Chim Phóng Sinh
-
11.12.2024 04:49:50
Chim Phóng Sinh
_____________
Nó lặng lẽ ngồi nhìn lũ chim bay xoay quanh các cành cây tua tủa nhánh, được buộc những dải ni lông xanh, đỏ cứ xoay tít trong gió đồng nội. Những bầy chim sẻ, chim ri, chim sắc lẫn cả manh manh và dòng dọc… cứ hốt hoảng bay lên mỗi khi đồng vắng nổi gió. Loài chim có vẻ thích nghi khá nhanh với loại bù nhìn đơn giản, được người nông thôn nghĩ ra để đuổi loài lông vũ mỗi đợt xuống giống vụ mùa. Thóc giống được sạ xuống những thừa ruộng được làm đất kỹ càng, rồi xả hết nước, đợi hạt giống phủ đều lên trên bề mặt. Đây chính là lúc các loài chim tụ tập về, tìm kiếm những hạt giống rơi vương vãi trên bờ đê khi ném giống…
Đồng xanh và rừng tràm xa tít bên kia như thế giới riêng của nó. Loài chim càng không thể tách rời dải bình nguyên này khi thức ăn dồi dào mỗi khi vụ chín. Buổi sáng đi học. Chiều chếch bóng nó lại chạy ra làm bạn cùng lũ chim, say sưa quan sát từng cử chỉ hành động của chúng với muôn sắc rực màu không thể nào diễn tả được. Bóng dáng nó dần dà chẳng còn xa lạ với họ hàng nhà chim, chúng cứ nhơn nhơ bay đùa chơi nhảy, đâu còn hốt hoảng túa lên khi phát hiện có người đến gần. Nhiều người trong xóm nói: “Thằng Thuận chắc thuộc họ nhà chim!” Nó chỉ cười khi nghe thấy những điều này…
Săn bắt chim là “nghề” của nó. Có thể điều này bắt nguồn từ sự yêu thích thiên nhiên và những kiến thức ba nó truyền lại. “Sống với thiên nhiên hãy để thiên nhiên nuôi dưỡng mình một phần, phần còn lại phải bảo tồn sự phong phú sinh thái không mất đi…” Nó vẫn ghi nhớ điều này từ ba mình mỗi khi ôn lại chuyện xưa…
Ba mất đã hai năm rồi từ lúc nó vào lớp năm. Nó nhớ ba! Nhớ thuở thơ bé ngồi vắt vẻo trên vai người đàn ông thân thương trong những chiều đi thăm bẫy. Nghe ba nó nói về tập tính loài chim, tính năng từng loại bẫy để săn bắt từng giống thảo cầm… Đã hai năm rồi nó không biết mình đã qua khỏi tuổi “con nít” chưa? Để được biết về nguyên nhân căn bệnh đã bắt mất ba nó nhưng mỗi khi hỏi đến mẹ cứ trừng mắt “Con nít không nên biết chuyện người lớn!” Kể từ đó thiên nhiên trở thành người bạn và mỗi khi nhìn thấy bầy chim sắc, chim ri, lũ se sẻ… như thấy ba nó ở cạnh bên… Nỗi nhớ ba khiến nó ít nói, trầm mặc hơn, người lớn hơn trong cái gia đình giờ đây chỉ còn lại hai mẹ con! Từ ngày ba mất, má nó trông buồn thẳm sau những buổi bán chợ. Chiều về đôi mắt người mẹ cứ trông về xa xa như mong đợi điều gì… Nó biết má buồn nên từ đó tỏ ra gánh vác hơn với thân phận người đàn ông duy nhất còn lại trong nhà. Bạn học nói rằng nó đã già trước tuổi khi hay trông nắng, trông mưa sau những buổi học. Nó trông mưa vì sau trận rào lũ chim thường túa ra đi kiếm ăn. Rồi lại trông nắng nhẹ xuất hiện để con đê dẫn đến nơi đặt bẫy bớt trơn trợt, khỏi phải trượt té bê bết bùn, lắm lem cái quần ngắn cũn cỡn…
Mỗi con se sẻ khi bán cho cửa hàng chim cảnh với giá năm ngàn đồng. Nếu theo chân những người bán chim phóng sinh tại các nơi chùa chiền vào các ngày rằm, giá nhích lên được vài ngàn. Nhưng muốn được vậy nó phải đi rất xa, năm sáu cây số là thường tình. Nó quen một cửa hàng chim gần trường rất thuận lợi khi có chim chào hàng, rồi sẵn đó đi học luôn. Vậy là ai nấy đều quen mặt cái thằng vừa đi học lại cặp kè cái lồng chim bao giờ cũng có năm, mười con se sẻ trong ấy…
Nghe rằng máu của loài chim sẻ rất tốt cho người có tuổi nhưng nó không mấy bận tâm cho điều này! Điều khiến nó chăm chỉ hơn trong việc săn chim là cái giá cho mỗi loài. Những con sáo và nhồng được giá cao hơn đến vài trăm ngàn ai cũng mơ săn được, nhưng chúng rất khôn và hiếm, nên chỉ nghe nói chứ ít thấy ai bắt được để chào hàng… Nhà có trồng mấy cây ớt hiểm nhưng lúc nào má nó cũng phải mua ớt khi nấu mấy món ăn cần chút vị cay… Có lẽ má không cằn nhằn vì biết rằng những trái ớt vừa chớm chín đã bị thằng con đem làm mồi bẫy mấy con nhồng vốn biệt bóng từ khi ba nó mất… Nó thấy quặng lòng, thay vì má la rầy cảm giác lại dễ chịu hơn…
Chú Ba làng bên là bạn của ba nó lúc còn sống. Một tai nạn xảy ra trong giờ lao động lấy mất mấy ngón tay phải của chú. Từ đó chú không còn đi làm và đứa con gái trạc tuổi nó vì vậy cũng bỏ học luôn! Nhỏ Thùy xinh xắn, hiền hậu, miệng như chim sáo hay ghẹo chọc khi thấy bóng nó dưới ngọn gió chiều trong tầm vọng tiếng gọi. Nó ngại gặp nhỏ đó vì không biết nói gì khi tiếp xúc với đôi mắt nhung đen hun hút ấy! Không hiểu sao mỗi khi thoáng qua nhau, người nó như hóa củi khô, dù có sức nóng tỏa ra nhưng chẳng thể nào uốn thành những đường cong mạnh mẽ…
Vì chú Ba mất mấy ngón tay nên việc đặt bẫy gặp trở ngại. Cái lẫy sập cần sự tinh tế để độ “nhạy” trơn hơn khi có chim vào. Thế là nhỏ Thùy trở thành thợ bẫy chim thay ba trong việc “cài lẫy” và đôi khi chỉ đi một mình vì chú Ba bận việc nhà. Nghề bẫy chim sau khi đặt bẫy, thời gian chờ đợi trở nên trống trải dư thừa. Khoảng thời gian chờ đợi nhỏ Thùy hay chạy lang thang hái rau “tập tàng”, thế là hai đứa đụng mặt nhau. Không hiểu sao mỗi khi nhìn vào đôi mắt đó sự rụt rè, ngượng ngùng khiến lời nói nó trốn mất tìm hoài không thấy…
…Gió đồng nội thoảng hương…
“Anh Thuận hôm nay không đi học sao, lại bẫy chim buổi sáng?”
“Hôm nay được nghỉ! Đi bẫy “lồng” rồi về nấu cơm, chiều trở ra thăm. Chú Ba đâu mà đi mình ên vậy?
Vẫn là cách nói trổng không, má hay rầy mỗi khi nó lúng túng nói chuyện với ai đó. Nhưng hôm nay nó yên tâm vì không có má ở đây chứng kiến câu chuyện của thằng con trai mới lớn, đối mặt với cả núi lúng túng mà chẳng thầy cô nào dạy cho bài học này…
“Em lớn rồi đi mình ên có sao? Anh Thuận cũng mình ên đó…
Đồng vắng đột nhiên im tiếng gió, tiếng lạo xạo của những loài gậm nhắm nhai lên thân cỏ cũng nghe thấy. Hình như nó thích chú tâm vào việc đó hơn…
“Cánh đồng bên em thất mùa nên chim về ít quá, bán không được tiền bao nhiêu. Vì vậy ba em đi phụ chở hàng cho vật liệu xây dựng rồi! Ba nói: cái gì không biết hỏi anh Thuận ấy…”
Tiếng cười khanh khách vang lên trong không gian yên ả làm nó chú ý nhiều hơn cho câu trả lời. Có vẻ khắc tinh của nó xa không xa, gần chẳng gần, lại ở ngay cạnh đây… Nhiều điều muốn nói, chỉ sợ nói ra nghe lạc lõng trong vô duyên mà nhỏ này chuyên khiến nó trở thành “vô duyên” đến lạ!...
Có vẻ rút lui như điều tốt nhất…
“Thôi tui về nấu cơm đây! Đói bụng rồi…”
Phía sau, văng vẳng tiếng cười của đứa con gái tinh quái…
Nhà có cái lồng chim nuôi lớn, dùng để gom chim hơi nhiều nhiều nó mang đi chào hàng một lần cho tiện. Mấy nay se sẻ đói ăn nên nhảy loạn… Má nó la rầy, sao bắt chúng rồi không đem bán, để đói khát thấy tội nghiệp! Nó nín thinh đem cho chúng ít lúa và đổ đầy ngăn chứa nước… Nó cười trong bụng: “Chim để bán chứ có phóng sinh đâu, hơi sức nào tội nghiệp…”
Buổi chiều mang cái lồng chim đi thăm bẫy, nó băng qua khoảng đồng trống, nơi chú Ba hay dẫn đứa con đi đặt bẫy. Xung quanh vắng lặng bóng người… Nó cẩn thận nhìn quanh một lần cho chắc, rồi lặng lẽ mở móc lồng kéo cái cửa đẩy lên… Lũ se sẻ từng con nhảy ra như không tin vào chuyện lạ, chúng tần ngần một chút rồi lần lượt tung cánh bay lên. Niềm vui tự do của bầy chim khiến nó lâng lâng. Ai biết đâu người bẫy chim cũng có lúc “tội nghiệp” rồi phóng sinh chúng với mục đích thiện tâm như má nó nói ấy! Nó nghĩ, má thấy điều này chắc vui cho đứa con trai của mình, vì ngoài việc bẫy chúng bán kiếm thêm thu nhập, đôi lúc cũng nên phóng sinh để bảo tồn sinh thái như câu nói ba nó ngày nào!... Nó thấy vui và nghĩ bụng sẽ còn nhiều lần nữa…
Người chủ cửa hàng chim ngạc nhiên sao lâu nay thằng học sinh lớp 7 bán chim cứ thưa dần không như lúc trước. Nó cười! “Chim lúc này mất mùa nên ít lắm. Với lại tụi nó khôn ra rồi nên nhát bẫy…”
Nó bẫy chim ế nhưng con gái chú Ba trở nên thiện nghệ với tài bẫy chim se sẻ. Người trong xóm đồn nhau, bên cánh đồng chú Ba ở, se sẻ từ đâu bay về đông lắm, chúng rất đói ăn, cứ thấy lúa trong bẫy là sà vào… Nụ cười hiền hòa của nó thật tâm chứ không mang chút ganh tỵ nào với bạn đồng nghiệp…
Má nó cảm nắng nên mấy nay không đi bán chợ. Nó nghỉ đi bẫy chim vì bận làm nhiều việc nhà, những việc thường khi má làm sau buổi chợ, còn nó chỉ việc men theo đàn se sẻ hết nơi này đến nơi khác…
Hôm nay ra đồng chim hơi trễ, từ xa đã thấy dáng nhỏ Thùy tay xách một túi nhỏ tất tả trên đường đê…
“Ấy… đi đâu vậy?”
“Đi thăm người quen! Ấy… ấy cái gì!? Chả lẽ tiếng Em anh kỵ hay sao. Lớn tuổi hơn người ta mà “thỏ đế” hết chịu nổi… Mà sao anh không qua phía bên em bẫy? Bên đó lúc này chim về nhiều lắm…
Nó sượng sùng hồi lâu rồi cố nặn ra mỗi câu:
“Qua bẫy hết chim bên… ấy… sao! Để cho người khác bẫy…”
Đôi mắt đen ngó nó chăm chăm:
“Không cần anh tốt. Cứ qua bẫy thử đi. Chim lúc này về nhiều giống như có ai phóng sinh vậy!
Nó thoáng giật mình khi nghe từ “phóng sinh” như chứa điện tích dương. Quay vội gương mặt đang nóng lên qua hướng khác…
“Tui đi thăm bẫy đây…”
Phía sau tiếng cười khúc khích của đứa con gái như trêu trọc mang chút nuối tiếc cho kết thúc vội vàng…
…Nó về đến nhà trời đã nhá nhem. Trên bếp có nồi cháo, vừa giở nắp còn tỏa khói hương… Giọng nó như ân hận…
“Con nói má rồi! Để con về nấu thức ăn cho. Người có bệnh, lại cố làm chi cho cực cái thân!”
Má cười, nhìn nó với ánh mắt như có sao, giọng vẫn khẽ khàng vì cơn cảm nắng còn vương vất nhưng có niềm vui… reo vui…
“Lúc xế chiều con Thùy ghé qua nhà thăm má! Nó nói vì vợ chồng chú Ba bận việc nên không qua thăm được, nó “đại diện” gởi lời vấn an cho có cái nghĩa tình lúc ba con ngày trước ấy! Rồi bỗng nhiên thấy khói bếp lạnh tanh, sẵn cân thịt mang theo nó nhào vào nấu nồi cháo cho má ăn. Ôi dào… Mấy cái cảm nắng xứ này nhằm nhò gì, má vẫn làm được nhưng nói với nó cứ để đó… mãi vẫn không chịu nghe… Nghĩ cũng thương con bé lanh lợi, tháo vác lại nết na hiền hậu, sau này gia đình nào có phước lắm mới được một đứa dâu như nó chăm việc khói hương ông bà và lo lắng đến con trai mình…”
Vừa nghe đến đây nó đỏ mặt quay nhìn chỗ khác nhưng dấm dẳng nói với má…
“Sao hôm nay má nói giống như “tuồng” vậy! Nấu có nồi cháo mà thành “sáu câu vọng cổ” nhưng hơi tiếc vì bán vé cho mỗi mình con… Con về sớm tí nấu chút xíu xong rồi…”
Má nó nghe thằng con trai nói không nhịn được cười…
“Thằng cha mày… Con người ta ra công như vậy phải ghi ơn nghen con…”
Nó vội vàng múc cháo ra tô mang lại cho má ăn, rồi kiếm chuyện phải soạn chim cho ngày mai đi bán sớm, lủi mất…
Chim có lúc “phóng sinh” để bảo vệ sinh thái, nhưng… có khi đem bán kiếm ít tiền trang trải việc mưu sinh mà…
&&&
Thuận mãi bận việc với cái báo cáo tài chính cho công ty, đến khi nhìn giờ, lại nhớ đến việc rước con. Giọng anh hướng xuống nhà sau…
“Thùy ơi! Đến giờ đi rước con rồi. Sẵn đón rồi mình về thăm ông bà ngoại nó luôn… Mấy nay có ít chim mình đem “phóng sinh” luôn cho rồi…”
Giọng nói tinh quái của phụ nữ vẳng lên…
“Lại “phóng sinh”! Ngày xưa ai cũng tưởng anh hiền hay thích phóng sinh chim nhưng đâu ngờ anh “phóng sinh” chim bầy để rình bắt con “chim mẹ”… Cũng may em chưa bị bán chợ thôi nha…”
Thuận chợt cười khi nhớ đến câu nói của ba ngày trước: Có con phải giữ lại vì việc mưu sinh… mà…
Sg – 26.9.2024
MacDung