Hôn nhân của người Thái
QVPT 16.11.2003 06:26:10 (permalink)
Việc hôn nhân của dân tộc Thái chủ yếu theo chế độ một vợ một chồng. Thời trước, khi kết hôn, nhà trai phải đem đến nhà trưởng bản mấy chục đồng bạc, và cũng phải đem tiền đến cho cha mẹ cô gái, đồng thời cũng phải mang cả tiền đến biếu "người chị cả" trong bản nữa. Sau khi làm lễ cưới, người con trai phải đến nhà gái ở rể ba năm. Trong ba năm ấy chàng rể phải gánh vác mọi việc trong nhà. Tục ngữ của người Thái có câu: "Được một chàng rể, là được một người làm". Nếu đi ở rể chưa hết thời hạn, mà người con trai muốn trở lại nhà mình, bên nhà trai phải nộp cho cha mẹ cô dâu mấy chục gánh thóc (mỗi gánh chừng 40 kg) và trên 100 chiếc chiếu.

Không những khi cưới vợ phải mất tiền mà ngay khi ly hôn cũng mất tiền. Nếu bên nam đòi ly hôn, thì bên nữ được tiền bồi thường, nếu như bên nữ đòi ly hôn thì ngược lại. Nếu chưa bồi thường đủ, bên nữ còn chưa được đi lấy chồng mới, phải chờ đến khi nào chàng rể bồi thường đủ số tiền quy định, mới được đi bước nữa. Nếu cô gái đi lấy chồng lần thứ hai thì nói chung tiền cưới cũng đã nhẹ đi rất nhiều, với lý do mà người Thái vẫn thường nói: "Bát nước đổ, không bốc đầy lại được".

Thời trước, con cái nhà thường dân không được phép "đeo đuổi" con gái các nhà Thổ Ty tầng lớp trên, và không được phép kết hôn với những cô gái ấy. Ngược lại, con cái nhà thổ ty có thể tuỳ tiện "theo đuổi" con gái nhà dân thường và cũng có thể kết hôn với họ. Song vợ cả của những chàng trai ấy bao giờ cũng phải là những cô gái của tầng lớp trên, tuyệt đối không được là con gái nhà dân thường. Những cô gái nhà thường dân một khi đã thất thân với con trai nhà tầng lớp trên thì suốt đời không lấy được chồng nữa. Bởi vì trong dân chúng đã có câu: "ở nơi hổ đã ngủ qua, thì ta làm sao lại tới chỗ đó mà ngủ được".

Việc ly hôn của người Thái cũng rất tự do, và tỷ lệ ly hôn khá cao. Hai bên nam nữ, sau khi đính hôn, nếu không tiến hành hôn lễ đúng định kỳ, thì được coi như đã ly hôn, và được phép tuỳ ý đi tìm đối tượng mới. Chồng đi khỏi nhà ba năm không về, quan hệ vợ chồng coi như được huỷ bỏ. Khi người vợ hoặc người chồng qua đời, người vợ hoặc người chồng còn sống cũng phải làm "thủ tục" ly hôn. Cách thức cắt đứt quan hệ ấy rất đơn giản: Khi đem mai táng, người ta lấy một sợi dây thừng, buộc vào thân người chết, hoặc buộc vào quan tài, rồi một người già lấy dao cắt đứt sợi thừng ấy đi, là thủ tục ly hôn coi như đã làm xong. Hoặc người sống đưa ma ra đến cửa nhà sàn cũng là xong.

Thủ tục ly hôn của người Thái rất giản đơn. Hai bên nam nữ chỉ cần trao cho nhau một đôi nến là xong. Hoặc có thể lấy một mảnh vải trắng, cho hai bên cầm kéo ra, rồi một trong hai bên cắt đứt ở phần giữa, mỗi bên giữ một nửa, thế là coi như hai kẻ hai nơi. Bên phía nữ muốn ly hôn, chỉ cần trao cho bên nam một cặp nến, miệng nói "xin lỗi, xin lỗi", rồi sau đó mang tư trang tài sản của mình ra đi.

Trong gia đình người Thái, phụ nữ chiếm quyền thừa kế tài sản; nhà cửa, ruộng đất, gia súc đều do người con gái nhỏ, hoặc người vợ có chồng ở rể kế thừa, đương nhiên họ có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng cha mẹ vợ. Người phụ nữ dân tộc Thái còn có quyền quản lý tài sản. Lương thực trong nhà đều do phụ nữ quản, muốn đem bán trâu bò, gia súc, cần phải được sự đồng ý của người phụ nữ chủ gia đình. Số tiền sau khi đem bán trâu bò mang về phải trao cả cho người phụ nữ đó. Trước kia tên con cái trong gia đình người Thái thì chữ cuối cùng nhất thiết phải giống với một chữ trong tên của người mẹ, gọi là "liên danh".

Nhưng do chế độ một vợ một chồng không ngừng được củng cố, nên địa vị của người đàn ông trong gia đình cũng được nâng cao. Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng đã bắt đầu thẩm thấu vào quan hệ nội bộ gia đình. Thí dụ như, trong gia đình người Thái, cha mẹ thường dạy con gái là "gối đầu của người vợ bao giờ cũng phải thấp hơn gối đầu của chồng mấy phân, khi ngủ không được đặt đầu mình ngang bằng với đầu chồng..." (st)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9