Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 17 của 20 trang, bài viết từ 241 đến 255 trên tổng số 294 bài trong đề mục
NgụyXưa 06.11.2016 10:20:24 (permalink)
Xin chào  "Vo Bien Gioi". Anh Đăng Vũ Hạ theo học khoá 13 trường Sỹ Quan HQ/NT (sau tôi 2 năm) nên tôi chỉ biết mà không quen. Trong một tập san của khoá 13 có viết về anh Hạ như sau:
 
"Riverside là một thành phố ở phía tây của khu Little Sài gòn và cách đó chừng hơn một giờ lái xe, nơi mà hiện giờ có gia đình Đặng Vũ Hạ đang sinh sống. Lúc Đặng Vũ Hạ mới đến Cali thì tình cờ tôi gặp ở một hội chợ Tết, tổ chức trong khu đối diện với khu Phước Lộc Thọ bây giờ." ( Trang 11 -   
https://xabienk13.files.wordpress.com/2014/09/xa_bien_ms4.pdf )
 

 
Tóm lại anh Hạ đang sinh sống tại Cali. Tiếc rằng tôi không có địa chỉ email  của anh ấy. Tôi sẽ liên lạc, khi tìm được tôi sẽ PM để anh rõ.
 
Tình thân,
 
NX
 
Nov. 6, 2016 - Viết thêm: Đã PM, gửi số đ/t của anh Hạ tới anh.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2016 09:51:06 bởi NgụyXưa >
Vo Bien Gioi 11.11.2016 06:11:48 (permalink)
Anh NgụyXưa,
 
Nhờ anh sốt sắng tận tình, tôi đã liên lạc được với người bạn bặt tin suốt hơn nửa thế kỷ.
Thế nào rồi tôi cũng làm một chuyến vế Nam Cali để được hân hạnh gặp anh và bạn xưa.
Anh là một mẫu điển hình văn võ song toàn, làm đẹp binh chủng Hải Quân và đời hải hồ vì ở tuổi này anh vẫn sóng nước lênh đênh khắp năm châu bốn biển.
VBG cám ơn anh NgụyXưa thật nhiều.
NgụyXưa 11.11.2016 10:45:01 (permalink)

Chuyện Bên Lề

 
Riêng tặng Vũ Thất và Cá Sơn
 
Bạn thân,
 
Có lần tôi đã viết cho bạn: “Tôi có số “sát chủ” bạn à, vì công ty lớn nhỏ nào tôi làm việc cho cũng đểu chết mất xác hoặc ngắc ngư con tàu đi, chờ lên bàn mổ. Đầu tiên là BDM (một hãng về quốc phòng), sau đó là CRI Computer Resource Inc., rồi Sun Microsystems, Acuson (hãng chế tạo máy siêu âm), DFX, Sillicon Graphics Inc., Quantum, Flextronics, Knight Ridder (hãng báo chí đứng thứ nhì trên nước Mỹ), tất cả đều đã đi đong, trừ Flextronics còn đang ngắc ngoải!  Nếu bạn có thể kể thêm cả HQ/VNCH của thời xa xưa khi chúng mình làm lính nước thì cũng không sai.
 
Đó là chuyện “ngày xưa” bạn ạ, lúc tôi còn phải cáng đáng gia đình, lo lắng cho cuộc sống thường ngày, còn bây giờ tôi đã hồi hưu, đời sống nhẹ tênh, lâu lâu phải đi bầu, thi hành bổn phận công dân, thế mà làm cũng chẳng ra gì vì cứ bỏ phiếu cho ai thì người ấy … tiêu luôn!
 
Tôi là “đảng viên” (nói cho oai) của đảng Cộng Hoà, và lần nào cũng bỏ phiếu cho phe ta, thế nhưng John McCain rồi Mitt Romney đều bị Obama đánh cho phù mỏ, về nhà khóc thầm, cho nên năm nay vì không thích cá tính của Mr. Trump (not my president) tôi phản đảng, bầu cho  Hillary Clinton, tưởng là chắc ăn như bắp nhưng không ngờ ngựa lại về ngược, đau như hoạn! Không phải chỉ ứng cử viên tổng thống, ngay cả những chức vụ tiểu bang, và nhất là các luật lệ được đem ra trưng cầu dân ý (initiative), thí dụ như có cho hút cần sa thả dàn hay không, cái nào tôi cũng bầu trật đường rày, vote “no” thì “yes” thắng, còn vote “yes” thì quá nửa dân chúng gào lên “no”!!! Từ nay về sau nếu ghét ai thì tôi bầu cho người ấy, cái gì mình thích thì bỏ phiếu chống, như thế cho … chắc ăn. J/K.
 
Life is going on …, ai làm tổng thống Mỹ thì “Mít ta” tại đất nước này vẫn phải đi cày trả nợ nhà nợ xe, gửi tiền về VN nuôi thân nhân, hoặc già quá rồi như Ngụy Xưa (chắc phải đổi tên là Ngụy Lão) thì yên chí đã có tiền hưu, tiền già, tiền welfare …, hàng ngày tiếp tục ra Phúc Lộc Thọ đánh cờ tướng, tới Coffee Factory ăn sáng, chê Mỹ “ngu như bò”! Thế nhưng buổi tối ngày bầu cử nghe mấy ngài analysts bàn loạn là nếu Trump thắng cử các chỉ số chứng khoán sẽ xuống ít nhất là 5 phần trăm, và thấy thị trường Asia tuột dốc không phanh khi Trump đã bỏ xa Clinton, dành được gần đủ 270 cử tri đoàn, tôi buồn nẫu ruột vì có tí tiền còm để dành trong trương mục 401-K không biết sẽ đi về đâu!
 
Thiên hạ phù thịnh chứ không ai phù suy bạn ạ. Ngay cả cái các thị trường chứng khoán cũng thế mà thôi. Ngày hôm sau (Nov./9/2016) stock markets đổi chiều, cổ phiếu lên như diều gặp gió, mọi người vỗ tay, tôi cũng thở phào bớt lo lắng, nghĩ thầm chắc là Cá Sơn bạn ta nói đúng: “Ông ni có dị tướng, thế nào cũng đắc cử, và sẽ “Make America Great Again”, tin tui đi”.  OK, bây giờ tôi tin bạn, và xin chúc mừng bạn đã có những phút giây vui sướng của cuộc đời.
 
Bạn thân,
 
Chuyện đi bầu coi như đã xong thế nhưng chuyện nước non vẫn còn nhiều vấn đề cho mấy ông bà “mặt to” lo lắng. Khi tranh cử hứa hẹn thật nhiều, bây giờ làm sao đây, cái gì trước, cái gì sau, đào đâu ra tiền, etc… Những ứng cử viên tranh chức tổng thống không phải vì tiền mà vì danh vọng và quyền lực, thế nhưng quyền lực đi đôi với trách nhiệm và ưu tư. “Ai bảo chăn trâu là khổ” và “Ai bảo mần tông tông là sướng”, câu nào đúng hơn hả bạn thân?
 
Năm nay đã có một nữ cử tri gốc Việt được bầu vào hạ viện liên bang Hoa Kỳ, thôi thì mọi việc cứ để bà ấy lo, còn bạn và tôi chúng mình hãy chuẩn bị đi giang hồ, về lại đường biển xưa, ghé thăm bến cũ thêm một lần, và biết đâu chẳng là lần cuối cùng, vì nói bạn nghe, chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ xin visa Tàu để về thăm cố hương.
 
Tặng bạn tấm hình, chụp trên đỉnh núi khi chúng mình đi hành hương tại Aomori, Japan, để ngắm nhìn và giữ cho tâm hồn được thanh tịnh những lúc băn khoăn về cuộc đời.
 
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 10/2016
 
NgụyXưa 29.11.2016 23:25:15 (permalink)

Bên Kia Bờ Đại Dương

 
Bạn thân,
 
Khi biết là tôi sẽ lại về thăm VN vào cuối tháng Hai năm tới, một người bạn trẻ miền xa đã yêu cầu tôi viết cho cô ấy về những nẻo đường quê hương vì cô ấy đi xa từ khi còn nhỏ, hầu như không biết gì nhiều về đất nước ba miền.
 
Lời yêu cầu của cô ấy làm tôi chợt nhớ tới một truyện ngắn tôi đã viết về hai người trẻ lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng vẫn đi tìm cho mình một quê hương.  Họ yêu nhau nhưng sống xa cách. Người con trai trở về Việt Nam, lang thang qua các nẻo đường, và viết những bài bút ký về chuyến đi để ký thác tâm tình. Anh muốn gửi những bài viết cho người yêu ở xa, nhưng rồi bâng khuâng:
 
Gửi cho em những gì để em biết về Việt Nam đây? Điêu tàn của chiến tranh trong quá khứ, ngỡ ngàng với đổi thay của của hiện tại, hay tương lai bấp bênh của Việt Nam vì sự đe dọa từ phương Bắc? Dũng nhẹ thở dài, mà thôi, anh sẽ gửi cho em những bài viết về gió heo may và lá vàng của mùa thu Hà Nội, về đồi thông và sương mù của Đà Lạt, về giòng sông Tiền Giang hiền hoà của miền Nam. Cho em những hình ảnh quê hương để em và những người trẻ lớn lên ở hải ngoại biết về giang sơn gấm vóc, để em yêu thương và mong một ngày trở lại cội nguồn.”
 
Tôi đã đem tâm sự của mình gửi gấm vào nhân vật đó vì tuổi thơ của tôi là Hà Nội nơi có mưa phùn gió bấc, thuở thiếu thời là Đà Lạt mù sương, và gần nửa đời lang bạt với bến bờ và sông nước miền Nam, trước khi qua Mỹ làm người di tản buồn. Bạn bè của tôi đa số đều như vậy, sinh ra và lớn lên ở một nơi gọi là quê hương nhưng rồi cuộc đời đưa đẩy, trôi nổi tới miền đất hứa này, tìm được một chút bình yên cuối đời, thế nhưng vẫn khắc khoải nhớ hoài về một nơi ở bên kia bờ đại dương:
 
Nhưng em biết không, anh yêu và biết ơn xứ sở tự do Hoa Kỳ mà sao mà sao anh vẫn mơ màng một nơi có em và có anh, có tình yêu và tình người nhưng không có hận thù, về một nơi có hồn thiêng sông núi, một nơi mà mọi người đều có thể tự do sống như là họ ước mơ.”
 
Với một số anh em Bảo Bình chúng mình thì niềm mơ ước nhỏ nhoi đó đã không thành. Gần hai mươi đứa đã bỏ mình trên đất khách, và cũng chỉ có Mai và Đơn được gia đình mang tro cốt về  Nha Trang an táng trên ngọn đồi trông ra Biển Đông. Những đứa còn lại “vẫy tay chào buồn anh đi”, và chẳng biết bao giờ tới lượt mình về với cát bụi, xác thân vùi lấp ở một nơi nào đó, hay là tro tàn đi vào lòng đại dương!
 
Bạn thân,
 
Gần ngày Thanksgiving một cơn bão nhỏ thổi qua miền Nam Cali nhưng mưa cũng chỉ vừa ướt đất, và sau cơn mưa nắng ấm vẫn dịu dàng để cho chuyến hành trình gần 8 giờ lái xe về San Jose thăm nhà không đến nỗi vất vả. Mẹ tôi đã 98 tuổi, xưa cũng như bây giờ, lúc nào cũng mong những đứa con ở xa về thăm. Đời lính tráng năm xưa có khi mấy năm mới được đi phép một lần. Một đêm giao thừa say mèm, viết cho người bạn thiếu thời trên cao nguyên:
 
Quê mình ở chỗ mây và núi
Xuân có hoa đào với nắng tưoi.
Lâu quá không về thăm phố nhỏ,
Có nhớ thằng ta ở góc trời?”
 
Bây giờ đời thênh thang, mỗi năm về thăm mẹ vài lần, không sợ VC chôn mìn, đắp mô, gián đoạn giao thông, ngủ bờ ngủ bụi hay bị bắt cóc, dẫn vô rừng!
 
Mùa Thanksgiving, xin cám ơn cuộc đời, cám ơn đất nước tự do này, dù bà Hillary hay ông Trump làm tổng thống cũng thế mà thôi, phải không bạn miền xa?
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 28, 2016
 
NgụyXưa 17.12.2016 11:01:13 (permalink)
Nhân mùa lễ hội thân chúc các bạn miền xa và các ACE những ngày an vui và một năm mới 2017 an khang, thịnh vượng.
 
Nhân dịp này Ngụy Xưa cũng xin cám ơn các bạn đã tới thăm viếng nơi chốn quạnh hiu này, và nhất là đã để lại dấu ấn dồng cảm, cũng như chia sẻ tâm tình ấm áp trong những tháng năm vừa qua.
 
 
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 16, 2016
 
NgụyXưa 02.01.2017 01:52:23 (permalink)

Có Tin Vui …

 
Bạn thân,
 
“Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” là một ca khúc của cố nhạc sỹ “Trầm Tử Thiêng” vì “người đã cứu người”, tuy nhiên đối với NX thì đây lại là một chuyện khác, chẳng liên quan gì đến âm nhạc hoặc thuyền nhân, có chăng chỉ là một chút tình vui.
 
Có những chuyện chỉ để cho riêng mình, không cần phải “khoe” với ai, thí dụ như tai bên trái của tôi từ thuở thiếu thời hầu như đã chẳng nghe được tiếng động thế mà mấy chục năm sau khi lập gia đinh K. mới biết. Nhiều lần khi thấy tôi không muốn nghe  than van về một chuyện gì đó K. lại thấy tôi úp cái tai bên phải xuống gối, “cool like a cucumber”, cứ thắc mắc hỏi han nên tôi đành cười tình, thú thật về môn võ “mũ ni che tai” của mình!
 
Thính lực của tôi thực sự đã suy giảm nhiều cùng với những tháng năm sống đời sông nước, trên những chiến hạm cũ kỹ của HQ/VNCH, suốt ngày nghe tiếng máy tàu, tiếng máy phát điện ồn ào, và lâu lâu đinh tai vì tiếng đại pháo ru đêm. Sau này chen vai thích cánh trên đất hứa mặc dù không gặp trở ngại khi theo học postgraduate school nhưng khi đi làm tôi đã đôi lần “ngơ ngác” vì hiểu lầm khi họp hành hoặc nghe thuyết trình. Những lần như thế tôi cứ dấu diếm bằng câu “my English is not so good”, (mà phần nào cũng đúng), vì sợ bị chê cười.
 
Mấy năm gần đây nghe lời dụ dỗ của một chàng audiologist tôi đã bỏ ra mấy ngàn dollars mua một cái máy trợ thính, loại có thể dấu kín trong lỗ tai, thế nhưng cái hearing aid đó vẫn không giúp ích gì mấy vì nó khuếch đại bacground noise quá lớn khiến tôi không nghe được tiếng người trong đám đông, nên đành bỏ trong ngăn kéo, lâu lâu mang ra nhìn để … tiếc tiền!
 
Mặc dù với thính lực giới hạn tôi hầu như vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn nghe được tiếng hát êm đềm của các ca sĩ mình ưa thích từ TV, và vẫn “đấu láo” ồn ào với bạn bè trong nhưng lần họp khoá, tranh nhau kể chuyện ngày xưa thân ái khiến các bà phải nhăn mặt nhăn mày! Đôi khi có gặp trở ngại chút ít tôi chỉ tặc lưỡi, tự an ủi: “Trời gọi ai người ấy “dạ”, mình không nghe được chắc là còn sống lâu”! Hơn thế nữa, cuộc đời cũng đã đủ vui, ước mơ chi nhiều cho khổ thân!
 
Thế nhưng, cái chữ nhưng …, một buổi sáng ngủ dậy bỗng dưng  tôi không nghe được tiếng nói của xướng ngôn viên từ chiếc TV trong phòng ngủ, mặc dù volume đã mở lớn hết cỡ, cứ tưởng là TV hư tôi đã định đi mua cái khác, cho đến khi tôi không nghe được cả tiếng K. gọi xuống nhà ăn sáng, K. phải lại gần, ghé sát vào tai, tôi mới biết là mình … đã điếc thật rồi! Ngẩn ngơ … buồn năm phút, nhờ K. gọi bác sĩ ENT (Ear, Nose & Throat, chuyên khoa tai mũi họng), xem mình mắc chứng gì mà chỉ qua một đêm không còn nghe được tiếng động, và ngay cả tiếng nói của chính mình cũng trở nên rất lạ, như của một người tự một hành tinh nào xa xôi.
 
Tìm mãi trên Internet mới thấy một bác sĩ  ENT trong vùng cư ngụ được thân chủ phê bình “5 stars”, và khi gọi xin hẹn tôi mới biết là thế giới này có quá nhiều người … nặng tai, phải chờ hơn một tháng mới tới lượt mình. Trong suốt thời gian  chờ đợi tôi chỉ biết đọc sách, hoặc xem phim … câm,  nghe ngóng chi thêm cho đời mỏi mệt! “Có một lần mất mát mới thấy thương người đơn độc” (Đời Đá Vàng – Vũ Thành An). Thú thật với bạn là trong thời gian chờ đợi bác sĩ đó tôi rất là cô đơn, lẩn tránh những chỗ đông người, và phải nhờ K. thay mặt vài lần họp mặt mà đáng nhẽ trong cương vị gia trưởng của một đại gia đinh tôi phải đứng ra gánh vác.
 
Bạn thân,
 
Nhìn biểu đồ sau khi thử nghiệm do audiologist cung cấp ông bác sĩ già đứng trầm ngâm, và dù ông ấy có nói thì tôi cũng đâu có nghe. Cuối cùng ông ấy biên cho tôi một toa thuốc 63 viên steroid, mỗi buổi sáng uống có … sáu viên trong vòng một tuần, rồi sau đó bớt dần … Ông ấy lại chỉ vào một bức tranh vẽ chi tiết tai trong tai ngoài to tướng treo trên tường, và nói thêm cho tôi biết là ông ấy sẽ chích thuốc vào giữa tai tôi ba lần! Nhìn cái ống chích dài thòng tôi rùng mình, hỏi bác sĩ chích thế có đau không, và chọc thủng màng nhĩ thì làm sao chữa lành. Ông ta tủm tỉm cười, an ủi tôi là sẽ có thuốc tê nên chỉ đau ít thôi, màng nhĩ cũng chỉ là da thịt, rồi nó cũng sẽ tự lành, tuy nhiên chích xong tôi phải nằm bất động độ chừng 40 phút đồng hồ. Tôi thở dài nghĩ thầm: “Không biết sẽ ra sao, nhưng thế là đủ … chít cha ngộ dồi”!
 
Tôi uống những viên kích thích tố đó được vài ngày thì một buổi sáng tôi bỗng dưng nghe như có tiếng nổ ròn trong tai, và ông thấy Trump trong TV không … câm nữa, mà hình như đang nói gì đó về “no One-China policy”. Tôi lắng nghe và ngỡ ngàng nhận thấy mình lại nghe được tiếng nói, và hình như còn rõ ràng hơn xưa. Niềm vui chợt đến, tôi cho K. biết, và các con tôi cũng oà lên reo mừng. Đúng là “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, một vòng tai vừa mới mở ra … người đã cứu người!
 
Sau một tuần lễ tôi đã trở lại gặp ông bác sĩ già thêm một lần, nói cho ông ta biết là tôi đã nghe lại được, ông ta cũng tỏ vẻ vui mừng, khuyên tôi tiếp tục uống cho hết thuốc, và khỏi cần phải đâm thủng màng nhĩ của tôi để bơm thuốc nào nữa. Tôi nhẹ thở phào, dù chưa hết phân vân.
 
Tôi hiểu là ảnh hưởng của khích thích tố, uống hay chích, đều có giới hạn, và khó biết được là hậu quả lâu dài sẽ ra sao, tuy nhiên một năm hay sáu tháng có phải trở lại thăm ông bác sĩ Jacobs già một lần thì cũng đâu có sao. Mình đã thuộc loài “cổ lai hy”, thể xác còn còn một ngày mạnh khoẻ là tâm hồn còn một ngày vui.
 
Đầu năm khai bút viết để chia sẻ với bạn một niềm vui, mong là lúc nào bạn cũng an khang, gặp nhiều may mắn trong năm 2017, và nếu bạn có hỏi tôi nghị quyết của năm mới là gì thì xin thưa với bạn là hãy cứ yêu người và yêu thương cuộc đời.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Jan. 1, 2017
NgụyXưa 17.01.2017 03:56:42 (permalink)

Về Nơi Cuối Trời

 
Bạn thân,
 
Nam Cali năm nay mưa nhiều, mặc dù chỉ là những cơn mưa nhỏ.  Những  hạt mưa  bám vào cửa kính chảy dài như những dòng nước mắt u buồn khiến tôi nhớ về một thời trẻ dại trong trại định cư Du-Sinh của thành phố Đà Lạt, khi gia đinh tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Đó là một đoạn đời khó khăn trên đất lạ, dù vẫn là quê nhà, nên tôi không thể nào quên.
 
Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa
Chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời
Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời
Một miền Bắc âm u, mưa phùn rơi. (1954-1975 - Phạm Duy)

 
Mất gần 20 năm trời bố mẹ tôi mới gây dựng lại được cơ nghiệp, nuôi nấng anh chị em chúng tôi nên người để rồi:
 
Một ngày bảy lăm, con bỏ hết giang sơn
Hai mươi năm tình yêu người yêu cuộc sống …

 
Bố mẹ tôi đã quyết định ở lại quê nhà  một phần vì đứa em gái út của tôi còn nhỏ và người chị cả đã có gia đinh riêng, di tản không được. Hơn thế nữa một đứa em trai của tôi vì lý do gia cảnh đã quay trở lại sau khi đã ra ngoài cửa biển, để rồi bị lưu đây trên rừng núi cao nguyên gấn mười năm. Bố tôi cũng không biết gì nhiều về đất nước bên kia Thái Bình Dương nên cứ băn khoăn: “Qua đó rồi không biết lấy gì mà nuôi nhau!”
 
Mãi cho tới năm 1990, khi mà cuộc sống của anh em chúng tôi ở bên Mỹ đã ổn định, bố mẹ tôi và các chị em còn kẹt lại mới sang đoàn tụ, và đại gia đinh cuối cùng lại lại được sống quây quần tại vùng Thung Lũng Hoa Vàng (Silicon Valley – California). Bố tôi qua đời năm 2000, ở vào tuổi 84, sau mười năm hạnh phúc cuối đời, mặc dù đôi lúc vẫn còn nhớ tới đường xưa lối cũ đến độ vài tháng trước khi qua đời, thỉnh thoảng  bố tôi lại cuốn bộ quần áo bằng tờ báo cũ, cắp dưới nách, ra đứng ngoài cửa, nhờ chúng tôi  gọi cho bố chiếc xích-lô tới bến xe về làng Thuận-Tốn cạnh bờ đê sông Hồng. Khi được chúng tôi nhắc nhở đây là California chứ không phải Hà-Nội, bố tôi có vẻ thẫn-thờ, như không tin.
 
Mẹ tôi thì lại khác, dù đã 98 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ngày xưa làm dâu con nhà phú hộ nhưng lúc nào cũng chân lấm tay bùn, tha thiết với quê hương, nhớ từng bờ ruộng, gốc cây, đình chùa, lăng miếu nên bây giờ dù ở xa 10 ngàn dặm mà cứ mơ tưởng như đang gánh lúa đi trên con đường làng trơn trượt những ngày nắng hạ cũng như những ngày mưa dầm, gió rét cắt da. Mẹ tôi cũng muốn trở về thăm lại quê nhà thêm một lần thế nhưng vì tuổi tác và sức khoẻ của mẹ nên anh em chúng tôi không đành lòng để mẹ đi xa, vì vậy mà mẹ tôi lúc nào cũng vẫn còn khắc khoải nhớ thương.
 
Cuối năm thường có những giây phút xao lòng nhớ về dĩ vãng xa xôi, nhất là về người thân và bạn bè. Đại gia đinh chúng tôi sống bên nhau yên vui thế nhưng tôi chẳng còn người bạn nào thời thơ ấu. Bạn bè cùng khoá Bảo Bình của trường SQ/HQ Nha Trang bây giờ cũng chỉ còn lại hai phần ba, và nhiều người cũng đã già yếu, chân trong chân ngoài, chờ ngày về nơi cuối trời.
 
Kỳ họp mặt vừa qua chúng tôi cứ băn khoăn không biết sắp tới sẽ là “đứa nào”, ở Bắc Cali hay Nam Cali, hai nơi các bạn cùng khoá của tôi sống quây quần, thế nhưng hôm Jan. 3, 2017 chúng tôi lại nhận được tin của cháu Hải Phi, con gái út của BB Nguyễn Thanh Sắc, từ Germany bên trời Âu:
 
Ba con đả yên giấc trưa ngày 03 tháng 01 năm 2017 lúc 14:16 trong bịnh viện gần nhà sau khi bị té ngã …”
 
Lá thư còn có những lời tha thiết về người đã ra đi:
 
  • Đánh trận Hoàng Sa, bắn hết đạn nhưng không chết
  • Đi tù cải tạo 12 năm nhưng không chết
  • Mổ tim nhưng không chết
  • Ngã một lần  mà đã ra đi vĩnh viển, đau đớn quá các bác ơi …
 
Sắc này là “Sắc Sô” của những ngày trong quân trường, nguyên HQ Thiếu Tá, Hạm Phó của Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư trong trận hải chiến Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974, con người hiền lành, không bao giờ “nói tiếng Đức” thế nhưng cuối đời ngôn ngữ hàng ngày lại là German! Đường xá xa xôi nên không thể qua đưa bạn tới nơi an nghỉ cuối cùng, đành xin “vẫy tay chào buồn anh đi” về nơi cuối trời.
 
Bạn thân,
 
Chỉ còn hơn tuần lẽ nữa là Tết. Tôi mưa nắng sụt sùi nên không biết năm nay có đủ sức lái xe từ Carlsbad về Milpitas thăm nhà hay không. Nhưng dù ở đâu thì tôi cũng sẽ thắp nhang cúi lạy trước bàn thờ gia tiên, cầu xin tiền nhân phù hộ cho gia đinh, cho bạn bè và cho nước Việt mãi trường tồn để chúng mình có một nơi để đi về, dù chỉ là về thăm lại đường xưa lối cũ.
 
Vài hàng gửi bạn miền xa, thân chúc bạn năm mới Đinh Dậu thịnh vượng, và nhất là lúc nào cũng an vui để yêu thương cuộc đời.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Jan. 16, 2017
 
NgụyXưa 23.02.2017 06:45:47 (permalink)

Một Ngày Không Có Em

 
Bạn thân,
 
Khi không còn người yêu dấu thì “một ngày không có em là lòng anh tan nát …”  như một bài hát mấy ca sĩ phòng trà thường hay rên rỉ, là đúng quá rồi. Phải thế không bạn thân?
 
Cuối năm con khỉ tôi cũng có một ngày buồn nát ruột, tuy nhiên “em” của tôi không phải là người mà là “Internet”, cái mắt xích để cho tôi biết là mình vẫn còn hiện hữu với thế giới bên ngoài.
 
Chuyện là như thế này: cái TV của tôi bỗng nhiên không bắt được sóng, tôi gọi điện thoại cho AT&T, nói chuyện với thằng … robot đã đời nhưng vẫn không đi tới đâu, cuối cùng mới được một bà service technician chiếu cố. Từ một nơi xa xôi nào đó không biết bà ta làm những gì, chạy test hay thay đổi configuration sao đó rồi “phán” rằng thì là cái receiver của tôi hư, bà ấy sẽ gửi cho cái mới để tôi tự thay lấy.
 
Thế nhưng tất cả hệ thống dịch vụ do AT&T cung cấp, bao gồm TV, điện thoại và Internet, đều chết ngắc ngay sau khi tôi chấm dứt điện đàm với bà technician! May còn cái cell phone cũ mèm của Verizon để tôi gọi lại AT&T, nói chuyện ấm ớ với thằng robot thêm một lần nữa, và sau cùng với một ông service technician khác. Ông này “hành” tôi đủ điều, bắt tôi lôi cái “modem” từ trong closet ra, bấm hết nút này đến nút nọ, hỏi tôi đèn nào xanh, đèn nào đỏ, đèn nào nhấp nháy, rồi cuối cùng kết luận “cái modem tiêu rồi”. Không đến nỗi như “nước Mỹ tiêu rồi”, (chào anh Frank ), nhưng tôi phải đợi ít nhất 24 giờ mới có người tới sửa chữa hoặc thay thế cái modem đã xưa như trái đất.
 
Thế là một ngày không có “em”! Tôi như người hụt hẫng, mất liên lạc với thế giới bên ngoài, không biết hai đài CNN và MSNBC chửi Trump tới bài bản nào rồi, và cũng không theo dõi được các chỉ số chứng khoán cũng như những lời bình luận của các chuyên gia trên đài CNBC như mọi ngày. Không có Internet nên tôi cũng chẳng vào được các diễn đàn thân quen thăm bạn miền xa nên thấy cuộc đời bỗng nhiên trống vắng, không biết làm gì cho hết ngày. Đêm ngủ tôi vẫn băn khoăn không biết ngày mai nhân viên của AT&T sẽ đến lúc nào, có đúng giờ như họ hứa hẹn hay không. Thú thật với bạn là khi còn nhỏ mong mẹ đi chợ về để được ăn quà tôi cũng chỉ nóng lòng đến thế mà thôi!
 
Nhân viên của AT&T đến khá đúng giờ, và cũng mất gần bốn tiếng đồng hồ vất vả thay thế cả modem lẫn receiver rồi thử lại hệ thống TV dưới nhà trên lầu, phone lines khắp nơi cũng như  Internet Wifi connection cho desktops, laptops, printers. Trừ một cái computer cũ xì giũ làm đồ cổ (vẫn còn chạy hệ XP) không chịu “nói chuyện” với cái modem mới, tất cả máy móc đểu hoạt động bình thường để K. có thể làm việc tại nhà (telecommute). Tôi thở phào nhẹ nhõm, tiễn người technician ra về, cám ơn ông ta như thể là giã từ một ân nhân!
 
Bạn thân,
 
Tôi đang chuẩn bị đi du lịch một vòng Đông Nam Á nên ngay khi có Internet tôi vào ngay website của hãng máy bay EVA xem lịch trình các chuyến bay sắp tới của mình có gì thay đổi hay không.  K. hỏi tôi: “chuyến về tới nơi lúc mấy giờ”, và bỗng dưng tôi ngẩn ngơ không biết là “về” đâu, Hà Nội hay Cali? Tôi đã sống ở nơi này hơn 40 năm, và mỗi lần đi đâu xa, góc biển hay chân trời, tôi đều “về Cali”. Thế nhưng mỗi lần có dịp tôi cũng “về Việt Nam” chứ ít khi nghĩ là mình “đi” Hà Nội hay Sài Gòn.
 
Năm 2004 tôi đã có dịp thăm viếng Sapa thế nhưng một người bạn của K. chưa bao giờ biết đến thành phố trên cao đó nên lần này chúng tôi lại “về Việt Nam” thêm một lần. Hành trình từ Hà Nội lên miền thượng du Bắc Việt có lẽ không còn khó khăn như xưa. Chúng tôi sẽ không chỉ thăm Sapa mà sẽ còn leo lên đỉnh Fansipan, nóc nhà của Đông Dương, hít thở không khí mù sương của quê hương mình trước khi bay sang Singapore xuống du thuyền thăm lại đường biển xưa.
 
Mai tôi lên đường, đầu mùa xuân sẽ về lại Cali. Vài hàng gửi bạn miền xa, và hẹn gặp lại bạn một ngày rất gần. Mong là lúc nào bạn cũng có “em” để chúng mình giữ liên lạc, vì mặc dù ỏ xa nhưng có “em” nên cũng thật gần.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Feb. 22, 2017
 
sen dat 23.02.2017 20:01:23 (permalink)
Ôi! Nguỵ xưa ơi sao lại đi sapa mùa này? Khí hậu khó chịu lắm đó nha!
frank 05.03.2017 04:21:29 (permalink)
Hello anh Ngụy Xưa

Mừng anh đi du hành khắp nơi. Thế là nhất trên đời rồi! 

Anh đi chơi nhiều là phải. Vì "Nước Mỹ tiêu rồi!". Và "The end is near!"
NgụyXưa 29.03.2017 01:33:29 (permalink)
Cám ơn hai anh sendat và Frank đã ghé thăm. Thân chúc hai anh và các bạn miền xa lúc nào cũng an vui.
 
*** 

Đường Về Việt Bắc

 
Bạn thân,
 
Năm 2016 tôi đã ghé thăm Hà Nội trên đường đi từ Hong Kong sang Singapore. Chuyến viếng thăm ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ, chỉ đủ thời gian cho tôi gặp gỡ vài người quen, và thoáng nhìn thành phố của thời thơ ấu sau nhiều năm xa cách để ước mơ thêm một lần trở về. Tôi cũng yêu núi rừng Bắc Việt qua những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của Lê Văn Trương từ ngày còn cắp sách tới trường nên ngoài Hà Nội chuyến du lịch về VN lần này còn là cơ hội cho tôi đi thăm miền thượng du huyền bí xa xôi.
 
Từ Hà Nội đi Sapa bọn chúng tôi sáu người, gồm cả tài xế và private tour guide, đã không theo con đường cao tốc mới được xây dựng (và vẫn còn đang được nâng cấp) nhưng đã dùng quốc lộ 32 để đi qua những địa danh mà cho tới lúc đó chúng tôi chỉ được biết đến qua văn chương.
 
Chắc là bạn cũng đã từng đọc “Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ” của Phạm Tín An-Ninh, bài viết về thị trấn heo hút miền Tây Bắc, nơi nhiều anh em chúng mình đã chôn vùi những tháng năm của đời hoa niên trong nhà tù được mệnh danh là trại cải tạo. Nghĩa Lộ là nơi chúng tôi dừng xe nghỉ đêm trên đường đi Sapa sau khi đã đi qua Sơn Tây và Yên Bái. Thị trấn về đêm buốn hiu hắt mặc dù nơi chúng tôi cư ngụ, theo người tour guide, là khách sạn sang trọng nhất của thành phố này. Buổi tối trời mưa phùn và gió lạnh, đường xá vắng tanh, chúng tôi bước qua bên kia đường đối diện khách sạn, ngồi khoanh chân trên sàn gỗ của một nhà hàng, ăn cơm nếp với thịt trâu rừng … nhưng không thể nào uống được thứ rượu đặc thù của địa phương. Đêm về trong căn phòng ấm áp, chìm vào giấc ngủ, mơ thấy mình thơ thẩn trên núi đồi xanh mướt của thành phố Đà Lạt thời hoa niên.
 
Buổi sáng ngày hôm sau xe đưa chúng tôi tới “tham quan” nhà tù trên đỉnh đồi. Chỉ thoáng nhìn nhưng tôi cũng đủ xúc động thương xót thân phận tù dày của những người lính VNCH những ngày gẫy súng xa xưa. Xe tiếp tục lăn bánh trên những con đường ngoằn ngoèo ven theo những đồi trà, ruộng bậc thang của đồng bào thiểu số, ngập nước vì lúa vừa cấy xong. Chúng tôi dừng chân ăn trưa tại Tú Lệ, trước khi đi qua Mù Căng Chải, Than Uyên, Tân Uyên …, những địa danh chỉ mới biết đến một lần trong đời. Người tour guide ngừng xe nhiều lần cho chúng tôi chụp hình và viếng thăm một “bản” của người H’Mong. Dân làng đều nói thạo tiếng “Kinh” trừ một bà già móm mém đã hơn 80 tuổi ngồi đun nước trong căn nhà tối và kín như bưng. Đàn bà con gái vẫn mặc sắc phục cổ truyền nhưng đều biết dùng cell phone nói chuyện ngoài đường, còn con trai chạy xe gắn máy mù trời chứ không chân đất đi bộ như tôi đã thấy trong những tấm hình quảng cáo du lịch tại Hà Nội. Trong “bản” cũng có trường học và các giáo viên đều là người “Kinh”. Chắc chỉ một hay hai thế hệ nữa những người được gọi là “thiểu số” này sẽ hoà đồng với người Việt, khó còn giữ được bản sắc, nhất là đất đai của họ đã được bán dần cho các tổ hợp từ Hà Nội (và ngoại quốc) đến để xây khu nghĩ dưỡng cho dân nhà giàu ăn chơi. Dòng đời đổi thay là lẽ tự nhiên nhưng chẳng biết là nên vui hay buồn.
 
Qua khỏi huyện Tân Uyên xe chuyển qua quốc lộ 40, vượt qua một ngọn núi cao hơn hai ngàn mét trước khi tới Sapa. Đúng là “đường về Việt bắc xa xôi núi đồi…” như một ca khúc của Đoàn Chuẩn. Xe lên dốc, xuống đèo lắc lư như người say. Tôi đã quen với sóng gió biển khơi nên không cảm thấy khó chịu nhưng K. và một người bạn chút nữa thì trả lại núi rừng cơm nếp muối vừng vừa mới ăn trưa tại Tú Lệ.
 
Tôi đã thăm Sapa năm 2004 bằng xe lửa từ Hà Nội tới Lao Kay trước khi chuyển qua xe du lịch để lên thành phố này. Sapa thay đổi nhiều, cuối tuần du khách từ miền xuôi dùng đường cao tốc  lên chen vai thích cánh, đông như phố cổ Hà Nội,  nhưng đường xá vẫn chật hẹp, và lầy lội vì những công trình xây cất, mở mang thành phố đến độ hầu như con đường nào cũng có khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang xây.
 
Sương mù và gió lạnh nên chúng tôi “trốn” trong khách sạn Victoria, dưỡng sức để ngày mai leo lên đỉnh núi Fansipan, cao đìểm của chuyến về thăm quê hương. Vì đã khá nhiều tuổi nên chúng tôi không thể nào lên núi bằng con đường bộ (mất từ một tới hai ngày, tùy theo thời tiết) mà Eve cùng với các bạn trẻ khác đã dùng để chinh phục mái nhà Đông Đương trước đây. Chúng tôi đã chọn phương tiện cable car, đường dây cable dài nhất thế giới (gần 10 cây số), nhưng cable car cũng chỉ tới một nơi còn hơn 600 bực thang nữa mới lên tới đỉnh. Biết là mình không đủ sức leo những bực thang này, nhất là gió lạnh và không khí ẩm ướt, nên chúng tôi đã mua vé, chui vào một toa tàu điện để được kéo lên cao. Từ cuối đường tàu điện đường lên đỉnh vẫn còn vài chục bực thang. Trên cao gió lớn, lạnh và sương mù, nên dù đã gần tới nơi, hai người bạn đi cùng đành phải bỏ cuộc, tránh cái rét cắt da trong toa tàu, chờ xuống núi. Chỉ có tôi và K. lên tới đỉnh của ngọn núi cao 3,143 mét, hít thở không khí mù sương của quê hương, và chụp vài tấm hình làm kỷ niệm cho cuộc hành trình khó quên.
 

 
Hệ thống cable treo và tàu kéo là một công trình đáng kể, chỉ mới hoạt động từ tháng Feb. 2016, tuy nhiên có lẽ phương tiện này chỉ để phục vụ cho “Việt kiều” và du khách ngoại quốc hơn là cho dân địa phương vì vé cable car và tàu điện khá đắt. 700,000 VNĐ (hơn $30 dollars) quả thật là quá cao cho những người Việt có lợi tức trung bình, nhất là cho các bạn trẻ còn đang trong thời sinh viên. Trước khi đi anh sen dat đả cảnh báo chúng tôi là thời tiết mùa này không thích hợp để lên đỉnh Fansipan nhưng chúng tôi không có chọn lựa nào khác vì không phải dễ dàng có được một thời điểm thích nghi cho tất cả mọi người trong nhóm (nhất là có người còn đang đi làm).
 
Vì sương mù nên chúng tôi hầu như không nhìn thấy gì từ trên đỉnh Fansipan, thế  nhưng gần một tiếng đồng hồ (cả khi đi và về) qua cửa kính của cable car chúng tôi đã thu được hết hình ảnh núi rừng Việt Bắc vào trong tầm mắt. Trên không mù sương nhưng phiá dưới là những núi đồi xanh tươi với những con đường mòn quanh co, những bản làng cheo leo trên sườn dốc, mây trắng bay lững lờ … Đất nước VN của chúng mình đẹp quá, một lần đi qua là một lần mãi nhớ thương.
 
Bạn thân,
 
Sapa và Fansipan chỉ là những thắng cảnh thế những còn có những nơi vương hồn sông núi tôi vừa viếng thăm khiến cho tôi xúc động bùi ngùi. Muốn chia sẻ thêm với bạn những cảm nghĩ về quê hương nhưng thư này đã quá dài, đành xin hẹn bạn thư sau.
 
Mong là lúc nào bạn cũng an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
March 27, 2017
 
sen dat 04.04.2017 16:26:21 (permalink)
Chúc mưng Ngụỵ xưa đã leo dù bằng cáp treo lên đỉnh fansipan ! Vậy là Nguỵ xưa sẽ sống thọ lắm đó he...he...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.04.2017 16:27:33 bởi sen dat >
NgụyXưa 05.04.2017 04:24:37 (permalink)
Cám ơn sen dat đã chúc NX sống lâu. 
 
*** 

Vui Buồn Hà Nội

 
Bạn thân,
 
Trong thời gian về thăm Hà Nội tôi tạm trú tại Hotel May De Ville trong khu phố cổ, và dù chỉ có vài ngày nhưng tôi đã thấy biết bao nhiêu cảnh vui buồn. Từ phòng ăn trên cao của khách sạn tôi có thể nhìn thấy hồ Hoàn Kiếm xinh xắn từ phía xa, thế nhưng cận cảnh phố cổ trái lại không khác gì một bức tranh thiếu hài hòa với những toà cao ốc bên cạnh  những căn nhà lụp xụp mái tôn chứ không còn là “mái ngói rêu phong, cây bàng lá đó” như một bài hát của T.C.S.. Thành phố đang vươn mình nhưng hình như chính quyền không có một chính sách rõ ràng nên ai có tiền, có quyền thế là muốn xây cất sao cũng được.
 
 
 
Những con đường nhỏ làm từ thời xa xưa cho xe tay, xe ngựa bây giờ không còn thích hợp cho xe hơi, xe gắn máy nên hầu như lúc nào cũng ùn tắc, nhất là khi phía trước có chiếc xe nào ngừng lại để đón khách hay giao hàng. Hơn thế nữa vỉa hè bị các hàng quán chiếm dụng, hoặc làm nơi giữ xe, khiến bộ hành phải đi xuống lòng đường, càng gây thêm trở ngại lưu thông. Không phải chỉ có vỉa hè bị chiếm dụng, hàng quán còn bày bàn ghế xuống lòng đường, và thiên hạ ngồi ăn tỉnh bơ, như thể con phố là một nhà hàng khổng lồ, mặc cho xe cộ qua lại bóp còi inh ỏi. Phố cổ cuối tuần còn có chợ đêm, hai ba giờ sáng vẫn ồn ào, người dân vẫn vất vả kiếm sống trong lòng những con đường nhếch nhác về khuya.
 
Một người dân Hà Nội quen biết nói với tôi: “Tất cả chỉ là vì sinh kế. Những người bán hàng đã phải đóng tiền cho công an để có một chỗ ngồi trên vỉa hè. Một bát bún bán cho dân lao động chỉ có 7,000 VNĐ (30 xu Mỹ), cứ cho là lời được 15 xu, như thế bán bao nhiêu bát một buổi để để nuôi được cả gia đình vài người? Xe gắn máy leo cả lên vỉa hè để kiếm lối đi. Họ đâu có muốn như vậy, nhưng không làm thế thì tới sở chậm trễ, mất công ăn việc làm, đói rách lầm than. Đạo đức suy đồi, người ta mánh mung, nhưng cũng chỉ vì tranh sống, Họ đáng thương hơn là đáng ghét.”  
 
Tôi thở dài nghĩ tới cuốc xe taxi từ một nhà hàng bên bờ sông Hồng trở về khách sạn. Tôi và người bạn nói tiếng Việt nhưng lẫn vài chữ tiếng Anh nên người tài xế biết chúng tôi là “Việt kiều”. Xe đang chạy thẳng bỗng nhiên rẽ ngang sang một con đường lạ, có lẽ muốn chạy vòng vo, lừa bịp du khách ngoại quốc, để kiếm thêm tiền như là tôi đã từng xem một phóng sự trên Youtube. Cô bạn trẻ người Hà Nội đi cùng la lên: “Về Gia Ngư mà sao anh lại đi đường này?” Người tài xế có vẻ ngượng, lầu bầu: “Ngồi yên để cho người ta lái. Đi đường này cho vắng xe!”  Nói thế nhưng rồi anh ta lại trở về đường cũ. Chừng 15 phút sau xe tới khách sạn, đồng hồ tính cước trên xe taxi chỉ 35,000 VNĐ ( $1.50 USD)! Xe taxi đầy đường phố, không biết một ngày người tài xế có được bao nhiêu cuốc xe như vậy, kiếm được bao nhiêu tiền, có đủ chi phí xăng nhớt và bảo trì hay không? Đời sống khó quá, chưa kể còn bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm” như người tài xế lái xe Van đưa chúng tôi ngoạn cảnh tại Vũng Tàu mấy ngày sau đó. Xe chỉ mới dời chỗ đậu mà đã bị cảnh sát thổi còi, bắt nộp phạt vì … chạy quá tốc độ. Người tài xế cầm giấy tờ và bọc tiền ra khỏi xe gặp đám cảnh sát tại một góc tối, trở lại với khuôn mặt u buồn. Tôi hỏi: “Tốn nhiêu?” Anh ta thở dài: “500,000 VNĐ, (chừng $22 dollars). Thế nhưng họ chịu “ăn” là may đó. Nếu bị tịch thu giấy tờ, mang về đồn thì còn tốn kém hơn nhiều”. Thuê xe và tài xế nguyên ngày ở VN cũng chỉ tốn chừng $65 dollars, cảnh sát giao thông hôm đó ăn chặn mất một phần ba …. Thôi thì, cuộc đời vui, cuộc đời buồn … !
 
Không phải ai cũng có những mảnh đời khốn khó như vậy. Bạn đã đọc nhiều về đời sống của các đại gia tư bản đỏ nên tôi cũng không cần viết thêm, và tôi cũng không quen biết ai trong giới này để “trải nhiệm” một lần. Tuy nhiên tình cờ tôi được ông anh họ của người bạn đi chung từ Mỹ về, mời tới ăn cơm tối. Xin tạm gọi ông ta là Tiến. Tiến hơn tôi vài tuổi, từng là con nhà khá giả, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng sau năm 1954 tài sản của bố mẹ bị chính quyền tịch thu, cả gia đinh 7 người phải chui rúc trong một căn phòng 9 thước vuông, “khổ như chó”, như Tiến kể lể. Lớn nên, ít học, Tiến làm công nhân để nuôi thân, nhưng biết xoay sở và luồn lọt nên được phép cung cấp “dép Bình Trị Thiên” cho chiến trường, dành dụm được ít tiền. Sau ngày “giải phóng” nhà cửa rẻ như bèo nên Tiến mua được căn nhà trên đường Cát Linh. Chế độ “mở cửa”, đầu tư từ ngoại quốc đổ vào, giá nhà lên như diều gặp gió, Tiến phá căn nhà cũ, xây lên 6 từng, hai từng dưới cho ngoại quốc thuê, mỗi tháng thu vào hơn $20,000 dollars, thừa tiền gửi con đi du học tại Mỹ, trang trí bốn tầng còn lại như cung điện, và như Tiến khoe: “Tôi đi du lịch hơn 40 quốc gia rồi, tới đâu vào thẳng toà đại sứ Việt Nam, vung ra ít tiền nhờ họ đưa đón, “tham quan” khắp nơi. Có tiền là xong hết.” Tiến có xe Mercedes, có tài xế và đầu bếp riêng, mặc complet ba mảnh  để tiếp khách (trong lúc tôi mặc quần cái bang tám túi để đi du lịch cho tiện). Trong bữa cơm tôi chỉ mỉm cười lắng nghe Tiến nói về đời mình. May mà Tiến coi chế độ hiện giờ chẳng ra gì, và chê bai hơn là ca tụng lý thuyết CS nên tôi không cảm thấy khó chịu. Bà vợ trẻ hàng ngày đi tập yoga, đi khiêu vũ với bạn bè, muốn ăn gì gọi người ta mang tới tận nhà chứ chẳng cần chợ búa lôi thôi. Tiễn chúng tôi ra về Tiến gọi dùm Uber chứ không thèm gọi taxi. Theo như bà vợ, trong nhà Tiến mạnh miệng nhưng ra ngoài vẫn phải mua chuộc những đứa có quyền, như thế bạn thử nghĩ xem cuộc đời của Tiến lúc này chỉ có niềm vui hay cũng còn vương nhẹ một nỗi buồn? 
 
Bạn thân,
 
Tôi biết là bạn đã đọc và đã biết rất nhiều về những cảnh đời của người dân VN trên mạng nên tôi chỉ chia sẻ với bạn vài cảm nghĩ nhỏ nhoi và riêng tư trong một khung cảnh thu hẹp những ngày trở lại thăm quê hương. Tôi còn muốn viết về cảm xúc khi thăm viếng những nơi gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ gìn cõi bờ của tiền nhân, nhưng bạn chờ tôi thư sau nhé, bạn miền xa.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
April 3, 2017 
xinhxinh1122 05.04.2017 17:30:46 (permalink)
chào tất cả mọi người vn thuquan
NgụyXưa 15.04.2017 01:24:18 (permalink)

Nơi Có Hồn Thiêng Sông Núi

 
Bạn thân,
 
Tôi đã may mắn có dịp được đi tới nhiều nơi trên thế giới, và đã được chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như các kỳ quan kiến trúc của nhiều dân tộc, thế nhưng không có nơi nào làm tôi xúc động nhiều như mỗi lần trở về ngắm nhìn đất nước VN.
 
Trong thời gian trở về thăm quê nhà vừa qua tuổi thơ của tôi hầu như đã sống lại. Sau hai ngày lang thang trong thành phố Hà Nội, tới những nơi của tuổi thơ tôi mà hầu như ai cũng biết như hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, Quốc Tử Giám, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, … chúng tôi quyết định đi Ninh Bình thăm viếng cố đô Hoa Lư, đầm Vân Long và chùa Bích Động, nơi được người tour guide gọi là Nam Sơn Đệ Nhị Động để so sánh với Hương Tích của chùa Hương.
 
Đầm Vân Long là một vùng đất ngập nước rộng mênh mông, bao bọc những núi đá vôi đã bị soi mòn thành những hình thù độc đáo với những hang động bí ẩn. Người chèo thuyền cho chúng tôi du ngoạn nguyên là một cựu bộ đội đã từng tham gia cuộc chiến chống Trung Cộng năm 1979, khi ông ta mới ở vào tuổi hai mươi. Vừa quan sát sơn thủy, vừa nghe người chèo thuyền giới thiệu phong cảnh, và nói về thân phận mình, tôi thấy mênh mang một nỗi buồn. Nước non mình đẹp quá nhưng người dân quê vẫn còn rất lầm than.
 
Hàng chục con thuyền chờ đợi du khách trên bến, vài ba ngày mới đến lượt mình để kiếm được chừng 2 dollars (mà còn phải nộp phần trăm cho chính phủ) nên chủ thuyền nào trông cũng rất tang thương. Cuộc sống khó khăn, người cựu bộ đội đi chèo thuyền để bù đắp cho mảnh vườn nhỏ bé trồng ngô khoai nuôi cả gia đinh vì chính phủ bây giờ hầu như không để ý gì đến các cựu quân nhân (của miền Bắc cũng như là của miền Nam). Chúng tôi như có niềm cảm thông nên khi giã từ đã nắm tay nhau một cách ân cần. Bèo nước tương phùng,  nhưng cũng xin cám ơn người đã có một lần gìn giữ biên cương.
 
 
Đầm Vân Long
 
Quê tôi gần Hà Nội và Ninh Bình cũng không quá xa, thế nhưng gần hết đời người tôi mới được tới đó để biết đến một nơi gọi là cố đô Hoa Lư. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng nhỏ bé khiêm nhường, kém xa so với những kiến trúc lịch sử của các nước lân bang. Thế nhưng bàn thờ hình như phảng phất hồn thiêng sông núi khiến tôi lặng lẽ cúi đầu, trong lòng xúc động, nghe như đâu đây tiếng reo hò và thấp thoáng bóng cờ lau tập trận của tiền nhân. Tôi cũng thấy mình như nhỏ lại, nhớ tới những năm tháng còn ngồi trên ghế trường tiểu học Quang Trung, say mê nghe thầy cô giảng những bài sử ký. Nỏ Thần, Thánh Gióng, Cờ Lau … của thời trẻ dại vẫn còn sống mãi trong hồn tôi.
 
Không có nơi nào trên thế giới ngoài quê hương cho tôi tìm lại được tuổi thơ của mình. Bạn biết vì sao tôi vẫn cứ tìm về, mặc dù có đôi lần bạn khuyên tôi không nên trở lại VN vì nơi đó bây giờ không còn là đất nước tự do.
 
 
Đền Thờ Vua Đinh Tiên Hoàng
 
Rời Hoa Lư chúng tôi tới thăm khu sinh thái “Vườn Chim Thung Nham”, cái tên nghe lạ, nhưng đây chỉ là một khu du lịch (resort) mới được thành lập, phong cảnh u nhã, với Động Tiên Cá,  Rừng Nguyên Sinh, Thung Lũng Tình Yêu, Cây Duối Ngàn Năm … Những nơi đó đi qua một lần cho biết nhưng không ghi lại nhiều ấn tượng như những di tích lịch sử từ thời dựng nước và giữ nước của ông cha chúng mình. Có lẽ tôi là người hoài cổ, nhớ và sống với dĩ vãng nhiều hơn là cái gì mới mẻ, dù có tốt đẹp hơn.
 
Địa điểm cuối cùng của chuyến du lịch ngày hôm đó là chùa Bích Động trên một ngọn đồi cao. Chỉ có tôi, K. và cô bạn nhỏ người Hà Nội leo được tới trước sân chùa thượng. Đường lên núi cheo leo nhưng chùa nhỏ bé, có lẽ chỉ là di tích của người xưa tìm nơi xa lánh bụi trần.  
 
Bạn thân, 
 
Tôi muốn viết thêm về “đất hai vua”, và về một nơi của huyền sử,  nhưng thư cũng đã khá dài, xin hẹn bạn thư sau.
 
Lúc này Carlsbad đã đang là mùa xuân, hoa cam nở trắng, thơm lừng khu vườn nhỏ. Trở về sau một chuyến đi dài, cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường thế nhưng có nhiều lúc tôi vẫn bồi hồi nhớ về một nơi thật xa, rất xa.
 
Mong ngày gặp lại, và có bạn đi cùng với  tôi về thăm những nẻo đường quê hương.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
April 12, 2017
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.04.2017 01:26:18 bởi NgụyXưa >
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 17 của 20 trang, bài viết từ 241 đến 255 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 5 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9