M.H. Nguyen
-
Số bài
:
130
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 26.10.2010
|
Re:Tản mạn...
-
23.10.2015 05:27:56
ảnh sưu tầm từ net. Anh và Bồ đề lá. Thời đó Sài gòn mới bị giải phóng, trẻ con phải đi sinh hoạt, nhứt là những gia đình có cha anh đi học tập. Tuy ở cùng xóm từ thời nào lâu lắm rồi, nhưng nhà ai nấy đóng cửa và mối quan hệ lối xóm lưa thưa như mưa sa mạc. Phải chờ đến cuộc đổi đời điêu linh của đất Sài gòn, họ mới mở cửa chào nhau vì bị bắt buộc với những cuộc họp phường, họp tổ để những ai muốn được mấy ống nón cối ưu đãi tha hồ mà tố tội những nạn nhân vô hình chung bị kết án là dân ngụy, tư sản. Khổ sở hơn hết là những người bị kết án khơi khơi ấy vẫn phải trình diện đều đều để nghe chuyện bá láp rồi về mà ngậm đắng. Gia đình anh Tân thuở đó là một đại gia đình, căn nhà rộng lớn với mái ngói đỏ lót kiểu âm dương, sân vườn đẹp nổi tiếng với cây kiểng được chăm sóc, trồng trọt trong mấy cái chậu in hình xưa xưa màu xanh, trắng rất hay. Ông nội anh là chủ hộ và hình như quyền thế của ông trong gia đình là bất khả di dịch. Cả ba thế hệ sống cạnh nhau nên lúc nào cũng nhộn nhịp người ra kẻ vào, hoàn toàn trái ngược với xóm trên của bọn tôi. Anh là cháu trưởng tôn trong gia đình nên được cưng chìu lắm, lại không có em gái. Tôi nghĩ có thể đây là một trong những lý do mà anh trở thành ‘ nạn nhân dễ thương’ của đám tóc dài thắt bím thời ấy. Dãy phố ở xóm trên thì không rộng vườn, nhưng lại có nhiều tầng lầu nên sân thượng là sân chơi của bọn trẻ con. Mấy chiếc cổng sắt suốt ngày im ỉm đóng kín, trẻ con đi học thì đưa đón bởi người trong nhà. Chỉ có vào chiều tối cuối tuần, chiếc cổng nhà tôi mới mở ra, mở vô thường xuyên vì những người đến khám bịnh bởi ba tôi. Vậy mà chỉ vì một lý do vô cùng ‘cách mạng’ như trên đã đưa bọn tôi đến dưới sự điều hành của anh. Gương mặt anh xương xương, mắt màu nâu rất nhạt( đây là điểm ít thấy ở người Việt nam chính cống), cao ráo, trẻ trung, khi anh cười có chiếc răng khểnh. Khối chị học cùng trường với anh, không ít thì nhiều quen thân với anh rồi dần dà quen lây qua bọn tôi (muốn được lòng anh không nên quên mua chuộc đàn em là vậy!). Bọn tôi gồm 5, 6 đứa thân nhau hơn hết, lại toàn là chị lớn hoặc con gái một trong nhà. Chắc vì vậy mà bị bắt đi sinh hoạt với nhau rồi anh trở thành anh hai của một bầy con gái nhỏ xíu lại hành tỏi với anh không chút nhân nhượng. Lúc đầu chỉ là bị bắt đi họp, họp đều đặn mỗi tuần một lần để nghe ca ngợi “ Bác” của họ (chứ có là của mình hồi nào đâu!!!). Rồi thân nhau với đám em để bị “tụi mi lợi dụng và bốc lột thằng anh này đến trắng xác luôn!”. Nào là nhờ viết tựa báo dán tường, dạy bài toán không hiểu hay “chỉ tụi em làm cái ni cái kia nha”. Những buổi tối họp chi hội được nửa giờ là kiếm cách rủ anh đi chơi chổ khác, khổ cho anh là em út thì đông, lại không thích đi chơi lẻ tẻ nên chắc nhiều lúc anh sạch túi vì chè bánh cho bọn nhỏ! Tại anh có nhiều tài quá chi: học rất giỏi, chữ đẹp, ít la rầy bầy em. Hễ nhờ là sớm hay muộn, đứa nào cũng được chìu chút chút. Thỉnh thoảng nghe anh nói về quê, tưởng thiệt, không dè thấy anh cứ lâu lâu về quê và khi trở lại Sài gòn thì mặt mũi thường xuống sắc, mới biết ra anh tìm đường vượt biên. Nhưng đó là ‘bí mật dân sự’, không đứa em nào dám hỏi han nhiều vì sợ bị ‘gián điệp không lương’ đi tố cáo là mất anh, tan rã đám em sao. Mà nói đến đây lại nhớ thời đó lòng nghi ngờ của dân Sài gòn giống như con bệnh thời đại vậy, nó lan tràn nhanh chóng. Ai cũng sợ bị ‘chụp mũ’, bị bà tổ trưởng nằm vùng hạch họe. Nói là vậy chứ đừng tưởng anh hiền lành rồi đứa em nào muốn nói gì là nói nghen. Có lần hai nhỏ bạn cùng tôi đang đứng tíu tít với anh trước nhà nhỏ Khanh, bên kia nghe ong ỏng tiếng nhỏ Nga gọi em nàng về ăn trưa: -“Tân( anh cùng tên với em trai nàng ta mới chết chứ!) , mày về ăn cơm chưa, thằng quỷ!” Tôi vọt miệng: - Dễ sợ chưa, anh Tân cho phép nhỏ Nga coi thường quá ta! Người ta kêu kìa, dạ đi! Anh trừng mắt nhìn tôi, giọng lạnh chưa từng thấy: - Hỗn quá! - Em giỡn chứ bộ. Anh không thèm đếm xỉa tới câu bào chửa, tôi tức, leo lên yên xe đạp vừa nhón chân lên bàn đạp vừa để lại câu chào: - Thôi em về nghen. Mặc cho mấy nhỏ bạn kêu gọi. ** Bọn tôi đều biết anh để ý tới nhỏ Nga, đẹp và lớn tuổi nhứt đám. Mấy tên con trai đi sinh hoạt cùng, hay ngó nàng ta, nhưng chỉ có anh là được nàng đoái hoài tới mà thôi. Đương nhiên, bên cạnh anh thì đám húi cua của xóm chỉ là con nít. Còn bọn em tóc dài thì chưa đủ lớn như Nga nên biết thân phận ‘cá lòng tong bơi long rong giữa dòng nước’, ngoi đầu lên so sánh sao được với con “Ngỗng trời đang lột xác” của anh. Chắc nhờ biết yên phận vậy, nên bọn tôi luôn sống trong hòa bình tuy có lúc đứa này móc xỏ đứa kia vì chuyện vô duyên nào đó, mà với tuổi thơ thì nó to lớn, vĩ đại như cái thùng phi chứa nước mưa vậy. Anh thường than thở: “Mới là con gái, còn con nít trân mà đã nhốn nháo vậy rồi làm anh mệt quá! Mai mốt lớn lên chắc hết ai sống được với bọn mi.” - Cần chi anh, ba mẹ sinh bọn em ra để làm vui ‘thế giới tí hon ‘ của anh em mình mà! - Trời, không biết xấu mặt còn lý lẽ nữa sao. ** Bị rầy trước đám bạn vậy làm sao tôi chịu được nên giận và cốc thèm đi sinh hoạt. Chẳng màng tới chuyện gặp anh và bạn bè ở bất cứ nơi nào đến gần hai tuần. Sự ‘bế quan tỏa cảng’ này làm nhóm bạn mất vui hết cả mấy ngày. Tuổi nhỏ ham vui vẫn là chính, với lại tính tôi tuy hay dễ giận, nhưng quên còn mau hơn nữa nên lò dò đi họp lại nhưng không thèm chào anh một tiếng. Sáng hôm sau, anh mang đến cho tôi cái gói giấy trắng bóc, vuông vức và nói: - Anh làm đó, thấy hợp với mi nên anh ‘biếu không’ được không? Tôi hí hửng mừng thấy mồ, vì được vuốt giận một cách dễ thương, nhưng vẫn giả bộ: - Chưa thấy ai khó chịu như anh nha, em chọc chút chứ việc gì mà nạt em út dữ thần vậy. Vừa nói, tôi vừa mở gói quà và trời ơi, muốn phát khóc lên được: hai chiếc lá bồ đề chỉ còn lại phần xương lá và được tẩm màu tím rất nhạt. Bên tai tôi tiếng anh đều đều: - Dễ làm lắm, hôm nào mi qua nhà anh chỉ cho, nhưng phải biết kiên nhẫn và nhẹ tay. Thấy tính mi cứ như hỏa diệm sơn nên anh tặng mi cho ‘bồ đề tịnh’ chút đi đó. * Lá bồ đề khi ngâm nước nhiều ngày cho rã đi chất diệp lục, lúc ấy có mùi rất khó chịu, nhưng khi ta rửa lá thật nhẹ tay với bàn chảy đánh răng để chỉ còn lại chiếc lá toàn đường gân chi chích màu trắng ngà ta sẽ thấy lá đẹp một cách mong manh. Nhưng sự mong manh đó lại vô cùng bền bỉ, vì gân lá bồ đề rất dai. Sau đó thì tha hồ ngâm màu, cắt giấy hoa hình mình muốn để lên mặt lá rồi phảy mực thật đều. Chắc không ai quên được ‘nghệ thuật học trò ’ của một thời áo trắng… Nhờ anh tần mần tỉ mỉ chỉ dạy cho tôi trò chơi dễ thương ấy, mà sau này trong quyển vở học trò ghi chép đầy ắp những bài thơ tiền chiến sưu tập thời mới lớn của tôi có rất nhiều hoa phượng ép khô, kết thành cánh bướm và những chiếc lá bồ đề chen kẻ để trang trí. … Hai năm sau, anh bị kêu đi tập nghĩa vụ quân sự, bọn tôi đưa tiễn mà khóc như mưa tháng bảy vậy. Anh em hẹn hò thư từ, thăm viếng khi có điều kiện. Anh viết thư thường xuyên, kể cho bọn tôi nghe đủ thứ chuyện lạ trong quân trường thực tập đó. Một ngày cả nhóm tập họp lại rủ nhau đi thăm anh. Nhỏ Nga thì chuẩn bị kỹ lắm, nào quà cá nhân, đủ thứ hết. Khi lên tới tập trường của anh, bọn tôi cứ ngẩn ngơ trước một ông anh tóc ngắn cũn cỡn, da sạm đen, nét mặt thì mất hết vẻ sinh viên con nhà lành. Đứa nào cũng nói anh lạ hoắc, nhìn không ra. Bên cạnh anh có thêm một người lạ, anh giới thiệu đó là người bạn đồng đội mới của anh, rất hiền và không quên thêm câu:” Bọn mi đừng thấy bạn anh hiền rồi lấn áp như anh. Liệu hồn đó mấy cô nương!” Anh dặn là dặn, về sau người bạn anh cũng trở thành nạn nhân thứ hai của bầy con gái và cuối cùng anh ấy chìu bọn tôi còn hơn anh Tân nữa. Khổ nổi là vì anh S. cũng là con một trong gia đình. Thời gian sau, gia đình tôi vượt biên trước hết, kế đó đến gia đình nhỏ L. và cứ thế dần dần tản lạng khắp nơi nhóm bạn ngày xưa… Qua tới nước định cư, tôi và nhỏ L, vẫn còn nhận thư của hai ông anh với bao là dặn dò ráng học cho thành đạt, tương lai đang ở trước mắt, không được buồn, không được nhớ bên nhà, vậy mà cuối thư nào cũng có câu thình thoảng nhớ viết thư cho bọn anh, nhớ cái đám tóc dài ngày xưa quá vì không còn đứa nào làm giặc với bọn anh! Thời gian đưa đẩy, thư từ thưa dần đi rồi bặt tín, vô âm. Lâu lâu có thư của nhỏ Hà cho hay tin này, tin kia và một ngày hay tin hai anh lần lượt lập gia đình với người nào xa lạ lắm… Tháng rồi, tôi nhận được tin buồn. Người anh mà tôi có rất nhiều kỷ niệm và nhớ hoài đã mất, nghe đâu anh bịnh bất thình lình. Đã bao nhiêu năm tôi không còn thấy được những chiếc lá bồ đề ngoài đời. Đã bao nhiêu năm tôi tưởng đã quên khuấy thuở thiếu thời… Chỉ cần vài dòng nhắn gởi của bạn xưa mà bao kỷ niệm lại cuồn cuộn quay về, để tôi biết thương làm sao thời bọn tôi có Anh và tôi với Bồ đề lá. Nguyễn Mỹ Hạnh 22-10-2015
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.10.2015 06:26:45 bởi M.H. Nguyen >
|