Mộng Trinh - Truyện dài Mặc Bích
frank 15.11.2024 23:33:47 (permalink)
Mộng Trinh
 
 
(Truyện dài)
 
 
Mặc Bích
 
 
 
Chương 1
 
 
Sau ngày căn cứ Hoa Kỳ Pearl Harbor bị Nhật tấn công năm 1941, Hoa Kỳ đã khai chiến với Nhật. Quân đội Nhật đã chiếm đóng hoàn toàn bán đảo Đông Dương rồi từ đó chiếm đóng lan sang khắp vùng Đông Nam Á. Trong khi đó từ năm 1940, các vụ nổi dậy và bạo động của dân Việt nổi lên chống thực dân Pháp xẩy ra ở khắp nơi, Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu, Đồng Tháp Mười vào năm 1940 tại Đò Lương, Nghệ An năm 1941. Quân Pháp thực dân đã dùng bom đạn để triệt hạ và giải tán làm cho lòng ái quốc của dân Việt tăng lên rất cao chỉ muốn đẩy thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam.

Một phong trào chống Công Giáo tại Việt Nam cũng tương tự như Văn Thân ngày trước bắt đầu được dấy lên tại Thanh Hóa. Nhiều tin đồn thất thiệt được tung ra cho rằng các nữ tu dòng Mến Thánh Giá và giáo dân Công Giáo đã bỏ thuốc độc ở các giếng nước ở huyện Thạch Thành và Nông Cống. Dân được cử ra để canh giữ và vì thế mà người Công giáo ở những vùng này bị nghi ngờ và theo dõi gắt gao.

Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc được thành lập ngay trong giai đoạn này tại Phát Diệm để chống lại mọi tin đồn sai trái trên nhưng đồng thời cũng cùng mục đích chống thực dân Pháp, đẩy quân Pháp ra khỏi đất mẹ Việt Nam. Phong trào này đã thu nạp được rất nhiều trí thức Việt yêu nước tham gia. Ảnh hưởng của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc là đi sâu vào quần chúng qua những công việc xã hội và đưa đến việc thành lập Truyền Bá Quốc Ngữ là phương tiện tốt nhất để nâng cao dân trí của dân nghèo mù chữ.

Ông Nguyễn Đình Minh, một thanh niên trí thức và đầy lòng ái quốc cùng với một người bạn đồng  chí hướng đã lên Hà Nội gặp gỡ với cụ Nguyễn Văn Tố, hội trưởng của phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ, ở trường Viễn Đông Bác Cổ. Trở về Phát Diệm, ông Minh cùng các đồng chí mở 10 lớp học truyền bá quốc ngữ. Chương trình này là môi trường tốt nhất để truyền bá và khích động tinh thần yêu nước bằng những bài học lịch sử nhắc đến những công cuộc khởi nghĩa đánh quân Tầu của cha ông ngày xưa nhằm cổ võ tinh thần quật khởi của con dân Việt nổi lên chống thực dân Pháp.

Nhờ phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ mà ông Nguyễn Đình Minh quen biết và trở nên rất thân với ông Nguyễn Hữu Đang. Cũng từ đó phong trào Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc mà ông Minh là người khởi xướng đã nhận ra rất rõ mặt thật về mặt trận Việt Minh. Việt Minh là chữ tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội được lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản Đông Dương, một chi thể của Đệ Tam Quốc Tế chủ trương vô thần. Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc vì thế không thể hợp tác với cộng sản vô thần.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật Bản đảo chính Pháp, nền đô hộ của thực dân Pháp xây dựng trên 80 năm bị sụp đổ. Tiềm lực giải phóng quốc gia của con dân Việt liên tục chuyển mình và trong tinh thần ấy những thanh niên Phát Diệm bắt đầu tham gia vào công cuộc làm lại lịch sử hăng say hơn nữa. Sự căm phẫn thực dân Pháp và Phát Xít Nhật càng tăng cao mãnh liệt.

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 gây ra hơn 2 triệu người dân Việt thiệt mạng oan ức. Đến mùa thu năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, nhiều kho gạo chứa hàng trăm ngàn tấn bị phát giác ở vùng núi thuộc miền Nho Quan, phía bắc tỉnh Ninh Bình do quân đội Pháp và Nhật tích trữ trong khi hơn 2 triệu người Việt ở vùng đồng bằng bị chết đói.

Để làm tan sức kháng chiến của dân tộc Việt Nam, cộng sản đã cố gắng chia rẽ sự đoàn kết giữa các tôn giáo. Chúng trà trộn vào các đảng phái để ly gián. Nhiều sự việc đáng tiếc đã xẩy ra ở ngay những vùng lân cận như Phúc Nhạc, Văn Hải, vào tận Thanh Hóa, Bùi Chu..

Trước những biến cố thảm khốc và tai hại đó, ông Minh và những những chiến hữu của ông rất đau lòng, ngày đêm lo lắng cho giáo hội Công Giáo Việt Nam, sợ có những người nông nổi tưởng đâu mình hành động cho giáo hội và tổ quốc nhưng thực ra lại làm hại cho cả đôi bên.
 
 Trong bối cảnh đó, người thanh niên  trí thức mới 27 tuổi đời cùng các bạn đồng chí hướng đồng hành với ông đã dâng hiến cuộc đời của mình cho lý tưởng và tổ quốc. Gia đình, cha mẹ, vợ con đã buộc phải xuống hàng thứ nhì. Những người này đã để cho những người vợ của mình chịu mọi trách nhiệm nuôi dậy con cái, phụng dưỡng cha mẹ cũng như tìm đủ mọi cách xoay sở để sinh tồn trong hoàn cảnh đất nước khó khăn như vậy.

Cộng sản khắp nơi đàn áp người Công giáo, nhất là những nhân vật đầu não của các tổ chức như Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc. Ông Nguyễn Đình Minh đã bị cộng sản bắt giữ một thời gian rồi thả ra mà không nói lý do vì sao bị bắt giữ. Trong khoảng từ năm 1946 đến 1947, có khoảng hơn 5 ngàn người không phân biệt Công giáo hay thuộc tôn giáo khác đã bị cộng sản bắt giữ. Con số đó chỉ dựa vào những đơn xin can thiệp của gia đình nạn nhân. Con số thực sự bị cộng sản bắt giữ thực chất còn cao hơn nhiều.

Ông Minh đã mừng lễ sinh nhật thứ 27 của mình trong nhà pha Hỏa Lò, Hải Phòng, đúng 14 ngày sau khi đổ bộ lên bãi biển Đồ Sơn. Nhưng điều ông Minh xót xa nhất là khi phải rời bỏ gia đình khi vợ ông đang mang thai 7 tháng con gái Mộng Trinh. Hai người con gái đầu lòng của ông bà Minh đều đã qua đời từ khi còn nhỏ. Mộng Trinh là con gái thứ ba. Mọi việc ở nhà đều do vợ ông, cũng là người phụ nữ quả cảm và đầy lý tưởng như ông, quán xuyến trong khi ông còn đi theo lý tưởng cách mạng và rất nhiều phen phải trốn hết Pháp rồi đến Nhật, rồi cộng sản. Bà Minh buôn bán rất giỏi, lại là người rất cần kiệm biết tính toán nên xây được nhà lớn mà mặt tiền là cửa hàng khang trang.

 
 
*
 
 
Bé Mộng Trinh chào đời trong những tiếng súng gần xa vọng lại, mở mắt ra nhìn không có bố bên cạnh, chỉ có mẹ, ông bà nội ngoại, đầy tình thương ấp ủ.

Mẹ của Mộng Trinh ở nhà luôn luôn bị công an gọi lên tra hỏi. Trong tình cảnh khó khăn như vậy bà Minh bế con gái Mộng Trinh tìm đường vào khu chiếm đóng. Đi đường bộ phải có giấy phép di chuyển nên bà quyết định đi đường thủy là an toàn nhất. Bà tìm được đường dây do một tổ chức đưa đi. Cuối cùng bà và con gái được đưa đến điểm hẹn. Lên tầu ra khơi. Chiếc tầu nhỏ như một chiếc lá trôi nổi trên đại dương.

Chẳng bao lâu một cơn bão thổi tới, sóng gió chuyển động như giận dữ trong đêm tối. Nước biển tràn vào tầu, chiếc tầu nhỏ chao đảo trong biển cả đang thịnh nộ, hết lớp sóng này đến lớp sóng khác như muốn nhận chìm con tầu là một sinh linh bé bỏng giữa biển khơi.

Trên tầu có 30 người, phần lớn là trai tráng, sinh viên tìm đường thoát. Vỏn vẹn chỉ có 3 người phụ nữ và một đứa trẻ gái chưa được 2 tuổi là bé Mộng Trinh. Ba người phụ nữ này được miễn không phải tát nước. Những người thanh niên còn lại tát nước xối xả để cứu con tầu khỏi đắm.  Người lái tầu dầy dạn kinh nghiệm gối đầu sóng đi theo chiều gió, tầu dạt vào một hòn đảo.

Thoát chết, mọi người lên đảo. Tuy đã vượt qua sóng dữ và nguy hiểm nhưng không mang được gạo hay nước uống, đành nhịn đói. Bé Mộng Trinh cứ khóc ngặt nghèo. Dưới bóng trăng mờ ảo, khi cơn bão đã đi qua, một người đàn ông trong tầu đi sâu vào trong đảo tìm kiếm. Một lúc sau ông ta trở lại cầm theo một chiếc lá lớn được gấp lại như phễu, trong có nước. Ông ta đưa cho bà Minh để bé Mộng Trinh có nước uống. Những giọt nước kỳ diệu từ tay một người đàn ông tốt bụng đã làm bé Mộng Trinh không còn khóc nữa và ngủ yên cho tới sáng. Nước có thể uống được đó từ một vũng lớn còn đọng lại sau trận mưa ban chiều.

Mười bẩy tháng tuổi, bé gái Mộng Trinh và mẹ mình cùng những người trong chuyến đi vượt biển chính là những thuyền nhân đầu tiên Việt Nam đi tìm sự sống.
Chiếc tầu nhỏ không hư hại gì nên tiếp tục hành trình, đến núi Nẹ, gần Thanh Hóa vào sáng hôm sau. Vào khoảng 4 giờ chiều hôm sau tầu đến cửa  biển Đồ Sơn.

Một buổi chiều tối đẹp trời của mùa xuân ấm áp năm 1949, vợ ông Minh và con gái vượt biển tới được Hải Phòng. Gia đình ông bà Minh và con gái Mộng Trinh được đoàn tụ trong vui mừng và yêu thương sau gần 2 năm xa cách. Đây cũng là lần đầu tiên ông Minh được nhìn thấy mặt con gái Mộng Trinh, lúc này đã được 17 tháng.
 
 
*
 
 
Từ lúc chào đời đến khi được 4 tuổi, Mộng Trinh ít khi được gặp bố của mình. Dù rất yêu thương vợ con nhưng ông Minh vẫn miệt mài với lý tưởng cách mạng của mình nên ít khi về nhà. Lúc này Mộng Trinh đã có em trai, 1 tuổi. Bà Minh càng bận rộn hơn trong việc buôn bán ngoài chuyện cưu mang gia đình còn đôi lúc lại còn phải giúp đỡ các anh em đồng chí hướng với chồng mình. Nghĩ đến chuyện không thể chăm sóc cả hai con nhỏ được chu đáo, bà Minh quyết định gửi con gái Mộng Trinh vào Hội Dòng Đức Bà Truyền Giáo (Notre Dame Des Missions) là một Hội Dòng thừa sai quốc tế tại Phát Diệm. Nơi đây gia đình bên chồng của bà có người cô ruột là một nữ tu thuộc hội dòng là sơ Ine Thêm.

Người nữ tu sáng lập Hội Dòng Đức Bà Truyền Giáo là Mẹ Euphrasie Barbier, Hội dòng được thành lập tại Lyon, Pháp vào ngày 25.12.1861 và được Đức Giáo Hoàng Piô IX chính thức chuẩn nhận vào ngày 09.6.1869.

Theo bước chân của Mẹ Euphrasie Barbier, năm nữ tu Đức Bà Truyền Giáo lên đường đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu qua lời mời gọi của Đức cha Marcou năm 1924. Các nữ tu đến Thanh Hóa để thay thế các Seours dòng Phaolô muốn dời khỏi cứ điểm truyền giáo này.

Với sự hăng say của người thừa sai, dù gặp trắc trở lớn do tình hình lúc bấy giờ, các nữ tu dòng Phaolô chưa thể trao lại Thanh Hóa mà trao lại Phát Diệm cho các nữ tu. Thế nên ngày 22/10/1924, cứ điểm Truyền Giáo Đông Dương ra đời tại Phát Diệm. Và sau đó một số các cơ sở khác được tiếp tục thành lập: Thanh Hóa 1926; Lạng Sơn 1927; Hà Nội 1941. Con đường truyền giáo ấy được đặt trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tình liên đới với mọi người. Các nữ tu Hội Dòng Đức Bà Truyền Giáo đã là những chứng nhân cho đức  tin của mình bằng đời sống nghèo khó và bằng sự từ bỏ mình để đến với tha nhân trong sự khiêm tốn và kính trọng yêu thương.

Bé Mộng Trinh ngây thơ bé bỏng 4 tuổi đã sống trong nhà Dòng một thời  gian giữa các nữ tu. Ngày ngày nghe  những câu kinh, tiếng hát Thánh ca, lời  nguyện của các nữ tu như những lời ru  ngọt ngào thấm nhuần vào tâm hồn một đứa trẻ non dại từ đó đã tạo nên một hướng đi trong sáng vô hình và thuần khiết của một Mộng Trinh sau này.

Đã có những ngày bé Mộng Trinh nhìn ra cửa Nhà Dòng và muốn về nhà với mẹ với em vì nhớ nhà. Nhưng chỉ thoáng qua, cô bé Mộng Trinh ở trong nhà Dòng rất ngoan, không khóc. Sống trong khuôn khổ phép tắc nghiêm minh của các sơ, bé Mộng Trinh được uốn nắn thành một đứa bé ngoan ngoãn, biết vâng lời và… phải làm theo ý người lớn chỉ dậy.

Hàng ngày bé Mộng Trinh dự thánh lễ cùng các nữ tu. Một đứa trẻ đã phải từ bỏ những ý thích của mình từ lúc còn sớm như vậy, không được nhõng nhẽo, ăn nói phải từ tốn nhỏ nhẹ sẽ sàng, luôn khoanh tay cúi đầu vâng dạ. Tất cả đã trở thành một nếp sống đặc biệt đặt trên hết là sự vâng lời và tuân phục.

Thỉnh thoảng bé Mộng Trinh được đưa về nhà ngoại chơi. Nhà ông bà ngoại trồng rất nhiều loại hoa. Mộng Trinh đã bắt đầu yêu hoa từ những ngày tháng ở nơi đây. Sang đến nhà ông bà nội, bé Mộng Trinh tha thẩn tìm những hòn non bộ xem xét một mình và khám phá ra một thế giới nhỏ xíu khác qua những chiếc cầu tí tẹo bằng nhựa bắc qua giòng sông rất ít nước. Những cây, bụi cỏ và cả những con người kỳ dị tí hon đã khơi dậy sự tò mò ở đứa trẻ nhỏ xíu. Một lần bé Mộng Trinh sờ vào hình tượng con người tí hon đó và làm cho người ngư tiều bằng nhựa ngã chổng cẳng! Bé hiểu ra đây chỉ là đồ chơi! Nhưng thật là thú vị khi thấy những đồ chơi nhỏ xíu như thế trong một không gian thu nhỏ. Mọi sự thật lạ lùng trong trí nhớ non nớt của cô bé chưa được 5 tuổi!

Một thời gian sau, mẹ của bé Mộng Trinh đón con gái về, và chuyển bé Mộng Trinh về gửi tại nhà Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Nơi đây, Mẹ bề trên của Dòng là sơ Elizabeth cũng là bạn học cũ của mẹ Mộng Trinh. Lúc này bé Mộng Trinh ở đây mãi cho đến khi hơn 5 tuổi. Tại ở nơi mới này, bé Mộng Trinh gặp được người chị họ hơn bé chừng 2 tuổi là chị Thu. Có cả bà dì, em của mẹ Mộng Trinh cũng ở trong này. Cứ thế theo thời gian và môi trường sống trong Nhà Dòng, đức tin Công Giáo của bé Mộng Trinh cứ lớn mạnh thêm để sau này vô hình trung đã trở nên những khiên chống đỡ hay sự an ủi huyền nhiệm đến cho những lần thất vọng hay đau khổ trong cuộc đời sau này.

Những bài học vỡ lòng cùng với những kinh nguyện đầu đời mà bé Mộng Trinh được học là trong thời gian ở tại Nhà Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Từ đó Mộng Trinh đã biết rằng ngoài người mẹ yêu quý sinh ra mình, bé còn có thêm một người Mẹ nữa chính là Đức Mẹ mà hàng ngày bé chắp hai bàn tay bé bỏng quỳ gối trước tượng của Mẹ để đọc kinh Kính Mừng. Hình ảnh người Mẹ thiêng liêng huyền bí này đã in dấu trong lòng Mộng Trinh suốt mãi đi qua khắp mọi nẻo đường lúc thì êm ả, lúc lại gập ghềnh suốt cuộc đời cũng nhiều gian truân.
 
 
 
*
 
 
Một ngày kia, ông Minh, bố của Mộng Trinh đến thăm con gái. Nhìn thấy bố, bé Mộng Trinh mừng rỡ và vui sướng không biết chừng nào! Ông Minh là người rất dễ thân thiện, vui vẻ và khéo nói tốt bụng, ai cũng quý mến. Đương nhiên Mộng Trinh còn yêu bố hơn hết mọi sự. Không được gặp hay kề cận bố luôn nhưng Mộng Trinh luôn mong nhớ về bố mình, người luôn luôn mang những món quà hay sắm sửa quần áo mua tận trên Hà Nội về cho con gái cưng.

Lần về thăm này thật đặc biệt vì Mộng Trinh được bố đưa lên tận Hà Nội chơi. Nhìn mái tóc dài không được chăm sóc của con gái, ông Minh đưa bé Mộng Trinh vào tiệm uốc tóc. Mái tóc dài được cắt ngắn và uốn quăn, bé Mộng Trinh bỗng dưng trở thành một bé gái khác. Mặc váy đầm đẹp, tóc uốn quăn, đầu đội mũ, chân đi giầy đẹp có nơ, gương mắt bầu bĩnh rất xinh với đôi mắt to hơi xếch, mũi đã cao, hai môi mọng đỏ, trông bé Mộng Trinh như một bé gái lai đầm! Tất cả những điểm này bé Mộng Trinh đều rất giống và thừa hưởng từ bố mình, một người đàn ông rất điển trai.

Đi ăn cao lâu, rồi ăn kem với bố, dạo chơi khắp phố phường, đó là những kỷ niệm mà bé Mộng Trinh không bao giờ quên. Thỏa thuê trong những thú vui chưa từng được tận hưởng, thật khác xa với đời sống trong Nhà Dòng! Những bước chân nhỏ bé rong duổi bên cạnh bố vững vàng, bé Mộng Trinh đặt hết bàn tay nhỏ bé của mình trong lòng tay bố nắm chặt và không muốn rời xa. Đối với Mộng Trinh, mọi điều bố chỉ bảo đều là đúng. Bé đã ngưỡng mộ bố mình với sự yêu thương vô cùng.

Với mẹ, bé cũng yêu mẹ như vậy nhưng có phần đôi chút sợ hãi vì mẹ nghiêm khắc và lạnh lùng. Rất hiếm khi mẹ bộc lộ tình cảm dù chỉ là cái hôn nhẹ trên má hay trán. Yêu mẹ nhưng bé cũng sợ mẹ mình. Có thể vì  trong thời chiến tranh, mẹ của Mộng Trinh để cho chồng mình yên tâm đi con đường cách mạng với lý tưởng nên bà đã sống với vai trò vừa là cha vừa là mẹ của gia đình, của những đứa con mình. Không cứng rắn, can đảm và cương quyết thì làm sao đương đầu với sóng gió dù tuổi đời chưa là bao nhiêu. Chỉ có bố và bên cạnh bố, bé Mộng Trinh mới thoải mái vui đùa. Mộng Trinh gọi bố là “ba” và mẹ là “mợ”.

Với mái tóc uốn quăn nổi bật và là mái tóc duy nhất trong nhà dòng, bé Mộng Trinh đã được chọn đóng vai Chúa Giê Su trong một vở kịch mang đậm nét tôn giáo. Mộng Trinh rất hãnh diện và sung sướng được đóng vai trò này. Một lần khác bé Mộng Trinh lại được đóng vai thiên thần rắc hoa cho những nữ tu khấn dòng.
 
 
*
 
 
Thời gian sau vì chiến tranh leo thang, mẹ của Mộng Trinh giao lại cửa hàng cho người nhà trông coi rồi dọn ra Hà Nội. Nơi đây ông bà Minh mua xe hàng chạy đường Hà Nội – Nam Định kiếm sống. Ông Minh tạm gác lại con đường cách mạng vì chiến tranh gia tăng, mà phải lo toan cho gia đình ở nơi xa lạ. Căn nhà số 9 ở Thái Hà Ấp, Hà Nội  là nơi trú ngụ mới cho gia đình ông bà Minh và 2 con nhỏ, Mộng Trinh và em trai là Phong. Năm 6 tuổi, Mộng Trinh vào học ở trường của Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội. 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9