Dược Thảo: Rau Cải
HongYen 09.08.2007 07:33:45 (permalink)
 
 
Rau Má
 
Rau Má và rễ rau Muống biển giã nát có tác dụng tiêu độc, giải nhiệt. Cây rau Má tươi sắc lấy nước cũng có thể trị ho.

Rau Má - thuộc họ hoa tán. Cây thảo sống nhiều năm, mọc là là trên mặt đất và có lá tròn tròn như gò má của con người, do đó mà thành tên cây.
 
Dân gian thường dùng rau Má để ăn sống, muối dưa, luộc chín hoặc nấu canh ăn, 100g rau Má cung cấp cho cơ thể 21 kcalo.
 
Rau Má còn là vị thuốc thông dụng, có vị ngọt tính mát, có tác dụng chống nhiễm trùng, chống độc giải nhiệt và lợi tiểu.
 
Rau Má xay nhuyễn vắt lấy nước cốt, pha với nước dừa xiêm là một thứ nước giải khát rất bổ. Ở một số thành phố, thị xã, thị trấn, người ta thường sử dụng nước rau Má dưới dạng nước sinh tố như các thứ quả cây.
 
Rau Má thường dùng trong các trường hợp sau:
 
- Giải nhiệt, làm xuất được chứng nóng nảy, bứt rứt trong người, trị trẻ em nóng sốt dữ dội, lên kinh phong (trong uống, ngoài xoa), chữa ngứa lở mụn nhọt, giảm sưng, đỡ đau (uống trong, đắp ngoài).
 
- Giải độc, do ăn nhầm phải lá ngón, nấm độc, thạch tín hoặc do say sắn. Dùng 250g rau Má và rễ rau Muống biển (250g), giã nát, hòa nước sôi uống.
 
- Cầm máu khi chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, đi tiểu ra máu, đi tiểu ra máu vì bệnh kiết lỵ, phụ nữ bị băng huyết. Thường dùng 30g rau Má, 15g cỏ Nhọ nồi, lá Trắc bá, sao sắc nước uống.
 
- Trị ho, giã cây tươi, lấy dịch uống hoặc sắc nước uống.
 
- Trị khí hư bạch đới, phụ nữ đau bụng lúc có kinh, dùng rau Má phơi khô tán thành bột uống; mỗi sáng dùng 2 thìa cà phê bột.
 
- Viêm hạnh nhân, dùng rau Má tươi giã nhuyễn lấy nước cốt, hòa ít Giấm, uống từ từ.
 
- Trị đái buốt, đái dắt, dùng rau Má tươi giã nhuyễn, chắt nước cốt uống.
 
- Làm thuốc lợi sữa: Có thể ăn rau Má tươi hoặc luộc, nếu luộc thì phải dùng cả nước luộc mới có tác dụng.
 
Người ta đã chế biến rau Má thành những dạng cao làm vết thương sớm lành da, liền sẹo (vết thương phần mềm).
 
Tuy nhiên, với những người tì vị hư hàn, thường đi đại tiện lỏng, không nên dùng nhiều vì rau Má có tính lạnh...
 
Theo Sức khỏe & Đời sống
 
http://caythuocquy.info.vn/modules.php?name=News&opcase=detailsnews&mid=1448&mcid=245&menuid=

(trả lời: HongYen)
#1
    HongYen 09.08.2007 07:35:24 (permalink)
    Rau Má Và Bệnh Thấp Khớp
     
    (Trích dịch từ nguyên bản Anh ngữ của Báo The Northern Stars trong quyển Arthritis and Paradoxycal Pennywort của ông Russ Maslen, do ông Thượng Công Huân ở Mount Pritchard tặng) 

    Lời người viết : Tháng 12 năm 2003 vừa qua, Trong chương trình phóng sự hàng ngày The Current Affair của đài truyền hình số 9 tại Sydney có tường thuật một số người Úc đã tự chữa bịnh thấp khớp bằng loại thảo dược dân gian cổ truyền (folk medicine) . Mỗi ngày chỉ cần nhai hai lá rau má tươi và nuốt sống, một thời gian sau, bịnh thấp khớp có thể giảm bớt hoặc bình phục. Các bài tường thuật này trùng hợp với tài liệu trong sách Arthrtis and Paradoxical Pennywort (Bịnh thấp khớp và  lá rau má) của tác giả Russ Maslen, nên chúng tôi xin trích dịch một đoạn trong quyển sách ấy để cống hiến quý độc giả tham khảo.
     
    “Rus Maslen ở tại vùng Mullumbimby tin tưởng rằng ông đã tình cờ khám phá ra loại rau cỏ có thể chữa được chứng phong thấp của ông.

    Nếu câu chuyện nhai mỗi ngày 2 lá rau má, một loại rau cỏ tầm thường mọc hoang dã khắp nơi trên đất Úc có thể làm giảm đau và chữa lành hàng ngàn bịnh nhân của chứng thấp khớp là sự thật thì đó là một chuyện hi hữu. Rau má còn có tên là Centella và thông thường người ta gọi nó là Swamp Pennywort.

    Ðây là một loại rau bò sát mặt đất mọc hoang dã tại miền Bắc tiểu bang Queensland chạy dài tận tiểu bang Tây Úc (Western Australia) và kể cả tiểu bang hải đảo Tasmania nữa.

    Ông Russ và bà vợ của ông đã được nổi danh vì là những người khởi xướng và thành lập công viên bảo tồn di sản thiên nhiên  Brunswick Valley trên một đồng cỏ sỏi đá rộng 4 mẫu tây tọa lạc đối diện với ngôi nhà của ông bà ở Mullumbimby.

    Khi khởi sự vào công tác thành lập, đã có khoảng 12 người tình nguyện phụ giúp. Nhưng con số này dần dà giảm thiểu, rồi vài năm sau đó chỉ còn lại võn vẹn có hai vợ chồng ông Russ và bà Beryl săn sóc công viên ấy mà thôi.

    Chỉ có những cây cối bản xứ ở những địa phương như Tweed, Bruswick và thung lũng Richmond, khoảng 400 chủng loại, được phép trồng ở công viên này. Và nơi đây nghiễm nhiên đã trở thành địa phương bảo tồn thảo mộc, trong số đó có vài loại hiện nay được tìm thấy rất hiếm.

    Vào tháng 7 năm 1989, một khách phương xa đến viếng công viên, thấy ông Russ đang nhổ cọng rau má bò sát mặt đất dưới bóng mát của một tàng cây lớn, bèn dừng lại nói chuyện với ông. Người đàn ông này đề cập huyên thuyên về chuyện ông Russ đã vô tình cắt bỏ đi loại cỏ dại mà theo ông ấy là “một thứ dược thảo quan trọng” . Rồi sau đó diễn tả về hình dáng và đặc tính của loại rau này.

    Ông nói tiếp : “Mỗi người chỉ cần nhai và nuốt hai lá rau má liên tục, chỉ hai lá chớ không phải một hoặc ba, thì trong một thời gian sau có thể chữa lành hoặc giảm bớt được bịnh thấp khớp”. Ông Russ lúc đó không thấy hứng thú về dược thảo nên không màng để ý và chỉ ít lâu sau đã quên phứt câu chuyện mà người khách phương xa đã nói.

    Một tháng sau, trong khi đang sửa soạn cho buổi ăn trưa, Beryl đã than là không còn có thể đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón tay được nữa. Các ngón tay đều đau nhức, đặc biệt là các ngón của bàn tay trái. Ông Russ bảo: “Những tiếng bực mình gắt gỏng luôn luôn xảy ra trong nhà bếp. Tôi đã bảo về việc người đàn ông nọ đã miêu tả về sự hữu dụng của cây rau má. Nhà tôi tin ngay và mỗi ngày đã nhai hai lá một cách thường xuyên như đã được chỉ dẫn. Ðến tháng 11 năm đó, Beryl đã đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón tay trở lại được như xưa, các ngó tay khác thì không còn bị quặp xuống và đau nhức nữa. Ðồng thời những tiếng bực mình không còn được nghe thấy xảy ra trong nhà bếp, chẳng hạn như những tiếng than đau nhức về các ngón tay”
    .
    Ðến tháng Tư năm sau, ông Russ đi khám bịnh đã được xét nghiệm thấy bị viêm khớp ở các đốt xương cổ, nên thường hay cảm thấy đau nhức. Ông cũng bắt đầu nhai hai lá rau má mỗi ngày để tự chữa như vợ ông. Chỉ ba tháng sau, các triệu chứng của bịnh viêm khớp không còn nữa.

    Thấy rau má quả thật có hiệu nghiệm trong việc chữa trị một số các chứng bịnh thấp khớp. Ông Russ cảm thấy phấn khởi, nên đã bứng trồng vào các chậu nhỏ để tặng cho bà con và bạn bè bị cùng chứng bịnh như ông. Tiếng đồn lan xa. Sau đó rất nhiều người đến từ khắp nơi đổ xô về công viên này để hỏi han về cây Rau Má.

    Ngoài ra ông cũng nhiệt tâm và cố gắng phổ biến cho những người đồng bịnh ở các tiểu bang khác về cách trị liệu đặc biệt này. Theo ông cho biết, đã có 15 bịnh nhân bịnh thấp khớp chỉ nhai hai lá rau má mỗi ngày, sau ba tháng, đã hoàn toàn bình phục hoặc thuyên giảm một cách rõ rệt gần như đã dứt hẳn. Mặc dầu cây Rau Má có công hiệu thực sự trong việc chữa trị bịnh thấp khớp, nhưng sự kiện này chưa được thử nghiệm và chứng minh bằng phương pháp khoa học. Nó cũng không gây được sự hứng thú để người ta làm một cuộc thử nghiệm như vậy. Ông Russ Maslen bảo rằng ông đã viết thư cho Phân Khoa Y Học của trường Ðại Học Monash ở Melbourne và Quỹ Giúp Ðỡ Bịnh Nhân Phong Thấp (Arthritis Foundation) tại Sydney nhằm cố gắng thuyết phục họ đưa vào chương trình nghiên cứu để chữa bịnh lâm sàn. Nhưng cho đến giờ phút này, ông không nhận được một sự phúc đáp nào.

    Ông buồn và bảo: “Tôi nói bằng sự thật, qua kinh nghiệm, rau má chữa được bịnh thấp khớp; nhưng tôi  không có gì để chứng minh. Nếu nó không công hiệu thì tôi đã thành thật bảo nó không công hiệu rồi” .
     
    Ông tiếp: “Hiện thời tại nước Úc, đã có hơn một triệu sáu trăm ngàn bịnh nhân bị bịnh thấp khớp, và việc chữa trị bằng phương pháp này nếu được chấp thuận cũng góp phần đáng kể. Nhưng tôi đã đủ cay đắng mà nghĩ rằng, bởi vì Rau Má là một loại cỏ hoang dại, tầm thường và không mất tiền mua, nên không ai màng đến việc thử nghiệm nó. Theo tôi, nếu nó được thí nghiệm và được công nhận có công hiệu đàng hoàng thì người ta cũng có thể hái ra tiền trên loại rau cỏ hoang dại này”.  
       
    Xin lưu ý : Mỗi ngày nhai hai lá rau má để trị bịnh thấp khớp là liều lượng trung bình. Không nên sử dụng quá liều trong một thời gian lâu dài vì nó có thể làm hạ huyết áp.

    http://www.quangduc.com/AnChay/35biquyetsongkhoe.html#Bài%20XI:%20Rau%20Má%20Và%20Bệnh%20Thấp%20Khớp
    #2
      HongYen 09.08.2007 07:43:37 (permalink)
      Rau má có thể chữa rôm sảy.

      Để chữa rôm sảy, mẩn ngứa, nên ăn rau má trộn dầu (hoặc giấm) mỗi ngày. Cũng có thể lấy rau má rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước, thêm chút đường uống hằng ngày.

      Rau má (còn có tên là tích tuyết thảo) vị hơi đắng, thơm, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu. Có thể dùng toàn cây để làm thuốc (để tươi hoặc sao vàng). Sau đây là cách chữa một số chứng bệnh bằng rau má:

      - Sốt, thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới: Mỗi ngày dùng 30-40 g rau má tươi (cả cây) vò nát, vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
      - Kiết lỵ, lậu nhiệt, tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang: Rau má tươi (cả cây) 30-40 g, rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước, hòa thêm ít đường uống hằng ngày. Có thể luộc ăn như rau.

      - Đau bụng, đau lưng khi hành kinh: Rau má hái lúc mới ra hoa, rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống 2 thìa cà phê vào buổi sáng.

      DS Trần ĐứcSức Khỏe & Đời Sống
       
      http://www.ykhoanet.com/yhoccotruyen/29_178.htm
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2007 07:46:42 bởi HongYen >
      #3
        HongYen 29.11.2007 07:27:49 (permalink)
        Thứ tư 28.11.2007, 14:35
         

        Bắp cải, súp lơ là nguồn cung cấp vitamin K phong phú
        Bí mật về vitamin K
        Các vitamin rất cần cho cơ thể. Một trong số đó là loại vitamin ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng - vitamin K tham gia vào quá trình đông máu.

        Được cơ thể dự trữ ở các mô mỡ, vitamin K tham gia vào quá trình làm đông máu vết thương. Người thiếu vitamin này có thể bị đe dọa đến tính mạng nếu cơ thể bị chấn thương, mất máu nhiều, máu không đông được dẫn đến tử vong.
         
        Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng vitamin K có tác dụng giúp xương chắc khỏe hơn khi về già.
         
        Nguồn vitamin K rất phong phú. Từ thức ăn như bắp cải, súp lơ, các loại rau nhiều lá, đến ngũ cốc, đậu nành. Vitamin K còn được tạo ra từ vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa.
         
        Hiếm khi gặp trường hợp thiếu hụt vitamin K. Điều này chỉ xảy ra khi cơ thể không hấp thụ đầy đủ vitamin từ ruột hay sau một thời gian dài điều trị bằng kháng sinh. Thiếu vitamin K thường xuyên sẽ dẫn đến chảy máu và xuất hiện các vết bầm tím trên da.
         
        Sự tổng hợp vitamin K phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và một số nhân tố khác. Cách tốt nhất, bạn nên bổ sung các vitamin cần thiết hàng ngày bằng chế độ ăn cân bằng, hợp lý, với thức ăn phong phú, đa dạng.
         
        Nếu muốn cung cấp thêm vitamin K cho cơ thể trong khi đang sử dụng thuốc, bạn nhất thiết cần xin lời khuyên của bác sĩ xem có ảnh hưởng gì không và nên dùng loại nào.
         
        Theo Dân Trí
         
        http://thoibaoviet.com/live/FrontPage06/Y-te/News-page?contentId=37823
        #4
          HongYen 26.12.2007 02:34:15 (permalink)
          Rau trai
          Thứ bảy, 26/3/2005, 06:00 GMT+7
           
          Loài thực vật này còn có tên là rau trai ăn, rau trai trắng, trai thường, cỏ lài trắng, thuộc họ thài lài. Rau trai mọc nhiều ở nơi đất ẩm, ruộng vườn của các tỉnh đồng bằng, miền núi.
           
          Rau trai cao 25-50cm, lông mềm, rễ dạng sợi mọc ở đốt, thân phân nhánh thường ngả xuống, lá thuôn hay hình ngọn giáo, có bẹ ở gốc dài 2-10 cm, rộng 1-2 cm, không cuống. Hoa màu xanh lơ có những lá bắc dạng mo bao quanh. Quả nang.
           
          Rau trai vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, có tác dụng giải nhiệt, kháng sinh, chống viêm, lợi tiểu, tiêu sưng; thường được dùng toàn cây để làm thuốc. Có thể dùng tươi hay khô, được dùng để chữa các bệnh: cảm cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng, viêm amiđan cấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, phù thũng.
           
          Các bài thuốc:
          Chữa viêm họng, viêm amiđan cấp: Rau trai tươi 30 g sắc uống, ngày 1-2 lần, uống 3-4 ngày; có thể dùng 90-120 g giã nát chắt nước uống hằng ngày (cho thêm một chút muối).
           
          Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Rau trai tươi 30-40 g sắc uống trong 3-5 ngày.
          Chữa viêm cầu thận cấp, phù thũng, đái ít: Rau trai 30 g, cây cỏ xước 30 g, bông mã đề 30 g. Sắc uống thường xuyên hằng ngày.
           
          Chữa phong thấp, viêm khớp, phù tim: Rau trai 40 g thái nhỏ, hạt đậu đỏ 40 g, nấu chín ăn hằng ngày (ăn cả cái lẫn nước).
           
          Chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên: Rau trai 30 g, bồ công anh 30 g, lá dâu tằm 30 g, dùng sắc uống hằng ngày.
          BS Huy Tú, Sức Khỏe & Đời Sống
           
          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/03/3B9DC907/
          #5
            HongYen 06.02.2008 14:40:02 (permalink)
            Bông cải xanh giúp bảo vệ tim
            Cập nhật cách đây 5 giờ 1 phút
            H.Y
             
             
            (TNO) Bông cải xanh không chỉ giúp ngừa bệnh ung thư mà còn có thể bảo vệ quả tim của bạn. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Connecticut (Mỹ). Nhóm chuyên gia này đã tiêm chất chiết xuất từ bông cải xanh cho chuột thí nghiệm và theo dõi tác dụng của bông cải xanh lên tim của những con chuột này trong một tháng.
             


            Kết quả là so với nhóm chuột có chế độ ăn bình thường thì những con chuột được nuôi bằng bông cải xanh đã cải thiện chức năng tim và cơ tim ít bị tổn thương hơn khi bị thiếu ô-xy. Các chuyên gia cho biết có thể là do bông cải xanh chứa nhiều chất có tác dụng tăng cường lượng protein bảo vệ tim là thioredoxin.
             
            Bông cải xanh giàu các chất chống ô-xy hóa, vitamin và chất xơ nên từ lâu còn được biết là “vũ khí” hữu hiệu chống ung thư.
            H.Y
            http://www1.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2008/2/6/225337.tno
            #6
              HongYen 04.03.2008 12:08:52 (permalink)
              canh hẹ
              15:35:36, 03/03/2008
               






              Ảnh: Lê HânCây hẹ còn có nhiều tên gọi khác nhau như: nén tàu, phỉ tử, cửu thái, dã cửu..., có tên khoa học là Allium Odorum Lour, là một loại rau được người dân dùng để ăn và chữa một số bệnh.
               

              Canh hẹ có một đặc điểm là khi nấu lên, cây hẹ quấn lại thành cục, trông rối mắt (vì vậy mới có câu rối như canh hẹ). Trong lá hẹ có chứa chất kháng khuẩn, có tác dụng trị một số vi khẩu như tụ cầu (staphylococus), thương hàn (salmonella typhi, coli...) và cả giun đũa, giun kim. Đặc biệt lá hẹ có tác dụng trị ho (ở cả người lớn và trẻ nhỏ), được mọi người áp dụng phổ biến. Lá hẹ còn có tác dụng trị các chứng di mộng tinh, đái rắt, đái buốt, đái ra máu (ở nam giới), khí hư (ở phụ nữ), đau nhức xương khớp.
               
              Bộ phận sử dụng: cả lá và củ. Cách dùng: giã nhuyễn, ép lấy nước hoặc hấp cách thủy với đường phèn. Trẻ bị ho cho uống nhiều lần trong ngày, mỗi lần một thìa cà phê. Người bị di mộng tinh, đái rắt, đái buốt, ra máu: mỗi ngày dùng 2 lần như trên. Cũng có thể nấu canh với thịt nạc để ăn. Thời gian sử dụng thường từ 7-10 ngày sẽ có tác dụng (người bị di mộng tinh thì dùng lâu hơn). Trị giun kim (chủ yếu là ở trẻ nhỏ): dùng lá hẹ (20-30grs) sao qua, sắc với 100ml nước, còn 50ml cho trẻ uống vào các buổi sáng, liên tục trong 5-7 ngày.
               
              Lá hẹ không độc, dễ dùng, lại là một loại rau để nấu canh rất đơn giản và có thể ăn sống rất ngon. Vì vậy mọi người khi bị các bệnh kể trên cứ mạnh dạn dùng, chẳng "rối" cho sức khỏe chút nào!
               
              http://www1.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2008/3/4/228601.tno
              Bảo Trân
              #7
                HongYen 07.03.2008 07:54:39 (permalink)

                Bông cải xanh giúp bảo vệ tim 
                Post #: 6 


                Thứ năm, 6/3/2008, 11:28 GMT+7

                Bắp cải ngăn ngừa ung thư bàng quang





                Các cây họ cải bắp. Ảnh: foodsubs.

                Một chế độ ăn nhiều rau bắp cải sẽ giúp phòng chống căn bệnh ung thư bàng quang, một bệnh xảy ra phổ biến ở cả đàn ông và đàn bà.

                Nhà khoa học Rex Munday tại New Zealand cho biết các cuộc kiểm tra trên động vật cho thấy một chiết xuất trong mầm cây cải làm giảm nguy cơ bị nhiễm ung thư bàng quang xuống 50%.

                Nghiên cứu trước cũng tìm thấy những con chuột được ăn rau họ cải bắp như súp lơ, bông cải xanh, cải xoong, cải bruxen đều gia tăng các enzyme giúp phòng chống các hóa chất gây ung thư.

                "Hiệu quả lớn nhất được thấy ở bàng quang, điều đó chứng tỏ các loài rau này giúp ngăn ngừa bàng quang bị hủy hoại", Munday nói.

                Ung thư bàng quang xảy ra nhiều ở các nước phương Tây, với hơn 300.000 người được phát hiện mỗi năm. Nó là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở đàn ông và thứ 8 ở đàn bà.

                M.T. (theo News24)

                http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2008/03/3B9FFF49/
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.03.2008 07:59:49 bởi HongYen >
                #8
                  Như Ý P 19.12.2008 08:13:31 (permalink)
                  Vị thuốc tía tô


                  18/12/2008 15:16 



                  Tía tô - Ảnh:  Minh Ngọc

                  Đông y gọi lá tía tô là tử tô diệp, cành là tô ngạnh, nụ là tử tô bao, hạt là tô tử. Các bộ phận của cây tía tô có tác dụng chữa bệnh khác nhau phụ thuộc vào thời gian thu hái và cách bào chế.

                   

                  Theo lương y Huyên Thảo (Hà Nội), lá tía tô có vị cay, tính ấm có tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa, giải độc tôm cua, giải độc mật cá. Cành tía tô có vị cay ngọt, tính hơi ấm có tác dụng an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mửa, giảm đau. Cành non thường được dùng chữa chứng “can khí phạm vị” với những biểu hiện: ngực bụng và hai mạng sườn đầy, đau; ăn khó tiêu, đại tiện lúc nhão lúc rắn. Cành già thường sử dụng vào việc an thai, mới có thai nôn ọe, chữa bụng trướng đau. Nụ tía tô có tác dụng làm ra mồ hôi giải cảm dùng chữa phụ nữ mang thai hoặc sau sinh cơ thể suy nhược bị cảm lạnh, một số trường hợp xuất huyết. Hạt tía tô có tác dụng trừ đờm, nhuận tràng dùng trong các trường hợp ngực đầy tức, hen suyễn, khó thở. Cụ thể:

                  + Lá tía tô, nhân sâm, trần bì, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, mộc hương, bán hạ, can khương, tiền hồ, mỗi vị 2g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương.
                  + Lá tía to giã nát, vắt lấy nước chia làm nhiều phần, mỗi lần uống một chén nhỏ, cứ khoảng 30 phút uống một lần. Lấy bã xát vào chỗ ngứa. Trong thời gian uống thuốc kiêng ra gió, dầm nước. Bài thuốc này chữa ngộ độc dị ứng do ăn cua, cá, sò hoặc tiếp xúc nước lạnh.
                  + Một nắm lá tía tô, sắc lấy nước uống, bã đắp vào vú để chữa vú sưng.
                  + Dùng hạt tía tô, hạt cải bẹ, hai thứ bằng nhau, trộn lại, tán thành bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 6 - 8g. Nước uống thuốc dùng nước sắc lá táo chua 12g, dây tơ hồng 12g. Bài thuốc này chữa chứng ho nhiều đờm ở người già hiệu quả.
                  + Cành tía tô 12g, củ sắn dây 12g sắc nước uống trong ngày để chữa động thai.

                  Minh Ngọc
                   
                  http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200851/20081218151610.aspx
                  #9
                    Như Ý P 20.01.2009 06:59:17 (permalink)
                    Thứ Hai, 19/01/2009, 05:16 (GMT+7)

                    Rau quả ngừa bệnh
                     
                    TT - Phòng bệnh bằng việc sử dụng các thực phẩm chức năng là công việc mà mỗi người đều có thể thực hiện. Trong số các loại thực phẩm mang tính chất này, các loại rau quả có màu sắc tự nhiên được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng nhiều hơn trong bữa ăn hằng ngày, do chúng chứa các chất được gọi dưới tên “phytochemical”.
                     







                    Các bà nội trợ khi đi chợ thích mua các loại rau quả có màu sắc tự nhiên như cà chua, cà rốt, bông cải... - Ảnh: N.C.T.
                     

                    Có thể hiểu phytochemical là những chất hóa học tự nhiên có sẵn trong các loài thực vật. Chúng có tính chất như thực phẩm chức năng trong việc duy trì và tăng cường sức khỏe con người. Các chất này hiện diện trong rau quả và hoạt động như dược liệu với mục đích ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh và bảo vệ cơ thể. Vài chất đã được biết là lycopene trong cà chua, isoflavone trong đậu nành và flavonoid trong các loại quả, là những chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể người để duy trì sức khỏe tốt.
                    Có rất nhiều phytochemical trong thực phẩm. Hoạt động chủ yếu của các chất này được thể hiện rõ ở các chức năng dưới đây:
                     
                    - Chống oxy hóa: hầu hết phytochemical có hoạt tính chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào chống lại các tổn hại do quá trình oxy hóa và làm giảm nguy cơ phát triển rất nhiều bệnh mãn tính. Các chất phytochemical có hoạt tính gồm: allyl sulfide (có trong củ hành, cần, tỏi), các hợp chất carotenoid (có trong nhiều loại rau lá xanh, trái cây và cà rốt), flavonoid (rau quả), polyphenol (trà, quả nho).
                     
                    - Hoạt động như những kích thích tố: isoflavone được tìm thấy trong hạt đậu nành, giúp giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh và chứng loãng xương đối với phụ nữ.
                     
                    - Chống ung thư: các chất indole tìm thấy trong bắp cải, có tác dụng giảm nguy cơ ung thư vú. Hợp chất saponin trong các loại hạt ảnh hưởng đến quá trình tái tạo ADN, do đó ngăn cản sự tăng sinh của các tế bào ung thư. Capsaicin có trong ớt bảo vệ được ADN từ sự tấn công của các tác nhân gây ung thư. Các chất phytochemical khác còn có khả năng làm giảm các nguy cơ gây ung thư phổi, bàng quang, buồng trứng, ruột kết và ung thư não.
                     
                    - Kháng khuẩn: hợp chất phytochemical với tên gọi allicin có trong tỏi, có tính chất kháng khuẩn cao. Vài loại phytochemical kết hợp theo quy luật tự nhiên với thành tế bào và bằng cách ấy ngăn chặn được sự bám chặt các vi sinh vật gây bệnh vào thành tế bào trong cơ thể người. phytochemical còn có tính chất kháng viêm và giảm đau.
                     
                    Ngoài ra những loại trái có màu tím như quả nho, quả sim tốt cho những bệnh nhân bị các chứng nổi tĩnh mạch xanh dưới da. Nhiều tài liệu cho thấy các loại quả có màu tím, xanh, trắng chứa nhiều chất flavonoid, đặc biệt các loại quả chứa nhiều sắc tố như proanthocyanidin và anthocyanidin mang lại màu xanh tím đặc trưng cho các loại trái mọng như sim, là những chất có hoạt tính cao và tăng cường tính bền chắc cho hệ thống mạch máu nói chung. Sử dụng các loại quả này còn giảm được nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và cải thiện độ chắc của răng.
                     
                    Các phytochemical còn làm giảm cholesterol, triglyceride và thromboxane (là những thành phần tham gia vào sự phát triển bệnh tim mạch) trong máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và còn có khả năng chống sự lão hóa, già nua của tế bào.
                     
                    Các loại thực phẩm như hạt nguyên, rau, hạt đậu, quả và các loại rau thơm (rau gia vị) chứa rất nhiều chất phytochemical. Cách dễ nhất để có thể cung cấp nhiều chất phytochemical là ăn nhiều quả (táo, quả mọng nước) và rau (bông cải, bắp cải, cà rốt, bông cải xanh broccoli...) hằng ngày.
                     
                    TS NGUYỄN MINHTHỦY (Trường ĐH Cần Thơ)
                     
                    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=298256&ChannelID=12
                     
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9