ĐỒI SÓI HÚ - Nguyễn Quỳnh

Tác giả Bài
Thanh Vân
  • Số bài : 3870
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 28.05.2007
ĐỒI SÓI HÚ - Nguyễn Quỳnh - 07.10.2024 21:36:45
ĐỒI SÓI HÚ
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
NXB; Kim Đồng
TVE-4u.org
PDF: Cái Lệ
Text & Ebook: Bọ Cạp
 

1.
GIỮA ĐÀN SÓI

Dũng ngồi trên một tảng đá bên bờ suối, cuốn tiểu thuyết đọc dở để bên cạnh, trên trang sách có một chùm hoa dẻ, loại hoa rừng mà Hương Giang rất thích; dùng đánh dấu; hoa đã khô, nhưng mùi hương vẫn còn thoang thoảng, dìu dịu ngây thơ.
Dũng đã ngừng đọc sách, hai tay bó gối, vẻ mặt đăm chiêu nhìn dòng nước đang cần mẫn và dào dạt chảy, chở về xuôi những cành hoa cuối hạ và lá vàng đầu thu. Tâm trạng Dũng trong giây phút này chẳng khác gì dòng suối, đang trôi theo những ý nghĩ ngổn ngang chưa dứt. Dũng đang nghĩ đến, nói cho đúng, nó đang cân nhắc những điều rất hệ trọng mới xảy đến, như Huyện đội trưởng Văn nói: "Quyết định con đường tương lai" của nó. Cho đến giờ phút này nó vẫn dùng dằng chưa quyết. Nó là một thiếu niên thôn quê, miền núi, lại được học hành đến nơi đến chốn, là học sinh tú tài[1], lại thông minh, nhanh nhẹn, cuộc sống mới đang mở ra trước mắt nó những ước mơ rực rỡ rất hiện thực: ở lại quân đội rèn luyện để trở thành sĩ quan trong tương lai; trở về với mái trường tiếp tục học tập để trở thành kỹ sư, bác sĩ, luật sư... Ngẫm lại những lời của Huyện đội trưởng, nó vừa thầm cám ơn lại vừa có chút oán trách ông. Ôi, giá có anh Bình ở nhà mà trao đổi, mà hỏi ý kiến anh, hoặc có Hương Giang...

Bỗng có tiếng vỗ nước oàm oạp như ai đó đang tát cá từ ngách khe cạn vắng lại cắt đứt ý nghĩ của Dũng.
Dũng với tay, gập cuốn tiểu thuyết đang mở trang lại. Tai nó hướng về phía tiếng nước vẫn đang oàm oạp đều đều như đưa võng. Ai tát thế nhỉ? Vùng này làm gì có nhà dân?
Dũng đứng lên, định đi tới chỗ người đang tát cá, nhưng một cảnh tượng lạ kìm chân nó lại. Dưới kia, chỗ khúc suối rộng bên bờ có cây cổ thụ với những cành khổng lồ vươn ra giữa suối, một đàn vượn từ đâu vừa kéo tới đang đùa nghịch. Đàn vượn dồn cả ra cành nằm ngang. Rồi con nọ nắm chân con kia làm thành một dây xích đen buông xuống mặt suối. Ơ kìa, chúng nó đang thay nhau uống nước suối trong. Chưa bao giờ Dũng nhìn thấy một cảnh lạ như vậy.
Dũng há hốc mồm theo dõi cảnh đàn vượn uống nước cho tới khi cả bầy thú đuôi dài, mình đen, má trắng biến mất mới sực nhớ tới người tát cá.
Cảnh ồn ào, huyên náo do lũ vượn gây ra biến mất cùng với đàn vượn, rừng trưa trở lại yên tĩnh. Tiếng vỗ nước vẫn đều đều, cần mẫn vang lên. Dũng chợt nghĩ, hẳn anh Bình đi công tác đã về? Chỉ có anh ấy mới chịu khó mò mẫm như thế. Thế mà anh ấy chẳng đến gọi Dũng. Xưa nay những chuyện câu kéo, săn bẫy hai anh em vẫn như hình với bóng cơ mà? Đã thế cho giật mình một phen biết tay.
Dũng lần theo những tán cây rậm lá, đi về phía có tiếng tát nước. Nó đến bên vũng nước giữa suối cạn, đứng lấp ló trong tán lá rậm nhìn quanh. Nó bỗng giật thót, sởn cả gai ốc. Quanh vũng nước chẳng có một ai, chỉ có cái gàu như chiếc mo cau trải rộng, với hai cái quai buộc vào hai thân cây sát hai bên mép nước vẫn đung đưa đều đặn, nhịp nhàng như đưa võng, hất nước lên bờ. Dưới vũng, những con cá to đã phơi lưng lên, đang bơi vòng quanh.
Chàng thiếu niên can đảm có thừa, xưa nay luôn luôn phản bác chuyện ma quái, quỷ thần bỗng toát mồ hôi lạnh, cứng cả lưỡi, co cẳng chạy về Huyện đội. Về gần đến cơ quan Huyện đội anh chàng mới kêu thất thanh:
– Các chú ơi, các anh ơi, ma... ma tát cá...
Dũng đã chạy xộc vào lán của tiểu đội mà vẫn còn mặt xanh mày xám. Tiểu đội trưởng vừa ngạc nhiên vừa bảo:
– Nói nhảm gì vậy cậu tú? - Anh vẫn hay đùa Dũng là "cậu tú" của Huyện đội - Em vẫn không tin chuyện ma quỷ cơ mà?
Dũng đã bình tĩnh trở lại. Nó nói:
– Đúng mà! Chính mắt em trông thấy chỉ có một cái gàu xù xì mốc thếch buộc vào hai thân cây đang tát nước. Không thấy có người mà nghe tiếng thở phì phì.
Mấy anh đội viên có mặt trong lán kinh ngạc nhìn Dũng. Tiểu đội trưởng sực nhớ, bảo:
– Này, ma hay không thì kệ nó với chiếc gàu. Em lên gặp Huyện đội trưởng ngay. Thủ trưởng cho gọi em.
Thấy Dũng chần chừ, tiểu đội trưởng lại giục:
– Đi nhanh lên! Hình như em có nhiệm vụ khẩn cấp đấy. Chỉ chỗ cho các anh đến "hôi cá" là được rồi. Đồng ý chưa?
– Chỗ nhánh khe cạn bên suối ấy. Đến đấy các anh sẽ nghe rõ tiếng tát nước.
Nói xong, Dũng vội vàng đến chỗ Huyện đội trưởng.
– Báo cáo thủ trưởng, liên lạc viên Dũng có mặt!
Huyện đội trưởng Vân cười thân mật:
– Nghỉ! Biết cháu là Dũng rồi, ngồi xuống đây - Ông chỉ chiếc ghế đối diện bảo Dũng - Ngồi xuống đi. Sao trông cháu hớt hải thế?
Thủ trưởng định rót nước mời Dũng, nhưng nó đã giành lấy:
– Chú để mặc cháu. Để cháu pha nước mời cho chú.
Dũng nhón một nhúm chè hấp - loại chè lá bánh tẻ hấp chín, vò phơi khô - cho vào ấm pha nước, rót mời Huyện đội trưởng. Trong lúc Huyện đội trưởng đang nhấp từng ngụm nước, Dũng định kể cho ông nghe chuyện nó vừa nhìn thấy ma tát cá. Nhưng nghĩ thế nào lại thôi.
Đặt chén nước xuống, Huyện đội trưởng ân cần hỏi:
– Thế nào, đã thông chưa? Nhưng cho dù thông hay chưa thông thì mệnh lệnh vẫn phải chấp hành, đúng không chú lính trẻ?
Dũng bạo dạn hỏi:
– Chú cho cháu theo đội hành quân trinh sát chứ ạ?
– Không! - Huyện đội trưởng nghiêm nghị - Nhưng không phải chú mà là cấp trên. Cháu không thể theo đơn vị trinh sát được. Cấp trên đã quyết định gửi cháu đi học. Cháu sẽ đi học với chế độ học bổng. Như vậy bố mẹ cháu đỡ phần chu cấp cho cháu, mà cháu thì có điều kiện học tập, phát huy tài năng của mình phục vụ cho việc xây dựng đất nước sau này. Cháu còn năm ngày nữa để chuẩn bị.
Huyện đội trưởng ngừng lời, chăm chú nhìn cậu thiếu niên liên lạc đang có vẻ buồn rầu, nghĩ ngợi..
Dũng ngẩng lên, mạnh dạn nói:
– Ban chỉ huy kỷ luật cháu? Mà cháu thì... chưa một nhiệm vụ nào là không hoàn thành... - Dũng thấy tủi thân, rơm rớm nước mắt.
– Sao cháu lại có ý nghĩ kỳ cục như thế? Trái lại cấp trên tin cháu, rất tin tưởng vào cháu nữa là đằng khác. Nào, vui lên. Có thể bây giờ cháu chưa hiểu hết, cháu còn oán chú, nhưng sau này lớn lên cháu sẽ rõ.- Dừng một lát, ông tiếp - Cháu còn một nhiệm vụ quan trọng nữa. Sáng mai cháu phải về xã cháu, đưa bức mật lệnh này cho xã đội trưởng Tín. Sau đó cháu về nhà thăm và chào bố mẹ trước khi lên đường ra Việt Bắc...
Ông đưa bức mật lệnh cho Dũng, dặn dò nó những điều cần thiết trong chuyến đi...
Nghe nói được phép về nhà thăm bố mẹ, Dũng quên hết mọi băn khoăn, thắc mắc; hào hứng, vui vẻ hẳn lên.
Trong lúc Huyện đội trưởng và Dũng đang trò chuyện thì bỗng bên ngoài có tiếng ồn ào. Tiểu đội trưởng của Dũng cùng mấy anh đội viên mang vào phòng ban chỉ huy một con trăn to hơn bắp chân người lớn. Tiểu đội trưởng hồ hởi nói:
– Báo cáo thủ trưởng, em Dũng gặp "ma tát cá", chúng tôi đã đến tận nơi và tóm cổ nó về đây.
Huyện đội trưởng ngơ ngác chưa hiểu ra chuyện gì. Còn Dũng thì vừa ngạc nhiên vừa xấu hổ. Tiểu đội trưởng kể lại chuyện Dũng gặp "ma" cho Huyện đội trưởng nghe. Một anh đội viên người vùng này nói xen vào:
– Báo cáo thủ trưởng. Con này không phải là trăn đâu ạ. Nó là một giống rắn hổ. Vùng chúng em gọi nó là rắn tát cá. Chúng nó khôn lắm ạ! Biết tìm vũng nước có cá, biết vần đất, đá, ngắt cành con để be bờ tát cá đấy. Biết vũng nước có cá, chúng cuộn đầu và đuôi vào cây hai bên bờ vũng, còn bụng thì dẹt ra như cái mo cau làm gàu tát nước. Ai chưa biết mà nom thấy thì tưởng là ma đấy ạ!
Mọi người nhìn Dũng cười xòa. Huyện đội trưởng vui vẻ nói:
– Hay lắm, ta làm bữa liên hoan tiễn chú Dũng. Các cụ bảo: "Gặp xà thì đi, gặp quy thì về". Ra đi mà gặp rắn là điềm lành đấy. - Huyện đội trưởng xiết chặt tay Dũng - Chúc cháu may mắn và thắng lợi.
Dũng vác chiếc gậy trắm sừng trên vai, còn tờ mật lệnh của Huyện đội trưởng thì giấu trong người, đếm bước trên con đường rừng.
Thời tiết đầu thu. Trời vẫn còn nóng bức. Gần trưa Dũng mới đi hết đoạn đường rừng hiểm trở. Đến vùng núi đất này, thần kinh Dũng có chút thư giãn hơn. Vừa đi Dũng vừa suy nghĩ miên man, nhớ về những kỷ niệm cũ. Mùi hương hoa dẻ nồng nàn, thứ hoa mà Dũng từng hái cho chị em Hương Giang vẫn phảng phất đâu đây. Dũng nhớ tới những cuộc săn bẫy ở vùng rừng này cùng với bố, dạo con Sói Lửa, con chó săn đầu đàn của nhà Dũng chưa trở về rừng. Cũng vùng rừng này, hồi trường trung học mới tản cư đến, con Sói Lửa đã trở về rừng mà vẫn còn nhớ chủ, cứu nó và bọn bạn thoát khỏi vòng vây của sói đàn. Chính lần đó, nhờ con Sói Lửa tình nghĩa, khôn ngoan và dũng cảm đã làm cho tình bạn giữa Dũng và Hương Giang trở nên gắn bó hơn. Hương Giang, bây giờ bạn ở đâu? Dũng nhớ tới con sông quê hương mỗi ngày hai con nước. Con sông đầy kỷ niệm những ngày ấu thơ giữa Dũng và lũ bạn, giữa Dũng với Hương Giang, với thằng Kiên trong những ngày trường trung học tản cư về làng Xoài. Dũng nhớ tới bố mẹ da diết. Vắng các con hẳn bố mẹ phải ngày ngày ra sông gánh nước, vào rừng kiếm củi. Ôi buổi giặc giã. Bố Dũng đã nói đúng: "Giặc đến nhà không chỉ đàn bà mà ông già, bà cả cũng phải đánh".
Thấm thoắt đã hơn một năm rồi kể từ ngày trường rời di nơi khác, nói cho đúng là, kể từ hôm Dũng chia tay Hương Giang vào chiều mồng một Tết ấy. Vậy mà tin tức về Hương Giang, về gia đình cô bé vẫn vắng không. Thế mà từng thề thốt cho dù đi tới chân trời cuối đất vẫn gửi thư về... Dũng muốn xua đi nỗi nhớ về cô bạn gái ấy. "Thật vớ vẩn", Dũng mỉm cười tự chế giễu chính mình. Hương Giang với mình là gì nào? Chỉ là bạn học, một cô bạn mới quen, chỉ có thế thôi. Biết đâu trong cô bé không còn một chút ký ức nào về cái làng nhỏ nhoi miền trung du xa xôi, hẻo lánh này, không còn một chút hình ảnh nào về cậu con trai vùng núi quê mùa này?
Dũng lại nhớ về làng Xoài của mình sau ngày giặc chiếm. Nhà nhà đang đề huề, thôn xóm đang sầm uất, giặc đến bỗng chốc xơ xác, tiêu điều, sẻ đàn tan nghé. Bố mẹ và con cái, anh chị em, bè bạn... bỗng chốc xa nhau. Cứ nhìn vào nhà Dũng đây cũng đã thấy xót xa đến tận cõi lòng. Của cải thất tán, vườn tược tiêu điều, ngay cả đàn chó săn dũng mãnh, những con vật nghĩa tình nhà Dũng cũng không còn một mống. Vùng rừng sau làng Dũng bọn giặc thay nhau tuần tra, phục kích, biến những gốc cây, ụ đất, mô đá thành cái bẫy giết người. Dân làng không dám tự do vào rừng đã dành, đến cả hươu nai, chó sói, hổ báo cũng tìm đường lẩn trốn, ít khi lai vãng. Con Sói Lửa của Dũng vốn đã coi vùng rừng này là lãnh địa của đàn nó, thế mà cũng phải kéo cả đàn rút hẳn vào rừng sâu. Giờ này không biết nó lẩn quất ở đâu?
Một vùng sáng mở ra trước mắt Dũng. Có nhiều tiếng "rần rật" như tiếng chim ăn đất vỗ cánh bay vùng lên. Dũng chui nhanh vào một bụi sồi rậm lá, đưa mắt nhìn quanh. Trên bãi cỏ rộng, một đàn gà rừng, đang vừa nhặt hạt, vừa dáo dác nhìn vào bìa rừng. Một mùi khét nồng xộc vào mũi Dũng, mùi nước đái cáo. Dũng nhìn dọc theo dãy cây thấp. Một đàn sói lửa[2] đang bò lết sau các bụi cây, mắt hau háu nhìn đàn gà rừng. Đàn sói lửa chắc đang hám mồi, không để ý đến Dũng. Có một con đang bò mỗi lúc một gần chỗ Dũng ngồi. Con chó sói đã lết tới gần đến mức Dũng có thể thò tay ra nắm được đuôi. Dũng bỗng ngứa tay, máu săn bắn nổi lên, khẽ giơ cao chiếc gậy trâm sừng, nhằm đầu con sói, giáng một đòn. Chiếc gậy vướng phải cành sồi trên đầu Dũng nên chỉ rơi trúng vào lưng con sói. Con thú dữ giật mình, nhảy tạt sang một bên sủa gay gắt. Đàn gà rừng vỗ cánh bay loạn xạ. Lũ sói lửa không rõ vì bị trêu tức, hay vì tiếc mồi, nhất loạt cất mõm lên trời, rú điên loạn. Chúng nhận ra Dũng trong bụi cây, con nào con nấy nhe hết răng nanh ra, xán vào.
Dũng múa gậy, nhảy ra bãi quang. Thật không có cái dại nào giống cái dại nào. Bây giờ có hối cũng vô ích. Hốt hoảng, sợ hãi là cầm chắc cái chết. Dũng lấy hết can đảm, cất tiếng đuổi thú và giơ cao chiếc gậy, chực sẵn, chờ con sói nào liều mạng xông vào trước sẽ cho nó bể sọ. Có chết thì cũng phải cho vài con bỏ mạng.
Đàn sói lửa dàn thành một vòng tròn, vây lấy Dũng. Dũng đếm được năm con tất cả. Dàn thú răng nanh này, vẫn sủa gay gắt, nhưng ngập ngừng, không dám xán vào gần, hình như chúng còn chờ con đầu đàn.
Dũng và đàn sói năm con đang găm nhau thì bỗng một tiếng sủa như phát ra từ trong chum. Tiếng sủa ấy Dũng nghe quen quen như từng cất lên đâu đó lâu rồi. Một con sói đực rất to, ló ra khỏi bụi cây. Dũng đang bàng hoàng thì con sói đầu đàn đã xé vòng vây sói xộc tới. Con sói đầu đàn vẫy đuôi, rên ư ử khe khẽ. Dũng đã nhận ra con Sói Lửa, con chó săn đầu đàn. Nó vội vứt gậy xuống đất, gọi trìu mến:
– Sói Lửa, êu, êu, êu!
Đúng là con Sói Lửa của Dũng. Thì ra nó lại đã dẫn đàn quay về vùng rừng quê hương của nó. Con Sói Lửa mừng rõ chạy quanh, vạch ra một vòng tròn vô hình, rồi đến quấn quýt bên chân chủ. Lũ sói đàn chạy bên ngoài vòng tròn vô hình mà con Sói Lửa đã vạch ra một lúc, rồi kéo nhau vào lấp ló trong các tán lá rậm. Bây giờ trong lũ sói đàn mới nhớ ra, mỗi lần gặp con người này, đầu lĩnh của chúng đều quấn quýt như thế.
Dũng ngồi xuống, tì vai vào cổ, tì cằm lên tấm lưng mượt lông của con Sói Lửa, nói khe khẽ, giọng đầy xúc động:
– Ôi, bạn thân mến! Lại được gặp nhau!
Âu yếm con Sói Lửa một lúc, Dũng dỡ cơm nắm ra cùng ăn với người bạn rừng. Ăn uống no nê, Dũng ngả lưng xuống bãi cỏ, dưới bóng cây, thảnh thơi nhìn tán rừng. Con Sói Lửa nằm xuống bên cạnh chủ, đầu quay về phía bìa rừng canh chừng. Gió rừng nhè nhẹ thổi, kéo Dũng vào giấc ngủ say.
Dũng hốt hoảng vùng dậy, ra chỗ nắng so bóng. May quá, trời mới xế chiều. Con Sói Lửa vẫn trung thành ngồi bên cạnh. Dũng ôm con Sói Lửa, âu yếm:
– Thôi, tạm biệt nhé! Về với đàn kẻo chúng đợi. Tớ lại lên đường đây!
Dũng nhặt một hòn đá ném vào bụi rậm cất tiếng:
– Huày! Huày! Huày! -
Con Sói Lửa nhìn Dũng như dò hỏi. Nó phóng đến chỗ Dũng vừa ném đá. Dũng yên trí tưởng con Sói Lửa đã trở lại với đàn, cầm gậy tiếp tục cuộc hành trình. Nào ngờ con Sói Lửa lại chạy lên trước, vừa chạy, mũi vừa ra sát mặt đường như thể đánh hơi. Con chó sói khôn thật. Dũng chợt hiểu, nó dò đường xem có gì nguy hiểm đối với chủ không đây. Con Sói Lửa quay đầu nhìn Dũng, đuôi vẫy vẫy nhè nhẹ như thể bảo: "Đi thôi cậu chủ, không có gì lo ngại đâu"
Dũng yên tâm đi theo con Sói Lửa. Gần hết con dốc, sắp ra đến bìa rừng, bỗng con chó sói dừng lại, hai chân sau hất hất đất, chun mõm gừ khe khẽ.
Có gì nguy hiểm đây! Dũng phỏng đoán như vậy và né vào bên đường, chui vào một đám cây rậm, nhìn hai bên đường dò xét.
Con Sói Lửa lặng lẽ rẽ vào rìa đường, lần theo từng gốc cây mất hút.
Dũng quan sát bốn bề rừng, nhưng chẳng thấy gì, ngồi nán lại chờ con Sói Lửa, mãi chẳng thấy con chó sói quay lại. Có lẽ ông bạn rừng quay về với đàn rồi? Hẳn cậu chàng đánh hơi thấy rừng đang có thú dữ. Dũng đang đắn đo không biết nên đi tiếp hay chờ con Sói Lửa một lúc nữa, thì bỗng nghe có tiếng kêu "ối" cùng với tiếng hô hoán:
– Sói, chó sói...
Cùng với tiếng người hô hoán là hàng loạt tiếng súng nổ ran. Nguy cho con Sói Lửa rồi. Một nỗi đau nhói lên trong lòng Dũng. Người bạn rừng sa vào ổ phục kích của giặc rồi! Dũng đưa tay áo lên lau giọt nước mắt tự nhiên trào ra.
Có bóng con vật gì màu lửa thấp thoáng trong các tán lá đi về phía Dũng. Lại một mối nguy hiểm gì nữa đây? Dũng lại cầm chắc lấy chiếc gậy. Con vật màu vàng lửa đã ló ra khỏi tán lá. Dũng suýt reo lên. Con Sói Lửa! Con sói mừng rõ chạy xộc đến bên Dũng.
 
 
$
 

2.
Ổ PHỤC KÍCH

Chuyện gì đã xảy ra với con Sói Lửa? Tiếng kêu "ôi" và tiếng hô hoán kia là những ai. Cả hàng loạt tiếng tiểu liên nổ nữa? Câu chuyện phải kể lộn lại từ đầu.
Sáng hôm ấy, một trung đội giặc tuần tra dọc bìa rừng. Cũng sáng hôm ấy, đàn của Sói Lửa sáu con, sau mấy tháng lang thang kiếm mồi từ những khu rừng xa xôi, như thể thiên nhiên mách bảo: mùa đôi lứa đã đến, chúng kéo nhau về vùng rừng quê hương. Con Sói Lửa nhớ tới con Khoang, con chó cái cùng đàn, bạn đời của nó, khi nó còn có mặt trong đàn chó săn nhà Dũng. Kéo cả đàn ra sát bìa rừng nó vừa trông chừng cho sói đàn kiếm mồi, vừa ngóng về làng. Nhờ cái mũi thính hơi, nó nhận ra con Khoang cách đấy chẳng bao xa. Nó chờ cho đêm xuống để về với người bạn đời đã lâu ngày không gặp.
Bấy giờ đàn của Sói Lửa bám quanh một đàn công đang múa lượn giữa một bãi quang. Ngay lúc các chú công xòe đuôi, rúc đầu vào cánh, giờ phút mà lũ chim yêu nghệ thuật này mất cảnh giác nhất, lũ sói sắp sửa nhảy vào vồ, thì hàng tràng tiểu liên rổ ran. Bọn địch tuần tra bắn thị uy. Đàn công bay vụt lên cành cao. Lũ sói đàn chạy bán xới vào rừng rậm. Riêng con Sói Lửa không hốt hoảng. Vốn từ thế giới loài người trở về rừng, nó đoán hẳn đây là trò chơi ngông cuồng của con người. Nhưng vốn bản năng cảnh giác bẩm sinh, nó chui vào một bụi cây tán rậm, nằm như dán xuống đất, dõi nhìn lũ người đang sục sạo. Nó nằm yên như chết một lúc lâu. Khi bọn giặc bỏ đi xa, nó thận trọng, rón rén chui ra khỏi bụi rậm, đến từng thân cây bị đạn xé toạc đang chảy nhựa, ngửi hít từng vết xước. Nó hếch mũi lên trời ngửi hít bầu không khí sặc mùi thuốc súng. Nó nhận ra mùi khét lẹt của thuốc đạn mà có lần nó suýt bỏ mạng, nhờ ông chủ chạy chữa mới khỏi. Bất giác nó ngồi xuống, liếm vết sẹo cũ bị đạn bắn bên hông. Nó đứng lên, thận trọng đi dọc bìa rừng một đoạn. Nó nhận ra cách chỗ nó đứng khá xa, dọc theo con đường mọi ngày săn mồi nó thường chạy qua, có nhiều người nằm ngồi bất động. Nó lắc đầu như thể bị ong đốt. Nó ngồi xuống, cất mõm lên trời tru một tiếng dài, báo cho sói đàn biết cần tránh xa nơi hiểm họa đang rình rập. Rồi nó cất bước chạy nhanh về với sói đàn đang rình gà rừng trên bãi cỏ. Cũng chính lúc ấy, Dũng đang nấp trong bụi sồi rậm lá, mắt theo dõi đàn sói đang lết tới mỗi lúc một gần.
Trung đội địch sau một hồi sục sạo, bắn thị uy chán, đã lần lượt rút về bốt. Tiểu đội có nhiệm vụ phục kích rải dọc hai bên đường. Mỗi tên giặc tìm một mô đất, ụ mối... có bụi cây che khuất, súng lên đạn, nằm bất động. Tiếng con Sói Lửa rú làm chúng kinh hoàng, nhốn nháo. Viên tiểu đội trưởng quát:
– Đứa nào ở đâu nằm yên đấy. Chó sói kêu từ xa. Nhốn nháo lộ bí mật tao bắn bể sọ.
Bọn giặc lại nằm xuống chờ đợi. Thời gian trôi nhanh. Những phút căng thẳng qua đi, cơn mỏi mệt ập lên bọn phục kích. Có đứa nằm mặt áp lên vòng tay khoanh tròn, ngủ thiêm thiếp.
Ngay lúc ấy, con Sói Lửa đang lần theo từng thân cây, bò bằng cùi chân, rất nhẹ nhàng, đến một tên giặc đang ngủ mơ màng. Bất thình lình nó nhảy vọt tới, chồm lên, táp vào hông tên này. Tên giặc hoàng hốt, giật nảy, kêu "ối" một tiếng và làm nổ một băng đạn.
Mấy tên giặc nằm cách đó không xa, châu nòng súng về phía con Sói Lửa, nhưng sợ trúng phải đồng đội, không đứa nào dám bắn. Cả lũ cùng lúc kêu: "Sói, chó sói" hốt hoảng.
Con Sói Lửa chưa bao giờ cắn chết người, lần này cũng vậy, nó giận dữ day day mấy cái có ý cảnh cáo. Nó nhằm một thân cây to ngay cạnh, nhảy vật sang, nấp vào phía sau. Rồi cứ thế, lần theo thân cây to, nó biến mất, tìm đường về với Dũng.
Bọn lính nhốn nháo bắn vài loạt đạn, rồi khiêng tên bị chó sói cắn về bốt. Cuộc phục kích tan vỡ.
Bây giờ Dũng đang ngồi dưới tán cây, nóng lòng chờ đợi con Sói Lửa...
Con Sói Lửa ngồi với Dũng một lúc rồi lại ra đường mòn, vừa thận trọng đánh hơi, vừa lăm xăm chạy lên trước, dò tìm những hiểm họa đang rình rập hai bên đường. Hễ có gì khả nghi, nó dừng lại báo cho Dũng. Cứ thế nó dẫn đường cho Dũng ra tận bìa rừng. Dũng dừng lại trìu mến từ biệt con Sói Lửa.
Một đám trẻ nghễu nghện trên lưng trâu, đang dồn trâu bò về làng. Bọn trẻ nhận ra Dũng, tíu tít vẫy gọi. Dũng nhảy lên lưng một con trâu, lẩn vào đám bạn, cùng chúng về làng.
Gần bốt gác, một đám đông dân làng cùng bọn lính bốt đang bàn tán chuyện gì đó. Hẳn là chuyện tên lính bị sói cắn. Đàn chó của lính bốt đã được thả ra để nhận hơi người qua lại. Chỉ có một con, chắc vừa bắt về, buộc ở cái cọc gần cửa bốt. Dũng nhận ra đó là con chó Khoang của mình. Dũng đang lo lắng sợ đàn chó canh cổng nhận ra hơi lạ. Nhưng may thay, cả đàn chó lại hướng về phía rừng, lông gáy dựng ngược lên, sủa điên loạn. Con béc-giê sủa lên một tiếng dữ dội, rồi lao đi. Con Khoang nhảy vọt ra làm gãy ngang chiếc vòng tròng cổ, rồi phóng theo con béc-giê. Mọi người nhìn về phía rừng. Ở đấy, dưới ánh nắng chiều, con Sói Lửa ngồi chồm chỗm trên chóp một ngôi mộ cao, nhìn về bốt lính, nói đúng hơn, nó nhìn về phía con Khoang.
Bọn lính đã nhận ra con sói trên chóp ngôi mộ. Không, không phải chỉ có một con, còn có năm con sói đàn ngồi trên nền mộ. Bọn lính hốt hoảng, gọi huyên náo:
– Sói về làng anh em ơi...
– Sói đàn làng nước ơi... -
Con béc-giê đã đến gần ngôi mộ cao. Con Sói Lửa nhảy xuống khỏi chóp ngôi mộ. Nó lao vào con béc-giê. Tiếng người hò hét, tiếng chó cắn nhau vang lên. Bọn lính bốt như sực nhớ. Chúng hò nhau, lên đạn rôm rốp, lao về phía đàn sói.
Thật là dịp may hiếm có. Dũng nhanh chóng vượt qua bốt giặc. Nhưng rồi nó đứng sững lại vì những tiếng súng nổ cùng tiếng chó kêu ăng ẳng.
 
Cuộc đời một giấc mộng
Thời gian thoáng mây bay
Nguồn tâm không xao động
Khoan thai