Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 16 của 20 trang, bài viết từ 226 đến 240 trên tổng số 294 bài trong đề mục
dang son 31.03.2016 00:36:42 (permalink)
..
 
 
Cám ơn anh NgụyXưa.
 
 
Vì anh cũng là một trong những người ' Êm Đềm ' .
 
 Phải thế không, anh ?
 
 
 Tình thân
 
 
 NgụyHúc
 
 
 
 
...
NgụyXưa 25.04.2016 23:52:09 (permalink)

Houston Vắng Bóng Mặt Trời

 
Bạn thân,
 
Tôi thường viết cho bạn về nỗi ngậm ngùi mỗi khi có “bạn ta” bỏ cuộc chơi. Kể ra thì anh em chúng mình cũng đã được coi là thọ, đứa nào cũng đã quá tuổi cổ lai hy nên có theo gió về trời thì cũng coi như là đã thoát nợ trần gian, những đứa còn lại có ngậm ngùi, có mênh mang một nỗi buồn, nhưng không hẳn là một niềm đau.
 
Tháng Tư có những chuyện buồn, Houston mưa lụt, và đau nhất là năm nay lá xanh lại rụng trước lá vàng: Bác sĩ Trần Lương Giang, con trai của Bảo Bình Trần Đỗ Cẩm, đột ngột qua đời hôm đầu tháng, khiến chúng mình xót xa cùng với niềm đau của vợ chồng bạn ta. Chúng mình mới gặp “thằng bé” năm nào khi họp mặt tại Houston, Texas, hân hoan chúc mừng sự thành đạt của cháu Giang thế mà bây giờ cháu đã vĩnh viễn xa lià vợ con và bố mẹ, những người đã chắt chiu một đời nuôi nấng cháu nên người.
 
Khi nghe Cẩm điện thoại báo tin, tôi thật ngỡ ngàng, muốn nói vài câu an ủi mà nghẹn lời. Tôi mở cuốn “Niên Giám Bảo Bình” kỷ niệm 40 năm ngày chúng mình nhập ngũ, xem lại tấm hình của gia đinh Cẩm khi tới trại tỵ nạn Fort Chaffee năm 1975, thấy cháu Giang lúc đó mới năm tuổi, còn ngồi trong lòng mẹ, mà nước mắt lưng tròng vì xót thương. 
 
Tôi đã chia sẻ tin tức với các bạn nhưng đồng thời cũng tôn trọng ý muốn của tang gia nên đã đề nghị là lúc này anh em chúng mình không nên điện thoại hay email chia buồn vì mỗi lần như vậy niềm đau của vợ chồng Cẩm lại vỡ oà, như đứt từng khúc ruột. Mặc dù chúng mình không nói nhưng Cẩm cũng biết là các Bình giống như anh em một nhà, niềm đau của một đứa là niềm đau chung, và các bạn ở Houston  đã thay mặt toàn khoá tới tham dự đám tang, đưa cháu Giang về nơi an nghỉ cuối cùng.
 
Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu nên nỗi buồn và niềm đau của vợ chồng Cẩm bây giờ có lẽ phần nào đã nguôi ngoai. Hơn thế nữa, trách nhiệm tưởng chừng như đã hết, vì các con đã thành người, nhưng hai đứa cháu nội còn quá nhỏ lúc này rất cần một bàn tay dẫn dắt nâng niu, nên  Cẩm cần phải đứng vững những tháng năm còn lại của cuộc đời để dành hết tình thương cho hai đứa trẻ sớm mồ côi cha.
 
Cẩm thân,
 
Trước khi cùng nhau gia nhập HQ/VNCH, chúng mình đã từng học với nhau những ngày trẻ dại dưới mái trường trung học tại thành phố cao nguyên Đà Lạt, cùng với cụ Thộn, với Hùng Già, với Huỳnh Hoa thi sỉ trữ tình, với Tắc Xình, … và với bao nhiên bạn bè thời niên thiếu, kẻ mất người còn, nên xin hãy coi đây là những lời tâm sự chân thành của một người bạn thân, rất thân.
 
Cuộc đời này quả là có những bất ngờ. Khi ngồi trên ghế nhà trường chúng mình mơ làm người Pascal nhưng lại trở thành người đi biển, và không bao giờ nghĩ là có một ngày lại lưu lạc xứ người, sống cuộc đời lưu vong. Thôi thì hãy cứ coi những gì xảy ra đều là số mệnh do thượng đế an bài. Không, chúng mình không làm điều gì ác để bị trời trừng phạt như bạn có lúc nghĩ ngợi! Cháu Giang coi như đã an phận, bạn vẫn còn nhiều người thân, và nhất là vẫn còn cuộc sống riêng của chính mình, để chăm lo. Cố gắng lên nhé bạn thân!
 
Đa số anh em Bảo Bình chúng mình dù sao vẫn còn là may mắn, có một gia đình êm ấm, một nửa kia cho chúng mình chia sẻ một bờ vai những lúc vui buồn. Hơn thế nữa bạn bè BB dù gần gũi hay xa cách nhưng trong thâm tâm lúc nào cũng nhớ tới nhau, và vẫn mong gặp nhau để khơi lại những kỷ niệm gắn bó một đời.
 
Một số anh em mình vẫn còn nhớ biển nên thỉnh thoảng vẫn cùng nhau viễn du tới những vùng đất lạ hoặc về thăm lại đường biển xưa. Mong là vợ chồng bạn một ngày nào đó sẽ đi cùng để cho tâm hồn thanh thản cùng sóng nước đại dương. Chắc cũng có lúc bạn nhớ tới sông nước miền Nam, nơi bạn đã sống những tháng năm nhọc nhằn của cuộc đời thủy thủ nhưng cũng là nơi đã gặp được người bạn đời thân yêu. Đã lâu lắm tôi không có dịp trở lại Long Xuyên, hy vọng là một ngày nào đó cả bạn và tôi lại có dịp về thăm chốn cũ vì biết đâu đất nước chẳng có những đổi thay bất ngờ.
 
Chốn cũ khó về thế nhưng góc biển chân trời vẫn trong vòng tay với. Khi mới ra trường anh em BB chúng mình thực tập tại Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ, nên đã từng có dịp ghé vào hải cảng của vài nước ngoài biển Đông. Tháng May năm nay tôi sẽ tới thăm những bến bờ của Japan, Taiwan và Philippines, những nơi để lại ít nhiều dấu vết của thời trai trẻ, và tháng September sắp tới Quýnh, Bảy, tôi và một số bạn bè sẽ theo tàu hải hành vòng quanh nước Nhật cũng như ghé vào đất liền để biết thế nào là mùa thu Đông Kinh. Mong là có bạn đi cùng  để cho bớt niềm khắc khoải thương nhớ cháu Giang.
 
Lúc nào tôi cũng nhớ bạn, nhớ lần leo lên đỉnh Lâm Viên ngủ qua đêm lỡ làm cháy rừng, nhớ những ngày chúng mình hải hành trên Hộ Tống Hạm Kỳ Hoà, và nhất là thời gian thay tên đổi họ, cùng nhau phục vụ tại lực lượng đặc biệt Hải Tuần. Ngay cả bạn bè cùng khoá cũng không mấy người biết Hoàng Dung và Lê Văn Bột là ai. Chắc chắn là bạn cũng không bao giờ quên, phải thế không?
 
Vui buồn có nhau, bây giờ biết nói gì hơn là mong bạn giữ gìn sức khoẻ, và thân chúc bạn những ngày an khang. Take care of yourself, my dear friend.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
April 25, 2016  
 
NgụyXưa 08.05.2016 02:11:56 (permalink)

Cũng Đành

 
Bạn thân,
 
Lúc này quả tình là tôi chia sẻ với bạn nhiều chuyện buồn hơn vui. Vui làm sao được mà chỉ trong vài tháng bốn bạn ta và một ông thầy cũ  theo nhau lìa đời. Hết bạn ta, tới con bạn ta, và mới đây nhất là anh của bạn ta!
 
Nhà báo/nhà văn Phan Lạc Phúc (anh ruột của Bảo Bình Phan Lạc Tiếp), một người tôi kính phục, và đã có cơ hội bàn luận chuyện văn chương với anh hơn một lần, vừa mới từ trần vì trụy tim. Tôi viết cho Tiếp: “ Khi chúng mình họp khoá tại nhà Diệp bên Úc, anh Phúc đã tới tham dự và chuyện trò với anh em thật ân cần. Tôi cũng đã đọc nhiều tác phẩm của anh dưới bút danh “Ký giả Lô Răng”, từ khi còn ở Viết Nam, và qua văn phong  tôi thấy anh Phúc thật là ngưòi nhân hậu. Anh mất đi để cho bao nhiêu người tiếc thương. Riêng tôi còn nợ anh ấy một lời cám ơn vì khi viết “Gửi Bạn Miền Xa” tôi thực sự đã chịu ảnh hưởng từ “Bạn Bè Xa Gần” của anh Phúc. Nếu ông có qua Úc tham dự tang lễ, xin thắp dùm tôi một nén hương”.
 
Tiếp viết trả lời: “Chúng mình là bạn ba bốn bề; cùng khoá, cùng hàng xóm, cùng đùa vui trên chữ nghĩa...nên lời nào chưa nói đã hiểu lòng nhau. Bây giờ tôi có nhiều cái nhất: già nhất họ, cô đơn nhất nước, vì còn một ông anh để trò chuyện, hỏi han... thì vụt cái đi mất. Tôi lúc này không biết mìmh tỉnh hay mê. Năm ngoái ông anh cả mất, bây giờ là ông Phúc. Lúc nào tới mình? Buồn hay vui lúc này đây?” Các bạn xem thế có đau lòng không?
 
Đó là “chuyện chúng mình”. Chuyện nước non thì cũng chẳng có gì vui. Tôi chắc bạn và tôi đều ngậm ngùi vì ngày 30 tháng Tư 41 năm xưa, và năm nay đau lòng vì chuyện cá chết trắng bờ biển miền Trung, từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên/Huế, chắc là do khu kỹ nghệ Formosa của Tàu tại Vũng Áng xả nước thải độc hại qua đường ống ngầm ra biển.
 
Chúng mình yêu biển, yêu những bờ cát trắng nên đã chọn đời thủy thủ, bây giờ thấy biển chết, bãi cát tiêu điều, hỏi sao lòng không đau? Tháng Ba năm tới tôi muốn về đi lại đường biển xưa thêm một lần nhưng không biết là biển vẫn đợi chờ hay là “Cũng đành. Thôi, vĩnh biệt”!
 
Chất độc không chỉ giết chết hải sản mà còn tác hại môi trường kéo dài rất lâu, ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống của dân Việt, nhất là dân nghèo, lệ thuộc vào biển để làm sinh kế. Những người yêu nước đau lòng vì thấy môi trường bị tàn phá, biển đảo bị chiếm, và đất được sang nhượng cho “người lạ” lập tô giới. Nhìn tấm hình chụp cổng vào khu kỹ nghệ Vũng Áng với dòng chữ: “Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc - Tô Giới Vũng Áng – Nghiêm Cấm Người Việt Lai Vãng”, tôi thấy  buồn đau, không thua gì khi nghe tin Sài Gòn thất thủ năm xưa.  (Tấm hình tìm thấy trên Internet có lẽ được photoshop, nhưng sự thực thì trong lòng người dân VN, khu kỹ nghệ Formosa đó không còn là của mình, mà đích thực là tô giới của Tàu).
 
 
Đất nước Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?  Những người dân lưu lạc như chúng mình không biết là trong tương lai còn có chỗ để đi về thăm viếng hay là chỉ biết:
 
Trèo lên đỉnh ngọn núi cao.
Nhìn về quê cũ biết bao là buồn
Bình ơi gió cuốn mây tuôn
Biển xanh sóng dậy gọi hồn Âu Cơ.
 
Chuyện bên đó đã buồn nhưng chuyện bên này cũng chẳng có gì vui. Tôi ghi danh đầu phiếu theo đảng Cộng Hoà thế nhưng lại vô cùng thất vọng vì trong kỳ bầu cử sơ bộ (caucus/primary) để chọn người ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nay đa số đảng viên lại ủng hộ anh Trump, người được ký giả Rob Garver mô tả bằng một đoạn văn:  “The billionaire former reality television star’s record of less-than-conservative positions, his openness to war crimes and racial profiling, and his evident lack of knowledge about how the government and economy actually work combined to make him utterly unacceptable to much of the GOP intelligentsia.” (Rob Garver)


(Đoạn văn khó dịch cho thoát nghĩa nhưng đại khái tác giả chê nhà tỷ phú, nguyên tài tử của một show truyền hình về đời sống thực, không mấy bảo thủ, chấp nhận tội ác chiến tranh, kỳ thị sắc tộc, và rõ ràng thiếu hiểu biết về tổ chức chính quyền cũng như về nền kinh tế, nên hoàn toàn không được nhóm đảng viên chóp bu của đảng Cộng Hoà chấp nhận).


Cũng chính ký giả này đã viết thêm: “It’s hard to imagine how fate could have been crueler to the Republican Party this election cycle.” Vâng, thật khó có thể tưởng tượng là số phận của đảng Cộng Hoà lại nghiệt ngã đến như vậy trong kỳ bầu cử này. Người lãnh đạo không cần phải biết và hiểu hết mọi chuyện trên thế giới vì đã có bộ tham mưu lo toan, thế nhưng người lãnh đạo không thể là một người ăn nói thiếu suy nghĩ, xử dụng ngôn ngữ dung tục, “cả vú lấp miệng em”, để đả kích những người cùng ra tranh cử với mình. Người ta sợ rằng không những là Trump không thể thắng được ứng cử viên của đảng dân chủ, (có lẽ là Hillary Clinton), để dành chức vị tổng thống, mà còn gây ảnh hưởng tai hại, khiến đảng Cộng hoà mất ưu thế tại Thượng Viện; và nếu chẳng may Trump đắc cử chức vụ tổng thống Hiệp Chủng Quốc thì có lẽ nước Mỹ không còn gì để hãnh diện với các quốc gia đồng minh.
 
Bạn thân,
 
Toàn những chuyện ngoài tầm tay của chúng mình, phải thế không bạn thân? Thôi thì “take it easy” cho lòng thanh thản. Riêng tôi, có lẽ là tôi sẽ bỏ đảng Cộng Hoà, làm người tự do, và không biết chừng nếu phải chọn lựa, vào tháng November này tôi sẽ bầu cho một người nào đó  không phải là anh Trump!
 
Thân chúc bạn những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
May 5, 2016 
 
NgụyXưa 13.06.2016 23:55:49 (permalink)

Đi Về Hướng Mặt Trời Đông Bắc

 
Đã lâu tôi mới lại viết thư thăm bạn. Tôi cũng chẳng có gì bận rộn, chỉ là lênh đênh sóng nước, ngao du những vùng biển lạ để quên đi những phiền toái của đời thường, và nhất là không còn muốn nghe các ứng cử viên tranh cãi trong mùa bầu cử!  Những người tôi muốn bỏ phiếu bầu vào chức vụ tổng thống tháng November sắp tới đều đã bị loại trong kỳ sơ bộ, còn lại ông Trump Cộng Hoà và bà Hillary Dân Chủ, hai người được gọi là “crooked”, là “con artist”, cá mè một lứa, xem ra thật chán mớ đời! Bầu cho ai bây giờ? Có lẽ là “the crooked is better than the con artist” như kết quả từ vài vụ thăm dò dân ý của các công ty truyền thông!
 
Nhật Bản là xứ của mặt trời, và  Nhật Bản cùng Đài Loan đều nằm về hướng Đông Bắc của Việt Nam. Tôi đi tìm một chút hương xa, hy vọng quên đi những xao động tại quê nhà và những tranh cãi chính trị ồn ào trên đất nước tạm dung.
 
Thực ra tôi đã tới phi trường Đài Bắc nhiều lần để từ đó đổi máy bay đi Singapore, đi Hongkong, về Hà Nội … nhưng chưa bao giờ có dịp đi vào thành phố để “tham quan” cho biết sự tình. Lần này theo tàu Diamond Princess từ Kobe (Japan) sang thăm các thành phố Đài Bắc, Cao Hùng, Hoa Liên của đảo quốc này tôi đã không khỏi ngậm ngùi khi so sánh Taiwan với Việt Nam.
 
Cứ nhìn lượng xe gắn máy và kỷ luật giao thông trong thành phố là  biết ai văn minh và trù phú hơn ai. Taiwan nhiều xe hơi hơn xe gắn máy, và đường phố yên bình khiến chúng tôi không một chút ưu tư. Các nước láng giềng đã vượt xa Việt Nam, và mặc dù vụ cá chết trắng bờ biển vừa xảy ra tại quê nhà liên quan tới công ty Formosa của Đài Loan tôi vẫn thấy khâm phục sự tiến bộ của đảo quốc này. Dân tộc nào cũng có những người xấu, nhưng cũng có nhiều cái tốt để chúng ta nhìn vào, và nếu có thể hãy mở lòng bao dung. Đi qua vài khu phố thương mại của Đài Bắc, nhìn những cửa hàng bán đồ gia dụng, tôi có cảm tưởng như mình lạc vào khu Chợ Lớn của Sài Gòn năm nào, và bỗng dưng tôi thẫn thờ nhớ thành phố thân yêu cũ, Sài gòn của tôi xưa chứ không phải là thành phố HCM bây giờ.
 
Chúng tôi cũng có dịp đi thăm con đường chiến lược từ Hoa Liên xuyên ngang Đài Loan đề quân đội có thề di chuyển mau chóng từ Đông sang Tây, thay vì đi vòng theo bờ biển, khi có chiến tranh. Con đường cheo leo trên những sườn núi cao, bên dưới là những dòng suối trong vắt, nhỏ bé đến độ chiếc xe bus phải tạm dừng lại, nép sát vào lề,  khi có xe khi ngược chiều. Hàng trăm công nhân xây dựng (nguyên là binh sĩ đã giải ngũ trong thời bình) đã bỏ mình vì đá rơi, và chúng tôi đã phải mang nón an toàn khi đi gần những mỏm núi chênh vênh để … chụp hình, và để so sánh với đèo Ngoạn Mục từ Đà Lạt xuống Phan Rang. Một ngày vui mà sao vẫn ngậm ngùi khi nghĩ tới đất nước VN!
 
Trở về lại Kobe để tiếp tục đi vòng quanh miền Nam nước Nhật, và mặc dù đã đọc, đã xem youtube, về quốc gia tiến bộ này chúng tôi vẫn gặp những bất ngờ. Vịnh Hạ Long của chúng mình đúng là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên thế nhưng Japan cũng có “Inland Sea”, vùng biển bao bọc bởi những đảo lớn, với hàng chục hòn đảo nhỏ hình dáng đặc thù rải rác trong một vùng nước trong xanh mênh mông.
 
Inland Sea của Japan có lẽ không hùng vĩ như Hạ Long của Việt Nam mình nhưng nơi đó còn giữ nguyên được vẻ đẹp thiên nhiên. Từ trên boong tàu chúng tôi thấy lòng thanh thản hoà mình vào cảnh sắc chứ không có cái cảm giác tiếc nuối như khi nhìn thấy những đổ vỡ, do bàn tay con người khai phá, như trên vài hòn đảo của vịnh Hạ Long. Inland Sea cũng không có những chiếc ghe mong manh với những đứa trẻ ốm yếu, bám vào du thuyền để xin bố thí như tại đất nước khốn khó của chúng mình.  Dân Việt còn quá nhiều người nghèo khổ, thật là tội nghiệp!
 
 
Người Nhật, nhất là đàn ông, theo thiển ý, không có cái vẻ thân thiện và cới mở như đa số những dân tộc Á Châu khác thế nhưng họ lễ phép và lương thiện không ai bằng. Có lẽ không đâu an toàn hơn nước Nhật bây giờ nên du khách tới nơi này rất đông. Thủ tục nhập cảnh của Nhật rất chặt chẽ (và hơi phiền toái) nên chúng tôi chẳng thấy một ông râu quai nón hay một bà che mặt nào ngoài đường phố. Không biết là chính phủ Nhật có chính sách cấm dân Hồi giáo tới nước họ, giống như ông Trump cổ võ trong kỳ tranh cử tại Mỹ, hay không?
 
Kiến trúc các đền đài (shrines) tại nước Nhật hầu như gần giống nhau nên xem một nơi có thể là đã thấy đủ cho nên chúng tôi lang thang tại các trung tâm thành phố nhiều hơn, và tình cờ chúng tôi được dự khán vài màn trình diễn nhạc cụ cùng vũ điệu cổ truyền của giới trẻ tại Kochi nên hiểu rằng dân tộc văn minh này vẫn còn tha thiết với nền văn hoá đặc thù. Cũng thật tình cờ, Diamond Princess ghé vào hải cảng Aburatsu lần đầu tiên nên được hoa hậu thành phố và một đoàn học sinh nam nữ đón tiếp. Thành phố nhỏ bé không có gì đáng chú ý thế nhưng khi tàu rời bến, trong tiếng nhạc của bài Soyonara trầm buồn, có những bàn tay vẫy tiễn đưa nên du khách cũng thấy ngậm ngùi. Trên bến cảng buổi chiều hôm đó chắc là cũng có những người trẻ nhìn theo con tàu ra khơi, khuâng khuâng mơ đời hải hồ thay vì sống mãi những tháng ngày u buồn tại một thành phố hẻo lánh!
 
Chỉ là một chuyến đi hai tuần ngắn ngủi nên chúng tôi thật tình chưa thấy gì nhiều về Japan. Tháng September sắp tới  chúng tôi sẽ trở lại để đi vòng quanh nước Nhật, và để xem mùa thu Đông Kinh có giống như một bài hát của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hay không!
 
Giá sinh hoạt tại Nhật rất cao, hàng hoá ở Mỹ rẻ hơn nhiều, thế nhưng K. và một người bạn vẫn thích mua sắm những món đồ lặt vặt, nhỏ bé dễ thương, nhất là những dụng cụ trong nhà bếp. Riêng tôi, tôi đã có một kỷ niệm đáng nhớ vì bỏ quên chiếc túi đeo vai đựng passport và giấy tờ tùy thân tại một tiệm cà phê. Tôi đã thật sự rất lo ngại vì nếu mất passport sẽ không thể tiếp tục cuộc hành trình, và trở về Mỹ cũng sẽ rất khó khăn. Cô bán hàng không biết nói tiếng Anh khi tôi trở lại hỏi thăm nên đã phải đi tìm manager, và ông này cũng chỉ nói được chút ít, tuy nhiên ông ta hiểu được ngôn ngữ bằng tay của tôi nên chạy vội vào trong nhà mang chiếc túi ra, trịnh trọng cúi đầu, nâng hai tay trao trả! Tôi cũng chỉ biết cúi đầu cảm tạ và không biết cách nào khác hơn để đền bù vì người Nhật không nhận tiền “tip”. Họ coi đó là hành động khinh thường. Giá một nơi nào khác tại Á Châu có lẽ tôi đã phải trả tiền chuộc để lấy lại giấy tờ như một du khách Mỹ tại VN đã phải trả $100 để nhận lại Passport sau khi bị … cướp giật! Thoáng buồn khi nhớ tới người và nghĩ đến ta, thế đó bạn thân!
 
Du thuyền cũng ghé Busan của Nam Hàn. Chúng tôi đã tới nơi này vài năm trước đây, khi đó cụ Thộn bạn ta còn sống, còn đi lạc vào rừng cây tại chùa Hải Long cho bạn bè đi tìm. Bây giờ Cụ Thộn đã ra người thiên cổ, qua thành phố cũ nhớ bạn tôi không khỏi buông nhẹ tiếng thở dài. Lần này chúng tôi không trở lại chùa Hải Long, chỉ đi vào thành phố thăm chợ đêm. Một đồng Mỹ Kim đổi được hơn một ngàn “Won”, tiêu mãi mà vẫn không hết 100 US dollars, như thế cũng đủ vui cho một ngày!
 
Bạn thân,
 
Trở về Cali  khi mùa hè sắp sửa bắt đầu thế nhưng mấy hôm nay trời vẫn nhiều mây và vẫn có sương mù vào buổi sáng. Dù sao thì thời tiết vẫn dễ chịu hơn miền trung Mỹ gió bão ngập trời hoặc là lụt lội như Houston nơi có vài bạn ta. Bay 14 tiếng trở về Mỹ nhưng kỳ này “quan ta” vẫn khoẻ mạnh nên đã lại bắt đầu nghĩ tới chuyến đi sắp tới. Bạn sẽ đi cùng với tôi, phải thế không?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
June 11, 2016  
 
NgụyXưa 24.06.2016 01:01:21 (permalink)

Một Chỗ Để Đi Về

 
Bạn thân,
 
Trong tuần lễ vừa qua tôi nhận được một email với tiêu đề: “Mỹ tiên đoán Trung Cộng sẽ tiến đánh Việt Nam.” Đó là một bài bình luận do một người bạn thời trung học “nhặt” được trên nét, và phổ biến rộng rãi tới bạn bè.Trong bài viết đó có đoạn:
 
>Theo nguồn tin mới nhất mà chúng tôi mới có được là các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc chắn chắn sẽ tấn công Viêt Nam trong một thời gian rất gần, có thể là trong vòng tháng sau, hoặc chậm lắm là trong phạm vi mùa hè này.
 
Bài phân tích này viết từ năm tháng May năm 2014, và “sự cố” đã không xảy ra như tiên đoán.
 
Theo thiển ý, Trung Cộng sẽ không cần đánh Việt Nam lúc này (2016), và trong tương lại, vì họ đã khống chế được VN rồi. Họ đã kiểm soát được cả chính trị, kinh tế, quân sự, và mới đây nhất là môi trường. Họ sẽ thi hành chính sách Hán hoá như họ đã làm với Mông Cồ, Tây Tạng, Mãn Thành, và vùng tự trị Tân Cương. Chỉ trong vòng vài chục năm nữa số người Hán tại VN sẽ đông hơn người Việt, và nếu không có một phép lạ, hay một biến chuyển thuận lợi trên bàn cờ quốc tế, thì nước VN sẽ không còn tồn tại, và người Việt lưu vong sẽ không còn một chỗ gọi là “tổ quốc” để đi về!
 
Tin tức bất lợi thường không được nhà cầm quyền VN phổ biến hay xác nhận nhưng hầu như dư luận đều tin rằng vụ cá chết trắng bãi biển miền trung là do bàn tay Trung Cộng, và mới đây nhất hai chiếc phi cơ quân sự rớt xuống biển một cách bí mật chắc chắn cũng là do kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc nhúng tay vào. Đây có lẽ là đòn TC “dằn mặt” VN vì không muốn VN thân cận với Hoa Kỳ sau cuộc viếng thăm của tổng thồng Obama. Khó có thể tin được rằng hai phi cơ của VN đều lâm nạn vì lý do kỹ thuật cách nhau chỉ vài ngày tại cùng một vùng biển. Các phi công trưởng của hai chiếc máy bay đó đều là các sĩ quan cao cấp, nhiều kinh nghiệm phi hành, và phi cơ thuộc loại “hiện đại” trong lúc thời tiết rất tốt. Chả nhẽ cơ quan bảo trì kỹ thuật của lực lượng Không Quân VNCS lại tệ đến thế sao? Khó tin quá, phải thế không bạn thân!
 
Bắn rơi (?) một phi cơ tiêm kích chiến đấu bay gần nơi TC tập trận bằng đạn thật thì còn có thể coi là “tai nạn”, thế nhưng bắn rơi cả một phi cơ không vũ trang, đang bay rất thấp để tìm kiếm người lâm nạn thì quả thật là độc ác, có lẽ không kém gì Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ hai đối xử với nguời Do Thái, dù là một đứa trẻ họ cũng truy sát chứ không tha. Nếu chưa xem, bạn hãy coi phim “Run Boy Run” để thấy sự tàn ác của con người nhiều lúc còn hơn cả thú vật!
 
Bạn thân,
 
Tôi thường chỉ tâm tình với bạn về tình yêu và tình người, chứ ít khi dám viết về những đề tài to lớn như chính trị và quân sự, thế nhưng những tin tức liên quan tới VN mới đây làm tôi vừa buồn vừa thất vọng, không thề nào giữ mãi được niềm đau cho riêng mình. Chúng mình đều đã có một đời sống êm đềm tại đất nước tạm dung, thế nhưng bạn cũng như tôi đều vẫn yêu, vẫn nhớ giang sơn VN, và vẫn muốn có một nơi để đi về. Hy vọng càng ngày càng mong manh, và khi nhắm mắt lià đời tro tàn trải ngoài biển có trôi về một nơi chúng mình gọi là “cố hương”?
 
Người Do Thái bị phân tán khắp địa cầu và gần bị Đức Quốc Xã tiêu diệt trong Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng họ đã trở về với nhau để thành lập nước Israel.  Người Việt bây giờ cũng lưu vong khắp nơi, thế nhưng không biết là con cháu người Việt hải ngoại có học được bài học Do Thái hay không!
 
Tôi hầu như không bao giờ cầu xin tiền nhân điều gì cho riêng mình vì không bao giờ muốn “hối lộ” thần thánh, thế nhưng lúc này tôi thường nghĩ tới Thượng Đế linh thiêng,  và xin người phù hộ cho tổ quốc VN mãi được trường tồn. Bạn cũng như tôi, phải thế không?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
June 22, 2016
 
 
sen dat 24.06.2016 17:43:41 (permalink)
Sen đất nghĩ Trung Quốc có nhiều thủ đoạn nham hiểm nhiều khi bất ngờ không nghĩ ra là đang bị Trung Quốc " nuốt " từ từ. VN chúng ta bị thôn tính bằng nhiều phương cách ví dụ như phương cách dưới đây mà báo đài trong nước biết nhưng không sao ngăn chặn được. SĐ trích một đoạn của báo vnexpress cho nguỵ xưa xem nha!
Thiếu hướng dẫn viên
Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc tăng đột biến cũng khiến du lịch Nha Trang và các công ty lữ hành đón khách tại đây phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Hoa, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở các khu du lịch biển vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao của khách. “Khách Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chất lượng khách sạn và họ thường ở các khách sạn 3-5 sao. Trong khi đó, tại Nha Trang thường xảy ra tình trạng ‘cháy’ phòng vào các đợt cao điểm như lễ, tết hay hè”.
Một vấn đề khác là sự thiếu hụt đội ngũ hướng dẫn viên nói tiếng Trung. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, tại Nha Trang chỉ có 10 hướng dẫn viên tiếng Trung được cấp thẻ, trong khi mỗi ngày gần 10 chuyến bay đưa khách từ các thành phố của Trung Quốc đến đây. “Phần đông khách Trung Quốc không nói được tiếng Anh nên đòi hỏi hướng dẫn viên phải chăm sóc từ sáng đến tối, như hướng dẫn cách đi lại, tìm nơi mua sắm”, bà Hoa giãi bày.
Hệ lụy từ việc thiếu hụt hướng dẫn viên là tình trạng hướng dẫn viên chui diễn ra rất phố biến. Một hướng dẫn viên tiếng Trung giấu tên tại Nha Trang với hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết, chiêu qua mặt các cơ quan chức năng của một số công ty du lịch là thuê sinh viên ngoại ngữ mới ra trường, biết tiếng Trung, đi cùng đoàn để đối phó, còn việc hướng dẫn chủ yếu thuộc về tour leader người Trung Quốc (chăm sóc đoàn). “Không chỉ dẫn khách không đúng tour, tuyến, các hướng dẫn viên chui này còn có thể xuyên tạc lịch sử, văn hóa tại các điểm tham quan", anh này bức xúc.
Trong một hội nghị cuối tháng 4, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cũng nhìn nhận một số vấn đề bất cập phát sinh từ dòng khách Trung Quốc tăng đột biến, đó là tình trạng doanh nghiệp đua nhau giảm giá để cạnh tranh khiến chất lượng phục vụ ngày càng thấp, doanh nghiệp du lịch Trung Quốc núp bóng hoạt động kinh doanh.
Theo Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở, điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước và làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
NgụyXưa 25.06.2016 02:22:49 (permalink)
Cám ơn sendat. NX cũng đã đọc bài nói về tình trạng du lịch tại Nha Trang, và đã nghĩ đó cũng là một thủ đoạn của Trung Cộng dùng để Hán hoá VN.
 
TC lập viện Khổng Tử khắp nơi,  đưa chữ Hán vào học đường, dùng thương mại để dẫn dụ chúng ta học tiếng Trung, cuối cùng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào họ, chậm rãi nhưng thâm độc, và đó là lý đo NX nghĩ là họ sẽ không cần mang quân xâm chiếm VN.
 
Tuy không có chiến tranh lúc này nhưng khi toàn dân nhớ tới những câu nói của tiền nhân như "thà chết vinh còn hơn sống nhục", "tức nước vỡ bờ"...  thì tuổi trẻ VN sẽ đứng lên để VN được trường tồn.
 
Thân chúc sendat những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
NX
NgụyXưa 19.07.2016 23:28:42 (permalink)

Vẫn Chỉ Là Thế Thôi!

 
Bạn thân,
 
Một người bạn trẻ miền xa vừa viết cho tôi báo tin vui là Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye, viết tắt là PCA (Permanent Court of Arbitration), ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.  Toà cũng xác nhận bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Cộng không có quyền ngăn cấm ngư dân nước này tới đó đánh cá.
 
Mọi người hầu như đều đoán trước được phán quyết của PCA ngay từ lúc Philippines nạp đơn yêu cầu toà xét xử vì Trung Cộng biết là mình đuối lý nên không chịu tham gia vào vụ kiện. Phán quyết của PCA chỉ có giá trị trên pháp lý nhưng không có một cơ chế nào đề thi hành nên TC vẫn cứ ngoan cố, ăn nói hung hăng như thường. Tôi nghĩ là sẽ không có chuyện gì xẩy ra, có nghiã là TC tiếp tục chiếm cứ và xây dựng trên các bãi đá ngầm, Mỹ cứ mang tàu chiến chạy qua chạy lại để thực thi quyền tự do hàng hải nhưng sẽ không có chiến tranh trong tương lai gần vì quyền lợi kinh tế của hai nước lớn này lệ thuộc lẫn nhau. Vẫn chỉ là thế thôi!
 
Quân lực qủa Philippines yếu kém, thua xa TC, nên cũng không dám khởi chiến để bảo vệ chủ quyền.  Các chiến hạm của họ do Mỹ viện trợ thường cũ kỹ và không được trang bị vũ khí tối tân. Năm 1975 nhiều chiến hạm của VNCH được chuyển giao cho Philippines tại Subic Bay sau chuyến hải hành cuối cùng, và hiện nay họ vẫn còn sử dụng vài chiếc tàu già nua đó.
 
Mỹ dù có hiệp ước tương trợ với Philippines cũng sẽ không khuyến khích chiến tranh vì các quốc gia trong vùng biển Đông đều nghèo, không có tiền mua sắm vũ khí của Mỹ như các nước Trung Đông, tư bản Mỹ khó kiếm chác được gì nhiều ở miền biển đó.
 
Phán quyết của PCA cũng không có lợi gì cho VN vì TC thực sự đã khống chế VN mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, quân sự đến môi trường. VN không dám căn cứ vào quyết định của PCA để đòi hỏi bất cứ điều gì, ngoài việc lên tiếng vu vơ ủng hộ phán quyết, vì sợ có thể TC sẽ lại “dạy cho một bài học” để dằn mặt các nước trong vùng Đông Nam Á mà không có ai bênh vực. Số phận đất nước thân yêu của chúng mình thật là nghiệt ngã!  Tuy nhiên trong tương lai, khi thế hệ trẻ vươn lên, VN có thể dùng phán quyết của PCA để lấy cớ hành động, lấy lại những gì đã mất về tay ngoại nhân.
 
Sức mạnh của Hải quân VNCH vào năm 1974 cũng thua xa hải lực của Trung Cộng thế nhưng chính chiến hạm của VNCH đã nổ súng bắn vào tàu Trung Cộng trước, và Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư đã lao tới đâm vào tàu địch, trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa. Đảo mất nhưng anh em chúng mình không có gì hổ thẹn, vì như người xưa đã nói “không thành công cũng thành nhân”. Chúng mình đã làm hết sức, HQ-10 cùng hạm trưởng Ngụy Văn Thà đã chìm xuống lòng biển để cố gắng giữ lấy di sản của ông cha, dù “chỉ là một mảnh san hô”.
 
Hải quân của VNCS bây giờ mạnh hơn và tân tiến hơn hải quân của VNCH thời xưa nhiều, (hơn 40 năm rồi còn gì). VN lúc này có cả tiềm thủy đĩnh, và các chiến hạm mang hoả tiễn với vận tốc cao mà VNCH ngày xưa không có. Nếu TC lại xâm lăng thì chẳng lẽ nào dân Việt lại bó tay? Người chiến binh  biết thế nào là thà chết vinh còn hơn sống nhục để bảo vệ quê hương như ông cha chúng mình, và thế hệ trẻ  chắc chắn là sẽ đứng lên để nhận trách nhiệm chứ không chỉ háo hức với “rạp chiếu phim giường nằm siêu đẳng cấp chỉ có ở Sài Gòn” như một số ít người ham sống vui.
 
http://www.foody.vn/bai-viet/-hcm-phat-sot-voi-rap-chieu-phim-giuong-nam-sieu-dang-cap-chi-co-o-sai-gon-5593
 
Bạn thân,
 
K. vẫn làm việc tại nhà, và trước sau gì cũng sẽ “được” laid-off  để đi chơi thả dàn. Tháng tới chúng tôi lại về San Jose thăm nhà trước khi đi xa vào tháng Sept.. Ngày nào của tôi cũng là chủ nhật, chỉ loay hoay với vườn tược và chuyện trò với bạn bè miền xa là đủ hết giờ, đâu có như những ngày còn trẻ, lúc nào cũng bận rộn với công việc. Khi đó nhiều lúc phải làm ngày làm đêm, làm cả cuối tuần, mang luôn thằng con trai nhỏ vào sở để vửa trông con vừa gõ keyboard. (Những năm 198X chưa có Internet để có thể ngồi nhà làm việc như K. bây giờ)!
 
Vừa được tin Ngô Xuân Ý qua đời sáng nay. Ý là người bạn cùng khoá thứ năm giã từ cuộc chơi trong vòng bảy tháng. Đầu bảng danh sách Bảo Bình có Nguyễn A, cuối bảng có Ngô Xuân Ý. Anh em chúng mình thường nói đùa: “Có Ý lại còn có A, cứ ý a với đời!” Bây giờ cả Ý lẫn A đều đã giã từ trần gian, anh em chúng mình còn có gì vui? Thôi thì cứ coi như là bạn mình đã được giải thoát, trước sau gì rồi cũng sẽ đến phiên mình.
 
Băn khoăn nên tâm tình với bạn một chút về chuyện nước chuyện nhà nhưng cũng biết là thời của chúng mình đã qua. Chúc bạn, và cũng ước ao cho chính minh, an hưởng được những ngày vàng như một ân huệ của trời cho.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
July 16, 2016
 
NgụyXưa 11.08.2016 23:22:36 (permalink)

Một Đời Yêu Ghét

 
Bạn thân,
 
Từ ngày biết suy nghĩ chín chắn tôi đã thay đổi quan niệm sống của mình rất nhiều, và tôi nghĩ là bạn cũng đã như tôi. Khi còn trẻ chúng mình  hay mắc lỗi lầm vì không có được tấm lòng bao dung, chấp nhận những quan niệm dị biệt đưa tới những tranh cãi làm cho đời sống trở nên nặng nề. Bây giờ trầm tĩnh hơn, tôi tâm niệm “hãy yêu người, yêu đời” để  cho lòng thanh thản. Tôi không còn ghét bỏ bất cứ ai, kể cả những người trước đây tôi thường coi nhẹ, thế nhưng ít lâu nay tôi lại thù ghét … Tàu bạn ạ!
 
Tôi ghét tham vọng bá quyền  của đảng Cộng Sản Tàu và chính sách Hán hóa của họ đối với các nước nhỏ xung quanh, và từ đó tôi ghét tất cả những gì liên quan tới Tàu, mặc dù tôi biết như thế là “unfair” vì dân tộc nào cũng có người xấu người tốt, và chúng mình vẫn còn có bạn bè, đồng nghiệp đến từ China.
 
Gần đây tôi nhất định không mua hàng “ma ze in China” (), không coi phim Tàu, không tới đất Tàu dù chỉ là ghé bến Thượng Hải vài giờ khi du lịch bằng cruise ship, và nhất là không đọc văn chương Tàu mà một thời tôi đã rất say mê. Chữ Hán học từ sách của thày Lưu Khôn tôi cũng đã quên gần hết. Mới đây khi tới Japan thấy chữ viết của họ vẫn còn bao gồm nhiều Hán tự, tôi lõm bõm đọc được vài chữ, định là khi về Cali sẽ học thêm để tháng September này trở lại Nhật sẽ bớt ngỡ ngàng, thế nhưng cầm cuốn sách cũ lên, tôi lại thở dài đặt xuống chỉ vì liên tưởng tới sự tàn ác và gian tham của bọn người cai trị phương Bắc!
 
Có lẽ không phải chỉ mình tôi ghét bỏ văn chương và văn hoá Tàu vì chính sách ác độc của chính quyền Trung Hoa mà còn nhiều người khác nữa. Xin chia sẻ với bạn cảm nghĩ của tác giả Song Chi trong một đoạn văn dưới đây:
 
“… trong khi Trung Cộng đã và vẫn đang, sẽ là kẻ thù lâu dài của dân tộc VN, là mối đe dọa lớn nhất đối với chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ, thì nhà cầm quyền lại tiếp sức, tuyên truyền không công cho văn hóa của họ. Sách, tiểu thuyết Trung Quốc được in đầy rẫy trong các nhà sách lớn nhỏ từ Nam ra Bắc, kể cả những loại ngôn tình nhảm nhí cho tới những quyển sách ca ngợi Mao Trạch Đông, ca ngợi Đặng Tiểu Bình- kẻ đã ra lệnh phát động cuộc chiến 1979 để “dạy cho VN một bài học”; phim truyền hình Trung Quốc chiếu tràn lan dày đặc trên các kênh từ trung ương đến địa phương.” (Song Chi)
 
Tôi hiện thời  vẫn còn sinh hoạt trên một vài diễn đàn Việt Nam, và mỗi lần thấy một tác giả trẻ mgười Việt viết … truyện Tàu tôi thấy ngán ngẩm vô cùng, không có cách gì đọc hết được “truyện”, dù ngắn hay dài. Xin lỗi các tác giả, tôi không có ý phê bình văn phong của các bạn, chỉ là vì tôi còn quá nặng tình quê hương nên thiếu khách quan.
 
Bạn thân,
 
Người việt hải ngoại và cả người Việt trong nước, nhất là giới trẻ, đểu oán hận  chế độ Cộng Sản Tàu nên ghét lây người Trung Hoa. Mời bạn xem một đoạn Video về nạn lụt lội vừa mới xảy ra tại China:
 
https://www.youtube.com/watch?v=aW8b5l-GQdA
 
Thiên tai nào cũng thảm khốc, và giới trẻ Việt Nam đã dùng cơ hội này để nguyền rủa chính quyền Cộng Sản và chủ tịch Tập Cận Bình, để biểu lộ lòng yêu nước, muốn “thoát Trung”, thế nhưng cũng có những “comments” cay đắng cho người dân Trung Hoa:
 
“bọn này cho chết hết mẹ chúng nó đi, người không diệt được nó thì để trời diệt”
 
“chết mẹ chúng mày đi, chúng tao không còn gì mà thương tiếc chúng mày lũ chó điên”
 
Tâm tình của người dân Việt đã được biểu lộ rõ ràng trên những mạng lưới xã hội, nhất là bằng sự chào đón nồng nhiệt khi tổng thống Obama của Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam. Lòng dân là vậy mà hình như nhà cầm quyền vẫn vô cảm, nếu không muốn nói là vẫn cố tình dung túng cho những công ty và tổ chức của người Tàu góp phần vào việc Hán hoá Việt Nam. Ước gì nước Việt sẽ lại có một Quang Trung, hay ít ra cũng lại có một Nguyễn Thái Học, đứng lên dẫn dắt những tấm lòng nhiệt thành yêu thương đất nước để chống lại ngoại xâm, mặc dù nếu “không thành công cũng thành nhân”.
 
Bạn ơi, chỉ nghĩ thế thôi tôi đã thấy bồi hồi. Bạn giữ gìn sức khoẻ nhé vì biết đâu chẳng có một ngày chúng mình sẽ dắt díu nhau về thăm lại Hoàng Sa và Trường Sa, như  năm nào chúng mình đã theo tàu đến tận vùng đất nước xa xôi đó đặt tấm bia chủ quyền.  
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Aug. 10, 2016
 
P.S.: Dù sẽ không bỏ phiếu bầu cho ông Trump vào tháng November sắp tới nhưng tôi cũng không còn ghét bỏ đến độ không muốn nhìn mặt ông ta trên truyền hình, trái lại còn coi những gì ông ta múa may như một trò vui . Nói để bạn biết thế thôi chứ một lá phiếu của tôi, hay của tất cà người Việt trên đất Mỹ, chắc chắn là không có ảnh hưởng gì tới vận mệnh của đất nước này. Bạn cứ bỏ phiếu cho ai mà bạn thấy tương đắc vì đó là bổn phận, mặc dù bạn và tôi chỉ là công dân hạng nhì tại đất nước tạm dung!
 
NgụyXưa 13.09.2016 23:48:24 (permalink)

Như Một Lời Cám Ơn

 
Bạn thân,
 
Hơn 40 năm sống tại đất nước này tôi cũng chỉ có vài người bạn Mỹ trắng, và thực sự mà nói thì hầu như không một người nào có thể coi là thân, mặc dù tôi đã từng làm việc cho một công ty hi-tech gần 10 năm.  Làm việc chung nên quen biết, thế nhưng khó có thể trở thành bạn bè thân thiết như những người cùng ngồi trên ghế nhà trường vì chỉ ở nơi đó mối giao tình mới hầu như hoàn toàn vô vị lợi. Trong những người bạn Mỹ, Dana French là người tôi thân nhiều hơn cả. Dana và tôi biết nhau từ năm 1973 tại Naval Postgraduate School, Monterey California, vì chúng tôi học chung với nhau nhiều lớp, mặc dù hai đứa chọn hai ngành khác nhau.  
 
Tháng Tư năm 1975 nghe tin Sài Gòn thất thủ, tôi gục đầu để nước mắt chảy dài với niềm đau thế nhưng đa số bạn bè Mỹ trong lớp hầu như dửng dưng, chỉ có Dana French tới cầm tay tôi chia buồn. Lúc đó Dana mang cấp bậc Hải Quân Trung Tá ngành chỉ huy, chưa bao giờ phục vụ tại chiến trường Việt Nam nhưng  biết rõ là VNCH đã bị chính quyền Mỹ bỏ rơi để “nối vòng tay lớn” với Trung Cộng, một thị trường béo bở, vì Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược, không còn cần một tiền đồn ngăn làn sóng đó như họ đã từng nhấn mạnh bằng chủ thuyết Domino.  
 
Dana không chỉ an ủi tôi mà còn tình nguyện làm người đỡ đầu (sponsor) để gia đình bé nhỏ của tôi có thể ra khỏi trại tị nạn Camp Pendleton. Đó chỉ là một thủ tục pháp lý cần phải có chứ thực sự Dana không hề phải giúp đỡ chúng tôi về phương diện vật chất, tuy nhiên chúng tôi vẫn mang ơn Dana vì dù sao Dana cũng phải khai báo tài sản, giao nộp giấy tờ phiền toái, mà thường chỉ có những cơ quan thiện nguyện nhận tiền của chính phủ mới đứng ra gánh vác.
 
Chúng tôi đều tốt nghiệp vào cuối tháng June năm 1975. Dana tiếp tục đời hải nghiệp còn tôi mang gia đình lên vùng Silicon Valley làm lại cuộc đời. Chúng tôi giữ liên lạc bằng thư tín, Dana đã có lần bay từ Washington DC sang California thăm gia đinh tôi, và tôi cũng đã có lần lái xe từ San Jose xuống San Diego gập Dana, chỉ để nắm tay nhau một cách ân cần. Thế nhưng cuộc đời có những thay đổi tới chóng mặt, nhất là cuộc đời nay đây mai đó của một người đi biển; chúng tôi mất liên lạc sau vài lần thay đổi chỗ ở, và lần cuối cùng chúng tôi chuyện trò với nhau cách đây cũng đã hơn … 30 năm!
 
Mới đây tôi tình cờ thấy một video ngắn trên YouTube của một nhóm thuyền nhân được cứu vớt trong vịnh Thái Lan với hàng chữ: “We made this presentation to show our forever gratitude to our heroes: Captain Dana French and the Crew of the USS Robison, DDG-12.” (Chúng tôi làm video này để chứng tỏ lòng biết ơn sâu xa tới các vị anh hùng của chúng tôi: hạm trưởng Dana French và thủy thủ đoàn của Khu Trục Hạm Robinson, DDG-12 của Hoa Kỳ.)
 
https://www.youtube.com/watch?v=vWGQrIyFzSM
 
Video chỉ dài hơn hai phút nhưng đủ cho tôi vừa xúc động vừa vui mừng vì cuối cùng tôi đã biết tin, và lại liên lạc được với một người bạn xưa. Qua điện thoại chúng tôi hầu như nghẹn lời, tóm tắt cho nhau nghe về đời sống của những năm xa cách, và tôi được biết thêm chi tiết về việc cứu vớt người của Dana vào tháng 12 năm 1980. Khi đó khu trục hạm DDG-12 đang trên đường về bến sau một ngày thao dượt trong vịnh Thái Lan cùng với hải quân hoàng gia Thái. Đoàn tàu do một vị đô đốc Thái chỉ huy, và chiến hạm do Dana làm hạm trưởng đi sau cùng. Mặt trời đã xuống dưới đường chân trời nhưng trong ánh hoàng hôn vàng vọt Dana cũng vẫn nhìn thấy một chiếc thuyền gỗ mong manh dài chừng hơn 40 feet, đầy người đang vẫy gọi. Dana xin phép quay tàu trở lại để xem xét nhưng vị đô đốc Thái không chấp thuận, chỉ buông một câu gắn gọn: “Forget them, just a bunch of Vietnamese boat people”. (Quên họ đi, chỉ là một lũ thuyền nhân Việt Nam).
 
Dana đã cưỡng lại lệnh của người chỉ huy đoàn tàu, tự động quay lại, cặp sát vào chiếc ghe mong manh, và trong bóng đêm đã đưa hết 262 thuyền nhân lên tàu, kể cả 40 xác chết, 51 trẻ em và những người đàn bà bẩn thỉu, phân trét đầy người để tránh bị hải tặc hãm hiếp. Tất cả được đưa về trại tị nạn, và sau đó định cư tại các nước tự do trên thế giới. Đa số các thuyền nhân năm xưa bây giờ đã thành công trên xứ người, và 30 năm sau họ đã đi tìm vị ân nhân để tạ ơn.   
 
Vì cưỡng lại lệnh hành quân nên có lẽ vì vậy mà Dana đã phải rời bỏ con tàu thân yêu, lên bờ giữ một chức vụ hành chánh. Hơn thế nữa, mặc dù có bằng Master vể  Organizational Management, và đã mang cấp bậc HQ Đại Tá nhiều năm, Dana cũng không được thăng cấp Rear Admiral. Dana có chút buồn nhưng nói không bao giờ hối hận về việc cứu người lâm nguy trên biển của mình. Qua điện thoại tôi nghẹn lời, chỉ biết nói nhỏ: “Thank you, thank you, Dana”.
 
Bây giờ Dana đã giải ngũ, định cư tại Virginia, nhưng vẫn bận rộn, hết làm “student dean” cho một trường đại học lại mở một công ty tư vấn về tổ chức và quản trị, mặc dù tuổi đã cao (hơn 78). Cuối năm nay Dana sẽ sang thăm người thân tại Cali, và chúng tôi sẽ có dịp gặp lại nhau để cho tôi nói lời cám ơn thêm một lần.
 
Bạn thân,
 
Chúng mình đều biết “chính trị” là thủ đoạn. Những người cầm quyền dù thuộc đảng Cộng Hoà hay đảng Dân Chủ cũng chỉ biết tới quyền lợi của đảng phái và của nước Mỹ trước khi nghĩ tới đồng minh. Bài học năm 1975 là một bài học cay đắng, thế nhưng sau bao nhiêu năm sống trên xứ người tôi thấy là người Mỹ bản xứ vẫn là người tốt bụng và rộng lượng hơn bất cứ dân tộc nào. Những người VN bỏ nước ra đi tìm tự do đã từng bị đảng CSVN bị gán cho tội “bám đuôi tư bản dãy chết để ăn bơ thừa”. Ừ, thì cứ coi là như vậy đi, nhưng thà thế còn hơn làm nô lệ cho Tàu, phải thế không bạn ta?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Sept. 12, 2016 
 
 
 
 
NgụyXưa 10.10.2016 03:14:51 (permalink)
Bạn thân,
 
Mới đi xa về, viết vài hàng để báo tin chứ không bao giờ quên "Bạn Miền Xa".
 
Khi nào hết "jet lag" sẽ tâm tình với bạn về chuyến đi và những cảm nghĩ vụn vặt của cuộc đời.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Oct. 10, 2016
sen dat 13.10.2016 11:22:13 (permalink)
Cám ơn nguy xưa và những bạn hay viết tuỳ bút về những chuyến đi như Huyền Băng trong " tây du ký" chẳng hạn. Viết để nói lên những ưu tư trong cuộc sống cũng thú vị có điều là các bạn còn có thì giờ để suy ngẫm về sự đời cũng là hạnh phúc. SĐ dạo này hay nghe nhiều người rủ rê là lên mạng đi xem VN bán đất cho Trung qUốc hết rồi nghe vậy mà SĐ cũng hỏng có thì giờ mà đọc những thông tin ấy hỏng biết có thật hay không? SĐ vẫn có niềm tin là cái gì bất công rồi thì sẽ không tồn tại lâu dài. Ví dụ thời SĐ mới ra trường thì phận mình " con nhà nguỵ " không phải con ông cháu cha thì phải vào chùa quét lá đa thôi SĐ nghĩ như thế. Ở VN nhất thân nhì thế ba tiền tệ còn tài năng thì mặc kệ bây. Dòng đời trôi qua bất công cứ thế không bao giờ ngừng ở đất nước VN này cho đến khi VN mở cửa dù he hé thì ngọn gió tự do dân chủ vẫn len lén vào được. Tự do kinh tế cũng đồng nghĩa là có một bàn tay nào vô hình sắp xếp mọi chuyện nó vượt mọi quyền lực mọi thủ đoạn mọi luồn lách tham ô nó từ từ loại bỏ mọi sự bất công trong xã hội nhất là những o ép hát hủi mà người miền nam sau 75 kẹt lại phải chịu. Con cháu vì cái lý lịch " nợ máu" thời cha ông không thể ngóc đầu lên sau mấy chục năm giờ có thể ngửng cao đầu!. Nguỵ xưa biết sao không? Vì những nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư giờ họ khôn ngoan lắm! Không tài năng thì dù có con ông cháu cha có đút tiền họ cũng không màng!. Họ thuê những dịch vụ săn lùng người tài. Những người săn lùng chuyẻn nghiệp sẽ săn người tài cho các công ty lớn ở nước ngoài chứ cac s công ty này chả hơi đâu mà phải phỏng vấn hàng trăm người chi cho mất công. Người được săn lùng khi phỏng vấn công ty nhận rồi thì người giớii thiệu sẽ được chi hoa hồng với số tiền bằng hai tháng lương mà công ty dự trù trả cho người tài được săn lùng. Ví dụ công ty trả mức lương là 25 triệu một tháng thì người giới thiệu ăn hoa hồng là 50 triệu. Vậy thì người tài là ai đây? Có thể là con cháu ngụy quân ngày xưa mới chết chứ! He...he...đời là thế! Ôi tự do kinh tế muôn năm!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.10.2016 11:25:37 bởi sen dat >
NgụyXưa 15.10.2016 04:20:44 (permalink)
Cám ơn sendat đã chia sẻ tâm tư. NX cũng nghĩ tự do kinh tế là điều cần thiết để phát triển quốc gia, tuy nhiên sự phát triển cũng còn tùy thuộc chính sách của nhà nước. Nhân sự trong chính quyền cũng rất quan trọng, không biết là trong lãnh vực này sự tuyển chọn có còn “nhất thân nhì thế ba tiền” như sendat nói hay không?
 
Ở bên Mỹ các công ty lớn cũng thường nhờ cạy các  personnel agency services tuyển chọn các ứng viên trước, và hiring manager thường chỉ phỏng vấn vài ba người đứng đầu danh sách do agency đưa tới. Kinh nghiệm là tối quan trọng, sau đó mới tới học vấn và cá tính, và chắc chắn là không có vấn đề phải lo lót tiền bạc.
 
Thế sự hầu như đều theo một chu kỳ, và đó cũng là niềm hy vọng để những người tha hương và con cháu đời sau có một chỗ để đi về. Thân chúc sendat những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
NX
***

Mặt Trời Đông Phương

 
Bạn thân,
 
Mùa thu năm nay hình như tới muộn. Đã giữa tháng Mười mà thời tiết Nam Cali vẫn còn nóng như mùa hè, thế nhưng mấy hôm nay buổi sáng trời nhiều mây, và đêm đã đủ se lạnh để giấc ngủ bớt vật vờ do “jet lag” vì mới trở về sau chuyến đi xa.
 
Chuyến du hành bằng cruise ship vừa rồi là chuyến thứ ba chúng tôi tới thăm Nhật Bản. Đã có rất nhiều sách vở và bài viết trên Internet ca ngợi quốc gia và dân tộc này nên tôi thấy không cần viết thêm mà chỉ muốn chia sẻ với bạn một vài cảm nghĩ nhỏ nhoi.
 
Tôi trở lại nơi đó tới ba lần trong vòng hai năm vì tôi thật tình yêu thích những hải đảo và những bờ biển nhìn từ xa không khác gì miền trung của đất nước Việt Nam!  Tôi xúc động đứng trên boong tàu ngắm nhìn mây nước trong Seto Inland Sea, vùng biển giữa ba hòn đảo lớn của Nhật Bản, mà cứ tưởng như mình đang hải hành trong vịnh Cam Ranh hay Vịnh Hạ Long.
 
 
Bao nhiêu năm khi còn mặc áo “sương gió nên mầu đã bạc phai”, theo tàu xuôi ngược bến bờ Việt Nam, những hình ảnh của đất nước hầu như chưa bao giờ phai mờ, và mỗi lần đi qua những vùng biển lạ mà tôi vẫn cứ tưởng như là vừa nhìn thấy cù lao Chàm, cù lao Xanh, hòn Tre, hòn Miếu … v.v… Japan đã cho tôi cái cảm giác thân quen đó, tôi đã tới và sẽ còn trở lại, vì ngoài cảm giác thân quen vẫn còn nhiều cái cho tôi đi tìm.
 
Không phải tất cả mọi người đều ưa thích nước Nhật. Chỉ trong một chuyến cruise vừa rồi hành khách trên con tàu Diamond Princess phải phải chờ đợi, chụp hình, lăn tay để đi qua Immigration tới … vài ba lần. Tới Phi trường Narita, ra khỏi tàu và trở về sau khi ghé thăm Busan của Đại Hàn và Korsakov của Nga, hành khách đều phải xếp hàng trình thông hành mệt nghỉ! Cũng tốt thôi vì nhờ thế không có ông Hồi Giáo quá khích nào tới nước Nhật để khủng bố, nhưng chờ đợi lâu quá cũng mất vui. “It takes the fun out of travel” như một người ngoại quốc xếp hàng cạnh tôi càu nhàu!
 
Người Nhật lễ phép, lương thiện và ngay thẳng như tôi đã từng kể với bạn trong một lá thư trước khi tôi bỏ quên passport tại một quán cà phê, nhưng tôi nghĩ họ không … hiền bạn ạ. Chắc là bạn cũng như tôi đều đã nghe, đã đọc về tội ác của quân phiệt Nhật trong thế chiến thứ hai. Đó là chuyện xưa thế nhưng khi đi thăm một viện bảo tàng tại Aomori, quan sát những xe hoa (floats) và những  khuôn mặt như ác quỉ của các nhân vật cổ tích được họ tôn thờ, cũng như nghe tiếng trống chát chúa rồn rập trong những màn trình diễn vũ điệu, tôi có cảm giác bất an như đang lọt vào trong một trận chiến sát phạt khốc liệt. Chia sẻ với bạn vài tấm hình của những “ông ác” chụp được trong phòng triển lãm của viện bảo tàng:
 
 
 
Những bóng dáng dữ dội đó hầu như hoàn toàn trái ngược với hình ảnh yên bình đến gần như thoát tục trong một khu vườn của ngôi “Chùa Vàng” thuộc vùng cố đô Kyoto:
 
 
Du thuyền hải hành vòng quanh nước Nhật, thăm viếng  những nơi hẻo lánh ở miền Bắc mà ngay cà người Nhật cũng ít biết đến, (cũng như không phải người Việt nàocũng đã  tới thăm Cà Mâu hay Năm Căn).  Tuy nhiên, như đã nói với bạn, đất nước đó vẫn còn có nhiều điều tôi vẫn chưa “cảm” thấy hết, và do đó tôi sẽ trở lại thêm một lần, để đi xuyên Thái Bình Dương, từ Tokyo/Yokohama của Japan lên Bắc cực, qua Alaska, tới Vancouver của Canada là hết hải trình. Vé đã booked nhưng ngày đi còn xa, vào tháng Tư năm 2018, khi hoa anh đào nở trên đất Phù Tang!
 
Một lý do nữa là K. và vài người bạn đã “khám phá” ra những cửa tiệm bán những vật dụng cho nhà bếp, cho phòng tắm … mà món nào giá cũng chỉ có 100 yen (99 xu Mỹ). Hàng giá rẻ nhưng “made in Japan”, tốt và tiện dụng chứ không như hàng hoá dởm “made in China”. Một bà bạn mua mấy chục dollars những món lặt vặt cồng kềnh, đã phải sắm thêm một chiếc valise để chứa! Có lẽ đó cũng là một lý do để trở lại, “vơ vét” nữa cho “đáng đồng tiền bát gạo” (hơn $100 dollars) bỏ ra mua cái valise!
 
Bạn thân,
 
Tôi thấy thương người Nhật bạn ạ. Họ lúc nào cũng vội vàng chạy theo xe điện ngầm, giá sinh hoạt lại đắt đỏ, $1.6 dollars một chai Coke mua từ máy bán ngoài đường, $25 dollars một quả dưa (cantaloop) trong chợ, và $150 một miếng … thịt bò Kobe trong tiệm ăn, trong lúc lương bổng trung bình của một gia đình tại Japan cũng chỉ tương đương với Hoa Kỳ, nơi giá sinh hoạt chỉ bằng một nửa, hay thấp hơn. Có lẽ chúng ta nên cám ơn thượng đế, vì dù tha hương, chúng ta đã không phải quá nhọc nhằn lo nghĩ nhiều cho cơm áo đời thường.
 
Không phải chỉ có Japan mà Australia cũng là nơi tôi sẽ trở lại thêm một lần, nơi đó có những người “bạn miền xa” mà tôi đã từng gặp gỡ trên diễn đàn. Chắc bạn chưa quên “Hoàng Bà Bà”, “Chú Lái”, “Nguyên Nhân” … những người đã “vang bóng một thời” trên Phố Rùm Đ/T hiện thời cư ngụ tại Brisbane. Brisbane là đất hiền hoà, dân chúng trên đường phố thong thả chứ không vội vã như người dân Japan. Chưa định được ngày, nhưng bạn nhớ chờ tôi nhé, bạn miền xa! Mến chúc bạn những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Oct. 14, 2016
 
 
NgụyXưa 03.11.2016 04:05:32 (permalink)

Chốn Quạnh Hưu

 
Bạn thân,
 
Đã tám năm nay, từ ngày dọn về nơi quạnh hưu này, buổi tối Halloween năm nào  tôi cũng ngồi ôm một giỏ bánh kẹo để chờ nhưng vẫn chưa thấy một đứa trẻ nào tới gõ cửa nói câu: “trick or treat”. Khu nhà nơi tôi cư ngụ là một gated community nằm trên đồi cao, đa số cư dân là những người đã hồi hưu nên ngay cả những ngày cuối tuần đẹp trời cũng chỉ thấy lác đác một hai đứa bé chơi đùa trong công viên cạnh nhà. Buổi sáng thỉnh thoảng thấy vợ chồng Steve già hàng xóm đi bộ trên con dốc vẫy tay chào. Thế thôi, không gian yên tĩnh như cuộc đời những người đã qua một thời sóng gió đa đoan.
 
Vắng người nên muông thú thường tới thăm. Lá non và cây trái sau vườn được những con thỏ rừng và những chú sóc “hỏi thăm” kỹ càng, và lâu lâu mấy “cụ” cò trắng cổ cao từ biển bay vào kiếm cá trong cái ao nhỏ sau nhà làm món sushi. Cái ao với dòng suối nhỏ và những bông hoa súng vàng ban đầu đầy cá koi nhưng sau khi chim ăn hết tôi chỉ thả cá vàng (feeders). Đàn cá nhởn nhơ trông cũng vui mắt nhưng chỉ được ít lâu là mất dần, còn lại được hai con. Chúng mau lớn, đẹp mã và thường trốn dưới những lá súng cho đến khi nào tôi thả những viên thức ăn nhỏ xuống mới quẫy nước, trồi lên đớp mồi. Tôi nghĩ hai “đứa” là vợ chồng vì lúc nào chúng cũng quấn quít bên nhau, và đôi khi rượt bắt nhau như trẻ thơ chơi đùa.
 
Tưởng là chúng sẽ mãi bên nhau, thế nhưng có một đêm có con raccoon tới thăm, phá nát những cây hoa súng trong ao và bắt mất một con, không biết là vợ hay chồng, chỉ còn lại một con trốn biệt trong hốc đá, buổi tối mới xuất hiện, lờ đờ nổi lên há miệng đớp viên thức ăn nhỏ rồi lặng lẽ lặn xuống tìm nơi trú ẩn. Đời vắng em/anh rồi, vui với ai! Mấy hôm nay K. phài lên Palo Alto làm việc, tôi một mình hưu quạnh nên càng thấy thương con cá cô đơn. K. nói đừng nuôi bất cứ con vật nào nữa vì khi có chuyện gì xảy ra cho chúng mình cũng cảm thấy buồn. Goku, con chinchilla chúng tôi nuôi năm nào lăn ra chết đúng vào ngày 30 Tết khiến chúng tôi ngỡ ngàng, và mỗi khi từ trên lầu đi xuống tôi lại nhớ tới những lần nó nhẩy lên mừng rỡ, nghiêng đầu nhắm mắt, đứng bằng hai chân cho tôi vuốt ve.
 
Sống ở nơi quạnh hưu này nên nguồn vui của tôi là TV, là Internet và thư từ của bạn bè thân sơ, thế nhưng dạo này mở TV ra chỉ thấy Trump và Hillary, nhiều thư từ nhận được từ người quen và từ những người không quen cũng thường khuyến dụ mình nên bầu cho “Dân Chủ” hay “Cộng Hoà”. Còn một tuần nữa mới tới ngày Nov. 8, 2016 nhưng tôi bỏ phiếu bằng thư rồi bạn ạ. Lúc này tạm thời tôi ít còn quan tâm tới chuyện bàu cử, và hầu như không còn tham dự vào những cuộc tranh luận chính trị mà tôi nghĩ là để công kích nhau chứ không ai thuyết phục được ai.
 
Người Việt mình tập trung sống ở hai nơi đông đảo là Cali và Texas, và bạn biết đó: Cali là đất của đảng Dân Chủ còn Texas là nơi của đảng Cộng Hoà. Năm nay nước Mỹ có hơn 200 triệu người ghi danh đầu phiếu trong lúc số phiếu của người Việt quá ít ỏi, may ra thì có chút ảnh hưởng tại chính trường địa phương nhưng sẽ không gây được ảnh hưởng nào trong cuộc bầu cử tổng thống. Bàn cho vui thôi nhé, bạn thân.
 
Viết thêm vài dòng này cho một người bạn miền xa đang ở “miệt dưới”:  bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống  mà bạn thấy đồng cảm, để vui để buồn với kết quả sau ngày Nov. 8, thế nhưng xin bạn đừng coi nhẹ những người trẻ cấp tiến cũng như  xin đừng chê bai những những cựu quân nhân VNCH già yếu đang sống tại nước Mỹ nhưng vẫn suy nghĩ như thể đang còn chiến đấu tại VN trước năm 1975. Chắc là bạn biết Trump hay Hillary cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái, của nước Mỹ trước khi nghĩ đến đồng minh. Đảng Dân Chủ chống chiến tranh Việt Nam còn đảng Cộng Hoà bắt tay với Tàu bán rẻ đồng minh để chúng mình “được” làm người tha hương.
 
Bạn thân,
 
Đã là giữa mùa thu, bầu trời Nam Cali nhiều mây nhưng vẫn chưa có  “giọt mưa thu thánh thót rơi” như tại quê nhà yêu dấu xa thật xa. Cuối tháng Hai năm tới tôi sẽ lại tìm về thăm mảnh đất nơi tôi sống thởi trẻ dại. Lúc đó chắc là Hà Nội có mưa xuân nhưng không biết là tôi có thể tìm lại được những những cảm giác của thời xa xưa khi co ro đi bộ dưới làn mưa bụi tới trường tiểu học Quang Trung năm nào? Tí Ve, thằng bạn hàng xóm thơ dại thời đó, ngày nào cũng cùng đi với tôi tới trường để chọc ghẹo nhau cho vui, bây giờ không biết ở đâu, còn sống hay đã bỏ xác trên đường mòn Trường Sơn?  Trong những phút giây hưu quạnh bỗng dưng tôi nhớ tới  nó, và nhớ về một đoạn đời mà có lần tôi đã viết: “Mùa hè năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam, bố tôi cho phép tôi mang theo những viên bi lóng lánh, một món đồ chơi khác của thời thơ ấu, nhưng không cho tôi mang theo cây súng cao su lên máy bay. Tôi tần ngần đưa tặng “Tí ve” cây súng mà rưng rưng muốn khóc. Mấy chục năm đã qua nhưng nhiều lúc tôi vẫn nhớ cái trạc ổi lên nước bóng loáng, cái ổ đạn da đã sờn, và tiếng “đạn” bay mỗi lần tôi buông tay cho sức đàn hồi của cao su đẩy viên sỏi vút vào không gian.”   
 
Chợt nhớ tới hai câu của một khúc nhạc mà ca sĩ Thanh Lan thường hát: “Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa.”  Bạn có bao giờ nhớ về quá khứ thiết tha như tôi lúc này không, bạn miền xa?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 1, 2016
 
 
Vo Bien Gioi 04.11.2016 08:00:26 (permalink)
Rất có thể anh Nguỵ Xưa biết anh Đặng Vũ Hạ cũng gia nhập trường sỹ quan hải quân NT khoảng năm 1962 ( chắc anh vào năm 1961 ).
Anh Hạ con bác Liệu dạy học ở Quảng Ngãi ( Mỹ Khê ), cũng di cư năm 1954 như anh .
Chẳng biết phiêu bạt đời hải hồ, người bạn xưa trên 50 năm nay của tôi bặt tin, có còn trên trần thế ưu phiền này không ?
Nhân đây VBG cũng xin mượn mục này của anh để tìm hai người bạn xưa khác là hai anh Trần Văn Tín và Hoàng Trọng Truyện khoá 17 Thủ Đức tiểu đoàn 4 Thuỷ Quân Lục Chiến, sau trận Bình Giả 1964 thì mất liên lạc. 
VBG cám ơn anh Nguỵ Xưa.
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 16 của 20 trang, bài viết từ 226 đến 240 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9