SIDA * AIDS * HIV
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 73 bài trong đề mục
HongYen 26.11.2005 08:37:13 (permalink)
Nam thanh niên thiếu kiến thức về tình dục an toàn

23:59:16, 24/11/2005

Theo kết quả nghiên cứu "Lượng giá nguy cơ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm thanh niên từ 15 - 24 tuổi" được công bố tại Hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS tổ chức tại TP.HCM từ ngày 24 - 26.11, có khoảng 0,4-1,3% số nam thanh niên được điều tra bị nhiễm HIV.


Tuổi quan hệ tình dục (QHTD) đầu tiên trong nhóm điều tra là từ 19 - 20 tuổi. Nam thanh niên tại các tỉnh phía Nam có QHTD trước hôn nhân cao hơn phía Bắc và cao nhất là tại tỉnh Long An (21,2%). Trung bình, chỉ có từ 30 - 65% nam thanh niên thường xuyên sử dụng bao cao su khi quan hệ với gái mại dâm (GMD), trong khi đó số lần QHTD với GMD là 1,5 - 1,8 lần/tháng, một số nam thanh niên có QHTD với cả GMD và bạn gái. Kết quả nghiên cứu này được thực hiện trên 3.336 thanh niên tại 7 tỉnh trong cả nước cho thấy nam thanh niên còn thiếu kiến thức và hành vi an toàn trong QHTD, một nguy cơ tiềm tàng lan truyền HIV trong nhóm thanh niên.

L.Châu - T.Tùng

http://www2.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2005/11/25/130119.tno
#16
    HongYen 26.11.2005 14:02:39 (permalink)
    #17
      HongYen 12.12.2005 05:54:22 (permalink)
      21 Tháng 11 2005 - Cập nhật 13h20 GMT


      Tỉ lệ nhiễm HIV vẫn cao ở Á châu


      Liên hiệp quốc thúc dục Ấn Độ và Pakistan cần có thêm biện pháp phòng chống HIV


      Cơ quan UNAIDS của Liên hiệp quốc công bố báo cáo thường niên về nổ lực phòng chống HIV/AIDS.
      Con số ca nhiễm mới gia tăng và báo cáo nói rằng mặc dù có tiến bộ tại một số nước nhưng dịch bệnh vẫn vượt quá những cố gắng của thế giới.

      Báo cáo của UNAIDS cho biết tỉ lệ lây nhiễm ở Á châu thấp hơn so với các nước khác.

      Với hơn 8 triệu người nhiễm HIV ở Á châu, tỉ lệ lây nhiễm ở Á châu tuy chậm nhưng vẫn tiếp tục tăng.

      Ngay cả ở Thái Lan, là nước làm rất tốt trong việc phòng chống HIV/AIDS, tình trạng lây nhiễm vẫn nhiều trong một số cộng đồng có nguy cơ cao.

      Đặc biệt có khoảng 45% những người tiêm chích đến chữa trị tại các phòng khám đã nhiễm HIV, và khả năng lây truyền chính là từ đối tượng này.

      Báo cáo năm nay của UNAIDS nhấn mạnh đến mối liên hệ chết người giữa việc tiêm chích ma túy và việc hành nghề mãi dâm ở Á châu.

      Một khảo cứu gần đây ở Trung Quốc cho thấy ít nhất phân nửa số phụ nữ tiêm chích ma túy hành nghề mãi dâm, và một tỉ lệ cao giữa những người đàn ông tiêm chích ma túy thường xuyên đi mua dâm.

      Một khảo cứu ở Surubaya, Indonesia cho thấy 80% đàn ông tiêm chích ma túy mua dâm, và không mấy ai trong số này sử dụng bao cao su.

      Như vậy HIV qua việc sử dụng kim chích không hợp vệ sinh lây qua cho các cô gái mãi dâm rồi các cô truyền cho những khách hàng khác.

      Những người mua dâm bị mắc bệnh mà không biết vô tình truyền HIV cho vợ hoặc tình nhân – tức đưa virút vào cộng đồng - hiện là mối nguy lớn nhất ở Á châu.

      Báo cáo của UNAIDS nói rằng cần có nhiều nỗ lực hơn nữa đối với các đối tượng có nguy cơ cao và khuyến khích an toàn tình dục.

      Nhưng tại Indonesia, nếu cầm trong tay một cây kim sạch người ta có thể bị cảnh sát bắt giữ vì cho là nghiện ma túy; phụ nữ cầm bao cao su cũng bị bắt vì nghi hành nghề mãi dâm;

      Báo cáo của UNAIDS nói rằng những thái độ như vậy khiến cho HIV lây lan.

      Liên hiệp quốc cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng chống ở Ấn Độ và Pakistan nếu không muốn dịch phát tán nghiêm trọng.

      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/11/051121_unaidsreport.shtml

      #18
        HongYen 15.12.2005 15:19:15 (permalink)
        Trẻ em và vấn nạn HIV


        UNICEF nói trẻ em là khuôn mặt thiếu vắng trong chiến dịch phòng chống HIV/AIDS của các nước


        UNICEF cho biết mỗi ngày trên thế giới có 1.400 trẻ em chết vì những bệnh có liên quan tới AIDS, nhưng chỉ có dưới 5% trong số các em bị dương tính được điều trị.
        Các nơi bắt đầu nhận ra sự thiếu vắng của khuôn mặt trẻ thơ trong chương trình, kế hoạch phòng chống HIV/AIDS. Ở Việt Nam thì sao?

        Theo một báo cáo của UNICEF ra năm 2003, ở Việt Nam có 300.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi AIDS, tức nhiễm HIV, trở nên mồ côi hoặc bị chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.

        Giáo dục nâng cao hiểu biết của công chúng vẫn là một thách thức lớn tại nhiều nơi. Làm sao để những người lớn có HIV không bị kỳ thị phân biệt đã khó, đối với trẻ em càng khó hơn vì chúng bị cả người lớn lẫn trẻ trang lứa xa lánh.


        Trẻ em và vấn nạn HIV

        Chúng ta có thể làm được gì? Tham gia thảo luận trong chương trình Tư Duy Thế Kỷ tuần này có Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên (Úc), chuyên gia về y tế cộng đồng - ông Trần Tiến Đức (Hà Nội), giám đốc dự án Policy của Hoa Kỳ hổ trợ cho Việt Nam trong chính sách phòng chống HIV/AIDS - và chị Nguyễn Thị Vinh (Tp HCM), trưởng toán thiện nguyện Tiếng Vọng, người trực tiếp giúp các bệnh nhân tại nhà.

        Theo báo cáo 2005 của UNAIDS con số ca nhiễm mới trên thế giới tiếp tục gia tăng và báo cáo nói rằng mặc dù có tiến bộ tại một số nước nhưng dịch bệnh vẫn vượt quá những cố gắng của thế giới.

        Tư Duy Thế Kỷ phát về Việt Nam trên làn sóng ngắn 25, 41 và 49 mét vào buổi sáng Chủ Nhật hàng tuần, 6-7 giờ sáng giờ Việt Nam, sau đó được lập lại vào sáng thứ Năm

        http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2005/12/agenda_week50aids.shtml
        #19
          HongYen 26.12.2005 13:21:08 (permalink)
          23 Tháng 12 2005 - Cập nhật 20h48 GMT

          Nigeria phát thuốc AIDS miễn phí


          Nhiều người Nigeria không được uống thuốc vì thiếu nguồn tài chính


          Một quan chức y tế của Nigeria cho biết chính phủ nước này sẽ bắt đầu cấp thuốc điều trị bệnh AIDS miễn phí trong vòng hai tuần tới.
          Bác sĩ Abdulsalami Nasidi nói với đài BBC rằng chính phủ dự định đưa 250.000 vào chương trình uống thuốc này trong vòng một năm tới.

          Sau Ấn độ và Nam Phi, Nigeria là nước có nhiều người nhiễm HIV nhất - với 4 triệu người.

          Nigeria đã có hành động sau khi bị chỉ trích rằng chính phủ nước này buộc bệnh nhân AIDS phải thanh toán tiền thuốc trong khi chính phủ được cấp thuốc đó miễn phí.

          Dự án phát thuốc miễn phí được Global Fund tài trợ 250 triệu đô la nhằm chống AIDS, bệnh lao và sốt rét. Ngoài ra dự án cũng nhận được tiền từ việc Nigoria được xóa nợ nước ngoài.

          Phần tiền còn lại cho dự án được Mỹ cam kết sẽ tài trợ.

          http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/12/051223_nigeria_aids.shtml
          #20
            HongYen 19.01.2006 17:08:47 (permalink)
            Mỹ giúp Việt Nam 35 triệu USD để phòng chống AIDS

            Cập nhật cách đây 5 giờ 8 phút

            Chiều 18/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Marine đã ký kết kế hoạch hành động về chương trình hỗ trợ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho dự án phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2006 - 2008.


            Đây là hoạt động do "Kế hoạch khẩn cấp phòng chống AIDS của Tổng thống Bush (PEPFAR)” hỗ trợ. Theo đó, sẽ xây dựng và thực hiện các chương trình phòng lây nhiễm ở nhóm có hành vi nguy cơ cao; thiết lập các dịch vụ cho người bệnh bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đến năm 2008, chương trình dự kiến sẽ điều trị cho 22.000 người nhiễm bằng thuốc kháng vi-rút; chăm sóc cho 110.000 người bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Chỉ riêng trong năm 2006, PEPFAR sẽ hỗ trợ 35 triệu USD cho các hoạt động này.

            Liên Châu

            http://www2.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2006/1/19/136143.tno
            #21
              HongYen 13.02.2006 22:20:50 (permalink)
              Trung Quốc công bố đường hướng chỉ đạo việc phòng chống AIDS

              12 February 2006


              Trung quốc vừa công bố đường hướng chỉ đạo việc phòng chống và kiểm soát bệnh AIDS.

              Quốc vụ viện Trung quốc cho biết các chính quyền địa phương phải cung cấp miễn phí thuốc chống HIV/AIDS cho các bệnh nhân AIDS ở nông thôn và những bệnh nhân thiếu thốn ở thành phố.

              Các địa phương cũng phải cung cấp sự điều trị và chẩn bệnh miễn phí về việc phòng ngừa lây nhiễm từ người mẹ sang hài nhi cho các phụ nữ mang thai và các phụ nữ vừa mới làm mẹ.

              Các đường hướng chỉ đạo mới còn nói rằng những người mang HIV và bệnh nhân AIDS phải có các biện pháp nhằm ngăn chặn việc lây nhiễm qua người khác và không được cố ý làm lây lan bệnh AIDS bằng bất cứ phương tiện nào.

              Các quy định sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng ba sắp tới.

              Trung quốc có khoảng 650 ngàn người ca bệnh HIV/AIDS được chính thức khai báo vào năm ngoái. Con số này đã giảm so với ước tính của chính phủ trong năm 2003 là 840 ngàn người.

              http://www.voanews.com/vietnamese/2006-02-12-voa23.cfm
              #22
                HongYen 15.02.2006 08:52:02 (permalink)
                AIDS trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong số các bệnh truyền nhiễm ở Trung Quốc

                14 February 2006


                Bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung Quốc

                Tân Hoa Xã của Trung Quốc trích đăng báo cáo của Bộ Y Tế nước này rằng bệnh AIDS nay đã vượt qua bệnh viêm gan siêu vi B, trở thành nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 3 trong số các loại bệnh truyền nhiễm ở Trung Quốc.

                Cũng theo Tân Hoa Xã, 5 loại bệnh gây tử vong nhiều nhất tại Trung Quốc là lao, dại, AIDS, viêm gan siêu vi B và uốn ván ở trẻ sơ sinh.

                Phúc trình này ghi nhận rằng năm ngoái có 13 ngàn người chết vì các căn bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc, cao gấp đôi so với con số của năm trước nữa.

                Phúc trình được phổ biến hôm thứ hai đã không đưa ra con số thống kê bao nhiêu người chết vì mỗi loại bệnh, và cũng không đưa ra giải thích vì sao số người chết lại tăng cao đột ngột như vậy.

                Phúc trình này mâu thuẫn với một báo cáo hồi tháng trước do Liên Hiệp Quốc phối hợp với giới hữu trách Trung Quốc thực hiện, theo đó ước tính riêng bệnh AIDS đã giết chết 25 ngàn người tại nước này trong năm 2005.

                Phúc trình đó cũng cho biết rằng bệnh AIDS đang trên đà gia tăng tại Trung Quốc, riêng năm 2005 đã có thêm 70 ngàn ca lây nhiễm mới.

                http://author.voanews.com/vietnamese/2006-02-14-voa7.cfm
                #23
                  HongYen 14.03.2006 10:29:55 (permalink)
                  Tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam
                  - Báo cáo của phái đoàn Trung Tâm Nghiên Cựu Chiến Lược và Quốc Tế Hoa Kỳ

                  13 March 2006

                  Bấm vào đây để nghe
                  Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để nghe
                  Bấm vào đây để tải xuống


                  Thưa quý thính giả, vào tháng Giêng năm nay, một toán đặc nhiệm HIV-AIDS thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Hoa Kỳ đã trở về nước, sau một chuyến đi thăm Việt Nam kéo dài một tuần lễ, mục đích của sứ mạng này là để thẩm định tình hình bệnh AIDS tại Việt Nam, và thăm dò cách thức phối hợp các nỗ lực chống AIDS quốc tế và tiếp tay với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống HIV- AIDS. Sứ mạng này được sự giúp đỡ của Hội Từ Thiện Bill & Melinda Gates, và do hai thượng nghị sĩ Mỹ bảo trợ: Thượng Nghị Sĩ Richard Lugar thuộc đảng Cộng Hòa và Thượng Nghị Sĩ John Kerry, đảng Dân Chủ.

                  Hôm thứ Năm tại Washington, phái đoàn này đã cho công bố một phúc trình sơ khởi về chuyến tham quan Việt Nam, đồng thời đưa ra một số đề nghị tại một cuộc họp diễn ra tại trụ sở Thượng Viện Hoa Kỳ. Hoài Hương của ban Việt Ngữ có mặt trong buổi họp và tường trình như sau:

                  Phái đoàn Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế do cựu Bộ Trưởng Y Tế Hoa Kỳ, ông Tommy Thompson, dẫn đầu, có mặt tại Việt Nam từ ngày 8 tháng Giêng cho đến ngày 13 tháng Giêng năm 2006.

                  Hiện diện trong phiên họp để báo cáo kết quả chuyến đi Việt Nam, có 3 diễn giả chính, đó là ông Peter Piot, Tổng Giám Đốc Cơ Quan chống AIDS Liên Hiệp Quốc, cựu Bộ Trưởng Y Tế Hoa Kỳ Tommy Thompson trong vai trò chủ tịch phái đoàn Mỹ, và ông Stephen Morrison, Giám Đốc toán đặc nhiệm Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế.

                  Mở đầu cuộc họp, Tổng Giám Đốc UNAIDS Peter Piot nhận xét Việt Nam là một nước tiêu biểu cho những phức tạp của dịch bệnh AIDS, nhưng đồng thời Việt Nam cũng cung cấp một cơ hội để có thể chận đứng dịch bệnh AIDS, trước khi nó lây lan đến mức khó có thể kiểm soát.

                  Việt Nam vẫn còn triển vọng có thể ngăn chận một dịch bệnh lan rộng trong công chúng. Đó là một điểm tích cực, thế nhưng Việt Nam cũng tiêu biểu cho những khó khăn và thử thách mà HIV/AIDS đặt ra cho các xã hội tại Châu Á.

                  Theo ông Peter Piot, nói chung bệnh AIDS vẫn bị coi là một tệ nạn xã hội tại Việt Nam và giới có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vẫn bị liệt vào thành phần tội phạm hoặc có hành động bất hợp pháp, như giới chích ma túy và giới hành nghề mại dâm.

                  Tại Việt Nam, sự lãnh đạo của chính quyền là một yếu tố thiết yếu, nhưng theo tôi, tại Hoa Kỳ này, sự lãnh đạo của chính phủ Mỹ cũng vô cùng quan trọng trong công cuộc chống AIDS tại một nước như Việt Nam, xét quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

                  Chủ Tịch phái đoàn CSIS, cựu Bộ Trưởng Y Tế Tommy Thompson nói ông có ấn tượng tốt về Việt Nam liên quan tới nỗ lực chống HIV/AIDS:

                  Riêng về vấn đề HIV/AIDS, tôi có ấn tượng tốt về sự kiện tại cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam, giới lãnh đạo sẵn sàng tham dự, họ muốn làm một điều gì, tuy có lẽ họ chưa biết rõ rệt sẽ làm gì, và làm cách nào, và đôi khi còn có vẻ nghi ngại về HIV/AIDS.

                  Ông Thompson nhận xét tại Việt Nam thái độ kỳ thị đối với người mắc bệnh AIDS vẫn phổ biến và vẫn xảy ra một số hành động vi phạm nhân quyền, mà theo ông, cần phải được sửa đổi:

                  Những người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn bị xa lánh, và có nhiều hành động vi phạm nhân quyền xảy ra, và điều này phải được giải quyết, thế nhưng tôi rất lấy làm ấn tượng về sự kiện Việt Nam có những bác sĩ rất giỏi, một hệ thống y tế tốt, và chính phủ Việt Nam đã bỏ 200 triệu đôla một năm vào lĩnh vực chăm sóc y tế.

                  Theo Bộ Trưởng Thompson, nếu có một nước nơi triển vọng chận đứng dịch bệnh AIDS có thể khả thi, thì đó chính là Việt Nam. Ông giải thích như sau:

                  Nếu có một quốc gia trên thế giới mà chúng ta thực sự có thể kiểm soát được dịch bệnh AIDS, giảm thiểu nguy cơ của nó, và giảm các ca nhiễm HIV/AIDS, thì đó là Việt Nam, với điều kiện chúng ta phải sát cánh và phối hợp với nhau trong cuộc đấu tranh ấy.

                  Ông Stephen Morrison, Giám Đốc Toán Đặc Nhiệm HIV/AIDS của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế cũng đồng ý với ông Thompson, ông Morrison cho rằng Việt Nam phải sửa đổi luật pháp để tránh các trường hợp kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS xảy ra, vì đây, theo ông, là một trong những trở ngại nghiêm trọng trong cuộc đấu tranh chống HIV/AIDS.

                  Kết luận: Từ Việt Nam trở về, Phái đoàn CSIS bày tỏ thái độ tương đối lạc quan về triển vọng có thể kiểm soát được sự lây lan của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Nhưng theo lời các đại diện phái đoàn Hoa Kỳ, thì niềm hy vọng đó, một phần nào cũng bị tác động bởi nhận thức về một số vấn đề nghiêm trọng mà cả Việt Nam lẫn các đối tác quốc tế phải đối đầu, giữa lúc hai bên đang đẩy mạnh các nỗ lực chống HIV/AIDS.

                  Phái đoàn CSIS kết luận rằng muốn chận đứng dịch bệnh này, Việt Nam phải vượt qua được một số chướng ngại nghiêm trọng, như thái độ kỳ thị của xã hội đối với các nạn nhân HIV/AIDS, Việt Nam phải đề xuất một kế hoạch toàn diện để chữa trị và ngăn chận việc sử dụng ma túy, sửa đổi luật pháp để ngăn chận các hành động kỳ thị và bảo đảm quyền riêng tư của các bệnh nhân, đồng thời cải thiện cách chữa trị cho giới chích ma túy bằng những phương pháp thoáng hơn, như cung cấp tiêm chích. Toán đặc nhiệm cảnh giác nếu không hành động, thì các tiến bộ chống HIV/AIDS sẽ khựng lại và dịch HIV/AIDS sẽ tiếp tục lây lan nhanh chóng tại Việt Nam.

                  http://www.voanews.com/vietnamese/2006-03-13-voa16.cfm
                  #24
                    HongYen 23.03.2006 22:21:14 (permalink)
                    22 Tháng 3 2006 - Cập nhật 09h52 GMT

                    Chống AIDS, cần lưu tâm đến trẻ em


                    Theo thống kê chính thức ở VN có khoảng 8.500 trẻ đang sống với HIV/AIDS


                    Các chuyên gia tại một hội nghị khu vực về HIV/AIDS ở Hà Nội nói cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em vì nhu cầu của các em thường bị bỏ quên trong cuộc chiến chống căn bệnh trên toàn cầu.
                    "Mặc dù chúng ta đã có những nỗ lực ấn tượng để chống lại bệnh dịch, nhưng dường như đang bỏ lại một số người đằng sau," ông Hans Troedsson, đại diện của WHO ở Việt Nam, nói.

                    "Nếu có xu hướng bỏ quên trẻ em trong những nỗ lực toàn cầu này, điều đó không chỉ là bất hạnh mà còn không thể chấp nhận."

                    Hội nghị ba ngày ở Hà Nội tập hợp khoảng 250 đại biểu từ các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, chính phủ và tổ chức phi chính phủ.

                    Họ thảo luận các bước cần thiết để hạn chế sự lây lan căn bệnh trong giới trẻ.

                    Đây là lần đầu tiên có một hội nghị cấp cao như thế tại khu vực với ưu tiên dành cho trẻ em.

                    Ước tính 1.5 trẻ em đã mất cha hoặc mẹ vì AIDS tại châu Á Thái Bình Dương, theo con số của UNAIDS.

                    Theo số liệu của năm 2004, còn có 121.000 trẻ em bị nhiễm bệnh.

                    Tại Việt Nam, hiện có khoảng 6.000 câu lạc bộ thanh niên phòng chống AIDS và câu lạc bộ sức khoẻ sinh sản vị thành niên với gần 150.000 hội viên.

                    Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 8.500 trẻ trong độ tuổi từ 0-15 đang sống chung với HIV/AIDS và khoảng 22.000 trẻ mồ côi bởi cha, mẹ mất do AIDS.

                    Hàng năm, có trên 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV chiếm 0,39%; tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%.

                    Tính đến hết tháng 12/2005, tại Việt Nam đã phát hiện trên 104.100 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có gần 17.300 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và có trên 10.00 đã tử vong do AIDS.

                    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/03/060322_aids_children.shtml
                    #25
                      HongYen 31.05.2006 13:15:44 (permalink)
                      30 Tháng 5 2006 - Cập nhật 21h18 GMT

                      Lây nhiễm HIV đang ở đỉnh cao


                      Hai phần ba số người châu Á mắc bệnh AIDS là tại Ấn Độ


                      Một bản phúc trình về bệnh dịch AIDS được công bố hôm qua, thứ Ba, ước tính rằng 38 triệu người trên khắp thế giới hiện đang mang vi rút HIV.
                      Bản phúc trình đưa ra một ước tính được nói rằng là toàn diện nhất từ trước tới này về các nước khác nhau đang chịu những ảnh hưởng của bệnh AIDS như thế nào.

                      Mặc dù tỉ lệ nhiễm bệnh đang giảm dần do mức tăng dân số và nhiều người nhiễm bệnh sống lâu hơn nhờ các loại thuốc mới, nhưng thực sự con số người nhiễm bệnh lên cao nhất từ trước tới nay.

                      Bản phúc trình được công bố ngay trước khi diễn ra một hội nghị quan trọng tại LHQ mà tại đây các lãnh tụ thế giới sẽ phải cho biết họ sẽ làm gì để tài trợ cho những cam kết của họ trong việc phòng chống AIDS.

                      Trong một phần tư thế kỷ kể từ khi những trường hợp nhiễm bệnh AIDS đầu tiên được biết đến tại Hoa Kỳ, 25 triệu người đã chết vì căn bệnh này và ngày nay gần 40 triệu người trên khắp thế giới đang nhiễm vi rút HIV, một nửa trong số này là phụ nữ.

                      Bản phúc trình này của UNAIDS cho thấy vùng tiểu Sahara vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.

                      Quốc gia bị ảnh hưởng nhất là nước Swaziland bé nhỏ nơi một phần ba người lớn bị nhiễm vi rút HIV.

                      Tuy nhiên Kenya và Zimbabwe được báo cáo là con số nhiễm HIV tại đây đã có giảm bớt.

                      Nam Phi vẫn là nước có số người nhiễm HIV cao nhất trong vùng. 5.5 triệu người lớn mang vi rút HIV.

                      Tại châu Á, AIDS đang lan rộng tại Ấn Độ, phần lớn là do quan hệ tình dục nam nữ không dùng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

                      Campuchia và Thái Lan đã giảm tỉ lệ nhiễm bệnh nhưng UNAIDS cho biết Việt Nam, Indonesia và Papua New Guinea đang là những điểm đáng lo ngại.

                      Việc sử dụng ma túy đang là nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng người nhiễm AIDS tại Nga và Ukraina.

                      Làm thế nào để ngăn chặn sự lan tràn của HIV là một vấn đề các lãnh tụ thế giới phải đối mặt. Họ sẽ tới LHQ để dự một hội nghị bắt đầu hôm nay.

                      Ông Peter Piot, người đứng đầu UNAIDS, cho biết không có được một giải pháp dễ dàng cho các nước như Nam Phi vì đây là một vấn đề rất phức tạp.

                      Theo ông Piot, nó cho thấy rằng một vài hoạt động như tung ra hàng loạt bao cao su cho dân chúng hay dựng lên những tấm biển với hàng chữ rằng "Bệnh AIDS gây chết người" sẽ là không đủ mà cần phải có một thay đổi căn bản về các giá trị văn hóa và môi trường trong xã hội.

                      Một nửa trong số 126 quốc gia được khảo sát cho bản phúc trình của UNAIDS cho thấy có những chính sách khiến khó có thể ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV, như theo các chính sách này thì đồng tính luyến ái là bất hợp pháp hay không cho các tù nhân dùng bao cao su hay dùng kim tiêm sạch khi tiêm thuốc.

                      Khi các chính trị gia sẽ đưa ra các tuyên bố chính thức của họ vào thứ Sáu tới đây, họ sẽ phải tìm được những lời lẽ mà tất cả mọi quốc gia có thể đồng ý ký kết.

                      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2006/05/060530_unaidsreport.shtml

                      #26
                        HongYen 04.06.2006 12:01:01 (permalink)
                        Hoa Kỳ sẽ cung cấp 34 triệu đôla cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong năm 2006

                        01 June 2006

                        Hoa Kỳ sẽ cung cấp 34 triệu đô la để hỗ trợ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong năm 2006.

                        Bản tin hôm thứ năm của Tân hoa xã trích thuật tin tức báo chí Việt Nam nói rằng Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông John Boardman, đã cho biết như thế hôm thứ tư tại lễ phát động chiến dịch tình nguyện thử nghiệm và tư vấn về HIV/AIDS.

                        Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Á Châu tham gia một kế hoạch toàn cầu phòng chống dịch HIV/AIDS do tổng thống Bush đề xuất.


                        Biểu đồ về sự lây nhiễm AIDS trên thế giới


                        Các số liệu do Bộ Y tế Việt Nam công bố cho thấy trong năm ngoái Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 12,700 ca lây nhiễm HIV.

                        Giới hữu trách ở đây ước tính rằng vào đầu năm nay Việt Nam có khoảng 260,000 người bị nhiễm vi rút gây bệnh AIDS.


                        http://www.voanews.com/vietnamese/2006-06-01-voa8.cfm
                        #27
                          HongYen 11.06.2006 13:18:29 (permalink)
                          AIDS: 25 năm sau

                          06 June 2006


                          25 năm trước, trong một phúc trình hàng tuần về bệnh tật và tử vong, Trung Tâm Ngăn Ngừa và Kiểm Soát Bệnh của Hoa Kỳ lần đầu tiên đã nhận diện được một chứng bệnh đang giết hại những người đàn ông đồng tính trong khu vực thành phố Los Angeles, bang California của Hoa Kỳ.

                          Chẳng bao lâu chứng bệnh đó được mọi người biết dưới tên gọi là AIDS, và nó đã hoành hành trên khắp thế giới, lấy đi mạng sống của nhiều người, bất kể khuynh hướng về dục tính, tuổi tác, giới tính và quốc tịch. Các khoa học gia tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu về siêu vi HIV, loại vi rút gây bệnh AIDS. Tuy nhiên với 25 triệu nạn nhân trên toàn thế giới đã nộp mạng cho tử thần vì chứng bệnh này kể từ năm 1981 đến nay, những người cổ võ cho việc phòng chống AIDS nói rằng con đường đi đến chỗ tìm ra được một phương cách để chế ngự hữu hiệu dịch bệnh này vẫn còn rất dài. Mời quí vị nghe bài tường trình sau đây của Jan Sluzer.

                          Cho đến năm 1985 khi nhà tranh đấu chính trị Cleve Jones được chẩn đoán mang vi rút HIV, thì ông đã mất hàng chục người bạn vì chứng bệnh bí hiểm mang tên là “ung thư của những người đồng tính luyến ái nam”.

                          Ông bỏ việc làm cho chính phủ và dọn về quê nhà ở thành phố San Francisco., để hoạt động cho điều ông gọi là “những nỗ lực đầu tiên trên thế giới để tổ chức việc phòng chống chứng bệnh mới này”. Ông nhớ lại lúc đó là một khoảng thời gian kinh hoàng.

                          Lúc đó chẳng có thông tin gì về bệnh này cả, mọi người( trong giới đồng tính ) đều khiếp sợ và đa nghi hơn Tào Tháo,họ nghĩ phải chăng là chính phủ đã gây ra chuyện này cho chúng tôi hay không ? Đây có phải là âm mưu gì của CIA nhắm vào chúng tôi hay không? Thôi thì đủ mọi suy đoán điên khùng và hầu hết đều là sợ hãi.

                          Những nỗi sợ hãi về việc có bàn tay của chính phủ đang âm mưu nhắm vào giới đồng tính luyến ái chẳng bao lâu đã được hóa giải sau khi các bác sỹ biết được thêm nhiều chi tiết về loại vi rút gây ra chứng bệnh mới này.

                          Những ca bệnh đầu tiên đều chìm trong bức màn bí ẩn, gây khiếp sợ và bị qui cho đủ mọi thứ xấu xa và luôn luôn đưa đến tử vong.

                          Bác sỹ Volberding đã khám nghiệm các bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh AIDS tại San Francisco và từ đó cho đến nay ông vẫn là một trong người đi tiên phong trong cuộc nghiên cứu về chứng bệnh này. Theo bác sỹ Volberding thì trải qua 25 năm, AIDS đã trở thành một chứng bệnh kinh niên có thể điều trị được. Với những chương trình xét nghiệm được đem áp dụng, thêm nhiều người biết được rằng họ bị lây loại vi rút này nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Với những thứ thuốc mới, vi rút HIV có thể được chế ngự và giúp cho người bệnh có được đời sống khỏe mạnh, bình thường.

                          Những thuốc men mà chúng ta có được ngày nay thực sự giúp ích rất nhiều và khá tiện dụng; chúng ta đã ra khỏi thời kỳ mà bệnh nhân phải dùng những liều lượng thật cao của một loaị thuốc đặc trị nào đó gây ra rất nhiều phản ứng phụ cho bệnh nhân như chúng ta đã chứng kiến vào giai đoạn khởi đầu. Nhưng chúng ta vẫn liên tục cần đến những loại thuốc mới vì, tôi xin nhắc lại một lần nữa, loại vi rút này biến thái rất nhanh.

                          Bác sỹ Volberding cho hay một trong những bài học mà cộng đồng y học đã lãnh hội được trong 25 năm qua là giá trị của việc cộng tác với các nhóm bệnh nhân và các tổ chức cộng đồng. Một trong những tổ chức đó là viện tiếp nhận người bệnh AIDS có tên là Maitri. Viện này được thành lập năm 1984 khi một nhóm những phật tử tu tập theo phương pháp thiền đã mở cửa nơi tu học của họ để đón nhận 8 bệnh nhân bệnh AIDS bị gia đình, chủ nhà và người thuê chung phòng của họ ruồng bỏ. Ngày nay nơi này đã được mở rộng hơn trong một căn nhà kiểu Victoria được tân trang với 15 giường bệnh và có một ban nhân viên với một ít người và những tình nguyện viên đến giúp quản trị.

                          Trước hết chỗ này coi như là một mái nhà cho họ nương tựa, và sau là một phương tiện chăm sóc cho họ. Và điều tế nhị này thực sự đã tạo nên sự khác biệt mà tôi nhận thấy được, hiểu theo nghĩa là người bệnh cảm thấy được chăm sóc vào những ngày tháng cuối của cuộc đời.

                          Cựu giám đốc chấp hành Bill Musick của cơ sở tiếp nhận bệnh nhân Mairi nói rắng người bệnh nặng tìm đến Mairi ví họ biết rằng họ sẽ được chăm sóc tử tế cho đến lúc lâm chung.

                          Một trong những câu ngạn ngữ của viện tiếp dưỡng này là "không ai phải chết trong cô đơn", và chúng tôi phải biết chắc rằng điều đó không xảy ra nơi viện tiếp dưỡng này. Đó là điều thực sự tạo cho chúng tôi uy tín, một sứ mạng mang đầy tính nhân ái, và đức từ bi là tôn chỉ của viện tiếp đưỡng Maitri.

                          Lòng từ bi dành cho bệnh nhân vaò những năm đầu khi dịch bệnh mới xuất hiện rất thiếu thốn. Những người đồng tính luyến ái nam chết vì bệnh thường không được một chút thương cảm gì từ lớp người thường trung bình ở Mỹ. Nhưng ông Cleve Jones đã tìm cách để chứng tỏ cho thế giới biết là bệnh AIDS ảnh hưởng đến tất cả mọi người ra sao qua điều được gọi là một dự án nghệ thuật cộng đồng. Tại một cuộc mít tinh lớn trong đêm thắp nến canh thức, Ông đưa ra sáng kiến may một tấm tranh lớn trên có thêu tên hàng trăm người thân và bè bạn đã chết vì bệnh AIDS của những người đến tham dự.

                          Khi nhìn thấy tấm tranh vải này tôi tự nhủ” trông nó giống như một tấm khăn trải giường thật đẹp mà bà nội và bà cố tôi từng may cho tôi vậy. Tôi chợt nghĩ “ đây quả thật là một biểu tượng thật đẹp, một tiêu biểu toàn bích cho những giá trị gia đình của giới trung lưu tại nước Mỹ và đó chẳng là điều hay sao khi những giá trị này được đem ra áp dụng vào tấm tranh vải này ?

                          Giờ đây tấm tranh vải này mang tên của hơn 83000 người và nó đã được đưa đến rất nhiều cộng đồng trên thế giới; hơn 15 triệu người đã được xem.

                          Đối với những ai vẫn còn đang sống với bệnh AIDS, ông Jones muốn thấy lòng từ bi từ các công ty dược phẩm, để hạ giá thuốc chữa bệnh AIDS xuống.

                          Những thứ thuốc giúp cho tôi còn sống đến ngày nay ở Mỹ vào khoảng 2400 đô la một tháng. Cũng những thứ thuốc tượng tự, tức là thuốc phiên bản nếu được sản xuất thì giá chỉ bằng một phần rất nhỏ mà thôi. Vì vậy đây là trở ngại lớn nhất trong việc chữa trị cho bệnh nhân ở những phần còn lại trên thế giới.

                          Theo ước tính, hiện nay có chừng 39 triệu người trên toàn thế giới đang mang trong người vi rút HIV hoặc bệnh AIDS. Những người vận động cho cuộc đấu tranh chống bệnh AIDS như ông Cleve Jones hy vọng rằng khi mà những thứ thuốc mới được phát minh, có thêm được ngân quĩ cho cuộc vận động phòng chống và có những chính sách mới được thực thi thì cuối cùng chứng bệnh AIDS sẽ được chế ngự.

                          http://www.voanews.com/vietnamese/2006-06-06-voa11.cfm
                          #28
                            HongYen 11.06.2006 13:21:33 (permalink)
                            AIDs và cộng đồng Á Châu-Thái Bình Dương tại New York

                            07 June 2006



                            Người di dân đến từ 43 nước Châu Á và các hải đảo vùng Thái bình Dương là một thành phần ngày càng đông đảo trong dân cư sinh sống tại thành phố New York. Thành phần này đang phải trực diện với cùng những thử thách mà những người láng giềng của họ phải đối đầu, kể cả nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Nhân dịp 25 năm từ khi phúc trình y khoa đầu tiên báo cáo về bệnh AIDS được công bố, nhiều người trong cộng đồng gốc Châu Á-Thái bình Dương ở New York tỏ ra miễn cưỡng trong việc thừa nhận con số ca lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng trong cộng đồng. Những rào cản văn hóa và ngôn ngữ là những trở ngại đối với nhiều người trong việc tìm hiểu về thực tế của bệnh AIDS để có hành động thích ứng. Thông tín viên Adam Phillips của đài VOA đã đến thăm một tổ chức hoạt động ở khu phố Tàu tại New York để tìm cách giúp đỡ cộng đồng gốc Châu Á -Thái Bình Dương, để gửi về bài tường trình sau đây:

                            Tính ngăn nắp và không gian tĩnh lặng của dưỡng đường APICHA và những văn phòng cuả dưỡng đường này, tương phản rõ rệt với cái ồn ào hỗn tạp của các con đường của khu phố Tàu ở bên ngoài. Liên Hội Châu Á -Thái Bình Dương về HIV/AIDS phục vụ các thành viên của cộng đồng tại New York phải sống trong tình trạng nhiễm HIV.

                            Dựa trên các số liệu mới đây của Bộ Y Tế địa phương, tỷ lệ các ca lây nhiễm mới đang giảm thiểu trong tất cả mọi nhóm chủng tộc hay sắc tộc, ngoại trừ nhóm gốc Châu Á -Thái Bình Dương. Giám Đốc Y Khoa của trung tâm APICHA, ông Victor, nói rằng điều này chứng tỏ tầm quan trọng của công tác giáo dục cộng đồng.

                            Đáng tiếc là virút HIV không kỳ thị một ai. Thế cho nên, nếu có tiếp xúc với virút HIV, chúng ta cũng gặp phải rủi ro y như bất cứ thành phần dân cư nào khác. Chúng ta cần phải gửi đi một thông điệp đến cộng đồng, rằng mặc dù con số không mấy cao, nhưng họ vẫn gặp nguy cơ nhiễm bệnh. Vì lẽ đó, họ phải nhận thức được về hành động của mình, liệu làm như thế có đặt mình vào tình trạng rủi ro bị nhiễm bệnh hay không, dù là giao hợp mà không tự bảo vệ bằng cách sử dụng bao cao su, hoặc trong trường hợp người ấy chỉ có một người bạn tình, họ vẫn phải đề cao cảnh giác, về liệu người bạn tình ấy, dù là nam hay nữ, có tự đặt mình vào hoàn cảnh dễ lây nhiễm HIV, hay không.

                            Nguy cơ này đặc biệt cao đối với phụ nữ gốc Châu Á -Thái Bình Dương. Đa số không biết gì về chứng bệnh này khi còn ở quê nhà, nơi mà có thể chính phủ của họ không thừa nhận sự hiện diện của bệnh AIDS. Sau khi di dân sang Hoa Kỳ, một thành phần đã không được nghe hoặc không có khả năng đọc các tài liệu y tế để tìm hiểu về virút HIV. Và dù cho những phụ nữ này có được nghe về bệnh AIDS đi nữa, họ có khuynh hướng tự coi mình là không thuộc các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.

                            Ông Shu-Hui Wu, phó giám đốc ngành dịch vụ bệnh nhân tại trung tâm APICHA , nói những phụ nữ này thường không biết là người đàn ông trong đời họ bị nhiễm bệnh.

                            Có thể bạn trai hay người chồng của họ đã ra nước ngoài trước, rồi mới bảo lãnh cho gia đình sau này. Bởi vì những người đàn ông di dân không có nhiều phương tiện giải trí, họ có thể lui tới với thành phần hành nghề mãi dâm. Không có kiến thức về bệnh Aids, có thể họ không biết cách tự bảo vệ nên bị nhiễm bệnh, rồi sau đó truyền bệnh cho gia đình và người họ thương yêu.

                            Những cản trở văn hóa còn gây thêm nhiều khó khăn hơn nữa đối với phụ nữ trong việc có những biện pháp để tự bảo vệ lấy mình. Trong truyền thống của nhiều nền văn hóa Á Đông, một người vợ phải phục tòng chồng, và có thể không cảm thấy thoải mái khi muốn yêu cầu ông chồng sử dụng bao cao su. Bà Cherry Ng là người điều khiển các buổi hội thoải để hướng dẫn phụ nữ bày tỏ thái độ quả quyết mà không làm cho người đối thoại với mình cảm thấy bị đe dọa.

                            Người phu ïnữ có thể nói: Anh là người bạn tình của tôi. Nếu yêu tôi, anh cần phải tự bảo vệ lấy mình, và bảo vệ tôi. Bao cao su không chỉ có công dụng ngừa thai.

                            Thảo luận về tình dục được coi là điều cấm kỵ trong một số nền văn hóa Châu Á -Thái Bình Dương, và những người bị nhiễm các chứng bệnh lây lan qua đường tình dục thường cảm thấy xấu hổ và bị xa lánh. Các niềm tin tôn giáo thường đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa đến những thái độ tương tự.

                            Người phụ nữ này đã nghe một số thành viên trong cộng đồng của bà nói rằng “nghiệp chướng”, tức là những hành động trong kiếp trước, là lý do có thể giải thích vì sao người chồng suy nhược tinh thần của bà mắc phải bệnh AIDS.

                            Trong thời gian đó, tôi đi lễ ở các đền chùa để tìm hiểu về giáo lý và tìm cách giải quyết vấn đề của tôi. Bằng cách lắng nghe những lời thuyết giảng, tôi nhận thức được rằng điều gì xảy ra, đã xảy ra. Tôi không làm gì được về những gì đã xảy ra. Nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để đối đầu với nó, và tiến lên phía trước.

                            Theo bác sĩ Inada, giám đốc trung tâm APICHA, thì trong cuộc đấu tranh của một người chống bệnh AIDS, tiến lên phía trước mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ đi xét nghiệm, để được chẩn đoán và cho uống thuốc.

                            Bác sĩ Inada giải thích:

                            Chúng tôi còn có các dịch vụ theo dõi từng ca để giúp hướng dẫn thân chủ tiếp cận với những hệ thống xã hội cực kỳ phức tạp, và tìm cách giúp họ có được bảo hiểm y tế hay giúp họ giải quyết được một số nhu cầu khác quan trọng hơn, đối với một người không có việc làm, không có tiền bạc, không có nhà ở. Chúng tôi tìm cách giúp đỡ họ bằng cách giúp họ trong tư cách là một con người toàn diện, chứ không chỉ tập trung giúp họ đối phó với tình trạng nhiễm HIV hay chỉ giúp họ về mặt cơ thể không mà thôi.

                            Tâm trạng cô đơn và cảm thấy bị cô lập có thể là hệ quả của bất cứ chứng bệnh nghiêm trọng nào, và bệnh HIV/AIDS không phải là một ngoại lệ. Phó giám đốc trung tâm APICHA, ông*bà Shu-Hui Wu rất tự hào về chương trình “Nghệ Thuật và Trà” của trung tâm, một chương trình khuyến khích các thân chủ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và giao tiếp với nhau.

                            Đây là một nhóm tương trợ để những người tham dự không cần phải nói qú nhiều, và cũng không cần phải thành thạo tiếng Anh mà vẫn có thể cảm thấy thích thú và tương trợ lẫn nhau.

                            Một phần tư thế kỷ sau khi bệnh AIDS lần đầu tiên được mô tả trong một tạp chí y khoa, căn bệnh này được mang ra thảo luận thường xuyên trong giới truyền thông tây phương, từ các nhật báo đến các tạp chí có nhiều độc giả, cho đến các chương trình hội thoại truyền thanh, truyền hình. Thế nhưng vẫn vòn rất nhiều người không, hoặc không muốn công nhận mức độ nguy cơ của bệnh AIDS. Đó là những người mà trung tâm APICHA và những nhà hoạt động tích cực khác tiếp tục nhắm đến, và tìm cách giúp đỡ.

                            http://www.voanews.com/vietnamese/2006-06-07-voa18.cfm
                            #29
                              HongYen 16.07.2006 23:16:19 (permalink)
                              Tỷ lệ nhiễm HIV trong số thai phụ ở Việt Nam tăng 0,37% trong năm 2005

                              11 July 2006


                              Trẻ em nhiễm HIV tại Việt Nam


                              Tỷ lệ nhiễm HIV trong số thai phụ ở Việt Nam đã tăng lên đến 0,37% trong năm 2005 so với 0,02% trong năm 1994.

                              Tân Hoa Xã thuật lại tin của báo Lao Động hôm thứ hai cho biết theo số liệu của bộ y tế, mỗi năm có từ 5000 đến 7000 phụ nữ nhiễm HIV sinh đẻ, và khoảng 8500 trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm virut, và 22000 trẻ em bị mồ côi vì cha mẹ chết vì bệnh AIDS trong những năm vừa qua.

                              Mặt khác, một trong 5 phụ nữ tại Việt Nam phá thai nằm trong độ tuổi vị thành niên, cũng theo tường thuật của báo Lao Động ngày thứ ba.

                              Báo này trích dẫn các nguồn tin của bộ Y tế cho biết tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 300 ngàn phụ nữ chưa kết hôn, chủ yếu là các thiếu nữ. Bệnh viện phụ sản Hà Nội tiếp nhận từ 20 đến 30 ca phá thai mỗi ngày, và phân nửa số ca này là phụ nữ chưa kết hôn.

                              http://www.voanews.com/vietnamese/2006-07-11-voa7.cfm
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 73 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9