Văn Học Việt Nam Hải Ngoại
Nguyên Đỗ 03.12.2005 07:40:37 (permalink)
Văn Học Việt Nam Hải Ngoại Vẫn Hiện Hữu Và Đang Trong Thời Kỳ Trăm Hoa Đua Nở


(Viết nhân lúc đọc một bài phê bình về văn học Việt Nam Hải Ngoại)


Thật là giật mình khi đọc đầu đề to tát "Có hay không một nền văn học Việt Nam hải ngoại?" Mặc dù rất bận rộn, ND cũng xin trình bày quan điểm của mình cho các Bác, các Chú Thím, anh chị và các bạn trên các diễn đàn.

Phải phân biệt thế nào là văn học hải ngoại? Một văn học thuần chữ Việt Nam hay một văn học mang tính cách Việt Nam mặc dù được viết qua nhiều ngôn ngữ khác nhau? Một nền văn học thành văn bản hay một văn học có thể xuất hiện qua các thể dạng khác nhau như trên mạng lưới, dĩa mềm, hay các băng nhựa?

Nếu chỉ tính những văn học đã được xuất bản bằng Việt ngữ thì số lượng hiện nay tuy ít hơn trước nhưng lý do không phải là thiếu người viết hay không có người có khả năng viết nhưng lý do chính là số lượng người mua sách bị giảm vì nhu cầu đọc tiếng Việt không còn cần thiết ở hải ngoại như trước đây khi người Việt Nam mới tạm cư ở các nơi trên thế giới. Ngày nay, nhu cầu tinh thần đã được đáp ứng bằng ngôn ngữ địa phương mà người Việt ở các nơi đã hội nhập.

ND có dịp nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ đã thành danh trước năm 1975, thì được các vị cho biết là sách in 1 hay 2 ngàn cuốn, đôi khi vẫn còn ứ đọng trong nhà vì không mấy ai mua. Những nhà thơ nhà văn đa số tự bỏ tiền ra xuất bản, nếu không có một hội đoàn, một tổ chức đứng ra giúp đỡ, chứ không phải do một nhà sách, một cơ quan phát hành đứng ra lo, nên việc xuất bản sách tiếng Việt trong giới mới lớn lên chỉ có tính cách văn nghệ chứ không chuyên nghiệp như xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch...

Ở một xứ sở như ở Hoa Kỳ, hằng năm có hằng 300.000 cuốn sách ra đời chưa kể tới các báo chí hằng tháng hay hàng tuần hay nhật báo thì số lượng xuất bản bằng Việt ngữ thật yếu sút. Nhưng không phải vì thế mà phủ nhận sự có mặt của rất nhiều cây viết Việt Nam ở các nơi trên thế giới, xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn của các Website các nơi.

Nếu chúng ta để ý đọc, các bài viết cũng không kém các bài viết đã được in thành sách, hay xuất bản trong các tạp chí bốn phương. Số lượng người viết rất nhiều, có nhiều người rất trẻ dưới 20, đa số dưới 30 hoặc hơn một chút. Nếu thực sự mọi người quan tâm đến vấn đề sống còn của một nền văn học hải ngoại, thì nên ủng hộ các cây viết trẻ ấy.

Đồng thời các cơ quan hội đoàn cũng nên để ý tới tầng lớp những người đã về hưu. Trong đầu óc họ là cả một kho tàng để chúng ta khai phá, có khi có cả những bí mật quốc gia từng bị đè nép, dấu diếm, đâu phải chỉ những người trong nước mới có thể viết với tính cách dân tộc. Dân tộc tính của người Việt Nam ở các nơi không bắt buộc phải thể hiện chỉ qua tiếng Việt hay chỉ với những người trong nước.

Khuyết điểm của các nhà nghị luận hay phê bình văn học là không dành thời giờ để theo dõi các người viết trên các diễn đàn. Họ vì truyền thống cố hữu là văn phải thành sách mới đáng được đọc và phê bình nên họ đã bỏ qua một cơ hội tốt là lãnh vực điện toán toàn cầu.

Đề nghị của ND có quá đáng không? Văn học qua hệ thống vi tính toàn cầu có đáng được chú trọng và là một lãnh vực văn học đáng chú ý không? Phủ nhận vai trò văn học của hệ thống vi tính cũng giống như phủ nhận vai trò văn học của văn chương truyền khẩu dân gian đã tích tụ cả bao ngàn năm.

ND nghĩ hiện nay đang có một nền văn học Việt Nam hải ngoại, đang trong thời kỳ trăm hoa đua nở, chưa được hệ thống hoá, nhưng giá trị cũng đa năng đa hiệu như bất cứ nền văn học nào trong nước.

Với sự bành trướng của các trung tâm Việt Ngữ ở các nơi, với sự trưởng thành của những người viết, chúng ta có thể tin tưởng nền văn học Việt Nam hải ngoại sẽ không hề bị mai một hay chết yểu vì những lời phê bình truyền thống, hay vì những lời phê bình có tính cách chính trị.

Nguyên Đỗ
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9