Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 20 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 294 bài trong đề mục
NgụyXưa 09.04.2012 01:36:16 (permalink)
Ngày Đó Chúng Mình
 
Bạn thân,
 
Tôi vừa được đọc bản thảo một cuốn truyện dài mà bạn ta sắp đem in. Thực ra “Đời Thủy Thủ” của Vũ Thất đã được xuất bản tại Việt Nam năm 1969 nhưng tôi không có dịp đọc. Tác giả cho tái bản tại Hoa Kỳ để chia sẻ với bạn bè những kỷ niệm một đời không quên.
 
Thú thật với các bạn là sau gần 40 năm trên xứ người tôi hầu như đã không còn nhớ gì về đời sống cũ nơi quê nhà, thế nhưng mới lướt qua vài chương của “Đời Thủy Thủ”, lòng tôi chùng xuống với ánh hải đăng mũi Kê Gà chớp tắt trong đầu cùng nhịp đập của trái tim. Tôi bâng khuâng nhớ về dòng Hậu Giang cuồn cuộn chảy ra cửa Định An bên sâu bên cạn, và thẫn thờ như đang nhìn thấy sóng bạc đầu ngoài khơi nhấp nhô đưa hồn bồng bềnh chìm vào dĩ vãng. Và tôi chợt hiểu, mười bốn năm mang đời thủy thủ trước đây chính là cuộc đời tôi còn ấp ủ trong tim.
 
Đời sống của những người đi biển nhọc nhằn hơn là thơ mộng, thế nhưng cuộc sống đó đã mang tôi đến những chân trời xa, cho tôi đặt chân lên những vùng đẩt lạ, và cũng đem đến cho tôi vài mối tình ngắn ngủi, vừa ngọt ngào vừa xót xa. Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã có vết chân tôi, và một thời đêm đêm vượt tuyến ra vùng biển Bắc, tôi đã có những tháng ngày phiêu lưu mà những người con trai thời chiến nào cũng ước mơ.
 
Năm hai mươi tuổi tôi đến với biển cả như một người tình“đi nhẹ vào đời, và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối …”, nhưng hơn mười năm sau, cuối tháng Tư năm 1975, tôi giã từ đời thủy thủ trong chua xót như “ngày đó có em ra khỏi đời rồi, và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối  …”,  như ca khúc “Ngày Đó Chúng Mình” của Phạm Duy.
 
Ngày 11 tháng Tư sắp tới tôi sẽ bay sang Singapore để xuống tàu đi lại đường biển xưa.   Du thuyền qua mũi Cà Mâu chắc là tôi sẽ rất bồi hồi nhưng tôi sẽ không khóc, thế nhưng khi tàu đi ngang Hoàng Sa có lẽ tôi sẽ khó cầm lòng không để nuớc mắt rơi. Trong lòng biển đó bao nhiêu là thân xác bạn bè tôi đã chìm sâu cùng với Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, con tàu cùng với chúng tôi vượt Thái Bình Dương từ Mỹ về Việt Nam 48 năm xưa.
 
Vài hàng nhắn tin tới bạn. Đầu tháng Năm tôi sẽ trở về để tiếp tục tâm tình với bạn trên diễn đàn này, nơi tôi gắn bó đã nhiều năm. Mong được đọc nhiều sáng tác của bạn khi tôi trở về, và thân chúc bạn những ngày bình an.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
April 2012
#1
    Nguyệt Hạ 09.04.2012 09:28:01 (permalink)



    NH xin chúc anh một chuyến du hành thật may mắn và tìm lại được nhiều kỷ niệm xưa.....

    Lần ấy, NH trở về thăm VN, từ trên máy bay nhìn xuống thấy thành phố là mắt đã cay và ướt rồi đó anh ạ.

    Chuẩn bị sẵn khăn lau mắt nghe anh....


    Mong ngày anh về để nghe kể chuyện.

    Thân kính,
    NH



    #2
      nangvangsaigon 10.04.2012 00:38:43 (permalink)
      Chúc bạn NX tìm lại được những gì đã mất sau gần 40 năm xa cách.
      NVS
      #3
        Ct.Ly 11.04.2012 20:22:20 (permalink)
        #4
          Kiều Giang 11.04.2012 22:11:01 (permalink)

          Chúc Anh NX tìm lại được những phút giây của những ngày tháng cũ thấm đẫm máu và nước mắt cho quê hương. Nhưng những ngày ấy cũng rất thơ mộng và đầy hào hùng phải không? Chúc anh có một chuyến đi thú vị và đầy ý nghĩa. KIỀU GIANG
          #5
            Ct.Ly 04.05.2012 04:37:49 (permalink)
            #6
              NgụyXưa 07.05.2012 01:35:01 (permalink)
              Cám ơn các bạn đã vào đây thăm hỏi. NX mới trở về Cali, sẽ lại sinh hoạt bình thường trên diễn đàn, và sẽ chia xẻ vài cảm nghĩ về chuyến đi "Tìm Đường Biển Xưa" với các bạn.
               
              Tình thân,
               
              NX
              #7
                Nguyệt Hạ 07.05.2012 06:55:03 (permalink)


                Chào anh NX mới về,

                Ở nhà hai chị em Ct.Ly và NH mới nhắc rằng anh đi sao lâu quá.
                Thật là hay, chị Ly vừa lên tiếng thì anh về.

                Mong rằng sẽ được đọc chữ của anh về chuyến đi.


                Thân kính,
                NH



                #8
                  dang son 07.05.2012 12:31:28 (permalink)



                  **

                  Ghé nhà để chào anh nhà văn mơí đi công vụ dìa.Chắc có nhiều điều thú vị để kể ( ? )

                  Có lẽ cô nàng Công tử Lỳ sẽ bớt cô quạnh vì ở nhà một mình và sợ ma.Chả biết Ma hù nhát ra thế nào mà thấy cô ấy đã " cõng " liên tục bài vở vào thư viện ?

                  Vui và khoẻ nhé anh.

                  thân ái



                  đăng sơn.fr



                  ____________
                  #9
                    Ct.Ly 08.05.2012 17:30:39 (permalink)
                    #10
                      NgụyXưa 11.05.2012 03:34:12 (permalink)
                      Còn Một Chút Gì …
                       
                      Bạn thân,
                       
                      ……….
                       
                      Biển và trời xanh ngát một màu. Vịnh Thái Lan phẳng lặng như mặt hồ, và xa xa rải rác những hải đảo đẹp như trong tranh. Con tàu lướt đi êm đềm trong nắng chiều. Nào đâu những con sóng phẫn nộ nhấn chìm những con thuyền mong manh của những người đi tìm tự do năm nào?  Tôi đứng trên boong nghĩ về ngày tháng cũ, bùi ngùi thương nhớ bạn. Nguyễn Hoài Bích, Lưu Lương Cơ … có lẽ chìm sâu đâu đó trong lòng vịnh này, chẳng biết chết ngày nào cho người thân tưởng nhớ thắp nén hương!
                       
                      Hình ảnh những người Thái Lan hiền hoà chắp tay cúi chào ở chùa Phật Vàng tại Vọng Các không xóa tan được niềm kinh hoàng gây ra bởi hải tặc. Những trang sách chỉ đọc một lần để rồi một đời không quên. Tha thứ như lời Phật dạy cho lòng thanh thản mà sao mỗi lần nhớ về bạn bè nỗi oán hờn vẫn còn vương vấn đâu đây.
                       
                      Khi hoàng hôn xuống du thuyền qua mũi Cà Mâu. Tàu chạy xa ngoài khơi nên tôi chỉ thoáng thấy bờ đất liền, nhưng đảo Hòn Khoai (Polo Obi), nơi “trấn thủ lưu đồn” của những người thủ thủy ngang bướng bị lưu đày, hiện rõ trong tầm mắt trong lúc tôi dõi tìm một mảnh đất quê hương.
                       
                      Bạn còn nhớ không,VNCH không có vùng Năm Chiến Thuật, thế nhưng HQ/VNCH có vùng Năm Duyên Hải, vùng sông rạch của miền Cà Mâu, Năm Căn, U Minh …, nơi buổi tối muỗi mòng bay vi vu nghe như tiếng sáo diều. Tôi không thấy được cửa Bồ Đề để về “khoe” với “chị” Tư Quyên. Ngày xưa tàu nó bị thủy lôi, chìm giữa dòng nước đục, nó được cứu thoát, chấm rứt đời hải nghiệp, lên bờ ngồi ngậm nhấm nỗi buồn.
                       
                      Cà Mâu cũng có chuyện vui. Ngày còn làm hạm trường một chiếc tàu tuần duyên Phạm Văn Hàm đã cho tàu chạy sát vào mũi Cà Mâu để làm người Việt Nam độc nhất được … đái ở cái mỏm đất cực Nam của nước Việt. May mà lần đó tàu nó không mắc cạn, nhưng vì cái tính thích chơi ngông nó đã để tàu “cưỡi” lên một hòn đá ngầm cạnh cù lao Hàn ngoài Đà Nẵng, và hòn đá không tên đó được bạn bè gọi đùa là “cù lao Hàm” để đánh dấu một đời hải nghiệp của bạn ta.
                       
                      Bạn thân,
                       
                      Khi màn đêm buông xuống tôi cũng trở về phòng, vì biết sáng ngày hôm sau cần phải dạy sớm để thấy hải đăng mũi Cấp chớp sáng, để thấy cửa sông Long Tào, nơi chúng ta đi và về mỗi lần chiến hạm xa Sài Gòn công tác ngoài khơi. Gần 40 năm rồi, vẫn “còn một chút gì để nhớ, để quên …”.
                       
                      Ngụy Xưa
                      May 9, 2012
                      #11
                        NgụyXưa 12.05.2012 23:46:51 (permalink)
                        Khách Lạ Trên Quê Hương

                        Bạn thân,

                        Buổi sáng ngày 20 tháng Tư chỉ có tôi và Quýnh dậy sớm, tần ngần đứng ngay tại mũi tàu Diamond Princess. Trời hãy còn mờ tối, hải đăng mũi Cấp vẫn còn chớp sáng, tàu tiến chậm vào cửa Long Tào, và nước mắt chúng tôi đều rưng rưng. Đường biển xưa còn đó, ngọn đèn xanh đánh dấu xác tàu chìm London Maru vẫn còn đó, và đang nhấp nháy như gửi lời chào những người thủy thù già trở lại bến xưa.

                        Cửa Long Tào có hai nhánh sông, nhánh bên trái dẫn về Sài Gòn, nhánh bên phải ngày xưa rất cạn, đã được vét cho sâu để những con tàu trên 100 ngàn tấn như Diamond Princess qua lại dễ dàng. Cảng Phú Mỹ nằm trên nhánh sông này, giữa một nơi đồng không mông quạnh gần Bà Riạ, còn đang được xây cất, có lẽ để thay thế thương cảng chật hẹp tại Sài Gòn.

                        Tàu cặp bến, mới đầu chúng tôi chỉ có ý định tìm đường ra Cấp thăm lại bến xưa vì tàu chỉ ghé Phú Mỹ vài tiếng đồng hồ, nhưng vì nhớ tới ngày tháng cũ nên kéo nhau lên xe bus cùng với các du khách ngoại quốc về thăm lại Sài Gòn. Xe tới Thị Nghè, qua trường Trưng Vương, Thảo Cầm Viên … Sài Gòn đây rồi, nhưng không phải là Sài Gòn của tôi xưa. Thành phố lớn hơn, cao hơn và đẹp hơn (dù đường Thống Nhất hình như nhỏ lại) thế nhưng Sài Gòn bây giờ cũng giống như bao nhiều thành phố xa lạ trên thế giới tôi đã từng đi qua. Tôi chỉ là người khách lạ trên quê hương!

                        Xe bus ngừng ở thương xá Tax để du-khách tự do du ngoạn, “Sài Gòn on your own”,  trong ba tiếng đồng hồ. Mọi người tản mát trên đường phố, còn tôi, tôi thu mình trong một quán cà phê có máy lạnh để tránh cái nóng, hững hờ đưa mắt nhìn, để thấy đây không còn một chút gì thân quen. Sài Gòn đã mất tên, và người đi xa quá lâu như tôi trở về chỉ thấy ngỡ ngàng. Bạn bè cũ chẳng còn ai, người thân cũng tản mác nơi xứ người. Tôi cũng không còn là tôi của ngày xưa, tất cả đã thay đổi theo thời gian, có muốn niú kéo cũng không được, còn chăng chỉ là một chút ngậm ngùi.

                        Ba giờ chiều xe bus đưa chúng tôi trở lại tàu. Xe chạy qua bến Bạch Đằng, bạn bè tôi dán mắt vào cửa kính nhìn những toà nhà cũ kỹ của BTL/HQ ngày xưa. Vẫn màu vôi vàng, nhưng không có màu cờ cũ tung bay. Tôi lại thấy thẫn thờ, và mắt hình như cay.

                        Bạn thân,

                        Năm 2004, sau 31 năm xa cách, tôi đã trở về thăm VN lần đầu. Tôi trở về làng cũ “tìm dấu chân xưa” nhưng không thấy, và tôi biết là tôi sẽ không trở lại thêm một lần. Sài Gòn cũng vậy, chỉ còn là những kỷ niệm nhạt nhoà, và tôi không biết là sẽ có còn lần nào cho tôi trở lại nữa hay không! Bạn có bao giờ nghĩ chúng mình là những thân cây đã trốc gốc, và đang được dòng đời cuốn đi xa, rất xa … cùng với một nỗi buồn?

                        Ngụy Xưa
                        May 12, 2012

                        Còn tiếp … Nha Trang Ngày Về.
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.05.2012 10:28:39 bởi NgụyXưa >
                        #12
                          Đào Nam Hoà 16.05.2012 11:02:00 (permalink)

                          Sài Gòn cũng vậy, chỉ còn là những kỷ niệm nhạt nhoà, và tôi không biết là sẽ có còn lần nào cho tôi trở lại nữa hay không! Bạn có bao giờ nghĩ chúng mình là những thân cây đã trốc gốc, và đang được dòng đời cuốn đi xa, rất xa … cùng với một nỗi buồn?

                          Chào anh NX

                          đọc tới đây mắt Hoà đã thấy cay cay rồi anh ạ ! và Thưa anh! dường như chúng ta không chỉ có MỘT nỗi buồn !

                          Rất mong được đọc tiếp những dòng chữ của "ngày trở về" quê hương để làm người khách lạ của Anh, chắc Anh còn nhớ mấy câu thơ của anh Hoàng Định Nam :

                          Ta về sông rẽ giòng trôi
                          Trời đôi hướng định, người đôi hướng đời
                          Người lưu vong ở xứ người
                          Ta lưu vong mãi ở nơi quê mình

                          Chúc Anh và gia đình nhiều sức khoẻ và luôn an vui
                          #13
                            NgụyXưa 17.05.2012 00:07:05 (permalink)
                            Cám ơn Hoà đã vào đây để lại những lời đồng cảm.
                             
                            Xin mời các bạn xem tiếp những ngậm ngùi khi trở lại quê hương ...
                             
                            Nha Trang Ngày Về
                             
                            Bạn thân,
                             
                            Sáng ngày 21 du thuyền Diamond Princess bỏ neo trong vịnh Nha Trang, nơi tôi thực tập những bài học vỡ lòng của người đi biển 50 năm trước. Tôi đứng trên boong đợi xuống tàu nhỏ để lên bờ, nhớ lại những ngày tháng cũ. Vẫn màu nước xanh thăm thẳm và những hải đảo chập trùng, nhưng mặt Hòn Lớn đã bị người ta khắc lên chữ “VinPearl”, và sợi dây cáp căng ngay vịnh làm mất đi cái vẻ thiên nhiên của biển, làm tôi chợt thấy buồn.
                             
                            Bến Cầu Đá hầu như vẫn như xưa, và con đường đưa chúng tôi về thành phố qua trường cũ, bây giờ đã được đổi tên là Hải Quân Học Viện, hình như bằng phẳng hơn. Trường cũ cũng cao và lớn hơn khiến Toàn không nhận ra nên ngơ ngác thở dài.
                             
                            Con đường Duy Tân, bây giờ là Trần Phú, không còn những bãi đất trống, những căn biệt thư khiêm nhường, thay vào đó là những khách sạn nhiều tầng sang trọng mang tên ngoại quốc, đẹp hơn bất cứ bãi biển nào tôi đã từng đi qua. Bãi cỏ hình như cũng xanh hơn cùng với cát vàng lung linh trong nắng nhưng tôi không thấy một tà áo dài thướt tha những chiều lộng gió của những năm nào.
                             
                            Xe bus ngừng lại gần cuối đường cho chúng tôi chụp hình. Lác đác vài bóng du khách ngoại quốc ngước mắt nhìn, không biết là những khách sạn sang trọng trên bờ biển của thành phố này sống ra sao vì “Việt Kiều” trung bình như chúng mình chắc là cũng khó bước chân vào!
                             
                            Trái lại với vẻ hào nhoáng của con đường Trần Phú, các khu phố bên trong gần khu Chợ Đầm hầu như vẫn như xưa, vẫn nhỏ hẹp và có vẻ nghèo nàn vì đông đúc người buôn bán lấn chiếm lề đường, và những cửa hàng vắng khách chỉ thấy chủ nhân ngồi buồn. Tôi và Quí đi lại những con đường xưa, cố tìm nhưng không nhận ra những căn nhà của những người con gái mà một thời bạn bè cũng lớp với chúng mình đã từng gắn bó yêu thương.
                             
                            Trên đường trở lại tàu chúng tôi ghé thăm “Dinh Bảo Đại”, bùi ngùi đứng nhìn biểu đồ vẽ một triều đại từ vua Gia Long cho tới Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng, người đã không nghe lời Trạng Trình, “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân”, sống ở Cannes bên Pháp thay vì hoàng thành Huế của VN. Chắc là vận nước điêu linh và “gập thời thế, thế thời phải thế” chứ có vị vua nào không muốn ngồi trên ngai vàng cho thần dân chiêm ngưỡng, phải không bạn thân?
                             
                            Bạn thân,
                             
                            Nha Trang đối với tôi cũng như người tình đầu đời, người con gái đã bị ép gả cho người khác, và dù bây giờ “cô ấy” có đài các kiêu sa thì cô ấy cũng chỉ là của người. Tôi thỉnh thoảng vẫn nghĩ về người yêu cũ, vẫn muốn trở về đi qua ngõ xưa, nhưng chỉ thế mà thôi vì tôi biết hai chúng tôi mỗi người đều đã có một mảnh đời riêng, rất riêng. Cũng như Sài Gòn, tôi trở lại để thấy mình lạc lõng, Nha Trang ngày về mang lại cho tôi chút kỷ niệm êm đềm, cùng với tiếng thở dài luống tiếc chút hương xưa, thế thôi!
                             
                            Ngụy Xưa
                            May 16, 2012
                             
                            Còn tiếp … Bông Hồng Cho Nhật Tảo
                             
                             
                            #14
                              NgụyXưa 23.05.2012 00:36:31 (permalink)
                              Bông Hồng Cho Nhật Tảo
                               
                              Bạn thân,
                               
                              Diamond Pricess rời Nha Trang đi Hồng Kông đêm 21 tháng Tư, và theo lộ trình ấn định tàu sẽ chạy rất gần Hoàng Sa vào trưa ngày hôm sau. Buổi sáng hôm 22 tháng Tư tôi ở lỳ trong phòng, theo dõi vị trí của du thuyền trên TV cho đến khi tàu đã qua vĩ độ của Đà Nẵng tôi mới lên boong đứng nhìn.
                               
                              Trong lòng tôi thấp thỏm, chỉ sợ là tàu chạy không đủ gần cho mình thấy đảo thân yêu, nhưng gần trưa thì những cột antenna hiện rõ khiến cho tôi thêm bồi hồi, và tôi không cầm được nuớc mắt khi thuyền trường Dino Sagani nói trên hệ thống âm thanh là tàu đang đi ngang Paracells (Hoàng Sa), và “quần đảo này trước đây thuộc về Việt Nam”.
                               
                              Dưới đáy biển sâu thẳm đó là con tàu Nhật Tảo và thân xác Ngụy Văn Thà cùng với  những người thủy thủ đã bỏ mình để cố giữ lấy một mảnh đất của quê hương. Thà vào trường HQ sau tôi một năm, và chúng tôi đã nhiều lần gặp nhau trên đường suôi ngược bến bờ VN, còn Nhật Tảo và tôi đã có những tháng ngày không quên. Năm 1964 Hoa Kỳ chuyển giao cho VN hai Hộ Tống Hạm tại Philadelphia. Tôi được tuyển chọn vào thủy thủ đoàn của HQ-11 (Chí Linh) còn bạn đồng khoá Nguyễn Hoài Bích có mặt trên HQ-10 (Nhật Tảo). Hai con tàu dắt díu nhau từ bờ biển miền Đông nước Mỹ, xuôi Đại Tây Dương, qua kinh đào Panama, vượt Thái Bình Dương về VN sau khi tạm dừng ở những nơi xa lạ như San Diego, San Francisco, Hawaii, Guam, Philippines … Chuyền hải hành một đời vẫn nhớ thế nhưng bây giờ Nhật Tảo nằm đây trong đáy nước, và Nguyễn Hoài Bích cũng đã tử nạn trên đường đi tìm tự do. Tôi nhớ tàu, nhớ bạn, và nước mắt tôi nhạt nhoà …
                               
                              Biển mênh mông nhưng vắng lặng, không có bóng dáng một con tàu nào ngoài chiếc Diamond Princess. Những ngày còn đi biển năm xưa tôi biết vùng nước này lúc nào cũng thấp thoáng vài ghe đánh cá mang cờ VNCH. Bây giờ biển vắng, người dân không dám ra khơi vì sợ “tàu lạ” bắt người đòi tiền chuộc. Không biết người dân đảo Lý Sơn lúc này sinh sống bằng cách nào khi mà vùng biển nuôi sống họ bao nhiêu đời bỗng dưng trở thành vùng biển cấm! Tôi không chỉ cảm thấy xót xa mà còn có cả chút căm hờn!
                               
                              Khi Hoàng Sa mờ dần vào chân mây tôi  vẫy tay chào. Một bông hồng cho thủy thủ đoàn Nhật Tảo! Toàn dân VN sẽ mãi mãi ghi ơn các anh, và thế nào cũng có một ngày Hoàng Sa sẽ lại là của VN để cho chúng tôi dựng lại tấm bia chủ quyền, khắc tên các anh cho đời đời tưởng nhớ.
                               
                              Bạn thân,
                               
                              Khi Diamond Princess qua khỏi vĩ tuyến 17 tôi đã đi trọn đường biển xưa. Ngày đó chúng mình đứng trên đài cao, nhọc nhằn với sóng gió, nhưng thiết tha với đời thủ thủ cho đến tận bây giờ, như là tôi đã từng viết cho bạn ta Vũ Hữu San, hạm trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư tham dự trận Hoàng Sa, trong một ngày họp mặt:
                               
                              Mắt xưa vương bóng sông hồ
                              Tóc xưa gió lộng bến bờ yêu thương.
                              ….
                               
                              Chúng mình yêu biển và yêu quê hương VN, thế nhưng đành làm người đi tản buồn. Tôi trở lại đường biển xưa như một người khách lạ, lòng bùi ngùi, ước mơ là sẽ lại có một ngày về, nước mắt nhạt nhoà với niềm vui, như tôi đã tâm tình với một người bạn trẻ, khi viết về tấm lòng yêu thương quê hương.
                               
                              Ngụy Xưa
                              May 22, 2012
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 20 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 294 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 6 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9