Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 13 của 20 trang, bài viết từ 181 đến 195 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Kiều Giang 26.10.2014 14:43:13 (permalink)
KG Cảm ơn Ct. Ly rất nhiều.
Chúc Ct.Ly luôn đẹp và hạnh phúc.
 
NgụyXưa 12.11.2014 01:33:18 (permalink)

Mùa Thu Ngày Nắng Muộn

 
Bạn thân,
 
Nghe tin những tiểu bang miền Bắc Mỹ mấy hôm nay gió tuyết và mưa bão ngập trời, tôi lắc đầu thương bạn ta quá đi thôi! Cali nơi tôi sống mùa thu năm nay tới muộn, nắng vẫn vàng, trời vẫn đủ ấm cho thiên hạ dập dìu ngoài bãi biển, và riêng tôi vẫn còn có thể dạy sớm ra hồ bơi, vui với tuổi vàng.
 
Thành phố này tiền thuế nhiều quá, không biết làm gì cho hết nên ho xây một cái park rộng mêng mông cho cả … chó và người!  Chó có chỗ riêng để chạy rông còn người ngoài những tiện nghi khác còn có hai hồ bơi nước ấm ngoài trời, đủ rộng cho những người chậm chạp như tôi chiếm riêng một lane, nằm ngửa thả trôi nhìn trời xanh mây trắng hững hờ mà chẳng làm phiền ai.
 
Bạn còn nhớ trường SQHQ Nha Trang của chúng mình ngày xưa không? Cái trường do Tây xây để lại cho VN mình, có hai sân tennis nhưng không có hồ bơi, (có lẽ vì Tây ở bẩn, lười tắm), nên anh em chúng mình hàng tuần bị luấn luyện viên thể thao dẫn ra biển, từ cầu tàu nhẩy xuống nước, bơi cho đủ 50 thước mới được ra về. Đứa nào bơi không nổi, gần hết hơi mới được vớt lên để tuần sau … bơi tiếp. Mấy thằng miền sông nước Hậu Giang, hoặc con nhà giàu hội viên của “Cercle Sportif  Saigonnais”, nhẩy xuống nước bơi như nhái, còn dân nhà quê Đà Lạt như tôi bơi … chó được vài thước đã muốn chìm. Huấn luyện như vậy mà khi ra trường tôi cũng bơi được đủ 50 thước, và may mắn là sau này khi chỉ huy chiến hạm tôi đã không bao giờ phải khoe tài bơi lội với nhân viên!
 
Cái công viên của thành phố không chỉ có hai hồ bơi mà còn có cả spa nước nóng đủ chỗ cho 25 người! Bơi mệt nghỉ xong vào ngồi spa cho jet stream đấm bóp đã lắm bạn ạ. Thú thật với bạn là đi bơi tốt cho sức khoẻ, và đôi khi tốt cho cả con mắt vì được thưởng thức nét đẹp của những thân hình căng nhựa sống! Tuy nhiên bạn hãy nghe tôi, đừng bao giờ tới hồ tắm trên những cruise ships! Nơi đó dành riêng cho những ông bà già bụng phệ nằm phơi nắng, nhìn thấy là đủ chán đời!
 
Bạn thân,
 
Mùa thu Cali năm nay tới muộn nhưng hoa cúc vàng đã nở rộ sau vườn và buổi chiều sau khi tắt nắng cũng đủ se lạnh, phải mặc áo ấm để có những phút bình yên, đi bộ trên con dốc trước nhà.
 
Từ dạo hồi hưu ngày nào của anh em chúng mình cũng là ngày cuối tuần, thế nhưng tâm hồn chúng mình vẫn chưa hoàn toàn yên tịnh, phải thế không bạn thân?  Chúng mình vẫn nhận được những email về tình trạng tồi tệ của xã hội Việt Nam hiện thời, và đâu đó trên thế giới vẫn còn đầy những bất trắc, bao nhiêu người vẫn chết vì bệnh dịch, vì bom đạn, vì bị chặt đầu phân thây, man rợ như thời hồng hoang! Toàn những chuyện ngoài tầm tay, đọc xong chỉ biết thở dài ưu tư, và cảm thấy bất lực vì ảnh hưởng của nước Mỹ với thế giới càng ngày càng suy sụp. Người Mỹ bây giờ không còn là người hùng, thấy chuyện bất bình tức thời ra tay nghĩa hiệp như thời xa xưa.
 
Cũng  may là thành phố nơi tôi cư ngụ rất thanh bình nên tôi vẫn còn những phút bình yên để nhớ về bạn bè và những ngày xưa thân ái của thời hoa mộng trên cao nguyên Lâm Viên. Tháng May năm 2015 trường cũ sẽ tổ chức đại hội, bạn nhớ về họp mặt nhé, để chúng mình có dịp nhắc nhở nhau những ngày vui.   
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 11, 2014
NgụyXưa 27.11.2014 00:42:26 (permalink)

Căn Nhà Trong Trí Tưởng

 
Bạn thân,
 
Bạn còn nhớ không, Sài Gòn thời thập niên 60 là những năm đầy biến động, hết đảo chánh tới chỉnh lý, hết Phật Giáo xuống đường đến VC tấn công vào dịp Tết Mậu Thân (1968). Lúc đó chúng mình còn đang theo chiến hạm, lênh đênh góc biển chân trời, lâu lâu mới được về Sài Gòn nghỉ bến vài tuần, thế nhưng Sài Gòn biến động cũng làm những ngày nghỉ bến của chúng mình không được bình yên.
 
Thường thì  vì cấm trại “trăm phần trăm, em ơi” nên thỉnh thoảng chúng mình mới được phép về thăm nhà, thế nhưng tôi lại không có một nơi gọi là nhà tại thành phố thân quen đó. Gia đình tôi ở tuốt trên cao nguyên nên mỗi lần “đi bờ” tôi thường ngủ vật vã trên căn gác xép của “Thịnh Mù” hoặc chia nhau một tấm divan với “Cóc Cần” tại căn nhà gỗ trong con hẻm gần bến xe đò An Đông. Bố mẹ tôi thương thằng con trai long đong nên vay mượn người quen, mua cho tôi căn nhà nhỏ gần Việt Nam Quốc Tự trên con đường Trần Quốc Toản để tôi có chỗ  trú ngụ mỗi lần được về nghỉ bến Sài Gòn.
 
Những ngày Phật Giáo biểu tình khu Việt Nam Quốc Tự mịt mù khói lựu đạn cay, nhiều hôm ngồi trong nhà mà nước mắt tôi giàn giụa, đành phải “di tản chiến thuật” tới nhà “Thịnh Mù” ở tuốt bên Phú Nhuận lánh nạn, và ăn cơm nhờ, hoặc trở về chiến hạm đêm nằm nghe tiếng mình thở dài.
 
Thấy tôi thường bỏ nhà hoang, bố mẹ tôi xót của nên để đứa em trai tôi từ Đà Lạt xuống sống với tôi cho có anh có em, và trông coi nhà cửa mỗi lần tôi đi xa. Em tôi mới 17 tuổi, còn thơ dại thế mà cũng đã trải qua một ngày thật hãi hùng ở nơi đó. Ngay sáng mồng một Tết Mậu Thân chúng tôi nghe tiếng súng nổ, hé cửa ra nhìn, thấy một người Cảnh Sát bị VC bắn nằm rên la ngay trước cửa nhà. Dù sợ hãi anh em chúng tôi cũng ra đường, cố tìm cho được một chiếc taxi, khiêng người Cảnh Sát lên xe, chở vào bệnh viện Bình Dân để cấp cứu. Ông tài xế xua tay không nhận tiền chúng tôi đưa trả, vội vã bỏ đi ngay sau khi nhân viên bệnh viện mang người bị thương ra khỏi xe. Anh em chúng tôi nép vào hành lang những căn nhà kín cửa trên con đường vắng, đi bộ về nhà, không biết số phận của người cảnh sát đó sau này ra sao vì không thấy ông ta trở lại nơi mình bị bắn, hỏi thăm hay cám ơn người đã đưa mình đi cấp cứu.
 
Căn nhà nhỏ trở thành một ám ảnh nên chúng quyết định bán đi, tìm một chỗ khác yên lành, và tôi đã chọn được một căn nhà … ngay trước cửa nghĩa địa! Bố mẹ tôi và bạn bè ai cũng can ngăn thế nhưng lúc đó tôi tin là sống gần người chết có lẽ yên thân hơn là sống gần mấy … ông sư, và tôi cũng chẳng tin ma quỉ nên không e ngại cái nghĩa địa bên kia đường ngay trước cửa nhà.
 
Căn nhà trước đó xây cho Mỹ mướn nên đầy đủ tiện nghi. Sân trước đủ rộng cho xe hơi đậu, và có cây huỳnh anh trước ngõ lá lúc nào cũng xanh ngắt, và hoa vàng hầu như nờ quanh năm,  thoáng nhìn thật là nên thơ. Thật là bất ngờ, khi dọn vào tôi mới biết, một bên hàng xóm của tôi là gia đình một ông công chức đã hồi hưu, có hai cô con gái học trường Tây (Marie Curie), nói tiếng Việt không rành để tôi bập bẹ  tiếng Pháp đã rơi rụng từ ngày tôi rời ghế nhà trường. Lúc đó tôi còn độc thân, nhọc nhằn với sóng nước, nay ở mai về, nhưng đối với những người con gái kín cổng cao tường thì đó là cuộc sống đầy bí ẩn và quyến rũ. Tôi lần lượt trước sau rơi vào vòng tay của  … cả hai chị em. Đó là những mối tình trong sáng, và nhẹ như mây trời, để rồi vội tan như sương mai vì cả hai chị em đều theo nhau giã từ VN, qua Pháp du học.
 
Căn nhà trước cửa nghĩa địa đó không chỉ là một mái hiên che nắng che mưa mà còn là một nơi mang đến cho tôi nhiều may mắn, có lẽ nhờ những hồn ma không quen nằm bên kia đường phù hộ. Vài năm sau khi vào sống trong căn nhà đó tôi được thuyên chuyển khỏi chiến hạm, lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân làm việc ngay tại bờ sông Sài Gòn, thành hôn với người yêu dấu, và năm 1973 tôi được học bổng du học tại Hoa Kỳ, một ước mơ tới muộn màng vào tuổi 30, thế nhưng nhờ vậy mà tôi đã không phải bị lưu đày trên núi rừng Bắc Việt, hoặc cay đắng trong “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng” như bao nhiêu bạn bè cùng khoá vào cuối tháng Tư năm 1975.
 
Bạn thân,
 
Em trai tôi ở lại căn nhà đó cho đến năm 1990 mới đoàn tụ với chúng tôi tại Hoa Kỳ, và căn nhà được bán đi với giá rẻ mạt, gần như cho không. Năm 2004, sau 31 năm xa cách, tôi có trở về Sài Gòn một lần thế nhưng đã không có thì giờ tới thăm chốn cũ, nhìn lại căn nhà xưa, tuy nhiên tôi cũng được biết là người ta đã hốt hết cốt tại nghĩa địa bên kia đường, và chỗ đó bây giờ là cái chợ nhỏ. Cây huỳnh anh trước ngõ cũng đã bị chặt bỏ, sân trước trở thành một … pharmacy, chứ không còn là nơi tôi đứng chuyện trò với hai người con gái bên kia hàng rào những buổi chiều không có nắng.  
 
Căn nhà, “nơi sống bao ngày giờ đằm thắm…”, chỉ còn trong trí tưởng, và tôi biết dù có trở về tôi cũng sẽ không bao giờ tìm lại được những bóng hình ngày xưa. Tiếc quá, tôi cũng chẳng có một tấm hình nào của cây huỳnh anh trước ngõ. Thôi cũng đành, phải thế không, bạn ta?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 25, 2014 
 
Nguyệt Hạ 27.11.2014 04:48:10 (permalink)
 





Anh Ngụy Xưa, có phải hoa huỳnh anh là hoa này không?
NH nghe người ta gọi hai tên, hoàng anh và huỳnh anh.


Kỷ niệm cũ, dù đẹp hay xấu cũng khó quên được phải không anh?
Cuối năm đến rồi, em chúc anh chị một mùa lễ ấm cúng và bình an bên người thân.
Chúc anh thêm sưc khỏe để tiếp tục đi chơi, và để viết bài hoài hoài nhé.

Thân kính,
Nguyệt Hạ



NgụyXưa 27.11.2014 05:42:28 (permalink)
Nguyệt Hạ
 





Anh Ngụy Xưa, có phải hoa huỳnh anh là hoa này không?
NH nghe người ta gọi hai tên, hoàng anh và huỳnh anh.

Thân kính,
Nguyệt Hạ
Đúng rồi đó NH. "Huỳnh" hay "hoàng" gì cũng là "mầu vàng". Cám ơn NH và thân chúc NH cùng gia đình một ngày lễ Tạ Ơn đầm ấm.
 
NX
Ct.Ly 27.11.2014 17:30:33 (permalink)
NgụyXưa 16.12.2014 02:19:18 (permalink)

 
Nhân mùa lễ hội NX xin chúc  tất cả các bạn miền xa một mùa lễ hội an vui, và xin cám ơn các bạn đã vào đây chia sẻ với NX một chút tâm tình cũng như là đã đóng góp bài vở cho phòng Văn và thư viện.
 
Tình thân,
 
NX
 
***

Ngày Vui Mùa Lễ Hội

 
Bạn thân,
 
Chỉ còn vài ngày nữa là Xmas, và chúng mình lại sống thêm một mùa lễ hội nữa trên xứ người. Mùa Đông chưa chính thức tới thế nhưng thời tiết cuối thu đã lạnh giá, mưa gió ngập trời, bạn nhớ giữ gìn sức khoẻ, và thân chúc bạn những ngày an vui.
 
Vào khoảng thời gian này tôi thường nhớ đến những ngày cuối năm xa xưa, khi chưa “rửa tay gác kiếm” về nơi hoang dã để quên bớt đi những thăng trầm của cuộc đời. Ba mươi ba năm làm việc trên đất Mỹ tôi đã “bán mình” cho biết bao nhiêu là hi-tech companies tại vùng Silicon Valley, và hầu như năm nào cũng tham dự những hội hè linh đình do công ty tổ chức đón mừng ngày Chúa giáng sinh. Khó có thể quên được đêm dạ hội vào một ngày cuối năm của Sun Micro Systems khi chúng tôi mang kính đen vì “Sun is too bright, we have to wear shade”,  và vẫn  còn nhớ mãi ngọn  đồi cao đầy sương mù trên San Francisco lúc cụng ly cùng với bạn bè làm việc chung tại Knight Ridder. Thế nhưng dấu ấn không phai là một bữa ăn trưa đơn sơ để trao đổi quà kỷ niệm tại CRI Computer Resources Inc., nơi tôi làm việc hơn 9 năm khi vừa di chuyển tới vùng đất hứa này.
 
CRI chỉ có khoảng chừng 50 nhân viên nên mọi người đều biết nhau, coi nhau như người trong nhà, và vui đùa với nhau như những người bạn thân, rất thân. Tôi không còn nhớ là đã bắt thăm trúng tên ai, và đã trao tặng ai món quà gì, nhưng không quên được người trao quà cho tôi là M., office manager của cái công ty software nhỏ bé nhưng đầy tình thân. Món quà tôi nhận được là một cái …. pacifier!
 
 
 
Chả là vì lúc đó tôi còn trẻ, mới vừa qua khỏi tuổi 40, thế nhưng “bày đặt”, lúc nào cũng ngậm ống vố trong mồm, và lâu lâu lại còn thả khói mịt mù trong văn phòng. M. muốn tôi cai thuốc nên đã tặng tôi cái pacifier để ngậm thay cho cái ống vố. Mọi người cười ầm khi tôi dơ cao chiếc hộp đựng pacifier trong suốt, có hai hàng chữ “No Tar” và “No Narcotine!”. Tôi cũng tủm tỉm cười nói nhỏ với M.: “Thanks, but I prefer the real one”. Dù tôi nói nhỏ mọi người cũng nghe thấy, và họ phá lên cười trong lúc M. đỏ mặt, dơ tay doạ đánh tôi nhưng cũng không khỏi hé môi cười.
 
Tôi vẫn còn giữ cái pacifier để làm kỷ niệm, để nhớ đến một ngày vui mùa lễ hội, và để nhớ đến một nụ cười. Cũng xin nói để bạn biết là tôi đã không còn hút thuốc từ nhiều năm nay, nhưng không hề ngậm cái pacifier đó lần nào!
 
Bạn thân,
 
Những ngày vui đó đã qua, và những công ty tôi vừa kể bạn nghe cũng không còn hiện hữu trên thương trường. Riêng M. thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau, và tôi đã từng viết về tình bạn với người đàn bà này trong một bài tùy bút, mời bạn đọc qua nếu bạn chưa xem:
 
http://vinasoft.com/TinhBan.htm.
 
Bạn bè thời thơ ấu hầu hết đã đi vào miền miên viễn, những người một thời làm việc chung tại Silicon Valley đã tản mác, ít còn liên lạc, riêng các bạn văn thì đâu đó  khắp bốn phương trời, chỉ có anh em Bảo Bình của một thời sông nước là vẫn còn quanh quẩn bên nhau.  Dù quen biết nhau bằng bất cứ cách nào đi nữa, tất cả các bạn đều là “bạn thân”, và một lần nữa xin chúc các bạn một mùa lễ hội an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 15, 2014
Nguyệt Hạ 17.12.2014 03:09:55 (permalink)
 









Nguyệt Hạ xin chúc anh chị một mùa lễ an lành
và năm mới 2015 nhiều sức khỏe và may mắn.


thiên thanh 18.12.2014 18:19:46 (permalink)

bo xin kính chúc cô chú 
một mùa Giáng Sinh vui tươi hạnh phúc và đầm ấm cùng những người thương yêu và bạn bè 
 
 
 
 
NgụyXưa 01.01.2015 04:51:11 (permalink)

Vàng Bay Mấy Lá …

 
Bạn thân,
 
Gần cuối năm người ta thường ngồi “tính sổ”, xem trong năm đời sống của mình ra sao, có làm được gì đáng ghi nhớ hay không. Với đa số anh em chúng mình thì hầu như ngày nào cũng giống nhau, đâu còn có gì quan trọng để “tính sổ”, thế nhưng trên đời này vẫn có những người cuối đời chưa hết long đong, chúc người ta “Merry Xmas” mà lòng hiu hắt buồn.
 
Một cô bạn trẻ mới đây viết cho tôi về chuyến đi thăm viếng một nursing home, hy vọng mang lại chút tình thương cho những người già không có một nơi nào gọi là nhà. Có những người đã lú lẫn (Alzheimer ) không còn nhớ ngay cả tên mình, nói một câu lập lại hai ba lần như thể không biết mình vừa nói gì, “tội lắm, chú ơi”, cô ấy than!
 
Ở nơi đó cô ấy cũng gặp những người rất buồn ngồi trên xe lăn trông ra ngoài cửa sổ, có lẽ đang chờ một người thân không biết bao giờ mới tới. Các đứa con của họ đã có đời sống riêng, đã đi xa, và cũng có những niềm riêng, nên không thể đến thăm ngay cả trong ngày Chúa giáng sinh. Đôi mắt của những người đó buồn vời vợi, trả lời những câu thăm hỏi cùng với tiếng nhẹ thở dài, và thường bùi ngùi nhắc tới kỷ niệm êm đềm của những ngày xa xưa.
 
Anh em Bảo Bình chúng mình đều đã già thế nhưng thật là may mắn, chưa phải vào sống trong  viện dưỡng lão. Đa số “bạn ta” đều khá giả, và còn đủ khoẻ mạnh để cùng với nửa kia của mình nương tựa lẫn nhau. Vài đứa trời bắt long đong, vợ sớm bỏ về trời, nhưng vẫn còn người thân quanh quẩn bên mình cho những ngày vui, chỉ có Ng. đang sống trong nhà già nhưng có đứa con trai hiếu thảo ngày nào cũng ghé vào trông nom.
 
Cụ Thộn dạo này điện thoại cho tôi luôn. Sau cơn đột quỵ “cụ” vẫn chưa đi đứng và nói năng được bình thường thế nhưng “cụ” bây giờ coi cuộc đời nhẹ tênh, không còn để ý đến ngay cả bệnh tật của mình, mai kia có phải theo gió về trời thì cũng chẳng có gì tiếc nuối. “Cụ” tâm sự: “có những điều tao không biết, và không muốn biết”,  xá gì mấy cái chuyện lặt vặt quanh mình, thế nhưng vẫn có những lúc cảm thấy cô đơn nên thường bốc điện thoại “đấu láo” với bạn bè dăm ba phút cho cuộc đời đỡ trống vắng, thế thôi!
 
Bạn thân,
 
Cuối năm lá vàng  rơi đầy trên lối đi, những cây phong trước ngõ chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu run rẩy trong gió trông thật là cô đơn, chẳng khác gì những người già đang héo hon trong viện dưỡng lão, nơi cô bạn tôi tới thăm. Niềm cô đơn của những người đó thật là thê thảm. Thà rằng lú lẫn, chẳng còn nhớ những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình, ngơ ngác như những ngày thơ dại còn hơn là cay đắng với những gì đang xảy ra quanh mình.
 
Tôi cũng chẳng biết là mình nghĩ như vậy có đúng hay không nữa, còn bạn thì bạn nghĩ sao? Cô đơn hay lú lẫn, nếu một ngày nào phải chọn lưa thì bạn chọn nỗi đau nào?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 31, 2014
 
thiên thanh 02.01.2015 02:35:27 (permalink)
NgụyXưa


Vàng Bay Mấy Lá …

 

Tôi cũng chẳng biết là mình nghĩ như vậy có đúng hay không nữa, còn bạn thì bạn nghĩ sao? Cô đơn hay lú lẫn, nếu một ngày nào phải chọn lưa thì bạn chọn nỗi đau nào?

Tình thân,

Ngụy Xưa
Dec. 31, 2014


cô đơn hay lú lẫn
cô đơn có thể là tự lựa chọn hay vì lý do gì đó 
lú lẫn là sự cô đơn của căn bệnh ở tuổi già 
ở hoàn cảnh nào cũng không là một chuyện vui cho bản thân và những người xung quanh họ 
 
 
kính chúc cô chú một năm mới đầy sức khỏe và niềm vui
 
 
NgụyXưa 12.01.2015 05:34:15 (permalink)

Cám ơn “thien thanh” đã để lại chữ chúc mừng.

Tháng đầu tiên của năm mới mở cho mọi người một trời hy vọng thế nhưng với người dân nước Việt thì cũng là tháng của u buồn vì ngày 19 tháng này là ngày giỗ Hoàng Sa.
 
Ngày giỗ năm nay tôi sẽ không có mặt cùng các bạn vì tôi đang trên đường về thăm lại vùng biển xưa. 41 năm đã trôi qua mà mỗi lần nghĩ tới “mảng san hô nhưng cũng là da thịt” đó tôi vẫn chưa hết nghẹn ngào, gửi bạn một bài viết cũ, đã post cách đây gần 8 năm, để chia sẻ với các bạn chút tâm tình, nhất là với các bạn mới trên diễn đàn này.
 
***
 

Nỗi Đau Còn Dài

 
Bạn thân,
 
Chỉ còn hơn một tuần nữa là ngày giỗ Hoàng Sa, anh em chúng mình lại bùi ngùi, lại tưởng nhớ, và có nhiều người sẽ  lại không cầm được nước mắt khóc bạn thân. 
 
Năm 1974 miền Nam Việt Nam có khoảng 19 triệu người. Khi mất Hoàng Sa, 19 triệu người lòng đau như cắt, nhưng cũng có một người dân miền Bắc viết một bài thơ chia sẻ niềm đau.
 
Hoàng Sa
 
Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một người
Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
 
***
Xin kể thêm tôi thành mười chin triệu một người
Thành viên gạch hồng tươi

Làm bức tường thành ngăn triền sóng dữ
Làm chiếc vò đựng mùa xuân ngọt lự
Giữ không rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi, chính giọt máu đào
Từ cuộc đời cha ông nhỏ xuống
 
***
Hoàng Sa, ơi Hoàng Sa
Cái tên nghe buồn như thủơ ban sơ
Ðối với tôi đã là da thịt
Dầu chỉ là một mảng san hô
 
***
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trang sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những giấc mơ
Khói tràn về đen thẫm ước mơ
  
***

Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một người

Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
 
***
Người bạn Hải Quân  Miền Nam ơi !
Trên đảo mù sương hôm đó có anh tay cầm súng
Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy pháo anh dương nòng sừng sững
 
***
Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Ðáy biển âm thầm, ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta
 
***
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
Ðếm biết bao nhiêu người vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ


***
Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ

Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
Tên người ngân buồn như bản thánh ca….
 
Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
Tên người ngân buồn như bản thánh ca….

 
Vô Danh
(thơ Dân Bắc)
 
Bài thơ này được nhạc sĩ Nguyên Văn Thành phổ nhạc, và các bạn hãy nghe anh hát để thấy niềm đau này là niềm đau chung của dân Việt chứ không không phải chỉ là của miền Nam:  http://vinasoft.com/nhac_hoangsa.mp3
 
Trung Quốc đang vẽ lại bản đồ. Hoàng Sa và rồi Trường Sa đã bị cuỡng chiếm. Nỗi đau còn dài.
 
Vài hàng ngắn ngủi gửi bạn, vì bỗng dưng tôi thấy nghẹn ngào, không viết được thêm.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 14, 2007
Edited Jan. 2015
 
 
Ct.Ly 16.01.2015 17:54:36 (permalink)
NgụyXưa 06.02.2015 02:21:28 (permalink)
 
 

Trong Nỗi Ngậm Ngùi

 
Bạn thân,
 
Biển Java êm đềm, sóng gió nhẹ nhàng khác hẳn ngày khi chiếc phi cơ của hãng hàng không AsiaAir rơi xuống lòng đại dương. Cũng ở chỗ này hơn 50 năm xưa khi chúng mình vừa tốt nghiệp, một số anh em chúng mình  đã vất vả thực tập trên các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ.
 
Chắc bạn còn nhớ khi đó chúng mình vừa ra khỏi quân trường, tiếng Anh chỉ mới tới trình độ vỡ lòng, nên hai ba đứa lúc nào cũng bám vào nhau ngơ ngác trên con tàu to lớn, cố gắng học hỏi những điều mới lạ mà chưa bao giờ được thấy trên các chiến hạm của VN mình!
 
Trở lại vùng biển xưa trên du thuyền Millennium của hãng Celebrity, con tàu cũ kỹ bên trong đã được “điểm phấn tô son lại” nhưng bên ngoài vẫn  phơi rõ nét phong sương, làm tôi nhớ lại những chiến hạm thân thương của Hải Quân VNCH. Bạn biết là các con tàu Hoa Kỳ chuyển giao cho chúng mình  phần lớn đã được đóng từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, và hơn thế nữa các vũ khí tấn công hiện đại, như những giàn phóng ngư lôi chẳng hạn, đã được tháo gỡ vì Hoa Kỳ tin rằng chúng ta không cần những chiến cụ đó để chống lại kẻ thù vì lực lượng  Hải Quân miền Bắc lúc đó không đáng kể. Nhận định một chiều  đó đã khiến chúng ta thất bại tại Hoàng Sa, mặc dù anh em chúng mình đã đã chiến đấu một cách kiên cường với các chiến hạm của Trung Cộng tối tân hơn và hoả lực mạnh hơn. Nghĩ lại thân phận của những nước nhược tiểu, phải nhờ vả và nương tựa vào các nước khác, nhiều lúc thấy thật đau lòng!
 
Trở lại vùng biển cũ sau hơn 40 năm sống tên xứ người, Anh ngữ bây giờ không còn là một vấn đề, tôi không còn “ngơ ngác” như những ngày tháng trước, và  trong những lúc chuyện trò với những người ngoại quốc mới quen, tôi vẫn hãnh diện nhận mình là người lính VNCH, thế nhưng nỗi  mỗi lần nhắc tới chuyện xưa tôi không khỏi ngậm mgùi, và càng ngậm ngùi thêm khi ghé thăm các nước lân cận để nhận thấy rằng họ đã vượt qua VN về mọi mặt, nhất là về kỷ luật giao thông trên đường phố. Kuala Lumpur với những cao ốc và xa lộ hiện đại, xe hơi và xe gắn máy lưu thông đầy đường thế nhưng không một tiếng còi thúc dục, tranh dành nhau từng chút như Sài Gòn bây giờ.
 
Trong chuyến đi này du thuyền từ Singapore vượt qua đường xích đạo, tới điểm tận cùng của Indonesia, nên mọi người đều được cấp giấp chứng nhận của thủy thần “Neptune, the Great God of all the high seas”, một truyền thống của người đi biển để kỷ niệm những lần viễn du qua những nơi sóng gió. Ngày xưa theo chiến hạm từ Hoa Kỳ về VN tôi đã hãnh diện nhận được giấy chứng nhận là đã vượt qua “Đường Sang Ngày” (kinh tuyến 180 độ), bây giờ có thêm chứng nhận vượt qua đường xích đạo, thôi thì cứ coi như là đã thoả mộng hải hồ!
 
Bạn thân,
 
Trời mùa đông Cali chỉ se lạnh khi tôi trở về thế nhưng chắc là những ngày qua nơi tôi sống cũng đã trải qua những cơn mưa gió bão bùng vì sân sau nhà “ngổn ngang trăm mối”, hoa lá rơi đầy! Cũng không sao, lại có việc để tôi làm cho ngày tháng bớt cô liêu, ít ra cũng tới cuối tháng Tư, lúc đó tôi lại lên đường vượt Đại Tây Dương, từ Miami qua Bồ Đào Nha. Có điều emails chồng chất vài trăm cái trong thời gian tôi đi xa nên tôi vẫn chưa xem hết, và nếu tôi có chậm trễ trả lời bạn, mong là bạn sẽ “tha Tào”, bạn nhé.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Feb. 5, 2015
thiên thanh 06.02.2015 02:33:29 (permalink)
cháu hẹn gặp cô chú một ngày gần đây tại phố cổ Paris cô chú nha 
công tử Lỳ có lên thăm phố cổ,  gặp cô chú và tt không nà?
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 13 của 20 trang, bài viết từ 181 đến 195 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9