Sốt vàng da - Hồi ký trại tù Yên Báy - Phạm Hữu Phước
frank 15.11.2024 23:12:01 (permalink)


SỐT VÀNG DA.


Yên Bái đã dần xa những ngày Đông giá rét. Mùa Xuân thỉnh thoảng có những ngày nắng ấm rất đẹp như hôm nay. Cái lạnh núi rừng vẫn còn phảng phất đâu đây trong không khí, trộn lẫn với những tia nắng ấm mùa Xuân, thành một thư nắng làm lòng người dễ bâng khuâng quay về với hoài niệm. Tôi lại nhớ đến cái nắng ấm quê miền Trung của tôi vào những ngày cận Tết và hình ảnh Má tôi bên những luống cải vàng. Bà chăm sóc cẩn thận, tỉ mỹ từng luống cải chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến.

Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng lan sát chân tường bằng nứa của khu bệnh xá. Tôi đang loay hoay thăm hỏi bệnh nhân, những chiến hữu của tôi một thời không xa lắm. Bổng ông thượng úy BS. chỉ huy bệnh xá từ ngoài đi xăm xăm vào. Thấy tôi ông nói ngay :

“ Anh để đó đi. Về văn phòng, lát nửa có người đưa đi “.

Tôi hơi lo lắng vì không biết có bị chuyển trại không. Tù vẫn bị chuyển trại một cách bất ngờ như vậy. Thú thật tôi về trạm xá được mấy tháng, và tôi đâm ra thích người và cảnh ở đây. Dù sao ở đây vẫn thoải mái hơn trong trại, tôi lại có dịp đem chút hiểu biết mọn của mình để giúp người khác trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ mình ở đây có ích hơn là đi lao động chặt cây chặt nứa trong rừng.

Tôi ngập ngừng hỏi ông :

Thưa cán bộ tôi có phải về phòng thu xếp quần áo, vật dụng cá nhân không ạ “.

Ông buông thõng :

“ Không cần. Anh cứ về văn phòng chờ đi . Lát nửa có người đến dẫn đi. “.

Tôi mừng thầm trong bụng, thế là thoát việc chuyển trại rồi.

Tôi về văn phòng, lấy chiếc nón lá để sẵn ngồi chờ. Khoảng nửa giờ sau, một anh bộ đội mang súng bảo tôi đi theo. Tôi phân vân không biết đi đâu, nhưng chắc có hỏi cũng không bao giờ được trả lời. “Cách mạng” bao giờ cũng làm việc kín đáo như vậy.

Tôi đi trước, anh xách súng đi sau. Đó là cách giải tù. Nếu tôi có bỏ chạy, anh sẽ hô “Đứng lại “. Nếu tôi vẫn tiếp tục chạy, anh sẽ hô tiếp “ Đứng lại không tôi bắn “. Và đến lần thứ ba mà tôi vẫn bỏ chạy là anh bắn thật.

Tôi làm sao đủ kinh nghiệm mà trốn trại trong khi quanh mình là núi đồi trùng điệp của vùng Yên Bái. Cách đây hơn nửa năm, có một anh trung úy trốn trại nhưng không thành công, và anh đã chết trong nhà đá. Anh vốn là người dân tộc nùng, thuộc lực lượng thám sát đặc biệt đã từng được thả xuống miền Bắc mấy lần để lấy tin tức . Anh quen địa hình và biết nhiều cách mưu sinh thoát hiểm nếu lạc vào rừng. Anh trốn trại , với dự tính sẽ qua Lào, đi được khoảng 7 ngày thì hết lương thực. Đói quá, anh bò ra bìa rừng dẫu biết rằng nguy hiểm , mấy đứa trẻ chăn bò thấy có người lạ, đi báo du kích và anh bị bắt đem về trại. Độ 3 hôm sau anh thắt cổ tự vận trong nhà đá. Không hiểu anh tự vận vì sợ cực hình sẽ xảy ra cho mình hay bị ép thắc cổ cho chết.

Chúng tôi lầm lũi bước đi. Mặt trời đến đỉnh đầu và nắng bắt đầu gắc. Mồ hôi nhễ nhại. Đi khoảng 10 cây số, anh dẫn tôi vào một trại tù khác.
Gặp chúng tôi anh y tá cán bộ trại nói ngay :

 Trại có một người bệnh nặng và đã nhất trí chuyển về bệnh xá “.

Tôi xin anh cho tôi đến xem bệnh nhân.

Bệnh nhân nằm đó thiêm thiếp. Sốt cao nhiều ngày nên môi khô nứt nẻ, thiếu nước trầm trọng. Đôi mắt đỏ lờ đờ không hồn. Da anh vàng như cục nghệ, và đã có những đốm xuất huyết dưới da.

Tôi hỏi chuyện mới biết anh ở trong toán đi tăng gia cho trại. Ruộng tốt gần đường đã chia cho dân, chỉ ruộng xấu, bỏ hoang nằm trong hốc núi không ai thèm canh tác mới giao cho tù. Anh đi cày, chẳng may bị mảnh chai làm đứt bàn chân một vết sâu. Hôm sau anh lên cơn sốt cao, ói mửa, đau nhức bắp thịt toàn thân, run bần bật. Ai cũng nghĩ chắc anh bị nhiễm trùng do vết thương, nhưng sốt đến 7 ngày rồi vẫn không hết, da lại bắt đầu vàng và nước tiểu có màu đậm như nước trà đặc.

Tôi biết đây là một hội chứng nhiễm trùng cấp tính, có tổn hại chức năng gan. Các yếu tố đông máu của gan đã bị hủy hoại nên da mới xuất huyết như vậy. Nhưng còn căn bệnh chính gây ra nhiễm trùng và tổn hại gan là gì thì thú thật tôi vẫn mù tịt. Tôi nhẩm lại trong đầu một số các chẩn đoán phân biệt hay gặp trong những ngày tôi đi thực tập ở các BV. Sài gòn, thì chẳng có cái nào ăn khớp với tình trạng bệnh lý hiện tại của anh.

Nhưng thấy tình trạng bệnh quá nặng, ở đây ai cũng đi lao động hằng ngày không ai săn sóc cho anh, nên tôi đề nghị với anh y tá chuyển anh về trạm xá. Mặt anh tươi tỉnh hẳn ra vì anh đã trút được một gánh nặng trên vai cho người khác.

Hai anh bạn tù võng bệnh nhân đi trước, tôi đi sau, và anh bộ đội cầm súng đi sau cùng.

Tôi đi mà đầu óc quay cuồng không lúc nào yên. Không hiểu đây là bệnh gì. Tôi không có sách vở gì để tham khảo, không có đến một người bạn BS khác để hội chẩn.
Tôi biết với tình trạng thuốc men thiếu thốn, phương tiện điều trị thô sơ, không có những xét nghiệm căn bản cần thiết..., liệu tôi có làm được chút gì để giúp một chiến hữu của tôi trong lúc nguy khốn này không. Ai đi tù cũng mong có ngày sống sót được về với gia đình. Trong tù, bệnh tật thiếu thuốc men, bị tai nạn, đói khát thiếu dinh dưỡng... lại lao động khổ sai, nên chúng tôi cũng dễ chết không kém gì trên chiến trận trong làn tên mũi đạn.

Bệnh xá liên trại tù Yên Bái, là nơi tiếp nhận bệnh tù đầu tiên và cũng là tuyến cuối cùng vì chẳng bao giờ có tuyến trên để chuyển bệnh.

Tôi là cái phao cuối cùng để anh em khi bị bệnh còn chút hy vọng bám víu. Hiểu như vậy, nên tôi càng thấy áy náy vì trách nhiệm mình quá nặng, vì anh em đã hy vọng quá nhiều vào một người bất lực như tôi. Tôi đi như cái xác không hồn, bước chân nặng trịch , trong đầu cả một đống tơ vò vì cho đến giờ này tôi vẫn không biết anh bệnh gì. Không biết bệnh làm sao điều trị.

Về bệnh xá, không có dịch để chuyền, tôi bảo anh nuôi nấu cháo lỏng, pha đường và ép anh ăn, ép anh uống từng thìa nước càng nhiều càng tốt. Đến chiều hôm sau, anh ho ra máu, đái ra máu, người vàng như một cục nghệ, xuất huyết dưới da và mắt , anh không còn đủ sức chống chọi được với định mệnh và đã vĩnh viễn ra đi .

Tôi như người mất hồn, bước chân nặng trĩu, đi lên đi xuống trong sân bệnh xá. Buồn quá, tôi thẫn thờ ra ngồi bên hiên bệnh xá nhìn ra ao rau muống. Chiều đã xuống bên kia đồi, ánh nắng vàng vọt sắp tắt. Những con chuồn chuồn vẫn vô tư bay vòng vòng trên những đọt rau muống.

Bỗng nhiên ngay lúc ấy, trong cái thinh lặng của một buổi chiều sắp tắt, óc tôi bổng lóe lên một tia chớp. Có phải “bệnh ấy” không ? Tôi bật dậy như chiếc lò xo, miệng lẩm bẩm : “ Phải không..phải không...? “

Tôi nhớ lại, năm thứ tư tôi đi thực tập tại khu Nội khoa, BV. Chợ Rẩy. Mỗi thứ năm hàng tuần có “ staff meeting “, để các anh nội trú trình với các GS, những trường hợp bệnh lý đặc biệt. Sinh viên như tôi được khuyến khích đến nghe, nhưng không bắt buộc phải dự. Trời Sài Gòn vào khoảng 11 -12 giờ đứng trưa nắng nóng như thiêu như đốt. Thường thì tôi trốn về sớm vào căng tin của trường Y khoa để tìm một chút mát mẻ , dễ chịu của máy điều hòa không khí. Nhưng hôm ấy không hiểu sao tôi lại đi dự buổi trình bệnh lý cho các thầy.

Bệnh nhân là một người đàn bà khoảng 40 tuổi, làm ruộng ở Cát Lái, bà cũng bị một vết đứt ở chân, sau đó về nhà bị nhiễm trùng cấp tính với sốt cao, ói mửa, đau nhức bắp thịt, và có dấu hiệu tổn thương chức năng gan. Bệnh được chuyển lên BV. Chợ Rẩy. Sau khi theo dõi và làm rất nhiều xét nghiệm luôn cả cấy máu, phòng thí nghiệm đã tìm ra vi trùng leptospira.

Bệnh tương đối khá hiếm với những người sống ở Sài Gòn như chúng tôi. Năm cuối cùng tôi làm nội trú ủy nhiệm cho GS. Joel D Brown ở BV. Nguyễn Văn Học trong 9 tháng, tôi chưa hề gặp lại căn bệnh này lần thứ hai.

Tôi định thần ngồi lại, cố moi trong óc một vài chi biết mà tôi vẫn còn nhớ về buổi trình bệnh lý ấy . Ra trường, vào quân ngũ, và những năm tù tội, trí óc tôi mụ đi, đâu còn nhớ gì những điều đã học xưa kia ở trường.

Tôi chỉ nhớ mang máng vi trùng leptospira có trong nước tiểu của những loài gặm nhấm như sóc, chuột, dơi...Chúng ra ngoài, lẫn vào nước tù hãm, rồi theo vết thương ở chân tay nạn nhân vào máu, có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng cấp tính rất nặng. Bệnh nhân sốt cao, đau nhức cơ thể, ói mửa...Vi trùng thường xâm nhập vào những cơ quan chúng thích như gan, thận...dẫn đến suy gan, suy thận. Trường hợp nặng, nếu không được cứu chửa sớm bằng penicillin, tetracycline liều cao bệnh nhân có thể tử vong.

Tôi chỉ còn nhớ từng ấy chi tiết quá sơ sài về chứng bệnh này.

Tuy nghi ngờ bệnh của người quá cố vừa qua là leptospirosis, vì bệnh sử của anh na ná giống với bệnh sử của người đàn bà làm ruộng ở Cát Lái. Nhưng tôi vẫn không chắc.

Ba hôm sau, bệnh xá lại tiếp nhận một bệnh nhân mới với tiền sử y như người bệnh đã chết vừa rồi. Anh cũng đi làm ruộng ở cái hóc núi đó, cũng bị đứt chân, về trại lên cơn sốt cao. Nhờ kinh nghiệm lần trước, lần này chỉ hôm sau anh đã được chuyển sớm đến bệnh xá.

Tôi quyết định điều trị anh như trường hợp một người bị nhiễm vi trùng leptospira. Theo lý thuyết bệnh nhân phải được truyền nước biển với nồng độ Penicillin cao, vài trăm triệu units, trong khi trong tay tôi lúc ấy chỉ có độ 40 ống Penicillin 200,000 units của hợp tác xã thuốc mậu dịch. Tôi đào đâu ra thuốc, nhưng thôi cứ liều, chẳng lẽ lại ngồi chờ bệnh nhân chết.

Vì thuốc có tác dụng ngắn, nên tôi chích thịt cho anh một ngày 4 lần , mỗi lần 2 ống. Tôi còn sợ lỡ anh bị sốc thuốc Penicillin mà chết thì chắc tôi ân hận suốt đời. Nhưng có gì bảo đảm thuốc hợp tác xã là tinh khiết, nên tôi cẩn thận để bên cạnh một ống chích có Adrenalin nạp sẵn. Nếu chuyện gì xảy ra, tôi sẽ chích cho anh thở được qua cơn nguy khốn.

Tối hôm đó tôi không tài nào ngủ được. Không biết bệnh nhân rồi sẽ ra sao, vì tôi đâu có chắc bệnh nhân bị leptospira, tôi chỉ đoán mò rồi điều trị. Ngày hôm sau anh vẫn còn sốt cao, tôi đâm ra hoang mang . Nhưng đến ngày thứ 3 cơn sốt có vẻ thuyên giảm dần, và đến ngày thứ 4 thì thuyên giảm thấy rỏ. Anh bắt đầu uống được nước cháo loãng pha đường.

Tôi đến thăm anh ở giường bệnh, cầm tay anh mà mừng muốn khóc. Không có phần thưởng nào cho một thầy thuốc khi thấy bệnh nhân mình hồi phục sau một trận đau thập tử nhất sanh.Tôi tiếp tục chích Penicillin cho đến một tuần, sau đó đổi sang Tetracycline. Phải còn dành Penicillin cho những bệnh nhân khác nữa chứ.

Tôi vẫn không hiểu tại sao những ống Penicilin 200, 000 đơn vị của hợp tác xã mậu dịch lại có tác dụng cứu sống anh. Tôi đoán rằng những con vi trùng leptospira ở chỗ hóc núi, chưa một lần tiếp xúc với “văn minh’, với trụ sinh nên chưa lờn thuốc chăng. Có lẽ là vậy.

Sau đó trại còn chuyển cho bệnh xá 2 trường hợp nửa, nhưng tôi đã có manh mối điều trị nên vững tin hơn.

Tôi lên nói chuyện với ông thượng úy BS. Trưởng trại, xin ông đạo đạt với trại là đừng cho tù nhân vào hẻm núi đi tăng gia nữa. Ông đã chứng kiến tôi điều trị cho 3 người, nên cho lời tôi là hợp lý.

Từ đó bệnh xá không còn nhận một trường hợp nào nửa.

Bây giờ có lúc chợt nghĩ lại tôi thấy có nhiều chuyện trùng hợp lạ lùng trong đời. Nếu hôm ấy tôi chỉ làm biếng, không đi nghe buổi trình các ca bệnh lý ở BV. Chợ Rẩy, thì tôi đâu có biết bệnh leptospirosis là gì, vì tôi chỉ biết bệnh ấy một lần duy nhất trong đời sinh viên Y khoa của tôi. Nếu vậy tôi đâu có dịp giúp gì cho 3 chiến hữu “ngã ngựa” của tôi.

Cảm ơn trời Phật đã giun rủi cho tôi làm được một chuyện đáng làm.



Phạm Hữu Phước
#1
    Ct.Ly 18.11.2024 02:52:21 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9