Tìm sách nuôi gà chọi
Mọt Sách 11.11.2003 12:40:33 (permalink)
hôm rồi nhận được một thư của bạn đọc gửi tìm mấy cuốn sách, nhưng mình cũng không biết nên đăng vô đây ai biêt tìm dùm nhen

Tôi sống ở Việt Nam. Tôi đang tìm sách, tài liệu nói về cách chọn và nuôi gà đá (gà nòi).
Tôi thường vào VN.NET để đọc sách thư giản.
Nhân đọc bài "Thử đọc lại Kim Dung" của tác giả Nguyên Nguyên có đề cập đến cách chọn gà đá của Tả Công Phạm Văn Duyệt và cuốn "Cờ Bạc" của Huỳnh Văn Bánh tôi muốn đọc 2 tác phẩm này nhưng tìm ở Việt Nam không thấy (tìm cả trên Thư Viện Online cũng không thấy).
Tôi muốn nhờ Thư viện Online giúp đỡ cho tôi hai cuốn sách trên cũng như các tác phẩm khác liên quan đến việc chọn nuôi gà đá.
tôi thành thành cảm ơn.
Mong tin hàng ngày.
#1
    mickey 25.11.2003 01:29:13 (permalink)
    nói thiệt là từ đó đến giờ mic chưa thấy gà đá, gà chọi bao giờ, nhưng mic có tìm được mấy quyển sách viết về gà, hong biết có phải thứ gà mà bạn đọc ấy muốn tìm ko, có mấy cuốn ghi rõ là chăn nuôi gà, thì chắc là hỏng phải gà chọi, chỉ có một cuốn ghi là Kỹ thuật nuôi gà tam hoàng, chẳng biết có phải là gà đó ko nữa

    #2
      NKT 30.11.2003 16:34:28 (permalink)
      He he he, gà tam hoàng là gà thịt, còn chơi gà chọi thì tôi chưa từng thấy có sách viết, nhưng có rất nhiều phóng sự, mà hy vọng qua đó bạn sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Mình có đứa em ham mê món này lắm...nên có tham khảo qua ý kiến của nó, nó bảo cứ lê la ở mấy xới gà, riết dần thành quen ngay ấy mà, mấy phóng sự dưới đây hi vọng " mua vui cũng được một vài trống canh."

      Chọi gà, một thú chơi công phu


      Nếu loại trừ tính chất cờ bạc ra khỏi trò chơi chọi gà thì đây quả là một thú chơi mang đầy tính nghệ thuật.

      Một nghề chơi công phu
      Theo những người chơi gà “có nghề” thì để tạo được một con gà tài, việc then chốt là phải biết chọn dòng. Gà mẹ phải được xuất thân từ dòng gà bền bỉ, có sức chịu đòn tốt, gan dạ và nhất là không có thói xấu “trả độ”. Còn gà bố phải thuộc dòng có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay. Ðược hội tụ những tố chất trên, trong đám gà con được sinh ra thế nào cũng có được ít nhất là 1 con gà tài. Trước đây, những dòng gà mái “chiến” (gà dữ) đều tập trung ở các vùng phía Nam như: Mũi Né, Chợ Lầu (Phan Thiết), dòng gà của cụ Tôn Thất Ðệ ở Nha Trang, dòng “Xám rách” của ông Bảy Ðệ ở Vạn Giã (Khánh Hoà). Còn hiện nay, do qua nhiều năm các tay chơi trao đổi với nhau nên những dòng gà hay đã được rải đều ở các địa phương.

      Chọn gà tài phải được bắt đầu từ thuở “sơ sinh”. Trong một bầy gà vừa nở, người ta sẽ chọn con gà tách bầy đi bắt sâu kiếm ăn một mình, hoặc đêm về không “rúc vào nách mẹ” ngủ mà lại nằm ngủ đối mặt với mẹ (gọi là gà chầu mỏ). Còn nếu chọn gà không do mình tự “đúc” thì dựa trên những tiêu chuẩn căn bản như: cựa nhật nguyệt (cựa đen, cựa trắng), gà lưỡng nhãn (2 con mắt khác màu), gà có bớt trong lưỡi hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân, sải cánh, duỗi cổ như chết). Những con gà được xem là “linh kê” khi chúng có những biểu hiện “lập dị” như: chúm chân bước từng bước đi như lính đi diễu hành, mặt cứ lắc qua lắc lại liên tục, hoặc mỗi buổi sáng sau khi được phun nước cứ đi vòng quanh lồng (gọi là gà né lồng).

      Dân chơi gà đã đúc kết những đặc điểm trên bằng mấy câu: “Nhất thời chân chúm bỏ ra, nhì thời lắc mặt thứ ba né lồng” ! Tuy nhiên, qua kinh nghiệm, hiện vẫn có ý kiến cho rằng “kê đá, mã kỵ”, phải nhìn được chân đá thì mới xác định được gà hay dở, giống như chọn ngựa phải cưỡi thử. Chọn được gà ưng ý rồi nhưng nếu nuôi không đúng cách, huấn luyện không bài bản thì cũng chẳng thể nên gà. Chế độ ăn của gà phải được tuân thủ: Một ngày chỉ cho ăn 2 diều lúa, trưa cho ăn xen kẽ rau xanh, vài ngày mới cho ăn một ít mồi tươi. Nuôi kỹ quá gà sẽ bị “nục” (mập quá) cũng không tốt. Muốn gà dày da có sức chịu đựng tốt, son gà thì phải dùng nghệ tươi, lá ngũ trảo, một chút phèn chua tất cả giã nát ngâm rượu để xoa cho gà mỗi ngày và cho phơi nắng (sáng) thường xuyên.

      Thường thì gà “chấm niên” (đúng 1 năm) mới được xây xổ tập tành chuẩn bị “tham chiến”. Những con gà đã được xây xổ xong phải được nuôi kỹ hơn nữa; tối cho ngủ mùng để khỏi bị muỗi cắn. Ðến thời điểm gà phải được cho đá dợt với một con gà khác hoặc để gà khác ngoài giỏ tre nhử trên không để tập đòn, tập thế đá cho gà. Nếu có được trong tay một con gà chuyên cắn lưng, đá ngực hoặc “đâm đùi”, “xỏ dĩa” thì chẳng còn gì bằng!

      Chọi gà xưa và nay
      Ngày xưa, ông cha ta chơi gà có thể ấn định thời gian “chọi” của gà bằng các líu (cây nhang phân đoạn) ngắn hoặc dài để gà nghỉ dưỡng sức. Nay mỗi “hồ” đấu được ấn định là 20 phút, nghỉ cho nước 5 phút, sau đó tiếp tục “chọi” cho đến khi phân thắng bại. Xưa, nếu gà mệt quá có thể đứng tựa vào nhau mà nghỉ hoặc được xử huề, nay thì gà chẳng còn “được phép” như vậy mà người chơi sẽ nắm đuôi của chúng kéo ra rồi thả vào để giục hăng cho chúng nhanh tiến đến ăn thua. Xưa, để tạo độ bền cho gà, trong những cuộc chơi người ta có thể dùng nước ấm để áp, thoa gừng hoặc cho gà uống nước tiểu nhưng nay thì không một loại thuốc nào được tiếp sức cho gà. Gà được ăn cơm, uống nước của trường gà. Do tính chất “một đi không trở lại”của cuộc chơi nên chuyện thắng bại trong một cuộc đấu không còn tùy thuộc 100% vào tài năng của con gà mà tùy thuộc phần lớn vào tài năng của người chủ. Tài năng của người chủ được thể hiện qua cách “chạng” gà. Khi “chạng”, gà được nhốt trong 2 chiếc giỏ, 2 người chủ phải “chạng” gà bằng mắt. Nhìn nhầm là cầm chắc chuyện thất bại. Cách cho nước gà sau mỗi “hồ” đấu cũng quan trọng không kém, nhìn cách chọi của gà người chủ biết con gà của mình cần cho nước nhiều hoặc ít, cần được quạt hay cần ăn cơm. Nếu làm sai gà sẽ bị giảm sức thi đấu.

      Khi thực hiện bài viết này, tôi may mắn được gặp một “chuyên gia” chọi gà: anh Trần Ðình Văn (Bảy Quéo) 53 tuổi, ở thị trấn Bình Ðịnh (An Nhơn). Anh là một “chuyên gia” đúng nghĩa bởi anh đã biết chơi chọi gà từ năm 10 tuổi, nhắc đến cái tên Bảy Quéo trong giới chơi gà có lẽ không ai là không biết. Ngoài ra, từ năm 1996 đến nay anh đã đi chơi gà tại nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc… Giới chơi gà ở nước ngoài gọi anh là “Bảy Việt Nam”. Bề dày của nghề chơi đã cho anh nhiều kinh nghiệm từ việc chọn cho đến cách huấn luyện gà. Nhất là anh có đôi mắt rất tinh tường khi “chạng” gà. Rồi khi nhìn gà ra đòn với nhau, anh đã dám chắc trước mấy phần con gà nào thắng. Do đó gà của anh nuôi ra trường đấu ít khi phải chịu thất bại. Hiện anh đang có nguồn thu nhập rất cao từ việc cung cấp gà chọi cho dân chơi gà của các nước trong khu vực. Ngoài những con gà được “đúc” từ lò nhà, anh còn đến các trường gà xem “chân” để chọn mua gà cho “xuất ngoại”. Gà trong nước anh mua từ 500.000đồng đến vài triệu đồng/con, sang các nước bán được từ 100 đến cả ngàn USD/con.

      Mạnh mẽ vì tính chất quyết đấu của nó, còn dịu dàng là vì chăm một con gà chẳng khác gì chăm một đứa con. Có lẽ những tình cảm đáng quý ấy không còn tồn tại mấy trong những người chơi gà chọi hiện nay, bởi cái đích chính của những người chơi bây giờ là những đồng tiền cá độ ! Thật đáng tiếc ! Giá như trò chơi chọi gà còn nguyên tính nghệ thuật như thuở ban đầu thì quả là một thú chơi vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, rất hấp dẫn.


      Vũ Ðình Thung

      <Edited by: NKT -- 11/30/2003 12:39:20 PM >
      #3
        NKT 30.11.2003 16:41:13 (permalink)
        Thảo Hà

        Cứ mỗi dịp Tết về, trong đời sống con người chúng ta có biết bao trò chơi bổ ích, giải trí để vui xuân. Biết bao trò chơi để tiêu khiển hấp dẫn, rồi nhiều thú thư giãn nhộn nhịp trong 72 tiếng đồng hồ tồn tại của ngày đại lễ truyền thống cổ truyền dân gian Việt Nam có từ ngàn xưa. Nhưng có một trò chơi vốn không xa lạ, mang đậm tính văn hoá nghệ thuật dân tộc mà tất cả mọi người từ miền thôn quê hẻo lánh đến thị thành sầm uất đều đam mê không kém so với các trò chơi xuân khác như bài chòi, lô tô, hát xẩm, tam cúc, hát bộ, đua thuyền, đua ngựa, chọi trâu... đó là chọi gà - một thú tiêu khiển dung dị đời thường, tao nhã luôn luôn làm say mê lôi cuốn nhiều người.


        Trong một trận bóng đá, cầu thủ bên nào ghi được bàn vào lưới đối phương, thì cầu thủ đó lập tức nhận được sự tán thưởng của những người hâm mộ. Còn trong vòng đấu khắc nghiệt, sinh tử của hai chú gà trống chọi thì luôn được ví ngang như hai võ sĩ đang thi đấu trên vũ đài. Một lần ra đòn đúng ngay tầm đích, nhất là những đòn đánh, đá đẹp mắt vào yếu huyệt của đối thủ thì chú gà trống ấy được cổ vũ bằng những lời reo hò, động viên thích thú từ vòng người đang xem bên ngoài.

        Lúc sinh thời, tả tướng quân Lê Văn Duyệt rất mê nuôi và chơi gà chọi. Ông thường nói với thuộc hạ tả hữu xung quanh mình rằng một chú gà trống luôn hội tụ đủ 5 yếu tố, phẩm chất cao quý, tuyệt vời như một trang dũng tướng, hoặc một đấng nam nhi đại trượng phu. Tức là có đủ cả trí-vũ-dũng-uy-nhân không thua gì đặc tính vốn có ở con người. Những yếu tố cơ bản ấy được phô diễn, biểu lộ ra hẳn bên ngoài ngay khi đang đứng, đang đi, đang chiến đấu với địch thủ. Chính vì thế mà có rất nhiều đức ông, thanh niên tuổi trẻ không những đam mê nuôi chơi gà chọi mà còn luôn ham thích, nâng niu, yêu quý chúng còn hơn những động vật nuôi khác trong gia đình.

        Người chơi gà chọi sành điệu, am tường kỹ lưỡng thì họ luôn rất rành chuyện chọn giống nào, nòi gì, tía, ô, xám, ô xám, tía ô..., thuộc chủng loại nào, hay dở ra sao. Người chuyên nghề thì chọn lựa kỹ hơn với kiến thức rộng trong lĩnh vực chuyên môn của nhà nghề, ví dụ con này có vuốt cong thì bất lợi hay không, con nọ móng thẳng thì hay dở thế nào, mào rộng dài thì được thuận tiện ra sao, cựa dài sắc nhọn có phải là vũ khí lợi hại, sở trường cho nó lắm không khi xông ra trận. Cánh thon dài, nhịp vỗ chậm thì đem lại những phản ứng chậm chạp khi xoay sở đánh đòn. Vẩy, vi, lông mao, tiếng gáy, dáng đứng.... cũng là những yếu tố cơ bản rất cần thiết phải có đối với một chiến binh gà trống chọi dũng mãnh và thiện chiến. Vào ngày xuân, người miền Bắc thường thích chọi gà bằng các đôi gà trống kiến ta với những bộ lông đa màu sặc sỡ; người miền Nam, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận dưới miền Tây như Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Trà Vinh đến Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước... thì thường đam mê gà tre chọi, là giống gà lai hao hao chủng loại kiến lùn, được trang bị hai cựa chân bằng hai lưỡi dao nhọn hoắt. Có nghĩa là trận đấu gà phải có một kết thúc đẫm máu khi một con phải bỏ mạng tại trường gà bởi bị một đòn nốc ao của đối phương đâm vào tử huyệt. Trận đấu bao giờ cũng được đánh dấu bằng một cây nhang cho từng hiệp đấu (cây nhang trầm đốt lên để đánh dấu) cũng có con bền bỉ đến 4-5 nhang, có khi cả ngày mà vẫn chưa chịu thua chạy. Sức chiến đấu ngoan cường và say đòn cho đến khi kiệt sức bất tỉnh khuỵu xuống và huyết nhuộm đỏ toàn thân. Người miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Định, Phú Yên nhất là từ Khánh Hoà trở vào tới Bình Thuận, Đồng Nai thì thích chơi giống gà nòi cao giò - loại gà nặng ký ra đòn đau hơn, mạnh mẽ hơn, bền sức chiến đấu và ngoan cường dũng mãnh đến hơi thở cuối cùng với kẻ thù. Riêng ở Bình Thuận, những năm gần đây phong trào nuôi gà chọi hồi sinh trở lại có chiều hướng gia tăng phát triển, có điểm, sân, trường gà hẳn hoi, với lò đào tạo, nhân giống nuôi dạy rất tốt. Phong trào chọi gà ngày xuân ở thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Thành phố Phan Thiết vào những ngày tết luôn luôn rất sôi nổi không thua gì sức hấp dẫn từ các trận cầu trên sân cỏ thế giới. Ở thị trấn Liên Hương, Chí Công, Phan Rí Thành... có nhiều người nuôi các giống gà nòi nổi tiếng từ các tỉnh bạn, địa phương xa như giống Ninh Hoà, Cam Ranh, Nha Trang, nòi Đắc Lắc, Phan Rang, Quy Nhơn, Thành Diên Khánh... để làm giống lưu truyền cho những mùa sau.

        Và mỗi khi Tết về, thú nuôi chơi gà trống chọi lại xuất hiện, rộ lên cùng với những lôi cuốn hấp dẫn mà nó đem lại như một niềm vui giải trí văn hóa cuộc sống cho con người, như một thú thư giãn, tiêu khiển tuyệt vời không thể thiếu trong 3 ngày xuân.
        #4
          NKT 30.11.2003 16:47:59 (permalink)


          Tại nhiều tỉnh thành đang bung ra các sới chọi gà với quy mô lớn. Những tay chơi tự lấp liếm thú đam mê cờ bạc của mình bằng triết lý “chơi gà chọi là cái nợ đời”. Không ít người đã khuynh gia bại sản, tan vỡ gia đình vì nghề "bạc gà" này.

          Phường gà Ninh Xá là một mảnh vườn rộng chừng 200 m2 nằm ẩn sâu trong ngõ chợ Đọ, phường Ninh Xá, thị xã Bắc Ninh. Bãi để xe chật kín với đủ các biển số xe từ Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh... cho đến Thái Bình. Nơi lòng sới, dân đá gà vây kín, tất cả dán mắt vào cặp gà đang đá nhau chí tử. Con tía lửa (màu đỏ) đến từ Hà Nội có vẻ thắng thế hơn, con ô (màu đen) bản địa vẫn điềm tĩnh thủ thế. Cứ mỗi đòn buông ra là cả sới gà như nổ tung bởi những tiếng bình phẩm xuýt xoa... và những lời khích bác nhau. Phần đông là dân cá độ chuyên nghiệp, số còn lại dính đến cá độ theo lối “tài tử”.

          Trận này, đôi gà đá “bằng phân” nhau - tức năm ăn, năm thua. Tuấn “cụt”, vốn đã nhẵn mặt ở phường gà này, đặt cược cho con ô. Cả sới bỗng nhao lên vì con gà ô bắt đầu phản đòn. Sau cú đá hiểm hóc của con gà ô, Tuấn “cụt” dâng luôn tỷ lệ cá cược từ năm ăn, năm thua lên năm ăn một. Lại một đòn nữa của con ô. Cả sới gà náo động. Lượng tiền “cốp” tăng chóng mặt, tỷ lệ cá cược thay đổi liên tục. Chỉ trong ít phút, lượng tiền cược trên sàn đã lên tới vài chục triệu đồng. Những con bạc vây quanh vẻ mặt đầy tâm trạng, kẻ rạng rỡ, kẻ trầm ngâm lo âu. Đã hết hồ thứ sáu (mỗi trận được tính làm 10 hồ - hiệp đấu, mỗi hồ 15 phút), cặp gà vẫn chưa phân thắng bại. Sới tạm nghỉ cho hai đấu thủ hồi sức, dân đá gà tản ra ngồi uống nước. Tuấn “cụt” tỏ ra rất vui vì đã dốc gần 5 triệu cho trận đá này.

          Dân chơi gà rất đa dạng, giàu có, nghèo có, chuyên nghiệp có, tài tử cũng có, song hầu hết chung nhau ở chỗ mê gà và có máu đỏ đen. Tuấn "cụt" là người khá nổi trong làng gà chọi. Anh ta biết chơi gà từ ngày còn “thò lò mũi xanh”, đến nay đã 41 tuổi. Gần 30 năm lăn lộn trong nghề khiến hắn trở thành một tay "bạc gà" lão luyện của vùng Bắc Bộ. Chưa trận nào hắn chơi dưới 2 triệu, trận nào kết chơi hơn chục triệu là chuyện thường. Hắn lập gia đình, nhưng vì quá đam mê các canh bạc đỏ đen nên cái gia đình ấy đã tan vỡ.

          Thế nhưng mức độ chơi bạc gà của Tuấn “cụt” chưa ăn thua gì so với Hậu “trọc”. Dân đá gà miền Bắc chỉ biết hắn có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội chứ không ai biết chính xác hắn làm nghề gì. Hắn thường hay bê gà đi khắp các sới bằng chiếc ôtô hiệu Camry trị giá vài chục ngàn USD của mình. Hắn từng chơi những trận cá cược gà hơn 50 triệu đồng...

          Nói đến kẻ bạc gà không thể quên những tay chủ sới. Phần nhiều họ đều có “máu mặt” ở địa phương, đồng thời cũng là những “tín đồ” của “đạo bạc gà”. Họ mở sới không phải chỉ là tạo sân chơi lành mạnh cho dân mê gà mà cốt để kinh doanh, thu tiền sới sau mỗi trận đấu, trong đó bao gồm cả “phí an ninh”, “phí liên lạc”. Đó là chưa kể hàng trăm thứ dịch vụ kèm theo như ăn uống, giữ xe... với mức giá cắt cổ.

          Nếu ngày nào đông khách mỗi phường gà thu nhập không dưới tiền triệu. Cách tổ chức đá gà ở những phường gà này mang đậm tính chuyên nghiệp. Mỗi sới đều có lịch đá cụ thể. Có sới đá liền cả tuần như ở Vạn Phúc, Hà Đông, có sới đá hai ngày một tuần như ở đền Đô, Từ Sơn, Bắc Ninh (thứ ba, thứ năm), hay sới Yên Sở, Tây Hồ, Hà Nội (thứ bảy, chủ nhật).



          Dính đến đá gà là dính đến tiền vì vậy dân chơi không từ một thủ đoạn nào để giành phần thắng về mình. Họ thường bắt cược những con gà khi đã nắm vững được lai lịch của nó: đã thua trận nào chưa, đã đá như thế nào... Phong độ gà ra sao, hôm ra trận phân nó có đen, da có đỏ, thần khí có linh hoạt không? Nếu sơ ý bắt phải gà “chột” là đi thua. Gà chột là loại đã thua trận và không đá được nữa, nếu đá cũng chỉ vài hồ là bỏ chạy.

          Vài năm trước dân đá gà chuyên nghiệp không quên con gà ô rụt của Sự “già” người Thái Bình. Con ô rụt này có đặc điểm khi lâm trận chỉ rụt cổ lại, lì đòn và đánh trả rất ít trong mấy hồ đầu. Điều này khiến đối phương lầm tưởng là nó sắp thua liền tăng tiền cọc theo “cửa trên”. Sau đó con ô rụt mới tung ra những đòn khốc liệt. Chính vì thế mà con ô rụt từng một thời tung hoành khắp các sới gà miền Bắc và khiến bao tay chơi gà nhớ mãi “bài học cay đắng” ấy.

          Vì đồng tiền, các con bạc không từ một thủ đoạn nào. Có khi lừa lúc chủ gà sơ ý, họ liền đánh thuốc mê, cho gà ăn bả..., thậm chí còn dùng cả kim tẩm độc châm vào mình gà. Dính phải những “độc chiêu” này, nạn nhân gà chỉ còn cách nằm bẹp gí trên sới hoặc về “chầu giời” sớm.

          Chơi đá gà đã khiến không ít kẻ bị khuynh gia bại sản và cũng có không ít người sống bám vào nó.

          (Theo Tuổi Trẻ )
          <Edited by: NKT -- 11/30/2003 12:49:44 PM >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9