Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 14 của 20 trang, bài viết từ 196 đến 210 trên tổng số 294 bài trong đề mục
NgụyXưa 18.02.2015 22:36:45 (permalink)
Nhân dịp năm mới Ngụy Xưa xin chân thành chúc các tác giả và độc giả của phòng Văn:
 
MỘT MÙA XUÂN ẤT MÙI
 AN KHANG - HẠNH PHÚC - THỊNH VƯỢNG
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
 
Nguyệt Hạ 20.02.2015 01:39:49 (permalink)
 
Kính chúc anh chị và gia đình một năm mới vạn sự như ý và dồi dào sức khỏe.
Nguyêt Hạ
 





thiên thanh 20.02.2015 14:42:00 (permalink)
 



 
 
 
sen dat 20.02.2015 21:17:09 (permalink)
Một năm Ất Mùi trăm điều tốt lành vạn sự như ý sẽ đến với mọi người trong mục sáng tác văn xuôi ha! Vài nụ mai vàng cho rực rõ phòng Văn nha!
Attached Image(s)
NgụyXưa 24.02.2015 03:34:58 (permalink)

Ký Ức  Mù Sương

 
Bạn thân,
 
Mấy hôm nay buổi sáng ở nơi hoang dã này sương mù  dày đặc. Gần trưa nắng lên thế nhưng thung lũng sau nhà sương vẫn còn lảng vảng che phủ những hàng cây dưói chân đồi. Sương mù khiến tôi bùi ngùi nhớ những ngày trẻ dại trên cao nguyên Lâm Viên, và nhớ tới một người bạn thời còn ngồi trên ghế nhà trường nên viết vài hàng kể bạn nghe.

  
 
Buổi Sáng Sau Nhà
 
Lúc đó tôi vừa mới lớn, lòng còn mang đầy những ước mơ. Có những buổi sáng cuối tuần cùng với Huỳnh đạp xe trong sương mù quanh hồ Xuân Hương, suýt xoa với cái lạnh thâm bờ môi, nhưng cả hai chúng tôi vẫn cảm thấy thật yêu đời vì những hoài bão của tuổi trẻ. Đà Lạt lúc đó vẫn còn là một thành phố trầm lắng và thơ mộng, thích hợp với những tâm hồn chan chứa yêu thương.
 
Huỳnh và tôi ngồi gần nhau trong lớp dưới mái trường trung học T.H.Đ, và chúng tôi thân nhau vì cả hai đều ôm ấp giấc mộng văn chương. Huỳnh học giỏi, đẹp trai, làm thơ rất là lãng mạn, (bạn bè gọi nó là “thi sĩ Trữ Tình”), thế  nhưng không phải là con nhà giầu, và đó cũng là lý do cho chúng tôi thân nhau vì hai gia đình đều nghèo rớt như nhau.
 
Bố Huỳnh bỏ nhà, theo Cộng Sản tập kết ra Bắc năm 1954. Mẹ Huỳnh vất vả trồng rau trong ấp Đa Thiện nuôi một đàn con nhưng căn nhà gỗ trên sườn đồi lúc nào cũng ấm áp, mặc dù có chỉ có khoai lang cho chúng tôi ăn sáng những ngày tôi tới nhà Huỳnh cùng nhau làm làm bích báo treo tường!
 
Huỳnh không chỉ học giỏi mà còn rất hào hiệp với bạn bè, sẵn sàng giúp đỡ những người học kém hơn. Có lần H. để cho một người bạn chép nguyên bài giải toán của mình, khi chấm bài thầy Ph. thấy hai bài giống nhau và bài của H. có vài chỗ bôi xóa nên tường là H. chép bài của bạn, bắt H. đứng lên để mắng mỏ, thế mà H. chỉ cúi đầu im lặng, không phân trần hay tố cáo người đã chép bài của mình.
 
Chúng tôi đều có những mộng ước như nhau, thế nhưng xong trung học hai đứa đi hai con đường, tôi ra Nha Trang  mơ đời hải hồ, Huỳnh xuống Sài Gòn thi vào Đại Học Sư Phạm, trở thành giáo sư toán. Hai đứa hai cuộc đời nhưng chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc mật thiết, và có một thời còn chia nhau căn gác trọ tại đường Trương Minh Giảng, nơi Huỳnh làm gia sư và sau đó … lấy luôn cô học trò làm vợ. Đúng là “thi sĩ Trữ Tình”, phải thế không bạn thân?
 
Tháng Tư năm 1975 thay đổi bao nhiêu cuộc đời. Huỳnh có bố là liệt sĩ nên không bị “mất dậy”, trái lại còn được lên chức “hiệu phó” và được chia một căn phố trên đường Võ Tánh để gia đình mở quán cà phê kiếm sống thêm. Huỳnh được chế độ mới ưu đãi nhưng cũng vì vậy mà bạn bè cũ e dè xa lánh, để cho Huỳnh hắt hiu với nỗi buồn. Lúc đó tôi đã đi xa, mất liên lạc với Huỳnh nhiều năm, cho đến một ngày …
 
Lời nhắn trên điễn đàn Đ/T, nơi tôi sinh hoạt từ năm 2003 dưới bút hiệu Ngụy Xưa, hỏi tôi có phải là người thường trốn học cùng với anh ta ra ngồi ngoài bờ hồ Vạn Kiếp mơ mộng về cuộc đời hay không. Người nhắn ký tên là Hoàng Hoa, nhưng như thế cũng đủ cho tôi nhận ra đó là Huỳnh, người bạn cũ năm xưa. Chúng tôi liên lạc lại với nhau từ ngày đó, cũng đã gần mười năm, và H. đã từ VN sang thăm tôi mới đây vì H. cũng có người con gái đang du học, và rồi lấy chồng ở lại bên này.
 
Huỳnh cũng đã tỉnh mộng, đã nhìn rõ bản chất của những người cai trị mới, nên bán căn nhà trời cho, di chuyển về một nơi ở bên kia sông Sài Gòn, gửi con ra ngoại quốc để các con có một tương lai sáng sủa hơn, thay vì sống gò bó như mình, nhai đi nhai lại những giáo điều chán ngấy nhưng vẫn cứ phải nhồi nhét vào đầu óc lũ học trò thơ ngây.
 
Ngày xưa bố của Huỳnh “đánh Mỹ cứu nước” thế nhưng Mỹ lại cứu Huỳnh vì trong thời gian thăm con ở Hoa Kỳ Huỳnh bị đau bụng, phải đưa vào bệnh viện khẩn cấp.  Ruột của Huỳnh bị lủng bạn ạ! Bác sĩ Mỹ phải cắt bỏ một khúc và nối lại mới cứu sống được Huỳnh. Giá mà đang ở VN thì có lẽ Huỳnh đã đi thăm “Bác Hồ”!
 
Bạn thân,
 
Huỳnh đã thoát chết một lần nên sau khi trở về VN bây giờ không còn sợ chết nữa. Tết vừa rồi thư cho tôi chỉ than già, và cuộc đời buồn tênh. Tôi viết cho Huỳnh, nói là chúng mình đã qua tuổi cổ lai hy, mỗi ngày còn lại là một ân sủng của thượng đế, và may mắn vẫn còn những người bạn từ thời trẻ dại để xưng hô “mày, tao”, như thế cũng là đủ vui với đời. Chắc là Huỳnh cũng đồng ý tới tôi, còn bạn, bạn có bao giờ nghĩ như vậy hay không?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Feb. 21, 2015 
NgụyXưa 10.03.2015 00:08:21 (permalink)

Thốn Tâm Thiên Cổ

 
Bạn thân,
 
Bạn biết không, tôi đã quên hết những gì ngày xưa học được ở trường  Văn Khoa, chỉ còn nhớ dòng chữ “Ta hồ, văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ” in ở trang đầu cuốn sách dạy chữ Hán của thầy Lưu Khôn. Tôi ôm giấc mộng văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thế nhưng vào lúc gần 60 tuổi mới có cơ hội viết được dăm ba truyện ngắn và ít bài tạp ghi gửi gấm chút tâm tình.
 
Thời đại Internet nên viết được bài nào cũng đem post lên diễn đàn, chia sẻ với bạn bè, và như bạn biết, post trên diễn đàn là “gửi gió cho mây ngàn bay”, bài của bạn có thể bị nhiều websites sao chép. Cũng đâu có sao, hãnh diện nữa là khác, vì bài viết phải có ý nghĩa nào đó người ta mới mang về websites của họ, thế nhưng nhiều lúc cũng thấy đau lòng vì người ta … quên tên tác giả, cắt xén và thay đổi cả nội dung. Tôi biết là bạn cũng viết lách lăng nhăng như tôi, và tôi chắc là bạn cũng đã gặp những trường hợp tương tự, hay còn hơn thế nữa, thí dụ một truyện tình trong sáng của bạn được người ta mang về một trang web dành riêng cho người lớn, chung một nơi với những truyện tình “con heo”!
 
Tôi có viết một truyện ngắn, “Hạt Bụi Nào Trong Mắt”, nói về tâm tình của hai cha con xa cách nhau một đại dương.  Truyện được nhiều websites đăng lại, và nhiều nhóm thân hữu khác nhau chia sẻ với thành viên. Hình thức của bài viết đã bị hoán chuyển trong lúc luân lưu trên Internet nên rất khó đọc, và nội dung cũng đã được chỉnh sửa cho thích nghi với chủ trương của từng nhóm thân hữu. Vài câu viết có tính cách chính trị bị cắt bỏ, thí dụ như câu chữ: “ra chiến khu, theo kháng chiến chống Pháp. Tuổi trẻ của bố là những ngày  nằm gai nếm mật, tưởng là đóng góp được chút gì cho quê hương, nhưng  rồi một chiều chợt thấy mình bơ vơ lạc lõng trong đám người không còn lý tưởng quốc gia. Bố trốn về thành, mang nỗi buồn ‘sinh lầm thế kỷ’,”. Vì có sự cắt xén đó mà câu đối thoại với người con trai: “Núi rừng Bắc-Việt tôi còn biết đường đi.” bị lạc lõng, độc giả chẳng hiểu tại sao ông cụ Cầu trong truyện lại nhắc tới nơi xa xôi đó!
 
Những dòng chữ tô đậm trên là tâm tình của các người thuộc thế hệ đi trước bạn và tôi. Họ cùng thời với Doãn Quốc Sỹ, với Phạm Duy … những người đã đi theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp nhưng rồi thất vọng vì đám người CS đó không cùng lý tưởng quốc gia. Tôi đã viết những dòng đó khi tưởng nhớ tới bố tôi, và để nói với người thày học cũ là: “Con đã hiểu thế nào là “Sợ Lửa” mà thày muốn nói với chúng con ngay khi chúng con còn thơ ngây”.
 
Cũng còn may là người ta chưa thêm vào đâu đó trong bài viết của tôi một câu thí dụ như “trước tháng Tư năm 1975 bố đã hết lòng hoạt động nội thành cho cách mạng! Nếu có câu đó chắc là Ngụy Xưa đã được chụp cho cái nón cối to đùng! Đôi khi trạnh lòng tôi đã nghĩ như cụ Tú Xương: “một việc văn chương thôi cũng nhảm, trăm năm thân thế có ra gì”, thế nhưng nghĩ vậy mà vẫn cứ loay hoay với chữ nghĩa, không biết cho đến bao giờ!
 
Bạn thân,
 
Trước Tết tôi có về “Thung Lũng Hoa Vàng”, nơi tôi đã từng sinh sống hơn 30 năm, thế nhưng tôi đã không tới gặp bạn nói chuyện văn chương như đã hứa chỉ vì mẹ tôi phải vào bệnh viện cấp cứu, và anh em chúng tôi lúc nào cũng đứng ngồi không yên. Gần Tết mẹ tôi mới được về nhà, nhưng còn rất yếu nên anh em chúng tôi không “ăn Tết” năm nay vì sợ khuấy động mẹ già. Tôi trở về Carlsbad lòng không yên, đêm đêm giật mình vì tiếng điện thoại reo. Nhờ trời mẹ tôi đã khoẻ lại, thế nhưng người già 97 tuổi như ngọn đèn trước gió, mỗi ngày đều là ân sủng của thượng đế đó bạn thân.
 
Các em gái tôi thay nhau trông mẹ 24 giờ một ngày. Ban đêm cô Út ngủ chung phòng, và có đêm cô ấy text: “Em nằm mơ thấy một đám người xa lạ đẩy cửa xông vào, em cố gắng chống cự vì sợ họ bắt mẹ đi, đẩy giường ra chắn cửa thế nhưng giường vỡ tung, em la lên và tỉnh dậy, mắt hoa lên tưởng là mẹ đang nằm dưới đất! Khi nhìn rõ thấy mẹ còn trên giuờng em mới hoàn hồn, chảy nước mắt vì mừng vui …”. Em tôi sống với mẹ từ nhỏ, và bây giờ đã có gia đình riêng, con cái đã thành đạt, thế nhưng em vẫn dịu dàng quanh quẩn bên mẹ  như  những ngày thơ dại. Xin cám ơn các em, và cả K. nữa, đàn ông như tôi chẳng làm gì được cho mẹ trong lúc ốm đau.
 
Các em gái tôi thật là vất vả nhưng cũng may là tuần ba lần có y tá tới chẩn bệnh, có therapist tới tập đi, và có cả người tới tắm rửa cho mẹ tôi vì bà già có bảo hiểm Medical. Đất nước này quá tốt đối với người nghèo, xin được tri ân, và xin cám ơn bạn đã nghe tôi tâm tình về “thốn tâm thiên cổ”, dù là chuyện văn chương, hay chỉ là chuyện gia đình. Mong là lúc nào bạn cũng an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
March 8, 2015
 
NgụyXưa 21.03.2015 00:21:52 (permalink)

Một Ngày Không Như Mọi Ngày

 
Bạn thân,
 
Hôm nay là ngày 20 tháng Ba, ngày đầu tiên của mùa Xuân, ngày sinh nhật “Con Nhà Ngụy” (bạn bè thân thiết ngày xưa thường gọi tôi như vậy), và cũng là ngày giỗ thứ  mười của HQ Trung Tá Nguyễn Văn Lộc, con Nai Tơ của Đệ Nhất Bảo Bình.
 
Chắc bạn cũng còn nhớ tháng này 40 năm trước Cộng Sản Bắc Việt đã chiếm được nhiều tỉnh miền Trung  của VNCH, và Dương Vận Hạm HQ 503 do Lộc chỉ huy được điều động ra Phan Thiết để đón đoàn quân bạn đang trên đường triệt thoái về miền Nam. Pháo của địch từ trên bờ bắn ra trúng đài chỉ huy và trung tâm chiến báo làm 20 thủy thủ tử thương. Riêng Lộc bị thương nặng nhưng cũng cố gắng đưa được tàu ra khơi, mang luôn một mảnh đạn trong đầu suốt 30 năm, và Lộc đã viết về niềm đau đó trong Niên Giám Bảo Bình năm 2001:
 
“Ôi! mảnh đạn oan nghiệt kia, nó không kết liễu đời tôi để được trọn vẹn chung thủy với 20 đồng đội đã vĩnh biệt ra đi lúc đó, không có lễ lạc, không có vòng hoa, cũng không có điếu văn giã từ. Nhưng  các bạn đó là người của biển, đã hãnh diện bỏ mình ngay trên mặt biển, được biển đón về trong tiếng sóng êm đềm thiết tha… Mảnh đạn oan nghiệt đó không lấy đi đời tôi nhưng đã hủy hoại một bộ phận trong não bộ của tôi, nơi có chức năng sinh sản chất dopamine, vì vậy đã gây cho tôi một căn bệnh mà hiện nay trên thế giới chưa có thuốc chữa, chỉ có thuốc cầm chừng và giảm đau.  Cơn bệnh càng ngày càng trầm trọng và có lẽ nay đã đến giai đoạn cuối cùng…”
 
Ngày mới di tản qua Mỹ  cơn đau chỉ nhẹ nhàng nên Lộc vẫn còn tỉnh táo và vẫn có thế đi làm cho một hãng điện tử. Theo thời gian mảnh đạn dần dần lún sâu vào trong óc khiến cơn đau càng ngày càng thêm khốc liệt, và xảy ra thường xuyên hơn. Hàng đêm cứ vài tiếng đồng hồ là Lộc phải uống thuốc giảm đau để rồi mơ màng thiếp đi trong tiếng mõ và tiếng kinh cầu của chị Lộc. Thế nhưng khi những cơn đau trở nên liên tục, và thuốc giảm đau không còn hiệu quả nữa, Lộc đã đồng ý để bác sĩ giải phẫu óc lấy mảnh đạn ra, mặc dù biết rằng hy vọng sống sót rất là mong manh.
 
Rời bàn mổ Lộc đã không bao giờ tỉnh lại, chính thức lìa đời lúc 3 giờ 24 phút sáng ngày Chủ Nhật 20 tháng 3 năm 2005, ngày đầu tiên của mùa xuân, sau đúng 30 năm chịu đựng, mặc cho thân xác bị dày vò! Bạn bè từ khắp nơi kéo nhau tới Thung Lũng Hoa Vàng tiễn đưa Lộc về miền miên viễn. Không có lá cờ phủ áo quan (vì Lộc không muốn thế, mặc dù Lộc xứng đáng mang vinh dự là người  “Vị Quốc Vong Thân”), chỉ có bài thơ tôi đọc trong lúc nghẹn ngào:
 
Đưa Bạn Về Trời
 
Ngày anh mất
Cali mưa thật buồn
Bạn bè cúi đầu thương nhớ
Chị Lộc cố ngăn dòng nước mắt tuôn
 
Ngày anh mất
Mặt trời qua điểm xuân-phân
Mà thôi, quên đi bài thiên văn hàng hải cũ
Phù sinh, hơn 60 năm trần thế nợ nần.
 
Anh sẽ nhẹ như bông, trôi trên tầng mây trắng
Anh sẽ đi theo ánh sáng mặt trời
Ngân-hà cũng trong vòng tay với
Và bây giờ anh bắt đầu những ngày vui.
 
Này bạn Lộc, “Thôi đi hỉ”.
Con Nai Tơ ngơ ngác ở đời
Trên đó đã có Ðơn và Lang vừa tới
Chốn thiên đường các bạn hãy rong chơi.
 
Bạn thân,
 
Thấm thoát thế mà Lộc mất đã mười năm. Trên thiên đường Lộc đang có những ngày vui, riêng anh em chúng mình còn ở trên trần thế bây giờ đời sống cũng nhẹ như tơ trời. Chúng mình mặc dù chẳng có danh gì với núi sông nhưng nợ nần coi như cũng đã trả xong, ngày nào bây giờ cũng là ngày Chủ Nhật, và nếu nhớ biển thì lâu lâu lại kéo nhau xuống tàu, thăm viếng những bến bờ xa lạ để mơ màng về những tháng ngày bồng bềnh sóng nước Thái Bình Dương.
 
Tháng Tư năm nay tôi sẽ từ Miami xuống tàu vượt Đại Tây Dương thăm Bồ Đào Nha (Portugal), Anh và Pháp. Tôi chưa bao giờ đặt chân tới Portugal, đất nước của những nhà hàng hải thời xa xưa mà anh em chúng mình từng ngưỡng mộ, nên  đang nao nức đợi chờ ngày khởi hành. Tiếc là lần này không có bạn đi cùng, nhưng thôi, sẽ gặp bạn vào chuyến viễn du cuối năm nay, khi chúng mình theo tàu về thăm lại bến xưa.
 
Vài hàng thăm bạn và thân chúc bạn những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
March 20, 2015
NgụyXưa 01.04.2015 02:36:42 (permalink)

Miền Hoang Dã

 
Bạn thân,
 
Vinasoft.com nguyên là tên miền của Theta Information Services, Inc., một hãng chuyên về software development và consulting tại California do tôi thành lập, tuy nhiên công ty đã giải thể từ ngày tôi hồi hưu. Chúng tôi giữ tên miền này làm kỷ niệm, và dùng nơi đó để viết lách lăng nhăng, tâm tình với bạn bè. Đã có nhiều người hỏi mua lại tên miền đó vì vinasoft.com rất thích nghi với những công ty software đang phát triển tại VN, thế nhưng chúng tôi đã không bán vì ai lại bán đi kỷ niệm của mình bao giờ!
 
Mới đây tôi lại mới nhận được thư của một người trẻ từ VN, tha thiết mong tôi chuyển nhượng tên miền:
 
“…Nghe bác giới thiệu đã hồi hưu chắc cũng đã lớn tuổi, con thì chỉ mới 24 tuổi thôi, cũng chia sẻ với bác là con cũng đang thành lập công ty, cũng cùng các anh em start up được mấy năm rồi nên quyết định chính thức thành lập công ty. Thật sự đang trong quá trình suy nghĩ và lựa chọn tên miền, chúng con thấy tên miền vinasoft.com rất hay, vừa đề cao được con người Việt Nam vừa có từ khóa soft là một từ khóa rất rộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin….”  
 
Có quá nhiều tin tức không mấy tốt đẹp trên Internet về xã hội VN hiện tại. Mới đây tôi lại được xem trên Youtube vài cảnh học sinh đánh bạn một cách dã man trong lúc các bạn khác thản nhiên đứng xem và quay phim chứ không hề can gián, khiến tôi thất vọng ít nhiều về tuổi trẻ tại quê nhà. Thế nhưng lá thư lễ độ của người không quen đó làm tôi suy nghĩ thật nhiều. Mặc dù quê hương đang có những xáo trộn thế nhưng đâu đó cũng vẫn có những người trẻ còn giữ được truyền thống của dân tộc, và đang cố gắng vươn lên, hoà mình vào đời sống văn minh, tìm đường tiến thân, đóng góp cho gia đình và cho xã hội, nên tôi đã viết trả lời bằng tấm chân tình chứ không phải chỉ là lá thư ngắn ngủi, từ chối một cách nhẹ nhàng:
 
“…Cám ơn Duy đã coi trọng người có tuổi như bác, một nét văn hoá đặc thù của người Việt mình, nên bác cũng sẽ thành thật chia sẻ với Duy một chút tâm tình, và hy vọng góp ý với Duy trong lãnh vực phát triển nghề nghiệp chuyên môn.
 
Bác chưa có thể sang nhượng tên miền vinasoft.com trong lúc này, mặc dù trong cộng đồng mạng tên miền đó chỉ là một nơi hoang dã ít người biết đến, nhưng đối với bác đó là nơi thân quen, nơi ẩn nấp để tìm niềm thanh thản cho tâm hồn. Các bài viết đang trong website đó có ít nhiều riêng tư nhưng cũng đã được sao chép bởi rất nhiều websites khác của các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, và cũng là nơi bạn bè của bác tìm đến để nhớ lại chút kỷ niệm trong đời. Nếu vinasoft.com không còn sẽ gây ra ít nhiều hụt hẫng, và như Duy biết, với những người già, một chút thay đổi nhỏ cũng làm xáo trộn đời sống vì họ không còn dễ dàng gia nhập vào cuộc sống mới muôn màu. Một hãng software ở VN đề nghị với bác là họ sẽ thành lập cho bác một website khác đẹp hơn, “hoành tráng” hơn, nếu bác chịu sang nhượng tên miền vinasoft.com nhưng bác cũng đã từ chối vì ở vào tuổi 72 này bác đâu có còn ý định đi tìm những gì hào nhoáng ở đời, chỉ còn chút kỷ niệm để lưu luyến mà thôi.
 
Vinasoft.com.vn cũng đã được một công ty ở VN chọn sau khi bác từ chối sang nhượng tên miền vinasoft.com. Theo bác nghĩ thì Duy có thể chọn tên miền vinasoftsmith.com hoặc vina-softsmith.com cho công ty của mình. Chữ “smith” trong tiếng Anh dùng để chỉ người sáng tạo trong một nghành nghề nào đó thí dụ như goldsmith, gunsmith v.v…  
 
Rất tiếc là bác không thể nào tới gặp Duy để thảo luận thêm như Duy muốn vì lúc này bác đang ở California. Bác rời Hà Nội vào Nam năm 1954, và ra khỏi Việt Nam năm 1973, năm 2004 bác có về thăm quê nhà sau mhiều năm xa cách nên thấy quá ngỡ ngàng. Lúc này bác thường đi du lịch bằng cruise ships, và cuối  tháng 11 năm nay trên đường từ Hongkong tới Singapore tàu sẽ ghé vào vài thành phố của VN nhưng mỗi nơi cũng chỉ một vài tiếng đồng hồ. Bác chắc là Duy đang sống ở Sài Gòn nên biết đâu nếu có duyên khi đó bác sẽ gặp được Duy. Bác cũng có vài bạn văn hiện đang sống tại VN nhưng chưa gặp nhau lần nào, lần này trở về tìm nhau để uống với nhau một ly café.
 
Vài hàng tâm tình để cám ơn Duy, và thân chúc Duy gặp nhiều may mắn trong công việc…”
 
Bạn thân,
 
Chắc bạn cũng như tôi đã thấy VN mình đang bị Hán hoá dần dần. Ngày xưa “một nghìn năm đô hộ giặc Tàu …”  đã là một vết hằn đau thương, thế nhưng may mà ông cha chúng mình đã vùng lên lấy lại được quê hương. Thời kỳ lệ thuộc mới này sẽ kéo dài một vài năm, một trăm năm, hay lại một ngàn năm là tùy thuộc vào tuổi trẻ VN bây giờ và mai sau.
 
Lại thêm một tháng Tư đen sắp tới. Bạn và tôi ở tuổi này sẽ chẳng còn đóng góp được gì thêm cho quê hương hơn là một tiếng thở dài. Buồn quá, phải không bạn miền xa?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
March 31, 2015
 
NgụyXưa 12.05.2015 02:04:37 (permalink)

Cát Hồng

 
Bạn thân,
 
“Cát Hồng” không phải là tên riêng dễ thương  của một người con gái mà thực ra là cát mầu hồng tôi đã thấy trên bờ biển Bermuda trong chuyến đi xuyên Đại Tây Dương. Tôi đã đi qua nhiều bãi biển trên thế giới, và đã thấy những bải cát vàng hoặc trắng ngần nhưng lần đầu tiên được dẫm chân trên cát hồng mịn như má người con gái đang độ xuân thì. Cảm giác khâng khuâng khó tả, và có lẽ tôi sẽ còn nhớ mãi trong những lần lãng du mai sau.
 
 
 
Mùa bão tố trên Đại Tây Dương thường bắt từ tháng May cho tới hết tháng November. Du thuyền Celebrity’s Eclipse rời Miami vào giữa tháng Tư thế nhưng Atlantic quả không hổ danh là đại dương của bão tố với sóng gió bạc đầu. Chắc bạn còn nhớ, các giáo sư tốt nghiệp tại Brest (trường SQHQ của Pháp) từng kể lể với chúng mình  về những ngày nhọc nhằn thực tập trên Đại Tây Dương. Được vài ngày êm ả, gió với vận tốc hơn 30 knots (gần 60 km/giờ) bỗng dưng nổi dậy một cách phũ phàng, du thuyền nghiêng ngả khiến các thủy thủ trên boong tàu vất vả đội mưa, cố gắng ràng buộc đồ đạc và các ghế ngồi hóng mát để gió đừng cuốn đi.
 
Nhìn họ làm việc tôi ngậm ngùi thương đời thủy thủ và … thương thân. Con tàu Eclipse nặng 122 ngàn tấn cũng chỉ hơi nghiêng ngả, trái lại các chiến hạm nhỏ bé của chúng mình ngày xưa gặp sóng gió như thế này chắc là sẽ tả tơi như chiếc lá bồng bềnh giữa đại dương. Thủy thủ trên du thuyền dù sao cũng được ăn ngon mặc ấm, thủy thủ trên chiến hạm VNCH ngày xưa hàng ngày ăn cơm với cá, hạm trưởng  ăn … cá với cơm, dù rằng bàn ăn trang trọng với nĩa bạc và và bát đĩa tráng men trắng viền chỉ xanh, “tàn dư” của hải quân Hoa Kỳ khi họ chuyển giao chiến hạm cho VNCH! Với đa số anh em Bảo Bình chúng mình thì những ngày gian truân đó đã qua thế nhưng mỗi khi chứng kiến những lần biển động bạn cũng như tôi vẫn không thể nào quên được nỗi ngậm ngùi.
 
Ngoài những quần đảo giữa Đại Tây Dương, du thuyền cũng ghé thăm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Paris và London thì bạn rành “sáu câu” hơn tôi nhiều nên chằng kể lể làm chi với bạn cho thêm nhàm, chỉ có một nơi  là thành phố Bilbao của Spain là đáng nhắc nhở chỉ vì một bà bạn trong nhóm cựu nữ sinh Trưng Vương đi cùng “falls in love” với những kiến trúc Âu Châu cổ điển và không khí thanh bình của thành phố nên đã có ý định về nghỉ hưu tại nơi này thay vì Washington D.C., nơi bà ta đang sống. Bà bạn này đã Mỹ hoá 100 phần 100, nhiều bạn ngoại quốc hơn bạn Việt nên có thể tới nơi đất lạ gửi gấm chuỗi ngày còn lại của cuộc đời chứ bạn và tôi vẫn còn hơi hướm từ đất cũ thì khó có thể hoà mình vào những nơi thiếu vắng “mùi” Việt Nam!
 
Ra khỏi du thuyền lên xe đi thăm những thành phố lạ thì cũng như là “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ thoáng qua nên về lại nhà chẳng còn nhớ gì nhiều, xem lại hình cũ nhiều khi chẳng biết mình chụp ở đâu, vì thế cho nên dạo này tôi thường tìm những chuyến đi có nhiều ngày trên biển, để nằm dài trên boong cho gió đại dương ve vuốt mái tóc bồng, hơn là vất vả chen chúc trên xe bus vào đất liền, để tour guide lùa mình như lùa vịt, và ngơ ngác nghe thuyết trình như Mán nghe kèn Tàu! Nghĩ vậy mà vẫn cứ náo nức với những chuyến đi xa, có lẽ dòng máu “giang hồ” vẫn còn cuồn cuộn trong tim!
 
Bạn thân,
 
Có lẽ chúng mình sẽ không bao giờ quên được đời sống cũ mặc dù bây giờ chăn ấm nệm êm thay vì mưa gió “lắc lư con tàu đi” như xưa. Với những người đầy bàu nhiệt huyết thì cuộc chiến vẫn chưa tàn nhưng với đa số anh em chúng mình tuổi tác nặng nề trên vai thì chỉ còn bằng hữu chứ không còn chiến hữu. Cuối tháng Năm này 26 khoá sĩ quan xuất thân trường SQHQ/Nha Trang sẽ họp đại hội tại Little Sài Gòn, tôi biết là bạn sẽ về gặp lại anh em từ những nơi xa xôi.
 
Khoá Bảo Bình của chúng mình cũng còn chẳng được bao nhiều người. Tôi đã “điểm danh” rồi. 81 đứa vào trường, chỉ có 23 đứa về họp đại hội. Bao nhiêu đứa đã bỏ mình trên những dòng sông, chôn vùi trong lòng biển cả, sớm gửi gấm thân xác nơi quê người vì những gian khổ trong trại tù trên thượng du Bắc Việt. Những đứa còn sống sót thì bệnh tật triền miên, xa xôi cách trở, về được cũng chỉ còn có bấy nhiêu thôi.
 
Đại hội này là kỳ 2, chắc chắc là sẽ còn kỳ 3, kỳ 4 … thế nhưng bạn cũng như tôi, đâu có ai biết là mình sẽ tham dự được hay không, thôi thì cứ “mặc xem con tạo xoay vần”, mong bạn giữ gìn sức khoẻ, để cuối năm nay chúng mình còn về thăm bến cũ trên đường từ Hồng-Kông tới Singapore.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
May 11, 2015
 
NgụyXưa 04.06.2015 01:55:11 (permalink)

Như Một Lời Xin Lỗi

 
Bạn thân,
 
Cuối tháng Năm vừa qua 26 khoá của Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang đã họp đại hội tại Orange County, California. Florida cũng chẳng xa xôi gì mấy thế nhưng bạn đã không về được vì hai bàn chân mỏi bên chiếc gậy chông chênh sau cơn đột quỵ vài năm trước đây. Tôi chắc là bạn rất ngậm ngùi vì đã mất đi một dịp gặp lại những người một thời sát cánh bên nhau. Bạn đừng buồn, thế nào rồi cũng sẽ còn một lần đại hội nữa trong tương lai.
 
Được mời làm speaker với đề tài “Trường SQHQ/NT: Niềm Hãnh Diện & Nỗi Nhớ”, tôi đã vất vả viết bài, học bài để khi lên thuyết trình sẽ không bị vấp váp, và … cương ẩu, thế nhưng mặc dù đã cố gắng rất nhiều, kết quả lại không được bao nhiêu. Đêm dạ tiệc tại Hilton Hotel đông đúc với hơn 900 người tham dự, người ta to tiếng chuyện trò, kêu gọi rủ nhau chụp hình kỷ niệm, chứ ít người chú tâm nghe thuyết trình hay xem văn nghệ. Những ca sĩ nổi danh như Lệ Thu, Diễm Liên, Anh Dũng … hát cũng chẳng ai nghe, tiếng vỗ tay chỉ lác đác vì sau nhiều năm xa cách, bạn bè gặp lại nhau vồn vã nói cười hơn là chú tâm nghe người lạ nghêu ngao.
 
Tôi cũng gặp lại rất nhiều bạn bè xưa và thuộc cấp cũ. Thế nhưng thấy mặt nhau mà chẳng nhận ra nhau, hơn 40 năm rồi còn gì, chỉ khi nhìn bảng tên mang trước ngực ký ức mới ùa về, để rồi ngậm ngùi ôn lại kỷ niệm xưa. Em trai tôi cũng có mặt trong đại hội. Chú ấy dẫn một người tới gặp tôi, và hỏi tôi còn nhớ Tiến đây không? Tôi đã không nhận ra Tiến, và ngay cả khi Tiến nhắc tới con tàu cũ do tôi chỉ huy, tôi vẫn không nhớ được một chút gì về người sĩ quan trẻ năm xưa đó, có lẽ vì Tiến chỉ phục vụ dưới chiến hạm một thời gian ngắn vào năm 1968, năm của Tết Mậu Thân hãi hùng, thời gian mà tôi mang nặng những chồng chất lo âu. Tôi ngượng ngùng nhìn thấy nét thất vọng trên gương mặt của người sĩ quan thuộc cấp ngày xưa, chẳng biết nói gì hơn là những lời thăm hỏi thông thường  như thể là vừa mới biết nhau.
 
(Mong là Tiến đọc được những dòng này. Cám ơn Tiến vẫn còn nhớ tới tôi, và cho tôi gửi lời xin lỗi. Tuổi già làm tôi quên lãng, nhưng tôi lúc nào cũng thương yêu và biết ơn những người đã cùng với tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn của đời quân ngũ.)
 
Thời gian qua nhanh, tháng Năm đã hết, và với học sinh/sinh viên thì mùa hè của họ đã đến, thế nhưng với những người đi biển như anh em chúng mình thì mùa hè chỉ bắt đầu vào ngày Hạ Chí (Summer Solstice, June 21, 2015). Xuân Phân vào tháng March đã qua, Hạ Chí sắp tới, còn Thu Phân là thời điểm vào tháng September này. Cuốn sách “hàng hải thiên văn” mấy trăm trang ngày xưa tại quân trường tôi chỉ còn nhớ được có bấy nhiêu! Chúng mình quả thật đã già rồi, phải thế không bạn miền xa?
 
Bạn thân,
 
Gần ngày Thu Phân năm nay tôi sẽ trên đường từ Iceland về NewYork. Tôi đi tìm “mặt trời đêm” đó bạn! Ở vĩ độ cao của bắc bán cầu vào tháng August ban đêm mặt trời còn ở trên đường chân trời, và người ta có thể đi ngắm cảnh thiên nhiên 24 giờ một ngày. Thắng cảnh Iceland chắc là chẳng có gì giống như đất nước của quê hương Việt Nam mình để cho tôi so sánh nhớ thương.  May ra thì tôi sẽ thấy được đàn cá voi ngoài biển cả hay là những dòng nước nóng phun lên do những hoạt động của núi lửa dưới mặt đất liền (volcanic activities underneath the surface), như thế chắc là cũng đủ vui cho một lần viễn du.
 
Ước gì bạn cùng đi được với tôi chuyến này như chúng mình đã từng cùng nhau đi tới bao nhiêu vùng đất lạ trên địa cầu. Nhớ hôm ở Busan (Korea) tôi đã thật là lo lắng vì lạc mất bạn khi chúng mình đi thăm đền Haelong. Khi thấy bạn chống gậy từ trong rừng cây đi ra cả bọn đã reo mừng! Một ngày vui thật khó quên!
 
Chẳng biết viết gì thêm hơn là mong bạn giữ gìn sức khoẻ, cố gắng tập luyện để lại có thể đi đứng được bình thường, và một ngày nào đó lại cùng nhau ngao du góc biển chân trời.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
June 2, 2015
NgụyXưa 22.06.2015 01:29:00 (permalink)

Ngày Tháng Hạ Mênh Mông Buồn

 
Bạn thân,
 
Hôm nay là ngày Hạ Chí, ngày mùa hè chính thức bắt đầu, và cũng là ngày dài nhất trong năm tại Bắc bán cầu.
 
Mấy hôm trước lái xe 8 tiếng đồng hồ về San Jose thăm nhà và thăm bạn nhưng tôi chẳng gặp được người bạn thân nào. Tôi gọi H. Già (thằng bạn “mày/tao” từ thời niên thiếu), rủ nó đi ăn trưa thế nhưng nó nói yếu lắm, đi không được, rồi ngập ngừng cho tôi biết chắc là nó chỉ sống được đến cuối năm là nhiều vì những cơn đột quỵ và ung thư dạ dày. Nó đã chuẩn bị xong cho giây phút cuối của cuộc đời cô đơn trên đất lạ. Sẽ không có đám tang, không cáo phó, không chia buồn,  chỉ một nắm tro tàn đưa lên chùa chờ ngày được mang ra rắc ngoài vịnh San Francisco cho sóng đưa về cố hương. Tôi không nói với nó được gì nhiều, khuyên nó cố giữ tâm hồn cho thanh thản thế nhưng trong lòng thấy thật ngậm ngùi. Mùa hè rực rỡ mà sao chợt nhớ tới câu hát “ngày tháng hạ, mênh mông buồn” của P.D..
 
Ngày Hạ Chí năm nay cũng là ngày Fathers’ Day. Tôi không còn bố để chúc mừng! Thân phụ và nhạc phụ của tôi đều đã mất gần 20 năm. Trên đường về Milpitas tôi ghé thăm phần mộ, và không tránh được bùi ngùi. Cỏ không xanh chỗ cha năm vì Cali thiếu nước, miếu thổ thần do Hội Cao Niên Vùng Vịnh thiết lập cách đây mấy chục năm bây giờ trông thật tiêu điều vì thiếu người trông coi. Những hội viên ngày đó cũng chẳng còn được mấy người, đa số đã mãn phần, và chắc là nằm đâu đó quanh đây. K. cặm cụi lau chùi tấm mộ bia trong lúc tôi cúi mặt nói thầm: “Bố ơi, con về thăm bố nè”.
 
Thành phố nơi tôi từng cư ngụ suốt 30 năm hình như không còn được khang trang như xưa. Đồi cỏ úa buồn bã trong nắng vàng, những cây thông già nghiêng ngả, lá rơi đầy lối mòn trong công viên cạnh nhà. Chẳng nhẽ thành phố này cũng đang gập khó khăn tài chánh như Detroit? Chắc là không phải vì kinh tế vùng Vịnh đang vươn mình, công ăn việc làm đầy rẫy, nhà cửa lên giá tới chóng mặt nên chính phủ thiếu gì tiền! Tôi đi xa tít mù, lâu lâu mới trở về thăm nhà cũ, thấy thành phố đổi thay nên trong lòng cảm thấy hiu hắt buồn, thế thôi!
 
Căn nhà nơi mẹ tôi đang sống trông cằn cỗi vì cũng đã hơn 30 năm tuổi. Đó là nơi chốn tôi cư ngụ cho đến khi bố mẹ tôi và gia đình một đứa em từ VN sang vào năm 1990. Hơn 25 năm rồi tôi mới lại ngủ qua đêm tại căn nhà cũ đề trông nom mẹ vì các em tôi bận đi xa ít lâu. Mẹ tôi đã khoẻ  nhiều so với những ngày nằm bệnh viện hồi Tết vừa qua. Dù đã 97 tuổi nhưng bà cụ vẫn còn minh mẫn, vẫn còn nhớ chuyện xưa, nhớ làng Thuận Tốn ven sông Hồng, nhớ phố Nhi (Phan Bội Châu) Hà Nội, và nhớ những ngày cam khổ khi mới di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Tôi thường ngồi yên nghe mẹ chuyện trò, để thấy niềm hạnh phúc trong mắt mẹ vì có con ở xa về thăm, và vì được dịp nhắc nhở tới những kỷ niệm chắt chiu một đời. Mẹ tôi cũng như những người già đều sống bằng dĩ vãng chứ còn gì đâu cho tương lai. Bạn và tôi rồi thì cũng sẽ thế mà thôi.
 
Bạn thân,
 
Fathers’ Day năm nay chắc là các con bạn ở xa thế nào cũng về thăm, và mua quà tặng bạn, đúng không? Các con tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ nên rất thực tế, năm nào cũng hỏi xem tôi thích gì để mua. Tôi thấy mình chẳng thiếu gì, và hình như cũng chẳng thích gì, nên chỉ lắc đầu mỉm cười. Tôi chắc là năm nay chúng nó lại tìm mua cho tôi món gì đó đề tôi đi chơi góc biển chân trời. Năm ngoái tôi được tặng cái quần … chín túi để nhét tất cả những gì tôi muốn mang theo như ví tiền, passport, máy hình, điện thoại, ống nhòm, chià khoá, giấy tờ lặt vặt,  v. v… và v. v… Cái quần dài nhưng nếu cần tôi có thể tháo ống ra, biến thành quần short cho … mát, và để làm anh Mỹ vàng đi lêu bêu xứ lạ cho vui cuộc đời!
 
Chuyến xuyên dương tới ngày đi còn xa thế nhưng tôi vẫn đang náo nức đợi chờ. K. vừa làm xong passport mới, sang năm sẽ tới phiên tôi. Mỗi lần làm lại passport thấy nản quá vì không chọn được tấm hình nào vừa mắt, thế nhưng nhìn lại hình 10 năm cũ lại thấy mình cũng đâu có đến nỗi nào! Già rồi mà còn nhiều chuyện thế đấy, bạn có bao giờ lẩm cẩm như tôi?
 
Happy Fathers’s Day, bạn miền xa.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
June 21, 2015  
 
NgụyXưa 09.07.2015 00:16:01 (permalink)

Một Ngày Để Suy Tư

 
Bạn thân,
 
Cuối tuần qua tôi đã có những ngày rất vui. Vui vì được coi một trận túc cầu nữ hào hứng giữa Mỹ và Nhật Bản (mà bạn biết là Mỹ đã thắng 5-2), và vui vì ngày lễ Độc Lập tưng bừng của nước Mỹ đã không xảy ra bất cứ vụ thảm sát nào như nhóm Hồi Giáo cực đoan từng đe dọa. Tuy nhiên nếu bạn hỏi tôi là có cảm thấy “hãnh diện là người Mỹ” như nhiều người tuyên bố trên TV hay không thì tôi xin thú thật với bạn là: “mang ơn nước Mỹ thì có còn hãnh diện là người Mỹ thì không”.  Mặc dù tôi đã sống ở đây một thời gian lâu hơn là những năm tháng tôi đã sống ở VN, nhưng tôi không có một quá khứ dày đặc như một người Mỹ chính cống, và không đóng góp được gì coi như đáng kể, như vậy lấy gì cho tôi hãnh diện? Trái lại nhiều khi tôi còn thấy bùi ngùi vì càng ngày tôi càng hiểu thêm về “the land of the free and the home of the brave” từ một câu hát trong bài quốc ca Hoa Kỳ.
 
Năm 1973 tôi đã chứng kiến dân chúng Mỹ xếp hàng dài chờ mua xăng vì bị các nước Trung Đông cấm vận, dẫn đầu là Saudi Arabia, không bán dầu cho Mỹ vì chiến tranh giữa Do Thái (đồng minh của Mỹ) và khối Arab! Cuối cùng Mỹ phải đứng ra điều đình cho Do Thái rút quân để các nước Trung Đông tiếp tục bán dầu cho Mỹ và đồng minh.
 
Lúc đó tôi còn đang theo học về Management tại Monterey Naval Postgraduate School, và một vị giáo sư đã quả quyết là sẽ có chiến tranh do Mỹ phát động tại Trung Đông vì Mỹ cần nguồn năng lượng thiết yếu, và không muốn bị các nước trong khối Arab bắt ép. Bạn biết đó, cuộc chiến vùng Vịnh (Kuwait) bắt đầu vào năm 1990, và sau đó năm 2003 Mỹ mang quân vào Iraq, lấy cớ là chính phủ của Saddam Hussein đang phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù Liên Hiệp Quốc không tán thành. Chiến tranh chất dứt, Hussein bị treo cổ, và người ta không tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt, thế nhưng Mỹ đã kiểm soát được những nguồn dầu hoả, không còn bị áp lực từ các nước Trung Đông, nhất là từ Saudi Arabia.
 
Năm 1973 cũng là năm Mỹ rút quân khỏi VN, cắt viện trợ, bỏ mặc cho Bắc Việt thôn tính miền Nam, gây bao nhiêu tang thương và làm tan nát bao nhiều gia đình vì chính phủ Mỹ đã thay đổi chiến lược, bắt tay với Trung Hoa, không còn cần VNCH làm tuyến đầu ngăn làn sóng đỏ!
 
Năm 2011 Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Iraq, bỏ mặc cho đất nước đó cho nội chiến tương tàn, và toàn thể Trung Đông trong tình trạng bất ổn, vì Mỹ không còn lệ thuộc vào dầu hoả Trung Đông như xưa, nhờ phương pháp khai thác dầu hoả mới (fracking). Nước Mỹ đã trở thành nước dẫn đầu về khí đốt thiên nhiên, và đang dần dà trở thành nước sản xuất dầu hoả đứng đầu thế giới trong nay mai. Saudi Arabia cố gắng gia tăng sản xuất, bơm thêm dầu, dù cho giá dầu đang rớt thê thảm, để “giết” bớt các công ty fracking ít vốn của Mỹ. Bạn thấy không, đồng minh nhưng vẫn “chơi nhau” sát ván vì quyền lợi sống còn.
 
Mỗi lần thấy trên TV những cảnh tang thương tại Trung Đông là tôi lại nhớ tới những đau xót của người dân VN trong trong cuộc chiến vừa qua, và không khỏi bùi ngùi thương cho số phận hẩm hiu của những người dân kẹt giữa hai thế lực đấu tranh vì quyền lợi riêng tư.
 
Bạn thân,
 
Hiểu biết về chính trị của chúng mình rất là giới hạn, và dễ bị dẫn dắt bới các cơ quan truyền thông. Nếu bạn thường xem TV của hệ thống FOX News thì chắc là bạn thấy các chuyên gia đang phê bình nặng nề tổng thống Obama về chính sách ngoại giao nói chung, và nhất là về vấn đề chiến tranh tại Iraq & Syria nói riêng. Họ cho rằng cho phi cơ bỏ bom quân phiến loạn ISIS sẽ không mang lại chiến thắng, và Hoa Kỳ lúc này chẳng có chiến lược gì hữu hiệu để đối phó với tình hình Trung Đông. Tôi không biết chính quyền Mỹ có quan tâm không, hay là họ giống như Clark Gable nói với Vivien Leigh trong phim Gone with the Wind: “Frankly, my dear, I don't give a damn”. Xin lỗi bạn tôi dùng câu tiếng Anh đó cho nhẹ nhàng.
 
Làm tổng thống đầy uy quyền thế nhưng nhiều lúc cũng bó tay bạn ạ, vì trên tổng thống hình như còn có một tập đoàn tài phiệt với quyền lực ngầm và chính sách để bảo vệ quyền lợi của riêng họ, và của riêng nước Mỹ. Dầu hoả Trung Đông không còn là vấn đề tối quan trọng, bây giờ Mỹ chuyển trục về biển Đông, không biết nước VN của chúng mình rồi sẽ bị lôi kéo vào cơn lốc xoáy nào. Trong quá khứ đã có những tổng thống Mỹ bị ám sát có lẽ vì đi ngược với quyền lực ngầm để trở những thành những nghi án vì cho đến bây giờ người ta vẫn thực sự không biết thế lực nào đã nhúng tay. Bạn và tôi chỉ là những con ốc li ti trong một bộ máy khổng lồ, có gì mà hãnh diện, phải thế không bạn thân?
 
Tôi thường tâm tình với bạn về tình yêu và tình người, hôm nay “trở chứng” viết cho bạn một cách đại khái về một đề tài không mấy thân quen, chắc thế nào bạn cũng nghĩ là tôi bắt đầu lẩm cẩm rồi! Thôi thì, một lần và chỉ một lần này mà thôi. Ông thầy của chúng mình, bình luận gia TBN, cũng đã phong bút, kể chuyến tiếu lâm thay vì nói chuyện chính trị trong một lần họp mặt vừa qua, và tôi thấy ông ấy rất là thoải mái, thay vì đăm chiêu loay hoay với những vấn đề ngoài tầm tay.
 
Thân chúc bạn những ngày an vui, và hẹn gặp bạn tháng September này để cũng nhau lang thang góc biển chân trời.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
July 6, 2015
 
 
bunthang 09.07.2015 09:55:11 (permalink)
chào Nguỵ Xưa
thật ra Bunthang nghĩ mình bây giờ là "nguỵ nay" đây! cả ngày hôm qua cứ nghe ra rả người ta đưa tin Phú Trọng của Việt Nam gặp Obama. những gì mình không muốn nghe thì cứ phải nghe phải nhìn! người ta không lo dọn dẹp rác rến tội phạm trong xã hội đời thường mà cứ chăm bẳm những gì xuất hiện trên trang mạng có tư tường "nguỵ". Như vậy chứng tỏ suy nghĩ của con người nguy hiểm hơn rất nhiều hơn ba cái thứ ba lăng nhăng cướp của giết người, mại dâm cò bạc buôn lậu?. Bunthang chưa bao giờ có ảo tưởng về nước Mỹ cả! nhất là sau khi biết được nhiều thông tin ngoài luồng về những gì xảy ra trong cuộc chiến Việt Nam năm 75.
Khi bàn về tự do người ta hay liên tưởng đến nước MỸ BT đã đọc cuốn The everything American Government Book của Nick RAGONE trong đó có đề cập đến quyền con người cũng như quá trình hình thành hiến pháp luật dân quyền nhân quyền của Mỹ. xét cho cùng đó chỉ là những tự do cơ bản tương đối cho con người chứ không phải tượng trưng cho cái ý nghĩa tuyệt đối của hai chữ "TỰ DO". nhân quyền theo kiểu Mỹ vẫn là nhân quyền thực dụng!
sự tuyệt đối của hai chữ "TỰ DO" chỉ có trong trong triết học nghệ thuật văn chương thơ ca thôi nên các chính quyền độc tài rất sợ cái gọi là tự do theo kiểu này. Họ để cho tội phạm hoành hành trong nước gây mất an ninh trật tự, nhưng lại sẵn sàng bỏ ra nhiều công sức tiền bạc dựng tường lủa ngăn chặn nhũng trang mạng theo họ là "nguy hiểm" .
vậy đó !chính các chế độ độc tài sẽ chứng minh cho chúng ta thấy cái gì có giá trị nhất. không phải kinh tế chính trị mà chính là tư tưởng thật của một "Người" theo đúng nghĩa.
NgụyXưa 21.07.2015 06:23:25 (permalink)
Cám ơn bunthang đã  góp ý. Rất mong được đọc bài viết của bunthang thường hơn.
 
Tình thân,
 
NX
*** 

Mốc Thời Gian

Bạn thân,
 
Hôm nay là ngày 20 tháng 7, ngày này 61 năm xưa ngoại trưởng Trần Văn Đỗ để rơi giòng nước mắt tại hội nghị Geneve vì Việt Nam bị các cường quốc chia đôi! Tôi nghĩ không phải chỉ mình ngoại trưởng Đỗ mà có lẽ nhiều người Việt quốc gia cũng ngậm ngùi khóc cho đất nước đau thương.
 
Lúc đó tôi mới có 11 tuổi, chưa hiểu biết nên chưa biết buồn. Vừa thi xong bằng tiểu học tại Hà Nội nên tôi được bố mẹ cho về  làng quê bên bờ sông Hồng nghỉ hè. Bà nội tôi sống một mình trong căn nhà ngói ba gian với một người giúp việc, không có ai cho tôi làm bạn nên hàng ngày tôi trốn qua nhà bà ngoại ở làng bên, theo Long đi bắn chim, theo Phượng đi câu cá, theo Hoàng đi tắm sông, và cho chuồn chuồn cắn rốn để mau biết bơi, chỉ khi nào bà nội cho người sang gọi tôi mới về. Đó là những ngày êm đềm cuối cùng của tuổi thơ, trước khi tôi biết thế nào là đau đớn chia lìa.
 
Bố mẹ tôi cho một người bà con từ Hà Nội về gặp bà tôi. Hai người thì thầm những  gì tôi nghe không rõ, chỉ thấy lưng bà nội tôi đã còng lại còng thêm khi cúi đầu lau nước mắt rồi lặng lẽ thu xếp áo quần cho tôi theo người bà con trở về Hà Nội. Bà đưa tôi ra đến tận ngõ ngoài,  bước chân nặng nề chứ không nhanh nhẹn như ngày thường, và lúc đó tôi thấy hình như bà tôi già hơn, già lắm, mặc dù bà chỉ mới ngoài 60.
 
Vài hôm sau đó, ngày 15 tháng 8 năm 1954, gia đinh tôi lên máy bay tại phi trường Gia Lâm di cư vào Nam. Bố tôi đã có lần bị Việt Minh bắt giam, đánh thừa sống thiếu chết vì là con nhà phú hộ, nên không muốn ở lại miền Bắc với người Cộng Sản, dù chỉ một ngày!
 
Tài sản bỏ hết lại miền Bắc nên vào Nam gia đình tôi rất nghèo, phải chia nhau một căn nhà gỗ gần chợ Tân Định với gia đình một người bà con mà tôi gọi bằng chú họ xa. Căn nhà thiếu tiện nghi, ngõ hẻm lầy lội bẩn thỉu đã cướp đi đứa đứa em gái út mới hơn một tuổi vào một buổi sáng khi tôi vừa thức dậy vì tiếng khóc của mẹ nghẹn ngào. Em bị diarrhea nên tất cả mọi người phải ra khỏi nhà vì sợ bị dịch tả. Tôi đến trường, chờ vào lớp,  ngồi bên bờ hè khóc dấm dứt cạnh thằng bạn Nam Kỳ mới quen. Một người đàn bà hiền hậu đi ngang, cúi xuống hỏi tôi: “Sao con khóc?”  Cơn đau như vỡ oà, tôi khóc to hơn, thằng bạn trả lời dùm: “Em nó vừa chết sáng nay”. Người đàn bà lắc đầu tội nghiệp, thở dài bỏ đi. Và đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là đau đớn chia lià.
 
Nếu không phải xa dời căn biệt thự tại phố Phan Bội Châu, Hà Nội thì có lẽ em Mai tôi nay vẫn còn, và năm nay em cũng vừa sáu mươi hai tuổi, bằng tuổi bà nội tôi năm xưa. Sau lần chia tay ở đầu làng tôi cũng không bao giờ gặp lại bà. Bà mất ít lâu trước khi có phong trào đấu tố và cải cách ruộng đất. Bố tôi gục khóc khi đọc xong tấm bưu thiếp gửi từ miền Bắc, và tôi chỉ thấy bố tôi khóc hai lần trong đời, lần đầu khi tôi theo bố đi chôn em Mai tại nghĩa địa Đô Thành (Chí Hoà), và lần thứ hai khi chúng tôi nghe tin bà nội tôi qua đời từ “miền Bắc âm u, mưa phùn rơi”. (1954-1975, P.D.).
 
Em tôi mất, mẹ tôi còn chịu thêm một niềm đau. Gia đình hầu như kiệt quệ nên mẹ tôi đành cho người giúp việc mang theo từ ngoài Bắc nghỉ việc. Đó là một cô gái còn trẻ mà bố mẹ bắt chúng tôi gọi bằng chị, dù tôi chẳng biết họ hàng ra sao. Cô ấy vừa khóc vừa mắng nhiếc mẹ tôi: “Ông bà mang tôi đi, bây giờ bỏ tôi bơ vơ nơi xứ lạ quê người …”. Mẹ tôi chỉ biết gục đầu nhẫn nhục. Biết nói gì bây giờ, cuộc đổi đời đã đủ đau thương!
 
Bạn thân,
 
Tôi biết khi Việt Nam bị chia cắt  nhiều gia đình đã phải chịu những đau thương thảm khốc hơn gia đình tôi, thế nhưng  tôi khó có thể quên được mốc thời gian của niềm chua xót đầu đời.
 
Sau này gia đình chúng tôi lại một lần nữa di cư lên Đà Lạt. Chúng tôi vẫn nghèo nhưng cuộc sống cũng đã dễ thở hơn, và hơn 10 năm nước chảy qua cầu chúng tôi đã gặp lại cô người làm năm xưa. Cô ấy đã lập gia đình, hạnh phúc bên người chồng hiền lành, và cô ấy đã gục đầu trên vai mẹ tôi: “Bà ơi …”.  Cũng là những giọt nước mắt nhưng mà là giòng lệ mừng vui chứ không còn buồn tủi như năm xưa.
 
Cơn bão Dolores từ Mexico vừa thổi qua Carlsbad. Mưa chỉ đủ cuốn đi ít bụi bậm trên cành lá cây xanh. Cali nắng hạ, đất vẫn khô cằn. Không biết người da đỏ cầu mưa có giống bà nội tôi ngày xưa: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm …” ?  
 
Nơi bạn sống lúc này mưa lũ. Mưa ngoài đời đâu bằng mưa trong lòng người, phải thế không bạn thân? Mong là bạn lúc nào cũng an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
July 20, 2015
 
 
 
 
 
Ct.Ly 23.07.2015 17:22:56 (permalink)
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 14 của 20 trang, bài viết từ 196 đến 210 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9