Re:Truyện ngắn: VINH DANH MẸ
-
11.04.2025 20:58:40
KÝ SỰ MIỀN TRUNG
(Tháng 5/ 2016)
1. Ngày mùng 8 tháng tư/ Bính Thân (14/5/2016) Đoàn chúng tôi đi Bình Định gồm TT Thích Như Tại, trụ trì chùa Liên Ứng, quận Bình Thạnh, TPHCM cùng Phật tử của chùa về Bình Định phát quà từ thiện cho người nghèo. 14 giờ chiều hôm ấy, sau khi xếp tất cả
quà lên trên xe là khởi hành ngay, bởi sắp đến ngày Phật Đản công việc của nhà chùa rất bận rộn. Sáng sớm hôm sau, trời còn chưa kịp sáng chúng tôi đã có mặt tại Thị trấn Diêu Trì, Bình Định.
Sau ăn sáng, uống café là chúng tôi trực chỉ về chùa Mai Lộc ở Diêu Trì, thuộc Phường Trần Quang Diệu để phát 150 phần quà từ thiện cho người nghèo. Thầy trụ trì chùa Mai Lộc đón TT Như Tại và Phật tử cùng đi hết sức thâm tình, Thầy đôn hậu lắm coi như con cháu, ai cũng niềm nở với vị sư già ở bổn tự Mai Lộc. Bổn tự còn dọn thức ăn sáng chay khá chu đáo, ai ăn chay thì mời vào, nào bánh hỏi, cháo – Món cháo rất đặc biệt ăn là nhớ đời, rất ngon. Có lẽ ai cũng phải khen nếu được thưởng thức và bánh tráng cuốn với rau sống ở nhà chùa trồng khỏi nói, nó roi rói tươi ngon và rất sạch.
Điểm tâm xong là thầy T.T Thích Như Tại và vị trụ trì bổn tự sở tại cho phép phát quà.
Người nghèo ở đây đã có mặt rất sớm vì chùa có thông báo trước, vậy nên anh em Phật tử cũng tranh thủ phát quà cho bà con về sớm. Anh Dũng là người thường đi với thầy Như Tại trong các chuyến từ thiện nên rất có kinh nghiệm trong tổ chức sắp xếp. Chừng một tiếng rưỡi đồng hồ là đã gần như hoàn tất 150 phần quà, còn ít phần chưa có người nhận để tại chùa, nếu ai đến trể thầy trụ trì sở tại tiếp tục giải quyết.
Thầy Như Tại còn khá nhiều công việc Phật sự nên thầy vội vàng quay về Sài Gòn trong sáng ngày 15/5
Một chuyến đi dù mệt nhọc nhưng cũng khá hoan hỉ, vui vẻ được nhìn thấy niềm rạng rỡ trong ánh mắt của người thật nghèo nhận quà của các Phật tử những vật dụng sẻ chia tuy món quà không lớn nhưng ấy là tấm lòng giữa người và người mà thầy Như Tại cũng như Phật tử chùa Liên Ứng, số 482/ 76 Lê Quang Định, quận Bình Thạnh TP HCM cố gắng vận động mới có được.
Trong đoàn hình như ai cũng hoan hỉ vì đã làm được việc phước báu: - Sẻ chia cho người thiếu thốn hơn có niềm vui trong đời sống. Nắng mới tràn khắp trên đường như soi rọi nổi hân hoan trên từng khuôn mặt mỗi người. Có lẽ một ngày thật ý nghĩa với các anh chị em trong đoàn Phật tử chùa Liên Ứng, Quận Bình Thạnh, TPHCM.
Cầu chúc thầy Như Tại dồi dào sức khỏe, chân cứng đá mềm để tiếp tục hoằng hóa chúng sinh, giúp đỡ cho người nghèo như hạnh nguyện của thầy thường tâm tình với chúng tôi: “Cả đời tu học của tôi chỉ mong mọi người trên đất nước chúng ta không còn cảnh thiếu đói, ai cũng được no cơm, ấm áo để được vào trường tím kiếm chữ nghĩa, kiến thức lớn lên giúp mình, giúp đời và biết chia sẻ cùng người nghèo kẻ khó”.
2. Phát quà xong cho những người nghèo có mặt tại chùa Minh Lộc, Quy Nhơn tôi cũng tranh thủ tạm biệt thầy Thích Như Tại cùng đoàn Phật tử chùa Liên Ứng quận Bình Thạnh TPHCM đoàn cũng vội vàng vào Sài Gòn, ngược lại tôi cũng vội ra quốc lộ 1 để đón xe đò về Quảng Ngãi. Bởi lẽ, hôm nay là ngày húy nhật của ông nhạc tôi tại Chợ Chùa, TT Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngày ông nhạc tôi mất đến nay tôi chưa bao giờ được về để
dự đám giỗ ông, phải nói rằng ông là người cha đầy trách nhiệm với các con và rất tình cảm với vợ chồng và con cái chúng tôi.
Ngày ông mất tôi cũng làm bài thơ vĩnh biệt nhạc phụ, nhưng từ ấy đến giờ lòng tôi cũng ngậm ngùi lắm, lần lửa hoài bây giờ đã đến Bình Định không lý do gì không về dự, trước là cho mẹ vợ tôi vui sau là thăm luôn các anh chị em nhà bên vợ, tuy rằng thỉnh thoảng tôi vẫn về Quảng Ngãi nhưng không thể nào gặp đủ mặt các anh chị em cùng con cháu phía nhà ngoại Kim Ngân (1), Tôi hy vọng lần nầy sẽ gặp tất cả. Lúc ấy đồng hồ trên tay tôi chỉ đúng 8h 30.
Tôi lên chuyến xe 16 chỗ sau 5 phút gọi điện cho nhà xe Quy Nhơn, ngồi ở café dọc đường, Ồ, thật may, nhanh quá, đến nổi tôi không kịp uống hết ly café sáng để lấy lại tỉnh táo sau chuyến đi dài liên tục từ Sài Gòn về Quy Nhơn, người chủ quán bèn bỏ café
vào ly nhựa chuyển cho tôi khi tôi bước lên xe.
Hỏi người phụ xe về đến TP Quảng Ngãi chừng mấy giờ, người phụ xế nói ngay: Chừng 11h15 chú sẽ đến Quảng Ngãi. Tôi nghĩ sẽ kịp giờ húy nhật của ông nhạc. Bất ngờ, chắc sẽ vui lắm đây.
Xe chạy khá nhanh dù có dừng lại bắt khách dọc đường nhưng đúng như dự liệu của phụ xe,
Tôi xuống Quảng Ngãi chậm hơn 5 phút như lời người phụ xế. Nắng thật gắt, nóng cũng dữ dội, hơn nữa từ trong xe có máy điều hòa vừa xuống với thời tiết tự nhiên, nên cảm giác là vậy. Một người chạy xe ôm đến gục đầu chào tôi có vẻ niềm nở. Người xe ôm với cái cười duyên dáng từ đằng xa chạy vội đến nói với tôi:
- Anh về đâu tôi chở anh về, giờ đã đứng trưa rồi, nắng nóng gắt quá.
- Anh cho tôi về nhà khách Phú Quí, ngay ngã 5 đường về Nghĩa Hành (Một địa chỉ bạn bè thâm tình của tôi – vợ chồng anh Phan Hùng - Lê thị Ấn) anh biết chứ?
- Dạ biết
- Thưa anh, bao nhiêu tiền?
- Dạ bốn chục
Tôi lên xe anh ấy đi cũng khá mau, khoãng 7 phút là tôi có mặt tại nhà Hùng Ấn. Dùng trà với vợ chồng anh chị Hùng, Ấn bởi tôi có gọi điện trước nên anh chị rất chu đáo. Sau những câu chào hỏi thường tình, Lê Thị Ấn mau mắn nói:
- Về có việc gì không hay là thăm chơi? Tôi nói ngay bởi quá thân nhau:
- Tôi về để kịp ăn đám giỗ ông nhạc. Đi Quy Nhơn công việc, tiện thể, tranh thủ về thăm gia đình luôn.
- Vậy à, Cậu lấy xe về ngay để còn kịp, chắc người nhà đang đợi. Anh Hùng đã chuẩn bị xe từ khi tôi gọi. Thân tình lắm mới như thế.
- Đưa chìa khóa xe cho Dũ, Chị Ấn nói.
Anh Hùng đưa chìa khóa xe cho tôi, Tôi chỉ kịp nói:
- Rất cảm ơn ông bà đã khá chu đáo cho tôi, hẹn sáng mai khoảng 9h café cùng bạn bè nghe.
Tôi lên xe và nổ máy, con đường thu hẹp dần khoảng cách, lòng tôi cũng nôn nao khó tả. Tôi tăng tốc chiếc xe Dream 2 cứ băng băng trên lộ, có lẽ tôi như một tay đua cừ khôi vậy, 15 phút là tôi có mặt ở nhà ngoại mấy cháu.
Tôi bước vào nhà ai cũng mừng rỡ, nhất là mẹ vợ tôi. Có lẽ đây là niềm mong của bà cứ mỗi lần gọi vào Sài Gòn thăm gia đình tôi bà thường nói : “Con cố gắng về ăn giỗ ba con một lần cho biết”, tôi cứ dạ, nhưng rồi thời gian lần lửa cứ trôi qua, đã mười mấy năm rồi còn gì!
Tôi chỉ bắt tay chào hỏi mọi người và lên gác trên đặt phẩm vật đứng trước bàn thờ cha dâng hương khấn vái, lòng tôi thấy vui, trên bàn thờ còn rất nhiều thứ trên ấy. Tôi còn nhìn kỹ
thì ra mẹ vợ tôi vẫn trang trọng đặt bài thơ của cậu Bốn và tôi viết cho ông nhạc khi giã biệt trần gian quay về với vĩnh hằng:
BIỆT CHA
(Vô cùng thương tiếc nhạc phụ)
Trầm hương vĩnh biệt cha già
Trên cao còn sáng ánh tà nguyệt cao
Quê hương cứ mãi xanh màu
Mười phương vẫy gọi cha vừa thong dong
Mẹ ơi, đời vốn vô thường
Thân là cát bụi náu nương linh hồn
Cha, giờ giủ sạch nguồn cơn
Người vừa cỡi Hạc về chơn vĩnh hằng
Trung tuần rạng một vầng trăng
Màu từ bi gội nhuộm vàng cỏ hoa
Trên cao hình ảnh cha già
Mỉm cười xanh nụ niêm hoa… thuở nào
Trăm năm trở giấc chiêm bao
Chợt bừng thức giữa trăng sao thường hằng
Người về, gửi lại vầng trăng
Soi cùng nhân thế yêu thương mặn nồng
NDT
(Trăng 12/ 4/ Quý Mùi)
Khách mời đã về gần hết cả, chỉ còn ít người thân cùng con cháu của gia đình, tôi bắt tay và chào tất cả.
Tôi xuống nhà hỏi thăm, các em, các cháu ai cũng giục tôi lên vào ngồi bàn. Quây quần với nhau chừng vài ba mươi phút là xong. Thì ra năm nào cũng vậy từ ngày ông mất đến giờ mẹ và các anh chị em đều giỗ như vậy cứ mời người ta nấu nướng, che rạp đàng hoàng lắm, năm nay được 7 bàn, cũng khá nhiều khách đấy chứ, vậy là vui rồi, có lẽ phước báu của ông nhạc tôi nên mới duy trì được như thế.
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ăn giỗ ở quê nhà, nghe nói, người Nghĩa Hành đi đúng giờ giấc lắm chứ không phải như trong Sài Gòn ngay cả tiệc cưới thời gian cũng kéo dây thun .
Buổi chiều hôm ấy tôi gọi những người bạn thân tình đến chơi, nghe tôi về anh em cũng cố gắng đến dưới phố chỉ có Trần văn Tân và Trần văn Lâm, Nghĩa Hành thì anh Hoàng Tú, Nguyễn Thượng Hoàng, Nguyễn Quý, Trần văn Tô... Rất tiếc lần nầy Duy Khanh bận quá nên không có mặt. Đột ngột gọi được bạn bè như vậy cũng là vui. Hôm ấy tôi uống với anh em cũng khá nhiều mặc dù đêm trước tôi chẳng ngủ nghê gì, lại quay phim suốt từ 6
đến 8 h 30 và dọt xe đò về quê hầu kỵ ông nhạc.
Tối ấy vợ tôi - Bích Liên cũng từ Sài Gòn về không khí gia đình trông vui hẳn lên.
Sáng hôm sau 16/ 5 Lương Thanh gọi tôi rất sớm Café Thiên Phúc, rồi Nguyễn Quý, Hồ Duy Khanh, Tấn Tô Sau đó thì có Phan Thanh Sơn, Nguyễn Văn Trung và Chế Thanh Vũ cùng tôi quây quần bên tách café sáng. Ồ sao mà về quê chuyến nầy vui thế hầu như gặp khá nhiều bạn bè khối lớp 12 C và 12 A, vui lắm, chuyện trước, chuyện sau, chuyện bây giờ mọi chuyện trên đời cứ tràn lên mặt bàn, tụ lại như cơn gió bay ngang qua ký ức thời
học trò sau thống nhất 1975, bạn bè như vậy là quá quý, có người hơn 40 năm mới gặp, thời gian qua nhanh, nhìn lại thằng nào tóc cũng trắng cả, tròn một vòng hoa giáp rồi còn gì, gần trưa chia tay nhau, hẹn chiều lại ghé Hồ Sen quán tại thị trấn Nghĩa Hành.
Dàn hợp xướng ve sầu nơi ấy hát đồng dao với công suất lớn thì ra về quê mới thấy mùa hè thú vị.
Cây phượng ven đường đỏ rực những hoa phượng như nhuộm hồng một quãng dường như hồng lên từ phía quê hương Nghĩa Hành.
Tôi tranh thủ về với vợ chồng cô em ruột Dần Đạm còn tại quê nhà lấy chìa khóa vào nhà cha mẹ tôi ở Hành Đức để thăm nhà và dâng cúng lễ vật, thường mỗi lần về quê đều như vậy, cứ mỗi lần đứng trước nhà tôi có cảm giác là lạ, thì ra nhà cha mẹ vẫn còn đó chỉ có điều không ai ở thiếu hơi ấm con người nên thiếu sinh khí, có chút buồn len vào hồn tôi.
Ngày rằm và mùng một các em gái tôi về mở cửa nhang khói, mỗi năm 5 cái giỗ chạp mới có người, vì vậy sao mau xuống cấp quá. Tôi hơi bùi ngùi, ai cũng thích về quê vì tố chất yêu quê hương của mỗi người luôn hiển hiện trong hồn, nhưng bảo nếu về sống nơi đây chắc là khó lắm. Gần 40 năm ly quê còn gì.
Tôi tranh thủ thăm nhà Du người đối diện nhà cha mẹ tôi và vội vã thăm bà Truyền, bà Lập người tôi mến vì tính chân thành, lòng trung thực và sự thủy chung vì chữ nghĩa, chữ tình. Các bà già quá. Tội nghiệp các bà lắm, tôi chuyện trò mỗi người 15 phút rồi lì xì và tạm biệt họ. Chẳng biết các bà còn sống bao lăm nữa, sợ khi các bà đi xa tôi không thể có mặt…
Tôi về nhà đi một vòng thăm vườn xưa, nhang cũng đã tàn, tôi hạ đèn và khóa cửa, lòng có chút bùi ngùi. Trích bài thơ hoài niệm:
Ta kiêu hãnh trước muôn trùng sóng gió
Áo chàm phai chân bước lắm gian nan
Triền dốc dựng phải chăng người gục ngã?
Không, yêu em. Ngày tiếp tục lên đàng
Có lẽ nào mãi quẩn quanh góc phố
Áo nam nhi khoác vội trước nỗi đời
Chẳng thể có con đường nào mạt lộ
Lối đi nào cũng có cách riêng: - Chơi
Trăng với gió tha hồ cùng Sông núi
Chí làm trai, không thể yếu với hèn
Xin làm khách trên trần gian yêu mến
Dẫu vô cùng khó nhọc trước gian nan
…
(Con đường trước mặt)
Ngẩn ngơ, tôi khóa cửa chạy lẹ xuống Sông Vệ thăm vợ chồng cô em thứ Mười, café tại nhà trò chuyện với cô em, Thúy dọn nải chuối cau, chuối cau ngoài quê giờ to quá, có lẽ đất tốt chăng nhưng ăn rất thơm và ngon. Thịnh, em rể tôi coi thi tại trường trung học gần nhà cũng vừa về, nói chuyện chừng hơn tiếng đồng hồ là tôi phải trở lại Chợ Chùa vì có hẹn với anh em. Hẹn lúc khác Thịnh Thúy nghe.
Đúng 5 giờ chiều chiều, Lương Thanh gọi tôi về Quán Đầm Sen khi tôi đến nơi hắn đã có mặt nơi đây với dĩa đậu phộng rang và mấy lon Ken. Rõ ràng Thanh rất đúng hẹn, lát sau Phan Thanh Sơn, Nguyễn văn Trung đến Nguyễn Thượng Hoàng, Nguyễn Tám, Lương Hữu Tư rồi Tấn Tô và cuối cùng có Lê văn Tài. Thế là lại quây quần bên bàn nhậu. Phải nói Lương Thanh gọi dĩa tép đồng hấp không chê vào đâu được ăn là nhớ đời (Riêng tôi mấy chục năm mới thưởng thức lại món ăn quê nhà nầy nên nhớ đời là phải đạo), sau đó Phan Thanh Sơn gọi cá lóc đồng nấu măng tre gai, rau sưng, trời ơi sao 2 thằng bạn biết ý thế không thể không nhớ đời được, hương vị đồng quê rau sưng nầy chắc ít nơi nào có
được, chỉ có quê tôi người ta thích, tôi mang theo mấy mươi năm bây giờ mới hâm lại, quý hóa quá. Cảm ơn các bạn rất nhiều…
Sáng hôm sau, café với ông anh cả nhà vợ Phan Gia Hòa (Cũng là bạn của nhóm bè bạn chúng tôi) Phan Gia Khải, Trang Hoàng Tân cùng Tạ Ngọc Hải, sau đó Nguyễn Văn Trung cũng đến bằng xe đạp “đua” tới tranh thủ café với tôi mới ghê chứ bởi Trung còn bận phải chấm thi.
Tạm biệt anh em thân hữu Nghĩa Hành và rồi cũng tạm biệt cả nhà, tôi xuống phố uống café với bạn bè dưới ấy, Lê thị Ấn và bè bạn chờ tôi dưới café Thủy Vương đường Phan Bội Châu, Tạ văn Thành cũng đến, lại gặp nhau chuyện trò hàn huyên.
Chia tay nhau các bạn hỏi tôi:
- Khi nào Ngọc Dũ vô lại Sài Gòn?
- Ngày mai, tôi phải ra Đà Nẳng thăm cậu ruột, phía ngoại chỉ có cậu cũng đã 87 tuổi rồi còn gì, nhận tiện đã về đến đây sẵn ra thăm cậu luôn, một lần đi một lần khó, cuộc đời vốn vô thường làm sao ai biết trước chuyện gì, vì vậy có điều kiện là đến và hôm sau nữa sẽ vào Sài Gòn luôn.
- Nếu có gì alo nghe
- Ừ, vậy thôi còn được ngày nào vui cứ vui.
Tôi gọi anh Hồ Nghĩa Phương dự định ăn trưa cùng nhau để nói chuyện với anh, nhưng anh Phương mau mắn hơn:
- Bạn ở đâu?
- Tôi ở phố đây mà tính gọi anh ăn trưa
- Thôi, ghé luôn xuống nhà hàng Phạm Anh mình cùng nhau lai rai ở đây mọi người đã ngồi cả rồi.
Tôi xuống đúng địa chỉ, thừa nhận TP Quảng Ngãi mở rộng khá nhiều con đường nhưng thành phố cũng nhỏ đi dăm bảy phút là đến nơi, anh Hồ Nghĩa Phương đón tôi vào tất cả an vị trong căn phòng ấm áp, tôi thấy anh Duy Thanh ngày trước hát cho đài phát thanh Quảng Ngãi sau nghe anh có sáng tác, nhạc sĩ Nhất Phương hiện dạy nhạc ở Sông Vệ, giảng viên Hạnh Nhi trường Đại học Phạm Văn Đồng, nhà thơ nữ Thu Ba ở Sài Gòn về cùng đi với cô em, Phan Bá Trình, cô giáo Thu Thanh cũng đến sau, cuối cùng thì cô Nguyễn Thị Nghị cũng tới, ngồi quây quần với nhau, Anh Duy Thanh hát mấy sáng tác mới của mình cho tôi và các bạn nghe, rồi cứ thế ns Nhất Phương, Hạnh Nhi hát, ngâm thơ, Hồ Nghĩa Phương quay film một đoạn sau đó có up lên trang fb của mình, Thu Thanh phải sớm về vì chiều phải coi thi có gửi tặng tôi tập thơ : “Chuyện mình với ta” cô ấy mới xuất bản đây là lần đầu tôi gặp một người thơ Quảng Ngãi, tôi sẽ đọc sau khi về Sài Gòn.
Xong lại ra một quán café khá xinh đẹp ở gần đó. Nắng Quảng Ngãi khá gay gắt vào quán café thơ mộng khung cảnh lịch thiệp khá thú vị, chúng tôi uống café tại đây chất men cũng được giải, Hồ Nghĩa Phương tranh thủ cùng tôi và ns Nhất Phương ghé về hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi tặng tôi tập văn và thơ Quảng Ngãi 4o năm cùng số tạp chí Sông Trà và tiện thể gửi luôn cho anh Bùi Đức Ánh và Trần Hoài Anh. Sau đó tôi cùng ns Nhất Phương cùng vào nhà Phan Bá Trình.
(Về Sài Gòn đọc: tập Thơ 40 năm Quảng Ngãi tôi hơi buồn chẳng lẽ thơ Quảng Ngãi chỉ lèo tèo bấy nhiêu thôi sao, tự dưng tôi thương các thi sĩ Quảng Ngãi cả đời nặng nợ với văn chương (chưa đọc văn) vì có những thi sĩ trước bạ, đăng đàn trước và sau 1975 như nhà thơ Nguyễn Khắc Minh, Vũ Hồ, Lê Vinh Thiều, Lê Vinh Ninh v.v…
Tôi không hiểu cả hội văn học Quảng Ngãi ta tại sao lại làm như thế? Có thể các bạn sẽ không thích tôi viết thật thà như thế này nhưng đây là sự thật, nếu như lần sau nên chăng thêm các tiền bối đã có thành quả ở quê mình.
Vào nhà Phan Bá Trình, tôi, ns Duy Thanh, và ns Nhất Phương uống rượu chuyện trò rồi tham quan ngôi nhà khá đẹp của Trình mới xây ở TP Quảng Ngãi, không ngờ Trình – Thầy dạy toán, chủ nhiệm CLB Thi ca Trà Giang lại là người chơi đồ cỗ dữ vậy nghen. Tôi phục Phan Bá Trình quá, đặc biệt Trình còn nuôi và nhân giống gà rừng tôi thích quá chụp mấy tấm ảnh tại đây, Trình tặng tôi tập thơ MẮT QUÊ vừa xuất bản. Về nhà đọc thấy nhiều ý thơ, thi ảnh đẹp. Chúc mừng nhà thơ, nhà giáo Phan Bá Trình.
Thời gian qua mau, tôi và nhạc sĩ Nhất Phương chia tay với Trình và anh Duy Thanh để về Sông Vệ bởi Ns. Nhất Phương còn lớp nhạc chiều. Tôi cùng anh Nhất Phương ghé ăn tô mì Quảng chính hiệu ở Sông Vệ.
Thời còn đi học trước 1975 bọn chúng tôi ở phố Quảng Ngãi thỉnh thoảng đạp xe vào trong ấy để ăn mì Quảng ở quán ông Ba Guốc, bây giờ về quê ăn lại vẫn cung cách ấy, có điều tô mì nhỏ hơn nhưng hương vị vẫn vậy, ngon và có cảm giác lạ. Chia tay anh Nhất Phương tôi về nhà vợ chồng cô em gái Võ Hữu Thịnh, Thanh Thúy trò chuyện đến tối, tôi mới trở về Nghĩa Hành.
Ngày mai tôi phải rời quê nhà ra Đà Nẵng thăm cậu Hồ Sĩ Bảng và trở về Sài Gòn tiếp tục vòng quay áo cơm trần gian, Cơm áo không đùa với khách thơ.
Ôi chao, thời gian 4 ngày sao mà chóng qua thế, mới đó cũng đã trôi nhanh.
Sáng nay, tôi gọi điện cho Thầy Lê Tấn Dụng, thầy Khắc Minh và thầy Hùynh Châu cùng café với cựu các học trò, tôi xuống café Vườn Hồng và cùng nhà thơ Kiều Việt Linh (Bạn thơ thầy
Khắc Minh) và thi sĩ Khắc Minh đến café khá đẹp trên đường Chu Văn An, sau đó Lê thị Ấn cùng cô em, Trần Văn Tân, thầy Dụng và thầy Huỳnh Châu cùng đến, quây quần trò chuyện cũng đến 11h trưa mới chia tay, tôi tạm biệt rồi về nhà anh Hùng Ấn, Anh Hùng chở tôi ra đường đón xe đi Đà Nẳng, tiếp tục chuyến hành trình về thăm cậu và các bạn văn Đà Nẵng.
Cảm ơn anh Hùng Ấn đã cho tôi mượn chiếc “Giấc mơ 2” làm phương tiện di chuyển trong những ngày ở Quảng Ngãi và cảm ơn các bạn tôi cũng như các thầy đã cùng gặp nhau thăm hỏi và chuyện trò. Về quê lần này như vậy là quá vui và thú vị.
Chúc tất cả dồi dào sức khỏe để còn có dịp hội ngộ lần sau.
Phần 3: RA ĐÀ NẲNG THĂM CẬU
Chuyến xe Quảng Ngãi - Đà nẵng khởi hành lúc 12 giờ nhưng đến 16 giờ tôi mới đến bến xe mới Đà Nẵng, nơi đây gần anh bạn Trần Sâm, một người làm thơ rất hay. Thời trước vào Sài Gòn dạy văn, chúng tôi quen nhau thân thiết từ thập niên 90 của thế kỷ trước, thân tình đến tận bây giờ.
Bến xe mới Đà Nẵng khá khang trang, tôi xuống xe mang balo ra ngoài qua bên kia đường ngồi uống cafe, phong thái ung dung, gọi điện cho anh Trần Sâm. Tôi đã gọi điện trước nên chẳng mấy chốc là anh ra đón tôi.
Làm thơ, viết văn có cái vui là nhiều bạn văn nghệ rất nhiệt tình, thân mến, tôi mời anh cafe, nhưng anh dứt khoát không uống còn hối tôi về nhà nhanh vì có các bạn anh đang chờ Ngọc Dũ, còn sướng nào hơn, còn vui nào bằng. Tôi phóc lên xe theo anh về nhà, chỉ kịp chào chị vợ anh – chị Xuân qua loa, rửa mặt là nhập cuộc. Đúng như lời anh, nào anh Dũng Hợp Phố (Anh là chủ nhân phòng trà Hợp Phố), Mai Hữu Phước, anh Chinh...
Những món ngon Đà Nẵng bày biện rất đàng hoàng, Đà Nẵng cũng giống Quảng Ngãi có vài cái bánh tráng bẻ giòn tan làm vui tai gây thêm cảm giác thú vị nên người quê tôi có
câu thơ về cái bánh tráng thú vị lắm:
‘Thân em mỏng mảnh mặt em tròn/ Có tiệc nhờ em: Tiệc mới ngon/ Vắng mặt đôi khi người đã gọi/ Vì chưn hội ngộ tiếng em giòn’.
Qua vài lon anh Trần Sâm chủ nhà cầm đàn guitar bắt đầu cuộc chơi. Anh nói: Các anh à, tôi với Ngọc Dũ thân thiết lắm, những năm tháng ở Sài Gòn thường chơi chung, thậm chí
làm chung rồi anh ngẫu hứng đọc: “Ngó nhau râu tóc bờm xờm/ Tiền lương tiền thưởng nguồn cơn bây giờ”, rồi cười nhẹ nhàng, những bài thơ của tôi làm ngày ấy Ngọc Dũ cũng còn nhớ và những bài của Ngọc Dũ tôi cũng nhớ. Lâu lắm, nhân Ngọc Dũ về quê ngoại thăm ông Cậu cũng đã già lắm, tiện ghé tôi chơi nên có cuộc hội ngộ này, Cảm ơn Ngọc Dũ – nhà thơ Ngã Du Tử. Cảm ơn các anh, các bạn, nhất là gia chủ Trần Sâm và chị Xuân.
Giọng anh Sâm đều đều với mấy khúc nhạc tiền chiến của Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, anh thích chơi nhạc xưa và các bản nhạc tình trước 1975, Thật thú vị phải không các bạn, tình văn nghệ đầy như bát nước trong. Sau đó tôi đáp lễ và các anh em đàm đạo với nhau về văn chương, về thế sự. Đến gần 7 giờ tối anh Dũng xin lỗi phải về lo tổ chức đón khách của phòng trà anh, Anh mời các bạn 8h ghé phòng trà nghe ca nhạc.
Chúng tôi tiếp tục chơi đến đến 8 giờ tối là ‘thuyền viễn xứ nhổ neo lên phòng trà Hợp Phố’- Phòng trà Hợp Phố quá đổi tuyệt vời, tọa lạc trên mặt tiền đường phố chính, cảnh quang từ trong sân đến phòng trà khá đẹp và sang trọng, nào đàn dương cầm, nào violon, kèn saxophone...
Ở Sài Gòn thỉnh thoảng tôi cũng đến phòng trà nghe nhạc, nhưng khách nghe nhạc phòng trà Sài Gòn không lịch sự bằng Đà Nẵng, ai vào nghe nhạc cũng lịch lãm. May ra chỉ có phòng Ánh Tuyết ở Sài Gòn 1. Âm thanh nghe rất trọn vẹn, nếu người nghe yêu
cầu bản nhạc mình thích vào gặp MC và hầu như ai cũng phải biết “điều” với ca sĩ yêu cầu.
Một bữa đại tiệc âm nhạc rất thịnh soạn, sảng khoái. Hầu như toàn những bản nhạc tôi thích, các ca sĩ đều trình diễn không chê vào đâu được. Cảm ơn anh Trần Sâm và anh Dũng Hợp Phố cho tôi thưởng thức một đêm nhạc ngoài sự mong đợi của tôi.
Hơn 11 giờ khuya tất cả ra về, tôi và anh Sâm về nhà anh, tôi nghỉ lại nhà anh đêm đó cùng trò chuyện. Sáng hôm sau, tôi và anh Trần Sâm xuống Hải Châu ăn sáng mai, sau đó ghé nhà một anh bạn họa sĩ cafe, chuyện trò cũng đến 9 giờ. Anh chở tôi về nhà cậu Năm ở Nguyễn Chí Thanh. Anh vào chơi nhà cậu rồi tôi tạm biệt anh, có thể tôi sẽ đi tàu hỏa vào Sài Gòn luôn, không có thời gian ghé anh nữa. Tuy vậy anh vẫn nói với tôi:
- Trước khi vào alo tôi nhé. Cảm ơn anh nhiều.
- Ok anh.
Về quê ngoại ghé thăm cậu, sau khi chào hỏi tôi xin phép cậu đặt lễ vật dâng hương tiên tổ, ông bà bên ngoại. Xong mới xuống trò chuyện với cậu. Cậu vẫn còn làm việc là dịch vài trang tài liệu nào đó từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, hay từ Anh sang tiếng Pháp cho Ngân Điệp con gái cậu dạy tiếng Pháp của các trường Đại
học Đà Nẵng.
Hồ Sĩ Thắng Kiệt cũng đang dạy tiếng Anh tại các trường Đại học ngoại ngữ ở Đà Nẵng. Thỉnh thoảng cậu cũng dịch cho Kiệt. Cậu lấy đó làm vui tuổi già.
Chiều ấy, tôi cùng Thầy Lực - Ông xã Ngân Điệp và thầy Quy - Ông xã Phương Điệp (cũng dạy đại học Đà Nẵng) ghé quán làm lai rai vài ve và chuyện trò rất thú vị. Lực và Quy là con rễ cậu nhưng thân với tôi, đã về tới Đà Nẵng là ngồi với nhau.
Tôi có gọi anh Ngang vợ chị Hạnh con ông cậu thúc bá bên ngoại và Cương ông xã của Hoàng Điệp nhưng cả hai không đi được, không có duyên với tôi rồi.
Hôm sau cafe ăn sáng với các em con cậu rồi chia tay. Tôi alo anh Trần sâm anh chạy xuống ga tiễn tôi vào Sài Gòn, thật cảm động. Anh chân thành nói với tôi:
- Ngọc Dũ à. Lần sau ra chơi lâu vài ba bữa thăm thắng cảnh Đà Nẵng, bây giờ Đà Nẵng đẹp lắm, hơn ngày trước nhiều, nhất là phía biển về Sơn Trà và đường về Hội An quê mình tuyệt lắm.
- Hẹn lần sau anh nhé, cái bắt tay chuyện trò nơi sân ga thật lâu, thật cảm động sự chân thành của anh. Chơi với anh khoảng vài mươi phút, khi tiếng phát thanh viên gọi vào ga tôi mới quay đi. Tình bạn cao khiết quá, chia tay anh. Tôi bước qua cổng soát vé, bàn tay anh vẫy sao nghe nặng hồn mình. Tình bạn cao thượng và vĩ đại là rứa. Hẹn lần sau anh nhé.
Tôi vào Sài Gòn lại tiếp tục cuộc hành trình với cơm áo trần gian.
Một cuộc trở về thăm quê rất thú vị. Cầu cho có công việc và thời gian cứ vài ba năm lại có cơ hội về thăm một lần chứ ai cũng càng ngày càng già. Làm sao biết trước điều gì, vốn đời sống vô thường.
Ngã Du Tử/ SG
Mùa Phật đản 2016 (PL2560)