Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 15 của 20 trang, bài viết từ 211 đến 225 trên tổng số 294 bài trong đề mục
NgụyXưa 05.08.2015 01:29:26 (permalink)

Cù Lao Chàm Ngày Tháng Cũ

 
Bạn thân,
 
Cẩm mới đây gửi cho tôi tấm hình chụp năm 1963 tại Cù Lao Chàm.  Ngày đó năm  đứa Bảo Bình chúng tôi (Phan Lạc Tiếp, Trương Văn Đăng, Trịnh Đinh Thiện, Trần Đỗ Cẩm và tôi)  vừa mới ra trường, và được đổi xuống cùng một chiến hạm đang tuần dương tại vùng biển Đà Nẵng. Đó là những ngày vui mặc dù sóng gió miền địa đầu khiến cuộc đời đi biển rất nhọc nhằn. 
 
Sau nhiều ngày tuần tiễu trên biển chiến hạm thường ghé bến sông Hàn nghỉ ngơi nhưng có một lần tàu neo gần Cù Lao Chàm cho nhân viên lên bờ thăm dân cho biết sự tình. Cù Lao Chàm lúc đó còn hoang sơ, dân chúng sống bằng nghề đánh cá và đốn củi trên núi, nơi có heo rừng và bày khỉ đông hàng trăm con. Cẩm đã chụp tấm hình khi tôi đứng xem dân địa phương quay heo đãi thủy thủ đoàn. Thịt heo rừng nướng ngon tuyệt nhưng thịt khỉ thì tôi không dám ăn vì sau khi bị chặt đầu, lột da, con khỉ trông giống như một đứa bé, thấy thật là tột nghiệp!
 
 
 
“Mười năm gác núi sông cùng biển” năm đứa chúng tôi đã trải qua biết bao nhiêu là gian nguy trong cuộc chiến, đã chứng kiến biết bao nhiêu bạn bè ngã gục, thế nhưng cả năm đứa đều được yên lành để cuối cùng đến được đất nước này làm người di tản buồn nhiều hơn vui. Đáng mừng hơn nữa là lúc này cả năm đứa vẫn còn khoẻ mạnh, những lần họp khoá vẫn về với nhau, và vẫn coi nhau như anh em một nhà.
 
Tôi cũng vừa gặp lại đa số các sĩ quan đàn anh trên chiếc chiến hạm đầu đời đó trong lần đại hội HQ vừa qua tại Little Sài Gòn, nhưng tiếc là vắng mặt hạm trưởng S. và hạm phó Q.. Hải Quân Trung Tá Q. sau bao nhiêu năm tù đày đã xuống tóc, khoác áo vàng khi tới nước Mỹ, và ít lâu sau đã giã từ trần gian, bỏ lại cuộc đời cay đắng không người thân. Phan Lạc Tiếp đã lo cho Trung Tá Q. những giây phút cuối cùng vì chút tình chiến hữu năm xưa trên Hộ Tống Hạm Kỳ Hoà.
 
Xin kể thêm với bạn một chút về Cù Lao Chàm. Cùng với đài phát thanh Gươm Thiêng Ái Quốc, hải đảo đó  sau này có một căn cứ được xây dựng giống hệt như những làng ngoài Bắc để tuyên truyền. Lực lượng biệt hải đã bắt cóc các ngư phủ miền Bắc đem về lưu giữ tại đây. Trong lúc di chuyển các ngư phủ đều bị bịt mắt nhưng tại căn cứ họ được tiếp xúc với dân làng toàn nói giọng Bắc, để họ có cảm tưởng là đang sống trong một vùng giải phóng ở Bắc Việt. Họ được nuôi ăn và săn sóc chu đáo trong vòng ba tuần lễ trước khi được đưa trả về nguyên quán. Chiến dịch này do Hoa Kỳ tài trợ tuy nhiên kết quả không được như mong muốn vì khi được thả về các ngư phủ, do kinh nghiệm đi biển, dù là bị bịt mắt họ vẫn tin là họ đã bị đưa về miền Nam để tuyên truyền chứ không có căn cứ nào của chính phủ VNCH tại miền Bắc.
 
Cẩm và tôi đã vuợt tuyến ra ngoài biển Bắc bắn phá các đài Radar và thả biệt kích đổ bộ nhiều lần, tuy nhiên tôi đã rời lưc lượng chỉ sau một thời gian ngắn vì một lý do riêng để đi tìm cho mình một chân trời xa thẳm mà tôi từng ước mơ từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Cẩm bây giờ trở thành nhà nghiên cứu chiến tranh, viết về các trận đánh đẫm máu của quân lực VNCH và nhất là về “Hải Tuần”, lực lượng biệt kích của Hải Quân. Xin mời xem thêm chi tiết tại đây: http://ngothelinh.tripod.com/NguoiRaBienBac.html
 
Bạn thân,
 
Tháng 11 năm nay tôi lại sẽ có dịp hải hành ngang Cù Lao Chàm nhưng tôi sẽ không lên đảo tìm lại dấu chân xưa. Hải đảo đó bây giờ là một địa điểm du lịch chứ không còn là miền đất hoang vu, nơi tôi có những kỷ niệm của những ngày tập tễnh bước chân vào đời hải hồ.
 
Nhớ về Cù Lao Chàm tôi không khỏi nghĩ tới và thương những người ngư phủ miền Bắc bị bắt cóc năm xưa. Dù được chính phủ miền Nam đối xử tử tế nhưng khi được thả về họ lại bị chính phủ miền Bắc nghi ngờ, cuộc sống lại gặp nhiều nhọc nhằn vì ghe thuyền bị phá hủy, khó khăn tìm kiếm phương tiện sinh nhai. Trong chiến tranh người dân dù sống với bất cứ bên nào cũng là những người chịu thiệt thòi, phải thế không bạn thân?
 
Vài lời ngắn ngủi thăm bạn, mong là bạn lúc nào cũng vẫn an khang.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Aug. 1, 2015
 
NgụyXưa 21.08.2015 03:32:07 (permalink)

Lạc Vùng Ăn Năn

 
Riêng tặng một người.
 
Bạn thân,
 
Đã từ lâu lắm, hình như tại phòng trà Anh Vũ của Sài Gòn xưa, tôi nghe được câu “mái hiên nào che nắng che mưa” từ một bản nhạc mà tôi không biết tên. Lúc đó tôi đang loanh quanh đi tìm một nơi để trú ẩn mỗi lần trở lại thành phố sau những ngày dài công tác với sóng gió ngoài biển khơi. Chiến hạm đậu tại bến Bạch Đằng được chúng tôi gọi là “cao ốc sắt nhiều từng”, lúc nào cũng nóng như một lò than, giấc ngủ ban đêm thường mệt nhoài, mặc dù tôi chỉ ngất ngư trở về tàu khi đêm đã khuya. Tôi thường vật vã trên căn gác xép với Thịnh Mù hoặc chia nhau một góc divan với Cóc Cần tại một căn nhà trong ngõ hẻm gần bến xe Nguyễn Cư Trinh. Nhu cầu đi tìm một chỗ cho riêng mình, dù chỉ là một căn nhà nhỏ bé, đủ để “che nắng che mưa” mỗi lần tàu nghỉ bến, khiến tôi lúc nào cũng bận tâm cho nên tôi đã   nhớ mãi câu hát đó cho đến tận bây giờ.
 
Mới đây nhờ Internet tôi mới biết được tên bài hát là “Lạc Vùng Ăn Năn” của nhạc sĩ  Ngô Mạnh Thu. Bản nhac đó ít được các ca sĩ hát thường xuyên, nhưng tuần rồi nghe Ngọc Lan trình bày tại một website tôi không chỉ nhớ lại kỷ niệm cũ mà còn cảm thấy ngậm ngùi:
 
“Chiều về trên mái tóc
Từng bước chân không hồn
Lòng mình như muốn khóc
Rưng rưng đôi vai tròn.

 
Thả hồn trong nhức nhối
Lịm kín tâm tư trầm
Cuộc tình thêm đau nhói
Lãng quên câu chuyện thầm.”

 
Căn cứ vào tên bài hát và những câu thơ trên tôi nghĩ rằng có lẽ đó là tâm sự của một người đã một lần đi hoang  nhưng mộng ước không thành nên buồn bã tìm về lại mái nhà xưa trong niềm ăn năn, nơi có một vòng tay vẫn còn đang đợi chờ:
 
Mái hiên nào che nắng che mưa
Cánh tay nào hong gió đầy mùa... đợi chờ.”

 
Chỉ là một ý nghĩ chủ quan, không biết là có đúng như tác giả muốn gửi gấm hay không.  Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu đã qua đời, cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người viết trên nét nhưng tôi không tìm được một bài nào của bạn bè hay người quen biết ông bàn về lịch sử của bài hát nên tôi cũng không rõ là mình hiểu đúng hay sai.
 
Có một vài ca sĩ như Khánh Hà, Thanh Lan, Diễm Chi cũng đã trình bày bản nhạc này nhưng tôi thích giọng hát nhẹ nhàng của Ngọc Lan hơn cả, vì hình như cô ca sĩ tài hoa nhưng vắn số đó hoàn toàn đồng cảm với nỗi buồn của nhạc sĩ  trong bài “Lạc Vùng Ăn Năn”. Mời bạn nghe bản nhạc này, và hy vọng là bạn cũng sẽ tìm được niềm cảm thông:
 

Lạc Vùng Ăn Năn 
 
Bạn thân,
 
Tôi biết là thỉnh thoảng bạn vẫn vào nơi đây nghe tôi chia sẻ tâm tình vì bạn biết là chúng mình rất hiểu nhau. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng và có một quan niệm sống riêng nên tôi thông cảm với bạn chứ không phê bình khi bạn vì một lý do nào đó trước đây đã đi tìm cho mình một hạnh phúc mới. Mấy ai tránh được những thất vọng ở đời, và bạn đã lạc vào vùng ăn năn, thế nhưng bạn vẫn là người may mắn vì bạn có được “cánh tay nào hong gió đầy mùa... đợi chờ”, và bạn đã trở về mái nhà xưa. Tôi mừng cho bạn đã tìm lại được nếp sống bình an để  rồi một ngày nào đó gặp nhau chúng mình lại có thể chia sẻ với nhau những niềm vui.
 
Carlsbad mấy hôm nay ngày hè rực rỡ, không đến nỗi nóng như Sài Gòn thuở nào nhưng nắng vàng cũng đủ cho tôi gợi nhớ kỷ niệm xưa, nghĩ tới bạn, và chia sẻ với bạn chút cảm nghĩ vu vơ về cuộc đời.
 
Cuối tháng Sept. tôi sẽ trở về từ Iceland. Lúc đó vừa sang thu, cây phong trước ngõ lá đã đổi màu, mùa thu dịu êm cũng đầy ngất kỷ niệm cho chúng mình nhớ thương. Bạn chờ tôi nhé.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Aug. 20, 2015
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.08.2015 05:06:34 bởi Ct.Ly >
NgụyXưa 07.10.2015 01:03:26 (permalink)

Ngậm Ngùi Trong Nỗi Nhớ

 
Bạn thân,
 
Trở về Cali từ hôm đầu tuần nhưng hôm nay mới hồi phục để viết thăm bạn vài hàng, và kể bạn nghe về một nơi xa xôi mà từ lúc sinh ra cho đến lúc rời bỏ quê nhà tôi vẫn chưa từng nghe đến chứ đừng nói là biết đến hay đặt chân tới mảnh đất giá băng này.
 
Tôi đi thăm Iceland (vâng, Iceland chứ không phải Ireland), một đảo quốc gần Bắc Băng Dương, và thực tình tôi không rõ quốc gia này tên tiếng Việt là gì, thôi thì cứ gọi là “Băng Đảo” như một nơi trong truyện kiếm hiệp mà đã có một thời tôi rất say mê. Bây giờ với “Google” bạn có thể ngồi nhà mà vẫn biết rất rõ về miền đất xa xôi này nên tôi chỉ tâm tình với bạn về những điều nhỏ nhặt trong tình thân.
 
Tôi xuống tàu tại London và phải trải qua mấy ngày sóng gió Đại Tây Dương mới tới được Iceland, sau khi đã tạm dừng ghé thăm Norway và Shetland, một hòn đảo giữa Biển Bắc (North Sea) thuộc Scotland. Quả xứng danh là “Băng Đảo” nên gió lớn và lạnh vô cùng. Con tàu “to đùng” nặng hơn 100 ngàn tấn mà vẫn bị gió thổi tạt xa bờ, vất vả lắm thuyền trưởng mới cặp được vào cầu tàu cho chúng tôi lên thăm đất liền. Một chiếc tàu khác nhỏ hơn chút xíu đã phải bỏ cuộc.
 
Iceland là đất xưa của người Vikings nên tiếng nói rất khó nghe, và văn tự dù viết bằng mẫu tự Latin cũng rất khó đọc. Chữ Đ của họ cũng có gạch ngang như chữ Việt của mình, và dù đã đi thăm ba thành phố (Akureyri, Isafjordur và Reykjavik) nhưng thú thật với bạn là tôi không thể nào phát âm và nhớ nổi tên nếu không nhìn vào bản đồ.
 
Đã cuối mùa hè nhưng tuyết vẫn còn trên đỉnh núi và đang tan chảy tạo thành những giòng suối nước trong veo khắp nơi. Đất nước thanh bình hơn bất cứ nơi nào tôi đã có dịp đi qua trên địa cầu, ngút ngàn là những đồng cỏ xanh với những đàn cừu trắng thả rong, không người trông coi. Những cánh đồng phún thạch cũng được rêu xanh bao phủ trông xa như không khác gì cỏ non. Iceland là thành viên của minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO =  No Action Talk Only ) nhưng không có quân đội bạn ạ. Trên một đỉnh núi nằm trơ vơ một đài radar kiểm báo, trước đây trong gia đoạn chiến tranh lạnh Hoa kỳ dùng theo dõi các hoạt động quân sự của Nga Sô để có thể phản ứng kịp thời, bây giờ đã được chuyển giao cho lực lượng duyên phòng của Iceland. Tôi cũng chẳng gặp người cảnh sát nào, và có lẽ vì lý do thời tiết nên không thấy có xe gắn máy, chỉ có tiếng suối reo và thác nước sương khói bay mịt mù.   
 
Đứng bên bờ thác Gullfoss tôi ngậm ngùi nhớ thác Pongour của Đà Lạt xưa. Thuở đó chúng mình còn đang tuổi học trò, những ngày cuối tuần đạp xe về những nơi xa xôi hoà mình vào thiên nhiên, và Pongour là ngọn thác đẹp nhất của cao nguyên Lâm Viên, cách xa Đà Lạt 50 cây số nhưng chúng mình đã từng tới, dù chỉ một lần để rồi một đời không quên.
 
 
 
Gullfoss
 
Xa đất nước hơn 40 năm nhưng dù đi bất cứ nơi nào tôi thấy đâu đó phảng phất hình bóng quê hương mình, bạn có bao giờ cảm thấy như có hạt bụi bay vào mắt vì nhớ thương?
 
Iceland là đất của núi lửa và vẫn đang có những hoạt động ngầm nên cũng có những điều khác lạ. Tôi đã thấy bùn đen nóng bỏng đùn lên từ dưới đất, những hồ nước ấm thiên nhiên, và nhất là những luồng khí nóng (geysir) cứ chừng 10 phút lại phụt lên cao từ những hố sâu rải rác trên một cánh đồng phún thạch, kèm theo tiếng động như tiếng pháo kích trong cuộc chiến VN năm nào!
 
Bạn thân,
 
Chuyến đi nhiều sóng gió, trên đường về đáng nhẽ tàu phải ghé vào St. John (Newfoundland) nhưng vì cơn bão tới nên phải chạy thẳng tới Halifax của Canada, nơi thuyền trưởng Ngô Sanh, cựu SQHQ/VNCH thành lập hãng … nước mắm nổi tiếng một thời, và đó là hải cảng cuối cùng trước khi kết thúc hải trình tại New York City.
 
NYC là nơi tôi đã thăm viếng nhiều lần, và lần đầu tiên cách đây có hơn … 50 năm, thế nhưng tôi vẫn ở lại thêm một ngày trước khi bay về Cali để đi thăm đài tưởng niệm biến cố 9/11 vào năm 2001. Tôi ngậm ngùi đưa tay sờ thành giếng nước, lẩm bẩm đọc tên những người đã bỏ mình khi hai tòa tháp đôi bị quân khủng bố phá hủy, và cảm thấy man mác một nỗi buồn. Đất nước này đã cưu mang anh em chúng mình, cho chúng mình những ngày an vui cuối đời, nên dù chỉ là công dân hạng hai tôi vẫn thấy thiết tha giống như là tôi yêu thương VN.
 
Tháng tới chúng mình lại về thăm Hà Nội, Huế và Sài Gòn! Chúng mình đi lại đường biển xưa thêm một lần vì không biết rồi sẽ có còn một quốc gia mang tên Việt Nam. Cứ nghĩ thế là nước mắt tôi lại nhạt nhoà. Vắn tắt vài hàng thăm bạn, bạn giữ gìn sức khoẻ để chờ ngày về nhé.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Sept. 26, 2015
 
NgụyXưa 28.10.2015 00:12:54 (permalink)

Chỉ Nhớ Người Thôi …

 
Bạn thân,
 
Thi sĩ DTL nhớ người yêu nên đã viết: “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”. Tình quá, phải không bạn thân? Chúng mình đã qua cái thời lãng mạn đó từ lâu, nếu có thoáng nghĩ tới chuyện ngày xưa thì cũng chỉ nhẹ thở dài!
 
Riêng tôi thì lúc này “chỉ quét sân thôi đủ hết ngày” vì mùa thu đã về với Cali, và mặc dù thời tiết còn oi bức nhưng lá trên cây đã vàng, rụng đầy lối đi. Hơn thế nữa lá từ công viên cạnh nhà, và “lá rơi hàng xóm lá bay sang” nên tôi quét mệt nghỉ, nhất là từ ngày tôi cho ông làm vườn người Mễ nghỉ việc vì ông ta quá bận rộn, giao việc cho mấy người học nghề thiếu kinh nghiệm làm cho cây cối trong vườn méo mó chẳng ra hình thù gì rõ ràng!
 
Bạn biết không, mỗi lần đi xa tôi thường nhớ nhà, nhất là những chuyến đi kéo dài vài tuần lễ, mong được trở về nằm dài trên chiếc giường êm ái, ngồi trước chiếc TV với màn hình “to đùng”, thế nhưng chỉ được ít lâu những công việc thường nhật lại trở thành tẻ nhạt, và tôi lại mơ màng một chuyến viễn du. Như đã “khoe” với bạn trong thư trước, tuần tới tôi lại lên đường, và lần này sẽ ghé vào Hà Nội để nhớ để thương, dù Hà Nội bây giờ không còn tí gì giống Hà Nội của tôi xưa.
 
Năm 2004, sau 50 năm xa cách tôi cũng đã trở về Hà Nội một lần, và tôi đã ngơ ngác đi giữa phố phường như người mộng du. Lần này trở lại ngoài việc gặp vài người bạn văn tôi không biết là mình sẽ tìm lại được gì, nhất là mới đây đọc “Đội mưa mà đi …” của nick “sôngthương” đăng trong phòng “Tùy Bút” của diễn đàn Đặc Trưng, viết về cảm xúc của một người ở xa vể thăm, tình cảm lấn cấn giữa Hà Nội xưa và nay, tôi sợ rằng mình rồi cũng lại thêm một lần ngỡ ngàng. Hà Nội bây giờ cũng đang là mùa thu, nhưng chắc  là tôi sẽ chẳng tìm được “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”. Những cái đó nếu có còn thì cũng chỉ những người một đời gắn bó với Hà Nội mới cảm được, còn những người đã hơn 40 năm trôi dạt nơi xứ lạ như chúng mình thì hình ảnh cổ kính đó chỉ còn là một thoáng trong mơ.
 
Hầu như chuyến viễn du nào tôi cũng có Q. đi cùng, và lần này cũng vậy, mặc dù Q. vừa bị giải phẫu cột xương sống để hàn gắn lại những nơi bị lệch. Đêm hôm vừa qua Q. viết cho tôi:
 
Từ ngày được giải phẩu đến giờ tôi ăn uổng̀ rất khó, một muỗng cháo hoặc một hớp nước là tôi ho rung cả người,  kết cuộc đến hôm 21 Oct. 15, tôi bị sưng phổi, đang chữa với trụ sinh. Còn hai ngày nữa uống xong thuốc, hy vọng cơn đau xung quanh lá phổi trái sẽ thuyên giảm, và tình trạng tổng quát sẽ khá hơn để đi cruise với các bạn như đã dự trù, dù đi mà chỉ ớ trên tàu để nhìn lại các hải đảo, các bải cát, các cầu tàu của quê hương, là cũng thấy được an ủi rồi…”
 
Ngày xưa Q. là hạm trưởng một chiếc tuần đương hạm của HQ/VNCH, bây giờ người thủy thủ già đó dù thân xác đã mòn mỏi nhưng tấm lòng với quê hương, với đại dương và với đường biển xưa vẫn còn y nguyên. Đọc thư Q. tôi thấy một nỗi buồn, nhất là trong lúc đang nghe Elvis Phương hát “Bến Thượng Hải”, nên khi viết trả lời tôi đã kèm theo vài dòng của bài ca để gửi chút tâm tình tới bạn miền xa:
 
Biển sóng  … dạt dào
trùng dương lớp lớp trôi đi về chốn nao,
đời như những cơn sóng đùa
mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ.
 
Cuộc đời vui, cuộc đời buồn,
nào ai hay biết cho đâu là bến mơ,
niềm hạnh phúc hay nỗi sầu,
dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm.

https://www.youtube.com/watch?v=L7z9DiD1nRg
 
Tôi cũng nói với Q. : “Ở vào tuổi “cổ lai hy” như anh em chúng mình thì mấy ai được khoẻ mạnh hoàn toàn. Bạn cứ yên tâm tĩnh dưỡng rồi chúng mình sẽ gặp lại nhau một ngày rất gần.”  Viết vậy mà thực tình trong lòng tôi rất băn khoan, chỉ còn độ một tuần nữa là chúng tôi phải bay qua Hongkong để xuống tàu, không biết Q. có đủ sức khoẻ để ngồi 10 tiếng đồng hồ trên máy bay. “Đời như những cơn sóng đùa … biết đâu là bến bờ”, thôi thì cứ để thời gian trôi, phải thế không bạn thân.
 
Bạn thân,
 
Vài năm trước đây mỗi lần đi chơi xa chúng mình là một bọn đông vui, có khi tới vài chục người. Bây giờ chẳng còn được bao nhiêu vì mặc dù có thời gian, có phương tiện và vẫn có đôi có lứa, thế nhưng sức khoẻ của các bạn ta mỗi ngày mỗi mỏi mòn cho nên nhiều người chỉ còn có thể đứng trên bờ nhìn ra đại đương. Cụ Thộn vừa rồi gọi cho tôi, nói: “Mày đi rồi về kể cho tao nghe nhé. Tao bây giờ không ra được khỏi sân nhà …”. Cụ biết tôi sẽ ghé Đà Nẵng, nơi Cụ đã từng gửi gấm cuộc đời cho một người con gái, và mặc dù bây giờ mối tình đã tan vỡ nhưng lúc nào Cụ cũng vẫn nhớ thương. Đà Nẵng cũng là nơi Cụ và tôi một thời đi tìm phiêu lưu trong chiến tranh với những đêm hoạt động ngoài vịnh Bắc phần.
 
Tôi bùi ngùi nghe Cụ Thộn than thân, và tự hỏi rồi bao giờ tới phiên chúng mình, tới ngày đứng gọi: “Đường biển xưa ơi, chỉ nhớ người thôi đủ hết đời.” Ngày nào đó rồi cũng sẽ đến, còn bây giờ mong là lúc nào bạn cũng an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa,
Oct. 27, 2015
NgụyXưa 08.12.2015 04:06:43 (permalink)

Đường Xưa Lối Cũ: Hà Nội


Bạn thân,

Nov. 7, 2015:

Khi du thuyền chỉ mới vào tới vịnh Hạ Long tôi đã thấy bồi hồi.  Đúng là thượng đế đã ưu ái cho VN chúng mình một mảnh giang sơn mỹ lệ, thế nhưng rồi chợt thấy xót xa khi thấy những con thuyền mỏng manh với vài ba đứa trẻ được bố mẹ áp sát vào du thuyền để … ăn xin!  Tôi bùi ngùi quay mặt, không muốn nhìn cả những thân xác khô gày trên những chiếc xà lan xuôi ngược, chở đày vật liệu để xây cất những nhà cao từng trên bờ, đón người ngoại quốc sang nghỉ ngơi. Thiên nhiên mỹ lệ nhưng đa số dân chúng vẫn đói khổ, và mảnh đất nước này có còn giữ mãi được không hay là rồi sẽ lại thuộc về  đám người phương Bắc gian tham!
 
Trên đường từ Bãi Cháy/Quảng Ninh, nơi tàu thả neo, về Hà Nội chúng tôi đã đi qua vài nơi quen thuộc như Hải Dương và Bắc Ninh. Quê tôi chỉ cách Hà Nội hơn 10 cây số, trước đây thuộc về Bắc Ninh nhưng nay đã là một phần của Hà Nội, mặc dù phần đất đó vẫn còn rất chân quê. Dân làng tôi thường nói ngọng, lẫn lộn giữa “l” và “n”, nên một ông anh họ từ quê ra Hà Nội học đã từng bị chế giễu là tác giả được giải “Lobel” với tác phẩm “Nàm Thế Lào Để Không Lói Ngọng”, thế nhưng mỗi lần nghĩ tới nơi chôn nhau cắt rốn đó tôi vẫn không khỏi thẫn thờ nhớ thương.
 
Cô em tôi sinh ra là lớn lên tại Đà Lạt, chỉ nghe mẹ tôi mỗi lần nhớ nhà lại nhắc đến “Đình Đào, Miếu Thượng, Chùa Lê”, nên lần này về qua đất tổ đã đi đến tận những nơi đó, và nhất là ra xem cầu Vương bắt ngang con sông đào uốn lượn quanh làng, nơi chị tôi thường dắt tôi ra đứng ở đầu cầu chờ mẹ tôi gánh lúa về từ bên kia sông. Em tôi đã không tìm được những gì mẹ tôi thương nhớ vì làng tôi bây giờ không còn nhà tranh vách đất, không có cây đa và lũy tre, và cũng chẳng còn cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Người dân đã bán đất cho Tàu, cho Đại Hàn xây nhà máy, lấy tiền cất nhà lầu, đi làm công thay vì “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” như xưa. Hơn 40 năm trôi qua, làng tôi và Bắc Ninh bây giờ trông như ngoại ô Sài Gòn trước năm 1975, dân làng không đói khổ nhưng đất nước này vẫn còn thua kém xa những nước láng giềng.
 
Chiếc xe du lịch đưa chúng tôi vào Hà Nội bằng cầu “Nhật Tân”, cây cầu “hoành tráng” mới nhất  vừa mới được khánh thành. Người lái xe hình như rất tự hào nhưng với chúng mình những người đã từng có dịp đi đây đi đó thì cầu Nhật Tân cũng giống như những cây cầu tầm thường mà chúng mình đã từng vượt qua bên trời Âu Mỹ. Qua cầu Nhật Tân “hoành tráng”thế nhưng tôi lại nhớ cây cầu Long-Biên ọp ẹp mà ngày xưa mỗi lần nghỉ lễ tôi được ngồi xe hàng, về quê để câu cá, bắn chim hay ôm thân cây chuối tập bơi ngoài sông đào.
 
Mười năm trước tôi đã có dịp về Hà Nội tìm dấu chân xưa, và đã có chút ngỡ ngàng, nên lần này trở lại tôi không mấy còn nôn nóng. Người lái xe đưa chúng tôi “tham quan” những thắng cảnh tiêu biểu của thành phố, và tôi chỉ hững hờ đưa mắt nhìn. Xe qua hồ Tây, một người bạn đi chung vốn rất trầm lặng bỗng la lên thảng thốt: “Đó, chỗ đó là nhà tôi ngày xưa, phiá trước là đường Cổ Ngư, tôi và bố tôi vẫn thường ngồi câu cá bên bờ hồ…”. Anh lạc giọng thẫn thờ … Đường xưa lối cũ còn sống mãi với những người tha hương. Bốn mươi năm hay 100 năm cũng chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn trong giấc mơ trở về quá khứ, phải thế không bạn thân!
 
Thật ra lần này về Hà Nội tôi muốn tìm gặp hai người bạn văn. T.L. và tôi biết nhau từ lâu, từ khi cô bạn trẻ đó còn là sinh viên trên đất Pháp, nhưng chưa hề gặp nhau. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, T.L. về nước làm việc cho một cơ quan tài chánh ngoại quốc, và thường viết cho tôi, mong một ngày nào gặp mặt để cùng nhau đi dạo trên con đường Trường Thi dưới trời mùa thu Hà Nội. Mặc dù đã hứa hẹn nhiều lần nhưng bây giờ tôi mới có dịp trở về, và chúng tôi đã gặp nhau trong quán cà phê Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm. T.L. đằm thắm và dễ thương hơn là tôi tưởng. Người con gái đó cũng rất lễ phép và giữ được giọng nói “Bắc Kỳ” xưa, không bị pha trộn âm hưởng của vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh như những người Hà Nội mà tôi đã từng gặp gỡ.  
 
Chỉ tiếc là mùa thu Hà Nội năm nay nóng quá, và tôi cũng chỉ có vài tiếng đồng hồ tại thành phố, nên chúng tôi chỉ trao đổi với nhau một chút tâm tình chứ không có thì giờ đi tìm “cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu” như chúng tôi hằng ước ao. Chia tay, hẹn gặp lại nhau một ngày nào khác, ở bên đó hay bên này, vì với địa vị và thân thế, có lẽ T.L. có thể xuất ngoại bất cứ lúc nào nhưng điều tôi mong mỏi là tương lai của Việt Nam sẽ thuộc về những người trẻ như T.L., những người có kiến thức và nặng lòng với quê hương.
 
Người bạn thứ hai tôi muốn gặp là một nhà văn đã đứng tuổi, nhưng tiếc thay vì thì giờ eo hẹp nên chúng tôi chỉ trao đổi qua điện thoại. Anh D. sinh ra và lớn lên tại miền Bắc nhưng anh và tôi đồng cảm về thân phận con người, nhất là những người lính, dù là bộ đội miền Bắc hay quân nhân VNCH. Anh cũng như tôi đều ước gì sau cuộc chiến chính quyền đối xử với những người lính miền Nam giống như là tướng Grant đã mở rộng vòng tay đón nhận “bên thua cuộc” sau trận nội chiến của Hoa Kỳ để cùng nhau xây dựng một nước Mỹ hùng cường. Tôi không thể gặp anh để cùng uống với anh một chén tương phùng như anh muốn thế nhưng tôi tin là chúng tôi đã hiểu nhau hơn. Tôi nói với anh là một ngày nào đó tôi sẽ trở lại nếu như vẫn còn một nước Việt Nam!
 
Bạn thân,
 
Vì nhớ thương quê cha đất tổ nên tôi đã trở về thăm thêm một lần thế nhưng thực tình tôi không có nhiều kỳ vọng về chuyến đi. Tôi cũng đã không thất vọng vì đâu đó trong niềm nhức nhối của quê hương tôi vẫn thấy còn có tình người. Riêng K. và một người bạn đã có những ngày vui vì được nếm và mua tất cả những món quà quê hương. Mấy món quà đó thì ngay cả bên Mỹ này cũng có, và có thể còn ngon và sạch hơn, thế nhưng cốm Vòng bọc bằng lá sen thì không phải chỉ để ăn mà còn để nhìn, để thấy cả một trời thương nhớ đó bạn thân.
 
Vài hàng thăm bạn, “đường xưa lối cũ” còn có những nơi mà anh em chúng mình đã một thời hy sinh cả tuổi xuân, và tôi đã về gặp bạn cũ. Bạn chờ tôi viết tiếp nghe.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 12, 2015
NgụyXưa 15.12.2015 02:14:37 (permalink)
Đường Xưa Lối Cũ:  Đà Nẵng  
Bạn thân,
 
Khi du thuyền kéo neo giã từ Hạ Long tôi đứng lặng người trên boong đưa mắt nhìn bao quát   như thầm nói lời giã biệt, vì không biết tôi còn có dịp trở lại nơi này. Ngày cuối cùng ở Quảng Ninh tôi đã được người cháu đưa tới thăm “Thiền Viện Trúc Lâm” (chùa “Cái Bầu”). Chùa đẹp và “hoành tráng”, xây trên một ngọn đồi cao nhìn xuống vịnh nhưng tôi không nghe tiếng kinh kệ u trầm qua hệ thống phóng thanh từ trong chùa mà chỉ đứng ngoài sân ngắm nhìn một mảnh giang sơn gấm vóc. Hạ Long, con rồng xuống biển vẫy vùng, hy vọng là sẽ ngăn được “tàu lạ” chận bắt ghe đánh cá của dân mình!
 
Sept. 13, 2015: Du thuyền cặp bến Chân Mây. Đây là vùng đất thuộc Lăng Cô, giữa đường từ Đà Nẵng đi Huế. Bến cảng chỉ là một bãi đất trống mới xây cất, và vì nước cạn nên khó khăn lắm con tàu to lớn mới cặp được vào cầu sau khi đã quậy bùn lên đục ngầu. Từ Chân Mây du khách có thể đi thăm Huế hoặc Đà-Nẵng/Hội An. Các em tôi và bạn bè đều đi thăm cố đô, riêng tôi đi Đằ Nẵng thăm đường xưa lối cũ, và để tìm gặp một trong hai người bạn đồng khoá còn ở lại Việt Nam.
 
Đã lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp trở về Đà Nẵng (lần cuối vào năm 2004), về để thấy bùi ngùi ngẩn ngơ. Đà nẵng là nơi anh em Bảo Bình chúng mình một thời đi tìm phiêu lưu trong cuộc chiến. Gia nhập lực lượng đặc biệt Hải Tuần tại bán đảo Sơn Chà hồi đó (1964,1965) gồm có T.Đ.Cẩm, N.V.Tánh, P.V.Hưng, P.Đ.Riễn, N.M.Thành, L.T.Chiêu, L.K.Lợi, P.V.Minh và tôi… Chắc là còn vài người nữa mà tôi không nhớ tên, nhưng thế cũng đủ cho khoá BB nổi đình đám hơn bất cứ khoá đàn anh nào. Ngày đó đêm đêm vượt tuyến ra vùng biển bắc vẫy vùng thế nhưng may mắn thay, trừ P.Đ. Riễn, ngày tàn cuộc chiến anh em chúng mình vẫn còn sống sót để lưu lạc xứ người!
 
Tôi chỉ phục vụ lực lượng một thời gian ngắn, nhưng khi từ giã, vì một lý do riêng tư, tôi không khỏi mang theo một nỗi buồn vì phải bỏ  lại tình yêu đầu đời. Bây giờ trở lại, Sơn Chà còn đó nhưng người xưa đã vắng bóng, “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi…”, tìm về quá khứ để hoài niệm một chút mà thôi.
 
Đà nẵng bây giờ không còn là Đà Nẵng của chúng mình ngày xưa. Thành phố mở mang và hiện đại hoá, toà đô chính cao mấy chục tầng, khách sạn nhiều sao ngất ngưởng soi hình bên bờ sông, thế nhưng đó là thành phố của người chứ không còn là thành phố của ta. Có những khu vực riêng của người Tàu mà người Việt không được quyền lai vãng. Trên con đường mới làm dọc theo bờ biển, từ Đà Nẵng đi Hội An, nhiều khu cũng thuộc về “người lạ”. Bãi biển Mỹ Khê và những khu resort cao cấp của ngoại quốc hầu như không có người Việt lai vãng, và “Việt Kiều” trung bình như chúng mình quả tình cũng khó chen chân.
 
Tôi không thể vào thăm lại căn cứ Hải Quân Tiên-Sa nhưng có một nơi cho tôi đứng nhìn ra biển để nhớ về một đoạn đời cũ, đó là chùa Linh Ứng mới xây trên một ngọn đồi thuộc bán đảo Sơn Chà. Từ đó tôi có thể nhìn thấy Cù Lao Chàm xa xa ngoài biển, và lờ mờ như thể là Hộ Tống Hạm Kỳ Hoà, với Tiếp, với Đăng, với Cẩm, với Thiện của những ngày xa xưa, vừa thả neo cho chúng tôi lên đảo thăm dân cho biết sự tình. Chỉ là tưởng nhớ mà mắt hình như cay.
 
 
 
T.H.Quýnh và tôi hẹn nhau về lại thành phố xưa cũng vì một người bạn. Cuối cùng vì vấn đề sức khoẻ, chỉ có mình tôi tìm đến thăm Vĩnh Lợi, “Mệ” của khoá Bảo Bình. Lợi cũng vửa trải qua những ngày nằm trong bệnh viện, tưởng là không qua khỏi, và nếu tôi tới sớm vài ngày thì cũng chẳng gặp được nhau. Bạn ta bây giờ trông khá già, tóc đã bạc phơ, và không còn nhớ nhiều cho đến khi tôi nhắc lại những nick names, những kỷ niệm xưa thời quân trường thì ký ức như uà về. Bạn ta trở thành linh hoạt, nhắc nhở tới bạn bè cùng khoá, tới các vị giáo sư trong quân trường, tới thầy Kiểm, thầy Sơn, nhất là thầy Sơn, người đã giúp đỡ Lợi rất nhiều trong thời gian thụ huấn tại quân trường Nha Trang. Lợi nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi tới bạn bè và tất cả các giáo sư huấn luyện viên.
 
Lợi bây giờ nghĩ nhiều về một nơi trong thế giới tương lai hơn là hiện tại, bằng lòng với cuộc sống gia đình đơn sơ, cạnh người vợ hiền và những đứa con ngoan, không còn quan tâm tới những khúc mắc của cuộc đời, dù là những nhức nhối của quê hương. Tới một tuổi nào đó anh em chúng mình rôi cũng như thế mà thôi, phải không các bạn thân.
 
Tiếc là Lợi không đủ sức khoẻ theo tôi thăm viếng Hội An. Tôi vẫn mong trở lại Phố Cổ, nơi còn còn chút di tích của văn hoá cổ truyền. Tiếc thay Phố Cổ Hội An đã xuống cấp, du khách cũng chỉ lác đác, hàng hoá cũng chẳng có gì đặc biệt để phải mua làm kỷ niệm, và Thu Bồn đục ngầu, trông như là một vũng nước hơn là một giòng sông lai láng chúng mình vẫn thường đọc được trong văn chương. Tôi không ra cửa Đại vì được khuyến cáo là nơi ấy bây giờ biển đang lấn bờ. Sông Thu Bồn bị người ta khai thác quá độ tại thượng nguồn, cát không còn được cuốn ra cửa sông nên sóng tàn phá những kiến trúc dọc theo bờ biển, trông nham nhở chứ không còn thơ mộng như xưa. 
 
Bạn thân,
 
Mỗi lần trở lại là mỗi lần ngậm ngùi, và đôi khi còn có cảm tưởng mình như người xa lạ trên quê hương, thế nhưng lòng hoài hương, tấm tình thương yêu đường xưa lối cũ, nên tôi đã tìm về, ít ra là cũng đã hai lần. Tôi vẫn mong trở về ít nhất thêm một lần nữa, nhưng không biết rồi có còn một nơi gọi là “nước Việt Nam” cho tôi, cho bạn trở về nữa hay không, vì VN có thể trở thành “đất lạ”, để cho chúng mình đời đời tiếc thương.
 
Chuyến đi từ Hong-Kong sang Singapore, du thuyền đã thả neo tại Vịnh Hạ Long cho tôi về thăm Hà Nội. Sau Đà Nẵng là cửa Soài Rạp dẫn về Sài Gòn, xin hẹn các bạn thư sau, tôi sẽ viết thêm về nỗi ngậm ngùi của những ngày đi lại đường biển xưa. Mong là các bạn lúc nào cũng an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
12/8/2015
 
T.B.: Khi tôi đang viết những dòng này thì cháu Quỳnh Thy gọi cho tôi biết là đêm qua bố cháu, Phạm Văn Hưng, aka “Cụ Thộn” của khoá Đệ Nhất Bảo Bình, đã ra đi vì trụy tim.  Thêm một chiếc bình vỡ, và tôi mất một người bạn thân “mày/tao”, học chung với nhau từ thời trung học trên Đà Lạt. Hưng ơi, trước khi đi vào miền miên viễn linh hồn mày hãy bay về thăm lại Trường Sa nơi chúng mình theo tàu ra đặt bia chủ quyền năm 1963. Về thăm đường xưa lối cũ để nhớ để thương vì nơi đó không phải là vùng “đất lạ” mà là một mảnh giang sơn của ông cha. Có gì về báo mộng cho tao nghe Hưng.
 
Ct.Ly 15.12.2015 02:32:47 (permalink)
NgụyXưa 01.01.2016 01:23:30 (permalink)
Cám ơn Ct.Ly đã chia sẻ cảm nghĩ, và xin chúc Ct.Ly cùng các ACE trong diễn đàn một năm mới 2016 an khang,  hạnh phúc.
 
Ngụy Xưa
 
***

Đường Xưa Lối Cũ:  Sài Gòn

 
Bạn thân,
 
Tháng Tư năm 2012 tôi đã trở về thăm Sài Gòn một lần. Khi đó du thuyền chỉ mới tới gần Vũng Tàu, thấy ánh đèn hải đăng chớp sáng, nước mắt tôi đã nhạt nhoà vì nhớ thương. Lần này tôi trầm tĩnh hơn, chỉ bồi hồi khi thấy lại đường biển xưa.
 
Nov. 15, 2015: Tàu vào cửa Soài Rạp khi trời vừa sáng tỏ, tôi đứng lặng trên boong ngắm nhìn rừng Sát xa xa xanh ngắt một màu và tầu thuyền tấp nập trên dòng sông nước đục ngầu. Có những chiếc xà lan chở đầy cát hướng về cửa biển, tôi nghĩ thầm chắc là họ đang vét nạo dòng sông cho tàu bè dễ đi lại, và mang cát đổ ra biển, thế nhưng sau này về lại Cali, đọc tin tức từ bạn bè mới biết rằng người ta chở cát ra Trường Sa bán cho Trung Cộng để xây cất phi trường trên những hòn đảo chiếm được của Việt Nam. Bán đất, bán đảo, bán người và bây giờ bán cả cát nữa thì còn gì là Việt Nam của chúng mình. Buồn quá, phải thế không bạn thân?
 
Tàu cập cảng Cái Mép, một đám đông du khách ngoại quốc lên đường đi thăm … địa đạo Củ Chi! Có lẽ họ ngây thơ tin vào những gì hoang đường đọc được trên nét nên chắc chắn là khi trở về họ sẽ thất vọng, và sẽ mất cảm tình với đất nước họ tới thăm.
 
Tôi lên xe do một người cháu thuê dùm về Sài Gòn nhưng thật tình tôi không biết trở lại thành phố đó để thăm viếng những gì vì biết rõ là đường xưa lối cũ đã phai mờ, và ngay cả căn nhà cũ gần cổng xe lửa số 6 cũng đã bị người ta phá đi, (cám ơn anh saudong cho tin trước khi tôi bay sang Hong-Kong), thế nhưng K. và người bạn lại rất náo nức về  thăm lại “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”.
 
Xe mới ngừng K. và người  bạn đã  ngẩn ngơ đứng nhìn rồi lang thang trong sân trường cũ, nhìn từng gốc cây, từng cánh cửa, từng bức tường, thầm thì nhắc với nhau những kỷ niệm từ thời hoa niên, mặc cho một số học sinh cả nam lẫn nữ đang tụ họp tò mò đưa mắt nhìn hai người đàn bà xa lạ nước mắt lưng tròng. Trường Trưng Vương bây giờ vẫn giữ lại tên cũ nhưng dành cho cả nam lẫn nữ, đâu còn những tà áo dài tung bay những chiều tan trường năm xưa để cho những người con trai si dại đứng chờ trông! Bà cụ bán hàng rong trước cửa trường nói với K. là thỉnh thoảng vẫn có những bà đứng tuổi từ xa về, tới đứng nhìn rồi cúi đầu, dụi mắt quay đi.
 
Người cháu đưa chúng tôi tới ăn trưa tại quán “Cục Gạch”, một nhà hàng không bình dân nhưng lại cố ý khơi lại khung cảnh những ngày đói khổ bằng cách dùng chén bát mẻ và thức ăn “nhà quê” như thịt heo kho, dưa muối … để cho những người đã có một thời phải chịu những đắng cay trong trại “cải tạo” nhớ lại kỷ niệm xưa. Tôi may mắn không phải trải qua thời kỳ đau buồn đó nhưng một người bạn đi cùng hình như khá xúc động, trầm lặng nhìn hơn là đưa đũa gắp thức ăn.
 
Sài Gòn bây giờ cao và đẹp hơn nhưng không còn thương xá Eden, không còn những quán kem, những nơi ngày xưa chúng tôi thường hẹn hò, cho chúng tôi tìm lại chút kỷ niệm. Đường Nguyễn Huệ cũng đã trở thành một “quảng trường” và đường Lê Lợi đang bị ngăn chặn để xây cất trạm tàu điện ngầm nên trung tâm thành phố chỉ có một nơi để chúng tôi thăm viếng là Vương Cung Thánh Đường và Bưu Điện, những kiến trúc tiêu biểu còn lại của một thời xa xưa.
 
Những nơi đó bây giờ quá đông đúc và ồn ào nhưng cũng tại nơi đó tôi đã có cơ hội quan sát và chuyện trò với lớp người trẻ. Môt vài cặp tân hôn đứng chụp hình bên cạnh nhà thờ, họ chỉ vào khoảng đôi mươi, có lẽ còn quá trẻ để kết hôn, không như chúng mình trước năm 1975, vào tuổi đó chưa dám lập gia đình vì thương người yêu bé nhỏ “lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại”! (HL).
 
Đám người trẻ tụ tập trong những quán nước bên đường phục sức “văn minh” hơn chúng mình thời xưa. Tôi có dịp nói chuyện với vài người, kể cả một người đang rao bán những chung cư mới xây, nhận thấy họ không còn e dè đối với “Việt Kiều” như những năm trước đây. Có lẽ nhờ Internet và những cơ hội thăm viếng nước ngoài nên tầm hiểu biết của giới trẻ đã mở rộng, và tâm hồn cũng cởi mở hơn. Hy vọng là lớp người trẻ này nhìn thấy mối đe dọa từ phương Bắc, và họ sẽ là những người đứng lên cứu lấy quê hương.
 
Sài Gòn hôm đó cũng có những cơn mưa, và tôi chợt nhớ tới câu thơ cũ “mưa sa trên màu cờ đỏ” của Trần Dần. Không phải chỉ màu cờ đỏ mà còn cả màu vàng chữ đỏ của những biểu ngữ “tự sướng” (không phải selfie, mà là self-satisfied) của chính quyền giăng ngang phố phường và công viên nhân dịp đại hội đảng sắp tới. Tháng 11 nhưng Sài Gòn không có mùa thu, và tôi giã từ thành phố chiều hôm đó trong nỗi bùi ngùi.
 
Khi du thuyền rời cảng Cái Mép trên đường qua Thailand tôi đã lại đi trọn đường biển xưa thêm một lần, và không biết sẽ còn có một lần nữa hay không. K. vẫn muốn trở về thăm sông nước miền Nam, thăm Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên … những nơi tôi cũng đã từng đặt chân, và để lại những kỷ niệm một đời khó quên, thế cho nên năm 2017 có lẽ chúng tôi sẽ lại trở về.
 
Bạn thân,
 
Hôm nay mới viết cho bạn được đoạn cuối về một chuyến đi vì những ngày cuối năm 2015 gia đình Bảo Bình đã có những nỗi buồn. Như bạn biết “Cụ Thộn” đã từ giã cuộc chơi vào ngày 7 tháng 12. “Mệ” Vĩnh Lợi mà tôi mới gặp lại tại Đà Nẵng trong chuyến đi vừa qua cũng đã bỏ bạn bè để về nơi miên viễn đúng vào ngày Chúa giáng sinh. Trong vòng một tháng hai Bình đã vỡ đôi! Biết là Bình nào cũng đã già, đã qua tuổi tri thiên mệnh, và sống gửi thác về, mà sao vẫn mênh mông một nỗi buồn.
 
Cuộc đời vui, cuộc đời buồn…”, thôi thì bạn cố giữ gìn sức khoẻ nhé, năm tới chúng mình vẫn còn vài chuyến lãng du, và trong tương lai mặc dù “đường về quê xa lắc lê thê” thế nhưng hãy cứ hẹn nhau một ngày về.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 31, 2015  
NgụyXưa 08.01.2016 09:39:09 (permalink)
 “Tài Hoa Một Đời” là tâm tình về một người bạn được viết và posted trên diễn đàn này nhiều năm trước đây. Bạn tôi vừa giã từ trần gian, bỏ cuộc chơi hôm nay là đúng một tháng, tôi đăng lại bài này, và thêm tấm hình, để tưởng nhớ, và để cầu chúc linh hồn bạn tôi sớm về cõi vĩnh hằng. Jan. 7, 2016.
 

Tài Hoa Một Đời

 
Bạn thân,
 
Tôi quả tình không biết tại sao P. V. Hưng lại bị gọi là “Cụ Thộn” trong lúc bạn ta là thằng đẹp trai, hào hoa, và mới vừa hai muơi tuổi đời trong lúc theo học trường SQHQ Nha Trang.
 
 
 
Trước khi nhập ngũ tôi và “Cụ Thộn” học chung với nhau trên Đà Lạt. Lúc đó tôi là con nhà nghèo, yêu cô bạn học cùng lớp nhưng chỉ dám nhìn từ xa, gặp mặt là luống cuống, không giống ai, nhưng Cụ thì đã tài hoa ra mặt, yêu L.M. Hương, cô nữ sinh má đỏ môi hồng, đẹp nhất trường Bùi Thị Xuân, và cụ chẳng sợ thằng Tây say nào, hàng ngày theo nàng từ nhà tới trường, và lên tận nhà thờ nơi nàng đi lễ, xin cha rửa tội dù gia đình của Cụ bao nhiêu đời Phật tử thuần thành!
 
Không hẹn chúng tôi vào trường HQ cùng một lần. Cụ và tôi lại chia nhau một góc phòng, đêm đêm nghe cụ lè nhè hát tình ca, và cuối tuần nghe cụ tán hươu tán vượn về những người đẹp Nha Thành, về em Tấm em Cám nào đó mà Cụ khoe dễ thương ơi là dễ thương. Hình như có người con gái đẹp nào là cụ yêu hết, kể cả thời gian cụ qua New Port, R.I. học về Khu Trục Hạm, Cụ yêu  luôn một cô sinh viên du học tại Providence đến độ phải đi vẽ tranh bán lấy tiền để gọi điện thoại viễn liên.
 
Đã nói cụ là người tài hoa, cầm kỳ thi hoạ, cái gì cũng biết mà. Cụ phổ nhạc bài thơ tình vụng dại của tôi, và hát cho người đẹp nổi tiếng ở Đò Xu nghe khiến nàng cảm động, theo về sửa túi nâng khăn cho Cụ.
 
Nhưng tài hoa lắm thì trời ghen ghét nhiều. Đường công danh của của Cụ không mấy hanh thông, trôi nổi khắp bốn vùng chiến thuật, đến độ có lệnh cho Cụ thăng cấp Trung Tá mà Cụ chẳng có thì giờ mang lon vì còn lo chạy mệt nghỉ theo đoàn người di tản ra biển Đông!
 
Qua xứ Cờ Hoa, công việc đầu tiên của Cụ là làm waiter cho một nhà hàng Tàu, và có một ngày Cụ không bao giờ quên.  Ngày đó có hai người Việt-Nam, có lẽ là lính cũ,  vào ăn trưa, một người nhận ra Cụ, và hỏi: “Có phải anh là Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Tân Châu ngày xưa không?” Cụ cúi đầu: “Dạ thưa anh, chắc là anh nhận lầm người.” Người khách nhún vai, bỏ lại một đồng quarter tiền tip, còn Cụ, Cụ vào toilet lau dòng nước mắt, sau đó bỏ việc, ăn welfare, cắp sách trở lại trường. Cụ học xong Master, nhưng đời Cụ vẫn buồn vì người đẹp Đò Xu ôm cầm sang thuyền khác, bỏ lại mấy đứa con cho Cụ nuôi!
 
Cụ lấy văn, thơ, nhạc và công việc làm vui, nhưng một ngày chợt thấy tóc pha mầu, buồn vì cô đơn nên về Việt-Nam cưới một cô vợ trẻ hơn mình gần hai muơi tuổi. Cụ tìm được hạnh phúc cuối đời, xây căn nhà gần biển, gọi tôi: “Mày sang đây chơi với “ông”. Mùa này đã hết bão, biển đẹp và hiền hoà như biển Đông, ngày “ông” với mày theo tàu ra Trường Sa đặt bia chủ quyền”.
 
Tôi chưa kịp sang thăm căn nhà gần biển thì Cụ Thộn đã bị stroke ngã lăn đùng. Người đàn bà trẻ gọi cho tôi nước mắt lưng tròng: “Anh ấy bây giờ liệt nửa người, nói không được. Không biết rồi sẽ ra sao.”
 
Bạn thân,
 
Bạn bè dăm ba đứa chân trong chân ngoài, nghĩ tới thật buồn. Thôi thì cứ coi những gì chúng mình có hôm nay là “bonus”. Tài hoa một đời như Cụ Thộn, như nhạc sĩ Lam Phương, mà cuối cùng đời cũng chẳng ra gì. Làm người bình thương như tôi với bạn có lẽ trời thương. Mai mốt tôi qua thăm cụ Thộn, cầm tay nó nói: “Tại mày tài hoa quá nên trời ganh ghét đấy, mà này, nếu mày chia cho bạn bè chút tài hoa của mày thì trời đâu có hành.”  Không biết là nói thế Cụ Thộn có bớt buồn không nhỉ, bạn thân?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Jan. 7, 2008.
 

Hậu Chuyện

 
Bạn thân,
 
Tôi viết câu chuyện của Cụ Thộn gần hai năm trước đây, bây giờ xin kể tiếp để anh em chúng mình chia sẻ cho nhau chút vui buồn.
 
Cụ Thộn nằm bệnh viện gần năm trời thì được xếp vào loại disability vĩnh viễn, và bị hãng cho nghỉ việc. Mất bảo hiểm sức khoẻ của hãng, chỉ còn Medicare của chính phủ, Cụ không thể nằm nhà thương vì dù chỉ phải trả %20, bệnh viện phí cũng quá cao, ngoài tầm tay của những người trung lưu như chúng mình.
 
Cụ được “khênh” về nhà để ngày ngày lần tường tập đi, cứ như là đứa trẻ thơ! Tôi không biết môi Cụ đã mím lại bao nhiêu lần, và có giọt nước mắt nào rớt xuống nền gạch hoa nhưng mỗi lần nghĩ tới Cụ tôi không khỏi bâng khâng một nỗi buồn.
 
Người đàn bà trẻ bây giờ phải cáng đáng gia đình, không thể trông coi Cụ nên đành gửi Cụ về Việt Nam cho người thân trông coi, và chữa chạy theo phương pháp cổ truyền.  Nghe tin tôi thấy bùi ngùi. Hơn ba mươi năm trước chúng ta chạy đi để tìm đất sống, bây giờ Cụ phải về tìm cho mình một con đường trong lúc kẻ xâm lăng đang ngự trị, Hoàng Sa không còn, và bia chủ quyền trên Trường Sa cũng đã bị đập vỡ. Không, không phải chỉ bùi ngùi mà còn là xót xa.
 
Một năm rồi, từ ngày đó. Lâu lâu tôi vẫn được tin Cụ, nghe nói là Cụ đã dần dần bình phục nhưng thực tâm tôi không mấy tin, cho đến khi Cụ gọi tôi: ““Ông” về Mỹ rồi, tuần sau “ông” sang Cali thăm chúng mày!”. Giọng Cụ không còn ngọng ngịu như xưa, và cụ sang thăm tôi thật! Các bạn cùng khoá ở gần kéo tới đợi chờ, thấy Cụ bước qua ngưỡng cửa, reo lên đón mừng! Cụ toét miệng cười nhưng mắt Cụ long lanh ướt: “Chúng mày … chúng mày …”, Cụ lắp bắp nói không ra lời.
 
Với cây gậy bây giờ Cụ Thộn đã đi đứng được một mình, và nếu không xúc động Cụ ăn nói rất rõ ràng. Một cánh tay Cụ vẫn chưa cử động được, nhưng như Cụ nói: “I need nobody to wipe my a..”, diễn Nôm ra là “Ông đếch cần ai chùi đ.. cho ông”.
 
Tôi đưa cho Cụ xem một tấm hình do chị TK gửi tặng. Chị đọc “Tài Hoa Một Đời” tôi viết trước đây, nhận được tên người con gái Cụ say mê khi còn đi học, nên gửi tấm hình chụp một đám sinh viên, trong đó có người đẹp L.M. H., đang thực tập tại trường Dược. Tôi hỏi Cụ: “Mày nhận được ai trong đó không”? Cụ chỉ ngay chân dung người con gái. Mắt Cụ mờ đi, và khuôn mặt Cụ thẫn thờ.
 
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao bạn tôi được gọi là “Cụ Thộn” rồi. Cathy, con gái Cụ, nói: “Bố cháu dốt lắm”. Cathy lớn lên ở Mỹ nên, nói tiếng Việt không minh bạch. Ý cháu muốn nói là “Bố cháu dại gái lắm”! Hơn 40 năm không gặp, tóc đã trắng phau, mà chợt thấy chân dung hình bóng cũ, lòng đã chùng xuống thẫn thờ, nghĩ tới những con dốc của thành phố xưa khi Cụ theo bước chân người đẹp tới nhà thờ!
 
Bạn thân,
 
Thôi thì hãy cứ mừng cho Cụ vì “I need nobody to wipe my a..”, còn bao giờ cụ đánh đàn, viết nhạc và làm thơ đưọc như xưa thì hãy tính sau. Còn “dại gái” thì trái tim còn đập mạnh trong lồng ngực, còn yêu thương người thì còn yêu thương cuộc đời, phải không bạn thân?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Oct. 15, 2009
 
Note: Tưởng nhớ Phạm Văn Hưng, aka “Cụ Thộn” của khoá Đệ Nhất Bảo Bình, qua đời ngày Dec. 7, 2015.
NgụyXưa 23.01.2016 02:24:11 (permalink)

Ngày Tháng Vui Buồn

 
Bạn thân,
 
Tháng January này có nhiều chuyện vui buồn, và buồn nhất là chuyện Hoàng Sa. Bốn mươi hai năm rồi mà mỗi lần tới ngày giỗ vẫn thấy bồi hồi, nước mắt rưng rưng. Tuy nhiên năm nay cũng có chút vui vì những người trẻ sinh sau năm 1975 hiện đang sinh sống tại VN nhưng nhờ Internet đã biết đến sự hy sinh của 74 người thủy thủ, bỏ mình vì cố giữ lấy một mảnh đất của ông cha. Mặc dù bị cấm đoán một số đồng bào đã  làm lễ tưởng niệm, tri ân những người vị quốc vong thân trong nỗi bùi ngùi. Bốn mươi hai năm hay dù trăm năm, khi mà “Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ”, chúng ta vẫn sẽ phải dành lại những mảnh giang san đã mất về tay Trung Cộng hung tàn. Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam!
 
Cũng chỉ còn vài tuần nữa là Tết. Với những người Việt lưu vong từ năm 1975 thì Tết này là Tết thứ 40 xa quê hương. Những ngày mới tới đất Mỹ năm nào tôi cũng tới hội chợ Tết để mong tìm gặp lại bạn bè tan tác sau ngày lịch sử đau thương. Bây giờ bạn bè đã yên phận, và tôi không còn náo nức như những ngày thanh xuân nên Tết đến tôi chỉ lên chùa thắp một nén nhang cầu nguyện cho người thân và bạn bè đã khuất, hoặc đôi khi chỉ âm thầm cúi lạy trước bàn thờ gia tiên.
 
Năm nay tôi sẽ lại về Bắc Cali thăm nhà. Tết này mẹ tôi 98 tuổi, thế nhưng mẹ tôi vẫn còn minh mẫn, và vẫn quanh quẩn ra vào bên các em tôi cho nên dù ở xa tôi cũng không quá lo lắng ngại ngùng. Tôi về để được mẹ tôi thủ thỉ kể chuyện xưa, những câu chuyện nhỏ nhặt từ khi tôi còn thơ dại mà mẹ tôi không bao giờ quên, và để được mẹ chăm sóc ăn uống như những lần tôi về phép thăm nhà trên cao nguyên khi tôi còn trong quân ngũ, lang thang khắp bốn phương trời.
 
Tôi nghĩ tôi là người may mắn vì ở vào tuổi này mà vẫn còn mẹ, và mẹ tôi vẫn còn nhận ra anh em chúng tôi, không quên cả những đứa đã qua đời. Một cô bạn văn vừa viết cho tôi về bà mẹ chồng của cô ta, người đã từng thương yêu cô ta hơn cả bà mẹ ruột, thế nhưng bây giờ đôi lúc không còn nhận ra bất cứ đứa con nào gần kề. Bà cụ đang ở Mỹ mà cứ tưởng như mình còn đang ở VN, hàng ngày vẫn ra cửa đợi chồng đi hành quân về, dù ông cụ đã mất từ lâu: cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
 
Tôi viết thư an ủi cô bạn: “Người ngoài nhìn vào thấy xót xa nhưng đôi lúc chú nghĩ là quên hết chuyện xung quanh để sống với những hình bóng của riêng mình cũng có thể là một điều an ủi. Bạn bè chú đa số cũng đã có vấn đề, khi nhớ khi quên, và ngay cả chú đôi khi không biết là mình vừa có ý định làm gì nên cứ đứng ngẩn ngơ.”
 
Lần này trở lại Bắc Cali thăm nhà và thăm bạn bè thế nhưng bạn ta trên đó cũng chẳng còn bao nhiêu. Quỳnh đã bỏ Santa Clara lên Sacramento sống với con trai, N. Nghiã nằm bất động trên giường, bạn bè tới thăm cũng chỉ ú ớ nói không ra lời, mặc cho giòng nước mắt tuôn rơi. Lập có hai bàn chân mỏi, ít khi còn lái xe ra khỏi nhà. Riêng cụ Bân “Thợ Mộc” thì dù chỉ còn một bàn tay, (bàn tay kia gửi tại quê nhà trong thời chiến), nhưng lúc nào cũng “hồ hởi” tươi vui. Độc thân nên Cụ vẫn gửi emails với hình “hoa bướm phô bày trăm phần trăm” cho anh em xem. “Gân” thật, và như thế mới đúng là “cổ lai hy”, phải thế không bạn miền xa?
 
Email giữa anh em chúng mình không phải chỉ là những chuyện vui buồn lăng nhăng mà còn là những vấn đề nhức nhối của quê hương liên quan tới đại hội đảng CS Việt Nam và chuyện bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay. Bất cứ ai trong những khuôn mặt cũ trở thành Tổng Bí Thư thì VN vẫn không thể nào “thoát Trung” trong lúc này. Chuyện bầu cử tại nước Mỹ cũng trăm mối tơ vò. Không biết bạn nghĩ sao chứ  tôi không có được niềm tin  đối với hai ứng cử viên đang dẫn đầu của cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hoà. Chắc là kỳ này tôi sẽ bỏ phiếu trắng, cùng với tiếng thở dài, mặc cho “cuộc đời vui … cuộc đời buồn”.
 
Bạn thân,
 
Tháng January có những chuyện vui buồn tôi đã kể bạn nghe. À không, còn chuyện này nữa. Từ đầu năm 2016 tới giờ thị trường chứng khoán lắc lư con tàu đi như anh Tây say. Những anh em chúng mình đi làm một đời, có chút tiền còm trong quỹ hưu bổng 401K, ít ra cũng đã mất hơn mười phần trăm! Oh well, khi theo “chuyến hải hành cuối cùng” tới xứ này chúng mình chỉ có hai bàn tay trắng và bộ áo quần “sương gió nên màu đã bạc phai”, bây giờ đã có “mái hiên nào che nắng che mưa” và hàng tháng còn được chính phủ trả cho ít tiền SSA đủ sống, như thế là hơn biết bao nhiêu anh em đồng đội kẹt tại quê nhà. Nếu có tiền để dành chúng mình tha hồ ngao du góc biển chân trời, còn không thì lâu lâu gặp nhau gật gù nói chuyện xưa, nghe thằng bạn than: “Về VN người ta gọi tao bằng cụ, ở đây chúng mày vẫn gọi tao bằng “thằng”, lâu lâu lại còn thêm hai chữ ĐM.” Thế là đủ có một ngày vui.  
    
Chỉ mong bạn lúc nào cũng an khang với những ngày vàng còn lại của cuộc đời.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Jan. 21, 2016   
    
    
   
NgụyXưa 16.02.2016 02:12:45 (permalink)

Tháng Giêng Có Những Niềm Riêng

 
Bạn thân,
 
Bây giờ theo âm lịch là tháng Giêng. Thuở thanh bình xa xưa “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thế nhưng với các bạn miền xa, nhất là những người gọi Ngụy Xưa bằng “bác”, bằng “chú” hay bằng “anh” thì tháng này phe ta vẫn còn “cày” mệt nghỉ, riêng với các bạn Bảo Bình đã quá tuổi “cổ lai hy” thì “ăn” cũng chẳng được bao nhiêu, còn “chơi” thì chắc là không rồi. Không tin cứ hỏi “bu nó” mà xem.
 
Tháng nào cũng có chuyện vui buồn. Cuối năm tôi lái xe về San Jose ăn Tết với gia đinh, sáng mồng một lên chùa Giác Minh thắp nhang cho thân phụ, và cho “Bích Cà Chua”, nguyên sinh viên Đại Đội Trưởng của của khoá Đệ Nhất Bảo Bình ngày còn trong quân trường. Giữa hàng trăm tấm hình sau bàn thờ khói hương nghi ngút tôi thấy bố tôi vần mỉm cười như những năm nào, còn Bích trong quân phục trắng tinh hình như đang buồn bã vẫy tay chào. Tấm hình được anh em BB mang lên chùa để tưởng nhớ nhưng thân xác Bích  chẳng biết đã chôn vùi chỗ nào trong biển Thái Bình trên đường đi tìm tự do.
 
Tôi về thăm mẹ và cũng là để gặp bạn xưa. Chỉ còn vài đứa loanh quanh trong vùng Thung Lũng Hoa Vàng. Chị Mai qua đời vì một tai nạn xe cộ thảm khốc nên Quỳnh đã di chuyển lên vùng Sacramento sống với dứa con trai đầu lòng, ngay sau khi căn nhà nhỏ bốc cháy trong lúc Quỳnh nấu ăn nhưng lơ đãng vì thẫn thờ thương nhớ người yêu xưa.
 
Tôi tới thủ đô của Cali tìm Quỳnh. Chúng tôi bùi ngùi nắm tay nhau. Người của biển, nguyên hạm trưởng của Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 tham dự trận Hoàng Sa, bây giờ tóc đã pha mầu, dáng đi không còn nhanh nhẹn nhưng bàn tay vẫn ấm áp. Bên tách cà phê chúng tôi ngậm ngùi tưởng nhớ tới bạn bè kẻ mất người còn, nhắc lại những ngày xuôi ngược bến bờ Việt Nam trong nỗi nhớ thương. Quỳnh tâm sự về người vợ mới qua đời: “Ngày nào tao cũng lên chùa, nơi để tro cốt của Mai, để thì thầm những lời thương nhớ. Bây giờ tro tàn đã được trải ngoài biển, dưới chân cầu Golden Gate, thế nhưng tao vẫn cứ tưởng như là Mai vẫn còn quanh quẩn đâu đó bên mình.” Hơn 12 giờ đêm chúng tôi mới chia tay nhưng vẫn còn như luống tiếc nên hẹn gặp lại nhau một ngày nào đó tại Nam Cali.
 
Hẹn hò là thế nhưng rồi ai biết ngày sau sẽ ra sao. Que sera, sera! What will be, will be! Trong vòng hơn hai tháng ba Bảo Bình đã cùng nhau bỏ cuộc chơi. T.V. Hoa từ giã trần gian vào ngày mồng hai Tết. Tôi vội vã lái xe từ San Jose về San Diego tham dự tang lễ, phủ cho bạn lá cờ mà một đời bạn đã yêu thương. Trần gian là cõi tạm, bạn về với Chúa để sống đời đời. Hoa này là “Hoa Em”, và với chúng tôi bạn luôn là “Hoa Em” của những ngày chúng mình sống với nhau dưới mái  quân trường Nha Trang dù bạn đã thay tên khi tới đất nước này. Cụ Thộn P.V. Hưng, Mệ Vĩnh Lợi và T.V. Hoa Em rủ nhau về trời, “ngân hà cũng trong vòng tay với, và bây giờ các bạn bắt đầu những ngày vui”, thế nhưng những đứa còn lại vẫy tay chào bạn lại mênh mang một nỗi niềm.
 
Còn một chuyện này nữa, chẳng biết là vui hay buồn. Do lệnh của toà án, hệ thống báo “Sài Gòn Nhỏ” bị “Người Việt” tiếp quản vì thua kiện, J. bạn ta đành “bẻ kiếm bên trời”, cô đơn vì người đàn bà lẫy lừng, một thời cũng là người yêu của J., đã vỗ cánh bay xa, để lại cho J. một nỗi buồn. Nhân dịp này bạn bè khuyên J. trở về mái nhà xưa vì vẫn còn “cánh tay nào hong gió đầy mùa... đợi chờ”. Một đứa mở rộng vòng tay: “Không về nhà thì tới sống với tao!”, thế nhưng J. hình như vẫn chưa biết chọn con đường nào. “Cuộc đời vui, cuộc đời buồn, nào ai hay biết cho đâu là bến mơ”, phải thế không bạn thân?
 
Bạn thân,
 
Thoáng một cái mà tôi xa Thung Lũng Hoa Vàng đã hơn 8 năm. Mỗi lần trở về lại thấy thành phố cũ thay đổi ít nhiều, nhất là bạn bè và người thân. Có lẽ tôi cần về thăm nhà thường hơn để bớt ngỡ ngàng. Khi hồi hưu tôi cứ tưởng là mình sẽ dư thì giờ để có thể làm bất cứ việc gì, hay đi bất cứ nơi đâu như mình muốn, thế nhưng cuộc đời quay cuồng, đôi lúc tôi vẫn bị bánh xe của đời thường cuốn theo giòng, không thể tự do như cánh chim trời. Hơn thế nữa K. vẫn còn đi làm (dù chỉ là telecommute), và đứa con gái ở gần lâu lâu lại nhờ trông coi đứa cháu ngoại nên làm gì cũng phải sắp xếp thời gian.
 
Cuốn truyện dài thai nghén đã gần mười năm cũng chưa viết được chương nào, chỉ có cái dàn bài mà vẫn chưa vừa ý, chắc là để cho cuốn theo chiều gió mà thôi! Lâu lâu tôi vẫn nhận được những dòng chữ đồng cảm của các bạn đọc từ những nơi xa xôi. Những dòng chữ chân tình của những người chưa quen mang lại niềm vui nhưng đồng thời cũng khiến tôi có chút băn khoăn vì dạo này tôi không còn viết được nhiều, chỉ lâu lâu mới có một bài tùy bút tâm tình với bạn miền xa về những chuyện nhỏ nhặt của đời thường. Tôi bây giờ chỉ còn là Ngụy Xưa, hết còn là TQT của những chuyện tình lãng mạn mà có một thời tôi say mê viết về những nét đẹp của cuộc đời. 
 
Chuyến viễn du sắp tới của tôi vào tháng Năm nên tháng Tư này tôi sẽ lại về thăm nhà nhân ngày giỗ bố, và tôi sẽ lại đi tìm bạn. Bạn chờ tôi nghe.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Feb. 15, 2016
(Mồng 8 tháng Giêng năm Bính Thân)
 
  
 
NgụyXưa 10.03.2016 01:22:10 (permalink)

Cánh Vạc Lưng Trời

 
“Cánh Vạc Lưng Trời” là tập truyện của nhà văn Phan Lạc Tiếp nhưng tôi không có ý định viết về tác phẩm này vì sợ mọi người nghĩ là bạn bè nên “mặc áo thụng vái” lẫn nhau. Nếu bạn chưa đọc bạn nên tìm đọc qua cho biết, và không chỉ “Cánh Vạc Lưng Trời” mà còn “Bờ Sông Lá Mục”, “ Nỗi Nhớ”, “ Quê Nhà 40 Năm Trở Lại” và mới đây nhất, “Một Thời Oan Trái” để nhận định về tác giả. Viết những dòng này tôi muốn chia sẻ với các bạn một chút tâm tình về một người bạn mà số phận đã đưa đẩy chúng tôi tới gần nhau rất nhiều lần.
 
Tiếp hơn tôi vài tuổi, đã từng là “thủy thủ”, nhưng đã giải ngũ và đang theo học đại học Văn Khoa Sài Gòn thì bị gọi tái ngũ nên đã nộp đơn theo học trường Sỹ Quan Hải Quân, còn tôi mới vừa 18 tuổi, “mơ đời hải hồ” nên chúng tôi đã gặp nhau trên bờ cát trắng của thành phố biển Nha Trang.
 
Tiếp và tôi nằm cạnh nhau tại một góc phòng của toà nhà rộng thênh thang do Pháp xây cất, và quanh chúng tôi còn có Cụ Thộn Hưng, Vịt Xiêm Kiệt và Cai Dù Ơn… Tôi và Hưng mặt còn búng ra sữa, trong lúc Tiếp, Kiệt và Ơn đều là cựu quân nhân/sinh viên bị tái ngũ vì lệnh tổng động viên lúc bấy giờ. Cụ Thộn tài hoa ra mặt, như có lần tôi đã viết về bạn ta, nhưng Tiếp cũng  là cao thủ trong làng “ văn nghệ văn gừng” của khoá Đệ Nhất Bảo Bình với những lần diễn ngâm “Đôi Bờ” của Quang Dũng hay “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, trong lúc Kiệt thả ra khỏi trường là nhậu cho mềm môi, còn Cai Dù “chinh chiến” đã nhiều, nếm đủ ba bốn mảnh tình, nên những đêm khó ngủ tôi được Cai Dù kể chuyện bù khú cho nghe vì lúc đó “quan ta” còn khờ ơi là khờ, chưa biết mùi vị da thịt đàn bà ra sao!
 
Sau khi tốt nghiệp trường sỹ quan Hải Quân, Tiếp và tôi cùng được đổi xuống  Hộ Tống Hạm Kỳ Hoà do hạm trưởng Sơn chỉ huy, và hạm phó Quý Lùn phụ tá! Hạm trưởng Sơn … sợ vợ nhưng chịu chơi hết mình, hạm phó Qúy mê gái nên tháng nào cũng thiếu tiền, phải vay Tiếp lúc đó được chỉ định làm sỹ quan  giữ quỹ mua bán thực phẩm cho nhân viên. Tiếp và tôi đã có những ngày vui, nhất là những lần tàu ghé bến Đà Nẵng hay Qui Nhơn, nơi cơ khí trưởng Đạt dù sinh trưởng trong Nam nhưng hớn hở được “dià” Qui Nhơn vì có “em gái hậu phương” đang theo học trường sư phạm tại thành phố này.
 
Ngày vui qua mau, tôi tiếp tục đời đi biển còn Tiếp được thuyên chuyển về Mỹ Tho để tham dự những trận đánh đẫm máu trên những dòng sông, và Tiếp bắt đầu văn nghiệp của mình bằng những bài bút ký đầy máu và nước mắt nói lên sự hy sinh oai hùng của người lính giang lực, một thành phần của quân chủng Hải Quân ít được mọi người biết đến. Những bài bút ký sau đó trở thành tuyển tập “Bờ Sông Lá Mục”, tác phẩm đầu tay của Tiếp, và cũng là kỷ niệm một đời không quên.
 
Nhờ chút duyên nợ  với văn chương Tiếp được thuyên chuyển về phòng Tâm Lý Chiến của Bộ Tư Lệnh Hải Quân, và chúng tôi gặp lại nhau tại toà nhà bên bờ sông Sài Gòn vì lúc đó sau sáu năm hải vụ tôi đã được gọi về khối nhân viên làm việc trong chương trình “Việt Nam Hoá” của đồng minh đang tham chiến tại miền Nam. Đó là lần thứ  ba Tiếp và tôi làm việc chung tại một nơi, và cũng là lúc tôi tập tễnh cầm bút viết về những băn khoăn của cuộc đời dưới bút danh “Quan Ta” để  đăng trong đặc san Lướt Sóng của Hải Quân do Tiếp làm chủ bút.
 
Tiếp thăng tiến, mang cấp bậc HQ Thiếu Tá, và cuối cùng trở thành Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến của BTL/HQ. Đó là một vinh dự! Chức vụ này thường do các sỹ quan cấp Đại Tá đảm nhiệm vì nhân viên quá đông, gần 300 người, ngoài ra còn phải gánh vác những công việc ngoài cấp số như Chương Trình Chăn Nuôi, theo dõi việc xây cất 4,000 căn gia binh v.v... Tôi “giang hồ mê chơi quên quê hương” nên chúng tôi tạm chia tay vài năm nhưng rồi lại gặp nhau ở chốn cũ, khi tôi được bổ nhiệm làm trưởng phòng Điều Hành Huấn Luyện, nhờ những tháng năm làm sỹ quan liên lạc tại trường OCS, New Port, RI, mặc dù tại nơi đó tôi chỉ là SPEW officer (Sit Play Eat Water = Ngồi Chơi Sơi Nước)!
 
Biến cố tháng Tư năm 1975 làm bạn bè tan tác. Mấy năm sau tôi mới được biết là Tiếp có mặt trên con tàu què quặt HQ-502 trong chuyến hải hành cuối cùng, và Tiếp là người đã đứng ra thành lập thủy thủ đoàn từ các quân nhân quá giang, phụ giúp hạm trưởng điều hành mọi việc, mang theo hơn năm ngàn người di tản bình yên tới Philippines.
 
Tiếp lưu lạc tới Utah rồi trở lại San Diego, làm đủ mọi nghề để chăm lo cho gia đình, và nghề cuối cùng là thợ ống nước trong một xưởng sửa tàu của Hoa Kỳ, nhưng rồi phải giải nghệ vì bàn tay bị thương! Đó là khúc quanh cho Tiếp cơ hội sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, có thì giờ tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng của người Việt, nhất là cùng với tiến sĩ Nguyễn Hữu Xương thành lập Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, tham dự chiến dịch “Vớt Người Biển Đông” trên con tàu Ánh Sáng, và sau đó cộng tác với Cap Anamur của Đức, trong 5 năm trời vớt được hơn ba ngàn thuyền nhân.
 
Đó cũng là thời gian để Tiếp trải tấm lòng đôn hậu của mình trong những tác phẩm, đóng góp rất nhiều cho nền văn chương hải ngoại của người Việt lưu vong, và Tiếp cũng chính là người đóng góp tích cực cho tập Hải Sử với hơn hai mươi bài viết thuộc đủ thể loại. Tác phẩm  mới nhất của Tiếp, “Vớt Người Biển Đông”, cũng đã được viết xong chỉ còn chờ bổ túc một số hình ảnh trước khi đem in.
 
Từ San Jose tôi đã xuống thăm Tiếp vài lần, thế nhưng không ngờ sau khi hồi hưu tôi lại tới cư ngụ tại một nơi hoang dã chỉ cách Tiếp chừng mươi phút lái xe. Chúng tôi lại gần nhau thêm một lần, và có lẽ là cho đến cuối cuộc đời. Những ngày chủ nhật đầu tháng các bạn Bảo Bình sống ở vùng Little Saigon đều tổ chức ăn trưa với nhau để hàn huyên, Tiếp và tôi thường đi chung một xe từ Carlsbad lên gặp bạn, gặp nhau chỉ để thấy nhau là đủ vui. Năm đứa tại góc phòng của trường sỹ quan Hải Quân Nha Trang bây giờ chỉ còn hai. Cụ Thộn Hưng và Vịt Xiêm Kiệt đã ra người thiên cổ, Cai Dù Ơn long đong cuối trời, bây giờ câm lặng ngồi câu cá bên Úc, hầu như không còn liên lạc với ai, gặp được nhau đâu có dễ dàng. Tuần nào Tiếp cũng gọi tôi. Cũng chẳng có gì để nói, chỉ là những chuyện nhỏ nhặt đời thường, nhưng nghe giọng nói là thấy lòng êm ả, vì biết là bạn ta còn đây. Thế thôi! Nhất là mới đây trong đám tang Hoa Em, thấy Tiếp phải chống gậy vì mới vừa khỏi bệnh, tôi không tránh khỏi bùi ngùi.
 
Bạn thân,
 
Những đóng góp của Tiếp cho cộng đồng, cho “hành trình đi tìm tự do” của người Việt đã được nhiều người biết đến. Trước đây Tiếp đã nhận được bằng tưởng lục của các giới chức địa phương, của chính quyền tiểu bang, và mới đây nhất, của quốc hội Hoa Kỳ. Đó là một chút hãnh diện cho riêng Tiếp sau “Một Thời Oan Trái”, tuy nhiên sống bằng tấm lòng thiết tha yêu thương người và yêu thương cuộc đời thì chúng ta lúc nào cũng như “Cánh Vạc Lưng Trời”, phải thế không bạn thân.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
March 5, 2016
 
NgụyXưa 29.03.2016 01:01:21 (permalink)

Chuyện Xưa

Mới đây xem TV thấy hoa đào khoe màu rực rỡ tại thủ đô Washington D.C. tôi chợt nhớ chuyện 8 năm về trước nên xin chia sẻ với các bạn một bài viết cũ. Ở vào tuổi này kỷ niệm xa gần thường thì rất mờ ảo, thế nhưng cũng có những lúc nhớ lại chuyện xưa thật rõ ràng như thể là chuyện đó mới vừa xảy ra ngày hôm qua. 
 
***
Hoa Đào Năm Cũ
 
Bạn thân,
 
Năm năm qua rồi tôi mới trở lại Washington D.C., và cũng đúng vào mùa hoa đào đang nở bên dòng sông Potomac. Đứng bên dòng sông tôi có ngơ ngác buồn, nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hộ:
 
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
 
Hoa đào năm cũ vẫn cười gió đông, nhưng Xuân Lang không còn nữa. Tôi trở về bên dòng sông, lặng nhìn hoa nhớ bạn, và chợt thấy thương tất cả chúng mình. Xuân Lang là Cá Lóc Nguyễn Xuân Lang, cái bình thứ 37 trong danh sách Đệ Nhất Bảo Bình. Ngày này 5 năm trước Lang biết là mình chỉ còn sống được vài tháng nên muốn đi khắp nơi thăm viếng bạn bè lần cuối. Mã Xa Võ Văn Bảy, aka nhà văn Vũ Thất, không đành lòng để bạn ta di chuyển mệt nhọc nên gọi tất cả anh em Bảo Bình về Washington D.C. họp mặt, gặp gỡ Lang lần cuối cùng.
 
Những ngày anh em chúng mình gặp nhau ở thủ đô là những ngày vui buồn không quên. Buồn vì gặp nhau để giã từ, để vĩnh viễn không còn thấy nhau. Lang nắm tay giã từ từng người bạn, ai cũng bùi ngùi, và tôi muốn rơi nước mắt, viết dùm Lang hai câu thơ:
 
Thần tiên gọi bạn bên trời
Ta vin cành gió về nơi địa đàng.
 
Năm đó chúng mình tuổi đã 60. Nhiều đứa tóc đã pha mầu, và biết rằng trước sau gì rồi cũng theo gió về trời thế nhưng thấy Lang nói lời từ giã, chúng mình không khỏi xót xa.
 
Nghĩ đến bạn thì buồn nhưng chúng mình cũng có những ngày vui để lại biết bao nhiêu là nhớ thương. Buổi sáng mấy chục đứa thức dậy, chiếm hết cái phòng ăn của khách sạn Marriott, ồn ào như thể đây là nhà riêng của các “quan ta”. Hai chiếc xe  “van” 18 chỗ ngồi đưa chúng ta khắp nẻo đường thủ đô, đến tận Annapolis thăm Hải Quân Học Viện, nhìn các sinh viên mặt còn “búng ra sữa” đi bờ, để nhớ tới 40 năm xưa chúng mình cũng môi hồng mắt sáng trong bộ quân phục trắng tinh bước ra khỏi trường sỹ quan Hải Quân Nha Trang vào những ngày cuối tuần. Một thời đã qua, chỉ còn lại “một chút gì để nhớ để thương”.
 
Vui buồn nhất là đêm không ngủ trước ngày chia tay. Chúng mình uống rượu mềm môi, kể chuyện xưa cười như những ngày trẻ dại, ba giờ sáng Hải J. bỗng khóc rưng rức khi nhắc lại những ngày tù đày trên núi rừng Bắc Việt, bỏ lại vợ dại con thơ ở Sài Gòn, mặc cho số phận đẩy đưa, đau với niềm đau của dân mình trong lúc điêu linh.
 
Bạn thân,
 
Năm năm rồi từ ngày đó. Sau Lang còn có Thụy, có Đơn, có Lộc, có Mai, có A và mới đây nhất có Thịnh để cho chúng ta “vẫy tay chào buồn anh đi”. Mỗi lần tháng Tư về tôi không thể nào không nhớ tới những người bạn đã bỏ mình trong cuộc chiến. Những đứa còn lại ở khắp bốn phương trời, lần nào gặp nhau cũng vắng mặt không ít thì nhiều. Tháng Năm này sẽ gặp nhau lần nữa, và chúng ta lại ngậm ngùi điểm danh xem còn lại được bao nhiêu.
 
Tuần tới tôi sẽ lên chùa Giác Mính nơi để hình thằng Bích Cà Chua, bỏ mình ngoài biển trên đường đi tìm tự do, thắp cho nó nén hương, và xin nó phù hộ cho anh em chúng mình. Tôi không cầu xin gì, chỉ ước mong chúng mình được mạnh khoẻ và lâu lâu lại có dịp gặp nhau một lần.
 
Mong tới ngày gặp bạn.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
April 5, 2008
 
Viết thêm: Từ ngày ra trường cho tới  tháng Tư năm 2016  tồng cộng 26 người trong số 81 anh em Bảo Bình đã qua đời,  một số hy sinh trong cuộc chiến, một số chìm sâu đáy nước trên đường đi tìm tự do, và một số bỏ mình trên đất khách do  thân xác đã hao mòn vì những tháng năm tù đày trên núi rừng Bắc Việt. Đó là chưa kể những người không có tin tức, tuy còn sống nhưng câm lặng, tìm cho riêng mình một góc trời để gậm nhấm những cay đắng của cuộc đời, không muốn liên lạc dù là với người thân. Thôi thì, hãy cứ coi cuộc đời này là cõi tạm, có cũng là không, thế nhé bạn thân!
 
dang son 29.03.2016 11:08:35 (permalink)
...
 
 
 
Ghé thăm NgàyĐóChúngMình và chúc anh luôn vui, khỏe .
 
 
 
  đăng sơn.fr
 
 
 
 
..
NgụyXưa 29.03.2016 23:43:10 (permalink)
dang son
 
.. 
Ghé thăm NgàyĐóChúngMình và chúc anh luôn vui, khỏe . 
 
đăng sơn.fr 
..
Cám ơn anh Sơn. Rất vui vì thấy anh thường xuyên trên diễn đàn. Nơi này lúc nào cũng êm đềm, phải thế không anh?
 
Tình thân,
 
NX
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 15 của 20 trang, bài viết từ 211 đến 225 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9