Bất cập trong Quản lý Giáo dục tại Việt Nam
Ngọc Lý 25.03.2008 20:45:12 (permalink)
Bất cập trong Quản lý Giáo dục tại Việt Nam (phần 1)
2008.03.24
Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Học sinh bỏ học là một hiện tượng phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Có không ít ý kiến cho đây chỉ là hiện tượng bề nổi của một tảng băng ngầm chứa đựng nhiều bất cập trong chính sách giáo dục tại Việt Nam.


http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/tintuc/2008/03/24/vpt0322p_edu_problem.mp3
Tải xuống để nghe




    Ngân sách dành cho giáo dục tại Việt Nam không ngừng gia tăng, nhưng những bất cập trong quản lý luôn gây ra các giới hạn phúc lợi đến với học sinh. AFP PHOTO



    Các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa và giới giáo sư đại học cho rằng học sinh bỏ học là hệ quả của một chính sách giáo dục lỗi thời, thiếu khoa học, thiếu hiệu quả và không có khả năng tự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện xã hội mới.

    Trong lọat 5 bài trình bày các ý kiến, quan điểm và gợi ý của một số nhà giáo dục trong và ngoài nước. bài đầu này điểm qua ý kiến về quản lý giáo dục và các quan niệm về một môi trường công bằng cho học sinh.

    Trước hết là vài số liệu:

    Chỉ trong vòng chưa đến 6 năm, hơn 3 triệu rưỡi học sinh bỏ học tại Việt Nam.

    Chỉ riêng học kỳ I năm nay, hơn 100 ngàn học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông đã tự ý rời ghế nhà trường.

    Trong một buổi họp báo gần đây, giới chức Bộ Giáo Dục Việt Nam nói rằng, hiện tượng học sinh bỏ học là điều bình thường.

    Phải chăng, chuyện bỏ học đã trở thành bình thường, đến nỗi không có gì đáng ngạc nhiên? Có lẽ, điểm bất thường nhất chính là điều Bộ Giáo Dục xem chuyện học sinh bỏ học là điều bình thường!




    Cần những khoản đầu tư lớn để chấn hưng giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước. Với khả năng tài chính hiện tại của Việt Nam, những khoản đầu tư ấy ước tính có lẽ không vượt quá một nửa số tiền thất thoát do lãng phí, quan liêu và nhất là tham nhũng gây ra.



    Giáo sư Hoàng Tụy


    Giáo chức trong nước phản ảnh


    Việc xem xét và phân tích nguyên nhân bỏ học trở thành vấn đề cốt lõi và được bàn thảo nhiều lần trong suốt nhiều năm bởi giới nghiên cứu Việt Nam. Việc bỏ học không còn đơn giản là chuyện học sinh không đến trường. Trái lại, giải quyết chuyện bỏ học bao hàm sự thay đổi cả một hệ thống giáo dục từ quản lý, đến quan niệm, song song với chương trình học và sách giáo khoa. Cạnh đó, sự mưu sinh của giáo viên, vai trò học vấn trong quá trình thu thập kiến thức để trở thành một người có tri thức và có khả năng cạnh tranh bình đẳng đều cần được mổ xẻ.

    Giáo sư toán học nổi tiếng Hoàng Tụy, trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do tháng Giêng năm 2007 nhận định rằng sự tụt hậu trong ngành giáo dục phổ thông là điều hiển nhiên, mặc dù vẫn có các người tin rằng thành tựu giáo dục là ưu việt. Ông nói điều đầu tiên cần đề cập là hệ thống quản lý bất cập của chính quyền.

    Giáo sư phân tích rằng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục dựa trên tổng thu nhập của Việt Nam không thấp, nhưng phúc lợi đến được với nhu cầu giáo dục thì rất thấp vì sự thất thoát do cơ chế quản lý.

    Trong bài viết đã từng đăng trên tờ Lao Động, giáo sư Hoàng Tụy nêu lên rằng: “ Cần những khoản đầu tư lớn để chấn hưng giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước. Với khả năng tài chính hiện tại của Việt Nam, những khoản đầu tư ấy ước tính có lẽ không vượt quá một nửa số tiền thất thoát do lãng phí, quan liêu và nhất là tham nhũng gây ra.”

    Ông thêm rằng chính những thất thoát ấy đã “cướp mất cả những cơ hội học tập khiêm tốn nhất của nhiều con em và cản trở mọi ý đồ, kế hoạch chấn hưng giáo dục như đã được nhiều bậc thức giả kêu gọi không mệt mỏi từ bao năm nay.”


    Phụ huynh lo lắng đợi bên ngoài cổng trường ngày thi ở Hà Nội. AFP PHOTO



    Giáo viên môn văn Nguyễn Thị Ngọc Lan đã từng đứng lớp hơn 10 năm tại trường trung học Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn, cho rằng những phong trào thi đua, chạy theo chỉ tiêu, hay nỗ lực đáp ứng các phong trào từ Sở Giáo Dục hoặc các cơ quan tương tự đưa xuống gây thêm áp lực đối với giáo viên, phụ huynh và học sinh bên cạnh áp lực của cuộc sống:

    “ Thực tế đi dạy ở trường có trăm ngàn chuyện khác làm giáo viên bận tâm. Giáo viên phải đối phó với nhiều nhất với việc thi đua. Lớp do mình chủ nhiệm phải hoàn tất chỉ tiêu trường đề ra, rồi lớp chuyên môn. Phải dạy thêm tăng thu nhập, vừa phải đạt chỉ tiêu thi đua của trường.”

    Trong một bản kiến nghị có tên “Chấn Hưng, Cải Cách, Hiện Đại Hóa Giáo Dục” do nhiều giáo sư, nhà văn hóa Việt Nam thực hiện gần đây, các tác giả đã vạch ra rằng để thoát khỏi tình trạng trì trệ về giáo dục hiện nay, Việt Nam cần “thay đổi tư duy giáo dục, xác định lại quan niệm về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chức năng của nhà trường.” Bên cạnh đó, chính phủ cần “xem xét lại toàn bộ tổ chức quá trình giáo dục, bao gồm cả nội dung chương trình, phương pháp từng cấp học, sao cho phù hợp với mục tiêu chung.” Trong nỗ lực ấy, “sự công bằng, dân chủ, và quyền bình đẳng về cơ hội học tập phải được bảo đảm” trên tinh thần tôn trọng phát triển cá tính nhằm mở ra “nhiều con đường, nhiều hướng, nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ.”

    Kinh nghiệm tạo môi trường công bằng trong học đường ở nước ngoài

    Khía cạnh bình đẳng trong nền giáo dục có thể được đối chiếu với hệ thống nước ngoài như ở Mỹ. Từ bang California, tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, Giám Đốc Ban Chính Sách Ngôn Ngữ Hệ Thống Đại Học California State University, nhận định:

    “Ở Hoa Kỳ, vấn đề tạo sự công bằng cho tất cả các sắc dân có cơ hội thành đạt được quan tâm rất nhiều. Trong các trường có học sinh nghèo hoặc không nói tiếng Anh thông thạo thì học khu có quyền xin thêm ngân khoản giáo dục hỗ trợ, bớt sĩ số học sinh mỗi lớp, tìm thêm giáo viên… để giúp các em có giờ học thêm sau giờ học chính. Những chính sách đó giúp rất nhiều. “

    Những đề xuất cải cách cấp bách hệ thống giáo dục phổ thông được các tác giả bản kiến nghị “Chấn Hưng, Cải Cách, Hiện Đại Hóa Giáo Dục” đưa ra bao gồm: cải cách thi cử và quan niệm đánh giá, xoá bỏ vấn nạn dạy thêm, học thêm, và chỉnh đốn việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa.

    Chính sách đồng bộ cho sách giáo khoa, học trình không hiệu quả


    Sách giáo khoa và chương trình giảng dạy đã trở thành một trong các vấn đề lớn nhất được nêu ra trong nhiều năm qua. Việc soạn thảo và kinh doanh sách giáo khoa gần như được giành độc quyền cho Nhà Xuất Bản Giáo Dục của nhà nước, và đã bị chỉ trích nặng nề. Một trong những chỉ trích liên quan đến sự thống nhất một cách vô lý chương trình giảng dạy trên toàn quốc đến từ giáo sư Phạm Phụ:

    “… một chương trình thống nhất trên toàn quốc là điều không nên . Không thể một em ở Cao Bằng học chương trình giống Hà Nội. Hay học sinh ở Đầm Dơi và Thành Phố Hồ Chí Minh lại học chung một chương trình. Đối với Tiểu Học, Bộ nên đưa ra khung khoản 60% thôi, còn lại địa phương đưa ra nội dung phù hợp cho mình. Lên trung học cơ sở, Bộ cũng nên qui định 60% thôi. “

    Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người vận động xây dựng đại học tư Phan Chu Trinh tại Quảng Nam, đồng tình về một khung chung từ bộ Giáo dục:

    “ Quan niệm chỉ có một bộ sách giáo khoa là do Quốc Hội thông qua , theo tôi và nhiều người, là sai. Hãy để cho các tác giả tự làm sách giáo khoa, rồi nhà nước chọn bộ nào thích hợp cho nhà trường. Và cho nhà trường tự do chọn sách trong tiêu chí chung của Bộ. Một lúc nào đó, ngay Quốc Hội phải sửa lại chuyện này thôi. “

    Cải cách giáo dục tại Việt Nam, hơn bao giờ hết, trở thành một nhu cầu cấp thiết. Nhưng, có vẻ những quan niệm và cách nhìn nhận của giới chức hữu trách được thực hiện phiến diện và có tính cách nhất thời. Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, người đã từng đại diện cho đại học của mình, hai lần về Việt Nam làm việc với đại học trong nước, nhận định, rằng hệ thống giáo dục Việt Nam không còn hữu hiệu. Bà nói:

    “ Vấn đề học sinh bỏ học chỉ là hiện tượng của một hệ thống không còn hữu hiệu. Nói về giáo dục mình cần nói 4 khía cạnh: học sinh, gia đình, học đường và giáo chức, cộng đồng xã hội và quốc gia.”

    Cải cách giáo dục Việt Nam, theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, trở thành đồng nghĩa với nhu cầu cải cách xã hội. Nó phải phải được bắt đầu từ ý chí của chính phủ, của quan niệm giáo dục và của hệ thống quản lý. Song song với các cải cách này, việc chấn chỉnh địa vị và tư cách giáo viên, củng cố mối quan hệ giữa học đường, gia đình và xã hội cũng trở nên cấp thiết. Điều then chốt nhất, là tạo sự công bằng trong môi trường giáo dục, từ đó tạo một cơ chế bình đẳng trong quá trình tiến thân trong xã hội.

    Trong bài thứ hai của loạt 5 bài nói về hiện trạng giáo dục tại Việt Nam, biên tập viên Thiện Giao sẽ trình bày những ý kiến của các nhà nghiên cứu, giáo sư, trong và ngoài nước về chương trình học và việc xuất bản sách giáo khoa hiện nay tại Việt Nam. Có lẽ, chương trình học cứng nhắc, nặng nề, sách giáo khoa biên soạn áp đặt trên toàn quốc là một trong những nguyên nhân chính đưa đến vấn nạn giáo dục hiện nay.



     


    © 2008 Radio Free Asia


    http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/24/vietnam_public_education_admin_problems_part1_TGiao/








     
     Đọc thêm:
     
    Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học 
    Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t   
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2008 22:21:07 bởi Ngọc Lý >
    #1
      Ngọc Lý 26.03.2008 22:24:36 (permalink)
      Hiện tình giáo dục phổ thông Việt Nam (phần 2)
      2008.03.24
      Thiện Giao, phóng viên RFA
       
      Bài thứ hai này trong loạt bài 5 phần đề cập thực trạng giáo dục Việt Nam trong 3 lãnh vực: sách giáo khoa, chương trình học và hệ thống thi cử. Giới chuyên môn cho rằng sách giáo khoa Việt Nam hiện nay quá nặng nề, tốn kém; chương trình học quá hàn lâm, không thực tế; còn hệ thống thi cử thì lỗi thời, gây áp lực không cần thiết cho người học. Các nhà giáo, nhà nghiên cứu, cũng như các giáo viên đứng lớp nhận xét , phản ảnh gì?


      http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/tintuc/2008/03/24/vtg0321b.mp3
      Tải xuống để nghe


        Sinh viên học sinh tìm hiểu thông tin tại ngày Hội GiáoDục Đại học ở Hà Nội. AFP PHOTO

        Trong kiến nghị có tên “Chấn Hưng, Cải Cách, Hiện Đại Hóa Giáo Dục” do nhiều giáo sư, nhà văn hóa Việt Nam thực hiện gần đây, các tác giả vạch ra rằng cấp chỉ đạo giáo dục phổ thông tự có mâu thuẫn. Họ một mặt lên án bệnh học vẹt, chuộng bằng cấp, nhưng mặt khác vẫn duy trì hệ thống thi cử cổ lỗ, dung túng tình trạng dạy thêm tràn lan, them vào đó chương trình và sách giáo khoa bất cập. Bản kiến nghị đưa ra một số giải pháp cấp thời cải cách giáo dục phổ thông bao gồm việc chỉnh đốn biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa.

        Quan niệm chỉ có một bộ sách giáo khoa do Quốc Hội thông qua , theo tôi và nhiều người, là sai. Hãy để cho các soạn giả tự làm sách giáo khoa, rồi nhà nước chọn bộ nào thích hợp cho nhà trường. Và cho nhà trường tự do chọn sách trong tiêu chí chung của Bộ. Ngày xưa cũng thế thôi, sách giáo khoa do vài người soạn, rồi được chọn. Quan niệm sách giáo khoa bây giờ là không đúng. Một lúc nào đó, Quốc Hội phải sửa lại chuyện này thôi.



        …Kết luận của Thanh Tra Chính Phủ về những sai phạm tại Nhà Xuất Bản Giáo Dục và kiến nghị xoá bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa được dư luận đồng tình.

        Báo Lao Động, số 4-11-2007


        Nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra nhận định như trên về tình trạng sách giáo khoa tại Việt Nam hiện nay. Ông nói rằng việc Quốc Hội duy trì một bộ sách duy nhất trên toàn quốc đưa đến tình trạng gần như độc quyền của Nhà Xuất Bản Giáo Dục. Sự độc quyền dẫn đến những thất thoát và phí phạm với con số không thể hình dung nổi.

        Độc quyền soạn thảo sách giáo khoa.


        Tờ Lao Động số ra ngày 11 tháng Tư năm 2007 tiết lộ rằng:

        …Kết luận của Thanh Tra Chính Phủ về những sai phạm tại Nhà Xuất Bản Giáo Dục và kiến nghị xoá bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa được dư luận đồng tình.


        Từ năm 2002 đến giữa năm 2006, bài báo cho biết, Nhà Xuất Bản Giáo Dục đạt doanh thu 900 tỷ đồng, trong đó lãi ròng là gần 250 tỷ. Sự độc quyền nắm giữ hệ thống sách giáo khoa là điều xa lạ đối với những nền giáo dục tiên tiến.

        Ví dụ tại Hoa Kỳ, Bộ Giáo Dục các tiểu bang đưa ra tiêu chí về nội dung sách giáo khoa, nhưng những nhà xuất bản tư nhân sẽ tìm những biên soạn đáp ứng các tiêu chí ấy. Bộ Giáo Dục sau đó chọn ra một số bộ đưa về các địa phương để các khu học chính toàn quyền chọn lựa. Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, California, cho biết kinh nghiệm chọn sách giáo khoa như sau:

        Tiêu chuẩn sách giáo khoa do tiểu bang định phải được các nhà nhà xuất bản đáp ứng nếu muốn bán sách cho tiểu bang. Mỗi tiểu bang có những tiêu chuẩn riêng. Nhà xuất bản có thể soạn sách phù hợp càng nhiều tiểu bang càng tốt. Như vậy, cho một môn học nào đó, có thể có 2 hay 3 nhà sách đáp ứng yêu cầu. Tiểu bang California chỉ công nhận 2 hoặc 3 bộ thôi và chúng tôi chọn lựa từ đó.


        Các trường, hay Học Khu, chọn sách như thế nào? Cô Phạm Thái Huyên, dạy môn toán tại California cho biết:
        Vịệc chọn sách giáo khoa tuỳ vào nhà trường. Một số giáo viên nhiều kinh nghiệm của mỗi khối sẽ chọn sách. Tiêu chí chọn lựa có thể là ngôn ngữ sách có phù hợp với học sinh không, sách có bao gồm những khái niệm mình muốn dạy không, có nhiều bài tập không. Thông thường, trường đổi sách mỗi 2 đến 5 năm một lần.

        Cách chọn sách tại Hoa Kỳ là sự trung dung giữa khái niệm thống nhất chương trình do Bộ Giáo Dục đề ra với sự tự do chọn lựa trung ương dành cho địa phương. Điều quan trọng hơn là nhà nước chỉ đề ra tiêu chí nhưng hoàn toàn không tham gia vào việc kinh doanh sách. Chính sự cạnh tranh của tư nhân sẽ giúp giá sách giảm xuống, cùng lúc bảo đảm các yếu tố chất lượng, nội dung lẫn hình thức.


        ...trước hết phải thay đổi quan niệm về giáo dục phổ thông trước. Có thế việc soạn sách không khó. Chúng ta có thể thăm vài nước có điều kiện tương tự, rồi ta sửa đổi cho phù hợp. Có nước giàu hơn Việt Nam nhiều còn tự nhận không đủ lực, phải đi học người khác về sửa lại.

        Giáo sư toán Phạm Phụ


        Cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Ngọc Lan, đã từng đứng lớp hơn 10 năm tại trường trung học Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn, cho biết:

        Giáo viên dạy theo sách giáo khoa, chứ không theo giáo án. Giáo viên không quan tâm đến những người được mời soạn chương trình . Một nhóm giáo viên khác được mời thẩm định xem cuốn sách đó có thể đi vào nhà trường được hay không. Cho rằng sách giáo khoa ít gần với cuộc sống thực tế của nhà trường là nhận xét đúng.


        Chương trình học chưa phù hợp với thực tế.


        Sách giáo khoa của chương trình phổ thông tại Việt Nam được xem là quá hàn lâm, nặng nề và xa rời thực tế cuộc sống. Giáo sư Phạm Phụ nhận định rằng một chương trình phổ thông như thế sẽ có hiệu quả rất thấp. Ông nghi ngại thực chất kém sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục của 40% học sinh đi tiếp vào hệ đại học và cao đẳng:
        Tính hàn lâm quá nặng. Bây giờ đã là nền giáo dục cho số đông, nền giáo dục gây ra tổn thất rất lớn cho người học và đất nước nói chung. Về sách giáo khoa, tôi nghĩ trước hết phải thay đổi quan niệm về giáo dục phổ thông trước. Có thế việc soạn sách không khó. Chúng ta có thể thăm vài nước có điều kiện tương tự, rồi ta sửa đổi cho phù hợp. Có nước giàu hơn Việt Nam nhiều còn tự nhận không đủ lực, phải đi học người khác về sửa lại.


        Chương trình phổ thông hàn lâm thì kết quả thực chất rất ít. Chương trình hiện nay khi đánh giá một cách lạc quan chỉ thích hợp cho 10 đến 20% học sinh. Còn lại, hiệu quả rất thấp.


        Chính sách giáo dục đồng bộ thể hiện qua chương trình học xa lìa thực tế , sách giáo khoa mang nặng tính hàn lâm. AFP PHOTO

        Áp lực trong thi cử

        Sự nặng nề của sách giáo khoa, tính hàn lâm, thiếu linh hoạt của chương trình học đi kèm với hệ thống thi cử lỗi thời tại Việt Nam. Điều này đặt áp lực nặng nề lên học sinh, từ đó đưa đến nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn dạy thêm và học thêm.

        Trong bài viết đăng trên báo Tia Sáng năm 2004, giáo sư Hoàng Tuỵ gọi chế độ thi cử tại Việt Nam là một khối u dị dạng trên cơ thể giáo dục, cần phải cắt bỏ càng sớm càng tốt.

        Thực tế thi ra trường trung học tại Hoa Kỳ được tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, Giám Đốc Ban Chính Sách Ngôn Ngữ Hệ Thống Đại Học California State University, cho biết:

        Một số tiểu bang Mỹ có kỳ thi ra trường trung học. Kỳ thi này tuy không phải là tổng kết của tất cả các năm học trước. học sinh ra trường phải chứng tỏ có kiến thức căn bản từ các lớp 10, 11, chứ không đợi đến lớp 12. Kiến thức này gồm toán, Anh ngữ và xã hội học. Bắt đầu từ lớp 10, học sinh California có thể lấy bài thi này, và nếu không vượt qua được thì còn thêm cơ hội khác. Đa số, 98% học sinh đi học đều đặn có thể qua kỳ thi này dễ dàng và được cấp bằng trung học. Kỳ thi này tương tự tú tài nhưng không phân ban như Việt Nam.


        Trong bài báo “Khẩn trương Hiện đại hoá Giáo Dục,” giáo sư Hoàng Tuỵ kêu gọi:

        Thi cử đến nay như thế đã quá đủ rồi, xin hãy dừng lại cách thi cử cổ lỗ này, đừng tìm cách cải tiến 3 chung 2 chung gì nữa, mà nên áp dụng sớm cách thi cử, đánh giá văn minh của các nước. Đó là thi, kiểm tra nghiêm túc từng học kỳ, từng môn, cuối cấp đạt yêu cầu thì cho tốt nghiệp.


        Phương thức thế không chỉ ảnh hưởng tốt đến cung cách dạy và học, giảm hẳn áp lực thi cử và những hệ lụy tiêu cực mà còn tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm để làm nhiều việc cần kíp hơn.

        Trong phần trình bày thứ 3 của lọat bài 5 phần, Thiện Giao sẽ trình bày những suy nghĩ của chính những người trong cuộc về tư thế giáo viên đứng lớp cũng như vai trò của chuyên viên tâm lý học đườn, hai tác nhân quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng bỏ học.


        © 2008 Radio Free Asia
        http://www.rfa.org/vietnamese/tintuc/2008/03/24/Vietnam_public_education_part2_TGiao/



        Đọc thêm:


        Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học 


        Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t   
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2008 22:26:50 bởi Ngọc Lý >
        #2
          Ngọc Lý 27.03.2008 23:21:45 (permalink)
          Hiện tình giáo dục phổ thông Việt Nam (phần 3)
          2008.03.25
          Thiện Giao, phóng viên RFA
           
          Trong bài tìm hiểu về vai trò của giáo viên cũng như vấn nạn dạy thêm và học thêm tại Việt Nam hôm nay, chúng tôi tiếp tục trình bày những ý kiến của giới chuyên môn và ngay cả các giáo viên đứng lớp trong môi trường phổ thông tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ.

          http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/25/vnedu_part3.mp3
          Tải xuống để nghe



            Sinh viên học sinh tìm hiểu thông tin tại ngày Hội GiáoDục Đại học ở Hà Nội. AFP PHOTO


            Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ sơ lược điểm qua sự cần thiết của các chuyên viên tâm lý giáo dục tại các trường học, nhất là trong bối cảnh học sinh Việt Nam tự rời ghế nhà trường một phần vì chán nản, mặc cảm hoặc tự ti.

            Dạy Thêm – Học Thêm

            - “Thay vì hiện nay đồng lương chỉ cho người ta 1/4 nhu cầu, còn 3/4 nhu cầu còn lại thì họ phải bương chải để kiếm sống thì làm sao người ta có thể giảng dạy tốt được?”

            - “Giáo viên không sống bằng lương, đó là thực tế. Hiện nay, một người bạn tôi dạy ở Hóc Môn, lương chỉ khoảng 1 triệu mấy một tháng, lương đó không sống được.”

            Trên đây là những nhận định của giáo sư Hoàng Tuỵ và cô giáo dạy Văn, Nguyễn Thị Ngọc Lan, về vấn đề lương bổng của giáo viên trung học tại Việt Nam.

            Họ, những giáo viên trung học, là ai, và có vai trò như thế nào trong thực trạng mà báo chí gọi là “sự lan tràn của tình trạng dạy thêm và học thêm.”

            Một điều chắc chắn, là giáo viên tại Việt Nam không thể sống với đồng lương chính thức; và một hiện tượng không thể chối cãi, đó là nhiều giáo viên tại Việt Nam đã đi quá xa trong khái niệm dạy thêm.



            Nếu nói một số giáo viên đẩy chuyện học thêm quá xa, cũng đúng. Nhưng cũng phải nhìn nhận rõ ràng, nếu giáo viên không dạy thêm, liệu những người có trách nhiệm làm cách nào cho giáo viên đủ sống không?

            Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan, Sài Gòn


            Đâu là giới hạn, và đâu là nguyên nhân của thực trạng này.

            “Rốt cục lại tiền mà người dân đóng góp và tiền mà ngân sách chi ra cho các thầy cô giáo và những người làm khoa học nếu mà nói hiện nay thì cũng đủ để cho họ sống, đối với mức sống ngoài xã hội thì cũng không phải là quá tệ.

            Nhưng mà chỉ có điều để đảm bảo mức sống ấy họ phải làm rất nhiều việc sử dụng rất ít năng lực thực tế của họ. Nếu chỉ trông vào lương cơ bản thì chỉ đáp ứng được một phần tư của cái nhu cầu. Còn ba phần tư còn lại thì phải dạy thêm, phải làm việc này, việc kia, phải làm những việc không phải là việc chính của mình.”

            Đó là lời nhận định của giáo sư Hoàng Tuỵ với đài Á Châu Tự Do hồi tháng Giêng năm 2007.

            Trong một nhận định tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan, đã từng đứng trên bục giảng trường trung học Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn, cho biết, vấn đề dạy thêm xuất phát từ nhiều nguyên nhân; một phần là lý do kinh tế, một phần là nhu cầu có thực của học sinh, và một phần không nhỏ đến từ chương trình học quá nặng cùng những nhu cầu thành tích mà giáo viên và nhà trường phải đáp ứng:

            “Giáo viên, nhất là các môn tự nhiên, như toán, lý, hoá, ngoại ngữ, sinh vật, cả một số giáo viên sử, địa, quen với các trung tâm, cũng đi dạy thêm. Một phần, đây cũng là nhu cầu có thực của học sinh, cũng là một điều gì rất khó cho giáo viên. Có những giáo viên đẩy việc học thêm đi xa, không chỉ trung học, mà cả tiểu học.

            Tôi đã từng chứng kiến, có chuyện, một bài tập làm trong lớp, có 10 vấn đề, giáo viên giảng phân nửa thôi, nửa còn lại giải quyết ở lớp học thêm.

            Vậy, nếu nói một số giáo viên đẩy chuyện học thêm quá xa, cũng đúng. Nhưng cũng phải nhìn nhận rõ ràng, nếu giáo viên không dạy thêm, liệu những người có trách nhiệm làm cách nào cho giáo viên đủ sống không?

            Trước đây, trường tôi làm thế này, cho giáo viên dạy thêm, nhưng phải dạy ở trường, chứ không dạy ở nhà, và giáo viên không dạy học sinh mình dạy trên lớp. Các giáo viên phải đổi học sinh, để tránh tình trạng trù dập. Nhưng rồi chuyện cũng không đi đến đâu, nghĩa là, một thời gian sau, hầu như là học sinh giáo viên nào cũng đăng ký vào lớp của giáo viên đó để học.”

            Thực trạng dạy thêm khiến giáo viên không còn thời gian tập trung cho việc giảng dạy tại trường. Thực trạng dạy thêm đưa đến việc giáo viên và học sinh phải hoàn tất một phần chương trình học ở ngoài giảng đường nhà trường.

            Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, Giám Đốc Ban Chính Sách Ngôn Ngữ Hệ Thống Đại Học California State University, tin rằng giáo viên tại Việt Nam không thể áp dụng các phương pháp giảng dạy mới vì họ không có thời gian:


            Chính sách giáo dục đồng bộ thể hiện qua chương trình học xa lìa thực tế , sách giáo khoa mang nặng tính hàn lâm. AFP PHOTO

            “Tôi thấy giáo viên khó có thể áp dụng phương pháp giảng dạy mới vì họ không có thời giờ, không có thời giờ soạn bài, làm tài liệu dạy đúng tiêu chuẩn. Giáo viên phải làm thêm một nghề gì hoặc dạy thêm, thời giờ trên lớp thì quá ít.”

            Nói về trách nhiệm và kinh nghiệm giảng dạy của mình, cô giáo Phạm Thái Huyên, giảng dạy môn Toán tại một trường trung học ở California, cho biết cô dành toàn bộ thời gian dạy học cho các công việc liên quan đến giáo dục.

            Bên cạnh công việc giảng dạy, cô Phạm Thái Huyên chia sẻ rằng, việc theo dõi tình hình học lực của học sinh để có những khuyến khích kịp thời cũng là yếu tố quan trọng để duy trì chất lượng và điều chỉnh chương trình, nếu cần:


            Tâm lý giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Khi đi học, thích hợp mới có hứng đi học. Học giỏi thì hứng hơn. Nếu các em không đi học đều, hoặc cảm thấy mình thua kém, thì đây là vấn đề lớn với học sinh, gia đình và học đường. Nếu các em không thích đi học, chúng ta phải hỏi tại sao các em không thích đi. Vấn đề tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc các em đi hay không đi học.
            Tiến sĩ Phạm Thị Huê, đại học OCC

            “Đầu năm, danh sách học sinh với điểm những năm trước. Vậy, biết được học lực của học sinh mình. Mình cũng làm những bài kiểm tra đầu năm để biết khả năng học sinh.

            Mình sẽ phải để ý các học sinh kém. Phải thường xuyên theo dõi các em có tiến bộ không? Phải xem điểm trung bình cả lớp để biết mình có nên điều chỉnh chương trình dạy cho phù hợp.”


            Vai trò của chuyên viên Tâm lý Học đường

            Trước hàng loạt hiện tượng học sinh bỏ học gần đây, một trong các lý do được Bộ Giáo Dục Việt Nam đưa ra là, học sinh học kém, không theo kịp chương trình, nên chán nản tự bỏ học.

            Điều này, theo một số chuyên viên giáo dục, liên quan đến yếu tố tâm lý. Trong khi đó, học đường tại Việt Nam lại hoàn toàn chưa có khái niệm tâm lý giáo dục.

            Tiến sĩ Phạm Thị Huê, Dean of Counseling thuộc đại học OCC, Hoa Kỳ, nói rằng, tâm lý giáo dục đóng vai trò rất quan trọng cho học sinh. Tại Mỹ, mỗi trường trung học đều có các chuyên viên tâm lý. Hoặc vài trường thì có một chuyên viên. Nếu không có thì khi gặp những trường hợp đặc biệt, nhà trường sẽ gởi những chuyên viên do nhà trường tài trợ hoặc do học khu tài trợ:

            “Tâm lý giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Khi đi học, thích hợp mới có hứng đi học. Học giỏi thì hứng hơn. Nếu các em không đi học đều, hoặc cảm thấy mình thua kém, thì đây là vấn đề lớn với học sinh, gia đình và học đường. Nếu các em không thích đi học, chúng ta phải hỏi tại sao các em không thích đi. Vấn đề tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc các em đi hay không đi học.”

            Một số phụ huynh tại Việt Nam nói rằng, sự phân hoá giàu nghèo cũng khiến giáo dục phổ thông rơi vào tình trạng phân chia giai cấp. Học sinh gia đình khá giả, theo học các trường tốt, có điều kiện học thêm, trong khi học sinh gia đình khó khăn thì không thể kham nổi.

            Do một phần chương trình dạy được hoàn tất ở các lớp học thêm, học sinh gia đình nghèo, không đi học thêm, sẽ dần dần mất căn bản. Cứ như thế, hai nhóm học sinh cứ ngày càng cách xa nhau về kiến thức. Đây chỉ là một trong rất nhiều những tình huống khó xử liên quan đến gia cảnh, đưa đến mặc cảm, tự ti nơi học sinh.

            Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quốc Lân, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, California, chia sẻ những kinh nghiệm của mô hình “Học Khu Giáo Dục” tại Hoa Kỳ.

            “Chính sách cho gia đình nghèo, như khu vực chúng tôi có nhiều gia đình Việt Nam nghèo. Chẳng hạn, khi nói chuyện mua thêm sách, tiền thì không có, phụ huynh phải đóng thêm, chúng tôi sẽ không cho.

            Vì có người vì sợ con mặc cảm, phải cố gắng mua, chúng tôi cấm chuyện này. Nếu hiệu trưởng nói, ai mua thì mua, ai không mua thì chúng tôi cho không, chúng tôi chấp nhận chuyện này. Hay chuyện đi dã ngoại chẳng hạn. Đi dã ngoại thì tốt. Nếu cha mẹ bỏ tiền ra mua vé thì tốt, nhưng không đóng thì cũng phải cho các em đi. Không thể nói là có tiền thì đi, không có tiền không đi thì không được. Làm như vậy tạo ra mặc cảm.

            Nếu gia đình cố gắng nhịn ăn cho con em đi thì đó là gánh nặng. Do đó, nếu ai đóng thì đóng, ai không thể đóng cũng đi. Điều này là để tạo sự công bằng cho tất cả mọi người được hưởng giáo dục. Chuyện giàu hay nghèo không thể nào là yếu tố khiến các em không được công bằng trong giáo dục.”

            Giáo dục, có lẽ là môi trường quan trọng nhất đòi hỏi sự công bằng. Một nền giáo dục tiên tiến không cho phép yếu tố giàu nghèo chi phối cơ hội học tập và thăng tiến.

            Thực trạng Việt Nam cho thấy tiêu chí này không được bảo đảm, và sự chênh lệch trong gia cảnh học sinh đưa đến hệ quả tất yếu là sự chênh lệch trong kiến thức cũng như cơ hội đi xa hơn trong cuộc sống.

            Bên cạnh đó, những yếu tố tâm lý, như mặc cảm, tự ti góp phần không nhỏ trong vấn nạn học sinh bỏ trường, như Bộ Giáo Dục Việt Nam thừa nhận cách đây ít lâu.

            Một chuyên viên giáo dục tại Hoa Kỳ nói rằng, trong khi khái niệm tư vấn giáo dục, cố vấn tâm lý học đường đã trở thành phổ biến tại các nền giáo dục tiên tiến, Việt Nam vẫn còn xa lạ với nhu cầu này.

            Đối phó với tình trạng giáo dục xuống cấp tại Việt Nam không chỉ là những giải pháp cấp bách có tính nhất thời. Có lẽ, như nhận định của giới chuyên môn, những giải pháp ấy đòi hỏi một cuộc cải cách sâu rộng, toàn diện bắt đầu từ quan niệm hoàn toàn mới về giáo dục, trong đó, yếu tố công bằng phải được đặt lên hàng đầu.

            Vừa rồi là những ý kiến và gợi ý liên quan đến hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay. Vấn nạn dạy thêm và học thêm có thể đã ít nhiều làm dị dạng tinh thần giáo dục phổ cập, nhưng nguyên nhân đưa đến hiện tượng này xem chừng phức tạp và đòi hỏi những đáp ứng mạnh mẽ, thật tâm từ phía chính quyền, nơi hoạch định chính sách giáo dục. Trong bài thứ tư của loạt bài này, biên tập viên Thiện Giao sẽ tiếp tục trình bày một khía cạnh liên quan đến tầm quan trọng của mối quan hệ học đường và gia đình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu khái niệm của mô hình “học khu giáo dục” tại Hoa Kỳ, một mô hình có thể giúp các yếu tố cộng đồng, địa phương được quan tâm nhiều hơn nhưng vẫn tồn tại nhuần nhuyễn trong toàn cảnh giáo dục của Liên Bang và Tiểu Bang.

            © 2008 Radio Free Asia

            http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/25/Vietnam_public_education_part3_TGiao/




            Đọc thêm:
            Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học 
            Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t   
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2008 23:26:54 bởi Ngọc Lý >
            #3
              Ngọc Lý 28.03.2008 05:24:38 (permalink)
              Hiện tình giáo dục phổ thông Việt Nam (phần 4)
              2008.03.26
              Thiện Giao, phóng viên đài RFA
               
              Trong bài cuối cùng tìm hiểu về thực trạng giáo dục phổ thông tại Việt Nam, chúng ta sẽ cùng quay trở lại với hiện tượng bỏ học đang được dư luận quan tâm. Có vẻ, giới chức hữu trách không nhìn nhận hiện tượng bỏ học như một vấn nạn lớn của xã hội, đòi hỏi những nghiên cứu sâu rộng và giải pháp kiên quyết.

              http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/25/vtgiao032508.mp3
              Tải xuống để nghe


                Tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều đang là một vấn đề mang tính xã hội tại Việt Nam. AFP PHOTO.


                Giới chuyên môn cho rằng, bỏ học, không chỉ là hiện tượng học sinh không đến trường, mà là một vấn đề mang tính xã hội, liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau.

                Vậy, con số học sinh bỏ học mà Bộ Giáo Dục đưa ra gần đây là thấp hay cao? Và đâu là nguyên nhân của hiện tượng này. Biên tập viên Thiện Giao xin trình bày sau đây các ý kiến của những người đã từ lâu quan tâm đến lãnh vực này.

                Một vấn đề mang tính xã hội

                Hiện tượng học sinh bỏ học hàng loạt là một trong những vấn đề mà dư luận Việt Nam quan tâm nhất trong thời gian qua.

                Những con số thống kê đưa ra cho thấy, hơn 3 triệu rưỡi học sinh trung học rời ghế nhà trường trước khi cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp. Và chỉ riêng trong học kỳ đầu năm nay, theo thống kê của Bộ Giáo Dục, hơn 100 ngàn học sinh không trở lại trường.

                Một số người quan tâm đến tình trạng giáo dục, đã nhiều lần, trong nhiều năm, lên tiếng về tình trạng bất cập trong ngành giáo dục Việt Nam, tỏ ra hoài nghi về con số 100 ngàn.

                Nhà văn Nguyên Ngọc, người chủ trường đại học tư thục Phan Châu Trinh tại Quảng Nam, nhận định:


                Học sinh bỏ học không phải năm nay, đã nhiều năm rồi. Con số Bộ Giáo Dục nói là khoảng 100 ngàn. Nhưng có người nói con số ấy phải gấp 5, 10 lần cơ. Gần đây, Bộ Giáo Dục công bố thống kê từng năm, nhiều người nói chưa chính xác. Nhưng chuyện bỏ học nhiều thì chắc chắn là có.

                Nhà văn Nguyên Ngọc


                “Học sinh bỏ học không phải năm nay, đã nhiều năm rồi. Con số Bộ Giáo Dục nói là khoảng 100 ngàn. Nhưng ông Hạc, cựu Bộ Trưởng Giáo Dục, nói con số ấy không chính xác, mà phải gấp 5, 10 lần cơ. Gần đây, Bộ Giáo Dục công bố thống kê từng năm, nhiều người nói chưa chính xác. Nhưng chuyện bỏ học nhiều thì chắc chắn là có. Vậy làm sao phải giải quyết?”


                Những hoài nghi trong số liệu thống kê đặt ra nhu cầu của một nghiên cứu thấu đáo, tìm hiểu từng nguyên nhân của hiện tượng, ngỏ hầu tìm ra giải pháp. Giáo sư Phạm Phụ, với gần 40 năm giảng dạy đại học tại Việt Nam, đưa ra ý kiến.

                “Vừa qua, các con số thống kê nói ra, tôi cảm thấy các con số thống kê không ổn lắm. Ví dụ, 109 ngàn học sinh bỏ học, trước đó là vài trăm ngàn. Tôi thấy con số thống kê này chưa ổn. Trong thời gian vừa qua, với những giải pháp nâng cao chất lượng, con số bỏ học phải nhiều hơn, chứ sao giảm đi. Tôi thấy phân vân.”

                Những hệ luỵ lâu dài

                Rõ ràng, cho đến nay, ngoài những nguyên nhân bỏ học, mà báo chí trong nước gọi là “chung chung, thời kỳ nào cũng đúng,” do Bộ Giáo Dục Việt Nam đưa ra, chưa có con số cụ thể cho từng nguyên nhân cũng như những giải pháp căn cơ đi kèm.

                Từ California, ông Lê Nguyên Phương, giảng viên đại học California State University, Long Beach, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Lãnh Đạo Giáo Dục, trình bày sơ lược về phương pháp tính tỷ lệ học sinh bỏ học tại Hoa Kỳ.
                “Việc tính tỉ lệ học sinh bỏ học không phải là điều đơn giản. Chỉ riêng việc tính tỉ lệ bỏ học của học sinh trung học, thì Trung tâm Thống Kê Giáo Dục Toàn Quốc của BGD Hoa Kỳ đã sử dụng hai cách tính.


                Trong cách tính thứ nhất gọi là event dropout rate (tỉ lệ bỏ học nhất thời), ta tính số phần trăm học sinh bỏ học trong một khoảng thời gian tương đối ngắn chẳng hạn giữa đầu năm học này đến đầu năm kế.

                Số liệu của cách tính này dùng để nghiên cứu ảnh hưởng của một hiện tượng xã hội nhất định đối với xu hướng bỏ học, thị dụ như ở VN thì là ảnh hưởng của chính sách không ngồi nhầm lớp đối với việc bỏ học chẳng hạn.


                Với truyền thống hiếu học từ hàng ngàn năm, vấn đề giáo dục tại Việt Nam đang là mối bận tâm của dư luận người Việt cả trong và ngoài nước. AFP PHOTO.

                Cách thứ nhì gọi là status dropout rate (tỉ lệ bỏ học vĩnh viễn), thì tính tỉ lệ học sinh không đến trường và không có bằng trung học, bất kể các em đã bỏ học lúc nào.

                Số liệu theo cách tính sau giúp chúng ta nghiên cứu những vấn đề giáo dục và xã hội rộng lớn và lâu dài hơn, chẳng hạn như biết tỉ lệ học sinh VN hoàn tất chương trình phổ thông để hoạch định một chính sách phát triển kinh tế đòi hỏi một lực lượng nhân công có trình độ kỹ thuật cao.

                Với cách tính thứ hai thì con số bỏ học tại Hoa Kỳ theo Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ ước tính vào niên khóa 02-03 là khoảng 9.9% cho toàn quốc.

                Thử so sánh tỉ lệ học sinh bỏ học cùng niên khóa đó tại một số nước trên thế giới thì chúng ta có Nhật là 2.2%, Anh là 6%, Canada là 10%, Pháp và Đức ở khoảng trên 14%, và Úc là 18.5%.”


                Lý giải của Bộ Giáo Dục VN

                Một trong những lý do mà Bộ Giáo Dục đưa ra để lý giải hiện tượng bỏ học là do “hiện tượng di chuyển nơi cư trú, đi làm ăn xa nhà.” Không rõ giới chức hữu trách đưa ra lý do này để khẳng định là hễ học sinh và gia đình đổi nơi cư trú là sinh ra bỏ học, hay là Bộ không kiểm soát được học sinh có bỏ học hay không?


                Học sinh bỏ học tức là vấn đề của động lực. Học sinh đặt câu hỏi việc học có kết quả, có giá trị hay không. Khi học xong được vào đại học, có cơ hội tiến thân, có việc làm. Nếu học sinh trung học cảm thấy đi học không còn giá trị thiết thực, thì chuyện bỏ học dễ dàng xảy ra.

                Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh


                Chúng tôi hỏi chuyện luật sư Nguyễn Quốc Lân, Chủ Tịch Hội Đồng Học Khu Giáo Dục Garden Grove, California, về việc theo dõi học sinh đổi nơi cư trú, và được biết sẽ không có trường hợp lọt sổ, vì luật lệ qui định khắc khe khi một trường nhận một học sinh mới:

                “Hay các gia đình đổi đi xa, chúng tôi có luật là trường mới, nhận học sinh phải báo cho trường cũ biết là các em đến trường mới. Nếu không chúng tôi phải đi tìm gia đình các em để tìm cho ra lý do. Nói chung là phải tìm hiểu lý do đầu tiên.


                Trường nhận phải có hồ sơ trước đây của các em. Nếu nhận lớp 10, phải có hồ sơ lớp 8 lớp 9 của các em. Chúng tôi phải biết chính xác để không đưa ra con số sai lầm về tỷ lệ bỏ học.”


                Xét về nguyên nhân bỏ học, có nhiều cách lý giải được đưa ra, trong đó có thể kể hoàn cảnh kinh tế gia đình, chương trình học vừa hàn lâm, nặng nề, vừa không hấp dẫn, và nhất là sự thiếu vắng cơ hội tiến thân một cách công bình thông qua con đường học vấn.

                Theo nhà văn Nguyên Ngọc, việc tăng học phí và chương trình học là nguyên nhân đáng quan tâm: “Tôi nghĩ là học phí có vấn đề. Khoảng độ 1 năm nay, với chủ trương tăng học phí giáo dục, có nhiều phản ứng cho thấy như vậy chưa chắc đã đúng. Nhưng theo tôi, hiện tượng bỏ học liên quan đến 1 chuyện quan trọng hơn, là do học sinh chán học, vì chương trình, vì cách dạy, vì nội dụng, vì phương pháp dạy. Đặc biệt là ở giáo dục phổ thông. Ngay cả đại học cũng có hiện tượng bỏ học.”


                Cũng cùng quan điểm này, một chuyên viên giáo dục trong nước, yêu cầu không nêu tên, nhận định: “Ở Việt Nam, chương trình đào tạo được xem là pháp lệnh. Giáo viên đến ngày đó, tiết đó trong năm học là phải dạy bài đó.”


                Một số cựu học viên chương trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright do đại học Harvard tổ chức tại Việt Nam nói rằng, hiện nay các môn học về chính trị vẫn còn nặng nề tại Việt Nam.

                Cụ thể là, những sinh viên của chương trình Fulbright, mặc dầu được trang bị một số lượng kiến thức rất mới và thực tế, tương đương chương trình Cao Học, lại không được nhà nước Việt Nam cấp bằng Cao Học, mà chỉ cấp cho một chứng chỉ tốt nghiệp.

                Lý do là vì phía đại học Harvard từ chối đưa các môn Kinh Tế Chính Trị Max-Lenin và Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học vào chương trình giảng dạy, còn phía Bộ Giáo Dục Việt Nam thì nhất định phải có các môn này.

                Việc tìm hiểu lý do bỏ học cần đặt trong một ngữ cảnh rất rộng, bao gồm cả nhận thức của chính học sinh về giá trị tinh thần và kinh tế của học vấn. Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, Giám Đốc Ban Chính Sách Ngôn Ngữ Hệ Thống Đại Học California State University, nhận định:

                “Học sinh bỏ học tức là vấn đề của động lực. Học sinh đặt câu hỏi việc học có kết quả, có giá trị hay không. Giá trị là giá trị tinh thần và kinh tế. Giá trị tinh thần là được bồi bổ, thâu thập biến thức, mở mang trí tuệ. Khi học xong được vào đại học, có cơ hội tiến thân, có việc làm. Nếu học sinh trung học cảm thấy đi học không còn giá trị thiết thực, thì chuyện bỏ học dễ dàng xảy ra.”


                Bên cạnh đó, theo lời tiến sĩ Kim Oanh, các vấn đề gia cảnh, môi trường học đường, cộng đồng và xã hội cũng đóng góp rất nhiều vào hiện tượng bỏ học. Vì lý do này, nghiên cứu hiện tượng bỏ học là một vấn đề phức tạp, cần phải được xem xét từ nhiều khía cạnh.

                Cải cách giáo dục Việt Nam, trong cách nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, đồng nghĩa với nhu cầu cải cách xã hội. Việc thay đổi, trước hết, phải bắt đầu từ ý chí của chính phủ đối với hệ thống quản lý và quan niệm về giáo dục.

                Song song với các cải cách này, vấn đề về tư thế và tư cách giáo viên, mối quan hệ giữa học đường, gia đình và xã hội cũng trở nên cấp thiết. Sau cùng, cũng là điều then chốt nhất, là tạo sự công bằng trong môi trường giáo dục, từ đó tạo một cơ chế bình đẳng trong quá trình tiến thân trong xã hội.

                Trên đây là bài cuối cùng trong loạt bài trình bày về thực tế giáo dục Việt Nam hiện nay. Trong bài này, chúng ta đã điểm lại một hiện tượng đang được dư luận trong nước quan tâm, đó là chuyện học sinh rời ghế nhà trường mà không có được tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Vấn đề không đơn giản là các em bỏ học, gia nhập vào cuộc đời, bắt đầu đi làm, kiếm sống. Chuyện học sinh bỏ học đặt ra những rủi ro sau đó, trong cả cuộc sống dài trước mắt các em. Và đây không chỉ là gánh nặng trên vai của giới trẻ, đây là gánh nặng mà cả xã hội, về lâu về dài, sẽ phải gánh chịu. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền nhìn nhận điều này ra sao? Và sẽ phải có những giải pháp căn cơ như thế nào?

                 
                © 2008 Radio Free Asia



                Các tin, bài liên quan


                Gửi trang này cho bạn
                Ðăng ký bản tin Ban Việt Ngữ
                Giúp nghe đài RFA trên mạng »
                Tải và cài đặt Audio Player »
                Ăng-ten chống phá sóng »

                http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/26/Vietnam_public_education_part5_TGIao/




                 

                Đọc thêm:
                Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học 
                Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t  
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2008 05:31:31 bởi Ngọc Lý >
                #4
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9