Truyện ngắn: VINH DANH MẸ
TIỂU THUYẾT KÝ SỰ: BÀ GIÁO VÂN CHƯƠNG 12: BÀ GIÁO VỀ Cầm tờ giấy ra trại, bà mừng quýnh. Chào và cảm ơn người cán bộ đưa giấy phóng thích. Về đến tổ tăng gia bà kịp chào hỏi những người thân và thu xếp và gửi đồ đạt cần thiết cho vài người đã từng giúp bà trong thời gian học tập cải tạo, họ cảm ơn và chúc mừng cũng như tạm biệt bà, được về vui vầy với gia đình. Bà lật đật ra về. Bà ra khỏi trại không quên nói lời tạm biệt với những người quen gặp gỡ. Chúc tiến bộ mau về sum họp với gia đình. Vào mùa mưa đường sá lầy lội, trơn trợt do phù sa, bà đi bộ một quãng khá xa trại, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại định có ai cùng đường xin quá giang. Một chiếc Honda Dame phía sau giảm tốc độ, dừng ngay trước mặt bà. - Hôm nay cô được về đoàn tụ cùng gia đình, vui quá hả cô. Cô ngồi lên em chở cô về. - May quá, cảm ơn em. Nếu không phải ra tuốt ngoài đường lộ mới có xe thồ. - Sáng nay, trong danh sách những người về đoàn tụ với gia đình có tên cô, nên em tranh thủ ăn trưa sớm để đón cô, em không được phép đón cô trong đó sợ lãnh đạo biết, kiểm điểm. - Em tốt quá, ơn này cô sẽ nhớ. - Ơn nghĩa gì cô, em được thế này cũng bắt đầu từ các thầy cô, chở cô về khúc đường có nghĩa gì, ngày em đi học cô rèn luyện em cùng các bạn buổi đầu đời, công sức ấy mới to tác. Xe chạy chậm vì đường trơn, thỉnh thoảng băng qua vài đoạn đường bùn, vài vũng nước đọng, nước tung tóe anh cố gắng giữ tay lái cẩn thận, sợ rủi té, không hay. Bà Giáo ngồi sau, tay ghì chặt baga. Qua vũng nước lớn, anh bảo: - Cô ôm chặt bụng em đỡ nguy hiểm hơn, đường trơn trợt lắm cô à. Mùa nầy đi lại khó khăn hơn mùa nắng, cẩn thận cô nhé. Sau khi ôm chặt anh, có vẻ chắc chắn, an toàn hơn anh bắt đầu tăng tốc. Bà Giáo tiếp tục cuộc chuyện trò, bà hỏi: - Em quê ở đâu, có học cô à. - Ngày cô mới vào trại, gặp em đã nói với cô rồi, chắc cô quên. Em luôn chú ý đến cô để bảo vệ thầm lặng - Xin lỗi em, ngày mới lên cô sợ quá, cô không nhớ nổi nữa, thỉnh thoảng chỉ gục đầu chào. - Em là Lộc, ở Nghĩa Lộc, khi em học lớp 3 cô dạy em. - Vậy à, hồi ấy lâu quá rồi, làm sao cô nhớ. - Cô không nhớ cũng đúng thôi, ngày tuổi còn thơ chúng em bé tí dưới mắt cô, bây giờ bọn các em đứa nào cũng sức dài vai rộng. Thời gian thoắt qua vèo, bây giờ là cán bộ đàng hoàng. - Cô biết không, trí nhớ của em cũng được cô à. Các thầy cô trường tiểu học em vẫn nhớ. Lộc đọc phanh phách tên các thầy cô dạy từ lớp một đến lớp năm những giáo viên trường bà Giáo dạy, thậm chí có thầy bà quên, nhờ Lộc mà bà gợi nhớ các đồng nghiệp cũ của nhà trường. - Không biết quý thầy ở trường tiểu học Nghĩa Lộc giờ có còn ai ở đó không em? - Dạ, không thấy ai cô à, - Cô dạy 3 năm ở Nghĩa Lộc, rồi thuyên chuyển về quê, nên ít gặp các thầy cô ở đó. Thời trước thỉnh thoảng họp giáo viên toàn quận thì có, sau nầy cô cũng ít họp trên ấy nên cũng không biết, nhất là sau 75 không còn gặp thầy cô nào nữa. - Có lẽ các thầy cô đi làm ăn xa. - Còn em, sau tiểu học, em học ở đâu? - Sau em thi Trung học không đậu em học tư thục, hồi đó đậu được trung học công lập khó quá cô à. Cũng may, mẹ em tần tảo chỉ mong em có chữ nghĩa sau nầy biết sống với đời, vì vậy em cũng cố gắng học tập, đến lớp 10 em hoạt động cách mạng, khi thống nhất, em chuyển qua làm trong đó mãi đến giờ. Em đậu tú tài bổ túc xong, mấy năm sau theo học khóa sĩ quan về công tác tại đây. - Vậy hả, mừng cho em, tuổi trẻ chỉ có học tập mới tiến thân em à. - Dạ Chiếc xe bây giờ bon bon trên đường. Hai cô trò vừa đi vừa nói chuyện, đoạn đường đến nhà dần thu hẹp, đã qua đèo Eo Gió chuẩn bị tới Nghĩa Hành, cảnh vật thay đổi nhiều, mới vài năm mà nhà cửa hai bên đường có vẻ đông đúc hơn, và lòng bà cũng bắt đầu cuộc đổi thay sau những ngày kiềm tỏa trong trại, bà càng hớn hở khi sắp được đặt chân vào ngôi nhà cả đời bà gắn bó, mong mỏi ấy sắp hiển hiện. Sự đổi thay hai bên con đường lùi lại theo chiếc xe lao về phía trước, để lại vệt bụi mù của con đường đất bà đã từng đi lại nhiều lần. Quá trưa, bà Giáo trở về ngôi nhà thân yêu, niềm vui ấy rộn ràng chợt nước mắt sướng vui bỗng lưng tròng khi quay về chốn cũ. - Em đã đến nhà cô, vào nhà uống nước, nhờ thế này em mới biết nhà cô. Nghe tiếng bà, ông Giáo vội vả bước ra. Lộc cúi đầu : - Chào thầy Ông gật đầu, rồi vội vả: - Mời em vào nhà, quý hóa quá, em đã đến nhà vào uống nước. - Dạ, Hình như là thầy giáo cũ, thời trung học thì phải, hay là người giống người? Lộc thoáng suy nghĩ, gạt chân chống dựng xe bước vào nhà. Cửa nhà trên mở toang, ông giáo đã mặc bộ Pyjama, đem theo bình thủy nước lên và mở tủ thờ lấy bình và mấy tách trà, pha trà rót 3 tách nước khói nghi ngút tỏa, ông trân mời ân nhân đã chở bà về : - Em uống nước đi, tôi vừa pha, trời se lạnh, uống cho ấm bụng - Dạ, mời thầy, mời cô. Hai người cùng uống, thường nhật ông chỉ uống trà buổi sáng, hôm nay có khách ông uống thêm buổi trưa, may là ông chợp mắt trước khi bà nhà về, uống nghe ngon. Bà Giáo cũng đã đem nải chuối chát, ngày hôm qua ông đã đốn đem vào nhà. Nải chín lớn nhất được cắt ra, mang lên, bà mời: - Em ăn chuối đi, cũng quá trưa rồi, em ăn trưa sớm, chắc đói bụng rồi, của ít lòng nhiều em à. - Bà đưa Lộc, cùng ông nhà, bà cũng một trái, có lẽ đã đói, từ sáng giờ bà không bỏ bụng thứ gì, khi người ta mừng vui thường ít thấy đói. Cả 3 cùng ăn. Bà giới thiệu với ông : - Mình à, đây là Lộc, học trò cũ tôi thời tôi dạy ở Nghĩa Lộc, bây giờ em là cán bộ trại giam. Em biết tôi hôm nay về nên ra tận đầu đường đón tôi, một nghĩa cử rất đáng trân trọng của học trò cũ. - Cô trò gặp nhau trong hoàn cảnh éo le, may là em biết đạo lý, nên em giữ được chữ nghĩa, chữ tình, quý thay. - Thầy à, với em, việc chính quyền là của chính quyền, cô có vấn đề chính quyền cho học tập, cô học tập tốt được giám định cho về, với em cô là cô giáo cũ - Người bắt bậc thang học tập cho em thuở đầu đời ai cũng từng được đi qua, em quý trọng thầy cô. - Thời nào cũng vậy, đạo nghĩa thầy trò vốn quý cha mẹ cho hình hài, thầy cô bồi đắp kiến thức, ca dao Việt có nhắc nhở học trò ‘trọng thầy mới được làm thầy’ em à. - Hình như thầy cũng dạy học? - Tôi là công chức chánh ngạch, dạy thêm tư thục thôi. - Thầy dạy sử địa phải không? - Đúng rồi. Sao em biết - Em đoán thôi - Hồi em học Quảng ngãi Nghĩa Thục, cũng may thời đó có trường không học phí, nhà nghèo nên khó lắm thầy à, mẹ em cố gắng tảo tần cũng đủ tiền trọ và tiền ăn. Thầy dạy môn sử địa, giáo sư dạy em giống thầy lắm - Tôi có dạy Quảng Ngãi Nghĩa Thục mấy niên khóa, môn sử địa. - Xin lỗi thầy, Có phải thầy C… ? - Phải, em có học tôi à - Hồi ấy, em học Thu Xà, sau ra Nghĩa Thục thầy có dạy, em học được 2 năm lớp 8 và 9, sau chuyển trường vì sợ lộ bí mật - Thì ra vậy, - Thầy chỉ dạy em có một năm, em ngờ ngợ từ khi vào nhà đến giờ. Hồi ấy thầy vẽ bản đồ và chữ viết rất đẹp. Em thích nhất là vẽ đến đâu thầy giảng đến đó. Bây giờ thầy ốm và già đi nhiều, nên em không nhận ra liền, khi em nói chuyện mới thấy giống. Ồ, tình cờ em lại được gặp thầy cũ, biết được thầy cô, quý quá, thầy bây giờ không dạy nữa sao? - Nghỉ rồi em à. Định nói gì thêm, nhưng rồi ông bỏ lững… - Thầy à, cô đã đầy đủ mọi tư cách công dân, có điều còn quản chế, thời gian tới mong cô chấp hành tốt chính sách địa phương, thầy động viên cô, thầy nhé - Vâng, cảm ơn em. Bà Giáo cũng thấy vui vì Lộc cũng là học trò cũ của ông. Thầy cô, thời chiến tranh ở phố, hòa bình mới hồi hương về quê. - Em ăn chuối đi, Chuối chín cây ngon, bà Giáo đưa thêm, nhưng Lộc từ chối. - Dạ, vừa rồi cô, em vừa ăn trưa trước khi ra đi, hơn nữa em còn về quê thăm mẹ, gần cả tháng em chưa về, nơi làm việc không xa nhưng trở ngại đường sá, nên em cũng ít được về thăm mẹ. Khi nào có dịp em ghé thăm thầy cô, thỉnh thoảng em vẫn công tác xuống địa bàn các xã, thuận tiện em ghé thăm. Bây giờ em xin phép về nhà. Bà Giáo nói : - Cô cảm ơn em rất nhiều, đã giúp cô đến tận nhà, chỉ có học trò cũ có tình nghĩa mới như vậy thôi, chúc em làm việc tốt, xứng đáng một cán bộ mẫu mực với cuộc đời này, em nhé. Lộc kính cẩn bắt tay ông giáo và cúi chào bà giáo ra về. Hai ông bà tiễn Lộc tận xe, khi xe khỏi ngõ ông bà mới quay vào. Mình chưa ăn trưa phải không? Cơm còn ít, ghế củ lang, mấy con ở nhà rất tiết kiệm, xuống ăn đỡ, chiều mấy nhỏ về mua thêm thức ăn. Khi mình đi rồi, cũng được là con Thanh tháo vác từ việc Hợp tác xã, công ích, thủy lợi và cả đoàn thanh niên của tụi nó cũng hoàn thành. Bà Giáo mang cơm lên nhà ngang trên chiếc bàn nước cùng chén mắm cái, con mắm còn đỏ hỏn, bà ăn ngon lành, ông có cảm giác như mình ngày trở về khi ra trại được ăn cơm như bà bây giờ. Bà Giáo nói : - Ăn chén cơm với mắm cái ở nhà ngon đáo để, ngon hơn cả những bữa tiệc thịnh soạn khi hội họp tổ chức, tuy trên đó tôi không đói cơm, sát cái bếp ăn, nhưng về nhà không khí hoàn toàn thoải mái, không như trên trại. Khi tôi ở đó tôi thường tưởng tượng về mình, và hiểu thêm chế độ học tập cải tạo mặc dù đây mới chỉ là trại của những người cấp bậc thấp. - Ở đời khi thực nghiệm rồi, có thể không nói cũng hiểu, huống chi tôi đã kể cho mình. Sự cảm nhận có khi còn thú vị hơn lời kể. Nè, mà mình à, mình bị tội gì vậy, họ có cho mình biết không ? - Có chứ ông, ban đầu khi mới lên ngày nào họ cũng bắt tôi cũng khai tường trình về dạy học, có gì khai nấy. Cán bộ quản giáo nói tôi khai không đúng sự thật, họ đã biết hết. - Chiêu thức ấy, hình như có lớp lang cả rồi. - Hôm sau bắt tôi khai lại, đến lần thứ mấy tôi cũng chẳng nhớ - Cuối cùng thì sao ? - Trời ơi, ông nghĩ xem, họ đưa một tờ danh sách cán bộ, viên chức ngành giáo dục cũ các trường trong huyện, trong đó có tên tôi là bí thư đảng Dân Chủ. Tôi giải thích với họ rất nhiều lần, đối với thời Quốc gia, đảng Dân chủ là hợp thức hóa công chức thôi, nghĩa là ai là công chức ăn lương chính phủ thì mặc nhiên là thành viên đảng Dân Chủ. Họ không tin. Nhiều lần như vậy, tạm thời họ để đó sưu tra lại. - Sao hồi đó mình nhận, các thầy Hiệu Trưởng, phó lẽ ra để mấy thầy đảm nhiệm chứ! - Năm 1972, sau vụ mùa hè đỏ lửa, chiến sự bắt đầu ác liệt có mấy thầy lại bị động viên vào lính, ông Hiệu Trưởng nhà dưới phố, nói : ‘Cô Vân làm bí thư nghe, tôi ghi vào danh sách nộp lên’. Tôi chỉ ừ, cứ nghĩ các thầy nhà dưới phố lại đàn ông, khi có việc đến chiều mất an ninh lo về sớm vẫn hơn. Đâu biết bây giờ mấy ổng truy ra. - Đảng Dân Chủ của ông Thiệu ghi tên cho có lệ, chứ chẳng hoạt động gì có lẽ mấy ông bây giờ suy diễn như đảng Cộng Sản tưởng chặt chẽ dữ dội, mật thiết lắm, khi tìm hiểu được sự thật họ cho về. - Tôi nghĩ vậy. Mình biết không, ban đầu họ tưởng tôi cũng như mấy ông huyện ủy thời nay nên hành xác không chịu nổi. Cả đời mình chỉ biết tới bọn trẻ con chăm nom, uốn nắn cho các em mai sau thành người hữu dụng cho xã hội, nghề giáo, nhất là giáo dục tiểu học. Coi như một tai nạn. - May thay, mình cũng được về sớm, nếu không dây dưa cũng mệt, mình cũng chẳng biết đâu mà lần, mình chỉ là nạn nhân thôi. Cảm ơn trời đất, dù gì mình cũng còn diễm phúc. Thôi mình đi nghỉ tí đi, chiều bọn nhỏ về, mừng lắm, trông mẹ về từng ngày. Tiếng í ới của bọn nhỏ trong nhà sau buổi hoàn công trồng lang HTX cho một gia đình trong đội đã hoàn thành, bọn nhỏ còn trò chuyện ngoài ngõ, bà Vân nghe xôn xao tiếng người nói cười ra đứng trước cửa. Thấy bà, tụi nhỏ như ong vỡ tổ: Mẹ đã về, lập tức chạy vù vào quên cả bạn còn ngoài cổng ngõ. Chiều xô dần vào tối, mùa đông ngày ngắn, mặt trời chưa sập sau núi đã nhá nhem tối, lời nỉ non của loài dế bắt bầu khúc giao hưởng tự tình, khúc nhạc muôn thuở của nông thôn nghe có gì da diết nhưng cũng thê thiết lắm. Buổi tối, cơm nước cùng chồng con nhìn đôi mắt đứa nào cũng hân hoan, vui vẻ, không khí nhộn nhịp ngày đoàn viên, bà vui khôn xiết sau gần hai năm học tập cải tạo. Hai năm trong ấy sao dài quá, nhớ gia đình kinh khủng, bà chưa bao giờ xa nó dù thời vàng son nhất trong những ngày dạy học, thậm chí đồng nghiệp bà cứ khuyên bà nên đi chơi xa đâu đó một chuyến như Nha trang, Sài Gòn, Vũng Tàu… cho rộng tầm mắt, chỉ vì yêu gia đình bà lần lửa mãi chẳng đi đâu. Cả đời dạy học, kỳ nghỉ phép nào bà cũng chỉ tranh thủ về Đà Nẵng thăm cha mẹ già, có thể dẫn thêm đứa nhỏ nào về thăm vài ba ngày, rồi lật đật quay về mái ấm gia đình. Phụ nữ thời ấy mãi hoài chăm nom gốc rể cho gia đình. Có lần ông Giáo đi công tác Sài Gòn nhân bà được nghỉ phép năm đó, song vì yêu con, bà cự tuyệt lời đề nghị của ông ‘nên đi một chuyến Sài Gòn để biết thủ đô hoa lệ’, bà dứt khoác không đi. Chị Thanh, sau khi nghe mẹ kể sự gian khổ trong những ngày ấy, chợt chị hỏi: - Mẹ à, họ bắt mẹ học tập vì lý do gì vậy? Bà chỉ trả lời ngắn gọn: - Ừ thì đi dạy cho chế độ cũ cũng đã có tội với chính quyền mới. Không ít thì nhiều. Dũng lại tỏ ra bất bình, chen vào: - Đi dạy cũng có tội à? Mấy ông này kỳ cục hết sức. Đi lính, chỉ huy hay lính trực tiếp chiến đấu thì thôi được đi, đàng nào cũng gián tiếp hoặc trực tiếp bắn giết với nhau, đàng này đào tạo cho con người mai sau thành người cho xã hội cũng có tội, không thể nào chấp nhận, thật là vô lý. - Nghĩa là lúc mẹ là giáo viên có tham gia đảng phái cùa tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. - Hồi đó ai công chức cũng vậy mà, sao những người khác lại không ? - Vì mẹ có chức sắc hơn. Nhưng thôi, mai mốt con sẽ hiểu, nổi oan này không phải riêng cha mẹ, mà cả miền Nam con à. Lịch sử vẫn còn đó. Chị Thanh nói vào : Mẹ cũng học tập cải tạo nhưng về thấy đỡ hơn cha nhiều, không bịnh hoạn, sức khỏe cũng ổn, vậy là mừng rồi em à, làm sao mình hiểu được. Có mẹ về mẹ tính chuyện, con cũng đã cố gắng quán xuyến trong thời gian mẹ đi, ít ra con cũng đã hoàn thành sứ mạng. Út giỏi lắm mẹ à, có miếng canh, miếng cá cho cả nhà cũng nhờ Út cả, nếu không có Út chắc cuộc sống tồi tệ hơn. Bà Giáo Vân quay sang nói với Út : - Bây giờ, mẹ về mới thấy hết sự trưởng thành của Út, cha nói đúng. Thời không cho Út may mắn thì đời cho vậy, mẹ cảm ơn con đã phụ giúp gia đình và cả mẹ nữa, những lần chị Thanh thăm mẹ đều nhờ vả tiền con làm ra tuy không nhiều những cũng đủ trang trãi trong những tháng ngày nhà mình lao đao. Nếu không có gánh hàng xén của con có lẽ không được thế này. - Mẹ à, buổi sáng con mua bán ở Hơp tác xã mậu dịch, chiều con về xuống chợ bán, quần áo cả nhà lúc tết toàn là hàng HTX, vì vậy bán buôn cũng tạm được, con làm vài năm, nếu có chút tiền bạc con vào Sài Gòn, nghe các anh chị về nói mà ham. Người ta không câu nệ lý lịch như ngoài mình, ai giỏi kiểm tra sát hạch được là vào làm, có năng lực là tiến thân được. Tất nhiên là con cán bộ còn ưu tiên cất nhắc. Con có thể học lại và thi để cho chính quyền biết, con vẫn đọc sách và xem bài thường xuyên mẹ à. Anh Dũng cũng đã nói là ảnh sẽ vào Nam, ngoài nầy với lý lịch thế nầy thì cả đời ăn tro mò trấu. Con ủng hộ ảnh. - Bây giờ, nhà mình thất thời, thất thế cha mẹ chẳng làm được gì, không thể nhờ vả được ai, ngày trước mẹ cha giúp đỡ biết bao người ở cái xã nầy ra phố học tập, ở trọ phố học tập, nhưng họ chớ hề biết ơn nghĩa, họ dững dưng. Thế đời nó vậy. cha mẹ chẳng biết thế nào chỉ cậy ở các con. Mẹ vẫn tin Hoàng thiên hữu nhãn. Hai mẹ con nhỏ to tâm sự đến khuya mới nghỉ ngủ, ngày mai con còn làm việc và mẹ cũng cả ngày đường chưa thẳng lưng. Ngoài trời gió mạnh thêm, chuyển mưa. Có thể trời mưa lớn, mưa cho trôi tất những muộn phiền về với biển để hóa thân trở thành những thắm tươi cho cuộc đời, mở ra một chương mới cho đất nước đẹp đẽ hơn, có lẽ trong thâm tâm mọi người ai cũng mơ như thế, nhất là bà Giáo Vân. Mọi ngôn ngữ bất lực trong thời đại này, chỉ có bao tử là dữ dội, tất cả tranh đấu cho từng miếng ăn để tự tồn, một khi bao tử lép kẹp, con người chỉ duy nhất nghĩ đến miếng ăn. Bản năng lặng lẽ quay về trên mỗi thể thân. Tất cả ai đã đi qua đoạn đường này mới thấu thị. Phương thức giải quyết thế nào mỗi người tự tìm thấy trong chính mình, bà giáo Vân mãi hoài suy nghĩ, tìm cho mình sự phù hợp nhất chỉ mong sao giải quyết được vấn đề cơm áo, chẳng đơn giản chút nào trong những ngày sắp tới. PND (CÒN NỮA)
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: