BÀI THƠ “ÔNG ĐỒ” VỚI HÌNH ẢNH HOA ĐÀO
Trước năm 1975, giai đoạn miền Bắc vẫn còn là một bí mật, đối với những người lớn lên và trưởng thành tại miền Nam, thì cứ mỗi mùa xuân tới, đọc các trang báo xuân, nghe những văn nghệ sĩ, những người bắc di cư vào Nam nhắc lại những kỉ niệm về những mùa xuân tại miền Bắc thì trong tôi lại nảy sinh ra những háo hức, sự ham thích về một mùa xuân Hà Nội. Thích nhất là nghe nói và tả về hoa đào tại miền Bắc, biểu tượng cho mùa xuân cũng như hoa mai tại miền Nam. Lòng hiếu kỳ, sự tò mò về hoa đào lại càng gắn kết trong tôi sự thích thú với bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, với hình ảnh minh họa, cụ đồ già, áo dài đen, chít khăn đóng, đang còng lưng, viết những câu đối trên tờ giấy đỏ những chữ nho to:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn bây giờ ...ở đâu ? (bản của tác giả Nguyễn Hưng Quốc)
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
4 câu thơ đầu phác vẽ cảnh sinh hoạt mùa xuân tại miền Bắc với hai biểu tượng:
Hoa đào nở và ông đồ già.
- Thiên nhiên: Hoa đào nở.
- Con người: Ông đồ già
Ông đồ già làm gì?
Bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người tấp nập qua lại, ông đồ viết thuê những câu đối bằng chữ nho (chữ Hán) để chúc tụng đầu năm:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc khen ngợi tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.”
Đây là một nếp sinh hoạt đông đúc, mang đượm tính văn hóa, biểu tượng cho nền văn học Hán Nôm và cũng biểu tượng cho nét tinh túy, ngàn năm văn vật của đất Thăng Long Hà Nội. 4 câu thơ thể hiện sự sùng mộ của con người thời kỳ chữ Hán đang còn được ưa chuộng.
Tuy nhiên theo dòng thời gian, sự mai một của một nền văn học đã lỗi thời kéo theo cảnh chợ chiều của một nếp sinh hoạt văn hóa:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
Hình ảnh giấy đỏ buồn không còn thắm diễn tả trạng thái biến chuyển của "tờ giấy" vì không thấm mực và nghiên sầu vì mực đọng mãi trong nghiên thật quá hay. Tác giả đã nhân hóa “giấy đỏ” và “nghiên” đựng mực. Cả hai đã có tâm trạng chán chường vì “người thuê viết” mỗi năm, mỗi vắng dần.
Bị người đời bỏ rơi, ông đồ ngồi trầm ngâm. Và 4 câu tiếp, tác giả đã phác họa một bức tranh, tuy không phải là tỉnh vật (nature morte) nhưng qua hình ảnh “lá vàng rơi trên giấy”, “ngoài trời mưa bụi bay” trở thành một cái nền làm nỗi bật “ông đồ” bất động, ngồi như tượng đá, không còn hoạt động, không còn tiếp cận với khách qua đường. Và bức tranh trở nên tĩnh: Cái nghiên mực, giấy đỏ, ông đồ, tất cả đều bất động, im lìm (immobile).
Ông đồ vẫn ngồi đó,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi bay.
Câu “Ông đồ vãn ngồi đó”, “Qua đường không ai hay” diễn tả rất tuyệt vời thân phận của ông đồ - sự cô độc, ông ngồi đó mà như đã chết rồi, hay nói cách khác ngồi như hòn đá, cục đất người qua đường chẳng ai hay biết.
4 câu cuối thì hình ảnh “ông đồ” chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm:
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu...bây giờ?
Hai câu sau cùng: Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ? Mệnh đề nghi vấn là một tiếng thở dài, than tiếc cho một thời kỳ hoàng kim nay chỉ còn là hoài niệm.
Nếu nhạc sĩ La Hối chỉ một bản nhạc “Xuân và tuổi trẻ” mà nổi tiếng thì ta có thể nói, qua bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã được biết đến như là một trong những nhà thơ mới trong thời kỳ tiếp cận văn học lãng mạn Tây phương với những nhà thơ mới tiêu biểu Xuân Diệu, Huy Cận, …(các bạn có thể tìm hiểu thân thế nhà thơ Vũ Đình Liên qua mạng google)
Và cứ thế, mỗi mùa xuân qua, với bao thay đổi, biến thiên của hoàn cảnh xã hội, bài thơ “Ông đồ” vẫn ngự trị trong tôi một lòng hoài niệm, một ấn tượng đẹp, thương xót cho một triều đại qua hình ảnh ông đồ và hoa đào. Ông đồ và những người muôn năm cũ thì đã đi xa, xa lắm rồi, nhưng còn hoa đào?
Miền Nam sau 1975, mỗi lần giáp tết, tại các chợ hoa, các lề đường tại một số trọng điểm Đà Nẵng, người dân được chứng kiến các nhành đào được bày bán la liệt. Có cành cắt để cắm, có cành là một cây để nguyên, mang về nhà có thể cắm vào chậu trồng thử nghiệm luôn. Nhìn chung hoa đào và hoa mai có những đặc tính giống nhau và khác nhau: Điểm giống nhau giữa hai loại cây là cùng nở vào mùa xuân và là biểu tượng cho mỗi miền. Miền Bắc: Hoa đào. Miền Nam: Hoa mai. Một điểm giống nhau nữa là cả hai đều có dáng khẳng khiu, khi chuẩn bị ra hoa và nở thì rụng lá. Một điểm giống khác, là người chơi hoa đều chọn mai hay đào với thế vươn lên cao, thẳng không bị trở ngại như cành bị gãy hay bị trĩu xuống đất, …Nhưng với thế đẹp thì các bạn khỏi lo, cành đào trăm cành như một đều thế vươn lên trời và không bao giờ có cành đi lạc xuống đất!
Điểm khác nhau giữa hai loại hoa là hoa mai, khi nở xòe ra 5 cánh, màu vàng, có khi chỉ 4 cánh, người ta gọi là tứ quý (đầu năm mà có được cánh hoa nở 4 cánh thì người ta rất quý, xem như quanh năm mọi việc đều may mắn!), có khi lại được 6 cánh (gọi là lục phú: quá tuyệt), nhưng giống mai miền Nam thì tất cả các cành hoa đều nở rất nhiều cánh, có cái nở đến 10, 15 cánh là bình thường. Vì vậy hoa mai miền Nam đã phá tan đi cách bói, xem hoa đầu năm tại Huế. Hoa mai Huế rất bực mình vì hoa mai miền Nam! Mô típ hoa đào, khi nở thì không xòe ra cánh. Hoa đào nở trông như một đóa trà mi nhỏ. Một điểm khác nhau nữa: Hoa mai màu vàng, có hương thơm thanh khiết thoang thoảng, như giống mai ở Huế, người ta gọi là thanh mai. Sáng mồng một tết, bạn thức giấc lúc trời còn ửng tối, bạn phát hiện một mùi hương thoảng nhẹ, rất dễ chịu, nó giống như hoa hồng, nhưng không phải là hoa hồng, nó giống như hương thơm lan Cát ti da, nhưng cũng không phải. Đây là mùi hương thoảng nhẹ, thanh khiết, làm say đắm lòng mình, một cài gì đó rất êm dịu, thân thương. Phải chăng là hương thanh mai. Bạn chợt nhìn lên, cành mai ở trên bàn, có mấy cái đang nở , xòe ra 5 cánh, có cái còn hàm tiếu, như đang nhìn bạn, mĩm cười chào năm mới. Tự nhiên bạn cảm thấy lòng mình trong sạch, thánh thiện vô cùng. Mọi dục vọng đời thường, mọi phiền lụy bỗng tan biến. Ôi! Thương vô cùng cánh hoa mai sáng mồng một tết. Nhưng với hoa đào, sắc màu rực rỡ tráng lệ kia, bạn đừng bao giờ thưởng thức được một mùi hương. Hoa đào hữu sắc nhưng không hương. Ôi có nỗi thất vọng nào lớn hơn! Bạn nhé, đừng nghĩ rằng tôi có sự kỳ thị với loài hoa, đừng bao giờ đứng trên quan điểm chính trị để phê phán! Tôi chỉ là khách thưởng ngoạn hoa và từ lâu ôm ấp một hình bóng đẹp về hoa đào, nay cảm thấy buồn vì sao đào lại không hương! Chào bạn năm mới, chúc bạn mọi điều tốt đẹp! *
Tuấn Nguyễn
(chutluulai.net)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2011 20:12:35 bởi Thanh Vân >