Đi Về Hướng Mặt Trời Đông Bắc
Đã lâu tôi mới lại viết thư thăm bạn. Tôi cũng chẳng có gì bận rộn, chỉ là lênh đênh sóng nước, ngao du những vùng biển lạ để quên đi những phiền toái của đời thường, và nhất là không còn muốn nghe các ứng cử viên tranh cãi trong mùa bầu cử! Những người tôi muốn bỏ phiếu bầu vào chức vụ tổng thống tháng November sắp tới đều đã bị loại trong kỳ sơ bộ, còn lại ông Trump Cộng Hoà và bà Hillary Dân Chủ, hai người được gọi là “crooked”, là “con artist”, cá mè một lứa, xem ra thật chán mớ đời! Bầu cho ai bây giờ? Có lẽ là “the crooked is better than the con artist” như kết quả từ vài vụ thăm dò dân ý của các công ty truyền thông!
Nhật Bản là xứ của mặt trời, và Nhật Bản cùng Đài Loan đều nằm về hướng Đông Bắc của Việt Nam. Tôi đi tìm một chút hương xa, hy vọng quên đi những xao động tại quê nhà và những tranh cãi chính trị ồn ào trên đất nước tạm dung.
Thực ra tôi đã tới phi trường Đài Bắc nhiều lần để từ đó đổi máy bay đi Singapore, đi Hongkong, về Hà Nội … nhưng chưa bao giờ có dịp đi vào thành phố để “tham quan” cho biết sự tình. Lần này theo tàu Diamond Princess từ Kobe (Japan) sang thăm các thành phố Đài Bắc, Cao Hùng, Hoa Liên của đảo quốc này tôi đã không khỏi ngậm ngùi khi so sánh Taiwan với Việt Nam.
Cứ nhìn lượng xe gắn máy và kỷ luật giao thông trong thành phố là biết ai văn minh và trù phú hơn ai. Taiwan nhiều xe hơi hơn xe gắn máy, và đường phố yên bình khiến chúng tôi không một chút ưu tư. Các nước láng giềng đã vượt xa Việt Nam, và mặc dù vụ cá chết trắng bờ biển vừa xảy ra tại quê nhà liên quan tới công ty Formosa của Đài Loan tôi vẫn thấy khâm phục sự tiến bộ của đảo quốc này. Dân tộc nào cũng có những người xấu, nhưng cũng có nhiều cái tốt để chúng ta nhìn vào, và nếu có thể hãy mở lòng bao dung. Đi qua vài khu phố thương mại của Đài Bắc, nhìn những cửa hàng bán đồ gia dụng, tôi có cảm tưởng như mình lạc vào khu Chợ Lớn của Sài Gòn năm nào, và bỗng dưng tôi thẫn thờ nhớ thành phố thân yêu cũ, Sài gòn của tôi xưa chứ không phải là thành phố HCM bây giờ.
Chúng tôi cũng có dịp đi thăm con đường chiến lược từ Hoa Liên xuyên ngang Đài Loan đề quân đội có thề di chuyển mau chóng từ Đông sang Tây, thay vì đi vòng theo bờ biển, khi có chiến tranh. Con đường cheo leo trên những sườn núi cao, bên dưới là những dòng suối trong vắt, nhỏ bé đến độ chiếc xe bus phải tạm dừng lại, nép sát vào lề, khi có xe khi ngược chiều. Hàng trăm công nhân xây dựng (nguyên là binh sĩ đã giải ngũ trong thời bình) đã bỏ mình vì đá rơi, và chúng tôi đã phải mang nón an toàn khi đi gần những mỏm núi chênh vênh để … chụp hình, và để so sánh với đèo Ngoạn Mục từ Đà Lạt xuống Phan Rang. Một ngày vui mà sao vẫn ngậm ngùi khi nghĩ tới đất nước VN!
Trở về lại Kobe để tiếp tục đi vòng quanh miền Nam nước Nhật, và mặc dù đã đọc, đã xem youtube, về quốc gia tiến bộ này chúng tôi vẫn gặp những bất ngờ. Vịnh Hạ Long của chúng mình đúng là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên thế nhưng Japan cũng có “Inland Sea”, vùng biển bao bọc bởi những đảo lớn, với hàng chục hòn đảo nhỏ hình dáng đặc thù rải rác trong một vùng nước trong xanh mênh mông.
Inland Sea của Japan có lẽ không hùng vĩ như Hạ Long của Việt Nam mình nhưng nơi đó còn giữ nguyên được vẻ đẹp thiên nhiên. Từ trên boong tàu chúng tôi thấy lòng thanh thản hoà mình vào cảnh sắc chứ không có cái cảm giác tiếc nuối như khi nhìn thấy những đổ vỡ, do bàn tay con người khai phá, như trên vài hòn đảo của vịnh Hạ Long. Inland Sea cũng không có những chiếc ghe mong manh với những đứa trẻ ốm yếu, bám vào du thuyền để xin bố thí như tại đất nước khốn khó của chúng mình. Dân Việt còn quá nhiều người nghèo khổ, thật là tội nghiệp!
Người Nhật, nhất là đàn ông, theo thiển ý, không có cái vẻ thân thiện và cới mở như đa số những dân tộc Á Châu khác thế nhưng họ lễ phép và lương thiện không ai bằng. Có lẽ không đâu an toàn hơn nước Nhật bây giờ nên du khách tới nơi này rất đông. Thủ tục nhập cảnh của Nhật rất chặt chẽ (và hơi phiền toái) nên chúng tôi chẳng thấy một ông râu quai nón hay một bà che mặt nào ngoài đường phố. Không biết là chính phủ Nhật có chính sách cấm dân Hồi giáo tới nước họ, giống như ông Trump cổ võ trong kỳ tranh cử tại Mỹ, hay không?
Kiến trúc các đền đài (shrines) tại nước Nhật hầu như gần giống nhau nên xem một nơi có thể là đã thấy đủ cho nên chúng tôi lang thang tại các trung tâm thành phố nhiều hơn, và tình cờ chúng tôi được dự khán vài màn trình diễn nhạc cụ cùng vũ điệu cổ truyền của giới trẻ tại Kochi nên hiểu rằng dân tộc văn minh này vẫn còn tha thiết với nền văn hoá đặc thù. Cũng thật tình cờ, Diamond Princess ghé vào hải cảng Aburatsu lần đầu tiên nên được hoa hậu thành phố và một đoàn học sinh nam nữ đón tiếp. Thành phố nhỏ bé không có gì đáng chú ý thế nhưng khi tàu rời bến, trong tiếng nhạc của bài Soyonara trầm buồn, có những bàn tay vẫy tiễn đưa nên du khách cũng thấy ngậm ngùi. Trên bến cảng buổi chiều hôm đó chắc là cũng có những người trẻ nhìn theo con tàu ra khơi, khuâng khuâng mơ đời hải hồ thay vì sống mãi những tháng ngày u buồn tại một thành phố hẻo lánh!
Chỉ là một chuyến đi hai tuần ngắn ngủi nên chúng tôi thật tình chưa thấy gì nhiều về Japan. Tháng September sắp tới chúng tôi sẽ trở lại để đi vòng quanh nước Nhật, và để xem mùa thu Đông Kinh có giống như một bài hát của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hay không!
Giá sinh hoạt tại Nhật rất cao, hàng hoá ở Mỹ rẻ hơn nhiều, thế nhưng K. và một người bạn vẫn thích mua sắm những món đồ lặt vặt, nhỏ bé dễ thương, nhất là những dụng cụ trong nhà bếp. Riêng tôi, tôi đã có một kỷ niệm đáng nhớ vì bỏ quên chiếc túi đeo vai đựng passport và giấy tờ tùy thân tại một tiệm cà phê. Tôi đã thật sự rất lo ngại vì nếu mất passport sẽ không thể tiếp tục cuộc hành trình, và trở về Mỹ cũng sẽ rất khó khăn. Cô bán hàng không biết nói tiếng Anh khi tôi trở lại hỏi thăm nên đã phải đi tìm manager, và ông này cũng chỉ nói được chút ít, tuy nhiên ông ta hiểu được ngôn ngữ bằng tay của tôi nên chạy vội vào trong nhà mang chiếc túi ra, trịnh trọng cúi đầu, nâng hai tay trao trả! Tôi cũng chỉ biết cúi đầu cảm tạ và không biết cách nào khác hơn để đền bù vì người Nhật không nhận tiền “tip”. Họ coi đó là hành động khinh thường. Giá một nơi nào khác tại Á Châu có lẽ tôi đã phải trả tiền chuộc để lấy lại giấy tờ như một du khách Mỹ tại VN đã phải trả $100 để nhận lại Passport sau khi bị … cướp giật! Thoáng buồn khi nhớ tới người và nghĩ đến ta, thế đó bạn thân!
Du thuyền cũng ghé Busan của Nam Hàn. Chúng tôi đã tới nơi này vài năm trước đây, khi đó cụ Thộn bạn ta còn sống, còn đi lạc vào rừng cây tại chùa Hải Long cho bạn bè đi tìm. Bây giờ Cụ Thộn đã ra người thiên cổ, qua thành phố cũ nhớ bạn tôi không khỏi buông nhẹ tiếng thở dài. Lần này chúng tôi không trở lại chùa Hải Long, chỉ đi vào thành phố thăm chợ đêm. Một đồng Mỹ Kim đổi được hơn một ngàn “Won”, tiêu mãi mà vẫn không hết 100 US dollars, như thế cũng đủ vui cho một ngày!
Bạn thân,
Trở về Cali khi mùa hè sắp sửa bắt đầu thế nhưng mấy hôm nay trời vẫn nhiều mây và vẫn có sương mù vào buổi sáng. Dù sao thì thời tiết vẫn dễ chịu hơn miền trung Mỹ gió bão ngập trời hoặc là lụt lội như Houston nơi có vài bạn ta. Bay 14 tiếng trở về Mỹ nhưng kỳ này “quan ta” vẫn khoẻ mạnh nên đã lại bắt đầu nghĩ tới chuyến đi sắp tới. Bạn sẽ đi cùng với tôi, phải thế không?
Tình thân,
Ngụy Xưa
June 11, 2016