Bất cập trong Quản lý Giáo dục tại Việt Nam
Ngọc Lý 25.03.2008 20:45:12 (permalink)
Bất cập trong Quản lý Giáo dục tại Việt Nam (phần 1)
2008.03.24
Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Học sinh bỏ học là một hiện tượng phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Có không ít ý kiến cho đây chỉ là hiện tượng bề nổi của một tảng băng ngầm chứa đựng nhiều bất cập trong chính sách giáo dục tại Việt Nam.


http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/tintuc/2008/03/24/vpt0322p_edu_problem.mp3
Tải xuống để nghe




    Ngân sách dành cho giáo dục tại Việt Nam không ngừng gia tăng, nhưng những bất cập trong quản lý luôn gây ra các giới hạn phúc lợi đến với học sinh. AFP PHOTO



    Các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa và giới giáo sư đại học cho rằng học sinh bỏ học là hệ quả của một chính sách giáo dục lỗi thời, thiếu khoa học, thiếu hiệu quả và không có khả năng tự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện xã hội mới.

    Trong lọat 5 bài trình bày các ý kiến, quan điểm và gợi ý của một số nhà giáo dục trong và ngoài nước. bài đầu này điểm qua ý kiến về quản lý giáo dục và các quan niệm về một môi trường công bằng cho học sinh.

    Trước hết là vài số liệu:

    Chỉ trong vòng chưa đến 6 năm, hơn 3 triệu rưỡi học sinh bỏ học tại Việt Nam.

    Chỉ riêng học kỳ I năm nay, hơn 100 ngàn học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông đã tự ý rời ghế nhà trường.

    Trong một buổi họp báo gần đây, giới chức Bộ Giáo Dục Việt Nam nói rằng, hiện tượng học sinh bỏ học là điều bình thường.

    Phải chăng, chuyện bỏ học đã trở thành bình thường, đến nỗi không có gì đáng ngạc nhiên? Có lẽ, điểm bất thường nhất chính là điều Bộ Giáo Dục xem chuyện học sinh bỏ học là điều bình thường!




    Cần những khoản đầu tư lớn để chấn hưng giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước. Với khả năng tài chính hiện tại của Việt Nam, những khoản đầu tư ấy ước tính có lẽ không vượt quá một nửa số tiền thất thoát do lãng phí, quan liêu và nhất là tham nhũng gây ra.



    Giáo sư Hoàng Tụy


    Giáo chức trong nước phản ảnh


    Việc xem xét và phân tích nguyên nhân bỏ học trở thành vấn đề cốt lõi và được bàn thảo nhiều lần trong suốt nhiều năm bởi giới nghiên cứu Việt Nam. Việc bỏ học không còn đơn giản là chuyện học sinh không đến trường. Trái lại, giải quyết chuyện bỏ học bao hàm sự thay đổi cả một hệ thống giáo dục từ quản lý, đến quan niệm, song song với chương trình học và sách giáo khoa. Cạnh đó, sự mưu sinh của giáo viên, vai trò học vấn trong quá trình thu thập kiến thức để trở thành một người có tri thức và có khả năng cạnh tranh bình đẳng đều cần được mổ xẻ.

    Giáo sư toán học nổi tiếng Hoàng Tụy, trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do tháng Giêng năm 2007 nhận định rằng sự tụt hậu trong ngành giáo dục phổ thông là điều hiển nhiên, mặc dù vẫn có các người tin rằng thành tựu giáo dục là ưu việt. Ông nói điều đầu tiên cần đề cập là hệ thống quản lý bất cập của chính quyền.

    Giáo sư phân tích rằng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục dựa trên tổng thu nhập của Việt Nam không thấp, nhưng phúc lợi đến được với nhu cầu giáo dục thì rất thấp vì sự thất thoát do cơ chế quản lý.

    Trong bài viết đã từng đăng trên tờ Lao Động, giáo sư Hoàng Tụy nêu lên rằng: “ Cần những khoản đầu tư lớn để chấn hưng giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước. Với khả năng tài chính hiện tại của Việt Nam, những khoản đầu tư ấy ước tính có lẽ không vượt quá một nửa số tiền thất thoát do lãng phí, quan liêu và nhất là tham nhũng gây ra.”

    Ông thêm rằng chính những thất thoát ấy đã “cướp mất cả những cơ hội học tập khiêm tốn nhất của nhiều con em và cản trở mọi ý đồ, kế hoạch chấn hưng giáo dục như đã được nhiều bậc thức giả kêu gọi không mệt mỏi từ bao năm nay.”


    Phụ huynh lo lắng đợi bên ngoài cổng trường ngày thi ở Hà Nội. AFP PHOTO



    Giáo viên môn văn Nguyễn Thị Ngọc Lan đã từng đứng lớp hơn 10 năm tại trường trung học Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn, cho rằng những phong trào thi đua, chạy theo chỉ tiêu, hay nỗ lực đáp ứng các phong trào từ Sở Giáo Dục hoặc các cơ quan tương tự đưa xuống gây thêm áp lực đối với giáo viên, phụ huynh và học sinh bên cạnh áp lực của cuộc sống:

    “ Thực tế đi dạy ở trường có trăm ngàn chuyện khác làm giáo viên bận tâm. Giáo viên phải đối phó với nhiều nhất với việc thi đua. Lớp do mình chủ nhiệm phải hoàn tất chỉ tiêu trường đề ra, rồi lớp chuyên môn. Phải dạy thêm tăng thu nhập, vừa phải đạt chỉ tiêu thi đua của trường.”

    Trong một bản kiến nghị có tên “Chấn Hưng, Cải Cách, Hiện Đại Hóa Giáo Dục” do nhiều giáo sư, nhà văn hóa Việt Nam thực hiện gần đây, các tác giả đã vạch ra rằng để thoát khỏi tình trạng trì trệ về giáo dục hiện nay, Việt Nam cần “thay đổi tư duy giáo dục, xác định lại quan niệm về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chức năng của nhà trường.” Bên cạnh đó, chính phủ cần “xem xét lại toàn bộ tổ chức quá trình giáo dục, bao gồm cả nội dung chương trình, phương pháp từng cấp học, sao cho phù hợp với mục tiêu chung.” Trong nỗ lực ấy, “sự công bằng, dân chủ, và quyền bình đẳng về cơ hội học tập phải được bảo đảm” trên tinh thần tôn trọng phát triển cá tính nhằm mở ra “nhiều con đường, nhiều hướng, nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ.”

    Kinh nghiệm tạo môi trường công bằng trong học đường ở nước ngoài

    Khía cạnh bình đẳng trong nền giáo dục có thể được đối chiếu với hệ thống nước ngoài như ở Mỹ. Từ bang California, tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, Giám Đốc Ban Chính Sách Ngôn Ngữ Hệ Thống Đại Học California State University, nhận định:

    “Ở Hoa Kỳ, vấn đề tạo sự công bằng cho tất cả các sắc dân có cơ hội thành đạt được quan tâm rất nhiều. Trong các trường có học sinh nghèo hoặc không nói tiếng Anh thông thạo thì học khu có quyền xin thêm ngân khoản giáo dục hỗ trợ, bớt sĩ số học sinh mỗi lớp, tìm thêm giáo viên… để giúp các em có giờ học thêm sau giờ học chính. Những chính sách đó giúp rất nhiều. “

    Những đề xuất cải cách cấp bách hệ thống giáo dục phổ thông được các tác giả bản kiến nghị “Chấn Hưng, Cải Cách, Hiện Đại Hóa Giáo Dục” đưa ra bao gồm: cải cách thi cử và quan niệm đánh giá, xoá bỏ vấn nạn dạy thêm, học thêm, và chỉnh đốn việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa.

    Chính sách đồng bộ cho sách giáo khoa, học trình không hiệu quả


    Sách giáo khoa và chương trình giảng dạy đã trở thành một trong các vấn đề lớn nhất được nêu ra trong nhiều năm qua. Việc soạn thảo và kinh doanh sách giáo khoa gần như được giành độc quyền cho Nhà Xuất Bản Giáo Dục của nhà nước, và đã bị chỉ trích nặng nề. Một trong những chỉ trích liên quan đến sự thống nhất một cách vô lý chương trình giảng dạy trên toàn quốc đến từ giáo sư Phạm Phụ:

    “… một chương trình thống nhất trên toàn quốc là điều không nên . Không thể một em ở Cao Bằng học chương trình giống Hà Nội. Hay học sinh ở Đầm Dơi và Thành Phố Hồ Chí Minh lại học chung một chương trình. Đối với Tiểu Học, Bộ nên đưa ra khung khoản 60% thôi, còn lại địa phương đưa ra nội dung phù hợp cho mình. Lên trung học cơ sở, Bộ cũng nên qui định 60% thôi. “

    Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người vận động xây dựng đại học tư Phan Chu Trinh tại Quảng Nam, đồng tình về một khung chung từ bộ Giáo dục:

    “ Quan niệm chỉ có một bộ sách giáo khoa là do Quốc Hội thông qua , theo tôi và nhiều người, là sai. Hãy để cho các tác giả tự làm sách giáo khoa, rồi nhà nước chọn bộ nào thích hợp cho nhà trường. Và cho nhà trường tự do chọn sách trong tiêu chí chung của Bộ. Một lúc nào đó, ngay Quốc Hội phải sửa lại chuyện này thôi. “

    Cải cách giáo dục tại Việt Nam, hơn bao giờ hết, trở thành một nhu cầu cấp thiết. Nhưng, có vẻ những quan niệm và cách nhìn nhận của giới chức hữu trách được thực hiện phiến diện và có tính cách nhất thời. Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, người đã từng đại diện cho đại học của mình, hai lần về Việt Nam làm việc với đại học trong nước, nhận định, rằng hệ thống giáo dục Việt Nam không còn hữu hiệu. Bà nói:

    “ Vấn đề học sinh bỏ học chỉ là hiện tượng của một hệ thống không còn hữu hiệu. Nói về giáo dục mình cần nói 4 khía cạnh: học sinh, gia đình, học đường và giáo chức, cộng đồng xã hội và quốc gia.”

    Cải cách giáo dục Việt Nam, theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, trở thành đồng nghĩa với nhu cầu cải cách xã hội. Nó phải phải được bắt đầu từ ý chí của chính phủ, của quan niệm giáo dục và của hệ thống quản lý. Song song với các cải cách này, việc chấn chỉnh địa vị và tư cách giáo viên, củng cố mối quan hệ giữa học đường, gia đình và xã hội cũng trở nên cấp thiết. Điều then chốt nhất, là tạo sự công bằng trong môi trường giáo dục, từ đó tạo một cơ chế bình đẳng trong quá trình tiến thân trong xã hội.

    Trong bài thứ hai của loạt 5 bài nói về hiện trạng giáo dục tại Việt Nam, biên tập viên Thiện Giao sẽ trình bày những ý kiến của các nhà nghiên cứu, giáo sư, trong và ngoài nước về chương trình học và việc xuất bản sách giáo khoa hiện nay tại Việt Nam. Có lẽ, chương trình học cứng nhắc, nặng nề, sách giáo khoa biên soạn áp đặt trên toàn quốc là một trong những nguyên nhân chính đưa đến vấn nạn giáo dục hiện nay.



     


    © 2008 Radio Free Asia


    http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/24/vietnam_public_education_admin_problems_part1_TGiao/








     
     Đọc thêm:
     
    Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học 
    Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t   
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2008 22:21:07 bởi Ngọc Lý >
    #1
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9