Bài toán khó của Bắc Kinh
Ngọc Lý 16.03.2008 05:54:09 (permalink)
Bài toán khó của Bắc Kinh
Shirong Chen
Biên tập viên chuyên Trung Quốc, BBC, Bắc Kinh

Tẩy chay Olympics Bắc Kinh để phản đối Trung Cộng  
Tây Tạng dưới sự trấn áp của Trung Cộng  



Ông Hồ Cẩm Đào đã ra lệnh đàn áp người biểu tình Tây Tạng hồi năm 1989


Làn sóng biểu tình nhuốm màu bạo lực tại Tây Tạng xảy ra vào thời điểm vô cùng bất lợi đối với chính phủ Trung Quốc.
 

Với kỳ Thế vận hội Bắc Kinh chỉ còn vài tháng nữa là phải khai mạc, ban lãnh đạo nước này thực sự không mong muốn các cuộc biểu tình của giới tăng ni trở thành hình ảnh đọng lại trong dư luận quốc tế.

Nhiều vị trong chính quyền Khu vực Tự trị Tây Tạng hiện đang có mặt ở Bắc Kinh để tham gia họp Quốc hội.

Chỉ mới vài ngày trước, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn gặp đoàn đại biểu Tây Tạng và yêu cầu họ tìm cách nâng cao mức sống cũng như xây đắp hòa bình và ổn định tại khu vực này.

Thế nhưng những người biểu tình ở Tây Tạng dường như quyết tâm hành động khi mà mọi cặp mắt đang đổ dồn về phía Trung Quốc nhân kỳ Olympic.

Họ muốn phản đối cái mà họ cho là Trung Quốc vi phạm nhân quyền trong khu vực, đồng thời muốn có thêm tự do trên cả hai lĩnh vực tôn giáo và chính trị.

'Miến Điện thứ hai'?


Người Tây Tạng ở các nước khác cũng bày tỏ ủng hộ bằng các cuộc tuần hành tại chính nơi mình sống.

Hôm thứ Sáu, khi lửa cháy tại Lhasa, một nhóm người biểu tình Tây Tạng đã tụ tập trước cửa sứ quán Trung Quốc ở London.

Người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ cũng từng tổ chức tuần hành về quê hôm thứ Hai, nhưng sau bị cảnh sát Ấn chặn lại.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang đối diện với một bài toán khó.

Họ không muốn xảy ra đổ máu, chỉ 5 tháng trước khi có Olympic Bắc Kinh; và cũng muốn tránh tình cảnh tương tự như những gì ở Miến Điện năm 2007.

Tuy nhiên, họ không thể để cho các vị sư và người biểu tình muốn làm gì thì làm vì sẽ bị coi là yếu thế và có thể lại làm nảy sinh bất ổn.

Tây Tạng, cũng như các vùng lãnh thổ gây tranh cãi khác như Tân Cương và Đài Loan, đang là mối đau đầu lớn cho ban lãnh đạo Trung Quốc.

Cách tiếp cận của họ từ trước tới nay là dùng phương thức 'cây gậy và củ cà rốt'.

Chính quyền Trung ương đã đổ nhiều tiền vào khu vực này để nâng cao mức sống của người dân Tây Tạng.

Đường sắt mới chạy tới thủ phủ Lhasa được ca ngợi như bằng chứng cho thấy chính quyền chăm lo cho người dân.

Lịch sử phản kháng


Tuy nhiên người Tây Tạng than phiền rằng đầu tư vào đây chủ yếu chỉ làm lợi cho người Hán Trung Quốc và hậu quả là văn hóa Tây Tạng bị pha trộn, thậm chí bị hủy hoại.

Chính quyền Bắc Kinh và đức Dalai Lama đã từng có kế hoạch hội đàm để bàn về quyền tự trị của khu vực, nhưng chưa có tiến triển gì.

Các cuộc biểu tình và nổi dậy dường như không phải chuyện hiếm thấy tại Tây Tạng kể từ khi quân đội Trung Quốc tiến vào đây năm 1950.

Đợt biểu tình tuần rồi trùng hợp với dịp kỷ niệm 49 năm ngày bạo động bất thành năm 1959, mà sau đó đức Dalai Lama phải đi lưu vong.

Cuộc biểu tình lớn gần đây nhất là vào đầu năm 1989, ngay trước sự kiện Thiên An Môn tại Bắc Kinh.

Hồi đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn là bí thư Đảng ủy Tây Tạng và cách thức đối phó với đoàn biểu tình ông đã được Bắc Kinh khen ngợi.

Gần hai mươi năm sau, ông Hồ một lần nữa phải tìm cách dập tắt được các cuộc biểu tình Tây Tạng một cách êm thấm.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/03/080315_beijing_dilemma.shtml
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.03.2008 05:57:52 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9