Những câu hỏi và trả lời về dịch gia cầm
CDDLT 07.12.2005 13:27:10 (permalink)
Những câu hỏi và trả lời về dịch gia cầm
Nguyễn Văn Tuấn

Dịch gia cầm là gì ?
Dịch cúm gia cầm, tiếng Anh gọi là “Bird flu” hay có khi là avian influenza (avian là tính từ tiếng Anh chỉ loài chim), như tên gọi ám chỉ là dịch cúm được phát hiện trong gia cầm như gà, vịt, chim, và gần đây nhất là heo, thậm chí cọp (ở Thái Lan). Có 15 chi (strains) bệnh cúm có thể tác hại đến gia cầm, nhưng chỉ có một chi có tiềm năng ảnh hưởng toàn cầu, đó là loại virút H5N1. Virút này đã lan truyền trong các loài chim rừng trong nhiều năm, và gần đây lan truyền sang có loài gia cầm như gà, vịt, bắt nguồn từ Đông Nam Á, lan truyền sang Nga, Romania, và nay đến Thổ Nhĩ Kì. Đối với gia cầm, virút này rất hại, gần như 100% gia cầm bị nhiễm virút đều chết.

Ý nghĩa của virút H5N1 là gì ?
Các virút cúm thành 3 nhóm: A, B và C. Các virút thuộc nhóm B và C thường tìm thấy trong con người nhưng chúng không có tác hại lớn, ngoại trừ gây ra vài rối loạn cấp tính đường hô hấp, chúng không có khả năng gây tử vong cho bệnh nhân. Nhưng các virút thuộc nhóm A là đáng quan tâm hơn hết, bởi vì chúng có thể đột biến một cách nhanh chóng thành những virút có khả năng kháng nguyên (antigenic), có nghĩa là chúng có thể tiến hóa thành những virút mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được (và không có khả năng phòng chống chúng).
Virút cúm thuộc nhóm A có cấu trúc gồm hai nhóm protein: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA). HA có 15 chi với mã danh H1 đến H15. NA có 9 chi với mã danh N1 đến N9. Virút H5N1 là một trong những chi virút này. Virút thuộc chi H1, H2 và H3 đã được biết có lưu truyền trong con người từ 100 năm qua. Nhưng virút H5 thì vẫn còn là một “kẻ thù” xa lạ đối với hệ thống miễn nhiễm của con người.
Cúm gia cầm lan truyền sang con người như thế nào?
Cúm gia cầm được phát hiện từ Italia khoảng 100 năm trước đây. Trong suốt 100 năm qua, không ai nghĩ virút có thể lan truyền sang con người. Nhưng đến năm 1997, tại Hồng Kông, người ta mới phát hiện vài trường hợp mà con người bị nhiễm virút H5N1. Trong vòng 2 năm qua, có khoảng 60 người tử vong vì tình nghi là bị nhiễm virút H5N1, nhưng vì không ai biết có bao nhiêu người bị nhiễm, cho nên không thể xác định độ độc hại của virút H5N1 trên con người. Phần lớn những trường hợp bị nhiễm này là do nạn nhân hay tiếp xúc với gà bị nhiễm, hay thường va chạm với chim (như phân chim, lông chim, v.v…). Cúm gia cầm không phải là virút từ thức ăn; thành ra, khi thịt gà được nấu chín thì nguy cơ cúm gia cầm có thể nói là không hiện hữu.
Cúm gia cầm có lan truyền từ người sang người không?
Cho đến nay, câu trả lời là không. Chúng ta vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virút H5N1 truyền nhiễm từ người sang người.

Triệu chứng cúm gia cầm là gì?
Triệu chứng của người bị cúm gia cầm cũng giống như triệu chứng người bị cúm thông thông như nóng lạnh, lên cơn sốt, ho, đau cuống họng, và đau nhức bắp thịt, viêm phổi, và vài triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến hệ thống hô hấp. diseases.
Tại sao lại quan tâm?
Các giới chức y tế rất quan tâm đến cúm gia cầm bởi vì virút H5N1 có thể thu nhập gien từ các loại cúm thông thường, rồi đột biến thành một virút nguy hiểm có khả năng gây ra tử vong cho nạn nhân. Nếu virút H5N1 có khả năng thu nhập gien như thế, hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta không có khả năng nhận dạng chúng và do đó không có khả năng phòng vệ. Nhưng cho đến nay, như đề cập trên, chưa có bằng chứng nào cho thấy virút H5N1 có khả năng “làm chuyện” này.

Các nạn dịch trong quá khứ?
Trong thế kỉ 20, đã có 3 nạn dịch lớn, đó là: dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1918-19, dịch cúm Singapore xảy ra vào năm 1957-58, và sau cùng là dịch Hồng Kông xảy ra vào năm 1968-69. Đại dịch Tây Ban Nha tiêu diệt gần 50 triệu người; tuy nhiên, con số tử vong này chỉ 3.2% so với con số người bị nhiễm.

Làm gì để phòng chống?
Để phòng chống cúm gà, cần phải nhận thức rằng thực phẩm từ gia cầm (kể cả trứng gà và trứng vịt) dễ bị lây nhiễm bởi virút và vi khuẩn. Do đó, đối với cá nhân và gia đình, biện pháp phòng chống tốt nhất là:
(a) Nên nấu chín thức ăn. Khi thịt gà, vịt hay heo được nấu chín thì nguy cơ bị nhiễm cúm gia cầm cực thấp nếu không muốn nói là không hiện hữu. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy virút có thể lây truyền khi thức ăn được nấu chín.
(b) Thức ăn chưa nấu nên để kín trong hộp và giữ trong tủ lạnh (nếu có) ở ngăn trên (ngăn đá) để phòng chống virút lan truyền.
(c) Tránh không ăn những món không nấu chín như tiết canh vịt, tiết canh heo, trứng vịt lộn.
(d) Cũng nên tránh tiếp xúc với những gia cầm có dấu hiệu bị nhiễm cúm gia cầm. Tránh tiếp xúc với phân gà, phân gia cầm nói chung, vì phân gia cầm là một nguồn lan truyền virút.
(e) Nếu đã tiếp súc gia cầm thì nên làm vệ sinh cá nhân cẩn thận. Một khi đã tiếp xúc với gia cầm, nên rửa tay chân bằng xà bông hay các chất alcohol diệt khuẩn.
(f) Trong nhà bếp, nên áp dụng biện pháp vệ sinh triệt để, như rửa thớt, dao, và nồi niêu thường xuyên.
Ở mức độ cộng đồng, hiện nay các giới chức y tế khắp nơi trên thế giới, kể cả Tổ chức y tế thế giới, đang tích cực đề ra biện pháp nhằm phòng chống cúm gia cầm. Trong thời đại du lịch toàn cầu bằng máy bay, việc phòng chống cúm gia cầm mang một ý nghĩa lớn và qui mô lớn. Các biện pháp phòng chống này có thể tóm lược như sau:
Thứ nhất là nhận diện vùng nguy hiểm cao. Việc đầu tiên là nhận dạng các cơ sở nông nghiệp nơi có gia cầm bị nhiễm virút H5N1, cách li cơ sở, hủy diệt toàn bộ gia cầm, xịt thuốc tẩy uế, cấm buôn bán gia cầm trong những vùng bị ảnh hưởng. Một trong những khía cạnh quan trọng của biện pháp này là bồi thường một cách thích đáng cho những thiệt hại kinh tế cho chủ nhân của cơ sở nông nghiệp có gia cầm bị nhiễm.
Thứ hai là chuẩn bị vắc-xin. Phần lớn các nước bị ảnh hưởng cúm gia cầm, kể cả nước ta, đang tích cực chuẩn bị dự trữ thuốc chống virút để đối phó với nạn dịch khi xảy ra. Một số nước như Úc thì đang cân nhắc xem có nên chích ngừa toàn bộ dân số để phòng ngừa hay không.
Thứ ba tôi đề nghị nên tăng cường truy tìm các trường hợp bị nhiễm virút H5N1. Một biện pháp ngăn chận cúm nhanh nhất là phát hiện bệnh nhân sớm để tách li bệnh nhân trước khi lan truyền sang người khác. Một chương trình thử nghiệm nước bọt hay thử máu của các bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến nhiễm virút cúm tại tất cả các bệnh viện trong cả nước có lẽ phải nên phát động.

Hiệu quả của vắc-xin ra sao ?
Chưa có vắc-xin nào có hiệu quả phòng chống cúm gia cầm H5N1 cả. Lí do là chúng ta chưa có kinh nghiệm qua virút này và vì thế không ai biết cơ chế đột biến của virút ra sao. Ngay cả các vắc-xin hiện tại cũng chỉ có hiệu nghiệm tương đối thấp, làm giảm triệu chứng vài giờ hay vài ngày.
Có thuốc nào điều trị cúm gia cầm không?
Thuốc chống virút không nhiều trên thị trường, bởi vì các công ti dược không có lợi ích thương mại để sản xuất các thuốc này. Hiện nay có thể kể đến 4 loại thuốc chống virút thường hay sử dụng để điều trị cúm thuộc nhóm A (mà H5N1 là một virút trong nhóm này), trong đó 2 loại thông thường là amantadine và rimantadine chẳng có hiệu nghiệm gì để chống lại virút H5N1. hai loại thuốc khác là zanamavir (tên ngoài thị trường là Relenza) và oseltamivir (tên thị trường là Tamiflu) có khả năng ngăn chận không cho virút đột biến và tái sản sinh. Nếu uống trong vòng vài ngày sau khi bị bệnh, hai thuốc này có thể làm giảm triệu chứng và giảm thời gian bị bệnh. Hiện nay, chúng ta chỉ có thể nói hai thuốc này (Relenza và Tamiflu) “có thể” có hiệu nghiệm phòng chống virút H5N1, nhưng cần phải có nhiều nghiên cứu tiếp để xác định.


#1
    lucquaipsnt 13.12.2005 03:59:38 (permalink)
    Hỏi đáp về bệnh cúm A (phần 1)

    Lợn có thể nhiễm nhiều loại virus cúm của cả người và gia cầm, có thể phát triển thành dịch bệnh. Trong đại dịch cúm H1N1 từng làm chết 40 triệu người năm 1918, người ta phát hiện rằng trước đó, kháng nguyên của chủng virus này đã gây dịch ở lợn.

    Tại sao có tên bệnh cúm A, cúm B, cúm C và cúm gia cầm?

    Dựa trên cơ sở căn nguyên virus gây bệnh mà ta gọi tên bệnh là cúm A, cúm B, cúm C. Phổ biến nhất là type A và B; type C chỉ gây bệnh nhẹ, tản mát. Type A là thủ phạm chính hay gây bệnh dịch cho người (như H3N2, H1N1) cũng như gia cầm. Type B có thể gây ra các dịch bệnh nhẹ cho người.

    Do sự thích nghi loài, một số phân type virus cúm A có thể bệnh cho gia cầm như H5N1, H7N7... Đặc biệt, virus cúm A H5N1 rất độc đối với loài gà. Trong một số điều kiện nhất định, các virus cúm A thường gây bệnh cho gia cầm cũng có thể gây bệnh cho người.

    Những tác nhân gây bệnh cúm A cho người từ trước tới nay là gì?

    Các phân type virus cúm A được ghi nhận đã gây dịch hoặc đại dịch ở người trong các thời kỳ lịch sử là: H2N8 (1889-1890), H3N8 (1900-1903), H1N1 (1918-1919 và 1946-1947; 1977-1978), H2N2 (1957-1958), H3N2 (1968-1969).

    Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới thì hiện nay có 2 phân type virus cúm A chiếm ưu thế, lưu hành rộng rãi nhiều nơi trên thế giới, đó là H1N1 và A H3N2. Ngoài ra, từ năm 1997, đã có thông báo virus cúm gà H5N1 đã lây sang 18 người; và virus H7N7 cũng từ gà lây sang 2 người.

    Tên virus gây bệnh cúm A như H1N1, H3N2, H5N1 có ý nghĩa như thế nào?

    Tên của các phân type virus cúm A như H1N1, H3N2, H5N1 bao hàm ý nghĩa đặc thù cấu trúc kháng nguyên vỏ ngoài virus. Chữ H (hemaglutinin – chất ngưng kết hồng cầu) và N (Neuraminidase – enzim tan nhầy) là ký hiệu của 2 kháng nguyên gây nhiễm trên vỏ của hạt virus cúm A, giúp virus gắn vào thành tế bào và sau đó đột nhập vào tế bào hô hấp.

    Chữ số 1, 2, 3, 5... là chỉ số thứ tự của kháng nguyên H và N đã biến đổi.

    Tại sao chủng H5N1 có thể gây bệnh cúm gà nguy hiểm ở người?

    H5N1 có ổ chứa thiên nhiên là các loài chim hoang dã và một số loài thủy cầm, nó chủ yếu gây bệnh cho một số loài gia cầm như gà. Đối với cơ thể của người, H5N1 hoàn toàn xa lạ, con người bình thường không có hàng rào miễn dịch để chống lại nó. Chính vì thế, khi có điều kiện xâm nhập vào cơ thể người (do người tiếp xúc rất gần gũi, ăn thịt hay trứng gia cầm có mang H5N1...), virus này có khả năng gây bệnh rất nặng cho người, nguy cơ tử vong rất cao.

    Nghe nói lợn và một số gia súc cũng có thể mắc cúm gà và làm lây sang người, có đúng không?

    Lợn có thể nhiễm nhiều loại virus cúm của cả người và gia cầm, có thể phát triển thành dịch bệnh. Trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918 ở người, người ta phát hiện trước đó kháng nguyên của chủng này đã gây dịch ở lợn.

    Ở châu Âu cũng có nghiên cứu phát hiện thấy ở ngựa có virus cúm, nhưng có ghi nhận nào về việc virus cúm ở ngựa hoặc súc vật khác (trâu bò, chó, mèo, dê) gây bệnh cho người.

    Nghe nói gene của virus cúm gia cầm có thể tái tổ hợp với virus của lợn. Sự pha trộn này xảy ra như thế nào?

    Hiện tượng pha trộn gene (thường gọi là tái tổ hợp) giữa virus cúm gia cầm và virus cúm của các loài có vú, trước hết là lợn, được coi là nguyên nhân của sự bùng phát đại dịch cúm ở người, nếu không được khống chế sớm và hiệu quả. Cơ chế tái tổ hợp còn nhiều bí ẩn. Hiện có 2 giải thiết:

    - Virus cúm gia cầm H5N1 và virus cúm của người H3N2 cùng lan truyền sang lợn và tái tổ hợp ở cơ thể lợn, tạo ra chủng cúm A mới có thể gây dịch lớn cho người.

    - Virus cúm gia cầm và virus của người cùng song song tồn tại trên người và tái tổ hợp ở đây, tạo ra chủng mới gây đại dịch
    #2
      lucquaipsnt 13.12.2005 04:00:09 (permalink)
      Hỏi đáp về bệnh cúm A (phần 2)

      Virus cúm A thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên nên dễ gây dịch nguy hiểm. Sự thay đổi lớn về kháng nguyên về mặt thường là kết quả của hiện tượng lai tạo gene giữa các phân type của virus cúm A, tạo thành dịch lớn.

      Tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại cảnh báo rằng virus cúm A có thể biến đổi và trở nên hung hãn hơn?

      Virus cúm A thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên nên dễ gây dịch nguy hiểm. Thay đổi nhỏ về kháng nguyên bề mặt (trôi dạt) sẽ gây dịch nhỏ và vừa; thay đổi lớn đột ngột (di chuyển) có thể gây ra dịch lớn. Sự thay đổi lớn này thường là kết quả của hiện tượng lai tạo gene (tái tổ hợp) giữa các phân type của virus cúm A. WHO lo ngại về sự tái tổ hợp giữa H5N1 với virus H3N2, H1N1 (gây bệnh cúm thông thường ở người), hay với virus cúm ở lợn để tạo ta type mới mãnh độc và lan truyền mạnh hơn trên người hay động vật có vú.

      Nếu H5N1 trực tiếp lây từ người sang người thì sẽ có đại dịch cúm rất nghiêm trọng?

      Đúng vậy. Điều đó chứng tỏ H5N1 đã có cấu trúc phân tử và cơ chế thích ứng để lây được từ người sang người trong khi chúng ta hoàn toàn chưa có khả năng miễn dịch chống lại sự lan tràn của nó.

      Nguy cơ mắc bệnh cúm gà có như nhau với mọi người không?

      Về lý thuyết, nguy cơ là gần như nhau vì đây là tác nhân gây bệnh mới mà mọi người chưa có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên trên thực tế, khả năng cảm nhiễm virus H5N1 của mỗi người có thể khác nhau do cơ địa không giống nhau. Trong các vụ dịch vừa qua, tuy cùng tiếp xúc như nhau với gia cầm ốm nhưng có người mắc bệnh, có người không. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ quy luật và mức độ cảm nhiễm nên mọi người đều phải cảnh giác.

      Bệnh cúm H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người như thế nào?

      Hiện nay, kết quả phân tích mã gene của virus H5N1 gây bệnh ở người và ở gia cầm là hoàn toàn giống nhau (98,5-99,7%). Vì vậy, có thể khẳng định virus H5N1 trong dịch cúm ở người hiện nay là lây từ gia cầm. Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng về cơ chế lây truyền. Những khả năng có thể xảy ra là:

      - Lây qua đường hô hấp bởi các giọt nhỏ dớt dãi, dịch tiết đường hô hấp và tiêu hóa của gà ốm (khi trực rtiếp chăm sóc, giết mổ, tiêu hủy) hoặc do người hít phải không khí có bụi từ phân gà, phân chim, dịch tiết khô mang virus còn sống.

      - Lây qua đường tiếp xúc, virus cúm trong bàn tay bẩn, thức ăn nước uống ô nhiễm... đi vào miệng và qua đó thâm nhập đường hô hấp.

      Tại sao bệnh cúm A lại nặng và tỷ lệ tử vong cao?

      Bệnh cúm A thường có diễn biến nặng, nhất là ở người già, trẻ em những người bị bệnh mạn tính như tim mạch, phổi, thận, rối loạn chuyển hóa, thiểu năng miễn dịch. Nguyên nhân là virus cúm A có độc lực cao, lại có khả năng nhân lên rất mạnh trong các tế bào biểu mô của toàn bộ đường hô hấp. Nó còn có thể gây viêm phổi tiên phát hoặc biến chứng viêm phổi do bội nhiễm. Virus H5N1 xa lạ với cơ thể người nên gây tổn thương rất nhanh, phá hủy nhu mô phổi và nhiều phủ tạng, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn các type virus cúm A khác.

      Làm thế nào để phân biệt một ca nghi ngờ và một ca được xác định mắc cúm gà trên người?

      Một người được coi là nghi ngờ nhiễm cúm A khi: Sốt cao liên tục, kèm ho, đau ngực, khó thở thở nông; từng tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc bệnh nhân cúm A trước khi phát bệnh trong vòng 7 ngày; hoặc đang có mặt trong vùng dịch cúm gia cầm. Các trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân, có tiền sử tiếp xúc dịch tễ với nguồn lây cúm gà cũng được coi là nghi nhiễm.

      Một ca bệnh được xác định mắc cúm gà ngoài các triệu chứng nêu trên còn cần thêm các xét nghiệm khẳng định sự có mặt của H5N1 trên bệnh nhân: thử nghiệm RT-PCR xác định type H5 và N1 dương tính; nuôi cấy virus trên tế bào dương tính, thử nghiệm Elisa phát hiện kháng thể kháng H5N1 dương tính...

      Người nghi ngờ mắc cúm A phải làm gì?

      Những việc cần làm là đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, đầu và chân; giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng, mắt và bàn tay. Nên ăn uống nóng, đủ chất, giàu vitamin, nhất là vitamin C. Đi khám bệnh ngay, nên đến phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm hoặc nhi (nếu là trẻ em).

      Theo Bộ Y Tế
      #3
        lucquaipsnt 13.12.2005 04:01:04 (permalink)
        Hỏi đáp về bệnh cúm A (phần 3)


        Virus cúm A tấn công vào phổi.
        Bệnh cúm thường phát triển trong tiết trời lạnh. Tuy nhiên, cúm A type H5N1 vẫn xuất hiện cả khi trời nóng hoặc những vùng có khí hậu nóng; đó là do chúng đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện môi trường.

        Chim cảnh có làm lây cúm A sang người? Liệu muỗi hút máu gà hay động vật rồi lại đốt người thì có làm lây cúm không?

        Hầu hết các loài chim đều có thể nhiễm virus cúm A, trong đó có một số loài phát bệnh, một số khác chỉ là ổ chứa virus. Như vậy, các loài chim cảnh có khả năng nhiễm virus cúm A từ các loài chim hoang dã hoặc gia cầm ốm rồi lây nhiễm cho người, vì chim cảnh thường được nuôi gần người.

        Người ta chưa chứng minh được đường lây truyền bệnh cúm qua vật trung gian là muỗi cũng như các côn trùng hút máu khác.

        Liệu virus cúm A có dễ lây truyền ở nơi đông đúc?

        Bệnh cúm thông thường lây truyền qua đường hô hấp trong quần thể người đông đúc bằng giọt nhỏ nước bọt nhỏ hay dịch tiết mũi họng. Sự lây lan diễn ra nhanh hơn trong thời tiết lạnh và ẩm thấp. Ở những nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ khi có người mắc cúm, tỷ lệ lây lan rất cao, dễ gây thành dịch.

        Cúm A H5N1 hiện chưa lây từ người sang người nên bệnh mang tính tản phát, chỉ xuất hiện trên những cá thể tiếp xúc chặt chẽ với gà ốm và có sự mẫn cảm cao với virus cúm gà. Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng nhiễm virus cúm gà khi tiếp xúc đông người.

        Tại sao ta dễ bị cúm trong mùa lạnh?

        Bệnh cúm là bệnh của đường hô hấp. Vị trí đột nhập đầu tiên của virus cúm là các tế bào đường hô hấp. Trong điều kiện lạnh và ẩm thấp, các tế bào hô hấp của người dễ bị tổn thương, tạo điều kiện tốt cho bệnh cúm phát triển. Ngoài ra, virus cúm dễ bị diệt ở nhiệt độ cao (bị diệt trong vài chục phút ở 56 độ C) nhưng lại có thể tồn tại lâu trong cái lạnh. Vì vậy, dịch bệnh thường bùng phát vào cuối thu, đầu đông ở Việt Nam.

        Riêng với virus cúm H5N1, do có thể sống sót bền hơn trong điều kiện môi trường lạnh khô và cả nóng ẩm (trong phân gà, chúng có thể tồn tại hàng tháng) nên chúng ta phải đề phòng sự kéo dài của dịch cúm gà trên người cả khi ngoài mùa lạnh.

        Tại sao các tỉnh miền Nam khí hậu khô nóng mà vẫn bị dịch cúm?

        Các nghiên cứu cho thấy, bệnh cúm thường xuất hiện trong các giai đoạn chuyển mùa thu đông, đông xuân, tức là vào mùa lạnh. Một khi bệnh xuất hiện tại một khu vực có khí hậu nóng hơn có nghĩa là virus đã thích nghi với điều kiện khí hậu đó và có thể gây ra dịch.

        Tại sao khi bị bệnh cúm lại phải cách ly? Việc cách ly diễn ra như thế nào?

        Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lan truyền rất nhanh, có thể gây dịch và đại dịch, nhất là các chủng cúm mới. Vì vậy, các ca nghi cúm đầu tiên cần được chẩn đoán xác định sớm, sau đó cách ly điều trị tại cơ sở y tế

        Tại bệnh viện, cần có các buồng cách ly riêng dành cho bệnh lây nhiễm cao như cúm. Trong điều kiện bệnh xá và gia đình, bệnh nhân và người tiếp xúc phải đeo khẩu trang kín, kính mắt, găng tay, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Thời gian cách ly khoảng 5 ngày từ khi khởi bệnh. Riêng với cúm A - H5N1, có các hướng dẫn cách ly riêng với mức độ an toàn cao hơn.

        Trong thời gian có dịch cúm, có cần cho trẻ em tạm nghỉ học không?

        Tỷ lệ mắc bệnh cúm có biểu hiện lâm sàng là 50% trong các trường học, nhà trẻ. Vì vậy, khi ở địa phương có công bố dịch cúm trên người, cần cho trẻ tạm nghỉ học. Tốt nhất là phát hiện sớm các ca bệnh nghi cúm trong số trẻ đến trường từ những ngày đầu để cách ly và điều rị, ngăn chặn dịch bùng phát.

        Theo Bộ Y Tế
        #4
          lucquaipsnt 13.12.2005 04:03:00 (permalink)
          Hỏi đáp về bệnh cúm A (phần 4)

          Mặc dù virus H5N1 sẽ chết khi thịt và trứng gia cầm bệnh được nấu chín, nhưng trong quá trình chế biến trước khi nấu, virus có thể truyền sang bà nội trợ hoặc những người xung quanh và gây bệnh.

          Bệnh SARS và cúm gà có gì khác nhau, hay đều là viêm đường hô hấp cấp?

          Hai bệnh trên có 2 căn nguyên khác nhau. SARS do virus corona SARS, còn cúm gà do virus H5N1 gây ra. Tỷ lệ tử vong do SARS xấp xỉ 10%, còn ở cúm gà là 30-70%. Song cả 2 bệnh nói trên đều có đường lây chính là đường hô hấp; dấu hiệu lâm sàng là viêm phổi cũng nhiều điểm giống nhau, có hình ảnh tổn thương kiểu viêm phổi điển hình trên phim X-quang.

          Đã có test phát hiện nhanh, chính xác bệnh cúm A chưa?

          Hiện đã có test nhanh phát hiện sớm virus cúm H5N1 theo nguyên lý miễn dịch sắc ký. Độ nhanh, nhạy, đặc hiệu của nó đang được các nhà sản xuất hoàn thiện thêm. Còn test nhanh phát hiện cúm A nói chung đã phổ biến trên thị trường và có tác dụng sàng lọc các bệnh nhân nghi nhiễm.

          Việc khẳng định nhiễm virus cúm A và xác định các phân type bắt buộc phải có kết quả dương tính của một trong các xét nghiệm sau:

          - Phát hiện vật liệu di truyền ARN của virus bằng phản ứng RT-PCR.

          - Phân lập được virus thông qua nuôi cấy trên hệ thống tế bào cảm nhiễm và định loại virus bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang hoặc ức chế ngưng kết hồng cầu.

          - Phát hiện kháng thể đặc hiệu virus bằng thử nghiệm ELISA trung hòa trên huyết thanh.

          Để xét nghiệm phát hiện virus H5N1, cần lấy bệnh phẩm gì và ai được phép lấy?

          Bệnh phẩm dùng cho xác định nhiễm H5N1 gồm: dịch hầu họng hoặc dịch phế quản; huyết thanh bệnh nhân trong giai đoạn cấp (huyết thanh 1), và giai đoạn hồi phục (huyết thanh 2, thu thập 10-15 ngày sau khi lấy huyết thanh 1).

          Những người thu thập bệnh phẩm là: nhân viên phòng thí nghiệm đã được tập huấn về cách thu thập bệnh phẩm và phương pháp bảo hộ cá nhân; các bác sĩ lâm sàng (trong trường hợp bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở).

          Chu kỳ gây dịch của virus cúm là bao lâu?

          Đại dịch cúm có chu kỳ khoảng 10-15 năm. Các vụ dịch nhỏ, dịch có tính tản phát ở từng địa phương xảy ra với chu kỳ 2-3 năm, thậm chí hằng năm; đi cùng với sự biến đổi nhỏ của kháng nguyên virus cúm cũng như sự xuất hiện những nhóm người cảm nhiễm với virus mới (trẻ mới sinh, dân di cư).

          Virus cúm có thể sống và truyền bệnh ngoài môi trường bao lâu?

          Bản chất của virus cúm là lipoprotein nên có sức đề kháng yếu và dễ bị mất hoạt lực bởi bức xạ mặt trời có chứa tia tử ngoại, bởi nhiệt độ trên 56 độ C (trong vòng vài chục phút) và bởi các chất dung môi hòa tan lipid, chất khử trùng như formaldehyde, chloramin, cồn... Tuy nhiên, virus cúm thường lẫn trong dịch xuất tiết của đường hô hấp và được bao bọc trong màng nhầy của chất này nên có thể sống lâu hơn ở môi trường bên ngoài, nhất là trong mùa lạnh. Trong điều kiện này, nó có thể duy trì hoạt lực ở môi trường nhiều giờ hoặc 1-2 ngày.

          Với virus H5N1, có thể do đã thích ứng cao trên các loài chim hoang dã nên khả năng tồn tại ở môi trường có thể cao hơn: trong phân gia cầm tới hàng tháng, trong sản phẩm gia cầm bảo quản lạnh tới hàng năm. Chúng chỉ bị diệt ở 70 độ C trong 30 phút, hoặc ở môi trường axit, kiềm sau nhiều giờ.

          Vai trò truyền mầm bệnh cúm ở các sản phẩm gia cầm (trứng và thịt) như thế nào?

          Ngoài chất thải tiêu hóa và đường thở, các sản phẩm từ gia cầm ốm (như trứng, thịt) ở vùng có dịch cúm đều có vai trò truyền bệnh. Mặc dù virus cúm H5N1 sẽ bị chết sau khi nấu chín thức ăn nhưng trong quá trình giết mổ, chế biến trước đun nấu, có thể các sản phẩm từ gia cầm đã bị nhiễm virus và nó là nguy cơ truyền tác nhân gây bệnh cho người chế biến và cả những người xung quanh.

          Ở trứng gia cầm, mầm bệnh có thể truyền vào phần bên trong của trứng. Nếu vỏ trứng lại dính phân gia cầm bệnh thì khả năng lây nhiễm càng lớn.

          #5
            lucquaipsnt 13.12.2005 04:04:08 (permalink)
            Hỏi đáp về bệnh cúm A (phần 5)
            Các tổn thương đơn hoặc đa phủ tạng do bệnh cúm sau khi khỏi bệnh chắc chắn sẽ làm suy yếu cơ thể nói chung. Đường thở và phổi bị tổn thương cũng cần một thời gian lâu dài để hồi phục.

            Cách đây nửa tháng, gia đình tôi có thịt và ăn gà rù, sau đó nhiều con trong đàn đã chết. Vậy chúng tôi phải theo dõi bao lâu để biết chắc mình không bị nhiễm virus cúm A?

            Trường hợp của bạn đã có tiếp xúc chặt chẽ với gà nhiễm dịch. Tuy nhiên, không phải người nào có tiếp xúc với nguồn nhiễm đều sẽ bị bệnh, bởi điều này còn tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của từng cá thể, và cả các yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu có tiếp xúc với nguồn nghi nhiễm cúm gà, nên theo dõi chặt chẽ trong 7 ngày. Trong thời gian này, nếu có sốt hoặc/và các biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, nên đến ngay y tế cơ sở hoặc bệnh viện để sớm được chẩn đoán và điều trị.

            Những vùng nào được coi là có nguy cơ cao với bệnh cúm A H5N1?

            Những vùng có nguy cơ cao là: Đang có tình trạng dịch cúm gia cầm do cấp có thẩm quyền địa phương xác định; vùng lân cận nơi có ổ dịch cúm gia cầm với bán kính 3 km; vùng có sự giao lưu buôn bán gia cầm và sản phẩm của nó với mức độ lớn mà không thực hiện triệt để biện pháp phòng chống dịch.

            Những người nào được coi là đối tượng nguy cơ cao với bệnh cúm H5N1?

            Đó là những người trực tiếp chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, chế biến thịt, trứng gia cầm ốm; nhân viên thú y có nhiệm vụ giám sát và phòng chống dịch cúm gia cầm tại ổ dịch; người trực tiếp thu gom, tiêu hủy hay xử lý đàn gia cầm đang có trong vùng dịch hoặc xử lý nguồn chất thải của chúng; cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cúm A và đang làm nhiemẹ vụ phòng chống dịch trong ổ dịch. Ngoài ra, trẻ em, người già, người đang mắc các bệnh mạn tính đường hô hấp, có tình trạng thiểu năng miễn dịch hiện sống trong ổ dịch cúm gia cầm... cũng có nguy cơ cao.

            Đã có thuốc đặc trị cúm A chưa?

            Phác đồ điều trị của Bộ Y tế cho phép dùng 3 loại thuốc kháng virus là Oseltamivir (Tamiflu), Amantadine và Ribavirin. Hai loại thuốc đầu tiên có tác dụng ức chế sự xâm nhập của virus vào tế bào đường hô hấp, vì thế cần được dùng sớm trong vòng 48 giờ sau khi khởi phát bệnh. Loại thuốc thứ 3 có tác dụng hạn chế sự tổng hợp hạt virus trong tế bào.

            Các thuốc này chỉ góp phần hạn chế mức độ nặng của bệnh chứ không phải là thuốc đặc trị. Do đó, cần phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị tổng hợp tại các cơ sở chuyên khoa.

            Bệnh cúm A có để lại di chứng gì không? Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm này thì thai nhi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

            Các tổn thương đơn hoặc đa phủ tạng do bệnh cúm sau khi khỏi bệnh chắc chắn sẽ làm suy yếu cơ thể nói chung. Đường thở và phổi bị tổn thương cũng cần một thời gian lâu dài để hồi phục.

            Tất nhiên, phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cúm A nói chung và H5N1 nói riêng thì sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn người bình thường vì 2 cơ thể sống đều phải chống chọi lại bệnh. Cơ thể mang thai thường có phần sút giảm khả năng miễn dịch. Virus cúm lại được chứng minh có thể gây đột biến gene dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Riêng với bệnh cúm H5N1, chưa có các nghiên cứu về ảnh hưởng của virus căn nguyên tới thai nhi nhưng nếu thai phụ mắc bệnh này thì chắc chắn bệnh cảnh sẽ rất nặng nề.

            Xông hơi thảo dược có chữa được bệnh cúm?

            Xông hơi nóng tinh dầu hoặc các chiết xuất của thảo dược có tinh dầu được chứng minh là giúp dự phòng hoặc làm giảm triệu chứng của một số bệnh do virus hô hấp ở giai đoạn rất sớm, khi mới nhiễm. Nó kích thích gia tăng tuần hoàn vùng mũi họng, qua đó làm nhẹ được một số triệu chứng của bệnh cúm, nhưng không thể chữa được bệnh.

            Việc xông hơi này chỉ nên sử dụng sớm đối với những trường hợp có bệnh cảnh nhẹ, thể trạng tốt. Người khỏe mạnh đang sống trong ổ dịch có thể xông hơi tinh dầu thảo mộc hay nhỏ mũi nước tỏi 3-5% hằng ngày với tác dụng dự phòng cúm.

            Theo Bộ Y Tế
            #6
              HongYen 23.01.2006 18:19:08 (permalink)
              Trung Quốc báo cáo một vụ bộc phát bệnh lở mồm long móng nơi gia súc

              17 January 2006


              Bệnh lở mồm long móng lây lan rất nhanh trong gia súc


              Trung quốc báo cáo một vụ bộc phát bệnh lở mồm long móng nơi gia súc ở miền đông và miền bắc.

              Hôm nay, bộ nông nghiệp ở Bắc kinh nói rằng những vụ bộc phát xuất hiện trong vùng Ninh Hạ ở miền bắc và trong tỉnh Giang Tô ở miền đông. Họ cho biết khoảng 300 trâu bò và dê cừu đã bị tiêu hủy để ngăn chận dịch bệnh.

              Bệnh lở mồm long móng, lây lan rất nhanh chóng trong gia súc, và tuy hiếm khi gây tử vong, nhưng giới hữu trách áp dụng biện pháp tiêu hủy vì những vụ bộc phát bệnh thường đưa tới việc các chính phủ ra lệnh cấm nhập thịt từ vùng có dịch.

              http://www.voanews.com/vietnamese/2006-01-17-voa31.cfm
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9