Nguyên Đỗ
-
Số bài
:
5703
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 19.08.2005
- Nơi: Windy City
|
RE: Chẳng Có Điều Gì Mới
-
18.03.2011 19:54:27
Chim Hót Sau Vườn Mỗi mùa Xuân về là mấy chú chim đi vắng suốt mùa Đông cũng trở lại. Đầu tiên là những đôi chim cổ đỏ (Robins) về sau nhà tôi có trồng một hàng thông bọc kín ba phía sau nhà làm tổ. Mười năm trước đây anh em tôi lúi húi trồng cho cha mẹ vui, hưởng thú điền viên, đặt tên nhà chúng tôi là Tùng Lâm Gia, dù chẳng giống rừng thông quanh ngôi nhà ở Tùng Lâm, Đà Lạt của gia đình chúng tôi tí nào. Ở đó, rừng thông dưới chân đồi lúc nào cũng vi vu trong gió nhất là vào buổi tối. Ở đây cũng có loại thông White Pine giống Đà Lạt nhưng lọai White Pine mọc lớn lắm nên chúng tôi chỉ trồng loai Scott Pine, thấp và nhiều cành lá hơn, vừa dùng để chắn gió vừa đẹp vườn, đẹp đất. Thường năm nào cũng vậy, hàng thông bao giờ cũng có vài tổ chim cổ đỏ, tiếng Anh gọi là robin, vỏ trứng xanh như trứng sáo, hay màu xanh Đức Mẹ! Có những cặp chim cổ đỏ gan dạ đem rác và bùn làm tổ ngay cột cây trước nhà. Và năm nào cũng vậy, có một hai tổ chim cu đất hay chim cổ cườm, tiếng Anh gọi là mourning dove vì tiếng kêu gù gù như than khóc, vỏ trứng trắng như trứng gà. Năm nay, hai vợ chồng cu đất tình tứ với nhau như thế nào ấy quên cả làm tổ, con mái vội vàng chui dưới chỗ để hạt cho chim ăn của anh em nhà tôi đẻ hai trứng rồi thay phiên nhau nằm ấp, nở ra được một con, còn một cái trứng bị ung gió thổi bay khi chim mẹ hất ra ngoài lúc cho con chim cu bé ăn. Được hơn hai tuần thì chim cu con cũng đủ lông đủ cánh bay đi mất cùng với bố mẹ. Có năm hên, có những con chim hoàng anh, hay vàng anh nhỏ hơn chim sẻ, lông màu vàng làm tổ trên cây thanh đại phong nhà (Emerald maple) rậm rạp trước nhà dù năm nào chim hoàng oanh cũng về khu vườn nhà tôi ăn những hạt giống anh em chúng tôi đổ vào chỗ cho chim ăn (bird feeder). Mẹ chúng tôi lúc đầu cười, "Anh em tụi mày bày đặt quá, cho chim ăn mà cũng phải làm nhà, rồi lại còn làm chỗ cho chim tắm!" Nhưng sau này Mẹ tôi thích lắm, cứ giục tôi hằng ngày, "Con ra thay nước cho chim tắm đi!" vì các loại chim thích về khu vườn chúng tôi ăn uống đầy đủ chứ không phải no say đâu nhé và có chỗ tắm hả hê an toàn mỗi ngày ngoài tầm phóng của những con mèo hoang. Về khu vườn nhà tôi, đông nhất là chim sẻ và chim sáo đá tiếng Anh là (starling), màu đen nhỏ hơn chim cổ đỏ, sống từng bầy. Giống chim sáo đá không phải là giống chim bản xứ Mỹ mà do di dân gốc Anh đưa sang cho đỡ nhớ quê nhà, chúng đã sinh sôi nảy nở tới độ không ngờ, không biết tự kiếm ăn như những loài chim khác mà thường đi ăn những hạt giống hay đồ ăn có sẵn, đồ dư thừa để sống. Chúng ăn khoai tây cắt chiên (frenh fries), thịt heo, bò, gà, bánh mì, vân vân... Đại khái là tạp khẩu như heo, cái gì ăn được là ăn. Cái tệ nhất là chúng không biết làm tổ ở trên cây mà nhà nào có chỗ nào chui được là chui vào làm tổ, xả rác, cứt tùm lum mất hết vệ sinh thành phố nên có năm mấy thành phố mở chiến địch đuổi chim bằng cách hễ thấy chim sáo đá bay về theo đoàn là cả xóm đập thùng, đập kẻng lùa chim đi. Chiến dịch mở được đâu một tháng thì chim quen tiếng thùng tiếng kẻng cứ tỉnh bơ sà xuống thành phố ăn đồ phế thải và thả bom trên mặt tiền thành phố những vết trắng, vết đen đầy đường, có khi bắn lên cả quần áo đầu tóc du khách hay dân cư địa phương rất là khó coi đến nỗi hai thị trưởng và các chuyên viên môi sinh phải ra quyết định thuốc độc chúng làm một số người yêu chim muông tụ tập lại chống lại ý định tiêu hủy chim sáo đá một thời gian, nhưng từ lúc có nạn "bird flu" bệnh dịch do chim chóc truyền thì nhóm này im re và chim sterling không biết có phải bị ngộ độc không mà cũng biến đâu sạch mất. Thực sự tôi chẳng tiếc chi giống chim này, và cũng chẳng hiểu sao chúng lại được đặt tên là sáo đá, chim sáo trong lòng tôi lúc nào cũng phải có tiếng hót thật hay ít ra cũng cỡ chim cổ đỏ, chứ chim starling cứ một hai ho hét, ho hét, nghe mà thật ghét! Trong những thứ chim, mẹ tôi thích nhất là chim cu cườm, vì chúng thương yêu nhau lắm, lúc nào cũng tình tứ bên nhau, mớm mồi cho nhau và cõng nhau dung dăng dung dẻ, không biết mắc cở, rất tự nhiên, chẳng sợ ông cha bà cố nào hết, nhưng tiếng chim gù gù chẳng hay tí nào. Chim cổ đỏ (robin) hót khá nhiều cung điệu, nghe cũng hấp dẫn lắm, nhưng loài chim tôi thích nhất vì tiếng hót và hình dạng trong môi trường thiên nhiên ở khu vườn nhà tôi là chim chinh chích (chickadee), chim hồng y hay chào mào đỏ (cardinal), chim hoàng oanh (oriole). Chim chinh chích nhỏ lông cánh xám đen, lông bụng trăng trắng chuyền từ cây này sang cây nọ, thích ăn kiến và những con sâu bọ rau, cả mười năm tôi mới thấy chúng về làm tổ nhỏ xíu xìu xiu trong bụi hoa soan tím nhỏ hương thơm ngào ngạt, chứ không phải loại soan tím bên Việt Nam. Chim chinh chính lớn hơn chim ruồi (hummingbird) vì hình dạng nhỏ tì ti cỡ ngón tay cái, mỏ nhọn dài dùng để hút mật nhụy hoa, có thể bay ngược bay xuôi, bay lên thẳng. Loại chim ruồi này mùa Xuân chưa về, phải vào dịp hè, các loại hoa nở sặc sỡ chim ấy mới về, thường chúng về ít hôm, hút ít nhụy hoa rồi ra đi. Vậy mà có năm loại hoa chuông đỏ mọc về hướng đông leo kín giàn, chim ruồi về làm tổ nhỏ, đẹp trong giàn hoa chuông. Tôi hí hửng khi khám phá ra cái tổ nhỏ với hai trứng chim màu trắng nhỏ xiu xiu chạy vào khoe với Mẹ tôi: -- Mẹ ra xem tổ chim ruồi coi, nó nhỏ ti ti, mẹ ạ! -- Để kệ chúng, con ạ! Coi rồi chim mẹ biết nó bỏ đi thì hư trứng, từ nay con đừng tỉa hoa, cắt cành giàn hoa chuông đó nữa. Cứ để vậy đi con, giống chim đó hiếm, sinh được thêm con nào hay con nấy! Suốt cả mùa hè năm ấy tôi như kẻ trộm núp sau cửa kính sau nhà rình mò xem chim ruồi ấm trứng nuôi con như thế nào. Cặp chim ruồi khôn lắm, không bao giờ bay trực tiếp về tổ, mà bay vòng vòng, rồi lủi vào lùm hoa chuông, rồi lẻn vào tổ. Chim ấp trứng khoảng mười ngày thì nở, chim mẹ chim bố thay nhau nuôi con chưa đầy hai tuần thì bố mẹ và hay con đập cánh liên tu ti như trực thăng giã từ giàn hoa chuông để đi về vùng trời mới. Tôi nhìn ngơ ngẩn theo bóng chim mà tiếc hùi hụi chưa kịp nhìn hai con chim ruồi con thỏa lòng. Nhà chúng tôi cây cối nhiều, nên là chỗ lý tưởng cho bầy chim về trú. Cả ngày nghe chim hót cũng vui, khổ một nỗi là vào mùa xuân, mùa hè, ngày nào khoảng bốn giờ sáng bầy chim cổ đỏ đã gân cổ gọi nhau, và bầy se sẻ trú ẩn qua đêm trong đám cây phong trước nhà cũng rì rầm ríu rít với nhau, có khi làm tôi tỉnh giấc! Nhiều khi ức quá tôi nói đùa với Mẹ tôi, "Để con mua lưới về chụp bắt bầy chim se sẻ nướng mời bạn bè Bố tới nhậu nha!" Mẹ tôi cười, "Cái thằng này!... Gà vịt heo bò đầy chợ việc gì phải làm hại tới chim chóc chứ?" Tôi nhẩn nha đọc bài thơ Mẹ tôi dạy hồi nhỏ, hình như của Nhượng Tống: "Một tổ chim gi độ bốn con Chưa lông chưa cánh hãy còn non Bao giờ chúng nó ra ràng nhỉ Bắt nướng mời ông nhắm rượu ngon" Mẹ tôi lắc đầu cười, nhớ lại ngày Mẹ còn son trẻ, ngồi kèm tôi học bài, viết văn và làm thơ theo nghiệp Bố. Nguyên Đỗ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2015 22:36:23 bởi Nguyên Đỗ >
|