Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 18 của 20 trang, bài viết từ 256 đến 270 trên tổng số 294 bài trong đề mục
NgụyXưa 12.05.2017 09:57:53 (permalink)

Về Miền Quá Khứ

 
Bạn thân,
 
Có những câu thơ chỉ đọc qua một lần nhưng nhớ mãi. “Bên này đất nước nhớ thương nhau” trong bài “Đôi Bờ” của Quang Dũng chính là tâm sự của tôi khi xa quê hương gần hai năm trời (1970-1971), làm sĩ quan liên lạc tại trường Officer Candidate School, Newport  (Rhode Island), trong lúc người tôi yêu ở bên kia bờ đại dương.
 
Nhiều năm sống đời sông nước, lang bạt các bến bờ, không có một nơi gọi là nhà, tôi thường dùng một câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khác Hiếu, “Giang hồ mê chơi quên quê hương”, để che giấu một nỗi buồn mỗi khi tàu khởi hành, xa bến thân quen.
 
Như các bạn đã biết quê quán của Quang Dũng và Tản Đà đều là Sơn Tây cho nên trên đường từ Hà Nội đi Sapa trong chuyến trở về thăm Việt Nam vừa qua tôi đã ghé qua thành phố đó để được biết đến miền đất thiêng với núi Tản sông Đà. Tản Viên cũng gợi nhớ câu chuyện thần thoại Sơn Tinh và Thủy Tinh của một thời trẻ dại mà mỗi lần nghĩ tới tôi vẫn còn thấy tiếc thương, nhất là khi ghé thăm “Đền Và”, nơi thờ thần núi, và cũng còn được gọi là “Đông Cung”.
 
 
Đền Và
 
Đền cổ xưa, kiến trúc không có gì đặc sắc nhưng trông thân quen, không khác gì những miếu đình tại quê tôi, làng Thuận Tốn hay còn được gọi là làng Thượng, bên bờ sông Hồng. Mẹ tôi thường nhắc tới “Đình Đào, Miếu Thương, Chùa Lê”, những nơi chốn thâm nghiêm nhưng bây giờ đã rất xa, và vì tuổi tác nên dù rất muốn nhưng mẹ tôi không thể nào trở lại chiêm ngưỡng thêm một lần.
 
Từ Đền Và  băng qua những con đường nhỏ bé chúng tôi ghé thăm làng cổ Đường Lâm, đất của hai vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Bài học lịch sử về Phùng Hưng thì tôi không còn nhớ nhiều thế nhưng Ngô Quyền, người đại thẳng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt một ngàn năm Bắc Thuộc thì làm sao tôi có thể quên! Và cũng rất tình cờ người tour guide đưa chúng vào thôn Mông Phụ, quê hương của người bạn đi cùng. Bạn tôi bàng hoàng nhận ra xóm cũ vì cũng đã lâu lắm rồi mới lại trở về chốn xưa. Cô ấy tần ngần vuốt ve những bức tường đá ong và bờ giếng cạn, cúi đầu chắp tay trước sân đình, nơi ông thân sinh của cô ấy hàng năm vẫn gửi tiền về để tu bổ cho đến phút cuối đời.
 
 
Đình Mông Phụ
 
Những căn nhà trong làng được giữ nguyên vẻ cổ xưa với mái ngói, sân gạch, chum tương và vại cà, hai thứ thức ăn bình dân không thể thiếu của những gia đinh miền Bắc cổ xưa, dù nghèo hèn hay giầu sang.
 
 
Nhà Cổ Làng Đường Lâm
 
Với đa số du khách hình ảnh đó hầu như  rất tầm thường, thế như lại làm tôi cay mắt vì tôi chợt nhớ đến bà nội tôi và căn nhà ở quê xưa. Có thể nói là bà nội tôi giầu lắm. Nhà ngói ba gian với sân gạch rộng mênh mông để phơi thóc thế nhưng bà tôi một đời cần kiệm, tương cà quanh năm, chỉ khi tôi từ Hà Nội về thăm mới có một nồi thịt kho, dành cho “thằng Đài”, mong cho nó hay ăn chóng lớn, học hành tấn tới để nên người. Bà gọi tôi là “Thằng Đài” thay vì tên trong giấy khai sinh vì tên tôi trùng với tên một chức sắc trong làng, và cũng vì tôi biếng ăn, chỉ thích nghịch ngợm, phá phách hơn bất cứ đứa trẻ nào trong làng.
 
Khi gia đinh tôi di cư vào Nam năm 1954 bà nội tôi ở lại miền Bắc, và mất trước khi có phong trào cải cách ruộng đất nên may mắn không bị đem ra đấu tố. Khi biết tin tôi bật khóc!  Ông tôi nhiều vợ, bà tôi là bà thứ Tư, và Ông mất khi bố tôi còn rất nhỏ nên tôi chỉ biết có Bà chứ không hề biết đến Ông! Bà tôi giàu có nhưng gia tài để lại cho chúng tôi chỉ là một bức hình trên bàn thờ gia tiên. Ngày giỗ Bà cũng là ngày giỗ tổ Hùng Vương nên chúng tôi không bao giờ quên. Không có cỗ bàn, tôi chỉ thắp vài ba nén nhang, cúi đầu tưởng niệm. Nhìn lên bàn thờ tôi lại nhớ tới niêu thịt kho và lời mắng mỏ thân tình: “Cha bố cái thằng Đài biếng ăn”, và tôi cảm thấy thật là bâng khuâng.
 
Bạn thân,
 
Làng cổ Đường Lâm và Đền Và đã mang tôi về miền dĩ vãng, và tôi biết là tôi không thể nào quên. Những tấm ảnh chụp tại hai nơi mang dấu tích lịch sử đó đều có hình bóng bạn bè đi chung, không thích hợp đem post lên diễn đàn, nên tôi đã dùng hình ảnh tìm thấy trên Internet để chia sẻ với bạn vài cảm nghĩ đơn sơ và riêng tư. Còn nhiều nơi tôi muốn tới thăm như chùa Yên Tử, thác Bản Giốc, và những tỉnh địa đầu như Cao Bằng, Lạng Sơn …  nên tôi sẽ trở về thêm một lần trước năm 2020. Rất mong là sẽ có bạn đi cùng.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
May 11, 2017 
 
 
 
 
 
 
NgụyXưa 12.06.2017 05:04:18 (permalink)

Vụn Vặt Trong Đời Sống

 
Bạn thân,
 
Đầu tháng Sáu vừa qua tôi trở về San Jose tham dự đại hội HQ/VNCH, tổ chức cho tất cả quân nhân các cấp từ thủy thủ tới đô đốc, từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ VN. Bằng hữu và chiến hữu xa cách lâu ngày gặp lại nhau trong niềm xúc động và ngậm ngùi. Có những người tưởng như xa lạ thế nhưng khi xưng tên, nhắc tới đơn vị cũ mới nhận ra nhau, nắm tay nhắc những kỷ niệm mà tưởng như chuyện cũ vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
 
Người thủy thủ trẻ nhất về tham dự cũng đã ngoài 60 tuổi, còn vị đô đốc nguyên tư lệnh HQ một thời bây giờ đã 97. Nhiều người không còn đứng vững trên đôi chân, và mái tóc đen nhánh bồng bềnh lộng gió trên boong tàu của những ngày tháng cũ bây giờ đã điểm sương, thế nhưng những bàn tay trao nhau vẫn ấm áp như thuở nào.
 
Chuyện xưa kéo dài hầu như không thể chấm dứt, những người không có mặt được nhắc tới, và  những người đã qua đời được tưởng nhớ trong niềm tiếc thương. Chúng tôi bây giờ sống bằng kỷ niệm, nhớ tới bạn cũ bằng những câu thơ buồn:
 
Tóc tớ bây giờ không xanh nữa
Chỉ còn một chút nhớ thương thôi.
 
Mà thôi, bạn ạ. Gặp nhau một ngày thế là đủ. Quá khứ nhắc mãi cũng mỏi mòn nên hôm nay xin kể chuyện đời, chuyện người với bạn cho vui. Bạn biết không, tôi đã từng làm việc như một statistician gần 10 năm cho một hãng đầu tư trước khi đổi nghề, chuyển sang IT (Information Technology). Hồi đó nhóm của tôi gồm năm người, đứa nào cũng bằng cấp đầy mình và sếp sòng là một ông Ph. D. tốt nghiệp tại một đại học danh tiếng. Chúng tôi dùng computer để phân tích dữ kiện từ thị trường chứng khoán, và cố gắng xây dựng một mô hình tiên đoán giá cả cổ phiếu (stock) và nhu yếu phẩm (commodity futures) trong tương lại. Chúng tôi dùng nhiều kỹ thuật, từ “time series” đến “causal feedbacks” nhưng không mô hình nào đứng vững được lâu dài, cuối cùng đành tuyên bố là giá cả chứng khoán “random walk”, có nghĩa là không tiên đoán được, và “tan hàng”! Sếp của tôi trở về trường dạy học, tôi đầu quân cho Sun Microsystems khi công ty này còn trứng nước, và các đồng nghiệp khác cũng “giã từ vũ khí”, tản mác trong vùng Bay Valley, trở thành nhân viên cho các hãng hi-tech, không còn dám lạm bàn tới stock hay commodities.  
 
Thực ra dù không “trade” nhưng tôi vẫn có một số stocks để giữ về lâu về dài, nếu không cuộc đời sẽ tẻ nhạt vô cùng, sáng ngủ dậy chẳng biết thị trường hôm nay ra sao để vui để buồn. Thú thật với bạn là 10 stocks tôi mua thì có tới … 9 stocks gần như tiêu tùng, thế nhưng may mà những stocks còn lại “cứu bồ” nên chưa đến nỗi “bị gậy” tới văn phòng chính phủ xin welfare. Mấy thằng cứu bồ là “Netfix” và “Facebook”, mua từ lúc mới ra chào đời nhưng vẫn chưa bán, và không biết bao giờ nên bán vì mua stock thì dễ nhưng bán ra thì khó vô cùng!
 
Có những hôm (đúng hơn là nhiều hôm liên tiếp) sáng thức dậy, mở TV thấy các chỉ số chứng khoán Down Jones, S&P 500 và Nasdaq đỏ lòm, tôi thờ dài, nhái hai câu thơ nhớ bạn ở trên thành:
 
Stock tớ bây giờ không xanh nữa
Chỉ còn một chút tiếc thương thôi.
 
K. may mắn hơn tôi trong lãnh vực đầu tư, đi làm 28 năm cho hãng Hewlett Packard, được mua cổ phần và stock option với giá rẻ nên bây giờ “financial independent” trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. Mặc dù stock của HP cũng lên thác xuống ghềnh, nhưng lại “đẻ” ra được bốn năm thằng con mang tên A, HPE, HPQ, KEYS, DXC cho vui vẻ với làng xóm. Chưa hết, hiện thời K. làm việc cho VMWare, và stock của hãng này cũng mang tới cho K. thêm chút tiền còm, đủ để cho cháu ngoại đi học đại học nếu sau này thằng bé không theo gách xiệc làm nghề đu bay!
 
Bạn thân,
 
Hãy còn là những ngày cuối cùng của mùa xuân nên buổi sáng trời Carlsbad vẫn đầy sương mù, không khí ẩm ướt, đủ lạnh để mặc áo ấm và để nhớ về một nơi trên cao nguyên bên kia biển Thái Bình. Qua lá thư của một cô bạn nhỏ từ Hà Nội tôi được biết thành phố đó bây giờ đã là mùa hè, hoa phượng, hoa bằng lăng, hoa sen  nở đầy, và có những hôm  ngoài trời nóng tới 46 độ C.  Thế nào tôi cũng sẽ về thăm thành phố đó thêm một lần, dù chưa định được ngày đi nhưng chắc chắn phải là trước năm 2020; bạn biết vì sao mà, phải không?
 
Thân chúc bạn một mùa hè rực rỡ cùng với những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
June 11, 2017
 
 
NgụyXưa 28.06.2017 04:21:53 (permalink)

Một Chút Tình

 
Bạn thân,
 
Tôi buồn thẫn thờ sáng nay khi nghe tiếng kèn truy điệu bảy người thủy thủ của chiến hạm USS Fitzgerald bỏ mình trong tai nạn đụng tàu tại Yokosuka, Japan. Tiếng kèn của người thủy thủ đứng trên cầu tàu nhìn ra biển, dù chỉ nghe qua TV trong căn phòng khách yên vắng, cũng thấy thật là thiết tha. Tôi nghĩ là thân nhân của những người quá cố và thủy thủ đoàn dự lễ truy điệu chắc là khó cầm được nước mắt.
 
Những người đã một thời cùng một mầu áo trắng, dù khác mầu da hay quốc tịch, vẫn cảm thấy như có chút gì liên hệ nên thường đồng cảm với niềm vui hay nỗi buồn, nhất là trong những người bị nạn có một thủ thủy gốc Việt, tuổi còn rất xanh.
 
Hạm trưởng của chiếc khu trục hạm, đang ngủ trong phòng riêng khi tại nạn xẩy ra trước khi trời sáng, cũng bị thương và được trực thăng vận đưa vào bờ cứu cấp. Mặc dù không có mặt trên đài chỉ huy nhưng theo hải qui hạm trưởng vẫn là người sẽ phải chịu trách nhiệm các lỗi lầm của thủy thủ đoàn, và đời hải nghiệp coi như là chấm dứt từ đây, chưa kể còn có thể bị truy tố trước toà án quân sự, bị giải nhiệm hoặc tù đày. Bất công quá phải không bạn thân, thế nhưng đó là giá phải trả để có quyền hạn “magister post diem”, trên là trời dưới là ta! Mấy chục năm về trước bạn ta để tàu đụng phải mìn trôi trên dòng Cổ Chiên cũng thân bại danh liệt. một đời gậm nhấm nỗi buồn.
 
Có nhiều trường hợp khiến chúng ta gián đoạn cuộc đời, thế nhưng không có biến cố nào làm bạn bè Bảo Bình thay đổi đời sống như là biến cố tháng Tư năm 1975! Vài năm trước đây gặp nhau ở Washington DC để kỷ niệm ngày tốt nghiệp, những dòng thơ “Bảo Bình Trên Xứ Lạ” đã được viết ra để kiểm điểm lại cuộc đời.
 
Có những người mới ra khỏi quân trường là đã ngang dọc trên những dòng sông đầy lửa đạn của miền Nam cũng như đã từng liều mình ngoài biển Bắc cùng với lực lượng đặc biệt thế mà bây giờ:
 
Biển Bắc ta hề  coi nhẹ không
Phong sương dầy dạn kiếp tang bồng
Bỗng dưng nghiêng ngửa đời lưu lạc
 Ðất liền thủy thủ bàn tay không
Cúi đầu hiu hắt trên đường phố
Chiều về ra biển đứng chờ trông. 
 
Nhưng dù sao thế cũng là may mắn vì đã đế được đất nước tự do này. Nhiều bạn ta chịu cảnh tù đày, và khi trở về gia đình tan tác cho lòng xót xa:
 
Khi anh về hoa rơi trên lối cũ
Chim xa rừng và lá đã thay mầu
Mây cũng u buồn bay đi viễn xứ
Và chúng mình thôi không còn có nhau
 
 Thuyền xa bỏ bến Sông Cầu
Trong cơn gió lộng, xa nhau mịt  mù
Mùa sang trở giấc đêm thu
Mơ nghe em gọi tận từ miền xa.
Thấy em theo gió về nhà
Gót chân quất quít theo tà áo xưa.
 
Có những bạn hoàn cảnh còn đau đớn hơn, vượt tuyến tìm tự do nhưng rồi thấy vợ con chết trên biển trong cơn tuyệt vọng. Biết gì hơn là tỏ lòng tiếc thương:
 
 Em ơi chín nhớ mười thương
Em đi để sóng đại dương nghẹn ngào
Anh ngồi dỗ giấc chiêm bao
Ðợi em cùng với trăng sao hiện về
 
Đau đớn quá phải không bạn thân? Sang tới đất nước này, ngoài chuyện phấn đấu để thích nghi với đời sống mới, nhiều người đã biệt tích, qui ẩn để gậm nhấm nỗi buồn riêng:
 
Ta riêng ở một góc trời
Một trang tâm sự, một đời phế hưng.
 
Thế nhưng  có một ngày bỗng dưng niềm tin được sống dậy để làm chuyện đội đá vá trời :
 
Mười năm tìm kiếm may vừa gặp.
Bẻ kiếm bên trời tưởng đã quên
Uống đi, một chén tương phùng nữa
Mai mình nương gió kéo buồm lên.
 
Cánh buồn không đủ gió để về đến bến bờ VN, trái lại bạn bè tan tác trên chiến trường Hạ Lào, đã chua xót lại càng chua xót thêm, thế nhưng “không thành công cũng thành nhân” , bạn không có gì hổ thẹn với lương tâm.
 
Bạn thân,
 
81 anh em Bào Bình bây giờ chỉ còn lại hơn năm chục, và chỉ có MỘT người sống tại VN. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nên cũng đành:
 
Cây da rễ bám bên đình
Mang đi không được nên mình xót xa.
 
Riêng những người  ở trên xứ lạ thì dù sao bây giờ cũng đã có một đời sống bình thường, và ít ra thì cũng đã mang đến cho lớp người sau một một niềm hạnh phúc đơn sơ :
 
Dù không thỏa mộng sông hồ
Cho con cha dựng bến bờ yêu thương
Cho em giấc ngủ bình thường
Cho anh một chút tơ vương cuối trời.
 
Thôi thì, hãy cứ coi đó là triết lý để sống cuộc đời còn lại. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa chẳng bao giờ chúng mình quên được màu biển xanh và những bến bờ đã đi qua một lần :
 
Mắt xưa vương bóng sông hồ
Tóc xưa gió lộng bến bờ yêu thương
Mê man giấc mộng đêm trường
Hồn theo ngọn sóng, về đường biển xưa.
 
Xót thương những người vừa tử nạn trên biển, và nghĩ đến thân phận anh em Bảo Bình, nên trích lại vài dòng thơ cũ để tâm tình với bạn. Mong là bạn được an vui trong những tháng năm vàng.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa,
June 27, 2017
 
NgụyXưa 30.07.2017 00:51:24 (permalink)

Một Chút Tình Vui

 
Bạn thân,
 
Vào những tháng năm vàng chúng mình thường có nhiều chuyện buồn liên quan tới đời sống của bạn bè, thế nhưng cũng có những lúc thượng đế chợt từ bi bất ngờ để hôm nay tôi có thể chia sẻ với bạn một chút tình vui của bạn ta.
 
Tôi đã viết về J vài lần nhưng toàn là những chuyện không vui. Có lẽ là số mệnh nên  mặc dù “chàng” đẹp trai, học giỏi thế mà cuộc đời lại thật là long đong, bẩy nổi ba chìm, chín cái lênh đênh! J vào trường SQHQ năm 1961, ngay sau khi vừa đậu Tú Tài, một phần vì yêu đời sông nước nhưng một phần cũng vì hoàn cảnh gia đình không mấy khá gỉả để J tiếp tục theo đuổi con dường học vấn. J tốt nghiệp thuộc hàng “top 3” nên sau một thời gian ngắn phục vụ trên chiến hạm J được gửi qua Mỹ học về điện tử để về nước làm việc với Hoa Kỳ trong chương trình chuyển giao các đài radar của Mỹ dọc theo bờ biển VN cho HQ/VNCH. Hoàn thành nhiệm vụ J trở lại hạm đội, thăng cấp “quan Năm tàu thủy”, chỉ huy một tuần dương hạm, và hơn thế nữa, lập gia đinh với người đẹp của rạp ciné REX tại Sài-Gòn.
 
Cuộc đời như vậy còn gì vui hơn, phải không bạn thân? Thế nhưng, chữ nhưng khốn nạn, biến cố tháng Tư năm 1975 làm điên đảo bao nhiêu cuộc đời, trong đó có J. Vì đau mắt, phải nằm nhà thương, J không thể mang tàu di tản cùng với hạm đội trong chuyến hải hành cuối cùng. J đã ở lại để “được” đi “học tập” có hơn mười niên! Ngày tháng trong tù tưởng như dài vô tận nhưng rồi bạn bè cùng khoá cũng đều lần lượt được thả ra, riêng J được giữ lại chỉ vì cán bộ trại tù (trong cái thời kỳ khốn khó chỉ biết ước mơ đến “đạp, đồng, đài”) cần J sửa radio, cassette …, trông coi máy điện và những dụng cụ liên quan tới nghề điện tử của “chàng”! Đúng là “chữ tài liền với chữ tai một vần”. (Kiều).
 
Cuối cùng thì trại tù “cải tạo” cũng phải đóng cửa, J được cho về, và sau đó qua Mỹ theo diện HO, bắt đầu một giai đọạn mới của cuộc đời nhọc nhằn nhưng cũng có những ngày hạnh phúc trong niềm đam mê. Với ít nhiều hư cấu tôi đã viết một truyện ngắn về đoạn đời này của J nên ở đây tôi chỉ xin vắn tắt về một chuyện tình nóng bỏng, tưởng như không có thật của “chàng”. Vì lý do riêng tư J đã phải chia tay với người vợ tào khang sau 42 năm, lao vào vòng tay của một người đàn bà nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Nam Cali. Trai tài gái sắc tìm tới nhau cũng chỉ là chuyện thường tình, thế nhưng đó cũng là cơ hội cho J theo đuổi giấc mộng văn chương ấp ủ từ thời niên thiếu. Tiếc thay cuộc tình mới cũng chỉ kéo dài được vài năm, người tình của J vì khẩu nghiệp nên cuối cùng phải bỏ Cali tìm tới một chân trời xa còn J thêm một lần nữa như con thuyền không bến, tháng ngày một mình gậm nhấm nỗi buồn trên căn gác trọ của một người không quen!
 
Tưởng rằng cứ như thế rồi cuộc đời cũng qua, thế nhưng, lại nhưng, tình cờ một người thân của chủ nhà tới chơi, biết được hoàn cảnh và nỗi lòng của J nên trái tim tưởng như đã chai đá chợt mềm. Cả hai cùng một lứa bên trời lận đận nên đã tìm đến nhau, ấp ủ những tháng năm còn lại của cuộc đời. J gọi tôi, báo tin là tháng tới sẽ làm đám cưới với người yêu. Tôi chúc mừng J, “Que sera, sera”, mấy ai biết được những ngày sau của cuộc đời thế nhưng lúc này ít ra J cũng đã có một chút tình vui, phải thế không bạn thân?
 
Bạn thân,
 
Gần đây tôi thuờng đi thăm viếng người quá cố và người đau yếu nhiều hơn là tìm đến những chỗ đông vui, thế nhưng tháng Sept. này tôi sẽ tham dự hai đám cưới và một cuộc họp mặt trường cũ của K., (Trưng Vương, Khung Cửa Mùa Thu, đó bạn), như thế cho riêng tôi cũng là một chút tình vui!
 
Vẫn chưa tới mùa thu để cho tôi nhận được thư của người bạn nhỏ từ Hà Nội như cô ấy vẫn thường viết cho tôi hàng năm từ ngày cô ấy rời Paris. Hy vọng thư năm nay cũng sẽ có thiệp hồng như cô ấy đã hứa để cho tôi và K. lại có dịp náo nức mong một ngày về thăm lại chốn xưa.
 
Mùa hè rực rỡ, thân chúc bạn những ngày an vui dù bạn đang cùng gia đinh du lịch đâu đó hay là chỉ đứng tại sân sau nhà với ly cà phê ấm áp thơm nồng, nhìn mây bay ngang trời, ngẫm nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
July 28, 2017
 
 
NgụyXưa 10.08.2017 01:30:52 (permalink)
 

Như Cánh Bèo Trôi

 
Anh Nguyễn thân,
 
Thật là bất ngờ nhưng cũng thật ấm lòng khi được tin anh cũng như mỗi khi liên lạc được với các bạn đồng đội ngày xưa. Cám ơn anh đã có lời thăm hỏi sau gần 50 năm mất tin nhau.
 
Anh cho biết là mới vừa tới nước Mỹ được vài năm, vẫn còn xa lạ, và muốn hỏi ý kiến của những người đi trước như chúng tôi về một thái độ chính trị thích nghi, và nhất là quan niệm của người Việt tại Hoa Kỳ đối với chính quyền Mỹ. Anh cũng băn khoăn về hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, không biết đảng nào “pro” Việt Nam hơn.
 
Nhân mùa bầu cử vừa qua bạn bè chúng tôi cũng có nhiều tranh cãi, người bênh vực Cộng Hoà, người hoan hô Dân Chủ, thế nhưng cũng chỉ bàn cho vui chứ chúng tôi biết là không ai thuyết phục được ai. Anh biết mà, người ta khó thay đổi quan niệm chính trị và lòng tin tôn giáo của mình một cách dễ dàng. Tuy nhiên về phương diện chính trị nước Mỹ chúng tôi đều nhận thức được một điều. Đó là: chính phủ Hoa Kỳ nào cũng nghĩ đến quyền lợi của quốc gia họ trước khi họ nghĩ đến đồng minh, và thái độ của chúng ta đối với chính quyền Mỹ tùy thuộc vào vị trí chúng ta lựa chọn để suy tư như một công dân Mỹ hay là mãi mãi vẫn chỉ nghĩ mình là công dân VNCH.
 
Vào thập niên 1960, thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà,  Mỹ theo chủ thuyết Domino, chống Cộng cực đoan, sợ rằng nếu VN rơi vào tay CS thì các nước lân bang cũng sẽ lần lượt bị tràn ngập bởi làn sóng đỏ nên Mỹ đã đổ quân ào ạt vào VN. Tổng thống N.Đ. Diệm không muốn quân đội ngoại quốc hiện diện tại lãnh thổ do ông ta cai trị nên đã bị chính phủ Dân Chủ của tổng thống Kennedy/Johnson lật đổ, và chiến tranh VN từ từ bước vào giai đoạn khốc liệt.
 
Bắt đầu từ thập niên 1970 chính sách của Hoa Kỳ đã thay đổi, một phần vì sự chống đối của dân chúng và một phần vì áp lực của những nhóm tài phiệt, thuyết Domino không còn chỗ đứng nên chính phủ Cộng Hoà của Mỹ dưới sự lãnh đạo của các tổng thống Nixon/Ford  đã bỏ rơi VN để bắt tay với Trung Hoa, một thị trường rộng lớn, khiến cho bao nhiêu người Việt phải tha hương.
 
Đó là một bài học cay đắng cho VN và những nước nhược tiểu phải trông cạy vào sự giúp đỡ của các quốc gia hùng mạnh. Chỉ vì yếu kém về kinh tế và quân sự, các quốc gia còn đang trên đà phát triển như VN khó có thể thoát được cái vòng kim cô của các cường quốc. VN Cộng Sản bây giờ cũng đang bị Tàu chi phối về mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, quân sự đến môi trường, và có thể trở thành một tỉnh của Tàu trong nay mai. Thật là oan nghiệt!
 
Mỹ bây giờ lại có một chính sách mới (do chính phủ Dân Chủ của Obama đề xướng), xoay trục về Asia, hầu như bỏ mặc cho Trung Đông khói lửa, nếu có tham chiến cũng chỉ giữ vai trò yểm trợ chứ không còn trực tiếp ào ạt mang quân tới như trước đây vì Mỹ lúc này đã có thể tự túc về năng lượng (do kỹ thuật fracking), không còn lệ  thuộc vào dầu hoả của khối Arab như thời 1970. Thôi không làm cảnh sát quốc tế nữa nên Mỹ rút dần quân đội từ ngoại quốc về, ngoài ra vẫn có thể thủ lợi, cung cấp vũ khi cho những nước còn đang chiến tranh. Nhiều người bảo thủ cho thế là hèn kém, làm nước Mỹ suy yếu, và đó cũng là một nguyên nhân khiến D.Trump thắng cử, trở thành tổng thống của Hoa Kỳ bây giờ.
 
Về phương diện kinh tế, chính quyền mới cổ động cho phong trào “America First”, “Make America Great Again”, thúc đẩy sản xuất nội địa, gia tăng công ăn việc làm cho dân Mỹ, cắt giảm di dân (bất hợp pháp và ngay cả hợp pháp) … nghe rất vừa lòng người bảo thủ. Thế nhưng cũng có những người cấp tiến, muốn một nước Mỹ ôn hoà, chủ trương “global economy” để san sẻ với các nước chậm tiến bằng cách chế tạo sản phẩm tiêu dùng khắp nơi ngoài nước Mỹ, giúp cho lân bang như Mexico ổn định xã hội, nâng cao nếp sống để họ không tràn sang nước Mỹ, gây ra nhiều vấn đề, thay vì xây tường ngăn cách dọc theo biên giới. Khi phải sống trong một xã hội bất an và nghèo khó thì đại dương bao la còn không ngăn cản được con người đi tìm một chân trời mới, xá chi một bức tường cao hay một hàng rào giây thép gai. Người Việt năm 1975, và người Trung Đông bây giờ, đã và đang vượt biển tìm tự do, xây dựng lại cuộc đời.
 
Tôi nghĩ là Hoa Kỳ muốn trở lại VN (hay ít ra là Cam Ranh), nhất là từ khi Philippines trở mặt đi với Tàu, nên đã có thái độ thân thiện và mềm mỏng với chính quyền VN hiện tại. VNCH ngày xưa đối với họ không còn là gì cả, sẽ không bao giờ họ muốn giúp những người lưu vong trở về lập lại chính quyền, thế giới đã thay đổi, VNCH thực sự đã chết, chỉ còn sống trong lòng những người Việt tha hương. Mối quan tâm của chúng ta bây giờ là phải làm gì để VN trường tồn, không bị Hán hoá như Tây Tạng, Nội Mông, Mãn Châu … Những gì chúng ta có thể làm là tiếp lửa cho những người trẻ ở VN đứng lên đòi hỏi dân chủ và quyền tự quyết. Đó không thể là công việc một sớm một chiều mà đòi hỏi sự kiên trì, và hy vọng vào sự thuận lợi của tình hình thế giới.
 
Chính phủ Mỹ, Dân Chủ hay Cộng Hoà, bao giờ cũng chỉ nghĩ tới quyến lợi quốc gia Hoa Kỳ tuy nhiên nhân dân Mỹ vẫn là những người có lòng nên người Việt tha hương đều được giúp đỡ khi mới tới đất nước này, và bây giờ đa số đã có một đời sống bình yên. Anh em chúng mình, những người xa xứ một thời đã như cánh bèo trôi, lúc này đã ngoài tuổi cổ lai hy, đều biết rằng thời của chúng mình đã qua, nhưng vẫn hy vọng (dù là mong manh) con cháu đời sau học được bài học Do Thái, đoàn kết đấu tranh, để một ngày nào lại được trở về một nơi gọi là Việt Nam Tự Do, nếu chẳng may tổ quốc lại bị đô hộ bởi ngoại nhân từ phương Bắc.
 
Anh Nguyễn thân,
 
Chia sẻ với anh vài suy nghĩ riêng tư và đơn sơ, không biết là có đáp ứng được những băn khoăn của anh hay không. Mong có dịp gặp lại anh để chúng mình tâm tình nhiều hơn. 
 
Vài hàng thăm hỏi, và cám ơn anh đã nhớ tới những ngày tháng cũ khi chúng mình cùng phục vụ trên con tàu bé nhỏ nhưng dễ thương HQ-600 của HQ/VNCH.
 
Thân ái chúc anh và gia đình những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
August 8, 2017
Ngụy Xưa
 
NgụyXưa 23.09.2017 11:18:15 (permalink)

Gió Bụi Mùa Thu

 
Bạn thân,
 
Hôm nay mùa thu chính thức bắt đầu trên Bắc bán cầu. Khi còn trong tuổi thanh niên, mùa thu của tôi là những Mùa Thu Yêu Đương , bây giờ ở tuổi vàng mùa thu thường đến cùng với mội nỗi buồn mênh mang.
 
Email của một người bạn đính kèm theo một bài viết khiến cho tôi thấy thật bùi ngùi:
 
Cứ vào mùa thu, khi lá bắt đầu vàng úa trên sân trường đại học tôi lại nhớ đến bóng dáng của những người lính đã nằm xuống 30 năm trước. Những khuôn mặt thật trẻ của nhà văn Võ Hoàng, nhạc sĩ Trần Thiện Khải, kỹ sư Ngô Chí Dũng,…
 
Ba mươi mùa thu, lá rừng đã phủ lấp, đã ôm ấp hình hài của những người lính năm nào khát khao trở về quê mẹ. Ba mươi mùa thu, những đứa trẻ ngày xưa đã lớn, nhiều người đã quên, tôi cũng đã quên mất cái ngày ngồi trong một góc thư viện của Truman College và đau lòng đọc bản tin về cuộc đụng trận của họ ở Nam Lào…” (Trích: Tình Yêu Cuả Bụi – Tác giả: Ngô Mai Hương – Nguồn: viettan.org)
 
Tôi biết những người có tên trong bài viết đầy cảm xúc nêu trên. Khi họ lên đường tôi cúi đầu cảm phục, khi họ không trở về tôi cúi đầu lòng buồn xót xa. Họ không thành công nhưng đã thành nhân. Họ về không được nên đất nước bây giờ như là một vết thương lở lói, và hình như chẳng còn là của người Việt mình. Lá thư của cô bạn nhỏ từ Hà Nội gửi cho tôi đêm qua thật buồn:
 
“Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, thiên tai bão lũ hoành hành với bao tang thương, thực là không cầm lòng được. Nước Việt mình ngoài thiên tai còn bao điều bức bối, tất cả chỉ như một quả bom chờ nổ. Gần đây, chứng kiến nhiều chuyện của bạn bè, người thân, suy ngẫm và mỗi sáng đi làm trong cảnh tắc đường, nhốn nháo, cháu đang tự hỏi mình đang ở đây làm gì, mặc dù vẫn có công việc để vất vả cống hiến, vẫn có một gia đình bình yên để trở về...”
 
Tuổi trẻ đầy băn khoăn nhưng hình như bất lực trước hoàn cảnh, hoang mang đi tìm cho mình một con đường. Đất nước rồi sẽ đi về đâu để cho những người trẻ có những mùa thu an vui, như tôi đã may mắn có được một thời?
 
Đó là chuyện xưa, và chuyện bây giờ ở quê nhà. Mùa thu năm nay  đất nước tạm dung này cũng trải qua nhiều tang thương. Texas ngập lụt vì bão Harvey, thiệt hại hàng chục tỷ dollars. Một sếp cũ của tôi chân đã què vì tuổi tác cũng phải “di tản chiến thuật”, chờ nước rút, và nhà có điện lại, mới được trở về.
 
Tháng December này anh em Bảo Bình nhớ đời biển cả, rủ nhau thăm viếng các hải đảo trong miền Caribbean thế nhưng hai trận bão liên tiếp, Irma và Maria, tàn phá gần hết những nơi anh em chúng tôi dự trù tới thăm, nhất là San Juan, nơi tôi đã có một kỷ niệm êm đềm. Chúng tôi quyết định không hủy bỏ chuyến đi vì dù không thể thăm viếng các thắng cảnh chúng tôi vẫn có cơ hội gặp lại nhau, đứng trên boong tàu, nhớ về ngày tháng cũ và kỷ niệm xưa. Tháng ngày còn lại của chúng tôi bây giờ rất mong manh. Tuần trước Toàn Nai giã từ anh em về nơi miên viễn, tôi bận việc không thể về San Jose đưa tiễn bạn lần cuối, chỉ  gửi cho tang quyến được đôi dòng: “Bái anh Toàn, và xin cầu chúc hương linh anh sớm về miền cực lạc”.
 
Đất nước lân bang càng thê thảm hơn. Mexico động đất 7.1, hàng trăm người chết trong cảnh hoang tàn. Trường học sụp đổ, chôn vùi những đứa trẻ thơ. Có thảm cảnh nào đau đớn hơn là dòng nước mắt từ những bà mẹ đi tìm con? Đất nước đó vốn đã nghèo, người dân phải tha phương kiếm sống, bây giờ làm sao xây dựng lại được những đổ vỡ điêu tàn?
 
Bạn thân,
 
Sáng sớm hôm nay miền Nam Cali gió đã se lạnh, và nơi tôi ở còn lác đác vài giọt mưa thu. Mùa thu thực sự đã về. Mùa thu năm nay là mùa thu gió bụi, không chỉ buồn mà còn man mác một niềm đau. Thôi thì hãy cứ tự an ủi là “trời đất nổi cơn gió bụi” nhưng chúng mình may mắn được bình yên. Hãy cố giữ cho tâm hồn và thể xác được thảnh thơi trong lúc tuổi vàng để còn gặp lại nhau, bạn nhé.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Sept. 22, 2017
NgụyXưa 15.10.2017 02:14:31 (permalink)

Cali Khói Lửa Mịt Mù

 
Bạn thân,
 
Cám ơn bạn từ bên kia bờ đại dương đã gửi lời thăm hỏi chúng tôi vì Cali khói lửa mịt mù. Nước Mỹ năm nay nhiều tai hoạ, sau những trận bão tàn phá Texas, Florida và các hải đảo trong vùng Caribbean Sea bây giờ những đám cháy tại Cali đã tiêu hủy hơn 3,700 căn nhà, tổn thất hơn một tỉ dollars, và hơn 30 người thiệt mạng, chưa kể hàng trăm người mất tích, trong đó có một cặp vợ chồng già lấy nhau đã 75 năm. Thật là tội nghiệp!
 
Hoả hoạn vẫn đang còn hoành hành, đám cháy gần nhất cách thành phố Carlsbad, nơi chúng tôi cư ngụ, hơn 100 cây số nên chắc là chúng tôi sẽ may mắn được an toàn.
 
Nhớ lại cách đây hai năm, khi chúng tôi đang du lịch bên Âu Châu, cháy lớn ngay tại Carlsbad. Chúng tôi xem TV, đứng ngồi không yên nhưng cũng không biết làm gì hơn. K. liên lạc với Anne, con gái chúng tôi ở San Diego, nhưng Anne cũng không thể tới gần nhà chúng tôi để xem tình hình ra sao. Gần tới ngày trở về Cali chúng tôi mới được tin là mọi sự bình yên, lửa cháy tới ngọn đồi bên cạnh thì gió đổi chiều nên khu  nhà chúng tôi được thần hoả tha Tào.
 
Khi trờ về thấy sân sau ngổn ngang tro bụi và tin nhắn của chính quyền thành phố để lại trong điện thoại yêu cầu di tản, cũng như những lời thăm hỏi của bạn bè, chúng tôi vừa bàng hoàng vừa vui mừng. Quả tình nếu ở nhà lúc đó chúng tôi cũng không biết xoay sở ra sao, mang theo cái gì, và bỏ lại cái gì để ra khỏi vùng khói lửa. Ông hàng xóm người Đại Hàn tới gõ cửa nhà (trong lúc chúng tôi đi vắng) tìm “đồng minh” vì cũng lúng túng. May mà tất cả đều bình yên.
 
Nước Mỹ rộng mênh mông, thiên tai xảy ra khắp nơi.  Hàng năm hầu như đều có bão tố ngập lụt hoặc gió lốc tàn phá hay là động đất cháy rừng. Thế nhưng quốc gia này vẫn tồn tại và càng ngày càng thịnh vượng, còn VN mình không biết rồi sẽ ra sao. Đầu năm 2019 chúng tôi sẽ về thăm lại quê hương, hy vọng là giòng sông Cửu Long nước chưa cạn để tàu bè vẫn còn xuôi ngược được như xưa. Tôi muốn đi lại giòng sông cũ thêm một lần vì vẫn chưa quên được những tháng ngày “giang hồ mê chơi quên quê hương”. (Tản Đà).
 
Ngày đó xa lắm rồi, cũng đến 50 năm, từ biển tôi nhiều lần mang tàu vào cửa Tiểu, ngược giòng Hậu Giang, qua Mỹ Tho, cắt ngang Vàm Nao, xuôi giòng Hậu Giang tới Long Xuyên, Cần Thơ … tiếp tế cho các đơn vị Hải Quân. Cửu Long lúc đó đúng là chín con rồng vì chín nhánh sông đều chảy ra biển, và nhánh sông nào nước cũng mênh mông một mầu phù sa, mỗi mùa nước nổi tràn lên ruộng đồng cho đất thêm màu mỡ. Người dân miền Nam được thiên nhiên ưu đãi, đời sống dễ dàng nên bản tính rất là cởi mở, dễ thương.
 
Cửu Long và những thôn xóm ven bờ trông thật hiền hoà thế nhưng những tháng năm đó chiến tranh rất khốc liệt. Bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, một qủa B40 từ trong bờ bắn ra cũng có thể làm cho con tàu chở dầu nổ tung. Nhiều bạn bè tôi đã bỏ mình trên những nhánh sông, tôi may mắn chỉ một lần rách áo, nhưng dù không đổ máu tôi cũng cảm nhận được đời sống lúc bấy giờ thật là mong manh.
 
Có những buổi tối ngồi trong những quán café nghe những bài hát của thời chinh chiến  tôi thường trầm ngâm với một nỗi u buồn. Tuy nhiên những thành phố ven sông, nơi tàu cặp bến, cũng là những nơi tôi đã gặp gỡ những người bạn miền xa, và những mối tình thoáng qua nhưng để lại những dấu ấn một đời không phai.
 
Bạn thân,
 
Chúng tôi vẫn bình thường, đời sống trầm lặng, thích nghi với tuổi vàng và đang  chuẩn bị cho vài chuyến đi cho những năm sắp tới. Đi để gặp gỡ bạn bè, và cho riêng tôi, thêm một lần đứng trên boong tàu mơ về ngày tháng cũ và kỷ niệm xưa.
 
Mong là mùa thu Hà Nội năm nay thời tiết dịu êm, và bạn có những ngày an vui. Cũng mong bạn dàn xếp công việc để có thì giờ qua thăm đất nước này một lần. Đêm qua nói chuyện điện thoại với T. chúng tôi lại nhắc tới bạn và tới những kỷ niệm chúng mình cùng nhau đi thăm cố đô Hoa Lư vào dịp đầu năm. Thời gian đi mau quá, thoáng một cái mà đã mấy tháng nhưng tôi cứ tưởng như mới đây, khi chúng mình còn ở bên nhau.
 
Bạn giữ gìn sức khoẻ nhé. Cũng cho tôi gửi lời thăm hỏi tới các bạn bè bên đó, và hẹn lại ngày gặp mặt.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Oct. 14, 2017 
 
NgụyXưa 23.11.2017 06:14:54 (permalink)

Dưới Mái Trường Xưa

 
Bạn thân,
 
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường có hai vị giáo sư tôi không thể nào quên, mặc cho gió bụi cuộc đời và những tháng năm dài đã trôi qua.
 
Người thứ nhất là thày Doãn Quốc Sỹ dạy Việt văn tại trường Trần Lục khi tôi mới cùng gia đinh di cư từ Bắc vào Sài Gòn năm 1954. Thày dáng người thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ, luôn luôn dịu dàng với những đứa học trò nhỏ  nhưng nghịch ngợm như ma.
 
Tôi thích văn chương từ thời vừa mới bước vào tuổi mười bồn, mười lăm, và tôi nghĩ thày Sỹ có lẽ cũng nhìn thấy ở tôi tuổi trẻ của mình nên thày đã dùng cả tên và họ của tôi để đặt cho nhân vật chính của “Dòng Sông Định Mệnh”, ấn bản đầu tiên. Lòng ưu ái của thày và những tác phẩm thày viết thời đó ít nhiều đã đưa đẩy tôi vào con đường sáng tác, dù rất muộn màng. Hơn 60 tuổi tôi mới in tác phẩm đầu tay, “Về Nơi Mù Sương”, gửi biếu thầy một bản để tỏ lòng tri ơn.
 
Người thứ hai là giáo sư Lê Phụng, dạy toán chúng tôi năm đệ Nhất tại trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt. Thày Phụng là Sỹ Quan Hải Quân, tốt nghiệp tại Pháp và có bằng cử nhân Toán nên dù là “lính thủy” bộ Quốc Phòng cũng đã thuyên chuyển thày lên trường Võ Bị Đà Lạt khi trường này cải tổ thành trường Võ Bị Quốc Gia, và các sinh viên được huấn luyện để trở thành những người văn võ song toàn.
 
Do thiếu giáo sư nên thày Phụng được mời dạy thêm tại trường Trần Hưng Đạo, và ở dó chúng tôi không chỉ cần cù học toán mà còn say mê với những câu chuyện viễn du tới những phương trời xa lạ của thày. Sau năm học đó tôi đã chọn trường SQHQ Nha Trang để làm người đi biển, một phần củng là do ảnh hưởng của thày.
 
Thày Phụng và tôi có nhiều liên hệ vì cùng phục vụ một quân chủng, và chúng tôi vẫn còn giữ được mối dây liên lạc cho tới vài năm gần đây. Trước năm 1975 thày được gửi qua Mỹ du học. Xong Master, rồi do cuộc đời đưa đẩy, thày qua Canada học thêm để lấy bằng tiến sĩ, tiếp tục nghề dạy học tại một trường đại học thuôc vùng Montreal cho tới khi hồi hưu hơn mười năm trước đây.
 
Tuần rồi thân nhân của tôi ở bên Canada báo tin là giáo sư Lê Phụng vừa mới qua đời. Tôi thẫn thờ, gục đầu buồn bã nhớ về một thời trẻ dại, nhớ thày nhớ bạn, những người đã đi qua đời mình và để lại dấu ấn không phai.
 
Tôi viết thư cho vài người bạn học cũ tại Đà Lạt báo tin buồn. Thư qua, thư lại, danh sách người nhận càng ngày càng tăng, vì có những người bạn lâu ngày không liên lạc nhưng do vài dòng báo tin hình như đã “sống” lại, ồn ào nhắc nhở nhau kỷ niệm của những ngày còn ở dưới mái trường.
 
Có người viết: “Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với thầy như lần thầy đuổi tôi ra khỏi lớp vì xem chuyện hình vẽ Titin trong giờ học. Đầu năm thầy không ưa tôi nhưng dến cuối năm tôi lấy lại được cảm tình với thầy, tôi vẫn còn giữ được học bạ do thầy ký.”
 
Không phải chỉ có những lá thư kể chuyện xưa mà còn có cả những tấm hình cũ được truyền cho nhau, nhất là từ các bạn còn sống tại VN, lưu giữ được những hình ảnh của những ngày xa xưa. Những tấm hình chụp chung có cả những người con gái mà bọn “nhóc” con trai chúng tôi một thời mê say. Những người con gái năm cũ đó bây giờ ở đâu, còn ở trên thế gian này hay cũng như thày, đã thành người thiên cổ?
 
Tôi đưa cho K. xem những tấm hình cũ  nhưng K. không nhận ra tôi  vì trong hình tôi trông giống như một tên du đãng giang hồ, áo lạnh khoác vai, đầu ngẩng cao như đang thách đố ai. Chỉ có một tấm hình chụp chung với Hoa và Khoát ngày cắm trại tại hồ Than Thở là tôi trông tương đối “serious”, khoe với các bạn miền xa là hồi trẻ có lúc Ngụy không “ngụy” một chút nào:

 Hoa, Thiệu, Khoát – Đà Lạt 1961: http://vinasoft.com/Pictures/Thieu_1961
 
Bạn thân,
 
Chắc chẳng bao giờ chúng mình quên được ngày tháng cũ, phải không bạn thân? Tôi muốn tổ chức một buổi họp mặt học trò cũ của cụ Trứ, thày Hiếu, thày Kim, thầy Kha, thầy Phụng … tại Đà Lạt nhưng nhiều bạn ở hải ngoại hơn 40 năm rồi vẫn nhất định không về VN, còn các bạn hiện ở VN trái lại đa số không có phương tiện sang Cali, hay một nơi nào đó ở nước ngoài. Thôi thì, với những người còn ở bên đó và những người ở bên này “nhớ nhau không đo bằng ngàn dậm, mà bằng cả tinh hà” nên thế nào rồi cũng có một ngày chúng minh sẽ gặp lại nhau.
 
Bây giờ đã bắt đầu mùa lễ hội, Happy Thanksgiving, và thân chúc các bạn những ngày an vui với gia đinh.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 22, 2017
 
NgụyXưa 24.12.2017 06:23:33 (permalink)

Vòng Xe Ân Tình

 
Bạn thân,
 
Tôi mới trở về nhà đêm qua, sau hai chuyến cruises (tổng cộng 21 ngày) thăm viếng những hải đảo bị tàn phá vì bão tố trong vùng Caribbean Sea, nhưng cũng có dịp ghé thăm những bến bờ xa lạ của các hải đảo miền Trung Mỹ như Amber Cove, Martinique, Grenada, Bonaire và Curacao.
 
Tôi đã đi qua vùng biển này vài lần nhưng cũng có nhiều nơi tôi mới đặt chân tới lần đầu. Đi tới chỗ nào tôi cũng mường tượng và so sánh với các địa danh của VN mình để nhớ để thương. Khi đi thăm St. Thomas qua những con đường nhỏ bé cheo leo bên bờ vực sâu tôi nhớ con đường đèo Ngoạn Mục từ Đà Lạt xuống Phan Rang đến thẫn thờ. Khi còn trẻ tôi đã từng đạp xe trên con đường đèo đó, và đáng nhớ hơn cả là vào dịp Tết năm 1973, khi tôi và K. từ Nha Trang về Đà Lạt bằng chiếc xe Ladalat nhỏ bé chở đầy dừa và cành đào mua dọc đường khiến xe lên dốc gần như đứt hơi!
 
Tôi đã nhìn thấy những ân tình tại những hành lang nhỏ hẹp trên con tàu Royal Princess với hơn ba ngàn du khách, phần lớn đã ở vào tuổi hồi hưu. Trên những chiếc xe lăn có người già đẩy xe cho người già, những mái đầu trắng xóa cúi xuống gần nhau, tiếng nói như thì thầm nhưng ánh mắt dịu dàng như reo vui. Nhiều lần tôi chậm chạp theo sau những vòng xe ân tình đó, và tôi thường nghĩ tới một đứa em tôi.
 
Khi mới tới đất nước này K. và các em tôi không nề hà làm những công việc với đồng lương tối thiều như  hotel maid, dọn bàn trong nhà hàng Tàu, đứng bán hàng tại Mc. Donald … để đùm bọc lẫn nhau. Mấy tháng sau tháng Tư năm 1975 tôi mới tốt nghiệp tại Naval Postgraduate School, được tuyển dụng vào một công ty quốc phòng, ổn định đời sống, và có cơ hội thoát khoải căn apartment tối tăm tại Seaside, mua căn nhà nhỏ tại thành phố Salinas, quê hương của văn hào John Steinbeck.
 
Mặc dù công việc rất thuận lợi nhưng hai năm sau tôi quyết định di chuyển từ Salinas tới San Jose, một phần vì cơ hội nhưng lý do chính là vì K. và các em tôi đều đã học xong college, cần tới một thành phố lớn có university để tiến thân. Hơn thế nữa Salinas quá nhỏ bé, không có người Việt để các em tôi làm bạn, trong lúc đang ở vào tuổi ngoài 20.
 
Tại San Jose university cô em gái đã gặp được người để thương yêu. Họ kết hôn, đã sống với nhau 37 năm, có với nhau hai đứa con thành đạt, sống trong căn nhà trị giá $1.5 millions, và người chồng có lẽ là một người hiền nhất đời, không rượu chè, không cờ bạc, và hầu như không cả bạn bè. Thú vui độc nhất là chiếc TV to đùng và những bữa ăn do vợ lựa chọn.
 
Hơn một tháng trước đây cô em gái tôi gọi, khóc nức nở: “P. bỏ em đi rồi!”  Tôi ngẩn ngơ, nghẹn lời và không thể tin những gì mình vừa nghe và cũng không thể nào hiểu được lý do một người đàn ông ở vào tuổi 62 lại có thể rũ bỏ một gia đinh êm ấm để đi theo một người đàn bà luống tuổi khác, mặc dù đó là người tình cũ của thời hoa niên, mới gặp lại trong một lần họp mặt trường cũ.
 
Em tôi lúc này sống vật vờ, vẫn còn khóc lóc thương nhớ, và vẫn hy vọng người chồng một lúc nào đó sẽ hồi tâm và trở về. Dù không hài lòng với hành động của P. nhưng tôi cũng mong vào những ngày vàng em tôi cũng sẽ có được một vòng xe ân tình như tôi đã nhìn thấy trên con tàu Royal. Never say never, phải không bạn thân.
 
Gần tới ngày Xmas và năm mới. Trong lúc tôi đi xa các con tôi đã tới nhà dựng cây thông và trang hoàng nhà cửa nên khi trở về chúng tôi thấy ấm cúng, nhưng trong không khí êm đềm tôi lại lại càng thấy thương xót em tôi.
 
Bạn thân,
 
Mùa đông  đã bắt đầu trên bắc bán cầu nhưng Cali cũng chỉ hơi se lạnh, đi bộ trong nắng vẫn thấy ấm áp nhưng tôi lúc nào cũng nhớ câu “Nắng nơi đây cũng là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương” , trong bài hát “Mưa Sài Gòn Nắng Cali” của Nguyệt Ánh. Cuối năm nhớ về ngày tháng cũ đôi lúc đến thẫn thờ, buồn vui man mác, thương nhớ đầy vơi … Mong là bạn lúc nào cũng an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 21, 2017
 
NgụyXưa 10.01.2018 10:38:18 (permalink)

Mưa Đầu Mùa

 
Cuối cùng mưa cũng rơi xuống miền đất sa mạc khô cằn của miền Nam Cali.  Tiếng mưa rơi trên mái ngói hoà lẫn vào những cảm nghĩ buồn vui khi tôi ngồi viết những dòng tâm tình gửi bạn miền xa.
 
Tại bữa ăn trưa đầu năm 2018 các bạn cùng khoá Bảo Bình hiện đang sống tại miền Nam Cali đề nghị là chúng ta nên gặp nhau một lần trong năm nay vì còn quá lâu mới tới ngày kỷ niệm 60 năm ngơ ngác bước chân vào quân trường (tháng Tám năm 2021) , và như De Gaulle Hàm phát biểu: “tới lúc đó thì chết … mẹ nó hết rồi!” 
 
Mọi người đồng ý và ban tổ chức đã được thành lập, đang chờ các bạn ở xa góp ý để lựa chọn một thời điểm thích nghi. Dù gặp mặt ở bất cứ nơi đâu thì chúng ta cũng sẽ có những ngày vui bên nhau để siết chặt tình thân, phải thế không bạn thân?
 
Mưa và gió lạnh cũng nhắc nhở những kỷ niệm của những ngày tháng cũ tại thành phố Đà Lạt mù sương. Bố mẹ chúng tôi nghèo và thời thế đổi thay nên 7 anh chị em chúng tôi mỗi người đều có một số phận riêng. Kém may mắn nhất là cô Út, “người duy nhất trong nhà không có tuổi trẻ, kể cả cái tuổi trẻ xã hội chủ nghĩa điên cuồng.  Năm 1975, lúc vừa 16 tuổi, mọi ước mơ trở thành hoang tưởng.  Tuổi thiếu nữ thần tiên chả có gì ngoài quần đen áo bà ba nhem nhuốc, tay xách cặp, tay vác cuốc đến trường.  Học xong trung học, đứa dốt nhất lớp cũng được vào cao đẳng sư phạm, trong khi em thì ngồi vêu vao chờ ngày vào thanh niên xung phong (vì lý lịch Ngụy của các anh).  May sao chui vào được cái trường không ai muốn vào, học nấu cơm tập thế với những cái chảo khổng lồ, xới cơm lên bằng xẻng xúc đất.” Đời còn có gì vui!
 
Vì cái tuổi trẻ lầm than của Út đó nên anh em chúng tôi đã cố gắng lo cho em trở lại sân trường đại học khi em đến đất nước này vào năm 1992, và em đã không phụ lòng mong mỏi của chúng tôi. Chỉ trong vòng 5 năm em đã xong “Master in Computer Science” tại SJ State University, được một hãng high-tech trong vùng Bay Valley tuyển dụng, và vẫn còn làm việc cho hãng ấy cho đến ngày hôm nay. Các con của Út cũng thành đạt, có đứa còn vượt xa bố mẹ trên con đường sự nghiệp. “Tiền hung hậu kiết” như các cụ mình ngày xưa thường nói đó bạn thân!
 
Đầu năm (Tây) “vui như Tết” nhưng cũng có những chuyện buồn phiền. Một nhà văn bạn ta bây giờ hầu như ít ra khỏi nhà, không lái được xe vì một mắt đã loà, không những thế ngồi trên ghế cũng phải có người đỡ mới đứng dậy được một cách vững vàng. Mấy “niên trưởng” khoá đàn anh, chỉ nhập ngũ trước chúng mình có một năm, bây giờ chiếm mấy phòng cạnh nhau trong … nhà thương, bạn bè vào thăm nắm chặt bàn tay mà nói không ra lời.
 
Bạn thân,
 
Đoạn này viết cho C.. Bạn và tôi nên cám ơn trời vì chúng mình vẫn còn sức khoẻ để tung tăng góc biển chân trời. Bonus đó bạn thân. Bạn vẫn “cuồng Trump” như ngày nào nhưng chúng mình không còn bàn cãi như xưa. Một người đàn bà có tiếng trong cộng đồng, và tài sắc vẹn toàn, nhưng chỉ vì “khẩu nghiệp” mà cuộc đời long đong. Tôi sợ lắm. Chúng mình không cần tranh luận những vấn đề ngoài tầm tay. Thực ra thì dù không bỏ phiếu cho Trump, tôi vẫn đồng ý với vài mục tiêu ông ấy theo đuổi tuy rằng không đồng ý được với cách thức ông ấy thi hành, nhất là vấn đề di dân. Xin bạn hãy coi đây như là những lời tâm tình chứ không phải là tranh cãi hơn thua.
 
Nhiều đứa trẻ được bố mẹ chúng mang tới đất nước này, dù bất hợp pháp, nhưng đã lớn nên ở đây, chỉ biết có một quê hương là nước Mỹ. Nếu bây giờ họ là người lương thiện và nhất là đang đóng góp cho xã hội, thì họ đáng được hưởng quyền công dân chứ không nên bị trục xuất khỏi một nơi mà hơn 200 năm trước mọi người từ Âu Châu cũng đến nơi đây bằng cách này. Đòi hỏi quốc hội cung cấp 18 tỉ US dollars để xây tường biên giới mới hợp thức hoá những người trẻ được mênh danh là Dreamers mà đa số đều cho là hợp lý, thì không khác gì blackmail (hăm dọa để làm tiền)!
 
Đồng ý với ông Trump là chúng ta cần ngăn chặn những thành phần bất hảo vào nước Mỹ tuy nhiên điều lệ thanh lọc cần được tu chính theo một tiêu chuẩn mới, và phải được thi hành đúng đắn chứ không thể bằng một quyết định vội vàng, “tạm thời” ngăn cản tất cả công dân của một nước nào đó, tạo ra những xáo trộn khiến nhân viên công quyền không kịp trở tay.
 
Nhiều người vẫn nghĩ rằng bức tường biên giới khó ngăn cản được làn sóng di dân nghèo khó, muốn thoát khỏi một nơi bất an để tìm một nơi làm lại cuộc đời. Giá mà chính phủ Mỹ đem 18 tỉ để giúp các nước láng giềng diệt trừ những tổ chức tội phạm (drug cartels) và phát triển kinh tế thì có lẽ làn sóng di dân sẽ giảm bớt đáng kể. Không ai muốn rời bỏ quê hương mình nếu được ấm no hạnh phúc và mạng sống không bị đe dọa bởi đám côn đồ cướp của giết người. Quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc là những điều khoản căn bản trong tuyên ngôn độc lập của Mỹ nhưng cũng cần được áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt quốc gia. 
 
Khi ra tranh cử ông Trump đã gọi những người di dân Mexican là những kẻ xấu xa, (“They're bringing drugs. They're bringing crime. They're rapists. And some, I assume, are good people.”). Trong nhiều năm sống tại đất nước này tôi đã gặp nhiều người Mexican hiền lành hơn là hung dữ. Người làm vườn hiện tại giúp tôi dọn dẹp cây cỏ hai tuần một lần lúc nào cũng lễ phép, cần cù và khả ái, mặc dù chỉ kiếm được đồng lương tối thiểu mà không một ông Mỹ trắng hay một bà Mỹ đen nào muốn làm. Xin hãy mở rộng vòng tay.
 
Bạn thân,
 
Đầu năm hoài cảm, viết lăng nhăng đủ thứ chuyện, mong bạn “tha Tào”. Khi gặp nhau tôi sẽ mời bạn một ly, “bottom up”, để tạ tình nếu chẳng may tôi làm bạn không vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Jan. 9, 2018
 
 
NgụyXưa 03.02.2018 04:37:20 (permalink)

Mỗi Năm Hoa Đào Nở

 
Bạn thân,
 
Cám ơn các bạn miền xa đã ghé thăm và để lại dấu ấn đồng cảm, nhất là các bạn đã gửi thư chia sẻ nỗi niềm, chúc mừng năm mới vì Tết cũng đã gần kề.
 
Người ta nói “vui như Tết” thế nhưng với tôi Tết chỉ vui khi tôi còn thơ ấu, lúc gia đinh tôi còn sống tại Hà Nội, và tôi còn là đứa bé hàng ngày lóc cóc tới  trường tiểu học Quang Trung! Lúc đó tôi thường đếm từng ngày, chờ đến Tết để được mặc quần áo mới, được tiền mừng tuổi, và nhất là được theo bố mẹ về quê. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên quê tôi nhiều hội hè đình đám và nhiều trò vui như  đánh đu, đấu vật, chọi trâu, cờ người … Với đứa bé chưa đầy 10 tuổi dù chỉ được hoà mình vào đám đông cũng thấy vui, nhất là lại có những đứa em họ đồng trang lứa lôi kéo nhau, rúc rích cười đùa.
 
Ngày vui qua mau, di cư vào Nam bố mẹ tôi hầu như bỏ lại hết tài sản ngoài Bắc nên gia đinh tôi thật nghèo. Tết trên cao nguyên có gió lạnh, có hoa đào và có những người con gái má đỏ môi hồng trưng diện trên đường phố, nhưng tôi không  thấy nôn nao như thuở còn thơ dại. Anh em chúng tôi cũng có những bữa cơm ngon hơn ngày thường và những chiếc áo len mẹ đan vội buổi tối dưới ánh đèn mờ, thế nhưng quả tình tôi không thấy một chút vui vì  thấy bố mẹ thức khuya dậy sớm, vật lộn với đời sống hàng ngày. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi bỏ nhà, gia nhập quân đôi khi khi chưa đầy 18 tuổi, và mới chỉ học xong trung học.
 
Đời quân nhân nay đây mai đó, chẳng có Tết nào tôi được về thăm nhà. Không cắm trại “100 phần trăm, em ơi” thì cũng góc biển chân trời, và đôi khi còn hơn 10 ngàn dậm xa, bên kia bờ đại dương. Có những cái Tết “rượu uống say mèm nên chẳng nhớ, hỏi bạn bao giờ xuân mới qua”, và bạn biết không: “áo trận chứ đâu nào áo mới, sương gió nên màu đã bạc phai” , ngậm ngùi nhớ những ngày trẻ dại, ước gì mình có lại một mùa xuân của tuổi thơ.
 
Bạn thân,
 
Nhữg ngày mới làm người di tản buồn Tết nào tôi cũng tìm đến những hội chợ của cộng đồng Việt Nam. Đến không để tìm vui nhưng để tìm kiếm bạn bè và  người quen thất lạc sau biến cố đau buồn năm 1975. Bây giờ nhờ  Internet tôi đã biết hết ai sống ai còn, ai chìm sâu đáy nước, ai lưu lạc đâu đó trên địa cầu, nên ít còn bén mảng tới những nơi đông đúc xô bồ. Năm nay cộng đồng người Việt miền Nam Cali cũng sẽ lại tổ chức hội Tết và có cả xe hoa diễn hành. Nghe nói là một chiếc xe truck sẽ được trang hoàng như Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, con tàu tôi có nhiều kỷ niệm, đang ngủ yên dưới lòng biển sâu vì đã tham dự trận hải chiến Hoàng Sa. Tôi sẽ không tới xem diễn hành vì  sợ là mình sẽ khóc thầm, nhớ Ngụy Văn Thà, nhớ Bích Cà Chua, thằng bạn thân cùng khoá, theo Nhật Tảo từ Mỹ về VN nhưng đã bỏ mình đâu đó trên đường đi tìm tự do.
 
Tết này mẹ tôi vừa đúng 100 tuổi. Tôi sẽ về thăm mẹ, ăn một bữa cơm với đại gia đinh, đi thăm mộ ông thân sinh, và lên chùa Giác Minh, nơi tôi gửi hình Bích Cà Chua, thắp nhang cho bạn bè đã qua đời. Dù không có gì vui nhưng  trong lòng yên ả, cám ơn thượng đế đã cho chúng tôi thêm một mùa xuân để yêu thương cuộc đời, vì dù sao tôi cũng cảm thấy mình đã may mắn hơn nhiều người.
 
Bạn thân,
 
Chắc là bạn biết bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, gửi bạn bốn câu thơ “nhái”,  cảm khái nhân dịp xuân về:
 
Mỗi năm hoa vàng nờ
Lại thấy người lính già
Buồn vương đôi mắt đỏ
Nhắc chuyện tháng ngày qua
 
 
 
Chuyện tháng ngày qua buồn nhiều hơn vui, thôi thì cứ coi đó như là phận mình. Thân chúc bạn năm mới Mậu Tuất an vui, sức khoẻ dồi dào và gặp nhiều may mắn.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Feb. 2, 2018
 
 
Ct.Ly 03.02.2018 15:45:05 (permalink)
NgụyXưa 03.02.2018 23:56:56 (permalink)
Ct.Ly


Woa, má anh thọ thật, 100 là một tuổi rất hiếm đó anh

Vâng, ngày đại thọ con gái có mặt đó là cái hạnh phúc của tuổi già
Chúc bác càng cao tuổi, càng khoẻ mạnh, an khang, trường thọ

Kính
Cám ơn Ct.Ly đã thăm hỏi và chúc mừng. Vâng, mẹ tôi tuổi Kỷ Mùi,  "tuổi ta"  đúng là 100. Tuổi già thường không được khoẻ mạnh nhưng mẹ tôi may mắn vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ chuyện đời xưa, và nhất là vẫn còn đi đứng được để tự lo những việc lặt vặt cho chính mình. Các chị em gái của tôi sống quanh quẩn bên mẹ nên dù ở xa, một năm về thăm nhà vài lần, tôi vẫn thấy yên tâm.
 
Nhân dịp Tết sắp tới thân chúc Ct.Ly và các bạn trong phòng Văn năm mới Mậu Tuất an vui, sức khoẻ dồi dào và gặp nhiều may mắn.
 
Tình thân,
 
NX
NgụyXưa 24.02.2018 23:49:37 (permalink)

Lãng Đãng Hương Xưa

 
Bạn thân,
 
Tôi trở về San Jose ăn Tết với mẹ và các em, và mặc dù không tìm lại được hương vị năm mới của những ngày trẻ dại nhưng hình như “lãng đãng hương xưa” đâu đó vẫn còn.
 
Mẹ tôi thuộc lớp người của thế hệ cũ, rất cũ, nên dù sống tại nước Mỹ nhưng vẫn  tha thiết với những tục lệ cổ truyền, tuyệt đối tin là linh hồn tiền nhân hiện hữu  đâu đó trên trời, ngày Tết sẽ về quanh quẩn với gia đình cho tới hết Tết mới lại ra đi. Ba mươi Tết mẹ tôi thắp nhang khấn khứa mời các cụ về, và ngày mồng ba Tết mới “hoá vàng” tiễn các cụ đi. Thờ cúng tổ tiên là một truyền thống lâu đời của người Việt, và mẹ tôi đã sống với phong tục làng quê 100 năm, từ lúc sinh ra cho đến bây giờ.
 
Phong tục với thời gian rồi cũng sẽ thay đổi hoặc là sẽ phôi pha, nhất là với những người trẻ đang sống xa quê hương, như một đoản khúc vui vui về chuyện “hoá vàng” cô em tôi viết trên facebook:
 
Trưa ngày mồng 3 tết, mẹ bảo đi đốt giấy tiền vàng bạc tiễn các cụ về trời. Trời nắng đẹp, nhưng bắt đầu trở gió. "Con đi đốt bây giờ nhé? Tí nữa trời gió lắm, không khéo tàn lửa bay cháy nhà". Mẹ lắc đầu: "Không được, phải đốt khi trời tối. Bây giờ trời sáng, ăn cướp nó trông thấy thì sao?". Một lúc sau mẹ nghĩ lại "Nhưng mà ở bên Mỹ không có cướp, chắc không sao đâu. Tí nữa đốt cũng được".
 
Mẹ chia giấy tiền vàng bạc ra làm hai xấp: một cho bố, một cho bà nội. Tiền nhiều lắm, không đếm xuể, nên chỉ tách làm đôi. Còn 5 thỏi vàng thì mẹ chia cho bố 3, bà nội 2. Lý do là "bố mày hay đi đánh bạc, cho ông ấy thêm một thỏi."
 
Mấy tờ giấy bạc trông giống như thật, có lúc đang đốt bỗng giật mình vì tưởng là mình là công tử Bạc Liêu. Không biết các cụ có khi nào bị thiếu tiền không nhỉ? Hay là làm cái ngân hàng bằng giấy, đốt cho chắc ăn. Còn muốn tiện lợi hơn thì đốt vài cái debit cards, mỗi cái khoảng $50,000. Đốt 4 cái là đủ xài một năm, mình đỡ tốn giấy in tiền . Kim Hằng.”
 
Bà nội tôi mất đã hơn 60 năm, và bố tôi cũng đã qua đời khá lâu, tháng Tư sắp tới sẽ là 18 năm. Dù có còn sống chắc là bà tôi cũng chẳng cần tiền vì bà một đời cần kiệm, tương cà quanh năm, dành dụm “cho bố thằng Đài để nuôi vợ, nuôi con”. Riêng bố tôi, công tử nhà quê, thuở thiếu thời mê tổ tôm xóc điã, tuy nhiên về già con cái biếu tiền để ông cụ chơi “slot machine” tại Vegas mà  ông cụ chỉ cười, lắc đầu đứng nhìn chúng tôi hò hét mỗi lần thấy máy móc reo vang!   
 
Tôi xa quê nhà từ nhỏ, năm 2004 về thăm lại làng xưa lối cũ, ngậm ngùi vì vật đổi sao dời. Căn nhà to lớn của bà nội tôi đã bị người ta chiếm mất nhưng bàn thờ gia tiên ở gian giữa vẫn còn đó vì người ta tin là bà tôi linh thiêng nên không dám phá bỏ.  Mộ của bà tôi nằm trong một thửa ruộng ngập nước gần cầu Vương của làng Thuận Tốn, tôi lội bùn xuống cắm ba nén nhang gần mộ bia, cúi đầu buồn muốn khóc: “Bà ơi, thằng Đài về thăm bà  …”.
 
Có lẽ sang năm tôi sẽ lại về. Làng Thuận Tốn bây giờ đã là một phần của Hà Nội như thế bây giờ Hà Nội là quê tôi, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tuổi thơ êm đềm. Chẳng biết tôi còn trở về được bao nhiêu lần trước khi nước Việt trở thành một vùng tự trị như Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và Mãn Thanh của Tàu. Nếu chuyện này xảy ra thì “buồn ơi chào mi”, tôi sẽ không bao giờ trở về, mặc dù còn rất nhớ thương.
 
Bạn thân,
 
Mẹ tôi vẫn tin là "mèo đến nhà thì (nghèo) khó, chó đến nhà thì (giàu) sang”. Năm nay là năm Mậu Tuất, năm của chú cẩu, nên cúng giao thừa xong mẹ sai em tôi dắt con Cookie ra khỏi nhà đi dạo, lúc trở về để Cookie xông nhà, tin tưởng là đại gia đinh sẽ gặp nhiều may mắn, an vui và thịnh vượng. Niềm tin này, cùng với những tục lệ của ngày Tết, còn thì nước Việt vẫn còn, phải thế không bạn thân?
 
Với tôi thì có lẽ năm nay sẽ là năm may mắn thật đấy bạn ạ. Đầu tháng Feb. thị trường chứng khoán xuống dốc không phanh, cái portfolio nhỏ bé của tôi tưởng là “tiêu tùng” thế mà bây giờ đã lại hùng dũng ngoi lên! Thực ra chúng mình bây giờ chỉ cần sức khoẻ chứ không cần tiền, tuy nhiên nếu có tí tiền còm để ngao du góc biển chân trời thì cuộc đời còn có chút vui! Vẫn không quên được những ngày tháng cũ nên tháng Tư sắp tới tôi sẽ từ Japan vượt Thái Bình Dương về Mỹ, bạn đi với tôi nhé.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Feb. 23, 2018
 
NgụyXưa 17.04.2018 08:01:43 (permalink)
 

Một Nơi Nào Cho Cánh Chim Thiên Di

 
Bạn thân,
 
Thấm thoát thế mà đã mười năm từ ngày tôi rời Thung Lũng Hoa Vàng về nơi hoang dã này. Carlsbad bây giờ không còn là nơi vắng vẻ như ngày tôi mới tới. Các ngọn đồi xanh lá cây rừng xung quanh La Costa Ridge đã lác đác những subdisivions với những căn nhà mái ngói ẩn hiện trong sương mù lúc ban mai. Buổi chiều mây vương đỉnh núi, phản chiếu ánh hoàng hôn tím khi mặt trời khuất núi chìm vào lòng biển khơi. Tháng ngày thật bình yên nhưng không biết là tôi sẽ còn ở mãi nơi này hay là lại thêm một lần như cánh chim biển tìm về một nơi nào đó xa xôi.
 
Nếu phải rời đi nơi khác một phần là vì tử vi của tôi có số “thiên di”, một phần khác là tại vì ... luật thuế mới của ông Trump đó bạn thân.
 
Nơi chúng tôi ở là vùng đất mới, chính quyền địa phương phải bán công khố phiếu (bond) để lấy tiền làm đường, xây cầu cống, etc… Nợ này cư dân phải trả như một thứ thuế phụ trội. Trước đây chính phủ liên bang cho phép khấu trừ tất cả các thứ thuế trả cho tiểu bang và địa phương (SALT=State And Local Tax) trước khi tính thuế liên bang. Cư dân ở những vùng đắt đỏ, giá nhà cao, lợi tức lớn, có thể khấu trừ hàng chục ngàn dollars. Tuy nhiên theo luật mới SALT bây giờ bị giới hạn ở mức $10K nên trong năm 2018 đa số cư dân ở những vùng như San Francisco, Silicon Valley, San Diego sẽ bị tăng thuế chứ không được bớt như ông Trump hồ hởi tuyên bố.
 
Đó là lý do nhiều cư dân California nghĩ tới chuyện di chuyển tới một nơi giá nhà và thuế thổ trạch thấp hơn, nếu không bị ràng buộc vì công ăn việc làm! Vài tiểu bang còn không có cả thuế lợi tức, có thể là nơi lý tưởng cho những người làm việc trong nghành điện toán của những công ty kỹ thuật cao tại Silicon Valley nhưng được phép telecommute, ngồi làm việc tại nhà.
 
Mà thôi, chuyện thuế má chán phèo, thế nào bạn cũng sẽ than: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!” Ai chẳng biết “Chết” và “Thuế” là hai điều không thể tránh khỏi trên cái cõi đời ô trọc này, và kiếm được tiền thì đóng thuế, đâu có chết thằng Tây say nào! Tuy nhiên vừa mới làm xong thuế má năm nay, nghĩ tới chuyện sang năm người ta sẽ được bớt còn mình sẽ phải đóng thêm ít nhiều nên than với bạn một chút cho đỡ buồn vậy thôi.
 
Bạn thân,
 
Tôi nghĩ tới chuyện di chuyển tới một chỗ khác để bớt gánh nặng tài chính, thế nhưng tôi vẫn chưa định được nơi đó là nơi nào. Tôi có tuổi thơ êm đềm tại Hà Nội, và một thời hoa niên thơ mộng với núi rừng cao nguyên Lâm Viên. Tôi cũng đã từng có một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, và mặc dù đời lang bạt nay đây mai đó nhưng thành phố mưa nắng hai mùa đó là tổ ấm của những ngày tháng yên vui với một tình yêu thiết tha. Tôi muốn trở về chốn cũ sống những tháng năm vàng còn lại của cuộc đời để đi lại những con đường thân quen, thế nhưng bạn biết là những nơi đó bây giờ đã đổi thay, không còn dấu chân xưa nên có trở về cũng sẽ lạc lõng, ít ra là lúc này.
 
Thôi thì hãy cứ nhận nơi này làm quê hương vì dù sao tôi cũng đã gắn bó với đất nước này quá nửa đời người, ở đây cho đến khi nào Mr. Trump đánh văng được  Tàu khựa ra khỏi biển Đông rồi sẽ tính sau. Chắc là bạn sẽ mỉm cười: “Oh yeah? You wish!” Chỉ là ước mơ thôi, thế nhưng không có ước mơ đời sẽ rất buồn.
 
Cuối tuần này tôi lại lênh đênh góc biến chân trời để tìm quên cho tới cuối tháng May mới trở về nhưng rất tiếc là bạn phải hủy bỏ chuyến đi chung vì lý do sức khoẻ. Cũng biết thêm là lúc này bạn rất buồn vì ngày 30 tháng Tư sắp đến. Nỗi đau còn dài, phải thế  không bạn thân?
 
Mong bạn hãy bảo trọng, và hẹn một ngày gặp lại để chúng mình cạn chén, khóc cười với chuyện của một thời theo con nước nổi trôi.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
April 15, 2018
 
 
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 18 của 20 trang, bài viết từ 256 đến 270 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 6 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9