụ lợi bất cứ điều gì cho buổi họp đầu tiên liên khóa THPT Nghĩa Hành các thế hệ cựu HS. Nếu có điều gì cần trao đổi, xin hãy để sau. Bây giờ là lúc chúng ta kết nối thật vui vẻ, thật ý nghĩa, vui chơi hát ca chúc tụng cùng bạn bè, bằng hữu đang ngồi lại tâm sự những cảm xúc của mỗi người để thấy rằng chúng ta đến đây thật không hối tiếc thời gian và tiền bạc. Chúc tất cả các thế hệ mạnh khỏe để phụng sự cho gia đình, xã hội nhất là các thế hệ càng về sau này thành công hơn nữa, xứng đáng là cựu HS Nghĩa Hành trên mảnh đất trung du còn nghèo nhưng rất hiếu học mà trong bất cứ xã hội nào cũng cần vì đó là chìa khóa mở cánh cửa tri thức để bước vào đời tự tin và bình an. TM cựu Hs Nghĩa Hành thân ái và trận trọng kính chào.
TM/ BLL Cựu HS Nghĩa Hành Phạm Ngọc Dũ/ K1
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.10.2024 21:12:16 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
BÌA PHÁT BIỂU Kỷ niệm 5 năm Tc Sông Quê hiện diện (2019-24) Qua một ngày tổ chức ra mắt Sông Quê số 20 & kỷ niệm 5 năm thành lập Sông Quê 6/10/2024 thành công hơn mong đợi. Miên man với niềm vui thành quả mình cùng BBT đã dày công xây dựng và cải thiện, việc gì nỗ lực và chăm chỉ cũng có kết quả khả quan. Chân thành cảm ơn các anh chị em cộng tác viên & độc giả cùng đồng hành thương mến. Tôi up lại bài phát biểu cùng tất cả những người đến dự trong khán phòng hôm ây, không ngờ quá đông trên 100 người nên BTC lúng túng, khán phòng 80 người sẽ thoải mái hơn, tôi vẫn biết có người chưa hài lòng sự không thoải mái này, nhưng vì tình văn nghệ, mong mọi người lượng thứ và hoàn hỉ cho. Kính thưa quý vị khách quí, các cộng tác viên và bạn đọc, Trải qua 5 năm nhiều gian nan thử thách trước làn sóng ồ ạt của báo online và smatfone, BBT DĐVHNTSQ đã tận tâm, nỗ lực cùng các tác giả đồng hành, nắm tay nhau không chút ngưng nghỉ để có hôm nay chúng ta ngồi lại trong khán phỏng ấm áp này điểm lại 5 năm vui buồn những việc làm được và hoạch định cho những tháng năm tiếp theo. Thời gian cứ lặng lẽ đi qua, BBT chúng tôi từ tốn làm hết số này đến số khác, đến hôm nay con số tròn 20 đã có mặt cùng làng văn nước nhà. Xin trân trọng tri ân các anh chị cộng sự cũng như độc giả khắp mọi miền đất nước yêu mến, điều ấy đã thôi thúc lòng đam mê chữ nghĩa cũng như lời động viên cho BBT chúng tôi cố gắng cải thiện về hình thức cũng như nội dung, tuy nhiên sức người của BBT cũng có hạn nên còn những thiếu sót, BBT chúng tôi lúc nào cũng lắng nghe lời chân thành của các bạn văn đồng nghiệp để mỗi ngày một tiến bộ hơn về hình thức lẫn nôi dung. Tuy nhiên kinh phí quá hạn hẹp chưa có mạnh thường quân quan tâm đến Tc Sông Quê nên không phát triển được nhiều, Tuy vậy cũng một ít đại lý tỉnh thành trong cả nước, như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi phía ngoài và trong Nam tại TP HCM là chủ lực, vài tỉnh như Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ & Bà Rịa Vũng Tàu. Vậy cũng là niềm khích lệ với BBT SQ nói riêng & cộng sự các tác giả nói chung. Hôm nay BBT nỗ lực làm kỷ niệm để đánh dấu ngày Sông Quê ra mắt số đầu tiên Xuân 2019 đến 10/ 2024 tròn 5 năm (2019 - 2024). Thưa các anh chị và các bạn, nếu không có lửa đam mê có lẽ khó đi được quãng đường dài đầy nhọc nhằn, gian khó BBT nguyện sẽ đi cho đến khi hết duyên mới thôi. Chúng tôi đang tìm những người đam mê chữ nghĩa trẻ hơn, lửa đam mê con chữ, cùng con tim nhiệt huyết biết dấng thân vì văn nghệ nước nhà để đồng hành tiếp bước. Kính mong các tác giả cùng chúng tôi cố gắng vì tình con chữ mà ủng hộ và đồng hành cùng BBT tc Sông Quê. Lời ngắn tình dài. Trân trọng cảm ơn các khách quý nhất là những người quá xa xôi như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Đồng Nai, Bến Tre… Vì tình con chữ đã bỏ thì giờ quý báu và tiền bạc để đến chia vui cùng BBT Sông Quê. Xin chân thành tri ân và cảm ơn tất cả. Kính chúc những khách quý, cộng tác viên và bạn đọc an vui, hạnh phúc yêu đời yêu người. TM/BBT Tc Sông Quê Chủ biên Phạm Ngọc Dũ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.10.2024 20:17:18 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
NHẬN ĐỊNH: THI PHẨM LỤC BÁT CHÂN MÂY của Võ Miên Trường CÓ – KHÔNG KHÉP LẠI MÔNG MÊNH PHẬN NGƯỜI Đời người đi qua trần gian, càng thực chứng, chiêm nghiệm càng nhận diện sâu sắc cõi đời, cõi người. Tất cả hơn thua/ được mất/ hạnh phúc khổ đau/ gian dối thật thà/ chiến tranh hòa bình… cặp nhị nguyên này luôn tồn tại bất biến. Mọi cái đều có nguyên nhân và kết quả. Một chiếc lá rơi, một sợi tóc rụng, một tập thơ ra đời cũng vậy, tất cả đều được trọn duyên tụ tán. Khi đã nhận ra – quán chiếu sẽ thấy nhẹ nhàng, lòng bình yên hơn. Miên Trường viết LỤC BÁT CHÂN MÂY với tinh thần như thế. Đây là tập thơ chị viết chậm rãi hơn trong cung cách diễn đạt ngôn ngữ, suy niệm hơn, thấu hiểu thân phận người hơn trước cõi sống, vì vậy thái độ bình tĩnh và sâu sắc hơn bởi chị đã nhận chân lẽ vô thường dịch biến của tạo hóa. Ngay cả với cả gia đình, xã hội, quê hương, bè bạn và cõi người trần gian ngôn ngữ cũng được chắt lọc, chưng cất kỹ lưỡng. Văn là lý, thơ là tình. Thi nhân viết bài thơ người đọc cảm được, chạm đến trái tim rung động, hạt lệ rưng rưng trong mắt độc giả, điều ấy đã là thành công rồi. Hãy lắng lòng nghe chị viết: ‘Viết bài lục bát cho con những năm khốn khó đói mòn dạ đau Nhớ ngày ‘ở cữ’ cháo rau xép re bụng rỗng cuống nhau mẹ gầy quắt khô bầu vú thở dài nước cơm thay sữa mỗi ngày con ơi… Hay: “Đi về quang gánh chợ đông/ Giần sàng thúng mủng mẹ cong lưng tằm” Lục bát cho con hay cho mẹ? Có lẽ cho cả hai. Đọc dòng thơ trên, tôi tin không những phụ nữ mà ngay cả cánh đàn ông mạnh mẽ - có cảm xúc và lương tri cũng rưng rưng giọt lệ mặn từ tâm hồn hồn nhiên rơi xuống ngậm ngùi và nhớ một thời gian khổ nhất cùa đất nước đã qua – Ngày ấy, ai thế hệ chúng tôi cũng hiểu. Bấy nhiêu ngôn ngữ của thơ diễn bày mạnh hơn đoản văn kể lễ về một thời khó nhọc đã xa. Cảm ơn đời, Miên Trường đã đi qua gian khổ một thời để có dòng lục bát lấy được nhiều giọt lệ của độc giả mẫn cảm. Ôi chao, ngôn ngữ ngoài ngôn ngữ, bấy nhiêu nhưng biết bao nhiêu hình ảnh phía sau bức tranh xã hội một thời lịch sử đi qua. Tôi hiểu Miên Trường qua từng giai đoạn mà chị gọi là ‘cuộc người’ từ: Chiều nắng vỡ, Chạm ký ức đêm, Nhặt sợi buồn thêu chữ… đến bây giờ: Lục Bát Chân Mây, vậy chân mây là gì, ý niệm nào để tác giả gửi gắm thông điệp thi ca khi cuộc đời sắp chạm ngưỡng, chỉ một cái với tay là chạm: ‘Thất thập tòng tâm sở dục bất du củ’? Phải chăng như chân trời. Chân mây là dãy mây xa tít tắp của không gian vô cùng – Con người nhìn thấy nhưng đi không thể tới, chẳng bao giờ đến. Không gian ấy vô biên chúng ta không thể tới nhưng cảm nhận được thông điệp của nhà thơ: Ấy là dòng Lục bát thuần chất Việt Nam cũng vô biên, đầy triết lý của Việt tính, cảm nhận đến đâu Miên Trường viết đến đó để trình bày cái mình thích, mình yêu. Nói sao cùng một đời cho lục bát Việt. Tôi chắc chắn nói rằng ngọn lục bát của chị lạ lẫm về mặt diễn bày, càng ngày càng tịnh tiến về chiều tung hoành của ý thức, của thân phận: Gian nan, gian nan vi gian nan mà Lão Tử đã đặt vấn đề. “Chiều nay gió ngát hương thiền/ em dìu kỷ niệm về miền yêu thương/ lần tìm nỗi nhớ cài hương/ lật trang kinh cũ còn vương dấu người”. hay là: “Gấp vòng mưa nắng rã rời/ về nghe lá hát trên đồi dạ lan/ Một trời kỷ niệm kết đan/ gấp đôi nỗi nhớ mênh mang làm thuyền” Không lạ lẫm là gì? Về nghe ‘ngôn ngữ lạ, rớt xuống hồn như kinh’ (PTT) Và rồi nhà thơ nữ Miên Trường từ khi bước qua vạch gian nan: “Tháng ngày vượt khó qua nhanh/ Hiếu tâm đã trổ nhánh xanh, mùa vàng” đến hôm nay phong cách sống của chị như thơ, cao cả hơn là tính bao dung, lòng độ lượng, vì vậy tôi tin sẽ còn nhiều người viết về Lục bát Chân Mây của chị như sự kết giao quang khoáng rộng rãi của tấm lòng thân ái chị. Riêng tôi viết cho chị như người bạn viết cho người bạn cùng thế hệ từng trãi buồn vui, sướng khổ đi qua cõi người trần gian mà có thể những người trẻ hơn chưa có kinh nghiệm qua thử thách gian nan ấy, chưa từng trãi đoạn đường phía trước chúng tôi đã hân hạnh dự phần. Thiền sư Nhất Hạnh đã viết: Không đau khổ lấy chi làm chất liệu/ Không buồn thương sao biết chuyện con người/ Không nghèo đói làm sao thi vị hóa/ Không lang thang sao biết gió mưa nhiều”. (Thơ của nắng) Lòng dặn lòng của nữ nhà thơ đã trãi nghiệm buồn vui, sướng khổ/ hạnh phúc khổ đau đã dày kinh nghiệm trong cuộc đời này, chỉ an nhiên, tự tại, hơn ai hết biết được chính mình là đủ, bởi rốt ráo của con người là thật tìm được an lạc cho chính mình, để thấy bức tranh trần gian tuy lắm màu sắc tương phản nhau trong từng sat-na dịch biến nhưng tâm bình an để nhận chân được cõi đời, cõi người. Chỉ có sự buông bỏ mới thấy dần sự bình an tâm hồn. “Chăn mây vừa đắp nắng thơm/ gió khoe sắc ngọt hoa thơm mặn mà/ biển xanh rủ sóng hoan ca/ em cùng cát trắng trườn qua sóng đời”. Sóng đời hết lớp tới lớp, trườn qua được thật đã đời, chữ trườn thật đắc ý trong ngữ cảnh này. Hoặc: “Sóng cuồng theo gió đang phiêu/ trời như xuống thấp cánh diều nâng mây/ tay nương ngọn sóng tháo dây buộc mình”. Có – không rồi cũng khép lại, phận người còn mông mênh trước trần thế hữu hạn, sống sao để cảm thấy không thẹn với danh dự lòng mình, với giống dòng và non sông. Đó là điều cần yếu cho một con người đứng trong cõi người ta bao la. Cuối cùng trong thi phẩm Lục Bát Chân Mây, chị dành tình cảm cho các bạn có cùng đồng điệu ngọn lục bát đang reo ca trong tinh thần Việt tính của dân tộc mà bất cứ quốc gia nào cũng không có được thể loại thơ này, chỉ có thể là Việt Nam. Chúc mừng nữ nhà thơ Võ Miên Trường đã có một thi phẩm nữa Lục Bát Chân Mây trước bạ với làng văn chương Việt. Trân trọng giới thiệu cùng tao nhân, mặc khách.
Phạm Ngọc Dũ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.10.2024 21:50:16 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
NHẬN ĐỊNH: TẬP THƠ PHIẾN HẠ NGHI NGỜ VÀ TRA VẤN CỦA THẾ HỆ SAU 75: TRẦN HẠ VI Tập thơ Trần Hạ Vi: Phiến Hạ, về hình thức trang nhã, đẹp. Bìa sách như cuộc sống hình phẳng nhưng dung chứa nhiều màu sắc khác nhau của cung bậc thi ca. tất cả đều chấp nhận, có chăng khác nhau về ý thức? Tập thơ chia làm 3 phần, rõ ràng: 1.HOA HẠ 2.CÕNG MÙA 3.VI & THẾ GIỚI Còn phần nữa không kém phần quan trọng của những nhận xét của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đã đọc thơ Trần Hạ Vi và lời giới thiệu – Như lời bạt của Vũ Hoàng Thư. Nói như Nguyễn Đức Tùng: “Trần Hạ Vi là con chim sơn ca cất trong trời cao rộng, lao vào bóng tối hát về nỗi cô đơn và vẻ đẹp của kiếp người. Ngôn ngữ của chị có tính đối thoại, tính trình diễn và tính xã hội. Đó là ngôn ngữ của đời sống hôm nay, đầy thân xác nhưng cao thượng, đáo để, gay cấn và rất riêng tư. Thơ ấy không đến từ hiểu biết mà đến từ nghi ngờ, tra vấn”. Tôi rất đồng tình về quan điếm này. 1.HOA HẠ: Đọc hết từ đầu đến cuối tập thơ, tôi chợt thấy thơ Trần Hạ Vi lạ vô cùng, có những bài thơ như một đoản văn, nhưng lôi cuốn, có khi Vi chẳng theo một bố cục thi ca, ý nghĩ chạy đến đâu ngôn ngữ “phiêu bồng của ý thức” thể hiện đến đó. Luôn mở ra sự một không gian rộng, với người đọc đầy tính nhân văn và xã hội. Ví như: “Thu đến sớm đứng chờ ô cửa nhỏ Phiến hạ gầy xanh xao Cơn gió chỡ thơ cõng mùa thương nhớ Trốn vào rừng tùng xanh thẳm” (Hạ Thương) Hình như Vi đang đối thoại với Thu đỏng đảnh, với Phiến Hạ gầy xanh xao như nuối tiếc điều gì cho “chỡ thơ cõng mùa” thương nhớ cũ rồi trốn biệt “vào rừng tùng xanh thẳm” sừng sửng với đối mặt cùng đời gió mưa chẳng chút e ngại phong ba. “Nhánh tường vi nhạt màu/ thì thầm với lời yêu quyển sách/ em có cần thiết với anh không/ Và anh sẽ yêu em bao lâu? Hay là: “Nhánh tường vi mỉm cười/ Anh sẽ sống lâu hơn em/ Trong lòng người/ Trong lòng đời/ chỉ cần cho em dựa vào lòng anh/ vài giây phút thôi/ một cái ôm cũng là đủ” Không phải đối thoại ngôn ngữ là gì? Phải không các bạn nhà văn, nhà thơ. Những bài thơ viết trong tác phẩm này hoàn toàn trong ý thức tư do không ràng buộc bất kỳ điều gì, như tất cả những dòng sông đều chảy, dường như Vi có ảnh hưởng Krishnamurti của Tự do đầu tiên và cuối cùng. Rất hiện đại có điều Vi không đi tìm chân lý, bởi nó đang bên này chân núi Pyrenée. Từ: Có và Không, Củ Hành, Tình Nhân ơi… đến Câu chuyện của Nàng và nhiều nữa Trần Hạ Vi đã thoát ra ngoài ranh giới hạn hẹp nếp gấp truyền thống của thi ca, chị mạnh dạn bước vào thế giới tưởng tượng, phóng ý thức ra xa hơn bên ngoài của tập hợp vòng tròng đồng tâm cổ điển, đây là nét hiện đại rất mới trong dòng chảy văn chương hôm nay nhất là lớp trẻ được sinh ra trong sau nửa thập niên 70 đến thế hệ 8X, 9X có trải nghiệm và thực chứng cuộc sống, có kiến thức chuẩn mực, rất tiến bộ trong suy tư vào chủ thể con người và lẽ sống. Cháy bỏng chữ nghĩa với cõi sống đương đại trên hành tinh đang bất an mọi mặt của tồn lưu nhị nguyên: Tốt xấu/ còn mất/ được thua/ khổ đau và hạnh phúc/ xây dựng và hủy diệt/ có không… Nhưng mọi thứ trên trần gian tất cả đều không vĩnh cửu. Ấy là quy luật bất biến của tạo hóa, của thành trụ hoại diệt. “Nếu Aninie Ernaux có thể viết những câu chuyện đời mình/ Giọng văn khô khan sắc lạnh/ và được giải Nobel văn chương/ thì tại sao nàng không được quyền/ viết câu chuyện của anh và nàng/ Tất nhiên/ Theo cách nàng tưởng tượng”. Và sau đó: “Câu chuyện của náng không cần phổ biến/ Câu chuyện của nàng không cần nhiều người quan tâm/ chỉ mình nàng là đủ” Chẳng phải một tuyên ngôn thơ, nói khác hơn tuyên ngôn ý thức của Hạ Vi hay sao? Ngày ấy, “Nếu Aninie Ernaux có thể viết câu chuyện đời mình/ tại sao nàng không thể bắt đầu bằng…Ngày ấy em yêu anh”. Trên thế gian muôn đời tình yêu thương luôn tồn tại dù cõi người có bất an làm sao, điếu ấy bất biến trong dòng dịch hóa sinh diệt, mãi mãi hóa sinh. Người ta lớn không phải xác thân vả tuổi tác, mà dung chứa một tâm hồn lớn, một ý thức khác người, sự dũng cảm ấy không phải bình thường, bất thường mà là phi thường. 2. CÕNG MÙA Nếu như Phần 1: Hoa Hạ là tuyên ngôn của Hạ Vi thì Cõng Mùa là lời chân phương, chân thành trong người phụ nữ cung cách Nam bộ, những bài thơ lục bát truyền thống Việt tính rất nhẹ nhàng, đơn giãn chắng gai góc như những tác giả miền Trung. Có một điều là người miền Nam nào cũng vậy, họ làm thơ không góc cạnh, tròn trĩnh, ngôn ngữ không đánh đố độc giả vì thế lăn đi dễ dàng đều đều với con dốc đời người qua thời gian từng trải. Nói như thế, nhưng không phải thơ lục bát chân thành của Hạ Vi không có thi ảnh đẹp, Ví như: Con thèm đôi phút ân cần Mẹ ngồi vá áo chỉ lần tay run Thèm nghe cơm réo nắp vung Dẻo tay mẹ xới bập bùng nắng thơm Hay là: Con thèm, thèm lắm vòng ôm Da mồi bạc tóc mẹ hôm sớm chiều (Thèm) Khi làm mẹ, dĩ nhiên mới hiểu và thương mẹ nhiều hơn, một thời gian nan khó nhọc đã qua và bây giờ đến phiên được làm mẹ, cô ngộ ra mới giật mình: Thương con câu hát à ơi Con ươm tuổi trẻ, mẹ rơi tuổi già Giản dị ngôn ngữ tỏ bày nhưng quả là rất nồng mặn chữ tình của đứa con biết hiếu để. Khi lớn khôn xa nhà ít khi được bên mẹ, tâm lý bao giờ cũng muốn trở về thăm mẹ, có khi chẳng nói gì cuộc bon chen đời sống bên ngoài xã hội, vẫn thích nghe mẹ lời ân cần và rồi ôm mẹ để hơi ấm mẹ truyền qua, cảm giác yêu thương bật dậy cùng cung bậc nồng nàn vỗ về. Niềm hạnh phúc trào dâng có khi thành lệ, giọt lệ sung sướng còn được nghe, được thấy tận mắt da mồi tóc bạc của mẹ vẫn còn linh hoạt từng tuổi này. Ôi Chao! Còn gì bằng. Với anh, thì sao? Nhẹ nhàng nhưng thật ấm áp: Say rồi yên giấc đi anh Em ngồi, em hát ru xanh cuộc tình À ơi! Xanh giấc mộng lành Sao xanh lóng lánh vá mành lưới tim. Hoặc: Ngủ đi anh xanh giấc ngà Em ngồi đan nhánh ta bà xanh um. Ta bà là cõi người ta, hay cõi sống. Để ru anh một trọn một giấc ngà em phải đối diện với đời sống thực tại biết bao nhiêu cố gắng công sức, nỗ lực để đời sống rất tốt tươi, thậm chí xanh um, một quán chiếu khá thiền vị trong đối đãi giữa anh và em. Thú vị quá chứ. May thay, anh cũng hiểu. Cuộc sống may mắn là được hiểu và thương. Bài thơ Cõng đã nói lên nhiều điều về tính hàm ơn, trong trách nhiệm cho và nhận, nghĩa và nhân. Đầu mắt đỏ, cuối mắt viền Sầu đau anh cõng em yên an đời Ngẫng lên đứng giữa đất trời Sơn hà hai gánh cõng vời nghĩa nhân.(Cõng) 3. VI & THẾ GIỚI Phần 3 rất rõ ràng Vi & thế giới. Tại sao không ? Tôi cho đây là sự dũng cảm, tự tin của Trần Hạ Vi. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng của tinh cầu đang có hiện tượng bất an, nào thực phẩm độc hại, nào chiến tranh, bạo ngược nhân danh gì hỡi thế giới văn minh chúng ta đang dự phần từng ngày thấp thỏm: Nga – Ucraine, Isarel và Palestin, Taliban và Afghanistan và Còn nhiều hơn thế nữa…Vi là người mạnh mẽ, thẳng thắn, không ngại trực diện những bất an bằng lời thơ hiện đại. Chị viết: Nga – Ukraina/ Chiến trường giữa địch và ta/ Bom đạn là thật/ Máu và nước mắt là thật/ Hy vọng, tự hào, tủi nhục, thất vọng, căm thù là thật/ Giữa những làn thông tin, những đám khói mịt mù/ Kẻ tử thương trước nhất/ bao giớ cũng là sự thật. (Kẻ tử thương trước nhất), Hay là: Người Mỹ đã bỏ Kabul 2021/ Người Mỹ bỏ Sài Gòn bốn mươi sáu năm về trước/ chiếc áo đỏ trên đường băng/ Phủ tấm thân xám lạnh/ Em đã chết trên đường chạy trốn/ Khỏi xứ sở quê hương. Hoặc: Máu em nhuộm đỏ phi trường/ Đừng nhỏ nước mắt khóc thương/ Anh hãy vui mừng em không bị hãm hiếp/ chà đạp/ chém đầu. (Chiếc áo đỏ trên sân bay Kabul). Tôi tin chắc ai đọc đoạn thơ vừa trích cũng phải hỏi lại, có phải chúng ta đang sống với những văn minh kỹ thuật số bậc nhất có phải văn minh thật sự hay bạo tàn, đang hủy diệt tình thương trên các lục địa? Dũng cảm và khí phách của nhà thơ Nữ Trần Hạ Vi thật đáng nễ, ghi lại những sự kiện thế giới đang trải qua kinh hoàng. Sự thật ấy đau đáu cho lương tri và trái tim biết yêu thương. Với cái tuổi sinh sau 75 sẽ nghĩ gì, hay “Hãy để ngày ấy lụi tàn” NHƯ ĐỊNH MỆNH? Không, Chị có ý nghĩ khác lạ hơn, ít ra phải nhìn lại để thấy và hiểu và rồi sẽ thương và yêu hơn: “Từng dòng, từng dòng ký ức tuôn ra từ tâm hồn giàu có/ nung nấu/ ấp ủ/ đau đáu những vết thương lên da non/ rồi làn da sậm mưa nắng nhưng chưa lành?” Có thể nào chúng ta mãi “Đồng phục thơ. Rập khuôn có được định nghĩa là sáng tạo?” Tôi trích một đoạn để các bạn nghe lai: ‘Vấn đề là Trăm triệu dân Việt Nam có mặc đồng phục? Tám tỉ người thế giới có mặc đồng phục? Rập khuôn có được định nghĩa là sáng tạo?’ Vậy tại sao Thơ phải luôn mặc quần? Thơ không được quyền đi tắm chăng? (Đồng phục thơ) Nói như nhà văn Denis Diderot “Ai cũng có lòng tự trọng. Tôi sẵn sàng quên đi nó, nhưng do mình tự quyết định chứ không phải vì ai đó bảo mình. (Every man has his dignity. I'm willing to forget mine, but at my own discretion and not when someone else tells me to). Có phải “Tình yêu càng sâu đậm/ Có phải càng đau đớn nhiều hơn/ Nắng Sài Gòn còn vương hương” (Em và Sài Gòn). Điều ấy có thể. Tập thơ còn nhiều điều mà thú vị trong thi phẩm mà chính Trần Hạ Vi đã tra vấn, tự hỏi thực tai trong thế gian mà ý thức chính bản thân chị trải nghiệm và cảm nhận Cuối cùng tôi mượn nhận định của nhà phê bình Ts. Gjeke Marinaj để kết thúc bài nhận định của tôi khi đọc tác phẩm PHIẾN HẠ của nhà thơ nữ Trần Hạ Vi rất đáng đọc: “Thông qua việc gắn bó sâu sắc với những hình ảnh này, Ha Vi nắm bắt được cả bản chất thị giác và và cảm xúc đối tượng tạo nên những bài thơ sâu sắc và nhân văn về tình yêu. Bộ sưu tập này với góc nhìn tinh tế và chiều sâu nghệ thuật được kỳ vọng sẽ đặc biệt gây ấn tượng với độc giả trẻ tuổi, mang đến cho họ một trải nghiệm sâu sắc và phong phú” (Bản dịch) Chân thành cảm ơn Trần Hạ Vi đã viết hết lòng với trách nhiệm người cầm bút, Chúng ta có quyền hy vọng chị sẽ có tác phẩm mới nữa để ra mắt cùng công chúng trong thời gian tới.
Phạm Ngọc Dũ Tháng 8/ 2024
KỶ NIỆM VỚI PHẠM NGỌC DŨ Tùy bút Nguyễn Đại Hoàng*** 1.Hôm đó tôi đi dự buổi ra mắt tập Truyện Ngắn & Ký của nhà thơ Quảng Ngãi Phạm Ngọc Dũ. Bận việc nơi xa nhưng tôi cũng cố gắng về. Trễ hơn một tiếng! Nên lòng thấy ngại ngùng băn khoăn lắm.Vậy mà, anh đón tôi với sự vui mừng toát ra từ đôi mắt – và lạ lùng thay anh đã KHÔNG nói một câu mà gia chủ THƯỜNG nói:-Sao đến trễ thế?Điều đó làm tôi cảm kích vô cùng! Rồi liền sau đó anh ký tặng tôi cuốn GIÓ BÊN TRIỀN SÔNG VẪN THỔI- tác phẩm đầu tiên về VĂN của anh – như anh đã bộc bạch trong phần Lời Tác Giả.Vâng! Việc này cũng khá bất ngờ bởi vì xưa nay người ta chỉ biết đến anh với tư cách một nhà thơ! 2.Tên anh Phạm Ngọc Dũ và bút hiệu của anh Ngã Du Tử có điều đặc biệt.Bởi Du Tử - 游子 có nghĩa là kẻ phiêu lãng. Còn Ngọc Dũ 玉 牖 – Có nghĩa là khung cửa làm bằng đá quý - ý chỉ người ở nhà. Nói cách khác Du Tử và Ngọc Dũ trái nghĩa nhau như Lữ Thứ với Chương Đài trong câu thơ: Kẻ chốn chương đài người lữ thứ - trong bài Chiều Hôm Nhớ Nhà của Bà Huyện Thanh Quan vậy! Ở nhà là TĨNH. Còn phiêu lãng là ĐỘNG. Có phải vì thế mà thơ của Phạm Ngọc Dũ - luôn chứa đựng đến hai yếu tính này chăng? Ngay cả tạp chí văn học Sông Quê do anh chủ biên - cũng mang hai yếu tố động và tĩnh đó. Sông nước lững lờ, nhưng Quê nhà lặng lẽ. 3.Tác phẩm Ngã Du tử đã xuất bản: 1.Dòng sông quê (thơ, NXB Văn Nghệ TP HCM, 2004) 2.Mắt tháng giêng (thơ in chung với Đỗ Hướng, NXB Thanh Niên 2011) 3. Hạnh Ngộ (thơ, NXB Thanh Niên, in chung 10 tác giả, 2011) 4.Còn Lại Dấu Yêu (thơ, NXB Hội Nhà Văn, in chung 7 tác giả, 2015) 5.Trường ca: Chơi giữa thường hằng (Thơ, NXB Hội nhà văn TPHCM, 2017) 6.Trường ca: Sóng Thị Thành Và Em (Thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2021) 7.Gió Bên Triền Sông Vẫn Thổi (Tập truyện ngắn và ký, NXB Hội Nhà Văn, 2023) 8. Vàng Gieo Tâm Thức (Thơ NXB Thuận Hóa 2024) +Từ những tựa tác phẩm nói trên và tựa một số bài thơ của Phạm Ngọc Dũ, tôi sắp xếp lại thành một bài thơ tặng anh: KHÔNG ĐỀ Đời gọi em là hương sắc dòng sông quê mắt tháng giêng hạnh ngộ Mùa tự do bay - với dòng sông cũ còn lại dấu yêu chơi giữa thường hằng Sông Hoài nhận mãi vầng trăng sóng thị thành và em gió bên triền sông vẫn thổi Còn lại dấu ngày giữa phố chiều tiếng chổi đường quen… Câu thơ cuối của Phạm Ngọc Dũ khiến tôi bất giác nhớ lại mấy câu thơ tuyệt bút đầy cảm xúc trong bài thơ SÃI của nhà thơ Nguyễn Thái Dương- Nguyễn Thái Dương MT - Lá đa ơi đừng rơi mãi/ tiếng chổi khàn/ cháu chắt sãi đang khua... Vâng nhà thơ chủ biên Sông Quê Phạm Ngọc Dũ vẫn đang cùng những người viết trên đất nước này và những trái tim Việt Nam ngoài viễn xứ, trong ý hướng góp phần hương sắc cho nền Văn Học Nghệ Thuật nước nhà, dẫu người chủ biên Sông Quê mái tóc pha sương tự lâu rồi, và tiếng chổi đã khàn… Bởi như nhà thơ vĩ nhân Đức Johann Wolfgang Von Goethe (1749-1832) từng viết: Sự suy tàn của một nền văn học cho thấy sự suy tàn của một quốc gia [The decline of literature indicates the decline of a nation] Vâng, Phạm Ngọc Dũ cũng như tôi và chúng ta, luôn có bóng dáng quê hương trong trái tim mình. 4.Hôm nay (6/10/2024) nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập tạp chí văn học nghệ thuật Sông Quê, kính chúc chủ biên, nhà thơ Phạm Ngọc Dũ, toàn BBT, độc giả Sông Quê, cùng quý thân hữu và các bạn, luôn hạnh phúc bình an, nhiều sức khỏe và niềm vui sáng tạo. Trân trọng. NGUYỄN ĐẠI HOÀNG
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.10.2024 21:29:19 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
CÂU HÒ BẾN TRE & VỀ ĂN CƠM VỚI MÁ. TÍNH DUNG DỊ VÀ THẬT THÀ, CHÂN CHẤT HỒN QUÊ của Bs, nhà thơ Nguyễn Hùng Phong Thưa tất cả anh chị em văn nghệ, Khi đời người ngã dài với bóng xế nhân sinh, thường hoài niệm quá khứ, đó tâm lý chung như người xưa đã đúc kết: Tuổi trẻ sống cho tương lai, tuổi trung niên sống cho hiện tại, và quá khứ cho người quá đỉnh dốc cực đại cuộc đời. Điều làm cho con người đẹp đẽ hơn trong cõi sống, cách sống là lòng thật thà, tính dũng cảm & tính chính danh. Nói về 2 tập thơ của nhà thơ Nguyễn Hùng Phong, các bạn về đọc sẽ thấy các tác giả như: Oanh Kim/ Võ Thị Như Mai/ Châu Đoàn… viết tựa, bạt, cảm nhận khá đầy đủ, tôi chỉ phát biểu khái quát đôi nét về tính Hiếu thảo, lòng biết ơn và quan điểm sống của anh đã diễn bày trong 2 tập thơ. Nguyễn Hùng Phong là một Bác sĩ chuyên khoa 2, anh thành danh trong lĩnh vực y khoa, bên cạnh anh thích làm thơ hoài niệm với đề tài thật gần gủi, sát rạt với cuộc sống hiện tại thân thiết. Nhất là với Mẹ, Cha & Quê Hương. Tựa đề của 2 tập thơ: Về ăn cơm với má và Câu Hò Bến Tre đã nói lên điều ấy. Trong cuộc làm người trần gian: Hiếu để vi tiên, nghĩa là việc hiếu nghĩa trước nhất. Dù thành công bất cứ ngành nghề gì mà không hiếu để với mẹ cha xã hội sẽ xem thường, nhất là những người được mệnh danh: Trí thức. Truyền thống ngàn đời của văn hóa người Việt: Bóng cha như vách núi, dáng mẹ tựa dòng sông. Ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt ta chịu ảnh hưởng lớn của Đạo Nho, đạo Thánh hiền: “Nhập tắc hiếu, xuất tắc dễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” Nghĩa là: (Làm con) Ở nhà phải thuận hiếu thảo, ra đường phải kính bậc trưởng thượng, cẩn trọng với điều tín, thân cận với người nhân đức, còn thừa sức lực học tập nâng cao tri thức. Bs, nhà thơ Nguyễn Hùng Phong đã nỗ lực làm được điều ấy, bằng chứng hôm nay anh ra mắt 2 tập thơ xoay quanh 2 chủ đề MẸ CHA & QUÊ HƯƠNG, với 2 thi tập mà các anh chị em đã cầm trên tay: VỀ ĂN CƠM VỚI MÁ & CÂU HÒ BẾN TRE, nghe thật thà như nói tâm tình. Tuy nhiên, điều đơn giản nhất ấy không phải dễ dàng tí nào. Trong lời đầu sách anh viết mộc mạc nhưng chân thành sự hiếu đễ: “Người mẹ đã nuôi nấng con lớn khôn, che chở suốt chặng đường con đi, là mái ấm yêu thương ôm ấp con mỗi khi đông về, là bờ vai an lành để con tựa vào mỗi khi vấp ngã. Anh viết đơn giản mộc mạc giới thiệu mẹ và thân thế anh em trong nhà và tính yêu thương của mẹ với cả đàn con những mười anh em: “Cho tôi ôm má rưng rưng Thân gầy vai yếu còng lưng gối mòn Một đời người… Mười đứa con Nắng mưa áo bạc vai sờn gió sương… Hoặc: “Ngày 30 tết má chờ/ các con của mẹ bây giờ về chưa?” hay: “Con thèm được về ăn cơm với má/ bên mâm cơm ngày tết đón ông bà/ mừng sum vầy bao ngày tháng bôn ba/ hương ngày tết đậm đà sao vui quá”. Chân phương đến đổi thật thà nhưng nói lên được tâm lý của những người con xa nhà, xa quê trong mỗi độ mùa Xuân đoàn viên trở về, lòng người nôn nao sum họp, bởi cảnh vật đất trời đang dọn mình dâng tặng cho trần gian lắm sắc hoa rực rỡ, hương thơm ngào ngạt muôn hoa, ai ai cũng nô nước trở về ngôi nhà bình an nhất đời mình. Ai trong chúng ta ở vào hoàn cảnh ấy mới thấm thía… Với cha: “Người cha hiền lành tận tụy/ đã dạy con biết điều hay, lẽ phải/ đã nâng con chắp cánh diều bay/ Nghĩa cù lao ví cao hơn non Thái”. Nói thêm 9 chữ cù lao về ơn đức của người mẹ: Sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ); phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), cố (trông nom), phục (săn sóc), phúc (che chở bảo vệ). dục (dạy dỗ nên người), vì vậy ca dao Việt Nam có câu: “Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông/ Núi cao biển rộng mênh mông/ Cù lao chín chữ ghi lòng ai ơi”. Với người thân, bè bạn & quê hương: “Đã vất vả đồng hành/ cùng tôi trong những ngày đèn sách/ truyền cảm hứng giúp tôi vượt qua khó khắn thử thách/ để tôi được làm người con gia tộc quê hương”. Trên đây là tất cả biểu kiến & biểu ý của lòng tri ân, tính biết ơn đấng sinh thành và quê cha đất tổ, có cả tình bè bạn. Mỗi đời người hiện diện trước trần gian đa sự, đa gian nan, mọi sự có ngọn nguồn, ai biết tri ân, cõi đời sẽ chẳng phụ lòng. Xét cho cùng chúng ta sống trong cõi sống phải có nhân quần, xã hội - Mọi liên đới giữa ta với người – với tha nhân rất mật thiết, không thể độc lập tồn tại. Trong lời thơ của Thi Phẩm: CÂU HÒ BẾN TRE, anh viết: “Mai ấy ta về Nơi nuôi ta khôn lớn từ thuở ấu thơ Lối nhỏ vườn nhà một thời ghi dấu Thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất Vốc nắm đất bao đời thấm mồ hôi công sức ông cha” (Nơi ấy ta về) Cảm ơn đất trời đã cho chúng ta chân cứng đá mềm để hôm nay chúng ta có buổi ngồi lại để tâm tình nói về văn chương của Bs, nhà thơ Nguyễn Hùng Phong cùng tính lễ trong sự có mặt của tất cả những người thương mến anh. Anh em văn nghệ chơi với nhau cái tình bao giờ cũng dạt dào đọng lại cho mai sau trong hành trình đời sống còn tiếp diễn. Chúc mừng Bs, nhà thơ Nguyễn Hùng Phong đã trước bạ cùng làng văn 2 tập thơ: CÂU HÒ BẾN TRE & VỀ ĂN CƠM VỚI MÁ chân thành, mộc mạc nhưng đầy đặn chữ tình.
Phạm Ngọc Dũ Diễn Đàn Văn học, Nghệ thuật Sông Quê
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: