NHỮNG KẺ KHỔ NHỤC - Phần hai, Hồi ký Một ngày giông tố
eventful_day 12.06.2008 13:50:32 (permalink)
Phần thứ nhất "Một ngày giông tố" của tập Hồi ký Một ngày giông tố   đã được đăng tải  xong trên VN Thư quán. Cảm ơn các bạn đã theo dõi, mời các bạn đọc tiếp phần hai  "Những kẻ khổ nhục", xin được trình bày thành một chủ đề mới, ở đây.
 
Các bạn có thể̉́ download toàn bộ tập hồi ký, qua link sau:
Hồi ký Một ngày giông tố
Phần 2: Những kẻ khổ nhục

 
Đây là những trang nói về cuộc sống cơ nhục mưu sinh, tìm kiếm hạnh phúc của tác giả nơi lồng sắt khổng lồ. Cũng là một vài phản ánh tiếp theo về xã hội Cộng sản.
Tác giả làm mộc để mưu sinh. Trong hoàn cảnh sống chung đầy tủi nhục với gia đình chị và chịu sự giám sát của chính quyền, tác giả vẫn cố gắng viết hồi ký, để làm tròn trách nhiệm với Khoa, người bạn đã mất trong tù, cũng như cho chính tác giả, “để thực hiện trách nhiệm lương tâm phơi trần những tội ác trời không dung, đất không tha của Cộng Sản trước tòa án lịch sử ngàn đời”.
Giữa cuộc sống cô đơn, tủi nhục, như mọi con người bình thường, tác giả cũng ước mong hạnh phúc gia đình. Cuộc đời tác giả, “xưa kia, khi còn trai trẻ cũng chỉ dám yêu thầm nhớ trộm, tuy nhiên tình yêu và gia đình vẫn là khái niệm mơ hồ, xa cách, lạnh lùng”, giờ đây trước ý thức hệ Cộng Sản, “phải bưng bít, khép kín quá vãng để tìm một người bạn đời thì đau lòng quá” cho một người đã luôn sống chân thật với khối óc và con tim mình. “Để có được một cuộc sống tầm thường, khốn khổ, cũng phải nói phét, bịp bợm, khai tử chữ lương tâm sao?”
Những chi tiết về hành trình tìm người bạn đời phản ánh rõ thêm nhân sinh quan của con người Cộng sản. Cộng sản muốn thay cả vai trò của tạo hóa, ông tơ bà nguyệt… Tính giai cấp xen lẫn cả vào những chuyện yêu đương cá nhân.
Câu chuyện có một kết thúc được xem như có hậu: tác giả mua được nhà riêng, tìm được người bạn đời hợp ý, một Đảng viên quay lưng lại với “đấu tranh giai cấp”, trở về bản chất trung hậu của người nông dân và mong ước hạnh phúc gia đình tầm thường của mọi con người.
 
Kỳ 1 -  NHỮNG KẺ KHỔ NHỤC (Unfortunate people)

“This is the voice of victim.
I hope to complete this work before closing my days”
 
Một buổi tối thứ bảy, tôi đến thăm anh Thư – một người bạn tù, đồng thời là thày Anh Ngữ của tôi ở trại Vĩnh quang. Năm 1972, Cộng sản không coi Anh ngữ là tiếng nói đế quốc nữa, bắt đầu cho học ở một số trường phổ thông. Tuy vậy, trong trại giam vẫn bị cấm đoán. Anh Thư phát âm tiếng Anh rất chuẩn, anh coi là sự nghiệp. Cả đời anh kiên trì học để thành tài. Sau khi có bằng tú tài văn chương, anh vào lính. Vì thạo ngoại ngữ, anh được chọn vào bộ phận thông tin cơ mật. Năm 1953, anh mắc một sai lầm nghiêm trọng về mật mã, bị bắt giam. Sợ bị đưa ra toà án binh xét xử, anh bỏ trốn ra vùng Việt minh kiểm soát. Là một cậu ấm về chính trị, lại có người anh cả theo Cộng sản nên 1954, anh không đi Nam. Sau này chính phủ của ông Hồ tiếp quản Hà nội, anh được coi là một trí thức trẻ yêu nước và được vào trường đại học nhân dân – một trường dành cho tầng lớp trí thức lưu dung, anh học được mấy tháng thì bỏ. Anh nói, chính trường này làm tôi sớm bừng tỉnh cơn mê. Các giáo viên là Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Tố hữu và các cán bộ cấp cao khác của đảng dạy những thủ đoạn làm cách mạng. Họ dạy rằng: “mọi thủ đoạn là nham hiểm và tàn bạo đến mấy, nếu có lợi cho cách mạng, các đồng chí cứ làm... ”.
Năm 1957, được tin Ngô đình Diệm ra lệnh đại xá ở miền Nam, anh chán đời đến cực độ, vì đã bỏ lỡ cơ hội ra đi. Anh viết thư cho uỷ ban giám sát quốc tế hiệp định Geneva nhưng không gửi, sau đó anh đã gửi thư cho ông Hồ, có đoạn: “... Kính thưa chủ tịch, sở dĩ tôi không đi Nam là vì tổ quốc và chân lý. Nhưng sau ba năm ăn đợi, nằm chờ tôi đã thấy sự tuyên truyền xảo trá đầy hoa gấm của guồng máy thông tin Việt nam dân chủ cộng hoà... ”.
Từ bức thư này, anh bị đưa ra toà xử bốn năm tù. Mãn hạn tù được về, anh bị mẹ đuổi đi, qua Tết mới được về. Đến năm 1964, anh lại vào trại tập trung thêm mười năm nữa. Có thể do nhiều năm tù tội, đoạ đầy, tính tình anh không mấy khi ổn định, thăng bằng, từ cực đoan này dễ dàng nhảy sang cực đoan khác. Khi yêu ai thì tâng bốc người đó lên tận mây xanh, giúp đỡ hết mình. Ghét ai, anh không từ một thủ đoạn nào, kể cả bịa đặt để bôi nhọ uy tín. Quan hệ với anh như dùng con dao hai lưỡi, có cay đắng, có ngọt bùi.
Dù sao đối với tôi, anh vẫn là một ân nhân.
Lời hứa hẹn, anh giữ như đinh đóng cột, kể chuyện về gia đình và cuộc đời mình, anh biến thành tiếng nói của dòng tư duy hư cấu với những giai thoại đầy kịch tính. Anh chỉ phục tùng tư tưởng võ đoán của mình, không muốn ai phân giải một điều gì để tìm ra lẽ phải. Anh đố kỵ với những kiến thức anh không có hoặc còn non nớt, tôn thờ chủ nghĩa “cái tôi”. Theo anh, triết học, văn thơ là thứ đồ chơi không cần thiết. Và tự nhận mình là bậc thầy khoa tâm lý học dựa trên cơ sở cảm tính. Anh nói, anh đọc sách chỉ thuần tuý là anh đọc và tra từ điển.
Hình như anh say mê chủ nghĩa khoái lạc, điều này dễ hiểu, một người càng bị đầy đoạ bao nhiêu, nếu không có kiến thức về xã hội, càng mơ ước hưởng lạc bấy nhiêu. Anh tự phong cho mình một kẻ chống Cộng kiên cường nhưng chỉ nói suông, không dám có một hành động nào cụ thể. Chẳng những thế, thứ văn hoá Cộng sản ít nhiều làm ô nhiễm khối óc anh.
Sau khi ngỏ lời thăm hỏi ân cần, thắm thiết, anh hỏi:
– Cậu làm mộc khá chưa?
– Cũng nhì nhằng thôi, anh ạ. Có thể làm được nhiều việc, nhưng do bàn tay vụng nên sản phẩm không được nuột nà, như ý.
– Ừ phải, cậu chỉ cần luyện tay nghề, còn mực thước là kiến thức hình học sơ đẳng đối với cậu. À này, cậu muốn đi làm chưa hay còn nghỉ ngơi đại tu lại cơ thể?
– Người khác có điều kiện phải nghỉ hàng năm để phục hồi sức khoẻ. Còn em, muốn hay không cũng phải đi làm ngay để kiếm ăn.
– Ừ nhỉ, bố mẹ không còn, tài sản không có, vợ con chưa, tình cảm anh chị em có nghĩa lý gì trong xã hội này? Nói thật là tôi muốn cậu đi làm trong hội của chúng tôi, còn e tay nghề cậu kém sẽ mang tiếng.
– Làm kém thì ăn công thấp có được không, anh? Tốp thợ nào chẳng có thợ cả, thợ hai, phó nhỏ.
– Tôi sẽ hỏi ông Minh về công việc của ông ấy. Nếu cậu làm cho công an để ngày mai tôi sẽ hỏi cụ Thắng xem sao? Năm ngoái tôi làm mộc cho bộ công an đến sáu tháng.
– “Thân lươn bao quản lấm đầu”, làm cho ai mà chẳng được, anh.
– Có điều là cậu phải giữ kín tung tích, đừng để lộ ra mình là tên tù phản cách mạng, họ mới để cho làm.
– Vâng, anh không nói thì em cũng biết.
Trên đường về, tôi hồi tưởng lại biến cố đã đưa tôi đến việc làm mộc trong tù.
Đầu năm 1972, tôi mới chuyển lại toán rau xanh của tên quản giáo Trần văn Phượng; Từ Hoả lò mới đến lão Trì, người đứng thứ hai trong vụ văn hoá đồi truỵ xử năm 1970 ở thư viện quốc gia. Lão bị phạt mười một năm tù. Con trai lão là Giao – một thanh niên du đãng. Công an đến bắt Giao và khám nhà thấy hàng trăm bức ảnh khoả thân của hai bố con lão đang làm tình với những cô gái trẻ. Qua những bức ảnh này chứng tỏ, lão là con quỷ về dâm dục, nhân thể lão cũng bị bắt. Theo lời cung khai của lão, phá trinh một cô gái ở tuổi vị thành niên, lão chi năm trăm đồng tương đương với một năm lương của một công nhân. Để có những bức ảnh làm kỷ niệm, hai bố con nhất trí với nhau: bố chơi, con chụp; con chơi, bố chụp. Giao tìm kiếm dẫn gái đẹp về nhà nhưng không có sức mạnh của đồng tiền nên chỉ được dùng cái xái. Nhiều lần hai bố con chửi bới, đấm đá nhau quyết liệt vì cách hưởng lạc này. Có lần lão nhượng bộ con nhưng thấy con chơi lâu, lão lồng lộn gào thét như người mắc bênh dại.
Vào tù, lão ra sức lập công, chuộc tội bằng cách biến thành con chó săn những ý kiến người khác về chế độ. Với tuổi sáu mươi nhăm, lão bị những người đồng cảnh mắng chửi như con vật. Một đêm chờ cho mọi người ngủ, lão viết một bản sớ dài, trong đó có tôi cũng bị lão tố cáo nhưng bản sớ của lão bị lộ. Lão được dành cho những phần thưởng đích đáng: ném phân lên đỉnh màn, cho lão uống nước có mùi khai thối. Đồng cảnh xúm lại nguyền rủa lão là đồ súc sinh, giống chó má. Tôi cũng không tha lão:
– Thằng Trì, mày là tên vô lại ở ngoài, vào tù mày biến thành con vật bốn chân chăng?
Tôi nói to, bọn văn hoá trại nghe thấy, chúng báo cáo với cai ngục trực trại là trung uý Chức. Khi điểm danh vào phòng vào buổi tối, Chức đứng trước cửa phòng hăm doạ:
– Tôi báo cho một số anh biết, cánh cửa nhà kỷ luật đang mở rộng để đón các anh vào.
Sáng hôm sau, mở cửa phòng giam điểm danh, hắn lại nói:
– Tố cáo những sai phạm của đồng bọn là một trong bốn tiêu chuẩn cải tạo. Anh nào có hành động ngăn cản việc tốt ấy tức là có ý thức chống đối. Đêm qua, ban giám thị và chúng tôi thay nhau tuần hành. May cho một số anh chưa dám hành động gì.
Ngay buổi sáng hôm ấy, cai ngục chuyển tôi sang toán xây dựng và chuyển phòng giam, chuẩn uý Thắm làm quản giáo. Ông ta có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, cặp mắt hiền lành đượm một vẻ buồn thầm kín.
– Anh có biết làm mộc không?
– Không, thưa ông! Tôi chẳng có nghề gì. Vả lại, tôi yếu sức, ông cho tôi vào tổ đan phên, chẻ lạt.
– Anh có tên trong sổ đen đấy nhé!
– Nhà tù mà vẫn có sổ đen, thưa ông?
– Quân đội cũng có sổ đen nữa là...
– Ông có thể cho tôi biết, có tên trong sổ đen có hại gì thêm?
– Bình thường thì không sao cả, không may trong trại có rắc rối gì, họ dễ quy kết cho mình tội thủ mưu, chịu kỷ luật nặng nề, dễ dàng bỏ mạng.
Ngừng trong giây lát, ông Thắm hỏi:
– Anh ở Hà nội à?
– Vâng, thưa ông!
– Tớ khuyên cậu nên học nghề thợ mộc. Có độc ác đến mấy, họ cũng không thể giam cậu mãi, có ngày họ cũng phải tha. Kiếm ăn bên ngoài không có gì hay hơn là nghề mộc với người đi tù về. Một túi đồ, làm nghề tự do, không lệ thuộc vào ai. Nếu không, cậu phải làm nghề khuân vác, xích lô, ba gác...
Tôi thoáng nghĩ, ông ta nói đúng. Tôi bắt đầu học nghề thợ mộc từ thời gian đó.
Buổi trưa, tù nghỉ ở lán sơ tán ngoài rừng, ông Thắm thường đến chỗ tôi nằm, ông hỏi:
– Cậu tù vì tội gì?
– Chuẩn bị vượt tuyến vào Nam chống Cộng.
– Đi làm sao được qua bức màn sắt. Tớ nói vụng với cậu là mục đích thì đúng nhưng hành động quá phiêu lưu.
– Xin lỗi nhìn mặt ông, tôi thấy ông không thích hợp với ngành công an.
– Sao vậy? – Ông nở một nụ cười đôn hậu.
– Mặt ông có vẻ nhân từ, ít nhiều thông cảm với chúng tôi, dễ mất lập trường cách mạng.
– Tớ ở nông thôn chỉ thích hợp với nghề cầm cuốc. Tuy nhiên, nông dân là người khổ nhục nhất, thời nào cũng vậy.
– Tại sao ông không thích mà làm nghề coi tù?
– Tớ có chọn đâu. Năm 1948, phong trào yêu nước của dân tộc dâng cao, tớ cũng như nhiều thanh niên khác lên đường nhập ngũ. Tưởng rằng đánh thắng thực dân Pháp, nhân dân được sống bình yên trong độc lập, tự do. Nào ngờ đâu đến thời kỳ cải cách, hàng vạn người lương thiện chỉ biết cần và kiệm bị đấu tố, bị cướp hết tài sản, nhiều người vô tội chết oan, trong số đó có những người sẵn sàng xả thân cho tổ quốc. Từ đó, tớ chán ghét, muốn xin phục viên nhưng lại sợ họ phát hiện ra tư tưởng mình thì khốn. Năm 1960, họ chuyển tớ sang ngành công an với quân hàm chuẩn uý, đến nay vẫn thế. Hơn một chục năm là cai ngục, tớ càng thấy rõ bộ mặt ghê tởm của chế độ này. Chưa kể đến cậu, ngay cả tớ cũng có tên trong sổ đen của ban giám thị. Từ cấp trung ương đến kẻ cùng đinh, đảng đều có những màng lưới mật vụ để theo dõi. Lúc nào tớ cũng nghĩ kế giải thoát cái nghề bất lương này nhưng khó quá.
– Chúng tôi muốn ra tù mới khó, còn các ông muốn bỏ nghề thì...
– Bỏ nghề để vào tù thì dễ thôi. Đấu tranh giai cấp về ý thức hệ trong quân đội và công an còn gay gắt hơn trong tù đấy.
Ông cai ngục nhân từ ấy coi toán xây dựng được ba bốn tháng, đến cuối năm 1972, tai hoạ đã dội xuống đầu ông. Nhận được điện báo vợ đang ốm nặng, ông vội vã về trông nom vợ, hai tháng sau mới đến trại giam. Thiếu tá chánh giám thị Nguyễn văn Chuân quát:
– Đồng chí vô kỷ luật nên cởi bỏ áo mũ giả bộ mà về.
– Tôi xin bỏ nghề từ hôm nay. Nói xong, ông Thắm mang toàn bộ quân trang trả lại và bỏ về quê. Chắc chắn ông ta không tránh khỏi bị hành hạ, đoạ đầy.
* *
*
Chiều hôm sau, anh Thư mang đến cho tôi những đồ thường dùng của nghề mộc: cưa rọc, cưa ngang, bào thẩm, bào khẩu, thước dài, thước vuông, dùi đục, đục mật, bạt tràng... và một bộ quần áo lao động. Anh nói:
– Ngay bây giờ cậu đi với tôi đến gặp cụ Thắng để ngày mai đi làm.
Anh đèo tôi đến nhà cụ Thắng ở phố Lương ngọc quyến.
– Tôi tìm cho cụ ông phó mộc tuyệt vời – Anh Thư nói.
– Xem ra ông phó này gầy yếu lắm – Cụ Thắng phàn nàn.
– Tôi nói thật là cậu ấy vất vả quá nên mảnh khảnh thế thôi, đảm bảo với cụ là làm rất tốt.
– Thôi được, ông sẽ làm ở C500. Chủ yếu là phần lý lịch các ông phải cam đoan với tôi là không bị khúc mắc gì.
– Cụ cứ yên tâm, tôi xin cam đoan – Anh Thư bắt tay cụ Thắng, nói.
Anh Thư lại đèo tôi về ô chợ dừa. Anh nói:
– Cứ thật thà như cậu là hỏng việc. Xã hội này muốn sống phải biết nói phét.
Chị Hoa và anh Hoàng rất cảm kích cử chỉ hào hiệp, nhiệt tình của anh Thư. Riêng tôi, cử chỉ của anh ấy là một công ơn. Nhờ hành động nghĩa hiệp ấy, tôi có việc làm ngay để kiếm sống, không lệ thuộc vào miếng ăn của gia đình chị. Sáng thứ hai, ngày mùng một tháng ba, tôi đi tàu điện vào Thanh xuân. Lúc 7h45 cụ Thắng ra đón và dẫn tôi vào nơi làm việc. Nhóm mộc có ba người, trong đó có hai người bốn nhăm, năm mươi tuổi và một cậu còn trẻ. Người đeo kính cận nói với cụ Thắng:
– Người gầy yếu như một tàu lá úa thế này làm được gì?
– Ông cứ phân công làm mọi việc, nếu ông ấy không làm được, tôi sẽ cho nghỉ.
Cụ Thắng về, ông đeo kính cận tự giới thiệu tên mình là Sang, nhóm trưởng. Ông ta phân công tôi sửa lại mái hắt để lợp ngói, tôi làm đến trưa thì hoàn chỉnh. Ông ta nói:
– Ông thợ này gầy yếu mà làm nhanh đáo để.
Đến chiều, ông nhóm trưởng bảo tôi bào rãnh cửa panô cùng với người thợ trẻ. Tôi nói:
– Tôi làm một mình cũng được.
– Tôi sợ gió to là thổi ông bay – Ông ta nhìn tôi, cười nửa miệng mỉa mai, nói:
– Một mình ông sao mà đẩy nổi?
– Bác cứ yên tâm, tôi làm được.
– Được, tôi phân công cậu trẻ làm việc khác. Nếu không làm được, cậu đừng có kêu ca gì đấy nhé?
– Nhất trí – Tôi trả lời.
Thấy tôi làm không có vẻ gì nặng nhọc, ông nhóm trưởng khen:
– Giỏi đấy, tớ cứ tưởng là... Bọn tớ phải hai người làm.
– Có gì đâu, biết mình yếu nên phải nghĩ ra cách làm để giảm bớt lực.
Cái ấn tượng xấu về cơ thể tàn tạ của tôi trong ngày đầu đã được xua tan. Tôi cảm thấy yên tâm nhưng vô cùng mệt mỏi, đêm hôm ấy tôi ngủ say như chết. Vài ngày sau ông nhóm trưởng nói:
– Chúng tớ cứ đoán với nhau, có thể cậu đi cải tạo về phải không?
– Các bác đoán sai rồi – Tôi thản nhiên nói dối – Tôi bị suy nhược thần kinh.
– Tại sao cậu không chữa và bồi dưỡng?
– Do nhà nghèo thôi.
– Mới được vài ngày, bọn tớ đã có cảm tình với cậu. Chỉ sợ cậu đi tù mà bọn tớ quan hệ là phiền lắm đấy, mất việc làm ngay.
– Các ông này cứ nói dông dài mãi – ông thợ mộc kia phản đối – phần lý lịch của từng người, cụ Thắng phải chịu trách nhiệm với bộ rồi. Cậu ấy có đi tù về cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bọn mình.
– Ông chẳng biết gì xã hội ngày nay cả. Ngày xưa có câu, một người làm quan cả họ được nhờ, còn ngày nay, một người mắc tội, cả họ bị liên quan. Tôi hỏi ông, nếu cậu Tâm đi tù vì tội phản cách mạng, chúng mình không biết cứ quan hệ, cơ quan an ninh có bỏ qua không, hay phải nghỉ việc mà lên đồn, xuống phủ?
– Ông lo xa quá đấy. Thằng cùng đinh đi làm thuê để kiếm miếng ăn khốn khó hằng ngày chứ quan chức gì mà sợ?
– Chẳng lo xa đâu ông ạ. Mình là dân lao động làm thuê để kiếm miếng ăn từng bữa là lo gần. Người ta lo cả sống lẫn chết mới là lo xa. Chẳng hạn hàng trăm ông cán bộ trung ương lo qua đời có được quốc tang không, có được nhập tịch ở nghĩa trang Mai dịch không? Còn mình lo chiều nay có gạo, mỳ cho vào niêu không?
– Cậu Tâm thông cảm nhé, ông nhóm trưởng đôi khi chập mạch, chính trị hoá bầu không khí nơi làm việc cho đỡ buồn thôi. Chúng tôi chẳng có bụng dạ nào đâu.
Một tuần sau, cả nhóm mộc đến làm ở 16 Trần bình Trọng. Người phụ trách xây dựng là đại uý Hải, đứng trước hơn hai chục người vừa thợ nề, vừa thợ mộc, hắn nói:
– Chúng tôi tin tưởng cụ Thắng chọn vào đây làm những người thuộc thành phần tốt, nếu sai cụ Thắng phải chịu trách nhiệm với chúng tôi. Chúng tôi chịu khuyết điểm với bộ – Cơ quan đầu não chuyên chính kẻ thù và trị an xã hội. Ngay cán bộ ở đây không phải đi đến cục nào cũng được nếu không có giấy liên hệ công tác. Trong khi đó, mấy bác thợ mộc đi mọi nơi, mọi chỗ không bị hạn chế gì. Không may lọt một tên phản cách mạng vào đây, cụ Thắng đã đành, chúng tôi cũng phải chịu tội với đảng...
Đang nghe đại uý Hải nói, tôi chợt nhìn sang hành lang phòng bên phải, một thiếu uý đang chăm chú nhìn tôi, làm tôi giật mình nhận ra, đó là thiếu uý Hà Xuân Chí. Năm 1966, Chí mới là hạ sĩ. Tháng sáu năm ấy, từ trại A tôi chuyển vào trại B An Thịnh. Chỉ có một cái quần dài mà phải trèo đèo, lội suối, len lách qua rừng cây, tay bị khoá nên tôi xin tên vũ trang dẫn giải, cởi chiếc quần dài vắt lên vai. Đến trại B, khi được tháo khoá tay, chưa kịp mặc quần dài thì hạ sĩ Hà Xuân Chí đến, hắn hỏi:
– Anh kia họ, tên gì?
– Nguyễn Tâm – Tôi trả lời, tư thế không được nghiêm trang.
– Gặp và trả lời cán bộ, thái độ phải nghiêm túc, nghe chưa? – Chí quát.
– Các ông muốn hỏi, tại sao không cho tôi thời gian chuẩn bị?
– Im! Còn ngoan cố à? – Chí quát to hơn.
Không nói gì thêm nhưng tôi trừng mắt nhìn thẳng vào mặt hắn tỏ vẻ khinh bỉ.
– Láo xược – Hắn nói nhỏ rồi bỏ đi.
Sau đó, hắn chuyển đi đâu không rõ. Đến nay tôi tình cờ lại gặp hắn. Như một phản xạ vô điều kiện, tôi liền quay chỗ khác để giấu mặt. Hắn thong thả bước đến chỗ tôi và hỏi nhỏ:
– Anh được về bao giờ?
– Cuối tháng trước, thưa ông!
– Anh này lạ nhỉ, sao lại gọi là ông, tôi ngang tuổi anh thôi mà?
– Xin lỗi, mười một năm qua, tôi đã trở thành một thói quen.
– Anh làm mộc à?
– Vâng!
Hắn mỉm cười rồi bỏ đi. Tôi cứ đinh ninh là hắn sẽ nói với đại uý Hải, tôi sẽ mất việc làm nhưng việc đó đã không xảy ra. Tôi cũng hiểu, Chí không nói không phải hắn bỏ rơi một nỗi niềm đồng cảm dành cho một tên tù phản cách mạng. Vì hắn biết rằng, tôi vào đây lao động để kiếm sống không một mảy may nguy hại cho cách mạng. Nếu hắn tố cáo tôi, chỉ chứng tỏ hắn nhỏ nhen, cố chấp. Tuy nhiên tính cách kẻ cả sẽ tạo cho hắn leo nhanh trên các bậc thang địa vị, trở thành một quan Cộng sản có chức, có quyền. Một tên tướng cướp uống máu người không tanh thường không ăn cắp vặt.
Một tuần sau đó, lại một sự kiện đến. Tôi đang sửa một mái hắt cho nhà riêng tên trung tá trên tầng ba trong cơ quan bộ, xuống sân vác cuộn giấy dầu, cách xa khoảng năm chục mét, tôi thoáng thấy Hồ sĩ Tưởng. Hắn mặc quân phục màu xanh của công an vũ trang, đeo lon thượng uý. Bốn năm rưỡi ở trại An Thịnh hắn theo sát tôi như cảnh sát trưởng Javert theo dõi ông Janvaljan. Tôi vội vã lên gác. Có lẽ phát hiện ra tôi nên hắn phăng phăng tiến lại chỗ tôi vừa đứng. Tưởng đưa mắt sắc như dao đảo mấy vòng trên cầu thang, không thấy tôi đâu, hắn lại bỏ đi chỗ khác. Nấp trên gác ba nhìn xuống, tôi thấy khuôn mặt và cặp mắt Tưởng vẫn hung tợn như xưa. Hắn không dám lên gác vì đây là nhà riêng của người cấp cao hơn mình. Vả lại, Tưởng cũng tin cơ quan tối cao của nền chuyên chính vô sản không thể có một tên tù phản cách mạng bước chân vào. Vì thế, có lẽ Tưởng cho rằng, hắn đã nhìn nhầm.
Ba giờ chiều hôm sau, ông chủ nhà – tên trung tá gọi:
– Các bác vào nhà nghỉ ngơi uống nước.
Chúng tôi nói nhỏ với nhau:
– Mấy ngày chỉ có nước lã đun sôi để ngoài sân. Hôm nay ông chủ tử tế đây!
Chúng tôi bước vào nhà, thoáng thấy mặt ông chủ buồn phiền, trên bàn không có cốc chén gì cả. Ông chủ bảo:
– Các bác ngồi tất cả vào ghế.
Chờ chúng tôi an toạ, ông chủ tiếp:
– Tôi đang làm việc trong văn phòng, có người nhà vừa báo, một khẩu AR15 và hơn một trăm viên đạn phơi trên sân thượng bị mất. Vậy bác nào có giấu đi nên mang trả lại ngay. Nếu không, buộc tôi phải báo cáo bảo vệ cơ quan khám xét.
Chúng tôi đều tái mặt hoảng sợ, ngơ ngác nhìn nhau. Tôi thoáng nghĩ, súng ở đây thì mất sao được, nhưng do sự nhầm lẫn nào đó, tôi là người đầu tiên chịu tai bay vạ gió. Tôi nói:
– Chúng tôi khi vào, khi ra cổng đều có người khám xét, chẳng ai mắc bệnh tâm thần mà lấy trộm súng ở chỗ này. Tôi yêu cầu bác cứ gọi bảo vệ lên khám xét ngay.
– Chúng tôi nhất trí – Cả tốp thợ hưởng ứng.
– Được, tôi sẽ làm theo yêu cầu của các bác – Nói xong, ông chủ vào nhà trong gọi điện thoại. Mười phút sau, hai công an đeo băng đỏ đến. Một tên nói:
– Thưa trung tá, chúng tôi thi hành nhiệm vụ ngay chứ ạ?
– Các đồng chí bắt đầu đi – Tên trung tá ra lệnh.
Hai tên tìm kiếm, lục soát mọi thứ ở ngoài, trên sân thượng. Sau đó đến những túi đồ của chúng tôi, cuối cùng chúng bắt từng người đứng lên để nắn quần áo. Chẳng thấy gì, một tên ra lệnh:
– Từ giờ phút này, các anh không được đi đâu, phải ngồi gọn vào một chỗ để chờ lệnh của chúng tôi.
– Đến 4h30, hết giờ làm việc thì sao? – Tôi hỏi.
– Cứ chờ ở đây.
Tôi biết, khi hết giờ nếu không thấy súng chúng sẽ bắt giam cả bọn và liên lạc bằng điện thoại về nơi ở của từng người. Dù có tìm thấy súng hay không, hậu quả tôi vẫn phải chịu là mất việc làm.
Cả tốp thợ ngồi trước cửa nhà tên trung tá im lặng chờ đợi, nét mặt ai cũng tỏ ra lo sợ. Thời gian cứ ì ạch giẫm chân tại chỗ. Tiếng tích tắc của chiếc quả lắc đồng hồ đều đều chậm chạp. 4h15 – 4h30 – 4h45, từng khoảng thời gian nặng nề dài dằng dặc. Đối với người đang chờ đợi, sự vận động của thời gian hình như cũng mắc sai lầm. Đến 4h50, tiếng chân bước mạnh từ cầu thang đi lên làm tim tôi đập mạnh. Một tên trung uý trẻ vai đeo xắc cốt, tay xách khẩu AR15 xuất hiện làm cả bon thợ thở phào nhẹ nhõm. Tên trung tá từ trong nhà lật đật chạy ra hỏi:
– Anh mang súng đi à?
– Vâng, con mang đi tập bắn.
– Sao anh không nói với ai?
– Thuộc gia đình mình quản lý, nếu không phải bố dùng thì là con. Nó chạy đi đâu mà cần phải báo?
– Mọi ngày khác, mấy hôm nay nhà ta có thợ đến làm, nếu bị thất thoát thì sao?
Tên trung tá ngoảnh lại nói với chúng tôi:
– Xin lỗi các bác, chúng tôi đã sơ suất, nhầm lẫn.
– Cứ vài lần nhầm lẫn của bác, chắc rằng có người phải mắc bệnh tâm thần hoặc tai vạ. – Tôi nói.
– Anh nói thế buộc tôi phải nói thật cho anh biết. Anh hoặc người khác có mắc bệnh tâm thần không quan trọng bằng vũ khí lọt vào tay bọn phản động – Tên trung tá nhìn thẳng vào mặt tôi nói – đảng luôn đề cao cảnh giác.
– Bác ạ, vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – Ông nhóm trưởng nói – Tôi thiển nghĩ, chẳng có tên phản động nào lại dại dột mà gây hấn với đảng lúc này.
– Các bác không biết đâu. Bọn phản động phải có cơ hội chúng mới chống phá chứ.
– Quá giờ rồi, chúng tôi về được chưa? – Ông nhóm trưởng hỏi.
– Anh đã nói với bảo vệ chưa? – Tên trung tá hỏi con.
– Tôi dẫn các bác ra ngoài – Tên trung uý nói.
Chúng tôi lần lượt theo tên thiếu uý ra bốt gác.
Trên đường về, tôi ngẫm nghĩ, phải tìm nơi khác kiếm sống. Nếu cứ làm ở chỗ này, tai vạ có ngày.
Chiều ngày 16 – 3, tôi được tạm ứng tiền nửa tháng đầu, mỗi công năm đồng, tổng cộng sáu mươi đồng. Chị Hoa lấy tiền ăn của tôi mỗi tháng ba mươi đồng, tôi trả tiền ăn ba ngày cuối tháng hai nhưng chị cho. Tối hôm đó tôi đưa ba cháu lớn ra quán gió, công viên Lénine uống cà phê và ăn bánh ngọt. Tôi tự hỏi, tại sao không đặt tên công viên là Lý thường Kiệt, Trần hưng Đạo, Nguyễn Trãi hay tên một vị anh hùng dân tộc khác? Và tự trả lời, Cộng sản làm gì có tổ quốc và dân tộc. Chúng đã rước thứ chủ nghĩa ngoại lai về giày xéo lên giang sơn, đất nước. Một tổ quốc đau thương thấm đầy máu sẽ lần lượt mang tên gọi của lũ vô thần.
Riêng cháu Sang còn nhỏ, tôi cho cháu hai đồng. Còn lại vài chục đồng, tôi sắm một bộ quần áo rẻ tiền để có đi chơi đâu thì mặc.
Một buổi tối, sau bữa cơm, anh Hoàng lấy trong túi ra ba gói kẹo và hai gói thuốc lá Tam đảo. Anh hỏi chị Hoa:
– Kẹo hai đồng một gói, nếu mình cho chúng nó ăn thì trả tiền đây?
– Anh mua căng tin có chín hào, anh ăn lãi gì nhiều thế? Tôi trả đồng rưỡi.
– Đúng giá hai đồng, nếu thấp hơn tôi mang ra hàng nước.
– Bố ơi, bố để vốn cho con gói Tam đảo nhé? – Thằng Biển nhìn thấy gói thuốc lá, năn nỉ.
– Không được, chín hào rưỡi cũng không bán – Anh Hoàng vừa nói, vừa xếp kẹo và thuốc lá vào túi.
– Mẹ ơi, mua kẹo của bố cho con ăn đi, mẹ. – Thằng Sang từ ngoài đường về, nũng nịu.
– Bố mày bán đắt lắm, mẹ không có tiền mua.
Anh Hoàng cũng không nói thêm gì, mang kẹo và thuốc lá ra ngoài hàng nước bán.
Chị Hoa, thằng Biển, thằng Sang lại nói chuyện với nhau vui vẻ. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên và tủm tỉm cười, chị Hoa phân bua:
– Chuyện như thế, nhà này thường xảy ra. Biết tính keo kiệt của anh ấy nên cũng chẳng ai chấp.
– Mẹ ơi, hôm nọ con bắt được gói kẹo ăn dở giắt trên mái nhà – Sang nói – nhưng kẹo đã chảy thành nước, mốc xanh lên, con ném vào sọt rác.
– Đấy cậu xem, tôi mua cho các cháu ăn, còn lại y như anh ấy giấu đi rồi lại quên.
Một hôm bà mẹ chồng chị Hoa ở ngõ Văn chương đến chơi. Bà hỏi Sang:
– Tối qua, bà gửi bố cháu cho cháu hai hào, cháu đã lấy chưa?
– Tại sao bà cho, bố không trả con?
– Tao cất đi rồi để lúc khác.
– Ứ, bố phải trả con ngay – Thằng Sang xông lại, giằng co với bố. Hai bố con to tiếng với nhau ầm cả xóm. Anh Hoàng gỡ tay con ra rồi vội vàng rảo bước ra ngoài. Thằng Sang nằm lăn ra đất, kêu la bắt vạ.
– Sang đứng dậy, bà cho hai hào khác.
Thằng Sang có tiền lại đi chơi.
– Cậu đừng để ý tính của anh Hoàng – Bà mẹ chồng chị Hoa nói – Khổ, tính bủn xỉn của anh ấy có từ ngày còn nhỏ. Khi anh ấy đến thăm tôi, tôi gửi cho cháu Sang hai hào, anh ấy không được tiền cũng xị mặt ra.
– Vâng, thưa bà! – Tôi trả lời và chìm đắm trong nỗi suy tư. Hôm tôi rủ các cháu ra công viên, về thấy mặt anh Hoàng cau có không vui. Có lẽ vì tôi không chiều theo tính nhỏ nhen, keo bẩn của anh, nhưng biết làm thế nào trong khi tôi chưa có tiền ăn sáng, nhu cầu của cuộc sống còn trăm thứ bà giằn. Tuy nhiên, tôi biết anh Hoàng sẽ gây sự với tôi.
Một bữa có thịt lợn luộc, anh Hoàng mua rượu uống. Cứ mỗi hớp rượu, anh gắp hai ba miếng thịt để vào bát mình. Đĩa hết thịt thì bát của anh Hoàng có hàng chục miếng. Thằng Sang gắp từ bát bố ra ăn, đưa đũa gắp miếng thứ hai thì anh Hoàng lấy tay bịt miệng bát và quát:
– Không được ăn nữa.
– Ứ ự, sao bố ăn tham thế?
– Con nói thật là bố xấu tính lắm – Thằng Lập nói.
Nó là đứa con trai cả mười tám tuổi, đang học lớp mười. Anh Hoàng cúi mặt xuống ăn, không dám nói lại con một lời. Được thể, chị Hoa chì chiết:
– Không thấy người đàn ông nào tồi tàn như bố mày.
– Bà cũng im mồm đi – Lập trợn mắt quát mẹ và cầm bát thịt của bố đổ ra đĩa.
Cả nhà lặng lẽ ăn cho xong bữa trong bầu không gian ngột ngạt nặng nề. Lập nói năng vũ phu, lỗ mãng. Ngay bố mẹ, nó cũng sẵn sàng văng bậy và chửi tục, không chịu nhún nhường ai. Anh Hoàng và chị Hoa sợ con như sợ cọp. Chị Hoa nói bất cứ chuyện gì, dù đúng hay sai không vừa ý là Lập chặn họng. Xã hội thật lạ lùng, trong nhà bố mẹ sợ con, ngoài đường, người lớn sợ trẻ con, người ngay sợ kẻ gian. Tuy không phải là một quy luật nhưng câu nói: “rau nào sâu ấy”, sai số không nhiều lắm. Tôi không tán thành vài ba nhân vật trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victo Hugo: Vợ chồng Ténardiet không thể có được những đứa con là Éponine và Gavoros. Ngược lại, hạt giống quý rất có thể nảy mầm và phát triển thành cây mang trái đắng khi thổ nghi bị đầu độc.
Gia đình chị Hoa là thực trạng chung của xã hội. Nhân cách còn phụ thuộc vào một bình diện quan trọng là văn hoá. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một cánh đồng cỏ dại mênh mông về đạo đức. Hàng ngày chúng được học, được nghe những lời dối trá ở nhà trường, đài phát thanh, đài truyền hình và báo chí. Mặt khác, chúng lại nhìn thấy cảnh kẻ có quyền ức hiếp dân lành, những hiện tượng trôm cắp, đĩ điếm, lừa đảo giết người, cướp của, hiếp dâm... đang diễn ra mọi nơi, mọi chốn. Hơn nữa, khoa tâm lý học, đạo làm người bị tiêu diệt, những mỹ từ: lương tâm, nhân hậu, nhân ái, bác ái, từ bi, hào hiệp... đều thành tử ngữ. Những sinh ngữ được thịnh hành và phổ biến là đấu tranh, căm thù, lập trường giai cấp và cách mạng... thử hỏi những tâm hồn ngây thơ, trong trắng ấy sao không nhuốm màu hoen ố? Cụ Nguyễn Du có câu:
Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần cũng phong trần như ai.
Tội ác của chế độ CS chẳng những kéo lùi lịch sử lại, đẩy dân tộc đến cảnh khốn cùng, đau thương, lạc hậu mà còn đập phá tan tành những nét tinh hoa của đạo đức và văn hiến.
Cộng sản đã thống nhất tổ quốc nhưng trong từng gia đình, lòng người càng bị phân chia, li tán. Chiến tranh là chết chóc, đau thương và tàn phá. Tuy vậy, hậu quả của nó không nặng nề bằng cuộc chiến về đạo đức và niềm tin do đảng tính – thú tính và sự kích thích hận thù – là thủ phạm. Hàn gắn vết thương chiến tranh có thể kéo dài một vài thập kỷ, còn hồi phục đạo đức và niềm tin của một dân tộc trong hoang tàn, đổ nát phải trải qua hàng trăm năm.

Lần tới, mời các bạn đón đọc: Những kẻ khổ nhục – Kỳ 2
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2008 20:51:27 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9